KINH PHỔ MÔN
CHÚ GIẢNG
Bhikkhu THÍCH THÁI HÒA

----o0o----

 

 

1.

 

Ý NGHĨA VÀ DUYÊN KHỞI 

 

Ở kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn là nói về Hạnh môn Pháp Hoa của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Phổ Môn, tiếng Phạn là Samantamukha. Samanta là phổ biến, cùng khắp. Mukha là cửa ngõ. Ngài La Thập, Trúc Pháp Hộ và Xà Na Quật Đa, đều dịch Samantamukha là Phổ Môn.

Phổ Môn nghĩa là cửa ngõ cùng khắp mọi nơi. Và là cửa ngõ giúp ta đi vào mười như thị của mọi sự hiện hữu, để thấy rõ bất cứ sự hiện hữu nào cũng có mười như thị, gồm: Tướng như thị, tính như thị, thể như thị, lực như thị, tác như thị, nhân như thị, duyên như thị, quả như thị, báo như thị, bản mạt cứu cánh như thị1. Phổ Môn là cánh cửa giúp ta đi vào thực tại, đi vào thực tướng của mọi sự hiện hữu qua mười như thị ấy.

Lại nữa, Phổ có nghĩa là cùng khắp; Môn là môi trường. Phổ Môn là môi trường hoạt động cùng khắp của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Bồ Tát Quán Thế Âm không phải chỉ hoạt động từ bi để diễn thuyết và hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở trong cửa ngõ vào và ra của nhân thiên hay môi trường của nhân thiên, mà còn diễn thuyết và hoằng truyền kinh Pháp Hoa cùng một lúc khắp cả mười phương pháp giới. Trong đó có Lục Phàm và Tứ Thánh.

* Lục Phàm:

1.Thế giới của Địa Ngục: Trong thế giới địa ngục cũng có vô số thế giới, vô số nhân duyên nghiệp quả, chứ không phải chỉ là một thế giới hay là một nhân duyên nghiệp quả. Và mọi sự hiện hữu ở trong thế giới của Địa ngục, mỗi sự hiện hữu đều có đầy đủ cả mười như thị.

2.Thế giới của Ngạ Quỷ: Trong thế giới của ngạ quỷ cũng có vô số thế giới, vô số nhân duyên nghiệp quả, chứ không phải chỉ là một nhân duyên nghiệp quả. Và mọi hiện hữu ở trong thế giới của Ngạ quỷ, mỗi sự hiện hữu đều có đầy đủ cả mười như thị.

3.Thế giới của Súc Sanh: Trong thế giới súc sanh cũng vậy, chúng cũng có vô số thế giới, vô số nhân duyên nghiệp quả, không có nhân duyên nghiệp quả của chủng loại súc sanh nào giống chủng loại súc sanh nào, nghĩa là có vô số thế giới của súc sanh. Và mọi hiện hữu ở trong thế giới của súc sanh, mỗi sự hiện hữu đều có đầy đủ cả mười như thị.

4 Thế giới của loài A Tu La: Trong thế giới của các loài quỷ thần nầy, họ cũng có vô số thế giới, vô số nhân duyên nghiệp quả. Và mọi hiện hữu ở trong thế giới của A Tu La, mỗi sự hiện hữu đều có đầy đủ cả mười như thị.

5.Thế giới của loài người: Trong thế giới của loài người cũng có vô số thế giới, vô số nhân duyên nghiệp quả, không có nhân duyên nghiệp quả của người nào giống người nào, ngay cả trong một dòng dõi huyết thống, nhân duyên nghiệp quả của mỗi người cũng không ai giống ai, mỗi người là mỗi thế giới của nhân duyên nghiệp quả. Và mọi sự hiện hữu ở trong thế giới loài người, mỗi sự hiện hữu cũng đều có đầy đủ cả mười như thị.

6.Thế giới của chư Thiên: Trong thế giới của chư Thiên cũng có vô số thế giới, vô số nhân duyên nghiệp quả khác nhau. Chư Thiên Dục giới không những nhân duyên nghiệp quả không đồng với chư Thiên các cõi trời Sắc giới và Vô sắc giới đã đành, mà ngay nhân duyên nghiệp quả ở nơi các cõi trời Dục giới, họ cũng không đồng nhau, và ngay nơi chư Thiên của Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, nhân duyên nghiệp quả tự thân của mỗi vị cũng không đồng nhau. Tự thân của mỗi thiên, mỗi nhân là mỗi thế giới. Và mọi sự hiện hữu ở trong thế giới của chư thiên, mỗi sự hiện hữu đều có đầy đủ cả mười như thị.

