Kinh Di Giáo
lược giải
---o0o---
-Phần
4-
Ð. Những Lời Khích
Lệ và Giáo Huấn Cuối Cùng
Phần này chia làm 3
tiết: tiết 1 lời khích lệ tổng quát, tiết 2 minh định giáo
lý căn bản, tiêt 3 những lời giáo huấn cuối cùng.
I. Khích Lệ Tổng
Quát.
Từ "các thầy tỳ
kheo, đối với mọi thứ công đức...không phải lỗi của người
dẫn đường": Kinh văn dạy: "Các thầy tỳ kheo đối
với mọi thứ công đức, các thầy hãy thường xuyên nhất tâm
tu tập, tránh sự phóng dật như tránh giặc thù". Mọi
thứ công đức là tất cả những công hạnh được đề
cập từ đầøu kinh cho đến cuối kinh, tất cả những công
hạnh đó đều gom vào trong tam vô lậu học: Giới, Ðịnh và
Tuệ. Những gì đức Phật dạy, ngài khuyến khích hãy nỗ
lực hành trì đừng để thời gian trống rỗng và đừng để
cho tâm phóng túng có cơ hội khởi lên, lấy chánh pháp làm
chỗ nương tựa, tâm lý được bảo bọc bởi chánh pháp sẽ
được an ổn và thanh tịnh. Những lời nhắc nhở cuối cùng
của Ðức Phật không nhằm để tôn vinh vai trò đạo sư, cũng
không xuất phát từ động cơ phát triển tôn giáo hay chủ
thuyết của mình, mà chỉ vì lòng đại bi thương yêu chúng
sinh, thương yêu đệ tử muốn cho họ được sớm thành tựu
giải thoát. Mặt khác lời nhắc nhở không phải là lời răn
dạy của một vị thầy khó tính,muốn tạo một áp lực tâm
lý để gây ấn tượng cho tương lai, Ðức Phật như người
cha thương con, trước bước đường chia ly mong con hiểu và
đi đúng con đường mà cha đã đi, vì lợi ích chính người
con. Kinh văn dạy: "thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói
chánh pháp ích lợi một cách cứu cánh, các con chỉ có nỗ
lực thực hành".
Thực hành bằng cách nào?
Và bắt đầu từ đâu? Ðức Phật dạy: "Hoặc trong núi
rừng, hoặc cạnh đầm vắng, hoặc dưới đại thọ, các
thầy hãy ở một cách thư thái trong tịnh thất nhỏ, nhớ và
chiêm nghiệm chánh pháp đã tiếp nhận, đừng để quên mất".
Lời dạy này của Ðức Phật tương ứng với lời dạy trong
kinh tạng Pàli và Ahàm: "lựa một chỗ thanh vắng tịch
mịch như núi rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm
cây, ngoài trời, đống rơm. Vị ấy ngồi kiết già lưng
thẳng, an trú niệm trước mặt" (Tượng Tích Tiểu Dụ
kinh, TBK). Vấn đề lựa chọn nơi chốn tu tập, một vài
vấn đề cần đặt ra:
1. Nếu một người mới
vào đạo, chưa thuần thục trong giáo pháp, chua thọ giới và
chưa hành trì giới luật một cách đầy đủ thuần thục ,
như vậy đức hạnh chưa thành tựu, mà vội vàng tìm kiếm nơi
vắng vẻ để tu niệm là một điều sai lầm nguy hiểm, vì
lẽ tu tập thiền quán phải dựa trên cơ sở thành tựu
giới học.
2. Chọn nơi thanh vắng,
tránh các ngoại duyên để chuyên tâm thiền quán là hợp lý.
Người xuất gia sống ở thành phố, hoặc ở gần nơi ồn ào
náo nhiệt, sống với công việc, tranh đấu, rất khó tu tập.
Tuy nhiên nếu biết sắp xếp công việc, tìm nơi yên tĩnh như
một căn phòng nhỏ ở trên lầu chẳng hạn, vẫn có thể tu
tập tốt mà không cần phải tìm chốn hoang vu.
Phương pháp tu tập là
"nhớ và chiêm nghiệm chánh pháp đã tiếp nhận". Nghĩa
là có chánh niệm, thường quán chiếu các đối tượng thân
thể, cảm giác, tâm tư và giáo pháp; hoặc quán sát tu tập
37 phẩm trợ đạo...điều quan trọng là đừng để quên
mất", tức là tu không gián đọan, thường niệm chánh pháp.
Có chánh pháp, nhớ chánh pháp và hành trì chánh pháp thì
cuộc đời sẽ không trôi qua một cách vô ích, khỏi hối
tiếc về sau.
Ðức Phật như vị lương
y, giáo pháp như thuốc chữa bệnh, có lương y có thuốc, mà
bệnh nhân không uống thì bệnh vẫn không lành, lỗi không
phải do thầy thuốc mà do chính người bệnh, vì vậy Ðức
Phật dạy: "Như Lai như vị lương y biết bệnh và chỉ
thuốc, còn uống hay không không phải là lỗi của lương
y". Trong các kinh cũng thường gọi Ðức Phật là đại y
vương. Thí dụ Ðức Phật như vị lương y rất thân thiết
với đời sống con người vốn nhiều bệnh tật. Thí dụ Ðức
Phật như người dẫn đường cũng rất chính xác, kinh văn
Phật dạy tiếp: "Lại như người dẫn đưòng rất tốt,
chỉ dẫn đường tốt cho người, nhưng nghe rồi mà không đi
thì không phải lỗi của người dẫn đường". Lời giáo
huấn rất thiết tha và nhân bản, con người là chủ nhân
của chính mình, có thể tạo cho mình đời sống hạnh phúc
hay khổ đau. Ðức Phật không phải là một vị thần linh hay
thượng đế có quyền năng ban phúc hay giáng họa, hay ban cho
mình sự giác ngộ. Tương tự Ðức Phật đã dạy trong Trung
Bộ kinh khi Bà la môn Ganaka Moggallana hỏi: "Do nhân duyên gì
mà trong khi có sẵn Niết bàn, có bậc đạo sư dẫn dắt mà
có người chứng quả có người không chứng qủa ? ". Ðức
Phật lấy ví dụ thành Vương Xá, có con đường đi đến thành,
có người chỉ đường rành rẽ. Vậy mà có người đi lầm
lạc, có người đi đến đích. Niết bàn cũng vậy, Như Lai
chỉ là người chỉ đường đi đến Niết bàn (K.Ganaka
Moggallana, TBK I)
Lời khích lệ của Ðức
Phật đối với đệ tử rất thiết tha rõ ràng và hợp lý.
Giáo pháp đã được dạy cần phải hành trì, đời sống
ngắn ngủi đừng để trôi qua một cách vô ích. Phải tự mình
nỗ lực tiến lên đừng ỷ lại vào ai, ngay cả chính Ðức
Phật, vì Ðức Phật chỉ là người chỉ đường.
II. Minh Ðịnh Giáo
Lý Căn Bản
Từ "Các thầy tỳ
kheo đối với 4 chân lý...không còn hoài nghi gì nữa":
Kinh văn Phật dạy: "Các thầy tỳ kheo đối với 4 chân lý,
các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có thể chất vấn tức
khắc, không được giữ sự hoài nghi mà không cầu giải đáp".
Vấn đề nêu ra là Tứ diệu đế, trong kinh Du Hành (Trường
Ahàm) cũng có đoạn tương tự: "này các tỳ kheo, các ông
đối với Phật, Pháp, chúng Tăng và chánh đạo có gì nghi
ngờ nữa không? Ai nghi thì mau hỏi đi cho kịp thời, để sau
này khỏi ăn năn, giờ đây ta vẫn còn mà giải quyết cho".
Giáo lý tứ diệu đế
được Ðức Phật coi là căn bản nhất, cốt lõi nhất trong
toàn bộ giáo lý đã dạy, vì vậy ngài chú trọng đến một
cách đặc biệt. Giáo lý tứ đế này bao trùm hệ thống giáo
lý Phật giáo, đúng như lời nhận xét của ngài Xá Lợi
Phất: "Chư hiền giả, ví như tất cả đấu chân của
mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì
dấu chân này là lớn nhất trong tất cả dấu chân về mặt
to lớn. Cũng vậy chư hiền giả, tất cả các thiện pháp đều
tập trung trong Tứù Thánh Ðế" (Tượng Tích Ðại Dụ
kinh). Vì tứ diệu đế là căn bản nên sự hiểu biết về
tứ diệu đế rất quan trọng, liên quan đến pháp môn tu
tập và tiến trình giải thoát. Vì vậy Ðức Phật lặp lại,
nhấn mạnh để xác định tầm quan trọng của giáo lý tứ
đế, mặt khác giải quyết mhững gì còn hoài nghi, chưa rõ,
tạo một niểm tin vững chắc đối với 4 chân lý này. Thượng
tọa Chơn Thiện trong "Phật học khái luận" cũng
nhấn mạnh: "Người học phật phải ý thức sâu xa rằng
Tứ Thánh Ðế chẳng những chỉ là giáo lý nền tảng mà là
nền tảng nhất của các giáo lý nền tảng về mặt tôn
chỉ" (PHKL T.206)
Ðức Phật hỏi 3 lần,
không ai còn hoài nghi gì nữa, ngài A Nậu Lâu Ðà xác định
4 chân lý sự thật là chân lý, không thể khác được, với
những ví dụ sinh động: "Mặt trăng có thể làm cho nóng
lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi, nhưng 4 chân lý mà
đức Thế Tôn đã dạy thì không thể làm cho khác đi được".
