Khi ấy, có hiền giả Ưu bà tắc, vốn thờ chín mươi sáu ngoại đạo, chán khổ về tế tự bèn vứt bỏ, vào chánh pháp, giữ giới không phạm, tinh tấn nhất tâm siêng năng tụng kinh, lòng thích bố thí, ý luôn nhẫn nhục, thường có tâm từ. Ðột ngột bệnh nặng liền qua đời. Khi tới giờ chết, dặn dò quyến thuộc và cha mẹ : “Con bệnh, nếu ngày nào chết, chớ nên liệm xác, để bảy ngày. Nên nhớ lời con, không nên làm sai lời con”. Chẳng bao lâu, đột nhiên như chết. Cha mẹ thân quyến trong nhà làm như lời nói. Giữ tử thi bảy ngày. Ðến ngày thứ tám, quyến thuộc trong nhà nói : “Người chết đã tám ngày. Ngủ luôn không còn biết gì nữa. nên mau tẩm liệm”. Cha mẹ nói : “Tuy chết đã mấy ngày rồi mà không bị sình trướng lên, cũng không có chỗ nào có mùi hôi. Nên để lại ít nhất là đến ngày thứ chín”. Nói chưa dứt lời, người chết liền sống dậy, mở mắt. Cả nhà, cha mẹ, lớn nhỏ đều rất vui mừng nhưng chưa có thể cử động được nên cả nhà đều phải giữ gìn đến ngày thứ mười có thể ngồi dậy và nói chuyện dễ dàng. Mọi người hỏi : “Ðến từ chỗ nào ? Thấy hết những gì ?” Trả lời : “Có một binh lính đến dắt tôi đi tới một thành lớn, trong đó có địa ngục rất lớn, màu đen thui, bốn mặt thành làm bằng sắt, cửa thành đều bằng sắt nung màu đỏ. Người trong ngục đều bị trói, thân đều ngồi trong đống lửa lớn, bị lửa trên dưới thiêu đốt, nướng lên khói ra màu xanh. Hoặc có người dùng dao băm thịt người ấy ra để ăn. Trong ngục có chúa hỏi tôi : Ngươi phạm tội gì mà ngồi đây, vì sao đến đây. Trong đây trị tội ngũ nghịch, không hiếu thảo cha mẹ, không trung tín với việc của vua giao, trị các người làm ác. Ngươi có tội nặng gì mà đến đây ?” Tôi đáp: “Tôi chỉ có một chút ít tội nhỏ là từ lúc làm người đến nay, tôi bị người ác mê hoặc, phụng sự ngoại đạo, lại vì một chút ngu si của thế gian, sát sanh cúng tế trời đất, uống rượu. ở trong chợ thì lấy, xén tài sản của người, cân đong đo lường đều muốn lợi nhiều cho mình. Sau đó được đạo sư thiện tri thức dạy làm điều thiện, đưa tôi vào trong đạo Phật, được thấy Sa môn, đạo nhơn, thọ trì năm giới, phụng hành mười điều thiện. Từ đó đến nay hằng ngày không phạm điều ác”. Do nhờ điều đó mà Minh Vương thương xót tôi không phạt. Tôi liền cúi đầu.
Vua liền đứng dậy vòng tay gọi tôi : “Thôi, thôi, người thanh tịnh trung tín không nên làm vậy”. Liền cho tôi ngồi trên tòa. Vua liền gọi viên quan, nói với người kia : “Ðây chính là đệ tử của Vô Thượng Chánh Chơn. Các ngươi phải nên theo người này để được độ thoát. Người này khi mạng sống chấm dứt thì chết nhưng thần hồn vẫn đi theo chỗ thọ sanh. Nếu sanh lên cõi trời thì được thiên thần đến nghinh tiếp. Nếu sanh trong loài người, thì trong loài người đến nghinh tiếp. Người tôn quí này làm sao lại vào chốn bị phạm tội ngũ nghịch này?
Quan đáp :
- Thế gian có nhiều người này ? Không sợ phép vua, không sợ bốn thời, năm hành, không bị bắt, quỉ thần trời đất không chỗ bắt buộc, không thể hỏi được một hai lời. Người này hành động ngang tàng, không sợ phép tắc của trời. Có vị Pháp sư gọi là Sa môn, cạo tóc qui y thô sơ, dùng pháp độ nhiều đệ tử, Ðông Nam Tây Bắc không chỗ ràng buộc, dời nhà, mai táng, con gái về nhà chồng, không sợ bốn thời, hủy hoại, cải đổi, không sợ vua bắt. Bọn người này phải nên trị.
Vua nói :
- Thôi, thôi, khanh không hiểu rõ pháp này. Người mặc pháp phục rất đáng quí kính, người khác sợ hãi, là vua trong các trời thích, phạm, mặt trăng, mặt trời, vua quan, thần dân ở dưới đều tôn kính phụng thờ. Người nào tôn kính được phước báo vô lượng, dạy người đắc đạo, không được khinh mạn người này. Ai khinh mạn người này là tự chuốt tội khổ. Nhanh chóng lục xét lại thọ mạng người này đã hết chưa ?
Quan tâu vua :
- Trong bảo lục mạng người này chưa đáng chết, tính ra còn phải hai mươi năm. Người này trước kia có thời gian tội ác, sau này nhờ làm điều thiện mới giữ được mạng sống, khiến cho bọn con phải hạ mình.
Vua :
- Người sống ở đời ít làm ác phải sống đến một trăm năm, còn tội người này phải thế nào ?
Quan :
- Người này chỉ có thể sống chứ không thể chết. Chết thì liền kéo dài phải chịu tội thống khổ thêm ngàn kiếp vạn kiếp không được giải thoát.
Vua :
- Ðệ tử Phật có giữ giới tinh tấn không giải đãi, được thiên thần tôn kính. Vì sao ? Vì Phật dùng tâm đại từ đại bi, tâm hộ trì, tâm dạy dỗ, dùng bốn tâm bình đẳng thương xót mười phương, tất cả nhân dân trong thiên hạ, vạn vật đủ loại như bò bay, cựa quậy, Phật đều thương xót. Công đức lưu truyền đến thiên hạ mười phương cho nên đệ tử Phật được thiên thần, thổ địa, quỉ rồng đều quí kính. Ðâu phải bị vua bắt, gặp bốn thời năm hành đâu. Ân đức của Phật như bốn biển không thể hạn lượng như nước chảy cả trăm ức, làm sao có thể đong lường hết để biết hết số đó. Ân đức của Phật cũng không thể lường được.
Quan :
- Ðại vương ! Do vì phụng trì tịnh giới của Phật đó sao ?
Vua :
- Ta không phụng thờ Phật, nên phải chịu tội đến đây làm vua địa ngục này. Khanh thấy trong ngục này, bây giờ số mạng đã hết, không chịu thọ, cũng không dám tiến lên, nên chắp tay đến để phụng thờ, kính ngưỡng, nên xét lại hành động phước thiện của mình, thì thần phước tự đến nghinh tiếp. Người chưa đáng chết, tự có bảo vệ, mau chóng thoát khỏi. Nếu có người đã vào chánh pháp. Sau hối hận trở về lại với ngoại đạo, làm việc sát sanh cúng tế, tà đạo, ác kiến pháp được liền; người này không được sự bảo vệ. Tuy mạng sống đến một trăm năm, phải gặp chín lần chết oan, không bịnh tự chết. Vì sao ? Vì thần cứu hộ không giúp đỡ. Người như vậy trọn không được giải thoát. Nên Tỳ kheo hay Phật tử trì năm giới, siêng năng hành sáu việc. Những gì là sau :
1- Ðàn Ba la mật : thích bố thí không được keo kiệt.
2- Thi Ba la mật : giữ gìn giới cẩn thận chớ phạm.
3- Sần đề Ba la mật : : nhẫn nhục giữ tâm, khẩu, ý chớ để cho sân hận.
4- Tỳ lê da Ba la mật : siêng năng tinh tấn chớ giải đãi.
5- Thiền Ba la mật : nhất tâm định ý chớ phóng dật.
6- Bát nhã Ba la mật : siêng năng tụng đọc kinh phải hiểu rõ trí Nhất thiết trí.
Ðây là sáu điều mà Bồ tát cầu đạo phải làm.
Lại có sáu điều : 1- Mắt; 2- Tai; 3- Mũi; 4- Miệng; 5- Thân; 6- Ý. Người muốn cầu đạo được phước nên giữ gìn sáu điều này. Giữ gìn mắt chớ để đắm trước sắc. Giữ gìn tai chớ để đắm trước âm thanh. Giữ gìn mũi chớ để đắm trước mùi hương. Giữ gìn miệng chớ để đắm trước mùi vị. Giữ gìn thân chớ để đắm trước sự trơn láng. Giữ gìn ý chớ để đắm trước ái dục. Ðây là sáu điều cần phải giữ gìn. Cần phải diệt trừ ba điều nữa. Những gì là ba : 1- Dâm dục; 2- Sân nhuế; 3- Ngu si. Ðây là ba độc.
Lại phải diệt trừ năm điều. Những gì là năm : 1- Thọ; 2- Tưởng; 3- Hành; 4- Thức; 5- Ái dục. Ðây là năm ấm.
Lại có sáu suy. Những gì là sáu :
1- Sắc làm cho mắt suy.
2- Âm thanh làm cho tai suy.
3- Mùi hương làm cho mũi suy.
4- Hương vị làm cho miệng suy.
5- Sự trơn láng làm cho thân suy.
6- Các pháp làm cho ý suy.
Ðây là sáu suy.
Năm ấm, sáu tình, ba độc hợp lại làm cho trong thân có hai mươi điều thường ở tại trong thân con người. Người hành đạo cần luôn luôn dứt tuyệt hai mươi điều này. Nếu không cấm tuyệt hai mươi điều này sẽ rơi vào trong tội đắm trước. Sáu tình không dứt sẽ rơi vào mười tám tầng địa ngục. Năm ấm không dứt sẽ luân hồi trong năm đường. Ba độc không dứt sẽ vào trong ba đường ác.
Nếu thiện nam, thiện nữ nào, giữ gìn cấm giới hai mươi điều trong thân. Như bụi trên gương được phủi sạch không còn cấu bẩn nên trong ngoài được chiếu rõ. Thiên hạ trăm ngàn vạn người có một người là đệ tử Phật không ?
Quan thưa :
- Thật sự không có.
Vua :
- Quán sát như vậy nên biết công đức Phật rất cao lớn, sâu thẳm, rực rỡ, như biển lớn không thể biết được.
Quan thưa :
- Thật đúng như lời vua nói. Kẻ tiểu sứ thật đáng tội không phân biệt được thật giả. Mời người kia trở về lại.
Vua :
- Tốt.
Quan liền tạ từ, đưa người kia tự trở về. Người kia như từ trên cao rớt xuống, theo vệt sáng mà sống dậy, liền sinh hoạt được.
Cha mẹ bèn đem xe đưa đến Kỳ Hoàn bạch Phật. Phật liền gọi người kia hỏi những điều đã thấy như đã nói ở trên.
Phật liền mỉm cười, hào quang năm màu từ trên đảnh phát ra, nhiễu quanh thân ba vòng rồi vào trong rốn. A Nan sửa y phục quì gối sát đất, chắp tay bạch Phật :
- Bạch Thế Tôn ! Phật không cười vô cớ. Cười là có ý. Cúi xin Ngài thuyết rộng nghĩa này.
Phật dạy :
- A Nan ! Lắng nghe, thọ trì.
A Nan và chúng hội vâng lời dạy mà lắng nghe.
Phật dạy :
- Nghe rằng thiên hạ ở cõi Diêm-phù vì phạm năm nghịch tội ở đời : Con bất hiếu cha mẹ, thần không trung với vua, vợ chồng dối trá nhau, dối trên gạt dưới, nhân dân lầm than, ít có nghĩa lý, khinh mạn không tiết lễ, dùng sức mạnh lấn hiếp kẻ yếu, giàu có chơi với nhau, nghèo khổ khốn cùng, tham lợi keo kiệt, không có tâm từ, chỉ muốn hơn người. Bốn thiên vương cùng giữ, quỉ thần xấu ác làm chủ, bắt người phạm tội phải chết, thần hồn luân chuyển, tùy theo hành động mà lãnh thọ, phải làm ngạ quỉ, súc sanh trong địa ngục bị đánh đòn đau đớn khổ sở, chặt, bầm, dội nước sôi, nấu thiêu đốt. Nếu ai có phước nhỏ thì được sanh lên cõi trời, phải ở tầng trời thứ sáu. Phước mỏng, mạng ngắn, không lãnh thọ giáo pháp. Tuy được làm người, phải làm kẻ nô tỳ hạ tiện, hoặc làm trâu ngựa, súc sanh, lừa, lạc đà, voi, hổ, sư tử, chim thú, trùng kiến. Khổ sở nói không hết. Trăm kiếp, ngàn kiếp, vạn kiếp không được giải thoát. Vừa mới sanh ra liền bệnh, hoặc chết liền. Nếu được làm người sáu căn không đủ, lưng gù, tàn tật, đui điếc, câm, ngọng, khổ sở vô cùng.
Nay, ở trên đời có một người biết thế gian có Phật, nghe kinh pháp, được thấy Tỳ kheo tăng, có tâm lành ý tốt, từ tâm cung kính, bỏ chín mươi sáu ngoại đạo đến với chánh pháp. Tự suy nghĩ, tự khắc phục, giữ gìn năm giới, tu mười điều lành, diệt mười điều ác. Bấy giờ có một người đắc đạo vào thời Phật Duy Vệ, công đức đạt được bằng như người này. Tội của người kia có đến trăm ngàn vạn kiếp, đều được diệt trừ. Người này sau khi mạng chung, lại không bị rơi ba đường ác. Giả sử như có phạm tội, theo tội nặng nhẹ mà đến địa ngục. Vua thấy tâm ý đã kính ngưỡng người này. Ðế vương, nhân dân, tất cả đều tôn kính phụng trì. Tuy chưa đắc đạo nhưng công đức to lớn, trời, người, quỉ rồng đều ca ngợi.
Phật dạy A Nan :
- Sau khi ta nhập Niết bàn, phần nhiều người đời không tôn kính pháp; ưa thích cống cao tự đại, khinh miệt mọi người. Coi rẻ chánh pháp, hủy nhục Tỳ kheo, không biết cúng dường, chửi rủa ném đá, không sợ bị bắt. Bọn người này đều từ trong cõi ma đến sanh làm người, nên ác độc như vậy. Ai mà tin ưa Phật pháp là do đời trước là đệ tử Phật rồi, nên có thể biết thật giả theo phụng thờ chánh pháp, thọ trì giới kinh, lại diệt trừ được hai mươi điều, đều là chư đại Bồ tát chẳng phải phàm phu.
Con người sanh ra phải có chết, không có ai không chết cả. Người khéo trì giới không tiếc thân mạng, chỉ niệm đại từ, đại bi, cứu giúp tất cả, vì mọi người mà làm thầy hướng dẫn. Bồ tát không sợ sự biến hoại sanh tử, vào sanh tử để độ sanh tử, vào địa ngục thuyết giới kinh dừng ác làm thiện, vào ngạ quỉ thuyết bố thí, vào súc sanh thuyết dâm dục. Khi xả báo thân sanh lên cõi trời dạy dỗ chư thiên. Trong loài người dạy pháp bỏ ác làm thiện.
Con người có tư tưởng địa ngục, thì hành động như địa ngục, người có tư tưởng súc sanh thì hành động như súc sanh, người có tư tưởng trời người thì hành động như trời người, người có tư tưởng ngạ quỉ thì hành động như ngạ quỉ, người có tư tưởng loài người thì hành động như loài người. tất cả vạn vật đều không có sở hữu, chỉ dựa vào hình tướng mà đặt, nên có tư tưởng.
Này hiền giả ! Theo sự thấy của nhãn thức thì thấy rõ phần chứng ngộ ấy, đối với súc sanh mà được làm người là có phước đức, phụng trì chánh pháp. Tại sao không nổ lực hết khả năng để tự đến Phật đạo tôn quí ! Sao lại phải chịu nghiệp khổ ? Thân sẽ tự đến lãnh thọ quả báo. Hối hận có ích gì ?
Phật dạy A Nan :
- Pháp được hưng khởi thì người biết làm lành, Pháp bị suy vong thì người làm ác càng nhiều. Hãy cùng nhau dạy bảo, siêng năng tinh tấn giới kinh. Hãy lo nghĩ đến tất cả vô thường. Sức vô thường to lớn, Phật không thường trú. Ở trong thế gian nổ lực siêng năng là đã tự độ, lại có thể cứu độ tất cả loài người và không phải loài người.
Chư Tỳ kheo ! Quí thầy và Ta ở đời phải nên nổ lực, chớ nói Phật thường trụ ở đời. Nay không nổ lực sau hối hận ích gì ?
Nghe Phật thuyết kinh người chết sống lại được kiến đế. Cha mẹ và người thân đều đắc đạo A la hán và được Bất thoái chuyển, an trú vững chắc không gì lay động được. Các đệ tử Tỳ kheo lớn và Bồ tát, trời, rồng, quỉ, thần, nghe kinh đều hoan hỷ, đến trước Phật làm lễ rồi lui.
PHẬT THUYẾT KINH ÐỆ TỬ CHẾT RỒI SỐNG LẠI - hết.
Nguồn: www.quangduc.com