A Nan bạch
Phật rằng:
- Như Lai
dù đã khai thị nghĩa thứ hai, nhưng con xét những người
mở thắt kết, nếu chẳng biết cái gốc của thắt kết,
thì con tin chắc người ấy chẳng bao giờ mở được. Thế
Tôn, con và hàng hữu học Thanh văn trong hội cũng như vậy;
chúng con với vô minh cùng sanh cùng diệt từ vô thỉ, dù được
thiện căn đa văn, mang tiếng là xuất gia, mà sự tu như người
sốt rét cách nhật, lúc có lúc không. Xin Phật từ bi thương
xót kẻ chìm đắm, khai thị thế nào là cái thắt kết của
thân tâm hiện hữu này, làm sao được mở, cũng khiến chúng
sanh khổ não đời vị lai được ra khỏi luân hồi. Nói xong,
cùng đại chúng năm vóc gieo sát đất, cung kính rơi lệ, mong
đợi lời khai thị vô thượng của Phật.
Bấy giờ,
Thế Tôn thương xót A Nan và hàng hữu học trong hội, đồng
thời làm nhân xuất thế gian, chỉ đường cho tất cả chúng
sanh đời vị lai, lấy tay xoa đầu A Nan. Liền đó, sáu thứ
rung động khắp mười phương thế giới, vô số Như Lai trong
các cõi ấy, mỗi mỗi đều từ đỉnh đầu phóng ra hào quang,
đồng thời chiếu đến rừng Kỳ Đà, rọi vào đỉnh đầu
Như Lai, cả chúng đều được pháp chưa từng có.
Lúc ấy,
A Nan và đại chúng đều nghe mười phương Như Lai đồng thanh
bảo A Nan rằng:
- Lành thay,
A Nan! Ngươi muốn biết cái Câu Sinh Vô Minh (căn bản vô minh),
là gốc thắt kết khiến ngươi lưu chuyển trong vòng sanh tử
ấy, chính là lục căn của ngươi chứ chẳng phải vật khác;
ngươi lại muốn biết đạo Vô Thượng Bồ Đề khiến ngươi
mau chứng quả tự tại giải thoát, tịch lặng thường trụ
ấy, cũng chính là lục căn của ngươi chứ chẳng phải vật
khác.
A Nan dù được
nghe pháp âm như vậy, tâm còn chưa rõ, cúi đầu bạch Phật:
- Tại sao
khiến con bị sanh tử luân hồi và được tự tại giải thoát,
đều là lục căn, chẳng phải vật khác?
Phật bảo
A Nan:
- Căn trần
cùng gốc, thắt mở chẳng hai, tánh thức hư vọng như hoa
đốm trên không. A Nan, do trần phát tri, vì căn kiến tướng;
kiến và tướng chẳng có tự tánh, như những cây sậy gác
vào nhau, cho nên ngươi nay lập tri kiến thành tri, tức là
căn bản của vô minh, nếu đối với tri kiến chẳng chấp
là tri kiến, ấy tức là Niết Bàn, trong sạch vô lậu, làm
sao trong đó còn có thể dung nạp vật khác.
Bấy giờ,
Thế Tôn muốn lập lại nghĩa trên, bèn nói kệ rằng:
Chơn tánh
hữu vi không
Duyên sanh
cố như huyễn
Vô vi vô
khởi diệt,
Bất thật
như không hoa
Ngôn vọng
hiện chư chơn,
Vọng chơn
đồng nhị vọng,
Do phi chơn
phi chơn,Vân hà kiến
sở
kiến?
Trung gian
vô thật tánh,
Thị cố
nhược giao lô,
Kết giải
đồng sở nhân,
Thánh phàm
vô nhị lộ,
Nhữ quán
giao trung tánh,
Không hữu
nhị câu phi.
Mê hối tức
vô minh,
Phát minh
tiện giải thoát,
Giải kết
nhân thứ đệ,
Lục giải
nhất diệc vong,
Căn tuyển
trạch viên thông,
Nhập lưu
thành Chánh Giác,
Đà Na vi
tế thức,
Tập khí
thành bạo lưu.
Chơn phi chơn
khủng mê,
Ngã thường
bất khai diễn
Tự tâm thủ
tự tâm,
Phi huyễn
thành huyễn pháp
Bất thủ
vô phi huyễn,
Phi huyễn
thượng bất sanh,
Huyễn pháp
vân hà lập?
Thị danh
Diệu Liên Hoa,
Kim Cang Vương
Bửu Giác
Như huyễn
Tam Ma Đề,
Đờn chỉ
siêu vô học
Thử A Tỳ
Đạt Ma,
Thập phương
Bạt Già Phạn,
Nhất lộ
Niết Bàn môn.
Dịch nghĩa:
Tánh hữu
vi vốn không,
Duyên sanh
nên như huyễn
Vô vi không
sanh diệt,
Chẳng thật
như hoa đốm,
Nói vọng
để hiển chơn,
Vọng chơn
là hai vọng
Phi chơn phi
bất chơn
Làm sao kiến
sở kiến?
Trong đó
chẳng thật tánh,
Nên như sậy
gác nhau.
Thắt, mở
đồng một nhân,
Thánh phàm
chẳng hai đường,
Ngươi xem
tánh gác nhau,
Không, Hữu
thảy đều sai.
Mê muội
tức vô minh,
Phát minh
liền giải thoát.
Mở, thắt
theo thứ tự,
Lục mở
nhất cũng tiêu
Chọn căn
nào viên thông,
Nhập lưu
thành Chánh Giác.
Đà Na (thức
thứ tám) thức vi tế,
Tập khí
như nước dốc.
Sợ chấp
Chơn phi chơn,
Nên ta chẳng
khai giảng
Tự tâm chấp
tự tâm,
Phi huyễn
thành pháp huyễn.
Chẳng chấp
chẳng phi huyễn
Phi huyễn
còn chẳng sanh,
Pháp huyễn
làm sao lập?
Đây gọi
Diệu Liên Hoa
Bửu giác
như Kim Cang
Tu theo Tam
Ma Đề,
Búng tay siêu
vô học
Pháp này
chẳng gì bằng,
Mười phương
chư Như Lai,
Chỉ một
cửa Niết Bàn.
