Thế nào là kinh
điển
ngụy tạo trong Phật giáo?
Gần đây chúng tôi ghi nhận một số Học giả và Giảng sư cho rằng, kinh điển sau thời đức Phật được các vị Thánh đệ tử chuyển tải ngôn ngữ xa xưa thành ngôn ngữ đương thời từ những bản kinh “gốc” hoặc phóng tác, trước tác…là kinh điển ngụy tạo!
Các học giả Tây phương quan niệm hệ thống giáo lý Phật giáo từ các bản Pali, Sanskrit là kinh “gốc” và kinh sau thời đức Phật là kinh phát triển để dễ dàng cho việc trích dẫn trong công tác so sách, nghiên cứu…đó là công việc bắt buộc cho những ai khi bước vào con đường học vấn. Đối với ngôn ngữ của Anh hay Mỹ thì thường dùng từ “Apocrypha” để chỉ cho các văn bản không phải là bản gốc, nên chung ta phải hiểu là: “kinh sau thời đức Phật”, “kinh phát triển” “Tân kinh”…chứ không hề áp đặt nghĩa xấu khi được chuyển tải qua tiếng Việt thành từ ngụy tạo! Mang nghĩa: “ kinh xảo trá” “kinh lường gạt” “kinh sai sự thật” “kinh ngụy biện”…Tiếng việt chúng ta được kết hợp với tiếng Trung Quốc, nên đời sống thường nhật chúng ta đã dùng khoảng 30% là âm Hán-Việt. Vì thế từ ngữ hết sức là đa dạng, nên khi diễn dịch phải thận trọng, để tránh nhằm lẫn giữa nghĩa “đen” và nghĩa “bóng”. Mọi lĩnh vực đều có “tự điển” riêng để diễn đạt đúng nghĩa theo lĩnh vực của mình, nhưng Phật giáo Việt Nam lại chưa có một quyển “Đạo Phật Tự Điển Anh-Việt” nên phải vai mượn từ những quyển tự điển thông dụng, cho nên khi tra từ “Apocrypha” vào hầu hết các quyển Anh-Việt tự điển thông dụng thì chỉ có nghĩa “kinh ngụy tác”. Dựa trên nghĩa này, một ít Học giả, Giảng sư mạnh dạn phán một câu “xanh rờn” kinh điển ngụy tạo! Nói như thế, có nghĩa là chúng ta đã đánh đổ toàn bộ hệ thống giáo lý Đại Thừa, vì được kiết tập sau khi đức Phật nhập Vô-dư-y Niết Bàn khoảng 200 năm, thậm chí như quyển kinh Vu Lan Báo Hiếu, mới ra đời khoảng 150 năm trở lại đây. Nhưng đâu có một ai dám cho bản kinh đó là không có giá trị! Hệ thống giáo lý Phật giáo thuở ban đầu giống như một cội cây chưa phát triển nhiều cành và lá, vì vào thời điểm của đức Phật, Ngài tập trung nhiều cho Tăng đoàn. Nhưng mãi về sau, hoàn cảnh xã hội phát triển, nhận thức về nội tâm cũng khác nên môi trường “Bình bát cơm nghìn nhà, thân chơi muôn dặm xa” là không thể thích nghi. Đồng thời, phật tử cũng không còn thời gian nhiều để gần gũi Tăng Ni học đạo, nên nhu cầu thay đổi ngôn ngữ vào thời của đức Phật cho phù hợp với nhận thức mới, là việc làm ắt có và đủ! Chứ không thể để giáo lý “sinh động” thực tiển giúp cho cuộc sống hết khổ đau và đạt được hạnh phúc, phải nằm bất động như những tài sản quí báu trong các viện bảo tàng! Giáo lý giải thoát của đức Phật còn được xem như là một thang thuốc có tám muôn bốn ngàn vị, để đối trị lại tám muôn bốn ngàn bệnh: “mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét và muốn….” của chúng sinh, nên toàn bộ kinh điển là không có một chữ một câu nào dư thừa, chứ đừng nói là có một quyển kinh “ngụy tạo” trong giáo lý Phật giáo!
Giả sử, các học giả Tây phương có dụng ý đi chăng nữa, thì các Học giả Phật giáo và các Giảng sư cũng phải lưu tâm sửa chữa lại nhưng khiếm khuyết của các học giả Tây phương chứ không nên vị nể họ có nhiều văn bằng và tầm ảnh hưởng của họ quá “nặng ký” trong lĩnh vực nghiên cứu, mà phải nói theo họ. Trong khi các Học giả phật giáo, các giảng sư cũng là người nghiên cứu lĩnh vực hệ thống giáo lý của chính mình, như thế chúng ta mới là người có đủ thẩm quyền hơn các học giả Tây phương chứ, vì chúng ta không những là nhà nghiên cứu mà còn là các Hành giả đang tu tập từ 10, 20 năm trở lên thì lẽ nào chúng ta lại không tường tận hơn các học giả Tây phương!
