Nếu tin hiểu về “Như Lai thọ lượng” thì công đức vô lượng vô biên. Còn “tùy hỷ” nghe kinh Pháp Hoa này thì được bao nhiêu phước đức?
Ngài Di Lặc thay cho đạt chúng bạch Đức Thế Tôn rằng:
Sau khi Phật diệt độ,
Có người nghe kinh này,
Nếu hay tùy hỷ được,
Chừng đặng bao nhiêu phước?
Đức Thế Tôn đã bảo Ngài Di Lặc rằng: “A Dật Đa! Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di và những người có trí hoặc lớn hoặc nhỏ, nghe kinh này mà tùy hỷ rồi từ trong pháp hội ra đến chỗ khác, hoặc tại tăng phòng, hoặc chỗ vắng vẻ hoặc thành ấp, đường sá, xóm làng, ruộng rẫy, đem pháp đúng như chỗ đã nghe mà vì cha mẹ, tôn thân, thiện hữu tri thức, tùy sức diễn nói. Các người đó nghe rồi tùy hỷ lại chuyển dạy người khác. Người khác nghe rồi cũng tùy hỷ chuyển dạy xoay vần như thế đến người thứ năm mươi. A Dật Đa ! Công đức tùy hỷ của thiện nam tử, thiện nữ nhân thứ năm mươi đó, ta nay nói ngươi phải lắng nghe”.
Điều đó cho chúng ta thấy rõ rằng: vì tin hiểu và tùy hỷ nên không còn vọng tưởng, rõ thông các pháp, trí tuệ bừng sáng, lòng không rối loạn và người đó chính là bậc “Pháp Vương Tử” tùy thuận chúng sinh mà ban pháp lành. Không trụ chấp ở quả vị đạt thành, cùng với pháp giới chúng sinh viên thành đạo quả.
Đầy đủ Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, mà kinh đã viện dẫn “xoay vần đến người thứ 50” thì sự “kiến tánh” là công, “ bình đẳng” là đức, sẽ không thể nghĩ bàn.
Vì sao? vì “nếu nghe mà tùy hỷ, lại từ trong pháp hội ra mà thuyết cho kẻ khác cùng nghe”, thì chúng sinh ấy dù ở trong hình tướng nào đi nữa như Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di vẫn không rời “tự tánh nhiệm mầu” ứng khắp mọi nơi để hóa độ chúng sinh.
Do vậy mà công đức của chúng sinh đó không thể suy lường được, nên đoạn kinh đã viện dẫn: “Nếu 400 muôn ức vô số thế giới có sáu đường chúng sinh trong bốn loài: noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, hoặc có hình, không hình, có tướng, không tướng, chẳng phải có tướng, chẳng phải không tướng, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân. Tất cả ở trong số chúng sinh như thế, có người cầu phúc tùy theo đồ ưa thích của mỗi chúng sinh đều cung cấp đầy đủ. Mỗi mỗi chúng sinh cho các trân bảo tốt, vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, đầy cõi Diêm Phù Đề và voi ngựa, xe cộ, bảy báu, làm thành cung điện, lầu gác... Vị đại thí chủ đó bố thí như thế đủ 80 năm (suốt một đời của loài người) lại dùng Phật pháp dạy bảo chúng đặng đạo A na hàm, A la hán... đủ tám món giải thoát.
Ý ngươi nghĩ sao? Công đức của vị đại thí chủ đó có nhiều chăng?
Ngài Di Lặc bạch Phật rằng: Thế Tôn! Công đức của người đó rất nhiều, vô lượng vô biên.
Tuy nhiên, nếu đem so sánh vớ công đức của “người thứ 50” hay nói cách khác của vị Đại Bồ Tát thì trăm nghìn muôn ức phần chẳng đặng một phần, nhẫn đến chẳng thể nào so lường được.
Như vậy, một lần nữa chúng ta càng nhận rõ hơn: nếu chúng sinh nào nghe và tin hiểu mình có “tri kiến Như Lai”, có “Phật pháp thân” thì không còn mắc kẹt vào những phước báu “hữu lậu” mà đã trực nhận bản tâm vốn có đầy đủ “diệu lực bất tư nghị” làm gì lấy các phước báu hữu vi mà so sánh được”.
“A Dật Đa! Nếu có người nói với người khác rằng: có kinh tên Pháp Hoa nên cùng nhau đến nghe, liền nhận lời bảo nhẫn đến nghe giây lát. Công đức của người đó chuyển thân đặng cùng với Đà La Ni Bồ Tát sinh cùng một chỗ, lợi căn trí tuệ”.
Như thế, nhẫn đến chỉ nói người khác biết có kinh tên Pháp Hoa và người khác chịu nghe trong giây lát thì người nói ấy sẽ sinh chung một chỗ với Đà La Ni Bồ Tát. Nghĩa là sinh vào bậc từ Ngũ địa trở lên, phước huệ trang nghiêm, không gì so sánh được.
Nói kinh tên Pháp Hoa, khuyên một người nghe, còn được công đức như thế. Huống là một lòng nghe nói, đọc tụng, lại ở trong đại chúng vì người phân biệt đúng như lời dạy mà tu hành, thì công đức không thể nào suy lường được.
Phần kệ cuối phẩm kinh đã nêu:
Khuyên người ngồi nghe kinh
Nhân vì phước đó đặng
Tòa Thích phạm chuyển luân
Huống là một lòng nghe
Giải nói nghĩa thú kinh
Đúng như pháp mà tu
Phước đó chẳng lường được
Pháp sư Công Đức là nói về những công đức do bởi lục căn thanh tịnh diệu dụng tùy duyên.
Từ lâu mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý ứng tiếp với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Do nhiễm trước mà vọng tà dậy khởi, nên thấy, nghe, hiểu biết trở thành phù phiếm, eo hẹp, thấp hèn.
Nay trực nhận “bản tâm” nhận rõ căn, trần, thức, giới, không ngoài “tự tánh nhiệm mầu”.
Bởi “bản giác diệu minh” tùy duyên “ứng cơ tiếp vật” nên khi hiện “sắc thân” loại người mỗi căn đều có công năng vi diệu chiếu tỏa hiện hành.
Phẩm Pháp sư Công đức được tuyên bày để nêu rõ công năng vi diệu ấy. Nếu chúng sinh biết quay về “bản lai diện mục” của chính mình.
“Lúc bấy giờ Phật bảo Ngài Thường Linh Tấn Bồ Tát rằng: nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì kinh Pháp Hoa này, hoặc đọc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, người đó sẽ đặng:
800 công đức nơi mắt,
1.2000 công đức nơi tai,
800 công đức nơi mũi,
1.200 công đức nơi lưỡi,
800 công đức nơi thân,
1.200 công đức nơi ý.
Dùng những công đức này trang nghiêm sáu cặn đều được thanh tịnh”.
Về Phẩm “Như Lai thọ lượng”, Phẩm “Phân biệt Công đức” và phẩm “Tùy hỷ Công đức”, ba phẩm trên nói về quả đức của “tự tánh nhiệm mầu”. Chỉ có bậc đẳng giác Bồ Tát mới có thể nhận được. Cho nên ngài Di Lặc Bồ Tát đã thị hiện tiêu biểu cho bậc đẳng giác Bồ Tát thọ lãnh ý chỉ thâm diệu đó. Khi Đức Thế Tôn thuyết về những chúng sinh nào đã nhận chân được “Tri kiến Phật”, nhận chân được “bản giác diệu minh” vốn đã có đầy đủ hằng sa công đức diệu dụng tùy duyên, mà kinh đã viện dẫn là tin hiểu tùy hỷ nghe kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” thì công đức không thể nghĩ bàn.
Bởi lẽ kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” là phương tiện để hiển bày “Tri kiến Phật”; một khi đã nghe rằng: mỗi mỗi chúng sinh đều có “Tri kiến Phật” mà tin hiểu, tùy hỷ và nói cho chúng sinh khác cùng nghe. Đó chính là bậc thượng thượng căn, thượng thượng trí mới có thể liễu tri và hành trì được.
Phẩm “Pháp sư Công đức” này tiêu biểu cho những chúng sinh hiện hành những đức tướng khế hợp với “tự tánh nhiệm mầu” mà viên thông nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn.
Nghĩa là hành trì “Diệu Pháp” nên sự thấy, nghe, hiểu, biết, ngửi, nếm vô cùng diệu dụng.
Các căn đã thanh tịnh. Do vậy:
- Mắt thấy rõ muôn pháp tự tánh là không, thấy rõ nguyên nhân sinh tử, luân hồi, nguyên nhân tu hành giải thoát. Thấy tất cả “sắc thân” mà không nhiễm trước bởi sự thấy ấy.
- Tai nghe rõ tiếng tăm của muôn loài, từ những âm thanh chát chúa, xấu ác đến những âm thanh vi diệu nhẹ nhàng nhưng không bị âm thanh đó phủ lấp “tánh nghe”.
- Mũi ngửi được tất cả mùi từ chúng sinh đến thánh hiền, nhưng không bị nhiễm trước bởi mùi nào cả.
- Lưỡi nếm được tất cả các vị và nói được những lời nói vi diệu làm cho chúng sinh trực nhận “bản tâm” mà không nhiễm trước bởi một pháp nào cả.
- Thân là nơi tất cả “sắc tượng” của các loại chúng sinh đều hiện rõ, nhưng không nhiễm trước bởi các “sắc tượng” nào cả.
- Ý phân biệt rõ ràng các pháp, nhưng không bị các pháp lôi cuốn. Nghe một bài kệ, một câu kinh, thấu suốt vô lượng nghĩa và biện tài vô ngại.
Khi “lục căn thanh tịnh” thì mỗi cử chỉ, mỗi lời nói đều khế hợp với chánh pháp. Như thế Đức Thế Tôn đã dùng phương tiện hữu hi để chỉ bày sự thanh tịnh của lục căn có công năng vi diệu, để từ đó chúng sinh quy hướng về “tự tánh nhiệm mầu” nên mới có phân biệt công năng của từng căn như vậy.
Do vậy mà phẩm kinh đã nêu:
Mắt thịt cha mẹ sinh,
Thấy cả cõi tam thiên,
Trong ngoài núi Di Lâu,
Núi Tu Di, Thiết Vi,
Và các núi rừng khác,
Biển lớn, nước sông ngòi,
Dưới đến ngục A Tỳ,
Trên đến trời Hữu Đảnh,
Chúng sinh ở trong đó,
Tất cả đều thấy rõ,
Dầu chưa đặng thiên nhãn,
Sức nhục nhãn như thế.
Lại nữa:
Tai cha mẹ sinh ra,
Trong sạch không đục nhơ,
Dùng tai thường này nghe,
Cả tiếng cõi tam thiên,
Tiếng voi, ngựa, trâu, xe,
Tiếng chung, linh, loa, cổ,
Tiếng cầm, sắc, không, hầu,
Tiếng ống tiêu ống địch,
Tiếng ca hay thanh tịnh,
Nghe đó mà chẳng ham,
Tiếng vô số giống người,
Nghe đều hiểu rọ đặng,
Tai nghe các tiếng trời,
Tiếng ca rất nhiệm mầu...,
Nhẫn đến trên Hữu Đảnh,
Xa nghe các tiếng đó,
Mà chẳng hư nhĩ căn...,
Người trì kinh Pháp Hoa,
Dầu chưa đặng thiên nhĩ,
Chỉ dùng tai sinh ra,
Công đức đã như thế.
Lại nữa:
Mũi ngửi đó thanh tịnh,
Ở trong thế giới này,
Hoặc vật thơm, vật hôi,
Mùi nam tử, nữ nhân,
Người nói pháp ở xa,
Nghe mùi biết chỗ nào,
Các thứ hương xoa thân,
Nghe mùi biết thân kia,
Các trời hoặc đi, ngồi,
Dạo chơi và thần biến,
Người trì kinh Pháp Hoa,
Nghe mùi đều biết đặng,
Trai gái A tu la,
Và quyến thuộc của chúng,
Lúc đánh cãi, dạo chơi,
Nghe hương đều biết đặng,
Trời Quang âm, Biến tịnh,
Nhẫn đến nơi Hữu Đảnh,
Mới sinh và lui chết,
Nghe hương đều biết được...