LƯỢC
GIẢI
Trước
kia, A Nan hỏi Phật những phương tiện đầu tiên về ba thứ
Thiền Quán: Sa Ma Tha, Tam Ma và Thiền Na, mà mười phương Như
Lai đồng thanh đáp lại A Nan rằng: "Ngươi muốn biết cái
Câu Sinh Vô Minh, là gốc thắt kết khiến ngươi lưu chuyển
trong vòng sanh tử ấy, chính là lục căn của ngươi chứ chẳng
phải vật khác; ngươi lại muốn biết Đạo Vô Thượng Bồ
Đề, khiến ngươi mau chứng quả tự tại giải thoát, tịch
lặng thường trụ ấy, cũng chính là lục căn của ngươi,
chứ chẳng phải vật khác".
Cũng như
lời thí dụ băng nước kể trên, nước đóng thì thành băng,
đâu thể cho lộn vật khác mà thành băng; băng tan thì thành
nước, đâu thể cho lộn vật khác mà thành nước.
Lục căn
làm mai mối cho giặc, tự cướp của báu trong nhà, ấy là
lục căn; lục mở nhất tiêu, mau chứng Chánh Giác, cũng là
lục căn. Vậy tức vọng tức chơn, tức chơn tức vọng, chỗ
này cần phải có diệu ngộ mới được, chữ Diệu này lời
nói chẳng thể diễn tả, ắt phải chuyển thức thành trí,
khế hợp với Diệu Tâm sáng tỏ, mới có thể nói là Vô
Thượng Bồ Đề.
Bửu Giác
như Kim Cang: tánh Kim Cang hay phá hủy tất cả, Thập Địa
đều gọi là Tâm Kim Cang, như phá hủy sơ địa lên nhị địa,
phá hủy nhị địa lên tam địa v.v... Nếu Bửu Giác này được
hiện ra, chẳng những căn bản vô minh liền tiêu, cả Tri kiến
Bồ Tát và Tri Kiến Phật cũng không còn. Ba thứ Thiền quán
Sa Ma Tha, Tam Ma và Thiền Na chỉ cần tự ngộ, hễ ngộ thì
liền đến địa vị Phật, nên trong búng ngón tay siêu việt
bậc vô học của nhị thừa. Bậc vô học vì còn chấp vô
kiến, tức còn lọt vào công dụng, đây chơn tánh hiện tiền,
hữu vô đều lìa, một cửa sâu vào, chẳng phải nhờ công
dụng, nên gọi là cửa Đốn Ngộ vậy. (chẳng nhờ công dụng
là chẳng phải chẳng cần công phu).
*****
A Nan và đại
chúng nghe lời dạy vô thượng và bài tụng tinh túy, diệu
lý trong suốt của Phật, tâm được sáng tỏ, tán thán pháp
chưa từng có. A Nan chắp tay đảnh lễ bạch Phật:
- Nay con dù
nghe pháp tánh chơn thật, vi diệu trong sạch của Phật, nhưng
tâm còn chưa thấu nghĩa "lục mở nhất tiêu" theo thứ tự
của mở thắt, xin Phật rủ lòng từ bi, thương xót cả hội
này và chúng sanh đời vị lai, bố thí pháp âm và rửa sạch
trần cấu cho chúng con.
Tức thời,
Như Lai từ nơi tòa sư tử, chỉnh áo trong và sửa đại y,
dựa vào ghế thất bảo, lấy cái khăn bông của cõi Trời
Dạ Ma cúng dường ở trước mặt đại chúng thắt một cái
kết, rồi hỏi A Nan:
- Đây gọi
là gì?
A Nan và đại
chúng đều đáp:
- Gọi là
thắt kết.
Như Lai thắt
thêm một kết nữa, lại hỏi A Nan:
- Đây gọi
là gì?
A Nan và đại
chúng lại đáp:
- Đây cũng
gọi là thắt kết.
Phật tuần
tự thắt sáu cái kết trên khăn, mỗi khi thắt xong một cái,
đều lấy cái kết vừa thắt hỏi:
- A Nan, Đây
gọi là gì?
A Nan và đại
chúng cũng tuần tự đáp lại Phật:
- Đây gọi
là thắt kết.
Phật bảo
A nan:
- Khi ta mới
thắt cái khăn thì ngươi gọi là thắt kết, khăn bông này
vốn chỉ có một, tại sao lần thứ hai, lần thứ ba các ngươi
cũng gọi là thắt kết?
A Nan bạch
Phật:
- Khăn này
dù chỉ có một theo con nghĩ: Như Lai thắt một lần thì được
gọi là một cái kết, nếu thắt đến trăm lần thì phải
gọi là trăm cái kết, huống là khăn này chỉ có sáu kết,
không lên đến bảy, cũng không ngưng ở năm, tại sao Như
Lai chỉ cho cái đầu tiên được gọi là thắt kết, còn cái
thứ hai, thứ ba thì chẳng gọi là thắt kết?
Phật bảo
A Nan:
- Ngươi biết
khăn bông này vốn chỉ là một, khi ta thắt sáu lần thì gọi
là sáu kết. Ngươi hãy xét kỹ, bản thể của khăn là đồng,
do thắt kết mà thành khác. Ý ngươi thế nào? Cái thắt kết
đầu tiên thì gọi là kết thứ nhất, như vậy cho đến cái
kết thứ sáu, nay ta muốn gọi cái kết thứ sáu thành kết
thứ nhất, có được chăng?
- Bạch Thế
Tôn! Sáu kết nếu còn thì cái thứ sáu chẳng thể gọi là
cái thứ nhất, dẫu cho con dùng hết biện tài nhiều kiếp
để sáng tỏ nghĩa lý, cũng chẳng thể khiến sáu thắt kết
lộn tên được.
Phật nói:
- Đúng thế!
Sáu kết chẳng đồng chỉ do một khăn tạo ra, nhưng muốn
làm cho sáu kết đảo lộn tên gọi, thì chẳng thể được.
Lục căn của ngươi cũng vậy, trong rốt cuộc đồng, sanh
rốt cuộc khác, ngươi ắt chê sự khác nhau của sáu kết,
mà mong muốn thành đồng một, thì phải làm sao mới được.
