NỘI DUNG
Qua hai tập I và II, đã có 110 bài sám văn được giới thiệu đến quí độc giả gần xa, và trên đường nghiên cứu sưu tầm, chúng tôi lần lượt phát hiện thêm nữa các dị bản, các bài sám văn mới đã và đang được sử dụng trong thời khóa các chùa, trong các nghi lễ dân gian, hoặc bằng truyền khẩu khắp cả ba miền đất nước... Ðó là động cơ thôi thúc chúng tôi tiếp tục sưu tầm để biên tập nên quyển thứ III “ 55 bài sám văn âm nghĩa sưu tập”.
Công trình sưu tập toàn bộ các bài sám hay, các áng văn vần, đã đi hơn nửa phần đường, chúng tôi vẫn tiếp tục cho đến khi nào không còn tìm được nữa mới thôi, để cho các bài sám văn không bị quên lãng theo thời gian, dẫu rằng có còn được sử dụng nữa hay không. Vì ở đó, là dấu tích của sự tu trì, là sinh hoạt nghi lễ Phật Giáo ở một địa phương, và là sự thể hiện trăm sắc ở vườn hoa văn học đạo pháp tuy rằng khác biệt các chốn Tổ, sơn môn, hệ phái, giáo phái, Tăng tục... nhưng vẫn đồng là con một nhà, là tài sản chung của kho tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Ở tập III này, phần sưu tầm có đi rộng ra ở các hệ phái, các sơn môn để phát hiện thêm các dị bản từ các bài sám văn gốc. Tuy rằng ý nghĩa là một, nhưng ở mỗi bản dịch khác nhau cũng nói lên phong cách sáng tạo văn vần của mỗi dịch giả ở mỗi nơi có cái đặc thù riêng, phù hợp việc sử dụng ở một bối cảnh nhất định. Qua biên tập góp nhặt ở quyển này, có thể giới thiệu một tập hợp rộng rãi, nếu quí Tôn đức độc giả thấy những bài có vần điệu phù hợp đem sử dụng rộng rãi như một cách giao lưu, thể hiện tâm hồn rộng mở và đoàn kết của người con Phật, thì quả là công đức vô lượng và là một khích lệ lớn lao cho người sưu tầm vậy.
Trong việc biên tập, chúng tôi cố tình không đưa hết các bài Sám văn của một tác giả - sơn môn nào hết, mà có sự phân bố đồng đều mỗi nơi một ít, để thấy được giá trị chung của tập thể là phục vụ mục đích chung nhất có hệ thống cho kho tàng văn học Phật giáo. Những bài còn lại sẽ được lần lượt giới thiệu vào quyển IV, và rất mong sự đóng góp phát hiện của các bậc thức giả xa gần hỗ trợ.
Có một số bài kinh dịch ra văn vần được tập hợp trong quyển này, tuy không mang tính chất một bài Sám văn, nhưng sự tụng đọc ở những thời điểm kỷ niệm vía chư Phật Bồ Tát như: Kinh Tám Ðiều cho Lễ vía Phật Ðản và tụng đọc hàng ngày, hoặc 48 Lời Nguyện Ðức Di Ðà cho vía Phật Di Ðà, hoặc Kinh Vô Thường cho các lễ Tống táng... đã mang ý nghĩa của một bài sám văn hầu răn nhắc chúng ta cảnh tỉnh tự thân trong cuộc sống. Chính vì thế mà chúng tôi đã đưa vào tuyển tập như một bài Sám văn, để bình thường hóa hơn công dụng của những kinh trên đi vào cuộc sống và tâm thức mọi người. Vì rằng thể loại sám văn được tụng đọc nhiều hơn, thuộc lòng nhiều hơn, sử dụng giản đơn hơn, còn kinh điển thì phải được tụng đọc trang nghiêm, có nghi thức khai kinh, mõ chuông ở trước Phật tiền.
Vẫn như quyển trước, tập III này có thêm phần các bài Sám văn âm chữ Hán mà chúng tôi mới sưu tầm thêm. Và vẫn tiếp tục việc đánh số theo thứ tự nối tiếp hai tập trước để dễ dàng nhận biết tìm kiếm, vì rằng tên tựa các bài sám văn thì hầu như đều giống nhau. Tập III này được bắt đầu từ bài thứ 111 đến bài 165. Ngoài ra, có đôi bài cần thiết tụng đọc nhưng chưa phải là một bài sám văn, chỉ là một bài kệ thường dùng, thì chúng tôi vẫn sưu tập vào đây để làm tư liệu cho quý độc giả, làm phần phụ lục thêm thôi.
Cuối cùng, vẫn chưa phải là hết cho công trình sưu tập các bài sám văn này, rất mong mỏi quý liệt vị Tôn Ðức Tăng Ni, Phật tử độc giả xa gần đóng góp bổ sung và cho ý kiến những chỗ sai sót, để chúng tôi kịp thời đính chính ở lần tái bản, cũng như được thêm tư liệu hoàn thành cho tập sau, ngõ hầu đầy đủ hơn, hoàn chỉnh hơn, không để các áng văn vần hay của chúng ta còn bị rơi rớt mai một đâu đó...
Và sau nữa, xin chân thành tri ân cùng cảm niệm công đức chư Tôn Túc Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni, cư sĩ Phật tử đã giúp đỡ cung cấp tư liệu để cho tuyển tập này được hoàn thành và ra mặt độc giả một cách trọn vẹn.
Trọng xuân năm Ðinh Sửu 1997
Người góp nhặt
THÍCH ÐỒNG BỔN
Nguồn: www.quangduc.com