* Tứ Thánh:

1.Thế giới của các Thánh giả Thanh Văn: Mỗi Ngài lãnh hội Tứ Thánh Đế mỗi cách tùy theo nhân duyên nghe pháp, nhân duyên tri Khổ, đoạn Tập, chứng Diệt, tu Đạo của mỗi vị. Nhân và Pháp ở trong thế giới của các Thánh giả Thanh Văn, mỗi nhân và mỗi pháp cũng đều có đầy đủ cả mười như thị.

2. Thế giới của các Thánh giả Duyên Giác: Mỗi Ngài lãnh hội lưu chuyển và hoàn diệt của giáo lý Mười hai duyên khởi mỗi cách, cũng tùy theo nhân duyên thiền quán sâu cạn của mỗi vị. Nên, mỗi vị cũng là mỗi thế giới tu chứng. Và Nhân cũng như Pháp ở trong thế giới của các Bậc Thánh giả Duyên Giác, mỗi nhân và mỗi pháp cũng đều có đầy đủ cả mười như thị.

3. Thế giới của Bồ Tát: Mỗi Ngài tùy theo năng lượng của Bồ đề tâm mà phát khởi hạnh nguyện và tùy theo hạnh nguyện mà tạo thành cách hành động và cảnh giới của mình. Và Nhân cũng như Pháp ở trong thế giới của Bồ Tát, mỗi nhân và pháp cũng đều có đầy đủ cả mười như thị.

4. Thế giới của chư Phật: Cũng vậy, khi hành Bồ Tát đạo, tùy theo hạnh nguyện tu tập của mỗi Ngài, mà tạo thành cảnh giới tương ứng để giáo hóa. Và trong thế giới của chư phật, mỗi sự hiện hữu cũng có đầy đủ cả mười như thị.

Do đó, trong mỗi pháp giới có nhiều thế giới, cho đến có vô số thế giới. Và trong tự thân nhân duyên của mỗi loài, hay của mọi sự hiện hữu đều có đầy đủ mười như thị, và trong mỗi pháp giới  đều có đầy đủ cả Thập pháp giới.

Nên, nói Thập pháp giới là nói tổng quát, và nói chi tiết thì phải nói có vô số pháp giới hay vô số thế giới.

Vậy, Phổ Môn là pháp hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm, pháp hạnh ấy là cùng một lúc mà có mặt cả toàn thể pháp giới, cả mười pháp giới và cả vô số thế giới để đem hạnh không sợ hãi mà hiến tặng cho tất cả Phàm Thánh, và diễn thuyết Pháp Hoa cho tất cả sinh loại Thánh, Phàm cùng khắp hết thảy pháp giới trong mười phương. Đối với Lục phàm Bồ Tát Quán Thế Âm diễn giảng Kinh Pháp Hoa, khiến cho họ tu tập không còn sợ hãi đối với những khổ đau do “Phân đoạn sinh tử đem lại” mà khởi tâm Bồ Đề hướng tới Nhất Thừa Đạo. Và đối với các Thánh giả, Bồ Tát Quán Thế Âm diễn giảng Kinh Pháp Hoa, khiến cho các Thánh không còn khởi tâm sợ hãi đối với khổ đau do “Biến dịch sinh tử đem lại”, sẵn sàng buông bỏ các địa vị tu chứng có tính cách tạm thời mà vững tâm tiến về Nhất Thừa Phật Đạo.

Đối với ai chưa mở được Phật tri kiến, thì Bồ Tát thuyết pháp một cách thích ứng để cho họ mở Phật tri kiến, đối với ai chưa thấy Phật tri kiến, thì Bồ Tát thuyết pháp một cách thích ứng cho họ, để chỉ bày Phật tri kiến cho họ. Đối với ai chưa giác ngộ phật tri kiến, thì Bồ Tát thuyết pháp một cách thích ứng để giác ngộ Phật tri kiến cho họ và đối với ai chưa thể nhập Phật tri kiến, thì Bồ Tát hóa thân thuyết pháp một cách thích hợp để cho họ thể nhập hoàn toàn Phật tri kiến.

Và, nếu đối với ai không có khả năng để tin rằng, tự thân mình có Phật tính và hết thảy chúng sanh đều có Phật tính; và đều có khả năng thành Phật, thì đối với hạnh Phổ môn, Bồ Tát Quán Thế Âm có thể biểu hiện thân thể và thuyết pháp một cách thích ứng, khiến cho họ sinh khởi đức tin rằng: “Ta và hết thảy chúng sanh đều có Phật tính, và tất cả đều có khả năng thành Phật”.

Nếu có bao nhiêu người cùng một lúc chưa có đức tin nầy, thì Bồ Tát biểu hiện có bấy nhiêu thân thể cùng một lúc, thích ứng để thuyết pháp, khiến cho tất cả họ, đều cùng một lúc sinh khởi đức tin ấy.

Nên, Phổ môn là pháp hành của Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Quán Thế Âm là người đang thực hành pháp môn phổ môn ấy.

Đối với kinh Pháp Hoa, Bồ Tát Dược Vương là tiêu biểu cho hạnh môn về khổ hạnh và nhấn mạnh đến thân hành thanh tịnh và đốt thân thanh tịnh để cúng dường Phật và pháp, nên DượcVương Bồ Tát là tiêu biểu cho vị Bồ Tát bố thí thân một cách tuyệt đối.

Bồ Tát Diệu Âm đối với hạnh môn Pháp Hoa là tiêu biểu cho ngữ hành thanh tịnh và đem ngữ hành thanh tịnh ấy mà phụng sự chánh pháp, nên Bồ Tát Diệu Âm là tiêu biểu cho vị Bồ Tát bố thí pháp một cách tuyệt đối.

Và Bồ Tát Quán Thế Âm đối với kinh Pháp Hoa là vị Bồ Tát tiêu biểu cho ý hành thanh tịnh và đem ý hành thanh tịnh ấy mà phụng sự chánh pháp. Nên, Bồ Tát Quán Thế Âm là tiêu biểu cho vị Bồ Tát bố thí nghị lực, bố thí ý chí hay bố thí sự không sợ hãi một cách tuyệt đối.

Theo kinh Bi Hoa, trong thời kỳ quá khứ, có thế giới tên là Tán Đề Lam, thuộc kiếp Thiện Trì, bấy giờ có Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng, có vị Thái tử của vua Vô Lượng Tịnh, phát Bồ đề tâm cúng dường Phật và Tăng tỷ khưu ba tháng và phát nguyện, nếu có chúng sanh nào đang chịu khổ não trong ba ác đạo, họ liền nghĩ đến tôi, xưng niệm danh hiệu của tôi, tôi sẽ dùng thiên nhĩ nghe âm thanh của họ, dùng thiên nhãn thấy họ mà họ không thoát khỏi khổ đau, tôi nguyện không thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề.

Bấy giờ, Đức Phật Bảo Tạng bảo với vị Thái tử ấy rằng: “Người nhìn hết thảy chúng sanh là vì muốn đoạn trừ hết thảy khổ đau cho họ, nên nay danh hiệu của Người là Quán Thế Âm”. Và Thái tử tức là Bồ Tát Quán Thế Âm đã được Đức Phật Bảo Tạng thọ ký thành phật trong tương lai với bài kệ:     

“Đại Bi công đức

kim ưng hoàn khởi

địa lục chấn động

cập chư phật giới.

Thập phương chư phật

dĩ thọ nhữ ký

đương thành vi phật

cố ưng hoan hỷ”.2

Nghĩa là:

Công đức đại bi

nay, nên khởi lại

đất sáu chấn động

cùng các cõi phật.

Các phật mười phương

thọ ký cho ngươi

tương lai làm phật

nên, hãy vui lên.

Và ở trong Đại Bi kinh: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói với Bồ Tát Tổng Trì Vương rằng: “Bồ Tát Quán Thế Âm từ vô lượng kiếp đã thành tựu tâm đại từ, đại bi, có khả năng thực hành vô lượng pháp môn, nắm giữ hết thảy thiện pháp một cách thông minh. Vì muốn làm cho hết thảy chúng sanh an lạc, nên mật phóng ra sức mạnh của thần thông vĩ đại”. Và Bồ Tát Quán Thế Âm cũng đã thưa với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng: “Thần chú Đai Bi nầy, từ vô lượng kiếp về trước, con đã được Đức Phật Thiên Quang Vương Tịnh Trú trao truyền và dạy con rằng: Ngươi hãy hành trì tâm chú nầy, để làm đại lợi ích cho khắp hết thảy chúng sanh vào đời ác trược trong tương lai”. Và cũng ở trong kinh nầy, Đức Phật Thích Ca  đã nói với Tôn giả A Nan và đại chúng lúc bấy giờ ở Núi Phổ Đà  rằng: “Oai lực của Bồ Tát Quán Thế Âm là không thể nghĩ bàn, ở vô lượng kiếp trong quá khứ vị Bồ Tát nầy đã làm Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, vì muốn phát khởi  nguyện lực đại bi cho hết thảy Bồ Tát và vì muốn thành thục sự an lạc cho hết thảy chúng sanh mà hiện thân làm vị Bồ Tát vậy”.3

Nhưng, ở trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn nầy, Bồ Tát Vô Tận Ý đã thưa hỏi đức Phật Thích Ca rằng: “Bồ Tát Quán Thế Âm, vì do nhân duyên gì gọi là Quán Thế Âm?”.

Đức Phật Thích Ca đã trả lời cho Bồ Tát Vô Tận Ý như sau:

“Hỡi Thiện Nam Tử! Nếu có vô số chúng sanh, bị nhận lấy mọi sự đau khổ, họ nghe nói đến Bồ Tát Quán Thế Âm, liền hết lòng xưng niệm danh hiệu của Ngài, ngay lúc đó, Ngài nghe thấy âm thanh của họ và họ liền được giải thoát”.4

Đây là sự giải thích của đức Phật Thích Ca cho Bồ Tát Vô Tận Ý về ý nghĩa Bồ Tát Quán Thế Âm và duyên khởi phẩm Phổ Môn nầy, cũng chính do Bồ Tát Vô Tận Ý thưa hỏi, và nhân đó, đức Phật đã giải thích danh hiệu, cũng như hạnh môn của Bồ Tát Quán Thế Âm cho đại chúng nghe.

 


1 Mười như thị là căn cứ vào phẩm Phương tiện của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập, tr 5, Đại Chính 9. Ở phẩm Thiện Quyền của Chánh Pháp Hoa Kinh, bản dịch của Ngài Trúc Pháp Hộ, tr 68, Đại Chính 9, không có mười như thị cụ thể như bản dịch của Ngài La Thập, nhưng chúng được diễn tả qua đoạn kinh như sau: “Như Lai giai liễu chư pháp sở do, tùng hà sở lai chư pháp tự nhiên, phân biệt pháp mạo chúng tướng, căn bản tri pháp tự nhiên = Nghĩa là: Như Lai đều biết rõ nhân duyên của các pháp,  thể tính của các pháp do nhân duyên gì mà biểu hiện, biện biệt rõ ràng các hình tướng, dung mạo và gốc rễ, biết rõ tính thể của các pháp”.  Trong Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, bản dịch của Ngài Xà Na Quật Đa, tr 138, Đại Chính 9, cũng có đầy đủ Mười như thị như bản dịch của Ngài La Thập. Dịch bản Anh ngữ  của Burton Watson cũng có đầy đủ cả mười như thị ( The Lotus Sutra, P 24, Columbia University Press New york 1993).Thập như thị, trong bản Phạn văn hiện có trong Buddhist Sanskrit Texts – No 6, Trang 21, như sau: Ye ca te dharmāh, yathā ca te dharmāh, yādr’sāsca te dharmāh, yallaksanā’sca te dharmāh, yatsvabhāvā ‘sca te dharmāh, ye ca yathā ca yādr’scā yallaksanā ‘sca yatsvabhāvā ‘sca te dharmā iti. Tesu  dharmesu Tathāgata evam pratyakso’paroksah.

2 Kinh Bi Hoa, bản Hán dịch của Đàm Vô Sấm, tr 185-186, Đại Chính 3. Tham cứu thêm Đại Thừa Bi Phân Đà Lợi Kinh, tr 251, Đại Chính 3.

3 Đại Bi Đà La Ni Kinh, bản Hán dịch của Già Phạm Đạt Ma, tr 106 – 110, Đại Chính 20.

4 Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, tr 56, Đại Chính 9.

 

---o0o---

 

Mục Lục  >  1  > 2  > 3  > 4  > 5  > 6  > 7  > 8

 

---o0o---

Nguồn: phatviet.com

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 2-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục