Dhammapada
Sutta
(Khuddaka Nikaya - Sutta Pitaka)
Kệ ngôn kinh Pháp Cú số 295
Tỳ kheo
Chánh Minh
--- o0o ---
Màtàram pitaram hantvà
Ràjàno dve ca sotthiye
Veyyaggha pancanam hantvà
Amgho yàti brahmano
Nghĩa:
Đã giết mẹ, cha và hai ông vua của giai cấp Bà-la-môn
và tiêu diệt con đường nguy hiểm (chướng ngại), vị A-la-hán ra đi không
sầu muộn (Hoà thượng Nàrada - Phạm Kim Khánh dịch).
Thi hóa:
"Mẹ cha"đã giết đã chôn
và hai vua Bà-la-môn, chém ngành!
Đoạn viên hổ tướng thứ năm
Bậc vô ưu sống cõi hằng vô sinh
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Bài giảng:
Theo Sớ Giải (Atthakathà)
kinh Pháp cú:
- Mẹ (màtà) ám
chỉ ái dục (tanhà)
- Cha (pità) chỉ cho ngã mạn (màna)
- Con đường nguy hiểm - Veyyaggha pancamam - chỉ cho hoài nghi,
là một trong năm chướng ngại của tinh thần.
Giải:
- Ái dục (tanhà):
ví như mẹ.
Người mẹ là người đã sinh
con, cũng vậy chính ái-dục đã tạo tác ra chúng sinh trôi lăn trong vòng
luân hồi.
Ái là sự bám víu vào cái
gì đó; ái và tham (lobha) có khác nhau không? Có. Tuy có đồng tính
chất là bám víu cái gì đó nhưng ái và tham có những điểm khác nhau như :
Ái thì chìm ẩn, trái lại
tham hiện bày rõ rệt.
Ái thường xuyên ẩn trong tâm chúng sanh, trái lại tham khi thì có, khi
thì không như:
Người Phật tử khi bố thí
cúng dường, giữ gìn giới hạnh, tu thiền... khi ấy không có tham nhưng vẫn
có ái. Vì sao? Vì có sự ao ước hưởng quả lành, những phước thiện trên vẫn
đưa đến tái sanh, tức là còn luân hồi. Nguyên nhân dẫn đến luân-hồi là do
ái.
Khi Phật tử tạo phước mà
còn nghĩ đến thụ hưởng an lạc hạnh phúc thế gian trong tương lai, đó chính
là ái đang biểu hiện sức mạnh của mình và phước này không trở thành
Ba-la-mật trọn vẹn. Tốt nhất nên hướng tâm đến sự giải thoát khỏi vòng
sinh tử.
Sân (dosa) cũng dẫn
đến khổ. Vì sao trong Kinh Chuyển Pháp-luân, Đức Phật dạy: Nguyên nhân
sanh khổ là ái? Tức là :
- Thích thú trong màu
sắc, âm thanh, hương thơm, vị ngon ngọt, sự đụng chạm êm ái, gọi là Dục
ái (kàma-tanhà).
- Thích thú trong cái có, gọi là Hữu-ái (bhava-tanhà).
- Thích thú trong cái không có gọi là Phi Hữu-ái (vibhava-tanhà).
Sỡ dĩ sân (dosa)
sanh khới là do yêu thích "cái tôi" hay thích "cái của tôi". Người A mắng
người B ta không thấy giận, nhưng nếu mắng ta hay người thân của ta, hoặc
làm tổn hại tài sản của ta lập tức cảm thấy khó chịu, khó chịu tăng dần
trở thành nóng giận.
- Ngã-mạn (màna):
ví như cha.
Lẽ thường cha + mẹ => sinh
ra con. Cũng vậy Ái được Ngã-mạn trợ giúp nên có đủ sức mạnh cuốn trôi
chúng sanh trong vòng luân hồi.
Ngã Mạn: nghĩa ngắn ngọn
là "cái tôi" hay "đời sống của tôi".
Ngã Mạn là trạng thái phấn
khởi của tâm, Đức Phật dạy: "Hãy hạ cờ Ngã-Mạn" (Tăng Chi Kinh). Cờ
gặp gió tung bay phần phật như thế nào, tâm khi nghĩ đến điều mình có được
sẽ hừng lên như thế ấy.
Có lần Đức
A-nậu-đà-la
(Anuruddha) có nói với Đức
Xá-lợi-Phất rằng:
- Này Hiền giả
Xá-lợi-Phất, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, tôi nhìn thấy ngàn
thế giới như nhìn một vật trong lòng bàn tay.
- Này Hiền giả
A-nậu-đà-la,
ý nghĩ: "với thiên nhãn thuần tịnh... trong lòng bàn tay" đó là kiêu mạn
của Hiền giả.
Ngã Mạn là trạng thái so
sánh mình với người qua sự hơn - bằng - thua.
Thí dụ như một giảng sư có
bằng Tiến-sĩ và một giảng sư có bằng Cử-nhân. Cả hai điều diễn thuyết rất
hay, vị giảng sư Tiến-sĩ nghĩ rằng: "Ta và vị giảng sư ấy đều diễn thuyết
hay, nhưng ta có bằng Tiến-sĩ còn vị ấy chỉ có bằng Cử-nhân". Đây là cách
so sánh hơn so với bằng.
Ngoài ra còn có cách tự ty
mặc cảm như: tôi dốt, tôi nghèo, tôi dỡ mặc kệ tôi, xin đừng nói đến tôi.
Tóm lại, Ngã-mạn có hai
trạng thái: tự cao tự thị và tự ty mặc cảm.
Xét cho cùng ngã-mạn cũng
nương sanh từ ái, tức là yêu thích cái tôi (ái-ngã). Ngã-mạn ví như hơi
thở của ái, bao giờ Ái diệt thì Mạn cũng diệt, ngược lại bao giờ Mạn diệt
thì Ái cũng diệt.
Bậc Thánh Bất-lai (A-na-hàm)
vẫn còn Ngã mạn và Ái (là ái sắc và ái vô-sắc) nên còn tái sinh vào cõi
Sắc hay cõi Vô-sắc.
Khi thành đạt quả vị
A-la-hán bấy giờ mới diệt trừ trọn vẹn Ái và Mạn.
- Hai vua Bà-la-môn:
Thông thường tín ngưỡng
Bà-la-môn giáo là tu tập Thiền Tứ Vô-lượng tâm (Từ-Bi-Hỷ-Xả) để thể nhập
vào Đại Ngã (là Đại Phạm -thiên). Hai vua Bà-la-môn ở đây, Đức Phật ám chỉ
hai loại thiền là Thiền-sắc và Thiền Vô-sắc. Đỉnh cao cũa thiền Sắc-giới
là Tứ thiền, đỉnh cao của Thiền vô-sắc là Thiền Phi-tưởng Phi Phi-tưởng
xứ. Hai loại Thiền này chỉ là con đường, hay phương tiện, tiến đến Níp Bàn
tịch tịnh, người tu tập Thiền với mục đích giải thoát khỏi sinh tử, không
hề thích thú trong những tầng Thiền mình đã đạt, vì còn thích thú trong
Thiền-cảnh là còn bị Ái trói buộc.
Giả như: có người muốn đi
từ Thành phố A đến Thành phố B. con đường người ấy phải đi qua có nhiều kỳ
hoa dị thảo, có những quán trọ sang trọng, nếu cứ mãi ở đấy hưởng thụ thì
người ấy không thể đến thành phố B, đồng thời tài sản (ám chỉ phước báu)
sẽ khánh kiệt. Thành phố A ví như bờ mê, Thành phố B ví như bến giác.
Thiền-sắc hay Thiền Vô-sắc ví như con đường.
Do vậy, Đức Phật dạy: giết
cả hai vua Bà-la-môn. Nghĩa là diệt trừ cái Ái-sắc và Ái vô-sắc.
- Con đường thứ năm, ở đây
ám chỉ hoài nghi.
Trong Thiền yên lặng (
thiền Chỉ) thì hoài nghi chỉ là thứ yếu, trái lại trong Thiền xem xét
(thiền Quán) để nhận ra được ba tướng Vô-thường, Khổ, Vô-ngã thì hoài nghi
là quan trọng.
Trong Kinh Tâm Hoang-vu
(Trung bộ I), Đức Phật dạy đại ý là: "Người có tâm hoài nghi về
Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, Học-giới có thể lớn mạnh thành đạt giải
thoát trong Pháp-luật này, điều này không xẩy ra".
Hoài nghi là trạng thái do
dự, phân vân ví như người đang đứng ở ngã ba đường chẳng biết nên chọn
đường nào? Chính hoài nghi là một cản trở lớn nhất trong tiến trình hành
đạo đi đến giải thoát.
Mặc khác, nương sanh vào
Trí có thể sanh khởi hoài nghi vì trí thường xét một sự kiện theo nhiều
khía cạnh, do đó dẫn đến tâm mất định hướng, nói cách khác khiến phóng dật
sanh khởi. Thế là giúp cho nghi hoặc sanh lên.
Vì thế trong Thiền xem xét
(quán), hai pháp Tín và Tuệ hổ trợ cho nhau rất mạnh. Tín giúp cho Trí áp
chế nghi hoặc, Trí giúp cho Tín không phải tin sai lầm. Vì chưa thấy ba
tướng hiển lộ nên còn nghi, khi thấy ba tướng xuất hiện rồi thì hoài-nghi
tạm thời đoạn trừ.
Đức Punna Mantaniputta trong kinh Trạm xe của
Trung-Bộ Kinh trình bày bảy giai đoạn thực hành Thiền Tuệ là:
1) Giới tịnh dẫn đến Tâm
tịnh
2) Tâm tịnh dẫn đến Kiến tịnh
3) Kiến tịnh dẫn đến Đoạn-nghi tịnh
4) Đoạn-nghi tịnh dẫn đến Thực-hành thanh-tịnh
5) Thực-hành thanh tịnh dẫn đến Hiểu-biết thanh tịnh
6) Hiểu-biết thanh tịnh dẫn đến Hiểu-biết giải thoát thanh-tịnh.
7) Kiến tịnh là sự thấy trong sạch, tức là thấy được ba tướng: vô
thường, khổ và vô-ngã.
Đoạn nghi tịnh là chấm dứt hoài nghi, tâm được
trong sạch.
Ví như, có người bảo
rằng: "Tôi có tài sản lớn", khi chưa thấy, ta có thể nửa ngờ nửa tin,
nhưng khi thấy rõ rồi thì hoài nghi vấn đề này không còn nữa.
Tóm
lại, với người có tâm tầm cầu giải thoát, trước tiên nên đặt niềm tin vào
lời dạy của Đức Phật, rồi thực hành thấy được ba Tướng, (vô-thừong, khổ,
vô-ngã). Trong quá trình hành đạo nên tùy thời dùng Tín và Trí hổ trợ lẫn
nhau để thoát ra hoài nghi. Không bám vào các tầng Thiền-sắc hay Vô-sắc
tinh tấn tận trừ được Ái và Mạn thành đạt quả giải thoát khỏi sanh tử vậy.
--- o0o ---
Mục Lục |
01
|
02
|
03
|
04
|
05
06
|
07
|
08
|
09
|
10
|
11
|
12
|
13
--- o0o ---
Các bản kinh Pháp Cú khác
--- o0o ---
Source:
http://www.budsas.org/
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật:
7-2003
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục