ĐỊA TẠNG
MẬT NGHĨA
Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát Địa-Tạng, vâng theo oai thần của Phật, từ chổ ngồi đứng dậy, quì gối chấp tay, bạch Phật nói rằng: "Thế-Tôn, trong đường nghiệp của chúng-sanh, tôi thấy hiệu lực và trọng lượng của việc bố-thí có nhẹ, có nặng: có sự bố-thí làm cho một đời hưởng phước, có sự bố-thí khác làm cho mười đời hưởng phước, hoặc trăm đời, ngàn đời hưởng những phước đức và lợi lạc lớn lao. Tại sao có sự sai khác như vậy? Cúi xin Thế-Tôn vì tôi nói cho nghe".
Lúc bấy giờ, Phật bảo Bồ-tát Địa-Tạng: "Ta nay, nơi cung trời Đao-lợi có tất cả hội họp, nói về sự nặng nhẹ công đức bố-thí. Ngươi hãy nghe kỹ, ta vì ngươi mà nói".
Địa-Tạng bạch nói: "Vì tôi có chỗ nghĩ về điều này, nên nguyện vui nghe lời Phật dạy".
Phật bảo Bồ-tát Địa-Tạng: "Ở Nam-diêm-phù-đề, những bậc vua chúa, tể tướng đại thần, đại trưởng-giả, đại Sát-lợi, đại Bà-la-môn, nếu gặp những người hết sức nghèo khổ bần cùng, đến những người ốm yếu, tàn tật, câm ngọng, điếc, ngu-si, đui mù tất cả những kẻ không lành lẽ như vậy thì trong lúc muốn bố-thí, nếu được đầy đủ từ-bi, đoái xuống mỉm cười, tự mình đứng ra cho khắp cả mọi người, hoặc sai người khác đứng cho mà tự mình dùng những lời êm ái mà an ủi, những bậc vua chúa giàu sang ấy được phần phước lợi tương đương với công đức bố-thí cho chư Phật nhiều như cát một trăm sông Hằng. Cớ sao vậy? Bởi vì những bậc vua chúa giàu sang ấy, đối với hạng người nghèo thấp và tàn tật thiếu tai, thiếu mắt... đã phát tâm từ bi (thương xót) lớn. Vì lẽ này mà có sự báo ứng về phước lợi như thế. Trong trăm ngàn đời (về sau) họ thường được đấy đủ bảy báu, huống chi là quần áo thức ăn món uống và vật dụng.
Lại nữa, này Địa-Tạng, nếu đời sau, những bậc vua chúa, tể-tướng... bà-la-môn nào mà gặp chùa tháp Phật, hoặc hình tượng Phật, cho đến hình tượng của chư Bồ-tát, Thanh-văn, Bích-chi_Phật mà biết tự mình lo toan sửa soạn, cúng dường, bố-thí, thì những bậc sang giàu ấy sẽ được ba kiếp làm Đế-Thích trên trời, hưởng sự vui sướng nhiệm mầu. Nếu những bậc giàu ấy biết đem những phước lợi bố thí mà hồi hướng cho chúng-sanh trong pháp-giới, thì trong mười kiếp được làm Đại-Phạm Thiên-Vương.
Lại nữa, này Địa-Tạng, nếu trong đời sau, có những bậc vua chúa... bà-la-môn nào mà gặp chùa tháp xưa của Phật dẫn đến Kinh, tượng Phật trong tình trạng hư nát, bể sập mà biết phát tâm tu bổ hoặc tự mình lo liệu, hoặc khuyến khích người khác lo liệu, chí trăm ngàn người kết duyên làm việc bố-thí, thì những quốc-vương... bà-la-môn ấy, trong trăm ngàn đời, thường được làm Chuyển-luân-vương. Còng những người cùng bố-thí với các bậc giàu sang đó, thì trong trăm ngàn đời, thường làm vua các nước nhỏ. Lại nếu trước những chùa tháp tu bổ mà biết phát tâm hồi hướng công đức (cho pháp giới chúng-sanh) thì những bậc vua chúa... bà-la-môn và những người cùng làm việc bố-thí, tất cả đều đặng thành Phật hết, bởi quả báo ấy rộng lớn không lường, không ranh.
Lại nữa, này Địa-Tạng, trong đời vị-lai, nếu có bậc vua chúa cùng bà-la-môn nào thấy người già cả, đau ốm cùng kẻ phụ nữ sanh đẻ mà biết phát đại từ tâm trong khỏanh khắc, đem thuốc men, cơm nước, mền chiếu, bố-thí cho những người thiếu thốn kia được an vui, thì họ hưởng được nhiều phước lợi khổng thể nghĩ bàn: trong một trăm kiếp, thường làm Tịnh-cư Thiên-chủ; trong hai trăm kiếp, thường làm Lục-dục Thiên-chủ; chung cuộc thành Phật, vĩnh viễn không rơi vào ác đạo, thậm chí trong trăm ngàn đời, tai không nghe tiếng khổ.
Lại nữa, này Địa-Tạng, nếu trong đời sau, có bậc vua chúa cùng bà-la-môn nào mà làm được việc bố-thí như vừa nói, thì những bậc sang giàu ấy thu lượm được nhiều phước đức vô-lượng. Nếu lại biết hồi hướng những phước đức ấy, bất luận nhiều ít, thì chung cuộc sẽ thành Phật, đừng nói là quả báo làm Đế-Thích, Phạm-Thiên hay Chuyển-luân-vương.
Bởi các lẽ trên, này Địa-Tạng, nên rộng khuyên người học bố-thí như thế.
Lại nữa, này Địa-Tạng, trong đời vị lai, nếu có trai lành gái tín, ở trong Phật-Pháp, gieo những căn lành nhỏ nhít như cọng lông, sợi tóc, hột cát, hột bụi, thì phước lợi lãnh được không thể lấy gì mà thí dụ được.
Lại nữa, này Địa-Tạng, trong đời vị lai, nếu có trai lành gái tín nào mà gặp kinh điển Đại-thừa, hoặc lóng nghe được một kệ một câu rồi ân cần phát tâm ca ngợi, cung kính, bố thí, cúng dường, thì những người ấy thu lượm đưlợc nhiều quả báo lớn vô lượng, vô biên. Nếu biết hồi hướng cho chúng-sanh trong pháp-giới thì phước đức không thể lấy gì thí dụ được.
