KINH ĐẠI-THỪA BẢN-SINH
TÂM-ĐỊA-QUÁN


Đường, Bát-Nhã dịch chữ Phạn ra chữ Hán.
- Thích-Tâm-Châu dịch chữ Hán ra chữ Việt.

---o0o---

 

 

VIII.- PHẨM BA-LA-MẬT-ĐA

Bấy giờ, Đại-bồ-tát Di-Lặc bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Bởi nhân-duyên gì đức Thế-Tôn ân-cần khen-ngợi sự tu-hành của Bồ-tát ở nơi A-lan-nhã, mà không khen-ngợi sự tu-hành của Bồ-tát ở nơi khác? Có một thời đức Thế-Tôn ở núi Linh-Thứu vì các Bồ-tát nói rộng pháp-yếu mà Ngài nói lời này: “Bồ-tát, hoặc có khi ở nhà dâm-nữ, thân gần với người đồ-tể, để chỉ dạy sự lợi-ích vui-vẻ cho họ, dùng vô-số phương-tiện nhiêu-ích chúng-sinh mà vì họ nói diệu-pháp cho họ nghe, khiến họ nhập Phật-đạo”. Ngày nay đức Thế-Tôn vì các vị mới phát tâm nói diệu-pháp, Ngài lại không nói như thế. Song, bọn chúng tôi luôn luôn thân-dự trước Phật, được nghe pháp sâu-xa, không có gì ngờ-vực nhưng, kính xin đức Như-Lai vì những người cầu Phật-đạo đời mai sau, mà diễn nói cho những chân-lý sâu-xa mầu-nhiệm, khiến hạnh Bồ-tát của họ không bị thoái-chuyển”.

Khi ấy, đức Phật bảo Đại-bồ-tát Di-Lặc rằng: “Thiện-nam-tử! Phát tâm vô-thượng chính-đẳng chính-giác cầu đạo Bồ-đề có hai hạng Bồ-tát: Một là tại-gia. Hai là xuất-gia. Bồ-tát tại-gia vì muốn hóa-đạo, phòng dâm, hàng thịt đều được thân-cận. Bồ-tát xuất-gia không như thế.

Song, Bồ-tát ấy đều có chín bậc: Ba bậc thượng-căn đều ở nơi A-lan-nhã, không gián-đoạn sự tinh-tiến làm lợi-ích chúng-sinh. Các Bồ-tát trung-căn và hạ-căn tùy chỗ nào hợp thì ở, nơi chốn không nhất định, hoặc ở nơi A-lan-nhã, hoặc ở nơi làng xóm, tùy duyên làm lợi-ích, an-ổn chúng-sinh đều được hạnh-môn như thế. Ông nên quán-sát!

Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia tu-tập Phật-đạo, đã được pháp vô-lậu chân-thực, thời tùy duyên làm lợi lạc hết thảy chúng-sinh. Nếu có Phật-tử chưa được chân-trí, ở nơi Lan-nhã, cần nên thân-cận chư Phật, Bồ-tát và nếu gặp được bậc chân-thiện-tri-thức, thời đối với hạnh Bồ-tát quyết không thoái-chuyển. Bởi nhân-duyên ấy, các Phật-tử cần nên dốc lòng cầu thấy một đức Phật và một vị Bồ-tát.

Thiện nam-tử! Như thế gọi là pháp-yếu xuất-thế, các ông đều nên nhất tâm tu-học!

Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia chán bỏ thế-gian, ở nơi A-lan-nhã biết dùng công-lực được viên-mãn tám vạn bốn nghìn Ba-la-mật-hạnh và chóng chứng được vô-thượng chính-đẳng chính-giác. Sở-dĩ thế là sao? - Nếu người bỏ danh-lợi vào ở trong rừng núi, đối với thân-mệnh mình cũng như của-cải của mình không sẻn-tiếc gì nữa, vĩnh-viễn không hệ-thuộc vào nó, thời tự-nhiên được đầy-đủ dễ-dàng ba thứ Ba-la-mật-đa. [1]

Bồ-tát Di-Lặc bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Ở nơi A-lan-nhã, Bồ-tát xuất-gia không chứa cất của báu, vậy bởi nhân-duyên gì mà Bồ-tát ấy viên-mãn được Bố-thí Ba-la-mật?”

Đức Phật bảo Đại-bồ-tát Di-Lặc: “Thiện-nam-tử! Ở nơi A-lan-nhã, Bồ-tát xuất-gia vào trong xóm làng khất-thực, những món ăn xin được, trước tiên nên đem phần nhỏ cho chúng-sinh, sau nữa lại đem phần còn thừa cho những chúng-sinh nào muốn, tức được tên gọi là “Bố-thí Ba-la-mật”. Đem thân-mệnh mình cúng-dàng Tam-bảo, đem đầu mắt, tủy, óc bố-thí cho người lại xin, tức được gọi là “Thân-cận Ba-la-mật”. Vì người cầu pháp, nói pháp xuất-thế, khiến họ phát tâm vô-thượng Bồ-đề, tức được gọi là “Chân-thực Ba-la-mật”. Thiện-nam-tử! Thế gọi là Bồ-tát xuất-gia thành-tựu “Bố-thí Ba-la-mật-đa.”

Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở nơi A-lan-nhã, tu mười hai hạnh Đầu-đà, nếu khi đi bộ nên coi xuống đất cách chừng hai khuỷu tay, để không làm tổn-hại chúng-sinh, tức được tên gọi là “Trì-giới Ba-la-mật”. Kiên-trì giới cấm, không tiếc thân-mệnh, tức được gọi là “Thân-cận Ba-la-mật”. Vì người cầu đạo xuất-thế, thuyết-pháp giáo-hóa, khiến họ phát tâm vô-thượng Bồ-đề, tức được gọi là “Chân-thực Ba-la-mật”. Thiện-nam-tử! Thế gọi là Bồ-tát xuất-gia thành-tựu “Trì-giới Ba-la-mật-đa”.

Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở nơi A-lan-nhã, diệt sự giận-bực, được “Từ-tâm tam-muội” và cũng không hủy-nhục hết thảy chúng-sinh, tức được tên gọi là “Nhẫn-nhục Ba-la-mật” (Xưa, nay vẫn thiếu một đoạn “Thận-cận Ba-la-mật” này). Nếu vì một người nói một câu pháp, khiến họ phát tâm vô-thượng chính-đẳng chính-giác, tức được gọi là “Chân-thực Ba-la-mật”. Thiện-nam-tử! Thế gọi là Bồ-tát xuất-gia thành-tựu “Nhẫn-nhục Ba-la-mật-đa”.

Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia vì muốn khiến chúng-sinh được thành Phật nên tu hạnh “tinh-tiến”. Chưa được thành Phật, phúc-đức, trí-tuệ kém-cỏi, không tham yên-vui, không tạo mọi tội, đối với trong những hạnh khổ-hạnh của những Bồ-tát xưa, sinh tâm rất mừng, cung-kính, tôn-ngưỡng, luôn luôn không lúc nào thôi, bởi nhân-duyên ấy, tức được tên gọi là “Tinh-tiến Ba-la-mật”. Bỏ thân-mệnh như nhổ nước bọt, dãi, trong hết thảy thời chưa từng biếng nhác, tức được gọi là “Thân-cận Ba-la-mật”. Gặp người có duyên, nói đạo tối-thượng, khiến họ đi tới vô-thượng chính-đẳng Bồ-đề, tức được gọi là “Chân-thực Ba-la-mật”. Do tâm tinh-tiến, mười hạnh [2]  như thế, đời quá-khứ không bị thoái-chuyển, đời hiện-tại được vững-bền và đời vị-lai chóng được viên-mãn. Thiện-nam-tử! Thế gọi là Đại-bồ-tát xuất-gia thành-tựu “Tinh-tiến Ba-la-mật-đa”.

Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở nơi A-lan-nhã, tu-tập chính-định, vì giữ cho các pháp không tan mất, thể-nhập các môn giải-thoát, dứt hẳn biên-kiến, [3]  hiển-hiện thần-thông, hóa-độ chúng-sinh, khiến họ được chính-trí, dứt được gốc phiền-não, chứng-nhập chân-pháp-giới, ngộ đạo như-thực và sẽ tới Bồ-đề; bởi nhân-duyên ấy, tức được tên gọi là “Thiền-định Ba-la-mật”. Muốn làm cho chúng-sinh như ta không khác, nghĩa là đều được đầy đủ phép điều-trị chúng-sinh, không bỏ chính-định, không tiếc thân-mệnh; tu chính-định ấy, tức được gọi là “Thân-cận Ba-la-mật”. Vì các chúng-sinh nói pháp sâu-nhiệm, đều khiến họ xu-hướng đạo vô-thượng Bồ-đề, tức được gọi là “Chân-thực Ba-la-mật”. Thiện-nam-tử! Thế gọi là Bồ-tát xuất-gia thành-tựu “Thiền-định Ba-la-mật-đa”.

Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở nơi không-nhàn, thân-cận cúng-dàng chư Phật, Bồ-tát. Là những bậc trí-giả các Bồ-tát thường thích nghe những pháp sâu-nhiệm, tâm sinh khát-ngưỡng, luôn luôn không biết chán, đủ; lại hay phân-biệt rành chân-lý Nhị-đế, [4]  dứt trừ hai chướng, thông-suốt ngũ-minh, [5]  nói các pháp-yếu, giải-quyết mọi sự ngờ-vực; bởi nhân-duyên ấy, tức được tên gọi là “Bát-nhã ba-la-mật”. Vì cầu nửa bài kệ mà hủy bỏ thân-mệnh, không sợ mọi khổ, để đến chỗ Đại-bồ-đề, tức được thành-tựu “Thân-cận Ba-la-mật”. Ở trong đại-hội vì người nói pháp, đối với những nghĩa sâu-nhiệm không sẻn tiếc, bí-mật, khiến họ phát-khởi tâm Đại-bồ-đề và đối với hạnh Bồ-tát được Bất-thoái-chuyển. Thường hay quán-sát thân ta, Lan-nhã, tâm Bồ-đề và Pháp-thân chân-thực: bốn thứ ấy không sai khác; vì quán diệu-lý như thế, như thế tức được gọi là “Chân-thực Ba-la-mật”. Thiện-nam-tử! Thế gọi là Bồ-tát xuất-gia thành-tựu “Bát-nhã ba-la-mật-đa”.

Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở nơi không nhàn, thường hay tu-tập “Phương-tiện thắng-trí Ba-la-mật-đa”. [6]  Dùng “Tha-tâm-trí” [7]  hiểu rõ ý muốn, phiền-não, tâm-hành sai-biệt của chúng-sinh, hợp bệnh cho thuốc, đều làm cho họ khỏi được, được thần-thông tam-muội du-hí tự-tại, phát bi-nguyện lớn, thành-thục chúng-sinh, các pháp của chư Phật đều thông-suốt cả, [8]  bởi nhân-duyên ấy, tức được tên gọi là “Phương-tiện thiện-sảo Ba-la-mật-đa”. Vì muốn làm lợi-ích cho các chúng-sinh, đối với thân-mệnh và của-cải đều không có tiếc, tức được gọi là “Thân-cận Ba-la-mật-đa”. Vì các chúng-sinh oán, thân bình-đẳng, nói pháp vi-diệu, làm cho họ chứng-nhập Phật-trí, tức được gọi là “Chân-thực Ba-la-mật-đa”. Thiện-nam-tử! Thế gọi là Bồ-tát xuất-gia thành-tựu “Phương-tiện thiện-sảo Ba-la-mật-đa”.

Lại nữa thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia vào trong rừng núi, vì các chúng-sinh nên thường tu-tập “Nguyện Ba-la-mật”. Tâm các vị ấy luôn luôn quán-sát chân-tính của các pháp, chẳng phải “có”, chẳng phải “không”, mà là diệu-lý trung-đạo; đối với việc thế-tục đều phân-biện rõ được và cũng vì hóa-độ chúng-sinh nên luôn luôn tu về từ-bi; bởi nhân-duyên ấy tức được tên gọi là “Nguyện Ba-la-mật”. Đem bốn lời thệ-nguyện rộng lớn [9]  nhiếp-thụ chúng-sinh, cho đến dù bỏ thân-mệnh vẫn không làm hoại mất bi-nguyện ấy, tức được gọi là “Thân-cận Ba-la-mật”. Nói pháp vi-diệu, biện-tài vô-ngại, nếu có người nào lắng nghe được diệu-pháp ấy rốt-ráo không bị thoái-chuyển, tức được gọi là “Chân-thực Ba-la-mật”. Thiện-nam-tử! Thế gọi là Bồ-tát xuất-gia thành-tựu “Nguyện Ba-la-mật-đa”.

Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở A-lan-nhã, dùng năng-lực chính-trí, hiểu rành tâm-hạnh đen, trắng (thiện, ác, thanh-tịnh, không thanh-tịnh) của chúng-sinh, vì chúng-sinh nói pháp tương-ứng, khiến họ chứng-nhập nghĩa sâu nhiệm của Đại-thừa, an-trụ nơi cứu-cánh Niết-bàn; bởi nhân-duyên ấy, tức được tên gọi là “Lực Ba-la-mật”. Dùng mắt chính-trí soi thấy lý “ngũ uẩn không-tịch”, (5 uẩn không, vẳng), có thể bỏ thân-mệnh làm lợi-ích cho chúng-sinh, tức được gọi là “Thân-cận Ba-la-mật”. Dùng năng-lực diệu-trí hóa-độ bọn tà-kiến, khiến họ dứt bỏ nghiệp ác sinh-tử luân-hồi, xu-hướng Niết-bàn cứu-cánh thường lạc, tức được gọi là “Chân thực Ba-la-mật”. Thiện-nam-tử! Thế gọi là Bồ-tát xuất-gia thành-tựu “Lực Ba-la-mật-đa”.

Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở A-lan-nhã, đối với hết thảy pháp biết rõ thiện hay ác, xa lìa tà-kiến, nhiếp-thụ chính-pháp, không chán sinh-tử, không thích Niết-bàn, tức được tên gọi là “Trí Ba-la-mật”. Không yêu thân mình, luôn luôn thương xót chúng-sinh; đối với thân-mệnh và của cải thường tu hạnh đại-xả (bỏ hết) tức được gọi là “Thân-cận Ba-la-mật”. Dùng trí-tuệ vi-diệu vì các chúng-sinh nói pháp Nhất-thừa, khiến họ chứng-nhập đạo vô-thượng chính-đẳng chính-giác; bởi nhân-duyên ấy, tức được gọi là “Chân-thực Ba-la-mật”. Thiện-nam-tử! Thế gọi là Bồ-tát xuất-gia thành-tựu “Trí Ba-la-mật-đa”. [10]

Thiện-nam-tử! Những Ba-la-mật-đa ấy, bởi nghĩa gì mà Tôi lại nói là nó phát-sinh ra tám vạn bốn nghìn sự sai khác? Các ông nên biết! Vì những người nhiều “tham” mà phân-biệt, diễn nói ra hai nghìn một trăm Ba-la-mật-đa, vì những người nhiều “sân” mà phân-biệt, diễn nói ra hai nghìn một trăm Ba-la-mật-đa, vì những người nhiều “si” mà phân-biệt, diễn nói ra hai nghìn một trăm Ba-la-mật-đa, vì những người “đẳng phận” [11]  mà phân-biệt, diễn nói ra hai nghìn một trăm Ba-la-mật-đa. Thiện-nam-tử! Đối với những số hai nghìn một trăm Ba-la-mật-đa ấy làm căn-bản, rồi chuyển gấp hơn lên, thành tám vạn bốn nghìn Ba-la-mật-đa. Những pháp như thế, đều là hạnh lợi-tha.

Thiện-nam-tử! Nếu có chúng-sinh, tính-khí khó điều-phục, nghe pháp ấy rồi mà tâm chưa điều-phục được, liền vì họ tuyên-thuyết tám vạn bốn nghìn Tam-muội-môn. Diệu-pháp như thế đều là hạnh tự-lợi! Nếu có chúng-sinh tính-khí khó điều-phục, nghe pháp ấy rồi, mà tâm chưa điều-phục được, liền vì họ tuyên-thuyết tám vạn bốn nghìn Đà-ra-ni-môn. Diệu-pháp như thế đều là hạnh lợi-tha! Thiện-nam-tử! Tôi vì điều-phục hết thảy chúng-sinh nên nói ra pháp như thế và đem vô số phương-tiện thiện sảo, thị-hiện mọi tướng, giáo-hóa chúng-sinh. Thiện-nam-tử! Vì nghĩa ấy nên hết thảy Nhân, Thiên đều gọi Như-Lai là Đạo-sư.

Thiện-nam-tử! Chư Phật Thế-Tôn trong hiện-tại và vị-lai đều tu-tập tám vạn bốn nghìn Ba-la-mật-môn, tám vạn bốn nghìn Tam-muội-môn, tám vạn bốn nghìn Đà-ra-ni-môn, dứt hẳn tám vạn bốn nghìn phiền-não-chướng vi-tế, tám vạn bốn nghìn sở-tri-chướng vi-tế và đều tới dưới gốc cây Bồ-đề nơi Lan-nhã, ngồi tòa Kim-cương, nhập-định Kim-cương, hàng-phục được hết thảy thiên-ma oán-thù rồi, chứng được vô-thượng chính-đẳng chính-giác. [12]

Lúc đó, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy Ngài nói lời kệ sau này:

Đại-pháp-vương vượt qua ba cõi,

Xuất-hiện thế-gian hóa mọi loài.

Các Bồ-tát nhiều như Hằng-sa,

Nhập Phật Cam-lộ trí-tuệ-môn.

Di-Lặc đắc-đạo trong nhiều kiếp,

Đem tâm Đại-bi mà khải-vấn.

Lành thay, vô-cấu Pháp-vương-tử!

Trí-tuệ mở tỏ Chân-phật-thừa.

Tôi đem biện-tài vô-úy nói,

Nói trong Đại-thừa, hướng đường giác.

Các ông nhất tâm lắng nghe kỹ!

Trao chuyển đời sau điều nên trao.

Mười phương thế-giới có thể không,

Chớ để dứt hết đạo xuất-thế!

Muốn cầu đạo xuất-thế giải-thoát,

Chẳng qua ba căn, chín phẩm loại. [13]

Ba phẩm Thượng-căn ở Lan-nhã,

Trung, Hạ tùy duyên hóa thế-gian.

Chỗ cầu đạo-quả không sai khác,

Cùng nói chân-như, Phật-tính-hải.

Đại-sĩ chứng được vô-lậu rồi,

Tùy nghi ứng-hiện cứu quần-sinh,

Mở tỏ “hữu, không” bất nhị-môn. [14]

Lợi mình, lợi người không gián-đoạn.

Phật-tử chưa chứng được vô-lậu,

Nên chính, chăm tu ba môn học. [15]

Thiện-căn hồi-hướng cho chúng-sinh,

Một lòng chuyên niệm Phật, Bồ-tát:

Nguyện, con thường thấy Phật, Bồ-tát,

Tấm thân công-đức rất trang-nghiêm.

Nếu thường được nghe tiếng pháp-vũ,

Tất cả thấm-nhuần, tâm chẳng thoái.

Đem thân thường ở trong địa-ngục,

Cũng vẫn thân-cận Đại-từ-tôn.

Đem thân thường ở trong luân-hồi,

Cũng vẫn thân nghe pháp vi-diệu.

Bởi nhân-duyên ấy, các Phật-tử,

Buộc tâm thường niệm: “Thiên-nhân-sư”.

Nếu có Phật-tử tu Thánh-đạo,

Phát khởi Vô-thượng Bồ-đề-tâm;

Chán đời ở trong A-lan-nhã,

Cũng được là tu ba thứ “Độ”. [16]

Bố-thí trước khi ăn mỗi ngày,

Và, đem pháp báu cho chúng-sinh;

Ba vòng thanh-tịnh [17]  là “Bố-thí”,

Bởi nhân tu ấy, đức viên-mãn.

Nên biết chứng được Ba-la-mật,

Chỉ do tâm tịnh, không do của;

Nếu có nhiễm tâm, cho ngọc quý,

Không bằng tâm tịnh cho chút ít.

Cho của tức được Bố-thí-độ,

Ba-la-mật ấy chẳng hai, ba.

Hay cho thân-mệnh và vợ con,

Như thế được là “Thân-cận-độ”.

Nếu thiện-nam, nữ đến cầu pháp,

Vì nói hết thảy Đại-thừa-kinh;

Khiến phát vô-thượng Bồ-đề-tâm,

Mới gọi “Chân-thực Ba-la-mật”.

Từ-bi, tịnh-tín đủ thẹn-hổ,

Nhiếp-thụ chúng-sinh lìa tham-trước;

Nguyện thành Như-Lai vô-thượng-trí,

Cho của, cho pháp là Sơ-độ.

Giữ bền tam-tụ-giới Bồ-tát,

Khai-phát Bồ-đề, lìa sinh-tử;

Ủng-hộ Phật-pháp ở thế-gian,

Hối sự lầm phạm: “Chân-trì-giới”.

Dẹp tâm giận-bực, quán từ-bi,

Nên nghĩ nhân xưa đối-oán hại; [18]

Không tiếc thân-mệnh cứu chúng-sinh,

Thế là “Nhẫn-nhục Ba-la-mật”.

Làm hạnh khó làm không tạm bỏ,

Ba Tăng-kỳ-kiếp thường tăng-tiến;

Không cùng nhơ nhiễm, thường luyện tâm,

Vì độ chúng-sinh cầu giải-thoát.

Ra, vào chính-định được tự-tại,

Biến-hóa thần-thông dạo mười phương;

Dứt nhân phiền-não cho chúng-sinh,

Cửa Tam-ma-địa cầu giải-thoát.

Nếu muốn thành-tựu chân-trí-tuệ,

Thân-cận Bồ-tát và Như-Lai;

Thích nghe diệu-lý-môn [19]  xuất-thế,

Tu đạt ba minh, dứt hai chướng.

Biết tâm chúng-sinh thường sai-biệt,

Tùy bệnh cho thuốc khiến họ uống;

Từ-bi thiện-sảo hợp căn-cơ,

Phương-tiện lợi-sinh độ mọi cõi.

Quán chân-cú-nghĩa [20]  hết thảy pháp,

Không chấp giữa, bên, lìa “có, không”.

Tịnh-trí liên-tiếp ngộ chân-như,

Lợi mình, lợi người khắp pháp-giới.

Trí-lực hiểu rõ tính chúng-sinh,

Vì nói “tương-ứng” của mọi pháp.

Trí-lực thể-nhập tâm chúng-sinh,

Khiến dứt gốc luân-hồi sinh-tử.

Trí-lực phân-biệt pháp trắng, đen,

Tùy nên lấy, bỏ đều hiểu thấu.

Sinh-tử, Niết-bàn vốn bình-đẳng,

Thành-tựu chúng-sinh lìa phân-biệt.

Mười hạnh thù-thắng trên như thế,

Nhiếp vào tám vạn bốn nghìn số;

Tùy theo phẩm-loại thắng pháp-môn,

Mới là Bồ-tát Ba-la-mật.

Tám vạn bốn nghìn Tam-ma-địa,

Diệt-tâm tán-loạn cho chúng-sinh.

Tám vạn bốn nghìn Tổng-trì-môn,

Trừ-diệt hoặc-chướng, tan ma-chúng.

Năng-lực phương-tiện đấng Pháp-vương,

Ba thứ pháp-yếu hóa [21]  chúng-sinh;

Lưới “giáo” bủa chăng bể sinh-tử,

Đặt Nhân, Thiên lên chốn an-lạc. [22]

Khi đức Thế-Tôn nói pháp ấy, tám vạn bốn nghìn Thiên-tử cõi Đao-lỵ, dứt được các giới-chướng, [23]  chứng Hoan-hỷ-địa. Vô số trăm nghìn Thiên-tử trong sáu cõi trời Dục ngộ Vô-sinh-nhẫn, được Đà-ra-ni. Mười sáu Đại-quốc-vương được nghe Đà-ra-ni, vô-lượng tứ chúng nghe hạnh Bồ-tát hoặc được Bất-thoái-địa, hoặc được Tam-muội-môn, hoặc được Đà-ra-ni, hoặc được đại-thần-thông, hoặc có Bồ-tát chứng được Tam-địa cho đến Thập-địa, vui mừng hớn-hở. Vô-lượng trăm nghìn các Nhân, Thiên…, phát tâm vô thượng chính-đẳng chính-giác, không bị thoái-chuyển. Tám nghìn Nhân, Thiên xa lìa trần-cấu, được pháp-nhãn-tịnh. [24]

TOÁT-YẾU

VIII.- PHẨM BA-LA-MẬT

Đại-bồ-tát Di-Lặc bạch Phật: “Bạch đức Thế-Tôn! Sao chỉ thấy Thế-Tôn khen ngợi sự tu-hành của Bồ-tát tại A-lan-nhã mà không thấy Ngài khen-ngợi sự tu-hành của các Bồ-tát ở nơi khác? Có một thời trên núi Linh-thứu Ngài nói: “Bồ-tát có khi ở nhà dâm-nữ, ở gần người đồ-tể để chỉ dạy họ, khiến họ vào đạo”. Nay lại không thể. Vậy xin Thế-Tôn nói cho lý thâm-diệu ấy, để cho những người cầu Phật-đạo mai sau, không có sự ngờ-vực và không bị thoái-chuyển”.

Đức Phật bảo Đại-bồ-tát Di-Lặc: “Phát tâm vô-thượng cầu đạo bồ-đề có hai hạng Bồ-tát: 1/ Tại-gia. 2/ Xuất-gia. Bồ-tát tại-gia vì sự hóa-đạo được thân-cận nơi phòng dâm, hàng thịt. Bồ-tát xuất-gia không thế. Song, Bồ-tát ấy còn có 9 bậc: 3 bậc thượng-căn ở A-lan-nhã, 3 bậc Trung-căn và 3 bậc Hạ-căn tùy ở chỗ nào hợp với sự làm lợi-ích cho chúng-sinh thì ở. Hơn nữa, Bồ-tát xuất-gia tu Phật-đạo đã được vô-lậu-pháp thời tùy duyên làm lợi-lạc chúng-sinh. Nếu chưa, ở nơi A-lan-nhã nên thân-cận chư Phật, Bồ-tát hay gặp các bậc Chân-thiện-tri-thức. Đó là pháp-yếu xuất-thế!”

Bồ-tát xuất-gia ở A-lan-nhã, dùng công-lực sẽ viên-mãn 84.000 hạnh Ba-la-mật và chóng chứng vô-thượng-giác. Nếu người bỏ danh-lợi, không tiếc thân-mệnh của cải, tu nơi rừng núi dễ được ba thứ: Danh-tự, thân-cận và chân-thực trong mười Ba-la-mật.

- BỐ-THÍ: Bồ-tát không có của, lấy đâu bố-thí mà viên-mãn được Bố-thí ba-la-mật?

Đem ít món ăn xin được và những món ăn còn thừa cho người muốn, là “Bố-thí”. Đem thân-mệnh cúng-dàng Tam-bảo, xả thân cho người, là “Thân-cận”. Nói pháp xuất-thế, khiến người cầu pháp phát tâm vô-thượng là “Chân-thực”.

- TRÌ-GIỚI: Không làm tổn-hại chúng-sinh là “Trì-giới”. Kiên-trì giới cấm, không tiếc thân-mệnh là “Thân-cận”. Và, thuyết-pháp khiến người cầu đạo xuất-thế phát tâm vô-thượng là “Chân-thực”.

- NHẪN-NHỤC: Diệt giận-bực, không hủy-nhục chúng-sinh là “Nhẫn-nhục”. Và, vì người thuyết-pháp khiến họ phát tâm vô-thượng là “Chân-thực”.

- TINH-TIẾN: Chưa thành Phật, phúc-trí kém, không ham vui, không tạo tội, kính ngưỡng khổ-hạnh của các Bồ-tát là “Tinh-tiến”. Hy-sinh thân-mệnh dễ-dàng là “Thân-cận”. Nói đạo tối-thượng, khiến người cầu đạo tới vô-thượng-giác là “Chân-thực”.

- THIỀN-ĐỊNH: Tu-tập chính-định, thể-nhập các môn giải-thoát, dứt biên-kiến, hiện thần-thông, hóa-độ chúng-sinh, khiến họ được chính-trí, dứt phiền-não, ngộ chân-pháp-giới, ngộ đạo như-thực và sẽ tới bồ-đề là “Thiền-định”. Làm cho chúng-sinh tu tam-muội, không tiếc thân-mệnh là “Thân-cận”. Nói pháp thâm-diệu khiến chúng-sinh xu hướng đạo vô-thượng là “Chân-thực”

- BÁT-NHÃ: Thân-cận cúng-dàng chư Phật, Bồ-tát, các bậc trí-giả, thích nghe diệu-pháp không chán, lại hiểu rõ lý Nhị-đế, trừ 2 chướng, suốt ngũ minh, nói các pháp-yếu, giải-quyết ngờ-vực là “Bát-nhã”. Cầu nửa bài kệ mà hủy thân không sợ khổ, đạt tới Đại-bồ-đề là “Thân-cận”. Nói pháp sâu-nhiệm không sẻn tiếc, bí-mật khiến người nghe, phát tâm đại-bồ-đề, bất-thoái-chuyển. Và, quán thân ta, Lan-nhã, bồ-đề-tâm và pháp-thân không khác là “Chân-thực”.

- PHƯƠNG-TIỆN THIỆN-SẢO: Dùng “tha-tâm-trí” hiểu rõ ý muốn, phiền-não, tâm-hành sai khác của chúng-sinh mà tùy bệnh cho thuốc, khiến họ thoát khỏi, được thần-thông, phát tâm bi-nguyện thành-thục chúng-sinh và thông suốt các pháp là “Phương-tiện thiện-sảo”. Vì việc lợi-ích không tiếc thân-mệnh, của cải là “Thân-cận”. Nói pháp không phân-biệt oán, thân, khiến chúng-sinh chứng-nhập Phật-trí là “Chân-thực”.

- NGUYỆN: Tâm luôn luôn quán pháp-tính là “Trung-đạo” chẳng phải “có”, chẳng phải “không”; hiểu rõ thế-tục, tu đức từ-bi để độ-sinh là “Nguyện”. Đem 4 nguyện lớn độ-sinh, dù phải xả thân cũng không bỏ, là “Thân-cận”. Nói pháp vi-diệu, biện-tài vô-ngại, người nghe được bất-thoái-chuyển là “Chân-thực”.

- LỰC: Dùng sức chính-trí, hiểu tâm-hạnh, nói pháp tương-ứng, khiến chúng-sinh chứng-nhập nghĩa sâu-nhiệm của Đại-thừa và an-trụ cứu-cánh Niết-bàn là “LỰC”. Dùng mắt chính-trí soi thấy “5 uẩn không-tịch”, xả thân làm việc lợi-ích cho chúng-sinh là “Thân-cận”. Dùng sức diệu-trí độ bọn tà-kiến, khiến họ bỏ nghiệp sinh-tử luân-hồi, xu-hướng về Niết-bàn thường lạc là “Chân-thực”.

- TRÍ: Biết rõ thiện, ác, xa lìa tà-kiến, nhiếp-thụ chính-pháp, không chán sinh-tử, không thích Niết-bàn là “TRÍ”. Thương chúng-sinh, thường xả thân-mệnh, của cải là “Thân-cận”. Dùng vi-diệu-trí nói pháp Nhất-thừa khiến chúng-sinh chứng-nhập đạo vô-thượng-giác là “Chân-thực”.

Lại nữa, vì những chúng-sinh nhiều “tham, sân, si và đẳng-phận” mà phân-biệt, diễn nói ra mỗi thứ đến 2.100 Ba-la-mật và nhân gấp 10 lần thành 84.000 Ba-la-mật. Đó đều là hạnh lợi-tha. Những chúng-sinh nghe pháp mà tâm chưa điều-phục, nên nói 84.000 Tam-muội-môn đó là hạnh tự-lợi. Những chúng-sinh nghe pháp mà tâm chưa điều-phục nên nói 84.000 Đà-ra-ni-môn, đó là hạnh lợi-tha.

Chư Phật hiện-tại và vị-lai đều tu về 84.000 Ba-la-mật-môn, Tam-muội-môn, Đà-ra-ni-môn, mà dứt được 84.000 phiền-não-chướng, sở-tri-chướng vi-tế, thành vô-thượng-giác.

Khi đức Phật nói pháp ấy rồi, 84.000 Thiên-tử Đạo-lỵ chứng Hoan-hỷ-địa; vô số Thiên-tử trong Lục-dục-thiên ngộ Vô-sinh-nhẫn được Đà-ra-ni; 16 Quốc-vương được Đà-ra-ni; vô-lượng tứ-chúng được Bất-thoái-địa, hoặc được Tam-muội-môn, Đà-ra-ni-môn, đại-thần-thông. Hoặc có Bồ-tát chứng Tam-địa đến Thập-địa, vô-lượng Nhân, Thiên phát-tâm vô-thượng, 84.000 Nhân, Thiên xa lìa trần-cấu, được pháp-nhãn-tịnh.

 
 

 

 [1]  Ba thứ Ba-la-mật-đa: Tức là “danh-tự (tên gọi), thân-cận và chân-thực Ba-la-mật”.

Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ”, đến chỗ “Ba-la-mật”, Bồ-tát Di-Lặc ngờ việc thực-hành hạnh Bồ-tát mới hỏi Phật, đức Phật giải rõ việc làm của hai hạng Bồ-tát: tại-gia và xuất-gia.

 [2]  Mười hạnh: Tức 10 Ba-la-mật: Trong 1 Ba-la-mật nào cũng cần phải tinh-tiến mới thành-tựu được, nên “Tinh-tiến Ba-la-mật” nằm trong tất cả.

 [3]  Biên-kiến: Tư-tưởng thiên về một bên.

 [4]  Nhị-đế: Chân-đế và tục-đế (xin xem chú-giải trong quyển Bước đầu học Phật)

 [5]  Ngũ minh: “Minh” là xiển-minh, nghĩa là làm cho nghĩa-lý, tư-tưởng rõ-rệt ra bằng cách có chứng-cứ. Lại, “Minh” là tên riêng của trí-tuệ, có nghĩa là y vào môn học nào đó mà trí-tuệ phát-minh. Đây là 5 môn học xưa của Ấn-độ: 1/ Thanh-minh (Sabdavidya): xiển-minh về ngôn-ngữ, văn-tự. 2/ Công-sảo-minh (Silpakar-masthànavidyà): xiển-minh về hết thảy công-ngệ, kỹ-thuật, toán-số, lịch-số v.v…3/ Y-phương-minh (Cikitsàvidà): xiển-minh về phương thuốc. 4/ Nhân-minh (Hetuvidyà): xiển-minh luận-lý-học, bàn-định về lẽ chính, tà, chân, ngụy. 5/ Nội-minh (Adhỳatmavidyà): xiển-minh tôn-chỉ của học-phái mình, tức là nội-điển từng học-phái, như Phật-giáo lấy Tam-tạng: kinh, luật, luận làm Nội-minh. Bốn minh trên là môn học chung cho tất cả, còn minh thứ năm là riêng biệt của từng phái.

 [6]  Phương-tiện thắng-trí….: Trong 10 Ba-la-mật, có thể chia 5 Ba-la-mật trước thuộc về tu phúc, 5 Ba-la-mật sau thuộc về tu tuệ. Về tu tuệ coi Bát-nhã ba-la-mật như là căn-bản-trí, 4 Ba-la-mật sau như là Hậu-đắc-trí. Y nơi Bát-nhã, tu-tập những phương-pháp tiện-dụng độ-sinh làm cho trí-tuệ thù-thắng hơn lên là “Phương-tiện thắng-trí Ba-la-mật”.

 [7]  Tha-tâm-trí: Trí-tuệ hiểu biết tâm người khác.

 [8]  Đoạn trên, từ chữ “Dùng” tới chữ “cả” nói Bồ-tát được trí-tuệ, thần-thông, hiểu rõ nghiệp-tính chúng-sinh, Bồ-tát phát bi-nguyện lớn đi khắp mọi nơi, chữa bệnh cho chúng-sinh, làm cho chúng-sinh được thanh-tịnh và hiểu thấu đạo vô-thượng.

 [9]  4 lời thệ-nguyện rộng lớn: 1/ Chúng-sinh vô-biên thệ-nguyện độ. 2/ Phiền-não vô-tận thệ-nguyện đoạn. 3/ Pháp-môn vô-lượng thệ-nguyện học. 4/ Phật-đạo vô-thượng thệ-nguyện thành.

 [10]  Đoạn trên, từ chỗ “Bồ-tát Di-Lặc bạch Phật rằng:” cho đến chỗ “Trí-ba-la-mật-đa” là nói rõ về 3 thứ của 10 Ba-la-mật:

1/ Bố-thí ba-la-mật-đa (Dànapàramità): cho của cải, thân-mệnh và nói pháp xuất-thế. 2/ Trì-giới ba-la-mật-đa (Silapàramità): giữ giới cấm, không hại sinh, không tiếc mình vì giữ giới và khuyên người phát tâm vô-thượng. 3/ Nhẫn-nhục ba-la-mật-đa (Ksàntipàramità): không hủy-nhục chúng-sinh…, khuyên người phát tâm vô-thượng. 4/ Tinh-tiến ba-la-mật-đa (Viryapàramità): luôn luôn tu-tiến, không tiếc thân-mệnh và nói đạo tối-thắng, khiến người nghe, tới vô-thượng-giác. 5/ Thiền-định ba-la-mật-đa (Dhyànapàramità): giữ chính-định, hóa chúng-sinh, nhập chân-pháp-giới; không tiếc thân-mệnh dạy chúng-sinh tu và nói pháp vi-diệu khiến chúng-sinh tới vô-thượng-giác. 6/ Bát-nhã ba-la-mật-đa (Prjnãpà-ramità) “Bát-nhã” Tàu dịch là “Tuệ”: Hiểu rõ chân-lý không tiếc thân-mệnh để cầu pháp; nói pháp không sẻn và, quán thấu diệu-lý bình-đẳng. 7/ Phương-tiện thiện-sảo ba-la-mật-đa (Upàyapàramità): Hiểu, giúp chúng-sinh; giúp chúng-sinh không tiếc mình và coi chúng-sinh bình-đẳng, nói pháp vi-diệu, khiến họ chứng-nhập Phật-trí. 8/ Nguyện ba-la-mật-đa (Pranidanapàrajat): Quán sự-vật là trung-đạo, không “có”, không “không”, tu tâm từ-bi, hiểu thấu việc đời và sự chúng-sinh đau khổ; dù bỏ thân mệnh để thực-hành đại-nguyện cũng không từ và nói pháp vi-diệu, làm chúng-sinh được bất-thoái-chuyển. 9/ Lực ba-la-mật-đa (Balapàramità) Dùng sức trí-tuệ làm chúng-sinh chứng-nhập Đại-thừa-pháp; dù bỏ thân-mệnh làm lợi-ích chúng-sinh cũng được và dùng diệu-lực làm cho bọn tà-kiến xu-hướng Niết-bàn. 10/ Trí ba-la-mật-đa (Jnànapàramità): Hiểu rõ các pháp, giữ vững trung-đạo: không chán sinh-tử, không thích Niết-bàn, có tâm đại-xả, thương xót chúng-sinh và dùng diệu-trí nói pháp Nhất-thừa, khiến chúng-sinh chứng-nhập đạo vô-thượng.

 [11]  Đẳng-phận: Các phần bằng nhau. Trên kia đức Phật nói hoặc nhiều tham, nhiều sân, nhiều si nhưng, đây trong 3 phần tham, sân, si đều bằng nhau, không hơn kém, nên gọi là “Đẳng-phận”.

 [12]  Đoạn trên, từ chỗ “Thiện-nam-tử”, đến chỗ “chính-giác”, đức Phật nói: do tham, sân, si, đẳng-phận mà thành 84.000 Ba-la-mật-môn, Tam-muội-môn và Đà-ra-ni-môn. Chư Phật do tu các môn ấy mà thành chính-giác.

 [13]  Ba căn, chín phẩm loại: Tức thượng, trung, hạ-căn. Và, trong mỗi căn lại chia làm thượng, trung, hạ nữa thành ra 9 phẩm.

 [14]  Hữu, không bất-nhị-môn: Đây nói: “có, không” (hữu, không) đều là một cửa trung-đạo, chẳng phải hai

 [15]  Ba môn học: Giới, định và tuệ.

 [16]  Ba thứ “Độ”: Tức là danh-tự, thân-cận và chân-thực Ba-la-mật.

 [17]  Ba vòng thanh-tịnh: Tức “Tam-luân-không” đã chú thích ở trên.

 [18]  Đây nói: Nghiệp-nhân xưa kia hoặc gây ra sự thù-oán hãm-hại lẫn nhau, nay dùng tâm từ-bi quán-sát, không nên đem sự đối-đáp báo-thù lại.

 [19]  Diệu-lý-môn: Pháp-môn đầy-đủ chân-lý nhiệm-mầu.

 [20]  Chân-cú-nghĩa: Nghĩa và câu chân-chính, chân-thực.

 [21]  Ba thứ pháp-yếu: Tức chỉ cho Ba-la-mật, Tam-ma-địa và Đà-ra-ni (Tổng-trì).

 [22]  Đoạn trên, từ chỗ “Lúc đó”, đến chỗ “an-lạc”, là đức Phật nói lại ý-nghĩa 10 Ba-la-mật của các Bồ-tát cần thực-hành trong việc độ-sinh. Trong việc độ-sinh phải tùy bệnh cho thuốc, vì vậy cần hiểu 3 thứ pháp-yếu. Pháp-yếu ấy như lưới, chăng vít bể sinh-tử, đem chúng-sinh đến chỗ an-lạc.

 [23]  Giới-chướng: Các sự chướng-ngại trong tam-giới (ba cõi). Nơi đây các Thiên-tử dứt được các sự chướng-ngại trong ba cõi, để chứng nhập Sơ-địa.

 [24]  Đoạn trên, từ chữ “Khi”, tới chữ “tịnh” là nói về sự nghe pháp được lợi-ích.

 

 

---o0o---

 

Mục Lục > 1 > 2 > 3 > 4 > 5 > 6 > 7 > 8 > 9 > 10 > 11 > 12 > 13

 

---o0o---

Nguồn: www.anlac.ca

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 1-7-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Ngu Sen Khi thần bo Thi 僧人心態 崔红元 H i bún Nộm thập nhị nhân duyên 佛语不杀生 La thuong 喜马拉雅网页版 xa 禅の旋 khái phat tin 七佛灭罪真言全文念诵 æˆ å šæ 佛法怎样面对痛苦 所住而生其心 Þ cẫm bat ngo ceo thai ha books chan dat di an suy ngẫm về việc tan TÃo æåŒ vang 佛教典籍的數位化結集 æ æ³ ä½œæ ç ¼èµžå ½åº ä½œæ Ã ç½ åˆ¹å ³ 关于青春的议论文