Ðiều đó nói lên sự hoàn hảo về mặt lý luận cũng như
về mặt thực tiễn của 4 chân lý.
Tác dụng và hiệu quả
của 4 chân lý đã đem lại niềm tin cho các đệ tử, vì
vậy không có gì phải hoài nghi về 4 chân lý ấy. Suốt trong
45 năm hoằng pháp độ sinh giáo lý ấy đã được cọ xát,
thử thách ở nhiều góc độ khác nhau. Chân lý bao giờ cũng
là chân lý.
III. Những Lời Giáo
Huấn Cuối Cùng.
Từ "Chư tăng lúc
bấy giờ... những lời giáo huấn tối hậu của Như
Lai": Những lời giáo huấn cuối cùng của phần này chia
làm 3 phần:
1) Ðối với những đệ
tử hữu học, khi thấy đức Thế Tôn sắp diệt độ thì xúc
động, than thở bi cảm, đức Thế Tôn an ủi rằng:
a- Sự có mặt của Ðức
Phật ở cõi đời này nếu kéo dài thêm nữa cũng phải đến
lúc ra đi: "nếu Như Lai còn ở đời lâu đến một đại
kiếp đi nữa thì sự kết hợp nào rồi cũng phải tan rã".
b- Những gì cần làm
thì đức Như Lai đã làm xong, sứ mệnh độ sinh đã hoàn
tất, sống thêm ở đời cũng không lợi ích gì nữa: "Chánh
pháp tự lợi, lợi tha đã có đầy đủ. Như Lai sống cho lâu
cũng không còn lợi ích gì nữa".
c- Các đệ tử hãy
nỗ lực tu tập, hành trì dù Ðức Phật của thân xác không
còn nhưng Ðức Phật pháp thân thì vẫn thường trú bất
diệt: "Từ nay về sau đệ tử của Như Lai hãy triển
chuyển thực hành. Như thế là pháp thân của Như Lai thường
trú bất diệt".
2) Ðức Phật giáo huấn
về sự vô thường của thế giới và con người: "Các
thầy tỳ kheo phải ý thức toàn bộ cuộc đời là chuyển
biến vô thường , có kết hợp thì có tan rã". Giáo
huấn về sự vô thường của cuộc đời để khích lệ tinh
thần thoát ly, đừng bám víu vào cuộc đời. Nhìn sự vô thường
của cuộc đời, có hai thái độ xảy ra, một là vì cuộc đời
là vô thường nên tận dụng cơ hội để tu tập không để
cho thời gian trôi qua một cách trống rỗng. Hai là vì cuộc
đời là vô thường nên vội vã hưởng thụ, sống buông
thả không có trách nhiệm gì, thái độ thứ hai này là của
hạng phàm phu không biết thánh đạo, không xu hướng thánh đạo.
Ðức Phật dạy cho hạng người thứ nhất: "Cuộc đời
(vô thường) như thế, nên các thầy phải nỗ lực tinh tấn
để sớm cầu tự độ đem ánh sáng trí tuệ để diệt trừ
hắc ám vô minh".
Về sự vô thường của
thân thể, đức Phật dạy: "Như Lai diệt độ thì cũng
như trừ được cơn bệnh khủng khiếp. Ðây là một vật
tội ác và đáng bỏ, giả hiện là thân thể mà lại chìm
ngập trong biển già, bệnh, sống chết" thân thể là vô
thường, nếu không tu tập thì chính nó sinh nhiều tội lỗi,
đối với bậc đã đắc đạo , thân thể vẫn là một gánh
nặng sau cùng, vì sinh lý vật lý vẫn có những quy luật
của nó.
