Bấy giờ Thế tôn khen Bồ tát ma ha tát Bất Không Kiến rằng :
- Lành thay ! Lành thay ! này Bất Không Kiến, đời trước ngươi đã hay cúng dường lượng vô số đác đức Phật Thế tôn, ở chỗ các đức Phật, trồng các căn lành, tu hành đầy đủ các Ba la mật, trong tất cả pháp, việc làm đã thành tựu, lại thường vì các chúng sanh làm người bạn không cần thưa thỉnh mà hành đại từ, thành tựu chánh tín, vì các chúng sanh thỉnh vấn đức Như Lai những nghĩa lớn như vậy, vì các chúng sanh mặc áo giáp lớn nên thưa thỉnh Ðức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì chúng sanh không thối tâm Ðại Bồ đề nên thưa thỉnh đức Như Lai nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh tâm không hoại tín nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh trang nghiêm phát thệ nguyện rộng lớn nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh có thiện căn bất tư nghị nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh mặc áo giáp bất tư nghị nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh vượt khỏi ba cõi nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh chuyên tinh thật nghĩa nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh tùy thuận đại trí nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh thích pháp hạnh sâu xa nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh coi nặng việc bố thí nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh coi trọng việc khai thị nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh hay xả của cải trong và ngoài thân nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh thành tựu giới tụ tối thượng vô thượng nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh tương ưng với sự nhẫn nhục sâu xa nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh tinh tấn dũng mãnh nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh được thiền định sâu xa nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì các chúng sanh trí tuệ sâu xa nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Vì để giúp của cải, phương tiện thu nhiếp khéo léo tất cả chúng sanh nên thưa hỏi đức Thế tôn nghĩa lớn như vậy. Lại vì các chúng sanh tâm như Kim cang, vì các chúng sanh tâm như cờ vua Ðế Thích, không động, không chuyển, vì các chúng sanh tâm như nước trong, không có trần cấu, vì các chúng sanh tâm như áo Ca Già Lân Ðề, vì các chúng sanh muốn nhập vào nghĩa sâu, vì các chúng sanh tôn trọng chánh pháp, vì các chúng sanh xả bỏ gánh nặng đang gánh, vì các chúng sanh không tiếc thân mạng, vì các chúng sanh không thích tất cả pháp hữu vi của thế gian nên thưa hỏi đức Như Lai nghĩa lớn như vậy.
- Này Bất Không Kiến ! Nay ngươi có thể vì các Ðại Bồ tát ma ha tát nên thưa hỏi đức Như Lai nghĩa như vậy.
Bấy giờ đức Thế Tôn lại bảo Bồ tát ma ha tát Bất Không Kiến :
- Này Bất Không Kiến ! Ông nên lắng nghe kỹ và khéo suy nghĩ. Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói rộng rãi.
Khi ấy Bồ tát ma ha tát Bất Không Kiến liền bạch đức Phật :
- Lành thay, bạch Thế tôn ! Như lời Thánh dạy, con xin một lòng lắng nghe.
Ðức Phật nói :
- Này Bất Không Kiến ! Có tam muội của Bồ tát tên gọi là Nhớ tất cả Phật, Bồ tát. Cần phải thân cận, tu tập, quán sát, suy nghĩ. Nếu có thể tu tập Tam muội như vậy, quán sát, tư duy Tam muội ấy rồi, sẽ được tăng thêm, thành tựu hiện tiền an lạc pháp hạnh, sẽ được tăng thêm thiện căn không tham, sẽ được tăng thêm thiện căn không sân, sẽ được tăng thêm thiện căn không si, sẽ được đầy đủ sự hổ thẹn, sẽ được thành tựu thần thông, sẽ được viên mãn tất cả Phật pháp, sẽ được thanh tịnh tất cả cõi Phật, sẽ được đầy đủ từ cõi trời hạ sanh xuống, sẽ được đầy đủ sự nhập thai, sẽ được đầy đủ trụ thai, sẽ được từ mẹ sanh ra đầy đủ sự thanh tịnh vi diệu, sẽ được sanh nhà đầy đủ thanh tịnh, sẽ được các căn vi diệu đầy đủ thanh tịnh, sẽ được tướng đại nhân đầy đủ thanh tịnh, sẽ được các vẽ đẹp đầy đủ thanh tịnh, sẽ được đầy đủ sự xuất gia, sẽ được đầy đủ tịch tịnh tối thượng, sẽ được đầy đủ tịch tịnh lớn, sẽ được đầy đủ các thần thông, sẽ được đầy đủ tất cả chúng sanh quy y, sẽ được đầy đủ sự đa văn, sẽ được đầy đủ pháp thế gian, xuất thế gian, sẽ được đầy đủ tất cả các pháp trụ xứ, sẽ được phương tiện khéo léo biết đầy đủ pháp xuất thế, sẽ được khéo thông đạt đầy đủ tất cả các pháp, sẽ được khéo biết đầy đủ pháp tướng đời trước và đời sau, sẽ được đầy đủ các nghĩa, văn tự trang nghiêm, khéo léo; sẽ được đầy đủ trí tuệ, sẽ được đầy đủ thần thông vi diệu, sẽ được đầy đủ tâm chuyển biến khéo léo, sẽ được đầy đủ sự dạy dỗ khéo để chỉ bảo người khác, sẽ được vì các chúng sanh khác và phú-già-la, có đầy đủ sức mạnh thù thắng về sự hơn thua, trắng đen, trên dưới, đầy khuyết, tăng giảm, sẽ được đầy đủ thị xứ, phi xứ, sẽ được thú hướng đầy đủ về sự chưa thành A-nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, sẽ được đầy đủ chánh hạnh, sẽ được đầy đủ ý, sẽ được đầy đủ tự tại, sẽ được đầy đủ thần thông, sẽ được đầy đủ đại gia tôn thắng, sẽ được đầy đủ dòng họ lớn, sẽ được đầy đủ sự đoan chánh, sẽ được đầy đủ oai thế lớn, sẽ được đầy đủ ánh sáng lớn, sẽ được đầy đủ sự làm các công đức, sẽ được đầy đủ đại công đức, sẽ được đầy đủ đại nhân ngưu vương, sẽ được đầy đủ âm thanh khiến người hoan hỷ, sẽ được đầy đủ âm thanh khiến người khác hết sức hoan hỷ, sẽ được đầy đủ âm thanh vi diệu, sẽ được đầy đủ Phạm âm, sẽ được đầy đủ biện tài tương ứng, sẽ được đầy đủ biện tài không tranh cãi, sẽ được đầy đủ biện tài không đắm trước, sẽ được đầy đủ biện tài đúng với sự thật, sẽ được đầy đủ các thứ biện tài, sẽ được biện tài đầy đủ tất cả ngôn ngữ âm thanh, sẽ được đầy đủ sự khi sanh ra không lìa chư Phật Thế tôn mà thường cung kính cúng dường, sẽ được đầy đủ khi sanh ra xa lìa biên địa, sẽ được đầy đủ sự thường sanh ở trung quốc (trung tâm thành phố), sẽ được đầy đủ sự du hành các thế giới để lễ bái, thừa sự chư Phật Thế tôn để thưa hỏi luận nghị, sẽ được đầy đủ sự thành tựu vô lượng vô biên công đức, sẽ được đầy đủ công đức trang nghiêm của tất cả Bồ tát. Cho đến sẽ được đầy đủ đạo tràng trang nghiêm ở dưới cây Bồ đề.
Bấy giờ đức Thế tôn vì nói lại nghĩa này nên dùng kệ tụng :
- Bất Không Kiến, thắng tam muội này
Như ta nay trụ trong trí đức
Nếu có Bồ tát hay tu hành
Sẽ thấy mười phương tất cả Phật
Liền mau đạt được các thần thông
Nhờ đó lại thấy cõi thanh tịnh
Liền hay hạ sanh diệu cụ túc
Nhập thai cụ túc cũng như vậy
Trong lúc trụ thai không ai bằng
Mẹ rất thanh tịnh, sanh nhà quý
Tất cả tướng tốt đều đầy đủ
Cũng sẽ tu các pháp hạnh ấy
Bỏ nhà, xuất gia lìa các dục
Vứt bỏ nhân dục và thiên dục
Ngài vì thế gian cầu Bồ đề
Lúc sanh thường có các cam lồ
Cũng đắc các thông và thần túc
Chuyển trí tròn đầy ở thế gian
Bậc đại đức đa văn, tổng trì
Hành động như biển đa văn này
Thống nhiếp đại chúng nghĩa quân minh
Khéo biết chúng sanh phương tiện học
Các pháp hành xứ đều biết cả
Pháp của thế gian và xuất thế
Người trí đã biết, trí đầy đủ
Xa lìa các nghiệp và si não
Các pháp hữu vi đều bỏ hết
Mà thường thân cận pháp vô vi
Thường dùng thiên nhãn xem chúng sanh
Lại dùng thiên nhĩ lắng nghe pháp
Túc mạng minh biết rõ quá khứ
Tha tâm khéo rõ ý tiền nhân
Thần thông biến hóa, đi tự tại
Tâm khéo chuyển di, tùy sở nhân
Ðược tiếng tăm lớn, đến nước Phật
Hay rộng lợi ích cả thế gian
Rõ được thị xứ và phi xứ
Tất cả các pháp đều biết cả
Thấy rõ tịnh pháp và nhiễm pháp
Nên thường tu tập thắng tam muội
Hay được chánh hạnh người cụ túc
Trí huệ vị ấy thật khó sánh
Ðủ chánh tư duy, oai đức lớn
Cũng được an trụ, chánh tu hành
Lại sanh đại gia và tôn tánh
Các sự đoan nghiêm, thấy liền vui
Vị ấy tuy ở trong hữu vi
Công đức đã làm không thể hoại
Khi sanh thường được công đức lớn
Qua lại thường làm vua loài người
Hoặc làm Thích, Thiên tôn Ðao Lợi
Khi làm Thiên quang và Phạm chủ
Lúc phát tiếng nói không ai bằng
Tiếng hay Phạm thiên, tiếng sư tử
Tiếng hay loài rồng vang cùng khắp
Tiếng công đức lớn, sư tử rống
Ðủ cả tiếng nhạc và tiếng ca
Tiếng Ca lăng tần già tuyệt diệu
Gồm cả nghĩa lý khiến chúng vui
Nhờ đạt Tam muội nên được vậy
Khéo phát tiếng hòa nhã và hay
Dùng lời đáng yêu vui tất cả
Diệu âm thâm áo và lời thiện
Tiếng ấy liên tục chưa từng dứt
Ði đứng cử động như Long Vương
Khắp phóng điện sáng chiếu tất cả
Ðổ mưa chan hòa nơi đại địa
Gọi là Long đức khó kể lường
Nhơn long đã tu hành như vậy
Trụ nơi diệu định thắng thần thông
Vô lượng, vô số các hóa thân
Trước các đức Phật đều cúng dường
Kệ tụng, thí dụ các tạo tác
Ngôn từ hòa, chánh, lý thú an
Thường đem pháp lạc cho chúng sanh
Ðược thắng định này nên vô ngại
Lúc sanh không xa lìa chư Phật
Cũng thấy Bồ tát và thánh tăng
Thường sống lợi ích nơi không nạn
Thành tựu tam muội chiếu mười phương
Muốn đến chư Phật để thưa hỏi
Hoặc sanh vô lượng cõi khó nghĩ
Cúng dường hiện tiền tất cả Phật
Thành tựu tam muội nên được vậy
Công đức như thế không thể nói
Vượt trên số đếm và đo lường
Ðẳng giác, cây đạo hằng sanh đủ
Chư Phật chỉ khen ngợi định này.
Bấy giờ Bồ tát ma ha tát Bất Không Kiến bạch đức Phật :
- Bạch Thế tôn, nếu các Bồ tát muốn được thành tựu pháp Bồ tát niệm Phật Tam muội mà chư Phật đã nói, Bồ tát ma ha tát ấy nên thân cận tu tập pháp gì để có thể thành tựu tư duy tam muội?
Bấy giờ đức Thế tôn bảo Bồ tát ma ha tát Bất Không Kiến :
- Này Bất Không kiến ! Nếu các Bồ tát ma ha tát muốn được tành tựu pháp niệm Phật tam muội mà chư Phật đã nói, muốn được thường thấy tất cả chư Phật để thừa sự, cúng dường các đức Thế tôn ấy, muốn được mau thành A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề thì phải trụ nơi chánh niệm, xa lìa tâm tà, đoạn trừ ngã kiến, tư duy vô ngã, nên quán thân này như đống bọt nước, nên quán sắc này hư ngụy như cây chuối, nên quán thọ này như bong bóng nước, nên quán tưởng này như bóng nắng, nên quán hành này như mây trong hư không, nên quán thức này như ảnh trong gương, Bồ tát nếu muốn nhập tam muội này, cần phải sanh tư tưởng sợ hãi một cách sâu sắc, phải nghĩ đến việc xa lìa sự nói xấu và ganh ghét để khỏi bị người khác trách mắng, phải nghĩ đến việc trừ khử sự không biết hổ, không biết thẹn mà thành tựu đức tánh hổ thẹn. Phải nên thành tựu xa-ma-tha, Tỳ-bà-xá-na, phải nên xa lìa hai biên chấp thường và đoạn, thường nghĩ một lòng siêng năng dõng mãnh để trừ bỏ sự giải đãi, phát tâm rộng lớn, thường nghĩ quán sát ba giải thoát môn, thường nghĩ ba loại chánh trí đời trước, thường nghĩ đoạn diệt ba bất thiện căn, thường nghĩ thành tựu cấm muội tụ, thường nghĩ thành tựu tất cả chúng sanh, thường nghĩ bình đẳng vì chúng sanh thuyết pháp, nên quán Tứ niệm xứ, đó là : Thân niệm xứ, thọ niệm xứ, tâm niệm xứ và pháp niệm xứ, nên nghĩ sự lỗi lầm của tứ thực, đó là : đoàn, xúc, tư và thức thực. Ngay trong lúc ăn, sanh tưởng bất tịnh. Nên nghĩ đến bốn vô lượng, đó là : tu đại từ, hành đại bi, an trụ đại hỷ, đầy đủ đại xả. Nên nghĩ thành tựu các thiền mà không dám trước vị, sau đó lại tư duy tất cả các pháp. Thường nhớ không tiếc thân, không giữ mạng, xả thân và tâm, nhiếp thọ đa văn.
Niệm pháp như vậy, nên gìn giữ như vậy, không được bài báng, nghe nhiều pháp tài, như pháp đã nghe, như nghĩa mà thọ trì, đối với chỗ các đức Phật khởi tâm tôn trọng. Lại đối với pháp, tăng sanh ý cung kính, gần gũi thiện tri thức, xa lìa bọn ác, trừ diệt những ngôn ngữ vô nghĩa của thế gian, không đắm sự vui thế gian, không bỏ chỗ nhàn tịnh, Ðối với tất cả sanh tâm bình đẳng. Ðối với các chúng sanh không có thối bước, không có tâm tổn hại, cũng không tật đố. Ðối với tất cả pháp khởi tâm thích ứng, không tạo tội ác, tâm không cấu nhiễm. Tất cả các pháp không có nơi nào có thể chứng đắc, thường cầu kinh điển thậm thâm quảng đại, đối với trong đó thường khởi tín tâm tăng thượng, chớ sanh tâm tật đố, nghi ngờ, ý khác đối với pháp vô vị.
Các kinh điển tối thắng quảng đại như vậy phải thường nhớ phụng trì, thường nghĩ diễn thuyết. Vì sao vậy ? Ðó là đạo pháp của chư Phật Thế tôn, độc nhất có thể sanh thành Bồ đề của Phật, nên đời đương lai được công đức vô lượng của chư Phật. Phải nên tuyên thuyết đúng như pháp cho người khác, hàng phục tâm kiêu mạn, chớ loạn sư chánh văn, cung kính tôn trọng, cúng dường pháp này, bỏ các dục cầu, chấm dứt các cạnh tranh, trừ các thùy niên, diệt các lưới nghi, đoạn tuyệt mê hoặc, thấy rõ ngã kiến, không thích hý luận, xa lìa sự sanh sống tà mạng của Ni-càn, ngăn chận các ngôn ngữ, luận ... của La-ca, Ba-lê, Bà-xà, thường nên khéo trụ trong Ðàn ba la mật, viên mãn Thi ba la mật, thường nghĩ đến Sằn-đề ba la mật, không bỏ Tùy-nại-da ba la mật, du hý nơi thiền ba la mật, đầy đủ Bát nhã ba la mật. Xả bỏ thân mạng, không có tâm thương tiếc, như tánh của tứ đại không thể thay đổi, như đối với địa giới khởi tâm bình đẳng, thủy, hỏa, phong giới cũng lại như vậy, thành tựu thân nghiệp, tâm ý siêng năng, đâu chẳng sợ sự sống, không tham y thực, thuốc thang, giường chõng, nhà cửa, phòng thất , tất cả đầy đủ, thích hành đầu đà, thường trụ tri túc, không cầu lợi dưỡng, không thích tiếng tăm. Phàm những gì tạo nên sự ái trước đều diệt trừ không còn mảy may, quán Tứ niệm xứ, đoạn trừ bốn thiên đảo, không nghĩ những gai độc ác, vĩnh viễn vượt qua bốn dòng sông, tu bốn như ý túc, trụ nơi bốn oai nghi, thường đủ 5 căn, cũng tăng trưởng 5 lực, nên diệt 5 thứ ngăn che, không dùng 5 tình, xa lìa 5 trược, thành 5 giải thoát, được nhập vào tứ tư duy bên trong, thánh trí rộng lớn, chánh quán 5 ấm, không hành 6 trần, hàng phục 6 căn, diệt mất 6 thức, đoạn tuyệt 6 thọ, trừ 6 khát ái, hành 6 niệm xứ, và 6 trí phần pháp, đối với trong lục thông thường cầu sự lợi ích, tu 7 giác phần, thông đạt 7 giới, ( 7 giới là : hại giới, nhuế giới, xuất giới, dục giới, sắc giới, vô sắc giới và diệt giới ) diệt trừ 7 sử và 7 thức trụ, xa lìa 8 sự làm biếng, uể oải, trừ bỏ 8 vọng ngữ, thấy rõ thế gian do 8 pháp tạo thành, nên đắc pháp 8 thứ giác ngộ của bậc đại nhân, chứng 8 giải thoát, tu 8 chánh đạo, thân cận tư duy, phân biệt rộng lớn, chuyên tinh xa lìa 9 chỗ ở của chúng sanh, diệt trừ 8 thứ mạn, vứt bỏ 9 thứ não, thường nghĩ 9 thứ pháp hoan hỷ..., thân cận tu tập 9 thứ đệ định, quyết không nghĩ và làm 10 thứ ác nghiệp mà phải siêng năng tạo 10 thiện nghiệp đạo, thường cầu 10 thứ trí lực của Như Lai.
Này Bất Không Kiến ! Nay ta vì ngươi lược nói pháp môn niệm Phật Tam muội của Bồ tát ma ha tát như vậy để các vị ấy được sự lợi ích lớn. Nếu có Bồ tát ma ha tát thường tu học pháp môn niệm Phật Tam muội, tu hành như vậy gọi là báo ân Phật, tư duy như vậy liền không bị thối chuyển đối với A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, cũng sẽ đầy đủ pháp của chư Phật, cho đến có thể vì tất cả chúng sanh làm chỗ nương tựa lớn, cũng khiến cho họ thành tựu vô thượng chủng trí.
