(1)
Bấy giờ Phổ-Hiền đại Bồ-Tát bảo chư Bồ-Tát rằng : " Chư Phật-tử ! Ðại
bồ-Tát có mười thứ thông :
Ðại Bồ-Tát dùng tha-tâm-trí-thông biết tâm sai-biệt của chúng-sanh trong
một Ðại-Thiên thế-giới. Những là tâm thiện, tâm bất-thiện, tâm rộng, tâm
hẹp, tâm lớn, tâm nhỏ, tâm thuận sanh tử, tâm trái sanh tử, tâm
thanh-văn-hạnh, tâm Ðộc-Giác-hạnh, tâm Bồ-Tát-hạnh, tâm Thiên, tâm Long,
tâm Dạ-xoa, tâm Càn-thát-bà, tâm A-tu-la, tâm Ca-lâu-la, tâm Khẩn-na-la,
tâm Ma-hầu-la-già, tâm nhơn, tâm phi-nhơn, tâm địa-ngục, tâm súc-sanh, tâm
xứ Diêm-ma-vương, tâm ngạ-quỷ, tâm chúng-sanh nơi các nạn-xứ. Những tâm
chúng-sanh vô-lượng sai-biệt như vậy điều phân-biệt biết rõ.
Như một thế-giới, đến trăm thế-giới, ngàn thế-giới, trăm ngàn thế-giới,
trăm ngàn ức na-do-tha thế-giới, nhẫn đến bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết
phật-sát vi-trần-số thế-giới, trong đó có bao nhiêu tâm chúng-sanh đều
phân-biệt biết.
Trên đây gọi là thiện-tri tha-tâm-trí thần-thông thứ nhứt của đại Bồ-Tát.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát dùng vô-ngại thanh-tịnh thiên-nhãn trí-thông thấy
chúng-sanh trong vô-lượng bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết phật-sát
vi-trần-số thế-giới, chết đây sanh kia, loài lành, loài dữ, tướng phước,
tướng tội, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc nhơ, hoặc sạch. Những phẩm loại
vô-lượng chúng-sanh như vậy. Những là bát bộ chúng, chúng-sanh thân to
lớn, chúng-sanh thân nhỏ nhít. Trong các loài chúng-sanh như vậy dùng
vô-ngại nhãn thảy đều thấy rõ. Tùy nghiệp mà chức nhóm, tùy chỗ thọ khổ
vui, tùy tâm phân-biệt, tùy kiến chấp, tùy ngôn ngữ, tùy nhơn, tùy nghiệp,
tùy sở-duyên, tùy sơ-khởi, thảy đều thấy rõ không sai lầm.
Trên đây là vô-ngại thiên-nhãn trí-thần-thông thứ hai của đại Bồ-Tát.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát dùng túc-trụ-tùy-niệm-trí-thông có thể biết
tự-thân và tất cả chúng-sanh trong bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết phật-sát
vi-trần-số thế-giới, những việc đời trước trong quá-khứ bất-khả-thuyết
bất-khả-thuyết phật-sát vi-trần-số kiếp. Những là : xứ đó sanh ra có tên
như vậy, họ như vậy, chủng-tộc như vậy, uống ăn như vậy, khổ vui như vậy.
Từ vô-thỉ đến nay ở trong các cõi, do nhân do duyên xoay vần thêm lớn, thứ
đệ nối tiếp, luân-hồi chẳng dứt, các thứ phẩm loại, các thứ cõi nước, các
thứ loài sanh, các thứ hình tướng, các thứ hành nghiệp, các thứ kiết-sử,
các thứ tâm niệm, các thứ nhơn-duyên thọ sanh sai khác. Những việc như vậy
thảy đều biết rõ. Lại nhớ trong vi-trần-số kiếp như vậy, trong vi-trần-số
thế-giới như vậy, có vi-trần-số chư Phật như vậy. Mỗi đức Phật có danh
hiệu như vậy, xuất thế như vậy, chúng-hội như vậy, cha mẹ như vậy, thị-giả
như vậy, Thanh-Văn như vậy, hai vị đại đệ-tử tối-thắng như vậy, nơi thành
ấp như vậy, xuất-gia như vậy. Lại ở dưới cội bồ-đề như vậy thành vô-thượng
chánh-giác, nơi chỗ như vậy, ngồi tòa như vậy, diễn thuyết ngần ấy kinh
điển, lợi ích chúng-sanh như vậy, trong bao nhiêu thời gian trụ thọ-mạng
ra làm những phật-sự, y nơi vô-dư niết-bàn-giới mà nhập niết-bàn, sau đó
chánh-pháp trụ thế lâu mau, tất cả những việc như vậy đều ghi nhớ.
Lại ghi nhớ danh-hiệu của bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết phật-sát
vi-trần-số chư Phật. Mỗi mỗi danh-hiệu có bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết
phật-sát vi-trần-số Phật, từ sơ-phát-tâm. khởi nguyện, tu hành, cúng dường
chư Phật, điều-phục chúng-sanh, chúng hội thuyết pháp, thọ mạng nhiều ít,
thần-thông biến-hóa nhẫn đến nhập nơi vô-dư niết-bàn. Sau đó pháp trụ lâu
mau, xây dựng tháp miếu các thứ trang-nghiêm, làm cho chúng-sanh vun trồng
thiện-căn, thảy đều có thể biết.
Trên đây là túc-trụ-trí thần-thông thứ ba biết kiếp quá-khứ của đại
Bồ-Tát.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát dùng trí-thông biết hết kiếp thuở vị-lai, biết
những kiếp của trong bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết phật-sát vi-trần-số
thế-giới. Trong mỗi mỗi kiếp có những chúng-sanh mạng chung thọ sanh, các
cõi tiếp nối, nghiệp hành quả báo, hoặc thiện hoặc bất thiện, hoặc xuất ly
hoặc chẳng xuất ly, hoặc quyết định hoặc chẳng quyết định, hoặc tà-định
hoặc chánh-định, hoặc thiện-căn chung cùng với kiết-sử, hoặc thiện-căn
chẳng chung cùng với kiết-sử, hoặc thiện-căn đầy đủ, hoặc chẳng đầy đủ,
hoặc nhiếp-thủ thiện-căn, hoặc chẳng nhiếp-thủ thiện-căn, hoặc tích tập
thiện-căn, hoặc chẳng tích tập thiện-căn, hoặc tích tập tội pháp hoặc
chẳng tích tập tội pháp. Tất cả như vậy đều có thể biết rõ. Lại biết
bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết phật-sát vi-trần-số thế-giới tận thuở vị-lai
có bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết phật-sát vi-trần-số kiếp, mỗi mỗi kiếp có
bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết phật-sát vi-trần-số danh hiệu chư Phật, mỗi
mỗi danh hiệu có bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết phật-sát vi-trần-số chư
Phật Như-Lai. Mỗi mỗi Như-Lai từ sơ-phát-tâm khởi nguyện lập hạnh
cúng-dường chư Phật, giáo-hóa chúng-sanh, chúng-hội thuyết pháp, thọ mạng
nhiều ít, thần-thông biến-hóa, nhẫn đến nhập nơi vô-dư niết-bàn, sau đó
pháp trụ lâu mau, tạo lập tháp miếu các thứ trang-nghiêm làm cho
chúng-sanh vun trồng căn lành. Những sự như vậy đều biết rõ.
Trên đây là tri-thần-thông thứ tư biết tột hết những kiếp thuở vị-lai của
đại Bồ-Tát.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-tát thành tựu vô-ngại thanh-tịnh thiên-nhĩ-viên-mãn
quảng đại thông suốt không chướng, nghe thấu vô-ngại thành-tựu đầy đủ. Với
tất cả âm thanh, muốn nghe hay chẳng muốn nghe đều tùy ý tự-tại.
Chư Phật-tử ! Phương đông có bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết phật-sát
vi-trần-số Phật, chư Phật nầy giảng nói chỉ dạy, chỗ an lập, chỗ giáo-hóa,
chỗ điều phục, chỗ ức niệm, chỗ phân-biệt những pháp thanh-tịnh thậm thâm
quảng đại các thứ sai biệt vô-lượng phương-tiện vô-lượng thiện-xảo. Bồ-Tát
nầy đều có thể thọ-trì tất cả. Lại ở trong đó, hoặc nghĩa hoặc văn, hoặc
một người, hoặc chúng-hội, đúng như ngôn từ, đúng như trí-huệ, như chỗ tỏ
thấu, như chỗ thị-hiện, như chỗ điều-phục, như cảnh-giới, như sở-y, như
đạo xuất ly, Bồ-Tát nầy đều hay ghi nhận tất cả chẳng quên chẳng mất,
chẳng dứt chẳng thối, không mê không lầm, vì người khác mà diễn nói khiến
họ được tỏ ngộ. Trọn chẳng quên mất một văn một câu.
Như phương đông, chín phương kia cũng như vậy.
Trên đây là trí-thần-thông thiên-nhĩ thanh-tịnh vô-ngại thứ năm của đại
Bồ-Tát.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát trụ vô-thể-tánh thần-thông, vô-tác thần-thông,
bình-đẳng thần-thông, quảng-đại thần-thông, vô-lượng thần-thông, vô-y
thần-thông, tùy niệm thần-thông, khởi thần-thông, bất-khởi thần-thông, bất
thối thần-thông, bất-đoạn thần-thông, bất-hoại thần-thông, tăng trưởng
thần-thông, tùy nghệ thần-thông.
Ðại Bồ-Tát nầy nghe danh hiệu chư Phật trong tất cả thế-giới rất xa. Những
là vô-số thế-giới, vô-lượng thế-giới, nhẫn đến danh-hiệu chư Phật trong
bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết phật-sát vi-trần-số thế-giới. Nghe danh hiệu
chư Phật xong thời tự thấy thân mình ở chỗ chư Phật đó. Các thế-giới đó
hoặc ngửa hoặc úp, những hình trạng khác, những sai-biệt, vô-biên vô-ngại
các thứ cõi nước, các thứ thời kiếp, vô-lượng công-đức đều trang-nghiêm
khác nhau. Chư Phật Như-Lai đó xuất-hiện trong ấy, thị-hiện thần-biến,
xưng dương danh hiệu, vô-lượng vô-số riêng khác chẳng đồng.
Ðại Bồ-Tát nầy một khi nghe danh hiệu của chư Phật đó, chẳng động bổn-xứ
mà thấy thân mình ở chỗ Phật đó lễ bái cúng-dường, hỏi pháp bồ-tát, nhập
phật-trí, đều rõ thấy được các phật-độ, đạo-tràng chúng-hội và sự thuyết
pháp, đến nơi rốt ráo không chỗ chấp lấy. Như vậy trải qua bất-khả-thuyết
bất-khả-thuyết phật-sát vi-trần số kiếp, khắp đến mười phương mà không chỗ
qua đến, nhưng những sự đến cõi, quán Phật, nghe pháp, thỉnh đạo, không
lúc nào ngừng ngớt, không phế bỏ, không thôi nghỉ, không nhàm mỏi, tu hạnh
bồ-tát, thành-tựu đại nguyện, đều làm cho đầu đủ từng không thối-chuyển.
Vì khiến chủng-tánh quảng-đại của Như-Lai chẳng đoạn tuyệt.
Trên đây là trí thần-thông thứ sáu trụ vô-thể-tánh vô-động-tác mà qua đến
tất cả cõi Phật của đại Bồ-Tát.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát dùng trí thần-thông khéo phân biệt ngôn âm của
tất cả chúng-sanh, biết các loại ngôn từ của chúng-sanh trong
bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết phật-sát vi-trần-số thế-giới. Những là
thánh-ngôn-từ, chẳng phải thánh-ngôn-từ, ngôn-từ của Thiên, Long, bát-bộ
nhẫn đến bao nhiêu ngôn-từ của bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết chúng-sanh,
đều biểu-thị riêng khác, các loại sai-biệt, tất cả như vậy đều có thể biết
rõ.
Tùy vào trong thế-giới nào, đại Bồ-Tát nầy đều biết được những tánh dục
của tất cả chúng-sanh trong đó. Ðúng như tánh dục của họ, Bồ-Tát nói ra
ngôn-từ đều khiến họ hiểu biết không nghi lầm.
Như mặt nhựt mọc lên chiếu khắp các hình sắc, làm cho người có con mắt đều
thấy được rõ-ràng.
Cũng vậy, đại Bồ-Tát dùng trí khéo phân-biệt tất cả ngôn từ, thâm nhập tất
cả mây ngôn từ, có lời nói ra khiến những kẻ thông-minh ở các thế-gian đều
được hiểu rõ.
Trên đây là trí thần-thông thứ bảy khéo phân-biệt tất cả ngôn-từ của đại
Bồ-Tát.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát dùng trí thần-thông xuất sanh vô-lượng vô-số
sắc-thân trang-nghiêm, biết tất cả pháp xa lìa sắc-tướng, không tướng
sai-biệt, không các thứ tướng, không vô-lượng tướng, không tướng
phân-biệt, không tướng xanh vàng đỏ trắng. Bồ-Tát nhập nơi pháp-giới như
vậy, có thể hiện thân mình làm các hình sắc. Những là sắc vô-biên, sắc
vô-lượng, sắc thanh-tịnh, sắc trang-nghiêm, sắc phổ-biến, sắc vô-tỉ, sắc
phổ-chiếu, sắc tăng-thượng, sắc không trái nghịch, sắc đủ các tướng, sắc
lìa các ác, sắc oai-lực lớn, sắc đáng tôn trọng, sắc vô cùng tận, sắc
nhiều xinh đẹp, sắc rất đoan nghiêm, sắc chẳng thể lường, sắc khéo thủ hộ,
sắc hay thành thục, sắc tùy người biến hóa, sắc không chướng ngại, sắc rất
sáng suốt, sắc không cấu trược, sắc rất đứng sạch, sắc rất mạnh khoẻ, sắc
phương-tiện bất-tư-nghì, sắc chẳng bị phá hoại, sắc rời vết mờ, sắc không
tối tăm, sắc khéo an-trụ, sắc diệu trang-nghiêm, sắc nhiều tướng đoan
nghiêm, sắc những tướng tùy hảo, sắc đại tôn quý, sắc diệu cảnh-giới, sắc
khéo trau bóng, sắc thâm tâm thanh-tịnh, sắc rực rỡ rất sáng, sắc
tối-thắng quảng-đại, sắc không gián-đoạn, sắc không sở-y, sắc không gì
sánh bằng, sắc tràn đầy bất-khả-thuyết cõi Phật, sắc tăng trưởng, sắc
nhiếp thọ kiên-cố, sắc công-đức tối-thắng, sắc tùy những tâm sở-thích, sắc
thanh-tịnh hiểu rõ, sắc chứa nhóm những đẹp, sắc thiện-xảo quyết-định, sắc
không chướng-ngại, sắc hư không sáng sạch, sắc thanh-tịnh đáng thích, sắc
lìa những trần cấu, sắc chẳng thể cân lường, sắc diệu-kiến, sắc phổ-biến,
sắc tùy thời thị-hiện, sắc tịch-tịnh, sắc lìa tham, sắc phước-điền chơn
thiệt, sắc hay làm an ổn, sắc lìa những bố-úy, sắc lìa hạnh ngu si, sắc
trí-huệ dũng-mãnh, sắc thân tướng vô-ngại, sắc du hành cùng khắp, sắc tâm
không sở-y, sắc đại-từ khởi ra, sắc đại bi hiện ra, sắc bình-đẳng xuất ly,
sắc đầy đủ phước-đức, sắc tùy tâm ức niệm, sắc vô-biên diệu-bửu, sắc
bửu-tạng quang minh, sắc chúng-sanh tin mến, sắc nhứt-thiết-trí hiện-tiền,
sắc hoan-hỷ-nhãn, sắc những báu trang-nghiêm đệ nhứt, sắc không có xứ sở,
sắc thị-hiện tự-tại, sắc các thứ thần-thông, sắc sanh nhà Như-Lai, sắc hơn
các ví-dụ, sắc cùng khắp pháp-giới, sắc đại-chúng đều qua đến, sắc nhiều
thứ, sắc thành-tựu, sắc xuất ly, sắc tùy theo oai-nghi của người biến-hóa,
sắc thấy không biết chán, sắc nhiều thứ sáng sạch, sắc hay phóng vô-số
lưới quang-minh, sắc bất-khả-thuyết quang-minh các thứ sai-biệt, sắc
bất-khả-tư hương quang-minh vượt hơn ba cõi, sắc bất-khả-lượng nhựt-luân
quang-minh chiếu sáng, sắc thị-hiện vô-tỉ nguyệt-thân, sắc vô-lượng mây
hoa đáng ưa thích, sắc xuất sanh nhiều loại mây tràng liên-hoa
trang-nghiêm, sắc ngọn lửa thơm-xông khắp nơi vượt hơn tất cả thế-gian,
sắc xuất sanh tất cả Như-Lai tạng, sắc bất-khả-thuyết âm-thanh khai-thị
tất cả pháp, sắc đầy đủ tất cả hạnh Phổ-Hiền.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát thâm nhập vô-sắc pháp-giới như vậy, hay hiện
những loại sắc-thân như vậy, làm cho kẻ được giáo-hóa thấy và nhớ. Vì kẻ
được giáo-hóa mà chuyển pháp-luân. Tùy theo thời và tướng của kẻ được
giáo-hóa, làm cho họ thân cận, làm cho họ khai ngộ, vì họ mà khởi các thứ
thần-thông, vì họ mà hiện các thứ tự-tại, vì họ mà ra làm các việc.
Trên đây gọi là đại Bồ-Tát vì độ tất cả chúng-sanh siêng tu thành-tựu trí
thần-thông thứ tám hiện vô-số sắc thân.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát dùng nhứt-thiết-pháp trí-thông biết tất cả pháp
không có danh-tự, không có chủng-tánh, không đến không đi, chẳng phải
khác, chẳng phải chẳng khác, chẳng phải các thứ, chẳng phải chẳng các thứ,
chẳng phải hai, chẳng phải chẳng hai, vô-ngã, vô-tỉ, bất-sanh, bất-diệt,
chẳng động, chẳng hoại, không thiệt, không hư, nhứt tướng, vô-tướng, phi
vô, phi hữu, chẳng phải pháp, chẳng phải phi-pháp, chẳng tùy tục, chẳng
phải chẳng tùy tục, chẳng phải nghiệp, chẳng phải phi-nghiệp, chẳng phải
báo, chẳng phải phi-báo, chẳng phải hữu-vi, chẳng phải vô-vi, chẳng phải
đệ-nhứt-nghĩa, chẳng phải chẳng đệ-nhứt-nghĩa, chẳng phải đạo, chẳng phải
phi-đạo, chẳng phải xuất ly, chẳng phải chẳng xuất ly, phi lượng, phi
vô-lượng, chẳng phải thế-gian, chẳng phải xuất-thế-gian, chẳng phải từ
nhơn sanh, chẳng phải chẳng từ nhơn sanh, chẳng phải quyết-định, chẳng
phải chẳng quyết-định, chẳng phải thành-tựu, chẳng phải chẳng thành-tựu,
chẳng phải xuất, chẳng phải chẳng xuất, chẳng phải phân-biệt, chẳng phải
chẳng phân-biệt, chẳng phải như lý, chẳng phải chẳng như lý.
Ðại Bồ-Tát nầy chẳng lấy thế-tục-đế, chẳng trụ đệ-nhứt-nghĩa, chẳng
phân-biệt các pháp, chẳng kiến lập văn tự, tùy thuận tánh tịch-diệt, chẳng
bỏ tất cả nguyện, thấy nghĩa biết pháp, bủa mây pháp, xối mưa pháp. Dầu
biết thiệt-tướng không thể nói phô, mà dùng phương-tiện vô-tận biện-tài,
theo pháp theo nghĩa thứ đệ diễn thuyết. Bởi với các pháp, ngôn từ biện
thuyết đều được thiện xảo, đại từ đại bi đều đã thanh-tịnh. Có thể ở trong
tất cả pháp rời văn tự mà xuất sanh văn tự, cùng pháp, cùng nghĩa tùy
thuận chẳng trái, mà nói các pháp đều từ duyên khởi.
Dầu có ngôn thuyết mà không chấp trước. Diễn nói tất cả pháp biện tài
vô-tận, phân-biệt an lập khai phát chỉ dạy, làm cho pháp-tánh hiển rõ đầy
đủ, dứt lưới nghi của đại-chúng, tất cả đều được thanh-tịnh.
Dầu nhiếp chúng-sanh mà chẳng bỏ chơn-thiệt. Nơi pháp bất-nhị mà không
thối chuyển. Thường hay diễn thuyết pháp-môn vô-ngại. Dùng những diệu-âm
theo tâm chúng-sanh mưa pháp-vũ khắp nơi chẳng hề lỗi thời.
Trên đây gọi là nhứt-thiết pháp trí thần-thông thứ chín của đại Bồ-Tát.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát dùng nhứt-thiết-pháp diệt tận tam-muội trí-thông
trong mỗi niệm nhập nhứt-thiết-pháp diệt-tận tam-muội. Nhưng cũng chẳng
thối bồ-tát-đạo, chẳng bỏ bồ-tát-sự, chẳng rời tâm đại-từ đại-bi, tu tập
ba-la-mật chưa từng thôi nghỉ, quán-sát tất cả cõi Phật không có nhàm mỏi,
chẳng bỏ nguyện độ chúng-sanh, chẳng dứt sự chuyển pháp-luân, chẳng bỏ
nghiệp giáo-hóa chúng-sanh, chẳng bỏ hạnh cúng-dường chư Phật, chẳng bỏ
môn nhứt-thiết-pháp tự-tại, chẳntg bỏ thường thấy tất cả Phật chẳng bỏ
thường nghe tất cả pháp. Biết tất cả pháp bình-đẳng vô-ngại tự-tại
thành-tựu. Tất cả phật-pháp có bao nhiêu thắng-nguyện đều được viên-mãn.
Rõ biết tất cả cõi nước sai-biệt. Vào chủng-tánh Phật đến nơi bỉ-ngạn. Có
thể ở trong những thế-giới kia, học tất cả pháp rõ pháp vô-tướng. Biết tất
cả pháp đều từ duyên khởi không có thể-tánh, nhưng tùy thế-tục phương-tiện
diễn thuyết. Dầu ở nơi các pháp tâm vô-sở-trụ nhưng thuận theo căn tánh sở
thích của chúng-sanh mà phương-tiện vì họ nói các pháp.
Lúc Bồ-Tát nầy trụ nơi tam-muội, tùy theo tâm sở thích, hoặc trụ một kiếp,
hoặc trụ trăm kiếp, ngàn kiếp, ức kiếp, trăm ức kiếp, ngàn ức kiếp, trăm
ngàn ức kiếp, na-do-tha ức kiếp, trăm na-do-tha ức kiếp, ngàn na-do-tha ức
kiếp, trăm ngàn na-do-tha ức kiếp, hoặc trụ vô-số kiếp, vô-lượng kiếp,
nhẫn đến hoặc trụ bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết kiếp.
Ðại Bồ-Tát nhập nhứt-thiết-pháp diệt-tận tam-muội nầy, dầu trụ trong bao
nhiêu kiếp như trên mà thân chẳng tan rã, chẳng ốm gầy, chẳng đổi khác,
chẳng phải thấy, chẳng phải chẳng thấy, chẳng diệt, chẳng hoại, chẳng mỏi,
chẳng lười, chẳng thể kiệt tận. Dầu nơi có nơi không đều vô-sở-tác mà có
thể làm xong các việc Bồ-tát. Những là hằng chẳng bỏ lìa tất cả
chúng-sanh, giáo-hóa điều-phục chưa từng lỗi thời, khiến họ tăng trưởng
tất cả phật-pháp, nơi hạnh Bồ-Tát đều được viên-mãn.
Vì
muốn lợi ích tất cả chúng-sanh nên thần-thông biến-hóa chẳng thôi dứt,
nhưng nơi tam-muội vẫn tịch-nhiên chẳng động. Ví như ánh sáng mặt nhựt
chiếu hiện tất cả.
Trên đây là đại Bồ-Tát nhập nhứt-thiết-pháp diệt tận tam-muội
trí-thần-thông thứ mười của đại Bồ-Tát.
Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát trụ nơi mười thứ thần-thông như vậy, tất cả trời
người không nghĩ bàn được, tất cả chúng-sanh chẳng nghĩ bàn được tất cả
Thanh-Văn Ðộc-Giác và chúng Bồ-Tát khác cũng đều chẳng nghĩ bàn được.
Ðại Bồ-Tát nầy thân-nghiệp chẳng thể nghĩ bàn, ngữ-nghiệp và ý-nghiệp đều
chẳng thể nghĩ bàn, tam-muội tự-tại, cảng-giới trí-huệ đều chẳng thể nghĩ
bàn. Chỉ trừ chư Phật, và chư Bồ-Tát đã được thần-thông nầy, ngoài ra
không ai có thể nói được công-đức của bực Bồ-Tát nầy.
Chư Phật-tử ! Ðây là mười thứ thần-thông của đại Bồ-Tát. Nếu đại Bồ-Tát
trụ thần-thông nầy, đều được tất cả tam-thế-trí thần-thông vô-ngại.
(1) Hán bộ quyển thứ bốn mươi bốn
--- o0o ---
Mục
Lục
Phẩm
01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06