3) Ðức Phật nhấn
mạnh một lần nữa và đây là lời dạy sau cùng về bản
chất của vũ trụ nhân sinh:"Hãy thường nhất tâm, nỗ
lực ân cầu giải thoát. Toàn thể vũ trụ dầu pháp biến động
hay không biến động đều là trạng thái bất an và tan rã".
Ngài tuyên bố đây là giáo huấn tối hậu của Như Lai.
Biến động và không biến động là tất cả trạng thái động
và tĩnh của thế gian, cũng có nghĩa tất cả pháp hữu vi.
Lời dạy cuối cùng này cũng phù hợp với lời dạy cuối cùng
trong kinh trường Ahàm: "Tất cả vạn vật đều vô thường,
đó là lời dạy cuối cùng của Ðức Như Lai "(kinh du hành).
Lời cuối cùng thoát lên
một ánh chớp trí tuệ, khái quát bản chất đích thực của
đời sống, cũng như ánh chớp loé lên của lưỡi kiếm trí
tuệ chặt đứt mọi chấp thủ, mọi bám víu, mọi ảo tưởng
về cuộc đời ./.
Phụ Lục
(Phần Dịch Nghĩa)
Kinh Giáo
Huấn Vắn Tắt Của Phật Lúc Sắp Niết Bàn
(cũng gọi là Kinh Giáo Huấn Ðể Lại Của Phật)
-oOo-
Ðức Phật Thích Ca Mâu
Ni, chuyển đẩy bánh xe chánh pháp lần đầu tiên hoá độ tôn
giả Kiều Trần Như, thuyết pháp lần cuối cùng hoá độ tôn
giả Tu Bạt Ðà La. Những người có thể hoá độ, Ngài đã
hoá độ tất cả. Hôm nay, trong rừng Sa la, giữa cây song
thọ, Ngài sắp Niết Bàn. Bấy giờ là lúc giữa đêm, hoàn
toàn yên lặng, không một tiếng động, Ngài đã vì các đệ
tử mà nói tóm tắt những điều cốt yếu của chánh pháp.
Các thầy Tỷ kheo, sau
khi Như Lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính
tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà
được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao
cả của các thầy. Nếu Như Lai ở đời thì cũng không khác
gì tịnh giới vậy.
Giữ tịnh giới thì các
thầy không được buôn, bán, đổi chác, sắm sửa đất nhà,
nuôi người, tôi tớ và súc vật, lo việc gieo trồng, kinh
doanh tài bảo. Tất cả việc này, hãy tránh như tránh hố
lửa. Kể cả việc chặt phá cỏ cây và đào cuốc đất đai.
Những việc chế thuốc thang, coi bói tướng, coi thiên văn, đoán
thời tiết, tính lịch số, đều không thích hợp với các
thầy. Các thầy hãy tiết chế cơ thể, ăn đúng thì giờ,
sống bằng cách sống trong sạch, không được tham dự thế
sự, lãnh sứ mạng liên lạc. Chú thuật, thuốc tiên, giao
hảo huyền quí, và thân thiết với họ, rồi hèn hạ, ngạo
mạn, tất cả đều không được làm. Phaỉ tự đoan tâm, chánh
niệm cầu độ. Không được che dấu lầm lỗi, tỏ ra kỳ
dị để mê hoặc quần chúng. Ðối với bốn sự hiến cúng
thì phải biết tự lượng và biết vừa đủ. Hễ được
hiến cúng thì không nên tích trữ.
Ðó là Như Lai nói tóm
tắt về sự giữ giới. Giới thì chánh thuận với căn bản
của sự giải thoát, nên Như Lai mệnh danh Ba la đề mộc xoa.
Nhờ giới mà phát sinh thiền định, và trí tuệ có năng
lực huỷ diệt thống khổ.
Thế nên, các thầy Tỷ
kheo, hãy giữ tịnh giới, đừng cho vi phạm, thiếu sót. Ai
giữ tịnh giới thì người đó có thiện pháp. Không có
tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sanh. Do đó
mà biết tịnh giới là chỗ yên ổn nhất, làm nơi trú ẩn
cho mọi thứ công đức.
Các thầy Tỷ kheo, đã
ở trong tịnh giới thì phải chế ngự năm thứ giác quan, không
cho phóng túng vào năm thứ dục lạc.Như kẻ chăn trâu, cầm
gậy mà coi giữ, không cho phóng túng, phạm vào lúa má của
người. Phóng túng năm thứ giác quan, thì không những chỉ có
năm thứ dục lạc, mà có thể sẽ không còn giới hạn nào
nữa, không thể cấm chế. Như con ngựa hung hãn mà không được
chế ngự bằng giây cương, thì sẽ mang người lao xuống
hầm hố. Giặc cướp làm hại, khổ chỉ một đời, còn
giặc giác quan họa đến nhiều kiếp tai hại rất nặng, các
thầy không thể không cẩn thận. Thế nên người có trí thì
chế ngự mà không theo, giữ như giữ giặc, không cho phóng túng.
Giả sử phóng túng năm thứ giác quan, thì cũng không bao lâu
ta sẽ thấy chúng tàn diệt tất cả.
Các thầy Tỷ kheo, năm
thứ giác quan do tâm chủ động, vì vậy mà các thầy lại
phải thận trọng chế ngự tâm mình. Tâm còn đáng sợ hơn
cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ bùng cháy lan tràn
cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm. Như một kẻ tay bưng bát
mật mà chuyển động chạy nhảy, chỉ thấy bát mật chứ không
thấy hố sâu, như thế không khác gì voi điên mà không có móc
sắt, vượn khỉ mà được cây rừng, thì sẽ hung hăng nhảy
vọt, khó mà ngăn cản ; các thầy phải cấp tốc tỏa chiết,
đừng cho phóng túng. Phóng túng tâm ra thì làm tan nát việc
thiện của người. Chế ngự tâm lại một chỗ thì không
việc gì không thành. Thế nên,các thầy Tỷ kheo, hãy nỗ
lực tinh tiến mà chiết phục tâm mình.
Các thầy Tỷ kheo, thọ
dụng đồ ăn thức uống, hãy coi như việc uống thuốc, ngon
không ham dở không bỏ, vừa đủ duy trì cơ thể cho khởi đói
khát. Như ong lấy hoa, chỉ lấy mùi vị mà không tổn thương
hương sắc, người xuất gia cũng vậy. Thọ dụng cúng phẩm
của người vừa khỏi đói khát thì thôi, không được ham
cầu cho nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ. Hãy bắt chước
kẻ khôn ngoan, biết lượng sức lực con trâu của mình chịu
đựng nhiều ít, không dùng quá sức đến nỗi kiệt lực.
Các thầy Tỷ kheo, ban ngày
thì nỗ lực thực tập thiện pháp, không để thì giờ lướt
mất, đầu đêm cuối đêm cũng đừng phế bỏ, giữa đêm
lại phải tụng niệm để tự tiêu trừ điều ác, sinh trưởng
điều thiện. Ðừng vì lý do ngủ nghỉ mà để đời mình trôi
đi, không được một chút ích lợi. Hãy nhớ ngọn lửa vô
thường đốt cháy thế gian, để sớm cầu tự độ, đừng
ham ngủ nghỉ. Giặc phiền não thường rình giết ta, dữ hơn
kẻ thù, tại sao ta có thể ngủ nghỉ mà không tự cảnh giác?
Phiền não ngủ trong tâm, cũng như rắn hổ mang màu đen nằm
ngủ trong nhà, các thầy phải dùng móc sắt giữ giới mà
cấp tốc móc kéo nó ra. Rắn ngủ ra rồi mới nên yên tâm
ngủ nghỉ. Không ra mà ngủ thì thật là kẻ không biết hổ
thẹn. Sự hổ thẹn là phục sức đẹp nhất trong mọi thứ
phục sức. Như cái móc sắt, sự hổ thẹn có năng lực chế
ngự mọi thứ phi pháp của con người. Thế nên các thầy
Tỷ kheo, hãy luôn luôn biết hổ thẹn, sỉ nhục, đừng bao
giờ, dầu chỉ tạm thời mà thôi, được phép quên mất đức
tinh ấy. Mất hổ thẹn là mất công đức. Có hổ thẹn là có
thiện pháp, không hổ thẹn thì không khác gì câm thú.
Các thầy Tỷ kheo, nếu
ai cắt xả thân thể các thầy ra từng đốt, các thầy cũng
phải tự kiềm chế tâm mình, đừng cho giận dữ. Lại phải
giữ lấy miệng lưỡi, đừng để phát ra lời tiếng không
tốt. Tâm giận dữ nổi lên là tự hại đạo nghiệp, hư
mất công đức. Ðức tính của Nhẫn, giữ giới và khổ
hạnh không thể sánh bằng. Thực hành đức Nhẫn mới được
mệnh danh là bậc thượng nhân có sức mạnh. Kẻ nào không
thể tiếp nhận cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như
uống nước cam lộ, kẻ ấy không thể được ca tụng là người
nhập đạo có trí. Tại sao, vì giận dữ thì phá hủy hết
thảy thiện pháp và danh tiếng đáng quí, hiện tại vị lai
không ai muốn nhìn. Sự giận dữ hơn cả ngọn lửa ác liệt,
vì thế mà các thầy phải đề phòng một cách thường trực,
đừng cho xâm nhập tâm trí. Giặc cướp công đức không chi
hơn giận dữ. Thế gian hưởng thụ dục lạc, không phải là
kẻ hành đạo, không có phương pháp để khống chế, thế nên
giận dữ thì còn thể tha thứ được. Còn người xuất gia hành
đạo là kẻ loại bỏ dục vọng, vậy mà giận dữ thì
thật là bất đáng ; không khác gì giữa bầu trời mây trong
mà sấm sét loé lửa là điều không thích hợp.
Các thầy Tỷ kheo, hãy
tự xoa đầu mình, đã bỏ sự trang sức và đồ tốt đẹp,
mình mặt áo hoại sắc, tay cầm đồ thích ứng, khất thực
để sống ; tự thấy như vậy mà kêu ngạo còn nổi lên, thì
phải cấp tốc tỏa chiết. Tăng thêm kêu ngạo là điều mà
thế nhân còn không nên có, huống chi người xuất gia nhập
đạo là kẻ vì giải thoát, tự giáng mình xuống mà đi
khất thực?
Các thầy Tỷ kheo, tâm lý
dua nịnh quanh co trái ngược đạo pháp, thế nên các thầy
phải chất trực tâm mình. Phải ý thức dua nịnh quanh co
chỉ để dối trá, mà người nhập đạo thì không thể như
vậy. Vì thề các thầy cần phải ngay thẳng tâm mình, lấy
đức tính chất trực làm căn bản.
Các thầy Tỷ kheo, phải
biết kẻ ham muốn nhiều, thì vì nhiều sự cầu lợi nên
khổ não cũng nhiều. Còn ít ham muốn thì không cầu hồ, không
dục vọng, nên không có cái hoạ đó. Chỉ có như thế mà thôi,
sự ít ham muốn cũng đã thực tập, huống chi sự ấy còn đem
lại đủ các công đức. Người ít ham muốn thì không dua
nịnh quanh co để cầu được lòng người, cũng không bị các
giác quan lôi kéo. Thực hành đức tính ít ham muốn thì lòng
bình thản, không lo sợ, gặp cảnh ngộ nào cũng thừa thãi,
không bao giờ có cảm giác thiếu thốn. Có ít ham muốn là có
Niết Bàn. Ðó là hạnh ít ham muốn.
Các thầy Tỷ kheo, muốn
giải thoát khổ não thì các thầy hãy cứu xét sự biết
vừa đủ. Chính sự biết vừa đủ, là giàu sang, vui thú và
yên ổn. Biết vừa đủ thì nằm trên đất cũng thấy vui thích,
không biết vừa đủ thì ở thiên đàng cũng vẫn bất mãn.
Không biết vừa đủ thì giàu mà nghèo, biết vừa đủ thì
nghèo mà giàu. Không biết vừa đủ thì luôn luôn bị năm
thứ dục lạc lôi kéo, làm cho người biết vừa đủ phải xót
thương. Ðó là hạnh biết vừa đủ.
Các thầy Tỷ kheo, muốn
cầu yên tĩnh, vô vi và an lạc, thì các thầy hãy thoát ly
mọi sự ồn ào và bối rối, ở đơn độc và ở một cách
thư thái. Người ở yên tĩnh thì chúa trời Ðế thích và chư
thiên đều tôn kính. Vì thế mà các thầy hãy thoát ly đồ
chúng của mình, và đồ chúng của người, ở đơn độc, thư
thái và thanh vắng, dùng "tư duy tu" mà cắt đứt
gốc rễ đau khổ. Nếu thích đồ chúng thì sẽ bị đồ chúng
quấy phá, như cây đại thọ mà cả bầy chim chóc tập hợp
lại thì vẫn bị cái hoạ khô gãy. Thế gian ràng buộc mà chìm
ngập thống khổ, thì cũng không khác gì voi già mà sa xuống
bùn lầy, hết mong thoát khỏi. Ðó là hạnh siêu thoát.
Các thầy Tỷ kheo, nỗ
lực tinh tiến thì không có việc gì khó khăn. Thế nên cấc
thầy phải thực hành sự nỗ lực tinh tiến. Nước nhỏ mà
chảy mãi thì có thể xuyên thủng cả đá. Nếu người hành
đạo mà hay biếng nhác phế bỏ, thì cũng như kéo lửa chưa
nóng mà đã ngừng, dầu thiết tha có lửa, lửa cũng khó mà
có được. Ðó là hạnh tinh tiến.
Các thầy Tỷ kheo, cầu
thiện tri thức, cầu thiện hộ trì và cầu thiện hỗ trợ,
đều không bằng không quên chánh niệm. Không quên chánh
niệm thì giặc phiền não hết cách xâm nhập tâm trí. Thế nên
các thầy hãy luôn luôn tập trung chánh niệm lại nơi tâm trí.
Mất chánh niệm thì mất công đức. Nếu chánh niệm có sức
lực vững mạnh thì dầu phải vào trong đám giặc ngũ dục,
cũng không bị chúng sát hại, tựa như tướng sĩ lâm trận mà
mặt áo giáp lát đồng, thì không còn sợ hải gì nữa. Ðó
là hạnh không quên chánh niệm.
Các thầy Tỷ kheo, tập
trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong thiền định. Tâm ở trong
thiền định thì có thể thấu triệt trạng thái chuyển
biến của vũ trụ. Vì thế mà các thầy phải luôn luôn tinh
tiến, nỗ lực thực tập thiền định. Thiền định được
thì tâm hết tán loạn. Tiếc nước thì phải đắp đê sửa
bờ cho khéo, hành giả cũng vậy, hãy vì nước trí tuệ mà
thực tập thiền định để giữ cho nó khỏi chảy mất. Ðó
là hạnh thiền định.
Các thầy Tỷ kheo, có trí
tuệ thì hết đam mê, luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét,
không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong chánh
pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải
thoát. Không như thế thì đã không phải xuất gia, lại không
phải thế tục, không còn biết còn gọi là gì. Trí tuệ chân
thật là chiếc thuyền chắc nhất vượt biển sinh lão bệnh
tử, là ngọn đèn sáng nhất đối với ám vô minh, là thần
dược cho mọi kẻ bệnh tật, là búa sắc chặt cây phiền não.
Vì thế mà các thầy hãy dùng cái tuệ văn tư tu chứng để
tự tăng tiến ích lợi. Có trí tuệ soi chiếu, thì dẫu mắt
thịt, cũng vẫn là kẻ thấy rõ nhất. Ðó là hạnh trí tuệ.
Các thầy Tỷ kheo, nếu
hý luận đủ thứ thì tâm rối loạn. Như vậy, tuy đã xuất
gia mà chưa được siêu thoát. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy
từ bỏ tức khắc sự hý luận rối loạn tâm trí. Các thầy
muốn thực hiện cái vui tịch diệt, thì chỉ có cách cấp
tốc diệt trừ cái hoạ hý luận. Ðó là hạnh không hý
luận.
Các thầy Tỷ kheo, đối
với mọi thứ công đức, các thầy hãy thường xuyên nhất tâm
tu tập, tránh sự phóng dật như tránh giặc thù. Thể hiện lòng
đại bi, Như Lai đã nói chánh pháp ích lợi một cách cứu cánh.
Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành. Hoặc trong rừng núi,
hoặc cạnh đầm vắng, hoặc dưới đại thọ, các thầy hãy
ở một cách thư thái, trong tịnh thất nhỏ, nhớ và chiêm
nghiệm chánh pháp đã tiếp nhận, đừng để quên mất. Hãy
tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập,
đừng để đời mình sẽ chết đi một cách vô ích, và sau này
sẽ phải lo sợ hối hận. Như Lai như vị lương y, biết
bệnh mà chỉ thuốc, còn uống hay không, không phải lỗi
của lương y. Lại như người dẫn đường rất tốt, chỉ
dẫn đường tốt cho người, nhưng nghe rồi mà không đi, thì
không phải lỗi của người dẫn đường.
Các thầy Tỷ kheo, đối
với bốn chân lý, các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có
thể chất vấn tức khắc, không được giữ sự hoài nghi mà
không cầu giải đáp. Thế tôn nói lên ba lần như vậy, nhưng
không ai chất vấn. Vì lẻ chư Tăng không có ai còn hoài nghi
gì nữa. Bấy giờ đức tôn giả A Nâu Lâu Ðà quán sát tâm
trí chư Tăng, rồi thưa với Ngài, bạch đức Thế Tôn, mặt
trăng có thể làm cho nó nóng lên, mặt trời có thể làm cho
lạnh đi, nhưng bốn chân lý mà đức Thế Tôn đã dạy thì
không thể cho khác đi được. Ngài dạy khổ thì thật là
khổ, không thể làm cho vui lên ; tập là nguyên nhân của
khổ, thì không còn có nguyên nhân nào khác nữa ; diệt là
khổ diệt vì nguyên nhân đã diệt, mà nguyên nhân diệt thì
kết quả cũng diệt ; đạo là phương pháp diệt khổ nên
thật là đạo, không có đạo nào khác hơn. Bạch đức Thế
tôn, đối với bốn chân lý, các vị Tỷ kheo đây đã quyết
định, không còn hoài nghi gì nữa.
Chư Tăng lúc ấy, những
người tu học chưa hoàn tất, thì thấy Phật diệt độ hãy
còn bi cảm. Những người mới vào chánh pháp, nghe Phật
liền được hoá độ, như trong đêm tối mà mà điện chớp
sáng là thấy ngay đường đi. Còn những người tu tập đã
hoàn tất, đã vượt qua biển khổ, thì chỉ nghĩ rằng, Thế
Tôn diệt độ sao mà mau chóng như vậy.
Do đó tôn giả A Nâu Lâu
Ðà tuy đã bạch Phật, rằng chư Tăng ai cũng thấu triệt
bốn chân lý, nhưng đức Thế Tôn muốn làm cho tất cả đều
được kiên định, nên vẫn đem tâm đại bi mà huấn dụ thêm
nữa. Các thầy Tỷ kheo, không nên buồn rầu. Nếu Như Lai ở
đời lâu đến một đại kiếp đi nữa, thì sự kết hợp nào
rồi cũng phải tan rã. Kết hợp mà không tan rã là điều không
thể có được. Chánh pháp tự lợi lợi tha đã có đầy đủ.Như
Lai sống cho lâu cũng không còn ích lợi gì nữa. Ai có khả năng
tiếp nhận hoá độ, thì ở trên chư thiên hay ở trong nhân
loại, Như Lai đã hoá độ tất cả. Ai chưa thể tiếp nhận
hoá độ, thì Như Lai cũng đã tạo yếu tố hoá độ cho họ.
Từ nay về sau, đệ tử của Như Lai hãy triển chuyển thực
hành. Như thế là pháp thân của Như Lai thường trú bất
diệt.
Thế nên, các thầy Tỷ
kheo, phải ý thức toàn bộ cuộc đời là chuyển biến vô thường,
có kết hợp thì có tan rã, đừng lo buồn gì cả. Ngược
lại, cuộc đời như thế thì các thầy phải nỗ lực tinh
tiến để sớm cầu tự độ, đem ánh sáng trí tuệ diệt
trừ hắc ám vô minh. Vũ trụ quả thật mong manh, không một
thứ chi bền bỉ. Như Lai được diệt độ thì cũng như trừ
được cơn bệnh khủng khiếp. Ðây là vật tội ác và đáng
bỏ, giả hiệu là thân thể mà lại chìm ngập trong biển
cả già bệnh sống chết, như thế người có trí tuệ ai
lại không hoan hỷ khi trừ bỏ được thân này như trừ bỏ
kẻ thù?
Các thầy Tỷ kheo, hãy
thường nhất tâm, nỗ lực cần cầu tuệ giác giải thoát.
Toàn thể vũ trụ, dầu pháp biến động hay pháp bất động,
đều là trạng thái bất an và tan rã. Thôi, các thầy hãy yên
lặng, không nên nói nữa. Thì giờ sắp hết, Như Lai muốn
diệt độ. Trên đây là những lời giáo huấn tối hậu của
Như Lai.
---
Hết ---
| Mục
lục- Kinh Di Giáo | Phần
2 | Phần 3
| Phần 4 |
--- o0o ---
| Thư
Mục Tác Giả |
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục