.
THỦ LĂNG NGHIÊM KINH
TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Pháp Sư Thích Từ Thông
Tập I
---o0o---
CHƯƠNG THỨ
BA
Sắc ấm
Thọ ấm
Tưởng ấm
Hành ấm
Thức ấm
Nhãn nhập
Nhĩ nhập
Tỷ nhập
Thiệt nhập
Thân nhập
Ý nhập
Sắc và kiến
Thanh và thính
Hương và khứu
Vị và thường
Xúc và thân
Pháp và ý
1. TRONG THÂN THỂ VÔ
THƯỜNG SANH DIỆT CÒN CÓ CÁI THƯỜNG,
BẤT SANH BẤT DIỆT (^)
Ông
A Nan và đại chúng nghe lời Phật dạy,
thân tâm thư thái, nghĩ mình vô thỉ
đến nay bỏ mất bổn tâm, lầm nhận sự
phân biệt bóng dáng tiền trần làm
tâm. Ngày nay được Phật khai ngộ, như
em bé mất sữa bỗng được gặp mẹ
hiền, đồng chấp tay lễ Phật, cầu xin
chỉ cho chỗ chân vọng thực hư, ở nơi
thân tâm hiện tiền phát minh hai tánh:
sanh diệt và không sanh diệt.
Bấy
giờ vua Ba Tư Nặc đứng dậy thưa:
-
Bạch Thế Tôn: Khi chưa được gặp Phật,
tôi nghe bọn Ca Chiên Diên, Tỳ La Chi Tử
nói rằng: Thân này chết rồi là mất
hẳn, gọi đó là Niết Bàn. Nay tuy
được gặp Phật, nghe pháp, nhưng tôi
vẫn còn hồ nghi, xin Thế Tôn chỉ dạy,
làm thế nào để được nơi thân tâm
này cái gì không sanh diệt ?
Phật
bảo: Này Đại Vương ! Như Đại Vương
đã biết: Cái thân vô thường, vận
động, sanh diệt chuyển biến theo năm
tháng của thời gian, không có một giây
phút, một sát na dừng trụ. Từ thời
thơ ấu đến tuổi trưởng thành, độ
thanh xuân nào rồi cũng đến lúc da mồi
tóc bạc
mà Đại Vương biết chắc
là nó sẽ tiêu mà hoại diệt. Thưa
Đại Vương ! Đó là chân lý của cuộc
đời; hữu tình vô tình cùng chung một
định luật sanh diệt, diệt sanh của vạn
pháp hiện tượng.
Nhưng
nầy ! Thưa Đại Vương ! Như Đại Vương
vừa nói: Lúc 3 tuổi cùng mẹ đi cúng
lễ thần Kỳ Bà Thiên, đó là lần
đầu tiên Đại Vương thấy nước sông
Hằng, rồi năm 13 tuổi cho đến nay Đại
Vương 62 tuổi mà "cái thấy" của
Đại Vương thấy nước sông Hằng vẫn y
nguyên không sai khác !
Thưa
Đại Vương ! Dựa trên khái niệm thời
gian tương đối mà đánh giá tuổi tác
con người. Hiện nay mặt Đại Vương tuy
nhăn, nhưng tánh thấy của Đại Vương
không nhăn; tóc Đại Vương bạc, mà
cái thấy của Đại Vương không bạc.
Cái có bị nhăn, bị bạc là những cái
có sanh diệt, đổi thay. Cái không nhăn,
không bạc, không bị chi phối bởi luật
vô thường thì làm chi có thay đổi !
Có đổi thay thì có hoại diệt, không
thay đổi, đồng nghĩa với bất diệt,
bất sanh. Đại Vương còn sợ gì cái
thuyết "đoạn kiến" của bọn Mạt
Già Lê, bảo rằng: "Thân nầy chết
là mất hẳn"?
Nhà
vua nghe lời Phật, nhận biết về sau khi
bỏ thân nầy không phải mất hẳn. Vua
và đại chúng hớn hở vui mừng,
được cái chưa từng có.
*
* *
TRỰC
CHỈ
Đọc đoạn kinh
trên, tôi chợt liên tưởng đến câu
thơ của Tố Như tiên sinh, một thi hào
Việt Nam, thế kỷ 18 viết:
"
Rằng:
những đấng tài hoa
Thác là
thể phách, còn là tinh anh".
Cái
"Tinh anh" mà Tố Như tiên sinh
nói, ta có thể hiểu cái từ: "Linh
tri", "Giác Linh", "Linh
hồn" hay "Thần thức" tuyệt
đại đa số loài người trên mặt đất
đều tin tưởng, rằng sau khi con người
chết, còn "một cái" trong những
từ đó. Nhưng "cái đó" sẽ ở
đâu và sẽ đi về đâu, điều đó tùy
tập quán tín ngưỡng và tôn giáo mà
người đó tôn thờ.
Ở
đoạn kinh nầy, cái "tinh anh"
không mất của con người sau khi chết,
người đệ tử Phật có thể hiểu đó
là: "Bản thể chơn như của hiện
tượng vạn hữu", cũng gọi là
"Như Lai Tàng" và ta sẽ thấy
đức Phật dạy rõ ở những đoạn kinh
sau: Bởi vì theo giáo lý Phật không có
một hiện tượng sanh diệt nào rời
ngoài bản thể chơn như của nó; cũng
như không có một bản thể chơn như nào
không biểu hiện qua hiện tượng vạn
hữu. Những đợt sóng sanh diệt, sanh
trên mặt nước phẳng lặng vốn dĩ bất
sanh. Nếu sóng lặng đi rồi, mặt nước
phẳng lặng như tờ hãy còn nguyên đó.
Phật
khai thị cho vua Ba Tư Nặc và đại chúng:
Sắc thân là một hiện tượng, một
dạng vật lý cho nên bị chi phối bởi
định luật vô thường sanh diệt của vạn
pháp hiện tượng hữu vi. Trong cái vô
thường còn có cái thường, đó là
cái tánh thấy, tánh thấy cũng là một
hiện tượng, nhưng là hiện tượng của
một dạng tâm lý của bản thể chơn như,
cho nên sự sanh diệt của hiện tượng
tâm lý chỉ là sự tùy duyên biểu
hiện của bản thể. Do vậy, thân già
nhưng tánh thấy không già; tóc bạc mà
tánh thấy không bạc
Cái có già
có bạc có đổi thay rồi sẽ hoại diệt
mất đi. Bản thể chân thường thì không
chịu sự chi phối của hiện tượng vật
lý hữu vi sanh diệt
"Xuân đến trăm
hoa nở
Xuân đi
trăm hoa rụng
Sự vật
đổi thay trông trước mắt
Già nua
biểu hiện mái tóc nâu
Đừng
tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Trước
sân, xuân nọ cành mai hãy còn"
(Xuân đáo bách hoa
khai
Xuân khứ
bách hoa lạc
Sự trục
nhãn tiền quá
Lão tùng
đầu thượng lai
Mạc vị
xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền
tạc dạ nhất chi mai)
MÃN
GIÁC THIỀN SƯ
Mai nở mai rụng
là hiện tượng sanh diệt của hoa mai trong
một thời kỳ 5 đến 7 ngày. Còn cây mai
trước sân của đêm xuân hôm ấy, sẽ
tiếp nối trưởng thành để rồi xuân
tới và xuân tới nữa cứ lại trổ
hoa mai
*
* *
2. RẰNG NGƯỢC
RẰNG XUÔI CHỈ LÀ SỰ ÁP ĐẶT CHỦ QUAN,
MỘT Ý THỨC CHẤP MẮC !(^)
Ông
A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ
Phật, chấp tay quỳ gối và thưa:
-
Bạch Thế Tôn ! Nếu tánh thấy thật
không sanh diệt, cớ sao Thế Tôn lại
gọi bọn chúng tôi là bỏ mất chơn
tánh làm việc trái ngược ? Xin Phật
mở lòng thương xót rửa sạch trần
cấu cho chúng tôi !
Bấy
giờ Phật duỗi cánh tay hướng xuống
đất bảo ông A Nan rằng:
-
Ông thấy tay tôi như thế này là xuôi
hay ngược ?
Ông
A Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Mọi người
thế gian cho như vậy là ngược, còn tôi
thì không biết thế nào là ngược, thế
nào là xuôi.
Nếu
người thế gian cho như vậy là ngược
thì họ gọi thế nào là xuôi ?
-
Như Lai đưa cánh tay hướng lên trên
không thì gọi là xuôi.
Bấy
giờ Phật đưa cánh tay lên và bảo ông
A Nan: Cái trái ngược của các ông là
ở chỗ đó chỉ một việc thay đổi lẫn
nhau, vậy mà người thế gian gán cho cái
thấy một ý niệm Ngược, Xuôi ! A
Nan ! Thân ông và thân Như Lai chẳng
khác gì nhau, nhưng thân Như Lai là pháp
thân thanh tịnh chánh biến tri giác, còn
ông thì gọi là người làm việc trái
ngược bỏ mất chân tánh. Vậy ông hãy
chín chắn nghĩ suy tìm xem sự trái
ngược của thân ông và thân Phật
khác ở chỗ nào ?
Ông
A Nan và đại chúng chăm chăm ngó Phật
mắt không lay động chẳng biết thân tâm
trái ngược do ở nơi đâu ?
Đức
Phật khởi lòng thương xót, phát tiếng
hải triều, bảo khắp đại chúng: Các
thiện nam tử ! Tôi thường nói: Sắc,
tâm và tâm Sở pháp đều duy tâm
hiện. Thân tâm các ông chỉ là vật ở
trong chân tâm minh diệu. Tại sao các ông
bỏ mất đi cái chân tâm minh diệu quý
báu mà nhận lấy cái mê trong ngộ ?
A
Nan ! Do mê muội nhận thấy không. Cái
không phải không, nhận cho là sắc. Sắc
có xen tưởng thì nhận đó là thân.
Cảnh sắc bên ngoài phản ánh tư tưởng
bên trong rồi cho cái tác dụng nghĩ
ngợi lăng xăng là tâm tánh. Một phen
lầm cho đó là tâm thì quyết định cũng
lầm cho "tâm ở trong thân". Do
đó, không thể hiểu được rằng: Sắc,
tâm, núi, sông, đất liền cho đến cả
hư không đều là những vật trong Chân
Tâm Minh Diệu. Thật chẳng khác trăm
ngàn biển lớn sạch trong chỉ nhận một
cái bọt nước rồi cho đó là nước
của toàn thể đại dương. Bọn các ông
là kẻ mê trong những người mê, chỉ
một cánh tay tôi mà nảy sanh quan niệm
Ngược xuôi, tranh biện. Như Lai gọi
các ông là những người đáng thương
xót.
*
* *
TRỰC
CHỈ
Duy thức luận
nói:
"Danh sư hổ vi
khách
Kỳ tánh
ưng tầm tư"
Đứng
bên mặt chơn tế, vạn pháp vốn không
có tuổi tên. Đặt ra tên tuổi là do
biến kế chấp của ý thức con người.
Bên mặt tục đế, xã hội loài người
không thể không đặt tên sự vật để
khái niệm để nhận thức và xưng gọi.
