維 摩 詰 所 說
KINH DUY-MA-CẬT SỞ
THUYẾT
VIMALAKĪRTINIRDEŚA-SŪTRA
Bản Hán ngữ
DUY-MA-CẬT SỞ THUYẾT KINH
của Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Tham chiếu
THUYẾT VÔ CẤU XƯNG KINH
Đường Huyền Trang dịch
Bản dịch Việt
Lúc ấy, Phật nói với Văn-thù-sư-lợi[2]:
«Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật.»
Văn-thù đáp:
«Bạch Thế Tôn, với bậc Thượng nhân ấy, không dễ đối đáp. Vì ông đã thâm nhập thật tướng, thuyết giảng tài tình các yếu nghĩa của Phật Pháp. Tài biện thuyết của ông thông suốt, trí tuệ của ông vô ngại. Ông biết rõ Bồ tát đạo vì đã bước vào kho tàng huyền nhiệm của chư Phật. Ông đã hàng phục mọi tà ma; du hý thần thông,[3] trí tuệ và phương tiện đều sở đắc vẹn toàn.[4] Tuy vậy con sẽ vâng Thánh chỉ đến thăm bệnh ông.»
Bấy giờ, trong chúng, các vị Bồ tát, đại đệ tử của Phật; Đế Thích, Phạm thiên, cùng bốn vị Thiên vương, thảy đều tự nghĩ: «Nay hai vị Đại sỹ Văn-thù và Duy-ma-cật gặp nhau, ắt sẽ nói Pháp vi diệu.» Cho nên tám ngàn Bồ tát, năm trăm Thanh-văn và hàng trăm ngàn thiên vương đều muốn đi theo Văn-thù-sư-lợi.
Vậy là Văn-thù-sư-lợi được chư Bồ tát, đệ tử Phật, hàng trăm nghìn trời và người đều muốn đi theo. Rồi thì, Văn-thù-sư-lợi cùng với đoàn tùy tùng cung kính vây quanh gồm các Bồ-tát, chúng Đại Đệ tử, và các trời, nguời, cùng vào thành lớn Tỳ-da-li.
Lúc bấy giờ, Trưởng giả Duy-ma-cật tâm niệm: «Văn-thù-sư-lợi và đoàn tùy tùng đang đến.» Ông bèn dùng thần lực khiến cho nội thất trống rỗng. Tất cả đồ đạc cho đến gia nhân đều mất hết. Chỉ đặt mỗi cái giường bệnh để nằm mà thôi.
Văn-thù-sư-lợi đi vào nhà, thấy căn nhà trống không, không có gì cả, chỉ một mình Duy-ma-cật nằm trên giường bệnh.
Duy-ma-cật nói:
«Xin chào ngài Văn-thù-sư-lợi. Ngài bằng tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy[5].»
Văn-thù-sư-lợi đáp:
«Thật như vậy, Cư sĩ, nếu đã đến thì không còn đến nữa. Nếu đã đi thì không còn đi nữa.[6] Vì sao? Đến, không từ đâu đến. Đi, không đi đến đâu.[7] Cái đã có thể bị thấy thì không còn bị thấy nữa. Nhưng hãy gác việc này qua một bên. Cư sỹ, bệnh của ông, có kham nỗi không? Việc điều trị thế nào, có thuyên giảm chứ không tăng phải không? Thế Tôn ân cần gởi lời hỏi thăm vô lượng.[8] Cư sĩ, vì sao ông mắc bệnh? đã lâu chưa? chừng nào sẽ hết?»
Duy-ma-cật đáp:
«Si và hữu ái là nguồn gốc của bệnh tôi.[9] Vì hết thảy chúng sinh bệnh mà tôi bệnh. Bao giờ hết thảy chúng sinh đạt đến chỗ không bệnh, bệnh tôi sẽ hết. Vì sao? Bồ tát, vì chúng sinh mà đi vào sinh tử. Có sinh tử thì có bệnh. Nếu hết thảy chúng sinh được thoát ly bệnh khổ thì Bồ tát không còn bệnh. Ví như, vị trưởng giả chỉ có đứa con một; khi người con ấy bị bệnh, cha mẹ nó cũng bị bệnh. Nếu nó bình phục, cha mẹ nó khỏe. Cũng vậy, Bồ tát yêu thương chúng sinh như cha mẹ yêu con, nên chúng còn bệnh thì Bồ tát còn bệnh; khi chúng hết bệnh, Bồ tát khỏe! Câu hỏi tiếp theo là, bệnh của Bồ tát từ đâu phát sinh? Bệnh của Bồ tát xuất phát từ tâm đại bi.»
