Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim
(Kim quang minh tối thắng vương
kinh)
bản Hoa dịch của ngài Nghĩa tịnh
HT. Thích Trí Quang
dịch giải
---o0o---
Phẩm 6:
Minh Chú Tịnh Địa
Bấy giờ bồ tát Sư tử tướng vô
ngại quang diệm, cùng với bộ chúng vô lượng, từ chỗ ngồi đứng dậy,
vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp
tay cung kính, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, đem các loại hoa hương và
tràng phan bảo cái mà hiến cúng, rồi thưa rằng, bạch đức Thế tôn, có
mấy nhân tố được tâm bồ đề? tâm bồ đề là gì? Bạch đức Thế tôn,
nơi bồ đề thì tâm hiện tại không thể có, tâm vị lai không thể có,
tâm quá khứ không thể có; rời bồ đề thì tâm bồ đề cũng không thể
có. Bồ đề thì không thể diễn tả, tâm cũng phi sắc tướng, phi sự
nghiệp (42) , phi tạo tác; chúng sinh cũng không thể có, cũng không thể biết.
Bạch đức Thế tôn, cái nghĩa rất sâu xa như vậy của các pháp thì làm
sao biết được? Đức Thế tôn dạy, thiện nam tử, đúng như vậy, đúng
như vậy, bồ đề nhiệm mầu, sự nghiệp và tạo tác toàn là phi cả. Rời
bồ đề thì tâm bồ đề cũng không thể có. Bồ đề không thể diễn tả,
tâm cũng không thể diễn tả, phi sắc tướng, phi sự nghiệp. Chúng sinh cũng
là không thể có. Tại sao, vì bồ đề với tâm đều là chân như, năng chứng
sở chứng đều bình đẳng. Nhưng, thiện nam tử, không phải không các
pháp mà có thấu hiểu. Bồ tát đại sĩ thấu hiểu như vậy thì mới gọi
là thông suốt các pháp, là khéo nói về bồ đề và tâm bồ đề. Tâm bồ
đề là phi quá khứ, phi vị lai, phi hiện tại. Tâm cũng vậy. Chúng sinh cũng
vậy. Và trong đó nhị biên thật không thể có được. Tại sao, vì các
pháp toàn là vô sinh. Nên bồ đề không thể có, cái tên bồ đề cũng không
thể có, chúng sinh và cái tên chúng sinh không thể có, Thanh văn và cái
tên Thanh văn không thể có, Độc giác và cái tên Độc giác không thể
có, Bồ tát và cái tên Bồ tát không thể có, Phật đà và cái tên Phật
đà không thể có, tu hành với không phải tu hành (43) không thể có, cái
tên tu hành với không phải tu hành cũng không thể có. Vì không thể có,
nên trong sự vắng lặng mà được đứng yên, và đó là do công đức mà
được.
Thiện nam tử, như núi ngọc Tu di lợi
ích tất cả, tâm bồ đề lợi ích tất cả chúng sinh, đó là nhân tố của
sự bố thí, ba la mật thứ nhất. Như đại địa giữ mọi sự vật, đó
là nhân tố của sự trì giới, ba la mật thứ hai. Như sư tử oai sức rất
lớn, đi một mình mà không sợ hãi gì, đó là nhân tố của sự nhẫn nhục,
ba la mật thứ ba. Như tốc lực cực mạnh của gió, dũng cảm và mau
chóng, tâm không thoái lui, đó là nhân tố của sự cần sách, ba la mật thứ
tư. Như lầu đài bằng bảy chất liệu quí, có bốn đường cấp, gió
mát thổi đến bốn cửa làm cho thích thú, kho tàng tịnh lự cũng vậy, thỏa
mãn đầy đủ cho mọi sở cầu, đó là nhân tố của sự tịnh lự, ba la
mật thứ năm. Như vầng thái dương sáng chói rực rỡ, tâm này mau chóng
phá tan vô minh ám chướng, đó là nhân tố của sự trí tuệ, ba la mật thứ
sáu. Như thương trưởng làm cho mọi tâm nguyện thỏa mãn, tâm này vượt
được đường hiểm sinh tử, thu hoạch vàng ngọc công đức, đó là nhân
tố của sự phương tiện, ba la mật thứ bảy. Như vầng trăng tròn sáng,
tâm ấy trong sạch đầy đủ đối với mọi đối cảnh, đó là nhân tố
của sự thệ nguyện, ba la mật thứ tám. Như tổng tư lịnh quân đội của
luân vương tự do tùy ý, tâm này khéo trang hoàng thế giới, vô số công
đức quảng lợi chúng sinh, đó là nhân tố của sự năng lực, ba la mật
thứ chín. Như không gian và luân vương, tâm này đối với mọi đối cảnh
không có chướng ngại, đối với mọi vị trí đều được tự tại, đạt
đến địa vị quán đảnh, đó là nhân tố của sự trí giác, ba la mật
thứ mười. Đó là mười nhân tố của tâm bồ đề. Mười nhân tố như
vậy các người phải tu học.
Thiện nam tử, do năm sự mà bồ
tát đại sĩ thành tựu bố thí ba la mật: một là tín căn, hai là từ bi,
ba là không có tâm lý cầu mong dục vọng, bốn là thu nhận hết thảy
chúng sinh, năm là nguyện cầu trí nhất thế trí. Đó là bồ tát đại sĩ
thành tựu bố thí ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại
sĩ thành tựu trì giới ba la mật: một là thân miệng ý trong sáng, hai là
không làm yếu tố gây ra phiền não cho chúng sinh, ba là đóng cửa đường
dữ mở cửa đường lành, bốn là vượt qua vị trí thanh văn độc giác,
năm là hoàn thiện đủ hết mọi thứ công đức. Đó là bồ tát đại sĩ
thành tựu trì giới ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại
sĩ thành tựu nhẫn nhục ba la mật: một là dẹp được phiền não tham lam
tức giận, hai là không tiếc tính mạng, không cầu an, ba là nghĩ đến
nghiệp cũ, gặp khổ nhẫn được, bốn là vì phát tâm từ bi thành thục
thiện căn cho chúng sinh, năm là để được vô sinh pháp nhẫn cực kỳ
sâu xa. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu nhẫn nhục ba la mật. Thiện nam
tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu cần sách ba la mật: một
là không thích sống chung với mọi thứ phiền não, hai là công đức chưa
đủ thì không hưởng yên vui, ba là không chán những sự khổ hạnh khó
làm, bốn là đem đại từ bi lợi ích chúng sinh, phương tiện thành thục
cho tất cả, năm là nguyện cầu vị trí không còn thoái chuyển. Đó là bồ
tát đại sĩ thành tựu cần sách ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ
tát đại sĩ thành tựu tịnh lự ba la mật: một là nắm giữ thiện pháp
không cho tản mác, hai là thường mong giải thoát, không vướng nhị biên,
ba là nguyện được thần thông để thành tựu thiện căn cho chúng sinh, bốn
là vì làm trong sáng pháp giới, trừ khử dơ bẩn của tâm, năm là vì diệt
trừ gốc rễ phiền não cho chúng sinh. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu
tịnh lự ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu
trí tuệ ba la mật: một là phụng sự thân gần mà không chán bỏ đối với
chư vị Như lai Bồ tát và những bậc minh trí, hai là tâm thường thích
nghe mà không biết chán biết đủ đối với diệu pháp sâu xa của chư vị
Như lai, ba là thích khéo phân biệt về thắng trí chân đế và thắng trí
tục đế, bốn là cấp tốc diệt trừ tất cả kiến hoặc tu hoặc, năm là
tinh thông tất cả năm minh xứ, trong đó có mọi kyՠthuật thế gian. Đó
là bồ tát đại sĩ thành tựu trí tuệ ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự
mà bồ tát đại sĩ thành tựu phương tiện ba la mật: một là thông suốt
hết thảy các dạng ý thích, phiền não và tâm hạnh của chúng sinh, hai
là hiểu rõ vô lượng pháp môn đối trị, ba là tự do xuất và nhập định
Đại từ bi, bốn là nguyện tu hành thành tựu đầy đủ các pháp ba la mật,
năm là nguyện thấu suốt hết thảy Phật pháp, thu giữ không sót. Đó là
bồ tát đại sĩ thành tựu phương tiện ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự
mà bồ tát đại sĩ thành tựu thệ nguyện ba la mật: một là tâm ở yên
được nơi đạo lý các pháp xưa nay bất sinh diệt, phi hữu vô, hai là
tách rời dơ bẩn, thể hiện trong sáng, tâm ở yên được mà quan sát ý
nghĩa cực kỳ nhiệm mầu của các pháp, ba là siêu việt tất cả ý tưởng,
tâm ở yên được nơi chân như của tâm không thi vi, không chuyển biến,
không dị biệt, không dao động, bốn là vì muốn lợi ích chúng sinh nên
tâm ở yên được nơi tục đế, năm là tâm ở yên được nơi sự song hành
của chỉ quán. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu thệ nguyện ba la mật.
Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu năng lực ba la mật:
một là đem năng lực của chánh trí mà thấu triệt tâm hạnh thiện ác của
chúng sinh, hai là làm cho chúng sinh hội nhập diệu pháp cực kỳ sâu xa, ba
là biết rõ chính xác chúng sinh tùy nghiệp mà sinh tử luân hồi, bốn là
đem năng lực của chánh trí mà phân biệt biết rành ba loại căn tánh của
chúng sinh, năm là do trí lực mà thuyết pháp hợp lý cho chúng sinh, làm cho
họ gieo trồng thiện căn, thành thục và giải thoát. Đó là bồ tát đại
sĩ thành tựu năng lực ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại
sĩ thành tựu trí giác ba la mật: một là phân biệt thiện ác đối với các
pháp, hai là rời xa pháp đen mà thu nhận pháp trắng, ba là không chán sinh
tử không ưa niết bàn, bốn là đầy đủ phước đức và trí tuệ mà đạt
đến vị trí cứu cánh, năm là tiếp nhận sự quán đảnh siêu việt, thực
hiện mọi pháp bất cọng và trí nhất thế trí của chư vị Như lai. Đó
là bồ tát đại sĩ thành tựu trí giác ba la mật.
Thiện nam tử, ba la mật nghĩa là
gì? Tu tập đạt được lợi ích siêu việt là nghĩa ba la mật. Hoàn hảo
tuệ giác vô lượng, vĩ đại và rất sâu, là nghĩa ba la mật. Tâm không
chấp trước pháp tu hành với pháp không phải tu hành, là nghĩa ba la mật.
Tỉnh ngộ chính xác và quan sát chính xác tội lỗi của sinh tử với công
đức của niết bàn, là nghĩa ba la mật. Người ngu người trí thu nhận tất
cả, là nghĩa ba la mật. Hoạt hiện diệu pháp đủ hết các dạng quí báu
nhiệm mầu, là nghĩa ba la mật. Đầy đủ trí tuệ vô ngại giải thoát
là nghĩa ba la mật. Phân biệt biết chính xác pháp giới và chúng sinh giới,
là nghĩa ba la mật. Bố thí cho đến trí giác đều làm cho đạt đến vị
trí bất thoái chuyển, là nghĩa ba la mật. Hoàn thiện được vô sinh pháp
nhẫn là nghĩa ba la mật. Làm cho chúng sinh thành thục thiện căn công đức
là nghĩa ba la mật. Nơi tuệ giác vô thượng bồ đề, thành tựu được tất
cả các pháp bất cọng của chư vị Như lai, là nghĩa ba la mật. Sinh tử với
niết bàn rõ ràng bất nhị là nghĩa ba la mật. Cứu vớt tất cả là nghĩa
ba la mật. Ngoại đạo chất vấn, khéo giải thích cho họ phục tùng, là
nghĩa ba la mật. Chuyển được pháp luân đủ cả mười hai hành tướng là
nghĩa ba la mật. Không vướng mắc, không quan điểm, không hệ lụy, là nghĩa
ba la mật.
Thiện nam tử, bồ tát địa thứ
nhất thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó
là vô số kho báu (44) trong đại thiên thế giới đều tràn đầy. Thiện
nam tử, bồ tát địa thứ hai thì sự trạng này biểu hiện trước hết,
và bồ tát thấy rõ, đó là đại thiên thế giới đất bằng như bàn tay,
với vô số vẻ đẹp của các loại ngọc quí và những đồ trang sức.
Thiện nam tử, bồ tát địa thứ ba thì sự trạng này biểu hiện trước
hết, và bồ tát thấy rõ, đó là bản thân hùng mạnh, áo giáp và vũ khí
uy nghiêm, làm cho mọi kẻ thù nghịch đều khuất phục. Thiện nam tử, bồ
tát địa thứ tư thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát
thấy rõ, đó là có gió bốn hướng đưa những loại hoa tuyệt diệu đến
rải đầy mặt đất. Thiện nam tử, bồ tát địa thứ năm thì sự trạng
này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó là có những bảo nữ
tuyệt diệu, trang sức những chuỗi ngọc và những hoa miện. Thiện nam tử,
bồ tát địa thứ sáu thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ
tát thấy rõ, đó là có hồ thất bảo lớn, với đường cấp bốn phía,
cát vàng rải khắp, sạch sẽ không dơ, nước tám đặc tính quí tràn đầy
trong hồ, các loại hoa sen mọc lên thích hợp vị trí, và nơi hồ đầy
hoa sen này dạo đi thích thú, mát mẻ bậc nhất. Thiện nam tử, bồ tát địa
thứ bảy thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ,
đó là trước mặt bồ tát có những kẻ đáng đọa địa ngục, nhưng vì
năng lực của bồ tát mà không đọa nữa, không thương tổn, không sợ
hãi. Thiện nam tử, bồ tát địa thứ tám thì sự trạng này biểu hiện
trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó là hai bên thân mình có sư tử chúa
hộ vệ, các loại thú vật đều khiếp sợ. Thiện nam tử, bồ tát địa
thứ chín thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ,
đó là làm luân vương, với vô số người bao quanh phụng sự, trên đỉnh
có bảo cái trắng, được trang hoàng bởi vô số ngọc quí. Thiện nam tử,
bồ tát địa thứ mười thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ
tát thấy rõ, đó là thân thể Như lai màu vàng rực rỡ, đủ cả vô số
ánh sáng trong suốt, với sô số Phạn vương bao quanh cung kính hiến cúng,
chuyển đẩy pháp luân nhiệm mầu và tối thượng.
Thiện nam tử, tại sao địa thứ
nhất tên là hoan hỷ, [cho đến địa thứ mười tên là pháp vân]? Thiện
nam tử, địa thứ nhất là đầu tiên chứng được tâm trí siêu việt thế
gian, xưa chưa được mà nay mới được, đại dụng tùy nguyện mà thành tựu
cả, sinh ra nỗi vui mừng cùng cực, nên địa thứ nhất tên là hoan hỷ. Lỗi
lầm phạm giới nhỏ nhiệm nhất đều sạch sẽ cả, nên địa thứ hai tên
là vô cấu. Vô số ánh sáng của trí tuệ và chánh định đều không thể
bị khuynh động, không thể làm cho khuất phục, lấy tổng trì Nghe nhớ
làm căn bản, nên địa thứ ba tên là minh. Đem lửa trí tuệ đốt các phiền
não, tăng thêm ánh sáng, tu hành giác phần, nên địa thứ tư tên là diệm.
Tu hành phương tiện nên thắng trí tự tại, đó là điều rất khó có, kiến
hoặc tu hoặc khó dẹp mà dẹp được, nên địa thứ năm tên là nan thắng.
Rất mực tỏ rõ về sự liên tục của các hành (45) , vô tướng tư duy hiện
hành tất cả, nên địa thứ sáu tên là hiện tiền. Vô tướng tư duy đã
vô lậu và liên tục, giải thoát và tam muội đều tu hành đã xa, sự
trong sáng không có chướng ngại, nên địa thứ bảy tên là viễn hành.
Vô tướng tư duy đã tu tự tại, mọi phiền não không thể khuynh động, nên
địa thứ tám tên là bất động. Thuyết pháp đủ mọi dạng thức sai biệt
mà được tự tại cả, không có hệ lụy, tăng trưởng trí tuệ đến tự
tại vô ngại, nên địa thứ chín tên là thiện tuệ. Pháp thân như không
gian, trí tuệ như mây lớn, bủa che khắp cả, nên địa thứ mười tên
là pháp vân.
Thiện nam tử, vô minh chấp trước
ngã pháp, vô minh sợ hãi đường dữ, hai thứ vô minh này chướng ngại
cho địa thứ nhất. Vô minh phạm giới nhỏ nhiệm, vô minh phát khởi hành
nghiệp, hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ hai. Vô minh say đắm
được cái chưa được, vô minh chướng ngại cho tổng trì thù thắng, hai
thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ ba. Vô minh say đắm sự vui thích
thiền định, vô minh say đắm diệu pháp trong sáng, hai thứ vô minh này chướng
ngại cho địa thứ tư. Vô minh muốn bỏ sinh tử, vô minh mong đến niết bàn,
hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ năm. Vô minh quán sát các
hành lưu chuyển, vô minh hiện hành thô tướng, hai thứ vô minh này chướng
ngại cho địa thứ sáu. Vô minh tế tướng hiện hành, vô minh tác ý ưa thích
vô tướng, hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ bảy. Vô minh
vô tướng quán có dụng công, vô minh chấp tướng tự tại, hai thứ vô
minh này chướng ngại cho địa thứ tám. Vô minh chưa khéo léo về ý nghĩa
và ngữ văn, vô minh chưa tự do về hùng biện, hai thứ vô minh này chướng
ngại cho địa thứ chín. Vô minh chưa tự tại về đại thần thông, vô
minh chưa thấu triệt về tối vi mật, hai thứ vô minh này chướng ngại
cho địa thứ mười. Vô minh về sở tri chướng nhỏ nhất, vô minh về phiền
não chướng nhỏ nhất, hai thứ vô minh này chướng ngại cho Phật địa.
