.

 

Kinh Tăng Chi Bộ

HT. Thích Minh Châu dịch


 

CHƯƠNG BỐN
BỐN PHÁP

V. PHẨM ROHITASSA

(I) (41) ĐỊNH

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn định tu tập này. Thế nào là bốn ?

Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú. Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến. Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác. Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly các pháp bất thiện... chứng đạt và an trú thiền thứ tư.

này các Tỷ-kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý tưởng ánh sang, an trú tưởng ban ngày, ngày như thế nào thời đêm như vậy, đêm như thế nào thời ngày như vậy. Như vậy, với tâm rộng mở, không có bị bao phủ, tu tập tâm đến chỗ sáng chói.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, với vị Tỷ-kheo, thọ khởi lên được rõ biết, thọ an trú được rõ biết, thọ chấm dứt được rõ biết; tưởng khởi lên được rõ biết, tưởng an trú được rõ biết, tưởng chấm dứt được rõ biết; tầm khởi lên được rõ biết, tầm an trú được rõ biết, tầm chấm dứt được rõ biết.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do tàm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tùy quán sanh diệt trong năm thủ uẩn : "Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc chấm dứt; đây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ chấm dứt; đây là tưởng, đây là tưởng tập khởi, đây là tưởng chấm dứt; đây là các hành, đây là các hành tập khởi, đây là các hành chấm dứt; đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức chấm dứt.

Này các Tỷ-kheo, đây là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc.

Này các Tỷ-kheo, có bốn định tu tập này. Và cũng về vấn đề này, Ta có nói đến trong phẩm về mục đích, trong kinh gọi là : Các câu hỏi của Punnaka.

6. Do tư sát, ở đời,

Các sự vật thắng, liệt,

Không vật gì ở đời,

Làm vị ấy dao động.

An tịnh, không mời mịt,

Không phiền não, không tham,

Ta nói vị ấy vượt,

Qua khỏi sanh và già,

 (II) (42) CÁC CÂU HỎI

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn cách thức để trả lời câu hỏi. Thế nào là bốn ?

Có câu hỏi, này các Tỷ-kheo, đòi hỏi câu trả lời nhất nhướng (một chiều dứt khoát); có câu hỏi, này các Tỷ-kheo, đòi hỏi một câu hỏi phản nghịch; có câu hỏi, này các Tỷ-kheo, cần phải để một bên; có câu hỏi, này các Tỷ-kheo, cần phải trả lời một cách phân tích.

Này các Tỷ-kheo, có bốn cách thức để trả lời câu hỏi này.

2. Một trả lời nhất hướng,

Rồi trả lời phân tích,

Thứ ba là câu hỏi,

Đòi câu hỏi phản nghịch,

Loại câu hỏi thứ tư,

Cần phải để một bên,

Trong các câu hỏi ấy,

Ai rõ biết thuận pháp,

Tỷ-kheo ấy được gọi,

Thiện xảo bốn câu hỏi.

Khó nhiếp phục, khó thắng,

Thâm sâu, khó chiến thắng,

Thiện xảo trong nghĩa lý,

Cả hai, nghĩa không nghĩa,

Từ bỏ không ý nghĩa,

Bậc Trí nắm lấy nghĩa,

Bậc Trí minh kiến nghĩa

Được gọi là bậc Trí.

 (III) (43) PHẪN NỘ (1)

1. Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?

Kính trọng phẫn nộ, không kính trọng diệu pháp; kính trọng gièm pha, không kính trọng diệu pháp; kính trọng lợi dưỡng, không kính trọng diệu pháp; kính trọng cung kính, không kính trọng diệu pháp.

Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

2. Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?

Kính trọng diệu pháp, không kính trọng phẫn nộ; kính trọng diệu pháp, không kính trọng gièm pha; kính trọng diệu pháp, không kính trọng lợi dưỡng; kính trọng diệu pháp, không kính trọng cung kính.

Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

3. Các Tỷ-kheo kính trọng,

Phẫn nộ và gièm pha,

Kính trọng các lợi dưỡng,

Kính trọng sự cung kính,

Vị ấy không lớn mạnh,

Trong pháp đức Phật thuyết,

Ai hiện sống, đã sống,

Kính trọng Chánh diệu pháp,

Các vị ấy lớn mạnh

Trong pháp đức Phật thuyết. 

(IV) (44) SỰ PHẪN NỘ (2)

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn phi diệu pháp này. Thế nào là bốn ?

Kính trọng phẫn nộ, không kính trọng diệu pháp; kính trọng gièm pha, không kính trọng diệu pháp; kính trọng lợi dưỡng, không kính trọng diệu pháp; kính trọng cung kính, không kính trọng diệu pháp.

Này các Tỷ-kheo, có bốn phi diệu pháp này.

2. Này các Tỷ-kheo, có bốn diệu pháp này. Thế nào là bốn ?

Kính trọng diệu pháp, không kính trọng phẫn nộ; kính trọng diệu pháp, không kính trọng gièm pha; kính trọng diệu pháp, không kính trọng lợi dưỡng; kính trọng diệu pháp, không kính trọng cung kính.

Này các Tỷ-kheo, có bốn diệu pháp này.

3. Trọng phẫn nộ, gièm pha,

trong lợi dưỡng, cung kính,

Như gột giống hư thối,

Trong thửa ruộng tốt lành,

Tỷ-kheo ấy không lớn,

Trong Chánh pháp vi diệu.

Ai đã sống, hiện sống,

Kính trong Chánh diệu pháp,

Các vị ấy lớn mạnh,

Trong Chánh pháp vi diệu,

Như dược thảo, dùng dầu,

Chữa trị lớn mạnh hơn.

 (V) (45) ROHITASSA (1)

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Thiên tử Rohitassa sau khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng chiếu sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, thiên tử Rohitassa bạch Thế Tôn :

- Tại chỗ nào, bạch Thế Tôn, không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), chúng con có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới không ?

- Này Hiền giả, tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), Ta tuyên bố rằng không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới.

2. - Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn; thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn ; thật là khéo nói, bạch Thế Tôn, lời nói này của Thế Tôn : "Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), Ta tuyên bố rằng không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới". Thuở xưa, bạch Thế Tôn, con là vị ẩn sĩ tên là Rohitassa, con của Bhoja, có thần thông, đi được trên hư không. Tốc độ của con là như thế này, bạch Thế Tôn; ví dụ như một người bắn cung kiên cường, có huấn luyện, khéo tay, thuần thục, với một mũi tên nhẹ có thể dễ dàng bắn xuyên qua bóng một cây ta-la. Bước chân của con là như vậy, như từ khoảng cách từ biển Đông qua biển Tây. Với con, bạch Thế Tôn, thành tựu được với tốc độ như vậy, với bước chân như vậy, con khởi lên ý muốn như sau : "Với bước chân đi, ta sẽ đạt đến chỗ tận cùng của thế giới". Bạch Thế Tôn, trừ khi ăn uống nhai nếm, trừ khi đi đại tiện, tiểu tiện, trừ khi ngủ để lấy lại sức, dầu thọ đến 100 tuổi, dầu đã sống một trăm tuổi, dầu đi đến 100 năm, cũng không có thể đạt được tận cùng của thế giới, nhưng giữa đường con đã chết. Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn; thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn; thật là khéo nói, bạch Thế Tôn, lời nói này của Thế Tôn : "Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), Ta tuyên bố rằng không đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới".

3. - Này Hiền giả, Ta tuyên bố rằng : "Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới". Nhưng này Hiền giả, trong cái thân dài độ mấy tấc này, với những tưởng, những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới, về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt.

4. Với đi, không bao giờ,

Đạt tận cùng thế giới.

Nếu không, không đạt được,

Chỗ tận cùng thế giới,

Thời không có giải thoát,

Ra khỏi ngoài khổ đâu.

Do vậy, bậc có trí,

Hiểu biết rõ thế giới,

Đi tận cùng thế giới,

Với Phạm hạnh thành tựu,

Bậc đạt được an tịnh,

Biết tận cùng thế giới,

Không mong cầu đời này,

Không mong cầu đời sau.

 (VI) (46) ROHITASSA (2)

1. Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã qua, bảo các Tỷ-kheo:

- Đêm nay, này các Tỷ-kheo, Thiên tử Rohitassa, sau khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Đứng một bên, này các Tỷ-kheo, thiên tử Rohitassa bạch với Ta :

"- Tại chỗ nào, bạch Thế Tôn, không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), chúng con có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới ?"

Khi được nói vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói với Thiên tử Rohitassa như sau :

"- Này Hiền giả, tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), Ta tuyên bố rằng không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới".

Khi nghe nói vậy, này các Tỷ-kheo, Thiên tử Rohitassa nói với Ta như sau :

"- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn; thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn; thật khéo nói, bạch Thế Tôn, lời nói này của Thế Tôn : "tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), Ta tuyên bố rằng không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới !". Thuở xưa, bạch Thế Tôn, con là vị ẩn sĩ tên là Rohitassa, con của Bhoja, có thần thông, đi được trên hư không. Tốc độ của con là như thế này, bạch Thế Tôn; ví dụ như một người bắn cung kiên cường, có huấn luyện, khéo tay, thuần thục, với một mũi tên nhẹ có thể dễ dàng bắn xuyên qua bóng một cây ta-la. Bước chân của con là như vậy, như từ khoảng cách từ biển Đông qua biển Tây. Với con, bạch Thế Tôn, thành tựu được với tốc độ như vậy, với bước chân như vậy, con khởi lên ý muốn như sau : "Với bước chân đi, ta sẽ đạt đến chỗ tận cùng của thế giới". Bạch Thế Tôn, trừ khi ăn uống nhai nếm, trừ khi đi đại tiện, tiểu tiện, trừ khi ngủ để lấy lại sức, dầu thọ đến 100 tuổi, dầu đã sống một trăm tuổi, dầu đi đến 100 năm, cũng không có thể đạt được tận cùng của thế giới, nhưng giữa đường con đã chết. Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn; thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn; thật là khéo nói, bạch Thế Tôn, lời nói này của Thế Tôn : "Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), Ta tuyên bố rằng không đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới".

Khi được nói vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói với Thiên tử Rohitassa :

"-Này Hiền giả, Ta tuyên bố rằng : "Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới". Nhưng này Hiền giả, trong cái thân dài độ mấy tấc này, với những tưởng, những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới, về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt.

2. Với đi, không bao giờ,

Đạt tận cùng thế giới.

Nếu không, không đạt được,

Chỗ tận cùng thế giới,

Thời không có giải thoát,

Ra khỏi ngoài khổ đâu.

Do vậy, bậc có trí,

Hiểu biết rõ thế giới,

Đi tận cùng thế giới,

Với Phạm hạnh thành tựu,

Bậc đạt được an tịnh,

Biết tận cùng thế giới,

Không mong cầu đời này,

Không mong cầu đời sau.

 (VII) (47) RẤT XA XĂM

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn sự việc này, rất xa, rất xa với nhau. Thế nào là bốn ?

Trời và đất, này các Tỷ-kheo, là sự việc thứ nhứt rất xa, rất xa với nhau. Bờ biển bên này, này các Tỷ-kheo với bờ biển bên kia, là sự việc thứ hai rất xa, rất xa với nhau. Từ chỗ mặt trời mọc lên, này các Tỷ-kheo, đến chỗ mặt trời lặn xuống, là sự việc thứ ba rất xa, rất xa với nhau. Pháp của hạng người bất thiện, này các Tỷ-kheo, với pháp của hạng người thiện, là sự việc thứ tư rất xa, rất xa với nhau.

Này các Tỷ-kheo, đây là bốn sự việc rất xa, rất xa với nhau này.

2. Rất xa là bầu trời,

Cũng rất xa, quả đất,

Người ta nói rất xa,

Là bờ biển bên kia.

Từ chỗ mặt trời mọc,

Chói sáng, tỏa ánh sáng,

Đến chỗ mặt trời lặn.

Rằng xa, thật là xa,

Người ta nói xa hơn,

Là pháp của bậc thiện,

Với pháp kẻ bất thiện,

Thật xa, xa hơn nhiều.

Hòa hợp với bậc thiện,

Thường hằng, không hoại diệt,

Khi nào còn đứng vững,

Vẫn như vậy kiên trì,

Còn hòa hợp bất thiện,

Rất mau bị phá hoại,

Do vậy pháp bậc thiện,

Rất xa pháp kẻ ác.

 (VIII) (48) VISÀKHA

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Visàkhà Pancàliputta, trong hội trường với pháp thoại, đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, với lời nói lịch sự, thông suốt, không có phều phào với ý nghĩa rõ ràng minh bạch, không có ngập ngừng. Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều từ chỗ thiền tịnh đứng dậy đi đến hội trường, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi xuống, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo :

- Này các Tỷ-kheo, ai đang thuyết pháp trong hội trường cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, với lời nói lịch sự, thông suốt, không có phều phào, với ý nghĩa rõ ràng minh bạch, không có ngập ngừng ?

Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Visàkhà Panàliputta :

- Lành thay, lành thay này Visàkhà ! Lành thay, này Visàkhà, Thầy đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo... không có ngập ngừng.

2. Nếu vị ấy không nói,

Chúng không biết vị ấy,

Như vậy bậc Hiền trí,

Lẫn lộn với kẻ ngu,

Nếu vị ấy nói lên,

Chúng biết đến vị ấy,

Khi vị ấy thuyết giảng,

Con đường đến bất tử,

Vậy hãy thuyết giảng lên,

Chói sáng chơn diệu pháp,

Hãy dâng cao ngọn cờ,

Ngọn cờ các ẩn sĩ,

Khéo nói là ngọn cờ,

Của các bậc ẩn sĩ,

Và pháp là ngọn cờ,

Của những bậc ẩn sĩ.

(IX) (49) TƯỞNG ĐIÊN ĐẢO

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo này. Thế nào là bốn ?

Trong vô thường, nghĩ là thường, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Trong khổ nghĩ là không khổ, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Trong vô ngã, nghĩ là ngã, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Trong không thanh tịnh, nghĩ là thanh tịnh, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.

Này các Tỷ-kheo có bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo này.

2. Này các Tỷ-kheo có bốn tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo này. Thế nào là bốn ?

Trong vô thường, nghĩ là vô thường, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo. Trong khổ, nghĩ là khổ, trong vô ngã, nghĩ là vô ngã, trong không thành tịnh nghĩ là không thanh tịnh, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo.

Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo này.

3. Trong vô thường, tưởng thường.

Trong khổ tưởng là lạc,

Trong vô ngã, tưởng ngã,

Trong bất tịnh, tưởng tịnh,

Chúng sanh đến tà kiến,

Tâm động, tưởng tà vọng,

Bị ma trói buộc chặt,

Không thoát khỏi ách nạn,

Chúng sanh bị luân chuyển,

Trong sanh tử luân hồi.

Khi chư Phật xuất hiện,

Ở đời chói hào quang,

Tuyên thuyết diệu pháp này,

Đưa đến khổ lắng dịu.

Nghe pháp, được trí tuệ,

Trở lại được tự tâm,

thấy vô thường không thường,

Thấy đau khổ là khổ,

Thấy tự ngã không ngã,

Thấy bất tịnh không tịnh,

Do hành chánh tri kiến,

Vượt qua mọi đau khổ.

 (X) (50) CÁC UẾ NHIỄM

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của mặt trăng, mặt trời. Do những uế nhiễm này làm ô nhiễm mặt trăng, mặt trời không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng. Thế nào là bốn ?

Mây, này các Tỷ-kheo, là uế nhiễm của mặt trăng, mặt trời, do uế nhiễm này làm ô nhiễm mặt trăng, mặt trời không có cháy sáng... không có rực sáng. Mù, này các Tỷ-kheo là uế nhiễm của mặt trăng, mặt trời... khói và bụi, này các Tỷ-kheo là uế nhiễm của mặt trăng, mặt trời... Ràhu, vua các loài A-tu-la, này các Tỷ-kheo, là uế nhiễm của mặt trăng, mặt trời; do uế nhiễm này làm ô nhiễm, mặt trăng, mặt trời không có cháy sang, không có chói sang, không có rực sáng.

Này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của mặt trăng, mặt trời, do những uế nhiễm này làm ô nhiễm, mặt trăng, mặt trời không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của các Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sang, không có rực sáng. Thế nào là bốn ?

Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn uống rượu men, uống rượu nấu, không có từ bỏ rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ nhất của Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn, không có cháy sáng... không có rực sáng.

Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn, hưởng thọ dâm dục, không từ bỏ dâm dục. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ hai... không có rực sáng.

Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn chấp nhận vàng và bạc, không từ bỏ nhận lấy vàng và bạc. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ ba... không có rực sáng.

Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn sinh sống với tà mạng, không từ bỏ tà mạng. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ tư của các Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.

Này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của các Sa-môn, Bà-la-môn, do những uế nhiễm này làm ô nhiễm, nên các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.

3. Có Sa-môn, Phạm chí,

Bị tham sân trói buộc,

Bị vô minh bao phủ,

Loài người ưa sắc đẹp,

Uống rượu men rượu nấu,

Hưởng thụ pháp dâm dục,

Mê hoặc, họ chấp nhận,

Nhận lấy vàng và bạc,

Các Sa-môn, Phạm chí,

Sinh sống theo tà mạng.

Phật, bà con mặt trời

Nói đến uế nhiễm ấy,

Bị ô nhiễm bởi chúng,

Các Sa-môn, Phạm chí,

Không cháy sang, chói sáng,

Ánh sáng bụi ô nhiễm,

Bao phủ bởi tối tăm,

Nô lệ bởi ái dục,

Bị ái kéo, dắt dẫn,

Họ làm đầy dẫy thêm,

Bãi tha ma ghê tởm,

Chúng lại phải tái sanh.

 

 --- o0o ---

 

 | Mục lục Kinh Tăng Chi bộ || Phẩm ́ |

--- o0o ---

| Thư Mục Tác Giả |


Tổ chức đánh máy: Hứa Dân Cường
Trình bày : Nhị Tường
Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện tử bộ Kinh này.
( Trang nhà Quảng Đức, 01/01/2002)

 

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

hạnh phúc toàn diện 10 điều tính dung dị của người việt qua ca dao không 大一学期改进措施与下学期计划 mật Nguyên tuy åƒäæœä½ 四十二章經全文 cao pho hoa thuong thich quang buu 原子电负性的影响因素 พระร ตนไต 轉識為智 บทถวายส งฆทานสด tu giác ngộ là gì 簡単便利戒名授与水戸 tìm Chạy สโตร ส รา 僧人心態 niệm phật ï¾ ï½½ 栃木県寺院数 ด หน ง 證嚴上人第一位人文真善美 원불교의법문사경바로가기 cuoc doi thanh tang ananda phan 6 พลอย อ ยดา å æžœå žå¾ vien ngoc minh chau Ni giới Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX Chùa mình vẫn kết hoa hồng chứ dao nghia vo chong theo quan diem phat giao 首座 七五三 Học người bí quyết dạy con thông minh của người 看完新闻联播的观后感 持戒波羅蜜についての詳細な解説 é åº º æ à Þ 研究生奖学金自我总结 15 phap åœ Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Nhật