LƯỢC GIẢI

KINH PHÁP HOA

Sadharma Pundarika Sutra 

Hòa Thượng Thích Trí Quảng

 ---o0o---

 

PHẨM 1.

TỰA 

 

I.       LƯỢC VĂN KINH

 

Một thuở nọ, Đức Phật ở núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá cùng với chúng Tỳ kheo 12.000 vị,

6.000 Tỳ kheo Ni, 80.000 Bồ tát, 70.000 chư Thiên, 8 vị Long vương, 4 Càn thát bà vương, 4 A tu la vương, 4 Ca lâu la vương và trăm ngàn quyến thuộc của các vị này.  Vua A Xà Thế và đoàn tùy tùng cũng đều hiện diện.

 

Sau khi tứ chúng cúng dường và xưng tán, Đức Phật nói kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa giáo Bồ tát pháp Phật sở hộ niệm.

 

Nói kinh này xong, Ngài nhập chánh định Vô lượng nghĩa xứ.  Khi đó trời mưa hoa mạn đà la, ma ha Mạn đà la, Mạn thù sa, ma ha Mạn thù sa, khắp cõi nước Phật, vang động sáu cách.

 

Từ tướng bạch hào của Đức Phật phóng ra một luồng hào quang chiếu khắp 18.000 thế giới ở phương Đông, dưới đến ngục A tỳ, trên đến trời Sắc cứu cánh.

 

Nhờ ánh quang này, chúng hội thấy rõ sáu loài chúng sanh, chư Phật nói pháp, Bồ tát tu hành, thấy cả chư Phật Niết bàn và việc xây tháp thờ Xá lợi.

 

Bồ tát Di Lặc và tứ chúng đều ngạc nhiên trước hiện tượng chưa từng thấy.  Di Lặc thay mặt cho chúng hội nhờ Văn Thù giải thích.

 

Văn Thù cho biết thời Đức Phật quá khứ Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai, ông đã từng thấy điểm lành này.  Trước khi Phật nói pháp quan trọng mà mọi người khó tin theo, các Ngài phóng quang hiện cảnh như vậy.  Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai cũng nói pháp Tứ đế cho hàng Thanh văn, nói pháp 12 Nhân duyên cho hàng Duyên giác và nói sáu pháp ba la mật cho hàng Bồ tát.

 

Tiếp theo, có đến 20.000 Đức Phật đồng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh và đồng một họ là Phả la Đọa.

 

Đức Phật sau cùng lúc chưa xuất gia có tám vương tử cai trị bốn phương thái bình.  Nghe vua xuất gia thành đạo Vô thượng chánh đẳng giác, họ cũng xuất gia, phát tâm Đại thừa, tu hạnh thanh tịnh, đều làm pháp sư.

 

Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh cũng nói kinh Vô lượng nghĩa và nhập Vô lượng nghĩa xứ định.

 

Khi ấy, trời mưa hoa Mạn đà la, Mạn thù sa và Đức Phật cũng phóng quang chiếu 18.000 thế giới phương Đông.

 

Sau đó, Ngài nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho Diệu Quang Bồ tát trải 60 tiểu kiếp.  Người nghe pháp ngồi một chỗ đến 60 tiểu kiếp, thân tâm không động, không mệt mỏi, cảm thấy thời pháp ngắn ngủi như khoảng bữa ăn.

 

Nói kinh này xong, Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh bảo đại chúng rằng vào khoảng giữa đêm,  Ngài nhập vô dư Niết bàn và thọ ký cho Đức Tạng Bồ tát kế tiếp thành Phật Tịnh Thân Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác.

 

Đúng như lời Ngài nói, vào giữa đêm, Ngài nhập vô dư Niết bàn.  Diệu Quang Bồ tát trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nói pháp trong 80 tiểu kiếp và dạy cho 8 người con của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh vững tâm nơi đạo Vô thượng chánh đẳng giác.  Tất cả đều lần lượt thành Phật, vị sau cùng hiệu là Nhiên Đăng.

 

Tuy nhiên, nhờ có nhân duyên căn lành, nên cũng được gặp và cúng dường vô lượng Đức Phật.  Diệu Quang Bồ tát bấy giờ chính là ta và Cầu Danh Bồ tát là Di Lặc.

 

Văn Thù kết luận điềm lành mà Đức Phật cho thấy hôm nay không khác xưa kia.  Ngài nghĩ rằng đức Như Lai sẽ nói kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa giáo Bồ tát pháp Phật sở hộ niệm.

 

 

II.    GIẢI  THÍCH

 

Qua phẩm Tựa mở đầu kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy trụ xứ Đức Phật thuyết kinh là Linh Thứu sơn

hay núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá, thủ đô nước Ma Kiệt Đà, ngày nay là tiểu bang Bihar của Ấn Độ. 

 

Đây là địa danh sau cùng Đức Phật dừng chân trên bước đường giáo hóa chúng sanh.  Trải qua 40 năm dìu dắt chúng hội để đưa đến đỉnh núi Linh Thứu mới nói Pháp Hoa, trong khi các kinh khác Đức Phật đều giảng ở tịnh xá.

 

Điều này tiêu biểu cho sự nỗ lực gia công của hành giả vượt qua tất cả khó khăn, vận dụng tất cả khả năng leo lên núi mới lãnh hội được kinh Pháp Hoa.  Nói cách khác, 40 năm Đức Phật rèn luyện cho con người vượt qua sự chi phối của thân tứ đại (thân tứ đại thường được ví như bốn ngọn núi) mới được Như Lai truyền trao tạng bí yếu.

 

Pháp tối thượng của Ngài đã được diễn nói ở một nước do bạo chúa A Xà Thế cai trị cực kỳ hung ác đến độ giết cha hại mẹ.  Và núi Linh Thứu, chỗ ở của loài diều hâu chuyên bay xuống Thi Lâm ở kế bên (bãi xác chết) dễ ăn thây người chết.  Nhưng hoa Ưu Đàm đã nở trọn vẹn, tỏa hương thơm ngát trên mảnh đất hung tàn bạo ngược này.

 

Thật vậy, Đức Phật đặt chân đến nơi đây, dù chưa nói một lời, nhưng uy đức và lòng từ vô lượng vô biên của Ngài đã chuyển hóa được tâm ác độc của vua A Xà Thế.  Ông đã từng làm việc tội lỗi như thả voi say hại Phật hay xô đá đè Phật.  Nay ông trở thành người hộ pháp đắc lực nhất và cũng dẫn thần dân về dự hội Pháp Hoa.

 

Không giống các pháp hội khác, hàng thính chúng vây quanh Đức Phật ở hội Pháp Hoa không bị giới hạn bởi con số và chủng loại.

 

Chúng Thanh văn và Bồ tát được coi là quyến thuộc kề cận Phật.  Về mặt tha thọ dụng thân hay Đức Phật sanh diệt, quyến thuộc của Ngài là 12.000 Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, tức chúng Thanh văn.

 

Trong số chúng Thanh văn này, có 1.200 vị A la hán.  Các Ngài đã chế ngự được mọi ham muốn,

phiền não không còn, được tự tại về hiểu biết, về mọi lãnh vực, thoát khỏi sự ràng buộc trong đời sống, có sức tập trung tư tưởng và không giao động trước mọi hoàn cảnh.  Vì các Ngài đã đạt được lẽ sống siêu tự nhiên.  Những vị này đã chứng được sáu pháp thần thông như: A Nhã Kiều Trần Như, Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, v.v...

 

Ngoài các vị A la hán, còn có những vị được dự vào dòng Thánh từ sơ quả đến tam quả do Ngài A Nan dẫn đầu. 

 

Bên cạnh hàng Thanh văn là quyến thuộc của Phật sanh diệt, còn có sự hiện hữu của 80.000 Bồ tát kề cận với Báo thân Phật hay chân thân Phật, mà hàng Thanh văn và loài người không thấy được.

 

Các vị này là đại Bồ tát không thối chuyển ở đạo Vô thượng chánh đẳng giác như Văn Thù Sư Lợi, Quan Thế Âm, Đắc Đại Thế, v.v...

 

Các Ngài có pháp thần biến, giảng nói chánh pháp không ngừng nghỉ, luôn sống trong trí tuệ Như Lai.  Vì các Ngài đã từng thân cận, cúng dường, tu học với muôn ức Đức Phật, nổi tiếng thơm khắp mười phương, trang nghiêm thân tâm bằng lòng từ, thường cứu vớt vô số chúng sanh.

 

Các vị Bồ tát đến dự hội Pháp Hoa đông đủ như vậy trong một hội trường hữu hạn của núi Kỳ Xà Quật, nhưng không chướng ngại cho Thanh văn.  Vì các Ngài hiện hữu trong tư thế siêu hình, thông được với các pháp.

 

Vì vậy, lúc đó trong đạo tràng, chúng Thanh văn thấy có đức Thích Ca bằng xương thịt trước mặt thuyết pháp.  Nhưng đối với chúng Bồ tát, Đức Phật nói pháp là Phật siêu thực, có tầm vóc lớn tương xứng với họ.

 

Ngoài ra, còn có Thiên Long bát bộ (Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la) cũng dự hội.

 

Thiên Long bát bộ hiểu theo nghĩa thứ nhất là một thực thể tồn tại khách quan, nhưng mắt chúng ta không nhận thấy được.  Nghĩa thứ hai, hiểu theo triết học, nhằm chỉ tâm trạng con người chúng ta.

 

Mỗi người có trình độ nhận thức và cuộc sống, nếu đem phân tích, thấy giống như cá tánh của Thiên Long bát bộ.  Thí dụ Trời Phạm tiêu biểu cho những người sống trong thiền định có tâm hồn hoàn toàn yên tĩnh, mang thân người, nhưng không bị dục tình quấy nhiễu.  Hoặc Trời Đế Thích tiêu biểu cho những người sống ở trần gian đầy đủ phước lạc, thân tướng xinh đẹp và tâm hồn luôn vui sướng.  Hoặc Rồng, Dạ xoa, A tu la tiêu biểu cho những người hung dữ ngang bướng ở thế gian.  Khi họ vào pháp hội cũng trở thành hiền hậu và thâm nhập pháp Phật.

 

Tất cả mọi chủng loại trong pháp hội chắc chắn sinh hoạt trong những cảnh giới không cùng một luật tắc và điều kiện như thế giới vật chất của loài người.

 

Tâm niệm, hạnh nguyện của Thanh văn và Bồ tát khác nhau, nên uy lực cùng tuệ nhãn không thể giống nhau.  Cũng như đối với chúng trời, người và quỷ thần, nghiệp lực lôi kéo tâm thức họ theo những đường hướng không đồng.  Tuy nhiên, tất cả đều được tụ họp lại không chướng ngại nhau trong cùng pháp hội bằng một năng lực bất khả tư nghì của Phật.

 

Đức Phật nói kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa cho Bồ tát.  Đây là một bộ kinh giảng nói không cùng tận, biến hóa không lường.  Chỉ có hàng Bồ tát mới có khả năng thể nhập dòng thác trí tuệ Như Lai.

 

Đối với các pháp biến dịch không cùng, tâm Bồ tát đã hoàn toàn tự tại mới hiểu được Vô lượng nghĩa vô số muôn màu.  Hàng Thanh văn còn kẹt pháp, không thể vào cửa Vô lượng nghĩa.

 

Nói kinh Vô lượng nghĩa xong, Đức Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ định, thân không lay động, tâm hoàn toàn tịch tĩnh.  Nhưng vô tác diệu lực của Ngài có một tác dụng sâu xa.  Khi nhập định, tâm thức của Ngài thông với pháp giới, trở về cùng tột thật tướng các pháp, tạo thành lực dụng bất khả tư nghì đưa chúng hội vào cảnh giới mầu nhiệm của Phật.

 

Trạng thái yên lặng của Đức Phật ở Vô lượng nghĩa xứ định lôi cuốn pháp hội vào định, tạo thành sự thông đồng giữa Phật với chúng hội và Như Lai mới giáo hóa bằng tâm, không bằng ngôn ngữ.

 

Trong sự truyền thông qua tâm, đại chúng thấy hoa Mạn đà la, ma ha Mạn đà la, Mạn thù sa, ma ha Mạn thù sa.  Bốn loại hoa này, hiểu theo nghĩa thần thoại là hoa thực của chư thiên.  Hiểu theo tinh thần triết học, nó không phải là một hiện tượng mà chính yếu mang ý nghĩa tác dụng của pháp Phật.

 

Hoa Mạn đà la có rơi thật hay không, không quan trọng.  Nhưng tác dụng của hoa làm cho chúng hội tịnh nghiệp, nghe Phật thuyết pháp, tâm buồn phiền tự rơi rụng.  Đây là điều kiện tất yếu để nói kinh Pháp Hoa, sống trên cuộc đời không bị nhiễm ô mới vào đạo nhất thừa.  Hay nói cách khác, hoa Mạn đà la làm phiền não mọi người tiêu tan, giúp chúng hội trở về trạng thái tâm hồn lắng yên đồng với tâm Phật, tiếp nhận được chân lý đức Thế Tôn phô bày.

 

Theo tinh thần này, hành giả muốn cầu đạo phải cầu an tâm, đạo chỉ có nơi tâm hồn bình ổn.  Xưa kia, Ngài Thần Quang sau bao tháng năm tìm kiếm, chỉ bắt gặp được sự bình ổn hoàn toàn khi diện kiến Tổ Đạt Ma trong tuyết lạnh phủ ngập gối chân ở chùa Thiếu Lâm.  Hoa Mạn đà la rơi ở Linh Thứu sơn cũng như tuyết phủ ở chùa Thiếu Lâm, tất cả trắng xóa một màu bạch nghiệp.  Và đạo chỉ hiện hữu nơi đây cho những tâm hồn chí thành cầu pháp, không còn gợn chút mảy may vọng trần.

 

Khi tình cảm thương ghét của con người đã rơi theo hoa Mạn đà la, bằng tâm hồn trong trắng, chúng hội tiếp nhận được niềm vui kỳ diệu.  Một niềm vui vô tận, hoàn toàn thanh tịnh ly trần, không có nguyên nhân, không có đối tượng.  Đó là trạng thái tâm của người cầu đạo được biểu hiện bằng hoa Mạn thù sa.

 

Được hai loại hoa này tươi nhuận, tâm chúng hội đã biến thành tâm cực lạc, đạo tràng hoàn toàn thanh tịnh và thể nhập vào thế giới Pháp Hoa bao la kỳ diệu.

 

Chuyển đổi thân tâm của chúng hội xong, Đức Phật biến Ta Bà thành Tịnh độ.  Núi Kỳ Xà Quật không còn là không gian bị ngăn cách bởi đất đá núi rừng chật hẹp.  Không gian được trải dài trong một vũ trụ vô cùng.  Không còn gì ngăn cách giữa đức Thế Tôn và pháp giới.

 

Đất chuyển động sáu cách, biến thân ngũ ấm của người dự hội tạm thời thành thân Như Lai thông suốt pháp giới.  Tất cả thế giới mười phương cũng biến động như vậy.

 

Chúng hội được kết hợp thành một con người thứ hai, họ thấy Phật không còn là Tỳ kheo Cồ Đàm với mảnh áo đơn sơ, mang thân xác bé nhỏ.  Ngài đã an trụ pháp giới bao la, có thân biến đổi tự tại không cùng và hiện hữu thường hằng bất biến gọi là Pháp thân Tỳ Lô Giá Na.

 

Để thuyết giảng pháp mầu tối thượng, khó tin khó hiểu, không thể dùng ngôn ngữ diễn tả, đức Thế Tôn phóng một luồng hào quang từ tướng lông trắng giữa hai chân mày chiếu suốt 18.000 thế giới ở phương Đông.

 

Bạch hào tướng này tiêu biểu cho trí tướng, là sự hiểu biết vô cùng tận của Phật.  Không chỗ nào ánh quang của Phật không chiếu tới, nghĩa là không có gì trong pháp giới Ngài không biết.

 

Sự kiện chúng hội nương theo ánh quang của Đức Phật quan sát pháp giới, hiểu theo thời đại chúng ta ngày nay, không gì khác hơn là nương lời Phật dạy trong kinh để biết rõ cuộc đời.

 

Riêng tôi, không chờ Phật ra đời, nhưng trầm mình trong tam tạng giáo điển 40 năm.  Nhờ vâng lời Phật dạy để phát triển trí tuệ và đạo đức, tôi hiểu Phật, làm một vài việc như Phật dạy.  Tôi bắt đầu nhìn đời, thấy người  qua kinh điển, không qua nghiệp thức.  Bằng tâm yên tịnh quan sát trần thế, tôi thấy rõ một người có lúc đau khổ cùng tột như đang ở địa ngục A tỳ, có lúc họ lại hưởng vui sướng cao độ như đang ở Trời Sắùc cứu cánh.  Từ cuộc sống thực này, tôi nhìn thấy mọi người và chính thân phận mình, tâm luôn biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái nọ.  Hay nói cách khác, sáu nẻo luân hồi có đầy đủ ngay trong một con người, thay đổi từng sát na nếu chúng ta đứng ở lập trường chân thật pháp quan sát sáu đường chúng sanh.

 

Trong ánh quang của Phật, chúng hội thấy rõ sinh hoạt của sáu loài chúng sanh từ địa ngục A tỳ đến Trời Sắc cứu cánh.  Và ở cảnh giới Phật quan sát ngược lại, thấy được mọi thay hình đổi dạng của chính mình và mọi người thân từ vô thỉ đến vị lai, từ loài này vụt lăn ra chết, sanh sang loài khác.  Cuộc sống rất ngắn ngủi, khi thì thọ thân đi bằng hai chân, có lúc đi bốn chân, lại có lúc đi nhiều chân hoặc lăn lóc đi bằng bụng.  Dưới mắt Bồ tát, mọi trồi sụt trôi lăn trong sanh tử như vậy hiện rõ, vì thế, dục lạc thế nhân trở nên vô nghĩa đối với các Ngài.

 

Thấy được mọi diễn biến qua tuệ giác của Phật, là thấy như thật và siêu thời gian, thấu suốt từ vô thỉ đến tận vị lại kiếp, không phải là cái thấy hạn hẹp theo nghiệp lực của mỗi loài trước khi dự hội Pháp Hoa.

 

Nương theo ánh quang Phật cũng thấy có Đức Phật ra đời, thành Phật, màu thân như núi vàng, tiêu biểu cho bậc siêu nhân xuất hiện để cứu khổ chúng sanh.  Hay đó chính là hình ảnh cao quý nhất của Phật Thích Ca ở Ta bà không dính chút bợn nhơ của đời.

 

Trong ánh quang của Phật cũng hiện rõ hình ảnh vô số Bồ tát tiếp nhận sự hộ niệm của chư Phật, hoạt động khắp pháp giới dưới nhiều dạng khác nhau.  Bồ tát Di Lặc chỉ lược nói một số.

 

Bồ tát vận dụng mọi phương tiện để tu Lục độ ba la mật là chính hạnh của Bồ tát (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tụê).

 

Bố thí mở đầu hạnh Bồ tát.  Bố thí hay giúp đỡ nhằm tạo điều kiện cho tha nhân phát triển.  Mai kia họ trưởng thành, thay thế ta tiếp tục công việc bố thí.  Ngược lại, bố thí để làm họ tệ ra, nghiệp ác tăng thêm và cuối cùng phải đọa, là lỗi của ta.

 

Hành bố thí đúng pháp trong vòng quỹ đạo của Bồ tát, chúng ta chỉ sẵn sàng nâng đỡ những người có chí cầu tiến, làm lơị ích cho nhân quần xã hội.  Hành giả gieo hạt nhân Bồ tát vào tâm chúng sanh, để sau họ cũng trở thành Bồ tát, mới thể hiện được ý nghĩa của bố thí.

 

Bố thí ở mức độ cao gọi là cúng dường.  Hành giả cúng Phật và Tăng là chính yếu, vì nó là hai mẫu người xứng đáng cúng dường nhất.  Đức Phật sáng suốt giác ngộ hoàn toàn, là đại Đạo sư của sáu loài ở trong sanh tử.  Hiện hữu của Ngài rất cần thiết cho cuộc đời.  Phật Niết bàn, chư Tăng là người thừa kế, mang tâm hồn thoát tục, hy sinh cuộc đời để theo đuổi mục tiêu cao cả.

 

Tiến lên một nấc, hành giả bố thí để đoạn xan tham, vì biết rõ hạt nhân tham lam dẫn vào sanh tử khổ đau.  Khi bố thí hành giả phải kiểm chứng kỹ điều này.

 

Thật vậy, tâm lượng Bồ tát, Như Lai hoàn toàn an trú pháp KHÔNG.  Các Ngài gửi cho bất cứ thứ gì, chúng ta cũng được an vui giải thoát.  Người tham lam ích kỷ cho, ta không nên nhận, vì cả một tâm ác được gói ghém kèm theo món quà.  Ôm nhơ bẩn nặng trĩu đó, ta không tu được.  Pháp bố thí này không phải là pháp Như Lai, càng bố thí nhiều càng tăng trưởng nghiệp ác.

 

Đức Phật dạy muốn bố thí, phải luôn luôn kiểm tra xem mình có đủ ba tâm:  trực tâm, thâm tâm, bồ đề tâm hay chưa.

 

Cầm đồ vật cho người, trước tiên kiểm xem ta có trực tâm không.  Ta cho người để lợi dụng hay nhằm mục đích gì.  Lòng thực sự ngay thật thì bố thí xong, ta cũng truyền cho người tâm ngay thật.  Nếu bố thí mà thấy lòng người nhận cong quẹo, là biết chính tâm ta cong quẹo vậy.

 

Kế đến, xem xét tận đáy lòng mình, cốt lõi của nó là gì, là tham sân phiền não hay thực tình, chỉ một lòng hạ quyết tâm cầu Vô thượng đạo.  Theo lập trườøng Phật bố thí, mới thật sự hành Bồ tát đạo, chan hòa tình thương cho chúng sanh một cách tuyệt đối được.

 

Hành bố thí với đủ ba tâm này, người nhận quà cũng sanh được ba tâm như vậy.  Đó mới thực là hành bố thí ba la mật.

 

Chúng sanh là tấm gương phản ảnh tâm ta, tâm ta thế nào hiện lên chúng sanh như vậy.  Nhờ đối tượng chúng sanh, Bồ tát biết được Bồ đề tâm của mình.  Đối với Bồ tát, thành tựu chúng sanh đồng nghĩa với thành tựu Vô thượng giác.

 

Bồ tát mới phát tâm bố thí, lần hồi từ thấp lên cao.  Khởi đầu, bằng lòng thương người, hành giả đem cho tài vật dư.  Ở trường hợp này, bố thí còn có giới hạn vì chỉ cho những gì không dùng đến.  Tuy nhiên, đã khá hơn người tham lam tội lỗi, vật không dùng nhưng cất vô kho.

 

Nâng lên một nấc nữa, những gì hành giả đang dùng nhưng người khác dùng có lợi hơn, hành giả sẵn sàng cho.  Trong kinh ghi hình ảnh Bồ tát bố thí xe tứ mã trang hoàng bằng những thứ báu, với tất cả lòng hoan hỷ để trang nghiêm Phật độ.  Càng bố thí, tâm Bồ tát càng nở hoa, trút bớt gánh nặng ở Ta bà và thấy gần chư Phật hơn, nhàm chán thế giới này và hướng về nhất thừa vô thượng.

 

Bố thí ở giai đoạn một còn bình thường, nhưng đến giai đoạn hai đã gá tâm được với thế giới Phật, dũng mãnh tiến tu.

 

Cao tột hơn cả, Bồ tát sẵn sàng hay sinh thân mạng, như Hoà Thượng Quảng Đức hiến thân vì Phật pháp, tìm cái chết thật có ý nghĩa.

 

Ngoài pháp bố thí, Thanh văn và Bồ tát đều lấy giới làm đầu.  Tùy trình độ tu chứng, có quan niệm về giới khác nhau.

 

Tôi sống trong giới pháp của Phật cảm thấy an lành.  Giới đối với tôi là hàng rào ngăn chặn tội lỗi phát sanh.

 

Trong pháp Tối thượng thừa của kinh Pháp Hoa, Đức Phật cho thấy Bồ tát giữ giới trong sạch từ tâm hồn cho đến bên ngoài, được ví như bảo châu.  Chính lòng trong sạch đó giúp các Ngài thành tựu tất cả pháp, vì không trong sạch thì làm bất cứ việc gì cũng là phàm phu.

 

Quan trọng của giới Đại thừa ở điểm lòng trong sạch như bảo châu.  Bên ngoài Bồ tát làm tất cả việc lợi ích chúng sanh, trong tâm các Ngài không gợn một chút mảy trần.  Trong khi Thanh văn theo hình thức, cố gắng giữ y giới điều, giới tướng trong sạch, nhưng giới thể có khi còn bợn nhơ.

 

Bên cạnh pháp bố thí, trì giới, Bồ tát còn thực hành pháp tinh tấn.  Tinh tấn là nhất tâm quyết liệt biểu lộ ý chí con người.

 

Kinh Pháp Hoa cho thấy hình ảnh Bồ tát tinh tấn kinh hành trải ngàn muôn ức năm, chưa từng ngủ nghỉ, để suy tư Phật đạo.

 

Tinh tấn vì vấn đề Phật đạo còn tồn đọng trong suy tư, chưa hiểu, nên mãi thao thức với nó.  Tâm các Ngài làm việc liên tục mãnh liệt, suy nghĩ làm thế nào để thành Phật, ra khỏi sanh tử luân hồi.  Chưa thấy được tương lai, chưa đắc đạo, chưa dám ngừng nghỉ, cũng giống như Thái tử Sĩ Đạt Ta ngồi suy tư ở Bồ đề đạo tràng.  Ngài hạ quyết tâm nếu không thành Vô thượng chánh đẳng giác, dù thịt nát xương tan cũng không đứng dậy.

 

Bồ tát quyết tâm rời bỏ ngũ ấm thân, không thọ lại thân chúng sanh và đạt tới cùng tột, sử dụng diệu lực của các pháp hoàn toàn tự tại, mới thật là tinh tấn ba la mật.

 

Kinh diễn tả Phật thành tựu pháp tinh tấn ba la mật qua hình ảnh Ngài phóng quang cho chúng hội thấy 18.000 thế giới, mà Ngài không hề di chuyển thân.  Không đi không về, không có giáo hóa chúng sanh, nhưng không một chúng sanh nào không được Phật giáo hóa, không việc gì trên thế gian mà Phật không thành tựu.

 

Trong ánh quang của Phật, cho thấy những vị quốc vương bỏ cung điện, vợ con, cạo sạch râu tóc, làm Sa môn để cầu đạo Vô thượng.

 

Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến tiền thân của Phật Di Đà là vua Vô Tránh Niệm và tiền thân của đức Thích Ca là Bảo Hải đại thần.  Bảo Hải thông minh, xây dựng quốc gia phồn vinh.  Nhưng khi có Phật ra đời, Bảo Hải xuất gia và vua Vô Tránh Niệm cũng bỏ ngôi báu phát tâm xuất gia theo.

 

Trong ánh quang cũng thấy Bồ tát vào núi sâu rừng rậm, đọc tụng kinh điển, hình dung lại lời Phật, cảm nhận được thế giới mầu nhiệm của chư Phật.  Nhưng vì chúng ta không luôn sống trong kinh nên mọi thấy biết không quá đường chân trời.

 

Bồ tát an trụ giáo pháp, chứng được sáu phép thần thông, biết được tâm niệm của mọi người.  Thấy được trình độ, khả năng của chúng nhân, các Ngài phá hủy tánh ác và làm cho phước lành của họ mỗi ngày thêm tăng trưởng.  Uy đức của Bồ tát thật lớn lao, xuất hiện ở chỗ nào, trời người đều cung kính, mà các Ngài cũng chẳng mừng.

 

Hình ảnh Bồ tát tu sáu pháp ba la mật để hồi hướng Phật đạo, đều hiện rõ trong ánh quang Phật.  Chúng ta vì gắn chặt cặp kính nghiệp vào nhục nhãn, không thể nào thấy biết cảnh tượng mầu nhiệm ấy.

 

Tuy nhiên, qua kinh điển, chúng ta nhận được tinh thần cầu đạo vô song của Bồ tát, trải vô lượng kiếp xả thân hành sáu pháp ba la mật.  Từ đó, chúng ta cảm tâm Bồ tát mỗi ngày mãnh liệt sâu sắc hơn, nhờ đó trí tuệ cũng phát huy theo.  Dù không có Phật, không có ánh quang chư Phật, Bồ tát vẫn hiện hữu bên cạnh chúng ta, ngay trong tâm ta, ngay trong pháp giới tánh.

 

Qua những hiện tượng diễn tiến khi Phật Thích Ca nhập Vô lượng nghĩa xứ định trên non Linh Thứu và sự kiện Ngài thành đạo ở Bồ đề đạo tràng, theo tôi hai hiện tượng này là một.  Nó nhằm diễn tả tam minh của Phật hoặc quay lại cuộn phim Phật thành đạo.

 

Thật vậy, tinh thần Đại thừa mô tả Phật vào định, thâm nhập chân lý bằng hình ảnh hoa Mạn đà la, Mạn thù sa rơi.  Ngài ngồi yên lặng đến mức quên thân người và sống trong niềm vui tâm linh cao độ, không còn lệ thuộc cuộc sống.

 

Và đó cũng chính là mô hình tham thiền kiểu mẫu của Sĩ Đạt Ta ở Bồ đề đạo tràng.  Ngài trải qua thế giới sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, đến Ngũ Tịnh Cư Thiên của A la hán.  Và bước qua thế giới thiền định cao nhất, thấy lại vô số kiếp trước của chính bản thân Ngài.

 

Tiếp đến, kinh diễn tả thiên nhãn minh của Phật bằng hình ảnh sáu đường sanh tử của chúng sanh và Bồ tát mười phương đang hành đạo trong ánh quang Phật.

 

Cuối cùng lậu tận minh của Phật thấy diễn tiến vô số kiếp tương lai, diễn tả bằng những hoạt động của Bồ tát sau khi Phật Niết bàn.

 

Trong trạng thái đắc đạo ở thiền định, kinh Nguyên thủy ghi nhận có Phạm Thiên đến thỉnh Phật thuyết pháp.

 

Dưới kiến giải Đại thừa, Phạm Thiên là tiếng nói đại bi cất lên từ tâm chơn như của người ngộ đạo, thôi thúc Đức Phật rời bỏ thế giới lý tưởng, trở lại thực tế cuộc sống giáo hóa chúng sanh.

 

Tựu trung, mọi diễn biến ở mười phương hiện ra trong ánh quang Phật nhằm trợ giúp tâm bồ đề hành giả phát triển.

 

Chỉ có kinh Pháp Hoa mới có hiện tượng đặc biệt này.  Đây là cảnh giới kỳ diệu của Pháp Hoa.  Là bài thuyết pháp sống của Phật gọi là vô tác diệu lực.  Phật yên lặng nhưng mọi người cảm nhận, hiểu biết và cùng tiến bước đến Vô thượng bồ đề không bao giờ lui sụt.

 

Cảnh giới mầu nhiệm, trí tuệ mầu nhiệm, tu hành mầu nhiệm, v.v... đều hiện lên trong ánh quang Phật, được coi là quá trình một đời giáo hóa của Ngài.

 

Ngài Di Lặc muốn giải quyết chỗ nghi của mình và cả chúng hội, hỏi Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nhân duyên Đức Phật hiển bày thần lực.

 

Câu hỏi của Ngài Di Lặc nhằm khai triển cho hành giả thấy phương cách tu hành của Bồ tát theo kinh Pháp Hoa, vốn là pháp tịch diệt, khó dùng lời chỉ bày.  Vì lợi ích của chúng sanh đời sau mà Ngài hỏi, không phải Ngài không biết.  Sự thật trên lộ trình tu Bồ tát hạnh, muốn thọ giới Bồ tát, hành giả phải thỉnh Bồ tát Di Lặc làm giáo thọ và Bồ tát Văn Thù Sư Lợi làm yết ma.

 

Bồ tát Di Lặc mang hình thức xuất gia và Bồ tát Văn Thù tiêu biểu cho trí tuệ.  Theo tôi, Bồ tát Di Lặc nghi và hỏi để Văn Thù giải thích, nhằm diễn tả tâm trạng của trưởng tử Như Lai sau Phật diệt độ, có trách nhiệm phải biết nghi, biết hỏi và biết giải thích.

 

Muốn giáo hóa chúng sanh, người xuất gia ở thời kỳ sau Phật Niết bàn, phải lặn sâu vào tam tạng giáo điển suy tư, tìm hiểu, tự đặt câu hỏi và vận dụng trí tuệ để hiểu chính xác và diễn giải cho người.

 

Văn Thù cho biết Ngài từng sống với các Đức Phật quá khứ, thấy điềm lành này diễn ra trước khi Phật nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

 

Văn Thù trong quá khứ hiểu được hiện tượng kỳ diệu, đối với tôi, có nghĩa là hành giả phải nhìn đời qua lăng kính Pháp Hoa để biết trần thế theo Phật dạy, không thể hiểu theo thấy biết của thế gian.

 

Ngài Văn Thù liên tưởng đến quá khứ lâu xa, có đến 20.000 Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh.  Ký ức của Văn Thù không chỉ nhớ hạn hẹp trong một đời.  Ngài ghi nhớ những sự kiện lâu xa như vậy, vì tâm hoàn toàn thanh tịnh, các pháp diễn biến như thế nào Ngài biết rõ chính xác.

 

Thuở quá khứ, có 20.000 Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, tên đều giống nhau, đồng một họ Phả La Đọa.  Có nghĩa là 20.000 Đức Phật này ở dạng thể tánh sáng suốt, không là phàm cũng không là Thánh, chưa có tội lỗi, chưa mang thân người chui vô nhà phiền não, chưa vào ngục tù tam giới.

 

Tâm của Ngài ví như ngọn đèn sáng tỏ hơn cả trăng sao.  Nhưng bất giác một niệm vô minh vọng động nổi dậy, thì ông Phật thứ 20.000 ra đời, sanh vô thế giới sanh diệt.  Vấn đề được đặt ra từ lúc đó!

 

Cần lưu ý rằng khi ta khởi một niệm dù là niệm tốt hay niệm xấu đều là vô minh.  Vì niệm tâm sanh ra, chúng ta đã rời bản thể, lìa xa chơn tâm.  Ông Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh thứ 20.000 từ bản tánh thanh tịnh khởi lên một niệm tốt, đi vào sanh tử, nên có đủ những thứ của sanh tử và lần biến dạng thành xấu.

 

Khởi đầu sanh vào nhà tam giới với tư cách một người tốt đi quan sát trần lao tục lụy, thấy biết bao các thứ xấu xa tội lỗi.  Tất cả những hiện tượng xấu ác đập vào mắt, ghim vào tâm ông, tràn ngập trong lòng, đẩy ông từ ngôi nhà tam giới chui thêm một tầng cửa nữa để vào nhà phiền não.  Trong kinh diễn tả ông làm vua.  Nói cách khác, ông lìa chơn tâm đến quan sát cuộc đời với tư cách một ông vua hay một đấng sáng thế.  Nhưng khi cai trị ông chỉ thấy những việc không vừa lòng.

 

Ở trong nhà thế tục sống với ngũ dục, đầy đủ lợi danh tình ái mà sao lòng ông vẫn cảm thấy chán ngán.  May mắn thay, ông biết nhìn lại, nhớ lại cuộc hành trình của mình từ cội nguồn chơn như lang thang vào thế giới sanh tử.  Rồi lầm tưởng thế giới sanh diệt là thế giới bản thể hằng hữu, chịu biết bao phiền lụy, trói buộc.  Nay chợt tỉnh lại, ông vội vàng xuất gia, bỏ tục cầu chơn.

 

Riêng tôi cũng vậy, trước đây, thường phiền não, vì đã ngộ nhận mọi người cũng giống như tôi, tôi khó chịu khi họ làm khác ý mình.  Tuy nhiên, tu hành, cảm nhận được hồi quang phản chiếu của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh thứ 20.000, tôi thấy nhẹ nhàng hơn trên bước đường hành đạo.  Cứ để cho mỗi người tùy thân phận riêng mà hiểu đạo, đứng ở vị trí riêng tu hành, phát huy theo khả năng của họ.  Còn tôi có lẽ sống của riêng tôi.  Tất cả rồi ai cũng đều thăng hoa, có gì mà phải cưu mang, lo sợ!

 

Người tu bỏ tục xuất gia hay bỏ phàm nhập Thánh, cũng có nghĩa là bỏ những điều kiện cấu thành người phàm và kết hợp những yếu tố để thành Thánh.

 

Đầu tiên, người xuất gia phải bỏ ảnh hay bỏ sanh diệt pháp.  Chúng ta thường nghĩ lầm rằng các pháp không sanh diệt, lo theo đuổi nó.  Trong khi tất cả mọi vật luôn biến đổi không dừng, làm thế nào chúng ta nắm giữ cho được.

 

Vì vậy, xuất gia bỏ ảo ảnh, sống với cái thực, chấp nhận cái thực mà tu lên.  Kinh gọi là pháp nhĩ như thị.  Nhờ đó, vượt qua những trói buộc, buồn phiền nhỏ nhặt và tâm dần dần bừng sáng trở lại, giống như lần đầu, hành giả mới nhập cuộc vào trần lao.

 

Các vị Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh trước kia ở bản thể, không cần đặt vấn đề xuất gia.  Đến vị Phật Nhật Ngyuệt Đăng Minh thứ 20.000 mới xuất gia, không mang ý nghĩa gì khác hơn là bỏ phiền não, trở lại bản tâm thanh tịnh sáng suốt ban đầu.  Nói cách khác, các Ngài vào cuộc đời, rồi lại từ cuộc đời mà đi ra.

 

Đi vào cuộc đời của Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh thứ 20.000, có điều hay ở điểm Ngài sanh 8 vương tử.  Hiện hữu 8 vương tử, vấn đề được đặt ra.  Nó trở ngại cho Ngài, nhưng cũng làm lợi cho Ngài không ít.

 

8 vương tử này có uy đức thống lãnh bốn phương thiên hạ, được mọi người cung kính.  Họ tài giỏi như vậy, nhưng nghe vua cha xuất gia, cũng bỏ ngôi đi tu.

 

Tư tưởng này là ý niệm căn bản xây dựng thế giới Pháp Hoa theo tinh thần Bồ tát đạo, lần tác động quyến thuộc của hành giả và cảm hóa những người xung quanh tu theo.  Biến đổi nghịch thành thuận, để tạo thành một thế giới an lành.

 

8 vương tử là tám người con thực của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh.  Hiểu như vậy cũng được.  Nhưng hiểu theo Ngài Thế Thân, 8 người con này tiêu biểu cho tám thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức, a lại da thức).

 

Tám người con đều mang tên có chữ Ý, chứng tỏ họ không phải là con xác thịt, nhưng là con tinh thần.

 

Đầu tiên nhìn sự vật, thấy, nghe, biết theo tham vọng.  Nhưng khi xả tục xuất gia, lòng không nghĩ đến, thì vật chúng ta thấy, âm thanh chúng ta nghe, hoàn toàn đổi khác.  Hay tâm thanh tịnh, vật tùy thuận theo.  Ý này được kinh diễn tả là Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh xuất gia, 8 vương tử cũng xuất gia theo.

 

8 vương tử đi xuất gia, có thể hiểu là khi hành giả phát tâm tu, 8 thức rất thông lợi, trở thành dụng cụ giáo hóa chúng sanh.

 

Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh thứ 20.000 đi vào trần ai, cuối cùng cũng thành Phật giống 20.000 Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh trước, khiến chúng ta liên tưởng đến Phật Thích Ca chưa sanh và sanh rồi mang thân người cũng giống như ta.  Ngài tu thành đạo dưới cội Bồ đề, trở về trạng thái chơn tâm ban đầu của Ngài.  Tức là qua lại con đường hai chiều từ bản thể đi vào hiện tượng giới và từ hiện tượng giới trở về bản thể giới.

 

Phật Thích Ca và Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đều nói pháp giống nhau và theo cùng một nghi thức giống nhau, đã thể hiện chân lý chỉ có một.  Nếu hai Đức Phật nói pháp không giống nhau, thì pháp đó không phải là pháp chân thật, chỉ là phương tiện.

 

Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh thuyết xong kinh Vô lượng nghĩa, cũng ngồi yên lặng nhập Vô lượng nghĩa xứ định, phóng quang hiện cảnh, dẫn chúng hội tiếp cận chân lý giống như Phật Thích Ca.

 

Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh phóng quang cho thấy toàn bộ thế giới sanh diệt, thấy tất cả Phật ra đời thuyết pháp giáo hóa, cũng có nghĩa là tất cả diễn biến không nằm ngoài trí hay hiểu biết của Đức Phật.

 

Vì vậy, kinh Pháp Hoa là pháp tối thượng của chư Phật.  Nhưng mang tâm trạng phàm phu Nhị thừa hiểu kinh thì kinh vụt trở thành tầm thường nhỏ bé như tâm phàm phu Nhị thừa, chứ không thể là tuệ giác của chư Phật.

 

Toàn cảnh hiện ra trong ánh quang Phật, hay muốn sử dụng thật tướng đi vào thế giới Pháp Hoa, đòi hỏi hành giả phải có trình độ tu chứng cao.  Vì pháp linh hoạt vô cùng, không phải là việc cố định.  Tuy ngồi yên nhưng tất cả sự việc diễn tiến phải theo sự chỉ đạo của hành giả.

 

Qua quá trình tu hành, mỗi lần hành giả phá một phần vô minh là một phần Pháp thân hiện ra, giúp cho tương quan giữa hành giả và cuộc đời tốt thêm một phần.

 

Chúng ta tu thường khắc phục mặt xấu và phát triển cái tốt.  Nhưng ta phạm phải sai lầm chỉ lo khắc phục bên ngoài.  Đức Phật dạy chính yếu cần khắc phục phần xấu bên trong, để tương quan xấu giữa ta và người giảm lần.  Đến khi tương quan xấu mất hẳn, tương quan tốt phát triển toàn bộ.  Bấy giờ, đối với chúng sanh, hay nói chung đối với các pháp, ta không bị động trong thế giới nghiệp, mà chuyển toàn bộ liên hệ trong pháp giới thuần tịnh.

 

Phật là mẫu người tiêu biểu thực hiện được sự điều động pháp giới bằng cách chỉ ngồi yên, sử dụng lực bất tư nghì, mọi vật trở thành tốt.  Đến thời Pháp Hoa, Ngài mới thể hiện trọn vẹn tinh thần vô tác diệu lực, không bó buộc, cưỡng ép hay dùng khôn khéo bắt người làm.  Ngài điều động bằng đạo đức, bằng cảm tình tốt, người tự động làm theo Ngài.

 

Nói xong kinh Pháp Hoa, phô bày chân lý xong, Phật vào Niết bàn.  Phật Niết bàn không có nghĩa là Ngài chết.  Vì dù Phật không hiện hữu nơi đây, chúng ta vẫn đang bước theo lộ trình của Ngài.  Đức Phật Thích Ca vẫn đang điều động dưới dạng diệu lực, chúng ta không hề cảm thấy bị bó buộc.

 

Một điểm đặc biệt của kinh Pháp Hoa, so với kinh khác, là từ thời Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đã có Ngài Văn Thù Sư Lợi mang tên Diệu Quang, Ngài Di Lặc mang tên Cầu Danh.

 

Dẫn từ vô lượng ức kiếp đến nay, hai vị Bồ tát này thường làm đạo song hành với nhau.  Đứng trên bình diện Báo thân, các Ngài vẫn là quyết thuộc thân cận với Phật.

 

Sự hiện hữu miên viễn của hai Bồ tát này, khiến ta cảm nhận ngoài thế giới hữu hạn nhìn thấy được bằng mắt phàm và cuộc sống đoạn kiến của con người giả tạm, còn có tâm thức không sanh diệt.  Đó là Pháp thân Phật tồn tại bất sanh bất diệt, ở thế giới Thường Tịch Quang.

 

Đức Phật và các đại Bồ tát nhờ trụ pháp, mọi thấy biết điều thông suốt và tất cả pháp hiện hữu trước mặt tùy ý muốn.  Trái lại, ta vì trụ ngũ ấm thân, trụ nghiệp, không thấy được quá khứ.

 

Khi phát tâm tu, lần thâm nhập tuệ giác, sống trọn vẹn trong pháp, hành giả sẽ thấy nhiều đời trước, hiểu được từng kiếp và biết được tương quan giữa hành giả với người khác, nên không còn sợ hãi kinh nghi.  Mọi khó khăn, khổ đau do hành giả vô tình tạo từ vô thủy kiếp, nay mới lãnh thọ quả báo này.

 

Tuy nhiên, nhận chân được rằng chúng ta tồn tại trong Pháp thân và chỉ nương vào Pháp thân mới đắc đạo.  Khi chưa sử dụng được Pháp thân, ta phải tu các pháp khác để sau hiển hiện Pháp thân.

 

Kinh mượn hai nhân vật Văn Thù và Di Lặc hiện hữu từ quá khứ dẫn đến hiện tại, để nói lên tinh thần từ bi và trí tuệ phải luôn luôn song hành với nhau.

 

Di Lặc thường tới nhà sang giàu, bỏ quên việc đọc tụng kinh điển, gợi nhắc chúng ta trên bước đường làm Phật sự, cần lưu ý việc làm của chúng ta có giống Di Lặc hay không.

 

Di Lặc dịch từ chữ Maitreya nghĩa là Từ Thị, tiêu biểu cho lòng từ bi đối với chúng sanh nhiều, không tiếp cận Phật, quên mất kinh điển.  Lo tu phước nhiều, nên mất phần trí tuệ.

 

Trong khi Văn Thù Sư Lợi hay Diệu Quang tiêu biểu cho người giữ tạng trí tuệ của Như Lai.  Di Lặc mà thiếu Văn Thù, mọi việc sẽ bế tắc, nên Di Lặc phải nhờ Văn Thù giải đáp.

 

Văn Thù cho biết nhìn hiện tượng của Phật Thích Ca và của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh không khác.  Ngài kết luận Đức Phật sẽ nói kinh Pháp Hoa.

 

Tóm lại, trọn vẹn cuộc đời giáo hóa của Đức Phật Thích Ca miên viễn từ kiếp lâu xa, không kể xiết được thể hiện trong phẩm Tựa, mở đầu bộ kinh.

 

Ngài đã phô diễn thần lực cho chúng hội thấy được thật tướng các pháp bất tư nghì bất sanh bất diệt, thập nhị Nhân duyên, vô tác Tứ đế và giới thiệu cảnh giới Phật, trong đó có đầy đủ 9 cảnh giới khác, để chúng ta hướng tâm về đó mà thọ trì.

 

Kết hợp được hiện tượng giới và bản thể giới, mới bao hàm đầy đủ nhân hạnh quả đức của mười phương chư Phật.  Vì vậy, Thiền tông xem phẩm Tựa hết sức quan trọng.  Ngài Hải Ấn thiền sư xếp phẩm này vào phần tổng hiển hay toàn cảnh của Pháp Hoa.

 

---o0o---

 

Mục Lục >> Phẩm 1 >> Phẩm 2

 

---o0o---

 

Vi tính: Jane Le. Trình bày: Nhi Tuong

Cập nhật: 01-10-2006

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 僧人食飯的東西 æ²çå ä ƒäº ä å å น ยาม ๕ ç Š Dịch giả cuốn sách nổi tiếng Đức 春播千亩道稻 对仗 下联 tịnh 今之儒者 自以为正心诚意之学者 Thêm lý do để đưa bông cải xanh vào Ăn Tết Ăn văn hóa nt 丢失菩提心的因缘 総持寺 盆踊り bún 高級 霊園 爐香讚全文 å å ç ªä å ç ¾ 心中有佛 mở 因地不真 果招迂曲 墓 購入 激安仏壇店 ba phuong thuc giao duc tuoi tre phat giao bon phap xay dung doi song tai gia hanh phuc cáo big bang va ly thuyet vu tru cua dao phat 機十心 中孚卦 bay phap de xay dung mot hoi chung hung thanh æµæŸçåŒçŽ 栃木県寺院数 02 lời nói đầu เพรงดนต ฟ duc dalai lama va nhung cau noi dang suy ngam 唐安琪丝妍社 clip ve luat nhan qua lam chung ta phai suy ngam Vu lan 夜渡凡尘 削发更衣 cho đi và nhận lại 成绩不好检讨 chuong ix so tham ve hue lam va quan thien luan ธรรมะก บพระพ ทธเจ Chùa Linh Ứng Sơn Trà 牧牛 12 duong nhan qua anh huong den cuoc doi moi أبا درج nam chu vang giup ban vuot qua kho khan va thu 欲漏 佛教中华文化 cúng sao giản hạn 桂花树下狸花猫 古诗词 nghiep bao tu viec an mac thieu kin dao khi le