Lại nữa, này Địa-Tạng, nếu trong đời vị lai, có trai lành gái tín nào gặp chùa tháp của Phật, kinh điển Đại-thừa mà biết bố thí, cùng dường, chiêm lễ, ca ngợi, chấp tay cung kính, nếu chùa tháp, kinh điển còn mới; hoặc tu bổ, sửa chữa, do tự sức mình hoặc khuyến khích nhiều người cùng phát tâm với mình, thì những trai lành gái tín ấy trong ba mươi đời, thường làm vua các nước nhỏ, còn chính người "đàn-việt" (chủ xướng việc bố thí) thường làm vua đại quốc, lại đem pháp lành giáo hóa các vua nước nhỏ.
Lại nữa, này Địa-Tạng, trong đời vị lai, nếu có trai lành gái tín nào mà biết đứng trong Phật-Pháp gieo những căn lành, như bố thí cúng dường, tu bổ chùa tháp, sửa sang kinh điển, dầu nhỏ nhít như một sợi lông, một hột bụi, một hột cát, một giọt nước, rồi lại đem những việc lành ấy mà hồi hướng cho chúng-sanh trong pháp-giới, thì những người lập nên các công-đức ấy sẽ hưởng được sự vui sướng nhiệm mầu trong trăm ngàn đời sống. Nếu chỉ hồi hướng cho quyến thuộc nhà mình, hoặc giữ để làm lợi ích cho tự thân, thì quả báo sẽ là ba đời vui sướng, làm một mà hưởng muôn vậy.
Này Địa-Tạng, nhân duyên của sự bố thí là như vậy.
Mật nghĩa:
Phẩm này nói về hiệu lực và trọng lượng của sự bố-thí, tức là chỉ cho chúng ta thấy phải bố thí như thế nào mới có kết quả tốt và nhiều.
Ai cũng có thể làm việc bố thí nghĩa là cho, như gặp đói cho ăn, gặp rách cho mặc, gặp đau cho thuốc..., nhưng thường có hai lối cho. Một là cho mà lòng kiêu hảnh, tay vứt đồng tiền bát gạo, như để rảnh một sự phiền phức. Một là vì lòng thật thương xót cho nên tay trao thân ái, miệng nói lời an ủi, khiến người nhận không hổ thẹn mà vui mầng. Kinh dạy phải cho theo lối thứ hai này: người cho phải "cụ đại bi tâm, há tâm hàm tiếu, thân thủ biến bố-thí, hoặc sử nhân thí, nhuyển ngôn ủy dụ..". Nghĩa là: trong lòng phải đầy đủ niềm thương xót, hạ thấp lòng mình, tức đừng xem mình cao người thấp, miệng nở nụ cười, tự tay trao tặng vật cho, hay dầu có sai người khác cho thế cho mình, tự mình phải có những lời mềm dịu để an ủi người bần khổ. Vậy cái quí không ở vật cho ra, mà ở lối cho. Phải cho với lòng thương xót, phải tươi cười và biết trọng người thọ lãnh vật cho. Cho như thế mới có phước đức.
Bố thí như trên, gọi là tài thí, nghĩa là dùng tiền bạc, vật dụng mà cấp cho người khác.
Còng một lối bố-thí khác nữa, gọi là pháp thí.
Pháp thí là xuất tiền của hổ trợ cho Phật-Pháp trường tồn, giữ gìn ánh sáng Chân-lý để soi đường giác ngộ giải thoát cho mọi người, mọi chúng-sanh. Bố thí về phương diện này gồm có việc xây dựng chùa dựng tháp, tô đấp hình tượng chư Phật, Bồ-tát, Thanh-văn, in Kinh ấn tống. Nếu gặp chùa tháp, hình tượng, kinh điển hư hoại thì xuất tiền tự tu bổ, sửa sang, in lại, hoặc không đủ sức thì hô hào cho nhiều người cùng phát tâm tu bổ với mình.
Nhưng bố thí như thế chưa đủ. Phải vừa biết tu bổ sửa sang chùa tháp hình tượng, kinh điển, phải vừa thêm cung kính, chiêm bái chùa tháp, hình tượng và tụng đọc kinh điển, dầu là một bài kệ, một câu vắn tắt.
Trọng Phật mà không nghe Pháp thì chưa phải là đệ-tử chân-chính của Phật. Vì không nghe Pháp thì làm sao tu hành theo lời Phật dạy được? Mà không tu hành theo lời Phật thì sống mãi trong vô minh, không bao giờ giải thoát là mục phiêu của lời Phật dạy.
Lại nữa, muốn cho việc bố-thí - dầu tài thí, dầu pháp thí - đem lại phước đức vô lượng, vô biên, điều kiện cần thiết là đừng sanh tâm tham lam tư riêng mà muốn giữ cho mình riêng hưởng. Trái lại, tạo được bao nhiêu công-đức bố thí, đều nên phát tâm "hồi hướng" nghĩa là nhường cho toàn thể chúng-sanh trong pháp giới. Có hồi hướng như thế, phước đức quả báo mới to. Tại sao? Tại lẽ không riêng giữ cho mình là mình đã diệt lòng tham và khi lòng tham đã diệt, sự giải thoát mới hoàn toàn.
Phước đức to là ở chỗ này.
Lúc bấy giờ, Thần đất Kiên-Lao bạch Phật nói: "Thế-Tôn, tôi từ xưa đến nay, đã chiêm bái, đảnh lễ không biết bao nhiêu Bồ-tát, vị nào cũng là thần thông, trí tuệ, rộng độ chúng-sanh, không thể nghĩ bàn được. Riêng Bồ-tát Địa-Tạng có lời thệ nguyện sâu nặng không Bồ-tát nào bằng. Bạch Thế-Tôn, Bồ-tát Địa-Tạng có nhân duyên lớn với cõi Diêm-phù-đề. Như các Bồ-tát Văn-Thù, Phổ-Hiền, Quán-Âm, Di-Lặc, tuy cũng hóa trăm ngàn thân hình để độ chúng-sanh trong sáu nẻo, lời nguyện của các vị vẫn có chổ chấm dứt. Còn trong chổ giáo hóa chúng-sanh sáu nẻo, Bồ-tát Địa-Tạng có phát lời nguyện lâu dài một số kiếp nhiều như cát của trăm ngàn ức sông Hằng.
Bạch Thế-Tôn, tôi xét thấy chúng-sanh nào, trong thời vị lai cùng hiện tại đây mà biết, tại chỗ mình ở, trên miếng đất trong sạch phía Nam, lấy đất, đá, trúc, gỗ xây dựng một gian nhà, trong thờ hình tượng Bồ-tát Địa-Tạng, hoặc đấp vẽ, hoặc đúc bằng vàng, bạc, đồng, sắt, đốt nhang cúng dường, chiêm lễ, tán thán, thì nơi chỗ người đó ở, có mười điều lợi ích. Mười điều ấy như thế nào?
- Một là đất đai mầu mỡ,
- Hai là nhà cửa bình an,
- Ba là người chết về trời,
- Bốn là kẻ sống lợi ích,
- Năm là cầu gì được nấy,
- Sáu là khỏi họa nước lửa,
- Bảy là hư hao trừ sạch,
- Tám là dứt hết ác mộng,
- Chín là ra vào có chư thần hộ vệ,
- Mười là thường gặp Thánh-nhơn.
Bạch Thế-Tôn, chúng-sanh trong đời sau cùng trong hiện tại, nếu biết, ngay nơi chỗ mình ở, cúng dường Bồ-tát Địa-Tạng như đã nói, thì được sự lợi-ích như trên".
Thần Kiên-Lao lại bạch Phật: "Trong đời về sau, những trai lành gái tín nào mà nơi chỗ họ ở, có bộ Kinh này và hình tượng Bồ-tát Địa-Tạng, lại biết tụng Kinh và cúng dường Bồ-tát, thì ngày đêm, tôi sẽ tự lấy thần lực của tôi mà che chở cho những người ấy, khiến cho họ khỏi nạn nước, lửa, cướp, giặc, nạn to, nạn nhỏ, nói tóm, tất cả việc không may đều tiêu diệt hết".
Phật bảo Thần Kiên-Lao: "Thần lực của ngươi to lớn, không thần lực của thần nào sánh bằng. Tại sao vậy? Đất đai cõi Diêm-phù-đề trông cậy vào sự hộ vệ của ngươi, thậm chí cỏ cây, cát đá, lúa mè, tre lau, gạo thóc, các thứ châu báu, từ đất mà có ra, đều do sức của ngươi tất cả. (Nay) lại gánh lấy việc nêu cao sự lợi ích cúng dường Bồ-tát Địa-Tạng, thì công-đức và thần thông của ngươi trội hơn trăm ngàn lần (công đức và thần thông của các thần tầm thường).
Này Thần Kiên-Lao, nếu trong đời về sau có trai lành gái tín nào cúng dường Bồ-tát Địa-Tạng cùng chuyển đọc Kinh này, chỉ cứ một việc tu hành theo Kinh Địa-Tạng Bổn-Nguyện, thì ngươi lấly thần-lực vốn có mà ủng hộ những người đó, đừng để tất cả những tai hại cùng những việc không vừa lòng lọt vào tai, hà huống để cho họ gặp nạn. Chẳng phải một mình ngươi ủng hộ những trai lành gái tín đó, mà còn có quyến thuộc của Phạm-Thiên, Đế-Thích, của chư Thiên ủng hộ họ nữa.
Tại sao được các Thánh Hiền ấy ủng hộ như vậy? Là vì do sự chiêm bái lễ kỉnh hình tượng Địa-Tạng Bồ-tát và chuyển đọc Kinh Bồ-tát Bổn-Nguyện mà tự nhiên chung cuộc xa lìa biển khổ, chứng quả an lạc Niết-bàn. Bởi lẽ này mà được sự ủng hộ lớn lao vậy.
Mật nghĩa:
Địa-thần là vị thần làm chủ cai quản mặt đất, như Hà-thần là thần cai quản sông ngòi.
Hộ pháp là ủng hộ, bảo vệ Chánh-Pháp.
Kiên-Lao có nghĩa là vững bền lao nhọc.
Vậy Địa-thần Kiên-Lao ở đây có nghĩa ẩn là: sức tu hành vững bền trì chí của những tâm-hồn (địa) biết quày về phụng sự Chân-tâm (cúng dường Địa-Tạng) và thi hành lời Kinh dạy (chuyển đọc tôn Kinh)
Trong câu so sánh lời thệ nguyện của các Bồ-tát Văn-Thù, Phổ-Hiền, Quan-Âm, Di-Lặc, với lời thệ nguyện của Địa-Tạng, ý Kinh muốn nói: Phải có Trí-huệ (Văn-Thù), Hạnh-nguyện (Phổ-Hiền), Đại-bi (Quán-Âm) và Đại-từ (Di-Lặc) mới cứu độ chúng-sanh, hay nói đúng hơn, chúng-sanh muốn tự cứu độ phải có bốn đức vừa kể, tỷ như có bốn Bồ-tát kể trên theo cứu vớt. Nhưng nếu thiếu Bồ-tát Địa-Tạng, tức thiếu sự cương quyết, thì dầu có Trí-huệ, Đại-hạnh, Đại-bi, Đại-từ, người tu hành khó mà giải thoát. Nói một cách khác: lòng cương quyết tu hành, không nệ gian lao là điều-kiện tất yếu. Do đây Kinh nói: "trong việc cứu độ chúng-sanh có thệ nguyện của Bồ-tát Địa-Tạng là thâm trọng hơn cả" vì có cương quyết tu hành, nhiên hậu trí-huệ đại hạnh, đại từ, đại bi mới phát sanh.
Muốn chí cương quyết thành tựu, phải vững bền trong chổ lao nhọc. Đó là vị thần Kiên-Lao.
Muốn cho trên mặt đất có cây có cỏ, có lúa có gạo, phải kiên lao, nghĩa là phải dày công cày cấy, tưới bón. Muốn trên miếng đất của tâm (tâm địa) có những cây công đức cũng phải nhọc nhằn bền vững, phải được thần Kiên-lao ủng hộ, trong việc tin tưởng ở sức mạnh của tự tâm mình (Địa-Tạng) và thực hành những lời dạy trong Kinh nầy. Bằng thiếu kiên lao, nay làm mai bỏ, thì kết-quả sẽ như người làm ruộng làm vườn thiếu công vung tưới.
Thần Kiên-lao ở đây là Tinh-tấn Ba-la-mật trong Lục ba-la-mật vậy.
Lại nữa, hể cố công tinh-tấn trên đường tu hành thì tự bao nhiêu ác sự như tai nạn, đao binh, nước lửa, sẽ nhờ sức hộ vệ của chư Thiên, của Long-thần Hộ-pháp mà tiêu diệt, người tu hành sống trong an lành và cùng với gia quyến được nhiều lợi ích.
Lẽ này dễ hiểu. Nho-gia có câu: Thiện hữu thiện ứng, người hiền bao giờ cũng gặp việc hay.
Cương quyết tu hành, tốt, nhưng cần phải kiên lao.