Đặt cho sự vật vạn pháp một danh ngôn
để xưng gọi mà con người sống phù
hợp theo tánh hiện thực khách quan của
nó, thì cũng chẳng có gì tội lỗi
đáng trách. Trái lại, đó còn là một
yêu cầu tự nhiên của quá trình tiến
hóa, cho cuộc sống loài người. Tai hại
của danh ngôn là do sanh lòng chấp mắc.
Chỉ một cánh tay Phật duỗi xuống mà sanh
khởi ý niệm ngược xuôi. Mầm mống
tranh chấp thị phi dựa trên cơ sở
"biến kế" ấy phát sanh. Cái
cánh tay hiện thực, thì mọi người
đánh mất cái vai trò Như Thị khách quan
của nó. Lấy một cánh tay Phật làm
ước lệ, để chỉ rõ cho đại chúng
cái tánh chất tai hại của "biến kế
danh ngôn". Do "biến kế sở
chấp", con người không nhận thức
đúng tự tánh "y tha khởi" của
sự vật hiện tượng. Vì vậy, con
người không sao biết được tánh
"thắng nghĩa" "chơn như"
và tánh "thường như viên thành
thật" của hiện tượng vạn pháp.
Cùng
là thân, mà thân Phật gọi là pháp
thân thanh tịnh Chánh biến tri giác. Bởi
vì Như Lai làm chủ bản thân, làm chủ
vạn pháp, làm chủ tâm tánh mình. Như
Lai nhìn hiện tượng vạn pháp với cái Tri
kiến Vô kiến. Vì vậy, Như lai là
bậc Pháp Vương. Ông A Nan và
tất cả chúng sanh nhận thức vạn pháp
theo Tri Kiến Lập Tri cho nên
Phật gọi là những người làm việc
trái ngược bỏ mất chơn tánh.
"Sắc,
tâm và tâm Sở pháp đều duy tâm
hiện". Chữ tâm phải được hiểu
là đệ bát thức Alaya. Chỉ có đệ bát
Alaya mới đủ tiêu chuẩn là "Chân
tâm minh diệu".
Duy thức luận
nói:
"Tính duy vô phú,
ngũ biến hành
Hạo hạo
tam tàng bất khả cùng
Uyên thâm
thất lảng cảnh vi phong
Thọ huân
trì chủng căn thân khí
"
Nếu
cho rằng tâm ở trong thân, chẳng khác
nhận một cái bong bóng nước cho là
nước của toàn thể đại dương. Nên
biết rằng sắc, thân, núi, sông, đất
liền
cho đến cả hư không, đều là
những vật trong Chân Tâm Minh Diệu
ấy !
*
* *
3. LỰA BỎ TÂM
VƯƠNG VÍU CẢNH DUYÊN
ĐỂ CHỈ TÁNH THẤY KHÔNG CHỖ TRẢ VỀ(^)
Ông
A Nan nghe lời dạy bảo thâm thiết của
Phật, sung sướng rơi nước mắt, vòng
tay mà bạch Phật rằng: Tôi nghe diệu âm
của Phật, dù nhận rõ chân tâm minh
diệu vốn là tâm địa thường trú viên
mãn, nhưng chỉ nhận trên pháp âm Phật
nói. Tôi đang dùng tâm vương víu cảnh
duyên thỏa mãn lòng ái mộ Phật. Tôi
cũng chỉ nhận thức được một cách mơ
hồ chưa dám nhận đó là tâm địa vốn
có của mình. Mong Phật thương xót dùng
viên âm dạy bảo, nhổ gốc nghi ngờ cho
tôi được về với đường vô
thượng giác.
Phật
bảo: Bọn ông còn lấy tâm vướng víu
cảnh duyên mà nghe pháp, thì pháp đó
cũng chỉ là pháp tướng vướng víu
tạm thời, chưa phải nhận được pháp
tánh. Ví như có người lấy ngón tay chỉ
trăng, người trí nương ngón tay để tìm
thấy trăng, nhưng nếu cho ngón tay là
trăng, thì không bỏ mất mặt trăng mà
cũng bỏ mất luôn cả ngón tay nữa; vì
ngón tay mà đã tưởng là trăng, thì
cũng không biết thế nào là sáng, thế
nào là tối ! Nay ông lấy sự phân
biệt pháp âm của tôi mà cho là tâm,
thì lúc không có pháp âm, lẽ ra ông
phải còn phân biệt. Ví như người ngủ
trọ, hết ngủ thì đi, còn chủ quán trọ
thì vĩnh viễn ở luôn không đi đâu
nữa. Cũng vậy, nếu thật là tâm của
ông thì không đi đâu, tại sao rời âm
thanh thuyết pháp của tôi, cái phân
biệt của ông không còn ? Sự phân
biệt về âm thanh đã vậy. Sự phân
biệt sắc, hương, vị, xúc, cho đến các
phi sắc phi không của pháp trần cũng
vậy. Rời đối tượng phân biệt ra cái
phân biệt của ông phải thường còn,
thì đó mới thật là tâm tánh của
ông. Trái lại, hễ đối tượng không
có, phân biệt cũng không còn, thế là
tâm tánh của ông có chỗ trả về, như
khách đến rồi đi, không còn là địa
vị chủ nhân ông thường trú.
Ông
A Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Nếu tâm tánh
tôi có chỗ trả về, vậy cái chơn tâm
minh diệu Như Lai nói, vì sao lại không
có chỗ trả về ? Xin Phật thương xót vì
chúng tôi dạy bảo.
Phật
bảo: A Nan ! Cái thấy mà ông thấy tôi,
dù không phải là chân tâm minh diệu,
nhưng nó là tánh thấy trong sáng chưa
nhuốm trần lao. Nó như vành trăng thứ
hai chứ không đến nỗi như bóng trăng
đáy nước. Ông hãy chín chắn lòng
nghe, nay tôi chỉ cho ông cái nghĩa không
chỗ trả về.
A
Nan ! Đại giảng đường này mở rộng,
phương đông mặt trời lên thấy sáng
suốt. Đêm ba mươi không trăng mây mù,
thấy tối đen. Chỗ có cửa mở thấy
thông thương. Chỗ có tường thấy ngăn
bít. Chỗ có phân biệt được thấy
cảnh sắc. Chỗ trống trơn thấy hư không.
Chỗ bụi cát tung lên thấy mịt mù. Chỗ
mưa tạnh mây tan thấy quang đãng.
A
Nan ! Ông đã thấy các tướng biến hóa
như vậy, nay tôi trả các tướng ấy về
chỗ bản nhơn của nó. A Nan ! Cái sáng
trả về cho mặt trời, vì không mặt
trời thì không sáng; bản nhơn cái sáng
thuộc về mặt trời, cho nên trả về cho
mặt trời. Tối đen trả về cho đêm ba
mươi. Thông thương trả về cho cửa.
Ngăn bít trả về cho tường. Cảnh sắc
trả về cho phân biệt. Hư không trả về
cho khoảng trống. Mịt mù trả về cho cát
bụi. Quang đãng trả về cho mưa tạnh mây
tan. Sự vật thế gian tuy nhiều, nhưng
không ngoài các thứ đó. Còn cái
thấy mà ông thấy tám thứ đó, ông
định trả nó về đâu ? Nếu ông trả
về cho sáng thì lúc không có sáng lẽ
ra ông không thấy được tối. Nhưng
trước mắt ông, sáng và tối có sai
khác mà cái thấy của ông thì không sai
khác. Cái có chỗ trả về hẳn nhiên
không phải là ông. Còn cái thấy không
thể trả về đâu, nếu không phải ông
thì là ai len vô đó ?
Vậy
nên biết rằng: Tâm ông vốn nhiệm mầu,
thanh tịnh sáng suốt mà ông tự mê mờ
bỏ mất gốc, nhận chịu luân hồi
thường bị chìm đắm trong biển sanh tử.
Thế nên Như Lai gọi các ông là những
người đáng thương xót !
*
* *
TRỰC
CHỈ
Nghe
mà sanh lòng hoan hỷ, sung sướng rơi
nước mắt là thành tựu bước đầu:
"âm hưởng nhẫn" của người
đệ tử Phật. Sanh lòng ái mộ, nhận
rõ chân tâm minh diệu qua pháp âm Phật,
nhưng chỉ nhận một cách mơ hồ đấy là
hiện tượng "nhu thuận nhẫn"
được phát sanh. Chưa dám nhận chân
tâm diệu minh là tâm địa vốn có của
mình, vì ông A Nan bấy giờ chưa thể
nhập "vô sanh pháp nhẫn".
Nghe
pháp mà chỉ nghe bằng tâm vướng víu
pháp âm, dù là pháp âm Phật, thì
cũng chưa lắng nghe được pháp tánh
thanh tịnh bản nhiên của vạn pháp vốn
có ở lòng mình. Phải tự uống trà
mới biết hương vị của trà ngon. Chỉ nghe
nói trà ngon thì mới biết hương và vị
trà không đời nào hiểu đúng. Nương
ngón tay để nhìn trăng, chứ ngón tay
không bao giờ là trăng được.
Dùng
tâm phân biệt tiếp nhận pháp âm Phật,
tâm đó không thể là chơn tâm được,
vì nếu pháp âm không còn nữa thì cái
tánh "thường trú" cũng đã
mất theo. Chả lẽ ông A Nan lúc bấy giờ
đã trở thành người gỗ đá vô tri
vô giác ! Đối với sắc, hương, vị,
xúc cũng vậy. Tiền trần lúc có lúc
không, nhưng cái tâm thanh tịnh "vô
phân biệt" của con người không vì
tiền trần mà theo sanh theo diệt. Phát
hiện được cái tâm thanh tịnh "vô
phân biệt" vốn có của mình, Phật
gọi đó là "chơn tâm thường
trú". Cái đó không có chỗ trả
về.
Thế
gian, hiện tượng tuy nhiều, nhưng tóm thu,
không ngoài tám tướng: Sáng, tối,
thông, bít, sắc, không, trong, đục. Tám
tướng đều có thể trả về chỗ sở
nhơn phát sanh ra nó. Nhưng tánh thấy của
ông A Nan nhận thấy tám tướng kia,
không thể trả về đâu. Rõ ràng cái
tánh thấy ấy là của ông A Nan chớ
chẳng phải của ai khác. Tiền trần đối
tượng có đến có đi, có sanh có
diệt, như người "khách" cho nên
ví "khách trần". Nhận thức chủ
thể thường xuyên hiện hữu, như
"chủ" cho nên gọi: "chơn tâm
thường trú".
Dù
vậy, sự thường trú của tánh thấy
chỉ là hiện tượng biểu hiện của chơn
tâm, chớ chưa phải chơn tâm, nên ví
vành trăng thứ hai, chưa phải mặt trăng
thật. Nói cách khác đó là chân tâm,
bên mặt hiện tượng tùy duyên. Chừng
nào nhận thức và thể nhập Bản Thể
bất biến của chơn tâm mới gọi là
người thấy được mặt trăng thật.
Ô
hô ! Pháp hải u huyền trần tâm nan hội
! Chơn tâm hạo đảng như nguyệt lâm
thủy diện, bát khai thủy diện, nguyệt
hoàn thâm !
*
* *
4. VẬT LÀ ĐỐI
TƯỢNG PHÂN BIỆT CỦA TÂM. TÂM BIỂU
HIỆN QUA TÁNH THẤY LÀ CHỦ THỂ PHÂN
BIỆT VẬT(^)
Ông
A Nan thưa: Bạch Thế Tôn: Tuy tôi biết
tánh thấy không thể trả về, nhưng làm
sao biết được đó là chơn tánh của
tôi ?
Phật
bảo: A Nan ! Ông chưa được quả vô
lậu, nhờ thần lực Phật mà thấy
được cõi Sơ thiền: trong khi, ông A Na
Luật thì thấy cõi Diêm phù đề như
quả quýt để trên bàn tay. Bồ Tát
thấy cùng tột các quốc độ thanh tịnh
của mười phương chư Phật. Còn chúng
sanh thì thấy chẳng được xa hơn gang
tấc.
A
Nan ! Tôi cùng ông xem cung điện Tứ
Thiên Vương, chặng giữa các hiện
tượng đất liền biển cả và hư không,
tuy có nhiều hình sắc khác nhau, sáng
tối không đồng, nhưng không cái gì
không phải tiền trần đối tượng phân
biệt. Những thứ mà ông thấy, ông
hãy lựa xem cái gì là chủ thể, cái
nào là đối tượng phân biệt của ông
?
A
Nan ! Cùng tột sức thấy của ông, từ
mặt trời, mặt trăng
cho đến thất
kim sơn, xem xét khắp cùng, dù có thấp
cao lớn nhỏ và màu sắc không đồng
nhưng cũng đều là vật chớ chẳng phải
ông. Lần xem mây kéo, chim bay, gió
động, bụi tung, cây, rừng, sông, núi,
cỏ, hoa, súc vật
cho đến con người
đều là vật chớ chẳng phải ông.
A
Nan ! Các vật gần xa đó, tuy khác nhau,
nhưng đều do tánh thấy thanh tịnh (hiện
lượng, đệ nhất sát na) của ông. Các
vật loại kia có sai khác mà tánh thấy
của ông thì không sai khác. Tánh thấy
sáng suốt nhiệm mầu đó, rõ là chủ
thể phân biệt của chính ông, chứ còn
ai nữa ! Nếu tánh thấy là vật, thì
ông đã thấy cái thấy của tôi. Nhưng
sự thật thì không như vậy. Điều đó
chứng minh rằng: tánh thấy không phải
vật, mà là chủ thể phân biệt của
chính ông. Sự thể quá rõ ràng, sao
ông còn nghi ngờ cái chơn tánh của
ông ? Chơn tánh của ông, ông không tự
nhận, vướng chấp pháp âm của tôi mà
cầu thực chứng thì làm sao có được
?
*
* *
TRỰC
CHỈ
Tánh
thấy tức là nhãn thức. Nhãn thức
là một trong tám thức tâm vương. Tánh
thấy thanh tịnh, sáng suốt nhiệm mầu, vì
tiếp thu trần cảnh, nó chỉ thu nhận
"tánh cảnh" và "hiện
lượng" cho nên tự tánh của cái
thấy vốn không có tội lỗi gì. Nó là
hiện tượng biểu hiện của chơn tâm,
nó gần với bản chất thanh tịnh của
chơn tâm hơn các hiện tượng khác, nên
ví nó như vành trăng thứ hai do mắt
nhặm mà thấy, chứ nó không hư ảo,
đảo điên như bóng trăng in đáy
nước.
Nếu
một tánh thấy để đơn cử công dụng
phát thức của một căn. Kỳ thật tánh
cảnh hiện lượng là đặc tánh chung
của nhỉ, tỷ, thiệt, thân, năm thức
trước. Năm thức trước hoạt động
trong một bối cảnh "tùy duyên".
Chỉ có ý thức đối với sự hoạt
động của con người, tương đối nó
thường trú túc trực hơn năm thức
trước. Nó chỉ không hiện hữu ở năm
trường hợp: Vô tưởng thiên, vô
tưởng định, diệt tận định, ngủ không
chiêm bao và chết ngất.
Sáu
thức tác động vào sáu căn, biểu
hiện ra thành sự nhận thức của con
người. Đối tượng nhận thức của
năm thức trước là "tánh
cảnh" nghĩa là những sự vật có
bản chất cụ thể, rờ, mó, cầm, nắm
được, gọi đó là Vật.
Chủ thể nhận thức thì biểu hiện thông
qua sáu giác quan (lục căn), nhưng vì
không bản chất chỉ có tác dụng thì
gọi đó là TÂM. TÂM và VẬT đều là
"hiện tượng" biểu hiện phát
xuất từ Thể tánh tịnh minh, Như
Lai Tàng bản thể:
Không gian cộng
thời gian là bản thể Như Lai tàng vậy.
*
* *
5. TÁNH THẤY
KHÔNG LỚN NHỎ ĐỨT NỐI CHỈ DO TIỀN
TRẦN NGĂN NGẠI MÀ THÔI(^)
Ông
A Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Nếu tánh thấy
là tôi, không phải ai khác, khi Như Lai
và tôi xem cung điện Tứ Thiên Vương,
mặt trời, mặt trăng cùng lúc thấy
khắp cõi Ta bà, khi trở về tịnh xá chỉ
thấy khu đất già làm, đến trai đường
chỉ còn thấy giới hạn của một căn
phòng.
Thưa
Thế Tôn ! Tánh thấy vốn khắp cùng một
cõi, mà nay ở trong nhà chỉ thấy một
gian phòng. Vậy tánh thấy lớn rút lại
thành nhỏ hay do tường nhà ngăn chặn
làm cho đứt đoạn ? Điều đó, tôi
chưa hiểu, xin Phật từ bi chỉ dạy !
Phật
bảo: A Nan ! Tất cả các hiện tượng xa
gần lớn nhỏ trong ngoài của thế gian
đều thuộc tiền trần, ông không nên
nói tánh thấy có giãn ra hay rút lại.
Tánh thấy vốn khắp trùm phổ biến ví
như hư không. Đặt cái đồ vuông thì
dung tích hư không vuông, để cái vật
tròn thì dung lượng khoảng hư không
tròn. Nếu muốn hư không, không vuông,
không tròn, chỉ cần bỏ đi những cái
đồ khí mảnh ấy mà không cần có ý
nghĩa phải loại bỏ tướng vuông tròn
của hư không. Như lời ông hỏi: Khi vào
phòng cái thấy bị rút lại, hay bị vách
nhà ngăn đứt ? Nghĩa đó không đúng.
Nếu vào phòng nhỏ, cái thấy bị rút
lại, vậy khi trông xa phải kéo giãn ra ?
Nếu vào nhà bị vách cắt đứt, khi xoi
một lỗ nhìn ra cái thấy phải có dấu
nối ?
A
Nan ! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến
nay lầm mình là vật, bỏ mất bổn tâm,
bị vật xoay chuyển cho nên trong đó thấy
lớn thấy nhỏ. Nếu chuyển được vật
thì đồng với Như Lai, thân tâm tròn
đầy sáng suốt, ngồi ở một chỗ mà
đầu mảy không hàm chứa mười phương
quốc độ.
*
* *
TRỰC
CHỈ
"Tánh
kiến giác minh, Giác tinh minh kiến, thanh
tịnh bản nhiên, chu biến pháp giới, tùy
chúng sanh tâm ứng sở tri lượng, tuần
nghiệp phát hiện". Đó là ý tứ
của một đọan kinh sau, Đức Phật dạy
về ý nghĩa công dụng của thất đại.
Rằng tánh thấy vốn là "giác
minh" nó là cái "tinh kiến",
nghĩa là tánh thấy không trải qua
"tỷ lượng" và "phi
lượng" sai lầm, mà luôn luôn ở
trong phạm vi "hiện lượng". Nó
thanh tịnh bản nhiên, nó khắp cùng pháp
giới, đáp ứng yêu cầu tâm tưởng
chúng sanh, theo nghiệp của mỗi loài mà
biểu hiện. Ví như hư không, tùy đồ
vật: Cốc, ly, chum, chóe mà biểu hiện
theo hình thể vuông tròn sâu cạn mà
thể tánh hư không thanh tịnh bản nhiên,
khắp đầy thế giới, không hạn cuộc
trong một hình thức khuôn khổ nào.
Chúng
sanh dứt sạch mê lầm Ngã Pháp,
phản chiếu hồi quang, xoay về Thể tánh
tịnh minh, thể nhập Như Lai Tàng vốn có,
chuyển vật, làm chủ lấy mình, bấy giờ
chợt thấy rằng: Vật tâm bất nhị,
chúng sanh Phật không hai. Một là tất
cả, tất cả là một. Ngay nơi chỗ ngồi,
mỗi đầu mảy lông hàm chứa cõi
nước mười phương chư Phật.
*
* *
6. TÁNH THẤY VÀ
VẬT BỊ THẤY
VỐN LÀ TÂM TÁNH BỔ ĐỀ NHIỆM MẦU
SÁNG SUỐT(^)
Ông
A Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Nếu tánh thấy
là tâm tánh nhiệm mầu của tôi, hiện
ở trước mắt tôi, thì thân tâm tôi
là vật gì, mà thân tâm có phân biệt,
tánh thấy kia thì không phân biệt
được thân tôi ?
Phật
bảo: A Nan ! Ông nói tánh thấy ở
trước mắt ông không đúng. Nay tôi
cùng ông ngồi trong rừng Kỳ Đà, trông
khắp suối rừng điện đường, trên thì
mặt trời mặt trăng, trước có sông
Hằng. Ông hãy đưa tay chỉ trong các
tướng kia: Chỗ rậm là rừng, phát ra
ánh sáng là mặt trời, ngăn ngại là
vách, mênh mông bãng lãng là hư không,
đến cả cỏ cây mảy mún, lớn nhỏ
khác nhau, nhưng đã có hình thì không
cái gì không chỉ ra được. Ông bảo
rằng tánh thấy hiện ở trước mắt
ông, vậy ông hãy chỉ chính xác, gì là
tánh thấy ?
A
Nan ! Ông nên suy nghĩ: Nếu hư không là
tánh thấy, thì còn cái gì là hư không
? Nếu vật là tánh thấy, còn cái gì
là vật ? Ông hãy chín chắn lựa chọn
trong muôn vàn hiện tượng, tách tánh
thấy nhiệm mầu thanh tịnh ấy ra và chỉ
cho tôi xem cụ thể rõ ràng, như các
vật mà không lầm lộn ?
A
Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Nay tôi ở
giảng đường, trông xa đến sông
Hằng
nhìn cao đến mặt trời, mặt
trăng, những cái chỉ được, đều là
vật chứ không có cái nào là tánh
thấy.
Bạch
Thế Tôn ! Lời Phật vừa dạy, chẳng
những hàng Thanh Văn, sơ học chúng tôi,
dù cho các Bồ Tát cũng không thể ở
nơi hiện tượng vạn pháp chỉ ra cái
nào là tánh thấy rời ngoài mọi vật.