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
trong địa thứ nhất tu hành thí ba la mật, trong địa thứ hai tu hành giới
ba la mật, trong địa thứ ba tu hành nhẫn ba la mật, trong địa thứ tư tu
hành cần ba la mật, trong địa thứ năm tu hành định ba la mật, trong địa
thứ sáu tu hành tuệ ba la mật, trong địa thứ bảy tu hành phương tiện
ba la mật, trong địa thứ tám tu hành nguyện ba la mật, trong địa thứ chín
tu hành lực ba la mật, trong địa thứ mười tu hành trí ba la mật.
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ địa
thứ nhất phát tâm thì tu định Sinh ra vàng ngọc tuyệt diệu, địa thứ
hai phát tâm thì tu định Sinh ra cái vui khả ái, địa thứ ba phát tâm thì
tu định Sinh ra sự khó lay động, địa thứ tư phát tâm thì tu định Sinh
ra sự không thoái chuyển, địa thứ năm phát tâm thì tu định Sinh ra bông
hoa ngọc ngà, địa thứ sáu phát tâm thì tu định Sinh ra ánh sáng thái dương,
địa thứ bảy phát tâm thì tu định Sinh ra thỏa nguyện như ý, địa thứ
tám phát tâm thì tu định Sinh ra hiện tiền chứng ngộ, địa thứ chín
phát tâm thì tu định Sinh ra kho tàng trí tuệ, địa thứ mười phát tâm
thì tu định Sinh ra tinh tiến dũng mãnh. Thiện nam tử, như thế ấy là mười
sự phát tâm tu định của bồ tát đại sĩ.
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ nhất được minh chú tên là Dựa sức công đức. Minh chú
này do hơn một hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại
sĩ địa thứ nhất. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ
hãi, như cọp sói, sư tử, các ác thú khác, quỉ ác, người ác, thần ác,
oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn
như vậy (46) , không quên nhớ đến địa thứ nhất. Bấy giờ đức Thế
tôn tuyên thuyết minh chú ấy (47) : Tát da tha, pua ni, măn tra tê, tu hu, tu
hu, tu hu, da va, sua da, a va ba sa ti, da va, chăn dra, chu ku ti, ta va ta, rát sa, măng,
chăn đa, pa ri ha răm, ku ru, soa ha. (Tadyatha purni mantrate tuhu tuhu tuhu yava
surya avabhasati yava candra cukuti tavata raksa mam canda pariharam kuru svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ hai được minh chú tên là Khéo sống yên vui. Minh chú này do
hơn hai hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa
thứ hai. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như
ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự
khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa
thứ hai. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy: Tát da tha, un
ta li, si ri, si ri, un ta li, tăn năng, jăn tu, jăn tu, un ta li, hu ru, hu ru, soa
ha. (Tadyatha untali siri siri untali tannam jantu jantu untali huru huru svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ ba được minh chú tên là Sức mạnh khó thắng. Minh chú này
do hơn ba hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa
thứ ba. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như ác
thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự
khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa
thứ ba. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy: Tát da tha, tăn
ta ki, pau ta ki, ka ra ti, kau ra ti, kê du ri, tăn ti li, soa ha. (Tadyatha tantaki
pautaki karati kaurati keyuri tantili svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ tư được minh chú tên là Sự ích lợi lớn. Minh chú này do
hơn bốn hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa
thứ tư. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như
ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự
khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa
thứ tư. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy: Tát da tha, si
ri, si ri, đa mi ni, đa mi ni, đa ri i, Si đa ri ni ri, si ri ni, vi cha ra, pa chi,
pa chi na, păn đa mi tê, soa ha. (Tadyatha siri siri damini damini darii Sdariniri
sirini vicara paci pacina pandamite svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ năm được minh chú tên là Công đức trang nghiêm. Minh chú
này do hơn năm hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại
sĩ địa thứ năm. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ
hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa,
mọi sự khổ não, thoát cả năm thứ chướng nạn như vậy, không quên nhớ
đến địa thứ năm. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy:
Tát da tha, ha ri, ha ri ni, cha ri, cha ri ni, ka ra ma ni, săm ra ma ni, sáp, su ni,
chăm ba ni, si tau va ni, mo ha ni, si ja bu hê, soa ha. (Tadyatha hari harini cari
carini karamani samkramani samb suni cambani stauvani mohani sijabuhe svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ sáu được minh chú tên là Trí giác viên mãn. Minh chú này
do hơn sáu hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ
địa thứ sáu. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi
như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi
sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa
thứ sáu. Bây giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy: Tát da tha, vi
tô ri, vi tô rim, a ri ni, ma ri ni, ki ri, ki ri, vi tô hăn ti, ru ru, ru ru, chu ru,
chu ru, đua va, đu ru va, sá sa, sắc cha, va ri sá, soát ti, sát va sát toa năm,
sít đi dăn tu, ma da, măn tra, pa đa ni, soa ha. (Tadyatha vitori vitorim arini
marini kiri kiri vitohanti ruru ruru curu curu durva duruva sasa saccha varisa svasti
sasvasattvanam siddhyantu maya mantra padani svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ bảy được minh chú tên là Thắng hạnh của Pháp. Minh chú
này do hơn bảy hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại
sĩ địa thứ bảy. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ
hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa,
mọi sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến
địa thứ bảy. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy: Tát da
tha, ja ha, ja ha ru, ja ha, ja ha ru, vi đu kê, vi đu kê, ăm ri ta, kha ni, vri sa
ni, vai ru, cha ni, vai ru chi kê, va ru vát ti, vi đi bi kê, băn đin, va ri ni, ăm
ri ti kê, ba hu ja ja, ba hu ja du, soa ha (Tadyatha jaha jaharu jaha jaharu viduke
viduke amrta khani vrsani vairu cani vairucike varuvatti vidhibike bhandin varini amrtike
babujaja babujayu svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ tám được minh chú tên là Kho tàng vô tận. Minh chú này do
hơn tám hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa
thứ tám. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như
ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự
khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa
thứ tám. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy: Tát da tha, si
ri, si ri, si ri ni, mi tê, mi tê, ka ri, ka ri, hê ru, hê ru, hê ru, chu ru, chu ru,
văn da ni, soa ha. (Tadyatha siri siri sirini mite mite kari kari heru heru heru curu
curu vandani svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ chín được minh chú tên là Pháp môn vô lượng. Minh chú
này do hơn chín hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại
sĩ địa thứ chín. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ
hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa,
mọi sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến
địa thứ chín. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy: Tát da
tha, ha ri, chăn đa ri kê, ku la ma ba tê, tô ri si, ba ta, ba ta si, si ri, si ri,
ka si ri, ka pi si ri, soát ti, sa va, soát ta năng, soa ha. (Tadyatha hari candarike
kulamabhate torisi bata batasi siri siri kasiri kapisiri svasti sarva sattvanam svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ mười được minh chú tên là Phá núi kim cương. Minh chú với
những câu và chữ cát tường đưa đến vị trí Quán đảnh như thế này
là do hơn mười hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại
sĩ địa thứ mười. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ
hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa,
mọi sự khổ não, thoát cả năm thứ chướng nạn như vậy, không quên nhớ
đến địa thứ mười. Bây giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy:
Tát da tha, si đi, su si đê, mô cha ni, mốc sa ni, vi múc ti, a ma lê, vi ma lê,
nia ma lê, mô ga lê, hi răn da ga bê, rát na ga bê, sa măn ta ba rê, sa văn tê,
si tha ni, ma na si, ăm bu ti, ăn ti bu ti, a cha rê, vi ra sê, ăn ti, ăm ri ta, a
ra sê, vi ra sê, brắt mê, brắt ma nê, pua ni, pu ra na, nao tra tê, soa ha.