Lại nữa:
Người đó lưỡi thanh tịnh,
Trọn không thọ vị xấu,
Người đó ăn uống chi,
Đều biến thành cam lồ,
Dùng tiếng hay thanh tịnh,
Ở trong chúng nói pháp,
Đem các nhân duyên dụ,
Dẫn dắt loài chúng sinh,
Người nghe đều vui mừng...
Lại nữa:
Người đó lưỡi thanh tịnh,
Trọn không thọ vị xấu,
Người đó ăn uống chi,
Đều biến thành cam lồ,
Dùng tiếng hay thanh tịnh,
Ở trong chúng nói pháp,
Đem các nhân duyên dụ,
Dẫn dắt loài chúng sinh,
Người nghe đều vui mừng...
Lại nữa:
Nếu người trì Pháp Hoa,
Thân thể rất thanh tịnh,
Như lưu ly sạch kia,
Chúng sinh đều ưa thấy,
Lại như gương sáng sạch,
Đều thấy các sắc tượng,
Bồ Tát nơi tịnh thân,
Thấy cả vật trong đời,
Chỉ riêng mình thấy rõ,
Người khác không thấy được,
Tất cả các chúng sinh,
Trời, người, A tu la,
Địa ngục, quỷ, súc sinh,
Các sắc tượng như thế,
Đều hiện rõ trong thân,
Cung điện của các trời,
Nhẫn đến trời Hữu Đảnh,
Núi Thiết vi, Di lâu,
Các biển lớn nước chảy,
Đều hiện ở trong thân,
Dầu chưa đặng diệu thân,
Pháp tánh sạch các lậu,
Dùng thân thanh tịnh thường,
Tất cả hiện trong đó.
Lại nữa:
Ý người đó thanh tịnh,
Sáng trong không đục nhơ,
Dùng ý căn tốt đó,
Biết pháp thượng, trung, hạ,
Nhẫn đến nghe một kệ,
Thông đạt vô lượng nghĩa,
Thứ đệ nói đúng pháp,
Tháng, bốn tháng, đến năm...
Trọn biết các pháp tướng
Theo nghĩa rõ thứ đệ,
Suốt danh tự ngữ ngôn,
Như chỗ biết diễn nói,
Người đó có nói ra,
Là pháp của Phật trước,
Vì diễn nói pháp này,
Ở trong chúng không sợ,...
Được tất cả chúng sinh,
Vui mừng và mến kính,
Hay dùng nghìn muôn ức,
Lời lẽ rất hay khéo,
Phân biệt mà nói pháp,
Bởi trì kinh Pháp Hoa,
Như thế, một lần nữa cho chúng ta nhận rõ hơn, nếu lục căn thanh tịnh thì tùy theo sự diệu dụng của mỗi căn mà chúng trở thành “pháp sư”.
Mỗi hành vi tạo tác đều thể hiện sự nghiệm mầu của tự tánh.
Thọ trì kinh Pháp Hoa là sống xứng hợp với “bản tâm thanh tịnh” rõ thông muôn pháp, hành vi thuần thiện.
Đối với tai, lưỡi, ý là những phương tiện linh diệu hơn mắt, mũi, thân, của sắc thân loại người. Những đức tính vi diệu hiển bày ở mỗi căn đều phát xuất từ “tự tánh nhiệm mầu”, nên chúng là “pháp sư” có công năng làm cho chúng sinh “kiến tánh” và nhận rõ tánh không tịch của vạn pháp, nên gọi là công đức.
Nói tóm lại, lục căn đó thanh tịnh hay không là do sự khởi động nhiễm trước hay không nhiễm trước khi ứng tiếp với khách trần.
Thọ trì kinh Pháp Hoa là sống xứng hợp với “Tri kiến Như Lai”. Trước cảnh duyên nhận biết rõ ràng nhưng không nhiễm trước. Do vậy mà hành vi thể hiện ngay lúc đó là hành vi thuần thiện, từ “bản tâm thanh tịnh” hiển bày.
Do vậy những tác động từ “lục căn thanh tịnh” là “pháp sư”, là “công đức” vậy.
Vì thọ trì kinh Pháp Hoa mà mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý được thanh tịnh. Do thanh tịnh nên không nhiễm trước mỗi hành vi tạo tác đều từ nơi “bản tâm thanh tịnh” tùy thuận cảnh duyên mà khởi động, hiển bày. Đến đây để đối trị thuận hạng tăng thượng mạn được ít cho là đủ, tự khinh mình chẳng có “tri kiến Như Lai” nên Phẩm “Thường Bất Khinh Bồ Tát” được tuyên bày.
Vào đầu phẩm kinh Đức Thế Tôn đã dạy: “Đắc Đại Thế! Về thuở xưa quá vô lượng vô biên bất khả tư nghị vô số kiếp có Phật hiệu Oai Âm Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sự, Phật Thế Tôn. Kiếp đó tên là Ly Suy, nước đó có tên là “Đại Thành”.
Do vì thoát ly sinh tử, rời bỏ nhiễm chấp nên gọi là “Ly Suy”. Đatï như thế là một thành công to lớn trong việc tu trì mà có doanh xưng là “Đại Thành”.
Liễu được “tử sinh” không bị trói buộc bởi các pháp, oai đức bao trùm cả pháp giới, tiếng nói huyền diệu của chân tâm như một mệnh lệnh, làm cho chúng sinh tỉnh giác, mà đoạn kinh đã nêu: “Đức Oai Âm Vương Phật trong đời đó vì trời, người, A tu la mà nói pháp”.
Bởi vì tiếng huyền diệu có đầy đủ oai đức phát xuất từ “bản tâm thanh tịnh” không lệ thuộc vào thời gian, không gian, cũng không dành riêng cho ai cả. Mọi chúng sinh đều có tiếng nói huyền diệu và oai đức tự tại ở nơi chính “bản tâm” mình.
Liễu triệt được rằng Phật là pháp, và cũng chỉ là một trong vô lượng pháp, từ “tự tánh nhiệm mầu” tùy duyên ứng hiện nên “Đức Oai Âm Vương diệt độ” lại có Phật ra đời cũng hiệu “Oai Âm Vương Như Lai” và cứ thứ lớp như thế có đến hai muôn ức Đức Phật đồng một hiệu “Oai Âm Vương Như Lai”.
Vì hạt giống vô lậu giải thoát của mỗi chúng sinh đều có. Do vậy mà chư Phật đã tùy theo căn cơ của chúng sinh dìu dắt, uốn nắn để cho chúng “trực nhận bản tâm”. Tuy nhiên, trước cảnh duyên chúng sinh thường vướng nhiễm mà vọng tâm dấy khởi.
Tánh giác bị phủ mờ bởi phiền não chướng và sở tri chướng nên chúng sinh khó có thể trực nhận “tự tánh nhiệm mầu”. Nhất là sau khi đấng Đại Giác diệt độ và cho đến thời kỳ chánh pháp cũng chẳng còn. Những chúng sinh căn lành cạn mỏng, được ít cho là đủ, hạng tăng thượng mạn này lại rất có thế lực. Do đó muốn chỉ rõ cho chúng sinh nhận ra được “tự tánh nhiệm mầu”, chỉ rõ cho chúng sinh có khả năng thành Phật, đó là một việc làm vô cùng khó khăn.
Bậc Đại Bồ Tát vừa phải chịu đựng sự chửi mắng chê trách, vừa phải dõng mãnh cao xướng chỉ cho chúng sinh đừng khinh khi “bản tâm thanh tịnh” sáng suốt nhiệm mầu của chính mình.
Hiện hành như thế là hành trì Bồ Tát hạnh, là thọ trì kinh Pháp Hoa và viên dung được “tự giác và giác tha”.
Có vô số vô lượng pháp môn hành trì mà “Bồ Tát Tỳ kheo Thường Bất Khinh” là một pháp môn hành trì rất vi diệu.
“Vị Tỳ kheo đó phàm khi ngó thấy hoặc Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, hoặc Ưu bà tắc, Ưu bà di thảy đều lễ lạy khen ngợi mà nói rằng: “Tôi rất kính quý Ngài chẳng dám khinh mạn. Vì sao? Vì quý Ngài đều tu hành đạo Bồ Tát sẽ đặng làm Phật”.
Đây là một “Đức tướng vi diệu” một sự kiện phi thường, một lối trì kinh đặc biệt. Ngài chẳng đọc tụng kinh điển, chỉ đi lễ lạy, nhẫn đến xa thấy hàng tứ chúng cũng cố gắng qua lễ lạy ngợi khen mà nói rằng: “Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ thành Phật”.
Làm cho hàng tứ chúng ngạc nhiên tự hỏi “tại sao ông Tỳ kheo vô trí ở đâu lại đến đây thọ ký cho chúng ta sẽ làm Phật”. Trải qua bao nhiêu năm như vậy, ông thường bị mắng nhiếc, nhưng vẫn không sinh lòng giận hờn, chỉ thường nói: “Ngài sẽ làm Phật”.
Mỗi khi nói như thế chúng nhân hoặc lấy gậy, lấy ngói đá để đánh ném. Ông liền chạy tránh xa mà vẫn to tiếng xướng rằng: “Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ làm Phật”.
Bởi ông thường nói lời đó, nên hàng tăng thượng mạn Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di gọi ông là “Thường Bất Khinh”.
Cũng chỉ vì tự khinh mình, nên ỷ lại vào những điều kiện từ bên ngoài đưa đến và sống trong sự suy lường chưa tin mình có “Tri kiến Phật”.
Do vậy chúng ta cũng không lạ gì có những chúng sinh học hỏi, nghiên cứu từng câu, từng chữ trong kinh điển. Rồi dẫn chứng những sự kiện lịch sử, minh chứng cho sự nghiên cứu học hỏi của mình là uyên bác. Để cuối cùng bị những rừng pháp số và chữ nghĩa trói buộc. Rồi tự khinh mình nên luôn luôn nhiễm trước cảnh duyên, vọng tâm dấy khởi, sa vào chỗ tối tăm, chẳng nghe được tiếng nói huyền diệu của chân tâm, chẳng sống hòa lạc được với muôn loài.
Nên đoạn kinh đã nêu: “Đắc Đại Thế! Ý ông nghĩ sao? Thường Bất Khinh thuở đó chính là Ta.
Đắc Đại Thế! Thuở đó bốn chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di do lòng giận hờn khinh tiện Ta nên trong hai trăm ức chẳng gặp Phật, chẳng nghe pháp, chẳng thấy Tăng”.
Chính vì kinh tiện “Phật tâm” nơi chính mình nên chẳng sáng suốt, hay gọi là: “chẳng gặp Phật”, mọi hành vi tạo tác đều không đúng với chánh pháp, gọi là “chẳng nghe pháp”. Sống chẳng hòa lạc với muôn loài, gọi là “chẳng thấy Tăng”.
Do vậy mà “vộ minh điên đảo” niệm niệm sinh diệt nối nhau, chìm sâu trong vũng bùn lầy sinh tử, chỉ khi nào “trực nhận bản tâm” thường chẳng tự khinh mình, nhận rõ mình là “Thường Bất Khinh Bồ Tát”.
Với tinh thần đó, Thường Bất Khinh Bồ Tát sẽ giáo hóa cho tự thân mau thành đạo Vô thượng Cháng đẳng Chánh giác.
Đọc đoạn kinh sau chúng ta sẽ thấy rõ điều này “nghìn kiếp ở địa ngục A Tỳ chịu khổ não lớn. Hết tội đó rồi lại gặp Thường Bất Khinh Bồ Tát giáo hóa đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.
Như thế họ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa là thể hiện đức tướng từ bi và nhẫn nhục. Thể hiện được như thế là đã liễu triệt “tự tánh nhiệm mầu”.