Văn-thù-sư-lợi hỏi: «Sao thất này trống không và chẳng có người hầu?»[10]
Duy-ma-cật đáp: «Quốc độ của chư Phật nào mà chẳng trống không.»
Lại hỏi: «Quốc độ của chư Phật do cái gì mà không ?»[11]
Lại đáp: «Vì không nên không.»[12]
Lại hỏi: «Đã Không, cần gì Không nữa?»[13]
Lại đáp: «Vì vô phân biệt Không, cho nên Không.»[14]
Lại hỏi: «Không,[15] có thể phân biệt ư ?»
Lại đáp: «Mọi phân biệt cũng không.»
Lại hỏi: «Phải tìm Không ở đâu?»
Lại đáp: «Phải tìm trong sáu mươi hai kiến chấp.»[16]
Lại hỏi: «Sáu mươi hai kiến chấp phải tìm ở đâu?»
Lại đáp: «Nên tìm trong giải thoát của chư Phật.»
Lại hỏi: «Tìm sự giải thoát của chư Phật ở đâu?»
Lại đáp: «Nên tìm trong tâm hành của hết thảy chúng sinh.»
Và ông tiếp: «Ngài có hỏi sao tôi chẳng có gia nhân. Vâng, thì bọn Ma và các Ngoại đạo là gia nhân của tôi. Vì sao? Vì bọn Ma ưa sinh tử mà Bồ tát chẳng xả bỏ sinh tử. Ngoại đạo ham kiến chấp mà Bồ tát bất động[17] trong mọi kiến chấp.»
Lại hỏi: «Bệnh của cư sĩ thuộc tướng gì?»
Lại đáp: «Bệnh tôi vô hình, không thể thấy.»[18]
Lại hỏi: «Bệnh này hiệp với thân hay hiệp với tâm?»[19]
Lại đáp: “Nó không phải thân hiệp vì nằm ngoài thân. Cũng không phải tâm hiệp vì tâm vốn như huyễn.[20]»
Lại hỏi: «Trong bốn đại[21], đất, nước, lửa, gió, bệnh thuộc đại nào ?»
Lại đáp: «Bệnh ấy không phải địa đại cũng không lìa địa đại. Thuỷ, hỏa, phong đại cũng vậy. Nhưng bệnh của chúng sinh phát sinh từ bốn đại. Vì chúng sinh ấy có bệnh, nên tôi bệnh.»
Bấy giờ Văn-thù-sư-lợi hỏi Duy-ma-cật[22]: «Bồ tát nên vấn an một Bồ tát đang thọ bệnh như thế nào?»
Duy-ma-cật nói: «Nói về sự vô thường của thân mà chớ nói ghê tởm và từ bỏ thân. Nên nói về thân khổ đau mà không nói Niết- bàn an lạc. Nói về vô ngã của thân mà vẫn nói về sự giảng dạy và hướng dẫn chúng sinh[23]. Nói về thân không tịch mà không nói rốt ráo tịch diệt. Nói về sám hối tội lỗi trong quá khứ nhưng không nói nhập vào quá khứ.[24] Vì đã bệnh nên thương cảm người đang mắc bệnh kia. Biết rằng mình đã chịu đau khổ từ vô lượng quá khứ; mà làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Nên nghĩ nhờ phước mà mình đã tu mà suy niệm về mạng thanh tịnh.[25] Chớ sinh buồn phiền bức rức, mà hãy thường xuyên phát khởi tinh tấn. Nên hành động như bậc y vương để cứu chữa bệnh người. Bồ tát nên an ủi một Bồ tát đang bệnh như vậy để khiến cho hoan hỷ.»
Văn-thù-sư-lợi hỏi: «Làm sao Bồ tát đang bệnh chế ngự được tâm mình?»
Duy-ma-cật đáp: «Bồ tát đang bệnh nên nghĩ rằng: bệnh này đến từ những phiền não và vọng tưởng điên đảo của nhiều đời trước.[26] Không có pháp nào là thật, vậy thì ai đang thọ bịnh? Tại sao vậy? Do bốn đại hoà hợp mà giả danh là thân. Bốn đại vô chủ, thân cũng vô ngã. Vả chăng, bệnh khởi đều do bám chấp tự ngã.[27] Vì vậy không nên bám chấp tự ngã này.[28]
«Khi đã tỏ tường nguồn căn của bệnh, Bồ tát liền loại trừ tưởng về ngã và tưởng về chúng sinh, và tưởng;[29] về pháp sẽ hiện khởi.[30] Bồ tát nên nghĩ như vầy: ‹Thân được hợp thành do bởi nhiều pháp. Khởi, chỉ là sự sinh khởi của pháp. Diệt, chỉ là sự huỷ diệt của pháp.› Vả lại, các pháp này không nhận biết lẫn nhau. Khi sinh khởi, nó không nói, ‹Ta khởi.› Khi diệt, nó không nói, ‹Ta diệt.› Để diệt trừ tưởng về pháp này, Bồ tát đang bệnh nên nghĩ: ‹Tưởng về pháp này cũng là một thứ đảo điên. Cái gì điên đảo, cái đó là đại hoạn. Ta phải rời xa nó.›[31] Thế nào là rời xa? Rời xa ngã và ngã sở. Rời xa ngã và ngã sở nghĩa là sao? Rời xa pháp hai.[32] Pháp hai nghĩa là sao? Là không nghĩ đến pháp trong thân lẫn pháp ngoài thân,[33] mà hành nơi bình đẳng.[34] Bình đẳng là gì? Đông đẳng ngã, đồng đẳng Niết-bàn.[35] Tại sao như vậy? Vì ngã và niết-bàn đều không. Tại sao cả hai đều không? Vì chỉ là danh tự, cho nên là không. Hai pháp này như vậy không có quyết định tính.[36]
«Đạt được tính bình đẳng này rồi thì không còn bịnh nào khác ngoại trừ còn có cái bịnh của không. Cái bịnh của không cũng là không.
“Bồ tát đang bịnh ấy tiếp thọ các cảm thọ[37] bằng vô sở thọ. Tuy chưa thành tựu Phật pháp, nhưng vẫn có thể chứng nghiệm mà không cần diệt tận thọ.
«Biết thân là đối tượng của khổ đau, ông nên nghĩ đến chúng sinh ở những cõi thấp kém hơn mà khởi lòng đại bi, rằng ‹Ta đã được điều trị.[38] Ta cũng sẽ điều trị hết thảy chúng sinh. Chỉ trừ bịnh chứ không trừ pháp.[39] Chỉ dẫn chúng cắt đứt gốc rễ bịnh. Gốc rễ của bệnh là gì? Đó là có vin níu.[40] Từ chỗ có vin níu mà phát sinh gốc rễ của bịnh. Vin níu vào cái gì? Đó là ba cõi. Thế nào là cắt đứt[41] sự vin níu? Bằng vô sở đắc. Nếu là vô sở đắc, thì không có sự vin níu. Cái gì là vô sở đắc? Là rời xa hai kiến. Hai kiến là gì? Nội kiến, và ngoại kiến. Đó là vô sở đắc.[42]
«Văn-thù-sư-lợi, đó là cách Bồ tát đang bịnh chế ngự tâm mình. Vì để cắt đứt cái khổ già, bịnh, chết, là bồ-đề của Bồ tát. Không làm được điều này thì sự tu trì của ông không có sự sắc bén của tuệ.[43] Cũng như, thắng kẻ địch mới gọi là dũng; cũng vậy, dứt trừ cùng lúc già, bịnh, chết, ấy mới là Bồ tát.
«Bồ tát đang bịnh lại nên suy ngẫm: ‹Bịnh ta không thực cũng không tự hữu. Bịnh của hết thảy chúng sinh cũng không thực và không tự hữu.› Nhưng khi quán như vậy, đối với các chúng sinh mà khởi đại bi từ ái kiến,[44] thì nên xả ly ngay. Vì sao vậy? Vì Bồ tát đoạn trừ khách trần phiền não[45] mà khởi đại bi. Bi do ái kiến tức là có tâm mệt mỏi nhàm chán sinh tử. Xả ly được điều đó mới không có sự mệt mỏi chán chường, để dù tái sinh ở đâu cũng không còn bị ái kiến che lấp. Tái sinh ở đâu, đều không bị trói buộc để có thể giảng Pháp và cởi trói cho hết thảy chúng sinh. Như đức Phật đã nói: ‹Không thể có việc tự mình bị trói mà có thể cởi trói cho người. Chỉ khi tự mình không bị trói, khi ấy mới có thể cởi trói cho người.›
«Cho nên, Bồ tát chớ tự trói buộc mình. Thế nào là trói buộc? Thế nào là cởi mở? Tham đắm vị ngọt của thiền là trói buộc của Bồ tát. Bằng phương tiện mà tái sinh,[46] đó là Bồ tát cởi trói. Lại nữa, không có phương tiện huệ[47] là trói buộc; có phương tiện huệ là cởi trói. Không có huệ phương tiện[48] là trói buộc; có huệ phương tiện là cởi trói.
«Không có phương tiện huệ[49] là trói buộc, nghĩa là thế nào ? Đó là với tâm ái kiến mà Bồ tát trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sinh; tự điều phục mình trong pháp không, vô tướng và vô tác.[50] Như vậy gọi không có phương tiện huệ là trói buộc.
«Có phương tiện huệ là cởi trói, là nghĩa thế nào? Đó là không đem tâm ái kiến mà trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sinh; tự điều phục mình trong pháp không, vô tướng và vô tác mà không mệt mỏi chán chường. Đó gọi là có phương tiện huệ là cỏi trói.
«Không có tuệ phương tiện là trói buộc, là nghĩa thế nào? Bồ tát trụ tham dục, sân nhuế, tà kiến, các thứ phiền não, mà vun trồng gốc rễ các công đức. Đó gọi là không có tuệ phương tiện là trói buộc.
«Có tuệ phương tiện là cởi trói, là nghĩa thế nào? Bồ tát đã xa lìa tham dục, sân nhuế, tà kiến, các thứ phiền não, mà vun trồng gốc rễ các công đức, rồi hồi hướng đến a-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề. Đó gọi là có tuệ phương tiện là cởi trói.
«Văn-thù-sư-lợi, Bồ tát bệnh nên quán các pháp như vậy. Rồi lại quán thêm nữa. Quán thân này[51] vô thường, khổ, không, phi ngã; đó gọi là tuệ. Mà dù thân đang bệnh ông vẫn ở lại cõi sinh tử vì lợi ích của chúng sinh, không thấy mệt mỏi; đó gọi là phương tiện.
«Rồi lại quán thân. Thân không lìa bịnh, bệnh không lìa thân. Ấy là bệnh, ấy cũng là thân; không phải mới, không phải cũ. Đó gọi là tuệ.[52] Giả sử thân mang bệnh, mà không cần dứt trừ nó vĩnh viễn. Đó gọi là phương tiện.
«Văn-thù-sư-lợi, Bồ tát bệnh nên chế ngự tâm mình như vậy. Không trụ trong đó; cũng không trụ nơi tâm không được chế ngự. Vì sao vậy? Vì trụ ở tâm không được chế ngự, là pháp của người ngu. Nếu trụ nơi tâm đã được chế ngự, đó là pháp của Thanh văn. Vì vậy Bồ tát chẳng trụ ở tâm được chế ngự hay không được chế ngự. Xa lìa cả hai; đó là hành của Bồ tát. Khi ở sinh tử vẫn không hành ô uế;[53] trụ nơi Niết-bàn mà không vĩnh viễn diệt độ; đó là hành của Bồ tát. Không theo hạnh phàm phu cũng không phải hạnh Hiền Thánh; đó là hành của Bồ tát. Hạnh không nhơ cũng không tịnh; đó là hành của Bồ tát. Dù siêu quá hành của Ma, vẫn thị hiện để khuất phục bầy Ma;[54] đó là hành của Bồ tát. Cầu nhất thiết trí [55] nhưng không cầu phi thời;[56] đó là hành của Bồ tát.[57] Tuy quán các pháp bất sanh, vẫn không vào chánh vị;[58] đó là Bồ tát hạnh. Dù quán mười hai duyên khởi, vẫn hội nhập mọi tà kiến;[59] đó là hành của Bồ tát. Dù che chở hết thảy chúng sinh, vẫn không hệ luỵ bởi ái; đó là hành của Bồ tát. Tuy vui với sự viễn ly,[60] mà không y tựa vào sự diệt tận của thân và tâm; đó là hành của Bồ tát. Dù đi qua ba cõi vẫn không hư hoại pháp tánh;[61] đó là hành của Bồ tát. Dù hành nơi Không, vẫn gieo trồng mọi công đức; đó là hành của Bồ tát. Tuy hành vô tướng vẫn cứu độ chúng sinh; đó là hành của Bồ tát. Tuy hành vô tác vẫn thị hiện thọ thân;[62] đó là hành của Bồ tát. Tuy hành vô khởi[63] vẫn khởi làm các hạnh thiện; đó là hành của Bồ tát. Tuy hành trì sáu hạnh Ba-la-mật vẫn biến tri tâm và tâm sở pháp của chúng sinh;[64] đó là hành của Bồ tát. Tuy hành sáu thần thông mà không đoạn tận các lậu; đó là Bồ tát hạnh. Dù hành bốn vô lượng tâm, vẫn không tham đắm cầu tái sinh cung trời Phạm thiên;[65] đó là hành của Bồ tát. Dù hành trì thiền định, giải thoát và tam muội, mà không tùy thiền mà tái sinh;[66] đó là hành của Bồ tát. Dù hành trì bốn niệm xứ, mà không hoàn toàn rốt ráo xa lìa thân, thọ, tâm, pháp; đó là hành của Bồ tát. Tuy hành trì bốn chánh cần mà không xả thân tâm tinh tấn;[67] đó là hành của Bồ tát. Tuy hành trì bốn như ý túc, mà đạt tự tại thần thông; đó là hành của Bồ tát. Tuy hành năm căn mà phân biệt căn tánh nhạy bén hay trì độn của hết thảy chúng sinh; đó là hành của Bồ tát. Tuy hành năm lực vẫn phấn đấu thành tựu mười lực, vô úy của Phật; đó là hành của Bồ tát. Tuy hành bảy giác phần mà phân biệt trí tuệ của Phật;[68] đó là hành của Bồ tát. Dù hành tám chánh đạo vẫn thích đi trên Phật đạo vô biên; đó là Bồ tát hạnh. Dù hành pháp trợ đạo Chỉ và Quán mà rốt ráo không rơi vào tịch diệt; đó là hành của Bồ tát. Dù hành các pháp bất sinh bất diệt vẫn trang điểm tự thân bằng các tướng hảo; đó là hành của Bồ tát. Dù thị hiện oai nghi của Thanh-văn hay Phật Duyên-giác vẫn không xả pháp của Phật;[69] đó là Bồ tát hạnh. Tuy tùy theo tướng tịnh rốt ráo của hết thảy pháp mà vẫn tùy chỗ thích hợp thị hiện tự thân; đó là hành của Bồ tát. Dù nhìn thấu hết thảy cõi Phật luôn tĩnh lặng như hư không,[70] vẫn làm hiển hiện các loại cõi Phật thanh tịnh; đó là hành của Bồ tát. Dù đã đạt quả vị Phật, có thể chuyển Pháp luân, và vào Niết-bàn, vẫn không từ bỏ Bồ tát đạo; đó là hành của Bồ tát.»
Duy-ma-cật giảng xong pháp này,[71] hết thảy tám ngàn chư thiên đi theo Văn-thù-sư-lợi đều phát tâm cầu giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác .
[1] DMC (T14n0475_p0544a25). VCX (T14n0476, p0567b24), phẩm thứ 5, «Vấn tật 問疾品第五.»
[2] Văn-thù-sư-lợi 文殊師利. VCX: Diệu Cát Tường 妙吉祥. Skt. Mañjuśrī.
[3] Bản La-thập nhảy một đoạn, VCX: “
[4] VCS: xảo tiện vô ngại 巧便無礙, vận dụng phưong tiện khéo léo thông suốt. Tiếp theo, bản La-thập nhảy một đoạn; VCX (Đại 14, tr.567c1): «Đã đạt đến pháp giới tối thắng không hai, không tạp; sở hành đã rốt ráo đến bờ bên kia; diễn thuyết pháp môn được trang nghiêm bằng vô hạn yếu tính; thấu triệt căn tính và hành vi của tất cả chúng sinh; khéo léo sử dụng thần thông tối thắng của sự du hý; đạt đến mức hoàn hảo phương tiện thiện xảo của đại trí tuệ; hoàn toàn tự tại vô ngại vô uý để quyết trạch mọi vấn đáp; các hạng thấp kém không thể đối đàu với nũi nhọn ngôn từ biêện luận của ông ấy.»
[5] VCX còn thêm: «Không nghe mà nghe.»
[6] Cf. Madhyamaka ii. 1: gataṃ na gamyate tavād agataṃ vaiva gamyate/ gatāgatavinirmuktaṃ gamyamānaṃ na gamyate. «Cái đã đi không đi. Cái chưa đi cũng không đi. Ngoài cái đã đi và chưa đi, cái đang đi không đi.»
[7] VCX: «Không phải do cái đã đến mà có khái niệm về sự đến. Không phải do cái đã đi mà có khái niệm về sự đi.» Khuy Cơ, VCS (T38n1782_p1069c24) lưu ý: «Chỗ này, bản La-thập và bản Huyền Trang không giống nhau.»
[8] Hán: trí vấn vô lượng 致問無量. VCS: «Lời nhắn gởi thì ngắn gọn; nhưng thâm ý hỏi thăm thì vô lượng.»
[9] VCX: «Cũng như vô minh (avidyā) và hữu ái (bhavatṛṣṇa) của các chúng sinh sinh khởi đã từ lâu đời; bệnh của tôi cũng phát từ lâu như vậy.»
[10] VCS, Đại 38, tr.1070b22, «Hỏi thất không, là hỏi về pháp không. Hỏi thị giả không, là hỏi về nhân không.»
[11] CDM, Đại 38, tr. 372c11, «Thập nói, căn nhà do không có vật gì cả nên trống không. Cõi Phật do bởi lý gì ma không?»
[12] CDM, «Thập nói, không có (vô 無, Skt. abhava) vì không có vật gì. Rỗng không (không 空, Skt. śūnya), vì quốc độ tính không. Triệu nói, không đầu là trí không (jñānaśūnyatā, cf. Madhyānta-vibhāga); không sau là pháp không (dharmaśūnyatā).»
[13] DMC: hà dụng không 何用空 . VCX: vi thị thùy không 為是誰空, là cái không của ai (= của cái gì).»
[14] VCX: «Không này là Không của vô phân biệt.»
[15] VCX: Không tính 空性.
[16] Trường A-hàm 14, kinh 21. Phạm động, Đại 1, tr. 89c23. Cf. Pali, Brahmajāla-sutta, D.i. tr. 44.
[17] VCX: bất yếm khí 不厭棄, không ghét bỏ.
[18] VCX: vô sắc tướng 無色相.
[19] DMC: thân hiệp 身合, tâm hiệp 心合. VCX: thân tương ưng 身相應, tâm tương ưng 心相應.
[20] VCX: tâm như huyễn hoá 如幻化 .
[21] Tứ đại 四大, Skt. catvāri mahābhūāni. VCX: tứ giới 四界. Skt. dhātavaś catvāri.
[22] Trong bản dịch Huyền Trang thì ngược lại: Duy-ma-cật hỏi Văn-thù. Khuy Cơ (Đại 38, tr.1071c21) cho rằng, xét theo ý nghĩa, La-thập đã dịch không đúng. Triệu nói (Đại 38, tr.374c9), theo lẽ thì Duy-ma-cật hỏi. Nhưng để khiến những vị hiện diện chú tâm, và để chính người bệnh tự nói, nêu rõ ý nghìa vô chứng của Đại thừa.
[23] DMC: giáo đạo chúng sinh 教導眾生. VCX: thành thục hữu tình 成熟有情
[24] VCX : ««Không nói tội có di chuyển.» VCS: «Tội được làm trong hiện tại di chuyển vào quá khứ. Quá khứ có thực thể dẫn đến sự cảm quả trong tương lai.»
[25] Tịnh mạng 淨命; Thập nói: tức là chánh mạng.
[26] DMA: tiền thế 前世 (Skt. pūrva-nivāsa); VCX: tiền tế 前際 (pūrva-koṭi). Toàn đoạn,VCX: «Sinh từ nghiệp được thúc đẩy bởi các phiền não của phân biệt vọng tưởng và điên đảo.»
[27] DMC: trước ngã 著我; VCX: chấp ngã 執我. Skt. ātmagrāha.
[28] VCX: «Không nên ở trong thân này mà vọng tưởng sinh ra chấp ngã.»
[29] DMC: ngã tưởng , chúng sinh tưởng . 我想眾生想, khái niệm về một tự ngã hay linh hồn (ātma-saṃjñā), khái niệm về một chúng sinh hay một hiện tồn thể (sattvā-saṃjñā). VCX: hữu tình ngã tưởng 有情我想. Cf., Vajracchedika, bốn khái niệm về ngã: ātma-saṃjñā (ngã tưởng), sattvā-saṃjñā (chúng sinh tưởng), jīva-saṃjñā (thọ tưởng), pudgala-saṃjñā (nhân tưởng).
[30] DMC: đương khởi pháp tưởng 當起法想. CDM: «Triệu nói, để trừ ngã tưởng mà khởi lên pháp này.» VCX: an trụ pháp tưởng 安住法想. khái niệm về pháp an trụ hay thường trụ. VCX: «An trụ nơi pháp tướng mà quán pháp do nhân duyên để phá trừ ngã chấp.» (= Skt. dharma-saṃjñā pratiṣṭhitavyā).
[31] VCX: «Ta phải nên trừ diệt nó và cũng tức là trừ diệt hết thảy tai hoạn như vậy của hữu tình.»
[32] Pháp hai 二法 ; chỉ pháp có tính nhị nguyên đối đãi, hai mặt đối lập. Skt. dvaita-dharma. VCS: «Pháp hai tức là pháp mà nội tại và ngoại tại đều tuyệt đối không hiện hành.» Xem phẩm 9, «Pháp môn bất nhị.»
[33] VCS: «Quán sự bình đẳng, không di động, không dao động, không có cái được quan sát.»
[34] DMC: hành tâm bình đẳng 行心平等, Triệu nói, «thể hiện sự bình đẳng của tâm.» VCX: quán bình đẳng… VCS(T38n1782, tr.1073a24 ): «quán sự bình đẳng của pháp, không động dao…»
[35] VCX: «ngã và Niết-bàn, cả hai đều bình đẳng.»
[36] VCX: «Hai pháp này đã không tồn tại, thì còn pháp nào khác hơn nữa là không? Ấy là chỉ bằng vào quy ước của ngôn ngữ (danh tự giả thuyết) mà nói là không.»
[37] CDM: Thập nói, thọ đây chỉ ba thọ: khổ, lạc và xả.
[38] DMC: điều phục 調伏 . VCX: trừ…tật 除疾 .
[39] VCX: «Khi điều trị cho mình và cho người, không thấy có một cái gì gọi là được điều trị.»
[40] DMC: hữu phan duyên 有 攀緣. VCX: hữu duyên lự 有 緣慮. Skt. sālambhana, cái luôn luôn cần điểm tựa để hiện hành; cái không bao giờ rời khỏi điểm tựa. VCS (T38n1782, tr.1073c29): «Duyên lự, là tâm, tâm sở có tính phân biệt, thuộc hữu lậu.»
[41] DMC: đoạn 斷. VCX: ưng tri. Skt. parijñātavya 應知 , cần biến tri (=cần triệt để đoạn trừ).
[42] VCX: Nếu không có hai kiến, đó là không có gì sở đắc.
[43] DMC: vô tuệ lợi 無慧利. VCX: hư khí, bỏ công vô ích 虛棄.
[44] CDM: «Khởi ái kiến đại bi…, Triệu nói: (…) Nếu quán ấy chưa thuần, thấy chúng sinh mà thương yêu, rồi từ đó mà khởi tâm đại bi.» VCX: «Với tâm bị quấn chặt bởi ái và kiến ấy mà khởi tâm đại bi đối với chúng sinh.»
[45] Bụi như người khách chợt đến. (Skt. āgantuka). CDM (Đại 38, tr.378b09): «Triệu nói, tâm gặp ngoại duyên, phiền não chợt dấy lên, cho nên nói là khách trần.»
[46] VCX: «Bằng phương tiện thiện xảo mà tái sinh trong các hiện hữu, hoàn toàn không có tham đắm.»
[47] Phương tiện tuệ 方便慧, (Skt. upāya-jñāna, tuệ của phương tiện, hay tuệ do bởi phương tiện). VCX: phương tiện thiện nhiếp diệu tuệ 方便善攝妙慧 tuệ siêu việt được thể hiện khéo léo bằng phương tiện (upāya-saṃgrīha-jñāna).
[48] Tuệ phương tiện 慧方便. (Skt. jñānopāya, phương tiện của trí tuệ hay do bởi trí tuệ).
[49] CDM (Đại 38, tr.378c26): «Thập nói, quán không mà không thủ; lội hữu mà không dính; đó là xảo phương tiện… Trong đây chỉ lấy sự lội hữu không dính làm phương tiện, nên nói rằng có tuệ mà không có phương tiện. Từ trụ thứ bảy trở lên, tâm thường định, động và tĩnh không khác, cho nên nói là phương tiện tuệ.»
[50] VCX: «Tự điều phục bằng… nhưng không trang điểm thân bằng các tướng hảo… cho nên, không có phương tiện…»
[51] VCX: «Quán thân cùng với bịnh đều là vô thường…»
[52] VCX: «Thân, tâm và các thứ tật bệnh, lệ thuộc lẫn nhau, lưu chuyển từ vô thuỷ, sinh diệt không gián đoạn, không phải mới, không phải cũ. Đó gọi là tuệ.»
[53] VCX: «Ở nơi sở hành quán sát sinh tử, mà không có sở hành của hết thảy phiền não.»
[54] VCX: «Ở nơi sở hành của bốn thứ Ma mà siêu việt sở hành của hết thảy Ma.» Bốn Ma: uẩn ma, phiền não ma, tử ma, thiên ma.
[55] Nhất thiết trí 一切智. VCX: nhất thiết trí trí. Skt. sarvajñā-jñāna, trí tuệ của nhận thức toàn diện. Trí của nhất thiết trí, trí tuyệt đối cá biệt do Phật tự chứng.
[56] Phi thời cầu 非時求. CDM (Đại 38, tr.380a20): «Thập nói, công hành chưa đủ mà cầu cho được kết quả đầy đủ, gọi là phi thời cầu.» VCX: «Cầu sở hành của trí nhất thiết trí, nhưng không phải là sở hành của chứng trí phi thời.» VCS (T38n1782_p1076a5): «Bồ tát chứng trí, bên ngoài thích ứng vời mọi cơ duyên để có thể cứu vớt chúng sinh, nên nói là không phải phi thời.»
[57] Nhảy một đoạn trong bản La-thập; VCX: «Tuy sở hành diệu trí của bốn Thấnh đế, nhưng không phi thời chứng nghiệm Thánh đế; đó là sở hành của Bồ tát. Chánh quán sát sở hành nội chứng, mà vẫn nhiếp thọ sở hành sinh tử; đó là sở hành của Bồ tát.»
[58] VCX: «Chánh quán sát sở hành vô sinh, mà không rời vào sở hành của Thanh văn Chánh tính.» Chánh vị, hay chánh tính (Skt. samyaktva), Câu-xá 10 (Đại 29 tr. 56c12): «Tham hoàn toàn đoạn trừ; sân…si… hết thảy phiền não hoàn toàn đoạn trừ; đó gọi là chánh tính.» Chỉ giai đoạn chuyển tiếp từ phàm phu bước sang địa vị Thánh giả.
[59] La-thập (T 38, tr.0380a27): «Quán duyên khởi là con đường đoạn trừ tà kiến. Nhưng có thể ngược lại mà đồng với tà kiến.» Trái nghĩa với VCX: «Tuy hành tất cả sở hành của duyên khởi, mà có thể xa lánh sở hành của mọi xu hướng kiến chấp.» Khuy Cơ giải (T38n1782_p1076a17): «Bồ tát hiện duyên khởi mà xa lìa xu hướng kiến chấp. Hiện duyên khởi, tức hiện sinh tử.»
[60] CDM: «Triệu nói, viễn ly nhỏ thì xa lìa chỗ náo nhiệt. Viễn ly lớn thì dứt hẵn thân tâm.»
[61] VCX: «Không hoại loạn pháp giới.»
[62] VCX: «Tuy hay quán sát sở hành vô nguyện mà vẫn có thể thị hiện sở hành của các cõi Hữu.»
[63] VCX: «Tuy rảo bước nơi sở hành vô tác…» Khuy Cơ: «Vô tác, không có gì được tạo tác.»
[64] VCX: «… mà không hướng đến sở hành bờ bên kia của tâm hành diệu trí của hết thảy chúng sinh…»
[65] Bốn vô lương tâm ở đây chỉ bốn Phạm trụ (Brahma-vihāra). chứng Sơ thiền, tái sinh vào thế giới Phạm thiên (Brahma-loka).
[66] VCX: «Không tái sinh theo thế lực của các Thiền.»
[67] VCX:«… mà không thấy tồn tại hai sở hành của thiện và bất thiện.»
[68] VCX:«…mà không mong cầu diệu trí thiện xảo của Phật pháp sai biệt.»
[69] VCX:« … mà không dẹp bỏ sở hành duyên lự của hết thảy Phật pháp.»
[70] VCX: «…cõi Phật, mà tự tính là không, tịch diệt, không thành không hoại, như hư không…»
[71] VCX: «… sở hành hy hữu sự của hết thảy Bồ tát…»
Chương I
X
Nguồn: www.quangduc.com