(Tadyatha sidhi susidhe mocani moksani vimukti amale vimale nirmale mogalehiranyagarbhe
ratnagarbhe samantabhadre sarvante sthani manasi ambuti antibuti acare virase annti amrta
arase virase brahme brahmane purni purana nautrate svaha).
Vào lúc bấy giờ bồ tát Sư tử
tướng vô ngại quang diệm nghe đức Thế tôn tuyên thuyết những minh chú
bất khả tư nghị như vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo
của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính,
đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, dùng những lời chỉnh cú mà tán dương
Ngài.
- (1) Con kính lạy đấng
- Không thể ví dụ,
- và kính lạy pháp
- Ly tướng sâu xa.
- Chúng sinh bỏ mất
- cái biết chính xác,
- chỉ đức Thế tôn
- mới cứu vớt được.
- (2) Mắt tuệ sáng tỏ
- của đức Thế tôn
- thì không thấy có
- một pháp tướng nào,
- nhưng Ngài lại dùng
- mắt pháp chính xác
- chiếu soi khắp cả
- bất khả tư nghị.
- (3) Không hề thấy có
- một pháp sinh ra
- không hề thấy có
- một pháp diệt mất,
- do sự nhìn thấy
- bình đẳng như vậy
- mà được đạt đến
- vị trí vô thượng.
- (4) Không hề phá hoại
- đối với sinh tử,
- không hề trú ở
- đối với niết bàn;
- vì không vướng mắc
- nhị biên như vậy,
- nên đức Thế tôn
- thật chứng niết bàn.
- (5) Đối với thanh tịnh
- đối với tạp nhiễm
- thì đức Thế tôn
- biết là nhất vị,
- vì không phân biệt
- các pháp như vậy
- nên đức Thế tôn
- được tối thanh tịnh.
- (6) Thân không biên cương
- của đức Thế tôn
- không hề nói đến
- một chữ nào cả,
- thế mới làm cho
- các chúng đệ tử
- được sung mãn cả
- nước mưa chánh pháp.
- (7) Đức Thế tôn nhìn
- thì tướng chúng sinh
- tất cả chủng loại
- đều là không cả,
- thế nhưng đối với
- những người khổ não
- Ngài thường nổi dậy
- mọi sự cứu hộ.
- (8) Khổ não yên vui
- thường còn vô thường
- hữu ngã vô ngã
- những quan điểm ấy
- không là đồng nhất
- cũng không dị biệt
- không là phát sinh
- cũng không diệt mất.
- (9) Những nghĩa như vậy
- thật nhiều rất nhiều,
- chỉ do nói phô
- mà có sai biệt ;
- ví như tiếng vang
- dội từ hang trống,
- chỉ đức Thế tôn
- thấu rõ như vậy.
- (10) Thể tánh các pháp
- vốn không phân biệt,
- vì thế không có
- các thừa khác nhau;
- nhưng vì cứu độ
- cho bao chúng sinh,
- Thế tôn phân ra
- nói có tam thừa.
Đại tự tại phạn thiên vương, lúc
ấy, cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối
bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ ngang chân đức
Thế tôn mà thưa, bạch đức Thế tôn, kinh Ánh sáng hoàng kim này hiếm
có, khó lường, phần đầu phần giữa phần cuối đều khéo léo, văn và
nghĩa đều trọn vẹn, hoàn thành được toàn bộ Phật pháp. Ai thọ trì
thì thế là người ấy báo đáp ơn đức của chư vị Thế tôn. Đức Thế
tôn dạy, thiện nam tử, đúng như vậy, đúng như ông nói. Thiện nam tử,
những ai được nghe kinh này thì toàn là những người không còn thoái chuyển
vô thượng bồ đề, vì sao, thiện nam tử, vì những người ấy năng lực
thành thục được thiện căn thù thắng của bồ tát ở địa vị không
còn thoái chuyển. Kinh này là ấn tín bậc nhất của Phật pháp, là vua của
các kinh, nên phải lắng nghe, tiếp nhận, ghi nhớ, cứu xét, tụng thuộc.
Vì sao, thiện nam tử, vì nếu ai chưa gieo trồng thiện căn, chưa thành thục
thiện căn, chưa thân cận chư vị Như lai, thì không thể lắng nghe diệu
pháp như vầy. Nên thiện nam hay thiện nữ nào lắng nghe được thì diệt
trừ nghiệp chướng, thực hiện thanh tịnh; thường được nhìn thấy chư
vị Như lai, không rời xa các Ngài và những bậc thiện tri thức, những bậc
thắng hạnh; thường nghe diệu pháp, đứng vững nơi vị trí không còn
thoái chuyển, đạt được các pháp tổng trì thù thắng bất tận bất giảm
-- là tổng trì Hải ấn xuất sinh công đức vi diệu, tổng trì Thông suốt
tâm ý và ngôn ngữ của chúng sinh, tổng trì Thái dương tròn đầy phát xuất
ánh sáng không gợn bẩn, tổng trì Vầng trăng tròn đầy phát xuất ánh
sáng, tổng trì Dẹp được mê hoặc mà diễn ra dòng nước công đức, tổng
trì Phá nát núi kim cương, tổng trì Nói về kho tàng duyên khởi là nghĩa
lý không thể diễn nói, tổng trì Thông suốt nguyên tắc và âm thanh của
ngôn ngữ chân thật, tổng trì Không gian trong sáng làm ấn tín của tâm, tổng
trì Phật thân vô biên biến thể khắp cả. Thiện nam tử, thành tựu được
các pháp tổng trì bất tận bất giảm như vậy, thì vị bồ tát đại sĩ
này năng lực hóa hiện được Phật thân khắp trong mười phương quốc độ,
diễn nói chánh pháp vô thượng, đủ mọi dạng thức; đối với chân như
của các pháp thì không chuyển không trụ, không đến không đi; thành thục
thiện căn cho chúng sinh mà không thấy một chúng sinh nào là người được
thành thục; diễn nói các hành mà chính trong ngôn ngữ vẫn không chuyển
không trụ, không đi không đến, chính nơi sinh diệt mà chứng bất sinh diệt.
Tại sao nói các hành không có đi đến? Vì thể tánh các pháp không có dị
biệt. Khi đức Thế tôn tuyên thuyết pháp thoại này thì ba mươi ngàn bồ
tát đại sĩ được vô sinh pháp nhẫn, vô số bồ tát không còn thoái chuyển
tâm bồ đề, vô số bí sô và bí sô ni được sự trong sáng của mắt
pháp, vô số chúng sinh phát tâm bồ đề, và đức Thế tôn nói lời chỉnh
cú sau đây.
- Thắng pháp ngược được
- dòng nước sinh tử,
- cùng cực nhiệm mầu
- khó mà thấy được.
- Chúng sinh đui mù
- tham ái che khuất,
- do không thấy được
- nên chịu khổ não.
Bấy giờ cả đại hội đều đứng
dậy, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, cùng thưa rằng, bạch đức Thế
tôn, chỗ nào giảng nói đọc tụng kinh Ánh sáng hoàng kim này thì chúng
con đến đó để làm thính giả. Chúng con làm cho vị pháp sư tuyên thuyết
kinh này được lợi ích, được yên vui, được không chướng ngại, thân
thể và tâm ý đều thư thái. Chúng con thường tận tâm hiến cúng vị
pháp sư ấy. Chúng con cũng làm cho những người nghe kinh này được yên
ổn, vui thích; làm cho quốc gia của họ cư trú không oán thù, không giặc
giã, không kinh hoàng, không ách nạn, không đói khát, không tất cả cái khổ
như vậy, và dân chúng thì đông đảo, thịnh vượng. Chỗ tuyên thuyết
kinh này chúng con làm cho thành nơi đạo tràng, chư thiên, nhân loại, loài
khác, không ai nên giẫm đạp trên đó với sự dơ bẩn, vì sao, vì chỗ
tuyên thuyết kinh này tức là bảo tháp tôn thờ đức Thế tôn, hãy hiến
cúng bằng hoa hương, bằng lọng dù bằng lụa, và chúng con thường bảo vệ
chỗ ấy, không cho suy tổn. Đức Thế tôn dạy đại hội, chư thiện nam
thiện nữ, các người nên siêng năng tu tập bản kinh nhiệm mầu này, thì
thế là chánh pháp tồn tại lâu dài trong thế giới này.
Mục
Lục
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|7
|
8
|
9|
10
|
11|
12|
13|
14|
15|
16|
17|
18|
19|
20|
21|
22|
23
| 24
|
25
|
26
|
27|
28|
29|
30|
31|ghi
chú|
--- o0o ---
| Thư
Mục
Tác
Giả
|
--- o0o ---
Source
: www.buddhismtoday.com
-o0o-
Trình
bày: Nhị
Tường
Cập
nhật:
01-02-2002