Lúc bấy giờ, Thế-Tôn, từ trên đảnh đầu, phóng ra trăm ngàn muôn ức đạo hào quang gọi là bạch-hào, đại bạch-hào, thụy-hào, đại thụy- hào, ngọc-hào, đại ngọc-hào, tử-hào, đại tử-hào, thanh-hào, đại thanh-hào, bích-hào, đại bích-hào, hồng-hào, đại hồng-hào, lục-hào, đại lục-hào, kim-hào, đại kim-hào, khánh-vân-hào, đại khánh-vân-hào, thiên-luân-hào, đại thiên-luân-hào, bảo-luân-hào, đại bảo-luân-hào, nhật-luân-hào, đại nhật-luân-hào, nguyệt-luân-hào, đại nguyệt-luân-hào, cung-điện-hào, đại cung-điện-hào, hải-vân-hào, đại hải-vân-hào... Từ trên đảnh đầu phóng các thứ hào quang ấy xong, Thế-Tôn phát tiếng vi diệu, bảo các đệ-tử, Thiên Long bát bộ, hàng người và chẳng phải hàng người: "Hãy nghe ta hôm nay, nởi cung trời Đao-lợi, ca ngợi những sự lợi ích không thể nghĩ bàn của Bồ-tát Địa-Tạng trong đám Trời Người. Những lợi ích ấy cao hơn nguyên nhân làm Thánh, là nguyên-nhân chứng mười quả Bồ-tát (Thập-địa sự), là nguyên-nhân chung cuộc không thối bước trên đường Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác".
Lúc Phật nói những lời ấy, trong hội có một Bồ-tát danh gọi Quán-Thế-Âm, từ chổ ngồi đứng dậy, quì gối chấp tay, bạch Phật nói: "Thế-Tôn, Bồ-tát Địa-Tạng, lòng đầy đại từ đại bi, thương xót chúng-sanh tội khổ, nơi muôn ức thế-giới, hóa ngàn muôn thân với bao nhiêu công-đức và oai-thần mạnh mẽ không thể nghĩ bàn, tôi đã từng nghe Thế-Tôn và mười phương vô lượng chư Phật đều khác miệng một lòng khen ngợi. Vì duyên cớ nào mà chư Phật trong quá-khứ, hiện-tại và vị-lai dường như không nói hết công đức của Bồ-tát Địa-Tạng vậy? Mới đây lại còn nghe Thế-Tôn ngỏ với đại-chúng là Thế-Tôn muốn nêu cao những sự lợi ích của Bồ-tát Địa-Tạng nữa. Cúi xin Thế-Tôn, vì tất cả chúng-sanh trong hiện-tại và vị-lai, nêu cao những việc không thể nghĩ bàn của Bồ-tát Địa-Tạng, để cho Thiên-Long bát bộ (nghe biết) mà chiêm lễ, được phước".
Phật bảo Bồ-tát Quán-Thế-Âm: "Ông có đại nhân duyên nơi thế-giới Ta-bà: dầu Trời, dầu Rồng, dầu trai, dầu gái, dầu thần, dầu quỉ, thậm chí chúng-sanh tội khổ trong sáu nẻo luân hồi, ai là kẻ nghe đến tên ông, thấy hình ông mà biết mến chuộng, ca ngợi ông, thì trên đường dẫn đến Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác ắt không thối bước, thường sanh làm người, làm trời, hưởng thọ sự vui sướng nhiệm mầu, đến khi nhân và quả đều chín muồi, sẽ gặp Phật "thọ ký" cho. Ông nay nên đầy đủ từ bi, thương xót chúng-sanh cùng Thiên Long tám chúng, nghe ta tuyên nói sự lợi ích không thể nghĩ bàn của Bồ-tát Địa-Tạng. Ông hãy nghe kỹ, ta nay nói về sự ấy".
Quán-thế-Âm thưa: "Bạch Thế-Tôn, tôi xin vui nghe".
Phật bảo Bồ-tát Quán-thế-Âm: "Trong các thế-giới của vị-lai, hiện-tại, hễ phước trời đã hết thì người cõi trời có hạng hiện bày năm tướng suy[1], có hạng rơi vào nẻo ác. Những hạng người-trời ấy bất luận nam nữ, đương lúc tướng suy hiện ra, mà biết hoặc "thấy" hình tượng Bồ-tát Địa-Tạng, hoặc "nghe" danh Bồ-tát Địa-Tạng, nhất tâm chiêm ngưỡng, lễ bái, thì sửa đổi được tình trạng và làm tăng phước trời, hưởng thọ nhiều vui sướng lớn lao, vĩnh viễn không rơi vào sự báo ứng nơi ba đường ác. Hà huống thấy nghe Bồ-tát Địa-Tạng rồi còn dùng hương, hoa, y phục, miếng ăn thức uống, châu báu, chuổi anh lạc mà bố thí, cúng dường, thì công đức và phước lợi hưởng được thật vô lượng, vô biên.
Lại nữa, này Quán-thế-Âm, nếu chúng-sanh sáu nẻo, trong các thế-giới vị-lai và hiện-tại, ngay trong lúc mạng chung, mà tai nghe lọt được một tiếng danh hiệu của Bồ-tát Địa-Tạng, thì vĩnh viễn chẳng trải qua bao nhiêu khổ não của ba đường ác. Huống chi, khi lúc gần chết mà cha mẹ, bà con biết đem nhà cửa, của cải, châu báu, quần áo dùng vào việc nặn vẽ hình tượng Bồ-tát Địa-Tạng, khiến người bệnh, lúc chưa chết, tai nghe, mắt thấy được việc bà con dùng nhà cửa, châu báu của mình để vì mình nặn vẽ hình tượng Bồ-tát, thì người sắp chết ấy, nếu phải vì nghiệp-báo mà bị đau nặng như thế, sẽ được bệnh lành, tuổi thọ thêm lên. Còn nếu vì nghiệp-báo mà mạng hết và vì tất cả những tội lỗi và ác nghiệp đã phạm mà lẽ ra phải sa vào nẻo ác, thì người đau sẽ nhờ công đức nói trên mà, sau khi chết, được sanh về cõi người, cõi trời, hưởng nhiều vui sướng nhiệm mấu, bao nhiêu tội chướng đều sẽ tiêu diệt.
Lại nữa, này Bồ-tát Quán-thế-Âm, nếu trong đời về sau, có kẻ nam người nữ nào, hoặc còn bú, hoặc từ ba tuổi, năm tuổi, mười tuổi trở xuống mà mất cha mất mẹ, thậm chí mất anh chị em, đến khi lớn lên rồi, nhớ tưởng cha mẹ, bà con, không biết những quyến thuộc này lạc bước nẻo nào, sanh vào thế-giới nào hay về cõi trời nào, nếu những kẻ nam người nữ ấy biết đấp vẽ hình tượng Bồ-tát Địa-Tạng, nghe được danh hiệu Bồ-tát, nhất tâm chiêm ngưởng, lễ bái từ một ngày đến bảy ngày chẳng hề cho lòng quí trọng lúc đầu lui bước, luôn luôn nghe danh, ngó hình, chiêm lễ, cúng dường Bồ-tát Địa-Tạng, thì những cha mẹ, anh em, dầu có bị nghiệp chướng đáng bị rơi vào nẻo ác trong nhiều kiếp, vẫn được nhờ công-đức của con em mà giải thoát, sanh về cõi người, cõi trời, hưởng thọ vui sướng nhiệm mầu.
Còn nếu hàng quyến thuộc chết là người đã có làm việc phước đức, đã sanh về cõi người cõi trời rồi và đang hưởng vui sướng, thì nhân lành nên Thánh lên Hiền sẽ nhờ công đức của con em mà tăng thêm, hưởng vô lượng vui sướng.
Những con em, nếu lại biết suốt hai mươi mốt ngày, một lòng chiêm lễ hình tượng Bồ-tát Địa-Tạng, niệm danh hiệu Bồ-tát đủ muôn lần, thì sẽ được Bồ-tát hiện thân vô-biên ra, báo cho biết nơi thác sanh của cha mẹ, anh em mình. Hoặc trong giấc mộng, được Bồ-tát hiện đại thần lực, tự thân dìu dắt những con em ấy đến các thế-giới để thấy cha mẹ, anh em. Lại nếu mỗi ngày, niệm được danh hiệu Bồ-tát một ngàn lần và như thế cho đến một ngàn ngày, thì được Địa-Tạng Bồ-tát khiến chư quỉ thần nơi đất mình ở hộ-vệ trọn đời, ăn uống dư dật, khỏi các bệnh khổ, thậm chí mọi tai nạn không vào cửa, đừng nói làm hại đến thân. Chung cuộc, những người được hộ vệ như thế được Địa-Tạng Bồ-tát rờ đầu thọ ký cho.
Lại nữa, này Quán-thế-Âm, trong đời vị-lai, nếu có kẻ nam người nữ nào muốn phát tâm từ bi rộng lớn, cứu vớt tất cả chúng-sanh tội khổ, muốn tu chứng chánh-giác vô thượng, muốn xa lìa ba cõi, thì nên ngó hình tượng Bồ-tát Địa-Tạng, nghe danh Bồ-tát, hết lòng quy-y hoặc dùng hương hoa, y phục, châu báu, miếng ăn, thức uống mà cúng dường, chiêm lễ. Làm được như thế thì sở nguyện mau thành, vĩnh viễn không gặp điều trở ngại.
Lại nữa, này Bồ-tát Quán-thế-Âm, trong đời vị-ali, nếu có trai lành gái tín nào muốn cầu trong hiện-tại và vị-lai cho trăm ngàn muôn ước nguyện, trăm ngàn muôn sự việc đều được như ý, thì chỉ nên quy-y chiêm lễ, cúng dường, ca ngợi hình tượng Bồ-tát Địa-Tạng. Như thế, bao nhiêu sở nguyện, sở cầu đều được thành tựu. Nếu lại nguyện thêm: "Xin Bồ-tát Địa-Tạng, dấy lòng từ bi, ủng hộ tôi mãi mãi", thì trong giấc mộng sẽ được Bồ-tát rờ đầu thọ ký cho.
Lại nữa, này Bồ-tát Quán-thế-Âm, nếu trong đời vị-lai, có trai lành gái tín nào sanh tâm quí mến thâm sâu đối với Kinh-điển Đại-Thừa, muốn đọc, muốn tụng, phỏng gặp thầy hay, dạy chỉ cho thuộc, nhưng đọc rồi lại quên, trải qua năm tháng mà không đọc được, thì đó là nghiệp chướng đời trước chưa được tiêu trừ, cho nên đối với Kinh-điển Đại-thừa không có "tánh đọc tụng". Những người như thế, hễ nghe danh Bồ-tát Địa-Tạng, thấy tượng Bồ-tát Địa-Tạng, thì nên thu góp tâm mình cho đầy đủ, cung kính kêu cầu, lại dùng hương hoa, y phục, miếng ăn, thức uống, mọi thứ mùng mền giường chiếu cúng dường Bồ-tát: lại nữa, nên lấy một chén nước để trước bàn thờ Bồ-tát một đêm một ngày, sau đó quày đầu về hướng Nam, chấp tay thỉnh nước ấy mà uống. Lúc nước vào miệng phải hết lòng trịnh trọng. Uống nước rồi, phải cử hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu (ngủ tân), cử uống rượu, tà dâm, vọng ngữ cùng giết hại. Trong vòng bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày, trai lành gái tín ấy, trong giấc mộng, sẽ thấy Bồ-tát Địa-Tạng hiện thân vô biên, ngay nơi những người ấy ở, rưới nước trên đảnh đầu họ, khiến họ khi thức tỉnh, trí huệ sáng suốt, rồi bao nhiêu Kinh-điển, hễ lọt vào tai, là ghi mãi trong tâm không quên mất một câu, một kệ.
Lại nữa, này Bồ-tát Quán-thế-Âm, nếu trong đời vị-lai, có những người y thực không đủ, cầu gì cũng trái ý, hoặc nhiều bệnh tật, hoặc gặp nhiều việc hung dữ, hao tổn, nhà cửa chẳng an, bà con phân tán, hoặc bị tai nạn làm hại đến thân, đêm ngủ chiêm bao thấy điều sợ hãi, thì những người ấy, khi nghe đến tên Bồ-tát Địa-Tạng, thấy hình Bồ-tát Địa-Tạng, nên chí tâm cung kính niệm danh hiệu Bồ-tát đủ một muôn lần, thì bao nhiêu sự việc không vừa lòng đều lần lần tiêu diệt, rồi được an vui, y thực dư-dật, thậm chí ngủ hết chiêm bao, cuối cùng được an lạc.
Lại nữa, này Bồ-tát Quán-thế-Âm, nếu trong đời vị-lai có trai lành gái tín nào, hoặc vì kiếm ăn, hoặc vì công việc tư, hoặc vì vấn-đề sanh tử, hoặc việc gấp, đi vào rừng núi, đi sông đi biển, gặp sóng to gió lớn hay đường sá nguy hiểm, mà trước khi ra đi biết niệm danh hiệu Bồ-tát Địa-Tạng muôn lần, thì đi đến đâu có quỉ thần chổ đó hộ-vệ, đi, đứng, nằm, ngồi đều được an vui; thậm chí có gặp cọp, sói, sư-tử, mọi thứ độc hại, cũng không bị thương tổn".
Phật bảo Bồ-tát Quán-thế-Âm: "Bồ-tát Địa-Tạng có nhân duyên lớn với chúng-sanh cõi Diêm-phù-đề; nếu đem những sự lợi ích mà chúng-sanh có thể hưởng được nhờ sự "thấy, nghe" Bồ-tát Địa-Tạng ra mà nói, thì dầu trải qua trăm ngàn kiếp, nói cũng không hết được. Bởi vậy, này Quán-thế-Âm, ông nên dùng thần lực của ông mà lưu truyền và ban bố Kinh này để cho chúng-sanh cõi Ta-bà trong trăm, ngàn, muôn kiếp được hưởng thọ an vui mãi mãi".
Lúc bấy giờ, Phật nói bài kệ như sau:
Ta quán thấy thần lực Địa-Tạng
Hằng-hà sa kiếp nói không cùng
Thấy, nghe, chiêm lễ trong khoảnh khắc
Trời, người được lợi không thể lường.
Là nam, là nữ, là Long, Thần,
"Báo" hết, đáng rơi vào ác đạo,
Nếu biết hết lòng quy Địa-Tạng
Tuổi thọ được thêm, tội chướng hết.
Trẻ con mất cha cùng mất mẹ
Chưa hay hồn-thần lạc về đâu,
Anh em, chị em cùng quyến thuộc,
Từ lúc sanh ra, đều không biết,
Nếu biết đấp tượng Địa Bồ-tát
Ái mộ chiêm lễ không lúc rời,
Bảy tuần liền niệm danh Bồ-tát,
Bồ-tát sẽ hiện Vô-biên thể,
Rồi biết nơi sanh của quyến thuộc
Và người nẻo ác sẽ thoát ly.
Nếu giữ được tâm cần lúc đầu
Ắt Bồ-tát xoa đầu thọ-ký.
Ai muốn tu Vô-thượng Bồ-đề
Cùng muốn xa lìa khổ ba giới,
Hãy nên trước phát đại bi tâm
Kế đó chiêm lễ tượng Địa-Tạng
Thì mọi nguyện ước sớm thành tựu
Nghiệp chướng hết còn theo cột trói.
Ai người phát tâm tụng Kinh điển
Muốn vượt sông mê lên bờ giác
Tuy đã lập nguyện như thế rồi
Mà đọc Kinh xong không nhớ được,
Nên biết là mình dày nghiệp chướng
Khiến đọc Kinh Đại-thừa không nhớ.
Vậy nên dùng hương hoa, y phục,
Ẩm thực, ngọa cụ cúng Địa-Tạng.
Rồi nước trong đặt trước bàn thờ
Một ngày một đêm cầu thỉnh uống,
Phát tâm ân cần, cử ngũ vị,
Rượu, thịt, tà dâm và vọng ngữ,
Hai mươi mốt ngày, không sát hại
Hết lòng tưởng nhớ tên Bồ-tát,
Ắt chiêm bao mộng thấy "Vô-biên".
Thức giấc, mắt tai được không rõ:
Lời kinh tiếng kệ lọt vào tai
Muôn đời ngàn đời, không hề quên.
Ấy nhờ thần lực của Bồ-tát
Mà người đời mới được Huệ ấy
Chúng-sanh nghèo khổ cùng tật bệnh
Nhà cửa nguy suy, thân thuộc lìa,
Chiêm bao mộng mỵ không an giấc
Cầu gì cũng gặp không vừa lòng:
Hãy hết lòng chiêm lễ Địa-Tạng
Bao nhiêu việc xấu đều tiêu diệt.
Giấc ngủ trở lại được bình an,
Dư ăn, dư mặc, thần ủng hộ.
Dầu lên núi, vào rừng, qua biển,
Thì thú dữ cũng như giặc cướp
Thần ác, quỉ ác cùng gió độc,
Tất cả tai nạn, khổ não khác,
Đều nhờ chiêm lễ cùng cúng dường
Hình tượng của Bồ-tát Địa-Tạng
Mà nhất nhất bị tiêu diệt hết.
Quán-Âm, hãy hết lòng nghe ta
Địa-Tạng vô lượng, khó nghĩ bàn
Trăm, ngàn, muôn kiếp nói không cùng
Nếu muốn rộng tuyên sức Đại sĩ
Danh hiệu Bồ-tát nếu được nghe
Hình tượng Bồ-tát nếu được lễ,
Lại đem hương hoa cùng ẩm thực
Y phục ngọa cụ mà cúng dường,
Trăm ngàn đời sau được an lạc.
Nếu đem công đức ra hồi hướng
Chung cuộc thành Phật, thóat sanh tử.
Bởi cớ, này Quan Âm, ông nên
Phổ Cáo trong Hằng-sa quốc-độ.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn cất cánh tay sắc vàng lên, xoa đảnh đầu Bồ-tát Địa-Tạng mà nói rằng: "Địa-Tạng! Địa-Tạng! Thần lực của ông không thể nghĩ bàn được; Từ-bi của ông không thể nghĩ bàn được; Trí-huệ của ông không thể nghĩ bàn được; Biện-tại của ông không thể nghĩ bàn được. Giá phỏng chư Phật mười phương, trong ngàn muôn kiếp, ca ngợi, nói bày những việc không thể nghĩ bàn của ông, cũng không làm sao hết được.
"Này Địa-Tạng! Này Địa-Tạng! Ông ghi nhớ rằng ta nay tại cung trời Đao-lợi, trong đại hội của trăm, ngàn, muôn ức, không thể kể xiết, không thể kể xiết chư Phật, Bồ-tát, Thiên Long tám bộ, trối trăn giao phó lại cho ông loài người, loài trời, tất cả chúng-sanh chưa ra khỏi ba thế-giới, còn trong nhà lửa, ông đừng để những chúng-sanh ấy rơi vào nẻo ác, dầu là trong một ngày một đêm, hà huống để cho họ rơi vào ngục Ngũ Vô-gián cùng ngục A-tỳ, trải muôn ngàn ức kiếp, không có ngày ra.
"Này Địa-Tạng! Chí nguyện và tâm tánh của chúng-sanh cõi Nam-Diêm-phù-đề không định, vì phần đông quen thói làm ác cho nên thoảng hoặc có phát tâm lành, trong chốc lát rồi cũng thối bước, bằng gặp duyên ác, những tư-tưởng ác lại tăng thêm. Bởi lẽ ấy, ta tự phân thân ra làm trăm, ngàn, ức để hóa độ chúng-sanh, tùy căn tánh mà độ thoát tất cả.
"Này Địa-Tạng! Ta nay ân cần giao gởi cho ông chúng-sanh của cõi Người, cõi Trời. Trong đời vị lai, nếu có người cõi Trời, cõi Người, cùng trai lành gái tín, ở trong Pháp Phật, gieo những căn lành, nhỏ nhít dầu bằng sợi lông, bằng hột bụi, bằng hột cát, bằng giọt nước, ông hãy lấy sức mạnh của Đạo (đạo lực) mà ủng hộ những người ấy, để cho họ lần hồi tu sửa đến chỗ Vô-thượng giác, đừng để họ thối bước.
"Lại nữa, này Địa-Tạng! Trong đời vị-lai, dầu trời, dầu người, nếu vì sự báo ứng của nghiệp mà phải rơi vào nẻo ác, thì khi sắp rơi vào đường ác hoặc khi đã tới ngưỡng cửa ác mà biết niệm một danh-hiệu Phật, một danh-hiệu Bồ-tát, một câu, một kệ Kinh-điển Đại-thừa, thì ông hãy lấy phương-tiện của thần-lực mà cứu bạt những chúng-sanh ấy. Nơi chỗ họ đứng, ông hiện thân vô biên, đập nát địa ngục, làm cho họ được sanh về cõi trời, hưởng thọ nhiều sự vui sướng mầu nhiệm. Lúc bấy giờ, Thế Tôn nhân đây mà nói bài kệ như sau:
"Hiện tại, vị lai, trời, người thảy,
Ta nay ân cần giao phó ông:
Hãy dùng thần thông phương tiện độ
Đừng để rơi vào các nẻo ác".
Khi ấy, Bồ-tát Địa-Tạng quì gối, chấp tay, bạch Phật nói: "Thế-Tôn! Cúi xin Thế-Tôn chớ lo. Trong đời vị-lai, nếu có trai lành gái tín nào, trong Pháp Phật, biết một niềm cung kính, tôi sẽ dùng trăm ngàn phương tiện độ thoát những người ấy, trong chỗ sanh tử, mau được giải thoát. Huống chi những người tai nghe việc lành, mỗi niệm đều nghĩ tới việc tu hành, thì tự nhiên trên đường Vô-thượng-giác, họ mãi mãi không thối bước".
Lúc Địa-Tạng nói như thế, trong Hội có một Bồ-tát danh Hư-Không-Tạng, bạch Phật nói rằng: "Thế-Tôn! Tôi từ đến cung trời Đao-lợi, đã nghe Như-Lai ca ngợi oai thần thế lực không thể nghĩ bàn của Bồ-tát Địa-Tạng. Nếu trong đời vị-lai, có những trai lành gái tín nào, thậm chí tất cả hàng Thiên, Long, nghe được Kinh này và danh hiệu Địa-Tạng, hoặc chiêm ngưỡng, lễ bái hình tượng Địa-Tạng, những người ấy sẽ được bao nhiêu phước lợi? Cúi xin Thế-Tôn vì tất cả chúng sanh trong vị lai, hiện tại, sơ lược nói cho nghe".
Phật bảo Bồ-tát Hư-Không-Tạng: "Hãy nghe kỹ, hãy nghe kỹ, ta sẽ vì ngươi mà phân biệt nói về điều đó. Nếu trong đời vị-lai, có trai lành gái tín nào thấy hình tượng Địa-Tạng cùng nghe Kinh này, thậm chí đọc tụng, dùng hương hoa, ẩm thực, y phục, châu báu mà bố thí cúng dường, ca ngợi, chiêm ngưỡng, lễ bái, thì những người ấy được hai mươi tám thứ lợi ích:
- Một là Thiên, Long giữ gìn sự nhớ tưởng của mình.
- Hai là quả lành càng ngày càng thêm.
- Ba là tụ tập những hột giống hạng cao để làm Thánh.
- Bốn là không lui bước trên đường giác ngộ.
- Năm là ăn mặc đầy đủ dư dật.
- Sáu là tật bệnh không có.
- Bảy là tránh khỏi tai họa nước lửa.
- Tám là không bị ách nạn giặc cướp.
- Chín là ai thấy cũng khâm phục kính mến.
- Mười là được quỉ thần giúp đở giữ gìn.
- Mười một là thân gái chuyển thành thân nam.
- Mười hai (nếu phải làm thân nữ nhân) thì làm con gái của hàng vua chúa.
- Mười ba là tướng mạo tốt đẹp và đoan chánh
- Mười bốn là thường sanh về cõi trời.
- Mười lăm là ở thế gian làm bậc đế vương
- Mười sáu là sáng suốt biết đời trước.
- Mười bảy là cầu gì được nấy.
- Mười tám là họ hàng vui vẻ
- Mười chín là các tai họa tiêu diệt.
- Hai mươi là nghiệp ác trừ tuyệt.
- Hai mươi mốt là ở, đi, đều thông suốt.
- Hai mươi hai là đêm chiêm bao an vui.
- Hai mươi ba là bà con chết trước hết khổ.
- Hai mươi bốn là phước trước được hưởng.
- Hai mươi lăm là Hiền Thánh ca ngợi.
- Hai mươi sáu là nghe thấy sáng suốt.
- Hai mươi bảy là nhiều thương xót.
- Hai mươi tám là chung cuộc thành Phật.
"Lại nữa, này Bồ-tát Hư-Không-Tạng, nếu trong hiện tại, vị lai, Thiên, Long, quỉ, thần nào nghe danh hiệu Bồ-tát Địa-Tạng, lễ bái hình tượng Địa-Tạng, hoặc nghe Kinh Địa-Tạng Bổn nguyện, theo các điều chỉ dạy trong đó mà tu hành, ca ngợi, chiêm bái, thì sẽ được bảy thứ lợi ích:
- Một là mau lên bậc Thánh.
- Hai là nghiệp ác tiêu diệt.
- Ba là chư Phật giáng lâm hộ trì.
- Bốn là không thối bước trên đường giác-ngộ.
- Năm là sức mình tăng trưởng.
- Sáu là thông biết đời trước.
- Bảy là rốt cuộc thành Phật".
Lúc bấy giờ, tất cả những người từ mười phương tụ tập về, đông không kể xiết, tất cả chư Phật, Bồ-tát, tám nhóm Thiên Long, nghe Phật Thích-ca Mâu-ni ca tụng, khen ngợi sức mạnh oai thần không thể nghĩ bàn của Bồ-tát Địa-Tạng, đều thở ra nói: Thật là việc chưa từng nghe thấy.
Ngay lúc ấy, nơi cung trời Đao-lợi, vô lượng mưa hương, mưa hoa, mưa thiên y, mưa chuỗi ngọc, rưới xuống cúng dường đức Phật Thích-ca Mâu-ni cùng Bồ-tát Địa-Tạng xong, tất cả trong hội đều chiêm ngưỡng, lễ bái một lần nữa, rồi chấp tay lui bước.
Bài Tán
Lời tự thệ của Địa-Tạng
Là nguyên-nhân nói trong Kinh của sự trọng khinh (về phước đức).
Tàn tật, câm ngọng là do nghiệp tiền sanh.
Đời nay nếu biết đọc tụng Kinh điển Đại-thừa,
Thì sẽ có phước lợi vô cùng,
Và quyết định sanh vào hoa sen báu (cõi Cực-lạc)
Mật Nghĩa:
Theo Kinh, thần-lực, từ-bi, trí-huệ và biện-tái của Địa-Tạng không thể nghĩ bàn, nghĩa là không thể quan niệm, tưởng tượng được. Mà Địa-Tạng tượng trưng cho Tâm, thì chính tâm là sức mạnh, là từ-bi, là trí-huệ, là tài hùng biện vô lượng vô biến đó.
Lại nữa, nếu hiểu Tâm mới là "con người thật", mới chính là ta, thì mỗi chúng ta là một nguồn sức mạch tâm linh (forces spirituelles), một suối từ-bi, một mặt trời trí-huệ, một núi hùng biện, tất cả đều vô cùng vô tận, không thể kể nói cho hết được, và cũng không thể đem ra suy gẫm, bàn luận được. Tất cả những đức tướng ấy đều tuyệt đối.
Vậy con người có đầu đủ điều kiện, phương tiện để tự mình cứu vớt lấy mình (thần lực); đầy đủ thương xót để làm lành (từ-bi); đầy đủ sáng suốt để phân biện giả chân, thiện ác, chánh tà (trí huệ), đầy đủ tài biện luận để giải nghi (biện tài). Do đây Phật mới gởi gấm chúng sanh cho Địa-Tạng gìn giữ, nói một cách khác, giao chúng ta cho Tâm chúng ta chăm nom, đừng để rơi vào nẻo ác.
Sở dĩ chúng ta được Tâm Địa-Tạng trông nom như thế mà thường hâ sa đọa, chỉ vì chí chúng ta không định một chổ, nay muốn tu mà mai lại thôi, hôm nay phát tâm lành quyết bỏ việc ác mà vài hôm sau lại thối bước. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết rằng cốt yếu ở chổ gieo trồng, thì ngay đây gieo đi, dầu hột lành chỉ bằng đường tơ, sợi tóc, hột cát, giọt nước. Vì sao? Vì có giống là sẽ có cây, có cây là sẽ có trái, nếu Địa-Tạng hay Tâm của chúng ta biết ủng hộ hột giống đó đừng để nó mất. Vì vậy, lúc muốn làm việc ác (lâm đọa thú trung), hoặc lúc sắp lám việc ác (hoặc chí môn thủ), thì nên dừng lại, nhớ nghĩ đến Phật (niệm đắc nhất Phật danh, nhất Bồ-tát danh) hoặc nhớ Pháp (niệm nhất cú nhất kệ) thì sẽ được Địa-Tạng hay Tâm phá nát địa ngục là sự mê muội, tối tăm của mình mà tránh được điều ác.
Hơn nữa, nếu tai cứ nghe việc lành, mỗi lúc đều nghĩ tới việc tu hành, lễ Phật, đọc Kinh, thì ngay đây được nhiều lợi ích phước đức, lại còn cái lợi khác là tiến bước mãi trên đường Vô thượng giác (thành Phật), không hề thối bước. Muốn được như vậy, cần phải tự thề quả quyết với mình (Bổn thệ)
Có lẽ đến đây không còn sự nghi ngờ về tính cách tượng trưng của Bồ-tát Địa-Tạng. Nhưng một thắc mắc không khỏi phát sanh trong lòng người đọc: "Địa-Tạng chỉ Tâm chớ không phải chỉ một vị Bồ-tát thật có, vậy có nên tiếp tục lễ bái, chiêm ngưỡng, cúng dường Bồ-tát Địa-Tạng không?
Xin thưa: chẳng những nên mà còn cần tiếp tục, nhưng với một tinh thần mới, một thái độ mới.
Trước kia, nếu chúng ta có lầm tưởng rằng lễ bái, chiêm ngưỡng, cúng dường là đủ, thì nay nên gắn ghi và thực hành mấy điều sau đây:
1. Thêm vào sự tin tưởng lễ bái, việc đọc Kinh Địa-Tạng
2. Suy gẫm cho nhiều, cho sâu, những lời vàng ngọc của Phật.
3. Thực hành những gì Kinh dạy làm.
Thâm ý của Đức Thế Tôn là đưa ra câu truyện Bồ-tát Địa-Tạng để gây niềm tin nhân đó mà khuyến cáo về hậu quả tai hại của những nghiệp chẳng lành, rốt cuộc dạy bảo những phương pháp khử ác tồn thiện. Vì vậy cần lễ bái chiêm ngưỡng để khải phát lòng tin; cần suy gẫm cho nhiều để thâm nhập giáo pháp của Phật về luật nghiệp báo nghiêm minh, chót hết cần phải thực hành những phương pháp tu sửa dạy rõ trong Kinh, nếu chúng ta thật tâm cương quyết thoát ly địa ngục và tự ban cho mình những phước lạc Phật hứa khả.
Nhất thiết do Tâm tạo, thì Thiên đường hay địa-ngục cũng đều do Tâm mà ra. Những gì Tâm làm được, Tâm phá được. Bởi cớ chỉ có Địa-Tạng của chúng ta mới phá ngục "thiết vi" của tham, sân, si do chúng ta tạo và trả chúng ta về với cảnh giới giải thoát tự tại.
Nguyện mười phương chư Phật, Bồ-tát hộ trì cho tất cả bạn đọc đều sáng suốt nhận thức như thế để khỏi phụ lòng từ mẫn giáo hóa của Đức Thế Tôn.
Chánh Trí
[1] Năm tướng suy (Ngũ suy tướng) là: quần áo dơ dáy, trên đầu tóc rối, thân thể hôi hám, dưới nách thường ra mồ hôi, không thích ngôi vị của mình nữa.
Mục Lục
Nguồn: www.quangduc.com