Lịch sử Phật giáo Tây Tạng được phân định rất rõ, và được các nhà viết sử đồng ý lấy Pháp nạn do Tạng vương Lãng Đạt Ma gây ra làm giới tuyến; Phật giáo trước Pháp nạn gọi là Phật giáo Tiền truyền và sau Pháp nạn gọi là Phật giáo Hậu truyền.
Trong thời kỳ đầu Phật giáo được truyền vào Tây Tạng tuy có hai hệ, một đến từ Ấn Độ, một đến từ Trung Quốc, nhưng không lâu sau hệ đến từ Trung Quốc bị thoái xuất, chỉ có hệ đến từ Ấn Độ là phát triển rực rỡ.
Phật giáo tại Ấn Độ cũng được chia làm ba giai đoạn: Nguyên thủy, Tiểu thừa và Đại thừa. Riêng Đại thừa Phật giáo Ấn Độ lại cũng chia thành ba kỳ la: Sơ kỳ, Trung kỳ và Vãn kỳ. Ở đây xin giới thiệu về Phật giáo Trung kỳ tại Ấn Độ. Hệ được truyền vào Trung Quốc lấy Đại thừa hiển giáo của thời Trung kỳ làm chính, trong khi hệ được truyền vào Tây Tạng lại lấy Đại thừa Mật giáo của thời Vãn kỳ làm nòng cốt. Vào thời Trung kỳ của Đại thừa hiển giáo tại Ấn Độ, thì Mật giáo chưa được khai triển. Sự long thịnh của Mật giáo chủ yếu là tại Ba La, thời đại của vương triều Thiên An (600-1139); nguyên lưu của Mật giáo được khởi đầu là từ Bồ Tát Thế Thân trở về sau. Niên đại của Thế Thân là vào khoảng đời Đông Tấn, thời vua Nguyên Đế, năm Đại Hưng thứ ba đến thời vua An Đế cũng đời Đông Tấn niên hiệu Long An thứ tư (320-400 Tây lịch) Niên đại nầy được liệt vào thời Vãn kỳ Đại thừa, và tương đương với thời đại nhà Đông Tấn cho mãi đến thời đại nhà Nam Tống của Trung Quốc kéo dài được tám trăm năm. Trong thời gian đó Phật giáo tại Ấn Độ cũng trãi qua nhiều biến đổi trước sau không giống nhau. Trong hơn hai trăm năm đầu của thời kỳ nầy, các học phái chưa rõ ràng, Hiển-Mật tuy khác hướng và học phong có khác, nhưng vẫn nhất quán giữ lấy nếp xưa. Năm trăm năm kế tiếp, chỉ có Mật giáo là được xiển dương và cho mãi đến lúc bị diệt vong. Do đó, hơn hai trăm năm của thời kỳ đầu được gọi là “Phân hóa kỳ” và năm trăm năm của thời kỳ sau được gọi là “Suy đồi kỳ”. Trong thời kỳ nầy chỉ có Đại thừa Mật giáo là đóng vai trò chủ yếu, tuy là vậy nhưng không phải Mật giáo không cần đến cơ sở của Đại thừa Hiển giáo. Cho nên muốn giới thiệu Mật giáo Tây Tạng tất nhiên phải khởi đầu từ các truyền nhân của Bồ Tát Thế Thân.
Phần tự thuật này, tôi (tức Pháp sư Thánh Nghiêm) xin y cứ vào tác phẩm “Tây Tạng Phật giáo Nguyên Luận” của Lữ Trừng làm tư liệu chủ yếu để tham khảo. Tư liệu mà họ Lữ sử dụng được trích dẫn từ cuốn “Ấn Độ Phật giáo sử” của Đa La Na Tha(Tàranàtha) người Tây Tạng. Đây là tác phẩm được hoàn thành vào đời vua Minh Thành Tông, niên hiệu Vạn Lịch ba mươi sáu (1608), vì ngại có người ngờ rằng tôi chỉ sử dụng các điều tốt, lược bỏ các điều không tốt, nên trước tiên xin được nói rõ.
Đứng trên phương diện lịch sử tư tưởng của Phật giáo Ấn Độ, thì Thế Thân quả là một vị Bồ Tát “Không Tiền Tuyệt Hậu”. Chỉ riêng bản thân ông, cũng đã tập thành được Đại thừa Phật Pháp. Ông là bậc “bác đại uyên thâm”! Thậm chí các học giả về sau nầy không ai có thể xứng tầm để kế thừa sự nghiệp của ông. Ông có bốn vị đại đệ tử, mà mỗi vị đều có hệ truyền thừa riêng .
- Một là An Huệ – người truyền thừa Tỳ Đàm học: An Huệ người Nam Ấn, có thuyết nói ông đã từng viết sách ngay khi còn đang theo học với Thế Thân, ông cũng là người mà không kinh sách nào ông không đọc tới. Tuy nhiên, ông đặc biệt tinh chuyên về Tỳ Đàm học. Luận Cu Xá do ông tường thích được truyền vào Tây Tạng. Trong khi đó người Hán thì nói ông là người pha trộn “Tạp Tập”. Đệ tử của An Huệ là Nguyệt Quang, ông nầy người đông Aán. đối với tất cả Thanh minh, Kinh, Chú. không môn nào ông không biết đến. Sau ông về trú tại chùa Na Lan Đà, ông là người biên tạo các luận về Ngũ Minh và rộng truyền “Thập địa Luận” “Nguyệt Đăng Tam Muội Kinh”, “Tứ Thập Hoa Nghiêm Kinh”, “Lăng Già Kinh”, “Bát Nhã Kinh”, ông viết cả ngàn bộ chú giải, thích nghĩa. An Huệ truyền xuống Bảo Xứng, ngoài ra môn hạ của An Huệ còn có Mãn Tăng, người rộng giải thích Cu Xá luận, Mãn Tăng truyền xuống Thắng Hữu. Về sau Thắng Hữu vào Tây Tạng hóa đạo.
- Hai là Trần Na, người truyền thừa Duy Thức và Nhân Minh học: Trần Na người Nam Ấn, ông từng trú tại chùa Na Lan Đà và tịnh xá Aâu Đề Tỳ. Tương truyền ông thuộc lòng năm trăm thứ kinh và không có kinh nào ông không thấu tỏ. Ông trước thuật rất nhiều và không dưới trăm bộ. Đời sau đem những trước thuật của ông về Duy Thức và Nhân Minh biên tập lại thành bộ “Tập Lượng Luận”. Nhân đấy mới tập đại thành cái học về Nhân Minh. Đệ tử thân truyền của ông là Hộ Pháp. Hộ Pháp người Nam Ấn, ông thông hiểu cả nội ngoại tông nghĩa của các Kinh, Luận. Đồng thời ông cũng là người biện giải tự tại, tung hoành vô ngại, giảng giải chú sớ rất nhiều Kinh, Luận. Ông dựa vào tông nghĩa Duy Thức để giải thích Trung Quán qua bộ “Tứ Bách Luận”; đây là một trước tác nổi tiếng nhất của ông. Đệ tử thế độ của Hộ Pháp là Pháp Xứng, Pháp Xứng là người khéo giải thích tam tạng Kinh, Luật, Luận; ông tụng thuộc lòng Kinh, Chú có đến năm trăm bộ; về sau ông theo một đệ tử của Trần Na là Tự Tại Quân để học “Tập Lượng Luận”, do đó ông cũng là người viết lời giải của bộ “Tập Lượng Luận”, sự lược giải của ông rất tường tận, rõ ràng và có đến bảy mươi bộ. Ông lại sai đệ tử là Đế Thích Huệ hãy vì thích luận của ông mà viết lời chú thích. Cũng từ đó cái học về Duy thức và Nhân Minh mới đạt đến điểm cực cao.
- Ba là Đức Quang, người truyền thừa Luật học:
Đức Quang vốn là người dòng dõi Bà La Môn, ông sinh ở Ma Khâu La, ông liễu triệt Tam Tạng, tuy nhiên thành tựu lớn nhất của ông lại ở các bộ Luật, Luận. Khi còn ở tại Gia lam A Già La Phất Lợi thuộc Ma Thâu La, lúc ấy cùng ở với ông có cả ngàn vị Tỳ kheo, nhưng không vị nào là Luật nghi không thanh tịnh. Ông trước tác bộ “Luật Kinh” nhằm mục đích giải thông yếu nghĩa Tỳ Ni. Những nhà Luật nghi hậu học đều lấy ông làm chuẩn mực.
- Bốn là Giải Thóat Quân, người truyền thừa Bát Nhã học: Giải Thóat Quân (Aryavimutisena) sinh ở trung nam Ấn Độ, kế cận nước Nhật Ba La, ông thọ học Bát Nhã với Thế Thân và từng vấn nghĩa với Tăng Hộ, nhân đó ông tu theo pháp môn Bát Nhã Quán Hạnh, ông nhận thấy kinh văn của Bát Nhã có quá nhiều điều không phù hợp với “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” (AbhisamaýalamKyra-Nàma-pra) của Từ Thị. Đêm đến ông mộng thấy đức Từ Thị và tuân theo sự dặn dò của Từ Thị đi về phương Nam, tại đây ông tìm thấy hai vạn bài tụng gốc của kinh Bát Nhã. Hai vạn bài tụng nầy hoàn toàn tương ứng với “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận”. Bấy giờ ông mới diễn bày “Vô tự tánh nghĩa” để nhằm chú giải Hiện Quán Trang Nghiêm Luận. Vô tự tánh nghĩa là cái học về tư tưởng của Long Thọ vàTăng Hộ, nhưng Giải Thóat Quân là người xiển dương Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, ông cũng xiển dương Du Già học do tổ sư Từ Thị trước tác. Vì vậy ông cũng là người của học phái Trung Quán Du Già Hạnh (Yogàcàra-madhyamika).
Trên đây là trình bày manh mối của các hệ truyền thừa mà về sau Phật giáo Tây Tạng đều có hấp thụ, đó là Cu Xá học của An Huệ; Trần Na, đặc biệt là Duy Thức và Nhân Minh học của Pháp Xứng. Đức Quang thì có Hữu Bộ Luật học, Du Già của Giải Thóat Quân mà tâm điểm là Bát Nhã học. Bốn học hệ vừa nêu là một đại bộ phận cấu thành cơ sở lý luận trọng yếu của Đại thừa hiển giáo tại Tây Tạng. Nếu đem bốn học hệ trên đối chiếu với giáo điển Đại thừa của Trung Quốc, thì bấy giờ luận Cu Xá ở Trung Quốc tuy đã được phiên dịch nhưng không được phổ biến một cách trọng thị. Về Nhân Minh học, chính xác chỉ có lược dịch để giới thiệu, còn về “Tập Lượng Luận” và “Thất Luận” của Pháp Xứng thì Trung Quốc hãy còn thiếu rất nhiều. Về “Hữu Bộ Luật” tuy sau nầy được ngài Tam Tạng pháp sư Nghĩa Tịnh phiên dịch nhưng vẫn chưa có người hoằng dương, nhân vì trước đó tại Trung Quốc đã có “Tứ Phần Luật”; riêng về “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận”, và “Vô Tự Tánh nghĩa” của Giải Thoát Quân thì tại Trung Quốc một quyển cũng chưa được phiên dịch.
Trong cuốn “Ấn Độ Phật Giáo Sử’” có nói đến cuộc đời của Long Thọ (Nàgàrjuna) và Đề Bà, bấy giờ học phái Trung Quán chưa thành lập, mãi đến khi Đề Bà truyền cho Long Hữu, Long Hữu truyền xuống Tăng Hộ, về sau môn sinh của Tăng Hộ xuất hiện hai vị đại đệ tử mà mỗi vị thiên về một thuyết, nhân đó mới có sự ra đời của học phái Trung Quán.
- Phật Hộ, ông là người Đát Bà La thuộc vùng Nam Ấn, là môn hạ của Tăng Hộ nhưng lại thông đạt tông nghĩa của Long Thọ. Ông tinh chuyên tu tập mà có được thắng trí. Do đó, đối với các sách của Long Thọ và Đề Bà đều được ông chú thích. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là cuốn “Vô Uý Luận”, nhưng được viết lại thành “Trung Quán Luận Thích”
Đệ tử ông là Liên Hoa Giác, Liên Hoa Giác lại truyền xuống Nguyệt Xứng (Candrakirti), Luận sư Nguyệt Xứng là người nhận được sự tôn sùng cực kỳ lớn của Phật giáo Tây Tạng. Những trước tác của Nguyệt-Xứng gồm có: “Nhập Trung Luận” (Madhyamakaavatàravà)” và Nhập-Trung- Quán Luận.
Thanh Biện, ông cũng là người Nam Ấn. Ông xuất thân từ vương tộc Ma Lai Da La và đồng môn với Phật Hộ. Sau khi Phật Hộ mất, ông ra sức triển khai và đả kích các luận điểm của Phật Hộ. Tác phẩm cuối của ông là bộ “Bát Nhã Đăng Luận”, nhờ tác phẩm nầy mà ông trở thành “Thái Sơn Bắc Đẩu” của học phái Trung Quán, ông có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đối với Phật giáo Tây Tạng về các đời sau nầy.
Giờ xin giới thiệu thế hệ thứ ba, tức ngoài Du Già và Trung Quán, nay lại đặc biệt xuất hiện một thế hệ thứ ba. Bấy giờ nhân lúc Thanh Biện đã phá Phật Hộ, đấy chỉ là cuộc tranh luận giữa hai người đồng môn. Phái Du Già của An Huệ vì “Trung Luận” mà làm thích nghĩa, trong khi đó đệ tử của Thanh Biện lại một lần nữa khởi tranh, nhưng không gây sóng gió gì, ít lâu sau lại có đệ tử của An Huệ là Nguyệt Quang, ông nầy lại viết thêm vào những biện luận của Nguyệt Xứng về phái Trung Quán; ngoài đệ tử của An Huệ, còn có đệ tử của Đức Quang là Đức Huệ, ông nầy cũng đứng trên lập trường của An Huệ mà công kích Thanh Biện; do đó cho nên đệ tử của Thanh Biện là Tam Bát La Đỗ Đà mới khởi lên cuộc tranh luận với Đức Huệ. Ngoài ra còn có đệ tử của Hộ Pháp là Đề Bà Tư La Ma chú giải Trung Luận để đả phá Nguyệt Xứng. Do đó, cuộc tranh luận giữa hai phái Du Già và Trung Quán, mà tiêu điểm là do lập trường bất đồng về việc giải thích “Trung Luận” của Long Thọ mà ra. Sau nầy đệ tử của Tam Bát La Đỗ Đà là Thất Lợi Quật Đa cũng thuộc phái Trung Quán của Thanh Biện, Thất Lợi Quật Đa lại truyền xuống cho Trí Tạng và Tịch Hộ (Santa-rakrita), Tịch Hộ là vị đại sư đệ nhất của Phật giáo Tây Tạng thời Tiền truyền. Hệ Du Già của Nguyệt Quang và thuyết của Pháp Xứng được truyền xuống cho Luật Thiên và Vô Tánh, hai nhà nầy cũng lại tương trang như nước với lửa bất khả tương dung! Điều đáng lưu ý là cạnh đó còn có một vị luận sư tên là Tịch Thiên, ông là người tham cứu cả hai cái học của Long Thọ và Vô Trước, và không tự nhận mình thuộc về học hệ nào cả. Tịch Thiên, ông vốn là vương tử của nước Tô La Tất Đà, ông từ bỏ ngôi báu để đến Trung Ấn theo thượng tọa Thắng Thiên xuất gia tại chùa Na Lan Đà. Tịch Thiên thọ học với Thắng Thiên mà tự chứng đắc tam muội. Những trước tác của ông gồm có: “Tập Bồ Tát Luận”, ông lại dùng bộ “Nhập Bồ Tát Hạnh Luận”để viết thành bộ “Nhập Bồ Tát Hạnh” và “Bồ Đề Hạnh kinh”. Những bộ nầy được lưu truyền hết sức sâu rộng. Khảo sát tư tưởng của Tịch Thiên thì thấy ông lấy Trung Quán làm chủ, nhưng để quyết đoán thì ông là học giả của Du Già. Tịch Thiên là người gây ảnh hưởng cực lớn đối với Phật giáo Tây Tạng thời Hậu truyền, chẳng hạn trong tư tưởng của A Đề Hạp, khi ông nầy đề cập đến “Giới Tăng Thượng Học” của giới Bồ Tát, ngoài việc A Đề Hạp dựa vào “Bồ Tát Địa Giới Phẩm” của “Du Già Sư Địa Luận”, phần còn lại ông sử dụng “Nhập Bồ Tát Hạnh Luận” của Tịch Thiên.
Đến đây chúng ta có thể lấy các nhân vật có quan hệ đến sự truyền thừa của ba hệ phái của Phật giáo Ấn Độ làm đầu mối cho Phật giáo Tây Tạng qua biểu đồ sau :
Do hai phái Du Già và Trung Quán tranh luận nhau tự làm suy yếu năng lực nhiếp hóa ngoại đạo, trong khi đó ngoại đạo ngày càng hưng thịnh. Bất đắc dĩ Phật giáo phải vay mượn “Các Vật” của ngoại giáo để hình thành nên Mật thừa Phật pháp. Quan niệm của Mật thừa vượt quá những điều cao đẹp của đạo Phật, sinh hoạt của Mật thừa vượt quá tầm với của đời thường, về nội bộ thì chủ trương hàng phục ngoại đạo một cách quá ư cường điệu, trong khi trên thực tế ngày qua ngày Phật giáo Ấn Độ bị ngoại giáo nuốt chửng.
Theo “Ấn Độ Phật Giáo sử” của Đa La Na Tha, thì đang lúc Long Thọ, Đề Bà, Vô Trước, Thế Thân, Trần Na, Pháp Xứng còn sinh tiền, thì các Đại thừa sư ai cũng lo củng cố phần thắng, trong khi tăng chúng của chư sư chỉ được liệt vào hàng Thanh văn mà thôi, còn sức mạnh của Tiểu thừa Phật giáo tại Ấn Độ ở thời kỳ nầy đã suy kiệt đi rất nhiều, trong mười tám bộ phái Tiểu thừa, chỉ có một vài bộ phái là được truyền thông. Đến thời của Nguyệt Xứng thì tại đông và nam Ấn Độ ngoại đaọ ngày càng trở nên bướng bỉnh ương ngạnh, vì vậy nên Phật pháp lại thêm suy yếu; do e ngại ngoại đạo bức hại, nên ở địa vị của Nguyệt Xứng ông không làm được gì khác hơn. Có một thời những vị giảng dạy tại chùa Na-Lan-Đa không dám công khai đối đầu với ngoại đạo mà chỉ lo giảng dạy trong phạm vi nội tự. Điều đó cho thấy hơn hai trăm năm sau Thế Thân là khoảng thời gian mà Phật pháp ngày như tiến gần đến suy sụp. Sau thời kỳ nầy, các luận sư Hiển giáo đều đi vào Mật thừa, và lấy chùa Siêu Nham ở Thiên An làm địa bàn cơ sở trong suốt năm trăm năm. Trong thời kỳ đó chỉ có Du Già Mật và Vô Thượng Du Già Mật là phát triển mà thôi. Đất nước Tây Tạng tiếp giáp Ấn Độ, do đó trong lúc Phật giáo Ấn Độ đang bên bờ vực huỷ diệt, thì những vị đại sư từ nước Ni Bạc Nhĩ và Ca Tư Di La vào Tây Tạng rất đông, vì thế mà hêï thống Phật giáo Tây Tạng thuộc về Đại thừa Mật giáo thời Vãn kỳ của Ấn Độ. Có điều là Mật giáo rất được dân tộc Tây Tạng đặc biệt hoan nghênh. Được vậy là vì ở Tây Tạng đã ngầm có Bổng giáo làm cơ sở. Mật giáo đã có khả năng nhiếp hóa và kết nạp ngoại đạo Ấn Độ, thì nay sau khi du nhập vào Tây Tạng, tự nhiên Mật giáo cũng khiến Bổng giáo quy hướng về Phật giáo.
Thời gian tuy không đồng nhất, nhưng vào lúc nầy tại Ấn Độ cơ sở Thần học đang hồi lên cao, Thần học cậy vào địa vị và thế lực truyền thống mà tiến nhanh vào Phật giáo, chung cuộc nhân khi Hồi giáo xâm nhập Ấn Độ và rồi đẩy Phật giáo ra khỏi Ấn Độ. Bổng giáo ở Tây Tạng cũng vậy, từng đã một lần cậy vào thế lực truyền thống của mình để huỷ diệt Phật giáo, nhưng vì bản thân Bổng giáo không có cơ sở lý luận đủ để giữ vững vị trí của mình, nên kết cục bị Phật giáo đồng hóa.
Theo truyền thuyết thì đạo Phật đã có mặt tại Tây Tạng từ rất sớm. Đó là vào năm thứ ba đời Chu Noãn Vương (313 trước công nguyên) của Trung Quốc, chuyện kể rằng:
“Thời ấy có vị vương tử ở miền Trung Ấn Độ tên là Khiếu Xuất Sĩ Phu Địa, nhân vì ông bị lân quốc đánh bại bèn chạy đến phía đông núi Tuyết Sơn giáp vùng biên cảnh Tây Tạng, tại đây ông gặp mười hai nhân sĩ người Tạng, họ hỏi ông từ đâu tới, vì không hiểu ngôn ngữ ông lấy tay chỉ lên trời, họ lại thấy ông cử chỉ, tướng mạo có vẻ khác thường, bèn nghĩ ông là người từ trên trời xuống, nên cùng nhau đốn cây làm cán khiêng ông về với bộ tộc của họ, và tôn ông lên làm vua hiệu là NIẾP XÍCH TÁN PHỔ. Đây là vị Tây Tạng Vương Thống đầu tiên của Tây Tạng. Đồng thời vị vua nầy cũng là người đầu tiên kiến lập chùa thờ Phật ở dưới chân núi Khải Y Lan (Kailàsa-Võng Tư Đê). Từ đó giáo nghĩa Phật Đà được xiển dương tại Tây Tạng. Đấy là chuyện khởi đầu của Phật giáo du nhập Tây Tạng. Vương triều nầy kéo dài được mười hai đời. Vào đời vua Đà Hóa Phiêu Tư Nhan Tán (Thothori Nyantsan) tương đương thời Đông Tấn của Trung Quốc (371 sau Công nguyên).Lại nữa, bấy giờ đột nhiên từ trên trời rơi xuống đỉnh cung điện của vua bốn cái hòm; trong lúc mọi người chưa rõ là vật gì, thì vừa may có năm vị tăng người Ấn Độ đi ngang qua, nhà vua bèn nhờ năm vị tăng mở hộ năm cái hòm, thì thấy bên trong có “Bảo Khiếp Trang Nghiêm Kinh” “Bách Bái Sám Hối Kinh” “Lục Tự Đại Minh” (tức Úm-Ma-Ni-Bát-Di-Hồng-Om mani Padme hùm), có Bảo tháp bằng vàng cùng với Đà Ma Ni hương.v.v.. cùng lúc lại nghe trên không trung có tiếng nói “Hãy đợi đến năm đời sau sẽ biết được việc nầy.” Quốc vương và quần thần không hiểu ý câu nói trên, nhưng tất cả đều biết đây là bảo vật từ trời rơi xuống nên rước vào cung điện để thờ cúng và lưu giữ ở cung khố. Nhờ có được phước nghiệp và công đức nầy mà vương triều hưởng quốc thái dân an trong thời gian một trăm hai mươi năm.
Lại nữa, năm trăm năm sau Tây Tạng xuất hiện một vị quân vương tên là Khí Tông Lộng Tán, vị vua nầy lên ngôi kế vị lúc vừa tròn mười ba tuổi, tương đương với thời vua Dương Đế nhà Tùy, niên hiệu Đại Nghiệp thứ mười một (615), hoặc giả là sớm hơn bốn mươi năm. Theo truyền thuyết vua Khí Tông Lộng Tán là người có thân hình đẹp như ngọc, và dung mạo tuyệt trần, trên trán hiện bốn chữ A Di Đà Phật. Sau khi lên ngôi, nhà vua liền nghĩ phải làm những gì để đem lại lợi ích cho dân chúng được nhờ, rồi vua lại nghĩ muốn có được tượng Phật để lễ bái; ngay lúc vua đang chính niệm như vậy, bỗng nhiên trong tâm nhà vua hóa hiện ra một vị Tăng, vị Tăng vì đức vua mà cầu được một tượng Quan Âm Thập Nhất Diện, nhà vua lại nghĩ, nên xuất hiện một vị Đại Quán Đảnh, khi vua chánh niệm tư thâm thì liền được Bồ Tát Phổ Hiền khải thỉnh đức Phật A Di Đề Bà (A Di Đà Phật?) xoa lên đỉnh đầu của vua mà làm phép Quán Đảnh, do sự kiện nầy mà hiện ra thần biến bất khả tư nghì, lại hiện ra những tướng đầy đủ uy lực bất khả tư nghì làm chấn Động bốn phương.
Ba mẫu chuyện vừa nêu tuy là truyền thuyết, nhưng đến thời đại vua Khí Tông Lộng Tán thì “Uy lực của vua đầy đủ làm cho bốn phương phải chẤn Động” đấy là sự xác thực có tính lịch sử hẳn hoi; cũng vào thời của vị vua nầy, Phật giáo được du nhập vào Tây Tạng là việc hoàn toàn chính xác. Do đó, tuy là truyền thuyết nhưng bên trong là cả một sự tiềm ẩn biết bao là sự kiện lịch sử có thực.
Sau khi Nhân Dân Giải Phóng Quân tiến vào Tây Tạng, có một người Tây phương tên là Ninh Khang Đức (Amaury de Riencourt), và ông là người sau cùng rời khỏi Lạp Tát, đồng thời ông cũng là người Tây phương đầu tiên viết cuốn “Tây Tạng Kiến Văn Lục”, trong đó có đoạn viết: “So sánh với các dân tộc trên thế giới thì người Tây Tạng vốn là một dân tộc hung hãn, mạnh bạo và giỏi chiến đấu, nếu họ không kiên cường giữ lấy tín ngưỡng Phật giáo để tự chế bản tính hung tợn nguyên thuỷ của mình, có thể nói một ngày nào đó từ trên nóc nhà thế giới, họ sẽ khiến cho cả châu Á và toàn cầu phải kinh hồn bạc vía với họ”.
Do đâu ông Amaury de Riencourt nói như vậy? Vì trước khi Phật giáo chưa du nhập và nhiếp hóa dân tộc Tây Tạng, thì dân tộc Tạng đã sản sinh ra vua Khí Tông Lộng Tán, đây là một vì vua hùng tài đại lươc nổi tiếng khắp nơi! Trên phương diện lịch sử, có người đem vua Khí Tông Lộng Tán của Tây Tạng sánh ngang với Tra Lý Tư đại đế của châu Âu. Tôi thì cho rằng vua Khí Tông Lộng Tán của Tây Tạng không khác với A Dục Vương trong lịch sử Ấn Độ. Ngay khi lên ngôi chẳng bao lâu, việc đầu tiên ông làm là chinh phục toàn bộ các tù trưởng lân cận. Kế đó ông xuất quân đi viễn chinh, ông từng đánh chiếm nam bộ Mông Cổ, nhưng lại hướng về Trung Quốc để bang giao. Thời vua Đường Thái Tông, vua hai nước Đột Quyết và Thổ Cốc Hồn đều cưới công chúa nhà Đường. Do đó, vua Khí Tông Lộng Tán cũng có yêu cầu được như vậy, vua Thái Tông nhà Đường không thuận, ông bèn cử binh đánh chiếm Thổ Cốc Hồn. Theo “Cựu Đường Thư” quyển chín mươi sáu ở phần “Thổ Phồn liệt truyện” chép: “Thổ Cốc Hồn không thể giữ được, vua quan đều chạy đến Thanh Hải để tránh mũi tấn công cực mạnh của quân Thổ Phồn, đành để người và gia súc cho quân Thổ Phồn cướp sạch, tiện thể, vua Thổ Phồn tiến quân công phá các tộc Khương ở Đảng Hạng và Bạch Lan, khiến Đảng Hạng và Bạch Lan phải điều động đến hai mươi vạn người mới có thể chận được quân Thổ Phồn tại Tùng Châu, Tây Cảnh”. Cuối cùng tuy Thổ Phồn bị quân nhà Đường đánh bại nhưng vua Khí Tông Lộng Tán vẫn giữ ý định cầu hôn. Trinh Quán năm thứ mười lăm, vua Đường Thái Tông đem công chúa Văn Thành gả cho vua Thổ Phồn. Những nhà sử học Trung Quốc gọi cuộc hôn nhân nầy là “Thổ Phồn cướp hôn”. Thời ấy các dân tộc man khai sống giữa biên giới hai nước Trung Quốc-Thổ Phồn đều bị vua Khí Tông Lộng Tán chinh phục. Cạnh đó vào năm Trinh Quán hai mươi hai (648), vua Khí Tông Lộng Tán lại xuất quân hiệp trợ sứ nhà Đường là Vương Huyền Sách thảo phạt vùng trung Thiên Trúc. Trước đó, vua Khí Tông Lộng Tán cũng đã chinh phục xong nước Ni Bạc Nhĩ ở phía Nam và cưới công chúa của nước nầy là Ba Lợi Khố Cơ. Nhân đà thắng lợi, ông tiến đánh xuống Miến Điện buộc nước nầy phải thần phục Thổ Phồn. Về mặt lịch sử, nếu Tây Tạng xuất hiện nhiều vị vua như Khí Tông Lộng Tán, ắt lịch sử châu Á đã thay đổi rất nhiều. May là từ đó trở lui, Tây Tạng tiếp nhận và hun đúc tinh thần từ bi của Phật giáo.
Sau khi vua Khí Tông Lộng Tán thông hôn với Đường thất và Ni Bạc Nhĩ, và lại tiếp xúc với Ấn Độ. Hai nước Ấn-Trung đều là những nước đề cao sự tôn trọng tôn giáo và văn hóa; nhất là Phật giáo có sức cảm hóa ông cực mạnh. Do đó, ông căn cứ vào tư tưởng Phật giáo mà ban hành mười điều Hiền thiện và mười sáu Yếu luật để dân chúng chấp hành.
Mười điều Hiền thiện: Một là không được sát sanh, Hai là không được trộm cướp, Ba là không được tà tâm, Bốn là không được vọng ngữ, Năm là không được lưỡng thiệt, Sáu là không được ác khẩu, Bảy là không được ỷ ngữ, Tám là không được tham dục, chín là không dược sân hận, Mười là không được tà kiến.
Mười sáu Yếu luật gồm có: Nhất yếu thành kính tin Phật, Nhị yếu hiếu thuận cha mẹ, Tam yếu tôn kính các bậc cao đức, Tứ yếu hoà mục thân tộc, Ngũ yếu giúp đỡ xóm giềng, Lục yếu xuất ngôn trung tín, Thất yếu làm việc phải cẩn thận, Bát yếu chăm chỉ làm việc, Cửu yếu tiền tài tri túc, Thập yếu phải biết báo đáp thù ân, Thập nhứt yếu phải trả nợ đúng ước hẹn, Thập nhị yếu cân, đấu, đong đo phải công bằng, Thập tam yếu không sanh lòng đố kỵ, Thập tứ yếu không nghe lời sàm ngôn, Thập ngũ yếu phải xét nét ngôn ngữ trước khi nói, Thập lục yếu phải xử sự khoan hậu.
Có người cho rằng mười điều Hiền thiện và mười sáu Yếu nghĩa là do: “Tùng Tán Cang Bố dùng yếu nghiã của Phật giáo mà phô diễn thành tiêu chuẩn đạo đức để toàn xã hội tuân thủ và thực hành, rồi theo đó mà đưa ra những phán đoán về thiện ác, đúng sai của dân chúng, việc thưởng phạt cũng y cứ vào đấy. Có thể nói vua là người lấy tinh nghĩa của Phật giáo để đề xướng người dân lấy đó mà tu sửa thân tâm cũng như chế định thể chế chính trị” (Nghiên Cứu Biên Cương Chính Giáo–trang 74), lại có người cho rằng sau khi Phật giáo được du nhập vào Tây Tạng, dân tộc này mới thóat khỏi tình trạng dã man để tiến vào lĩnh vực văn minh
Từ lúc vua Khí Tông Lộng Tán tiếp xúc với văn hóa Phật giáo, ông lại nhớ đến sự kiện kinh Phật từ trời truyền xuống vào thời vua Đà Đoá Phiêu Tư Nhan Tán, khi ấy Tây Tạng không ai có thể hiểu và giảng giải gì được; do đó, nhà vua phái bảy người trong giới quý tộc đi Ấn Độ để nghiên cứu và học tập kinh Phật, nhưng họ đều thất bại và quay trở về. Lần thứ hai ông sai quan đại thần là Đoan Mỹ Tam Bồ Đề cùng mười bảy thanh niên lên đường sang Ấn Độ cầu học Phật kinh và nghiên cứu về âm vận, v.v… với chủ tâm chuẩn bị cho việc sáng chế Tạng văn. Phái đoàn do Đoan Mỹ lãnh đạo học tập thành công và về lại Tây Tạng, tiếp đó họ phỏng theo Phạn văn đã được cách tân dưới thời vương triều Cấp Đa, họ điều hòa lại tiếng Tạng rồi sáng chế ra mẫu tự Tạng văn. Về sau Đoan Mỹ còn dùng Tạng văn để viết thành tám loại Văn Pháp. Hiện nay còn lưu giữ được hai loại Văn Pháp của ông. Đồng thời Đoan Mỹ Tam Bồ Đề còn đem “Đại Thừa Bảo Khiếp Trang Nghiêm kinh”, “Bách Sám Hối kinh”, “Bảo Vân Kinh” v.v.. dịch ra Tạng văn. Đây là thời Tây-Tạng dịch kinh có tính “đột phá”.
Lại nữa, theo “Đông Á Phật Giáo Sử” của Nhật Bảo Kim Sơn Chính Hảo( trang 180-181)cho rằng: Bấy giờ tại Tây Tạng, người vâng mệnh vua đứng ra dịch kinh ngoài Đoan Mỹ còn có học giả người Ấn Độ là Câu Tát La (Kusara) cùng với Bà la môn là Tang Ca La (Samkara), Ni Bạc Nhĩ thì có học giả Tức Tát Mông Khải (Silamanyu), Trung Quốc thì có Thiên Thọ đại hoà thượng, cùng với hai người đệ tử của Đoan Mỹ là Đạt Ma Cổ Tát (Dharmakosa) và Đạo Khưu Ba Nhĩ (Rdo-rje-dpal). Điều nầy cho thấy những công thần có công khai phá nền văn minh Tây Tạng ở thời kỳ đầu không chỉ có một mình Đoan Mỹ Tam Bồ Đề.
Chúng ta cũng thấy khi công chúa Văn Thành còn sinh tiền, sử ghi là có ba vị Đường tăng đã từng đi ngang qua Tây Tạng, thời gian thuộc niên hiệu Trinh Quán có sư Huyền Chiếu đi ngang qua Tây Tạng để vào bắc Ấn Độ, lại có sư Đạo Sanh cũng từ Tây Tạng đi vào Ấn Độ, thời gian thuộc niên hiệu Vĩnh Huy có sư Huyền Thái mượn đường Tây Tạng để đi đến Ni Bạc Nhĩ.
Có thuyết nói, sau khi Đoan Mỹ Tam Bồ Đề từ Ấn Độ về lại Tây Tạng nghiên cứu sáng tạo ra Tạng văn, bấy giờ vua Khí Tông Lộng Tán ẩn cư, ngày đêm miệt mài học tập cách sử dụng tân Tạng văn, và không cho ai vấn chính trong suốt thời gian bốn năm. Nhờ đó nhà vua dùng Tạng văn để sáng tác thi ca.
Trên ban hành dưới tuân theo. Có một thời toàn quốc Tây-Tạng ai ai cũng chăm chỉ học tập văn tự mới bằng tiếng Tạng, mười điều Hiền thiện và mười sáu Yếu luật nhằm làm thanh tịnh thế tục như trước đã giới thiệu đều dùng Tạng văn tân tạo để viết và phổ biến trên khắp lãnh thổ. Do đó, các học giả hậu sinh không có gì phải thẹn khi ca tụng văn hóa Tây Tạng của thời kỳ nầy là “Văn hóa cha”. Cũng cần nói thêm, nhờ có hai vị công chúa người nước ngoài được gả về cho Tạng vương, mỗi vị đều mang Pháp tượng và Văn vật của tổ quốc mình vào Tây-Tạng, trong đó có tượng A Xúc Kim Cang, tượng Di Lặc, tượng Đa La (Quán Âm), tượng thái tử Tất Đạt Đa và tượng đức Thích Ca Mâu Ni Phật, cùng nhiều kinh luận và Pháp vật khác, mỗi vị công chúa đều có một số ít Tăng, Ni tháp tùng đến Tây Tạng. Nhân có hai vị công chúa người nước ngoài trợ duyên dân Tây Tạng được thấu hiểu Phật pháp. Do đó, về phương diện lịch sử, người dân Tây Tạng luôn coi hai bà là Bồ Tát Quan Âm hóa thân. Họ sùng bái hai bà như Đa La Thiên Nữ (Tarà-là vị nữ tôn của Mật bộ). Họ tôn công chúa Văn Thành là Thanh (Doljang) Đa La, công chúa Ba Lợi Khố Cơ là Bạch (Dolkar) Đa La. Sau khi vua Khí Tông Lộng Tán băng hà, người Tây Tạng thờ kính ông như Bồ Tát Quan Âm của họ, có người coi ông là hóa thân của Phật A Di Đà.
Để có nơi thờ cúng và lễ kính Tam Bảo, nhà vua cần đến rất nhiều thợ giỏi, và ông đã kiến lập mười ngôi đại tự, trước tiên vua lấy Lạp Tát (Lasha) làm trung tâm để kiến tạo cung Bố Đạt Lạp. Để có sự phân biệt giữa hai bà Phi, vua Khí Tông Lộng Tán cho dựng ngôi Đại Chiêu tự và Tiểu Chiêu tự. Đại Chiêu tự dành cho công chúa Văn Thành thờ tượng Thích Ca Mâu Ni Phật, Tiểu Chiêu tự dành cho công chúa Ba Lợi Khố Cơ (dân Tây Tạng gọi bà là Vạn Diệu Thiên Thần) thờ đức Phật A Xúc.
Có thuyết nói vua Khí Tông Lộng Tán hưởng thọ 82 tuổi (ông chết vào khoảng đời vua Đường Cao Tông, năm Vĩnh Huy nguyên niên-650), ba mươi hai năm sau Văn Thành công chúa mới tạ thế. Nhà vua cùng hai bà phi sau khi chết đều được người dân Tây Tạng đắp tượng để thờ. Tượng của công chúa Văn Thành thời gian gần đây vẫn còn thờ tại chùa Đại Chiêu.
Công Cuộc Hoằng Pháp Gặp Trở Lực Thời Sơ Kỳ.
Tuy lúc về già vua Khí Tông Lộng Tán vẫn cực lực hoằng dương Phật pháp, nhưng theo các nhà nghiên cứu xã hội học, thì thời ấy dân Tây Tạng vẫn còn trong tình trạng bán khai nên những triết lý cao thâm của Phật giáo vẫn còn rất nhiều người không thể tiếp thọ và thấu hiểu. Hơn nữa, những cận thần của vua Khí Tông Lộng Tán, quá nữa họ biểu thị sự sùng kính Phật pháp là vì ý của vua muốn thế. Kỳ thực trong họ vẫn còn tiềm tàng đức tin Bổng giáo một cách thâm căn cố đế. Do đó, sau khi vua băng hà, Phật giáo Tây Tạng không những không phát triển được mà còn gặp phải nghịch lưu.
Vị vương tử lên nối ngôi tuổi còn ấu niên, hoàng tộc phải cử người nhiếp chính. Những người trong giới quí tộc trước đây vì vâng mệnh vua mà tín ngưỡng Phật giáo, nay vua đã băng hà, đối với các vị Tăng có địa vị cao quí được vua sủng mộ nên họ không thể không kính, nay vua không còn, họ coi các vị Tăng ấy như kẻ đối địch chẳng khác. Do đó, công cuộc truyền bá Phật pháp không thể kế tục. Mặt khác, trong nhiều năm liền Tây-Tạng liên tiếp khởi binh chinh phạt các lân bang nhằm khuếch trương cơ đồ, đấy cũng là lý do khiến việc hoằng đạo gặp phải trở lực.
Vua Khí Tông Lộng Tán chết đi mà không có con nối nghiệp, cháu ông là Mãn Tư Tát Mãn Tán lên kế vị xưng là Cống Tư Tát Vương, và người nhiếp chính là Lộc Đông Tán. Ít lâu sau Lộc Đông Tán lại chết, hai người con của Lộc Đông Tán là Khâm và Lăng thay cha nắm quyền nhiếp chính. Đây là thời mà Thổ Phồn xuất quân đi xâm lược và thôn tính các tộc người Khương. Họ đánh bại Thổ Cốc Hồn, họ cũng đánh thắng luôn cả Hành Doanh Đại Tổng Quản của Đường triều là Tiết Nhơn Quí. “Tân Đường Thư-Thổ Phồn Truyện” đánh giá: “ Từ Hán, Ngụy đến nay đây là thời Tây Nhung thịnh chưa từng thấy”.
Cống Tư Tát Vương tại vị được mười bốn năm thì chết, con là Đức Tư Tát Mãn Cách Pha lên kế vị, đấy cũng là lúc mà anh em nhà Khâm, Lăng trở nên chuyên quyền hơn bao giờ hết, nhưng đồng thời quốc thế của Tây Tạng lúc này cũng đang hồi cường thịnh như mặt trời mới rực sáng ở phương đông.
Con của Đức Tư Tát Mãn Cách Pha là Khí Lệ Súc Tán vương lên kế vị cha, ông này lại phái sứ thần đến Đường triều để xin cầu hôn. Vua Đường Trung Tông đem con gái của Ung Vương Thủ Lể là công chúa Kim Thành gả cho. Kim Thành công chúa là một đệ tử thành kính qui ngưỡng Tam Bảo. Bà vào Tây Tạng với rất nhiều Phật điển và một số vị Sa môn đi theo. Thời vua Khí Lệ Súc Tán trị vì người ta thấy Kinh Bách Nghiệp, Kinh Kim Quang Minh, Dược học và Số học của Trung Quốc cũng được dịch ra Tạng văn.
Công chúa Kim Thành sinh hạ được một vị vương tử mà sau này trở thành người làm hưng vượng Phật pháp tại Tây Tạng, đó là vua Cật Phiêu Song Đề Tán ( Khri-Sron-Ide-Btsan), còn có tên là Xích Tùng Đức Tán Vương. Ông sinh vào năm Khai Nguyên thứ mười sáu (728), đời vua Đường Huyền Tông.Đến đời Đường Đức Tông, năm Trinh Nguyên thứ hai (786) thì băng hà. Vua tuổi còn niên thiếu đã lên ngôi, hoàn cảnh Tây Tạng bấy giờ bị rơi vào tình huống các phe phái tranh dành ảnh hưởng một cách kịch liệt. Những thủ lĩnh chuyên quyền lại là những người bài xích Phật giáo, vua tuy sùng tín Tam Bảo nhưng còn niên thiếu nên không thể ngăn chận được những quyền thần phá Phật, thậm chí pháp luật do chính phủ ban hành cũng châm chọc đến tín ngưỡng đạo Phật, đến độ họ tịch thu hết kinh sách, phong toả cả điện Phật và tượng Phật. Tồi tệ hơn, họ còn biến các ngôi đại tự thành lò giết mổ gia súc, bởi vậy nên vị thế Phật giáo ở giai đoạn nầy hầu như đi vào suy vong. Kịp đến khi vua trưởng thành, biết vận dụng trí tuệ trừ khử tất cả các đại thần chuyên quyền, để nắm lấy thực quyền, đấy cũng là lúc mở ra thời kỳ huy hoàng của Phật giáo Tây Tạng.
Kịp đến khi vua Cật Phiêu Song Đề Tán trưởng thành và đích thân điều hành việc nước, bấy giờ quốc thế của Tây Tạng rất mạnh và luôn có khuynh hướng bành trướng ra các lân bang. Đây cũng là thời mà sức mạnh quân sự của Tây Tạng còn mạnh hơn cả thời vua Khí Tông Lộng Tán. Cũng vào thời nầy Tây Tạng thường mang quân đánh xuống mạn phía đông như Thanh Hải, Kim Tích, Tứ Xuyên của Trung Quốc. Tây Tạng cũng thường xuyên quấy nhiễu vùng biên cảnh, thậm chí có lần họ vây hảm luôn cả Trường An. Về mạn nam, họ chinh phục Mạnh Gia Lạp Ô của Ấn Độ.
Tuy hùng cứ như thế, nhưng tinh thần chủ yếu của vua Cật Phiêu Song Đề Tán là gắng sức chấn hưng Phật giáo. Do đó, ông hướng về Ấn Độ và Trung Quốc để cầu thỉnh Tăng lữ. Do nhân duyên nầy mà kinh Phật được đưa vào Tây Tạng rất nhiều và một số được dịch ra Tạng văn. Đầu tiên họ thỉnh được hai vị hòa thượng người Trung Quốc, và ngài A Nan Đà (Ananta) của xứ Ca Tư Di La đến Tây Tạng để phiên dịch kinh Phật. Tạng vương lại sai Ba Sa (Pah-sa) đến nước Ni Bạc Nhĩ, tại đây vào năm Thiên Bảo thứ sáu (747), đời Đường Huyền Tông, Ba Sa gặp được thiện hải đại sư Tịch Hộ, tức thì Ba Sa cung thỉnh Tịch Hộ vào Tây Tạng. Bấy giờ Phật giáo Tây Tạng còn ở giai đoạn ban đầu và tín ngưỡng Bổng giáo hãy còn rất thịnh, trong khi Tăng chúng vẫn chưa được quy định phải theo một khuôn phép nào. Do đó, Tịch Hộ cảm thấy rất khó hoằng hóa nên ông trở về lại Ấn Độ. Chẳng bao lâu sau Tịch Hộ được Tạng vương mời thỉnh lần nữa, lần này ông đến Tây Tạng và ở lại đây mười lăm năm. Thầy của Tịch Hộ là người kế thừa học phái Trung Quán thuộc một hệ riêng của Thanh Biện. Tịch Hộ rất uyên thâm về học phái Duy Thức, nhưng ông chỉ mang đến Tây Tạng những luận thư của Trung Quán.
Khảo sát về mặt lịch sử cho thấy Tịch Hộ là một học giả đúng hơn là một nhà Tôn giáo. Vì lúc Tịch Hộ vào Tây Tạng cũng là lúc ác ma hoành hành rất khủng khiếp, chúng tạo ra sấm sét làm chấn động đất trời, chúng gây ra mưa đá làm hư hại mùa màng khiến phát sinh đói khát, và dịch bệnh thì xảy ra khắp nơi. Tạng Vương nhờ ông đứng ra trừ ma, ông đáp : “Tôi một đời chuyên tâm gắn sức lo cứu độ chúng sanh, nên không có diệu lực để hàng ma phục quỷ. Nhưng nếu không trừ được u ma yêu quỷ quấy phá, thì làm sao có thể xây dựng Phật điện? Muốn trừ u ma lệ quỷ xin hãy sai người đến Ô Kỳ Diên Na (Ô Trượng Na-Udỳana) tìm thỉnh cho kỳ được thượng sư Liên Hoa Sanh. Vị Thượng sư nầy không những đẩy lùi được tất cả linh ma, la sát và tám thứ yêu quỷ trong biển lớn sinh tử, mà ngài còn là người thông đạt tất cả các Mật pháp Đà La Ni (Dharni). Nếu thỉnh được vị thiện tri thức nầy vào Tây Tạng, thì tất cả u ma lệ quỷ có thể thóai trị”
Nghe vậy Tạng vương liền phái hai người đến Ô Kỳ Diên thuộc tây bắc Ấn Độ, tìm và thỉnh được thượng sư Liên Hoa Sanh vào Tây Tạng, cùng lúc tại Lạp Tát, Tạng vương chuẩn bị hậu lễ để nghinh đón.
Tại Tây Tạng vốn đã có Bổng giáo, đây là tôn giáo sùng bái thần quỷ và phù chú Vu Thuật. Do đó, đối với lý luận thực tiễn của Phật giáo do Tịch Hộ giảng giải không dễ gì ai cũng tiếp thu được. Trong khi đó đại sư Liên Hoa Sanh lại là người đại thành tưụ về Mật giáo, ông mang đến Tây Tạng những Đà La Ni và Nghi Quỷ Chơn Ngôn. Ông dùng thần chú để hàng phục ác ma, yêu mị, ông cũng là vị đại sư đạt được thần thông quảng đại, khiến ai gặp cũng sinh lòng kính phục. Cùng đến Tây Tạng với ông còn có hai mươi lăm vị đệ tử, tất cả họ đều có khả năng hàng ma phục quỷ, và họ được phân ra mỗi người hóa đạo một phương. Việc dùng Mật chú để hàng ma phục quỷ là rất hợp với “khẩu vị” tín ngưỡng nguyên thủy của người Tây Tạng. Mật giáo không phản đối Bổng giáo mà chỉ vì tật khổ của dân gian nên phải dùng thần thông giải cứu, cứ sau mỗi lần ra sức giải cứu, các Mật sư không tự mình khoe khoang tài đức mà chỉ ước mong dân chúng ai cũng phát tâm tín ngưỡng Tam Bảo một cách tự nhiên. Vì không cưỡng bách, dụ dỗ ai ai cũng phải tin Phật, do vậy mà người dân Tây Tạng tự tìm đến quy y Tam Bảo.
Với người Tây Tạng, Mật giáo luôn ra sức thi ân, đối với quỷ linh gây ác trong nội cảnh Tây Tạng, Mật giáo càng ra sức trấn áp, khử trừ, vì thế cho nên việc dùng thần thông uy lực để tồi phục ngoại đạo và hộ trì Phật pháp, công đức ấy thực là kỳ vĩ!.
Người ta không rõ lắm về học phái và hệ truyền thừa của đại sư Liên-Hoa-Sanh. Gần đây theo suy đoán của Lữ Trừng: “Người đời sau khi nói về Liên Hoa Sanh họ toàn dựa vào sử truyện, nhân đó mà thêm lời, không biết đâu là thực”. Bởi học thuyết và hệ truyền thừa của ông truy tìm không thấy có sách sử nào ghi chép cả. Hơn nữa, bản thân Liên Hoa Sanh cũng không có sáng tác, trước thuật gì để biểu thị kiến giải của chính ông. Nay xin viện dẫn một quan điểm có liên hệ giữa ông với Tịch Hộ, đó là học thuyết được Liên Hoa Sanh tiếp thụ, học thuyết Trung Quán kiêm Mật thừa. Học phái nầy đời sau gọi là Trung Quán Tự Lập phái (thuộc hệ Thanh Biện) cũng được. (Tây Tạng Phật Giáo Nguyên Luận-trang 23). Theo các nhà sử học Phật Giáo Tây Tạng, thì đa số cho rằng đại sư Liên Hoa Sanh là sơ tổ của Cổ phái Mật giáo Tây Tạng, sở dĩ gọi là Cổ Phái vì đây chính là phái Ninh Mã (Rnĩn-ma-pa) của Hồng giáo Tây Tạng. Nhân vì Liên Hoa Sanh có dịch cuốn “Kim Cang Khẩn Hành Căn Bản Chú” và đệ tử ông là Ba Nhĩ Kiệt Tang Cổ vì thầy mình mà giảng bộ “Không Hành Mẫu Hoả Diệm Xí Thạnh Chú” (Tham khảo Phật Giáo Đại Từ Điển của Vọng Nguyệt Thị-từ trang 3613 trở lui).
Nhưng theo khảo sát của Lữ Trừng thì không thể như thế. Theo họ Lữ : “Thuyết vừa nêu không đủ để tin” bởi vì Mật thừa ở Tây Tạng từ khi được lưu bố cho đến sau này đều là bắt đầu từ các học giả Ấn Độ như: Pháp xứng, Tịnh Hữu, Giác Tịnh, Giác Mật v.v… các vị này kế tiếp đến Tây Tạng và dịch rất nhiều kinh điển Mật giáo, đồng thời các vị ấy cũng truyền sở học của mình tại Tây Tạng… Kỳ thực, Mật học của Cựu phái là xuất phát từ đây” (Tây Tạng Phật giáo Nguyên Luận trang 23).
Liên Hoa Sanh được coi là một vị đại sư có thần dị trác tuyệt, vì vậy nên có rất nhiều ghi chép liên quan đến việc ông hiển thị thần thông, nay xin sao lục lại như sau:
1- Lúc Liên Hoa Sanh vừa đến Tạng thổ, được các quan đại thần và rất đông dân chúng nghinh đón và bái yết ông tại địa phương Đội Long Cốc, khi ấy địa phương nầy bị thiếu nước, biết được sự việc, đại sư bèn dùng thiền trượng dộng xuống đất một cái, tức thì dưới đất phun lên một dòng suối mát.
2- Một hôm đại sư Liên Hoa Sanh đang đi lại trong khuôn viên nơi ông đang ở, bổng gặp một con lệ quỷ vô cùng hung tợn, quỷ ta trông thấy Liên Hoa Sanh liền bay lên cao dùng hai ngọn núi làm bàn tọa nhằm ép đại sư bị kẹt vào giữa để hại chết. Đại sư thấy vậy, vội dùng thần thông bay lên cao hơn hai ngọn núi, miệng tụng chơn ngôn chế phục được lệ quỷ và không cho nó tiếp tục gây hoạ.
3- Lại có một hôm, nơi địa phương Đại sư đang ở đột nhiên có một con Xích Long từ trên trời đáp xuống, hóa hiện thành một thân hình cực kỳ to lớn, rồi biến ra tuyết và mưa đá nhắm Đại sư mà tấn công. Đại sư một mặt thì miệng tụng chơn ngôn ( Lục Tự Đại Minh Chú), một mặt đưa tay hứng lấy tuyết và mưa đá, bỗng nhiên Xích Long với thân hình to lớn bị co rút nhỏ lại và rơi vào lòng bàn tay Đại sư, nó run rẫy hồi lâu và biết là không thể thóat khỏi liền tuân mệnh Đại sư và cầu xin qui y Tam Bảo. Đại sư chú nguyện hồi lâu Xích Long hiện lại nguyên hình vái chào Đại sư bỏ rồi đi. Từ đó về sau dân cư trong vùng không còn bị nạn tuyết và mưa đá làm hư hại mùa màng.
4- Lại có một lần đại sư Liên Hoa Sanh gặp một con quỷ, quỷ bèn biến hóa ra nhiều thứ chày và bày ra thế trận bằng tuyết rồi nhắm vào Đại sư tấn công. Đại sư liền dùng Pháp thuật gom tất cả tuyết vào một cái hồ và quỷ ta bị trợt chân té nhào xuống hồ. Hồi lâu tự nghĩ không còn đủ sức để đào thóat khỏi hồ, Đại sư lại khiến nước hồ sôi lên làm cho xương thịt của quỷ không cách nào chịu đựng được nữa, nhưng quỷ ta vẫn nuôi ý định đào thóat, do đó Đại Sư dùng chày Kim Cang làm tổn thương hai mắt của quỷ. Không còn cách để thóat, Quỷ khẩn thiết xin Đại sư tha mạng. Đại sư thuyết pháp cho nghe sau đó phóng thích, quỷ bái chào rồi bay lên hư không biến mất.
5- Ngoài ra, còn có chuyện có một U-Linh muốn hãm hại Đại sư, bèn hóa thành con bò trắng lông dài, ngầm ý dụ Đại Sư cỡi lên, Đại sư hiểu dụng ý của quái ngưu, tuy cỡi thì cứ cỡi nhưng ngay khi quái ngưu khởi niệm muốn hại, Đại sư liền khiến cả người và trâu bay lên, quái ngưu thấy thân mình bị trói và treo lơ lững giữa hư không, ít lâu sau nó lại hóa ra một thiếu niên mặc áo trắng, khẩn cầu Đại Sư xin qui y. Đại Sư dùng phạm âm thuyết pháp cho nghe, nghe xong bạch y thiếu niên rất hoan hỷ vái chào Đại sư mà ra đi.
Đại loại những truyền thuyết kiểu thế này, đứng về phương diện kinh nghiệm tôn giáo thì có rất nhiều những hiện tượng truyền thuyết kiểu như vậy mà không cần phải đặt nghi vấn. Bởi nó muốn nói lên lập trường của Tôn giáo đó, và cũng không nên coi truyền thuyết là lối nói vô bổ.
Sau thời gian tiếp nhận sự chỉ đạo của Tịch Hộ và Liên Hoa Sanh, Thiên Bảo năm thứ tám (749), đời vua Đường Huyền Tông, Tạng vương Cật Phiêu Song Đề Tán phỏng theo chùa Âu Đan Phú Lê của Ấn Độ để kiến tạo chùa Tang Diên. Chùa tọa lạc về phía đông, cách Lạp Tát khoảng ba mươi dặm Anh. (chùa Tang Diên-Bsam-yas còn dịch là chùa Tang-Na), nhưng tên Tang Diên được dùng phổ thông hơn. Lại nữa, theo “Lạt Ma Giáo Sử Lược” của Trần Thiên Âu trang 13 chép: “Cách cấu tạo điện Phật của chùa Tang Diên được chia thành ba tầng, tầng dưới cùng được kết cấu theo kiểu kiến trúc của Thổ Bá Đặt (Tây Tạng), tầng thứ hai được kiến trúc giống kiểu kiến trúc nhà Đường, và tầng thứ ba được cấu trúc theo Trung Ấn Độ. Nơi chánh điện thờ ba vị Phật, bốn góc thờ tượng Tứ Đại Bộ Châu và Tiểu Bộ Châu, thần chú xua đuổi tà ma và tượng Nhật Nguyệt”. Cũng theo Trần Thiên Aâu “ Chùa Tang Na được khởi công xây dựng lúc Tạng vương vừa tròn hai mươi tuổi, đến năm Tạng vương được ba mươi tư tuổi mới hoàn thành”.
Có thuyết nói: “Nghệ thuật kiến trúc chùa Tang Diên là viên Hiệp Bích được kết hợp từ ba nền văn hóa là Tây Tạng, Ấn Độ và Trung Quốc. Công trình được xây dựng trong ngót mười hai năm liên tục đủ nói lên sự hùng vĩ của nó”. Lại có thuyết cho rằng, thời vua Cật Phiêu Song Đề Tán chỉ mới kiến tạo được phần móng nền mà thôi. Hiện nay những thuyết như vừa nêu có vẻ mơ hồ không thể xác quyết được.
Sau khi chùa Tang Diên được lạc thành, Tạng vương nghe theo chỉ dẫn của đại sư Tịch Hộ, cử người đi Ấn Độ tìm thỉnh được hai mươi vị Trì Luật Tỳ Kheo về Tây Tạng, hai mươi vị này y theo Luật mà kiến lập Tăng già, kế đó tuyển chọn lấy bảy người Tây Tạng ưu tú cho theo học với hai mươi vị Tăng già nầy, và cầu thọ cụ túc giới. Thọ cụ túc giới xong, Tạng vương lại gởi bảy vị tân Tỳ kheo nầy sang Ấn Độ cầu học Phật pháp, để chuẩn bị có người kế hậu. Trước đó, Phật giáo Tây Tạng chưa có chế định giới luật của Tăng già; do đó, giờ đây kiến lập Tăng-chế có phần nào đi quá giới luật cho phép. Ngài Tịch Hộ và hai mươi vị Trì Luật Tỳ kheo được thỉnh từ Ấn Độ đến, họ là những người xuất gia và luật nghi căn bản được họ truyền thừa là của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, vì thế luật Tỳ kheo ở Tây Tạng ngày nay vẫn là Luật tạng của Tiểu thừa.
Theo Vọng Nguyệt Thị (Phật giáo đại Từ Điển trang 3613-3614)thì trong thời kỳ nầy còn có các đệ tử của Tịch Hộ là Ca La Ma Thập La (Liên Hoa Giới-Kamalasìa) và Tỳ Lô Giá Na Khiếp Đát (Vairocana-raksita)v.v.. cũng được mời đến Tây Tạng để phiên dịch kinh Phật, và tuyên dương giáo pháp, trong số những đệ tử của Tịch Hộ đến Tây Tạng đặc biệt có Ca La Ma Thập La trước tác “Trung Đạo Trang Nghiêm Thích” cả thảy sáu bộ. Nhằm mục đích cổ xuý tư tưởng Trung Quán, và chính ông là người luận biện với Đại thừa Hoà Thượng người Trung Quốc và ông được toàn thắng. Trong khi đó Tỳ-Lô-Giá-Na-Khiếp Đát thì viết bộ “Bát Khổ Phần Kệ” và “Phát Tín Minh Đăng” v.v…Ngoài ra ông còn dịch “Hoa Nghiêm Kinh”chung với Tư Liên Đát La Bồ Đề (Surê-nđrabohi) để xiển dương Hiển giáo. Những dịch phẩm nầy hiện vẫn còn trong tạng kinh Tạng văn, chúng thuộc về luận bộ Đan Châu Nhĩ của Giác Mật, thuộc vào thời vua Cật Phiêu Song Đề Tán cùng với Thần Giả Lỗ Bạn Trung. Điều nầy cho thấy thời ấy anh tài từ Ấn Độ được thỉnh mời đến Tây Tạng còn có: Biến Chiêu (Vairocana), Long Tràng (Khu-yi-rgyal-mtshan), Trí Quân v.v… được vậy là nhờ sự trọng thị của Tạng vương.
Lại nữa theo Kim Sơn Chánh Hảo trong “Đông Á Phật Giáo Sử” trang 18, thì thời nầy còn có học giả người Ấn Độ như Tỳ Ma La Di Đa La (Vimalamitra), học giả người Tây Tạng là Khúc Kỳ Nam Ba (Chos-Kyi-Snan-ba) và Ba Nhĩ Khưu Câu (Dpal-brtregs)v.v… tuyển dịch mục lục của các Kinh, Luận. Trong khi đó Na Di Đa La của nước Ca Tư Di La thì hoàn thành việc quy định Tăng chế cho Tây Tạng. Nhờ những nổ lực trợ giúp của các vị vừa nêu mà Phật giáo Tây Tạng tiến đến hưng thịnh.
Đây là thời kỳ mà Hán tăng và Phạn tăng hội tụ rất đông tại Tây Tạng, nguồn gốc và sở học giữa Hán và Phạn tăng có nhiều điều không tương đồng, vì vậy mà giữa hai bên có phát sinh va chạm. Về mặt thời gian, thì Hán tăng đã ở Tây Tạng giảng dạy cho học chúng khá lâu, nên bấy giờ thế lực của Hán tăng tại Tây Tạng thịnh hơn Phạn tăng, và vị lãnh tụ Hán tăng ở Tây Tạng được tôn xưng là Đại Thừa Hòa Thượng (Mahàyanà Hoa San), theo “Tây Tạng Phật Giáo Nguyên Luận” thì thuyết của Hán tăng tại Tây Tạng gần giống với Thiền tông, lấy”trực chỉ nhân tâm khai thị Phật tánh” làm chính, lại còn cho rằng việc y giáo tu hành chỉ lao nhọc mà thôi chẳng có ích gì; vì dễ sa vào phóng dật và hoàn toàn không thể giữ gìn được. Luận điểm nầy trái ngược với luật nghi tôn giáo vừa do Tịch Hộ thiết lập, do đó mới xảy ra tranh luận giữa Hán và Phạn tăng. Cuộc tranh luận cứ kéo dài mà chưa có hồi kết, ngay vào thời điểm ấy có đệ tử của Tịch Hộ là Liên Hoa Giới vào Tây Tạng. Liên Hoa Giới là người tinh thông Trung Quán, khéo dụng Nhân Minh.
Đứng trước tình hình như vậy, Tạng vương cho triệu tập tăng chúng và đề nghị Hán và Phạn tăng nghị luận để đi đến quyết định đúng sai. Liên Hoa Giới được cử đại diện cho Phạn tăng để trần thuyết, ông phá ngay vấn nạn bấy lâu cứ tồn tại. Đại Thừa Hoà Thượng không sao ứng đáp nổi, nên sau đó lui về lại Hán thổ. Từ đó cái học Trung Quán tại Tạng thổ thế chỗ của Thiền giáo mà hưng thịnh.
Lịch sử Phật giáo Tây Tạng gọi đó là “cuộc tranh luận Lạp Tát”, cuộc tranh luận được diễn ra vào năm Trinh Nguyên thứ tám (792), đời Đường-Đức Tông. Trong cuộc tranh luận nầy, Đại-Thừa Hòa Thượng cứ nhất mực tuân theo truyền thống Thiền Trung Quốc, tức chủ trương lấy “đốn ngộ trực chỉ” làm chính mà không chịu suy nghĩ và phân biệt cách diễn dịch giáo nghĩa. Bởi pháp môn” đốn ngộ trực chỉ” chỉ hợp với tâm cảnh của Thần Hội là “điểm chiếu điểm phá”. Nếu đem chuyện “điểm chiếu điểm phá” ra luận trường để tranh cao thấp ắt nhiên là không thể chạm đến được “dụng xứ” của Thiền. Trong khi đó Liên Hoa Giới, đệ tử của Tịch Hộ lại là người trưởng thành trong hoàn cảnh luôn có nhiều luận trường biện luận ở xứ Ấn Độ bấy giờ. Thời ấy sau Thế Thân, Tăng Hộ trở lui, các học phái Phật giáo ở Ấn Độ không học phái nào lại không chú trọng đến kỷ xảo biện luận. Bản thân Liên Hoa Giới vốn đã tinh thông phương pháp luận Nhân Minh, vì thế khi ra luận trường ông là người sử dụng phương pháp luâïn của mình một cách đắc ý: Phán đoán đúng sai, khéo công khéo thủ, và lý luận có tổ chức chặt chẽ, khó ai có thể đánh ngã nổi. Kết quả, Đại Thừa Hoà Thượng bị thủ bại, và tất nhiên phải rút lui khỏi luận trường.
Căn cứ những nghiên cứu của các học giả cận đại, thì bấy giờ tuy Đại Thừa Hòa Thượng bị thủ bại nơi luận trường nhưng không vì thế mà ảnh hưởng Thiền tông tại Tây Tạng bị tiêu vong. Vì là trong các sách sử của Phật giáo Tây Tạng đều có ghi chép về Thiền học, và người Tây Tạng biết rất rõ Thiền của Tổ sư Đạt Ma được bắt nguồn từ tôn giả Ma Ha Ca Diếp; tính từ Tổ sư Đạt-Ma đến Đại Thừa Hòa Thượng là vị Tổ thứ bảy (xem “phương pháp tư duy của người Tây Tạng” của Trung Thôn Nguyên trang 102).
Được biết sau cuộc tranh luận Lạp Tát, Phật giáo Tây Tạng lấy Phật giáo Ấn Độ thời Vãn kỳ làm chủ lưu. Đây là thời mà tính luận lý rất được coi trọng, do đó cho nên các luận thư Nhân Minh được phiên dịch ra Tạng văn rất nhiều, có đến sáu mươi sáu thứ loại. Trong khi các luận thư về Nhân Minh được dịch ra Hán văn chỉ có ba thứ loại. Điều đó cho thấy Phật giáo Hán, Tạng mỗi bên có sự khinh, trọng khác nhau.
Thời đại của Tạng vương Cật Phiêu Song Đề Tán, Phật giáo Tây Tạng tuy có hưng thịnh, nhưng đó là sự hưng thịnh của giai đoạn đầu du nhập. Chẳng hạn chuyện truyền tụng về việc dịch Phật điển ra Tạng văn chỉ là chuyện truyền khẩu, kỳ thực chẳng thấy có bản kinh nào được viết thành văn, chưa nói là qua thời gian dài lâu khó tránh khỏi thất lạc, còn nếu có thì cũng được cải đính rất nhiều; vã lại thời ấy các vị sư Ấn Độ đến Tây Tạng phần nhiều tuổi tác đã cao không thể chịu nổi khí hậu khắc nghiệt. Tạng vương đời ba mươi lăm, đây là vị Tạng vương có nhiều cống hiến lớn đối với Phật giáo Tây Tạng, và đây cũng là thời mà sức mạnh quân sự của Tây Tạng đến hồi cực thịnh; thịnh hơn cả các đời Tạng vương trước. Người dân Tây Tạng tôn ông là Chuyển Luân Thánh Vương, họ còn nói ông là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát. Đến Tạng vương đời ba mươi tám (tức sau ba đời), Phật giáo Tây Tạng thời Tiền Truyền mới đạt đến cực thịnh.
Tạng vương đời ba mươi tám có tên là Cật Phiêu Lại Ba Thiệm (Khri-ral-pa-Can). Niên đại trị vì của vua Cật Phiêu Lại Ba Thiệm vào khoảng đời Đường Ý Tông, Nguyên Hoà năm thứ mười một (hoặc năm thứ mười hai), đến đời vua Đường Võ Đế, năm Hội Xương nguyên niên (816 hoặc 817–trị vì được 41 năm).
Những năm mới lên ngôi. Tạng vương Lại Ba Thiệm thường mang quân đánh phá vùng biên cảnh nhà Đường, lần nào ông cũng thắng, khiến nhà Đường phải thương thuyết với ông để kiến tạo hoà bình cho vùng biên cảnh. Qua hai lần thương nghị, hai bên Hán-Tạng đều có lập bia minh thệ. Lần lập bia thứ hai được gọi là “Sanh Cửu Liên Minh Bi”. Bia nầy lập vào đời vua Đường Mục Tông, năm Trường Khánh nguyên niên (821), có thuyết nói là năm Trường Khánh thứ hai (822). Bia hiện còn ở Lạp Tát (Lasha), nhưng trải qua nhiều niên đại nên chữ khắc trong bia hiện nay phần lớn không còn nhận ra. Nay xin lấy một trong hai bản sao văn bia cổ được lưu giữ tại Bác Vật Quán của hoàng gia Anh Quốc ở Luân Đôn do Thiên Trúc Quân sao lục, xin chép ra đây để tiện tham khảo:
“Đại Đường Văn Võ Hiếu Đức Hoàng Đế, Đại Phồn Thần Thánh Tán Phổ, quốc chủ hai nước là cậu cháu của nhau cùng thương nghị, vì xã tắc bên nào cũng trọng, kết cục lập Khế ước đại hòa muốn mãi mãi không bị thất tán. Thần nhân chứng biết, nay hai bên lấy đại tiết mà thề, truyền đến đời sau, để kiếp kiếp đời đời cháu con xưng tụng. Văn Võ Hiếu Đức Hoàng Đế cùng Thần Tán Phổ Đức, hai thánh duệ triết, đầy đủ sáng suốt được muôn dân xưng tụng, nay vì thương dân lấy giáo hóa làm vận hành, nên dùng ân mà che cả trong ngoài; Do đó kế thương nghị tương đồng, muốn muôn dân an thái; do suy nghĩ nhất như, lâu thành đại trị. Đồng lòng xét nét, lấy nghĩa lân bang mà giao hảo để cùng nên tốt đẹp, muốn bờ cõi Hán-Phồn hai nước được yên, lấy phía đông Thao Dân làm quốc giới của Đại Đường, phía Tây Thao Dân là Đại Phồn lãnh địa. Hai nước không coi nhau là thù địch, không động binh gây hấn, không nuôi ý xâm lăng. Nếu có ai gây cản trở nơi biên địa, thì bắt tra cho biết rồi cấp cho áo quần lương thảo mà thả về. Để xã tắc sơn xuyên vô nhiễu, mỗi bên phải kính thần nhân. Nghĩa cậu cháu tương hảo, có bên nào gặp nạn thì thông truyền cho nhau ứng cứu. Hai nước nương nhau thường xuyên qua lại. Giữa đôi bên nếu có sai phạm, hễ Đường sai thì Phồn sữa và ngược lại, ngay như quân tướng gặp cùng, hãy giúp cho ngựa tốt. Quân tướng đóng ở phía đông Thao Dân do Đại Đường cung cấp, đóng ở phía tây Thanh Thủy thì do Đại Phồn tài trợ. Để hai nước không lo khói bụi, cậu cháu lấy lễ mà thân cận. Dương cao thịnh đức làm danh, khiến thứ dân không còn kinh khiếp. Người đi đường không sợ, dân trong xóm an vui, chuộng điều nghĩa mà không gây biến loạn, để ân đức trải khắp muôn đời, được vậy thì tiếng tốt như nhật nguyệt chiếu soi chẳng khác. Dân Phồn thọ an nơi Phồn thổ, Hán tộc trọn vui nơi Đường quốc, ấy là nghiệp lớn của vua hai nước. Đôi bên giữ gìn minh thệ, vĩnh viễn không đổi dời. Cúi xin Tam Bảo cùng chư Thánh và nhật nguyệt tinh thần hạ cố. Nay Hán Phồn chí thành bày tỏ, lấy đó làm minh, lập nên thệ ước, như bên nào không tuân thệ ước, hoặc Hán hoặc Phồn phá minh bội ước, ắt gặp họa ương khó tránh. Phỏng có bên nào nghiêng ngã, làm càn gây loạn, ấy là hạn định của lời minh bị phá. Vua tôi hai nước Hán Phồn dập đầu lập thệ, kính cẩn làm văn. Đức của hai vua chiếu khắp trong ngoài, nhân dân tán tụng”. (Trích tạp chí Tinh – Kỳ số 75, xuất bản 1965)
Trong văn bia có ghi “Đối trước Tam Bảo mã lập thệ,” cho thấy Tạng Vương là người chí thành tin Phật. Có thuyết nói Tạng vương Lại Ba Thiệm cung kính Tam Bảo đến độ ông tự cắt tóc làm tọa cụ để cúng dường Tăng Bảo, nhân đó mà ông có được danh hiệu Lại Ba Thiệm. Chữ Lại Ba Thiệm hàm nghĩa là “Hữu Phát”. Do Tạng vương Lại Ba Thiệm chí thành đề xướng mà Phật giáo Tây Tạng mới có sự nghiệp dịch kinh Phật, từ đó Phật giáo Tây Tạng tiến vào “con đường mới”.
Tạng vương Lại Ba Thiệm đọc những kinh Phật đã được dịch xong của thời trước và thấy không hoàn mỹ. Do đó, ông sai sứ đi Ấn Độ dong ruỗi khắp nơi lễ thỉnh cho kỳ được những Tăng nhơn anh tuấn và mời đến Tây Tạng trợ giúp công cuộc phiên dịch kinh Phật. Nhờ nhân duyên này mà Tây Tạng đón tiếp được các hiền nhân đến từ Ấn Độ gồm các học giả như: Thắng Hữu (Jina-mitra), Giới Đế Giác (Surendra-bodhi) Thi-Giới(Dána–sila), Giác-Hữu (Bodhi– mitra), Cát Tường Đế Giác (Silendra–Bohdi), Hỷ Khánh Giới (Ananta–Sika), Kim Cang Giới (Vijaya Sila)… không dưới hai mươi vị, và đó là những học giả hữu danh ở đất Ấn có thể tra khảo được. Về phía Tây Tạng có các học giả như: Bảo Hộ, Pháp Tánh Giới, Trí Quân… học giả Ấn-Tạng trên ba mươi vị, họ đều là những người nổi tiếng, thành danh.
Những học giả vừa nêu thiết lập một chế độ dịch trường hết sức nghiêm cách. Trước khi bắt tay vào việc dịch thuật, việc đầu tiên họ làm là chỉnh đốn lại dịch ngữ. Phàm những kinh nào đời trước chưa dịch xong hoặc đã dịch xong nhưng không được nhã huấn thì đều được bổ đính (bất luận đó là kinh thuộc Tiểu hay Đại thừa). Khi gặp những chữ hoặc tên gọi khó hiểu trong các kinh Tiểu thừa hay Đại thừa thì thẩm định lại kết cấu của dịch ngữ để sao cho phù hợp với phép hành văn. Trường hợp nan giải, thì dùng phương pháp Nhân minh để phân tích cách dùng chữ, sau đó có sự giải thích và làm ra bản ghi chép riêng. Trường hợp không thể thuyết minh, thì tùy theo ngữ tính thích hợp mà dùng ý để dịch, sau đó chỉnh lại cho hợp với cách sử dụng của Tạng Văn. Trường hợp đã thích hợp với ý gốc, rồi mới tiến tới định danh thì cần phải tinh luyện về mặt văn tự. cần chỉnh sửa và thẩm định chữ dùng và tên gọi rồi mới biên tập thành sách, nhờ vậy mà có bộ Phạn-Tạng Đối Chiếu Đại Từ Vựng rất nổi tiếng, hay còn có tên gọi “Phiên Dịch Danh Nghĩa Đại Tập” (Tên tiếng Phạn là Mahàvyutpaatti)
Sau khi những vị như Thắng Hữu đã hoàn thành bộ “Phiên Dịch Danh Nghĩa Đại Tập”, mới tấu thỉnh Tạng Vương ban hành, từ đó dùng bộ sách nầy để hiệu bổ tất cả các bộû kinh được dịch từ các đời trước. Như phần đầu của Kinh Đại Bát Nhã cho đến phần thứ ba, thứ tư… cứ theo đó mà hiệu bổ và dịch xuất được rất nhiều bộ kinh. Về Luận bộ, thì họ ra sức dịch những bộ luận chủ yếu của Đại thừa. Thường là các bộ Luận nổi tiếng của Long-Thọ, Đề Bà, Mã Minh, Di Lặc, Vô Trước, Thế Thân, những bộ Luận mà đa số đại chúng đã biết rất rõ. Nhân đó mà tại lãnh thổ Tây Tạng người ta bắt gặp những luận thư của các vị vừa nêu. Những bộ luận quan trọng nầy hiện vẫn còn trong “Đại Tạng Kinh Tây Tạng” và thuộc về Đại thừa Hiển giáo. Trong số đó quá nữa được phiên dịch vào thời gian nầy, những bản do cựu dịch cũng chịu sự hiệu đính của thời kỳ nầy.
Thời kỳ nầy Phật giáo tuy vẫn luôn được đề xướng, nhưng thế lực của Bổng giáo hãy còn rất mạnh, và ảnh hưởng của Bổng giáo chi phối Phật giáo là rất lớn. Từ khi ngài Tịch Hộ lập ra Tăng chế cho mãi thời kỳ nầy, nó không những không được phổ cập rộng rãi, ngược lại nó còn bị nhiễm ô bởi các tập tục thế gian, vì thế giới luật gần như bị bỏ rơi. Tuy nhiên đây cũng là thời kỳ nuôi mưu đồ cải cách hết sức căn bản, như một mặt thì hạn chế hoặc cấm dịch và truyền bá các kinh sách Mật giáo, vì rằng tín ngưỡng Thần giáo có tính truyền thống có thể tin vào kinh sách Mật giáo mà làm cho Phật giáo trở thành hủ bại, một mặt gắng sức dịch xong bộ Luật tạng của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, Bộ Luật nầy bấy giờ đang lưu hành tại Ấn Độ. Dịch toàn bộ giới bổn Tỳ Nại Da Thập Thất Sự cũng như tất cả luật, luận của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, và lấy đó làm chuẩn quy để chỉnh đốn Tăng chế.
Kinh Đại thừa được dịch vào thời kỳ nầy gồm có: Kinh Pháp-Hoa, Kinh A Di Đà, Kinh Hoa-Nghiêm, Kinh Duy-Ma, Kinh Đại Nhật… và các bộ Luận hiện vẫn còn một số trong Tạng văn đại tạng kinh. Xin sao chép và đưa ra bản đối chiếu của Lữ Trừng, bản đối chiếu nầy trích từ “Tây-Tạng Phật Học Nguyên Luận” trang 25 với biểu đồ:
Khi vua Lại Ba Thiệm còn sinh thời, do việc chỉnh đốn Tăng chế được tiến triển tốt đẹp, từ đó dẫn đến việc xác lập trật tự của Tăng giai. Vương thất lấy Tăng vị phân ra thành Sư-Đệ Tam Đẳng, với thứ tự từ trên xuống là: Lạt Ma, Thiền Tu, Đệ Tử. Ý ban đầu của chữ Lạt Ma là Thượng sư hoặc Trưởng lão. Điều nầy sẽ giải thích ở Chương sáu(06) của sách này. Sư, Đệ, Tam Đẳng là do chính phủ cúng dường; lại quy định cho dân gian: “Cứ mỗi năm hộ là một tổ, mỗi tổ một năm cung cấp để nuôi một vị Tăng nhằm giúp vị Tăng ấy an tâm tu hành mà không phải nhọc sức làm việc gì khác. Nhờ đó mà luật nghi Tăng già tự hướng đến chỉnh túc”. (Trích: Tây Tạng Phật Giáo Nguyên Luận – trang 26). Có thuyết lại nói: “Thường dân trong bảy hộ chịu trách nhiệm cúng dường y thực và vật dụng cá nhân cho một vị Tăng” (trích: Tây Tạng Phật Giáo Sử Lược – của Chương Gia). Đặt ra quy định cúng dường như trên, đủ thấy Tạng Vương là người hết mực kính trọng Tăng Bảo. Tiếc rằng đưa ra quy định như thế nhưng bản thân nhà vua không thấy những việc khó khăn mà dân tình phải gánh chịu
Nhân sự kiện nầy, sách sử ghi là “Nhờ đó mà toàn cảnh Tây Tạngõ được hưởng lợi lạc, an khương” (Tây Tạng Phật Sử Lược – Chương Gia). Nhưng về mặt dân gian, quy định trên khó tránh khỏi lời oán thán của bá tánh! Cũng xuất phát từ lòng kính mộ Tăng Bảo mà vua Lại Ba Thiệm ban chiếu thư với nội dung: “Nghiêm cấm người dân không được miệt thị Thánh Tăng, hoặc chỉ trích, diễu cợt và cười nhạo chư Tăng. Từ nay về sau hễ ai phạm điều cấm này thì bị móc mắt hoặc chặt các ngón tay” (Trích: Lạt Ma Giáo Sử Lược – của Trần Thiên Âu – trang 17). Kỳ thực, là dùng hình phạt nầy để nghiêm cấm người dân không được nhục mạ Tăng chúng. Bản thân biện pháp nầy cũng cần được kiểm thảo. Do nghiêm cấm gay gắt như thế mới đưa đến sự bất bình của quốc dân, và đào sâu thêm lòng thù ghét của những người thuộc truyền thống Bổng giáo. Kết cục là diễn ra đại bi kịch “Thí vương diệt Phật”.
Mặt khác, phải nói là Lại Ba Thiệm vị quân vương hộ pháp, là người thực hiện đường lối chính trị của một chuyển Luân Thánh Vương: dùng đạo đức để giáo hóa và cai trị muôn dân. Dùng mười điều Hiền thiện để dạy dân, và luôn lấy bản thân mình làm chuẩn mực phép tắc, Ông nghĩ, một khi người dân đã chịu ân vua ắt họ sẽ tôn trọng lẽ phải và sự thực. Hơn thế, vua Lại Ba Thiệm còn là người Tây Tạng đầu tiên dùng Đại điển lịch pháp của nhà Đường để ghi chép sử ký. Tóm lại ông là vị vua làm nên công trình vĩ đại cho Tây Tạng.Đồng thời sở học của các vị đại sư dịch thuật thời ấy có nguồn gốc từ thời Vãn kỳ của Phật giáo Ấn Độ, thời nầy sư pháp rất tinh nghiêm, do bởi thất chúng luật nghi đều tuân theo đại giới Du Già Bồ Tát, tiếp đó là Ngũ Minh mà tập thành Đại thừa. Thứ lớp rành mạch rõ ràng đạt đến trình độ “Bác đại cao minh”. Do đó, tuyệt nhiên đây không phải là điều mà chúng dân bình thường có khả năng tiếp thọ. Huống nữa thời ấy lại cấm không cho dịch và truyền bá Kinh điển Mật giáo, vì vậy tín ngưỡng Bổng giáo có tính truyền thống không có cách nào để thâm nhập vào Phật giáo. Từ những nhân tố trên dẫn đến cuộc vận động hủy diệt Phật giáo của Tạng Vương Lãnh Đạt Ma.
Tạng vương Cật Phiêu Lại Ba Thiệm dùng chế độ mới để dưỡng Tăng, điều đó kích thích sự gia tăng Tăng số, và khiến người dân không ai là không khổ vì sưu cao thuế nặng, ảnh hưởng đến sinh kế của họ. Hệ lụy của tân chế độ dưỡng Tăng là làm cho lòng dân oán thán, bất bình, nên dối với Phật giáo họ đều có cảm tưởng không thân thiện; trong khi đó những kẻ tả hữu của vua có lòng tin Phật đã lần lượt chết vì tuổi già, số còn lại thì yêu cầu quốc vương Lại Ba Thiệm đình chỉ chế độ dưỡng Tăng, đồng thời cũng gây cản trở cho công cuộc hoằng pháp, khiến Tạng vương uất ức mà chết. Có thuyết nới, cái chết của Tạng vương Lại Ba Thiệm có liên quan đến người em trai của vua là Lãng Đạt Ma. Ông nầy câu kết với bè đảng của mình để hãm hại vua.
Sau khi Tạng Vương Lại Ba Thiệm băng hà, người lên kế ngôi là Lãng Đạt Ma, ông nầy là tín đồ của Bổng giáo, Lãng Đạt Ma vừa lên ngôi thì Tây Tạng phát sinh nạn đói, các giống thú bị ôn dịch, còn người thì bị thiên tai cứ liên tiếp xảy ra. Tạng Vương Lãng Đạt Ma nhân việc xảy ra thiên tai dịch họa, và lợi dụng tâm lý dân gian đang oán hận Tăng lữ, bèn trút hết tất cả tai họa nguyên nhân là do Tăng lữ gây ra, đồng thời quy hết mọi sai trái về cho Phật giáo. Do đó, đối với Phật giáo ông triển khai một cuộc bức hại vô cùng tàn khốc. Ông cấm chỉ việc dịch kinh và cho đốt hết kinh điển, đập phá chùa chiền, Phật tượng, ra lệnh Tăng lữ phải hoàn tục, cưỡng bức họ trở thành thợ săn hoặc đồ tể. Phàm vị tăng nào dám bất tuân lệnh vua thì bị xử trảm. Quả là sự bạo ngược chưa từng thấy.
Việc làm nầy của Tạng vương Lãng Đạt Ma khiến hàng trăm năm tài bồi đại nghiệp của vua Cật Phiêu Song đề Tán, và thịnh nghiệp mà Vua Lại Ba Thiệm gầy dựng chỉ trong nhất đán biến thành mây khói!
Thời ấy Tăng lữ hễ nghe đến vua quan là chạy trốn, họ đào tỵ sang các lân quốc làm kẻ tha hương, bất luận là vị Tăng ấy thân phận thế nào. Tựu trung những vị danh tăng có nhiều vị chạy đến pháp thành Đôn Hoàng (Cho- grub). Tại đây các vị tiếp tục làm công việc của mình, ấy là dịch kinh. Và tại Đôn Hoàng các vị đã dịch được các kinh từ Phạn văn ra Tạng văn như: “Chư Tinh Mẫu Đà La Ni Kinh”, “Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh”; và các Kinh từ Hán văn ra Tặng văn như: “Lăng Già A Nậu Đa La Bảo Kinh”, “Kinh Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh”, “Hiền Ngu Kinh”, “Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát Quãng Đại Viên Mãn Vô Ngại Bi Tâm Đà La Ni”…
Lại nữa, còn có các vị như Đàm Tấn, Phước Huệ rộng giảng về luận Du–Già. Lại có đại sư Pháp Thành trước tác bộ “Thích Ca Mâu Ni Như Lai Tượng Pháp Diệt Tận Chư Ký”, và ông gọi Tây Tạng là “Xích Diện Quốc”. Bộ sách trên có lược ghi những hưng suy trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng.
Lại nói về cuộc vận động phá Phật của Tạng vương Lãng Đạt Ma, cuộc tàn diệt Phật giáo kéo dài trong năm năm, đến năm Hội Xương thứ hai (842) đời vua Đường Võ Đế, thì Lãng Đạt Ma bị một vị Lạt-ma tên là Kiết Tường Kim Cang (Dpal-gyi rdo-rje) giết chết.
Liên quan đến cái chết của ác vương, có một thiên đoản văn miêu tả lại sự việc nầy vô cùng sinh động: “Bấy giờ Kiết Tường Kim Cang đang ẩn tu tại một hang động trong núi sâu, Ngài tu hạnh Tam muội, bỗng nhiên có một vị Không Hành Mẫu xuất hiện và nói với Kiết Tường Kim Cang: “Trong giới Phật giáo Tây Tạng, Ngài là người có khả năng biểu hiện công đức cho đất nước nầy, ngoài Ngài ra không còn ai khác. Hiện nay Lãng Đạt Ma–vị ác vương–đang dùng thủ đoạn thâm độc để tiêu diệt Phật giáo. Giờ đây cơ hội đã đến, Ngài hãy giết ông vua phi pháp ấy đi. Ta với Ngài cùng đến đó chớ nên khiếp sợ”, vị Không Hành Mẫu nói dứt lời liền ẩn mất dạng. Nghe xong, Kiết Tường Kim Cang liền nghĩ vua Lãng Đạt Ma phá diệt Phật giáo ắt sẽ bị tội hành. Nghĩ vậy, ông khởi tâm đại bi thương cảm cho Lãng Đạt Ma; ông lại nghĩ nếu không giết thì ác vương sẽ vẫn tiếp tục tạo trọng tội, tương lai sẽ thọ khổ báo cực nặng nơi địa ngục. Không thể để ác vương tiếp tục phá Phật, hãy dùng tâm bi mẫn mà phương tiện giết bỏ ác vương.
Sau đó Kiết Tường Kim Cang tìm được một con ngựa trắng, ông dùng hồ sơn đen toàn thân con ngựa và bôi đen một nữa mặt của ông, dấu cung tên vào người rồi cỡi ngựa đi tới trước cung Bố Đạt Lạp biểu diễn một điệu múa kỳ diệu xem rất vui mắt, vừa lúc Tạng vương Lãng Đạt Ma đang đứng trước cung để duyệt lãm văn tự trên bia “Sinh cửu liên minh bi”, bấy giờ Kiết Tường Kim Cang vừa đi qua vừa múa và cúi đầu chào nhà vua, lúc tiến đến gần quốc vương, ông cúi đầu ba lần. Lần thứ nhất ông tra tên vào cung, lần thứ hai ông dương cung sẵn sàng bắn, lần thứ ba lúc vừa cúi đầu thì miệng ông đọc to “phong hoàn địa, địa hoàn thủy, thủy diệt hỏa, Kim Xí Điểu thắng Thủy Long, Kim Cang Thạch xuyên Bảo Thạch, Thiên thần Chế A Tu La, Phật Đà thắng sư tử vương, ta nay cũng như vậy mà giết bỏ ác vương”. Dứt lời ông nhắm thẳng vào ngực nhà vua mà bắn, nhà vua thét lên rất to, đưa hai tay nắm lấy tên rồi lảo đảo ngã nhào xuống đất mà chết. Lập tức Kiết Tường Kim Cang cởi bỏ lớp áo bộc bên ngoài, thừa lúc mọi người đang còn hổn loạn, ông thúc ngựa chạy mất dạng, chạy được hồi lâu gặp một hồ nước, ông dắt ngựa xuống hồ rửa sạch hồ đen trên thân ngựa và trên một phần mặt của mình, rồi tiếp tục cỡi ngựa chạy đến một khu an toàn và biết không ai có thể truy đuổi mới thôi”.
Sau khi Tạng vương Lãng Đạt Ma bị sát hại, Phật giáo Tây Tạng cũng không vì thế mà phục hưng; ngược lại nhân việc nhà vua bị sát hại bởi vị Lạt-ma, do đó những kẻ thân tín của vua trút hết sự phẫn nộ của họ lên giới Tăng lữ, họ bắt được vị Tăng nào là giết ngay vị Tăng ấy, có rất nhiều Tăng nhân phải bỏ nước chạy trốn. Bởi lúc nầy Tăng nhân tại Tây Tạng không có cơ hội sống sót. Trước tình thế như vậy, văn hóa Phật giáo tại Tây Tạng hầu như bị diệt sạch, đồng thời một phần văn hóa bản địa của Tây Tạng cũng gặp vận nguy. Cạnh đó, các vị vương tử của Lãng Đạt Ma thi nhau tranh dành ngôi vua, cuộc tranh dành dẫn đến việc đánh giết nhau kéo dài trong nhiều năm. Khiến cục diện Tây Tạng từ chỗ thống nhất trở thành tình trạng quần hùng phân manh cát cứ, các phe đảng sát phạt nhau. Đây là thời mà đất nước Tây Tạng bị hãm trong trạng thái hắc ám và kéo dài ước khoảng trăm năm. Trong suốt thời kỳ nầy, tuy bị nội loạn, nhưng chắc chắn là có người mưu đồ phục hưng Phật giáo, dù trong dân gianTây Tạng cơ hồ như không còn ai biết gì đến Phật pháp.
Cuộc vận động phá diệt Phật giáo tại Tây Tạng xẩy ra gần như tương đương với thời Pháp nạn ở Trung Quốc do vua Võ Đế nhà Đường gây tạo. Các yếu tố khiến hai nước Hán-Tạng hủy diệt Phật giáo giống nhau như một vết xe. Tuy Phật giáo được truyền vào Tây Tạng thời gian chưa đủ lâu để gốc rễ bám sâu, thốt nhiên gặp phải sự đã kích không chút tình người, làm đau lòng người sáng lập, nhưng đau xót hơn cả vẫn là cuộc pháp nạn Hội Xương đời Đường Võ-Đế.
Nguồn: www.quangduc.com