Chúng ta thử đặt lại vấn đề, hiện nay các học giả Tây phương và trong giới Phật giáo đều căn cứ theo theo hai ngôn ngữ cổ của Ấn Độ Pali và Sanskrit làm “gốc” để có cơ sở nghiên cứu và giảng dạy cho Phật tử. Nhưng trong tương lai biết đâu các nhà khảo cổ lại phát hiện ra một văn bản Magadha cổ hơn thì lúc đó chúng ta lại “phán” những bản kinh được viết bằng Pali và Sanskrit là kinh điển “trước tác” hoặc “kinh điển ngụy tạo” hay sao? Cách nay 100 năm, học thuyết tiến hóa của Darwin được thế giới xem như là kinh điển, cả thế giới đều đưa vào bộ phận giáo dục, nhưng ngày nay ngành khoa học lại đi xa hơn nên học thuyết đó không còn được xem là chân lý nữa!
Cho nên, đây chỉ là sự ngộ nhận và hạn chế giữa ngôn ngữ với ngôn ngữ mà thôi, chứ không thể phủ nhận hệ thống kinh điển Đại Thừa là ngụy tạo. Trong khi, các học giả các vị Thánh Tăng điều thừa nhận Ngài Long Thọ là Phật Thích Ca thứ hai nhưng không có 32 tương tốt! Hơn nữa, đức Phật cũng từng xác nhận: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” thế thì kinh điển sau thời đức Phật cũng đâu có gì trở ngại cho việc tu học của gới tu sĩ. Vả lại, những gì được “kiết tập” và phát triển giáo lý cho phù hợp với ngôn ngữ của xã hội đương thời là do các vị Thánh đệ tử bậc A-la-hán làm nên. Chắc chắn Trí tuệ của các Ngài hơn hẳn chúng ta đến hàng ngàn tỷ lần, nên chúng ta không thể đem “trí tuệ” của chúng ta đánh đồng với các Ngài và chạy theo các học giả Tây phương mà cho các bản kinh Đại Thừa là “kinh ngụy tạo”! Kinh điển thuộc về lý tưởng, tùy bệnh mà cho thuốc thì làm sao chúng ta có thể đo lường bằng khảo cổ, lịch sử, ngôn ngữ học…
Kinh điển “ngụy tạo” là đồng nghĩa với ngôn ngữ hiện đại là văn hoá “độc hại” cần phải loại trừ ra khỏi ngành văn chương để nó không làm “oen ố” đỉnh cao trí tuệ; cần phải loại trừ những gì không do Phật nói, để không làm ảnh hưởng đến sự thanh tịnh, giải thoát và an lạc hạnh phúc trong hệ thống giáo lý đạo Phật! Bản kinh nào trong hệ thống của Đại Thừa đã sai trật làm mất đi giá trị căn bản đạo đức và lộ trình hướng đến gải thoát? Đạo lý của đức Phật giống như trận mưa to xối xuống để đáp ứng cho tất cả cỏ cây, chứ không riêng biệt cho một số cây to nào mà thôi! Nó có khác chăng là hình thức và phương tiện đưa đến mục đích mà thôi, không thể lúc nào cũng phải ngồi thiền mới thành Phật, còn lặt rau, bửa củi, gánh nước, tụng kinh là thành tà ma ngoại đạo! Phải chăng, các vị Thánh Tăng đã khéo léo lấy nhiều hình thức: 5+5, 7+3, 4+6… để trở thành con số 10, nhằm hướng dẫn cho những người Thượng căn, Trung căn và Hạ căn. Nên đức Phật khẳng định rằng: “Đại dương chỉ thuần một vị mặn, cũng vậy đạo lý giải thoát của ta cũng chỉ thuần một vị là giải thoát!”
Vì vậy, khi chuyển ngữ, hoặc giảng dạy phải cần lưu ý đến ngôn ngữ vốn phong phú và đa dạng của tiếng Việt để tránh đi sự ngộ nhận giáo lý chính thống và giáo lý không chính thống trong Phật giáo! Đồng thời, giúp cho Phật tử không bị chao đảo trước những học vị “nặng ký” phát biểu, hoặc nghĩa lý từ những quyển tự điển thông dụng!
Delhi, 08/07/2002
Lệ Thọ
Nguồn: www.quangduc.com