Chỉ một câu “tôi chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài đều sẽ thành Phật” cũng đủ vô lượng nghĩa, đủ uy lực để dìu dắt chúng sinh nhận ra được “bản lai diện mục” của chính chúng sinh đó.
Nên:
Sau khi Phật diệt độ,
Nghe kinh pháp như thế,
Chớ sinh lòng nghi hoặc,
Nên phải chuyên một lòng,
Rộng nói kinh điển này,
Đời đời đặng gặp Phật,
Mau chóng thành Phật Đạo
Nhận ra được những đức tướng vi diệu từ nơi tâm tánh nhiệm mầu, ứng cơ tiếp vật, không ngoài huyễn thân hiện tiền. Sau khi nghe thuyết “Thường Bất Khinh Bồ Tát”, chúng hội đã trực nhận “bản tâm”. Liễu triệt về những phương tiện hành trì phát sinh từ tâm tánh, hiển hiện muôn hạnh, muôn đức trang nghiêm, nên vào đầu Phẩm “Như Lai thần lực” thứ 21 đã nêu.
“Lúc bấy giờ các vị Đại Bồ Tát như số vi trần trăm nghìn thế giới từ dưới đất vọt lên đó, đều ở trước Đức Phật một lòng chắp tay, chiêm ngưỡng dung nhan của Phật mà bạch Phật rằng: Thế Tôn! Sau khi Phật diệt độ, chúng con sẽ rộng nói kinh này. Vì sao? Chúng con cũng muốn đặng pháp lớn thanh tịnh này để thọ trì, đọc tụng, giải nói mà cúng dường đó”.
Như thế có nghĩa là nếu tâm địa mà tánh giác bị phủ mờ như “ở cõi nước của Đức Thế Tôn phân thân diệt độ”. Vì cõi nước chỉ cho tâm địa của chúng sinh, phân thân Phật diệt độ chỉ cho “trí tuệ mờ tối”. Chúng sinh muốn đặng pháp lớn thanh tịnh thì phải trang nghiêm đức tướng. Nghĩa là mọi cử chỉ, ngôn ngữ đều phải xứng hợp với lý tánh. Và chính như thế là thọ trì, đọc tụng, biên chép, rộng nói kinh Pháp Hoa này.
Liễu được như thế là nhờ “pháp âm vi diệu” của Đức Thế Tôn đã làm cho chúng hội “minh tâm kiến tánh” nghe được tiếng nói huyền diệu của chân tâm. Nên đoạn kinh đã ghi:
“Đức Thế Tôn... trước tất cả chúng hiện sức thần thông lớn, bày tướng lưỡi rộng dài lên đến trời Phạm Thế, tất cả lỗ chân lông phóng ra vô lượng, vô số tia sáng đủ màu sắc soi khắp mười phương” là chỉ cho “trí tuệ Bát Nhã” hay “Tri kiến Phật” khắp soi pháp giới.
Tất cả sự diệu dụng ấy đều ở nơi thể an định của chân tâm. Như “các Đức Phật ngồi trên tòa sư tử, dưới cây báu cũng lại như thế”.
Nhờ an định nên không nhiễm trước cảnh duyên, không nhiễm trước “Pháp âm vi diệu” từ bên ngoài đưa dẫn. Mà nghe được “pháp âm vi diệu” ở chân tâm.
Chính như thế mới thấu rõ sức nghe vô ngại, nhưng phải trăm nghìn năm ngồi dưới gốc cây báu, Đức Thế Tôn cùng chư Phật mới hoàn nhiếp tướng lưỡi rộng dài. Vì sao? Vì pháp âm vi diệu nơi “tự tánh nhiệm mầu” không thể dùng “vọng tâm” mà nghe được. Nghĩa là phải luôn luôn ở thể an định mới nghe được. Mà phương tiện đã chỉ bày là “mãn trăm nghìn năm ngồi tòa sư tử dưới gốc cây báu” mới thâu nhiếp “tướng lưỡi rộng dài” hay mới nghe được “tiếng nói huyền diệu của chân tâm”.
Chính vì để chúng hội “trực nhận bản tâm” thể nhập tính nghe nhiệm mầu mà Đức Thế Tôn đã dùng phương tiện “tằng hắng cùng khảy móng tay”. Vì nhĩ căn linh diệu hơn các căn khác, dùng phương tiện nhĩ căn để chỉ bày về “tánh nghe” chúng hội dễ dàng trực nhận về “tự tánh nhiệm mầu”.
“Khảy móng tay và tằng hắng” là “tâm đã ấn tâm” làm cho chúng hội trực nhận được rằng “tâm, tiếng không hai”. Do vậy mà lục căn thanh tịnh, nên dù mang sắc thân nào như “Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, nhân và phi thân” cũng đều có “bản tâm thanh tịnh” có “trí tuệ tuyệt vời”.
Một khi đã thể nhập được “diệu lý” trên thì sẽ thấy được: “Trong cõi Ta bà có vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức các Đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới cây báu và thấy Đức Thích Ca Mâu Ni Phật ùng Đức Đa Bảo Như Lai ngồi trên tòa sư tử trong tháp báu”.
Nghĩa là “thấy tất cả chúng sinh đều có Phật tánh” như thấy “trăm nghìn muôn ức các đức Phật ngồi trên tòa sư tử trong cõi Ta bà”.
Vì cõi Ta bà chỉ cho chúng sinh, mặc dù còn mang đầy phiền não chướng và sở chi chướng.
Nhưng pháp thân như “tháp báu”, “tánh giác” như “Thích Ca”. Hằng sa đức tướng như thấy Đa Bảo của mỗi chúng sinh vốn đã có đủ và cùng tất cả chúng sinh đó đã và đang hướng về “tự tánh nhiệm mầu” hay thấy “vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức vị Đại Bồ Tát và hàng tứ chúng đang vây quanh Đức Thích Ca Ni Phật”. Thấy như thế gọi là “đặng điều chưa từng thấy”.
“Tri kiến Như Lai” giờ đây chúng hội hiện tiền đã trực nhận. Ngay lúc đó như ở giữa hư không có tiếng huyền diệu vọng về thúc dục. Hãy xướng lên:
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật.
Hay tức thời xướng lên rằng:
Hãy trở về với “tự tánh nhiệm mầu”
Hãy trở về với “tự tánh nhiệm mầu”
Mà đoạn kinh đã nêu:
“Tức thời hàng chư Thiên ở giữa hư không lớn tiếng xướng rằng : “Trong cõi Ta Bà có Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni hiện nay và các Đại Bồ Tát mà nói kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa giáo Bồ Tát pháp Phật sở hộ niệm. Nên lễ bái cúng dường Đức Thích Ca Mâu Ni Phật”. Các chúng sinh nghe tiếng nói giữa hư không rồi chắp tay niệm lên rằng:
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chính sự trở về ấy đã mở khai trí tuệ thấu suốt mười phương cõi, không còn gì ngăn ngại. Đó là thần lực của “chân tâm”. Hay đó là “Như Lai thần lực”.
Chúc (lũy) là dặn bảo.
Lũy hay lụy là chất chồng nhiều lớp.
Chúc lũy có nghĩa là dặn bảo nhiều lần. Hay còn gọi là phó thác.
Vì chư đại Bồ Tát đã dùng đức trang nghiêm của chư Phật mà tự trang nghiêm cho chính mình. Do vậy, Đức Thế Tôn đã phó thác “Pháp Võ thượng Chánh đẳng Chánh giác cho các Ngài”. Vì sao? Vì chúng hội diện tiền đã nhận chân được “Như Lai thần lực” chúnh là “tâm tính nhiệm mầu”.
Chính vì thế mà chúng hội đã nương vào “Như Lai thần lực” để thấy rõ “chúng sinh đều có Phật tánh” nay Đức Thế Tôn lại ân cần dặn bảo các chúng Đại Bồ Tát: hãy tùy thuận chúng sinh mà chỉ bày “Tri kiến Phật”. Nên vào đầu phẩm kinh đã nêu:
“Lúc bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni Phật hiện sức đại thần thông dùng tay xoa đảnh của vô lượng Đại Bồ Tát mà nói rằng: “Ta ở trong vô trăm nghìn muôn ức vô số kiếp tu tập pháp vô thượng Chánh đẳng Chánh giác khó đặng này, nay đem phó chúc cho các ngươi. Các ngươi nên một lòng lưu bố pháp này cho thêm nhiều rộng”.
Vớ ý nghĩa: “Tri kiến Như Lai” không phải “ngộ nhập” một cách dễ dàng. Mặc dù mỗi chúng sinh đều có “Tri kiến” ấy.
Tuy nhiên, bậc đại trí cần phải diệu dụng tùy duyên, hiện sức đại thần thông. Có nghĩa là dùng “trí tuệ Bát Nhã” mà tùy thuận chúng sinh để chỉ bày “Tri kiến Phật”. Mà ý chỉ trong kinh đã nêu: “dùng tay xoa mặt đảnh của vô lượng Đại Bồ Tát” phương tiện ấy đã ngầm chứa sự ân cần dặn bảo: “Tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật”.
Và chư Phật thị hiện cũng chỉ vì “khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”.
Hơn nữa “Như Lai” là “chân tâm” vì kông nhiễm trước cảnh duyên nên gọi Như Lai là “đại thí chủ”, và một khi chúng sinh đã tin mình có “Tri kiến Như Lai” sống xứng hợp với lý tánh thì chư Đại Bồ Tát vì đó mà tuyên bày “Diệu Pháp Liên Hoa”.
“Cho nên nếu có thiên nam tử, thiện nữ nhân nào mà tin tri kiến Như Lai thời các ông phải vì đó diễn nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa này”.
Bởi vì kinh Diệu Pháp Liên Hoa là phương tiện chỉ bày “Tri kiến Như Lai”, tin và hiểu được như thế là một việc vô cùng khó khăn, phải là bậc thượng căn thượng trí. Còn những chúng sinh nào chưa tin mình có “Tri kiến Phật” thời chư Đại Bồ Tát cũng nên dùng những pháp thâm diệu khác trong “Như Lai” mà dìu dắt uốn nắn để chúng sinh được pháp hỉ, mà từ đó “Trực nhận tri kiến Như Lai”. Đó là đền đáp công ơn chư Phật.
Vì thế “nếu có chúng sinh nào chẳng tin nhận thời phải ở trong pháp sâu khác của Như Lai chỉ dạy cho được lợi ích vui mừng. Các ông nếu được như thế thời đã báo được ân của các Đức Phật”.
Ánh sáng từ bi đã bao trùm pháp giời. Chúng hội do quyền pháp mà “trực nhận bản tâm”. Bậc thượng căn thượng trí liễu triệt được ý chỉ thâm diệu mà đấng Đại Giác đã ân cần phó chúc, đồng tiền lên tiếng bạch Phật rằng:
“Như lời Thế Tôn dạy, chúng con sẽ vâng làm đầy đủ, kính xin Thế Tôn chớ lo”.
Chúng đại Bồ Tát đã ba phen bạch Đức Thế Tôn như vậy. Đó là một sự khẳng định về sự liễu ngộ Phật tánh, pháp tánh không ngoài “tâm tánh”.
Cho nên chư phân thân Phật ở mười phương đều trở về bổn quốc... tháp của Phật Đa Bảo đặng hoàn như cũ.
Một lần nữa xác định rằng: bản tâm có đầy đủ trí tuệ năng sinh muôn pháp, vốn sẵn thanh tịnh, vốn chẳng sinh diệt. Nhận được như thế là nhận lời phó chúc của đấng Đại Giác về “Pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” vậy.
Nhận được:
“Tự tánh năng sinh muôn pháp
Vốn chẳng sinh diệt
Vốn chẳng lay động
Và có đủ diệu lực”.
Đó là nhận ra được sự ân cần phó chúc của Đức Thế Tôn.
Nhưng hiện hành làm sao để tương ưng với sự trực nhận và thể nhận vi diệu ấy.
Đến đây Đức Thế Tôn đã dùng phương tiện “Dược Vương Bồ Tát bổ sự” để chỉ bày cho sự hiện hành vi diệu ấy của bản tâm.
