dịch
- 2
- CHƯƠNG HAI
- HAI PHÁP
II. PHẨM TRANH LUẬN
1-10. - CÁC SỨC MẠNH
1. Có hai sức mạnh, này các Tỷ-kheo.
Thế nào là hai ? Sức mạnh tư sát và sức mạnh tu tập. Và này các Tỷ-kheo,
thế nào là sức mạnh tư sát ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tư sát
như sau : "Với thân làm ác, quả dị thục là ác, ngay hiện tại và
trong đời sau. Với miệng nói ác, quả dị thục là ác, ngay hiện tại và
trong đời sau. Với ý nghĩ ác, quả dị thục là ác, ngay hiện tại và
trong đời sau". Vị ấy, tư sát như vậy, từ bỏ thân làm ác, tu tập
thân làm thiện, từ bỏ miệng nói ác, tu tập miệng nói thiện, từ bỏ
ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ thiện, tư xử sự thật thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là sức mạnh tư sát.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sức
mạnh tu tập ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, sức mạnh tu tập là sức mạnh của
người hữu học. Do sức mạnh tu tập, vị ấy từ bỏ tham, từ bỏ sân,
từ bỏ si. Sau khi từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si, vị ấy không làm
các điều bất thiện, không phục vụ các điều ác. Này các Tỷ-kheo, đây
gọi là sức mạnh tu tập. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai sức mạnh.
2. Có hai sức mạnh, này các Tỷ-kheo.
Thế nào là hai ? Sức mạnh tư sát và sức mạnh tu tập. Và này các Tỷ-kheo,
thế nào là sức mạnh tư sát ? … (như trên) … Này các Tỷ-kheo, đây gọi
là sức mạnh tư sát.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sức
mạnh tu tập ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm Niệm giác
chi, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, lậu hoặc đến đoạn
diệt, hướng đến từ bỏ. Tu tập Trạch pháp giác chi … tu tập Tinh tấn
giác chi … tu tập Hỷ giác chi … tu tập Khinh an giác chi … tu tập Định
giác chi … tu tập Xả giác chi, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly
tham, lậu hoặc đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là sức mạnh tu tập. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai sức
mạnh.
3. Có hai sức mạnh, này các Tỷ-kheo.
Thế nào là hai ? Sức mạnh tư sát và sức mạnh tu tập. … (như trên) …Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là sức mạnh tu tập ? Ở đây, này các Tỷ-kheo,
vị Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú sơ Thiền, một
trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm
và từ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do
định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ, trú xả,
chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả
niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ
ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc,
xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sức mạnh tu tập. Những
pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai sức mạnh.
4. Có hai cách thuyết pháp này của
Như Lai, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai ? Lược thuyết và rộng thuyết.
Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai cách thuyết pháp của Như Lai.
5. Trong bất cứ tránh tụng nào,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phạm tội và Tỷ-kheo buộc tội, không có tự
mình khéo quán sát lấy mình, thời tránh tụng ấy được chờ đợi là sẽ
đưa đến kéo dài, gay gắt, ác liệt, và các Tỷ-kheo sẽ sống không được
an lạc. Và trong bất cứ tránh tụng nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phạm tội
và Tỷ-kheo buộc tội, có tự mình khéo quán sát lấy mình, thời tránh tụng
ấy, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là không đưa đến kéo dài, gay gắt,
ác liệt, và các Tỷ-kheo sẽ sống được an lạc.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo
phạm tội và Tỷ-kheo buộc tội, khéo tự mình quán sát lấy mình ? Ở đây,
này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phạm tội quán sát như sau : "Ta phạm một tội
bất thiện về thân. Tỷ-kheo ấy đã thấy ta phạm một tội bất thiện về
thân. Nếu ta không phạm một tội bất thiện về thân, Tỷ-kheo ấy sẽ
không thấy ta phạm tội bất thiện về thân. Do vì ta có phạm một tội bất
thiện về thân, do vậy Tỷ-kheo ấy thấy ta có phạm tội bất thiện về
thân. Tỷ-kheo ấy không được hoan hỷ. Vì không hoan hỷ, Tỷ-kheo ấy nói
với ta lời không hoan hỷ. Vì ta bị Tỷ-kheo ấy nói lời không hoan hỷ,
nên ta không hoan hỷ. Do ta không hoan hỷ, ta nói cho các người khác biết.
Như vậy, ở đây tội phạm chinh phục ta như trong trường hợp người phải
trả thuế hàng hóa của mình". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo
phạm tôi tự khéo tự mình quán sát lấy mình.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo
buộc tội, khéo tự mình quán sát lấy mình ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
buộc tội quán sát như sau : "Tỷ-kheo phạm một tội bất thiện về
thân. Ta đã thấy Tỷ-kheo ấy phạm một tội bất thiện về thân. Nếu Tỷ-kheo
này không phạm một tội bất thiện về thân, ta sẽ không thấy Tỷ-kheo
ấy phạm tội bất thiện về thân. Do vì Tỷ-kheo ấy có phạm một tội bất
thiện về thân, do vậy Ta thấy Tỷ-kheo ấy có phạm tội bất thiện về
thân. Và sau khi thấy Tỷ-kheo này phạm một tội bất thiện về thân, ta
không hoan hỷ. Do ta không hoan hỷ, ta nói với Tỷ-kheo ấy lời không hoan hỷ.
Vì Tỷ-kheo ấy bị ta nói lời không hoan hỷ, nên Tỷ-kheo ấy không hoan hỷ.
Do Tỷ-kheo ấy không hoan hỷ, Tỷ-kheo ấy nói cho các người khác biết. Như
vậy, ở đây tội phạm chinh phục ta, như trong trường hợp người phải
trả thuế hàng hóa của mình". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo
buộc tội khéo tự mình quán sát lấy mình.
Trong bất cứ tránh tụng nào, này
các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phạm tội và Tỷ-kheo buộc tội, không có tự mình
khéo quán sát lấy mình, thời tránh tụng ấy được chờ đợi là sẽ
đưa đến kéo dài, gay gắt, ác liệt, và các Tỷ-kheo sẽ sống không được
an lạc. Và trong bất cứ tránh tụng nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phạm tội
và Tỷ-kheo buộc tội, có tự mình khéo quán sát lấy mình, thời tránh tụng
ấy, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là không đưa đến kéo dài, gay gắt,
ác liệt, và các Tỷ-kheo sẽ sống được an lạc.
6. Rồi một Bà-la-môn đi đến Thế
Tôn ; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm,
sau khi nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi
ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn :
- Do nhân gì, thưa Tôn giả Gotama,
do duyên gì, ở đây một số chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, phải
sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục ?
- Do nhân phi pháp hành và bất bình
đẳng hành, này Bà-la-môn, như vậy ở đây, một số chúng sanh sau khi
thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục
!
- Do nhân gì, thưa Tôn giả Gotama,
do duyên gì, ở đây một số chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, sanh
vào cõi Thiện, cõi Trời, cõi đời này ?
- Do nhân pháp hành và bình đẳng hành,
này Bà-la-môn, như vậy ở đây, một số chúng sanh sau khi thân hoại mạng
chung, sanh vào cõi Thiện, cõi Trời, cõi đời này.
- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả
Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Như người dựng đứng lại những
gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho
kẻ đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt
có thể thấy sắc. Cũng vậy, pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương
tiện trình bày giải thích. Con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y
chúng Tỷ-kheo Tăng ! Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho
đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng !
7. Rồi Bà-la-môn Jànussoni đi đến
Thế Tôn ; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm,
sau khi nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi
ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế
Tôn :
- Do nhân gì, thưa Tôn giả Gotama,
do duyên gì, ở đây một số chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, phải
sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục ?
- Do vì có làm, này Bà-la-môn, do
vì không làm. Như vậy, ở đây một số chúng sanh sau khi thân hoại mạng
chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục !
- Do nhân gì, thưa Tôn giả Gotama,
do duyên gì, ở đây một số chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, sanh
vào cõi Thiện, cõi Trời, cõi đời này ?
- Do vì có làm, này Bà-la-môn, do
vì không làm. Như vậy, ở đây một số chúng sanh sau khi thân hoại mạng
chung, sanh vào cõi Thiện, cõi Trời, cõi đời này.
- Thưa Tôn giả Gotama, lời nói vắn
tắt không giảng rộng của Tôn giả Gotama, con không được hiểu ý nghĩa
một cách rộng rãi. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho con để
con có thể hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi lời nói vắn tắt không giảng
rộng của Tôn giả Gotama.
- Vậy này Bà-la-môn, hãy nghe và
khéo tác ý, Ta sẽ nói.
Bà-la-môn Jànussoni vâng đáp Thế
Tôn :
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau :
- Ở đây, này Bà-la-môn, có người
thân làm ác, thân không làm thiện, miệng nói ác, miệng không nói thiện,
ý nghĩ ác, ý nghĩ không thiện. Như vậy, này Bà-la-môn, do làm và do không
làm là như vậy, ở đây một số chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung,
phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Lại ở đây, này
Bà-la-môn, có một số chúng sanh thân làm thiện, thân không làm ác, miệng
nói thiện, miệng không nói ác, ý nghĩ thiện, ý nghĩ không ác. Như vậy,
này Bà-la-môn, do làm và do không làm là như vậy, ở đây một số chúng
sanh sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi Thiện, cõi Trời, cõi đời này.
- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama
… từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng !
8. Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế
Tôn ; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn
nói với Tôn giả Ànanda đang ngồi xuống một bên :
- Ta tuyên bố một cách dứt khoát
rằng, này Ànanda, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác là điều không
nên làm.
- Vì rằng, bạch Thế Tôn, Thế
Tôn đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng, thân làm ác, miệng nói ác,
ý nghĩ ác là điều không nên làm. Nếu làm những điều không nên làm ấy,
thời có những nguy hại gì được chờ đợi ?
- Vì rằng này Ànanda, Ta tuyên bố
một cách dứt khoát rằng, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác là điều
không nên làm. Nếu làm những điều không nên làm ấy, thời có những
nguy hại như sau được chờ đợi : Tự mình chê trách mình ; sau khi được
biết, kẻ trí chê trách, tiếng ác đồn xa, bị mê ám khi mạng chung ; sau
khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa
ngục. Vì thế, này Ànanda, Ta đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng,
thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác là điều không nên làm. Nếu làm những
điều không nên làm ấy, thời có những nguy hại như vậy được chờ đợi.
- Ta tuyên bố một cách dứt khoát
rằng, này Ànanda, thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện là điều
nên làm.
- Vì rằng, bạch Thế Tôn, Thế
Tôn đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng, thân làm thiện, miệng nói
thiện, ý nghĩ thiện là điều không nên làm. Nếu làm những điều không
nên làm ấy, thời có những lợi ích gì được chờ đợi ?
- Vì rằng này Ànanda, Ta tuyên bố
một cách dứt khoát rằng, thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện
là điều nên làm. Nếu làm những điều nên làm ấy, thời có những lợi
ích như sau được chờ đợi : Tự mình không chê trách mình ; sau khi được
biết, kẻ trí tán thán, tiếng lành đồn xa, không bị mê ám khi mạng
chung ; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi Thiện, cõi Trời, cõi đời
này. Vì thế, này Ànanda, Ta đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng, thân
làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện là điều nên làm. Nếu làm những
điều nên làm ấy, thời có những lợi ích như vậy được chờ đợi.
9. Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ bất
thiện, này các Tỷ-kheo, từ bỏ bất thiện có thể làm được. Nếu từ
bỏ bất thiện không thể làm được thời ta đã không nói như sau :
"Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ bất thiện". Vì rằng, này các Tỷ-kheo,
từ bỏ bất thiện có thể làm được, do vậy Ta mới nói rằng :
"Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ bất thiện". Và nếu, này các Tỷ-kheo,
từ bỏ bất thiện đưa đến bất hạnh, đau khổ, thời ta không nói như
sau : "Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ bất thiện". Và này các Tỷ-kheo,
vì từ bỏ bất thiện đưa đến hạnh phúc, an lạc, nên Ta đã nói như
sau : "Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ bất thiện".
Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập thiện.
Này các Tỷ-kheo, tu tập thiện có thể làm được. Nếu tu tập thiện không
thể làm được thời ta đã không nói như sau : "Này các Tỷ-kheo, hãy
tu tập thiện". Vì rằng, này các Tỷ-kheo, tu tập thiện có thể làm
được, do vậy Ta mới nói rằng : "Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập thiện".
Và nếu, này các Tỷ-kheo, tu tập thiện đưa đến bất hạnh, đau khổ, thời
ta không nói như sau : "Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập thiện". Và này
các Tỷ-kheo, vì tu tập thiện đưa đến hạnh phúc, an lạc, nên Ta đã
nói như sau : "Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập thiện".
10. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo,
đưa đến sự hỗn loạn (mê mờ) và biến mất của diệu pháp. Thế nào
là hai ? Văn cú bị ngược đảo và ý nghĩ bị hiểu lầm. Nếu văn cú bị
ngược đảo thời ý nghĩ bị hiểu lầm. Những pháp này, này các Tỷ-kheo,
là hai pháp đưa đến sự hỗn loạn và biến mất của diệu pháp.
11. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo,
đưa đến an trú, không biến loạn, không biến mất của diệu pháp. Thế
nào là hai ? Văn cú phối trí chơn chánh và ý nghĩ được hiểu chơn chánh.
nếu văn cú phối trí chơn chánh thời ý nghĩ được hiểu chơn chánh. Những
pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai pháp đưa đến an trú, không biến loạn,
không biến mất của diệu pháp.
--- o0o ---
|
Mục lục Kinh Tăng Chi bộ ||
Phẩm
kế
|
--- o0o ---
| Thư
Mục Tác Giả |
Tổ
chức đánh máy: Hứa Dân Cường
Trình bày : Nhị Tường
Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện
tử bộ Kinh này.
( Trang nhà Quảng Đức, 01/01/2002)
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục