LỢI ÍCH
TRONG NGOÀI
Đại Bồ Tát phát tâm
Bồ Đề, thế nào là Hạnh Bồ Đề?
-Bồ Tát nếu ở nơi này, nơi khác, hoặc
học hoặc dạy, đều vì Vô thượng Bồ Đề. Sự học ấy là: Giới luật.
Văn Huệ. Tư Huệ. Tu Huệ. Đây gọi là Hạnh Bồ Đề.
Đại Bồ Tát học về điều gì, thì sự học
ấy đều có bảy ý nghĩa. Thế nào là bảy?
Một là nghĩa bên trong. Hai là nghĩa
bên ngoài. Ba là nghĩa chân thật. Bốn là nghĩa không thể nghĩ
bàn. Năm là nghĩa điều phục chúng sanh. Sáu là nghĩa thuộc rành
Phật pháp. Bảy là nghĩa Vô thượng Bồ Đề.
-Sao gọi là nghĩa bên trong? Nghĩa bên
trong có mười.
1.
Nghĩa chơn thật.
2.
Nghĩa vị tha.
3.
Nghĩa điều phục.
4.
Nghĩa an ổn
5.
Nghĩa vui sướng.
6.
Nghĩa của nhân.
7.
Nghĩa của quả.
8.
Nghĩa hiện tại.
9.
Nghĩa đời khác.
10.
Nghĩa rốt ráo.
Đại Bồ Tát vì người mà phụng sự, đó là
nghĩa bên trong.
1. Nghĩa chơn thật là thế nào? - Bồ
Tát biết tánh chất phiền não và biết pháp môn đối trị. Được sự vui
của mình bèn thí đủ cho khắp chúng sanh, chí thường tu tập đạo Vô
thượng chơn chánh, phàm có tìm cầu những gì đều dùng an ổn chúng
sanh, được tiền của rồi lòng không tham đắm, thường đem cúng dường
chư Phật, Giáo pháp, chúng Tăng, cha mẹ thầy dạy, vượt ngàn muôn dặm
sưu tầm kinh điển của Phật và bí tạng Bồ Tát, tìm được pháp rồi phổ
biến rộng rãi, chẳng sanh lẫn tiếc, cất kỹ, giữ kín. Dầu hiểu nghĩa
lý sâu xa cũng chẳng sanh tâm cao ngạo.
Vì người cầu sanh cõi trời mà nói lợi
ích của việc giữ giới. Vì chuyển luân vương nói đức bố thí. Vì bực
Nhị thừa nói cách tu tập chánh định. Vì người muốn được quả báo lớn
thế gian mà cúng dường tam bảo, rộng tu sự nghiệp phước đức. Vì kẻ
tham lam nói rõ hậu quả tánh tham. Vì kẻ khi dối nói về hậu quả lừa
dối. Vì kẻ phi pháp mà làm người sai khiến. Bồ Tát làm việc này
xong, gọi là nghĩa chơn thật.
2. Phàm những điều gì tự lợi của Đại
Bồ Tát đều vì tất cả chúng sanh. Đây gọi là nghĩa lợi tha.
3. Đại Bồ Tát nếu có diễn thuyết, đều
nhằm phá vỡ tà kiến, dị thuyết. Tà kiến, dị thuyết là những luận
điệu bài bác nhân quả. Vì những kẻ phá dối không thấy tội lỗi, Bồ
Tát nói những tội báo của sự hủy cấm. Vì phá ba độc mà diễn nói
pháp. Vì người thoái tu thiền định, thiện pháp, Bồ Tát giảng nói
chánh pháp khiến họ không bị thoái chuyển. Vì muốn nuôi lớn pháp
lành, muốn chúng sanh được sức tự tại, Bồ Tát vì họ nói pháp. Muốn
khiến chúng sanh trong khắp mười phương đều được sức thần túc, Bồ
Tát vì họ nói pháp. Đây gọi là nghĩa Điều phục.
Nghĩa trong cũng gọi là nghĩa ngoài,
nghĩa ngoài cũng gọi là nghĩa trong, nghĩa trong ngoài gọi là nghĩa
điều phục, nghĩa điều phục cũng gọi là nghĩa trong ngoài. Mười lực,
bốn Vô úy, mười tám pháp bất cộng, ba niệm trí, Đại bi, Bất vong.
Năm trí tam muội là nghĩa chơn thật. Nghĩa chơn thật là nghĩa trong
ngoài. Nghĩa trong ngoài có hai: Một là tự điều phục. Hai là điều
phục kẻ khác. Đại Bồ Tát khéo biết phương tiện là nghĩa điều phục,
Bồ Tát thực hành tất cả hạnh lành là nghĩa điều phục.
Vì sao lại gọi là nghĩa trong ngoài?
Đây có năm việc. Một là, tịnh được thân người khác. Hai là thêm lớp
pháp lành của người. Ba là lợi ích hiện tại. Bốn là lợi ích đời
khác. Năm là hoại phiền não của người.
Đại Bồ Tát tùy chỗ tu thiện hoặc nhiều
hay ít, lấy đó dạy lại chúng sanh, làm cho chúng sanh đồng như sở
đắc của mình. Đây là nghĩa điều phục.
4. Đại Bồ Tát tự mình được an ổn, lại
đem sự an ổn ban cho chúng sanh, đó là sự an ổn xuất thế hoặc sự an
ổn thế gian, sự an vui ở cõi Dục, hay sự an vui bởi kết quả tu tập
thiền định. Đây gọi là nghĩa an ổn.
Nghĩa an ổn cũng gọi là nghĩa trong
ngoài, cũng gọi là nghĩa điều phục, cũng gọi là nghĩa chơn thật.
Nghĩa trong ngoài của Đại Bồ Tát có sự
vui hiện tại, chẳng phải sự vui đời khác. Có sự vui đời khác chẳng
phải sự vui hiện tại. Có sự vui hiện tại lẫn đời khác. Có sự vui
chẳng phải hiện tại chẳng phải đời khác.
Nghĩa trong ngoài lại có bốn: Một là,
có người thọ pháp hiện tại được vui đời khác chịu khổ. Hai là, có
người thọ pháp hiện tại chịu khổ đời khác được vui. Ba là, có người
thọ pháp hiện tại được vui đời sau cũng vui. Bốn là, có người thọ
pháp hiện tại chịu khổ, đời sau cũng khổ.
Đại Bồ Tát nếu nói về Niết Bàn hay Đại
Niết Bàn, nói về tám thánh đạo hay ba mươi bảy phẩm trợ đạo, nói về
đạo thế gian hay đạo xuất thế, như vậy gọi là nghĩa an ổn. Nghĩa an
ổn gọi là nghĩa trong ngoài, nghĩa trong ngoài gọi là nghĩa chánh.
Nghĩa chánh gọi là nghĩa vô thượng,
nghĩa vô thắng, nghĩa an ổn, nghĩa Thường, Lạc. Sự thọ thường lạc
của Đại Bồ Tát có thể thành nghĩa trong ngoài, nghĩa chơn thật,
nghĩa điều phục, nghĩa an ổn.
5. Sao gọi là nghĩa vui sướng? Nghĩa
vui sướng có năm: Một là, vui của nhân. Hai là, vui của thọ. Ba
là, vui đoạn thọ. Bốn là, vui xa lìa. Năm là, vui của đạo Bồ Đề.
Vui của nhân là gì? - Cái nhân tiếp xúc
từ trong ra ngoài, do nhân của xúc và duyên của xúc nên có sự thọ
vui. Đây gọi là vui của nhân. Do làm điều lành, được sự vui đời
sau, gọi là vui của nhân.
Vui của thọ là gì? - Từ nhân và duyên
của nhân mà thân đưọc nuôi lớn, tâm được an ổn, gọi là vui của thọ.
Cái vui của thọ này lại có hai: Hữu lậu, Vô lậu. Vô lậu lại có
hai: Một là học xứ, hai là vô học xứ. Hữu lậu có ba: Cõi Dục, cõi
Sắc cõi vô sắc. Ba cõi có trong ra ngoài vào, cho nên có sáu xúc.
Sáu xúc lại có hai: Một là thân vui. Hai là tâm vui. Năm thức
chung chi phối là thân vui. Ý thức cùng chi phối là tâm vui.
Tu tập thánh đạo dứt hết các thọ, đạo
đức gia tăng, không có các thọ. Đây là cái vui đoạn thọ.
Lìa hẳn phiền não, thân tâm không lo,
gọi là cái vui xa lìa.
Vì được Thường, Lạc, cho nên gọi là vui
của đạo Bồ đề.
Có người nói Vô tưởng định là cái vui
đoạn thọ, nghĩa là không đúng. Vì sao? - Vì chẳng dứt hết thọ.
Vui của sự xa lìa có bốn: Một là sự vui
xuất gia. Hai là sự vui vắng lặng. Ba là sự vui đoạn hoặc. Bốn là
sự vui giác ngộ.
Người đời có nhiều lo khổ. Dứt hẳn khổ
ấy, gọi là vui xuất gia. Dứt sự tham ái ở cõi Dục gọi là vui vắng
lặng. Chấm dứt phiền não ba cõi, gọi là vui đoạn hoặc. Thọ đức
thường lạc gọi là vui giác ngộ.
Bồ Tát thường đem lại cho chúng sanh sự
vui gọi là vui giác ngộ. Đại Bồ Tát tự mình thọ sự Thường, Lạc,
chuyển sang bố thí chúng sanh, gọi là sự vui giác ngộ.
Vì sao gọi là vui của nhân?
-Cái vui đây là bởi nguyên nhân, cho
nên gọi là vui của nhân, chẳng gọi là vui của thọ, vui của thọ chẳng
gọi là vui của nhân mà gọi là vui của tánh.
Sự vui đoạn hoặc chẳng gọi là vui của
nhân chẳng gọi vui của thọ, vì đoạn hoặc có nhiều vui nên gọi là vui
đoạn hoặc.
Vui của sự xa lìa chẳng gọi là vui của
nhân chẳng gọi vui của thọ, chẳng gọi vui đoạn hoặc. Do quán sát
tai họa sanh tử, gọi là cái vui trí tuệ.
Vui giác ngộ chẳng gọi là vui của nhân,
chẳng gọi vui của thọ, chẳng gọi vui đoạn hoặc, chẳng gọi là vui xa
lìa. Vì đức chơn thường không có bờ mé, cho nên gọi là vui của Bồ
Tát, gọi là vui không gì hơn, gọi là sự vui vô biên, sự vui vô
thượng, cũng gọi là sự vui thường hằng, hay gọi là sự vui vắng lặng.
6. Đại Bồ Tát luôn luôn đem năm thứ
vui như vậy ban cho chúng sanh. Đây gọi là nghĩa của nhân. Đại Bồ
Tát thường hoại diệt nghiệp ác của chúng sanh, đem nghĩa chơn chánh
chỉ dạy, do nghĩa chơn chánh mà chúng sanh được Vô thượng Bồ Đề.
Đây gọi là nghĩa của nhân. Đại Bồ Tát vì khắp chúng sanh mà chịu khổ
lớn. Do chịu khổ lớn cho nên có thể điều phục chúng sanh, đây gọi
là nghĩa của nhân. Đại Bồ Tát quán sát thiện ác, luôn luôn đem việc
thiện ác chỉ cho chúng sanh. Do sự khai thị ấy, chúng sanh được trí
tuệ lớn. Được trí tuệ lớn nên chúng sanh có thể phá hoại điều ác to
lớn. Đây gọi là nghĩa của nhân.
7. Đại Bồ Tát nhân nơi trí tuệ, thực
hành sáu pháp ba la mật, đến khi chứng Vô thượng Bồ Đề gọi là nghĩa
của quả.
Đại Bồ Tát hoại tâm tham, vì phá tâm
tham cho nên đem lại chúng sanh năm thứ vui trên, để rồi chúng sanh
được sự vui ấy. Đây gọi là nghĩa của quả.
Đại Bồ Tát thương xót chúng sanh, muốn
cho tất cả đều được an lạc như mình, đó gọi là nghĩa trong ngoài.
Nghĩa trong ngoài có ba. Nhân cũng có ba. Quả cũng có ba: Báo của
nhân, Báo của quả, Nhân của phước, Quả của phước, Nhân của trí, Quả
của trí.
Thế nào là báo? - Báo có tám: Một là
sống lâu. Hai là thân toàn vẹn. Ba là giòng giống trên hết. Bốn
là được tự tại. Năm là tiếng nói thanh tao. Sáu là được thân người
nam. Bảy là được nhiều sức mạnh. Tám là không ai hơn nổi.
Đại Bồ Tát tu tập lòng Từ cho nên được
sống lâu. Đây là báo của nhân.
Đại Bồ Tát đem áo quần, món ăn, thức
uống, phòng nhà, mền nệm, thuốc thang cấp giúp chúng sanh, do đó
được thân toàn vẹn.
Đại Bồ Tát phá tâm kiêu xa, ngã mạn,
cung kính cha mẹ, thầy dạy, người có đức hạnh, do đó được dòng họ
trên hết.
Đại Bồ Tát theo đúng phép tắc làm việc,
phá bỏ điều trái phép, do đó được tự tại không ngại.
Đại Bồ Tát tâm tánh chân thật, không
khi dễ chúng sanh, do đó đưọc tiếng nói thanh tao.
Đại Bồ Tát thường chê trách ngũ dục, do
đó được thân người nam.
Đại Bồ Tát thường vui ưa cúng dường Tam
Bảo, do đó được nhiều sức mạnh.
Đại Bồ Tát thường hay giáo hóa chúng
sanh cúng dường Tam Bảo, do đó không ai hơn nổi. Đây gọi là Báo của
nhân.
Chẳng hại chúng sanh, mạng sống được
tăng, gọi là báo của nhân.
Vui vẻ đem y phục, món ăn, thức uống,
phòng nhà, mền nệm, thuốc thang cấp dưỡng chúng sanh, do đó Đại Bồ
Tát được thân toàn vẹn.
Hay phá tánh kiêu xa, ngã mạn của chúng
sanh, do đó Bồ Tát được họ hàng trên hết.
Hay trừ nghèo nàn khổ sở của chúng
sanh, do đó được tự tại.
Hay phá bỏ lời nói hư vọng, lời nói đôi
chiều, lời nói hỗn ẩu, lời nói nhảm nhí của chúng sanh, do đó được
tiếng nói thanh tao.
Khen ngợi thân nam, chê trách thân nữ,
bởi hai nhân đây, cho nên khi sanh trong loài người, được thân nam
tử. Lại do xa lìa tà mạng nên được thân nam.
Thường đem thức ăn sạch sẽ cấp thí
chúng sanh, gặp người lâm nguy, sợ hãi, ra tay giải cứu, do đó thân
Bồ Tát được nhiều sức mạnh.
Thọ trì chánh pháp, đọc tụng giảng nói,
do đó không ai hơn nổi.
Trên đây gọi là tám thứ báo. Tám thứ
báo này do ba việc mà tăng trưởng mãi mãi. Một là Tâm tịnh. Hai là
Trang nghiêm tịnh. Ba là Phước điền tịnh.
Đại Bồ Tát hết lòng chuyên cầu Vô
thượng Bồ Đề, gọi là Tâm tịnh. Cúng dường bực đồng pháp, đồng học,
đồng thầy, gọi là tâm tịnh. Hoặc gặp hoặc nghe bực đồng học, đồng
thầy mà tâm sanh vui mừng gọi là Tâm Tịnh.
Tu tập các phẩm Trợ đạo, thường ưa thọ
trì, biên chép, đọc tụng Tạng pháp Bồ Tát, lại đem những pháp đã có
cảm hóa chúng sanh, nếu họ không nhận cũng không lo buồn, cũng không
thôi nghĩ. Đây gọi là Trang nghiêm Tịnh.
Do hai điều Tịnh trên đây, gọi là Phước
điền Tịnh.
Sao gọi là Báo của quả? - Bồ Tát sống
lâu là báo của Quả.
Vì sao Bồ Tát cầu sống lâu?
-Bồ Tát muốn được mạng sống lâu dài,
trải qua vô lượng đời tu tập pháp lành để tự lợi, lợi tha. Do đây
Bồ Tát cầu trường thọ. Đó gọi là Báo của quả.
Vì sao Bồ Tát cầu toàn thân tròn vẹn?
Bồ Tát vì được thân toàn vẹn, cho nên
các chúng sanh thích gặp, yêu kính, vui mừng, do vui mừng nên dễ
được cảm hóa, do đây Bồ Tát cầu thân toàn vẹn. Đó gọi là Báo của
quả.
Vì sao Bồ Tát cầu được giòng họ cao
quý?
-Vì giòng họ cao quý nên thường được
chúng sanh cung kính, do sự cung kính nên tin nhận lời nói. Hoặc vì
họ hàng, hoặc vì lợi lộc, hoặc vì nể sợ mà chúng sanh chịu nghe lời
dạy của Bồ Tát, do đây Bồ Tát cầu giòng họ cao quý. Đó gọi là Báo
của quả.
Vì sao Bồ Tát cầu được tự tại?
Vì được tự tại nên có thể giáo hóa vô
lượng chúng sanh, thành hình đầy đủ hạnh bố thí, do đây Bồ Tát cầu
được tự do, tự tại. Đó gọi là Báo của quả.
Vì sao Bồ Tát cầu được tiếng nói thanh
tao?
-Do tiếng nói thanh tao cho nên mỗi khi
Bồ Tát phát ra lời lẽ, chúng sanh thích nghe, người đồng pháp, đồng
nghĩa, đồng hạnh, đồng thầy, Bồ Tát cũng thường chỉ bảo, làm cho họ
tự điều phục, do đó Bồ Tát cầu được tiếng nói thanh tao. Đây gọi là
Báo của quả.
Vì sao Bồ Tát cầu thân người Nam?
-Thân nam tử là pháp khí của tất cả
pháp lành, chịu nổi các thứ khó khổ, có thể quán tánh Pháp giới.
Đối với bốn chúng, không có cái nạn sợ sệt. Đối với thời gian, đối
với nghĩa lý, có thể mau chóng rõ suốt, có đi đến đâu cũng không
ngần ngại rụt rè. Do đó Bồ Tát cầu thân người nam. Đây là Báo của
quả.
Vì sao Bồ Tát cầu được sức mạnh vĩ đại?
-Bồ Tát thành được sức mạnh này tức có
thể tu hành tất cả thiện pháp, có thể siêng năng tinh tấn cứu vớt
các khổ phiền não của chúng sanh, do đó Bồ Tát cầu sức mạnh vĩ đại.
Đây gọi là Báo của quả.
Vì sao Bồ Tát cầu không ai hơn?
-Nếu Bồ Tát được là kẻ không ai hơn,
tức có thể ban cho tất cả chúng sanh mọi vật cần dùng. Do nhân
duyên đó, có thể làm cho chúng sanh thích gặp, nghe pháp và tin nhận
lời nói của người, do đó Bồ Tát cầu không ai hơn nổi. Đây gọi là
Báo của quả.
Bồ Tát đủ tám thứ báo của quả này, liền
có thể tăng trưởng Phật pháp Vô thượng, làm lợi ích chúng sanh, tức
thấy Phật đạo như xem trái am ma lặc trong lòng bàn tay.
Bồ Tát thành tựu đầy đủ tám thứ quả nói
trên, song nếu chẳng luôn luôn giáo hóa chúng sanh, làm cho chúng
đều được điều phục, tức không thể chứng Vô thượng Bồ Đề. Dầu lại
giáo hóa khiến các chúng sanh đều được điều phục, nhưng nếu không đủ
tám thứ quả này, cũng không thể chứng đạo Vô thượng Bồ Đề.
Đại Bồ Tát thành tựu tám thứ quả như
thế, dùng ba thừa pháp giáo hóa chúng sanh và tự mình được Vô thượng
Bồ Đề.
Sở dĩ Đại Bồ Tát đầy đủ tám quả trên
đây, là vì muốn giáo hóa, chế ngự chúng sanh. Đây gọi là nghĩa
trong, nghĩa ngoài. Đầy đủ tám thứ quả, cũng gọi là nghĩa quả. Báo
của nhân, báo của quả cũng gọi là nghĩa của quả.
Thế nào là phước? Sao gọi là trí?
Ba Độ ba la mật Thí, Giới, Nhẫn gọi là
phước đức, Bát nhã ba la mật gọi là trí tuệ, ngoài ra hai độ Tinh
tấn, Thiền định là nhân của phước cũng là nhân của trí.
Nếu siêng năng tinh tấn tu tập thiền
định, thành tựu đầy đủ bốn vô lượng tâm, do sức nhân duyên Tứ đẳng
này mà được tự tại, đây gọi là nhân của phước.
Nếu siêng năng tinh tấn tu tập chánh
định, quán sát sâu xa Ấm, Giới, Nhập, quán Khổ thật khổ, quán Tập
đích thật là nguyên nhân của Khổ, quán diệt đích thật nguyên nhân
của khổ bị diệt, quán Đạo đích thật là pháp diệt khổ, quán thật
chẳng phải thật, quán thiện chẳng phải thiện, quán pháp chẳng phải
pháp, quán trên, dưới, trắng, đen, quán mười hai nhân duyên v.v…Đây
gọi là nhân của trí.
Nếu siêng năng tinh tấn tu tập nhứt
tâm, vui vẻ cấp thí, giữ gìn cấm giới, vui tu nhẫn nhục, đây gọi là
nhân của phước.
Nếu siêng năng tinh tấn tu tập nhứt
tâm, đa văn thọ trì, biên chép đọc tụng, giải nói kinh điển bí yếu
của Bồ Tát tạng, do sức nhân duyên này mà được trí tuệ lớn để có thể
phân biệt Pháp giới, phân biệt pháp giới gọi là quả của trí.
Nhân phước của Bồ Tát cũng gọi là nhân,
cũng gọi là quả. Nhân trí của Bồ Tát cũng gọi là nhân, cũng gọi là
quả. Nhân trí của Bồ Tát cũng gọi là phước cũng gọi là trí. Nhân
phước của Bồ Tát cũng gọi là trí cũng gọi là phước. Do đó nhân
phước của Bồ Tát có sáu, nhân trí của Bồ Tát cũng có sáu. Những gì
là sáu? Nghĩa là sáu ba la mật.
Thế nào là nhân phước nhân trí?
Nhân phước, nhân trí có ba: Một là lòng
tin. Hai là sự phát tâm. Ba là gần gủi thiện hữu. Đây gọi là ba
nhân phước. Nhân trí có hai: Một là thiện. Hai là bất thiện. Nếu
gần bạn ác, thực hành đạo tà đưa đến định tuệ chẳng đúng, gọi là
phước bất thiện. Phá hỏng phước huệ bất thiện như thế, gọi là phước
thiện.
Nếu không đức tin hoặc phát tâm mà
chẳng gần thiện hữu, rốt cuộc chẳng được phước đức, trí tuệ. Nếu
nói xa lìa ba việc như trên mà được phước huệ, điều ấy không có lý.
Đây gọi là nhân phước đức, nhơn trí tuệ.
Thế nào là quả của phước, quả của trí?
-Đại Bồ Tát thành tựu đầy đủ phước đức
như vậy, chẳng bị sanh tử làm nhiễm ô, đó gọi là quả. Bồ Tát thành
tựu đầy đủ trí tuệ, xa lìa đường ác tu tập đạo lành. Đây gọi là
quả.
Đại Bồ Tát thành tựu đầy đủ như thế,
giáo hóa chúng sanh, thành Vô thượng Bồ Đề gọi là quả. Bốn vô lượng
tâm cũng gọi là quả phước, quả trí của Bồ Tát.