Phật dạy: Đúng vậy
! Đúng vậy !
Phật
bảo: A Nan ! Như lời ông nói: Rời tất
cả vật, tánh thấy không có. Trong tất
cả vật đã chỉ ra được, không có
cái nào là tánh thấy. Giờ đây ông
cùng tôi ngồi trong rừng Kỳ Đà nầy,
ta hãy nhìn xem vườn rừng cho đến mặt
trời, mặt trăng, và vô vàn hình
tượng, trong đó không có cái thấy
để ông chỉ ra được. Vậy ông hãy
phát minh trong các vật đó, cái nào
không phải tánh thấy.
Ông
A Nan bạch Phật: Rằng, tôi trông khắp
rừng Kỳ Đà, tập trung tâm ý, quan sát
tư duy, nhưng không tìm ra trong đó cái
nào không phải tánh thấy. Vì sao ? Nếu
cây không phải tánh thấy, sao thấy
được cây ? Cho đến, nếu hư không,
không phải tánh thấy làm sao thấy
được hư không ? Nhưng nếu hư không là
tánh thấy, thì sao lại là hư không. Tôi
nay suy nghĩ chín chắn và phát minh trong
muôn vàn hiện tượng, không cái nào
không là tánh thấy.
Phật bảo: Đúng vậy
! Đúng vậy !
*
* *
TRỰC
CHỈ
Đức
Phật đã bao lần mở rộng lòng từ
đinh ninh dạy dỗ, vậy mà ông A Nan vẫn
còn mơ hồ trong nhận thức về cái tánh
thấy: Rằng tánh thấy là tâm tánh hay
không là tâm tánh của ông.
Sự
mê mờ về tâm tánh chưa lóe tí ánh
sáng khả quan nào, thì lại chồng lên
một sai lầm mới. Rằng tánh thấy hiện
ở trước mắt.
Xét
cho cùng, ông A Nan chưa nhận rõ cái
tánh thấy cũng có lý của ông. Bởi
vì muốn nhận thức tinh tường vấn đề
nầy, cần phải được học hiểu kỹ về Kiến
Đại:
"Tánh kiến giác minh, kiến tinh minh
giác, thanh tịnh bản nhiên, chú biến
pháp giới, tùy chúng sanh tâm, ứng
sở tri lượng, tuần nghiệp phát
hiện".
Từ
trước đến đây, trong nhận thức của
ông A Nan chỉ xoay sở quần quanh qua bóng
dáng của pháp trần và ý thức. Ông
chỉ nghe và tiếp thu mơ hồ về "kiến
tinh minh giác". Thể tánh của kiến
tinh là hiện lượng, phát xuất từ Như
Lai tàng. Ông A Nan chưa có khái niệm
vững vàng về nguồn tư tưởng sâu
thẳm của môn pháp tánh học nầy. Vì
vậy, ông chỉ tiếp nhận và đề cao vai
trò phân biệt của ý thức minh liễu
ở trong ông. Ông chưa hiểu cái ý
thức minh liễu mà ông có, cũng chỉ là
sản phẩm của Như Lai tàng được biểu
hiện thông qua "ngũ câu ý
thức". Ông chưa hiểu vấn đề
"tánh kiến giác minh" "kiến
tinh minh giác". Từ đó, nảy ra ý
niệm hoang mang ngờ vực: Rằng tánh thấy
là tâm tánh, hay không là tâm tánh ?
Tánh thấy ở trước mắt, hay không ở
trước mắt
?
Qua
cuộc vấn đáp trắc nghiệm giữa hai
thầy trò Phật đồng ý với ông A Nan
rằng:
"Không
có một vật nào là tánh thấy".
Cuộc
trắc nghiệm lại được tiếp theo. Rồi
Phật cũng đồng ý và xác định với
ông A Nan rằng:
"Không
có một vật nào không phải là tánh
thấy".
Sự
xác định của đức Phật đối với ông
A Nan rõ là mâu thuẫn lạ kỳ, làm cho
ông A Nan và đại chúng dao động hoang
mang cao độ. Đại chúng vẫn biết rằng:
lời nói của Như Lai là chơn chánh là
thành thật, không tráo trở, dối gạt
phỉnh phờ. (Như Lai thị chơn ngữ giả,
thật ngữ giả, bất dị ngữ giả, bất
cuống ngữ giả). Và sự thật, Như Lai
khai thị cho ông A Nan và đại chúng về
chơn lý "bất tức bất ly" của
bản thể và hiện tượng. Là hiện
tượng, không có hiện tượng nào
không ở trong bản thể. Một bản thể,
không bản thể nào không biểu hiện
thông qua hiện tượng. Hiện tượng
không là bản thể, nhưng bỏ hiện
tượng tìm bản thể, như bỏ sóng tìm
nước không sao có nước. Bản thể
không rời hiện tượng nhưng bảo hiện
tượng là bản thể, như trẻ con, ngỡ
sóng là nước thì không sao biết
được nước là gì. Sóng không là
nước, nhưng sóng không rời nước.
Nước không là sóng, nhưng nước không
rời sóng. Nước và sóng bất tức
bất ly".
Tánh
thấy và vật bị thấy vốn là tâm tánh
nhiệm mầu cũng "bất tức bất
ly" như vậy.
*
* *
7. BỔ TÁT VĂN
THÙ CẦU PHẬT THƯƠNG XÓT
PHẬT DẠY: TÁNH THẤY
KHÔNG THỂ ĐẶT VẤN ĐỀ: "LÀ"
HAY "KHÔNG LÀ" (^)
Bấy
giờ trong đại chúng, những vị chưa
chứng quả vô học, nghe Phật khai thị
chân lý thậm thâm ấy, mờ mịt chưa
hiểu thế nào, sanh lòng sợ hãi, không
giữ được chánh niệm.
Như
Lai biết đại chúng tâm ý rối loạn,
khởi lòng từ an ủi ông A Nan và đại
chúng: Các thiện nam tử ! Bậc vô
thượng pháp vương, lời nói chân
thật, đúng như tánh chân như, không
dối gạt và lừa đảo quẩn quanh như
bốn thứ nghị luận bất tử của bọn
Mạt Già Lê. Các ông hãy suy nghĩ chín
chắn, chớ phụ lòng thương xót của
tôi.
Bấy
giờ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp
Vương Tử, thương xót hàng tứ chúng,
liền từ chỗ ngồi, đứng dậy đảnh
lễ Phật, chấp tay cung kính thưa rằng:
Bạch Thế Tôn ! Đại chúng đây không
hiểu được chỗ Như Lai phát minh hai
nghĩa: "Là" hay "Không là"
đối với cái thấy và sắc không. Bạch
Thế Tôn ! Nếu những hiện tượng sắc
không tiền cảnh là cái thấy thì lẽ ra
có chỗ chỉ được. Nếu không là cái
thấy thì lẽ ra không thể thấy. Nay đại
chúng không hiểu nghĩa ấy do đâu, nên
mới kinh sợ, chớ không phải vì thiện
căn nhiều đời ít ỏi. Kính mong Như Lai
thương xót phát minh chỉ rõ các vật
tượng ấy và cái thấy vốn là thứ
gì mà rời ngoài các ý nghĩa:
"Là" hay "Không là" như
vậy ?
Phật
bảo Bồ Tát Văn Thù và đại chúng:
Thập
phương Như Lai và các đại Bồ Tát tự
trụ tam ma đề, thì cái "thấy"
cái "bị thấy" và các nhớ nghĩ,
tưởng tượng đều như hoa đốm trong
không chẳng có thật. Bản thể của
chúng vốn là tâm tánh Bồ Đề nhiệm
mầu, thanh tịnh sáng suốt, cho nên trong
đó không có vấn đề: "Là" hay
"Không là".
Văn
Thù ! Nay tôi hỏi ông: Như ông là Văn
Thù, còn có "là Văn Thù" hay
"không là Văn Thù" nữa chăng ?
Bạch
Thế Tôn, Văn Thù thưa. Thật vậy, tôi,
thật Văn Thù thì không thể có "là
Văn Thù". Vì sao ? Nếu có
"Là" hay "Không là" hóa
ra đã có hai Văn Thù. Nhưng tôi là
Văn Thù không còn có Văn Thù nào
khác, cho nên không thể đặt vấn đề
"Là" hay "Không là".
Phật
bảo: tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt và
các thứ sắc không cũng như vậy. Tất
cả là biểu hiện của chân tâm thanh
tịnh tròn đầy, là Bồ Đề vô thượng,
trong sáng nhiệm mầu. Vì mê lầm, nhận
là sắc, không, thấy, nghe, ví như mặt
trăng thứ hai. Sự thật mặt trăng vốn
không thêm bớt, do mắt lòa mà thấy ra
như vậy. Trong đó không thể đặt vấn
đề: Cái nào "là" trăng, cái
nào "không là" trăng. Các ông
phát minh ra cái thấy và trần cảnh bị
thấy đều là vọng tưởng. Không thể
trong đó, nêu ra cái nào "là"
cái nào "không là". Tất cả
đều là chân tánh nhiệm mầu, một thể
sáng suốt thanh tịnh, cho nên vượt ngoài
sự "chỉ" hay "không chỉ"
được của các ông.
*
* *
TRỰC
CHỈ
Lục
căn của con người, ở mặt trái của
nó, người ta chỉ biết qua cái công
dụng thấy, nghe
tầm thường của
nó. Những cái thấy nghe đó, thường
làm cho con người đau đầu, nhức óc
căng thẳng thần kinh hơn là làm cho con
người hưởng được những phút giây
thoải mái. Ít có ai phát hiện phía mặt
thật của lục căn mình. Mặt thật của
lục căn, thiền gia gọi là "bản
lai diện mục" của chúng ta.
Bản
lai diện mục của con người, vốn trong
trắng hiền lành, an nhiên tự tại,
chẳng vướng vô minh, không vương triền
phược. Từ vật lý đến tâm lý của
con người, thanh tịnh bản nhiên, chu biến
pháp giới. Vì vậy, không thể đem thứ
ý thức thô phù vọng tưởng để phân
biệt đúng đâu là cái thấy và đâu
không là cái thấy.
Pháp
giới tánh hàm dung bất nhị. Như Lai tàng
bản thể nhất chân. Một là tất cả.
Tất cả là một. Còn lấy cái nào để
chỉ cái nào ? Còn gì vô lý bằng khi
người ta lấy tay chỉ đây là vàng, kia
không là vàng trong toàn thân con sư tử
vàng duy nhất.
*
* *
8. TÁNH THẤY
RỜI TẤT CẢ TƯỚNG, NHƯNG KHÔNG NGOÀI
TẤT CẢ PHÁP. GIÁO LÝ NHƠN DUYÊN VẪN
CHƯA LÀ ĐỆ NHẤT NGHĨA, THUYẾT TỰ
NHIÊN LÀ MỘT NHẬN THỨC SAI LẦM CHƠN
LÝ VŨ TRỤ(^)
Ông
A Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Đúng như lời
pháp vương dạy: tâm tánh cùng khắp
mười phương thế giới, yên lặng
thường trú, không có sanh diệt. Song
nếu đem lời dạy nầy, so sánh với
thuyết của Phạm Chí Sa Tỳ Ca La về
"minh đế" và thuyết của bọn
ngoại đạo Đầu Khôi về "chân ngã
khắp cùng", khác nhau chỗ nào ?
Hồi
ở núi Lăng Già, Thế Tôn dạy cho ông
Đại Huệ rằng: Bọn ngoại đạo thường
nói "tự nhiên" còn Phật thì
nói "nhân duyên".
Tôi
nay suy nghĩ cái tâm tánh vốn "tự
nhiên", vì nó không phải sanh cũng
không diệt. Nó xa rời tất cả điên
đảo hư vọng. Tôi nghĩ cái "tự
nhiên" nầy khác với thuyết
"tự nhiên" của bọn ngoại đạo.
Xin Thế Tôn khai thị cho chúng tôi để
được tâm tánh sáng suốt, khỏi rơi
vào tà kiến.
Phật
bảo: A Nan ! Như Lai đã dùng phương tiện
chỉ dạy như vậy mà ông còn chưa tỏ
ngộ, lại lầm là "tự nhiên".
A
Nan ! Nếu là "tự nhiên" thì ông
thử chứng minh cái gì là "tự
thể" của cái "tự nhiên"
ấy ? Ông hãy xét kỹ tánh thấy nhiệm
mầu lấy cái gì làm tự ? Lấy sáng
làm tự hay lấy tối làm tự ? Lấy
rỗng không làm tự hay lấy ngăn bít
làm tự ?
A
Nan ! Nếu lấy sáng làm tự lẽ ra không
thấy được tối. Nếu lấy rỗng không
làm tự lẽ ra không thấy được ngăn
bít. Bởi vì nếu lấy sáng làm tự, thì
đến khi tối tánh thấy đã diệt mất đi
rồi làm sao thấy được tối
?
Bạch
Thế Tôn ! A Nan thưa, tánh thấy nhiệm
mầu nầy, chắc không phải tự nhiên. Nay
tôi phát minh tánh thấy do "nhân
duyên" sanh. Xin Như Lai dạy cho, tôi
phải hiểu thế nào cho hợp với tánh
"nhân duyên" của Phật ?
Phật
bảo: Ông nói tánh thấy, do "nhân
duyên". Vậy tôi hỏi ông: Tánh thấy
đó, nhân sáng mà thấy hay nhân tối
mà thấy ? Nhân trống không mà thấy hay
nhân ngăn bít mà thấy ? Nếu nhân sáng
mà thấy thì lẽ ra không thấy được
tối. Nhân tối thì cũng như vậy
Ông
bảo rằng cái thấy do "duyên"
cũng không đúng. Duyên sáng mà thấy
hay duyên tối mà thấy ? Duyên rỗng
không mà thấy hay duyên ngăn bít mà
thấy ? Nếu duyên ngăn bít mà thấy, lẽ
ra không thấy được rỗng không. Duyên
tối
cũng lại như vậy.
A
Nan ! Ông nên biết: tánh thấy nhiệm
mầu, sáng suốt, không phải
"thân" không phải
"duyên", không phải tự nhiên,
không phải không tự nhiên, không có
cái "phải", hay "không
phải". Không có cái "là" hay
"không là". Nó "rời"
tất cả tướng; nhưng nó không ngoài
tất cả pháp. Ông đem các danh tướng
hí luận thế gian mà nhận thức phân
biệt, chẳng khác lấy tay nắm bắt hư
không chỉ thêm nhọc sức.
Bạch
Thế Tôn ! A Nan thưa, cái tâm tánh nhiệm
mầu, nếu không phải nhân duyên, cớ sao
Đức Thế Tôn đã từng dạy các
Tỳ-kheo, rằng tánh thấy có bốn duyên:
Khoảng không, ánh sáng, tâm và mắt ?
Phật
bảo: Đó là tôi nói về các tướng
nhân duyên thế gian, không phải đệ
nhất nghĩa.
A
Nan ! Các người thế gian khi họ nói:
"tôi thấy". Vậy thế nào họ
gọi là thấy, thế nào gọi là không
thấy ?
A
Nan thưa: Người đời nhân ánh sáng
mặt trời, mặt trăng hoặc đèn mà
thấy các sắc tướng, họ gọi đó là
thấy. Nếu không có các thứ ánh sáng
đó, họ gọi là không thấy.
Phật
bảo: Nếu lúc không có ánh sáng mà
gọi là không thấy thì lẽ ra lúc đó
không thấy tối. Nếu đã thấy tối thì
đó chỉ là không sáng, chớ không phải
không thấy. Nếu lúc tối, vì không thấy
sáng mà gọi là không thấy thì lúc
sáng không thấy tối cũng nên gọi là
không thấy. Vậy thì sáng tối cả hai
đều là không thấy !
A
Nan ! Thực tế không phải vậy. Tối và
sáng tự lấn át nhau, tánh thấy của
ông chẳng có lúc tạm không. Do đó,
biết rằng tối và sáng đều thấy. Và,
khi thấy sáng, tánh thấy không phải
sáng. Lúc thấy tối, tánh thấy không
phải tối. Lúc thấy không, tánh thấy
không phải hư không. Khi thấy bít, tánh
thấy không phải tướng bít.
Ông
nên biết rằng:
Tánh
thấy trong khi thấy, tánh thấy đó không
phải là tánh thấy bản thể. Tánh thấy
đó còn cự ly đối với tánh thấy
bản thể. Tánh thấy đó chưa là tánh
thấy bản thể.
Với
tầm vóc sâu xa nhiệm mầu của tâm
tánh, ông lại đem những thuyết nhân
duyên, tự nhiên, hòa hợp, không hòa
hợp mà luận đàm, không sao đến
được. Các ông là Thanh Văn hẹp hòi,
nông cạn, không nhận được thật
tướng thanh tịnh. Nay tôi chỉ dạy, ông
khéo suy nghĩ, không được biếng trễ
trên đường Bồ Đề !
*
* *
TRỰC
CHỈ
Tìm
hiểu nguyên nhân của hiện tượng vạn
hữu phát xuất từ đâu, thế giới và
con người do gì sanh là vấn đề tư
tưởng ở vào tầm cỡ trọng đại.
Từ thượng cổ hun hút xa xưa, đến nay
thế kỷ 20 gần hết mà vẫn chưa có
được sự nhất trí nào của con
người, dù là người cùng chủng tộc,
ngữ ngôn trong một nước !
Đức
Phật ra đời này đã tròn 25 thế kỷ.
Trước Phật đã có, cùng thời với
Phật cũng có nhiều dị phái triết gia,
họ cũng đề ra chủ thuyết, cắt nghĩa
vấn đề thế giới và con người, tức
là vấn đề vũ trụ nhân sanh quan của
họ. Chủ thuyết thì nhiều; mỗi mỗi giải
thích trình bày theo sở kiến mình, thật
đa dạng và phong phú. Có điều không
mấy lạc quan là khi đúc kết các dòng
tư tưởng, người ta thấy không có chủ
thuyết nào giống với chủ thuyết nào.
Nhóm phạm chí Sa tì Ca La chủ trương
"minh đế". Phái ngoại đạo Đầu
Khôi chủ trương "thần ngã".
Phái ngoại đạo tự nhiên đề xướng
thuyết "tự nhiên". Phái Đại
Phạm tôn sùng Phạm Thiên. Sau này có
các phái chủ trương "Thiên chủ tạo
vật", đấng "A La", "Huyền
thiên thượng đế"
Với
Thế Tôn ta, Đức Phật không chủ trương
có một đấng "siêu nhiên",
"siêu nhân" như vậy.
Đứng
bên mặt hiện tượng vạn hữu, Phật
dạy.
Vạn
Pháp Nhơn Duyên Sanh.
Đứng
bên mặt bản thể chơn như,
Phật
dạy:
Phi
nhơn duyên; Phi tự nhiên. Phi hòa; Phi
hợp. Pháp nhĩ như thị.
Kế
thừa truyền thống đó, 600 năm, sau Phật
Niết Bàn, thuyết Chơn như duyên
khởi được dựng lên, Mã Minh
Bồ Tát đường hoàng tuyên bố
"Nhất
thiết chư pháp, tùng bản dĩ lai, ly văn
tự tướng, ly ngôn thuyết tướng ly
tâm duyên tướng, tất cánh bình đẳng,
bất khả phá hoại, duy thị nhất tâm, cố
danh chân như"
*
* *
9. DO NHẬN THỨC
SAI LẦM KHIẾN CHO CON NGƯỜI BỎ MẤT BẢN
TÂM THANH TỊNH BẢN GIÁC THƯỜNG TRÚ CỦA
MÌNH(^)
Ông
A Nan bạch Phật: Thế Tôn đã vì chúng
tôi, chỉ dạy về nhân duyên, tự nhiên,
hòa hợp và không hòa hợp. Tâm chúng
tôi còn chưa tỏ ngộ. Nay nghe Phật dạy:
Tánh thấy trong khi thấy, tánh thấy đó
không phải tánh thấy bản thể
làm
cho chúng tôi càng thêm mờ mịt. Cúi xin
Phật thương xót bố thí tuệ nhãn, khai
thị cho chúng tôi về bản tâm thanh tịnh,
bản giác thường trú.
Phật
bảo: A Nan ! Ông được năng khiếu nhớ
lâu, nhưng cái đó chỉ giúp cho ông
phần học rộng. Đối với pháp Chỉ Quán
thẩm sâu mầu nhiệm ông còn chưa rõ.
Tôi sẽ vì ông chỉ bày và cũng khiến
cho những người hữu lậu tương lai
được quả Bồ Đề.
A
Nan ! Tất cả chúng sanh trong thế gian,
luân hồi sanh tử do hai thứ nhận thức
sai lầm kết thành nguyên nhơn lưu chuyển.
Một,
nhận thức sai lầm biệt nghiệp. Ví như
người bệnh mắt hóa lòa, ban đêm
trông ngọn đèn thấy có vầng tròn năm
màu. Cái vầng tròn năm màu vốn không
thực có đối với người không bị
bệnh lòa. Nhưngg nó không phải không
có đối với người mắc bệnh. Vầng
tròn ấy không phải màu sắc của cái
thấy hay của đèn. Nó không tự sanh,
cũng không phải do đèn hay do mắt đã
sanh. Nguyên nhơn của vầng tròn, do mắt
bệnh hóa lòa. Cái vầng tròn và cái
thấy vầng tròn đều là bệnh lòa. Nhận
thấy được bệnh lòa thì tánh thấy
đó không bệnh. Do đó, không nên nói
cái vầng tròn năm màu là của đèn hay
của cái thấy. Cũng không được nói:
Rằng không phải của đèn hay không phải
của cái thấy. Lại ví như vành trăng
thứ hai. Nó không phải trăng mà cũng
không phải bóng. Vành trăng đó vốn
không có, nên không thể gán cho nó
"phải" hay là "không
phải" mặt trăng. Mặt trăng thứ hai
có là do động tác của ngón tay ấn
mắt. Người trí không nên bảo: Đó là
hình trăng, hay không phải hình trăng.
Đó là cái thấy hay ra ngoài cái thấy.
Vầng tròn năm màu cũng vậy. Nó do
bệnh lòa thành có. Gọi nó là của
đèn hay của cái thấy đều là sai. Ráng
sức đấu tranh, rằng không phải của
đèn hay không phải của cái thấy càng
thêm hí luận.
Hai,
nhận thức sai lầm cộng nghiệp. A Nan !
Cõi Diêm phù đề, trừ nước biển bao
la, trong đó đất bằng có 3.000 châu. Ở
giữa có một châu lớn. Chung quanh có
đến 2.300 nước. Châu nhỏ chỉ có hai
nước thôi. Những chúng sanh trong một
nước gặp phải năm thời tiết không
thuận hòa thì cùng thấy những hiện
tượng bất thường: Hoặc thấy sao
phướng, sao sa, và chỉ có những người
trong nước đó thấy, chúng sanh trong
nước kế cận thì không thấy và cũng
không nghe.
A
Nan ! Nay tôi đem hai việc đó kết hợp so
sánh làm thí dụ để chỉ cho ông.
A
Nan ! Cái nhận thức sai lầm biệt nghiệp
của chúng sanh, ví như người bệnh mắt,
trông thấy ngọn đèn hiện ra vầng tròn
năm màu, tưởng là cảnh thật trước
mắt. Sự thật vầng tròn do bệnh lòa
của người đau mắt tạo thành. Lòa là
bệnh của cái thấy, không phải sắc
tướng tạo ra. Cái thấy, thấy được
bệnh lòa cái thấy đó vốn không có
bệnh. Cũng vậy, hiện nay ông dùng con
mắt xem thấy núi sông cảnh giới và
các chúng sanh đều do bệnh lòa vô thỉ
tạo thành. Cái thấy và cái bị thấy
không thể tách rời ra. Do vô minh, chúng
sanh vọng kiến thấy tiền cảnh in tuồng
là "vật đối lập" với mình.
Sự nhận thức sai lầm đó do bệnh lòa
NĂNG KIẾN, SỞ KIẾN của tâm tánh giác
minh thanh tịnh. Chừng nào nhận thức
rằng: Cái thấy, thấy vầng tròn năm
màu là bệnh, thì sự nhận thức đó
vốn không có bệnh. Đó là ý nghĩa
thẩm sâu: "Kiến kiến chi thời, kiến
phi thị kiến, kiến du ly kiến, kiến bất
năng cập". Bản chất của tánh thấy
là: tánh kiến giác minh, kiến tinh minh
giác, thanh tịnh bản nhiên, chu biến pháp
giới.
A
Nan ! Do nhận thức sai lầm nghiệp riêng,
người bệnh lòa thấy ngọn đèn có
vầng tròn năm màu. Do nhận thức sai
lầm nghiệp chung, chúng sanh cùng thấy
những hiện tượng bất thường. Do nhận
thức sai lầm vô thỉ, tất cả chúng sanh
nhận lấy các bệnh: Tham, sân, si
Ta,
người, thương ghét
để rồi nhận
lấy sanh tử khổ đau của các nguyên
nhân đau khổ đó. Nếu xa rời các bệnh
duyên "năng", "sở" thì
chúng sanh mười phương đồng chung bản
thể cùng một tâm tánh nhiệm mầu. Tất
cả đều viên mãn tánh Bồ Đề trong
bản giác thường trú của mình.
*
* *
TRỰC
CHỈ
Đoạn
kinh nầy Phật nêu ra hai thứ vọng kiến: Biệt
nghiệp và Đồng Phận.
Biệt nghiệp vọng kiến là vọng kiến
của cá nhân. Đồng phận vọng kiến là
vọng kiến của xã hội.
Sự
thật của biệt nghiệp vọng kiến vốn
không có cái vầng tròn năm màu quanh
một ngọn đèn.
Sự
thật của đồng phận vọng kiến là
những hiện tượng bất thường
chỉ
có với những người cùng ở trong
một nước gặp phải năm thời tiết
bất hòa.
Cá
nhân vọng kiến chỉ vì bệnh lòa mà
vầng tròn năm màu sanh ra.
Xã
hội vọng kiến chỉ do cùng ở chung một
nước mà những hiện tượng bất
thường
được thấy.
Người
không bệnh mắt, vầng tròn không có
trước đèn.
Chúng
sanh nước kế cận không chung quốc độ
nên những hiện tượng bất thường
không có.
Như
Lai Thế Tôn, vì không vọng kiến vô thỉ,
nên thấy "pháp giới bất nhị".
Như Lai tàng thanh tịnh "nhất
châu".
Chúng
sanh bị nhận thức sai lầm vô thỉ, cái
thấy trở thành các bệnh: Ngã, nhân,
bỉ, thử, thủ, xả thân, sơ
Đó là
trần lao, là vô minh bụi bặm. Chúng che
lấp mất cái bản thể vốn thanh tịnh của
Chơn tâm thường trú.
Ngày
nào chúng sanh xa rời vọng kiến sẽ
nhận thức rõ pháp giới nhất chân.
Chúng sanh trong mười phương đồng một
tâm tánh nhiệm mầu. Hiện tượng vạn
hữu chỉ là "vật trang trí" từ
thường trú chơn tâm biểu hiện.
Do
vậy, Như Lai nói: tánh thấy trong khi
thấy, tánh thấy đó không phải tánh
thấy bản thể. Tánh thấy đó còn cự
ly với tánh thấy bản thể. Tánh thấy
đó chưa là tánh thấy bản thể vốn
thanh tịnh bản nhiên
Lời
dạy thậm thâm của Phật, nhưng thiết
tưởng không có gì vượt quá tâm
thiền định tư duy của người hành giả
đệ tử Như Lai.
*
* *
10. TÁNH THẤY
NGOÀI HAI NGHĨA:
HÒA HỢP VÀ KHÔNG HÒA HỢP(^)
Phật
bảo: A Nan ! Dù ông đã ngộ tâm tánh
bản giác nhiệm mầu sáng suốt, không
phải nhân duyên, không phải tự nhiên,
nhưng ông còn chưa rõ tâm tánh sanh ra do
hòa hợp hay không hòa hợp.
A
Nan ! Ông nghĩ kỹ xem, tánh thấy nhiệm
mầu thanh tịnh của ông nó hòa với ánh
sáng hay hòa với tối ? Hòa với thông
hay hòa với ngăn bít ? Nếu hòa với
sáng, hiện nay ông thấy sáng, tánh thấy
hòa chỗ nào: Tánh thấy và tướng
sáng có thể nhận được, còn cái hình
trạng "hòa" ra sao ? Nếu tướng
sáng ngoài tánh thấy, làm sao thấy
được sáng ? Nếu tướng sáng là tánh
thấy, hóa ra thấy được tánh thấy,
hóa ra thấy được tánh thấy, còn gì
vô lý bằng ? Với tướng tối, tướng
thông và tướng bít cũng vậy.
Lại
nữa, A Nan ! Hiện nay tánh thấy nhiệm
mầu sáng suốt của ông, nó hợp với
sáng hay hợp với tối ? Hợp với
thông hay hợp với bít ? Nếu hợp với
sáng, đến khi tối tướng sáng mất đi
rồi, tánh thấy không còn hợp được
với tối, làm sao thấy được tối ?
Nếu không hợp với tối mà thấy
được tối, khi hợp với sáng lẽ ra
không thấy được sáng ! Đã không
thấy được sáng, làm sao hợp với
sáng và biết được sáng không phải
là tối ? Với tướng thông, tướng bít
cũng vậy.
A
Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Nay tôi lại
nghĩ: Tánh thấy nhiệm mầu đối với
trần cảnh và các tưởng niệm nhớ
nghĩ không hòa hợp chăng ?
Phật
bảo: Nay ông lại nghĩ: rằng tánh thấy
không hòa hợp với sáng hay không hòa
hợp với tối ? Không hòa với thông
hay không hòa với bít ? Nếu không hòa
với sáng thì giữa tướng sáng và
tánh thấy phải có lằn ranh. Ông hãy
xét kỹ: Chỗ nào là tướng sáng, chỗ
nào là tánh thấy ? Chỗ nào là ranh
giới giữa hai thứ kia ? A Nan ! Nếu trong
tướng sáng không có tánh thấy,
tướng sáng và tánh thấy không đến
nhau, tất nhiên tánh thấy sẽ tối,
tướng thông và tướng bít cũng vậy.
*
* *
TRỰC
CHỈ
Tánh
thấy là nhân duyên sanh hay tự nhiên
sanh đã được Phật hướng dẫn quá
rõ ràng. Nêu hai vấn đề: Biệt nghiệp
vọng kiến và đồng phận vọng kiến ở
đoạn trước, cũng nhằm chỉ rõ tánh
chất sai hại của tánh thấy, khi tánh
thấy bị nhận thức sai lầm.
"Tánh kiến giác minh, kiến tinh minh
giác, thanh tịnh bản nhiên chu biến pháp
giới, tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri
lượng, tuần nghiệp phát hiện".
Nhận rõ tính chất thanh tịnh bản nhiên,
chu biến pháp giới của tánh thấy thì
những vấn đề: nhân duyên, tự nhiên
hay phi nhân duyên, phi tự nhiên; hòa,
hợp hay phi hòa hợp tất cả đều trở
thành hí luận !
*
* *
11. BỐN KHOA BẢY
ĐẠI VỐN LÀ
HIỆN TƯỢNG BIỂU HIỆN TỪ NHƯ LAI TÀNG(^)
A
Nan ! Ông còn chưa rõ, tất cả tướng
phù trần hư huyễn đều là vật huyễn
sanh huyễn diệt trong bản thể Như Lai
tàng. Các huyễn vọng gọi là tướng,
tánh thực của tướng là thể giác minh
mầu nhiệm (Diệu giác minh thể). Năm ấm,
sáu nhập, mười hai xứ, mười tám
giới, nhân duyên hòa hợp vọng gọi
là sanh, nhân duyên chi ly vọng gọi rằng
diệt. Chúng sanh không biết sự sanh diệt
đi lại, chỉ là sự vận hành biến dịch
mầu nhiệm của Như Lai tàng. Sự vật
hiện tượng luôn luôn chuyển hóa lẫn
nhau. Trong Như Lai tàng tìm cho ra tử sanh
mê ngộ đến đi, không thể được.
*
* *
12. NĂM ẤM LÀ
HIỆN TƯỢNG
BIỂU HIỆN TỪ NHƯ LAI TÀNG(^)
Sắc
ấm
Thọ
ấm
Tưởng
ấm
Hành
ấm
Thức
ấm
1. Sắc
ấm:
A
Nan ! Sao gọi năm ấm là tánh chân như
mầu nhiệm biểu hiện của Như Lai tàng ?
A
Nan ! Ví như có người dùng mắt trong
sáng nhìn hư không thanh tịnh, chỉ thấy hư
không trong suốt không có gì khác. Mắt
người kia bỗng dưng đờ đẫn mỏi mệt,
trông hư không thấy hoa đốm lăng xăng,
các tướng huyễn hư rối loạn. Sắc ấm
cũng như vậy.
A
Nan ! Các hoa đốm không phải từ hư
không đến, không phải từ con mắt ra.
Nếu từ hư không đến, hư không chẳng
còn là hư không nữa. Nếu tứ mắt ra,
ắt phải có lúc trở vào. Nếu vậy, khi
ra thành hoa đốm làm mờ loạn hư không,
lúc vào tại sao không thấy con mắt ?
Sắc
ấm là hư vọng không phải nhân duyên
cũng không phải tự nhiên.
2. Thọ
ấm
A
Nan ! Ví như có người tứ chi an ổn, cơ
thể điều hòa, không bị vui buồn tác
động, tịch tĩnh như quên mình. Bỗng
nhiên người kia đưa hai tay lên không xoa
nhau, sanh cảm xúc: nóng, lạnh, trơn,
rít
Thọ ấm cũng như vậy.
A
Nan ! Những cảm xúc hư vọng kia, không
phải từ hư không đến. Không phải từ
bàn tay ra. Nếu từ hư không đến sanh
cảm xúc nơi bàn tay, sao không sanh cảm
xúc ở thân thể ? Không lẽ hư không
biết lựa chỗ để sanh cảm xúc ?
Thọ
ấm là hư vọng không phải nhân duyên
cũng không phải tự nhiên.
3.
Tưởng ấm
A
Nan ! Ví như nghe nói quả mơ chua, miệng
người kia tươm nước bọt. Nghĩ đứng
chỗ chênh vênh, lòng bàn chân cảm nghe
ghê rợn. Tưởng ấm cũng như vậy.
A
Nan ! "Mơ chua", vốn là một âm
thanh, nó không phải từ quả mơ, không
phải từ miệng vào. Nếu do mơ ra, quả
mơ tự nói, sao phải đợi người ta
nói. Nếu do miệng vào, lẽ ra miệng tự
nghe, cần chi đến lỗ tai ! Nếu riêng lỗ
tai nghe, sao nước bọt không chảy lỗ tai
lại tươm ra miệng ? Nghĩ đứng chỗ
chênh vênh cũng vậy.
Tưởng
ấm là hư vọng, không phải nhân duyên
không phải tự nhiên.
4. Hành
ấm
A
Nan ! Ví như dòng nước dốc cuồn cuộn
tương tục tuôn tháo. Dòng nước không
nhân hư không sanh, không nhân nước
có. Nó không phải tánh nước nhưng
không ngoài hư không và nước. A Nan !
Nếu nhân hư không sanh, mười phương hư
không vô tận, nước vô tận, thế gian
này chìm đắm cả rồi sao ? Nếu nhân
nước có, dòng nước dốc không là
nước sữa. Bởi vì, ai cũng có thể
chỉ tướng của nước và dòng nước
khác nhau.
Hành
ấm là hư vọng, không phải nhân duyên
cũng không phải tự nhiên.
5. Thức
ấm
A
Nan ! Ví như có người lấy cái độc
bình to bịt miệng, trong có đựng đầy hư
không, đi xa ngoài nghìn dặm, tặng cho
một nước khác. Hư không đó, chẳng
phải đến từ bên nước kia, cũng
không phải đưa vào nước bên nầy. Vì,
nước được tặng, hư không chẳng dôi
thêm ra. Nước đem cho không vì vậy, hư
không vơi bớt.
Thức
ấm là hư vọng, không phải nhân duyên
cũng không phải tự nhiên.
*
* *
TRỰC
CHỈ
Bốn
khoa bảy đại chỉ là hiện tượng trong
Như Lai tàng. Như Lai tàng là bản thể
của tất cả chủng tử của hiện tượng
vạn hữu.
Vấn
đề "Hiện tượng vạn hữu do gì
sanh", cho đến thế kỷ 20 này vẫn
còn là một vấn đề chưa ngã ngũ. Một
vấn đề mà loài người sẽ nói mãi,
có lẽ không bao giờ có sự nhất trí
với nhau.
Bảo
rằng hiện tượng vạn hữu do "đấng
tạo vật sanh", ở vào thời đại
văn minh nầy, người ta cho đó là quan
niệm ngây thơ ấu trĩ. Bảo rằng do
"tự nhiên sanh" đó là một
thứ tri kiến của người không tri kiến
tí nào. Bởi vì trước mắt mọi
người, không có cái gì "tự
nhiên" cả.
Với
nền giáo lý Phật, trong những năm dài
thuyết giáo, Phật thường dạy cho các
đệ tử: rằng "vạn pháp do nhân
duyên sanh"
Cái chân lý đó,
càng ngày càng rạng rỡ. Thế kỷ 20
nầy, loài người tiến đến đỉnh cao
của trí tuệ, của khoa học văn minh
người ta đã chứng minh được rằng
một nguyên tử, hạt cơ bản của nguyên
tử cũng chưa phải là một đơn vị
"tự nhiên" mà nó còn kết
hợp bởi những tính
và chất
mà người ta chưa tìm ra ngôn từ tương
xứng để xưng gọi. Sự gặp gỡ đó,
ta có thể tự hào và kết luận rằng:
giáo lý "nhân duyên"
. Của
Phật giáo là niềm vui hãnh diện của
những người đệ tử có lòng tín mộ
tôn thờ Đức Phật làm vị "Bổn
sư" mình.
Vậy
mà ở kinh Thủ Lăng Nghiêm nầy. Đức
Phật thẳng thắn nói với ông A Nan:
rằng giáo lý "nhơn duyên" mà
Như Lai nói chưa phải thứ giáo lý "Liễu
nghĩa". Quả là một tiếng sấm
lưng trời ! Nói "đấng tạo vật"
sanh, bị Phật rầy; nói "thần
ngã" sanh, bị Phật trách; nói
"Phạm Thiên" sanh, bị Phật chê;
nói "tự nhiên" sanh, bị Phật
bác; nói "đấng A La" sanh, Phật
không chịu; nói "hòa hợp" sanh,
bị Phật nạn,; nhớ lời Phật dạy, nói
"nhân duyên" sanh, nay cũng không
xong ! Vậy thì:
A
? Cái gì sanh vũ trụ vạn hữu ?
Người
học Phật cần tư duy, phải tư duy sâu
sắc, nhà Phật gọi là "tham
thiền". Người ta thường thắc mắc,
khi tham thiền phải tham những gì ? Thì
đây chính là "thoại đầu" là
một đề tài lớn để cho người đệ
tử Phật "tham" và "tọa":
"Vũ
trụ vạn hữu do gì sanh ?"
Tham
cho đến khi trí tuệ bừng sáng, tháo
gỡ hoàn toàn cái gút thắt của vấn
đề, chừng đó, hành giả chợt thấy:
"Bát nhã hoa
khai vạn pháp, tức tâm, tức Phật"
"Bồ
đề quả thục Nhất chân phi sắc phi
không".
*
* *
13. SÁU NHẬP LÀ
HIỆN TƯỢNG
BIỂU HIỆN TỪ NHƯ LAI TÀNG(^)
Nhãn
nhập
Nhĩ
nhập
Tỷ
nhập
Thiệt
nhập
Thân
nhập
Ý
nhập
1. Nhãn
nhập
A
Nan: Vì sao bản tánh của sáu nhập vốn
là hiện tượng biểu hiện từ Như Lai
tàng ?
A
Nan ! Con mắt khi ngó chăm chú
sanh ra
sự mỏi mệt. Tánh thấy và sự mỏi
mệt đều là hiện tượng phát sanh từ
thể tánh Bồ Đề trong sáng. Nhơn hai
thứ vọng trần sáng và tối phát sanh
tánh thấy bên trong, thu nhập các trần
tướng gọi đó là tánh thấy. Tánh
thấy rời hai trần sáng và tối không
có tự thể. A Nan, ông nên biết, tánh
thấy không phải từ sáng hay tối mà
đến, không phải từ mắt ra, không phải
từ hư không sanh. Nếu từ sáng đến
thì lúc tối nó đã theo sáng diệt mất
đi rồi, lẽ ra không thấy được tối.
Nếu từ tối đến, lúc sáng nó đã
theo tối diệt mất đi rồi, lẽ ra không
thấy sáng. Nếu do mắt sanh, không cần
có sáng tối thời mắt chẳng thấy
được gì, đồng như không có thấy.
Nếu do hư không ra thì lúc ngó ra thấy
các trần tướng, khi xoay vào ắt phải
thấy mắt và mặt. Và nếu thật vậy,
thì hư không tự thấy nào có tương quan
gì với sự thu nạp của ông ? Vì vậy,
biết rằng nhãn nhập là hư vọng, không
phải nhơn duyên cũng không phải tự
nhiên.
2. Nhĩ nhập
A
Nan ! Ví như có người lấy hai ngón tay
bịt chặt hai lỗ tai. Do tai mỏi mệt hóa ra
có nghe. Tánh nghe và sự mệt mỏi đều
là hiện tượng phát sanh từ thể tánh
Bồ Đề trong sáng. Nhơn hai thứ vọng
trần động và tĩnh sanh tánh nghe bên
trong, thu nạp các trần tướng gọi đó
là tánh nghe. Tánh nghe rời hai trần
động và tĩnh không có tự thể. A Nan !
Ông nên biết, tánh nghe đó không phải
từ động tĩnh đến, không phải từ tai
ra, cũng không phải do hư không có. Vì
vậy biết rằng nhĩ nhập là hư vọng,
không phải nhơn duyên cũng không phải
tự nhiên.
3. Tỷ
nhập
A
Nan ! Nếu bịt hai lỗ mũi, bịt lâu thành
mỏi mệt, trong lỗ mũi có cái xúc lành
lạnh. Nhơn xúc đó phân biệt được
thông và nghẹt, rỗng đặc cho đến các
mùi thơm thối
Tánh ngửi và sự
mỏi mệt đều là hiện tượng phát sanh
từ thể tánh Bồ Đề trong sáng. Nhơn hai
vọng trần, thông và nghẹt phát ra tánh
ngửi ở trong, thu nạp các trần tướng
gọi đó là tánh ngửi. Tánh ngửi
rời hai trần thông và nghẹt không tự
thể. Tánh ngửi không phải từ thông
và nghẹt mà đến, không phải từ lỗ
mũi ra cũng không phải do hư không sanh.
Vì vậy biết rằng tỷ nhập là hư vọng,
vốn không phải nhơn duyên cũng không
phải tự nhiên.
4. Thiệt
nhập
A
Nan ! Ví như có người dùng lưỡi liếm
mép, liếm mãi sanh mỏi mệt, nếu người
đó có bệnh thì có vị đắng, người
không bệnh thì có chút vị ngọt. Do
những cảm xúc ngọt đắng, mà bày tỏ
tánh nếm, khi không động thường có
tánh nhạt. Tánh nếm và sự mỏi mệt
đều là hiện tượng phát sanh từ thể
tánh Bồ Đề trong sáng. Nhơn hai thứ
vọng trần nhạt và ngọt phát sanh tánh
nếm ở trong, thu nạp các trần tướng
gọi đó là tánh biết nếm. Tánh biết
nếm rời những trần: ngọt nhạt, đắng
cáy
Không có tự thể. A Nan ! Sự
biết ngọt biết nhạt không phải từ
ngọt nhạt đến, không phải từ lưỡi
ra cũng không phải do hư không sanh. Vì
vậy biết rằng thiệt nhập là hư vọng
vốn không phải nhơn duyên cũng không
phải tự nhiên.
5. Thân
nhập
A
Nan ! Ví như có người dùng bàn tay lạnh
chạm bàn tay nóng. Nếu lực bên lạnh
nhiều hơn thì bên nóng trở thành lạnh.
Nếu lực bên nóng nhiều hơn thì bên
lạnh hóa ra nóng. Do sự cảm nhận trong
lúc hợp mà nhận biết lúc rời ra.
Giữa thế tương quan đó, phát ra mỏi
mệt và cảm xúc. Tánh cảm xúc và mỏi
mệt đều là hiện tượng phát sanh từ
thể tánh Bồ Đề trong sáng. Nhơn hai
vọng trần hợp và ly phát ra sự hiểu
biệt ở trong, thu nạp các trần tướng,
đó gọi là tánh biết xúc. Tánh biết
xúc rời hai trần ly và hợp, trái và
thuận không có tự thể. A Nan ! Tánh
biết xúc không phải từ hợp ly đến,
không phải từ trái thuận ra cũng không
phải do hư không sanh. Vì vậy biết rằng
thân nhập vốn hư vọng, không phải nhơn
duyên cũng không phải tự nhiên.
6. Ý
nhập
A
Nan ! Ví như có người mệt nhọc thì
ngủ, ngủ chán thức dậy. Nhận biết
trần cảnh, thì nhớ, lúc hết nhớ gọi
là quên. Các sự việc ấy sanh khởi,
tồn tại thay đổi rồi mất đi. Cứ theo
cái vòng lẩn quẩn mà hấp thụ không
lộn lạo, không chồng chất rối loạn,
gọi đó là "ý tri căn". Ý tri
căn và sự mỏi mệt đều là hiện
tượng phát sanh từ thể tánh Bồ Đề
trong sáng. Nhơn hai thứ vọng trần sanh
diệt, nhóm tánh biết ở trong, thu nạp
pháp trần, dòng thấy nghe chảy ngược
mà không chỗ đến, gọi đó là sự
hiểu biết (tức là ý tri căn hay ý
nhập). Tánh hiểu biết này rời hai trần
tướng: Thức, ngủ, sanh diệt nó không
có tự thể. A Nan ! Ý căn hay sự hiểu
biết đó, không phải từ thức, ngủ
đến, không do sanh diệt có, không phải
từ ý căn phát ra cũng không phải do
hư không sanh. Nếu từ thức đến lúc
ngủ nó đã diệt theo thức mất đi rồi
còn lấy gì làm ngủ. Nếu cho rằng khi
sanh mới có hiểu biết, thì lúc diệt
nó đã không còn, làm sao biết được
diệt. Nếu do diệt có, lúc sanh không
còn diệt thì lấy gì mà biết là sanh.
Nếu do hư không sanh thì hư không tự
biết nào có dính dáng gì chỗ thu nạp
của ông ? Vì vậy, biết rằng ý nhập
là hư vọng vốn không phải nhơn duyên
cũng không phải tự nhiên.
*
* *
14. MƯỜI HAI XỨ LÀ
HIỆN TƯỢNG
BIỂU HIỆN TỪ NHƯ LAI TÀNG(^)
Sắc
và kiến
Thanh
và thính
Hương
và khứu
Vị
và thường
Xúc
và thân
Pháp
và ý
1. Sắc
và kiến (Sắc
trần và tánh thấy)
A
Nan ! Vì sao 12 xứ là hiện tượng biểu
hiện từ Như Lai tàng ?
A
Nan ! Ông hãy xem rừng Kỳ Đà, ao khe
cây cảnh, tất cả hiện tượng kia. Ông
nghĩ thế nào ? Sắc tướng sanh tánh
thấy hay tánh thấy sanh sắc tướng ?
A
Nan ! Nếu tánh thấy sanh sắc tướng thì
lúc trông thấy hư không, không có sắc
tướng, tánh thấy đã mất rồi, còn
lấy gì để nhận biết được tướng hư
không ? Nếu sắc tướng sanh tánh thấy,
vậy khi thấy hư không, không có sắc
tướng thì lấy gì để biết được hư
không và sắc tướng ? Với hư không
cũng như vậy.
2. Thanh
và thính (thanh
trần và tánh nghe)
A
Nan ! Ông nghe trong trai đường ở rừng
Kỳ Đà nầy, dọn đồ ăn xong thì đánh
trống, lúc họp chúng đánh chuông.
Tiếng chuông trống lần lượt nối nhau.
A
Nan ! Ông nghĩ thế nào ? Tiếng đến chỗ
nghe hay tánh nghe đến chỗ tiếng ?
A
Nan ! Nếu tiếng đến chỗ tánh nghe, vậy
khi tiếng đến chỗ ông A Nan, khiến cho
ông A Nan được nghe, thì ông Mục Kiền
Liên, ông Ca Diếp v.v
lẽ ra không
thể đồng nghe cùng một lúc. Ví như khi
tôi khất thực ở thành Thất La Phiệt
thì ở rừng Kỳ Đà nầy có cả 1250 vị
sa môn, khi nghe tiếng chuông, đồng đến
chỗ thọ trai một lượt. Nếu như tánh
nghe của ông đến bên tiếng thì lúc
ông nghe tiếng trống, có tiếng chuông
lẽ ra ông không thể nghe được. Cũng
như khi tôi đã về rừng Kỳ Đà thì
không thể có mặt ở thành Thất La
Phiệt nữa. Sự thật, không những ông
nghe tiếng trống tiếng chuông mà ông
còn nghe được cả tiếng voi, ngựa,
trâu, dê và nhiều tiếng khác cùng một
lúc. Còn nếu trống và tánh nghe không
đến nhau thì không có gì để gọi là
nghe cả. Vậy nên biết rằng: tánh nghe
và tiếng cả hai đều là hư vọng, không
phải nhơn duyên cũng không phải tự
nhiên.
3. Hương
và khứu (Hương
trần và tánh ngửi)
A
Nan ! Ông hãy ngửi hương chiên đàn
trong lư đầy, hương nầy nếu đốt một
lạng thì cả thành Thất La Phiệt đều
được ngửi được mùi thơm. Ông nghĩ
thế nào ? Mùi thơm sanh do gỗ chiên đàn
? Do lỗ mũi ? Hay do hư không ? Nếu do lỗ
mũi sanh thì nó từ lỗ mũi ra. Nhưng lỗ
mũi không phải chiên đàn thì sao lại
có được mùi thơm chiên đàn ? Nếu
từ hư không sanh, tánh hư không thường
nhiên thì mùi thơm cũng phải thường
nhiên, cần chi phải đốt chiên đàn trong
lư mùi thơm mới có ?
Nếu
mùi thơm từ gỗ chiên đàn sanh, cần gì
phải đợi đốt thành khói mới có
chất thơm loan tỏa trong thành ? Vì vậy,
biết rằng: Hương trần và tánh ngửi
không xứ sở, cả hai đều hư vọng,
không phải nhơn duyên cũng không phải
tự nhiên.
4. Vị và
thường (Vị
trần và tánh nếm)
A
Nan ! Thường thì ông trì bát khất thực
ngày hai lần. Có khi được tô, lạc,
đề hồ, là những vị ngon. Ông nghĩ thế
nào ? Vì do hư không sanh ? Do lưỡi ? Hay
do đồ ăn sanh ?
A
Nan ! Nếu vị do lưỡi sanh, trong miệng ông
chỉ có một cái lưỡi làm sao biết
được các vị: ngọt, chua và đắng ?
Nếu do đồ ăn sanh, đồ ăn thì vô tri
giác làm sao biết được vị ? Nếu vị
từ hư không sanh, vậy ông hãy nếm xem
hư không vị gì ? Vì vậy, biết rằng: Vị
trần và tánh biết nếm không có xứ
sở, cả hai đều hư vọng, không phải
nhơn duyên cũng không phải tự nhiên.
5. Xúc
và thân (Xúc
trần và tánh cảm thụ)
A
Nan ! Thường buổi sớm mai ông lấy tay
xoa đầu. Ông nghĩ thế nào ? Trong sự
nhận biết xoa đầu, ông thử phân tích
cái nào năng xúc cái nào sở xúc ?
Năng xúc ở tay hay ở đầu ? Nếu ở
tay, đầu không biết làm sao thành xúc ?
Nếu ở đầu, tay vô dụng cũng không
gọi là xúc được. Nếu tay lẫn đầu
đều biết xúc, vậy một mình ông có hai
cái xúc. Thế thì trong ông có cả hai con
người ? Vả lại, nếu đầu và tay đồng
một cảm xúc, thế thì cả hai cùng một
tự thể. Nếu một tự thể thì không
sở không năng, cái nghĩa cảm xúc
không thành lập được. Nếu là hai thể
thì cảm xúc ở phía nào ? Ở bên năng
thì không ở bên sở. Ở bên sở,
không có bên năng. Không lẽ hư không
làm cho ông có xúc ? Vì vậy, biết
rằng: Xúc và thân không xứ sở, cảm
biết xúc cùng xúc trần đều hư vọng,
không phải nhơn duyên cũng không phải
tự nhiên.
6. Pháp và ý (Pháp
trần và y)
A
Nan ! Ý căn thường duyên với ba tánh.
Thiện, ác và vô ký mà sanh pháp trần.
Pháp trần đó tức tâm sanh hay ly tâm
sanh ?
A
Nan ! Nếu tức tâm sanh pháp trần thì
pháp trần không còn trần nữa. Vì nó
không là pháp sở duyên của tâm, làm
sao thành xứ được ? Bảo rằng ly tâm
riêng có chỗ sanh cũng không được.
Thử hỏi: Bản tánh của pháp trần có
biết hay không biết ? Nếu có biết thì
không thể ly tâm. Nếu không biết thì
nó ngoài sắc, thanh, hương, vị, xúc,
ngoài hợp, ly, nóng, lạnh; ngoài cả hư
không. Vậy thì pháp trần ở chỗ nào ?
Hiện tại trong sắc không v.v
Không
thể chỉ cái gì là pháp trần. Chẳng lẽ
trong nhơn gian lại có cái
ngoài hư
không ? Nếu không có đối tượng sở
duyên thì ý căn do đâu thành lập xứ
? Vì vậy, biết rằng: pháp trần cùng ý
căn không có xứ sở, cả hai đều hư
vọng, không phải nhơn duyên cũng không
phải tự nhiên.
--- o0o ---
Mục lục
Mục lục tập 01
|
chương 1 | chương 2 |chương 3 - chương 3a
Mục
lục tập 02 |
chương 4 |chương 5 | chương 6
Mục lục tập 03 |
chương 7| chương 8 | chương 9 | chương 10|
Phụ lục
--- o0o ---
|
Thư
Mục Tác Giả |
--- o0o ---
Vi tính :
Hải Hạnh
Trình bày : Nhị Tường
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục