dịch
- 2
- CHƯƠNG HAI
- HAI PHÁP
XII. PHẨM HY CẦU
1-11. - HY CẦU
1.- Tỷ-kheo có tín tâm, này các Tỷ-kheo,
nếu hy cầu một cách chơn chánh, sẽ hy cầu như sau : "Mong rằng ta sẽ
như Sàriputta bà Moggallàna". Đây là cán cân, này các Tỷ-kheo, đây là
đồ đo lường đối với các đệ tử Tỷ-kheo của Ta, tức là Sàriputta
và Moggallàna.
2. Tỷ-kheo-ni có tín tâm, này các Tỷ-kheo,
nếu hy cầu một cách chơn chánh, sẽ hy cầu như sau : "Mong rằng ta sẽ
như Tỷ-kheo-ni Khemà và Uppalavannà". Đây là cán cân, này các Tỷ-kheo,
đây là đồ đo lường đối với các đệ tử Tỷ-kheo-ni của Ta, tức là
Tỷ-kheo -ni Khemà và Uppalavannà.
3. Cư sĩ có tín tâm, này các Tỷ-kheo,
nếu hy cầu một cách chơn chánh, sẽ hy cầu như sau : "Mong rằng ta sẽ
như gia chủ Citta và Hatthaka ở Àlavì". Đây là cán cân, này các Tỷ-kheo,
đây là đồ đo lường đối với các đệ tử cư sĩ của Ta, tức là gia
chủ Citta và Hatthaka ở Àlavì.
4. Nữ cư sĩ có tín tâm, này các Tỷ-kheo,
nếu hy cầu một cách chơn chánh, sẽ hy cầu như sau : "Mong rằng ta sẽ
như nữ cư sĩ Khujjuttarà và Velukantakiyà, mẹ của Nanda". Đây là cán
cân, này các Tỷ-kheo, đây là đồ đo lường đối với các đệ tử nữ
cư sĩ của Ta, tức là nữ cư sĩ Khujjuttarà và Velukantakiyà, mẹ của
Nanda.
5. Thành tựu hai pháp, này các Tỷ-kheo,
kẻ ngu, vụng về, không phải bậc Chân nhân, tự mình xử sự như một vật
mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị kẻ trí quở trách và tạo nên
nhiều vô phước. Thế nào là hai ? Không có suy tư, không có thẩm sát,
tán thán người không đáng được tán thán, và chỉ trích người đáng
được tán thán. Do thành tựu hai pháp, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu, vụng về,
không phải bậc Chân nhân, tự mình xử sự như một vật mất gốc, bị
thương tích, phạm tội, bị kẻ trí quở trách và tạo nên nhiều vô phước.
Thành tựu hai pháp, này các Tỷ-kheo,
bậc hiền trí, khôn khéo, là bậc Chân nhân, tự mình xử sự không như một
vật mất gốc, không bị thương tích, không phạm tội, không bị kẻ trí
quở trách và tạo nên nhiều phước đức. Thế nào là hai ? Sau khi suy tư
và thẩm sát, tán thán người đáng được tán thán, và chỉ trích người
đáng bị chỉ trích. Do thành tựu hai pháp, này các Tỷ-kheo, bậc hiền
trí, khôn khéo, là bậc Chân nhân, tự mình xử sự không như một vật mất
gốc, không bị thương tích, không phạm tội, không bị kẻ trí quở trách
và tạo nên nhiều phước đức.
6. Thành tựu hai pháp, này các Tỷ-kheo,
kẻ ngu, vụng về, không phải bậc Chân nhân, tự mình xử sự như một vật
mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị kẻ trí quở trách và tạo nên
nhiều vô phước. Thế nào là hai ? Không có suy tư, không có thẩm sát, tự
cảm thấy tin tưởng đối với những chỗ không đáng tin tưởng, tự cảm
thấy không tin tưởng đối với những chỗ đáng tin tưởng. Do thành tựu
hai pháp, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu, vụng về, không phải bậc Chân nhân, tự
mình xử sự như một vật mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị kẻ
trí quở trách và tạo nên nhiều vô phước.
Thành tựu hai pháp, này các Tỷ-kheo,
bậc hiền trí, khôn khéo, là bậc Chân nhân, tự mình xử sự không như một
vật mất gốc, không bị thương tích, không phạm tội, không bị kẻ trí
quở trách và tạo nên nhiều phước đức. Thế nào là hai ? Sau khi suy tư
và thẩm sát, tự cảm thấy tin tưởng đối với những chỗ đáng tin tưởng,
tự cảm thấy không tin tưởng đối với những chỗ không đáng tin tưởng.
Do thành tựu hai pháp, này các Tỷ-kheo, bậc hiền trí, khôn khéo, là bậc
Chân nhân, tự mình xử sự không như một vật mất gốc, không bị thương
tích, không phạm tội, không bị kẻ trí quở trách và tạo nên nhiều phước
đức.
7. Do tà hạnh đối với hai (hạng
người) kẻ ngu, vụng về … nhiều vô phước. Đối với hai hạng người
nào ? Với mẹ và với cha. Do tà hạnh đối với hai (hạng người) kẻ
ngu, vụng về … nhiều vô phước.
Do chánh hạnh đối với hai (hạng
người), bậc hiền trí … nhiều phước đức. Đối với hai hạng người
nào ? Với mẹ và với cha. Do chánh hạnh đối với hai (hạng người), bậc
hiền trí … nhiều phước đức.
8. Do tà hạnh đối với hai (hạng
người) kẻ ngu, vụng về … nhiều vô phước. Đối với hai hạng người
nào ? Với Như Lai và với đệ tử của Như Lai. Do tà hạnh đối với hai
(hạng người) kẻ ngu, vụng về … nhiều vô phước.
Do chánh hạnh đối với hai (hạng
người), bậc hiền trí … tạo nên nhiều phước đức. Đối với hai hạng
người nào ? Với Như Lai và với đệ tử của Như Lai. Do chánh hạnh đối
với hai (hạng người), bậc hiền trí … tạo nên nhiều phước đức.
9. Này các Tỷ-kheo, có hai pháp
này. Thế nào là hai ? Thanh tịnh tự tâm và không chấp thủ một cái gì
ở đời. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai pháp.
10. Này các Tỷ-kheo, có hai pháp
này. Thế nào là hai ? Phẫn nộ và hiềm hận. Những pháp này, này các Tỷ-kheo,
là hai pháp.
11. Này các Tỷ-kheo, có hai pháp
này. Thế nào là hai ? Nhiếp phục phẫn nộ và nhiếp phục hiềm hận.. Những
pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai pháp.
--- o0o ---
|
Mục lục Kinh Tăng Chi bộ ||
Phẩm
kế
|
--- o0o ---
| Thư
Mục Tác Giả |
Tổ
chức đánh máy: Hứa Dân Cường
Trình bày : Nhị Tường
Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện
tử bộ Kinh này.
( Trang nhà Quảng Đức, 01/01/2002)
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục