Phần
Dẫn Nhập [^]
(1) Giải thâm mật là bộ kinh được
đại luận Du dà, các cuốn 75-78, trích dẫn toàn văn, trừ phẩm một (Chính
30/713-736). Tháng 3 năm 51 tuổi, dương lịch 646, ngài Huyền tráng khởi dịch
Du dà, năm sau dịch Giải thâm mật, tháng 3 năm sau nữa dịch xong Du dà. Giải
thâm mật của ngài Huyền tráng dịch được gọi tắt là Đường dịch.
Trước đó, dương lịch 453 (hoặc
443), ngài Cầu na bạt đà la đã dịch 2 phẩm bảy và tám, đề Tương tục
giải thoát liễu nghĩa kinh. Dương lịch 515, ngài Bồ đề lưu chi dịch trọn
bộ, đề Thâm mật giải thoát kinh, bộ này được gọi là Ngụy dịch. Dương
lịch 561, ngài Chân đế dịch phẩm một mà chia nhỏ làm 4 phẩm, lại sớ
giải thành 4 cuốn (tìm chưa thấy, chỉ thấy Viên sớ trích dẫn). Các bản
dịch trên đây đều nằm trong Chính 16/665-720, riêng Đường dịch còn có
trong Chính 30/713-736 (luận Du dà).
Tài liệu để có ghi chú trên đây
là Vạn 34/299; Chính 49/94, 45, 42; Phật học nghiên cứu, bài 10 và 18 (phụ
lục 3); Thế giới đại sự biểu của Từ nguyên. Ghi chú trên đây cho thấy
Ngụy dịch và Đường dịch đều hoàn chỉnh. Nhưng Đường dịch hoàn hảo
hơn, bởi vì dịch chủ là ngài Huyền tráng, dịch kinh này là bộ kinh căn
bản của Duy thức học mà, trong Phật giáo văn hệ Trung hoa, ngài là vị sơ
tổ.
Sớ giải Giải thâm mật thì bản
tôi học là của đại sư Khuy cơ, bài tựa nói trích từ tác phẩm sớ giải
Du dà mà khắc in riêng ra. Tiếc rằng hiện tôi không có bản này. Dò tìm
cũng chưa thấy tác phẩm sớ giải Du dà nói trên. Còn bản sớ giải mà
tôi hiện có là của đại sư Viên trắc. Đối với ngài Huyền tráng, đại
sư là người sóng đôi mà khá mâu thuẫn với đại sư Khuy cơ, một vài
truyện ký tương truyền như vậy. Đại sư Viên trắc sớ giải Giải thâm
mật, nếu không phải trong lúc ngài Huyền tráng còn tại thế thì sau đó
cũng không lâu. Trong sớ giải, đại sư trích dẫn lời ngài Huyền tráng
khá nhiều. Bản sớ giải này gồm có 10 cuốn, nay chỉ thiếu cuốn chót,
9 cuốn hiện còn trong Vạn 34 và 35. Bản sớ giải này tôi gọi tắt là
Viên sớ. Nhưng xin cảnh giác người đọc là chính văn Giải thâm mật của
Viên sớ, qua Vạn 34 và 35 in lại, thì khá sai sót, nên phải dò lại chính
văn ấy trong Chính 16/688-711 và 30/713-736.
Bản dịch giải của tôi lấy Đường
dịch làm chính văn, lấy Viên sớ làm tài liệu tham chiếu.
(2) Giải thâm mật, Phạn tự là
Sandhi-nirmocara, dịch âm là San địa niết mô chiết na. San địa có nghĩa sâu
kín (thâm mật), đốt xương (cốt tiết hay tiết), nối nhau (tương tục).
Niết mô chiết na là lý giải (giải), giải thoát. Vì những ý nghĩa nguyên
thể và biến thể ấy mà các tên được dịch như đã thấy ở đoạn trên.
Tựu trung, Đường dịch thì rõ và hay hơn cả. Còn sự thâm mật mà kinh
này giúp ta lý giải thì sẽ thấy trong đoạn 3 dưới đây.
(3) Giải thâm mật có 5 cuốn 8 phẩm.
Cuốn 1 có phẩm một: mở đầu (tự) phẩm hai: thắng nghĩa (thắng nghĩa
đế tướng) phẩm ba: tâm thức (tâm ý thức tướng); cuốn 2 có phẩm bốn:
tự tánh (nhất thế pháp tướng) phẩm năm: vô tánh (vô tự tánh tướng);
cuốn 3 có phẩm sáu: du dà (phân biệt du dà); cuốn 4 có phẩm bảy: địa
độ (địa ba la mật đa); cuốn 5 có phẩm tám: Phật sự (Như lai thành sở
tác sự).
Tất cả 8 phẩm này Viên sớ chia
làm 2 phần: mở đầu (phẩm một) và chính thuyết (phẩm hai đến tám). Phần
chính thuyết có 3 mục: 1, nói về chân lý (cảnh) gồm có 4 phẩm hai đến
năm; 2, nói về phương pháp (hành) gồm có 2 phẩm sáu và bảy; 3, nói về
thành quả (quả) là phẩm tám. Trong mục 1, chia 4 phẩm làm 2: phẩm hai và
phẩm ba nói về chân và tục, phẩm bốn và phẩm năm nói về có và
không.
Phần tôi, tôi xét có thể nói nội
dung Giải thâm mật cũng tương tự với Lăng dà. Lăng dà, một bộ kinh căn
bản khác của Duy thức học, nói về cái "Tâm của Phật thuyết"
bằng 2 phần: nói cái Tâm ấy siêu việt như thế nào, nói cái Tâm siêu việt
ấy là thế nào. Kinh này rõ ràng cũng vậy: phẩm hai nói Tâm siêu việt như
thế nào, phẩm ba đến tám nói Tâm siêu việt ấy là thế nào. Lại xét
Nhiếp luận thì toàn văn có 3 phần là cảnh hành quả. Phần nói về cảnh
có 2 phần: phần căn bản là bản thức, phần biểu hiện là ba tánh. Giải
thân mật càng rõ ràng cũng vậy: phẩm ba nói về bản thức, phẩm bốn
và năm nói về 3 tự tánh và 3 vô tánh. Cách nói này cho thấy bản thức
là căn bản của các pháp nên gọi duy thức. Tư tưởng duy thức như vậy
tương đối cổ hơn, nhưng đơn giản và sâu sắc hơn.
Vì xét như vậy, nên khác với
Viên sớ, tôi chia 7 phẩm phần chính thuyết của Giải thâm mật làm 2 mục
lớn: nói Tâm siêu việt như thế nào, nói Tâm siêu việt ấy là thế nào.
Trong mục lớn thứ 2 cũng chia làm ba phần nhỏ: các phẩm ba đến năm nói
Tâm ấy là cảnh sở quán, các phẩm sáu và bảy nói Tâm ấy là hạnh năng
quán, phẩm tám nói Tâm ấy là quả sở đắc.
Với nội dung này, Giải thâm mật
không những làm căn bản cho Duy thức, mà còn làm tổng kết cho Đại thừa.