Toát yếu Kinh Trung Bộ

 

Ni sư Thích Nữ Trí Hải  tóm tắt & chú giải

---o0o---

[13]

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 121

Tiểu không
(Culasunnata Sutta)

I. TOÁT YẾU

The Shorter Discourse on Voidness.

The Buddha instructs Ananda on the "genuine, undistorted, pure descent into voidness."

[Bản kinh ngắn về Không tính. Phật dạy A nan về sự chứng nhập Tánh Không thuần túy không bị cong quẹo]

II. TÓM TẮT

Phật xác nhận với tôn giả A nan rằng không những ngày xưa mà hiện tại, Ngài vẫn thường an trú trong Không tính [1], và giải thích ý nghĩa của sự trú Không như sau.

Như trong giảng đường không có voi ngựa, vàng bạc, đàn ông đàn bà… nhưng có một cái không phải không, đó là chúng tỷ kheo. Cũng vậy, tỷ kheo khi ở rừng không tác ý đến các tưởng về thôn xóm, về người, chỉ tác ý duy nhất đến tưởng rừng [2]. Khi ấy những phiền hà do thôn tưởng, nhân tưởng không có mặt, chỉ có sự phiền hà do duyên lâm tưởng [3]. Vị ấy nhận rõ là không, những gì không hiện hữu, và nhận cái gì hiện hữu là có hiện hữu. Ðây là sự thực hiện Tính không hoàn toàn chân thật, không cong quẹo. Lại nữa, tỷ kheo không tác ý đến cái tưởng Rừng, mà tác ý tưởng Ðất [4]. Tâm vị ấy thích thú, hân hoan, an trú, giải thoát trong địa tưởng, như một tấm da bò căng thẳng trên trăm cọc gỗ, không để ý đến chỗ lồi lõm hay cây cối núi sông ở trên đất. Vị ấy biết các ưu phiền do nhân tưởng, lâm tưởng không có mặt, chỉ còn một ưu phiền là sự nhất trí do duyên địa tưởng. Ðối với cái còn lại, vị ấy biết (do duyên sinh): Cái kia có, cái này có. Ðây là sự thực hiện Tính không hoàn toàn, chân thật, không cong quẹo. Kế tiếp, vị tỷ kheo không tác ý địa tưởng mà tác ý Không vô biên xứ tưởng [5].

Tâm vị ấy thích thú, hân hoan trong tưởng này, và biết ở đây chỉ có thuần một tưởng về Hư không vô biên, không có các ưu phiền do duyên lâm tưởng, địa tưởng. Cái gì không có mặt, vị ấy nhận là không có mặt, và cái còn lại thì biết do duyên sinh. Kế tiếp, vị ấy tác ý Thức vô biên xứ tưởng, thì các tưởng về rừng, đất, hư không không có mặt, chỉ có độc nhất một ưu phiền về tưởng Thức vô biên. Kế tiếp, tác ý Vô sở hữu xứ tưởng rồi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cũng như trên. Cuối cùng là tác ý Vô tướng tâm định [6].

Vị ấy biết các ưu phiền do duyên tưởng Vô sở hữu và Phi tưởng phi phi tưởng không có mặt, chỉ còn một ưu phiền là sáu nhập duyên mạng y cứ thân này là không phải không; và thấy nó cũng duyên sinh như trên. Và vị ấy thấy rõ cái gì do ý tạo ra, do duyên sinh thì phải vô thường, hoại diệt [7].

Nhờ vậy tâm giải thoát khỏi dục hữu vô minh lậu; tự biết tâm đã giải thoát, sinh tận, phạm hạnh thành, sau đời này không còn đời nào khác nữa. Ðây gọi là an trú tối thượng Không tính [8].

III. CHÚ GIẢI

1. Sunnatàvihàra, Không trú. Kinh sẽ làm rõ dần rằng đây ám chỉ quả chứng về Tánh không, quả A la hán do tập trung quán tưởng khía cạnh Không của Niết bàn.

2. MA: Vị ấy tác ý đến lâm tưởng do căn cứ vào một khu rừng, nghĩ: Ðây là một khu rừng, đây là một gốc cây, một hòn núi, một hang động.

3. MA và MT đều giải thích đoạn này như sau: Sự phiền hà của ưa và chán khởi lên do nhận thức về con người, không hiện hữu ở đây; song vẫn còn có phiền hà gây nên bởi sự sinh khởi các pháp thô do vì thiếu sự an tịnh cần thiết.

4. MA: Vị ấy từ bỏ tác ý về rừng và chuyên chú đến địa đại, vì người ta không thể đạt được gì, cận hành hay an chỉ, khi thiền quán về rừng. Nhưng đất thì có thể được dùng làm đề mục để quán kasina, trên căn bản này hành giả phát sinh thiền và tuệ để đắc quả A la hán.

5. Sau khi dùng tưởng về đất để đắc bốn thiền, vị ấy khai triển biến xứ đất rồi bỏ tướng kasina để đắc Không vô biên xứ. Xem TTĐ chương X.

6. Vô tướng tâm định, animitta cetosamàdhi. MA: Ðây là định của tâm có tuệ giác, được gọi vô tướng vì không có tướng thường vân vân.

7. Xem Trung 52. MA gọi đây là tuệ phản quan (pativipassanà) nghĩa là áp dụng các nguyên lý của tuệ vào chính chức năng của tâm làm nhiệm vụ tuệ quán.

8. Ở đây các từ vô thượng, tối cao (paramànuttarà) đã được thêm. MA nói đây là quả chứng Tánh không của A la hán.

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

    Phật dạy với A nan
    Ta thường trú Không tính
    Và giải thích ý nghĩa
    Của thứ lớp trú Không.
    Như ở trong giảng đường
    Không voi ngựa các thứ
    Nhưng có cái không không
    Ấy l
    à chúng tỷ kheo.
    Cũng thế khi ở rừng
    Chỉ có tưởng về rừng
    Không có tưởng gì khác
    Khi ấy chỉ có mặt
    Ưu phiền duyên lâm tưởng.
    Những gì không hiện hữu
    Biết rõ nó là không
    Cái gì có hiện hữu
    Nhận là do duyên tưởng.
    Ðấy là thực hiện Không
    Chân thật, không cong quẹo.
    Kế tiếp bỏ tưởng Rừng
    Ðể tác ý tưởng Ðất
    Tâm vị ấy thích thú,
    Hân hoan trong tưởng này,
    Biết rõ các ưu phiền
    Do duyên các tưởng khác
    Bây giờ không có mặt
    Chỉ còn lại ưu phiền
    Sinh ra do tưởng Ðất.
    Kế tiếp bỏ tướng Ðất
    Quán Hư không vô biên
    Tâm chỉ còn độc nhất
    Không vô bi
    ên xứ tưởng.
    Không có các ưu phiền
    Do duyên các tưởng khác.
    Cái gì không có mặt,
    Nhận là không có mặt,
    Cái gì còn có mặt
    Biết rõ do duyên sinh.
    Khi bỏ tưởng hư không
    Quán Thức vô biên xứ
    Tâm chỉ còn độc nhất
    Thức vô bi
    ên xứ tưởng.
    Bỏ tưởng Thức vô biên
    Quán Vô sở hữu xứ
    Tâm chỉ còn độc nhất
    Vô sở hữu xứ tưởng.
    Bỏ tưởng Vô sở hữu
    Quán Phi tưởng phi phi tưởng xứ
    Tâm chỉ c
    òn độc nhất
    Tưởng Phi tưởng phi phi.
    Không để ý tưởng n
    ày
    Nhập Vô tướng tâm định
    Vị tỷ kheo r
    õ biết
    Chỉ còn một ưu phiền
    Là sáu nhập duyên thân
    Tồn tại do sinh mạng
    Cái gì không có mặt,
    Nhận là không có mặt,
    Cái gì còn có mặt
    Biết rõ do duyên sinh.
    Ðấy là thực hiện Không
    Chân thật, không cong quẹo.
    Vị tỷ kheo thấy rõ
    Vô tướng tâm định này
    Cũng do duyên mà sinh
    Do ý hành tạo nên.
    Cái gì do duyên sinh
    Tất phải bị hoại diệt
    Nhờ thấy rõ như vậy
    Tâm vị ấy giải thoát
    Dục, hữu, vô minh lậu
    Tự biết tâm giải thoát,
    Sinh tận, phạm hạnh thành
    Sau đời sống hiện tại
    Không c
    òn đời khác nữa
    Ðây gọi là an trú
    Trong tối thượng Tính Không.

 

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 122

Ðại không [1]
(Mahàsunnatasuttam)

I. TOÁT YẾU

The Greater Discourse on Voidness.

Upon finding that the bhikkhus have grown fond of socialising, the Buddha stresses the need for seclusion in order to abide in voidness.

[Thấy chư tỷ kheo khởi sự ưa tụ hội, Phật nhấn mạnh nhu yếu độc cư để an trú Tánh không.]

II. TÓM TẮT

Nhân thấy trú xứ của tỷ kheo Kàlakhemaka [2] có nhiều chỗ nằm, Phật hỏi phải chăng ở đây đang có nhiều tỷ kheo cư trú [3]. Tôn giả A nan thưa vì đấy là thời gian may y nên họ mới quy tụ để may y [4]. Phật nhân đấy dạy về pháp tu Chỉ và Quán nhờ sống viễn ly. Một tỷ kheo ưa quần tụ thì không thể thưởng thức lạc viễn ly, độc cư, an tịnh, chính giác [5]; không thể chứng tâm giải thoát có hạn kỳ hay tâm giải thoát Bất động [6]. Không một sắc (thân) nào bị biến hoại mà không gây sầu bi khổ ưu não cho người ham thích nó. Nhưng Phật đã tìm ra một sự an trú, đó là trú Nội Không nhờ không tác ý tất cả tướng [7]. Trong lúc an trú nội không, dù đông đảo hạng người đến với Ngài, tâm Phật vẫn hướng đến viễn ly độc cư, và vì không còn dính gì đến các việc làm căn bản cho hữu lậu pháp, Ngài luôn luôn dạy họ những lời thuần túy liên hệ đến viễn ly. Rồi Phật dạy A Nan cách trú Nội Không [8], và kết quả của nó.

Trước hết phải an chỉ nội tâm nhờ căn bản là một trong bốn thiền (tu Chỉ). Kế tiếp sau khi đã đắc một thiền làm căn bản (từ thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư), vị tỷ kheo tác ý đến Nội không hoặc tác ý Ngoại không hoặc tác ý Bất động [9]. Nếu không có sự hân hoan thích thú đối với nội không, ngoại không hay bất động, vị ấy cần phải ý thức rõ như vậy, và nhập lại thiền căn bản [10] để quán trở lại cho đến khi biết tâm đã thích thú, hân hoan, giải thoát nhờ quán nội không, ngoại không, nội ngoại không và bất động. Một người đã an trú trong chỉ và quán như vậy,

1. Khi tâm hướng về đi hoặc đứng, nằm, ngồi, vị ấy sẽ đi đứng ngồi nằm với ý thức rõ biết không có tham ưu và các bất thiện pháp ám ảnh tâm trí.

2. Lúc tâm hướng đến nói chuyện, vị ấy nghĩ mình sẽ chỉ nói chuyện liên hệ đến mười đề mục là thiểu dục, tri túc, viễn ly, độc cư, tinh cần, giới định tuệ giải thoát vân vân, tránh tất cả chuyện khác.

3. Lúc suy tầm, vị ấy ý thức rõ mình sẽ suy tư ly dục, vô sân, bất hại, không suy tư những gì không liên hệ viễn ly, ly tham, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn.

4. Ðối với năm dục công đức [11] là sắc thanh hương vị xúc, vị ấy phải thường quán sát tự tâm có còn dục ái đối với chung hay đã đoạn tận, ý thức rõ ràng như vậy.

5. Ðối với năm thủ uẩn [12] vị ấy luôn quán sự sinh diệt của chúng, và rõ biết tâm kiêu mạn tôi là y cứ trên năm thủ uẩn này đã được từ bỏ.

Phật dạy một Thanh văn đệ tử nên sống gần bậc thầy dù có bị xua đuổi, khi được nghe những lời dạy khắc khổ đưa đến ly tham, tịch diệt, như dạy thiểu dục, tri túc, viễn ly, độc cư, tinh cần, giới định tuệ giải thoát và giải thoát tri kiến. (Do vì không tu học chỉ và quán như trên mà) cả thầy lẫn trò của ngoại đạo trong lúc tu khổ hạnh cuối cùng đều gặp phiền lụy [13] khi được nổi tiếng, đông đồ đệ; họ khởi lên nhiễm tâm, trở lui đời sống thế tục, bị các bất thiện tấn công và không thoát khỏi già chết trong tương lai. Một số đệ tử Phật tu phạm hạnh cũng rơi vào mối nguy tương tự, bị phiền lụy khi bắt chước Phật sống viễn ly (mà chưa chuẩn bị chu đáo.) Nhưng sự phiền lụy của các vị tu phạm hạnh này kết quả còn bi thảm hơn phiền lụy của thầy trò ngoại đạo [14]. Và Phật khuyên các đệ tử hãy đối xử với Ngài bằng tâm thân hữu, không thù nghịch. Thân hữu là không đi ngược lại lời dạy của đấng Ðạo sư đã vì lòng từ mẫn mà thuyết pháp đem lại hạnh phúc an lạc cho mình. Nhưng Ngài không đối xử nhẹ tay với đệ tử như thợ gốm đối xử với đồ gốm [15]. Cái gì là lõi cây thì sẽ đứng vững.

III. CHÚ GIẢI

1. Kinh này cùng với luận giải đã được Nanamoli dịch và ấn hành với nhan đề Ðại kinh nói về Không.

2. MA: Trú xứ này được Kalakhemaka dòng Thích ca xây cất trong vườn Ni câu luật. Giường chiếu ghế và thảm được trang bị san sát đến nỗi nó trông như chỗ ở của một hội chúng tỷ kheo.

3. MA giải thích đây chỉ là một câu hỏi gặn, vì với thần thông chư Phật có thể biết những gì các Ngài muốn biết. Phật hỏi câu này với ý nghĩ: Khi chúng tỷ kheo này tụ hội thành đoàn thể và ưa thích tụ hội, chúng sẽ hành xử phi pháp. Vậy ta sẽ giảng Pháp tu vĩ đại về Không, đấy sẽ trở thành giống như một học giới [cấm ưa quần tụ].

4. MA: Tôn giả Ananda định nói: Các tỷ kheo này sống quần tụ như thế không chỉ vì ưa lăng xăng rộn ràng, mà vì may y.

5. Viễn ly là lìa dục vọng, độc cư là xa đám đông, an tịnh là đoạn tham sân si, chính giác là đạo và quả.

6. Giải thoát đầu là giải thoát nhờ chứng bốn thiền và bốn không (vô sắc), giải thoát sau là nhờ đạo và quả siêu thế. Xem thêm Trung bộ 29 và chú thích 348.

7. MA: Phật mở đầu đoạn này để tránh chỉ trích rằng trong khi Ngài khuyên các đệ tử sống độc cư, thì bản thân Ngài lại thường được nhiều đồ chúng quây quần. Không tánh đây là quả chứng về Không, xem chú thích số 1, kinh Trung bộ 121.

8. MA giải thích nội không là cái không liên hệ đến năm uẩn của tự thân, ngoại không là cái không liên hệ đến năm uẩn của kẻ khác. Vậy tánh không đề cập ở đây phải là tâm giải thoát tạm thời nhờ tuệ quán vô ngã, như kinh 43 giải thích. Khi tuệ về vô ngã được nâng lên ngang tầm của đạo lộ thì sẽ đưa đến sự chứng quả niết bàn theo khía cạnh Không của nó.

9. MA: Vị ấy tác ý đến một thiền chứng vô sắc bất động.

10. MA: Ðây nói về thiền được dùng làm căn bản cho tuệ giác. Nếu sau khi xuất khỏi thiền căn bản, tâm vị ấy không đi vào Không bằng tuệ quán về năm uẩn của tự thân hay của người, và cũng không thể đạt đến vô sắc bất động, thì vị ấy nên trở về thiền căn bản mà mình đã phát triển được và tác ý đến nó nhiều lần.

11. Theo MA, cho đến điểm này, Phật đã hiển thị sự tu tập để đắc hai đạo lộ đầu tiên là Dự lưu và Nhất lai. Ðoạn này là để nêu rõ tuệ quán cần thiết để đạt đến Bất hoàn đạo mà tột đỉnh là từ bỏ ham muốn dục lạc.

12. Ðoạn này hiển thị tuệ giác cần có để đạt đến A la hán đạo, mà tột đỉnh là từ bỏ ngã mạn tôi là.

13. Upaddava cũng có thể dịch là tai họa. MA giải thích rằng Phật dạy đoạn kinh này để nêu lên sự nguy hiểm của độc cư khi người ta chưa hoàn thành mục tiêu của sự sống độc cư. Ðạo sư ở đây là thầy ngoại đạo.

14. MA: Sự xuất gia theo ngoại đạo không đem lại lợi ích bao nhiêu, nên người nào thối thất thì bất quá chỉ mất lợi lạc thuộc thế gian; họ không có đau khổ gì lớn lắm, cũng như người cỡi lừa té thì chỉ bị lấm bụi. Nhưng xuất gia trong Pháp Phật đem lại lợi ích lớn là đạo, quả và niết bàn. Bởi thế người nào thối thất trong giáo lý này gặp phải khổ đau lớn, như người té xuống từ lưng voi.

15. Tương phản trong ví dụ này là giữa cái cách người thợ gốm nắm cục đất sét còn ẩm và cách ông nắm đồ gốm đã được nặn từ đất sét ấy. MA giải rộng câu này như sau: Sau khi đã giáo giới rồi thì ta sẽ không im lặng; ta sẽ khuyến cáo, dạy bảo bằng cách liên tục quở trách các ông. Như thợ gốm thử đồ đã nung, đặt sang một bên những cái bị nứt nẻ, có lỗi, và chỉ giữ lại những đồ gốm đã vượt qua cuộc thử thách, cũng vậy ta sẽ giáo giới và khuyến cáo bằng cách thử nghiệm các ông. Người nào trong đây đã đạt đến đạo và quả, thì sẽ chịu đựng được cơn thử thách. MA thêm rằng những thiện đức thế gian cũng được xem là tiêu chuẩn của sự lành mạnh.

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

    Tỷ kheo ưa quần tụ
    Khó nếm lạc viễn ly
    Lạc độc cư, an tịnh
    Khó nếm lạc chính giác.
    Cũng không thể chứng được
    Giải thoát có hạn kỳ
    V
    à giải thoát bất động.
    Không một sắc pháp n
    ào
    Bị vô thường biến hoại
    Mà không gây đau khổ
    Cho người ham thích nó.
    Phật an trú Nội Không
    Không tác ý tướng ngo
    ài
    Giữa đồ chúng đủ hạng
    Tâm Phật vẫn như nhi
    ên.
    Hướng viễn ly độc cư
    Xa l
    ìa pháp hữu lậu
    Và giảng dạy những lời
    Thuần đưa đến viễn ly.
    Muốn an trú nội không
    Trước phải ổn định tâm
    Ðắc một thiền căn bản
    Từ sơ đến tứ thiền
    Rồi tác ý Nội không
    Hoặc tác ý Ngoại không
    Hoặc tác ý Bất động
    Nếu trong khi tác ý
    Tâm không thấy thích thú
    Trong nội không, ngoại không
    Cần biết r
    õ như vậy
    Nhập lại thiền căn bản
    Rồi lại quán nội không
    (Ngoại không, v
    à Bất động)
    Cho đến khi thích thú
    Hân hoan trong pháp n
    ày
    Và tâm được giải thoát.
    Một người đ
    ã an trú
    Trong chỉ và quán này
    Thì trong bốn uy nghi
    Tâm không khởi bất thiện
    Cũng không có tham ưu.
    Câu chuyện vị ấy nói
    Chỉ liên hệ thiểu dục
    Tri túc và viễn ly
    Ðộc cư và tinh cần
    Giới, định, tuệ, giải thoát
    V
    à giải thoát tri kiến
    Tránh những chuyện ngoài đề
    Lúc vị ấy suy tầm
    Chỉ suy tư ly dục
    Vô sân v
    à bất hại
    Gạt bỏ ra ngoài tâm
    Những gì không liên hệ
    Ðến viễn ly, ly tham
    Tịch diệt và thắng trí
    Giác ngộ với niết bàn.
    Ðối năm dục công đức
    Sắc thanh hương vị xúc
    Vị ấy thường quán sát
    Tâm đoạn dục hay chưa.
    Ðối với năm thủ uẩn
    Thường quán sát sinh diệt
    Ðể biết mạn tùy miên
    Ðã hoàn toàn từ bỏ
    Một Thanh văn đệ tử
    N
    ên sống gần bậc thầy
    Dù có bị xua đuổi
    Ðể được nghe dạy Pháp
    Li
    ên hệ đến viễn ly
    Ly tham v
    à giải thoát.
    Vì không tu chỉ quán
    Các thầy trò ngoại đạo
    D
    ù có sống độc cư
    Cuối c
    ùng gặp phiền lụy
    Bởi đồ đệ đoanh vây
    Bởi dục tham chi phối
    Bị bất thiện tấn công
    Trong thời gian vị lai
    Không thoát khỏi gi
    à chết
    Một số tu phạm hạnh
    Theo gương đức Thế tôn
    Cũng gặp nguy tương tự
    V
    ì không tu chỉ quán.
    Chưa an trú nội không
    Phiền lụy của vị này
    Kết quả bi thảm hơn
    Các thầy trò ngoại đạo.
    Phật khuy
    ên các tỷ kheo
    Ðừng đối xử với Ngài
    Với tâm lý thù nghịch
    Không theo lời chỉ giáo
    Hãy đối xử với Ngài
    Bằng tâm lý thân thiện
    Nương theo Pháp tu hành
    Ðể an lạc dài lâu.

 

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 123

Hy hữu vị tằng hữu
(Acchariyabbhutadhammasuttam)

I. TOÁT YẾU

Wonderful and Marvellouse.

At a gathering of bhikkhus the venerable Ananda recounts the wonderful and marvellous events that preceded and attended the birth of the Buddha.

[Trong một buổi họp chúng, tôn giả A nan thuật lại những sự cố ly kỳ mầu nhiệm trước và trong ngày Phật đản sanh.]

II. TÓM TẮT

Chúng tỷ kheo đang bàn tán về một thần lực của Phật là Ngài biết được chi tiết về chư Phật quá khứ [1]. Phật bèn dạy tôn giả A nan trình bày những điều kỳ diệu hy hữu về đức Như Lai đúng như tôn giả đã được nghe từ chính kim khẩu của Thế tôn:

    1. Chính niệm tỉnh giác, Bồ tát sinh vào cung trời Ðâu suất [2].

    2. Chính niệm tỉnh giác, Bồ tát trú tại cung trời ấy đến hết thọ mạng.

    3. Chính niệm tỉnh giác, Ngài giáng hạ mẫu thai.

    4. Khi Ngài mệnh chung tại cung trời Ðâu suất thì có một ánh sáng vô lượng xuất hiện trên thế gian làm cho những cõi chúng sinh từ lâu sống trong bóng tối [3] tự nhiên nhờ ánh sáng ấy liền trông thấy lẫn nhau và tưởng là chúng mới xuất hiện lần đầu.

    5. Khi đức Bồ tát đã giáng hạ mẫu thai thì có bốn vị thiên nhân [4] canh gác bốn góc để hộ vệ Ngài và mẫu hậu, không một ai có thể làm hại mẹ hay con.

    6. Khi đức Bồ tát đã giáng hạ mẫu thai, bà mẹ tự nhiên sống đức hạnh, nghiêm trì ngũ giới.

    7. Khi đức Bồ tát đã giáng hạ mẫu thai, bà không có dục tưởng đối với đàn ông, và không kẻ nào có dục tâm có thể đến gần bà.

    8. Khi đức Bồ tát đã giáng hạ mẫu thai, bà thụ hưởng đầy đủ năm dục: không cảm thấy mệt mỏi gì, lại thấy được Bồ tát trong bụng mình với đầy đủ tứ chi như thể là ngắm một viên ngọc khéo giũa đặt trên lòng bàn tay.

    9. Bảy ngày sau khi sinh hạ Bồ tát, bà mẹ chết [5] và tái sinh vào cõi Ðâu suất.

    10. Bồ tát trú thai mẹ đúng mười tháng.

    11. Mẹ Bồ tát sinh trong lúc đứng thay vì nằm hoặc ngồi như các sản phụ khác.

    12. Khi đức Bồ tát ra khỏi bụng mẹ, thì chư thiên đón Ngài trước, sau mới đến người đỡ.

    13. Khi đức Bồ tát ra khỏi bụng mẹ, Ngài không chạm đất. Chư thiên đỡ lấy Ngài đưa cho bà mẹ mà nói: Bà hãy sung sướng vì một người con trai có đại oai thần lực đã đến với bà.

    14. Khi đức Bồ tát ra khỏi bụng mẹ, Ngài không bị lấm bẩn vì máu mủ hay bất cứ thứ gì bất tịnh.

    15. Khi đức Bồ tát ra khỏi bụng mẹ, có hai vòi nước tuôn xuống từ trên trời, một nóng một lạnh, để tắm cho hai mẹ con.

    16. Vừa khi mới sinh ra, đức Bồ tát đã đứng vững hai chân trên đất [6], đi bảy bước về phương Bắc, và được che với chiếc lọng trắng, Ngài nhìn bốn hướng và thốt lên lời của bậc Ðiều ngự sư: "Trên thế gian này Ta là tối thượng. Ðây là đời cuối cùng của Ta, từ nay không còn tái sinh nữa."

Sau khi tôn giả A nan kể xong những điều kỳ diệu ấy, Phật thêm rằng còn một điều này nữa [7], là đối với đức Như lai, các cảm thọ được biết đến lúc sinh khởi, lúc trú và diệt, các ý tưởng và tư duy cũng thế.

III. CHÚ GIẢI

1. Khả năng này của Phật được Trường bộ kinh 14 đề cập trong những thông tin chi tiết về sáu vị Phật trước đức Thích ca Gotama.

2. Ðây ám chỉ sự tái sinh của đức Bồ tát tại cung trời Ðâu suất sau khi sinh làm người tên Vessantara và trước khi tái sinh vào cõi người làm thái tử Siddhartha Gotama.

3. Cứ ở khoảng giữa mỗi ba thế giới hệ lại có một khoảng trống tám ngàn do tuần, giống như khoảng trống giữa ba bánh xe bò hay ba cây cung đụng nhau. Chúng sinh sinh vào khoảng này là do ác nghiệp cực trọng như giết cha mẹ, giết thánh nhân, hoặc do thường xuyên làm nghề ác như giết súc vật.

4. Bốn vị trời này là Tứ thiên vương, những vị thống lĩnh cõi trời là Tứ thiên vương.

5. MA: Ðiều này xảy ra không phải lỗi ở sự sinh nở mà do bà mẹ đã chấm dứt thọ mạng; vì cái nơi mà Bồ tát đã chiếm dụng (bào thai mẹ) thì không ai khác sử dụng được, như một điện thờ.

6. MA: Mỗi khía cạnh của biến cố này đều báo trước những sở đắc của đức Phật sau này. Vậy, sự việc Ngài đứng vững trên đất là điềm báo Ngài sẽ chứng các thần túc; mặt hướng về phương Bắc báo hiệu Ngài sẽ vượt trên thế tình; đi bảy bước là Ngài sẽ có được bảy giác chi; lọng trắng là Ngài sẽ đạt chiếc lọng giải thoát; nhìn quanh bốn hướng là Ngài sẽ có được minh trí vô ngại; những lời Ngài thốt ra báo hiệu Ngài sẽ chuyển bánh xe Pháp không ai có thể chuyển ngược lại. Lời tuyên bố Ðây là tái sinh cuối cùng báo hiệu Ngài sẽ nhập vô dư niết bàn, không còn quay lại cõi hữu.

7. Lời này dường như là một cách đức Phật kêu gọi ta chú ý đến cái phẩm chất mà Ngài xem là điều kỳ diệu đích thực.

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

    Chúng tỷ kheo đang bàn
    Một thần lực của Phật
    Là biết đủ chi tiết
    Về chư Phật trước kia.
    Phật bèn dạy A nan
    Trình bày những kỳ diệu
    Mà tôn giả được nghe
    Từ kim khẩu đức Phật:
    Bồ tát lúc tái sinh
    Vào cung trời Ðâu suất
    Và lúc ở cõi trời
    Cho đến hết thọ mạng.
    Giáng phàm nhập mẫu thai
    Ðều chính niệm tỉnh giác
    Khi bồ tát đản sinh
    Có ánh sáng nhiệm mầu
    Soi ba ngàn thế giới
    Những chúng sinh từ lâu
    Bị sống trong u tối
    Tự nhiên trông thấy nhau
    Mới ngạc nhiên làm sao.
    Lúc Bồ tát nhập thai
    Tứ thiên vương canh gác
    Gìn giữ mẹ và con
    Tránh xa mọi bất trắc.
    Bà mẹ lúc hoài thai
    Tự nhiên sống đức hạnh
    Và nghiêm trì ngũ giới.
    Tâm xa lìa dục tưởng
    Nam nhân có lòng dục
    Không thể đến gần bà.
    Bà thụ hưởng đầy đủ
    Sắc thanh hương vị xúc
    Thân không bị mệt mỏi
    Lại thấy được Bồ tát
    Ðang ở trong bụng mình
    đầy đủ tứ chi
    Như ngắm nhìn ngọc quý.
    Bảy ngày sau sinh nở
    Bà từ giã cõi trần
    được tái sinh ngay
    Vào cung trời Ðâu suất.
    Bồ tát trú mẫu thai
    Thời gian đúng mười tháng
    Mẹ Bồ tát lâm bồn
    Trong lúc đứng vịn cây
    Thay vì nằm hoặc ngồi
    Như các bà sản phụ.
    Khi Bồ tát chào đời
    Ðược chư thiên đón trước,
    Sau mới đến loài người.
    Khi ra khỏi bụng mẹ
    Thân Ngài không chạm đất.
    Chư thiên đỡ lấy Ngài
    Ðưa cho bà mẹ xem
    Kèm theo lời chúc tụng:
    Mẫu hậu hãy vui mừng
    Ðã sinh được người con
    đại oai thần lực
    Hơn tất cả thế gian.
    Khi ra khỏi bụng mẹ,
    Ngài không bị lấm bẩn
    Vì những thế uế ô.
    Lại có hai vòi rồng
    Từ trời cao tuôn xuống
    Nóng với lạnh hòa nhau
    Ðể tắm con và mẹ.
    Vừa khi mới sinh ra,
    Ngài đã đứng vững được
    Với hai chân trên đất
    Bảy bước về phương Bắc
    Ðược tàn lọng trắng che,
    Ngài nhìn quanh bốn hướng
    Và thốt lên lời rằng
    Trên trời và dưới trời
    Chỉ Ta là tối thượng
    Thân này là thân cuối
    Không còn thọ thân sau.
    Nghe A nan kể xong
    Ðức Phật bèn bổ túc:
    Ðối với đức Như lai,
    Tất cả các cảm thọ
    Ðều được Ngài biết rõ
    Trong cả ba giai đoạn
    Trú diệt cũng như sinh.
    Cũng vậy với tưởng, tư
    Ngài luôn luôn giác tỉnh.
    Ðây cũng điều kỳ diệu
    Của đức Phật Thế tôn.

 

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 124

Bạc câu la
(Bakkula Sutta)

I. TOÁT YẾU

The elder disciple Bakkula enumerates his austere practices during his eighty years in the Sangha and exhibits a remarkable death.

[Tôn giả Bạc câu la kể ra những khổ hạnh của Ngài suốt 80 năm sống giữa tăng và hiển bày một cái chết đặc biệt.]

II. TÓM TẮT

Acela Kassapa bạn cũ của tôn giả Bakkula lúc còn tại gia, đến thăm Ngài và cuộc vấn đáp xảy ra. Theo sự trả lời của tôn giả, người bạn xác nhận Ngài có những điều kỳ diệu như sau. Một là trong tám mươi năm xuất gia [1], không bao giờ trong tâm Ngài khởi lên dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng. Hai là không nhận hoặc cắt may y phục trong thời may y Ca thi na [2]. Ba không nhận lời mời ăn, cũng không ngồi ăn dưới một mái nhà. Bốn, không bao giờ để ý tướng chung hay tướng riêng của một phụ nữ, hoặc giảng pháp cho họ dù chỉ bốn câu, hoặc đi đến khu vực của ni chúng, hoặc giảng pháp cho ni hay nữ cư sĩ. Năm là Ngài không từng truyền giới cho ai, là y chỉ sư cho ai, để ai hầu hạ. Sáu, Ngài không bao giờ tắm trong nhà tắm với bột tắm (xà phòng), không để ai chà xát thân thể, không bao giờ ốm đau dùng thuốc, không nằm giường, không an cư mùa mưa dưới một mái nhà trong thôn xóm. Bảy là, Ngài chỉ mắc nợ thí chủ trong bảy ngày đầu sau khi xuất gia, đến ngày thứ tám Ngài được thắng trí [3]. Sau khi xác nhận đấy là những điều kỳ diệu nơi tôn giả Bakkula, Acela Kassapa cũng xin xuất gia thọ đại giới [4] và không lâu sau đó ông cũng chứng quả A la hán như Ngài. Ðiều kỳ diệu cuối cùng là tôn giả Bakkula báo tin trước [5], rồi ngồi kiết già giữa đại chúng mà nhập Niết bàn [6].

III. CHÚ GIẢI

1. MA: Tôn giả Bạc câu la đi tu năm tám mươi tuổi, tức vào lúc Phật nói kinh này thì Ngài đã 160 tuổi. Ngài được Phật xem là đệ tử có sức khỏe tốt nhất.

2. Ðoạn này và những đoạn kế tiếp chứng tỏ tôn giả Bạc câu la là người tu khổ hạnh. Thời may y Ca thi na là thời gian sau mùa an cư khi chúng tỷ kheo dùng những vải vóc họ đã nhận được để may thành y phục.

3. MA: Sau khi xuất gia, trong bảy ngày đầu Ngài vẫn còn là người bình thường, nhưng vào ngày thứ tám Ngài đắc quả A la hán cùng với các trí biện tài.

4. MA: Vì đang tu khổ hạnh, tôn giả Bạc câu la không truyền giới xuất gia cho người khác, mà chỉ sắp xếp cho các vị khác truyền giới.

5. MA: Tôn giả Bạc câu la xét rằng suốt đời Ngài đã không làm gánh nặng cho tỷ kheo khác, và cũng không muốn nhục thân trở thành gánh nặng sau khi chết, nên đã nhập thiền quán nội hỏa (lửa tam muội) để nhập niết bàn, bằng cách khiến cho toàn thân bốc cháy, chỉ còn lại xá lợi.

6. MA: Kinh này được tụng đọc tại kỳ đệ nhị Kết tập xảy ra khoảng một trăm năm sau Phật niết bàn.

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

    A chê la Ca diếp
    Bạn cũ Bạc câu la
    Ðến thăm tôn giả này
    Thấy những điều kỳ diệu:
    Trong vòng tám mươi năm
    Không bao giờ trong tâm
    Ngài khởi lên dục tưởng,
    Sân tưởng và hại tưởng
    Ngài không nhận y phục
    Hoặc cắt may quần áo
    Trong thời gian may y.
    Không nhận lời mời ăn
    Không ngồi ăn trong nhà.
    Không bao giờ để ý
    Dáng dấp của phụ nữ
    Hoặc giảng pháp cho họ
    Dù chỉ nói vài câu,
    Không bao giờ lai vãng
    Các nơi ni cư trú
    Hoặc giảng pháp cho ni
    Không truyền giới cho người,
    Hoặc làm y chỉ sư
    Hoặc để người hầu hạ.
    Không tắm trong nhà tắm
    Với bột tắm (xà phòng)
    Không để ai chà xát
    Không bao giờ ốm đau
    Nên không từng dùng thuốc
    Không nằm ngủ trên giường
    Không an cư mùa mưa
    Dưới mái nhà thôn xóm.
    Ngài chỉ nợ thí chủ
    Bảy ngày đầu xuất gia
    Ngày thứ tám đắc quả
    Với thắng trí thần thông.
    Sau khi đã thấy được
    Những điều vi diệu ấy
    Nơi Ngài Bạc câu la
    A chê-la Ca diếp
    Xuất gia thọ đại giới
    Không bao lâu chứng quả
    Thành vị A la hán.
    Ðiều kỳ diệu cuối cùng
    Mọi người được chiêm ngưỡng
    Tôn giả Bạc câu la
    Báo trước cho đại chúng
    Ngồi kiết già giữa chúng
    Nhập vô dư niết bàn.

 

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 125

Ðiều ngự địa

I. TOÁT YẾU

Grade of the Tamed.

By analogy with the taming of an elephant, the Buddha explains how he tames his disciples.

[Phật giảng cách huấn luyện đệ tử với ẩn dụ luyện voi.]

II. TÓM TẮT

Vương tử Jayasena [1] đến xin Sa di Aciravata dạy cho mình Pháp ông đã được nghe, theo đó, một tỷ kheo nhiệt tâm tinh cần có thể đắc định. Sa di từ chối, nhưng trước sự năn nỉ của vương tử, ông bảo tôi sẽ nói Pháp mà tôi đã được nghe và học, nhưng nếu ông không hiểu ý nghĩa thì cũng không được hỏi. Vương tử bằng lòng. Sau khi nghe sa di nói Pháp, vương tử bảo làm gì có chuyện một tỷ kheo không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần lại có thể đắc định, và vương tử ra về. Sa di đến hầu Phật, thuật lại mọi sự.

Phật dạy dĩ nhiên vì Jayasena đang sống trong dục lạc, bị dục lạc nhai nghiến nên không thể hiểu những gì cần phải xa lìa các dục mới hiểu được. Rồi Phật lấy ví dụ con voi [2] chưa được thuần hóa không thể đạt đến địa vị chỉ có thể đạt bởi voi thuần; và ví dụ về một người đứng trên đỉnh núi tả phong cảnh trên đỉnh cho một kẻ đang đứng dưới chân núi, kẻ sau này vì bị ngọn núi che tầm mắt nên không thể thấy gì và sẽ cho người đứng trên là nói dóc. Cũng vậy vương tử đối với sa di là như con voi rừng với con voi đã luyện, như người đứng dưới núi với kẻ đứng trên đỉnh. Khi người ở dưới cũng leo lên đỉnh thì sẽ thấy như bạn mình đã thấy, và biết mình đã bị chướng ngại nên không thấy được. Nhưng chướng ngại của vương tử lại còn nặng nề hơn nhiều, vì ông ta bị đống vô minh che khuất khi sống với dục lạc, và không thể thấy những gì cần được thấy nhờ ly dục. Và Phật bảo sa di: Nếu ông đưa ra hai ví dụ ấy thì chắc vương tử sẽ nghe theo ông, và cư xử phải phép. Sa di bạch Phật: Hai ví dụ này chính con cũng mới được nghe lần đầu, thì làm sao con có thể nói với ông vương tử một cách tự nhiên như Thế tôn dạy?

Khi ấy Phật giảng rộng ẩn dụ luyện voi để ví với sự đào luyện một người từ cương vị phàm phu cho đến bậc thánh. Như một vị vua bảo người thợ rừng cỡi trên một thớt voi chúa đi vào rừng, và khi trông thấy con voi nào thì cột nó vào cổ con voi chúa mà kéo ra khỏi rừng. Sau đó vua bảo người luyện voi hãy điều phục con voi mới tóm được ấy, cho hết những thói rừng rú của nó. Làm cho nó hết buồn sầu vì nhớ rừng và thích thú với làng mạc. Người luyện voi dùng lời khả ái dạy nó dần dần cho đến khi nó làm được những động tác nhặt lên, để xuống, đi tới đi lui đứng lên ngồi xuống và cuối cùng là tập cho nó bất động toàn thân, mặc cho bao nhiêu sự tấn công từ ngoài. Khi ấy con voi trở thành vương tượng kham nhẫn được mọi đau đớn do gươm giáo tên đạn và những tiếng động chát chúa. Nó trở thành xứng đáng cho vua dùng. Cũng vậy, một tỷ kheo sau khi xuất gia từ bỏ gia đình, được Phật huấn luyện giữ giới, hộ trì căn, tiết độ ăn uống, chú tâm cảnh giác gột sạch tâm khỏi chướng ngại pháp, chính niệm tỉnh giác trong các uy nghi, chọn chỗ vắng ngồi thiền gột trừ năm triền cái, quán 4 niệm xứ để điều phục tham ưu liên hệ thế tục [3], cuối cùng chứng sơ thiền, nhị thiền [4] đến tứ thiền. Sau khi đắc một thiền chứng trong số này, vị ấy hướng tâm đến lậu tận và đắc quả A la hán. Vị tỷ kheo khi ấy nhẫn nhục chịu được nóng lạnh đói khát, từ bỏ tất cả tham sân si và lầm lỗi, xứng đáng sự lễ bái cúng dường của thế nhân. Như một con voi không được điều phục lúc sống thì khi chết, nó chết một cái chết không được điều phục, bất kể con voi ấy trẻ hay già. Một tỷ kheo cũng vậy.

III. CHÚ GIẢI

1. Theo MA, thái tử là con vua Bimbisàra.

2. Ẩn dụ giống như kinh 90.

3. Ðể ý ở đây, bốn niệm xứ được giải thích ở chỗ thông thường dành cho bốn thiền.

4. Vì sự trình bày ở đây bắt đầu bằng thiền thứ hai, nên đoạn trước đấy về tu bốn niệm xứ phải được ngầm hiểu là bao quát thiền thứ nhất.

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

    Vương tử Jayasena
    Hỏi Sa di ở rừng
    Thế nào với nhiệt tâm
    Tinh cần không phóng dật
    Thì có thể đắc định
    Xin đại đức nói nghe.
    Sa di bảo vương tử:
    Tôi sẽ nói cho ông
    Nhưng nếu ông không hiểu
    Ðừng hỏi nữa mất công.
    Sa di nói Pháp xong
    Vương tử không tin nhận
    Cho chỉ là nói dóc
    đứng dậy bỏ đi.
    Sa di đến hầu Phật
    Thuật lại hết sự tình.
    Phật dạy lẽ đương nhiên
    Kẻ sống trong dục lạc
    Bị năm dục nhai nghiến
    Làm sao hiểu những gì
    Muốn hiểu cần yểm ly
    Và lánh xa năm dục.
    Như voi đã được luyện
    Cư xử khác voi rừng
    Như người dưới chân núi
    Không thấy cảnh bao la.
    Vương tử bị chướng ngại
    To tát hơn cả núi
    Là năm dục lôi kéo
    đống lớn vô minh.
    Nếu ông ví dụ vậy
    Vương tử sẽ tin ngay
    Và khi đã tin ông
    Sẽ hành xử đúng cách.
    Nhưng bạch đức Thế tôn
    Làm sao con nói được
    Khi con chỉ được nghe
    Ví dụ ấy lần đầu?
    Khi ấy Phật giảng rộng
    Về ẩn dụ luyện voi
    Tương tự cách đào luyện
    Phàm phu thành bậc thánh.
    Như vua bảo thợ săn
    Cỡi tượng vương vào rừng
    Thấy voi hãy tóm cổ
    Dẫn ra khỏi rừng sâu
    Rồi lại bảo anh nài
    Luyện voi thành thuần thục.
    Trước hết bỏ thói rừng
    Thích thú với làng mạc
    Dần tập nhiều động tác
    Cuối cùng tập đứng yên
    Toàn thân thành bất động
    Trước mọi sự tấn công
    Bấy giờ voi xứng đáng
    Báu vật của vua dùng.
    Thiện nam tử xuất gia
    Ra khỏi nhà thế tục,
    Giữ giới, hộ trì căn,
    Uống ăn có tiết độ,
    Cảnh giác các lỗi lầm
    Ðứng đi trong chính niệm
    Chọn chỗ vắng thiền tư
    Gột trừ năm triền cái
    Quán bốn chỗ tưởng niệm
    Và chứng đắc bốn thiền.
    Sau khi được thiền chứng
    Hướng tâm đến lậu tận.
    Vị tỷ kheo khi ấy
    Nhẫn chịu mọi thử thách
    Từ bỏ tham sân si
    Ðáng lễ bái cúng dường
    Bất kể trẻ hay già
    Người sống không điều phục
    Chết với tâm hoang mang
    Của kẻ thiếu tỉnh thức
    Dù thượng, trung, hạ tọa
    Người sống có điều phục
    Chết với tâm an nhiên
    Như một người giác tỉnh.

 

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 126

Phù Di
(Bhùmija)
[1]

I. TOÁT YẾU

The Buddha brings forward a series of similes to illustrate the natural fruitfulness of the Noble Eightfold Path.

[Phật đưa ra một loạt ví dụ để hiển thị hiệu quả tự nhiên của đạo Bát chánh.]

II. TÓM TẮT

Vương tử Jayasena hỏi tôn giả Bhùmija lập trường của Phật giáo về việc tu phạm hạnh, vì ông nghe các ngoại đạo cho rằng tu phạm hạnh không đem lại kết quả, dù người tu có ước nguyện hay không [2], hoặc vừa có vừa không, hay không có không không. Tôn giả đáp vấn đề là ở chỗ tu phạm hạnh cách nào, chứ không phải do có ước nguyện hay không ước nguyện. Nếu tu phạm hạnh theo tám tà là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tiến, tà niệm và tà định, thì phạm hạnh không kết quả. Ngược lại, nếu tu theo tám chính đạo thì phạm hạnh có kết quả, dù ước nguyện hay không. Vương tử khen lập trường Phật giáo là chính đáng hơn cả, và cúng dường cho tôn giả Bhùmija. Sau đó tôn giả đến thỉnh vấn Phật.

Phật xác nhận ông đã khéo trả lời, không xuyên tạc giáo lý của Ngài, và bổ túc với bốn ví dụ về chánh đạo và tà đạo. Theo tám tà là phương pháp sai, thì phạm hạnh không có kết quả, như ép cát để tìm dầu, vắt sừng bò để lấy sữa, khuấy nước lã để làm bơ, và dùng cây tươi để lấy lửa. Theo tám chính, phương pháp đúng, thì tu phạm hạnh có kết quả. Như ép hột có dầu để tìm dầu, vắt sữa từ vú bò cái, khuấy sữa để làm bơ, và dùng cây khô để nhóm lửa. Tôn giả Bhùmija rất sung sướng với bốn ví dụ vừa được nghe lần đầu.

III. CHÚ GIẢI

1. MA: tôn giả Phù di là cháu của thái tử Jayasena.

2. Asam karitvà: Nếu người ta làm một ước nguyện, khởi lên một mong mỏi, chờ đợi. Những sa môn bà la môn có quan điểm này chắc phải là những người theo thuyết hoài nghi hoặc đoạn diệt luận.

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

    Vương tử Jayasena
    Hỏi tôn giả Phù Di
    Lập trường của Phật giáo
    Về việc tu phạm hạnh.
    Có ngoại đạo cho rằng
    Tu phạm hạnh vô ích
    Không có kết quả gì
    Dù có nguyện hay không
    Hoặc vừa có vừa không
    Hoặc không có không không.
    Tôn giả trả lời ông:
    Vấn đề là ở chỗ
    Tu phạm hạnh cách nào
    Chứ không do mong ước.
    Nếu tu phạm hạnh sai
    Nghĩa là theo tám tà
    Tà kiến, tà tư duy
    Tà ngữ, tà nghiệp, mạng
    Tà tinh tiến, niệm, định
    Phạm hạnh không ích gì.
    Ngược lại theo tám chính
    Thì phạm hạnh kết quả
    Dù ước nguyện hay không.
    Vương tử rất hài lòng:
    Nếu đây lời Phật dạy
    Thì Ngài vượt hơn hết
    Các sa môn hiện nay.
    Tôn giả thỉnh vấn Phật
    Cuộc đối đáp vừa rồi
    Phật khen khéo trả lời
    Không xuyên tạc giáo lý
    Và Thế tôn bổ túc
    Với bốn mẩu ví dụ
    Hiển thị tà, chính đạo
    Tám tà phương pháp sai
    Phạm hạnh không kết quả
    Như ép cát tìm dầu
    Vắt sừng bò lấy sữa
    Khuấy nước lã làm bơ
    Dùng cây tươi nhóm lửa.
    Tám chính, phương pháp đúng
    Phạm hạnh sẽ trổ bông:
    Ép hột dầu tìm dầu
    Vắt vú bò lấy sữa
    Khuấy sữa để làm bơ
    Dùng cây khô nhóm lửa.
    Tôn giả Bhùmija
    Vui mừng với ví dụ
    Vừa được nghe lần đầu.

 

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 127

A Na Luật
(Anuruddha)

I. TOÁT YẾU

The Venerable Anuruddha clarifies the difference betwên the immeasurable deliverance of mind and the exalted deliverance of mind.

[Tôn giả A na luật thuyết minh sự khác nhau giữa tâm giải thoát vô lượng và tâm giải thoát đại hành.]

II. TÓM TẮT

Tôn giả A na luật giảng cho thợ mộc Ngũ Phần về sự khác nhau giữa hai loại tâm giải thoát [1] là Vô lượng và Ðại hành. Cũng đều quán từ bi hỷ xả (bốn phạm trú) nhưng đại hành tâm [2] là tâm biến mãn từ một gốc cây rộng dần ra cho đến một làng, một nước. Còn Vô lượng tâm giải thoát là biến mãn tâm từ bi hỷ xả đến khắp mười phương thế giới, vô lượng vô biên, không hận không sân. Do khi tu thiền, phát nguyện biến mãn ánh sáng có hạn hoặc vô hạn, có tạp nhiễm hoặc thanh tịnh, mà khi thân hoại mạng chung, sinh vào bốn loại tái sinh [3] là các cõi trời Thiểu quang, Vô lượng quang và Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh [4].

Ðại hành tâm đưa đến tái sinh vào các cõi trời thiểu quang. Vô lượng tâm đưa đến tái sinh vào các cõi trời vô lượng quang. Do khi tu thiền, chưa đốt cháy [5] được hôn trầm trạo hối mà khi chết sinh vào cõi có ánh sáng tạp nhiễm. Quang (ánh sáng) và sắc (màu sắc) mỗi vị trời ở các cõi ấy khác nhau, nhưng khi họ nhóm họp thì ánh sáng hòa lẫn mặc dù màu sắc mỗi ánh sáng khác nhau; như khi hàng ngàn ngọn đèn thắp sáng đặt trong phòng thì ánh sáng chỉ có một. Khi họ giải tán thì quang và sắc mỗi vị trời đều khác, như khi từng người bưng cây đèn của mình đi ra khỏi phòng thì màu sắc và ánh sáng của mỗi ngọn một khác. Sở dĩ cõi trời có thiểu tịnh (ít sạch), vô lượng tịnh (sạch vô cùng) là do khi tu thiền tâm có tạp nhiễm (xen lẫn các vọng tưởng) hay hoàn toàn thanh tịnh. Như ngọn đèn được thắp với dầu cặn, bấc dơ, bình dầu và bóng dơ thì không sáng bằng ngọn đèn được thắp với dầu trong, bấc sạch, bình dầu và bóng đều sạch sẽ.

Khi nghe tôn giả A na luật giảng cho thợ mộc Ngũ phần, tôn giả Abhiya Kaccàna (Ca chiên diên) bình phẩm: Bộ ông đã lên các cõi trời ấy rồi chắc [6]. Tôn giả A na luật cho biết từ lâu Ngài đã cộng trú với chư thiên ấy. Tôn giả Ca chiên diên chúc mừng thợ mộc đã được nghe pháp từ tôn giả A na luật.

III. CHÚ GIẢI

1. Trong kinh số 43 cũng như kinh này, vô lượng tâm giải thoát (appamànà cetovimutti) được giải thích là bốn phạm trú. Vì mỗi phạm trú đều được diễn tả với từ ngữ quảng đại, nên có lẽ Pancakanga đã lầm cho hai thứ giải thoát này đồng nghĩa.

2. MA: Vị ấy bao quát một vùng bằng gốc cây, tướng của kasina (biến xứ) mình đang quán, rồi trú tâm trên tướng ấy, biến mãn nó bằng tâm thiền quảng đại. Cũng cách giải thích này áp dụng cho các trường hợp sau đó.

3. MA: Giáo lý này cốt hiển thị những loại tái sinh khác nhau nhờ đắc đại hành tâm giải thoát.

4. Theo MA, không có những cõi trời riêng biệt gọi là cõi có ánh sáng còn ô nhiễm (thiểu quang) và cõi ánh sáng thuần tịnh, mà cả hai đều là những cách phân loại vi tế trong hai cõi trời có ánh sáng hữu hạn (Thiểu quang thiên) và vô hạn (Vô lượng quang thiên). Tái sinh vào cõi trời có ánh sáng hữu hạn là do đắc nhị thiền với tướng kasina hữu hạn, tái sinh vào cõi trời Vô lượng quang cũng nhờ đắc nhị thiền nhưng với tướng kasina đã được khai triển rộng ra. Tái sinh vào cõi trời có ánh sáng còn ô nhiễm là tái sinh của những người chưa làm chủ được thiền chứng, chưa thanh lọc nó khỏi các pháp chướng ngại. Tái sinh vào cõi trời có ánh sáng thuần tịnh là dành cho những người đã có được sự làm chủ và sự thanh lọc nói trên.

5. Ở đây có sự chơi chữ, vì động từ Pli jhàyati có hai nghĩa: thiền định và đốt cháy; mặc dù Phạn ngữ sanskrit có hai động từ khác nhau; kshàyati là đốt cháy, dhyàyati là thiền định.

6. Những lời lẽ của Abhiya khiếm nhã vì đi sâu vào kinh nghiệm riêng tư của A na luật. MA nói trong khi viên mãn các pháp tu ba la mật vào các đời quá khứ, Ngài đã xuất gia làm sa môn, đắc các thiền chứng và đã trải qua ba trăm kiếp liên tục sinh vào cõi Phạm thiên. Do đó mà Ngài trả lời như vậy.

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

    Thợ mộc tên Ngũ Phần
    Hỏi Ngài A na luật
    Về những chỗ khác nhau
    Giữa Ðại hành, Vô lượng
    Quán từ bi hỷ xả
    Trải tâm có giới hạn
    Từ phạm vi gốc cây
    Cho đến một làng, nước
    Rồi biến mãn dần ra
    Gọi là tâm đại hành.
    Còn loại tâm vô lượng
    Là biến mãn từ, bi
    Khắp mười phương thế giới
    Ðến tất cả muôn loài
    Vô biên không sân hận.
    Do trong khi tu thiền
    Trải tâm có giới hạn
    Hoặc trải rộng vô biên
    Mà kết quả tái sinh
    Cõi trời cũng bốn hạng
    Thiểu quang, Vô lượng quang.
    Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh.
    Ðại hành tâm tái sinh
    Vào chư thiên ít sáng
    Vô lượng tâm tái sinh
    Vào vô lượng quang thiên.
    Tâm thiền còn tạp nhiễm
    Sinh vào trời Thiểu tịnh
    Tâm thiền không tạp nhiễm
    Sinh Biến tịnh, Vô lượng
    Quang và sắc khác nhau
    Mỗi vị trời một vẻ.
    Khi chư thiên nhóm họp
    Sắc khác, sáng hòa chan
    Giống như ở trong phòng
    Ngàn bóng đèn dầu đốt
    Thì ánh sáng chỉ một
    Dù mỗi ngọn khác nhau.
    Khi chư thiên giải tán
    Thì quang, sắc muôn vẻ
    Như giữa trời đêm thâu
    Mỗi người cầm đèn dầu.
    Tái sinh cõi Thiểu tịnh
    Do thiền tâm tạp nhiễm
    (lẫn trạo hối hôn trầm).
    Vào cõi vô lượng tịnh
    Do thiền tâm thuần khiết.
    Ví như ngọn đèn dầu
    Ðược thắp với dầu cặn
    Bình, bóng, bấc đều dơ,
    Thì ngọn đèn ít sáng.
    Tôn giả Abhiya (Kaccàna):
    Nghe Ngài nói như vậy
    Chắc đã từng lên trời?
    Tôn giả A na luật:
    Quả thế tôi từ lâu
    Cộng trú với chư thiên.
    Tôn giả Ca chiên diên
    Vui thay cho thợ mộc
    Ðã được nghe việc này.

 

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 128

Tùy phiền não
(Upakkilesa)

I. TOÁT YẾU

Imperfections.

The Buddha discusses the various impediments to meditative progress he encountered during his quest for enlightenment, with particular reference to the divine eye.

Những ô nhiễm.

Phật bàn về các chướng ngại trong quá trình tu thiền của Ngài để đạt giác ngộ, đặc biệt đề cập về thiên nhãn.

II. TÓM TẮT

Chúng tỷ kheo ở Kosambì (Câu diệm bì) chia phe đấu tranh cãi cọ [1], Phật can không được, Ngài nói bài kệ dài [2] rồi du hành đến thăm tôn giả Bhagu, thuyết pháp khích lệ, và đến trú xứ các tôn giả A na luật. Tại đấy có ba vị đang cư trú [3]. Phật hỏi thăm sự sống và đường lối tu hành của họ.

Tôn giả A na luật trình bày cách sống hòa hợp của họ là mỗi người đều bỏ tâm mình mà sống bằng tâm người khác, tự giác giữ gìn trật tự nếp sống chung, không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần tu thiền [4], thấy ánh sáng và các sắc hiện ra, nhưng quang và sắc ấy chỉ hiện một lúc rồi tan biến. Ngài thỉnh vấn Phật về tình trạng ấy.

Phật dạy tôn giả cần phải tìm nguyên nhân tại sao mà ra như thế [5]. Lúc còn là Bồ tát đang tu thiền Ngài cũng gặp như vậy, và truy tìm những nguyên nhân làm định tướng (quang và sắc) biến mất là do tâm có khởi lên 11 tùy phiền não: nghi hoặc, không tác ý, hôn trầm, sợ hãi, phấn chấn (như một người tìm lối vào kho tàng bí mật, bỗng dưng gặp được năm lối vào, thì sẽ khởi lên sự phấn chấn) dâm ý, tinh cần quá độ, thiếu tinh cần, ái dục [6], sai biệt tưởng [7], và quá chú tâm vào sắc pháp [8]. Mỗi khi nhận diện được các tùy phiền não [9] ấy, Ngài đoạn trừ chúng. Và khi chúng đã được đoạn trừ, Ngài tu tập ba cách [10]: định có tầm tứ, định chỉ có tứ, và định không tầm tứ; định có hỷ, không hỷ, định câu hữu lạc, câu hữu xả [11]. Và khi tu tập như vậy, Ngài biết đã đạt giải thoát bất động, đây là đời sống cuối cùng, sau đời sống này không còn đời nào khác [12].

III. CHÚ GIẢI

1. Kinh này mở đầu giống kinh số 48.

2. Bài kệ này theo gần trọn bản dịch của HT MC. Ðoạn 3, 4, 5 của bài kệ xuất hiện trong Pháp cú 3, 5, 6. Ba bài kệ cuối có trong Pháp cú 328-330.

3. Những đoạn kinh này gần giống với kinh 31. Nhưng rõ ràng kinh này được nói sớm hơn, vì trong kinh 31 cả ba vị tỷ kheo đều đã đắc quả A la hán, trong khi ở kinh này, họ chỉ đang nỗ lực tu hành để chứng quả.

4. Từ điểm này trở đi kinh bắt đầu khác với kinh 31. MA giải thích obhàsa ánh sáng hay quang sắc, là ánh sáng phát sinh lúc đắc thiền, và thêm rằng người chứng thiền thứ tư khai triển kasina ánh sáng làm chuẩn bị để đắc thiên nhãn. Sự thấy sắc là thấy các hình dạng với thiên nhãn. Về sau Phật đã công bố tôn giả là bậc đệ nhất về thiên nhãn.

5. Nimittam pativijjhitabham, nghĩa là ngươi nên đi sâu vào tướng ấỵ

6. Xem kinh 52.

7. MA: Trong khi ta tác ý một tướng duy nhất, ta khởi lên mong ước rằng ta nên tác ý nhiều tướng khác nhau. Rồi khi thì ta tác ý cõi trời, khi lại tác ý cõi người. Vì tác ý đến các loại tướng khác nhau như vậy mà sai biệt tưởng khởi lên trong ta.

8. Atinijjhàyitattam rúpànam. MA: Khi sai biệt tưởng khởi lên, ta nghĩ mình sẽ tác ý một loại sắc duy nhất, dù dễ chịu hay khó chịu. Khi làm thế, thiền quán ráo riết về sắc khởi lên trong ta.

9. Cittassa upakkileso. Cấu uế của tâm. Cũng danh từ này được dùng trong kinh số 7, mặc dù ở đây nó không có nghĩa là nhiễm ô do phiền não mà là những khiếm khuyết trong sự tu tập định. Do đó từ ngữ này được dịch là tùy phiền não thay vì dịch là cấu uế như kinh 7.

10. Ba đường lối có lẽ là ba loại định đầu tiên đề cập trong đoạn kế tiếp, mà Trường bộ 33 cũng đề cập kể như một bộ ba. Ðầu tiên là sơ thiền, thứ ba là ba thiền sau trong hệ thống bốn thiền. Loại định thứ hai không có chỗ đứng trong bốn thiền, nhưng được gọi là thiền thứ hai trong hệ thống năm thiền được nói trong tạng Luận. Thiền thứ hai trong năm thiền được chứng bởi những người không thể vượt qua tầm tứ cùng một lúc mà phải tuần tự diệt tầm rồi diệt tứ.

11. MA: Ðịnh có hỷ là hai thiền thấp; không hỷ là hai thiền cao; câu hữu với lạc là ba thiền đầu, câu hữu với xả là thiền thứ tư.

12. Theo MA, Phật khai triển các thiền chứng này vào canh cuối của đêm Ngài chứng đạo trong khi ngồi dưới cội bồ đề.

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

    Ðại chúng Câu diệm bì
    Kịch liệt đả kích nhau
    Không nghe Phật can gián
    Ngài nói kệ như sau:
    Giữa quần chúng la ó
    Không ai nghĩ mình ngu
    Giữa tăng chúng phân ly
    Có ai nghĩ hướng thượng.
    Thất niệm kẻ trí nói
    Ba hoa trăm thứ chuyện
    Há miệng nói thả dàn
    Dẫn đến đâu, ai biết?
    Nó mắng tôi, đánh tôi
    Nó hại tôi, cướp tôi
    Ai ôm oán niệm ấy
    Hận thù không thể nguôi.
    Nó mắng tôi đánh tôi
    Nó hại tôi, cướp tôi
    Không ôm oán niệm ấy
    Hận thù sẽ tự nguôi.
    Hận thù diệt hận thù
    Không đời nào diệt được
    Từ bi diệt hận thù
    định luật ngàn thu.
    Người khác không hiểu biết
    Rồi ta sẽ hoại diệt
    Những ai hiểu điều này
    Nhờ vậy tranh chấp tiêu.
    Kẻ chủ xướng hại mạng
    Cướp bò ngựa tài sản
    Kẻ cướp đoạt quốc độ
    Chúng còn biết đoàn kết
    Sao các ông không vậy?
    Nếu được bạn hiền trí
    Ðồng hành khéo ở chung
    Thì vượt mọi nguy nan
    Cùng sống vui chánh niệm.
    Nếu không bạn hiền trí
    Như vua bỏ quốc độ
    Ðể độc hành độc bộ
    Như voi trú rừng sâu.
    Thà một mình mình sống
    Không làm bạn kẻ ngu.
    Ðộc hành không ác hạnh
    Thoải mái như voi rừng.
    Ngài bỏ đi du hành
    Thăm tôn giả Bhagu,
    Thuyết pháp khích lệ ông
    Rồi đến nơi trú xứ
    Tôn giả A na luật
    Nan đề, Kim tỳ la
    Ba người đang cộng trú
    Phật hỏi thăm sinh hoạt
    A na luật trình bày
    Sự sống chung hòa hợp
    Mỗi người bỏ ý riêng
    Sống bằng tâm kẻ khác
    Tự giác trật tự chung
    Tinh cần không phóng dật
    Nhiệt tâm tu thiền định.
    Họ đã thấy ánh sáng
    Và các sắc hiện ra
    Nhưng rồi tan biến mất.
    Phật dạy A na luật
    Cần phải tìm nguyên nhân
    Tại sao định tướng mất.
    Xưa kia còn đang tu
    Ngài cũng gặp như vậy
    Và truy tìm nguyên nhân
    Thấy do tùy phiền não:
    Nghi hoặc, không tác ý
    Hôn trầm và sợ hãi,
    Hoặc đâm ra phấn chấn
    Như kẻ được hũ vàng.
    Hoặc là do dâm ý,
    Tinh cần thiếu hay thừa
    Ái dục, sai biệt tưởng
    Quá chú vào sắc pháp.
    Khi thấy các pháp này
    Chướng ngại cho thiền chứng
    Ngài liền gột trừ chúng
    Và tu tập ba cách
    Ðịnh có tầm có tứ
    Ðịnh không tầm có tứ
    định không tứ tầm
    Hoặc có hỷ, không hỷ
    Ðịnh câu hữu lạc, xả
    Khi tu tập như vậy
    Ngài đạt đến Bất động
    Biết đây đời sống cuối
    Không còn phải tái sinh.

 

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 129

Hiền ngu
(Bàlapanditasuttam)

I. TOÁT YẾU

Fools and Wise Men.

The sufferings of hell and animal life onto which a fool is reborn through his evil deeds, and the pleasures of heaven that a wise man reaps through his good deeds.

Kẻ ngu và người trí.

Những thống khổ của cõi địa ngục và súc sinh mà do ác nghiệp, kẻ ngu tái sinh vào, và những thiên lạc mà người trí gặt hái do thiện hành.

II. TÓM TẮT

Phật dạy chúng tỷ kheo về kẻ ngu và người trí.

A. Người ngu:

Có ba đặc điểm là nghĩ ác, nói ác và làm ác; cảm thọ ba loại khổ trong hiện tại khi nghe ai nói động đến việc ác mình có làm, khi thấy kẻ có tội như mình bị trừng phạt bằng các cực hình [1], và khi nằm ngồi thường bị ám ảnh bởi tội lỗi đã làm, như xế chiều bóng núi đổ trên mặt đất. Khi chết người ngu tái sinh vào cõi dữ như địa ngục chịu khổ hơn cả người mỗi ngày bị đâm ba trăm mũi giáo [2], hoặc vào các loài bàng sinh ăn bẩn, sinh ra và chết nơi u tối ẩm thấp tùy theo nghiệp ác đã làm. Trả hết nghiệp được làm người thì bị sinh vào gia đình hèn hạ, lại làm ác và phải đọa như trước. Ðược làm người là một cơ may hiếm có như rùa mù chui cổ vào một tấm ván có lỗ trôi lênh đênh trên biển. Như người thua canh bạc đầu tiên phải bán cả gia sản vợ con là một sự mất mát lớn, nhưng còn vô vàn lớn hơn thế nữa là sự mất mát của kẻ ngu làm ác bị đọa. Ðây là chu kỳ trọn vẹn của kẻ ngu [3].

B. Người trí:

Ðặc điểm của người trí là nghĩ lành, nói lành và làm lành; hiện tại cảm thọ va sự vui là lúc nghe bàn tán sự từ bỏ các ác hành và tự xét mình không làm ác [4]; lúc thấy kẻ ác bị trừng phạt do ác hành và tự xét mình không có như vậy; và lúc nghỉ ngơi tự xét đã không làm điều quấy nên được an ổn. Khi chết tái sinh vào cõi trời hưởng thiên lạc thù thắng hơn vua chuyển luân [5] với bảy báu (xe, voi, ngựa, cư sĩ, nữ báu, tướng quân và châu báu) và bốn đức (đẹp, sống lâu, khỏe mạnh, được dân chúng yêu mến). Sau một thời gian dài hưởng thiên lạc, nếu lại sinh làm người thì vào nhà quyền quý cao sang. Như kẻ đánh bạc thắng canh bạc đầu tiên được rất nhiều tài sản, lợi lạc của người trí làm ba thiện hành còn vạn lần lớn hơn. Ðây là chu kỳ trọn vẹn của người trí [6].

III. CHÚ GIẢI

1. Như kinh số 13.

2. Ẩn dụ sau đây được giải thích trong kinh Tương ưng 12 để hiển thị sự ăn bằng thức (thức thực).

3. MA: Nghĩa là, kẻ ngu do làm ba ác hành mà tái sinh vào địa ngục. Do quả báo của nghiệp địa ngục còn sót lại, nên khi được trở lại làm người thì sinh vào gia đình hèn hạ, rồi lại làm ba ác hành và lại đọa địa ngục.

4. Mặc dù trong nguyên bản Pali không có chữ na ở đầu, ở đây cần thêm na mới có nghĩa muốn nói, như trong các mệnh đề tương đương ở đoạn sau.

5. Xem kinh 91. Huyền thoại về Chuyển luân vương được bàn rộng rãi trong kinh Trường bộ 17 và 26.

6. MA: Nghĩa là, người trí nhờ làm ba thiện hành mà được sinh lên trời. Khi trở lại nhân gian, họ sinh vào nhà lành, có tài sản và sắc đẹp. Họ lại làm ba thiện hành và lại sinh lên trời. Cần để ý rằng sự hoàn thiện của người trí ở đây hoàn toàn thuộc thế gian, không nói gì đến những giai đoạn thù thắng hơn trên con đường đưa đến giải thoát.

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

    Phật dạy chúng tỷ kheo
    Về kẻ ngu, người trí
    Ba đặc điểm kẻ ngu
    Là nghĩ, nói, làm ác.
    Hiện tại có ba khổ:
    Khi nghe chuyện liên hệ
    Những việc ác mình làm
    Khi thấy kẻ như mình
    Bị phạt bằng cực hình
    Khi tâm tư bị ám
    Bởi tội lỗi đã làm
    Như xế chiều bóng núi.
    Chết tái sinh cõi dữ
    Ðọa địa ngục, bàng sinh
    Theo nghiệp trước kia tạo.
    Ðã đọa vào cõi ấy
    Thì khó lại làm người
    Rùa mù gặp lỗ ván
    Trôi nổi giữa biển khơi
    Ðến khi được làm người
    Tái sinh nhà hèn hạ
    Lại làm ác, lại đọa.
    Tình trạng thảm thê hơn
    Kẻ thua canh bạc lớn
    Ðấy bức tranh toàn vẹn
    Hoàn cảnh của kẻ ngu.
    Người trí có đặc điểm
    Nghĩ nói làm điều lành
    Hiện tại có ba vui:
    Khi nghe chuyện liên hệ
    Các ác mình đã bỏ;
    Thấy kẻ bị trừng phạt
    Do ác hành đã làm
    Tự xét mình không vậy;
    Và do không làm quấy
    Tâm tư luôn an vui
    Chết sinh vào cõi trời
    Hưởng thiên lạc thù thắng
    Hơn cả chuyển luân vương
    Với bảy báu bốn đức
    Sau một thời gian dài
    Hưởng thụ các thiên lạc
    Nếu trở lại làm người
    Sinh vào nhà quyền quý
    Lợi lạc của kẻ trí
    Thật vô vàn lớn hơn
    Ðánh thắng canh bạc lớn.
    Ðấy bức tranh toàn vẹn
    Hoàn cảnh của kẻ hiền.

 

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 130

Thiên sứ

I. TOÁT YẾU

The Divine Messengers.

The Buddha describes the sufferings of hell that await the evil-doer after death.

Sứ giả thiêng liêng.

Phật mô tả những nổi khổ ở địa ngục đang chờ đợi kẻ làm ác sau khi chết.

II. TÓM TẮT

Phật dạy chúng tỷ kheo rằng với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ngài thấy chúng sinh chết và tái sinh tùy theo nghiệp lành dữ. Những hữu tình thành tựu thiện hành về thân, lời, ý, có chính kiến, không phỉ báng các bậc thánh, chết tái sinh vào cõi tốt lành như cõi người cõi trời.

Ngược lại những hữu tình thành tựu ba loại ác hành về thân, lời, ý, có tà kiến, thường phỉ báng các bậc thánh, chết tái sinh vào những cõi xấu ác như ngạ quỷ, bàng sinh, địa ngục. Tại đây Yama [1] cho họ biết có năm thiên sứ [2] (sứ giả nhà trời) thường hiện ra giữa loài người là trẻ sơ sinh, người già, người bệnh, kẻ có tội bị trừng phạt, và xác chết; nhưng vì ham vui họ đã không ý thức rằng mình cũng bị chi phối bởi sinh, già, bệnh, chết, và có thể phạm tội ác, để lo làm các thiện hành về thân, khẩu, ý. Vì đã sống buông thả không lánh dữ làm lành nên giờ đây họ phải chịu hậu quả ác nghiệp do chính họ làm, không phải do ai khác. Sau khi bị Diêm vương thẩm vấn, họ bị các người canh giữ tra tấn bằng những cực hình làm họ đau đớn khốc liệt rồi lại bị quăng vào Ðại địa ngục [3] toàn bằng sắt nóng, địa ngục Phấn nị, địa ngục Than hừng, địa ngục Rừng gai, địa ngục Rừng lá gươm, địa ngục Sông vôi. Tại đấy khi đói, họ phải ăn hoàn sắt nóng, khát uống nước đồng sôi. Dù đau đớn khốc liệt, họ vẫn phải chết đi sống lại để chịu khổ và chỉ mạng chung khi ác nghiệp đã tiêu trừ. Phật dạy điều này chỉ có Ngài thấy biết, không nghe từ ai khác. Và Ngài kết thúc bằng một bài kệ nói mặc dù đã được thiên sứ báo động, kẻ ngu vẫn sống buông thả và phải chịu đau khổ dài lâu, còn bậc trí thấy vậy không bao giờ phóng dật, siêng tu diệu pháp, giải thoát khỏi chấp thủ và nhờ vậy chấm dứt sinh tử về sau, hiện tại được an lạc.

III. CHÚ GIẢI

1. Yama là thần chết. MA nói ông ta là chúa tể của loài ma sở hữu một cung trời. Khi thì ông sống trên cung trời hưởng thọ thiên lạc, khi thì ông thọ quả báo của nghiệp; ông ta là một ông vua công chính. MA thêm rằng kỳ thực có đến bốn Yamas, mỗi ông trấn một trong bốn cổng (địa ngục?).

2. Theo thần thoại PG, ba thiên sứ là người già, người bệnh, và xác chết, xuất hiện trước đức Bồ tát trong khi Ngài đang sống trong hoàng cung, khiến Ngài đâm chán, muốn xa lìa cuộc sống thế tục và đánh thức trong Ngài ước muốn tìm giải thoát. Xem Tăng chi 3, để thấy cái cốt lõi tâm lý mà có lẽ từ đó câu chuyện đã được triển khai.

3. Sự mô tả địa ngục ở đây cũng được tìm thấy trong kinh 129.

4. Bắt đầu từ chỗ này trong Kệ tụng dưới đây, chép nguyên văn lời kệ do Hòa thượng Minh Châu dịch.

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

    Với thiên nhãn thanh tịnh
    Phật thấy các hữu tình
    Chết rồi lại tái sinh
    Tùy theo nghiệp lành dữ.
    Ai thành tựu thiện hành
    Về thân, lời và ý,
    Làm việc theo chính kiến
    Không phỉ báng bậc thánh
    Chết tái sinh cõi lành
    Làm người, sinh thiên giới.
    Ngược lại những hữu tình
    Thành tựu ba ác hành
    Về thân, lời, và ý
    Lại thêm có tà kiến
    Phỉ báng các bậc thánh
    Chết sinh làm ngạ quỷ
    Vào bàng sinh, địa ngục.
    Diêm vương tra vấn họ
    Về thiên sứ hiện ra:
    Trẻ sơ sinh, người già
    Người bệnh và xác chết
    Phạm tội bị cực hình
    Sao không biết chính mình
    Sẽ lâm vào cảnh ấy
    Ðể phát tâm tu hành
    Vẫn buông lung thói ác?
    Giờ đây ngươi phải chịu
    Hậu quả của ác nghiệp
    Do chính ngươi đã làm
    Không phải do ai khác.
    Diêm vương thẩm vấn xong
    Người canh giữ địa ngục
    Tra tấn kẻ làm ác
    Những cực hình khốc liệt
    Quăng vào Ðại địa ngục
    Làm toàn bằng sắt nóng
    Rồi địa ngục Phấn nị
    Ðến địa ngục Than hừng
    Qua địa ngục Rừng gai
    Ðịa ngục Rừng lá gươm
    địa ngục Sông vôi
    Ðói ăn hoàn sắt nóng
    Khát uống nước đồng sôi
    đau đớn dữ dội
    Ðến chết đi sống lại
    Sinh mạng vẫn kéo dài
    Bao lâu chưa tiêu nghiệp
    Ðiều này Phật thấy biết,
    Không nghe từ một ai.
    Ðối với bậc hiền trí
    Ðược thiên sứ báo động [4]
    Không bao giờ phóng dật
    Trong diệu pháp bậc thánh.
    Thấy sợ trong chấp thủ
    Trong hiện hữu sinh tử
    Ðược giải thoát chấp thủ
    Sinh tử được đoạn trừ
    Ðược yên ổn khoái lạc
    Ngay hiện tại tịch tịnh
    Hết oán hận sợ hãi
    Thoát đau đớn khổ sầu.

 

 

---o0o---

 

[Mục Lục] [01] [02] [03] [04] [05] [06] [07]

[08] [09] [10] [11] [12] [13] [14] [15]

 

---o0o---

Nguồn: www.nigioingaynay.com

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 1-12-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Þ cẫm bat ngo ceo thai ha books chan dat di an suy ngẫm về việc tan TÃo æåŒ vang 佛教典籍的數位化結集 æ æ³ ä½œæ ç ¼èµžå ½åº ä½œæ Ã ç½ åˆ¹å ³ 关于青春的议论文 Quay về với yêu thương åƒäæœä½ xuan van hanh 五痛五燒意思 Đi dọc đường quê 塩谷八幡宮 à สโตร ส รา お墓の種類と選び方 看完新闻联播的观后感 Ð Ð Ð 心累的时候 换个角度看世界 築地本願寺の年末恒例行事帰敬式 描写家乡的桥的句子 พระพ ทธศ ลปาว 护法 hoa thuong thich mat hien 1907 Ç văn å æžœ โทษของเท ยวกลางค น ï¾ ï½ Hà nh 佛經 丢失菩提心的因缘 地藏十轮经 chùa pháp bảo 瑞州三峰院的平和尚 唐代 臨濟 thuyen 乃父之風 천수경듣기 Phật giáo 士用果 ด หน ง