KINH ÐỊA TẠNG
HT. Thích Trí Quang dịch giải
---o0o---
Phẩm
3:
Quán Sát Nghiệp Quả Chúng Sinh
Bấy giờ thân mẫu của đức Thế
tôn là hoàng hậu Ma da, chắp tay một cách cung kính mà hỏi
đức Địa tạng, bạch đại sĩ, người Diêm phù gây nghiệp
dữ và chịu quả khổ như thế nào? Địa tạng đại sĩ nói,
kính thưa Phật mẫu, ngàn vạn thế giới hệ nơi có địa
ngục nơi không, nơi có nữ nhân nơi không, nơi có Phật pháp
nơi không, Thanh văn Duyên giác cũng vậy, nơi có nơi không,
không phải chỉ có mỗi một việc nghiệp quả địa ngục.
Ma da hoàng hậu lại thưa, bạch đại sĩ, nhưng tôi xin nghe
trước về nghiệp dữ, và đường dữ do nghiệp dữ ấy cảm
ra, của người Diêm phù. Địa tạng đại sĩ nói, kính thưa
Phật mẫu, xin ngài nghe và tiếp nhận, tôi sẽ nói đại lược
về điều ấy. Phật mẫu thưa, xin đại sĩ nói cho.
Địa tạng đại sĩ nói, kính thưa
Phật mẫu, tại châu Diêm phù phía nam này, nghiệp dữ gây
quả khổ có những danh xưng như thế này. Kẻ nào bất hiếu
đến nỗi sát hại cha mẹ thì sa vào vô gián ngục, một kiếp
ngàn vạn ức năm cầu thoát mà khó mong thoát khỏi. Kẻ nào
làm chảy máu thân Phật, phỉ báng Tam bảo, khinh thường kinh
pháp, cũng sa vào vô gián ngục, một kiếp ngàn vạn ức năm
cầu thoát mà khó mong thoát khỏi. Kẻ nào xâm phạm của tăng
chúng thường trú, làm bẩn tăng ni, ngay trong chốn già lam
mà mặc ý làm sự không phải phạn hạnh hay sự sát hại
sinh mạng, thì sa vào vô gián ngục, một kiếp ngàn vạn ức
năm cầu thoát mà khó mong thoát khỏi. Kẻ nào giả làm sa
môn mà tâm hạnh không phải sa môn, lạm dụng của tăng chúng
thường trú, lừa đảo thế nhân, vi phạm giới luật, tạo
các nghiệp dữ, thì sa vào vô gián ngục, một kiếp ngàn vạn
ức năm cầu thoát mà khó mong thoát khỏi. Kẻ nào trộm cắp
tài vật, thóc gạo, đồ ăn, đồ uống và đồ mặc của
tăng chúng thường trú, cho đến một vật không cho mà lấy,
thì sa vào vô gián ngục, một kiếp ngàn vạn ức năm cầu
thoát mà khó mong thoát khỏi (31) . Địa tạng đại sĩ nói,
kính thưa Phật mẫu, những kẻ làm những nghiệp dữ trên
đây thì phải sa vào vô gián ngục, nơi có năm sự không xen
cách (32) , mong mỏi khổ sở tạm ngừng một lát cũng không
thể có được.
Ma da hoàng hậu lại hỏi, bạch
đại sĩ, vô gián ngục là gì? Địa tạng đại sĩ nói, kính
thưa Phật mẫu, địa ngục phần nhiều ở giữa dãy núi đại
thiết vi. Loại lớn thì có mười tám sở. Loại kế đó thì
có năm trăm, tên gọi khác nhau. Loại kế đó nữa thì có
trăm ngàn, tên gọi cũng khác. Vô gián ngục là, thành các
địa ngục chu vi hơn tám vạn dặm, làm toàn bằng sắt; thành
ấy cao một vạn dặm, trên thành lửa dồn lại, ít có chỗ
trống; trong thành, ngục sở liền nhau nhưng tên gọi khác
nhau, tựu trung có một ngục sở tên vô gián ngục. Ngục sở
ấy chu vi một vạn tám ngàn dặm. Tường ngục cao một ngàn
dặm, toàn làm bằng sắt; lửa trên suốt dưới, lửa dưới
thấu trên; rắn sắt và chó sắt phun lửa mà đuổi tội nhân,
lại bò và chạy qua lại trên tường ngục. Trong ngục có
cái giường rộng đầy vạn dặm; một người thọ hình tự
thấy thân mình nằm khắp mặt giường, mà ngàn vạn người
cùng lúc thọ hình thì ai cũng tự thấy thân mình nằm khắp
mặt giường. Do nghiệp dữ của những người ấy mà cảm
ra quả khổ như vậy.
Tội nhân vô gián ngục phải chịu
đủ thứ cực hình. Trăm ngàn dạ xoa và quỉ dữ nanh như
gươm, mắt như điện, móng như đồng, móc kéo tội nhân.
Dạ xoa khác, cầm kích sắt lớn mà đâm tội nhân, vào mình,
vào miệng, vào mũi, vào bụng, vào lưng, rồi dồi lên trên
không mà giơ kích đỡ lấy, hoặc xóc để trên giường. Chim
ưng bằng sắt ăn mắt tội nhân. Rắn sắt quấn cổ tội
nhân mà xiết. Cả trăm đốt và khớp của cơ thể đều bị
đóng đinh dài. Lưỡi bị lôi ra mà cày, ruột bị rút ra mà
chặt, miệng bị rót nước đồng sôi, mình bị quấn giây
sắt nóng. Chết đi sống lại cả ngàn vạn lần trong mỗi
một ngày đêm: nghiệp dữ cảm ra như vậy. Vậy mà phải
trải qua cái kiếp có cả ức năm, cầu thoát nhưng khó mong
thoát khỏi. Hễ thế giới hệ này hư rã thì chuyển qua thế
giới hệ khác, thế giới hệ khác hư rã thì chuyển qua thế
giới hệ khác nữa, thế giới hệ khác nữa hư rã thì chuyển
qua thế giới hệ khác khác nữa. Sau khi thế giới hệ này
kết thành thì lại bị chuyển về. Quả khổ vô gián ngục
là như vậy.
Vì năm sự sau đây, do nghiệp dữ
cảm ra, nên mệnh danh vô gián. Một là cực hình chịu suốt
ngày đêm cho đến hết số lượng một kiếp, không lúc nào
gián đoạn, nên mệnh danh vô gián. Hai là một tội nhân cũng
tự thấy mình đầy cả ngục, mà nhiều tội nhân thì ai cũng
tự thấy mình đầy cả ngục, nên mệnh danh vô gián. Ba là
hình cụ như chỉa ba, gậy, chim ưng, rắn, sói, chó, cối giã,
cối xay bằng đá, cưa, đục, đồ chặt, đồ phát, vạc nấu,
nước sôi, lưới sắt, giây sắt, lừa sắt, ngựa sắt, da
sống để quấn đầu, sắt sôi để dội thân, viên sắt nóng
để bắt nuốt khi van đói, nước sắt sôi để bắt uống
khi kêu khát, từ năm này qua năm khác, trọn hết số lượng
một kiếp vài trăm triệu năm, cực hình liên hợp mà lại
liên tục, không có gián đoạn, nên mệnh danh vô gián. Bốn
là bất kể nam nữ, mọi rợ văn minh (33) , già trẻ, sang hèn,
rồng thần, trời quỉ, hễ tạo nghiệp dữ thì cảm quả
khổ và đồng chịu như nhau, nên mệnh danh vô gián. Năm là
sa vào vô gián ngục thì từ khi mới vào cho đến hết số
lượng một kiếp, mỗi một ngày đêm chết đi sống lại
đến cả vạn lần, cầu lấy một lát tạm ngừng cũng không
thể có được, trừ phi nghiệp dữ hết rồi mới được
chết hẳn mà sinh làm loài khác: sống chết liền liền như
vậy nên mệnh danh vô gián.
Địa tạng đại sĩ nói, kính thưa
Phật mẫu, vô gián ngục nói đại lược là như vậy. Nếu
nói rõ ràng về tên hình cụ và sự khổ sở trong đó, thì
suốt một kiếp muốn nói cho hết vẫn không hết được.
Ma da hoàng hậu nghe rồi, buồn và lo, chắp tay đảnh lễ mà
lui về chỗ của mình.
[
Phẩm 2]
[Mục
Lục]
[Ghi
Chú]
[
Phẩm 4]
--- o0o ---
| Thư
Mục
Tác
Giả
|
--- o0o ---
Source
: www.buddhismtoday.com
-o0o-
Trình
bày: Nhị
Tường
Cập
nhật:
01-02-2002