A Nan đáp:
- Thắt kết
nếu còn thì thị phi mống khởi, trong đó tự sanh phân biệt
kết này chẳng phải kết kia, kết kia chẳng phải kết này.
Nếu hôm nay Như Lai giải tỏa tất cả, thắt kết chẳng sanh
nữa thì không có bỉ thử, nhất còn chẳng có, làm sao thành
lục?
Phật bảo:
- Cái nghĩa
"Lục mở nhất tiêu" cũng như thế, do tâm ngươi cuồng loạn
từ vô thỉ, vọng sanh tri kiến, sanh mãi không thôi, như con
mắt ngó lâu mỏi mệt phát ra cảnh trần, thì có hoa đốm
lăng xăng vọng khởi nơi tánh trong lặng, các tướng thế
gian như núi sông, đất đai, sanh tử, Niết Bàn v.v... tất
cả đều là tướng hoa đốm điên đảo do mỏi mệt mà phát
sanh.
A Nan hỏi:
- Cái mỏi
mệt này cũng như cái thắt kết kia, làm sao mở được?
Như Lai lấy
tay cầm khăn đã thắt, kéo riêng mối bên trái, rồi hỏi
A Nan:
- Thế này
có mở được chăng?
- Bạch Thế
Tôn! Không ạ. Phật lại lấy tay kéo riêng mối bên phải,
hỏi A Nan:
- Thế này
có mở được chăng?
- Bạch Thế
Tôn! Không ạ.
Phật bảo
A Nan:
- Nay ta lấy
tay kéo mối hai bên mà chẳng mở được, vậy ngươi có cách
nào để mở chăng?
- Bạch Thế
Tôn! Nên mở nơi trung tâm thắt kết thì tan rã ngay.
Phật nói:
- Đúng thế!
Đúng thế! Muốn giải tỏa thắt kết thì phải mở nơi trung
tâm thắt kết. A Nan, ta thuyết pháp từ nhân duyên ra, chẳng
phải lấy tướng thô hòa hợp của thế gian. Như Lai phát
minh pháp thế gian và xuất thế gian, đều biết rõ bản nhân
của nó theo sở duyên gì mà ra; cho đến quá trình dời đổi
của một giọt mưa ở ngoài hằng sa thế giới, trước mắt
các thứ tòng thẳng, gai cong, cò trắng, quạ đen v.v.. đều
rõ nguyên do. A Nan! Nay tùy ngươi lựa chọn một căn nơi Lục
căn, nếu giải tỏa được gốc căn thì tướng trần tự
diệt, vọng tưởng liền tiêu, vậy chẳng phải chơn là gì?
- A Nan! Ta
lại hỏi ngươi: Cái khăn sáu kết này nếu cùng một lượt
mở ra, có được chăng?
- Bạch Thế
Tôn! Không ạ! Kết này khi thắt có thứ tự, nay mở cũng
phải theo thứ tự. Sáu kết dù đồng thể, nhưng thắt chẳng
cùng thời, thì làm sao có thể mở cùng một lượt?
Phật nói:
- Giải tỏa
lục căn cũng như vậy, căn này vừa bắt đầu giải tỏa
thì được Nhân Ngã Không, nếu tánh Không sáng tỏ, thì Pháp
Ngã giải thoát, thành tựu pháp giải thoát xong, cả hai thứ
Không đều chẳng sanh, ấy gọi là từ Tam Ma Địa, chứng
Vô Sanh Pháp Nhẫn của Bồ Tát.
A Nan và đại
chúng nghe Phật khai thị huệ giác viên thông, chẳng còn nghi
hoặc, bèn chắp tay đảnh lễ, bạch Phật rằng:
- Nay chúng
con thân tâm rõ ràng vô ngại, dù đã ngộ cái nghĩa "nhất
lục đều tiêu", nhưng còn chưa thấu đạt nguồn gốc của
viên thông. Thế Tôn, chúng con bị trôi lăn lẻ loi từ nhiều
kiếp, ngờ đâu lại được làm con của Phật, như đứa bé
khát sữa bỗng được gặp mẹ, nếu nhân cơ hội này mà
thành đạo, được mật ngôn của Phật, đồng với bổn ngộ
của con, thì mới tự rõ: nghe và chưa nghe chẳng có sai biệt.
Xin Phật rủ lòng từ bi ban cho bí nghiêm để con được thành
tựu lời khai thị cuối cùng của Như Lai. Nói xong, năm vóc
gieo sát đất, lui về chỗ ẩn mật, mong Phật âm thầm mật
thọ.
LƯỢC
GIẢI
Phật khai
thị "Huệ giác viên thông" tức "Lục mở nhất tiêu" và đắc
Vô Sanh Pháp Nhẫn kể trên, do "Lục mở" nên thân được vô
ngại; do "nhất tiêu" nên tâm được vô ngại, dù chưa đến
nơi lục căn thanh tịnh, nhưng nhổ nhất thì lục tiêu, lục
tiêu thì nhất diệt, đã rõ ràng chẳng còn nghi hoặc, nhưng
A Nan còn chưa ngộ nguồn gốc của viên thông ở đâu; căn
nào viên thông nhất; dựa theo căn nào sâu vào mới mau chứng
được viên thông.
Sự dựa
theo căn viên thông, chứng quả viên thông, nơi A Nan thì do
đó thành đạo, nơi Như Lai thì là lời khai thị cuối cùng,
nên A Nan mong Phật chẳng tiếc bí nghiêm (pháp vi diệu nhiệm
mầu), mà âm thầm mật thọ. Nếu nói về căn viên thông thì
có thể hiển bày, so sánh căn nào viên thông nhất để dựa
theo đó vào Tam Ma Địa còn có thể được; nếu muốn ngay
đó chứng ngộ thì phải mỗi mỗi tự tu tự chứng, đâu
thể nhờ lời nói mà đến được! Lời nói còn chẳng thể
đến thì làm sao có thể mật thọ?
Nhưng theo
ý của A Nan, mong Phật mật thọ, tức là Phật chẳng dùng
lời nói để nói, gọi là mật ngôn; A Nan chẳng dùng
cái nghe để nghe, gọi là bổn ngộ, nên nói "được mật
ngôn của Phật, tức đồng bổn ngộ của con", có nghe đồng
như chưa nghe, thường nghe khi chưa nghe, gọi là chơn nghe, nên
lui về chỗ ẩn mật mà mong cầu mật thọ.
Giả sử
Phật có thể truyền thọ, A Nan có thể đắc được, thì
chẳng phải là bí mật rồi, nếu do đó mà được chứng
viên thông thì chẳng phải viên thông rồi. Sự chứng ngộ
phải do tự ngộ, đâu thể do người khác ban cho mà được!
*****
Lúc bấy
giờ, Thế Tôn bảo khắp chư Đại Bồ Tát và hàng vô lậu
Đại A La Hán trong chúng rằng:
- Các ngươi
là hàng Bồ Tát và A La Hán trong pháp ta, đã chứng quả vô
học, nay ta hỏi các ngươi: trong lúc mới phát tâm, nơi thập
bát giới, ở giới nào mà ngộ được viên thông, và do phương
tiện gì được vào Tam Ma Địa.
Kiều Trần
Na trong nhóm năm vị Tỳ Kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy,
đảnh lễ chân Phật mà bạch rằng:
- Con ở Lộc
Uyển và Kê Viên được lời dạy của Phật khi mới thành
đạo, do âm thanh Phật ngộ Tứ Thánh Đế. Khi đó, Phật hỏi
các Tỳ Kheo, con là người ngộ giải trước tiên, Như Lai
ấn chứng cho con tên là A Nhã Đa (ngộ giải), được diệu
âm mật viên. Con do âm thanh mà đắc quả A La Hán, Phật hỏi
về viên thông, như chỗ chứng của con, thì Âm Thanh là hơn
cả.
Ưu Ba Ni Sa
Đà liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Con cũng
được lời dạy của Phật khi mới thành đạo, con quán tướng
bất tịnh, sanh lòng nhàm chán, ngộ các tánh sắc đều là
bất tịnh như xác chết, xương cốt thúi mục hóa ra vi trần,
rồi cuối cùng trở thành hư không. Sắc và Không cả hai vốn
chẳng có nên thành đạo vô học. Như Lai ấn chứng cho con
tên là Ni Sa Đà (tánh không), tướng trần đã sạch, thì diệu
sắc mật viên. Con do sắc tướng mà đắc quả A La Hán, Phật
hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con thì Sắc Tướng
là hơn cả.
Hương Nghiêm
Đồng Tử liền đứng dậy đảnh lễ bạch Phật:
- Con nghe
Như Lai dạy quán các tướng hữu vi, khi về trai đường tĩnh
tọa, đang lúc thiền quán, thấy các Tỳ Kheo đốt hương trầm
thủy, mùi hương lặng lẽ bay vào lỗ mũi. Con quán mùi hương
này phi gỗ phi không, phi khói phi lửa, chẳng từ đâu đến,
chẳng đi về đâu, do đó, ý căn tiêu diệt, phát minh vô lậu,
Như Lai ấn chứng cho con hiệu là Hương Nghiêm, hương trần
đã diệt thì diệu hương mật viên. Con do hương nghiêm đắc
quả A La Hán, Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của
con, thì Hương Trần là hơn cả.
Hai vị Pháp
Vương Tử Dược Vương và Dược Thượng, cùng với năm trăm
Phạn Thiên trong hội, liền đứng dậy đảnh lễ bạch Phật:
- Chúng con
làm lương y nơi thế gian nhiều kiếp từ vô thỉ, trong miệng
từng nếm những cỏ cây, kim thạch trong cõi Ta Bà này, đến
mười vạn tám ngàn thứ, nên biết hết các vị đắng, chua,
mặn, lạt, ngọt, cay v.v... và sự biến đổi của các vật
hòa hợp hay tự sanh, là tánh thuốc nóng hay mát, có độc
hay chẳng độc, thảy đều biết cả.
- Từ khi
phụng sự Như Lai, rõ biết tánh vị phi không phi hữu, phi
tức thân tâm, phi lìa thân tâm, do phân biệt bản nhân của
vị trần mà khai ngộ, được Phật ấn chứng cho anh em chúng
con cái danh hiệu Dược Vương và Dược Thượng Bồ Tát; nay
ở trong hội này, làm Pháp Vương Tử. Chúng con do vị trần
mà giác ngộ, lên bậc Bồ Tát, Phật hỏi về viên thông,
như chỗ chứng của chúng con, thì Vị Trần là hơn cả.
Bạt Đà
Bà La cùng các bạn mười sáu Đại Sĩ liền đứng dậy đảnh
lễ bạch Phật:
- Chúng con
trước kia ở nơi Phật Oai Âm Vương nghe pháp rồi xuất gia,
đến giờ tắm, chúng con theo lệ vào phòng tắm, bỗng ngộ
tánh nước đã chẳng rửa bụi, cũng chẳng rửa thân, khoảng
giữa an nhiên, vốn vô sở đắc. Cho đến hôm nay theo Phật
xuất gia, vì sự huân tập từ xưa chẳng quên, khiến đắc
quả vô học, Như Lai đặt tên con là Bạt Đà Bà La (hiền
hộ) do phát minh diệu xúc, thành Pháp Vương Tử, Phật hỏi
về viên thông, như chỗ chứng của con thì Xúc Trần là hơn
cả.
Ma Ha Ca Diếp
và Tử Kim Quang Tỳ Kheo Ni liền đứng dậy đảnh lễ bạch
Phật:
- Kiếp xưa,
trong cõi này có Phật Nhật Nguyệt Đăng ra đời, con được
thân cận nghe pháp tu học, sau khi Phật diệt độ, con thắp
đèn liên tục cúng dường Xá Lợi, lại lấy vàng Tử Kim
Quang tô thếp hình tượng Phật. Từ đó đến nay, đời đời
kiếp kiếp, thân thể thường viên mãn sáng ngời như vàng
Tử Kim Quang. Tử Kim Quang Tỳ Kheo Ni này, tức quyến thuộc
cùng phát tâm khi xưa của con.
- Con quán
thế gian, lục trần đều biến hoại, chỉ y theo Pháp Không
Tịch, tu Diệt Tận Định, thì thân tâm mới có thể trải
qua trăm ngàn kiếp như búng ngón tay. Con do quán Pháp Không,
đắc quả A La Hán. Thế Tôn khen con tu hạnh đầu đà bậc
nhất, diệu pháp sáng tỏ, tiêu diệt phiền não, Phật hỏi
về viên thông, như chỗ chứng của con, thì Pháp Trần là
hơn cả.
A Na Luật
Đà liền đứng dậy đảnh lễ bạch Phật:
- Lúc con
mới xuất gia, thường ham nằm ngủ. Như Lai quở con là loài
súc sinh, nghe lời Phật quở, con khóc lóc tự trách, suốt
bảy ngày không ngủ, hư cả hai con mắt. Thế Tôn dạy con
tu pháp "Lạc Kiến Chiếu Minh Kim Cang Tam Muội" chẳng nhờ
con mắt, xem thấy mười phương rỗng suốt như trái cây trong
bàn tay; Như Lai ấn chứng cho con đắc quả A La Hán. Phật
hỏi về viên thông như chỗ chứng của con, thì Xoay Cái Thấy
Trở Về Bản Tánh là hơn cả.
Châu Lợi
Bàn Đặc Ca liền đứng dậy đảnh lễ bạch Phật:
- Con kém
trí nhớ, chẳng thể tụng trì, khi mới gặp Phật, nghe Pháp
rồi xuất gia, con cố nhớ một câu kệ của Như Lai, trong
một trăm ngày mà chẳng thuộc lòng, hễ nhớ trước thì quên
sau, nhớ sau thì quên trước, Phật thương xót con ngu muội,
dạy con an cư, tu Sổ Tức Quán. Con quán hơi thở đến chỗ
cùng tột, thấy các hành tướng vi tế dời đổi từng sát
na nơi sanh, trụ, dị, diệt, tâm con bỗng ngộ, được đại
vô ngại, cho đến phiền não dứt sạch, đắc quả A La Hán,
trước pháp tọa của Phật, được ấn chứng thành bậc vô
học. Phật hỏi về viên thông như chỗ chứng của con, thì
Xoay Hơi Thở Trở Về Tánh Không là hơn cả.
Kiều Phạm
Bạt Đề liền đứng dậy đảnh lễ bạch Phật:
- Con có khẩu
nghiệp khinh rẻ Sa Môn trong kiếp quá khứ, nên đời đời
mắc bệnh nhai như trâu, Như Lai dạy con pháp môn: "Nhất Vị
Thanh Tịnh Tâm Địa". Con quán tánh biết vị chẳng phải thân
thể, chẳng phải ngoại vật, ngay đó được siêu thoát những
tập khí thế gian, bên trong giải thoát thân tâm, bên ngoài
lìa bỏ thế giới, xa lìa tam giới như chim sổ lồng, lìa
cấu tiêu trần, pháp nhãn thanh tịnh, đắc quả A La Hán. Như
Lai ấn chứng cho con lên bậc vô học. Phật hỏi về viên
thông, như chỗ chứng của con, thì Xoay Cái Biết Vị Trở
Về Tự Tánh là hơn cả.
Tất Lăng
Già Bà Ta liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Khi con mới
phát tâm theo Phật, thường nghe Như Lai dạy về những việc
chẳng vui trong thế gian. Lúc đi khất thực trong thành, đang
suy nghĩ pháp môn, bất giác bị gai góc đâm vào chân, cả
thân đau đớn con nghĩ: Có cái năng biết mới biết sự đau
đớn này; dù biết đau đớn, nhưng bản giác trong sạch, vốn
chẳng có năng đau và sở đau. Con lại suy nghĩ: Một thân
đâu thể có hai giác? (năng giác và sở giác). Nhiếp niệm
chưa bao lâu, thân tâm bỗng thành không tịch, trong 21 ngày,
các tập khí phiền não đều dứt sạch, đắc quả A La Hán.
Như Lai ấn chứng cho con lên bậc vô học. Phật hỏi về viên
thông, như chỗ chứng của con, thì Quên Thân Thuần Giác là
hơn cả.
Tu Bồ Đề
liền đứng dậy đảnh lễ bạch Phật:
- Con từ
nhiều kiếp đến nay, tâm được vô ngại, tự nhớ thọ sanh
nhiều đời như hằng sa; lúc còn trong thai đã biết tánh Không
Tịch, cũng khiến chúng sanh chứng được tánh Không, như thế
cho đến mười phương đều thành tánh Không. Nhờ Như Lai
phát minh Giác Tánh Chơn Không, nên tánh Không được sáng tỏ,
đắc quả A La Hán, đốn nhập Tánh Không sáng tỏ của Biển
Giác, đồng Tri Kiến Phật, được ấn chứng thành bậc vô
học, về giải thoát tánh Không, con là bậc nhất, Phật hỏi
về viên thông như chỗ chứng của con thì chư tướng phi tướng,
cả năng phi và sở phi đều sạch, xoay Pháp Về Tánh Không
là hơn cả.
Xá Lợi Phất
liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Con từ
nhiều kiếp đến nay, Tánh Kiến của bản tâm trong sạch,
thọ sanh nhiều đời như hằng sa, đối với các pháp biến
hóa của thế gian và xuất thế gian, hễ thấy liền thông
suốt, được chẳng ngăn ngại. Con ở giữa đường gặp anh
em Ca Diếp Ba thuyết nghĩa nhân duyên, ngộ tâm chẳng bờ bến.
Con theo Phật xuất gia, giác ngộ Tánh Kiến sáng tỏ, được
đại vô úy, đắc quả A La Hán, do pháp âm của Như Lai hóa
sanh, làm trưởng tử của Phật. Phật hỏi về viên thông,
như chỗ chứng của con, thì Tánh Kiến Của Bản Tâm Sáng
Tỏ, Sự Sáng Tỏ Đến Chỗ Cùng Cực, Đồng Tri Kiến Phật
là hơn cả.
Phổ Hiền
Bồ Tát liền đứng dậy đảnh lễ bạch Phật:
- Con đã
từng làm Pháp Vương Tử cho hằng sa Như Lai, mười phương
Như Lai dạy những đệ tử có căn cơ Bồ Tát, tu hạnh Phổ
Hiền, hạnh đó theo con mà lập tên. Thế Tôn, con dùng Tánh
Văn của bản tâm, phân biệt tất cả tri kiến của chúng
sanh. Nếu ở phương khác, ngoài hằng sa thế giới, mỗi thế
giới đều có chúng sanh phát tâm theo hạnh Phổ Hiền, thì
liền trong lúc đó con cỡi voi sáu ngà, phân thân thành trăm
ngàn, đồng thời đến mọi nơi, dẫu cho họ nghiệp chướng
còn sâu, chưa thấy được con, con cũng thầm xoa đầu họ,
ủng hộ an ủi, khiến cho họ được thành tựu hạnh nguyện.
Phật hỏi về viên thông, nơi bản nhân của con thì Tánh Văn
của Bản Tâm Sáng Tỏ, Phân Biệt Tự Tại là hơn cả.
Tôn Đà La
Nan Đà liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Lúc con
mới theo Phật xuất gia, dù giữ đủ giới luật, nhưng với
pháp Tam Ma Địa, tâm thường tán loạn, chưa được vô lậu.
Thế Tôn dạy con và Câu Si La quán nơi chót mũi, lúc con mới
bắt đầu tu quán này, trải qua 21 ngày, thấy hơi thở ra vào
như khói, thân tâm sáng tỏ, chiếu khắp thế giới thành rỗng
không, trong sạch như lưu ly; tướng khói dần dần tiêu tan,
hơi thở hóa thành màu trắng, tâm được khai ngộ, tập khí
dứt sạch, những hơi thở ra vào hóa thành ánh sáng chiếu
khắp mười phương thế giới, đắc quả A La Hán. Thế Tôn
thọ ký cho con sẽ được Bồ Đề. Phật hỏi về viên thông,
con do Quán Sổ Tức, Tiêu Diệt Hơi Thở, Quán Lâu Phát Minh
Sáng Tỏ, Dứt Sạch Phiền Não là hơn cả.
Phú Lâu Na
Di Đa La Ni Tử liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Con từ
nhiều kiếp đến nay, được biện tài vô ngại, thuyết pháp
Khổ Không, thông đạt thật tướng, như thế cho đến pháp
môn bí mật của hằng sa Như Lai, đều vi diệu khai thị cho
chúng sanh được sức vô úy. Thế Tôn biết con có biện tài
lớn, dạy con dùng âm thanh giúp Phật chuyển pháp luân, hoằng
dương Chánh Pháp. Con do thuyết pháp, đắc quả A La Hán. Thế
Tôn ấn chứng cho con thuyết pháp bậc nhất. Phật hỏi về
viên thông, con do Pháp Âm Hàng Phục Tà Ma Ngoại Đạo, Tiêu
Diệt Tập Khí Phiền Não là hơn cả.
Ưu Ba Ly liền
đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Con theo
Phật, vượt thành xuất gia. Như Lai sáu năm khổ hạnh, hàng
phục tà ma, chế phục ngoại đạo, giải thoát tham dục phiền
não của thế gian, tất cả con đều đích thân được thấy.
Phật dạy con trì giới, cho đến ba ngàn oai nghi, tám vạn
tế hạnh, các Tánh Nghiệp và Giá Nghiệp thảy đều trong
sạch, thân tâm tịch diệt, đắc quả A La Hán. Con là người
điều hành kỷ luật trong chúng. Thế Tôn ấn chứng cho con
tu thân trì giới bậc nhất. Phật hỏi về viên thông, con
do Trì Thân, Thì Thân Được Tự Tại, Lần Đến Trì Tâm,
Tâm Được Thông Suốt, Rồi Cả Thân Tâm Đều Thông Triệt
là hơn cả.
Đại Mục
Kiền Liên liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Trước
kia con khất thực giữa đường, gặp ba anh em Ca Diếp Ba là:
Ưu Lâu Tần Loa, Già Gia, và Na Đề, giảng về nghĩa nhân duyên
thâm sâu của Như Lai, con liền phát tâm, được đại thông
đạt. Như Lai ban cho con áo cà sa đắp trên mình, râu tóc tự
rụng, con đi khắp mười phương được chẳng ngăn ngại,
phát ra thần thông là bậc nhất, đắc quả A La Hán. Chẳng
những Thế Tôn, cả mười phương Như Lai đều khen thần lực
con sáng tỏ trong sạch, tự tại vô úy. Phật hỏi về viên
thông, con do xoay Ý Thức Lăng Xăng, Trở Về Tịch Lặng, Nên
Diệu Tâm Sáng Tỏ, như lắng nước đục lâu thành trong sáng
là hơn cả.
Ô Xô Sắt
Ma chắp tay đảnh lễ bạch Phật:
- Con thường
nhớ những kiếp xưa, tánh hay tham dục. Lúc ấy có Phật Không
Vương ra đời, nói người đa dâm như đống lửa hồng, dạy
con quán khắp hơi lạnh và nóng trong cơ thể, ánh sáng tự
tánh lặng đứng nơi trong, hóa tâm đa dâm thành lửa trí huệ,
từ đó chư Phật đều gọi con là Hỏa Đầu. Con nhờ sức
"Hỏa Quang Tam Muội", đắc quả A La Hán; trong tâm phát đại
nguyện, chư Phật thành đạo, con sẽ làm lực sĩ, uốn dẹp
bọn tà ma. Phật hỏi về viên thông, con do Quán Hơi Ấm Nơi
Thân Tâm Lưu Thông Chẳng Ngại, Phiền Não Dứt Sạch, Sanh
Lửa Trí Huệ, Chứng Vô Thượng Giác là hơn cả.
Trì Địa
Bồ Tát liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Con nhớ
kiếp xưa, khi Phật Phổ Quang ra đời, con làm Tỳ Kheo, thường
hay sửa sang những đoạn đường, bến nước, nơi gập ghềnh,
lồi lõm làm cản trở xe cộ, hoặc làm cầu cống, hoặc gánh
đất cát, siêng năng chịu cực, trải qua nhiều đời Phật.
Hoặc có chúng sanh ở nơi chợ búa cần người mang đồ, con
liền mang giúp đến nơi đến chốn mà chẳng lấy tiền.
- Khi Phật
Tỳ Xá Phù ra đời, nhằm lúc đói kém, con cõng giúp người,
chẳng kể xa gần, chỉ lấy một xu; hoặc có xe trâu bị sa
xuống bùn lầy, con dùng thần lực xô kéo, khiến ra khỏi
khổ não. Thuở đó, vua thiết trai cúng dường Phật, con bèn
sửa đường, chờ Phật đi qua, Tỳ Xá Như Lai xoa đỉnh đầu
con và bảo rằng: "Nên bình tam địa, thì tất cả địa trên
thế giới đều bình". Con liền khai ngộ, thấu vi trần của
thân thể với tất cả vi trần tạo thành thế giới đều
chẳng sai biệt; vi trần tự tánh không, nên mỗi mỗi chẳng
đụng chạm nhau, cho đến binh lính giao chiến cũng chẳng đụng
chạm. Con do pháp tánh ngộ Vô Sanh Nhẫn, đắc quả A La Hán,
hồi tâm hướng Đại Thừa, vào ngôi vị Bồ Tát, nghe chư
Phật khai diễn Diệu Pháp Liên Hoa, nhập Tri Kiến Phật, con
được chứng minh là bậc thượng thủ. Phật hỏi về viên
thông, con do Quán Thân Thể Và Thế Giới Hai Thứ Vi Trần Chẳng
Sai Biệt, Vốn Là Như Lai Tạng, Do Hư Vọng Phát Ra Cảnh Trần;
Trần Tiêu thì Trí Hiện, Thành Vô Thượng Đạo là hơn cả.
Nguyệt Quang
Đồng Tử liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Con nhớ
hằng sa kiếp trước, có Phật Thủy Thiên ra đời, dạy chư
Bồ Tát tu tập Thủy Quán, vào Tam Ma Địa. Con quán tánh thủy
trong thân từ nước mũi, nước bọt, cho đến các thứ dịch
vị, tinh huyết, đại tiểu tiện, lưu chuyển trong thân, đều
đồng một tánh thủy, thấy nước trong thân cùng nước các
bể Hương Thủy của Liên Hoa Tạng Thế Giới đều chẳng
khác.
- Khi con mới
tu thành quán này, tuy được thấy nước, chưa được quên
thân. Lúc ấy, con là Tỳ Kheo tọa thiền trong phòng, đệ tử
con từ cửa sổ nhìn vào, thấy nước trong đầy khắp phòng,
nó nhỏ dại không biết, liền lấy một miểng ngói ném vào
nước phát ra tiếng, thích thú bỏ đi, khi con xuất định,
liền thấy đau tim như Xá Lợi Phất bị quỷ Vi Hại đập.
Con tự nghĩ: Nay con đã đắc quả A La Hán, lìa khỏi bệnh
duyên đã lâu, sao bỗng bị đau tim, chẳng lẽ đã bị lui
sụt chăng? Lúc bấy giờ, đệ tử đến kể lại việc trên,
con mới bảo nó sau này nếu lại thấy nước thì nên mở
cửa, vào lấy miểng ngói ra. Đệ tử vâng lời, khi con nhập
định, nó lại thấy nước với miểng ngói rõ ràng, liền
mở cửa lấy ra, sau đó con xuất định thì thân thể lại
được như cũ.
- Con trải
qua nhiều đời, gặp vô số Phật, đến đời Sơn Hải Tự
Tại Thông Vương Như Lai, thì con mới được quên thân. Từ
đó, cả thân đều hóa thành nước, cùng với nước các bể
Hương Thủy nơi mười phương thế giới đồng một tánh Chơn
Không, chẳng hai chẳng khác; nay ở nơi Như Lai, được danh
hiệu là Đồng Chơn, dự hội Bồ Tát. Phật hỏi về viên
thông, con do Quán Tánh Nước Một Mực Lưu Thông, Được Vô
Sanh Nhẫn, Bồ Đề Viên Mãn là hơn cả.
Lưu Ly Quang
Pháp Vương Tử liền đứng dậy đảnh lễ bạch Phật:
- Con nhớ
hằng sa kiếp trước, có Phật Vô Lượng Thanh ra đời, khai
thị bản giác diệu minh cho hàng Bồ Tát, dạy quán thế giới
và thân chúng sanh đều theo sức gió của vọng duyên xoay chuyển.
- Bấây giờ,
con quán sự an lập của không gian, sự động chuyển của
thời gian, hành động của thân thể, sự động tịnh của
tâm niệm, những cái động ấy đều chẳng hai chẳng khác.
Lúc đó, con liền giác ngộ tánh của những thứ động ấy,
chẳng từ đâu đến, chẳng đi về đâu, mười phương vô
số điên đảo chúng sanh đều đồng một hư vọng, như vậy
cho đến tất cả chúng sanh trong một tam thiên đại thiên
thế giới, giống như hàng trăm con muỗi đựng trong bình,
vo ve kêu ầm, ở nơi nhỏ hẹp phát ra náo loạn. Con gặp Phật
chưa bao lâu, được Vô Sanh Nhẫn, lúc bấy giờ khai ngộ,
thấy cõi Phật Đông Phương Bất Động, làm Pháp Vương Tử,
phụng sự mười phương Phật, thân tâm phát ra ánh sáng, thấu
triệt chẳng ngại. Phật hỏi về viên thông, con do Quán Sức
Gió Chẳng Nơi Nương Tựa, Ngộ Tâm Bồ Đề, Vào Tam Ma Địa,
Khế Hợp Với Diệu Tâm Của Mười Phương Phật là hơn cả.
Hư Không
Tạng Bồ Tát liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Con cùng
Như Lai chứng vô biên thân nơi Phật Định Quang. Lúc ấy,
tay con cầm bốn hạt châu lớn, chiếu sáng mười phương vô
số Phật Sát đều hóa thành hư không, lại ở nơi tự tâm
hiện Đại Viên Cảnh, hào quang vi diệu, soi khắp Liên Hoa
Tạng Thế Giới và tận mười phương hư không, đều vào
trong Viên Cảnh, xen nhập thân con, như xen vào hư không, chẳng
ngăn ngại nhau. Thân con hay vào vô số quốc độ, tùy thuận
đại thần lực, rộng làm Phật sự. Con quán tứ đại chẳng
nơi nương tựa, vọng tưởng, sanh diệt, với hư không và
cõi Phật vốn đồng, do phát minh tánh đồng, đắc Vô Sanh
Nhẫn. Phật hỏi về viên thông, con do Quán Hư Không Vô Biên,
Vào Tam Ma Địa, Diệu Lực sáng tỏ là hơn cả.
Di Lặc Bồ
Tát liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Con nhớ
vô số kiếp trước, có Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh ra đời,
con dù theo Phật xuất gia, còn ham danh dự thế gian, ưa giao
du với các quý tộc. Lúc ấy, Thế Tôn dạy con tu tập Duy
Tâm Thức Định, vào Tam Ma Địa. Từ nhiều kiếp đến nay,
dùng Tam Muội này phụng sự hằng sa chư Phật, sự ham cầu
danh dự đã dứt sạch. Đến đời Phật Nhiên Đăng, con mới
được thành "Vô Thượng Diệu Viên Thức Tâm Tam Muội", ngộ
các pháp dơ, sạch, có, không, nơi tất cả cõi Phật, đều
do tâm thức biến hiện.
- Thế Tôn!
Vì con ngộ Duy Tâm thức như thế, nên từ tánh thức hiện
ra vô số Như Lai, nay được thọ ký sẽ thừa kế ngôi Phật
ở cõi này. Phật hỏi về viên thông, con do Quán Mười Phương
Duy Thức, Tâm Thức Sáng tỏ, Chứng Nhập Viên-Thành-Thật,
Xa Lìa Tánh Y-Tha-Khởi Và Biến-Kế-Chấp, Đắc Vô Sanh Nhẫn
là hơn cả.
LƯỢC
GIẢI
Từ bắt
đầu tu tập Duy Tâm Thức Định, đến khi thành "Vô Thượng
Diệu Viên Thức Tâm Tam Muội", tức là đã chuyển thức thành
trí, nên nói vào Viên-Thành-Thật. Khi chưa chuyển thức, còn
bị cảnh buộc, gọi là Biến-Kế-Chấp; phá được Biến-Kế-Chấp,
còn bị pháp buộc, gọi là chấp Y-Tha-Khởi.
Ham danh
dự thế gian, thích giao du với quý tộc, là cái tướng Biến-Kế-Chấp:
sự ham cầu danh dự của thế gian đã dứt sạch, là cái tướng
Chấp-Y-Tha-Khởi. Đến khi liễu ngộ tất cả duy tâm thức,
nên thức tánh hiện ra vô số Như Lai, ấy là tướng Viên-Thành-Thật
vậy.
Kinh Giải
Thâm Mật có nói: Người mắt nhặm như Biến-Kế-Chấp, hiện
màu xanh, vàng như Y-Tha-Khởi, con mắt trong sáng như Viên-Thành-Thật
vậy.
*****
Đại Thế
Chí Pháp Vương Tử cùng với 52 vị Bồ Tát đồng tu, liền
đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Con nhớ
hằng sa kiếp trước, có Phật Vô Lượng Quang ra đời, thuở
đó, mười hai vị Như Lai kế nhau thành Phật trong một kiếp.
Vị Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhựt Nguyệt Quang, dạy con
tu "Niệm Phật Tam Muội", ví như có người thì chuyên nhớ,
người thì chuyên quên, nếu hai người ấy nhớ nhau, không
kể gặp hay chẳng gặp, thấy mặt hay chẳng thấy; cứ nhớ
mãi sâu vào tâm niệm, cho đến đời này, đời khác, thì
như hình với bóng, chẳng cách xa nhau.
- Mười phương
Như Lai tưởng nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn
tránh thì dù nhớ cũng chẳng làm gì được; nếu con nhớ
mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con chẳng xa cách.
Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, thì hiện nay hay
về sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa, chẳng
nhờ phương tiện, tâm tự khai ngộ, như người ướp hương
thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm.
Bản nhân của con là dùng tâm niệm Phật, đắc vô sanh nhẫn,
nay ở cõi này tiếp dẫn người niệm Phật về cõi Tịnh
Độ. Phật hỏi con về viên thông, con do Nhiếp Cả Lục Căn,
Tịnh Niệm Tương Tục Vào Tam Ma Địa là hơn cả.
LƯỢC
GIẢI
Người
niệm Phật chẳng có một sát na niệm ngũ dục của thế gian,
mới được gọi là tịnh niệm (tâm niệm trong sạch). Tịnh
niệm tương tục như con nhớ mẹ, là miệng niệm tâm nhớ,
oai nghi nghiêm chỉnh, nhiếp cả lục căn, là nhãn chẳng thấy
tướng xấu đẹp, nhĩ chẳng nghe tiếng khen chê, tỷ chẳng
ngửi mùi thơm thối, thiệt chẳng nếm vị ngon dở, thân chẳng
tiếp xúc lạnh, ấm, ý chẳng phân biệt buồn vui, ấy mới
được gọi là nhiếp cả lục căn, cho đến nhất tâm bất
loạn, như thế trong Tam Ma Địa, ắt phải thấy Phật.
Nói chẳng
nhờ tu tập, tự được khai ngộ, như người ướp hương,
chẳng mong mùi hương mà tự có mùi hương, ấy là nguyện
lực bất khả tư nghì của Phật Di Đà. Dù nói nhờ nguyện
lực của Phật Di Đà, nhưng cần phải có đại nguyện của
chính mình để tương ưng với đại nguyện của Phật thì
mới được thành tựu.
Đại nguyện
nếu chỉ dùng tâm nghĩ miệng nói ấy là nguyện suông, cần
phải thực hành đúng theo đại nguyện của chính mình phát
ra, mới là nguyện chơn thật, và mới có thể tương ưng với
đại nguyện của Phật.