Phẩm
24: Chữa Trị Bịnh Khổ
(1) Xin cha thương tưởng con. Con muốn cứu mọi người. Nay con hỏi y thuật, mong cha nói cho con. (2) Tại sao thân suy hỏng, tứ đại có thêm bớt? Và ở vào lúc nào thì bịnh tật sinh ra? (3) Ăn uống như thế nào để hưởng được yên vui? Làm sao trong cơ thể nhiệt lực không suy tổn? (4) Bịnh con người có bốn, có bịnh phong, nhiệt, đàm, lại có bịnh hỗn hợp, làm sao trị liệu được? (5) Lúc nào nổi bịnh phong? lúc nào phát bịnh nhiệt? lúc nào động bịnh đàm? lúc nào bịnh hỗn hợp?
Trì thủy trưởng gia nghe con hỏi rồi, cũng nói lại bằng chỉnh cú.
(6) Y theo phép chữa bịnh của tiên nhân đời xưa, cha tuần tự nói cho, khéo nghe để cứu người. (7) Ba tháng là mùa xuân, ba tháng là mùa hè, ba tháng là mùa thu, ba tháng là mùa đông. (8) Ấy là theo một năm ba tháng một mà nói. Hai tháng một một tiết một năm thành sáu tiết: (9) giêng hai là tiết hoa, ba tư là tiết nóng, năm sáu là tiết mưa, bảy tám là tiết thu, (10) chín mười là tiết lạnh một chạp là tiết tuyết. Phải phân biệt như vậy, cho thuốc đừng sai chậy (11) Tùy theo mùa tiết ấy mà điều hòa ăn uống, vào bụng tiêu hóa được, mọi bịnh mới không sinh. (12) Khí hậu nếu thay đổi thì tứ đại biến động, bấy giờ mà không thuốc thì tất sinh bịnh khổ. (13) Thầy thuốc biết bốn mùa, lại biết về sáu tiết, biết bảy phần cơ thể thì cho thuốc không sai. (14) Bảy phần là vị (97) , máu, thịt, mỡ, xương, tủy, não. Biết bịnh nhập bảy phần lại biết chữa được không. (15) Bịnh thì có bốn loại: các loại phong, nhiệt, đàm, và loại bịnh hỗn hợp, nên biết lúc chúng phát: (16) mùa xuân phát bịnh đàm mùa hè phát bịnh phong, mùa thu phát bịnh nhiệt, mùa đông biểnh hỗn hợp. (17) Xuân ăn chất nóng cay, hè béo nóng mặn dấm, thu ăn lạnh ngọt béo, đông ăn chát béo ngọt. (18) Trong bốn mùa như vậy, dùng thuốc và ăn uống theo như mùi vị ấy, bịnh không lý do sinh. (19) Sau ăn bịnh do đàm, ăn tiêu bịnh do nhiệt, sau tiêu bịnh do phong, cứ thế nhận thức bịnh. (20) Nhận thức gốc bịnh rồi, tùy bịnh mà cho thuốc. Nếu bịnh trạng khác đi, cũng chữa cái gốc trước. (21) Phong thì dùng dầu, kem, nhiệt thì lợi đại tiểu, đàm thì hóa, thông, thổ, hỗn hợp thì cả ba. (22) Phong nhiệt đàm cùng có, thế gọi là hỗn hợp. Tuy biết lúc bịnh phát, cũng phải xét gốc bịnh. (23) Xét biết như vậy rồi, tùy lúc mà cho thuốc. Ăn, uống, thuốc, không sai, mới gọi thầy thuốc giỏi. (24) Lại nữa biết tám thuật bao quát mọi cách chữa. Nếu hiểu rõ tám thuật hãy chữa bịnh cho người. (25) Tám thuật là châm chích, giải phẫu, chữa thân bịnh, chữa tâm bịnh, trúng độc, khoa nhi với khoa lão, sau hết là dưỡng sinh, [đó, tám thuật chữa bịnh]. (26) Trước xem xét hình sắc, nói năng và tánh tình, sau hỏi đến chiêm bao, thì biết phong nhiệt đàm. (27) Khô ốm đầu ít tóc, tâm tính không ổn định, nói nhiều mộng bay đi, đó là thuộc loại phong. (28) Tuổi trẻ mọc tóc trắng, nhiều mồ hôi, hay giận, thông minh, mộng thấy lửa, đó là thuộc loại nhiệt. (29) Tâm ổn, thân ngay thẳng, nghĩ kyլ đầu nhờn, cáu, mộng thấy nước, vật trắng, đó là thuộc loại đàm. (30) Hỗn hợp thì có chung, chung hai hay chung ba, và hễ loại nào nhiều là tính bịnh hỗn hợp. (31) Biết gốc, đặc tính bịnh, chuẩn bịnh mà cho thuốc. Nhưng thấy không tướng chết mới rõ bịnh cứu được. (32) Giác quan thì thác loạn, khinh khi thầy thuốc giỏi, thấy bạn thân cũng giận, đó là hiện tượng chết. (33) Mắt trái biến màu trắng lưỡi đen, sống mũi lệch, vành tai không như cũ, môi dưới thì xệ xuống (98) (34) Ha lê lặc một thứ có đủ cả sáu vị, trừ được tất cả bịnh, là thuốc vua, không kị. (35) Lại ba trái ba cay (99) là thuốc dễ có được, đường cát, mật ong, sữa, cũng chữa được nhiều bịnh. (36) Ngoài ra, dược liệu khác, tùy bịnh mà thêm vào. Nhưng trước phải từ tâm, đừng mưu tính tài lợi. (37) Cha đã nói những việc cần cho sự chữa bịnh. Con đem ra cứu người thì phước sẽ vô biên.
Nguồn: www.quangduc.com