Kinh Duy-ma
Hòa thượng Thích Trí Quang
dịch
giải
---o0o---
2
- Bồ Tát
- Thăm Bệnh
- Bất Khả Tư Nghì
- Quan Sát Chúng Sinh
Bồ
Tát
Bấy giờ đức Thế tôn bảo bồ
tát Di lạc: Đại sĩ hãy đến thăm bịnh trưởng giả Duy ma. Bồ tát Di lạc
thưa với Phật: Bạch đức Thế tôn, con không đủ sức đến thăm bịnh vị
trưởng giả ấy. Tại sao? Vì con nhớ trước đây con nói hạnh của địa
vị bất thoái cho chúa trời Đâu suất và quyến thuộc của ông. Bấy giờ
trưởng giả Duy ma đến, thưa với con: Kính bạch bồ tát Di lạc, đức Thế
tôn thọ ký cho nhân giả một đời nữa là thành tựu vô thượng bồ đề,
vậy nhân giả dùng đời nào nhận được thọ ký, quá khứ vị lai hay hiện
tại? Nếu dùng đời quá khứ thì đời quá khứ đã qua rồi, nếu dùng đời
vị lai thì đời vị lai chưa đến, nếu dùng đời hiện tại thì đời hiện
tại không ngừng, đúng như Thế tôn đã nói, chư tỷ kheo, chính ngay bây
giờ mà các vị vừa sinh vừa già vừa chết. Nếu dùng cái không có đời
nào mà nhận được thọ ký, thì không có đời nào là vị trí chính yếu,
trong vị trí chính yếu cũng không có thọ ký, không có sự được vô thượng
bồ đề. Như vậy làm sao nhân giả được thọ ký một đời, từ chân như
sinh mà được thọ ký, hay từ chân như diệt mà được thọ ký? Từ chân
như sinh thì chân như không sinh, từ chân như diệt thì chân như không diệt.
Tất cả chúng sinh toàn là chân như, tất cả các pháp cũng toàn chân như,
tất cả hiền thánh cũng toàn là chân như, đến như nhân giả cũng là
chân như. Nếu nhân giả được thọ ký thì tất cả chúng sinh đáng lẽ cũng
được thọ ký, tại sao, vì chân như là không nhị biên, không các tánh
khác nhau. Nếu nhân giả được vô thượng bồ đề thì tất cả chúng
sinh đáng lẽ cũng được, tại sao, vì chúng sinh chính là bồ đề. Nếu
nhân giả được niết bàn thì tất cả chúng sinh đáng lẽ cũng được niết
bàn, tại sao, vì chính Phật biết chúng sinh triệt để niết bàn, không
còn niết bàn nữa. Do vậy, nhân giả không nên đem pháp này mà dẫn dụ
chư thiên, vì thật ra không có người phát tâm vô thượng bồ đề, cũng
không có người thoái chuyển tâm ấy. Nhân giả nên làm cho chư thiên này
bỏ sự phân biệt về bồ đề. Tại sao? Vì bồ đề không thể được bằng
thân, không thể được bằng tâm. Tịch diệt là bồ đề, vì diệt hết
các tướng. Không xét là bồ đề, vì rời mọi sự vin níu. Không biết
là bồ đề, vì không mọi sự nhớ nghĩ. Đoạn trừ là bồ đề, vì xả
bỏ mọi thứ kiến chấp. Tách rời là bồ đề, vì tách rời mọi thứ vọng
tưởng. Chướng ngại là bồ đề, vì chướng ngại mọi sự nguyện cầu.
Không chứng vào là bồ đề, vì không có tham trước. Thuận với là bồ
đề, vì thuận với chân như. Trú ở là bồ đề, vì trú ở pháp tánh. Đạt
đến là bồ đề, vì đạt đến thật tế. Bất nhị là bồ đề, vì
tách rời ý thức và đối tượng của ý thức. Đồng đẳng là bồ đề,
vì đồng đẳng hư không. Vô vi là bồ đề, vì không sinh trú diệt. Biết
rõ là bồ đề, vì biết rõ tâm hành của chúng sinh. Không hội tụ là bồ
đề, vì giác quan và đối tượng không hội tụ với nhau. Không hợp là bồ
đề, vì tách rời thói quen phiền não. Không vị trí là bồ đề, vì
không có hình sắc. Giả danh là bồ đề, vì danh từ là không. Như biến hóa
là bồ đề, vì không có lấy bỏ. Không loạn động là bồ đề, vì thường
tự yên tĩnh. Khéo vắng lặng là bồ đề, vì bản tánh thanh tịnh. Không
lấy là bồ đề, vì tách rời vin níu. Không khác là bồ đề, vì các
pháp đồng đẳng. Không sánh là bồ đề, vì không gì có thể ví dụ. Nhiệm
mầu là bồ đề, vì các pháp khó biết. Bạch đức Thế tôn, khi trưởng
giả Duy ma nói pháp như vậy thì có hai trăm thiên nhân được vô sinh pháp
nhẫn, nên con không đủ sức đến thăm bịnh trưởng giả Duy ma.
Đức Thế tôn bảo đồng tử Quang
nghiêm: Đồng tử hãy đến thăm bịnh trưởng giả Duy ma. Đồng tử Quang
nghiêm thưa với Phật: Bạch đức Thế tôn, con không đủ sức đến thăm
bịnh vị trưởng giả ấy. Tại sao? Vì con nhớ trước đây con đi ra thành
Tì da li, thì gặp trưởng giả vừa vào thành ấy. Con thi lễ mà hỏi cư
sĩ từ đâu đến đây? Trưởng giả trả lời với con, rằng tôi từ đạo
tràng đến đây. Con hỏi đạo tràng là chỗ nào? Trưởng giả trả lời:
Tâm ngay thẳng là đạo tràng, vì không có giả dối. Phát khởi việc làm
là đạo tràng, vì có thể làm thành mọi việc. Tâm sâu xa là đạo tràng,
vì tăng thêm công đức. Tâm bồ đề là đạo tràng, vì không có lầm lẫn.
Bố thí là đạo tràng, vì không có hy vọng đáp trả. Trì giới là đạo
tràng, vì ý nguyện đầy đủ. Nhẫn nhục là đạo tràng, vì đối với chúng
sinh tâm không chướng ngại. Tinh tiến là đạo tràng, vì không biếng nhác
thoái lui. Thiền định là đạo tràng, vì tâm thuần hóa ôn hòa. Trí tuệ
là đạo tràng, vì hiện thấy các pháp. Từ là đạo tràng, vì đồng đẳng
chúng sinh. Bi là đạo tràng, vì chịu được mệt nhọc khổ sở. Hỷ là
đạo tràng, vì vui thích về pháp. Xả là đạo tràng, vì ghét thương đều
cắt đứt. Thần thông là đạo tràng, vì thành tựu sáu thông. Giải thoát
là đạo tràng, vì có thể trái bỏ. Phương tiện là đạo tràng, vì giáo
hóa chúng sinh. Bốn nhiếp pháp là đạo tràng, vì thâu nhiếp chúng sinh.
Đa văn là đạo tràng, vì thực hành đúng như đã nghe. Chế ngự tâm là
đạo tràng, vì chánh quán các pháp. Ba mươi bảy giác phần là đạo tràng,
vì xả bỏ pháp hữu vi. Đế là đạo tràng, vì không lừa đảo thế gian.
Duyên khởi là đạo tràng, vì vô minh cho đến lão tử đều vô cùng tận.
Các phiền não là đạo tràng, vì biết đúng như sự thật. Chúng sinh là
đạo tràng, vì biết là vô ngã. Tất cả các pháp là đạo tràng, vì biết
các pháp là không. Chiến thắng ma quân là đạo tràng, vì không có nghiêng
đổ. Ba cõi là đạo tràng, vì không đi mau về đâu. Sư tử gầm là đạo
tràng, vì không còn e sợ. Lực, vô úy và bất cọng là đạo tràng, vì
không mọi lầm lỗi. Ba minh là đạo tràng, vì không còn sót lại sự chướng
ngại nào. Một ý nghĩ biết tất cả pháp là đạo tràng, vì thành tựu nhất
thế trí. Như vậy, thiện nam tử, bồ tát nếu thích ứng các pháp ba la mật
mà giáo hóa chúng sinh, thì mọi động tác, cất chân lên để chân xuống,
nên biết toàn là từ đạo tràng mà đến ở nơi Phật pháp. Khi trưởng
giả Duy ma nói pháp như vậy thì năm trăm thiên nhân đều phát tâm vô thượng
bồ đề, nên con không đủ sức đến thăm bịnh trưởng giả Duy ma.
Đức Thế tôn bảo bồ tát Trì thế:
Bồ tát hãy đến thăm bịnh trưởng giả Duy ma. Bồ tát Trì thế thưa với
Phật: Bạch đức Thế tôn, con không đủ sức đến thăm bịnh vị trưởng
giả ấy. Tại sao? Vì con nhớ ngày trước con ở trong tịnh thất, bấy giờ
ma vương Ba tuần đổi dáng Đế thích, cùng mười hai ngàn thiên nữ tấu
nhạc hát ca mà đến chỗ con, cùng nhau lạy ngang chân con, rồi chắp tay
cung kính đứng qua một phía. Con tưởng là Đế thích nên bảo rằng, đến
đây tốt lắm, Kiều thi ca. Nhưng phước đức đáng hưởng cũng đừng buông
thả. Phải xét năm dục vô thường để cầu pháp lành. Đem thân thể
tính mạng và tài sản mà thực hiện sự bền chắc. Ma vương liền thưa với
con, kính bạch chánh sĩ, xin ngài hãy nhận mười hai ngàn thiên nữ này để
giúp việc quét rưới. Con bảo: Kiều thi ca, đừng đem vật phi giới pháp
đến cho sa môn Thích tử. Những thiên nữ này không phải thích nghi với
tôi. Nói chưa xong thì trưởng giả Duy ma đến, thưa với con: Người này
không phải Đế thích, mà là ma vương đến quấy phá bồ tát đó. Tức
thì trưởng giả bảo ma vương, hãy cho ta những thiên nữ này. Ta thì nhận
được. Ma vương kinh sợ, nghĩ trưởng giả này chắc sẽ não hại ta. Ma vương
muốn tàng hình trốn đi mà không tàng hình được. Cùng tận thần lực,
ma vương vẫn không thể trốn đi. Thì nghe trong không gian có tiếng bảo:
Ba tuần, hãy đem thiên nữ cho đi thì mới đi được. Ma vương vì sợ nên
miễn cưỡng mà cho. Trưởng giả Duy ma bảo các thiên nữ: ma vương đã
đem các người cho ta, vậy các người nên phát tâm vô thượng bồ đề.
Trưởng giả liền thích nghi mà thuyết pháp cho họ phát tâm. Lại bảo,
các người đã phát tâm rồi thì có cái vui chánh pháp khả dĩ vui được,
không cần vui theo năm dục nữa. Các thiên nữ hỏi, vui theo chánh pháp là
thế nào? Trưởng giả nói, là thích tin Phật, thích nghe Pháp, thích cúng Tăng,
thích rời năm dục, thích xét năm uẩn như giặc thù, thích xét bốn đại
như rắn độc, thích xét sáu giác quan như xóm vắng, thích giữ gìn tâm bồ
đề, thích lợi ích chúng sinh, thích kính thờ sư trưởng, thích bố thí rộng
rãi, thích giữ giới bền chắc, thích ôn hòa nhẫn nhục, thích siêng năng
tập hợp thiển căn, thích thiền định không có loạn động, thích tuệ
sáng không có dơ bẩn, thích mở rộng tâm bồ đề, thích chiến thắng ma
quân, thích đoạn tuyệt phiền não, thích làm sạch thế giới, thích vì
thành tựu tướng hảo mà tu tập mọi thứ công đức, thích trang nghiêm đạo
tràng, thích nghe giáo pháp sâu xa mà không sợ, thích ba cửa giải thoát mà
không thích phi thời (18) , thích gần đồng học và thích tâm không tức giận
chướng ngại đối với những người không phải đồng học, thích nâng
đỡ bạn ác và thích thân gần thiện tri thức, thích tâm mừng thanh tịnh
(19) , thích tu vô lượng các pháp giác phần. Như thế đó là sự vui thích
chánh pháp của bồ tát. Bấy giờ Ba tuần bảo các thiên nữ, ta muốn
cùng các người trở về thiên cung. Các thiên nữ nói, ngài đã đem chúng
tôi cho vị cư sĩ này, lại có cái vui chánh pháp làm cho chúng tôi rất
thích rồi, chúng tôi không còn thích cái vui năm dục nữa. Ma vương nói,
thưa cư sĩ, xin ngài phóng xả những thiên nữ này. Cho người tất cả, đó
là bồ tát. Trưởng giả Duy ma nói, rồi, ta đã phóng xả rồi đó, nhà ngươi
đem họ đi đi. Ấy là để làm cho tất cả chúng sinh được hoàn hảo về
ước nguyện chánh pháp. Các thiên nữ hỏi trưởng giả Duy ma, chúng tôi
nên ở thiên cung theo cách nào? Trưởng giả Duy ma nói, các chị, có một
pháp môn tên là Ngọn đèn vô tận, các chị nên tu học. Ngọn đèn vô tận
là như một ngọn đèn đốt cháy cả trăm cả ngàn ngọn đèn, làm cho tối
tăm đều sáng lên cả, và cái sáng ấy không bao giờ cùng tận. Như thế
ấy, các chị, một vị bồ tát mở mắt dẫn đường cho cả trăm cả ngàn
chúng sinh, làm cho họ phát tâm vô thượng bồ đề, thế nhưng tâm vô thượng
bồ đề của vị bồ tát ấy vẫn không cùng tận, mà tùy pháp mình nói
còn tự tăng thêm mọi thứ thiện pháp, như thế gọi là ngọn đèn vô tận.
Các chị dẫu ở thiên cung, vẫn đem ngọn đèn vô tận này làm cho vô số
thiên tử thiên nữ phát tâm vô thượng bồ đề, thì thế là báo đáp ân
đức của Phật, lại rất lợi ích cho cả chúng sinh. Lúc ấy các thiên nữ
đem đầu mặt lạy ngang chân trưởng giả Duy ma, rồi theo ma vương trở về
thiên cung. Trong chốc lát họ ẩn mất tất cả. Bạch đức Thế tôn, trưởng
giả Duy ma có thần lực tự tại và trí tuệ hùng biện như vậy, nên con
không đủ sức đến thăm bịnh trưởng giả Duy ma.
Đức Thế tôn bảo trưởng giả tử
Thiện đức: trưởng giả tử hãy đến thăm bịnh trưởng giả Duy ma. Trưởng
giả tử Thiện đức thưa với Phật: Bạch đức Thế tôn, con không đủ sức
đến thăm bịnh vị trưởng giả ấy. Tại sao? Vì con nhớ ngày trước con
thiết lập hội đại thí nơi nhà cha con cho, hiến cúng tất cả sa môn,
bà la môn, ngoại đạo, những người nghèo nàn, thấp kém, cô độc, hành
khất, kỳ hạn đủ bảy ngày. Bấy giờ trưởng giả Duy ma đến hội đại
thí mà bảo con: Trưởng giả tử, hội đại thí thì không nên như ông thiết
lập. Hãy làm hội pháp thí, cần gì hội tài thí như thế này. Con hỏi,
thưa cư sĩ, hội pháp thí là thế nào? Trưởng giả trả lời: hội pháp
thí thì không trước không sau; một lúc mà hiến cúng tất cả chúng sinh,
đó là hội pháp thí. Con hỏi: như thế là thế nào? Trưởng giả nói: Vì
tuệ giác bồ đề mà khởi lên tâm từ. Vì cứu vớt chúng sinh mà khởi
lên tâm bi. Vì giữ chánh pháp mà khởi lên tâm hỷ. Vì thâu nhiếp trí tuệ
mà khởi lên tâm xả. Vì thâu nhiếp những kẻ tham lẫn mà khởi lên thí
độ. Vì hóa độ những kẻ phạm giới mà khởi lên giới độ. Đem sự vô
ngã mà khởi lên nhẫn độ. Đem sự bất kể thân tâm mà khởi lên tiến
độ. Đem bồ đề vắng lặng mà khởi lên thiền độ. Vì sự toàn trí
mà khởi lên tuệ độ. Vì giáo hóa chúng sinh mà khởi lên không. Vì không
bỏ hữu vi mà khởi lên vô tướng. Vì thị hiện thọ sinh mà khởi lên
vô tác. Vì hộ trì chánh pháp mà khởi lên phương tiện lực. Vì hóa độ
chúng sinh mà khởi lên bốn nhiếp pháp. Vì kính thờ tất cả mà khởi
lên sự trừ khử ngạo mạn. Đem thân thể tính mạng và tài sản không bền
chắc mà khởi lên thân thể tính mạng và tài sản bền chắc. Nơi sáu sự
tưởng niệm mà khởi lên tưởng niệm. Nơi sáu cách hòa kính mà khởi
lên tâm ngay thẳng chân chất. Vì đúng đắn làm lành mà khởi lên cách sống
trong sạch. Đem tâm trong sạch hoan hỷ mà khởi lên sự thân gần hiền
thánh. Vì không ghét kẻ ác mà khởi lên tâm thuần hóa. Vì sự xuất gia
mà khởi lên tâm sâu xa. Vì sự làm đúng với nói mà khởi lên đa văn. Vì
sự không tranh cãi mà khởi lên ở chỗ trống vắng. Vì xu hướng tuệ giác
của Phật mà khởi lên sự ngồi yên. Vì cởi mở sự ràng buộc chúng
sinh mà khởi lên sự tu hành. Vì sự đầy đủ tướng hảo và sạch sẽ
thế giới mà khởi lên phước nghiệp. Vì để biết tâm lý chúng sinh,
thuyết pháp thích ứng, mà khởi lên trí nghiệp. Vì biết các pháp, không
lấy không bỏ, nhập vào đồng nhất, mà khởi lên tuệ nghiệp. Vì đoạn
mọi phiền não, mọi chướng ngại, mọi bất thiện, mà khởi lên mọi thiện
nghiệp. Vì được tất cả trí tuệ và tất cả thiện pháp mà khởi lên
mọi pháp hỗ trợ tuệ giác của Phật. Như thế ấy, thiện nam tử, gọi
là hội pháp thí. Bồ tát ở nơi hội pháp thí như vậy là bậc thí chủ
vĩ đại, cũng là ruộng phước của toàn thể thế gian. Bạch đức Thế tôn,
khi trưởng giả Duy ma nói pháp này thì trong chúng bà la môn có hai trăm
người phát tâm vô thượng bồ đề. Còn con, bấy giờ tâm con được
thanh tịnh, và con tán dương là chưa từng có. Con cúi đầu lạy ngang chân
trưởng giả Duy ma, và cởi ra kính dâng trưởng giả xâu chuỗi ngọc trị
giá cả trăm cả ngàn lạng vàng. Nhưng trưởng giả không nhận. Con nói,
kính thưa cư sĩ, xin Ngài nhận cho con rồi cho ai thì tùy ý ngài. Bấy giờ
trưởng giả mới nhận chuỗi ngọc, chia làm hai phần, đem một phần cho một
người hành khất thấp nhất trong hội đại thí, đem một phần dâng đức
Nan thắng như lai. Tất cả các chúng trong hội đại thí đều thấy thế
giới Quang minh, thấy đức Nan thắng như lai, thấy nửa xâu chuỗi ngọc
ở thế giới ấy biến thành đài ngọc bốn trụ, bốn phía trang sức,
không ngăn che nhau. Trưởng giả Duy ma hiện thần biến rồi, nói, nếu người
cho mà tâm lý bình đẳng, thì cho một người hành khất thấp nhất cũng
như hiến lên ruộng phước Phật đà, không khác gì cả. Hễ tâm đại bi
bình đẳng, không cầu quả báo, thì như thế gọi là pháp thí toàn hảo.
Trong thành, một kẻ hành khất thấp nhất thấy thần lực ấy, và nghe lời
nói ấy, cũng phát tâm vô thượng bồ đề. Do vậy, con không đủ sức đến
thăm bịnh trưởng giả Duy ma.
Như thế ấy, các bị bồ tát ai cũng
thưa với Phật về trường hợp cũ, thuật lại lời nói của trưởng giả
Duy ma, và cùng nói không đủ sức đến thăm bịnh vị trưởng giả ấy.
Thăm Bịnh [^]
Lúc ấy đức Thế tôn bảo Văn thù
đại sĩ: Đại sĩ hãy đến thăm bịnh trưởng giả Duy ma. Văn thù đại
sĩ thưa với Phật: Bạch đức Thế tôn, thượng nhân ấy khó mà đối đáp.
Vì thượng nhân ấy thấu suốt thật tướng một cách sâu xa, diễn nói
pháp yếu một cách khéo léo, hùng biện không có bế tắc, trí tuệ không
bị cản trở, biết hết mọi thể thức đúng pháp của bồ tát, vào hết
mọi kho tàng bí yếu của Phật đà, chiến thắng các loại ma quân, du
hành các pháp thần thông, trí tuệ phương tiện đều đã hoàn hảo. Tuy
nhiên, con xin vâng theo thánh ý của đức Thế tôn mà đến thăm bịnh thượng
nhân ấy. Thế là các vị bồ tát, các đại đệ tử của Phật, Đế thích,
Phạn vương, bốn Thiên vương, v/v, cùng nghĩ nay hai vị đại sĩ Văn thù
và Duy ma đàm luận với nhau thì chắc chắn nói về diệu pháp. Tức thì
tám ngàn bồ tát, năm trăm thanh văn, một trăm ngàn thiên nhân, đều cùng
đi theo.
Văn thù đại sĩ, với sự cung kính
bao quanh của các vị bồ tát, các vị đại đệ tử của Phật, và các
thiên nhân, đi vào thành Tì da li. Trưởng giả Duy ma nghĩ rằng Văn thù đại
sĩ cùng đại chúng sẽ đến đây. Trưởng giả liền dùng thần lực làm
cho phòng mình trống không, không để vật gì, cũng không có người hầu,
chỉ để lại một cái giường mà nằm với bịnh tật. Văn thù đại sĩ
vào nhà trưởng giả Duy ma, thấy phòng trưởng giả không có gì hết, chỉ
độc một cái giường nằm. Trưởng giả Duy ma nói, ngài đến tốt quá,
ngài Văn thù; ấy là ngài không đến mà đến, không thấy mà thấy đó. Văn
thù đại sĩ nói, đúng như vậy, trưởng giả Duy ma; nếu đến rồi thì
không đến nữa, nếu đi rồi thì không đi nữa, bởi vì đến thì không từ
đâu mà đến, đi thì cũng không đi đến đâu, và thấy được thì không
còn thấy nữa.
Nhưng hãy gác việc ấy lại. Trưởng
giả Duy ma, bịnh trưởng giả chịu nổi không? chữa trị có bớt mà
không thêm không? Đức Thế tôn ân cần hỏi thăm nhiều lắm. Trưởng giả
Duy ma, bịnh trưởng giả do đâu và đã bao lâu rồi? làm sao mà hết được?
Trưởng giả Duy ma thưa: từ si mà có ái, nên bịnh tôi sinh ra. Chúng sinh bịnh
nên tôi bịnh. Chúng sinh bịnh hết thì bịnh tôi cũng hết. Tại sao, bởi
bồ tát vì chúng sinh mà vào sinh tử, có sinh tử là có bịnh. Nếu chúng
sinh hết bịnh thì bồ tát không còn bịnh nữa. Như vị trưởng giả chỉ
có đứa con một, đứa con bịnh thì cha mẹ bịnh theo, đứa con lành thì
cha mẹ cũng lành. Bồ tát cũng vậy. Thương chúng sinh như con, nên chúng
sinh bịnh thì bồ tát bịnh, chúng sinh lành bồ tát mới lành. Ngài hỏi bịnh
tôi do đâu, thì thưa ngài, bịnh bồ tát là do đại bi mà có.
Văn thù đại sĩ hỏi, trưởng giả,
phòng này tại sao trống không, không cả người hầu? Trưởng giả Duy ma nói,
thế giới của Phật cũng không như vầy. Hỏi: vì gì mà không? Đáp: vì
không mà không. Hỏi: không, vì sao mà không? Đáp: vì không phân biệt. Hỏi:
không mà có thể phân biệt được sao? Đáp: chính sự phân biệt cũng không.
Hỏi: không, nên tìm thấy ở đâu? Đáp: nên tìm thấy ở trong sáu mươi
hai kiến chấp. Hỏi: sáu mươi hai kiến chấp nên tìm thấy ở đâu? Đáp:
nên tìm thấy trong sự giải thoát của Phật. Hỏi: sự giải thoát của Phật
nên tìm thấy ở đâu? Đáp : nên tìm thấy trong tâm hạnh của chúng sinh.
Ngài hỏi tại sao tôi không có người hầu, thì tất cả ma quân ngoại đạo
toàn là người hầu của tôi. Lý do là vì ma quân ưa thích sinh tử mà bồ
tát không từ bỏ sinh tử, ngoại đạo ưa thích kiến chấp mà bồ tát
không dao động vì kiến chấp.
Văn thù đại sĩ lại hỏi: bịnh của
trưởng giả có trạng huống gì? Đáp: bịnh tôi không có trạng huống,
không thể thấy được. Hỏi: bịnh ấy chung với thân hay chung với tâm?
Đáp: bịnh tôi không phải chung với thân, vì thực tính của thân là tách
rời, cũng không phải chung với tâm, vì tâm thì như huyễn ảo. Hỏi: trong
bốn đại chủng, bịnh trưởng giả là đại chủng nào? Đáp: bịnh tôi
không phải đại chủng đất, cũng không tách rời đại chủng đất; các
đại chủng thủy, hỏa và phong cũng vậy. Nhưng bịnh chúng sinh do bốn đại
chủng mà có, và vì chúng sinh bịnh nên tôi bịnh.
Lúc ấy Văn thù đại sĩ hỏi trưởng
giả Duy ma: bồ tát nên an ủi như thế nào đối với bồ tát có bịnh? Trưởng
giả thưa: Hãy nói thân vô thường mà đừng bảo chán bỏ thân. Nói thân
khổ sở mà đừng bảo thích thú niết bàn. Nói thân vô ngã mà bảo giáo
hóa hướng dẫn chúng sinh. Nói thân trống vắng mà đừng bảo vắng lặng
hoàn toàn. Hãy khuyên sám hối tội cũ nhưng không nói tội thường còn, di
chuyển theo thì gian (20) . Khuyên do bịnh của mình mà thương bịnh người
khác. Khuyên nên ý thức cái khổ vô số kiếp quá khứ mà nghĩ nhớ lợi
ích chúng sinh. Khuyên nhớ phước đã làm và nhớ cách sống trong sạch.
Khuyên đừng lo rầu mà thường xuyên tinh tiến. Khuyên nguyện làm thầy
thuốc bậc nhất để chữa trị mọi bịnh. Bồ tát nên khuyến khích như
vậy cho bồ tát có bịnh, để bồ tát có bịnh được hoan hỷ.
Văn thù đại sĩ lại hỏi trưởng
giả Duy ma: bồ tát có bịnh thì thuần hóa tâm mình như thế nào? Trưởng
giả thưa: bồ tát có bịnh nên nghĩ bịnh mình sinh ra từ phiền não thác
loạn đời trước, không phải có thật, thì ai là người bị bịnh. Tại
sao như vậy? Vì bốn đại chủng hóa hợp thì có cái danh từ giả thiết
là thân, bốn đại chủng không có chủ thể thì thân cũng không có tự
ngã. Lại nữa, bịnh đây là do chấp ngã, nên đừng có chấp ngã. Biết gốc
bịnh rồi thì nên trừ khử ý tưởng ngã, ý tưởng chúng sinh, bằng cách
khởi lên ý tưởng pháp. Nên nghĩ như vầy: chỉ do các pháp hợp lại mà
thành ra thân này, vậy sinh chỉ là pháp sinh, diệt chỉ là pháp diệt.
Chính các pháp cũng không thông tin cho nhau, khi sinh không nói ta sinh, khi diệt
không nói ta diệt. Bồ tát có bịnh lại nghĩ như vầy để trừ bỏ ý tưởng
pháp: Ý tưởng pháp cũng là thác loạn. Thác loạn là đại họa, ta phải
trừ bỏ. Trừ bỏ cách nào? Phải tách rời ngã ngã sở. Làm sao tách rời
ngã ngã sở? Phải tách rời nhị biên. Làm sao tách rời nhị biên? Phải
thể hiện bình đẳng mà không nghĩ rằng đây là các pháp ở trong, đây
là các pháp ở ngoài. Thể hiện bình đẳng như thế nào? Là ngã bình đẳng,
niết bàn cũng bình đẳng. Tại sao như vậy? Vì ngã với niết bàn cả hai
đều là không. Vì gì mà không? Vì chỉ có danh từ. Cả hai pháp đều không
có tự tánh quyết định: được bình đẳng như vậy thì không còn bịnh
gì nữa, mà chỉ có cái bịnh về không. Nhưng cái bịnh về không cũng là
không. Vậy là bồ tát có bịnh đem cái không chịu gì hết mà chịu mọi
cảm giác. Chưa toàn hảo Phật pháp thì cũng không hủy diệt cảm giác mà
thủ chứng.
Nếu thân thể khổ sở thì nghĩ đến
chúng sinh trong các nẻo đường dữ mà nổi dậy lòng đại bi, rằng mình
thuần hóa thì cũng thuần hóa chúng sinh, và chỉ trừ khử bịnh chứ
không trừ khử pháp (21) . Vì đoạn tuyệt gốc bịnh mà giáo hóa hướng dẫn
chúng sinh. Gốc bịnh là gì? Là phan duyên (22) : phan duyên là gốc bịnh.
Phan duyên gì? Phan duyên ba cõi. Làm sao đoạn tuyệt phan duyên? Hãy không thủ
đắc: không thủ đắc thì không phan duyên. Không thủ đắc là gì? Là
siêu việt nhị biên. Nhị biên là gì? Là thấy trong thấy ngoài, và toàn bộ
là không thể thủ đắc. Văn thù đại sĩ, như thế ấy gọi là bồ tát
có bịnh thuần hóa tâm mình, đoạn tuyệt những nỗi khổ già bịnh chết
bằng tuệ giác bồ đề của bồ tát. Nếu không được như vậy thì sự
tu trị của bồ tát không có trí tuệ và lợi ích gì cả. Thắng kẻ thù
mới là mạnh, đoạn tuyệt cả già bịnh chết mới gọi là bồ tát.
Bồ tát có bịnh lại nghĩ, bịnh mình
không thật không có, bịnh chúng sinh cũng không thật không có. Khi xét như
vậy mà đối với chúng sinh nổi lên lòng đại bi ái kiến (23) thì phải
tức khắc xả bỏ. Tại sao? Bởi bồ tát thì vì trừ khử phiền não mà nổi
lên đại bi, còn đại bi ái kiến thì đối với sinh tử có lòng chán mệt.
Xả bỏ đại bi ái kiến thì không bị ái kiến ngăn che. Sinh ra ở đâu cũng
không bị ràng buộc, như thế mới có thể thuyết pháp mà cởi mở ràng
buộc cho chúng sinh. Như Phật đã dạy, mình bị ràng buộc mà cởi mở
được ràng buộc cho người thì vô lý, mình không bị ràng buộc mà cởi
mở được ràng buộc cho người thì có lý. Do vậy, bồ tát không nên khởi
lên sự ràng buộc. Ràng buộc là gì? Cởi mở là gì? Tham đắm mùi thiền
là sự ràng buộc của bồ tát, phương tiện mà sinh là sự cởi mở của
bồ tát. Thêm nữa tuệ giác không phương tiện là ràng buộc, tuệ giác
có phương tiện là cởi mở, phương tiện không tuệ giác là ràng buộc,
phương tiện có tuệ giác là cởi mở. Tuệ giác không phương tiện là
ràng buộc, là thế nào? Là bồ tát do ái kiến mà làm sạch thế giới và
làm nên chúng sinh, ở trong không vô tướng vô tác mà tự thuần hóa, như
vậy gọi là tuệ giác không phương tiện là ràng buộc. Tuệ giác có phương
tiện là cởi mở, là thế nào? Là bồ tát không đem ái kiến mà làm sạch
thế giới và làm nên chúng sinh, ở trong không vô tướng vô tác tự thuần
hóa mà không chán mệt, như vậy gọi là tuệ giác có phương tiện là cởi
mở. Phương tiện không tuệ giác là ràng buộc, là thế nào? Là bồ tát
ở nơi các phiền não tham dục, sân hận và tà kiến v/v mà trồng các các
gốc rễ công đức, như vậy gọi là phương tiện không tuệ giác là ràng
buộc. Phương tiện có tuệ giác là cởi mở, là thế nào? Là bồ tát rời
bỏ các phiền não tham dục, sân hận và tà kiến v/v mà trồng các gốc rễ
công đức, hồi hướng vô thượng bồ đề, như vậy gọi là phương tiện
có tuệ giác là cởi mở. Văn thù đại sĩ, Bồ tát có có bịnh nên xét
các pháp như vậy. Lại xét thân này vô thường khổ không vô ngã, đó là
tuệ giác; dầu thân có bịnh mà thường ở trong sinh tử lợi ích tất cả
chứ không chán mệt, đó là phương tiện. Lại xét thân không rời bịnh,
bịnh không rời thân, thân này bịnh này không cái nào mới không cái nào
cũ, đó là tuệ giác; dầu thân có bịnh mà không vĩnh viễn niết bàn, đó
là phương tiện.
Văn thù đại sĩ, bồ tát có bịnh
nên thuần hóa tâm mình như vậy mà không ở trong sự thuần hóa, cũng không
ở trong sự không thuần hóa. Tại sao, vì ở trong sự không thuần hóa là
phàm phu, ở trong sự thuần hóa là thanh văn, do vậy, bồ tát không ở
trong sự thuần hóa, không ở trong sự không thuần hóa, tách rời nhị
biên ấy là bồ tát hạnh. Ở trong sinh tử mà không ô nhiễm, ở trong niết
bàn mà không vĩnh diệt, ấy là bồ tát hạnh. Không phải làm như phàm
phu, không phải làm như hiền thánh, ấy là bồ tát hạnh. Không phải việc
làm dơ bẩn, không phải việc làm trong sạch, ấy là bồ tát hạnh. Tuy đã
vượt quá ma quân mà vẫn thị hiện chiến thắng ma quân, ấy là bồ tát
hạnh. Cầu trí toàn giác mà không cầu kết quả chưa đến lúc, ấy là bồ
tát hạnh. Quán sát các pháp không sinh mà không nhập vào chính vị, ấy
là bồ tát hạnh. Quán sát mười hai duyên khởi mà nhập vào tà kiến, ấy
là bồ tát hạnh. Thu nhận chúng sinh mà không ái trước, ấy là bồ tát hạnh.
Thích thú xa rời mà không diệt tận thân tâm, ấy là bồ tát hạnh. Đi
trong ba cõi mà không làm hỏng pháp tánh, ấy là bồ tát hạnh. Đi trong không
mà trồng các gốc rễ công đức, ấy là bồ tát hạnh. Đi trong vô tướng
mà hóa độ chúng sinh, ấy là bồ tát hạnh. Đi trong vô tác mà thị hiện
thọ thân, ấy là bồ tát hạnh. Đi trong sự không nổi lên mà nổi lên
thiện hạnh, ấy là bồ tát hạnh. Đi trong sáu độ mà biết khắp tâm
tâm sở của chúng sinh, ấy là bồ tát hạnh. Đi trong sáu thông mà không
diệt tận phiền não, ấy là bồ tát hạnh. Đi trong bốn tâm vô lượng mà
không ham sinh Phạn thiên, ấy là bồ tát hạnh. Đi trong thiền định giải
thoát và tam muội mà không thọ sinh theo thiền định, ấy là bồ tát hạnh.
Đi trong bốn niệm xử mà không vĩnh ly thân thọ tâm pháp, ấy là bồ tát
hạnh. Đi trong bốn chánh cần mà không xả bỏ thân tâm tinh tiến, ấy là
bồ tát hạnh. Đi trong bốn thần túc mà đã được thần thông tự tại,
ấy là bồ tát hạnh. Đi trong năm căn bản mà biết rành các căn lanh chậm
của chúng sinh, ấy là bồ tát hạnh. Đi trong năm năng lực mà thích cầu
mười năng lực của Phật, ấy là bồ tát hạnh. Đi trong bảy giác chi mà
phân biệt tuệ giác của Phật, ấy là bồ tát hạnh. Đi trong tám chánh đạo
mà thích đi theo Phật đạo vô lượng, ấy là bồ tát hạnh. Đi trong chỉ
và quán là những pháp hỗ trợ tuệ giác mà không tuyệt đối sa vào tịch
diệt, ấy là bồ tát hạnh. Đi trong sự không sinh không diệt của các
pháp mà trang nghiêm thân thể bằng các tướng hảo, ấy là bồ tát hạnh.
Hiện ra cử động của thanh văn duyên giác mà không rời bỏ các pháp của
Phật đà, ấy là bồ tát hạnh. Tùy thuận sự rốt ráo trong sạch của
các pháp mà tùy theo thích ứng biến hiện thân mình, ấy là bồ tát hạnh.
Quán các quốc độ vĩnh tịch như hư không mà biến hiện mọi thứ tịnh
độ, ấy là bồ tát hạnh. Được Phật tuệ, chuyển pháp luân, nhập niết
bàn, mà không rời bỏ đường đi bồ tát, ấy là bồ tát hạnh.
Khi trưởng giả Duy ma nói như vậy,
thì trong số đại chúng đi theo Văn thù đại sĩ có tám ngàn thiên nhân
cùng phát tâm vô thượng bồ đề.
Bất Khả Tư Nghị [^]
Lúc ấy tôn giả Xá lợi phất thấy
trong phòng trưởng giả Duy ma không có giường ghế thì nghĩ rằng các vị
bồ tát và các vị đại đệ tử của Phật sẽ ngồi ở đâu. Trưởng gỉa
Duy ma biết ý nghĩ ấy nên thưa với tôn giả Xá lợi phất, thế nào thưa
ngài, ngài đến đây là vì chánh pháp hay vì chỗ ngồi? Tôn giả Xá lợi
phất nói, tôi đến vì chánh pháp, không vì chỗ ngồi. Trưởng giả thưa:
Dạ, kính bạch tôn giả, cầu chánh pháp thì thân mạng cũng không tiếc,
huống chi chỗ ngồi. Cầu chánh pháp thì không phải cầu theo năm uẩn mười
hai xứ hay mười tám giới, không phải cầu theo ba cõi. Dạ, kính bạch
tôn giả, cầu chánh pháp thì không theo sự tham trước Phâểt tham trước
Pháp hay tham trước Tăng. Cầu chánh pháp thì không cầu theo sự biết khổ
đoạn tập chứng diệt tu đạo, tại sao, vì pháp không có hý luận; nếu
nói tôi phải biết khổ đoạn tập chứng diệt tu đạo thì thế là hý luận,
không phải cầu chánh pháp. Dạ, kính bạch tôn giả, pháp thì tịch diệt,
đi theo sinh diệt là cầu sinh diệt chứ không phải cầu chánh pháp. Pháp
thì không nhiễm trước, nếu nhiễm theo các pháp thì dẫu đến niết bàn
cũng là nhiễm trước, không phải cầu chánh pháp. Pháp không phải chỗ
đi, đi theo các pháp là đi theo chỗ đi, không phải cầu chánh pháp. Pháp
không lấy bỏ, lấy bỏ các pháp thì thế là lấy bỏ, không phải cầu
chánh pháp. Pháp không nơi chỗ, vướng mắc nơi chỗ thì thế là vướng mắc,
không phải cầu chánh pháp. Pháp thì vô tướng, nhận thức theo tướng thì
thế là cầu tướng, không phải cầu chánh pháp. Pháp không trú ở, trú
ở các pháp thì thế là trú ở, không phải cầu chánh pháp. Pháp không thể
thấy nghe hay biết, đi theo thấy nghe hay biết thì thế là thấy nghe hay biết,
không phải cầu chánh pháp. Pháp thì vô vi, đi theo hữu vi thì thế là hữu
vi, không phải cầu chánh pháp. Do vậy, kính thưa tôn giả, cầu pháp là đối
với các pháp không cầu gì cả. Khi trưởng giả Duy ma nói như trên đây
thì có năm trăm thiên nhân đối với các pháp được mắt pháp trong sáng.
Trưởng giả Duy ma hỏi Văn thù Đại
sĩ: kính thưa đại sĩ, ngài từng dạo đi vô số thế giới, vậy thế giới
nào có những cái tòa sư tử tuyệt hảo nhất? Văn thù đại sĩ nói, trưởng
giả, phía đông, vượt qua ba mươi sáu hằng sa thế giới, có thế giới
tên Tu di tướng, đức Phật giáo chủ thế giới ấy hiệu là Tu di đăng
vương, hiện còn tại thế. Thân Ngài cao tám mươi bốn ngàn do tuần, tòa
sư tử của Ngài cũng cao với số ấy, đẹp đẽ bậc nhất. Trưởng giả
Duy ma liền hiện thần lực. Tức thì ba mươi hai ngàn tòa sư tử cao lớn
đẹp đẽ được đức Tu di đăng vương như lai cho đến phòng trưởng giả
Duy ma. Các vị bồ tát, các vị đại đệ tử, Đế thích, Phạn vương, bốn
Thiên vương, v/v, trước đấy chưa bao giờ được thấy. Phòng của trưởng
giả bấy giờ rộng lớn, chứa ba mươi hai ngàn tòa sư tử ấy mà không
chướng ngại gì cả. Cùng lúc, thành Tì da li, cả đại lục Diêm phù, và
ba đại lục khác, cũng không bị dồn ép gì, ai cũng thấy như cũ. Bấy giờ
trưởng giả Duy ma thưa với Văn thù đại sĩ, xin mời ngài đến ngồi trên
tòa sư tử! Mời các bồ tát thượng nhân cùng ngồi! Xin các ngài tự biến
thân mình cho xứng với tòa ấy. Các vị bồ tát được thần thông thì tự
biến mình cao lớn bốn mươi hai ngàn do tuần, ngồi lên trên tòa sư tử.
Các vị bồ tát mới phát tâm, các vị đại đệ tử, đều không lên ngồi
được. Trưởng giả Duy ma thưa tôn giả Xá lợi phất, xin mời ngài lên
ngồi trên tòa sư tử! Tôn giả nói, trưởng giả, tòa này cao lớn quá,
tôi không lên được. Trưởng giả thưa: Dạ, kính bạch tôn giả, xin ngài
đảnh lễ đức Tu di đăng vương như lai thì lên ngồi được. Các vị bồ
tát mới phát tâm và các vị đại đệ tử cùng lạy đức Tu di đăng
vương như lai, và tức thì cùng lên ngồi được trên tòa sư tử.
Tôn giả Xá lợi phất nói, trưởng
giả, thật là chưa từng có! Cái phòng như vầy chứa được số tòa cao lớn
như vầy, mà thành Tì da li không có gì trở ngại, thành thị thôn xóm
toàn cõi Diêm phù, cùng với cung điện chư thiên, long vương và quỉ thần
trong ba đại lục khác cũng không thấy dồn ép gì. Trưởng giả Duy ma
thưa: Dạ, kính bạch tôn giả, chư Phật bồ tát có sự giải thoát tên
là Bất khả tư nghị. Vị bồ tát ở trong sự giải thoát này thì đem núi
Tu di cao lớn nạp vào trong hạt cải mà không thêm không bớt gì. Núi Tu di
vẫn nguyên trạng, bốn Thiên vương cùng chư thiên Đao lợi cũng không hay
biết mình nạp vào đó, chỉ có người đáng được hóa độ bằng sự này
mới thấy Tu di nạp vào hạt cải. Như thế gọi là pháp môn giải thoát Bất
khả tư nghị. Lại đem bốn đại dương nạp vào một lỗ chân lông, vậy
mà không náo động các loài thủy sản, bốn đại dương cũng vẫn nguyên
trạng, long chúng, quỉ thần cùng với a tu la, v/v, cũng không hay biết mình
được nạp vào đó, và họ cũng không bị quấy rối gì. Kính bạch tôn
giả, vị bồ tát ở trong sự giải thoát Bất khả tư nghị ngắt lấy đại
thiên thế giới rồi, như vòng tròn của người thợ gốm (24) để trong lòng
bàn tay phải, ném quá hằng sa thế giới, vậy mà chúng sinh trong đó không
hay biết mình đến đâu; rồi lấy đặt lại chỗ cũ, cũng không để cho
chúng sinh hay biết mình trở lại, và đại thiên thế giới cũng vẫn nguyên
trạng. Kính bạch tôn giả, có những người thích tồn tại lâu dài mới
hóa độ được, thì bồ tát kéo dài bảy ngày đêm thành ra một kiếp,
làm cho họ thấy đó là một kiếp; có những người không thích tồn tại
lâu dài mới hóa độ được, thì bồ tát rút ngắn một kiếp thành ra bảy
ngày đêm, làm cho họ thấy đó là bảy ngày đêm. Kính bạch tôn giả, vị
bồ tát ở trong sự giải thoát Bất khả tư nghị đem mọi sự trang nghiêm
của các quốc độ tập hợp lại nơi một quốc độ để chỉ cho chúng
sinh, hoặc đem một quốc độ chúng sinh đặt trong lòng bàn tay phải, phi
đến mười phương chỉ cho khắp cả, mà không biến động nguyên trạng.
Kính bạch tôn giả, phẩm vật hiến cúng chư Phật của mười phương chúng
sinh, bồ tát làm cho thấy cả nơi một lỗ chân lông; nhật nguyệt tinh tú
của mười phương thế giới cũng làm cho thấy được nơi một lỗ chân
lông. Kính bạch tôn giả, tất cả luồng gió của mười phương thế giới,
bồ tát hút vào trong miệng mà thân thể không thương tổn, cây cối ở
ngoài cũng không gãy. Mười phương thế giới khi lửa tận kiếp cháy lên,
bồ tát nạp hết vào bụng, lửa vẫn nguyên trạng mà không hại gì cả.
Ở thiên để, quá hằng sa thế giới, lấy một thế giới đặt lên thiên
đỉnh, cũng quá hằng sa thế giới, mà chỉ như cầm mũi kim chích lấy
đưa lên một lá táo, không náo động gì cả. Kính bạch tôn giả, vị bồ
tát ở trong sự giải thoát Bất khả tư nghị thì sử dụng thần lực biến
thể thân Phật, thân Duyên giác, thân Thanh văn, thân Đế thích, thân Phạn
vương, thân Thế chúa, thân Luân vương. Trong mười phương thế giới có
bao nhiêu âm thanh, cung bậc cao vừa thấp, đều có thể biến làm âm thanh
của Phật, diễn tả vô thường khổ không vô ngã, những pháp mà mười
phương chư Phật nói, cũng nghe được qua âm thanh ấy. Kính bạch tôn giả,
ấy là con chỉ nói ước lược năng lực của sự giải thoát Bất khả tư
nghị. Nếu nói phong phú thì trọn kiếp nói không hết.
Bấy giờ tôn giả Đại ca diếp
nghe nói pháp môn giải thoát Bất khả tư nghị, thì tán dương chưa từng
có, và nói với tôn giả Xá lợi phất, có ai biểu hiện hình sắc trước
người mù, thì người mù vẫn không thể thấy được. Thanh văn mà nghe
nói pháp môn giải thoát Bất khả tư nghị thì không thể hiểu được
cũng y như vậy. Bậc có trí nghe pháp môn này thì ai mà không phát tâm vô
thượng bồ đề. Tại sao chúng ta dứt tuyệt gốc rễ, đối với đại thừa
như thế này chúng ta đã như là hạt giống hư nát. Thanh văn nghe pháp môn
giải thoát Bất khả tư nghị như thế này thì nên gào góc cho chấn động
đại thiên thế giới, còn bồ tát thì nên cả mừng, đặt trên đỉnh đầu
mà tiếp nhận pháp môn này. Bồ tát chỉ mới tin hiểu pháp môn giải
thoát Bất khả tư nghị mà tất cả ma quân đã không biết làm thế nào.
Khi tôn giả Đại ca diếp nói lời này thì ba mươi hai ngàn thiên nhân đều
phát tâm vô thượng bồ đề.
Lúc ấy trưởng giả Duy ma thưa với
tôn giả Đại ca diếp, bạch ngài, ma vương trong mười phương vô lượng
thế giới đa số là bồ tát ở trong sự giải thoát Bất khả tư nghị, sử
dụng phương tiện giáo hóa chúng sinh nên hiện làm ma vương. Lại nữa, kính
bạch tôn giả Đại ca diếp, mười phương vô lượng bồ tát có ai đến
xin tay chân, tai mũi, đầu mắt, tủy não, máu thịt, da xương, thôn xóm,
thành thị, vợ con, tôi tớ, voi ngựa, xe cộ, vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã
não, san hô, hổ phách, chân châu, kha bối, y phục, ẩm thực, thì người
xin đa số là bồ tát ở trong sự giải thoát Bất khả tư nghị, sử dụng
phương tiện mà đến thử nghiệm, làm cho họ bền chắc. Tại sao, vì bồ
tát ở trong sự giải thoát Bất khả tư nghị thì có sức mạnh uy đức,
hiện làm những việc thúc bách khó làm như vậy. Những kẻ phàm phu với
những người thấp kém thì không có năng lực, không thể làm những sự
thúc bách bồ tát như vậy. Rồng voi dẫm đạp thì không phải con lừa
làm được (25) . Như thế đó gọi là bồ tát ở trong sự giải thoát Bất
khả tư nghị.
Quan Sát Chúng Sinh [^]
Văn thù đại sĩ hỏi trưởng giả
Duy ma, bồ tát nhìn chúng sinh như thế nào? Trưởng giả Duy ma thưa, như nhà
ảo thuật nhìn thấy nhân vật ảo thuật, bồ tát nhìn chúng sinh cũng vậy.
Như người có trí thấy trăng dưới nước, thấy mặt trong gương, như nước
sóng nắng, như vang tiếng hô, như mây trong không, như đống bọt nước,
như bong bóng nước, như cái chắc của cây chuối, như sự lâu của điện
chớp, như cái đại thứ năm, như cái uẩn thứ sáu, như cái căn thứ bảy,
như cái nhập thứ mười ba, như cái giới thứ mười chín: bồ tát nhìn
chúng sinh như vậy. Như sắc của cõi Vô sắc, như mầm của hạt giống cháy,
như chấp ngã của Tu đà hoàn, như đầu thai của A na hàm, như ba độc của
A la hán, như tham sân phá giới của bồ tát được vô sinh nhẫn, như tập
quán phiền não của Phật đà, như sự thấy hình sắc của người mù, như
hơi thở ra vào của người nhập diệt tận định, như dấu chim bay trong
không gian, như con của thạch nữ, như phiền não của người được biến
hóa, như cảnh mộng lúc thức tỉnh, như sự thọ thân của người nhập
niết bàn, như lửa không có hơi khói: bồ tát nhìn chúng sinh như vậy.
Văn thù đại sĩ hỏi: Bồ tát
nhìn như vậy rồi làm sao thi hành đức từ? Trưởng giả Duy ma thưa: Bồ
tát nhìn như vậy rồi nghĩ mình phải nói cho chúng sinh cái pháp như vậy,
đó mới là đức từ chân thật. Bồ tát thi hành đức từ tịch diệt, vì
không sinh ra nữa. Thi hành đức từ không nóng, vì không còn phiền não.
Thi hành đức từ bình đẳng, vì ba thì gian đều bình đẳng. Thi hành đức
từ không cãi, vì không còn sự nổi dậy. Thi hành đức từ bất nhị, vì
trong ngoài không kết hợp. Thi hành đức từ không hỏng, vì tuyệt đối
diệt tận. Thi hành đức từ kiên cố, vì tâm không bị phá hủy. Thi hành
đức từ thanh tịnh, vì bản tánh các pháp là thanh tịnh. Thi hành đức từ
vô biên, vì ví như không gian. Thi hành đức từ của La hán, vì phá tan đám
giặc kiết sử. Thi hành đức từ của Bồ tát, vì đem yên vui lại cho
chúng sinh. Thi hành đức từ của Như lai, vì chứng đắc chân như. Thi hành
đức từ của Phật đà, vì thức tỉnh cho chúng sinh. Thi hành đức từ tự
nhiên, vì không cần nhân tố thúc đẩy mà vẫn vận hành. Thi hành đức từ
bồ đề, vì đồng đẳng nhất vị. Thi hành đức từ không ai sánh bằng,
vì đoạn tuyệt mọi thứ tham ái. Thi hành đức từ đại bi, vì hướng dẫn
bằng pháp đại thừa. Thi hành đức từ không chán, vì xét không, vô ngã.
Thi hành đức từ pháp thí, vì không tiếc để gì cả. Thi hành đức từ
giữ giới, vì hoán cải những người phạm giới. Thi hành đức từ nhẫn
nhục, vì hộ trì cho người và cho mình. Thi hành đức từ tinh tiến, vì
gánh vác chúng sinh. Thi hành đức từ thiền định, vì không hưởng thụ mùi
vị năm dục. Thi hành đức từ trí tuệ, vì không có cái lúc không biết.
Thi hành đức từ phương tiện, vì biểu hiện tất cả. Thi hành đức từ
không bí ẩn, vì tâm ngay thẳng rất trong sáng. Thi hành đức từ tâm sâu
xa, vì không làm tạp nhạp. Thi hành đức từ không dối trá, vì không có
sự trống rỗng, giả tạo. Thi hành đức từ yên vui, vì làm cho chúng sinh
được sự yên vui của Phật. Đức từ của bồ tát đến như vậy. Văn
thù đại sĩ lại hỏi, còn đức bi là thế nào? Trưởng giả Duy ma thưa,
là bồ tát tạo tác công đức thì tất cả đều cho chúng sinh. Hỏi: đức
hỷ là thế nào? Đáp: làm được lợi ích gì cho chúng sinh thì hoan hỷ,
không hối hận. Hỏi: đức xả là thế nào? Đáp: làm được sự che chở
nào cũng không hy vọng đáp trả.
Văn thù đại sĩ hỏi, ở trong sinh
tử mà có sự sợ hãi thì bồ tát nương tựa vào đâu? Trưởng giả Duy
ma thưa, nương tựa vào sức mạnh công đức của đức Thế tôn. Hỏi: bồ
tát muốn được nương tựa sức mạnh công đức của đức Thế tôn thì
nên đứng vào chỗ nào? Đáp: đứng vào chỗ muốn giải thoát chúng sinh.
Hỏi: muốn giải thoát chúng sinh thì phải giải trừ cái gì? Đáp: giải
trừ phiền não cho họ. Hỏi: muốn giải trừ phiền não cho họ thì phải
đi theo cái gì? Đáp: phải đi theo chánh niệm. Hỏi: đi theo chánh niệm như
thế nào? Đáp: đi theo sự bất sinh bất diệt. Hỏi: cái gì bất sinh? cái
gì bất diệt? Đáp: ác thì bất sinh, thiện thì bất diệt. Hỏi: thiện với
ác do cái gì làm gốc? Đáp: do thân làm gốc. Hỏi: thân do cái gì làm gốc?
Đáp: do tham dục làm gốc. Hỏi: tham dục do cái gì làm gốc? Đáp: do phân
biệt không chính xác làm gốc. Hỏi: phân biệt không chính xác do cái gì
làm gốc? Đáp: do ý tưởng thác loạn. Hỏi: ý tưởng thác loạn do cái
gì làm gốc. Đáp: do sự không trú ở làm gốc. Hỏi: sự không trú ở do
cái gì làm gốc? Đáp: không trú ở thì không có gốc gác, và từ sự
không trú ở mà thiết lập các pháp.
Bấy giờ trong phòng trưởng giả
Duy ma có một thiên nữ, thấy các bậc thượng nhân và nghe các ngài nói,
liền biểu hiện thân mình, đem thiên hoa rải trên các vị bồ tát và các
vị đại đệ tử. Hoa đến các vị bồ tát thì rơi rớt, đến các vị
đại đệ tử thì dính mắc. Các vị đại đệ tử dùng thần lực phủi
bỏ mà không phủi bỏ được. Thiên nữ hỏi tôn giả Xá lợi phất, tại
sao phải phủi bỏ hoa này? Ngài nói, hoa này không đúng phép nên phải phủi
bỏ. Thiên nữ thưa, xin ngài đừng nói hoa này không đúng phép, tại sao,
vì hoa này không có phân biệt. Phân biệt là ngài tự có. Xuất gia trong Phật
pháp, có phân biệt là không đúng phép, không phân biệt mới là đúng
phép. Ngài hãy nhìn các vị bồ tát: hoa không dính mắc là vì đã đoạn
tuyệt phân biệt. Con người khi sợ thì ma quỉ được dịp. Các ngài cũng
vậy, sợ sinh tử nên năm dục được dịp. Không sợ thì năm dục không
làm gì được. Tập quán kiết sử chưa hết thì hoa dính mắc vào mình, tập
quán kiết sử hết rồi thì hoa không thể dính mắc.
Tôn giả Xá lợi phất hỏi, thiên
nữ ở trong phòng này đã bao lâu? Thiên nữ thưa, con ở trong phòng này bằng
thì gian ngài giải thoát. Hỏi: ở lâu đến như vậy sao? Đáp: ngài giải
thoát đã bao lâu? Tôn giả lặng thinh, không trả lời. Thiên nữ hỏi, tại
sao bậc đại trí kỳ cựu mà lặng thinh? Ngài nói, vì giải thoát siêu việt
ngôn ngữ, nên tôi không biết nói thế nào. Thiên nữ thưa, ngôn ngữ văn
tự cũng là giải thoát, vì sao, vì giải thoát không trong không ngoài không
giữa, ngôn ngữ văn tự cũng không trong không ngoài không giữa. Do vậy,
kính bạch ngài, đừng rời văn tự mà nói giải thoát, tại sao, vì các
pháp toàn là thực thể giải thoát. Hỏi: chứ không phải xa rời dâm nộ
si là giải thoát? Đáp: Phật vì người tăng thượng mạn mà nói dâm nộ
si là giải thoát, người không tăng thượng mạn thì Phật nói bản thể
dâm nô si là giải thoát. Tôn giả khen, hay lắm thiên nữ, hay lắm; thiên nữ
được cái gì chứng cái gì mà biện luận đến như vậy? Thiên nữ thưa,
con không được, không chứng, biện luận mới như vậy. Bởi vì nếu có
được có chứng thì đó là kẻ tăng thượng mạn trong Phật pháp.
Tôn giả Xá lợi phất hỏi, thiên
nữ, trong ba thừa, chí nguyện thiên nữ cầu thừa nào? Thiên nữ thưa,
đem pháp thanh văn mà giáo hóa chúng sinh thì con là thanh văn, đem pháp
duyên khởi mà giáo hóa chúng sinh thì con là duyên giác, đem pháp đại bi mà
giáo hóa chúng sinh thì con là đại thừa. Nay, như vào rừng chiêm bặc thì
chỉ ngửi hơi thơm hoa ấy mà không ngửi hơi thơm gì khác; vào phòng này
cũng vậy, chỉ ngửi hơi thơm công đức của Phật mà không thích nghe hơi
thơm công đức của thanh văn duyên giác. Kính bạch ngài, Đế thích, Phạn
vương, bốn Thiên vương, chư thiên long quỉ thần mà vào phòng này, nghe thượng
nhân chủ phòng luận thuyết chánh pháp, thì ai cũng thích hơi thơm công đức
của Phật, phát tâm vô thượng bồ đề mà ra. Kính bạch ngài, con ở
trong phòng này đã 12 năm, từ đầu đến giờ không nghe nói về pháp thanh
văn, pháp duyên giác, mà chỉ nghe nói về pháp bồ tát là đại từ đại
bi và những sự bất khả tư nghị của Phật. Kính bạch ngài, phòng này
thường có tám sự hiếm có khó được. Những gì là tám sự? Phòng này,
ngày cũng như đêm, thường chiếu soi bằng ánh sáng màu hoàng kim, không
dùng ánh sáng mặt trời mặt trăng, đó là sự hiếm có khó được thứ
nhất. Vào phòng này thì không bị mọi sự dơ bẩn quấy rối, đó là sự
hiếm có khó được thứ hai. Phòng này thường có Đế thích, Phạn vương,
bốn Thiên vương, và các vị bồ tát ở thế giới khác, tới tụ hội
luôn, đó là sự hiếm có khó được thứ ba. Phòng này thường nói sáu ba
la mật, các pháp bất thoái, đó là sự hiếm có khó được thứ tư. Phòng
này thường tấu âm nhạc bậc nhất của chư thiên, xuất ra vô lượng âm
thanh pháp hóa, đó là sự hiếm có khó được thứ năm. Phòng này có bốn
kho tàng lớn, chứa đầy bảo vật, chu cấp nghèo thiếu, cầu thì được
vô tận, đó là sự hiếm có khó được thứ sáu. Phòng này có đức Thích
ca, đức Di đà, đức A súc, đức Bảo đức, đức Bảo viêm, đức Bảo
nguyệt, đức Bảo nghiêm, đức Nan thắng, đức Sư tử hướng, đức Nhất
thế lợi thành, mười phương vô lượng chư Phật như vậy, thượng nhân
chủ phòng nghĩ đến là các Ngài đến cho, nói rộng kho tàng bí yếu của
chư Phật, nói rồi trở về, đó là sự hiếm có khó được thứ bảy. Phòng
này hiện lên cung điện của chư thiên và tịnh độ của chư Phật, đó
là sự hiếm có khó được thứ tám. Kính bạch ngài, phòng này thường thể
hiện tám sự hiếm có khó được như vậy. Có ai nghe thấy những sự bất
khả tư nghị như vậy mà còn thích pháp thanh văn.
Tôn giả Xá lợi phất hỏi, tại
sao thiên nữ không chuyển nữ thân? Thiên nữ thưa, 12 năm nay con tìm tướng
nữ nhân không được, thì chuyển cái gì. Như nhà ảo thuật làm ra nữ
nhân huyễn ảo, có người hỏi nữ nhân ấy sao không chuyển nữ thân đi,
thì hỏi như vậy đúng không? Không, tôn giả trả lời, huyễn ảo không
có định tướng thì chuyển cái gì. Thiên nữ thưa, các pháp toàn là như
vậy, không có định tướng, sao ngài lại hỏi con không chuyển nữ thân.
Thiên nữ tức thì dùng thần lực biến tôn giả Xá lợi phất y như thiên
nữ, còn thiên nữ tự biến y như tôn giả Xá lợi phất, rồi hỏi sao
ngài không chuyển nữ thân? Tôn giả, bằng hình dáng thiên nữ, nói, tôi
không biết chuyển sao mà thành nữ thân! Thiên nữ thưa, nếu ngài chuyển
được nữ thân này thì mọi nữ nhân cũng chuyển được. Ngài không phải
nữ nhân mà biến thể nữ thân, thì mọi nữ nhân cũng vậy, biến thể nữ
thân mà không phải nữ nhân. Do vậy mà Phật đã nói các pháp phi nam phi nữ.
Tức thì thiên nữ thu lại thần lực, thân tôn giả Xá lợi phất trở lại
như cũ. Thiên nữ hỏi, sắc tướng nữ thân bây giờ ở đâu? Tôn giả
nói, sắc tướng nữ thân không phải ở đâu, không phải không ở đâu.
Thiên nữ thưa, thì các pháp cũng vậy, không phải ở đâu, không phải
không ở đâu. Không phải ở đâu, không phải không ở đâu, đó là điều
Phật đã nói.
Tôn giả Xá lợi phất hỏi, thiên
nữ chết ở đây thì sinh ở đâu? Thiên nữ thưa, người do Phật biến hóa
sinh ở đâu thì con sinh ở đó. Tôn giả nói, người biến hóa thì không
chết và sinh. Thiên nữ thưa, chúng sinh cũng vậy, không chết và sinh. Tôn
giả hỏi, thiên nữ bao lâu nữa thì được vô thượng bồ đề? Thiên nữ
thưa, bao lâu ngài trở lại làm phàm phu thì con sẽ được vô thượng bồ
đề. Tôn giả nói, tôi mà trở lại làm phàm phu thì vô lý. Thiên nữ thưa,
con mà được bồ đề cũng là vô lý. Tại sao, vì bồ đề thì không có
chỗ ở, và vì vậy mà không có ai thành được. Tôn giả nói, nếu vậy,
chư Phật đang được đã được sẽ được bồ đề, số lượng bằng hằng
sa, thì nói là gì? Thiên nữ thưa, ấy toàn là lấy lời chữ phổ thông
mà nói ba thì gian, không phải bồ đề có thì gian tính. Bạch ngài, ngài
được đạo quả a la hán chăng? Tôn giả nói, ấy là vì không được mà
được. Thiên nữ nói, chư Phật bồ tát cũng vậy, vì không được mà
được.
Bấy giờ trưởng giả Duy ma thưa với
tôn giả Xá lợi phất, vị thiên nữ này đã hiến cúng chín mươi hai ức
đức Phật, đã du hóa bằng thần thông bồ tát, chí nguyện đã đủ, đã
được vô sinh pháp nhẫn, trú ở địa vị bất thoái, và do bản nguyện
mà biểu hiện tùy ý để giáo hóa chúng sinh.
---**^**---
Mục Lục
| Phần I
|
Phần II
|
Phần III|
Phần IV
--- o0o ---
| Thư
Mục
Tác
Giả
|
--- o0o ---
Source
: www.buddhismtoday.com
-o0o-
Trình
bày: Nhị
Tường
Cập
nhật:
01-02-2002