Nên vào đầu phẩm kinh Ngài Tú Vương Hoa Bồ Tát bạch Phật rằng : “Bạch Đức Thế Tôn ! Ngài Dương Vương Bồ Tát dạo di nơi cõi Ta bà như thế nào? Ngài Dược Vương Bồ Tát đã có bao nhiêu nghìn muôn ức na do tha hạnh khổ khó làm? Hay thay Thế Tôn! Nguyện giải nói cho một ít, cho chúng hội được pháp hỉ”.
“Bồ Tát Tú Vương Hoa” là biểu tượng tượng trưng cho sự cao quý đẹp đẽ nhất của những chúng sinh nào đã thể nhập “Tri kiến Như Lai”.
Lời hỏi của Ngài Tú Vương Hoa gồm hai ý:
1) Ngài Dược Vương Bồ Tát dạo đi nơi cõi Ta bà như thế nào?
Với ý nghĩa: Dược Vương là “phương thuốc chúa” hay “phương thuốc nhiệm mầu”. Bồ Tát chỉ cho những đức tinh thuần thiện. Cõi Ta bà chỉ cho vọng tâm điên đảo. Vậy câu hỏi đó được nêu “pháp tướng vi diệu nào hiện hành điều phục được vọng tâm điên đảo”.
2) Ngài Dược Vương Bồ Tát đó có bao nhiêu nghìn muôn ức na do tha hạnh khổ khó làm?
Với ý nghĩa: “Pháp tướng vi diệu ấy có bao nhiêu nghìn muôn ức khi hiện hành khó lắm không?
Đức Thế Tôn dạy rằng: “Này Tú Vương Hoa! Về thuở quá khứ vô lượng hằng sa kiếp trước, có Phật hiệu Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai, Ưùng cúng, Chánh biến tri... Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Nước đó không có người nữ, địa ngục, ngạ quỷ súc sinh, đất bằng phẳng, lưu ly làm thành, cây báu trang nghiêm, lò hương khắp cùng cả nước”.
Với ý nghĩa: Pháp thân vốn có đầy đủ đức tướng vi diệu không sinh diệt, thường tịch, thường chiếu, nên có danh xưng “Phật hiện Tịnh Minh Đức Như Lai”.
Đất tâm thanh tịnh, trí tuệ tuyệt vời làm gì có nhiễm ái si mê, sân hận nên gọi là “nước đó không có người nữ, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la...”, và một khi đã liễu triệt như thế, nghĩa là đã “kiến tánh”. Do vì kiến tánh mà không một đức tướng nào không làm cho chúng sinh hoan hỷ, tâm tướng không hai. Hành vi xứng hợp với chân lý, nên gọi là “Đức Phật đó vì Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến mà nói Pháp Hoa”.
“Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát đó ưa tu tập khổ hạnh trong pháp hội của Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, tinh tấn tu hành mãn một muôn hai ngàn đặng hiện Nhất Thiến Sắc Thân Tam Muội”.
Vì “Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát” tượng trưng cho tất cả những đức tướng vi diệu mà khi chúng sinh thấy đến đều hoan hỷ. Đức tướng ấy không ngoài “tự tánh nhiệm mầu”, nên nói là “Đức Phật đó vì Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát nói kinh Pháp Hoa”.
Nhưng đã nhận rõ “tánh tướng không hai” thì như thế mới không còn trụ chấp nơi ngã tướng, chúng sinh tướng, nhân tướng mà đạt thành thể “Nhất thiết sắc thân tam muội”.
Vì đạt như thế mới có thể nói “sự lý viên dung, sự sự vô ngại”, cho nên khắp hiện tất cả 12 loại sắc thân, mà tất cả sắc thân đó không ngoài “pháp thân” vậy.
Sáng suốt rõ ràng vì đã nhận chân được tính thể nhiệm mầu. Nghe được tiếng nói huyền diệu của chân tâm, nên gọi là “Ta đặng Nhất thiết sắc thân tam muội nay đều là do sức đặng nghe kinh Pháp Hoa”.
Khắp hiện tất cả sắc thân, nhưng chẳng trụ chấp ở một sắc thân nào cả. Đó là vì ở nơi “bản tâm diệu dụng tùy duyên” vận hành vô hành. Như thế mớ dung thông tánh tướng, mới gọi là đáp đền ân Phật, mới gọi là cúng dường, nên Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến đã nghĩ rằng : “Ta nay nên cúng dường Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức và kinh Pháp Hoa”.
Cúng duờng bằng cách nào? Bằng cách “Nhập Nhất thiết sắc thân tam muội”. Dùng “diệu tâm hương” để cùng dường chư Phật. Hay nói cách khác là nhập tam muội đó, giữa hư không rưới bông và hương hải thử ngạn chiên đàn để cúng dường Phật.
“Diệu tâm” ấy chỉ tỏa khắp khi mọi đức tướng đều chân thật và xứng hợp với “tự tánh”.
Dùng “diệu tâm hương” chưa đủ, Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến đã nghĩ: “Ta dùng thần lực cúng dường nơi Phật, chẳng bằng dùng thân cúng dường”.
Nhưng thân này là thân ở thể “Nhất thiết sắc thân tam muội” thì cùng dường bằng cách nào ? Bằng cách hiện hành những đức tướng vi diệu làm cho chúng sinh phát tâm hoan hỷ mà chẳng trụ chấp vào đức tướng hiện hành.
Liễu đựơc như thế là cúng dường. Liễu được như thế mới xứng danh “Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát”.
Như thế mới vượt thoát sự ràng buộc của mười hai loại sắc thân, mới sáng soi hằng sa thế giới.
“Chư Phật đồng khen ngợi: Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Đó chính là chân thật tinh tấn, gọi là chân pháp cúng dường”.
Không có pháp cúng dường nào vi diệu hơn như thế. Sự tương tục hiện hành như thế lúc nào lại chẳng ở trong nhà “Tịnh Đức”. Chẳng ở quốc độ “Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai”.
Chính vì ở nơi thể an định sáng soi đó mà đặng pháp “Giải nhất thiết chúng sinh ngữ ngôn Đà la ni”.
Nghĩa là nhận rõ được “vi tế vô minh”, nhận rõ được “pháp âm vi diệu” không ngoài “bản tâm thanh tịnh”.
Như thế: Là “trực diện” Phật
Là “cúng dường” Phật.
Phược huệ trang nghiêm, vô phân biệt niệm, ứng cơ tiếp vật. Đến lúc đó, Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai bảo Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát rằng: “Thiện nam tử! Giờ ta nhập Niết bàn đã đến, ông nên sắp đặt giường tòa. Thiên nam tử ! Ta đem Phật pháp giao cho ông, các chúng Bồ Tát đại đệ tử cùng pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác... giao phó cho ông”.
Nhập Niết bàn là để phó chúc, để thôi dứt suy lường. Vì thế nhập “bản tâm” nên không năng sở tương phân. Từ đó tám vạn bốn ngàn pháp môn “đức tướng” được tỏa khắp mười phương, không một pháp môn hoặc đức tướng nào không cao quý.
Sự cao quý ấy giống như sự cao quý của những hạt “xá lợi đựng trong tám muôn bốn ngàn bình báu” khi Đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai nhập Niết bàn.
Để xá lợi cho kẻ kế thừa là nhắc nhở, là ân cần phó chúc làm duyên khởi cho vạn loại chúng sinh trở về với “tự tánh nhiệm mầu”. Cùng dường xá lợi là hiện hành những đức tướng vi diệu để cho chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh Đản đẳng Chánh giác.
Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát đã cúng dường “xá lợi Phật” bằng một pháp vi diệu, đó là “đốt hai cánh tay”. Có ý nghĩa vượt thoát sự tương phân đối đãi. Rời bỏ niệm phân biệt: Phật - Chúng sinh, Thiện - Ác, Phiền não - Bồ đề.
Từ ngay nơi đó mới đầy đủ phước huệ trang nghiêm. Ngay nơi đó mới phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Nên lúc ấy Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát ở trong đại chúng lập lời thệ rằng: “Tôi bỏ hai tay ắt sẽ đặng thân sắc vàng như Phật, nếu thiệt không dối thời khiến hai tay tôi hoàn phục như cũ. Nói lời thề xong, hai tay tự nhiên hoàn phục. Đó là do phước đức trí tuệ thuần hậu của Bồ Tát cảm nên”.
Sự kiện ấy không ở trong cảnh giới của vọng thức suy lường. Trực nhận và liễu ngộ “tự tánh nhiệm mầu” thì mới vượt khỏi sự đánh lừa của vọng thức.
Bỏ hai cánh tay “trăm phước”để đặng thân sắc vàng, để đặng “pháp thân” thì ngay nơi đó nhận ra được “bản lai diện mục của chính mình” không thiện, không ác, không sinh, không diệt, không tăng, không giảm.
Cho nên Đức Thế Tôn hỏi Ngài Tú Vương Hoa Bồ Tát: “Ý ông nghĩ sao?”.
Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát đâu phải ai xa lạ, chính nay là “Dược Vương Bồ Tát”. Có nghĩa là “đức tướng vi diệu không nhiễm trước sắc thân” mà làm cho chúng sinh hoan hỷ phát khởi Đại thừa tâm. Đó là “phương thuốc nhiệm mầu”.
Như vậy, đốt thân, đốt tay cúng dường là phá trừ “sắc ấm”. Chỉ có pháp trừ sắc ấm thì hành vi mới không rơi lọt vào sự tương phân đối đãi.
Cho nên Đức Thế Tôn dạy tiếp:
“Tú Vương Hoa! Nếu có người phát tâm muốn đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, có thể đốt một ngón tay, nhẫn đến một ngón chân để cúng dường tháp Phật, hơn đem quốc thành thê tử, và cõi tam thiên... các vật trân báu mà cúng dường”.
Đốt một ngón tay, một ngón chân để cúng dường tháp Phật là để vọng cầu phước báu hay để vọng cầu Phật quả, hoặc cầu cho chư Phật chứng minh. Sự tướng cúng dường đó có còn vướng nhiễm sắc thân chăng ? Có còn nhiễm chấp vào sự cúng dường chăng?
Đốt một ngón tay, một ngón chân, hay đốt thân, có nghĩa là phá trừ sắc ấm, phá trừ chấp ngã và không chấp ngã là cúng dường.
Như thế mới không đem vật bau nào so sánh được. Như thế mới đạt thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được.
Thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa là liễu triệt diệu lý này. Vì thế Đức Thế Tôn dạy rằng:
“Này Tú Vương Hoa! Thí như trong các dòng nước, sông, ngòi, kinh, rạch, thời biển là lớn nhất, kinh Pháp Hoa này cũng như thế”.
“Lại như mặt trời hay pháp trừ các chỗ tối tăm. Kih này cũng thế, hay phá trừ tất cả sự tối tăm bất thiện”.
“Lại như Đế Thích làm vua trong 33 cõi trời, kinh này cũng thế là vua trong các kinh”.
“Tú Vương Hoa! Nếu có người nghe phẩm Dược Vương Bồ Tát bổ sự này cũng đặng vô lượng biên công đức”.
Nếu có người nữ nào (người có nhiều ái nhiễm) nghe kinh điển này đúng như lời tu hành thì chẳng còn bị lòng tham dục làm khổ. Đặng thần thông vô sinh pháp nhẫn của Bồ Tát.
Kinh này là món lương dược, là phương thuốc nhiệm mầu, để từ đó chúng sinh nhận rõ thật tướng của vạn pháp. Không nhiễm chấp vào sắc thân, đức tướng mà cúng dường cầu phước báu hay để cầu quả vị Phật, mà để chiếu phá vô minh, hiện hành những đức tướng vi diệu để chúng sinh trực nhận “tự tánh nhiệm mầu” và ở nơi thể “hiện nhất thiết sắc thân tam muội” mà đốt thân cúng dường báo đền ân Phật.
Quyển IV
Nguồn: www.quangduc.com