CHƯƠNG NĂM NĂM PHÁP
XVI. PHẨM DIỆU PHÁP
(I) (151) QUYẾT ĐỊNH TÁNH VỀ DIỆU PHÁP (1)
1. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm ?
2. Khinh lời thuyết giảng, khinh người thuyết giảng, khinh tự mình, nghe pháp với tâm tán loạn, không nhứt tâm và không như lý tác ý.
Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.
3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm ?
4. Không khinh lời thuyết giảng, không khinh người thuyết giảng, không khinh tự mình, nghe pháp với tâm tán loạn, nhứt tâm và như lý tác ý.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.
(II) (152) QUYẾT ĐỊNH TÁNH VỀ DIỆU PHÁP (2)
1. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm ?
2. Khinh lời thuyết giảng, khinh người thuyết giảng, khinh tự mình, ác tuệ; đần độn, câm điếc, không tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.
3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm ?
4. Không khinh lời thuyết giảng, không khinh người thuyết giảng, không khinh tự mình, có trí tuệ; không đần độn, không câm điếc, tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.
(II) (153) QUYẾT ĐỊNH TÁNH VỀ DIỆU PHÁP (3)
1. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm ?
2. Nghe pháp với tâm chê bai, với tâm bị chê bai ám ảnh; nghe pháp với tâm cật nạn, tìm tòi khuyết điểm; trong khi pháp giảng, tâm bị choáng váng, bị chai sạn; ác tuệ; đần độn, câm điếc, không tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.
3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm ?
4. Nghe pháp với tâm không chê bai, không bị chê bai ám ảnh; nghe pháp với tâm không cật nạn, không tìm tòi khuyết điểm; trong khi pháp giảng, tâm không bị choáng váng, không bị chai sạn; có trí tuệ; không đần độn, không câm điếc, tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.
(IV) (154) DIỆU PHÁP HỖN LOẠN (1)
1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không cẩn trọng nghe pháp; không cẩn trọng học thuộc lòng pháp; không cẩn trọng thọ trì pháp; không cẩn trọng quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì; không cẩn trọng thực hành pháp và tùy pháp sau khi hiểu ý nghĩa và hiểu pháp.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất.
3. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cẩn trọng nghe pháp; cẩn trọng học thuộc lòng pháp; cẩn trọng thọ trì pháp; cẩn trọng quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì; cẩn trọng thực hành pháp và tùy pháp sau khi hiểu ý nghĩa và hiểu pháp.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.
(V) (155) DIỆU PHÁP HỖN LOẠN (2)
1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không học thuộc lòng Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không thuyết pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không để cho các người khác nói pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không có đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo với tâm không tùy tầm, không tùy tứ, với ý không tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất.
7. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.
9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo thuyết pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn và không biến mất.
10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo để cho các người khác nói pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp được an trú, không hỗn loạn và không biến mất.
11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo được đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn và không biến mất.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo với tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.
(VI) (156) DIỆU PHÁP HỖN LOẠN (3)
1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh điển bị nắm giữ sai lạc, với những văn cú đặt sai lầm. Này các Tỷ-kheo, với văn cú sai lầm, ý nghĩa bị hướng dẫn sai lạc. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo là những người khó nói, đầy đủ những tánh khiến họ trở thành khó nó, khó kham nhẫn, không cung kính đón nhận khi được giảng dạy. Đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, khiến diệu pháp hỗn loạn và biết mất.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều Thánh giáo được trao truyền, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì Toát yếu. Các vị ấy không cẩn trọng để cho các người khác nói pháp. Do duyên này của họ, Khế kinh như bị đứt gốc, không còn là chỗ nương tựa. Đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo trưởng lão là những vị sống đầy đủ, biếng nhác, dẫn đầu trong thối đọa, từ bỏ gánh nặng viễn ly, không có hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chúng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và quần chúng về sau sẽ đi theo tri kiến của họ. Họ cũng sẽ trở thành những người sống đầy đủ, biếng nhác, dẫn đầu trong thối đọa, từ bỏ gánh nặng viễn ly, sẽ không hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chúng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Đây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng bị chia rẽ. Khi chúng Tăng bị chia rẽ, này các Tỷ-kheo, có sự mắng nhiếc lẫn nhau, có sự đấu khẩu lẫn nhau, có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín không tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín có thể đổi khác. Đây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất.
7. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh điển bị nắm giữ tốt đẹp, với những văn cú được phối trí chơn chánh và ý nghĩa được hướng dẫn chơn chánh. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biết mất.
9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo là những người dễ nói, dễ kham nhẫn, cung kính đón nhận khi được giảng dạy. Đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.
10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều Thánh giáo được trao truyền, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì Toát yếu. Các vị ấy cẩn trọng để cho các người khác nói pháp. Do duyên này của họ, kinh điển không bị đứt gốc, là chỗ nương tựa. Đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.
11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo trưởng lão không sống đầy đủ, không biếng nhác, từ bỏ gánh nặng đọa lạc, dẫn đầu trong đời sống viễn ly, hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chúng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và quần chúng về sau sẽ đi theo tri kiến của họ. Họ cũng sẽ trở thành những người không sống đầy đủ, không biếng nhác, dẫn đầu trong đời sống viễn ly, từ bỏ gánh nặng đọa lạc, hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chúng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Đây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.
12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh luận, cùng một giáo lý, sống an ổn. Khi chúng Tăng hòa hợp, này các Tỷ-kheo, không có sự mắng nhiếc lẫn nhau, không có sự đấu khẩu lẫn nhau, không có sự thanh trừng lẫn nhau không có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín không có đổi khác. Đây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.
(VII) (157) ÁC THUYẾT
1. - Lời nói của năm hạng người, này các Tỷ-kheo, là ác thuyết, khi có sự đối chứng giữa người và người. Thế nào là năm?
2. Nói về tín với người không tin, này các Tỷ-kheo, là ác thuyết; nói về giới với người ác giới là ác thuyết; nói về nghe nhiều với người nghe ít là ác thuyết; nói về bố thí với người xan tham là ác thuyết; nói về trí tuệ với người ác tuệ là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nói về tín với người không tin là ác thuyết?
3. Người không tin, này các Tỷ-kheo, khi được nói về lòng tin liền tức tối, phẫn nộ, hiềm khích, mất bình tĩnh, biểu lộ phẫn nộ, sân hận, phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ lòng tin, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về tín với người không có lòng tin là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về giới với người ác giới là ác thuyết?
4. Người ác giới, này các Tỷ-kheo, khi được nói về giới liền tức tối, phẫn nộ...Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ giới, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về giới với người ác giới là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về nghe nhiều với người nghe ít là ác thuyết?
5. Người nghe ít, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến nghe nhiều liền tức tối, phẫn nộ...Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ nghe nhiều, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về nghe nhiều với người nghe ít là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về bố thí với người xan tham là ác thuyết?
6. Người xan tham, này các Tỷ-kheo, khi được nói về bố thí liền tức tối, phẫn nộ...Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ bố thí, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về bố thí với người xan tham là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về tuệ với người ác tuệ là ác thuyết?
7. Người ác tuệ, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến trí tuệ liền tức tối, phẫn nộ...Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ trí tuệ, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về trí tuệ với người ác tuệ là ác thuyết.
Lời nói của năm hạng người này là ác thuyết, khi có sự đối chứng giữa người và người.
8. Lời nói của năm hạng người này là thiện thuyết, khi có sự đối chứng giữa người và người. Thế nào là năm?
9. Thuyết về tín cho người có lòng tin, này các Tỷ-kheo, là thiện thuyết; thuyết về giới cho người giữ giới là thiện thuyết; thuyết về nghe nhiều cho người nghe nhiều là thiện thuyết; thuyết về bố thí cho người bố thí là thiện thuyết; thuyết về trí tuệ cho người trí tuệ là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thuyết về lòng tin cho người có lòng tin là thiện thuyết?
10. Người có lòng tin, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến lòng tin thì không tức tối, không phẫn nộ, không hiềm khích, không mất bình tĩnh, không biểu lộ phẫn nộ, sân hận, phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có đầy đủ lòng tin, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về tín với người có lòng tin là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về giới cho người giữ giới là thiện thuyết?
11. Người giữ giới, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến về giới thì không tức tối, không phẫn nộ, không hiềm khích, không mất bình tĩnh, không biểu lộ phẫn nộ, không sân hận, không phiền muộn. Vì sao ? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có đầy đủ giới, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về giới với người có giữ giới là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về nghe nhiều cho người nghe nhiều là thiện thuyết?
12. Người nghe nhiều, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến nghe nhiều thì không tức tối, không phẫn nộ, không hiềm khích...không phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có nghe nhiều, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về nghe nhiều với người có nghe nhiều là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về bố thí cho người bố thí là thiện thuyết?
13. Người bố thí, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến bố thí thì không tức tối, không phẫn nộ, không hiềm khích...không phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có bố thí, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về bố thí với người có bố thí là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về trí tuệ cho người có trí tuệ là thiện thuyết?
14. Người trí tuệ, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến trí tuệ thì không tức tối...không phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có trí tuệ, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về trí tuệ với người có trí tuệ là thiện thuyết.
Lời thuyết của năm hạng người này, này các Tỷ-kheo, là thiện thuyết khi có sự đối chứng giữa người và người.
(VIII) (158) SỢ HÃI
1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo rơi vào trong sợ hãi. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có lòng tin, giữ ác giới, nghe ít, biếng nhác và ác tuệ.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo rơi vào trong sợ hãi.
3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có sợ hãi. Thế nào là năm?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có sợ hãi.
(IX) (159) TÔN GIẢ UDÀYI
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Lúc bấy giờ, Tôn giả Udàyi có hội chúng cư sĩ đông đảo đoanh vây đang ngồi thuyết pháp. Tôn giả Ànanda thấy Tôn giả Udàyi có hội chúng đông đảo đoanh vây đang ngồi thuyết pháp, sau khi thấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Udàyi có hội chúng cư sĩ đông đảo đoanh vây đang ngồi thuyết pháp.
- Này Ànanda, thật không dễ gì để thuyết pháp cho các người khác. Để thuyết pháp cho các người khác, này Ànanda, sau nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho các người khác. Thế nào là năm?
2. "Ta sẽ thuyết pháp tuần tự", thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy. "Ta sẽ thuyết với mắt nhìn vào pháp môn", thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy. "Ta sẽ thuyết vì lòng từ mẫn", thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy. "Ta sẽ thuyết pháp, không phải vì tài vật", thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy. "Ta sẽ thuyết pháp, không làm thương tổn cho mình và cho người". Thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy.
- Này Ànanda, thật không dễ gì để thuyết pháp cho các người khác. Để thuyết pháp cho các người khác, này Ànanda, sau nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho các người khác.
(X) (160) KHÓ TRỪ KHỬ
1. - Năm pháp này khởi lên, này các Tỷ-kheo, thật khó trừ khử. Thế nào là năm?
2. Tham khởi lên, thật khó trừ khử; sân khởi lên, thật khó trừ khử; si khởi lên, thật khó trừ khử; ham nói khởi lên, thật khó trừ khử; tâm lang thang thật khó trừ khử.
Năm pháp này đã khởi lên, này các Tỷ-kheo, thật khó trừ khử.
Trình bày : Nhị Tường
Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện
tử bộ Kinh này.
Nguồn: www.quangduc.com