Báo nhân, báo quả của Đại Bồ Tát đều
gọi là phước đức. Nhơn quả, phước đức cũng gọi là trí tuệ, nghĩa là
nhơn trí tuệ và quả trí tuệ.
Nếu có ai nói trong hai pháp đây, lìa
bớt một pháp cũng được Vô thượng Bồ Đề, điều ấy thật là vô lý. Đây
gọi là nghĩa quả. Nghĩa quả còn gọi là nghĩa trong ngoài.
8.
Thế nào là nghĩa hiện tại?
Nếu Đại Bồ Tát học hết thảy các việc
thế gian, do sự biết khắp nên rất tự tại, vì được tự tại nên có thể
giáo hóa chúng sanh, chúng sanh nhận rồi tu tập pháp lành, đó gọi là
nghĩa hiện tại.
Nếu Đại Bồ Tát vì khách trần phiền não,
gây tạo các tội, tạo rồi xét nét sâu xa, quyết phải chịu quả, khi đó
sanh tâm hối hận, hổ thẹn sám hối chẳng tiếp tục tạo, phá nghiệp ác
hiện tại. Đây gọi là nghĩa hiện tại.
Nếu do nhân duyên sức mạnh của nghiệp
ác chiêu cảm, bị người mắng nhiếc, hoặc bị người giận dữ đánh đập,
thân bị khổ sở, đó gọi là nghĩa hiện tại.
Nếu Đại Bồ Tát tu tập thiền định, do
nhân duyên này mà thân an lạc, gọi là nghĩa hiện tại.
Đại Bồ Tát thân tâm tự tại, đủ các đức
thường, lạc, ngã, tịnh. Gọi là nghĩa hiện tại.
Nếu Đại Bồ Tát tu tâm tám đạo, do nhân
duyên này được chứng Niết Bàn, gọi là nghĩa hiện tại. Chúng sanh
cũng vậy cũng như Bồ Tát.
9.
Thế nào là nghĩa Đời khác?
Do nhân và duyên hiện tại, cho nên thọ
thân đời khác. Đó gọi là nghĩa đời khác. Nghĩa hiện tại và nghĩa
đời khác gọi là nghĩa trong ngoài.
10.
Sao gọi là nghĩa rốt ráo?
Phước đức cõi Dục chẳng phải nghĩa rốt
ráo. Phước đức thế gian ở cõi sắc, cõi vô sắc tuy được tự do, cũng
không phải là nghĩa rốt ráo.
Như các Bồ Tát tu tám thánh đạo, chứng
quả Niết Bàn, thân các vị đó vô ngại, không có bờ mé, thiện pháp
nhiều không thể lường, gọi là nghĩa rốt ráo.
Rốt ráo có ba:
Một là: Tánh rốt ráo. Hai là: Thoái
rốt ráo. Ba là: Báo tận rốt ráo.
Chẳng rốt ráo cũng như vậy.
Tánh rốt ráo mệnh danh là tánh Niết
Bàn, chẳng rốt ráo là pháp hữu vi.
Thoái rốt ráo là chỗ tu tám thánh đạo
của Thanh văn, Duyên giác. Rốt ráo chẳng thoái là Bồ Tát bất thoái
chuyển.
Báo tận rốt ráo là những gì thuộc về
phước đức, quả báo thế gian. Báo không cùng tận rốt ráo là đạo quả
vô thượng.
Trên đây gọi là mười nghĩa.
Đại Bồ Tát thường nên tu tập và đem
giáo hóa chúng sanh. Sự học của Bồ Tát quá khứ, hiện tại và vị lai
cũng đều như vậy.
Nếu Bồ Tát chẳng tu tập mười pháp này
ắt chẳng được giới cấm của Bồ Tát.
KINH BỒ TÁT THIỆN GIỚI
HẾT QUYỂN MỘT
--- o0o ---
Mục Lục
01
| 02
|
03
|
04
|
05
|
06
|
07
|
08
|
09
| 10
--- o0o ---
Vi tính: Chúc Thượng. Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật:
01-10-2004
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục