PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)
Từ khi đức Phật Đại-Thông diệt độ đến nay, cũng rất lâu xa không thể tính được.
Đức Phật Thích-Ca sở dĩ biết sự-tích của đức Phật Đại-Thông là nhờ sức tri-kiến của Như-Lai, cho nên việc dù cách xa như thế, Ngài vẫn thấy như việc hiện nay.
Đức Đại-Thông Trí-Thắng thọ năm trăm bốn mươi vạn ức na-do-tha kiếp ([1]). Lúc còn ngồi đạo-tràng, Ngài đã phá xong ma-quân. Ma quân phá xong, Ngài tưởng sẽ đặng Vô thượng chánh-đẳng chánh-giác, nhưng pháp Phật chẳng hiện ra. Ngài bèn nhập định, ngồi xếp bằng, thân tâm bất động, trong một tiểu-kiếp. Pháp Phật vẫn chẳng hiện. Ngài tiếp ngồi cho đến tiểu-kiếp thứ mười, mà cũng không thành Phật.
Lúc bấy giờ, chư Thiên cõi trời Đao-lợi trải cho Phật một toà Sư-tử cao một do tuần, Phật vừa ngồi lên là đắc Vô thượng chánh-đẳng chánh-giác. Chư Thiên bèn rải hoa cúng dường không ngớt suốt mười tiểu-kiếp.
Đức Phật Thích-Ca nói tiếp: “ Chư Tỳ-khưu! Đức Phật Đại-Thông Trí-Thắng phải trải qua mười tiểu-kiếp các pháp Phật mới hiện bày và được Vô thượng chánh-đẳng chánh-giác”.
Lúc Phật Đại-Thông chưa xuất gia, Ngài có 16 người con trai. Người thứ nhất tên là Trí-Tích. Các con của Ngài, mỗi người đều có những đồ chơi tốt đẹp báu lạ, nhưng khi nghe cha thành Phật, tất cả đều bỏ của báu đi đến chỗ Phật ở. Mấy bà mẹ khóc lóc theo đưa.
Ông nội là một vị chuyển-Luân Thánh-vương. Ông cùng một trăm đại-thần cùng theo đến cúng dường và chiêm bái đức Phật Đại-Thông.
Mười sáu vị vương-tử thỉnh đức Phật Đại-Thông chuyển pháp-luân.
Đức Phật Thích-Ca bảo các Tỳ-khưu: Lúc Đức Phật Đại-Thông thành Phật, các nước Phật trong mười phương đều chấn động sáu cách. Trong các nước ấy, những chỗ tối tăm mà ánh sáng mặt trăng, mặt trời không soi được, lúc ấy đều sáng rỡ. Chúng-sanh trong đó đều đặng thấy nhau mà nói rằng: “Tại sao trong đây mà lại bỗng sanh chúng-sanh?”
Các cõi trời trong mười phương cũng chấn động. Chư Thiên biết có Phật ra đời, bèn kéo nhau đến chiêm bái và thỉnh Phật chuyển pháp-luân.
Đức Phật Đại-Thông Trí-Thắng nhận lời thỉnh của các Phạm-Thiên-vương và 16 vị vương-tử, trước nói Tứ-đế, kế nói Thập-nhị nhân-duyên, trước sau tất cả bốn lần, độ muôn ức Hằng-ha sa chúng-sanh.
Bấy giờ 16 vị vương-tử đều là đồng-tử xuất-gia làm Sa-di, các căn thông lợi, trí-huệ sáng-suốt, từng cúng dường trăm ngàn muôn ức đức Phật, tịnh tu phạm-hạnh. Các vị bạch Phật Đại-Thông: “Các vị Đại-đức Thanh-văn vô lượng muôn ngàn ức đây đã thành-tựu, kính xin Thế-Tôn vì chúng con nói pháp Vô thượng chánh-đẳng chánh-giác. Chúng con chí mong được tri-kiến của Như-Lai”.
Lúc đó, 8 muôn ức người trong bọn theo hầu Vua Chuyển-Luân, thấy 16 vị vương-tử xuất-gia, cũng xin xuất-gia theo. Vua cho.
Bấy giờ đức Đại-Thông nhận lời thỉnh của Sa-di, rồi qua 2 muôn kiếp sau mới ở trong hàng 4 chúng, nói kinh Đại-thừa “Diệu-pháp Liên-hoa Giáo Bồ-tát pháp Phật sở hộ niệm”
Phật nói kinh đó suốt 8 ngàn kiếp, không gián đoạn. Nói xong, Phật vào tịnh thất trụ trong thiền-định 8 muôn bốn ngàn kiếp.
Mười sáu vị Sa-di bèn thay Phật lên pháp-tòa, cũng trong 8 muôn bốn ngàn kiếp, rộng nói kinh Diệu-pháp. Mỗi vị đều độ Hằng-sa chúng-sanh, khiến phát tâm Vô thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Qua 8 muôn bốn ngàn kiếp, đức Phật Đại-Thông xuất định, bảo rằng: “ 16 vị Sa-di thật là ít có vì trí-huệ sáng-láng, các căn thông lẹ. Các hàng Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát nếu biết gần gũi và tin kính, thọ trì pháp của mấy vị ấy sẽ đặng đạo vô-thượng.
Đức Phật Thích-Ca bảo các vị Tỳ-khưu.: “Hằng-sa chúng-sanh được 16 vị Sa-di hoá độ, đời đời đều sanh ra cùng chung nghe pháp với các vị ấy. Và 16 vị ấy nay đã thành Phật.
Vị thứ nhất hiệu là……A-Súc }
} ở phương Đông
- nhì - ….Tu-Di-Đảnh }
- ba - ….Sư-Tử-Âm }
} - Đông-Nam
- tư - …. Sư-Tử Tướng }
- năm - ….Hư-Không-Trụ }
} - Nam
- sáu - ….Thường-Diệt }
- bảy - ….Đế-Tướng }
} - Tây-Nam
- tám - ….Phạm-Tướng }
-chín - ….A-D-Đà }
} - Tây
- mười - …Độ-Nhất-Thế }
- 11 - ….Đa-Ma-La-Bạt }
Chiên-Đàn-Hương }
Thần-Thông }
} - Tây-Bắc
- 12 - ….Tu-Di-Tướng }
- 13 - …Vân-Tự-Tại }
} - Bắc
- 14 - …Vân-Tự-Tại Vương }
- 15- …. Hoại-Nhất-Thế }
thế-gian bố-uý } -Đông-Bắc
vị thứ 16 hiệu là……Thích-Ca Mâu-Ni } ở Ta-bà
Đức Phật Thích-Ca nói tiếp: “ CácTỳ-khưu, lúc chúng ta làm Sa-di, mỗi người giáo-hoá vô lượng trăm ngàn muôn hằng-hà sa chúng-sanh đã vì đạo Vô-thượng mà theo chúng ta nghe pháp. Những chúng-sanh đó đến nay có người đã trụ bậc Thanh-văn, ta thường lấy pháp vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác mà giáo-hoá.
Hằng-sa chúng-sanh đã được hoá-độ trong thuở đó, nay là Tỳ-khưu các ngươi vậy, còn sau khi ta diệt độ rồi, những Thanh-văn trong đời vị-lai cũng là những chúng-sanh ấy. Tuy nhiên cũng có hàng đệ-tử không nghe kinh này, không hay không biết những hạnh của Bồ-tát, tưởng với mớ công-đức tu tập được là đã diệt độ và đắc sanh Niết-bàn.
Nên biết chỉ do Phật-thừa mới được diệt độ, không có thừa nào khác. Có khác là những phương-tiện nói pháp của các đức Như-Lai mà thôi.
Đến đây, đức Phật Thích-Ca đưa ra một tỷ-dụ.
Có một chỗ chứa nhiều châu báu. Muốn đến nơi ấy, phải trải qua một con đường nguy hiểm, dài năm trăm do-tuần, lại thêm hoang vắng, không người, đáng ghê, đáng sợ.
Một đám người muốn đến nơi ấy để lấy của báu. Họ được một người thông-minh sáng-suốt dẫn đường. Dù vậy, vì đường dài, bọn ấy mệt nhọc, sợ sệt, tỏ ý chán-nản.
Thương xót bọn ấy sao lại có ý bỏ của báu mà lùi bước, vị dẫn đường mới ở nơi ba phần đường, dùng phép lạ, hoá ra một cái thành và bảo bọn kia vào ở, sẽ được an ổn, sung sướng, còn muốn tiến thêm nữa để đến chỗ trân bảo thì cũng tiện.
Bọn kia nghe theo, vào thành ở, được an ổn.
Khi biết chúng đã hết mệt mỏi, vị dẫn đường mới nói: Thành ấy là ta biến hoá ra để cho chúng ngươi tạm nghỉ mệt, chớ chẳng phải nơi mà bọn ngươi phải đi đến. Hãy cố-gắng thêm, chỗ chứa châu báu gần đây!
Biết tâm chúng-sanh, sợ con đường dài thành Phật, phải cần khổ lắm mới đi đến chỗ cuối cùng, Phật như vị dẫn đường mới tạm nói có hai thứ Niết-bàn, một cho Thanh-văn, một cho Duyên-giác. Rồi, vì chúng-sanh tưởng hai nơi đó là cứu-cánh, Phật phải đưa sự thật ra là sự tu hành như thế chưa xong, cần phải tiến nữa, vì cũng gần tới đích rồi.
Huyền nghĩa
1.Đức Phật Đại-Thông Trí-Thắng ra đời rồi diệt độ không biết lúc xa xưa nào mà nói, mà tính cho được. Vậy nhất định Ngài không phải một nhân-vật lịch-sử mà là một nhân-vật được tạo ra để tượng-trưng cho một ý gì đó.
2.Đại-Thông là thông biết rộng lớn, vậy là Toàn-tri (Omniscience). Trí Thắng là cái trí-huệ, cái sáng-suốt hơn tất cả những trí-huệ, sáng suốt khác (Lumière, Sapience, Intelligence supranormale). Phân tách danh-hiệu Đại-Thông Trí-Yhắng, ta thấy chỗ dụng tâm của Phật là nhân-cách-hoá (personnifier) Tâm.
3.Ai cũng có tâm, và tâm ai cũng như tâm ai, đồng đại thông trí thắng như nhau. Nhưng nếu tâm ấy mà bị dục-vọng, vô-minh che đậy, thì gọi là chúng-sanh. Trái lại, nếu vô-minh, dục-vọng dứt, tâm trở lại cái căn-bản “đại thông trí thắng” của nó, thì gọi là Phật.
4.Muốn trở lại căn-bản ấy, phải trải qua thời-kỳ tu sửa, lau quét. Đó là chỗ trong kinh nói: ngồi đạo-tràng (tham thiền), đã phá ma-quân (diệt trừ những tâm-niệm độc ác, sai quấy).
5.Nhưng không phải thắng được thất tình lục dục rồi gọi là đủ, rồi gọi là đã trở về với cái căn-bản “đại thông trí thắng”. Phải sống mãi trong cái vô-dục đó mới được. Đây là chỗ kinh bảo Phật Đại-Thông Trí-Thắng nhập định đến 10 tiểu-kiếp.
6.Định mãi trong cái vô-dục mới đạt đến cái phút “lên ngồi Toà Sư-Tử”, lên ngôi Phật, mới thấy tất cả các “Pháp” của Phật hiện bày trước mắt, mới được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
7.Lúc Phật chưa xuất-gia, có nghĩa là lúc Tâm chưa hướng thiện, hướng thượng.
8.Lúc ấy Phật có 16 người con. Đây kinh ám chỉ cái gọi là” Thập lục tri-kiến” của chúng-sanh, của những tâm, chưa thấy Đạo, còn kẹt trong vòng cố chấp có ta, có người, có những cái của ta và những cái của người, 16 vị vương-tử ấy cũng có thể ám chỉ “thập lục tâm” gồm 8 nhẫn và 8 trí, sau khi tu hành. Nói một cách khác, tâm sống theo phàm-phu (chưa xuất-gia) có 16 cái đặc-tánh (propriétés) hay 16 cái “thấy biết” (connaissances) sái quấy. Nhưng khi tâm đã trở về với cái bản-nguyên trong sạch, sáng suốt của nó (xuất-gia) thì 16 cái ấy trở thành 8 nhẫn và 8 trí. Về sau sẽ nói thêm về đoạn này.
9.Chuyển-Luân Thánh-vương tượng trưng cho “tâm vương”, 16 vị vương-tử cũng như 8 muôn ức người tôi hầu đều tương trưng cho “tâm sở”, tạm gọi “tánh nết” của tâm cho dễ hiểu. Nhưng trong tánh-nết ấy, có loại chánh, có loại phụ. Chánh là vương-tử; phụ là tôi hầu. Một khi loại chánh đã cải tà, đã xuất-gia, thì loại phụ cũng đi theo.
10. Bắt đầu thuyết pháp, Phật Đại-Thông nói về Tứ-đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), sau nói về Thập nhị nhân-duyên, rốt hết mới nói tới Pháp-Hoa. Đó là lịch trình tu học thứ lớp. Muốn chuyển tâm, bỏ phàm-phu theo thánh, trước tiên con người, trong chỗ thâm tâm, phải nhìn nhận đời là khổ, sống là khổ. Rồi phải hiểu luôn do đâu khổ sanh (Tập), biết nguồn gốc của khổ rồi thì trừ khổ được (diệt), nhưng trừ bằng phương pháp nào, đó là phần “Đạo” của pháp Tứ-đế. Cao hơn một từng là pháp Thập-nhị nhân-duyên. Nguyên nhân khổ là Dục, mà có Dục là vì Vô-minh, có Vô-minh mới sanh quả khổ, và quả khổ hiện tiền làm nhân cho những quả khổ tương lai, quây quần như vậy mãi, như bánh xe lăn, không biết đâu đầu đâu đuôi. Nhưng nếu hiểu và tu được pháp Thập-nhị nhân-duyên thì được sáng-suốt và giải-thoát. Có hai điều kiện này rồi, mới tiến thêm một bước mà học cái Chân lý cuối cùng (Kinh Diệu-Pháp) để đạt đến chỗ Giải-thoát, Giác-ngộ hoàn toàn.
11. Lúc đầu, sự giác-ngộ, thức-tỉnh, phải bắt từ tâm mà phát sanh ra. Do đây nói Phật Đại-Thông thuyết pháp.
12. Nhưng về sau, phải thay cái giác ngộ tại tâm bằng cái hành trong giác-ngộ. Do đây kinh nói: 16 vị vương-tử thay Phật thuyết pháp với nghĩa: những tánh-nết của tâm đã được hoán cải theo chiều hướng của giải-thoát và giác-ngộ, và mỗi sự phát hiện của những tánh-nết ấy trong tư tưởng, lời nói, việc làm đều hợp với sự giác-ngộ, giải-thoát, đều là những bài thuyết-pháp (discours, sermons) sống.
13. Thuyết-pháp là “khẩu giáo” (dạy bằng miệng). Cư xử, ăn ở như thế nào cho hợp Đạo, như hiện thân của Giải-thoát và Giác-ngộ, là “thân giáo”. Vì vậy kinh nói: “ các hàng Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát, nếu biết gần-gũi và tin kinh, thọ trì pháp của mấy vị ấy (16 vương-tử), sẽ đặng đạo Vô-thượng.
14. 16 vương-tử đã thành Phật, có nghĩa 16 tâm-sở đã chuyển thành những đức-tánh. Những đức-tánh ấy là gì? Cứ xem những danh-hiệu Phật của các vị là thấy:
Phật A-Súc…là Vô-động, Bất-động, Vô sân-nhuế.
- Tu-Di-Đảnh là Hướng-thượng
- Sư-Tử-Âm là Chánh-Ngữ
- Sư-Tử-Tướng là Chánh-Nghiệp
- Hư-Khộng-Trụ là Chánh Định
- Thường-Diệt là Tịch-tĩnh
- Đế-Tướng là Đế-Thích Tướng Thiện
- Phạm-Tướng là Phạm-Thiên-vương
- A-Di-Đà là Vô-lượng-quang, Vô-lượng-thọ
- Độ-nhất-thế thế-gian khổ là Đại-từ Đại-bi
- Đa-Ma-la…là Vô-Cấu, tức Thanh-tịnh
- Tu-Di-Tướng là Đại, là Thái, là Tuyệt-đối
- Văn Tự-tại là Thông đạt vô-ngại trong tâm
- Văn Tự-tại vương là làm chủ sự tự-tại
- Hoại Nhất-thế thế-gian bố uý là Vô-uý
- Thích-ca Mâu-ni là Năng nhân, hay thương mọi loài.
15. Nhưng con đường thành Phật quá dài và quá kham-khổ. Vì sợ người sanh
chán, nên Phật phương-tiện nói có hai thứ Niết-bàn, tức là nói có hai đích, để dẫn dụ người tu hành, thí như cái thành được biến hoá ra để cho khách bộ hành tạm nghỉ (hoá thành).
16. Nhưng sao Ô. Burnouf lại dịch là “L'ancienne application”? Sự tu học theo
lối trước, lối xưa, xưa hơn thời thuyết kinh Pháp-hoa, thì lấy quả Thanh-văn,
Duyên-giác làm mãn nguyện. Với lối mới, theo kinh Pháp-Hoa, phải lấy việc
thành Phật làm cứu-cánh. Tu theo lối trước là “ancienne application”
Lúc bấy giờ Phú-Lâu-Na (Pûrna), sau khi nghe đức Phật nói về những phương-tiện tùy cơ nói pháp, lại nghe Phật thọ-ký cho các đệ-tử lớn, lại nghe việc nhân-duyên đời trước và ra sức tự-tại thần-thông lớn của chư Phật, lòng thanh-tịnh hớn hở, bèn quỳ lễ Phật, bạch rằng: “Thế-Tôn thật là đặc-biệt, làm việc ít có là thuận theo không biết bao nhiêu tánh của chúng-sanh mà nói pháp cứu vớt. Chúng con không thể dùng lời nói mà tuyên bày cho hết những công-đức của Thế-Tôn, nhưng xin Thế-Tôn biết cho bổn nguyện trong thâm tâm của chúng con”.
Phật bèn nhắc công-phu tu hành của Phú-Lâu-Na ở các tiền kiếp; ở nơi 90 ức đức Phật thuở quá-khứ, hộ trì trợ tuyên chánh-pháp của Phật và là bậc nhất trong nhóm người nói pháp thuở đó; ở trong pháp “Không” thông suốt rành-rẽ, đặng bốn trí vô-ngại, thường hay suy gẫm sâu xa, nói pháp thanh-tịnh, không chỗ nghi hoặc. Tuy đầy đủ thần-thông Bồ-tát, người lúc bấy giờ đều gọi là Phú-Lâu-Na là thật Thanh-văn. Ông dùng phương-tiện Thanh-văn đó mà làm lợi ích cho vô lượng chúng-sanh và giáo hoá vô số người đứng hẳn trong đạo Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Các Tỳ-khưu! Thời bảy đức Phật, Phú-Lâu-Na cũng là bậc nhất trong hàng người nói Pháp, rồi trong tương-lai, cũng là bậc nhất nói Pháp và cũng sẽ hộ trì trợ tuyên chánh pháp của vô lượng vô biên chư Phật. Vì muốn làm tịnh cõi Phật mà Phú-Lâu-Na thường siêng năng tinh-tấn giáo hoá chúng-sanh, lần lần đầy đủ đạo Bồ-tát. Nhờ đó mà qua vô lượng số kiếp sau, Phú-Lâu-Na sẽ thành Phật, hiệu là Pháp-Minh, lấy hằng-sa tam thiên đại thiên thế-giới làm thành một cõi Phật, lấy bảy báu làm đất, mặt đất bằng phẳng như mặt bàn tay, không núi gò, khe suối, rạch ngòi. Trong cõi ấy, đài bảy báu đầy dẫy, cung điện của chư Thiên ở gần với “hư không”, trời người giao tiếp nhau, hai bên đều thấy được nhau, không có ba đường dữ (địa-ngục, ngạ-quỹ, súc-sinh), cũng không có đàn-bà.
Chúng-sanh ở cõi ấy đều do biến-hoá sanh, không có dâm-dục, đặng thần-thông lớn, thân chói ánh-sáng, hay đi tự-tại, chí niệm bền chắc, tinh tấn trí huệ… Nhân-dân nước ấy có hai thức ăn: một là pháp-hỷ thực (satisfaction de la loi) và thiền-duyệt-thực (satisfaction de la contemplation). Bồ-tát ở đó đông vô số, còn Thanh-văn cũng thế. Nước Phật ấy tên là Thiện-Tịnh, kiếp gọi Bửu-Minh.
Nói xong, đức Phật trùng tuyên bằng một bài kệ.
Bây giờ, một ngàn hai trăm vị A-la-hán tâm tự-tại, nghĩ: nếu Phật đều thọ-ký cho mình như đã thọ-ký cho các vị đệ-tử lớn thì sung sướng biết bao!
Đức Phật biết tâm-niệm đó, bèn lần lượt thọ-ký cho 500 vị A-la-hán, bắt đầu là Tỳ-khưu Kiều-Trần-Như. Tất cả sẽ thành Phật đồng một hiệu là Phổ-Minh.
Được thọ-ký xong, 500 A-la-hán vui mừng, lễ Phật, bạch: “Thế-Tôn! Từ trước tới nay, chúng con cứ tưởng là được diệt-độ, nay mới biết chúng con vô trí. Vì sao? Vì đáng được trí-huệ của Như-Lai mà cứ cho là trí nhỏ của mình là đủ”. Rồi các vị trình một thí-dụ: “Trong kho-tàng Phật báu, chúng con chỉ mới được một phần mà lại tự cho là đủ. Thế chẳng khác người nghèo cùng, đến chơi một nhà thân-hữu giàu lớn. Tiệc rượu xong, anh nghèo say vùi nằm ngủ. Bạn giàu vì có việc ra ngoài gấp, bèn lấy một hột ngọc vô giá cột vào vạt áo của bạn say để tặng. Hết say, anh nghèo ra đi, không hay trong mình có ngọc. Đến một nước khác cầu y cầu thực, làm ăn vất vả, mỗi khi được một ít của cải, tự cho là đủ, không dám mong một tình-cảnh tốt đẹp hơn. Về sau, anh bạn giàu gặp trở lại anh nghèo, thấy anh khốn khổ quá, mới trách sao không dùng viên ngọc trong vạt áo để kinh-doanh. Chừng ấy anh nghèo mới hay là mình giàu, liền dùng vốn ấy mà kinh-doanh và trở nên giàu có”.
Các vị A-la-hán kết luận: “Chúng con cũng như vậy. Từ lâu xưa, Thế-Tôn thường giáo hoá cho, thế là Thế-Tôn, đã gieo trong chúng con cái nguyện Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Thế mà chúng con vô trí, chẳng hay cũng chẳng biết, được chút phần niết-bàn, tưởng là đã đủ rồi, không cầu gì nữa. Nay Phật giác ngộ chúng con, dạy cho biết phải đặng Phật-huệ vô thượng mới thật là diệt-độ”.
Huyền nghĩa
Thích sống gần Phật (Chân-lý, giải-thoát), hiểu được lời Phật và đem ra diễn giải là người đã trở về với Tánh sáng-suốt (Bodhi), nên gọi là Bồ-tát. Trong thì sáng-suốt, thanh-tịnh (tịnh quốc độ) mà ngoài sống như người thường mới nghe Pháp (Thanh-văn) để gần gũi chúng-sanh và dùng phương-tiện giúp Chân-lý soi sáng mọi người (trợ Phật), như thế mãi-mãi sẽ có ngày thành Phật, nghĩa là đạt đến sự Giác-ngộ vô thượng. Vì công-đức trợ Phật này mà có hiệu là Phổ-Minh (phổ biến, gieo rắc khắp cùng ánh-sáng).
Lúc bấy giờ A-Nan và Ra-hầu-La nghĩ thầm: “Nếu mỗi chúng ta đều được thọ-ký thì sung sướng biết bao!”. Hai vị liền đến trước Phật làm lễ, bạch rằng: “Chúng con nghĩ cũng có phần được thọ ký, vì bao giờ cũng quy hướng về Như-Lai. Lại chúng con là người quen biết của tất cả trời, người và a-tu-la trong thế gian. A-Nan là người hầu và hộ-trì tạng-pháp, còn Ra-hầu-La là con của Phật, nếu hai chúng con được thọ-ký thì nguyện của chúng con sẽ mãn mà chỗ trông mong của chúng con cũng được đầy đủ”.
Hai ngàn đệ tử Thanh-văn, bậc học và vô-học ([2]), cũng đứng dậy lễ Phật, chắp tay chiêm ngưỡng dung-nhan Thế-Tôn, tỏ ý cùng một sở nguyện với A-Nan và Ra-hầu-La.
Phật bảo A-Nan: “Đời sau, ngươi sẽ được làm Phật hiệu là Sơn-Hải-Huệ-Tự-Tại-Thông-Vương-Như-Lai….Ngươi sẽ cúng dường 62 ức Phật, hộ trì tạng-pháp, rồi sau được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, giáo hoá 20 ngàn muôn ức Hằng-hà sa Bồ-tát…. khiến những Bồ-tát ấy thành tựu Đạo Bồ-đề.
Nước của Phật Sơn-Hải-Huệ tên là Thường-Lập Thắng-Phan, thanh tịnh, đất bằng lưu-ly. Kiếp của Phật tên Diệu-Âm- Biến Mãn, thọ mạng của Phật vô lượng, và mười phương Như-Lai đồng ca ngợi công đức của Phật”.
Nói xong, Thế-Tôn đọc lại một bài kệ lập lại nghĩa trên.
Lúc bấy giờ, 8.000 Bồ-tát mới phát tâm, đều nghĩ: “Chúng ta chưa nghe các vị Bồ-tát lớn được thọ-ký như thế, cớ sao mà các Thanh-văn lại được như vậy?”.
Đức Phật biết tâm niệm ấy, bèn bảo rằng: “Này các thiện-nam-tử, ấy vì ở nơi Phật Không-Vương, ta và A-Nan đã đồng thời phát tâm cầu sự giác ngộ vô thượng. A-Nan thường ưa học rộng, còn ta thì siêng cần tinh-tấn, cho nên ta đã được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, còn A-Nan thì theo bản nguyện, hộ-trì pháp ta và trong tương lai, tiếp tục hộ trì pháp tạng của chư Phật, để giáo hoá thành tựu chư Bồ-tát. Bổn nguyện của ông như thế nên đặng thọ-ký dường ấy”.
Lòng rất vui mừng, A-Nan tức thời nhớ lại tạng-pháp của vô lượng ngàn muôn ức Phật thuở quá khứ, luôn cả lời nguyện của mình.
Bấy giờ Phật bảo Ra-hầu-La: “Đời sau, ngươi sẽ đặng làm Phật hiệu là Đạo-Thất-Bảo-Hoa Như-Lai. Ngươi sẽ cúng dường chư Phật Như-Lai đông như vi-trần trong mười thế-giới, và thường vì các đức Phật mà làm trưởng-tử như hiện nay.
“Đức Phật Đạo-Thất-Bảo-Hoa đó, cõi nước trang nghiêm, kiếp số thọ mạng, giáo- hoá đệ-tử, chánh-pháp và tượng-pháp cũng đồng như Sơn-Hải-Huệ-Tự-Tại-Thông-Vương-Như-Lai không khác. Ngươi cũng sẽ được làm trưởng-tử cho Phật Sơn-Hải-Huệ, rồi về sau sẽ được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Thế-Tôn lập lại nghĩa trên bằng một bài kệ:
Lúc ta làm Thái-tử,
Ra-Hầu làm trưởng tử.
Ta nay thành Phật-đạo
Thọ pháp làm Pháp-tử.
Trong các đời vị lai
Thấy vô lượng ức Phật
Đều cùng làm trưởng tử
Một lòng cầu Phật-đạo.
Ra-Hầu có hạnh kín
Chỉ mình ta biết thôi,
Hiện làm con của ta
Để chỉ cho chúng-sanh
Vô lượng ức ngàn muôn
Công-đức không thể đếm
(Của sự) an trụ trong Phật-pháp
Để cầu vô-thượng đạo
Thấy các bậc hữu-học, vô-học hai ngàn người ý-căn nhu-nhuyễn, tịch-nhiên thanh-tịnh, một lòng nhìn Phật, Phật bèn nói với A-Nan: “Tất cả những người ấy sẽ cúng dường chư Phật Như-Lai đông như vi trần trong năm mươi thế-giới, cung kính hộ-trì pháp-tạng, rốt sau đồng thời, ở các nước trong mười phương, mỗi mỗi đều được thành Phật, đồng một hiệu là Bảo-Tướng Như-Lai, sống lâu một kiếp, cõi nước trang nghiêm, số đệ-tử Thanh-văn, Bồ-tát và thời gian chánh-pháp, tượng-pháp thảy đều đồng nhau.
Lúc đó, các hàng hữu-học, vô-học, nghe đức Phật thọ-ký, vui mừng hớn hở, như được rưới cam lộ.
Huyền nghĩa
Hải-Ấn Đại-sư, trong phần Cương-Yếu Kinh Pháp-Hoa, có viết: “Luận về Phật-tánh, thì Phật-tánh có ba thứ “nhân” gọi là Chánh-nhân, Duyên-nhân và Liễu-nhân. Nếu ba nhân được rõ ràng thì thành Phật là một việc không còn gì nghi-ngại.
“Ngưới người đều sẵn có Phật-tánh đầy đủ, vậy ai cũng có hột giống chánh (Chánh nhân) để thành Phật. Nhờ học hỏi, giáo-pháp và sự khuyến-khích của hàng thiện-tri-thức mà Phật-tánh tỏ bày, đó là nguyên-nhân phụ (Duyên-nhân). Tự tin mình sẽ giác-ngộ một cách rốt ráo, đó là nguyên-nhân rốt-ráo (Liễu-nhân).
Nếu những vị Xá-Lợi-Phất năm người mà giác-ngộ được mau là vì hột giống chánh được sâu dày. Năm trăm đệ-tử được giác-ngộ là vì lâu đời lâu kiếp đã được giáo-hoá, vậy là do “Duyên-nhân” đã thuần-thục. Hàng hữu-học, vô-học, có kẻ là em (A-Nan), kẻ là con (Ra-hầu-La), đều ở trong hàng “Duyên-nhân” này.
Bây giờ chúng ta hay trở lại lời Phật dạy để tìm hiểu thêm.
Phật bảo Phật và A-Nan, dều phát tâm cầu Vô-thượng Chánh-giác đồng một thời, nhưng A-Nan thích đa văn (nghe học nhiều) còn Phật lại chuyên cần tinh-tấn, nên Phật thành Phật trước còn A-Nan vẫn giữ vai tuồng hộ-trì tạng-pháp để giáo-hoá chúng-sanh. Chúng ta thấy gì trong lời nói này? Phải chăng muốn thành Phật sớm, không phải học không mà được, vì học chỉ làm thỏa mãn cái trí (intellect) mà không minh-tâm kiến-tánh? Phải cần tinh-tấn, tức là phải hành mới có kết quả.
Ra-hầu-La cũng được Phật thọ-ký sẽ thành Phật trong đời sau. Ấy không phải vì Ra-hầu-La là con đầu lòng của Phật. Con đó là con của Thái-tử Tất-đạt-Đa. Mà vì Ra-hầu-La theo Phật thọ pháp, làm Pháp-tử, tức là làm con tinh-thần của Phật, làm con của Pháp.
Với sự thọ-ký cho 2.000 Thanh-văn, chúng ta thấy rằng tất cả sẽ thành Phật với điều kiện cốt yếu là phải cúng-dường vô số Phật, cung kính, hộ-trì, tôn trọng pháp-tạng, nghĩa là phải hy-sinh cho Chân-lý, cung kính, tôn trọng và nắm giữ những luật thiên-nhiên mầu-nhiệm (Pháp).
Để dạy 8 muôn Đại-sĩ (Bồ-tát), Thế-Tôn nói với Bồ-tát Dược-Sư: Trong hàng Thiên Long bát bộ, Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di bất luận cầu Thanh-văn, Bồ-tát hay Phật-đạo, hễ ai trước Phật mà nghe được một kệ, một câu của Kinh Diệu-Pháp, thậm chí có một tư tưởng vui nghe, ta đều thọ-ký cho sẽ đặng Chánh-giác. Lại nữa, sau khi Như-Lai diệt-độ, nếu có người nghe Kinh Diệu-Pháp, dầu là một kệ hay một câu, hoặc chỉ có một ý tưởng vui nghe, ta cũng thọ ký Chánh-giác cho.
Nếu lại có người lãnh giữ, đọc tụng, giải nói, biên chép Kinh Diệu-Pháp, dầu là một bài kệ, kính trọng Kinh như kính trọng Phật mà cúng-dường hương hoa, Dược-Vương nên biết, đó là những người đã từng cúng-dường mười muôn ức Phật, đã thành tựu đại nguyện nơi Phật ở, rồi vì thương xót chúng-sanh mà sanh nơi nhân-gian.
Dược-Vương! Nếu có người hỏi, trong đời vị lai, những chúng-sanh nào sẽ thành Phật, thì nên chỉ những người vừa kể trên mà nói rằng họ sẽ thành Phật. Tại sao? Nếu có trai lành gái tốt nào thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép , dầu là một câu của Kinh Diệu-Pháp, và dùng hương hoa….cúng dường, người đó đáng được thế-gian chiêm ngưỡng, sùng-phụng và cúng dường như Như-Lai. Đó là hàng Đại-Bồ-tát đã thành tựu Chánh-giác, nhưng vì thương xót chúng-sanh mà nguyện sanh trên đời để rộng nói, phân biệt Kinh Diệu-Pháp.
Dược-Vương! Thiện-nam, thiện-nữ nào mà sau khi ta diệt độ tự bỏ nghiệp-báo thanh-tịnh, nhận sanh ra trong đời ác để vì chúng-sanh mà nói Kinh Pháp-Hoa, dầu là vì có một người hay chỉ nói có một câu, phải biết người ấy là sứ của Như-Lai, được Như-Lai sai làm việc Như-Lai, hà huống nói cho nhiều người nghe.
Dược-Vương! Chê mắng Phật nhẹ tội hơn chê mắng người tại-gia hay xuất-gia đọc tụng Kinh Pháp-Hoa. Công-đức xưng tán Phật không bằng công-đức khen ngợi người trì Kinh Pháp-Hoa….
Phật lại bảo Dược-Vương: Trong vô lượng kinh của ta đã nói, hiện nói và sẽ nói, Pháp-Hoa là khó tin, khó hiểu nhất vì đó là “kho tàng bí yếu” của chư Phật, được chư Phật giữ-gìn tư xưa đến nay, chưa từng đem ra nói. Bởi cớ không nên chia sớt trao đưa một cách bừa bãi. Chính khi Như-Lai hiện tại, Kinh này còn bị oán ghét, huống sau khi Như-Lai diệt độ.
Dược-Vương nên biết, sau khi Như-Lai diệt độ, người nào làm được việc biên chép, lãnh giữ, đọc tụng, cúng dường và vì người khác nói Kinh này, người ấy được Như-Lai lấy áo trùm lên mình và được chư Phật ở phương khác hộ niệm. Ngưới ấy có đức tin lớn, chí nguyện mạnh và căn lành sâu, người ấy ở chung với Như-Lai, được Như-Lai rờ đầu.
Dược-Vương! Nơi nào mà có người nói, đọc, tụng, chép kinh Diệu-Pháp, hoặc chỗ nào có kinh này, thì nên dựng tháp cao bảy báu mà thờ, nhưng trong lòng tháp khỏi để xá lợi. Vì sao? Vì trong tháp ấy có toàn thân Như-Lai.
Dược-Vương! Bất luận tại-gia, xuất-gia, nếu có người hành đạo Bồ-tát mà chẳng có khả năng thấy, nghe, đọc, tụng, biên chép, lãnh nắm, cúng dường kinh Pháp-Hoa, nên biết người ấy chưa khéo tu đạo Bồ-tát. Nghe xong mà tin hiểu, lãnh giữ, nên biết đó là người gần Vô-thương chánh giác.
Thí như khát nước mà đào giếng trên gò cao. Thấy đất khô phải biết nước còn xa mà ra công đào, không thôi. Lần thấy đất ướt rồi thấy đất bùn, là biết nước gần. Bồ-tát nào chưa nghe hiểu Kinh Pháp-Hoa là người còn cách đạo Vô-thượng rất xa. Được nghe hiểu, suy gẫm, tu tập Kinh này, đó là người gần Chánh-giác.
Bồ-tát nghe Kinh Pháp-Hoa mà kinh nghi sợ sệt, là Bồ-tát mới phát tâm. Thanh-văn nghe mà kinh sợ, là hàng tăng thượng-mạn.
Dược-Vương! Thiện-nam, thiện-nữ nào muốn nói Kinh Pháp-Hoa, sau khi Như-Lai diệt độ, thì phải vào nhà Như-Lai, mặc áo Như-Lai, ngồi ghế cao Như-Lai, rồi mới vì bốn chúng mà rộng nói.
Nhà Như-Lai là tâm từ-bi.
Áo Như-Lai là lòng nhu-hoà, nhẫn-nhục.
Ghế cao (toà) Như-Lai là chân-lý “Tất cả sự vật là Không”.
Phải đứng yên trên lập-trường ba tâm ấy mà nói pháp.
Dược-Vương! Được như vậy thì từ nơi nước khác, ta sẽ khiến hàng “hoá nhân” đến nghe pháp, ta cũng sẽ khiến các hàng hoá-tỳ-khưu, hoá-tỳ-khưu-ni, hoá-ưu-bà-tắc, hoá-ưu-bà-di đến nghe pháp.
Nếu người nói pháp ở chỗ vắng-vẻ, ta sẽ khiến Bát-bộ Thiên, Long đến nghe.
Ta dầu ở nước khác, luôn luôn khiến người nói pháp đặng thấy thân ta, và nếu người ấy quên câu mất chữ, ta sẽ khiến cho được nói đầy đủ, thông suốt.
Huyền nghĩa
1. Kinh Pháp-Hoa là Chân-lý tối hậu, chứa đựng tất cả những bí yếu của Chân-lý, cho nên khó tin, khó hiểu. Lúc Phật hiện tiền hay sau khi Phật diệt độ, ai mà nghe được Kinh Pháp-Hoa không phải là hạng tầm thường, mà chắc chắn là người đã xa lìa vọng tưởng, trí huệ rõ thông, vì vậy mà Phật thọ ký cho.
2. Đọc tụng Kinh Pháp-Hoa là lấy đức trang-nghiêm của Phật mà trang-nghiêm tự thân. Chẳng những đọc tụng, mà giải nói, biên chép, tôn trọng, cúng dường Kinh cũng được về sau thành đạo Vô-thượng. Bởi vì đọc tụng, giải nói, biên chép Kinh là tự nhắc nhở Chân-lý, tôn trọng, cúng dường Kinh là kính mến và hy-sanh cho Chân-lý.
3. Người nghe đọc tụng Kinh Pháp-Hoa, phải sanh lòng tin kính, phải cúng-dường Kinh và người đọc Kinh như cúng-dường Như-Lai vì đó là người của Như-Lai (Chân-lý) sai để thực hành những việc làm của Chân-lý (missonnaires de la verité pour accomplir des actes de verté).
4. Vì Kinh khó tin, khó hiểu, cho nên phải thận trọng trong việc diễn nói, trao truyền. Của quý mà cho người không biết dùng thường có hại hơn có lợi.
5. Ai đọc tụng, thọ trì, cúng dường hoặc vì người khác giảng Kinh, sẽ được Phật hộ niệm.
6. Chỗ nào có Kinh Pháp-Hoa, nên xây tháp thờ, nhưng trong tháp khỏi để xá-lợi, vì trong tháp đã có toàn thân Như-Lai. Xây tháp là để thờ Phật, mà Kinh chứa đựng tròn đủ Chân-lý thì Như-Lai đã ở đây rồi, còn để xá-lợi là vật tượng trưng làm gì?
7. Nhưng muốn được Như-Lai hộ niệm, hộ trì, như quy tựu thính-giả, cho thấy Chân-lý (thân Phật), nhắc những chỗ quên (sáng suốt) người nói pháp phải có lòng từ-bi, nhẫn nhục và sống trong cái chân-lý “Pháp không”.
8. Có ba hạng người:
a) Không thể thấy nghe Kinh (đất khô).
b) Nghe mà chưa tin hiểu, thọ trì (đất ướt)
c) Nghe xong, tin hiểu, thọ trì (đất bùn gần mội).
Kết luận: Nghe đọc, như giảng nói Kinh Pháp-Hoa đều hưởng được ánh- sáng của Chân-lý và sự huân-tập. Đọc tụng, thọ trì như thế là thông-dịch, diễn đạt cho người khác hiểu được Pháp (Chân-lý) bằng lời nói, việc làm. Do đây mà Ô. Burnouf dịch Pháp-sư là “Interprète de la Loi”.
Lúc bấy giờ, trước Phật Thích-Ca, một ngọn tháp bằng bảy báu, cao 500, rộng 250 do tuần ([3]) mùi thơm “ly cấu” sực nức, từ dưới đất nổi lên rồi lơ lửng trên hư không. Trong tháp có tiếng vang ra, khen ngợi Kinh Pháp-Hoa.
Tứ chúng đều lấy làm lạ, nhưng không nói ra. Bồ-tát Đại-Nhạo-Thuyết, biết thâm tâm tứ chúng, bèn bạch Phật: “Bạch Thế-Tôn, do duyên cớ nào mà có tháp từ đất mọc lên, lại từ phía trong có tiếng vang ra như thế?”.
Phật đáp: “Trong tháp báu này có toàn thân Như-Lai. Thời quá-khứ, cách đây vô lượng lâu xa, tại nước Bảo-Tịnh, có Phật Đa-Bảo, lúc còn hành đạo Bồ-tát, đã phát lời thệ rằng, nếu được thành Phật thì, sau khi diệt độ, chỗ nào có Kinh Pháp-Hoa, tháp báu của Ngài sẽ hiện ra khen ngợi để chứng minh. Vì vậy, bất luận chỗ nào trong mười phương, hễ có nói Kinh Pháp-Hoa, thời tháp báu hiện ra, toàn thân Phật trong tháp nói: Hay thay! Hay thay!
Bồ-tát Đại-Nhạo-Thuyết bạch: “Chúng con muốn thấy thân của đức Phật Đa-Bảo”.
Phật Thích-Ca đáp: “Theo đại nguyện của Phật Đa-Bảo, khi tháp Ngài hiện ra mà có đức Phật nào muốn chỉ bày cho tứ chúng thấy thân của Ngài, thời đức Phật ấy phải nhóm lại một chỗ tất cả “phân-thân” của mình, nhiên hậu thân Phật Đa-Bảo mới hiện ra. Vậy nay ta sẽ nhóm tất cả “phân-thân” của ta, hiện đang thuyết pháp ở các cõi nước trong mười phương”.
Bấy giờ đức Thìch-Ca phóng một đạo hào-quang từ chòm lông trắng giữa đôi chân mày, làm cho hằng-sa cõi nước ở mười phương hịện bày, trong đó vô lượng Bồ-tát đang vì chúng-sanh nói Pháp.
Thấy ánh-sáng ấy, chư Phật mười phương đều bảo các Bồ-tát: “Chúng ta phải qua thế-giới Ta-bà, chỗ ở của Đức Phật Thích-Ca, để cùng cúng-dường tháp báu của Đa-Bảo Như-Lai”. Chư Phật ấy đều là phân-thân của đức Thích-Ca.
Liền lúc ấy, cõi Ta-bà biến thành thanh-tịnh, đất bằng lưu-ly, có cây báu, vàng ròng trang-nghiêm, không thành ấp, không biển cả, sông ngòi, rừng núi.
Mỗi vị có một Bồ-tát làm thị-giả, các đức Phật phân-thân qua đến Ta-bà, lên ngồi xếp bằng trên toà Sư-tử đặt dưới gốc mỗi cây báu, lần lựa như thế khắp tam thiên đại thiên thế-giới mà vẫn không đủ chỗ.
Để dung chứa tất cả các phân thân, đức Thích-Ca bèn, biến thêm, ở 8 phương, 200 muôn ức na-do-tha nước, nước nào cũng thanh-tịnh, trang-nghiêm.
Lại để có chỗ cho các phân-thân Phật sẽ đến, đức Thích-Ca dời trời, người đi nơi khác, biến thêm 200 muôn ức na-do-tha nước khác, nước nào cũng thanh-tịnh, trang-nghiêm, bình-đẳng như trên.
Tuần tự, chư phân-thân Phât trong mười phương về đủ.
Khi đâu vào đấy rồi, chư phân-thân Phật sai thị-giả qua Ta-bà dâng hoa cho Phật Thích-Ca và dạy bạch rằng “Như-Lai có được ít bệnh, ít khổ, sức khoẻ, an vui, và tất cả Bồ-tát và Thanh-văn đều được an ổn chăng?”. Sau khi cúng dường hoa, các thị-giả phải bạch thêm với đức Thích-Ca là chư phân-thân Phật đều muốn mở tháp báu đang lơ-lửng trên không.
Đức Thích-Ca liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trụ trên hư-không, lấy ngón tay hữu mở cửa tháp, làm vang một tiếng lớn như tháo khoá mở một cửa thành.
Tất cả chúng trong hội liền thấy Đa-Bảo Như-Lai trong tháp báu, ngồi trên toà Sư-tử, toàn thân không rả, như người nhập định. Lại nghe Đa-Bảo Như-Lai nói: “Hay thay! Hay thay! Phật Thích-Ca nói Kinh Pháp-Hoa hay quá. Vì muốn nghe nên ta mới tới đây”.
Chia nửa toà Sư-tử trong tháp báu, Phật Đa-Bảo nói: “Phật Thích-Ca có thể ngồi trên toà này”. Tức thời, đức Thích-Ca vào trong tháp ngồi xếp bằng trên chỗ được đức Phật Đa-Bảo nhường.
Thấy hai Như-Lai cùng ngồi xếp bằng trên toà Sư-tử trong tháp, đại chúng thầm nguyện: “Phật ngồi cao quá, cúi mong Như-Lai dùng sức thần-thông làm cho bọn chúng con đều được gần Như-Lai ở trên hư-không”.
Đức Thích-Ca bèn dùng thần-thông tiếp đại chúng lên hư-không, rồi nói lớn khắp bảo: “Nay chính là lúc nói Kinh Pháp-Hoa cho những ai, ở Ta-bà, có khả năng nói Kinh ấy”.
Để diễn lại ý trên, đức Thich-Ca nói một bài kệ mà đại ý như sau: Đức Phật Đa-Bảo diệt độ đã lâu, nay còn vì muốn nghe Kinh Pháp-Hoa khó gặp mà hiện ra trong tháp báu, hà huống các ngươi mà chẳng siêng nghe.
Ai thấy được Kinh này là đã thấy ta cùng Phật Đa-Bảo và các vị hoá Phật (phân-thân).
Các thiện nam-tử! Nên suy nghĩ, phải phát nguyện rộng lớn mới nói được Kinh Pháp-Hoa là một cái khó hơn tất cả các thứ khó khác. Thật vậy, nói được tất cả các kinh điển khác, dời núi Tu-di, lấy chân hất ba ngàn đại-thiên thế-giới, dùng sự-tướng (hữu-đảnh) mà rộng chỉ Chân-lý, lấy tay nắm bắt hư-không, đem cả đại-địa để lên móng chân rồi bay lên cõi trời Phạm-thiên, mang cỏ khô vào lửa mà không bị cháy, trì 8 muôn 4 ngàn kinh điển rồi vì người đem ra nói, khiến chúng được 6 thần-thông, nói pháp làm cho vô lượng chúng-sanh đều đắc quả A-la-hán, tất cả những việc làm ấy rất khó, nhưng chưa khó bằng, sau khi Phật diệt độ:
1.mà nói được Kinh Diệu-Pháp trong đời ác-trược,
2.mà biên chép, nắm giữ được Kinh này,
3.mà tạm đọc Kinh này,
4.mà vì một người mà nói Kinh này,
5.mà nghe lãnh và tìm nghĩa ẩn trong Kinh này,
6.mà tôn trọng và thực hành Kinh này.
Kinh Diệu-Pháp là bậc nhất. Thọ trì, đọc tụng được ắt làm cho chư Phật hoan hỷ. Ai làm được là người dõng-mãnh, tinh-tấn. Đó mới thật là người trì-giới, tu khổ hạnh, là người được mau chứng quả Vô-thượng.
Đời sau, ai đọc giữ Kinh này là Phật-tử chân-chính, là bậc thuần thiện.
Sau khi Phật diệt độ, ai hiểu được Kinh này là mắt sáng suốt của trời người trong thế-gian.
Trong cảnh đầy sợ hãi, ai nói được Kinh này trong chốc lát, là người dâng cho thiên, nhân cúng dường.
Huyền nghĩa
Tháp mà bằng bảy báu, cao đến 12 cây số ngàn, rộng đến 6 cây số, lại từ dưới đất mọc lên rồi lơ lửng giữa không trung, thì quả là một sự kiện không thể có được. Không có được, vậy là một tỷ dụ (une parabole).
Tháp xây dựng là để tôn thờ một di tích của tự thân đức Phật, thay cho toàn thân đức Phật. Và toàn thân đức Phật được tôn thờ là vì trong ấy có Pháp. Nói một cách khác, Phật được tôn thờ là vì Pháp của Ngài khai thị.
Pháp ở đâu? Ở ngay trong tâm. Do đây Kinh nói Tháp từ dưới đất mọc lên. Đất là Tâm địa([4]). Phật Đa-Bảo ngồi trong Tháp tượng trưng cho Pháp, vì Pháp là Tâm, mà Tâm là Pháp. Lại nữa vì tâm hàm chứa hằng-sa công-đức là của báu, cho nên gọi Tâm là Đa-Bảo (nhiều của quí).
Pháp là cái gì có thật, nhưng vô-hình vô-tướng cho nên dụ nói “lơ-lửng trong hư-không”, khó tìm khó thấy.
Nói tóm, tháp báu nói ở đây thí-dụ cho Pháp ở trong Tâm của mọi người.
Tháp nổi lên là đã phát huệ thấy Pháp; có thấy Pháp rồi cho nên khi nghe Kinh Pháp-Hoa là Chân-lý tối diệu, phải khen (từ trong tháp có tiếng vang ra khen Kinh Pháp-Hoa).
Lời bạch của Bồ-tát Đại-Nhạo-Thuyết tượng trưng cho câu hỏi của thế gian: Làm sao thấy Pháp được? (Kinh nói: Chúng con muốn thấy thân của Phật Đa-Bảo).
Đức Thích-Ca đáp: Muốn thấy Pháp phải gom góp đầy đủ công đức (nhóm họp tất cả “phân-thân Phật”, vì Phật là tất cả công đức và tất cả công đức họp lại gọi là Pháp-thân Phật. Vậy thì mọi công-đức là một phần của Pháp-thân (phân-thân).
Những phân-thân ấy “hiện đang thuyết pháp ở cõi nước trong mười phương” là gì? Mỗi nước là một tâm chúng-sanh, trong vũ-trụ là mười phương. Tâm chúng-sanh như tâm Phật, chứa đầy đủ tất cả các công đức (từ, bi, hỷ, xả…) nhưng là trong tình trạng hột giống, chưa nẩy nở hoàn-toàn như ở tâm Phật. Tuy chưa nẩy nở hết, ít ra một trong những hằng-sa công-đức ấy đã manh nha, ở người nầy là giống từ, ở người kia là giống bi, ở kẻ nọ là giống hỷ..vv… Có manh nha là có phát lộ ra ngoài, trong lời nói, trong việc làm. Một lời nói từ, một việc làm từ là một bài diễn văn, một bài thuyết-pháp về chữ Từ. Đây là nghĩa của câu “các phân-thân đang thuyết-pháp”.
Nhưng muốn gom góp đầy đủ các công-đức (phân-thân) phải có huệ (Phật phóng quang ở giữa đôi lông mày).
Mà có huệ là có thanh-tịnh, vì vậy Kinh nói “Ta-bà biến thành thanh-tịnh”. Nhưng không phải cái thanh-tịnh trong tâm, mà phải là một thanh-tịnh bao trùm cả thân (biến thêm 200 muôn ức na-do-tha nước) và hoàn-toàn không còn một mảy may vụ lợi cầu phúc báu (dời trời, người đi nơi khác, với ý nói đánh bạt tất cả những tư-tưởng mong lên trời hưởng phước hay tái sanh làm người giàu có sang trọng, vì còn những tư-tưởng đó là chưa thanh-tịnh hoàn-toàn). Ở Kinh khác, có câu: “Không cầu phước-báu làm Người, làm trời” là nghĩa này.
Các điều kiện trên thực hiện xong, nên tự hỏi phải quả tâm mình đã được an vui chăng (paix, sérénité). Đây là chỗ Kinh nói các phân-thân Phật sai thị-giả bạch Phật: “Như-Lai có được ít bịnh, ít khổ, sức khoẻ an vui”.
Có ít bịnh, ít khổ…. mới mở cửa tháp được, nghĩa là mới bắt đầu thấy Pháp.
Thấy được Pháp như chứng kiến cảnh trời long đất lở. Bao nhiêu hiểu sai, nghĩ quấy, bao nhiêu thành-kiến, tập-quán đều đổ vỡ rầm rầm như tiếng vang rền của cửa thành lớn được mở.
Pháp bất sanh nên bất diệt, vì vậy Kinh nói toàn thân Phật Đa-Bảo, tuy tịch diệt trong quá-khứ vô cùng, vẫn còn nguyên vẹn, không tan không rã. Bất sanh bất diệt là ý nói suốt ba thời, quá-khứ, hiện-tại, vị-lai, những định-luật trong trời đất (Chân-lý) vẫn y như vậy không hề có sự mất còn, dời đổi.
Đức Phật Thích-Ca tu hành đã đạt đến chỗ thể-nhập với Pháp, nhập làm một với Pháp, làm hiện thân cho Pháp, cho nên Kinh nói Ngài được mời vào ngồi trong tháp, trên nửa phần tòa Sư-tử do Phật Đa-Bảo nhường.
Thấy Đức Thích-Ca đạt đến sự thành-tựu cao quý ấy, ai không muốn. Để tượng trưng ý này, Kinh nói đại-chúng xin được lên hư-không để gần hai Phật đang ngự trên cao. Lại cũng có nghĩa, Pháp ở chỗ cao siêu vi diệu, muốn thấy Pháp, phải đạt đến cái “Không” (ngã không, pháp không), nghĩa là hoàn-toàn giải-thoát, đừng còn kẹt trong vòng thấy có ta, có vật, tức là sắc tướng.
Tâm “không”, mới hiểu được Kinh Pháp-Hoa bằng còn chấp tướng thì đừng mong. Do đây đức Thích-Ca nói lớn cho khắp mười phương đều nghe: “Nay chính là lúc nói Kinh Pháp-Hoa cho những ai, ở Ta-bà, có khả năng nói Kinh ấy”.
Lúc bấy giờ, Phật bảo các vị Bồ-tát và bốn chúng: “Trong quá khứ vô lượng kiếp, ta đã cầu Kinh Pháp-Hoa không lười mỏi. Trong nhiều kiếp, ta thường làm vua, phát nguyện cầu đạo Bồ-đề, lòng không thối chuyển. Vì muốn đầy đủ 6 pháp ba-la-mật, ta siêng làm việc bố-thí, lòng không mến tiếc một vật gì, dầu đó là tiền bạc, của báu, đất đai, vợ con, tôi tớ hay thân thể của ta.
“Vì lòng mến Pháp đó, ta nhường ngôi cho thái-tử và truyền rao trong dân chúng, ai nói được pháp Đại-thừa cho ta nghe, ta sẽ trọn đời hiến thân làm tôi đòi hầu hạ”.
“Một vị tiên nhận tuyên nói Kinh Diệu-Pháp nếu nhà vua không trái ý ông. Vua chịu và theo hầu hạ vị tiên, làm đủ mọi việc, trải qua một ngàn năm, hết lòng siêng năng vì trọng pháp”.
Phật nói thêm: “Nhà vua thuở ấy là ta, còn vị tiên là Đề-Bà-Đạt-Đa đây. Ta nay thành bậc Đẳng Chánh-giác là nhờ vị thiện-tri-thức đó. Trong vô lượng kiếp về sau, Đề-Bà-Đạt-Đa sẽ thành Phật, hiệu là Thiên-Vương nước của Phật là Thiên-Đạo.
Phật Thiên-Vương trú ở đời 20 trung-kiếp, hằng-sa chúng-sanh nhờ pháp mầu của Phật mà đặng quả A-la-hán, hoặc phát tâm Duyên-giác, Vô-thượng đạo, đặng vô-sanh-nhẫn đến bậc bất thối chuyển.
Sau khi Phật Thiên-Vương nhập Niết-bàn, Chánh-pháp trụ 20 trung-kiếp. Nhờ cúng dường tháp bảy báu đựng toàn thân xá-lợi của Phật Thiên-Vương mà chúng-sanh đặng quả A-la-hán, ngộ Bích-chi-Phật, phát tâm Bồ-đề.
Phật Thích-Ca bảo các Tỳ-kheo: “Trong đời vị-lai, thiện-nam, thiện-nữ nào nghe phẩm Đề-Bà-Đạt-Đa mà sanh lòng trong sạch kính tin, không nghi ngờ, thời những thiện-nam, thiện-nữ ấy không đọa vào ba đường ác, được sanh sang các nước Phật và nơi người đó sanh, thường được nghe Kinh Diệu-Pháp. Nếu sanh vào cõi Nhân Thiên, thời hưởng sự vui sướng tột cùng; nếu sanh trước mặt Phật, thời từ hoa sen hoá sanh.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát Trí-Tích([5]) thị-giả của Phật Đa-Bảo bạch xin phép Phật Đa-Bảo trở về nước. Đức Phật Thích-Ca mới bảo Bồ-tát Trí-Tích: “Thiện nam-tử, hãy chờ giây lát. Ở đây có Bồ-tát Văn-Thù, ông và Văn-Thù có thể cùng nhau ra mắt mà luận nói pháp mầu, xong rồi sẽ về”.
Ngay khi ấy, Bồ-tát Văn-Thù và các Bồ-tát tùy tùng ngồi trên hoa sen lớn, từ nơi cung Rồng Ta-Kiết-La trong biển lớn, tự nhiên vọt lên không trụ trong hư-không, đến núi Linh-Thứu, từ hoa sen bước xuống, làm lễ đức Phật Đa-Bảo và Thích-Ca, kế hỏi thăm Bồ-tát Trí-Tích, rồi ngồi qua một bên.
Bồ-tát Trí-Tích hỏi Bồ-tát Văn-Thù: “ Ngài qua cung Rồng hoá độ được bao nhiêu chúng-sanh?” Văn-Thù đáp: “Vô-lượng. Nếu Ngài không tin, sẽ tự chứng biết”.
Văn-Thù nói chưa dứt lời, vô số Bồ-tát ngồi hoa sen, từ biển vọt lên đến núi Linh-Thứu, trụ trong hư-không. Tất cả đều do Bồ-tát Văn-Thù hoá độ.
Bồ-tát Trí-Tích thấy vậy, nói một bài kệ khen:
Đức của Đại-Trí thật là mạnh-mẽ
Hoá-độ được vô lượng chúng-sanh,
Nay trong đại-hội này,
Tôi đã nhận thấy rõ:
Đại-Trí nói nghĩa “Thực-Tướng”
Mở bày pháp “Nhất-Thừa”
Rộng độ các chúng-sanh
Khiến mau thành “Bồ-đề”.
Văn-Thù nói: “Ở biển, ta chỉ thường tuyên thuyết Kinh Diệu-Pháp”. Trí-Tích hỏi: “Kinh này rất thâm diệu. Vậy có chúng-sanh nào siêng tu theo kinh này mà mau thành Phật không? Văn-Thù đáp: “Có con gái của Long-Vương. mới lên 8 tuổi mà đầy đủ trí đức, trong khoảnh-khắc phát Bồ-đề-tâm là được bậc bất thối-chuyển, biện tài vô ngại, từ-bi rộng lớn, công-đức đầy đủ, có khả năng đến Bồ-đề”.
Trí-Tích không tin: “Chính đức Phật Thích-Ca còn phải trải qua vô lượng kiếp chứa nhiều công đức, làm những hạnh khó mới thành đạo Bồ-đề, làm sao tin được câu chuyện Long-nữ trong chốc lát mà chứng thành Chánh-giác?”.
Nói luận chưa xong, Long-nữ bỗng hiện ra, làm lễ Phật, rồi đứng qua một bên, nói một bài kệ mà đại ý là xưng tán Pháp-thân và cho biết nàng đã nghe được tiếng của Pháp nên đã thành Bồ-đề. Nhưng việc này chỉ Phật chứng biết mà thôi.
Bấy giờ Xá-Lợi-Phất nói với Long-nữ: “Thân gái nhơ uế, có 5 điều chướng-ngại([6]), lại đường Phật xa vời, phải trải qua vô lượng kiếp cần khổ mới đi cùng, mà ngươi nói tu không bao lâu là chứng được vô-thượng Chánh-giác. Làm sao tin được?”.
Long-nữ bèn lấy một hạt châu hiến dâng đức Thích-Ca. Phật nhận.
Long-nữ hỏi Trí-Tích: “Tôi hiến châu, Thế-Tôn nhận lấy, việc ấy có mau chăng?”.
Mau, Trí-Tích đáp.
Ông hãy lấy sức-thần của ông xem đây, tôi thành Phật còn mau hơn việc đó.
Chúng hội liền thấy Long-nữ thoạt nhiên biến thành nam-tử, đủ hạnh Bồ-tát, qua cõi Vô-cấu phương nam ngồi hoa sen báu, thành bậc Đẳng-Chánh-giác..
Bồ-tát Trí-Tích và Văn-Thù làm thinh.
Huyền nghĩa
Đứng về mặt mạch kinh mà bàn, đáng lẽ phẩm “Đề-Bà-Đạt-Đa” này nằm chung trong phẩm “Hiện Bảo-Tháp” mới phải, vì câu chuyện Phật Đa-Bảo chưa dứt.
Ai có đọc lịch-sử đức Phật Thích-Ca, đều biết Đề-Bà-Đạt-Đa là một người ganh tị và ác độc, mấy phen mong làm hại Phật mà không được. Thế mà xưa kia là thiện-tri-thức (bạn lành) của Phật và trong vị lai lại sẽ thành Phật hiệu là Thiên-Vương, nước hiệu là Thiện-Đạo.
Ai ở đời mà không có kẻ thù? Nhưng đừng xem đó là kẻ thù mà là bạn lành, vì có kẻ chọc cho chúng ta nóng giận, chúng ta mới có dịp học đức nhẫn-nhục. Do đây Phật đưa ra câu chuyện vị tiên, nói Kinh Diệu-Pháp trong thời quá-khứ và vị tiên ấy là Đề-Bà-Đạt-Đa.
Lại nữa, không ai ác hoài, ác riết rồi cũng có lúc thành thiện. Bởi cớ Kinh nói Đề-Bà-Đạt-Đa sẽ thành Phật lấy hiệu là Thiện-Vương, mà Vua cõi Trời lẽ cố nhiên phải là người thiện tột bậc. Nước của Phật có tên là Thiện-Đạo. Ý Kinh muốn nói tâm của ngưới ác (nước) đã hướng theo con đường thiện.
Người ác trở thành thiện là một gương thức tỉnh cho biết bao chúng-sanh khác. Vì ý này nên Kinh nói Phật Thiên-Vương, trong lúc hiện tiền cũng như sau khi nhập Niết-bàn, độ rất nhiều người.
Thí-dụ trên hơi khó hiểu, khó tin, cho nên Phật dạy: “Trong vị lai, ai nghe phẩm này mà tin chắc, không nghi ngờ, thời không đoạ vào ba đường ác và được sanh sang các nước Phật”. Ví sao? Nghe phẩm này mà tin, là tin con người có thể cải ác tùng thiện, là tin tự mình có khả-năng hoán cải đời mình. Có tin là có làm, có làm cho nên hết ác (ra khỏi ba đường ác). Hết ác thời phải thành thiện, thành trong sạch (sanh về các nước Phật). Lại còn nghe được Kinh Diệu-Pháp, là còn có cơ nghe nói đến Chân-lý.
* *
Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu câu chuyện giữa hai Bồ-tát Trí-Tích và Văn-Thù.
Đã nói Bồ-tát là tượng-trưng cho một đức-tánh, cho một cái gì vô hình vô tướng.
Trí-Tích là “cái trí được súc-tích”, tức là cái trí phàm-phu do những bài học kinh-nghiệm tích-trữ mà thành. Như trí của nhà toán-học là do sự tích-trữ nào những bài học, nào những kinh-nghiệm của mình mà thành. Có thể xem cái trí này là cái mà người Pháp gọi là “Intellect”.
Văn-Thù cũng là trí, nhưng là Đại-Trí (Intelligence, Sagesse).
Nghe chuyện người dữ hoá hiền, hiền đến thành Phật, trí phàm phu làm sao hiểu và tin được? Không hiểu, không tin, tức không để ý, và không để ý nên phải bỏ. Do đây Kinh nói Bồ-tát Trí-Tích bạch với Phật Đa-Bảo nên đi về.
Phật Thích-Ca mời ở lại luận nói pháp mầu với Văn-Thù, là ý nói: Phàm trí không hiểu được đâu, phải Đại-Trí, Thánh-Trí như Văn-Thù mới giải được. Cũng như chúng ta, khi nghe câu chuyện Đề-Bà, thì trí phàm nông cạn của chúng ta làm sao tin được, nhưng khi chúng ta vận-dụng cái trí thanh-tịnh (Huệ), như khi ngồi thiền quán sát chẳng hạn, thời chúng ta sẽ thấy Hiền Thánh từ đâu mà ra, há chẳng phải trong biển khổ của chúng-sanh. Đây là chỗ Kinh nói Bồ-tát ngồi hoa sen, từ dưới biển vọt lên vô số.
Ở trong biển sanh-tử khổ não là vì vô-minh, mà vô-minh là chưa dùng được cái sức mạnh hoá độ, hoán cải của Đại-Trí hay Trí-Huệ. Có được sự sáng suốt rồi là hiểu được cái Chân, cái Thật (Đại-Trí nói nghĩa “Thực-tướng”).
Trí-phàm hay Trí-Tích lại hỏi nữa, vì còn nghi ngờ: Nghe hiểu được Chân-lý (tức là Kinh Diệu-Pháp) có thể làm cho con người mau thành Phật (tức là được sự giác-ngộ vô thượng) không?
Đại-Trí đáp: “Được, và cái được ấy chẳng dành riêng cho một ai cả. Bất luận già, trẻ, bé, lớn, nam, nữ, miễn có đầy đủ trí đức, tu hành “đừng thối chuyển”, từ-bi rộng lớn, biện tài thông suốt, công đức đủ đầy là năng đạt đến Bồ-đề, thí như câu chuyện Long-nữ.
Việc làm trong cõi hữu hình, như dưng ngọc cho Phật, Phật đưa tay nhận lấy, dầu mau thế mấy, vẫn phải mất một ít thời giờ. Đến như việc tỉnh ngộ (thành Phật) là việc của cảnh vô-hình nội tâm thì mau hơn cái nháy mắt.
Nhưng ai biết mình tỉnh ngộ. Chỉ có tâm mình biết mà thôi. Đây là nghĩa của câu: Chỉ có Phật chứng biết mà thôi.
Chúng ta thường nghe nói: Tu nhất kiếp, ngộ nhất thời, câu này có thể là nghĩa của câu chuyện trên.
Phải trải qua muôn ngàn ức kiếp cần khổ như đức Phật Thích-Ca mới thành Chánh-giác. Điều ấy chắc chắn như vậy, vì Long-nữ ắt cũng phải trải qua con đường ấy mới đầy đủ những điều-kiện đã kể. Nhưng khi nhân duyên đã đầy đủ, thì một đêm cũng đủ cho trái tượng hình.
Tu thì lâu như đi từ đây xuống Mỹ-tho phải mất đôi giờ, nhưng đến châu-thành Mỹ-tho là việc trong nháy mắt.
Lại nữa ai cũng có Phật-tánh, tức là có cái vốn Phật như nhau, thì đâu phải vì nữ mà không tỉnh ngộ được? Tuy nhiên, nữ mà muốn tỉnh ngộ thành Phật, ngoài công phu tu hành, phải rèn cho chí mềm yếu của mình trở thành chí cương-quyết của nam-nhi (biến thành nam-tử), phải thực hành đầy đủ 6 pháp ba-la-mật và phải giữ lòng trong sạch (qua cõi Vô-cấu mà ngồi).
Còn khích-lệ nào hơn cho người tu hành?!
Số phận hẩm hiu của con người không phải chẳng có lối thoát. Tuỳ ta mà tương-lai sẽ được huy-hoàng..!
Lúc bấy giờ, Bồ-tát Dược-Vương và Bồ-tát Đại-Nhạo-Thuyết, cùng hai muôn Bồ-tát quyến thuộc, đều ở trước Phật nói lên lời thề rằng: “Cúi xin Thế-Tôn chớ lo, sau khi Phật diệt độ, chúng tôi sẽ tuân giữ, đọc tụng, nói kinh điển này. Chúng-sanh trong đời ác về sau, căn lành ít chuyển, kiêu hãnh thêm nhiều, tham lợi tham danh([7]), thêm căn bất thiện, xa lìa giải thoát. Tuy khó bề giáo hoá như thế, chúng tôi sẽ dùng sức nhẫn nhục lớn, đọc tụng, giữ nói, biên chép, hy-sanh mọi cách, thậm chí không tiếc thân mạng (để giáo hoá họ)”.
Khi ấy, trong chúng, 500 A-la-hán đã được thọ ký, bạch Phật rằng: Thế-Tôn, chúng tôi cũng tự thệ nguyện rộng nói kinh này ở những nước khác. Lại có tám ngàn vị hữu-học, vô-học cũng đã được thọ ký rồi, lập lời thề trước Phật: “Chúng con cũng thệ sẽ ở nơi nước khác rộng nói kinh này. Tại sao thế? Vì ở nước Ta-bà, đa số dân- chúng hay che dấu điều ác, ôm ấp tánh kiêu-căng, công-đức cạn mỏng, giận hờn, siểm khúc, ấy vì tâm không thật vậy”.
Kế đó, bà Dì của Phật là Tỳ-khưu-ni Ma-Ha-Ba-Xa-Ba-Đề cùng với 6 ngàn Tỳ-khưu-ni của hai hạng học và vô-học, đồng đứng dậy, chắp tay chiêm ngưỡng tôn nhan Phật, mắt không tạm rời, Thế-Tôn mới hỏi Kiều-Đàm-Di (tức bà Dì): “Vì cớ nào mà ngó Như-Lai với vẻ lo âu như vậy? Phải chăng vì ta không kêu tên thọ ký cho chúng ngươi? Này Kiều-Đàm-Di, ta trước thọ ký tổngquát cho tất cả Thanh-văn, nay ngươi đã muốn thì ta nói trước cho biết, đời sau ngươi sẽ làm Đại Pháp-sư của 6 vạn tám ngàn Phật-pháp, còn 6 ngàn Tỳ-khưu-ni trong hàng học và vô-học, cũng sẽ làm Pháp-sư. Lần hồi, ngươi sẽ đầy đủ đạo Bồ-tát và sẽ được thành Phật, hiệu Nhất-Thế-Chúng-Sanh-Hỷ-Kiến Như-Lai. Này Kiều-Đàm-Di, Phật Hỷ-Kiến và 6 ngàn Bồ-tát sẽ tuần tự thọ ký được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.
Bấy giờ, mẹ của La-Hầu-La là Tỳ-khưu-ni Da-Du-Đà-La thầm nghĩ: “Thế-Tôn thọ ký cho mọi người, sao riêng mình chẳng nói tới tên?”. Phật kêu Da-Du-Đà-La nói: “Đời sau, trong trăm ngàn vạn ức pháp môn của Phật, người sẽ tu hạnh Bồ-tát, làm Đại Pháp-sư, lần hồi đầy đủ Phật-đạo, rồi ở nơi nước Thiện, sẽ thành Phật hiệu Cụ-Túc-Thiên-Vạn-Quang-Tướng Như-Lai”.
Kiều-Đàm-Di, Da-Du-Đà-La và tất cả Tỳ-kheo-ni đều vui mừng hớn hở, cho là được của quý chưa từng có.
Sau khi đọc bài kệ, các Tỳ-kheo-ni bạch Phật: “Thế-Tôn, chúng tôi có thể rộng nói kinh này ở các nước phương khác không?”
Phật bèn ngó tám mươi muôn ức na-do-tha Bồ-tát. Các Bồ-tát này, toàn là bậc “bất thối-chuyển” và đã được các “đà-la-ni”, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật, chấp tay nghĩ nói trong lòng rằng: “Nếu Thế-Tôn dạy, chúng con sẽ như lời Phật dạy mà rộng nói kinh này”. Rồi lại nghĩ: Phật nay làm thinh không dạy, bây giờ chúng ta sẽ nói gì đây?. Khi ấy, vừa để thuận theo ý Phật, vừa để thoả mãn sở nguyện, của mình, các Bồ-tát bèn thề lớn trước Phật: “Thế-Tôn, sau khi Như-Lai diệt độ, chúng con sẽ đi khắp mười phương thế giới, khiến chúng-sanh biên chép kinh này, lãnh giữ, đọc tụng, giải nói ý nghĩa, theo pháp tu hành, sửa điều nghĩ nhớ cho chân chánh, được như thế là toàn nhờ uy-lực của Phật. Cúi xin Thế-Tôn, ở phương khác, xa thấy mà giữ-gìn cho!”.
Liền đó, các Bồ-tát đồng phát thanh nói bài kệ:
Cúi mong Phật chớ lo
Sau khi Phật diệt độ,
Trong đời ác, khiếp sợ
Chúng con sẽ rộng nói(kinh này)
Dầu có người không trí
Dùng lời ác mắng rủa…
Cùng gậy dao đập chém,
Chúng con đều sẽ nhẫn,
Dầu Ty-khưu đời ác,
Trí tà, tâm vạy méo
Chưa chứng, xưng đã chứng,
Kiêu căng đầy trong lòng
Hoặc có hạng “A-nhã”([8])
Y, nạp([9]) xem ra phết.
Tự cho hành chân đạo
Xem nhẹ người thế-gian;
Vì lòng tham lợi dưỡng
Thuyết pháp cho bạch-y([10])
Với ý được cung kính
Như lục thông La-Hán([11])
Lòng hạng ấy chứa ác
Thường nghĩ việc thế tục
Giả danh A-luyện-nhã
Bởi sai lầm chúng con
Mà nói những lời này:
Các Thầy Tỳ-khưu ấy.
Ví lòng tham lợi dưỡng,
Luận giải theo ngoại đạo
Tự tạo kinh điển này,
Láo dối người thế gian.
Hoặc vì cầu danh tiếng
Mà phân biệt kinh này,
Hoặc thường trong đại chúng,
Muốn nói xấu chúng con;
Hướng nhà vua, quan lớn
Bà-la-môn, nhà giàu([12]) ,
Cùng các Tỳ-khưu khác
Mà phỉ báng chúng con:
Bảo chúng con tà kiến
Luận giải theo ngoại đạo,
Vì lòng kính tin Phật,
Chúng con đều sẽ nhẫn,
Trong đời ác kiếp trược,
Có nhiều sự sợ hãi,
Các quỷ nhập thân người
Mắng rủa nhục chúng con,
Chúng con kính tin Phật,
Sẽ mang giáp nhẫn nhục.
Để giảng nói kinh này,
Chúng con sẽ nhẫn mọi khó.
Thân mạng, không hề tiếc
Chỉ tiếc Vô-thượng đạo.
Chúng con trong đời sau,
Sẽ giữ gìn lời Phật.
Thế-Tôn sẽ tự biết:
Tỳ-khưu đời ác trược
Không biết Phật phương tiện
Tùy nghi mà thuyết pháp,
Châu mày dùng miệng ác,
Lúc lúc đuổi chúng con
Xa lìa nơi chùa tháp.
Các việc ác như thế,
Nhớ lời Phật dạy bảo,
Chúng con sẽ nhẫn hết.
Nơi thành ấp, tụ lạc([13])
Nếu có người cầu pháp
Chúng con đều đến nơi
Nói Pháp của Phật truyền.
Chúng con là sức Phật,
Ở trong chúng không sợ.
Huyền nghĩa
Từ trước tới đây, Đức Phật đã giải bày cho chúng ta thấy thế nào là “Thực-Tướng”, là “Chân-lý), là khả năng giác-ngộ của con người.
Nhưng thấy hiểu chưa đủ, cần phải cố-gắng (l'effort) nắm giữ (trì). Cố gắng nắm giữ không phải trong lòng mà phải biểu hiện ra ngoài (phụng trì, đọc tụng, thơ tả, giảng thuyết), nghĩa là phải diễn đạt bằng lời nói và việc làm lợi mình, lợi người.
Lợi mình ở chỗ tự nhắc nhở, tự cố tiến. Lợi người ở chỗ treo gương thức tỉnh cho mọi người cùng theo.
Ai làm được sự cố-gắng này? Các bậc Đại Bồ-tát (những người quên mình vì người khác), các bậc La-hán (đã diệt dục), các hàng Thanh-văn học và vô-học (đã nghe hiểu và thức tỉnh). Thậm chí hàng phụ-nữ tu hành (Tỳ-khưu-ni) cũng làm được, vì nữ-nhân cũng đầy đủ khả năng giác-ngộ như nam-nhi (chuyện Long-nữ thành Phật hay việc thọ-ký cho các bà Kiều-Đàm-Di, Da-Du-Đà-La…)
Nhưng đừng tưởng dễ đem Chân-lý mà nói cho người khác nghe, dễ sống đời sống gương mẫu thức tỉnh (giảng thuyết Diệu-Pháp). Ví càng xa Phật (sau khi Phật diệt-độ), lòng người càng bị tham, sân, si, kiêu mạn làm mờ tối. Huống chi còn những hạng giả danh tu hành, tự xem như thánh-nhân. Mê hoặc lòng người bằng những kinh điển sai lầm và phỉ báng hàng tu-sĩ chân chánh. Vì vậy, muốn nắm giữ được lời Phật dạy, Chân-lý của Phật trao truyền và làm sáng tỏ Chân-lý ấy, phải mặc giáp nhẫn nhục, nghĩa là phải hết sức chịu đựng trước sức tấn công của ma lực. Nếu phải hy-sinh thân mạng (corps et vie) cũng đừng tiếc.
[1] Ô.Burnouf dịch:cinquante quatre fois cent mille myriades de kôtis de kalpas.
[2] Học là nghiên cứu chân lý, đã dứt mê vọng. Còn Vô-học là chỉ hạng đã nghiên cứu xong Chân lý và mê vọng đã dứt tận, không còn gì phải học thêm nữa. Trong 4 hạng tu hành có kết quả trong bậc Thanh-văn, 3 hạng đầu (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm) gọi là hạng Học. Còn hạng thứ tư là A-la-hán thì gọi là Vô-học).
[3] 1 do tuần là 40 lý, mỗi lý là 600 thước. Vậy 1 do tuần là 600 x 40 = 24.000 thước hay 24 cây số ngàn. Cao 500 do tuần là cao 12.000 cay số. Rộng 250 do tuần là rộng 6.000 cây số.
Tháp ấy uqá sự tưởng tượng của chúng ta và nhất định là một thí dụ (parabole) để chỉ cái gì chứ không phải sự thật là vậy.
[4] Trong Kinh Tâm Địa Quán, quyển 8 có câu: Tam giới chi trung, dĩ tâm vi chủ. Năng quán tâm giả cứu cánh giải thoát. Bất năng quán giả, cứu cánh trầm luân. Chúng sanh chi tâm, do như đại địa, ngũ cốc, ngũ quả, tùng đại địa sanh, như thị tâm-pháp sanh thế, xuất thế, thiện ác ngũ thú. Hữu học, Vô học, Độc giác, Bồ tát, cập ư Như-Lai. Dĩ thử nhân duyên, tam giới duy tâm, tâm danh vi địa:”. Dịch: Trong ba cõi (dục, sắc, vô sắc), tâm là chủ. Người quán sát được tâm, cuối cùng được giải thoát. người không quán sát được tâm, cuối cùng chìm đắm vào biển khổ. Tâm chúng sanh giống như mặt đất, năm thứ lúa, năm thứ trái, đều từ đất mà sanh cũng như vậy, tất cả những lo nghĩ (tâm pháp) của chúng sanh còn kẹt trong thế sự hay đã vượt ra ngoài thế sự , hoặc lành hoặc dữ, những ý nghĩa hướng về năm nẻo của lục đạo, những ý niệm của hạng Học, Vô học (A-la-hán), của hạng Độc giác, Bồ tát 92 cho đến bậc Như-Lai, đều do tâm mà sanh. Bởi cớ ba cõi chỉ do tâm và tâm được gọi là đất.
[5] Trí Tích chữ Phạn là: Pradjnâkûta _- Pradjnâ là trí, kûta là tích trữ. Vậy đây ý kinh muốn chỉ cái trí súc-tích của người chớ không phải cái dại-trí sẳn có. sẽ giải rõ trong phần Huyền nghĩa.
[6] Chẳng đặng Phạm-Thiên, Đế-Thích, Ma-Vương, Chuyển-Luân-Thánh-Vương và Phật.
[7] Dịch theo bản của E.Burnouf “occu peés de gain et d’honneurs”
[8] A-nhã. Trọn chữ là A-luyện-nhã hay A-lan-nhã: Chỉ các am tự, nơi các cị Tỳ-khưu ở.
[9] Nạp: Áo mặc của các vị Tỳ-khưu, may bằng những miếng vải vụng của người chê bỏ.
[10] Bạch-y: Áo trắng, chỉ hàng Phật-tử tại gia. Hai tiếng cư-sĩ dùng để chỉ hàng tại gia được dùng không đúng lắm.
[11] Lục thông: 1) Thiên nhãn, 2) Thiên nhĩ, 3)Tha tâm, 4)Túc mạng, 5) Thần túc, 6)Lậu tận (6 pouvoirs spirituels)
[12] Nhà giàu: Nguyên văn chữ Hán là cư -sĩ . Ông E.Burnouf dịch là “chef de famille”; gia trưởng, tức chỉ hạng có gia nghiệp, chớ không có nghĩa Phật tử tại gia như chúng ta dùng bây giờ.
[13] Hay bộ lạc (Tribu).
Mục Lục
Nguồn: www.quangduc.com