dịch
- 3
- CHƯƠNG BA
- BA PHÁP
II. PHẨM NGƯỜI ĐÓNG XE
BA PHÁP
- Thành tựu với ba pháp này, này
các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng, sống đem lại bất hạnh cho đa số,
không lợi ích cho đa số, đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loại
người. Thế nào là ba ? Khuyến khích các thân nghiệp không tùy thuận ;
khuyến khích các ngữ nghiệp không tuỳ thuận. Thành tựu với ba pháp
này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng sống … cho chư Thiên và
loài người.
- Thành tựu với ba pháp này, này
các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng, sống đem lại hạnh phúc cho đa số,
an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc cho chư Thiên
và loại người. Thế nào là ba ? Khuyến khích các thân nghiệp tùy thuận
; khuyến khích các ngữ nghiệp tuỳ thuận ; khuyến khích các pháp tùy thuận.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng sống
đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem
lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài người.
BA CHỖ
- Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một
vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ. Thế
nào là ba ?
Tại chỗ nào, này các Tỷ-kheo, một
vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh được sanh ra ; đây là pháp thứ
nhất, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần
phải trọn đời ghi nhớ.
Lại nữa, tại chỗ nào, này các Tỷ-kheo,
một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, đây là pháp thứ hai, này
các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn
đời ghi nhớ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, tại chỗ
nào, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh sau khi chiến thắng một
trận, tại chỗ vị ấy chiếm như là cầm đầu trong cuộc chiến thắng ;
đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ
quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ.
Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một
vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba
pháp này, một Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ. Thế nào là ba ?
Tại chỗ nào, này các Tỷ-kheo, một
Tỷ-kheo cạo bỏ tóc, đắp áo cà sa ; xuất gia, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình ; đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần
phải trọn đời ghi nhớ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, tại chỗ
nào, Tỷ-kheo như thật biết rõ : "Đây là khổ", như thật rõ biết
: "Đây là khổ tập", như thật rõ biết : "Đây là khổ diệt",
như thật rõ biết : "Đây là con đường đưa đến khổ diệt" ;
đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải trọn đời
ghi nhớ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, tại chỗ
nào, môt Tỷ-kheo, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự
mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải
thoát, tuệ giải thoát ; đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo
cần phải trọn đời ghi nhớ.
Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một
Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ.
BA HẠNG NGƯỜI
- Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
xuất hiện, có mặt ở đời. Thế nào là ba ? Không hy vọng, có hy vọng,
ly hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người
không hy vọng ?, Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người được sanh trong một
gia đình thấp kém, gia đình một người đổ phân, hay gia đình một người
thợ săn hay gia đình một người đan tre, hay gia đình người đóng xe, hay
gia đình người quét rác, hay trong gia đình một người nghèo khổ, khó
tìm được đồ ăn uống để sống, khó tìm cho được đồ ăn đồ mặc
… Và người ấy xấu xí, khó ngó, lùn, thấp, nhiều bệnh hoạn, đui một
mắt, còm, què, hay đi khập khễnh, không có được đồ ăn, đồ uống đồ
mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ ở hay đèn. Người
ấy nghe nói như sau : "Vị Sát-đế-lỵ tên như vậy đã được các
Sát-đế-lỵ làm lễ quán đảnh theo lễ quán đảnh của các Sát-đế-lỵ".
Người ấy không nghĩ như sau : "Không biết khi nào Sát-đế-lỵ mới làm
lễ quán đảnh cho ta theo lễ quán đảnh của Sát-đế-lỵ ?". Người
như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người không hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người
có hy vọng ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, trưởng nam của vua Sát-đế-lỵ đã
làm lễ quán đảnh, xứng đáng để được làm lễ quán đảnh, nhưng
chưa làm lễ quán đảnh và đạt đến địa vị bất động, (đã đến tuổi
thành niên) Người ấy nghe nói như sau : "Vị Sát-đế-lỵ tên như vậy
đã được các Sát-đế-lỵ làm lễ quán đảnh theo lễ quán đảnh của các
Sát-đế-lỵ". Người ấy suy nghĩ như sau : "Không biết khi nào
Sát-đế-lỵ mới làm lễ quán đảnh cho ta theo lễ quán đảnh của Sát-đế-lỵ
?". Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người
ly hy vọng ? Ở đây này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
Vị ấy nghe nói như sau : "Vị Sát-đế-lỵ tên như vậy đã được các
Sát-đế-lỵ làm lễ quán đảnh theo lễ quán đảnh của các Sát-đế-lỵ".
Người ấy không nghĩ như sau : "Không biết khi nào Sát-đế-lỵ mới làm
lễ quán đảnh cho ta theo lễ quán đảnh của Sát-đế-lỵ ? "Vì cớ
sao ? Sự hy vọng được làm lễ quán đảnh trước khi chưa làm lễ quán
đảnh, hy vọng ấy được hoàn toàn chấm dứt. Người như vậy, này các
Tỷ-kheo, được gọi là người ly hy vọng.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
xuất hiện, có mặt ở đời. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba hạng người
xuất hiện, có mặt giữa các Tỷ-kheo. Thế nào là ba ? Không hy vọng, có
hy vọng, ly hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người
không hy vọng ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người ác giới, tánh tình độc
ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn,
nhưng hiện tướng là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có
Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh. Người
này nghe : "Tỷ-kheo có tên như vậy, do đoạn tận các lậu hoặc ngay
trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an
trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát". Người ấy không suy nghĩ
như sau : "Đến khi nào, do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại,
tự mình với thắng trí, ta sẽ chứng đạt, chứng ngộ và an trú vô lậu
tâm giải thoát, tuệ giải thoát". Người như vậy, này các Tỷ-kheo,
được gọi là người không hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người
có hy vọng ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo giữ tánh tình hiền
thiện. Vị ấy nghe : "Tỷ-kheo có tên như vậy, do đoạn tận các lậu
hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt
và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát". Người ấy suy
nghĩ như sau : "Đến khi nào, do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện
tại, tự mình với thắng trí, ta sẽ chứng đạt, chứng ngộ và an trú
vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát". Người như vậy, này các Tỷ-kheo,
được gọi là người có hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người
ly hy vọng ? Ở đây này các Tỷ-kheo, một vị A-la-hán, đã đoạn tận các
lậu hoặc. Vị này nghe : "Tỷ-kheo có tên như vậy … tuệ giải thoát".
Vị ấy không suy nghĩ như sau như sau : "Đến khi nào, do đoạn tận …
tuệ giải thoát". Vì cớ sao ? Hy vọng được giải thoát trước khi
chưa giải thoát, này các Tỷ-kheo, hy vọng ấy đã được hoàn toàn chấm
dứt. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, là người ly hy vọng.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo,
xuất hiện, có mặt giữa các vị Tỷ-kheo.
PHÁP
- Phàm vua Chuyển Luân nào, đúng
pháp, pháp vương, vị ấy cũng chuyển bánh xe (cai trị), không phải không
có vua.
Được nghe nói vậy, một Tỷ-kheo
bạch Thế Tôn :
- Bạch Thế Tôn, ai là vua cho vua
Chuyển Luân đúng pháp, pháp vương ?
- Đó là pháp, này Tỷ-kheo.
Thế Tôn nói :
- Ở đây, này Tỷ-kheo, vị Chuyển
Luân, đúng pháp, pháp vương, y cứ pháp, cung kính pháp, kính trọng pháp,
tôn kính pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm cờ xí, lấy pháp
làm tối thắng, ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với
quần chúng.
Lại nữa, này Tỷ-kheo, vua Chuyển
Luân, đúng pháp, pháp vương … ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng
pháp đối với các Sát-đế-lỵ, đối với các tùy tùng, đối với quân
đội, đối với các Bà-la-môn và gia chủ, đối với các thị trấn và quốc
độ, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn, đối với các loài thú và các loài
chim.
Vua Chuyển Luân ấy, này các Tỷ-kheo,
đúng pháp … sau khi ra lệnh hộ trì, che chở … đối với các loài thú
và các loài chim, chuyển bánh xe đúng pháp. Bánh xe ấy không bị ngăn cản
sự chuyển vận, bởi bất cứ người nào, hay bởi loài hữu tình thù nghịch
nào.
Cũng vậy, này Tỷ-kheo, Như Lai, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, đúng pháp, vị Pháp Vương, ý cứ pháp, cung
kính pháp, kính trọng pháp, tôn kính pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy
pháp làm cờ xí, lấy pháp làm tối thắng, ra lệnh hộ trì, che chở, ủng
hộ đúng pháp đối với thân nghiệp, nghĩ rằng : "Thân nghiệp như vậy
cần phải hành trì, thân nghiệp như vậy không được hành trì".
Lại nữa, này Tỷ-kheo, Như Lai, bậc
A-la-hán … ủng hộ đúng pháp đối với khẩu nghiệp, nghĩ rằng :
"Khẩu nghiệp như vậy cần phải hành trì, Khẩu nghiệp như vậy không
được hành trì, đối với ý nghiệp", nghĩ rằng "Ý nghiệp như vậy
cần phải hành trì, Ý nghiệp như vậy không được hành trì".
Như Lai ấy, này Tỷ-kheo, bậc
A-la-hán … đúng pháp, sau khi ra lệnh hộ trì che chở … đối với thân
nghiệp … đối với khẩu nghiệp … đối với ý nghiệp … chuyển bánh
xe đúng pháp. Bánh xe ấy không bị ngăn chặn sự chuyển vận, bởi Sa-môn,
Bà-la-môn, chư Thiên, Ác ma, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời.
NGƯỜI ĐÓNG THÙNG XE HAY PACETANA.
Một thời Thế Tôn ở tại
Bàranàsi, Isipatana, chỗ Vườn Nai, tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo :
- Này các Tỷ-kheo.
- Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo vâng đáp Thế Tôn. Thế
Tôn nói như sau :
- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có vị
vua tên là Pacetana. Rồi, này các Tỷ-kheo, vua Pacetana cho gọi người thợ
đóng xe :
- "Này người đóng xe, sau sáu
tháng, sẽ có trận chiến. Này người đóng xe, ông có thể làm cho ta một
cặp bánh xe mới được không ?"
- "Thưa Đại Vương, có thể
được".
Người đóng xe trả lời cho vua
Pacetana.
Rồi này các Tỷ-kheo, người đóng
xe, sau sáu tháng trừ sáu ngày, làm xong một bánh xe. Rồi vua Pacetana bảo
người đóng xe :
- "Sau sáu ngày, này người đóng
xe, sẽ có trận chiến. Đôi bánh xe mới có thể làm xong được không
?"
- "Thưa Đại vương, sau sáu
tháng trừ sáu ngày, một bánh xe đã làm xong".
- "Này người đóng xe, Ông có
thể, với sáu ngày (còn lại) này, làm xong bánh xe thứ hai ?"
- "Thưa Đại vương, con có thể
làm được".
Người đóng xe trả lời cho vua
Pacetana.
Rồi này các Tỷ-kheo, người đóng
xe trong sáu ngày, sau khi làm xong bánh xe thứ hai, cầm cặp bánh xe mới, đi
đến vua Pacetana ; sau khi đến, thưa với vua Pacetana :
- "Thưa Đại vương, cặp bánh
xe mới này đã làm xong cho Ngài".
- "Này người đóng xe, cái
bánh xe này làm xong trong sáu tháng trừ sáu ngày và cái bánh xe này làm
xong trong sáu ngày, có cái gì sai khác giữa hai cái này, ta không thấy có
các gì sai khác hết".
- "Có sự sai khác giữa hai cái
này, thưa Đại vương. Thưa Đại vương, hãy nhìn sự sai khác".
Rồi, này các Tỷ-kheo, người đóng
xe đẩy cho chạy bánh xe được làm trong sáu ngày. Bánh xe ấy tiếp tục
chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại rồi xoay quanh vài
vòng và rơi xuống đất. Rồi nó đẩy cho chạy bánh được làm xong trong
sáu tháng trừ sáu ngày. Bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy
(ban đầu) còn tồn tại, rồi nó đứng lại như đang mắc vào trong trục
xe.
- "Do nhân gì, này người đóng
xe, do duyên gì cái bánh xe được làm trong sáu ngày, tiếp tục chạy cho đến
khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi xoay quanh vài vòng và rơi xuống
đất. Do nhân gì, này Người đóng xe, do duyên gì cái bánh xe được làm
trong sáu tháng trừ sáu ngày, tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban
đầu) còn tồn tại, rồi nó đứng lại như mắc vào trục xe ?"
- "Thưa Đại vương, cái bánh
xe này được làm trong sáu ngày, vành xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết
điểm ; các căm xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm, trục xe bị
cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm. Vì rằng vành xe bị cong, có chỗ hỏng,
có khuyết điểm ; vì rằng các căm xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết
điểm, vì rằng trục xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm nên bánh
xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi
xoay quanh vài vòng rồi rơi xuống đất. Còn bánh kia, thưa Đại Vương,
được làm xong trong sáu tháng trừ sáu ngày, bánh xe ấy không bị cong,
không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm ; trục xe không bị cong, không
có chỗ hỏng, không có khuyết điểm. Vì rằng vành xe không bị cong,
không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm ; vì rằng các căm xe không bị
cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm, vì rằng trục xe không bị
cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm nên bánh xe ấy tiếp tục
chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, nó đứng lại như
đang mắc vào ở trong trục xe.
Rất có thể, này các Tỷ-kheo, các
thầy nghĩ rằng trong thời ấy, người đóng xe ấy là một người khác.
Này các Tỷ-kheo, chớ có nghĩ như vậy. Trong thời ấy, ta chính là người
đóng xe. Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, ta khéo léo về chỗ cong của gỗ,
về chỗ hỏng của gỗ, về khuyết điểm của gỗ. Nay, này các Tỷ-kheo,
ta là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, khéo léo về chỗ cong của thân, về
chỗ hỏng của thân, về khuyết điểm của thân ; khéo léo về chỗ cong của
lời nói, về chỗ hỏng của lời nói, về khuyết điểm của lời nói ;
khéo léo về chỗ cong của ý, về chỗ hỏng của ý, về khuyết điểm của
ý.
Đối với các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo
ni nào, thân cong không có đoạn tận, thân hư hỏng, thân khuyết điểm (không
có đoạn tận), lời nói cong không có đoạn tận, lời nói hư hỏng, lời
nói khuyết điểm (không có đoạn tận), ý cong không có đoạn tận, ý hư
hỏng, ý khuyết điểm (không có đoạn tận), như vậy, này các Tỷ-kheo, vị
ấy rời khỏi pháp luật này, ví như bánh xe ấy được làm xong trong sáu
ngày.
Đối với các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo
ni nào, thân cong được đoạn tận, thân hư hỏng, thân khuyết điểm (được
đoạn tận), lời nói cong … ý cong được đoạn tận, ý hư hỏng, ý khuyết
điểm (được đoạn tận), như vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy an trú trong
pháp luật này, ví như bánh xe ấy được làm xong trong sáu tháng trừ sáu
ngày.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học
tập như sau : "Chúng tôi sẽ đoạn tận thân cong, thân hư hỏng, thân
khuyết điểm, chúng tôi sẽ đoạn tận lời nói cong, lời hư hỏng, lời
nói khuyết điểm, chúng tôi sẽ đoạn tận ý cong, ý hư hỏng, ý khuyết
điểm". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
CON ĐƯỜNG KHÔNG CÓ LỖI LẦM
- Thành tựu ba pháp, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo thực hành con đường không có lầm lỗi, và có những căn bản thắng
tấn để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là ba ? Ở đây, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm cảnh giác.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo
hộ trì các căn ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng.
Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được bảo vệ, khiến tham ưu, các
ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự bảo vệ nguyên nhân ấy, phòng
hộ nhãn căn, thật hành phòng hộ nhãn căn. Khi tai nghe tiếng … mũi ngửi
hương … lưỡi nếm vị … thân cảm xúc … ý nhận thức các pháp, vị
ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những
nguyên nhân gì, ví ý căn không được bảo vệ, khiến tham mưu, các ác bất
thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo bảo vệ nguyên nhân ấy, phòng hộ ý căn,
thật hành phòng hộ ý căn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo hộ trì
các căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo
tiết độ trong ăn uống ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
như lý gác sát thọ dụng các món ăn, không phải để vui đùa, không phải
để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình,
mà chỉ để thân này được an trú và được bảo dưỡng, để (thân
này) khỏi bị thương hại, để hộ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng : ",
Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ, và không cho khởi lên các cảm thọ
mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn". Như vậy, này
các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo
chú tâm cảnh giác ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
ban ngày trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái,
ban đêm trong canh một, trong khi đi kinh hành và ngồi,, gột sạch tâm khỏi
các triền cái, ban đêm trong giữa canh, nằm xuống như con sư tử về phía
hông bên phải, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giấc, tác ý tưởng
thức dậy, ban đêm trong canh cuối, sau khi thức dậy trong khi đi kinh hành
và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
chú tâm cảnh giác.
Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo thực hành con đường không có lỗi lầm, và có những căn bản thắng
tấn để đoạn diệt các lậu hoặc.
BA PHÁP
- Có ba pháp này, này các Tỷ-kheo,
đưa đến hại mình, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai. Thế
nào là ba ? Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo,
đưa đến hại mình, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai.
Có ba pháp này, này các Tỷ-kheo,
không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người, không đưa đến hại
cả hai. Thế nào là ba ? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện.
Có ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến hại mình, không đưa đến
hại người, không đưa đến hại cả hai.
THIÊN GIỚI
- Nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các
thầy như sau : "Chư Hiền, có phải Sa-môn Gotama sống Phạm hạnh để
được sanh lên cõi Trời ? "Này các Tỷ-kheo, được hỏi vậy, các Thầy
có bực phiền, tủi nhục, chán ngấy đối với thiên sắc, thiên lạc,
thiên danh vọng, thiên thù thắng, còn nói gì, này các Tỷ-kheo, đối với
thân làm ác, các Thầy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy như thế nào, đối
với miệng nói ác … đối với ý nghĩ ác, các Thầy bực phiền, tủi nhục,
chán ngấy như thế nào.
NGƯỜI BUÔN BÁN
- Thành tựu ba chi phần, này các Tỷ-kheo,
một người buôn bán không thâu nhận được tài sản chưa thâu nhận và
không tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận. Thế nào là ba ? Ở đây,
này các Tỷ-kheo, người buôn bán, vào buổi sáng không có nhiệt tâm chăm
chú vào công việc, vào buổi trưa không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc,
vào buổi chiều không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc. Thành tựu với
ba chi phần này, này các Tỷ-kheo, một người buôn bán không thâu nhận
được tài sản chưa được thâu nhận và không tăng trưởng tài sản đã
được thâu nhận.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo
thành tựu ba chi phần, không thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu
nhận, không tăng trưởng được thiện pháp đã được thâu nhận. Thế
nào là ba ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vào buổi sáng không có nhiệt tâm chăm
chú vào định tướng, vào buổi trưa không có nhiệt tâm chăm chú vào định
tướng, vào buổi chiều không có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng. Thành
tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo không thâu nhận được
thiện pháp chưa được thâu nhận, và không tăng trưởng thiện pháp đã
được thâu nhận.
Thành tựu ba chi phần, này các Tỷ-kheo,
một người buôn bán thâu nhận được tài sản chưa thâu nhận, tăng trưởng
tài sản đã được thâu nhận. Thế nào là ba ? Ở đây, này các Tỷ-kheo,
người buôn bán, vào buổi sáng có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào
buổi trưa có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi chiều có nhiệt
tâm chăm chú vào công việc. Thành tựu với ba chi phần này, này các Tỷ-kheo,
một người buôn bán thâu nhận được tài sản chưa được thâu nhận và
không tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo
thành tựu ba pháp, thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, tăng
trưởng thiện pháp đã được thâu nhận. Thế nào là ba ? Ở đây, này
các Tỷ-kheo, vào buổi sáng có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào
buổi trưa có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào buổi chiều có
nhiệt tâm chăm chú vào định tướng. Thành tựu với ba pháp này, này các
Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận,
và tăng trưởng thiện pháp đã được thâu nhận.
NGƯỜI BUÔN BÁN
- Thành tựu với ba chi phần, này
các Tỷ-kheo, người buôn bán không bao lâu đạt được về tài sản lớn
mạnh và rộng lớn. Thế nào là ba ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người
buôn bán có mắt, khéo phấn đấu xây dựng được cơ bản.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người
buôn bán có mắt ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán biết các thương
phẩm. Vật này mua như vậy, bán như vậy, sẽ đưa lại tiền như vậy, tiền
lời như vậy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán có mắt.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là
người buôn bán khéo phấn đấu ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người
thương gia khéo léo mua và bán các thương phẩm. Như vậy, này các Tỷ-kheo,
là người buôn bán khéo phấn đấu.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người
thương gia xây dựng được căn bản ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn
bán được các gia chủ hay con các gia chủ, được các nhà giàu, có tiền
bạc lớn, có tài sản lớn biết đến như sau : "Người buôn bán này
là người có mắt, khéo phấn đấu, có đủ sức cấp dưỡng vợ con, và
thường trả tiền lời cho chúng ta. Chúng ta trao hàng hóa cho người này :
"Này bạn thương gia, hãy lấy tiền này, xây dựng tài sản để nuôi
dưỡng vợ con và thường thường trả tiền lời cho chúng tôi". Như vậy,
này các Tỷ-kheo, là người buôn bán xây dựng do có cơ bản.
Thành tựu với ba chi phần này,
này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo không bao lâu, đạt đến lớn mạnh và rộng
lớn về các Thiện pháp. Thế nào là ba ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
có mắt khéo phấn đấu và xây dựng được cơ bản.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo
có mắt ? ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật biết rõ : "Đây
là khổ"… như thật rõ biết : "Đây là con đường đưa đến khổ
diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo có mắt.
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo,
là Tỷ-kheo khéo phấn đấu ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tin cần
tinh tấn, đoạn tận các pháp bất thiện, làm cho sanh khởi các pháp thiện,
dõng mãnh, kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng đối với các
thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo khéo phấn đấu.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo
xây dựng được cơ bản ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các
Tỷ-kheo nghe nhiều, thông hiểu các tập À-gà-ma (A-hàm) bậc trì Pháp, trì
Luật, trì Toát yếu, thường thường đến yết kiến, phỏng vấn, đặt các
câu hỏi : "Thưa Tôn giả, cái này là thế nào ? Pháp này ý nghĩa gì ?
"Các Tôn giả ấy mở rộng những gì chưa được mở rộng, phơi bày
những gì chưa được phơi bày, và đối với những đoạn sai khác còn có
những chỗ nghi ngờ, các vị ấy giải thích sự nghi ngờ. Như vậy, này
các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo xây dựng được cơ bản.
Thành tựu với ba pháp này, này
các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu, đạt đến sự lớn mạnh và rộng lớn
về các thiện pháp.
--- o0o ---
|
Mục lục Kinh Tăng Chi bộ ||
Phẩm
kế
|
--- o0o ---
| Thư
Mục Tác Giả |
Tổ
chức đánh máy: Hứa Dân Cường
Trình bày : Nhị Tường
Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện
tử bộ Kinh này.
( Trang nhà Quảng Đức, 01/01/2002)
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục