.

 

KINH ÐẠI THỪA ÐẠI TẬP ÐỊA TẠNG THẬP LUÂN

- Hán dịch: Tam-tạng Pháp sư Huyền Trang

 - Việt dịch: Thích nữ Huệ Thanh, Chùa Phổ Tế, Nha Trang.

Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh,

Tỳ-kheo Tâm Hạnh

---o0o--- 

Quyển thứ sáu

PHẦN II 

Phẩm thứ tư: HỮU Y HÀNH 

Này thiện nam tử! Ông xem các vị Sát-đế-lợi và vô lượng hữu tình này thân cận những người phá giới, làm việc xấu ác, chẳng phải là bậc pháp khí, ở trong Tăng sẽ bỏ mất tất cả những pháp lành đã có, cho đến sẽ đọa vào địa ngục Vô gián. Vì vậy, muốn được sanh thiên, chứng quả Niết-bàn an vui thù thắng đều phải thân cận phụng sự, cúng dường các vị Sa-môn thắng đạo, thưa hỏi, lắng nghe giáo pháp ba thừa, hoặc mong cầu Sa-môn thị đạo, mạng đạo.

Nếu không gặp ba hạng Sa-môn này thì mong cầu Sa-môn ô đạo. Tuy hạng Sa-môn này phá giới mà có chánh kiến, đầy đủ ý lạc và gia hạnh nên vẫn đến thân cận phụng sự, cúng dường, thưa hỏi, lắng nghe giáo pháp ba thừa.

Không nên thân cận phụng sự, cúng dường người có gia hạnh, ý lạc, kiến hoại. Tuy hạng Sa-môn kia giới hoại mà không có tà kiến, đầy đủ ý lạc, gia hạnh, kiến nên vẫn đến thưa hỏi, lắng nghe pháp Thanh văn thừa, Ðộc giác thừa, Ðại thừa mà không nên khinh chê; tùy theo ý thích phát nguyện tinh tấn học một trong ba thừa, không khinh chê các thừa khác. Nếu người nào khinh chê một thừa cho đến một bài tụng trong ba thừa thì không nên thân cận, giao tiếp, hoặc cùng ở chung, cùng làm việc. Nếu thân cận hoặc giao tiếp, cùng ở chung, cùng làm việc, quyết định đều sẽ đọa địa ngục Vô gián.

Này thiện nam tử! Vì thế, nếu người nào muốn nương theo một trong ba thừa để mong cầu ra khỏi sanh tử, nhàm chán đau khổ, ưa thích an lạc thì nên nương vào chánh pháp Như Lai giảng thuyết, hoặc nương vào chánh pháp giảng thuyết của Thanh văn thừa, hoặc nương vào chánh pháp giảng thuyết của Ðộc Giác thừa, hoặc nương vào chánh pháp giảng thuyết của Ðại thừa và có lòng tin kính sâu rộng, chớ sanh tâm phỉ báng làm chướng ngại, che mờ cho đến một bài tụng mà phải thường nên cung kính đọc tụng, lắng nghe giáo pháp, nên phát ngụyện chân chánh, kiên cố, mong cầu chứng đắc.

Nếu ai tùy theo phỉ báng một pháp nào trong ba thừa thì không nên ở chung cho đến một đêm, không nên thân cận thưa hỏi giáo pháp. Các hữu tình nào phỉ báng một trong ba thừa, hoặc là thân cận người phỉ báng ba thừa, thưa hỏi, lãnh thọ, do nhân duyên đó chắc chắn sẽ đọa vào địa ngục Vô gián, chịu khổ não lớn không có thời kỳ ra khỏi. Vì sao?

Này thiện nam tử! Vì ở đời quá khứ, khi Ta tinh tấn tu hạnh Bồ-tát, mong cầu chứng đắc trí Vô thượng; hoặc vì mong cầu mà nương vào chánh pháp giảng thuyết của Thanh văn thừa cho dù một bài tụng mà phải xả bỏ thân mình, tay, chân, máu, thịt, da, xương, đầu, mắt, tủy, não; hoặc vì mong cầu mà nương vào chánh pháp giảng thuyết của Ðộc giác thừa, cho dù một bài tụng mà phải xả bỏ thân mình, tay, chân, máu, thịt, da, xương, đầu, mắt, tủy, não; hoặc vì mong cầu mà nương vào chánh pháp giảng thuyết của Ðại thừa cho dù một bài tụng mà xả bỏ thân mình, tay, chân, máu, thịt, da, xương, đầu, mắt, tủy, não.

Ta chịu khổ nhọc như vậy để mong cầu dù cho một bài tụng trong ba thừa rồi sanh tâm hoan hỷ, cung kính, lãnh thọ, gìn giữ, đúng như pháp tu hành, không lúc nào tạm bỏ, trải qua vô lượng kiếp tu tập tất cả hạnh khổ khó làm mới chứng được quả thắng trí vô thượng cứu cánh.

Lại vì lợi ích an lạc cho các hữu tình mà giảng thuyết chỉ bày chánh pháp ba thừa, vì nghĩa này không nên phỉ báng làm chướng ngại, ngăn che, cho đến một bài tụng; thường phải cung kính đọc tụng, lắng nghe, phát nguyện chân chánh, kiên cố, mong cầu chứng đắc.

Này thiện nam tử! Như vậy, chánh pháp giải thoát của ba thừa này, tất cả hằng hà sa số chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai đều giảng thuyết, dùng đại lực oai thần hộ trì. Vì muốn cứu giúp khổ lớn sanh tử của tất cả hữu tình, vì muốn làm cho hạt giống Tam bảo hưng thịnh, không để đoạn tuyệt nên đối với chánh pháp Tam thừa này phải tin kính, chớ hủy báng, làm chướng ngại, ngăn che. Nếu phỉ báng, làm chướng ngại, ngăn che chánh pháp ba thừa cho đến một bài tụng thì quyết định sẽ đọa vào địa ngục Vô gián.

Lại nữa, này thiện nam tử! Vào đời vị lai, ở cõi Phật này có hạng Sát-đế-lợi Chiên-trà-la, Bà-la-môn Chiên-trà-la, Tể quan Chiên-trà-la, Cư sĩ Chiên-trà-la, Sa-môn Chiên-trà-la, Trưởng giả Chiên-trà-la, Phiệt-xá Chiên-trà-la, Mậu-đạt-la Chiên-trà-la, hoặc nam, hoặc nữ dua nịnh, dối trá, ngu si, ngã mạn cho là thông minh; tánh hung dữ, bạo ngược; không thấy, không sợ quả khổ đời sau; ưa thích sát sanh cho đến tà kiến, ganh tỵ, tham lam, bỏn xẻn, oán ghét bạn lành, thân gần bạn ác; chẳng phải là pháp khí của bậc Hiền Thánh ba thừa. Hoặc là người ít nghe và tu tập pháp Thanh văn thừa, liền đối với pháp Ðộc-giác thừa, Vô thượng thừa được chư Phật hộ trì thì phỉ báng, khinh chê, làm chướng ngại, che mờ, không cho lưu thông rộng rãi. Hoặc người ít nghe và tu tập pháp Ðộc-giác thừa liền đối với pháp Thanh văn thừa, Vô thượng thừa được chư Phật hộ trì thì phỉ báng, khinh chê, làm chướng ngại, che mờ, không cho lưu thông rộng rãi. Hoặc có người ít nghe và tu tập pháp Vô thượng thừa liền đối với pháp Thanh văn thừa, Ðộc-giác thừa được chư Phật hộ trì thì phỉ báng, khinh chê, làm chướng ngại, che mờ, không cho lưu thông rộng rãi. Vì cầu danh lợi nên nói như vầy:

“Ta là Ðại thừa, là người theo Ðại thừa, chỉ thích nghe, tu tập, thọ trì Ðại thừa, không thích pháp Thanh văn thừa, Ðộc-giác thừa, không thích thân cận người học hai thừa”.

Những người dối xưng là Ðại thừa như vậy là do ngu si, kiêu mạn, ỷ thế lực. Như vậy là hủy báng, làm chướng ngại, che mờ chánh pháp ba thừa, không làm cho lưu truyền, ganh ghét người tu học giáo pháp ba thừa, phỉ báng hủy nhục, làm cho không có oai lực.

Này thiện nam tử! Tất cả chư Phật Thế Tôn và chư đại Bồ-tát trong đời quá khứ, vị lai, hiện tại vì muốn làm lợi lạc cho tất cả hữu tình nên dùng lực đại bi hộ trì hai việc:

- Một là muốn làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo, không để đoạn tuyệt, bỏ tục xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa.

- Hai là giáo pháp ba thừa tương ưng với pháp bốn Thánh đế.

Ðó là hai việc.

Nguyện xin Phật Thế Tôn và chư đại Bồ-tát hộ trì, chẳng phải các Thanh văn, Ðộc thắng giác, cũng chẳng phải trăm ngàn vô số đại Phạm thiên vương và Thiên vương Ðế thích, Chuyển luân vương bốn đại châu có thể hộ trì.

Ở đời vị lai trong cõi Phật này có vua Sát-đế-lợi Chiên-trà-la do nương pháp Ta mà được xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, tìm cách dò xét những lỗi lầm sai phạm của người khác, dùng các cách quở trách, hủy nhục hoặc dùng roi gậy, hoặc nhốt trong lao ngục, hoặc đoạt lấy của cải, hoặc lột áo ca-sa bắt hoàn tục làm các việc thế tục, hoặc đuổi đi quân dịch, hoặc lạm dụng sai khiến, hoặc không cho ăn uống, hoặc hại thân mạng. Vua Sát-đế-lợi Chiên-trà-la kia do ngu si, kiêu mạn, ỷ thế lực, hủy nhục, trách phạt các vị tu hành; chư Phật Bồ-tát dùng sức đại bi hộ trì các đệ tử của Ta. Họ phỉ báng, hủy diệt giáo pháp, chư Phật Bồ-tát dùng sức đại bi hộ trì giáo pháp thậm thâm của Ta. Chư Phật Bồ-tát ba đời đã hộ trì chánh pháp ba thừa mà bọn chúng đã làm chướng ngại, che mờ, không cho lưu thông rộng rãi.

Có vua Sát-đế-lợi Chiên-trà-la cho đến Phiệt-xá, Mậu-đạt-la Chiên-trà-la, người nam hoặc nữ ngu si, kiêu mạn, tự xưng là Ðại thừa, những người ấy còn chẳng phải là pháp khí hai thừa Thanh văn, Ðộc giác, huống là pháp khí Vô thượng Ðại thừa. Vì cầu lợi dưỡng, cung kính, danh dự mà dối gạt thế gian, ngu si tự nói: “Chúng tôi là người Ðại thừa” và hủy báng chánh pháp hai thừa của Như Lai. Những người này do ngu si, lừa gạt, kiêu mạn, ganh ghét, xan tham phá hủy pháp nhãn của Ta làm cho mau ẩn mất. Những người ấy đối với tất cả chư Phật trong ba đời phạm tội lỗi lớn, cũng đối với tất cả Bồ-tát trong ba đời phạm tội lỗi lớn, lại đối với tất cả Thanh văn trong ba đời phạm tội lỗi lớn, không bao lâu sẽ thiếu khuyết thân thể, mắc các bệnh nặng.

Vua Sát-đế-lợi Chiên-trà-la kia cho đến Phiệt-xá, Mậu-đạt-la Chiên-trà-la, người nam hoặc nữ, do tạo nghiệp ác, khởi tà kiến điên đảo nên tổn mất tất cả thiện căn đã có. Mặc dù vào đời vị lai sẽ sanh vào ngạ quỷ, súc sanh nhưng vẫn hưởng được phước lạc vì có lúc đã tu tập nhiều phước đức. Tuy nhiên thân ấy còn không thể phát sanh thiện căn hạ liệt ở cõi Sắc, Vô sắc, huống là có thể gieo trồng chủng tử thiện căn trí Nhất thiết trí vô công dụng khởi của Thanh văn, Ðộc giác và Vô thượng thừa. Lại cũng làm cho lưỡi của mình bị bệnh trong nhiều ngày, bị tê cứng không nói được, chịu các khổ sở, đau đớn, khó chịu nỗi, sau khi chết nhất định sẽ sanh vào đại địa ngục Vô gián.

Vì thế, Như Lai từ bi thương xót tất cả vua Sát-đế-lợi hiền thiện cho đến Mậu-đạt-la hiền thiện, hoặc nam hoặc nữ. v.v... làm cho họ luôn luôn được lợi ích an lạc. Như Lai ân cần nhắc nhở, dạy bảo như vầy:

Các ngươi nên nương theo chánh pháp của Ta, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, cẩn thận chớ làm não loạn, trách mắng, quở phạt người xuất gia. Ðối với chánh pháp ba thừa Ta đã giảng dạy, thận trọng chớ có hủy báng, làm chướng ngại, che lấp. Nếu trái lời Ta dạy mà cố ý làm thì mắc tội báo như đã nói rõ ở trước. Vì sao? - Vì người nương theo giáo pháp của Ta, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa đỏ, có hình tướng xuất gia, chính là người được chư Phật Bồ-tát trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai dùng thần lực đại bi hộ trì. Hình tướng oai nghi xuất gia, cạo râu tóc, mặc áo ca-sa đỏ là tướng giải thoát của các bậc Hiền Thánh, cũng là tướng pháp vị giải thoát của tất cả hàng Thanh văn thừa thọ dụng, cũng là tướng pháp vị giải thoát của tất cả hàng Ðộc giác thừa thọ dụng, cũng là tướng pháp vị giải thoát của tất cả hàng Ðại thừa thọ dụng.

Chánh pháp ba thừa do Như lai giảng thuyết được chư Phật Bồ-tát trong ba đời dùng thần lực đại bi hộ trì, là chỗ nương tựa để giải thoát của chư Hiền Thánh, cũng là chỗ nương tựa của tất cả Thanh văn thừa thọ dụng để được pháp vị giải thoát, cũng là chỗ nương tựa của tất cả Ðộc giác thừa thọ dụng để được pháp vị giải thoát, cũng là chỗ nương tựa của tất cả hàng Ðại thừa thọ dụng để được pháp vị giải thoát.

Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên người mong cầu giải thoát phải thân cận, cung kính, cúng dường những người nương theo chánh pháp của Ta, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa đỏ làm người xuất gia, trước phải tin kính giáo pháp Thanh văn thừa, hoặc tự mình nghe lãnh thọ, dạy người nghe lãnh thọ; hoặc tự mình đọc tụng, dạy người đọc tụng; hoặc tự mình biên chép, dạy người biên chép; hoặc tự mình ban bố, dạy người ban bố; hoặc tự mình giảng thuyết, dạy người giảng thuyết; tư duy tu hành làm cho lưu truyền rộng khắp.

Cũng vậy, nên tin kính pháp Ðộc giác thừa, hoặc tự mình nghe lãnh thọ, dạy người khác nghe lãnh thọ; hoặc tự mình đọc tụng, dạy người đọc tụng; hoặc tự mình biên chép, dạy người biên chép; hoặc tự mình ban bố, dạy người ban bố; hoặc tự mình giảng thuyết, dạy người giảng thuyết; tư duy tu hành làm cho lưu truyền rộng khắp.

Cũng vậy, nên tin kính pháp Ðại thừa, hoặc tự mình nghe lãnh thọ, dạy người khác nghe lãnh thọ; hoặc tự mình đọc tụng, dạy người đọc tụng; hoặc tự mình biên chép, dạy người biên chép; hoặc tự mình ban bố, dạy người ban bố; hoặc tự mình giảng thuyết, dạy người giảng thuyết; tư duy tu hành làm cho lưu truyền rộng khắp.

Nếu chẳng phải bậc pháp khí thì mình không nên nghe, cũng không được dạy người nghe, cho đến như đã nói rõ ở trước. Lại nên xa lìa tất cả pháp ác, phải bỏ bạn ác, nên gần bạn lành, phải siêng năng tu tập sáu pháp Ba-la-mật, nên thường sám hối tất cả nghiệp ác, nên tùy theo chỗ thích ứng phát hạnh nguyện chơn chánh. Nếu có thể được như vậy thì ngay đời này được thành tựu pháp khí Thanh văn thừa, hoặc không thối chuyển hạt giống Ðộc giác thừa, hoặc không thối chuyển hạt giống Ðại thừa. Thế nên phải tu tập cả ba thừa, không nên kiêu ngạo vọng xưng là Ðại thừa, phỉ báng pháp Thanh văn, Ðộc giác thừa. Lúc đầu, Ta chỉ vì pháp khí Ðại thừa mà kiên chí tu hành, nói lời như vầy, là: “Chỉ tu theo Ðại thừa mới có thể được rốt ráo”. Thế nên Như Lai nói xưa nay không trái nhau.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn giải rõ lại nghĩa này nên nói bài tụng:

- Ở trước các đại chúng  

Kim Cang Tạng hỏi Ta

Vì sao khuyên cúng dường

Bí-sô ác phá giới

Mất công đức đầu-đà     

Si mê chấp ác kiến

Ô đạo chẳng pháp khí   

Mà không cho trách phạt

Lại nghe người ấy thuyết 

Pháp vi diệu ba thừa

Thuốc hay chơn giải thoát

Hướng Niết-bàn tịch tịnh

Vì sao kinh khác nói

Chỉ Ðại thừa giải thoát    

Ngăn học pháp nhị thừa 

Nay lại nói ba thừa

Thương xót các hữu tình

Làm cho bỏ nghiệp ác

Ðược lợi ích an lạc

Xin giải nghi cho con

Làm lợi Sát-đế-lợi

Cho đến Mậu-đạt-la

Không não loạn Bí-sô    

Sợ họ mắc tội lớn

Cạo tóc, mặc ca-sa

Là tướng pháp chư Phật

Chư Phật thường hộ trì  

Pháp phục đạo giải thoát

Tuy phá các luật nghi     

Chẳng phải ngăn giải thoát

Hay xả các ác kiến

Sẽ mau đến Niết-bàn

Như thuốc tốt bị hư

Còn có thể trị bệnh

Như vậy phá luật nghi     

Cũng diệt khổ cho người

Không cho Bí-sô kia     

Cùng bố-tát, yết-ma

Ðược thuyết pháp cho người    

Ðều được phước không nghi

Nếu quy kính Tam bảo  

Tôn Ta làm Ðại sư

Hay bỏ các điều ác

Còn hơn các ngoại đạo

Như vào đảo La-sát

Các thương nhân sợ hãi

Mỗi người cầm sợi lông  

Qua biển được khỏi nạn

Cũng vậy, người phá giới

Xa lìa các tà kiến

Do lòng tin làm nhân

Khỏi La-sát phiền não

Tướng giải thoát như vậy

Chư Phật đều hộ trì

Không não người phá giới

Hay lìa các ác kiến

Những người thích nhiều phước

Vui cầu chơn giải thoát

Hộ pháp khí, chẳng khí  

Chứng giải thoát không khó

Si mạn xưng Ðại thừa    

Không có lực trí tuệ

Pháp nhị thừa còn mê

Huống là hiểu Ðại thừa   

Ví như mắt mù lòa

Không thể thấy hình sắc

Như vậy mất đức tin

Không thể hiểu Ðại thừa

Không thể uống ao sông

Làm sao uống biển cả?

Không tập pháp nhị thừa

Làm sao học Ðại thừa?

Trước tin pháp nhị thừa  

Sau mới tin Ðại thừa

Tụng đại thừa, không tin 

Nói rỗng không, không ích

Bên trong chấp đoạn kiến

Vọng xưng là Ðại thừa

Không giữ gìn ba nghiệp

Làm hoại chánh pháp Ta

Người này sau khi chết   

Quyết định đọa Vô gián

Nên quán căn cơ thuyết  

Không căn cơ không thuyết

Kiêu ngạo không từ bi    

Hung ác, chí thấp kém

Người trí phải nên biết    

Người này là chấp đoạn

Không Thanh văn, Duyên giác  

Cũng chẳng phải Ðại thừa

Lừa dối, phỉ báng Phật   

Quyết đọa ngục Vô gián

Trì giới ưa ồn ào 

Xẻn pháp sợ khổ ác

Người trí phải biết rõ     

Ðó là Thanh văn thừa

Bố thí quán sanh diệt     

Ưa ở nơi thanh vắng

Người trí nên biết rõ

Ðó là Ðộc giác thừa

Ðầy đủ các căn lành

Gìn giữ tâm từ bi

Ưa giáo hóa lợi sanh

Ðó gọi là Ðại thừa

Giữ giới bỏ thân mạng   

Không não hại chúng sanh

Tinh tấn cầu pháp không

Nên biết là Ðại thừa

Tâm kham nhẫn các pháp

Nói rõ không che giấu

Thường vui thích các pháp

Nên biết là Ðại thừa

Pháp khí, chẳng pháp khí

Tâm bình đẳng lợi lạc

Không nhiễm pháp thế tục

Nên biết là Ðại thừa

Thế nên người có trí

Cung kính thuyết ba thừa

Không làm não chúng Tăng     

Mau thành Vô thượng giác.

Lại nữa, này thiện nam tử! Nếu có sát-đế-lợi hiền thiện, Bà-la-môn hiền thiện, Tể quan hiền thiện, Cư sĩ hiền thiện, Trưởng giả hiền thiện, Sa-môn hiền thiện, Phiệt-xá hiền thiện, Mậu-đạt-la hiền thiện, hoặc người nam, người nữ nào thành tựu mười luân nên làm theo, thì ngay trong đời hiện tại có thể mau gieo trồng hạt giống Thanh văn thừa, làm cho không lui mất, hoặc ngay trong đời này thành tựu pháp khí bậc Thánh Thanh văn thừa, chẳng phải pháp khí bậc Thánh Ðộc giác thừa, Ðại thừa.

Thế nào là mười?

1- Ðầy đủ đức tin thanh tịnh: nghĩa là tin có tất cả nghiệp quả thiện ác.

2- Ðầy đủ tàm quý: nghĩa là xa lìa tất cả bạn ác, ác kiến.   3- An trú trong luật nghi: nghĩa là tránh xa sát sanh cho đến uống rượu.

4- An trú tâm từ: nghĩa là xa lìa tất cả sân giận làm não loạn.

5- An trú tâm bi: nghĩa là cứu giúp tất cả hữu tình yếu đuối.

6- An trú tâm hỷ: nghĩa là xa lìa tất cả bốn ác nghiệp về lời nói.

7- An trú tâm xả: nghĩa là xa lìa tất cả tánh tham lam, ganh ghét.

8- Quy y chân chánh hoàn thiện: nghĩa là xa lìøa tất cả vọng chấp, tốt xấu, hoàn toàn không quy y tà thần, ngoại đạo.

9- Ðầy đủ đức tinh tấn: nghĩa là kiên cố, dõng mãnh tu tập các thiện pháp.

10- Thương ưa thiền định: nghĩa là tư duy tìm cầu nghĩa giáo pháp, vui thích không mỏi mệt.

Này thiện nam tử! Nếu có Sát-đế-lợi hiền thiện cho đến Mậu-đạt-la hiền thiện, hoặc nam hoặc nữ thành tựu mười luân nên làm theo này, ngay trong đời này có thể mau gieo trồng hạt giống Thanh văn thừa, làm cho không lui mất. Hoặc ngay trong đời này chứng Thánh pháp của Thanh văn thừa, thành tựu pháp khí bậc Thánh Thanh văn thừa, chẳng phải chứng Thánh pháp Ðộc giác, Ðại thừa; chẳng phải thành tựu pháp khí bậc Thánh Ðộc giác, Ðại thừa. Nên biết, trong đây Ðộc giác, Ðại thừa đều như trước đã nói.

Này thiện nam tử! Mười luân nên làm theo này, tất cả Thanh văn, Ðộc giác, Bồ-tát, chư Phật Như Lai đều đồng có.

Này thiện nam tử! Lại có mười luân nên làm theo, không có ở Thanh văn mà chỉ có ở các bậc Ðộc giác, Bồ-tát, Như Lai:

Nếu có Sát-đế-lợi hiền thiện cho đến Mậu-đạt-la hiền thiện.v.v... hoặc nam hoặc nữ nào thành tựu mười luân nên làm theo này, ngay trong hiện đời có thể mau gieo trồng hạt giống Ðộc giác thừa, làm cho không lui mất. Hoặc ngay trong hiện đời chứng Thánh pháp của Ðộc giác thừa, thành tựu pháp khí Ðộc giác thừa.

Thế nào là mười?

1- Tu hành thanh tịnh các nghiệp về thân, ngữ, ý.

2- Ðầy đủ tàm quý, nhàm chán thân mình.

3- Ðối với năm thủ uẩn rất lo sợ.

     4- Thấy dòng sông sanh tử rất khó vượt qua.

5- Thường ưa chỗ vắng vẻ, xa lìa nơi ồn ào.

6- Ưa thích nơi thanh vắng, không chê lỗi người.

7- Gìn giữ các căn, tâm thường tịch tịnh.

  8- Khéo quán sát kỹ về nhân quả duyên khởi.

9- Thường ưa siêng năng tu tập đẳng trì tịnh lự.

10- Ðối với pháp tập khởi hay khéo diệt trừ.

Này thiện nam tử! Nếu có Sát-đế-lợi hiền thiện cho đến Mậu-đạt-la hiền thiện, hoặc nam hoặc nữ nào thành tựu mười luân nên làm theo này thì ngay trong hiện đời có thể mau gieo trồng hạt giống Ðộc giác thừa, làm cho không lui mất, hoặc ngay trong hiện đời chứng Thánh pháp của Ðộc giác thừa, thành tựu pháp khí Ðộc giác thừa.

Này thiện nam tử! Ðó gọi là luân nên làm theo của tất cả Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn và các Ðộc giác nương vào luân này mau có thể vượt qua biển lớn ba cõi, mau hướng đến thành Niết-bàn.

Này thiện nam tử! “Luân nên làm theo” (Hữu y hành luân) là nghĩa như thế nào?.

- Hữu y, hữu là có chấp thủ, có ngã sở. Y là có sự nhiếp thọ, có sự ràng buộc. Hành là: hành uẩn, hành giới, hành xứ và hành hệ thuộc. Luân là luân giáo thọ, giáo giới, như bánh xe của Chuyển luân vương hoặc thủ hành luân.

Như vậy, tất cả Thanh văn, Ðộc giác nương vào luân này mong cầu đạo Niết-bàn nên hai hạng này chẳng phải là bậc pháp khí Ðại thừa. Vì sao? - Vì hai hạng đó nương vào hạnh thấp kém nên chẳng phải bậc Ðại thừa.

Do vị đó tự mình chấp lấy các hành uẩn, kinh sợ, nhàm chán mà mong cầu giải thoát tất cả buồn khổ cho mình, chứ không phải tu hành để mong cầu giải thoát cho tất cả hữu tình nên chẳng phải là bậc pháp khí Ðại thừa.

Do vị đó tự mình nương vào các hành giới, kinh sợ, nhàm chán mà mong cầu giải thoát tất cả buồn khổ cho mình, chứ không phải tu hành để mong cầu  giải thoát cho tất cả hữu tình nên chẳng phải là bậc pháp khí Ðại thừa.

Do vị đó nhiếp thọ các hành xưù, kinh sợ, nhàm chán mà mong cầu giải thoát tất cả buồn khổ cho mình, chứ không phải tu hành để mong cầu giải thoát cho tất cả hữu tình nên chẳng phải là bậc pháp khí Ðại thừa.

Do vị đó lệ thuộc hữu, lệ thuộc hành, đối với các hữu tình không ưa nhiếp thọ, không có tâm từ bi, có lệ thuộc nên chẳng phải là bậc pháp khí Ðại thừa.

Do vị đó thấy người khác chịu đủ các khổ mà bỏ đi, không chịu cứu, chỉ mong cầu giải thoát cho bản thân mình nên chẳng phải là bậc pháp khí Ðại thừa.

Do vị đó muốn diệt trừ phiền não căn bản cho mình mà không thích diệt trừ phiền não cho tất cả hữu tình nên chẳng phải là bậc pháp khí Ðại thừa.

Do vị đó không có khả năng cỡi xe Ðại thừa hướng đến Bồ-đề nên chẳng phải là bậc pháp khí Ðại thừa.

Do vị đó không thể theo bánh xe pháp lớn hướng đến Bồ-đề nên chẳng phải là bậc pháp khí Ðại thừa.

Do vị đó thích tu riêng một mình, không có bạn tu hành đồng đến thành Niết-bàn nên chẳng phải là bậc pháp khí Ðại thừa.

Này thiện nam tử! Các chúng sanh nào đối với pháp Thanh văn thừa, Ðộc giác thừa chưa lập công khó nhọc và siêng năng tu học thì chúng sanh đó căn cơ chưa thuần thục, còn thấp kém, ít tinh tấn. Nếu họ giảng thuyết chánh pháp Ðại thừa thâm sâu vi diệu thì hai bên - người giảng và nghe - đều mắc tội lớn, cũng là trái nghịch tất cả chư Phật. Vì sao? - Vì các chúng sanh ấy đối với pháp Thanh văn thừa, Ðộc giác thừa chưa lập công khó nhọc và siêng năng tu học, căn cơ chưa thuần thục, còn thấp kém, ít tinh tấn mà liền nghe, lãnh thọ chánh pháp Ðại thừa thâm sâu vi diệu như vậy.

Các chúng sanh này thật là ngu si mà tự cho mình thông suốt, phá tan, diệt trừ tưởng điên đảo, vọng chấp nói không có nhân, đối với các nghiệp quả phát sanh tưởng đoạn diệt, bác bỏ tất cả, không có điều thiện để làm, điều ác để tạo nghiệp, vọng nói Ðại thừa, phá hoại, làm rối loạn chánh pháp Ta, rồi phi pháp nói là chánh pháp, chánh pháp nói là phi pháp; thật chẳng phải Sa-môn nói là Sa-môn, thật là Sa-môn nói chẳng phải Sa-môn; thật chẳng phải Tỳ-nại-da nói là Tỳ-nại-da, thật là Tỳ-nại-da nói là chẳng phải Tỳ-nại-da. Do tâm họ ngu si, điên đảo, cao ngạo, ngã mạn, ganh ghét bạn bè nên đối với pháp Ðại thừa ủng hộ, khen ngợi, làm cho lưu truyền rộng rãi, còn đối với pháp Thanh văn thừa, Ðộc giác thừa thì phỉ báng, làm chướng ngại, không lưu truyền rộng rãi, không thể như thật mà nương vào Thanh văn thừa, hoặc Ðộc giác thừa, hoặc Vô thượng thừa mà bỏ thế tục xuất gia, thọ giới Cụ túc, thành tựu tánh Bí-sô; cũng không thể như thật tu tập tất cả nhân duyên pháp thiện; đối với đệ tử của Ta hoặc là bậc pháp khí, hoặc chẳng phải bậc pháp khí, nghĩa là người siêng năng tu hạnh học, vô học, cho đến chứng đắc quả sau cùng, hoặc là phàm phu hiền thiện trì giới, phá giới, không có giới thì họ dùng đủ cách mắng nhiếc, quở trách, làm não loạn, hoặc đoạt lấy y bát của người, không cho thọ dùng các vật dụng; trói buộc, giam nhốt như vậy cho đến nói chấp đoạn, bác bỏ tất cả, không có nhân quả. Tuy họ ở trong loài người nhưng thật là La-sát, vào đời vị lai vô số đại kiếp khó được lại thân người. Thà ở trong địa ngục chịu vô lượng khổ chứ không làm người mà sanh đoạn kiến. Người ngu si này, không bao lâu thân thể sẽ bị thiếu khuyết, trong nhiều ngày lưỡi bị cứng, không thể nói được, chịu các khổ đau đớn khó chịu nổi. Sau khi qua đời, nhất định đọa vào ngục Vô gián. Ở trong các đường ác xoay vần qua lại, thọ lấy các khổ, khó có thể cứu vớt, hàng trăm ngàn kiếp khó trở lại thân người. Tuy đã trải qua vô lượng vô số kiếp rồi trở lại được làm người nhưng sanh trong đời năm trược, vào thời kỳ không có Phật, sanh ra bị mù, điếc, câm, ngọng, không có lưỡi; các thứ bệnh nặng thường làm đau khổ bức bách; hoặc thân hôi dơ, người không muốn nhìn đến; lời nói chậm chạp, vụng về, khó nghe; tâm thường mê loạn, không hiểu rõ; sanh vào nhà nghèo cùng, thiếu thốn, không gặp bạn lành, làm theo bạn ác, thích tạo nghiệp ác ưa chấp ác kiến, tạo tội Vô gián để trở lại đọa vào ngục Vô gián, luân hồi trong đường ác, khó có thời kỳ ra khỏi.

Như vậy, người ngu si chấp đoạn diệt, làm hư hoại, hủy diệt chánh pháp của Ta, làm bức bách, xúc não, trách phạt các đệ tử trì giới, phá giới, không có giới của Ta, làm cho họ không an tâm tu hành các điều thiện. Do nhân duyên này mà hàng trăm ngàn kiếp chìm đắm trong các đường ác, từ chỗ đen tối này đến chỗ đen tối khác, khó có thời kỳ ra khỏi.

Những chúng sanh mắc tội báo như vậy đều là chưa mong cầu nghe, tu tập pháp Thanh văn, Ðộc giác thừa, mà trước mong cầu nghe, tu tập chánh pháp Ðại thừa thâm sâu vi diệu. Người ngu si chấp đoạn như vậy sanh làm người thấp kém còn khó được, huống là thành bậc pháp khí Hiền thánh; còn không thể chứng được Niết-bàn của Thanh văn, Ðộc giác, huống là được đạo Vô thượng Chánh đẳng giác thâm sâu rộng lớn. Những chúng sanh mắc lỗi lầm như vậy là đều do chưa học pháp Thanh văn thừa, Ðộc giác thừa mà trước đã học Ðại thừa.

Này thiện nam tử! Ví như bình sành bị nhiều lằn nứt, đựng các thứ dầu, sữa đều bị rỉ chảy. Hai thứ: bình đựng và chất chứa trong đó đều bị hoại mất. Vì sao? - Vì bình đựng bị hư hoại. Chúng sanh này đối với pháp Thanh văn thừa, Ðộc giác thừa chưa chịu khó nhọc và siêng năng tu học, căn cơ chưa thuần thục, còn thấp kém, ít tinh tấn; nếu thuyết giảng chánh pháp Ðại thừa thâm sâu vi diệu thì người giảng, người nghe đều mắc tội lớn, cũng là việc làm trái nghịch tất cả chư Phật, mắc tội lỗi đã nói rộng như ở trước.

Ví như kho tích chứa tài sản của báu ở đời bị sụp lở, tất cả đều tan mất; những chúng sanh như vậy đối với pháp nhị thừa phỉ báng không tin, không chịu tu học mà giảng thuyết Ðại thừa cho họ nên hiểu biết không đúng như thật. Do đó tạo tội xoay vần không dứt.

Ví như ghe thuyền lủng rỉ nhiều chỗ, không thể chuyên chở qua biển lớn được, chúng sanh này phần nhiều tham lam, ganh ghét, đối với pháp nhị thừa chưa từng tu học, vọng xưng là Ðại thừa, thật là chấp đoạn kiến, kiêu mạn, dua nịnh, thành ra thân rỉ chảy, không thể nương cậy vào biển Nhất thiết trí.

Ví như người mù mắt, không thể chỉ các thứ trân bảo, cũng vậy, chúng sanh kiêu mạn, buông lung, chấp trước kiến không, không học nhị thừa, mù mờ không có mắt trí tuệ, không thể chỉ rõ trân bảo công đức Ðại thừa vô thượng.

Ví như có người thân hôi dơ, tuy dùng các thứ hương thơm tốt nhất để thoa nhưng hoàn toàn không thể làm cho thân thể sạch thơm được; cũng vậy, chúng sanh ngu si kiêu mạn, đối với pháp nhị thừa không thích siêng năng tu tập, không bỏ sát sanh cho đến tà kiến. Tuy siêng năng nghe, lãnh thọ Ðại thừa vô thượng nhưng hoàn toàn không hiểu được chánh pháp thâm sâu.

Ví như ruộng đá, tuy gieo trồng giống tốt, gia công đầu tư vào ruộng, nhưng hoàn toàn không thu hoạch được. Cũng vậy, chúng sanh đối với pháp nhị thừa kiêu mạn, biếng nhác, không ưa siêng năng tu tập, chỉ tham cầu năm món dục lạc chưa từng mỏi mệt nhàm chán; tuy đối với bản thân gieo hạt giống Ðại thừa, siêng năng tinh tấn chịu khổ, nhưng hoàn toàn không có thành tựu.

Ví như cái hủ trước đã đựng thuốc độc, sau bỏ ít đường phèn, không thể ăn được. Cũng vậy, chúng sanh này đối với pháp nhị thừa không chịu tu học, chấp cho là không có nhân, nếu vì họ thuyết giảng Ðại thừa thì hoàn toàn không thể thành tựu lợi ích cho mình và người.

Ví như cái hủ, trước đây đựng đường phèn, sau bỏ ít thuốc độc, không thể dùng được. Cũng vậy, chúng sanh tinh tấn tu học chánh pháp nhị thừa, chưa được thành tựu, nếu thuyết giảng Ðại thừa cho họ thì cả hai đều mất.

Ví như người ngu si, tâm cuồng loạn mà trỗi các âm nhạc cho họ nghe, cũng không thể hiểu biết được. Cũng vậy, chúng sanh đối với chánh pháp nhị thừa chưa từng tu học, bị phiền não tham sân si mạnh mẽ khuấy rối, chấp trước cho là không có nhân và chấp đoạn diệt, căn cơ chưa thuần thục mà thuyết giảng Ðại thừa cho họ nghe, tuy trải qua nhiều thời gian nhưng không thể hiểu rõ được.

Ví như có người không mặc áo giáp, đội mũ giáp, không cầm dao gậy mà liền xông vào chiến trận, ắt sẽ bị thương, chịu các đau khổ. Cũng vậy, chúng sanh này đối với chánh pháp nhị thừa chưa từng tu học, trí tuệ thấp kém, căn khí chưa thành thục mà thuyết giảng Ðại thừa cho họ nghe, ắt sẽ sanh tâm vọng chấp; do đây, dần dần tạo các nghiệp ác không dứt. Người ngu si này không bao lâu thân thể sẽ bị thiếu khuyết, nhiều ngày lưỡi sẽ khô cứng không nói được, chịu các khổ đau đớn khó chịu nổi, sau khi qua đời nhất định sẽ đọa vào địa ngục Vô gián, lưu chuyển qua lại trong các đường ác.

  Nên biết theo thứ lớp như đã nói rộng ở trước.

Này thiện nam tử! Thế nên người trí trước phải quán sát hết thảy tâm của chúng sanh rồi sau đó mới giảng thuyết chánh pháp. Trước phải phát sanh tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm làm lợi ích, tâm không biếng nhác, tâm nhẫn nhục, tâm không kiêu mạn, tâm không ganh ghét, tâm không xan tham, tâm thiền định, sau đó mới giảng thuyết chánh pháp cho họ nghe, hoàn toàn không làm cho các chúng sanh do nghe giáo pháp mà lưu chuyển trong sanh tử, đọa vào đường hiểm nạn lớn.

Thế nên Như Lai hiểu biết rõ tâm tưởng của tất cả chúng sanh, dùng hành luân vô trần cấu, hành luân vô thủ mà thuyết chánh pháp cho họ. Tất cả chúng đại Bồ-tát đầy đủ đại giáp trụ giảng thuyết chánh pháp cho chúng sanh cũng như vậy. Do thương xót nên làm cho họ diệt trừ các phiền não, làm cho họ vượt ra khỏi biển ba cõi, làm cho tất cả chúng sanh tùy theo tâm ưa thích mà hướng đến một thừa trong ba thừa và mau được viên mãn. Giảng thuyết chánh pháp cho họ nghe, hoàn toàn không làm cho họ lưu chuyển trong sanh tử, đọa vào nạn hiểm lớn.

Thế nào gọi là luân vô trần cấu hành? - Vô trần cấu nghĩa là lúc thuyết pháp, không vì có uẩn, không vì có xứ, không vì có giới, không vì có Dục giới, không vì có Sắc giới, không vì có Vô sắc giới, không vì có đời này, không vì có đời khác, không vì có các hành, không vì có thọ, không vì có tưởng, không vì có tư, không vì có xúc, không vì có tác ý, không vì có vô minh cho đến không vì có lão tử, không vì có hành và bất hành mà giảng thuyết chánh pháp cho các chúng sanh. Chỉ vì tất cả uẩn, xứ, giới, nói rộng cho đến hành và bất hành đều vắng lặng mà giảng thuyết chánh pháp cho các chúng sanh. Do nghĩa này nên gọi là vô trần cấu hành, nghĩa là có thể đoạn hẳn chết ở đây sanh ở kia, giảng thuyết chánh pháp cho các chúng sanh hay đoạn hẳn các uẩn, xứ, giới; nói rộng cho đến đoạn hẳn hành và bất hành mà giảng thuyết chánh pháp cho chúng sanh. Ðó gọi là hành.

Luân nghĩa là như ánh trăng rằm chiếu sáng, diệu tỏa khắp không gian, chiếu soi tất cả cảnh vật không chướng ngại. Cũng vậy, Như Lai và các Bồ-tát có thần thông giảng thuyết, dạy bảo ba loại luân thù thắng có tác dụng vô ngại, đi khắp các thế giới giáo hóa làm lợi lạc tất cả chúng sanh, làm cho các chúng sanh cùng quy về một đường. Ðiều này tất cả chúng sanh ở đời không có, tất cả Thanh văn, Ðộc giác cũng không có. Phật và Bồ-tát hay làm cho chúng sanh diệt trừ các khổ não sanh tử, chứng đắc quả Niết-bàn an vui. Ðó gọi là hành luân vô trần cấu của chư Phật Bồ-tát.

Thế nào gọi là hành luân không chấp thủ? - Nghĩa là đối với các pháp không chướng ngại, giống như ánh sáng mặt trời chiếu khắp tất cả. Các bậc pháp khí ba thừa tùy theo căn cơ chúng sanh mà giảng thuyết chánh pháp, không chấp trước. Nghĩa là chư Như Lai vì các chúng sanh giảng thuyết giáo pháp này, giống như hư không, không có tướng sai khác; dùng vô lượng định an trụ trang nghiêm tự tại, giảng thuyết chánh pháp vi diệu cho các chúng sanh không chấp trước.

Tất cả chúng đại Bồ-tát đầy đủ đại giáp trụ giảng thuyết giáo pháp cho mọi người cũng lại như vậy. Nghĩa là:

Lúc giảng thuyết các pháp chẳng phải có, chẳng phải không.      Chẳng phải là không của sắc, chẳng phải lìa không của sắc.

Cho đến chẳng phải là không của thức, chẳng phải lìa không của thức.

Chẳng phải là không của nhãn, chẳng phải lìa không của nhãn.

Cho đến chẳng phải là không của ý, chẳng phải lìa không của ý.

Chẳng phải là không của sắc, chẳng phải lìa không của sắc.

Cho đến chắng phải là không của pháp, chẳng phải lìa không của pháp.

Chẳng phải là không của nhãn thức, chẳng phải lìa không của nhãn thức.

Cho đến chẳng phải là không của ý thức, chẳng phải lìa không của ý thức.

Chẳng phải là không của Dục giới, chẳng phải lìa không của Dục giới.

Cho đến chẳng phải là không của hư không vô biên xứ, chẳng phải lìa không của hư không vô biên xứ.

Chẳng phải là không của thức vô biên xứ, chẳng phải lìa không của thức vô biên xứ.

Chẳng phải là không của vô sở hữu xứ, chẳng phải lìa không của vô sở hữu xứ.

Chẳng phải là không của phi tưởng phi phi tưởng xứ, chẳng phải lìa không của phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Chẳng phải là không của bốn niệm trụ, chẳng phải lìa không của bốn niệm trụ.

Cho đến chẳng phải là không của tám chi Thánh đạo, chẳng phải lìa không của tám chi Thánh đạo.

Chẳng phải là không của pháp duyên khởi, chẳng phải lìa không của pháp duyên khởi.

Chẳng phải là không của ba bất hộ, chẳng phải lìa không của ba bất hộ.

Chẳng phải là không của bốn vô sở úy, chẳng phải lìa không của bốn vô sở úy.

Chẳng phải là không của mười lực, chẳng phải lìa không của mười lực.

Chẳng phải là không của mười tám pháp bất cộng, chẳng phải lìa không của mười tám pháp bất cộng.

Chẳng phải là không của đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả; chẳng phải lìa không của đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả.

Chẳng phải là không của Niết-bàn, chẳng phải lìa không của Niết-bàn.

Ðó là Như Lai và các Bồ-tát giảng thuyết chánh pháp vi diệu cho các chúng sanh.

Này thiện nam tử! Như vậy Như Lai vì các chúng sanh dùng hành luân vô trần cấu thuyết pháp như ánh trăng tròn chiếu sáng diệu tỏa khắp không gian, thấu suốt cảnh vật không bị chướng ngại, cho đến nói rộng như trên.

Lại dùng hành luân vô thủ giảng thuyết chánh pháp vi diệu, đối với tất cả pháp không bị chướng ngại, giống như mặt trời chiếu soi tất cả.

Bậc pháp khí trong ba thừa tùy theo căn cơ chúng sanh giảng thuyết chánh pháp không có chấp trước. Nghĩa là các đức Như Lai giảng thuyết giáo pháp như vậy cho các chúng sanh, giống như hư không không có tướng sai khác, dùng vô lượng định an trú trang nghiêm tự tại, vì các chúng sanh giảng thuyết chánh pháp vi diệu không bị chấp trước, làm cho các chúng sanh tùy theo sở thích mà hướng đến ba thừa.

Tất cả chúng đại Bồ-tát đầy đủ đại giáp trụ giảng thuyết giáo pháp cho mọi người cũng lại như vậy, làm cho các chúng sanh nghe giáo pháp thâm sâu thù thắng này rồi, đối với ba thừa tùy theo sở thích mà hướng đến một thừa, các thiện căn đều được thành tựu, an trú vào một thừa tốt nhất, hoàn toàn không làm cho người đó ở trong sanh tử tăng trưởng nhiều điều ác bất thiện, mà đối với Niết-bàn thì vững chắc không thối lui.

Này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát vì muốn dứt trừ dòng sanh tử cho vô lượng vô số chúng sanh mà thuyết pháp cho họ. Hàng Thanh văn, Duyên giác vì muốn dứt trừ dòng sanh tử của mình mà thuyết pháp cho họ.

Ðại Bồ-tát vì làm cho vô lượng vô số chúng sanh vượt qua bốn bạo lưu mà thuyết pháp cho họ. Hàng Thanh văn, Duyên giác chỉ vì muốn làm cho mình vượt qua bốn bạo lưu mà giảng thuyết giáo pháp cho họ.

Ðại Bồ-tát vì muốn diệt trừ các bệnh phiền não cho vô lượng vô số chúng sanh mà giảng thuyết giáo pháp cho họ. Hàng Thanh văn, Ðộc giác vì muốn diệt trừ các bệnh phiền não cho mình mà giảng thuyết giáo pháp cho chúng sanh.

Ðại Bồ-tát vì muốn dứt trừ các uẩn phiền não tập khí tương tục của chúng sanh, làm cho đoạn trừ hết không còn sót lại mà giảng thuyết giáo pháp cho họ. Hàng Thanh văn, Ðộc giác chỉ vì mình muốn đoạn trừ các uẩn tập khí phiền não tương tục còn dư lại chưa đoạn hết mà giảng thuyết giáo pháp cho chúng sanh.

Ðại Bồ-tát vì muốn thành tựu quả đại bi đẳng lưu - mà đại bi là nhân - nên giảng thuyết giáo pháp cho họ. Hàng Thanh văn, Ðộc giác không vì quả đại bi nên không có nhân đại bi mà giảng thuyết giáo pháp cho chúng sanh.

Ðại Bồ-tát nhớ nghĩ các chúng sanh nên thuyết pháp cho họ. Hàng Thanh văn, Ðộc giác không nhớ nghĩ đến các chúng sanh mà thuyết pháp cho họ.

Ðại Bồ-tát vì muốn làm ngừng khổ đau của tất cả chúng sanh mà giảng thuyết chánh pháp cho họ. Hàng Thanh văn, Ðộc giác chỉ vì muốn làm ngừng khổ cho mình mà giảng thuyết chánh pháp cho chúng sanh.

Ðại Bồ-tát vì muốn tất cả chúng sanh được viên mãn pháp vị mà giảng thuyết chánh pháp cho họ. Hàng Thanh văn, Ðộc giác chỉ vì bản thân mình được viên mãn pháp vị mà giảng thuyết chánh pháp cho chúng sanh.

Ðại Bồ-tát vì muốn làm cho các chúng sanh thông suốt thắng pháp mà giảng thuyết chánh pháp cho họ. Hàng Thanh văn, Ðộc giác chỉ vì muốn mình được thông suốt thắng pháp mà giảng thuyết chánh pháp cho chúng sanh.

Này thiện nam tử! Nói tóm lại, đại Bồ-tát có vô lượng luật nghi, vì muốn diệt trừ bóng tối vô minh lớn, sự sợ hãi lớn, tất cả suy tổn của tất cả chúng sanh, được ánh sáng lớn và tiếng khen lớn, như thật giác ngộ trí Nhất thiết trí nên thuyết pháp cho họ. Hàng Thanh văn, Ðộc giác có ít luật nghi, chỉ vì diệt trừ bóng tối vô minh cho bản thân, được ánh sáng nhỏ và ít tiếng khen, như thật giác ngộ chút phần pháp trí mà thuyết pháp cho chúng sanh.

Này thiện nam tử! Thanh văn, Ðộc giác không có tâm thật sự nhớ nghĩ đến chúng sanh, không có thật lòng thương xót chúng sanh, không có tâm thật sự không khinh thường chúng sanh, không có tâm thật sự làm lợi ích cho chúng sanh, không có tâm thật sự cứu giúp chúng sanh, không có tâm thật sự tiến cử người khác, không có tâm thật sự muốn khen ngợi người khác, không có tâm thật sự không dua nịnh mà khen ngợi người khác, không có tâm không luyến tiếc thân mình làm cho người khác an vui, không có tâm không khởi sai lầm về ba nghiệp thân, ngữ, ý đối với người khác.

Này thiện nam tử! Người an trú Ðại thừa không có tâm thật sự nghĩ nhớ đến bản thân mình, nói rộng cho đến không có tâm phát khởi sai lầm về ba nghiệp thân, ngữ, ý đối với người khác.

 

KINH ÐẠI THỪA ÐẠI TẬP ÐỊA TẠNG THẬP LUÂN

Hết quyển thứ sáu 

 --- o0o ---

Mục Lục

Quyển 01 | Quyển 02 | Quyển 03 | Quyển 04 | Quyển 05

Quyển 06 | Quyển 07 | Quyển 08 | Quyển 09 | Quyển 10

 --- o0o ---

Vi tính: Nguyên Tịnh

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 4-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Danh hiệu Avalokiteśvara trong Tịnh Độ å æžœ æˆåšæ ส ะนนะ お寺 護持会 住所 ๆ ภขง 曹洞宗 お参りの仕方 人生是 旅程 風景 地藏十轮经 xuân về nơi cửa phật рикна çšˆä¾ çš æ æ chuong viii sau la thu va cuoc khung hoang cua cac ban tre thoi nay nhin cuoc doi nhu the nao an chay doi voi gioi tre æ ²æ¼ 大安法师讲五戒 积极向上的名言警句 สโตร ส รา Lạc nhà 淨空法師 李木源 著書 chùa quan âm 念地藏圣号发愿怎么说 học phật é å ç 佛教禪定教室 Tháng Giêng nhớ mẹ Thầy 三乘總要悟無為 cửa 4 lưu ý giúp tránh suy nhược tinh thần 僧人心態 10 dieu nhan nhu toi ban than luc doi mat voi moi æˆ å šæ Hơi bún 大学生贫困证明 离开娑婆世界 佛说如幻三昧经 Sen cay Thi v b Ngu dot N u do de suy nghiem loi phat xin an ma khong an xin