Này Bất Không Kiến ! Vì các Bồ tát ma ha tát này có đại trí, nên mới có thể tư duy mà hàng Thanh văn và Bích Chi Phật không thể quán sát được.
Này Bất Không Kiến ! Nếu ai đối với pháp môn niệm Phật tam muội này, hoặc lúc thân cận, tư duy, tu tập, hoặc thọ trì, hoặc đọc tụng, hoặc biên chép, hay bảo người khác biên chép, hoặc bảo người khác đọc tụng, thọ trì hoặc khai phát một phần nhỏ, hoặc giải nói, hoặc trình bày rộng rãi, kẻ ấy tuy có bị cần khổ, mệt mỏi thời gian ngắn, nhưng điều đã làm quyết định không hư ngụy, chắc chắn sẽ đạt quả báo, được lợi ích lớn.
Này Bất Không Kiến ! Bồ tát ma ha tát ấy đã vì người khác mà thọ trì pháp nên mau được Bất thối A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, đời sau chắc chắn sẽ thành Phật.
Này Bất Không Kiến ! nên biết pháp môn niệm Phật tam muội như vậy, vì tổng nhiếp tất cả các pháp cho nên chẳng phải là cảnh giới của Nhị thừa là Thanh văn và Duyên giác. Nếu ai tạm thời nghe pháp này thì người đó tương lai chắc chắn sẽ thành Phật, chẳng có gì nghi ngờ.
Bấy giờ đức Thế tôn vì nói lại nghĩa này nên nói kệ tụng :
- Nếu ai muốn tu tam muội này
Hay nhớ tất cả các Như Lai
Nếu đã tư duy pháp môn này
Các chỗ phi pháp phải xa lìa
Cũng phải xa lìa không hổ thẹn
Phá trừ đoạn kiến và thường kiến
Cũng nên an trú ba cửa không
Phải nhớ cần tu trí giải thoát
Ðã trừ ba thứ bất thiện căn
Liền cũng suy tư ba gốc thiện
Nếu biết quán sát ba thọ xứ
Ðược điệu định này chẳng phải khó
Nếu ai muốn cầu thắng tam muội
Trước nên trì giới, sau tu trí
Tự nhiên xa lìa các tà kiến
Cũng không lý luận và nói năng
Thứ lớp quán thọ thấy đều khổ
Sau đó quán sát tâm sanh diệt
Nếu ai lúc tư duy tam muội
Phải nên nghĩ kỹ việc xuất thế
Trừ sạch các pháp có nghi ngờ
Ðắc tam muội này rất là dễ
Cũng phải khéo thông bốn niệm xứ
Trước phải quán thân chẳng ngừng nghỉ
Chỉ cầu giải thoát và thiền định
Không yêu thọ mạng, nào tiếc thân
Vì không đa văn, khinh dễ người
Mới có bài báng nơi chánh pháp
Nghe chánh pháp rồi hay tư duy
Ngày đêm thọ trì và đọc tụng
Tôn trọng pháp đáng kính chư Phật
Thừa tự Tăng chúng không dám khinh
Phải thường nhớ ân thiện tri thức
Xa lìa tất cả các bạn ác
Không cùng sống chung vối người ác
Trừ khi vì họ để thuyết pháp
Vì cầu tối thượng Bồ đề vậy
Quyết không xả ly nơi an tịnh
Tất cả chúng sanh đều bình đẳng
Ở trong các pháp chớ phân biệt
Muốn cầu chỗ chơn thật pháp ấy
Trong các pháp tướng, tâm không đắm
Ý khinh mạn kia thảy đều trừ
Không lâu sẽ được Tam muội đó
Rõ biết ngã kiến và tâm nghi
Cũng nên quán sát các vui đùa
Không được khởi tâm ý ác dục
Nên bỏ cạnh tranh và ngủ nghỉ
Nếu không học pháp của ngoại đạo
Các hý luận này tự nhiên trừ
Chỉ nên tùy thuận lời Phật dạy
Cầu tam muội này được tức thì
Thường hành bố thí và giới nhẫn
Dõng mãnh, tinh tấn, không làm biếng
Hằng dùng thiền tư và trí tuệ
Tự nhiên được hạnh tam muội này
Thường thí đầu, mắt, không yêu, sợ
Xả các vật khác trọn không nghi
Ðạt đến Bồ đề không gian nan
Cũng mau được định ngưng tịnh này
Nếu hay giữ tâm như đại địa
Lại đồng thủy, hỏa cùng với phong
Lại đồng hư không, không bờ bến
Người ấy mau được thiền định này
Nếu ai tinh thành thân, khẩu, ý
Không có tham ăn cùng của cải
Với các vật dụng không mong cầu
Tu được như vậy chứng Tam muội
Phải thường nhớ nghĩ Tứ chánh cần
Cũng sẽ thành tựu các thần túc
Phải mau xa lìa tưởng điên đảo
Gai chích phiền não sớm đoạn trừ
Phải nghĩ chấm dứt bốn dòng sông
Cùng nghĩ tiêu sạch các khác ái
Ðầy đủ năm căn và năm lực
Phá hoại, xé rách áo ngũ cái
Năm thứ dục lạc không tưởng nhớ
Trong lòng hư ngụy cũng nên bỏ
Lại phải mong cầu năm giải thoát
Tư duy năm thân, tam ma đề
Phải mau quán hết nơi ngũ ấm
Chánh tâm hòa kính với sáu duyên
Người không cung kính phải xa lìa
Cũng phải giảm tổn sáu thân xúc
Với sáu thọ xứ, tâm chánh quán
Thường nghĩ đoạn trừ sáu thứ ái
Lại dùng sáu thông thành tựu đời
Cũng tu sáu niệm và trí sáng
Cần cầu bảy giáo, bảy thánh tài
Cần phải xả ly chỗ nghi hoặc
Muốn được Tam muội luôn như vậy
Dần dần tiêu diệt các phiền não
Phải thường xa lìa bảy thức trụ
Vào đường điên đảo cũng bạt trừ
Nếu hay trụ nơi bát chánh đạo
Tự mình mau chứng định sâu này
Hằng trụ tám hạnh đại trượng phu
Lại dùng tám giải tâm tự vui
Không nhiễm tám pháp, lìa thế gian
Ðược tối thắng trí không còn xa
Ðối với người khác tâm không sân
Trước nên trừ diệt chín nạn này
Nghĩ chín hoan hỷ pháp căn bản
Ðạt được thứ lớp chín loại thiền
Dứt sạch mười ác nhân bất thiện
Người trí nên tu mười thứ thiện
Nếu hay tu hành mười thứ lực
Ðược tam muội này đâu có khó
Phải nhớ nhiếp trì các pháp thiện
Không xả bất thiện các duyên ác
Trước sau siêng cầu tâm chánh niệm
Chứng tam muội này đâu có lâu
Nếu trụ tam muội như vậy rồi
Nên chuyển trì lực bất tư nghị
Khắp thấy thân sắc vàng chư Phật
Lúc sanh thường được nghe chánh pháp
Nếu muốn thấy được các Thế tôn
Hoặc đã diệt độ hay hiện tại
Ðương lai tất cả bậc thương đời
Phải tư duy thắng Tam muội này.
Bấy giờ Bồ tát ma ha tát Bất Không Kiến bạch đức Phật :
- Bạch Thế tôn, nếu các Bồ tát ma ha tát muốn thành tựu điều chư Phật nói về niệm Phật tam muội, vậy tư duy làm sao để được an trú ?
Ðức Phật bảo Bồ tát Bất Không Kiến :
- Này Bất Không Kiến! Nếu các Bồ tát ma ha tát quyết muốn thành tựu Tam muội này thì trước phải chánh niệm các đức Như Lai, Ứng cúng, Ðẳng chánh giác ở thời quá khứ, tiếp theo nhớ nghĩ các đức Như Lai, Ứng cúng, Ðẳng chánh giác ở hiện tại, kế đó nhớ nghĩ các đức Như Lai, Ứng cúng, Ðẳng chánh giác ở vị lai. Vị ấy nhớ nghĩ tất cả mười phương thế giới trong ba đời, tất cả các đức Như Lai, Ứng cúng, Ðẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sỹ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế tôn, thành tựu từ trời hạ sanh, thành tựu nhập thai, thành tựu trụ thai, thành tựu xuất thân, thành tựu xuất gia, thành tựu các công đức, thành tựu các căn, thành tựu các tướng, thành tựu các vẽ đẹp, thành tựu sự trang nghiêm, thành tựu giới phẩm, thành tựu Tam muội, thành tựu trí huệ, thành tự giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, thành tựu Tứ vô úy, thành tựu từ by, hỷ xả, thành tựu tàm quý, thành tựu oai nghi, thành tựu các hạnh, thành tự xa-ma-tha, thành tựu Tỳ-bà-xá-na, thành tựu minh giải thoát, thành tựu giải thoát môn, thành tựu Tứ niệm xứ, thành tựu Tứ chánh cần, thành tựu Tứ như ý túc, thành tựu ngũ căn, thành tựu ngũ lực, thành tựu giác phần, thành tựu chánh đạo, thành tựu nhân duyên kiếp trước, thành tựu vừa dạy vừa chỉ bảo, thành tựu chỉ giáo các thần thông, thành tựu chỉ giáo đại thần thông, thành tựu giới phẩm, thành tựu tất cả Tam muội, thành tựu lợi ích tất cả, thành tựu sự lợi ích cho người khác vô ngại, thành tựu tất cả thiện pháp, thành tựu sắc thanh tịnh, thành tựu tâm thanh tịnh, thành tựu trí thanh tịnh, thành tựu các nhập, thành tựu sắc vàng trăm phước.
Khi Bồ tát ấy nghĩ đến các tướng như vậy của các đức Như Lai xong, lại nên nghĩ đến các đức Như Lai, Ứng cúng, Ðẳng chánh giác ấy tâm không động loạn, cũng thường an trụ, tâm không đắm trước. Thấy tâm (các Ngài) không đắm trước xong, vị ấy lại suy nghĩ như vầy:" Trong đó những gì gọi là Như Lai? Chính nơi sắc là Như Lai chăng? hay lìa sắc là Như Lai ? Nếu cho sắc pháp là Như Lai thì các chúng sanh kia đều có sắc ấm. Vậy các chúng sanh lẽ đáng cũng là Như Lai ? Nếu bảo lìa sắc là Như Lai, lìa sắc là pháp không có nhân duyên, đã là pháp không có nhân duyên, sao gọi là Như Lai ? ".
Bồ tát quán biết sắc như vậy xong, tiếp theo là quán thọ. Khi ấy Bồ tát lại suy nghĩ như vầy :" Ngay nơi thọ là Như Lai hay lìa thọ là Như Lai ? Nếu chính pháp thọ là Như Lai thì các chúng sanh đều có thọ ấm, vậy các chúng sanh lẽ đáng cũng là Như Lai ? Nếu lìa pháp thọ là Như Lai, lìa pháp thọ là pháp không có nhân duyên, đã là pháp không có nhân duyên, sao gọi là Như lai ".
Vị ấy đã quán sát thọ như vậy xong, cho đến quán thức cũng như vậy. Khi ấy Bồ tát lại nghĩ như vầy :" Nếu các ấm này không phải là Như Lai, vậy các căn là Như Lai chăng ?”. Nghĩ như vậy xong, trước tiên quán về nhãn :" Chính ngay nơi nhãn là Như Lai hay lìa nhãn là Như Lai ?. Nếu chính nơi nhãn là Như Lai thì tất cả chúng sanh cũng đều có nhãn này, vậy tất cả chúng sanh lẽ ra cũng là Như Lai ? Nếu lìa nhãn là Như Lai, Lìa nhãn chẳng phải là pháp nhân duyên, Ðã không phải là pháp nhân duyên sao gọi là Như Lai ?. " Bồ tát quán sát về nhãn như vậy xong, quán về nhĩ, tỷ, cho đền quán về ý cũng lại như vậy.
Lúc ấy Bồ tát kia lại nghĩ như vầy : " Nếu các căn này không phải là Như Lai, há lại các đại là Như Lai chăng ?". nghĩ như vậy xong, trước tiên quán về địa :" Chính địa giới là Như Lai chăng ? Hay lìa địa giới là Như Lai ? Nếu chính địa giới là Như Lai thì các pháp trong ngoài đều thuộc về địa, địa giới như vậy chính là Như Lai ? Nếu lìa địa giới là Như Lai, lìa địa giới tức là pháp không nhân duyên, đã là pháp không phải nhân duyên sao gọi là Như Lai ? ".
Vị ấy đã quán sát về địa giới như vậy, cho đến quán thủy, hỏa, phong giới cũng lại như vậy .
Song, Bồ tát ấy khi có thể tư duy một cách chơn chánh như vậy, không lấy sắc quán sát Như Lai, không lìa sắc quán sát Như Lai. Cũng vậy, không lấy thọ, không lìa thọ, không lấy tưởng, không lìa tưởng, cho đến không lấy thức, không lìa thức quán sát Như Lai cũng lại như thế.
Lại nữa, Khi vị ấy quán sát không lấy nhãn quán sát Như Lai, không lìa nhãn quán sát Như Lai. Như vậy, không lấy nhĩ, không lìa nhĩ, không lấy tỷ, không lìa tỷ, cho đến không lấy thân, ý, không lìa thân , ý quán sát Như Lai cũng lại như thế.
Lại nữa, khi vị ấy quán sát không lấy sắc quán sát Như Lai, không lìa sắc quán sát Như Lai, cũng vậy, không lấy sắc, không lìa sắc, không lấy thinh, không lìa thinh, cho đến không lấy xúc, pháp, không lìa xúc, pháp quán sát Như Lai, cũng lại như vậy.
Lại nữa, khi vị ấy quán sát không lấy địa quán sát Như Lai, cũng không lìa địa quán sát Như Lai. Như vậy không lấy thủy, không lìa thủy, cho đến không lấy phong, không lìa phong quán sát Như Lai, cũng như vậy.
Khi Bồ tát quán như vậy, liền có thể ở trong tất cả pháp khéo không thông đạt, biết rõ ràng vô ngại.
Bấy giờ Bồ tát ấy lại nên suy nghĩ như vầy :" Trong đó lại lấy những chơn pháp gì mà có thể đắc A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề ? Lấy thân đắc Bồ đề chăng ? hay dùng tâm đắc Bồ đề ? Nếu thân đắc thì hiện nay thân này vô giác, vô thức, si mê, vô trí, giống như cây cỏ, như đá, như vách tường, song Bồ đề ấy chẳng phải sắc, chẳng phải thân, chẳng phải hành, chẳng phải đắc, không thể thấy, nghe, không thể xúc chứng. Còn thân này thì như vậy làm sao có thể thành Bồ đề ?
Còn nếu tâm đắc thì chính tâm này tự nó vốn không hình, không có tướng mạo, không thể thấy, nghe, không thể xúc chứng, không thể cầm nắm, giống như huyễn hóa. Bồ đề như vậy cũng không có tâm, không có xúc đối, không thể thấy nghe, không thể chứng biết. Tâm này như thế làm sao có thể thành tựu Bồ đề ?
Này Bất Không Kiến ! Ðó là Bồ tát chánh niệm tư duy, không lấy thân, tâm, cũng không lìa thân tâm mà có thể chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề .
Ðức Phật bảo :
- Này Bất Không Kiến ! Nhưng Bồ tát kia thường nên tư duy quan sát như vầy. Nếu khi có thể quán các pháp như vầy liền được an trí ở trong chánh pháp, tâm không thay đổi không thể di động. Nên biết khi ấy đầy đủ pháp Bồ tát ma ha tát, tự nhiên xa lìa tư duy bất thiện, nhanh chóng thành tựu A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, chánh giác bình đẳng, chơn thật pháp giới.
Bấy giờ đức Thế tôn vì làm rõ lại nghĩa này nên nói kệ tụng :
- Quá khứ, vị lai các Thế tôn
Hiện tại tất cả đấng thấy khắp
Lắng tâm không tịch, hành từ ái
Muốn thấy chư Phật không khó khăn
Xưa kia chư Phật Ðại Oai Quang
Xót thương thế gian, ban niềm vui
Ngài nghĩ Phân Ðà Lợi, loài người
Ðiều ngự trượng phu đầy công đức
Lại nhớ hạ sanh và nhập thai
Trú thai, mẹ quý đều đầy đủ
Nghĩ Ngài sanh ra các tướng tốt
Thường thấy Ðẳng giác chẳng khó khăn
Nhớ các vẻ đẹp rất trang nghiêm
Và bỗn nguyện Ngài đã làm trước
Lời hay, nghĩa diệu trước, giữa, sau
Ngài đều khéo đi, thân giải thoát
Trụ môn giải thoát và cúng dường
Chánh cần cùng với Tứ thần túc
Nên nhớ các căn đấng đầy đủ
Lực, Bồ đề phần cũng như vậy
Hoặc nhớ chư Phật, đấng giải thoát
Không lâu sẽ đến thắng-tịch-địa
Niệm lợi ích tất cả thế gian
Công đức thiện pháp khó nghĩ lường
Sắc đẹp cùng với tâm thanh tịnh
Lại nghĩ các vẻ đẹp Thế tôn
Thân thể Kim cang, tướng trăm phước
Nên biết Như Lai các niệm tròn
Trong những pháp gì gọi Như Lai
Cần nên quán sát Vô biên xứ
Chư Phật chẳng sắc lại chẳng thọ
Chẳng phải tưởng, hành, chẳng tâm thức
Những pháp như vậy chẳng Như Lai
Người trí chánh kiến nên thể nhập
Cũng chẳng lìa chúng là chư Phật
Ứng cúng, Thiên Thệ chỉ tên gọi
Chư Phật chẳng nhãn, chẳng nhĩ, tỷ
Chẳng thiệt, thân, ý và pháp thảy
Cũng chẳng lìa chúng là Như Lai
Chánh giác trang nghiêm chỉ tên gọi
Chỉ có tên lớn, không chơn Phật
Lìa danh nơi nào có thật thể ?.
Người trí nếu biết đều hòa hợp
Nên chứng Ðẳng giác thật chẳng khó
Nếu cho các ấm là Như Lai
Tất cả chúng sanh đều có ấm
Chúng sanh lẽ ra là chư Phật ?.
Vì ấm bình đẳng ai cũng có
Không cho sắc thảy là chư Phật
Cũng không lìa ấm, gọi Như Lai
Vô lượng số kiếp chánh tư duy
Trí bất tư nghị mới thành tựu
Thân như cây cỏ và tường, đá
Bồ đề không sắc cũng không sanh
Không thân ngu si và cây cỏ
Vì sao nói thân chứng Bồ đề ?
Tâm này không tướng, lại không hình
Bồ đề chẳng tâm, không hình dạng
Chẳng thân, chẳng tâm hay đắc chứng
Cũng chẳng không chứng, khó nghỉ nghì
Ðó là tối thắng tịch tịnh địa
Ngoại đạo trong đó đều mê mờ
Nếu ngay pháp này cầu chánh cần
Ắt mau chứng đặng Tam muội ấy.
KINH ÐẠI TẬP ÐẠI PHƯƠNG ÐẲNG
BỒ TÁT NIỆM PHẬT TAM MUỘI
Hết quyển bảy
Nguồn: www.quangduc.com