PHÂN VIỆN NGHIÊN
CỨU PHẬT HỌC
NHÀ XUẤT BẢN VĂN
HỌC
Hà Nội –1990
THIỀN UYỂN TẬP ANH
(Anh tú Vườn Thiền)
NGÔ ĐỨC THỌ – NGUYỄN THÚY NGA
Dịch và chú thích
(Dịch theo nguyên bản chữ Hán Trùng
San)
THIỀN UYỂN TẬP ANH Khắc in năm Vĩnh Thịnh
thứ 11 (1715)
---o0o---
Mục
lục
LỜI
TỰA
LỜI
BẠT
LỜI GIỚI THIỆU
(QUYỂN THƯỢNG)
THIỀN UYỂN TẬP ANH TỰ
THIỀN PHÁI VÔ NGÔN
THÔNG
Thiền sư VÔ NGÔN THÔNG
Thiền sư CẢM THÀNH
Thiền sư THIỆN HỘI
Thiền sư VÂN PHONG
Đại sư KHUÔNG VIỆT
Thiền sư ĐA BẢO
Trưởng lão ĐỊNH HƯƠNG
Thiền sư THIỀN LÃO
Thiền sư VIÊN CHIẾU
Thiền sư CỨU CHỈ
Thiền sư BẢO TÍNH
Thiền sư MINH TÂM
Thiền sư QUẢNG TRÍ
Quốc sư THÔNG BIỆN
Đại sư MÃN GIÁC
Thiền Sư NGỘ ẤN.
Thiền sư ĐẠO HUỆ
Thiền sư BIỆN TÀI
Thiền sư BẢO GIÁM
Thiền sư KHÔNG LỘ
Thiền sư BẢN TỊNH
Thiền sư MINH TRÍ
Thiền sư TÍN HỌC
Thiền sư TỊNH KHÔNG
Thiền sư ĐẠI XẢ
Thiền sư TINH LỰC
Thiền sư TRÍ BẢO
Thiền sư TRƯỜNG NGUYÊN
Thiền sư TỊNH GIỚI
Thiền sư GIÁC HẢI
Thiền sư NGUYỆN HỌC
Thiền sư QUẢNG NGHIÊM
Thiền sư THƯỜNG CHIẾU
Cư sĩ THÔNG SƯ
Thiền sư THẦN NGHI
Thiền sư TỨC LỰ
Thiền sư HIỆN QUANG
Cư sĩ ỨNG VƯƠNG
(QUYỂN
HẠ)
THIỀN PHÁI TÌ NI ĐA
LƯU CHI
Thiền sư TÌ NI ĐA LƯU
CHI(1)
Thiền sư PHÁP HIỀN
Thiền sư THANH BIỆN
Thiền sư ĐỊNH KHÔNG
Trưởng lão LA QUÝ
AN(1)
Thiền sư PHÁP THUẬN
Thiền sư MA HA
Đạo giả THIỀN ÔNG
Thiền sư SÙNG PHẠM
Thiền sư VẠN HẠNH
Thiền sư ĐỊNH HUỆ
Thiền sư ĐẠO HẠNH
Thiền sư TRÌ BÁT
Thiền sư THUẦN CHÂN
Tăng thống HUỆ SINH
Thiền sư THIỀN NHAM
Thiền sư BẢN TỊCH
Tăng thống KHÁNH HỶ
Thiền sư GIỚI KHÔNG
Thiền sư PHÁP DUNG(1)
Thiền sư TRÍ THIỀN
Thiền sư CHÂN KHÔNG
Thiền sư ĐẠO LÂM
NI SƯ DIỆU NHÂN
Thiền sư VIÊN HỌC
Thiền sư TỊNH THIỀN
Quốc sư VIÊN THÔNG
Thiền sư Y SƠN
THIỀN PHÁI THẢO ĐƯỜNG
Thiền sư THẢO ĐƯỜNG
THIỀN UYỂN TẬP ANH, một cuốn sách cổ của Phật
giáo Việt Nam ghi lại các tông phái Thiền học và sự tích các vị Thiền sư
nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Ly một số ít vị
lớp sau còn sống đến đầu triều Trần.
Đây là tác phẩm không những có giá trị về
lịch sử Phật giáo mà còn là một tác phẩm truyện ký có giá trị về mặt văn
học, triết học và văn hóa dân gian.
Cho đến nay chúng ta chỉ có bản trùng san in
năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) thời Hậu Lê là bản in cổ nhất được hòa thượng
Thích Như Tri và các môn đồ của Ngài khắc in ở chùa Tiên Sơn (Từ Sơn, Hà
Bắc).
Tuy cuốn THIỀN UYỂN TẬP ANH không ghi rõ tên
soạn giả nhưng qua các tài liệu tham khảo chúng ta có thể xác định tác
phẩm này đã được Ngài Thông Biên Thiền sư khởi thảo từ thời Lý đến Ngài
Biên Tài, Thường Chiếu, Thần Nghi. Trải qua một quá trình biên soạn rồi
đến Thiền sư Ẩn không là người hoàn tất việc biên soạn cuối cùng.
Qua bao phen binh hỏa, trải mấy cuộc thăng
trầm, chúng ta may mắn còn giữ được truyền bản của tác phẩm.
Vì lẽ đó, ông Ngô Đức Thọ, chuyên viên Viện
Hán – Nôm và các nhà nghiên cứu trong và ngoài Phật giáo tại thủ đô Hà Nội
đã dày công nghiên cứu văn bản, dịch thuật, chú giải để tác phẩm sớm được
công bố.
Với mong muốn tác phẩm đến được với đông đảo
người đọc trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu tham khảo nghiên cứu của
giới Phật giáo nước ta. Phân viện nghiên cứu Phật học phối hợp với nhà
xuất bản Văn học tổ chức xuất bản cuốn sách cổ có giá trị này, nhằm góp
phần vào sự nghiệp Hoằng đương chính pháp và nghiên cứu văn hóa cổ dân
tộc.
Hà Nội, tháng 01 năm 1990
Thượng tọa THÍCH THANH TỨ
Trong những ngày đầu
Xuân Canh Ngọ, tôi có nhận được bản dịch THIỀN UYỂN TẬP ANH của nhà nghiên
cứu Ngô Đức Thọ, công tác tại Viện Hán Nôm thuộc Ủy ban khoa học xã hội
Việt Nam, với yêu cầu xem lại và bổ chính bản thảo lần cuối cùng, trước
khi xuất bản.
Mặc dù thời gian cấp bách và công việc rất
khó khăn, nhưng tôi vẫn phát tâm làm với sự cố gắng tối đa. Bởi vì đây là
một công tác đáng lẽ Ban Phật Giáo Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Phật học
phải làm, nhưng hiện nay chưa làm được gì nhiều.
Ông Ngô Đức Thọ là nhà Hán Nôm học, rất quan
tâm và hứng thú với Phật giáo và Phật học. Công việc của ông đáng khích lệ
và hoan nghênh. Ông lại đang công tác tại một cơ quan Nhà nước có chức
năng lưu trữ, nghiên cứu các văn bản Hán Nôm, trong đó có nhiều văn bản
Phật giáo quan trọng.
Tôi hy vọng sau khi xuất bản dịch THIỀN UYỂN
TẬP ANH
này, ông Ngô Đức Thọ sẽ tiếp tục cộng tác với
Ban Phật giáo Việt Nam chúng tôi (thuộc Viện nghiên cứu Phật học Việt
Nam), trong công việc sưu tầm, khảo đính, phiên dịch và công bố toàn bộ
những văn bản Phật giáo Việt Nam bằng chữ Hán Nôm hiện có trong nước và
ngoài nước, góp phần xây dựng một “Tục tạng Phật giáo Việt Nam” sẽ là bộ
phận quan trọng của Bộ Đại tạng Phật giáo Việt Nam tương lai.
Ngày mồng Tầm xuân Canh Ngọ, tức mồng 3 tháng
2 Tây lịch năm 1990.
MINH CHI
Trưởng Ban Phật giáo Việt Nam, thuộc
Viện nghiên cứu phật giáo học Việt Nam.
Chủ nhiệm bộ
môn Phật giáo sử Việt Nam tại Trường
Phật học cao cấp thành phố Hồ Chí Minh.
(Quá trình hình thành tác phẩm văn bản và giá
trị văn hiến của Thiền uyển tập anh)
Trong di sản Hán Nôm của nước ta, cuốn
Thiền uyển tập anh là một tác phẩm truyện ký có giá trị không chỉ
riêng về văn học mà cả về sử học, triết học, văn hóa dân gian v.v... Cả
về mặt văn bản, tác phẩm này cũng có một giá trị đặc biệt, bởi vì nó là
một trong số rất hiếm tác phẩm khởi thảo từ cuối đời Lý, hoàn chỉnh và ổn
định đầu đời Trần, cách nay đã trên bẩy thế kỷ mà vẫn còn có truyền bản
trọn vẹn lưu lại đến ngày nay.
Trong thiên Nghệ văn chỉ, ở loại
truyện ký, Lê Quý Đôn viết: “Thiền uyển tập anh, một quyển, người
đời Trần soạn, ghi tông phái Thiền học và sự tích các nhà sư nổi tiếng ở
nước ta từ đời Đường, Tống, trải đến các đời Đinh, Lê, Lý, Trần”(1).
Trong Văn tịch chí, Phan Huy Chú cũng ghi về Thiền uyển tập anh
với nội dung tương tự. Qua bao phen binh lửa, số thư tịch, bi ký đời
Lý, Trần được ghi trong thư mục của hai nhà Lê, Phan chỉ còn lại một số
rất ít, trong đó may mắn có tác phẩm Thiền uyển tập anh. Tuy văn
bản hiện có không phải là bản in đời Trần mà là một bản trùng san (khắc in
lại) vào năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), đó cũng là một trong số thư tịch
đầu thế kỷ XVIII trở về trước còn giữ được văn bản – hiện vật đến nay. Bài
tựa của một nhà Nho (không ghi tên) đặt ở đầu sách cho biết một nhà sư đã
đem một bản cũ, hẳn là có nhiều chỗ mờ mòn, rách nát đến nhờ ông chỉnh lý
câu chữ để trùng san. Có thể nói hòa thượng Thích Như Trí, các môn đồ cùng
các thiện nam tín nữ có tên hiệu ghi ở đoạn cuối bài tựa là những người đã
có công in khắc để truyền lại cho chúng ta một di sản văn hóa quý của nước
nhà.
Ngoài Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú, khoảng thời
gian này cũng không thấy mấy tác giả dẫn dụng Thiền uyển tập anh.
Phải đến đầu thế kỷ XX, nhà thiền học có tiếng là Phúc Điền hòa thượng
(thời Minh Mệnh) đã nhìn thấy ý nghĩa của tác phẩm này đối với việc nghiên
cứu lịch sử Phật giáo ở nước ta. Có nhiều khả năng là PHúc Điền cũng chỉ
có trong tay bản in thời Vĩnh Thịnh như đã nói ở trên, mà ông nhận xét
rằng trong đó có nhiều sai lầm. “Tựu trung lỗ ngư bất nhất, vận suyển san
danh” (trong đó có nhiều chỗ lầm từ chữ này sang chữ nọ, sai lầm khó đọc
ra chữ gì). Để lưu truyền văn bản cho đời sau, Phúc Điền lại một lần nữa
hiệu chỉnh, cho khắc in lại. Đó là tập sách mang tên: Trùng khắc Đại
Nam thiền uyển truyền đăng tập lục. Quyền thượng, với dòng phụ chú:
“Thất tập nhân danh, cựu bản Tiên Sơn tự” (tên người biên tập đã thất
truyền, căn cứ theo bản cũ ở chùa Tiêu Sơn). Đối chiếu nội dung thì thấy
tập sách mà Phúc Điền đề là “... Truyền đăng tập lục”, quyền thượng, thì
toàn bộ “ quyền thượng” ấy chủ yếu là khắc in lại Thiền uyển tập anh
(bản Vĩnh Thịnh) trong đó Phúc Điền viết lại truyện thiền sư Không Lộ, còn
các truyện khác chỉ sửa đổi một ít câu chư. Phúc Điền ghi “quyển thượng”
trong tương quan với một cuốn khác là Đại Nam thiền uyển kế đăng lược
lục (gọi tắt là Kế đăng lục) mà ông gọi là quyển hạ.
Từ sau Phúc Điền, việc nghiên cứu lịch sử
Phật giáo Việt Nam cũng không có tiến triển mấy. Và Thiền uyển tập anh
cả bản Vĩnh Thịnh và bản Phúc Điền cũng không thấy mấy ai nhắc tới. Đến
thời hiện đại, Thúc Ngọc Trần Văn Giáp có lẽ là học giả chú ý đến Thiền
uyển tập anh khá sớm và đã sử dụng có hiệu quả nguồn tư liệu của tác
phẩm này vào chuyên khảo Phật giáo ở Việt Nam. Ông cho biết: năm
1927, ông có thấy trong tủ sách của một nhà nho ở Hải Phòng một tập sách
mang tên Thiền uyển tập anh ngữ lục mà ông nhận xét: “Đó là một tác
phẩm quý, rất ít người biết tới và chưa được dịch ra thứ tiếng châu Âu
nào”. Sau khi ở Pháp về, ông lại thấy trong số sách mới nhập của trường
Viễn Đông Bắc Cổ có quyển Thiền uyển truyền đăng lục quyển thượng,
tức là tập sách do Phúc Điền in lại đã nói ở trên.(2)
Soát lại theo những chỉ dẫn của Trần Văn Giáp
thì thấy cả hai bản Thiền uyển đó hiện nay đều còn có đủ cả ở Viện
Nghiên cứu Hán Nôm. Chúng ta có thể biết là bản Vĩnh Thịnh của nhà nho ở
Hải Phòng ít lâu sau cũng đã được nhượng lại cho trường Viễn Đông Bác Cổ,
mang ký hiệu A. 3144 (mất tờ 65, như đã mô tả). Tại Viện Nghiên cứu Hán
Nôm hiện nay còn có một bản khác mang ký hiệu VHv. 1267. Bản này có vết
chấm sâu bằng bút son, đủ từ đầu đến cuối. So với bản A.3144 thì bản này ở
đầu sách, sau bài tựa, có ba tờ in hình vẽ Trúc Lâm, Pháp Loa và Huyền
Quang kèm theo tiểu truyện của ba vị tổ phái Trúc Lâm đó. Xét nội dung thì
các hình vẽ tiểu truyện đó không thuộc nội dung của Thiền uyển tập anh,
nó chỉ là 3 tờ 8,9,10 của sách Thiền uyển truyền đăng, quyển hạ của
bản Phúc Điền. Có thể nhà bán sách hoặc chủ nhân cũ của bản sách đó thấy
cả hai phần đều nói về các vị tổ Thiền tông Việt Nam nên đóng gộp thêm
vào. Điều thứ hai, sau tờ 72 mà dòng cuối cùng của cả hai bản đều có dòng
chữ “Thiền uyển tập anh tất, quyển hạ chung”, thì ở bản VHv.1267
còn có thêm 2 tờ (73 và 74) nội dung in bài Bạt và ghi tên các tín chủ đã
đóng góp tiền của cho việc in kinh, tên người đứng đầu là bà Nguyễn Thị
Thưởng người xã Trung Mâu (xã này thuộc huyện Tiên Du, phú Từ Sơn). Ngoài
hai điểm đó thì hai bản A.3144 và VHv.1267 hoàn toàn giống nhau, và có thể
xác định là cũng được in ra từ bộ ván in của Thích Như Trí (gọi chung là
bản Vĩnh Thịnh) đã nói ở trên. Và liên hệ với lời ghi chú của Phúc Điền
hòa thượng (đã dẫn) có cơ sở để xác định chùa Tiêu Sơn chính là nơi khắc
in và tăng bản của sách.
Đáng chú ý là ở tiêu đề của bài Tựa đề là
Trùng san thiền uyển tập anh tự ( Bài tựa của lần khắc in lại sách
Thiền uyển tập anh). Nói là “trùng san” có nghĩa là văn bản đó từ
trước đã có bản in, nay đem ra in khắc lại. Ngoài một số chỉnh lý ở mức độ
không nhiều bởi một nhà nho không ghi tên – người đã viết bài Tựa – có
những chứng cớ cho thấy ván khắc bản in đời Trần, như: họ của các vua
Triều Lý ( Thái Tổ, Thái Tông v.v...) đã được khắc in đúng chữ “Lý”, còn
họ của nhiều nhân vật khác thì chữ Lý vẫn in là “Nguyễn”, ví dụ Thái uý Lý
Thường Kiệt in là Nguyễn Thường Kiệt (tờ 65a), sứ giả nhà Tống là Lý Giác
chép là Nguyễn Giác (tờ 49a). Việc đổi chép họ Lý thành họ Nguyễn là theo
lệnh kiêng huý của nhà Trần ban bố năm 1232. ở truyện thiền sư Tịnh lực có
câu thơ “Tự thị [....] tiên huý bất tòng” (tờ 30b). ở vị trí chữ bỏ trống
đó được thay bằng ba chữ chú thích cỡ nhỏ: “Thái tổ huý”. Điều đó cho thấy
rằng bản lĩnh Vĩnh Thịnh đã được phỏng theo cách viết kiêng huý từ một văn
bản đời Trần: tránh chữ “Thừa” là tên huý của Trần Thừa ( cha Trần Thánh
Tông) - ông này không làm vua nhưng sử nhà Trần vẫn tông xưng là Thái
tổ(1). Lại ở truyện Pháp Dung, nói vị thiên sư này trụ trì ở chùa Hương
Nghiêm núi Ma Ni, phủ Thanh Hoá (nay thuộc xã Phủ Lý huyện Đông Sơn, tỉnh
Thanh Hoá) thì văn bia ở chùa này (thác bản No
20957) dựng năm 1124 đời Lý Nhân Tông, đề rõ là “Kiền Ni sơn Hương
Nghiêm tự bi văn”.Như vậy,vì đến đời Trần kiêng huý chữ “Kiền” (theo
lệnh năm 1299) là tên tước của Phụng Kiền vương Trần Liễu nên tên núi Kiền
Ni đổi gọi là Ma Ni(3)
Lại ở truyện “Thông sư cư sĩ” (tờ 39b) nói:
sư thị tịch năm “Hoàng triều Kiến Trung tứ niên (1228)”, cách viết “Hoàng
triều” (triều vua ta) cho thấy đó là cách viết trong bản in gốc đời Trần.
Có một điều khá quan trọng: đó là văn bản đời
Trần truyền lại làm gốc cho các bản Trùng san, dường như bị mất tờ bìa, do
đó có thể đã mất luôn cả những điều ghì liên quan đến soạn giả hoặc người
biên tập và năm in chính xác của bản in lần đầu. Riêng bản Phúc Điền đã
ghi chú rõ là “Thất tập nhân danh” như đã dẫn ở trên. Cũng vì lý do đó mà
hai nhà thư tịch học Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú chỉ có thể ghi là “Người đời
Trần soạn”.
Tuy vậy, liệu chúng ta có thể tìm được cứ
liệu gì liên quan đến soạn giả của Thiền uyển tập anh hay không?
Trước chúng tôi, những người từng sử dụng Thiền tuyển tập anh hẳn
là đã chú ý tìm hiểu vấn đề này. Nhưng đến nay, sau sáu bẩy thế kỷ, dường
như rất ít hy vọng tìm thấy những cứ liệu cho phép đưa ra câu trả lời
chuẩn xác về soạn giả của sách này.
Tuy vậy, chúng ta cũng không hẳn hoàn toàn
thất vọng: chính tác phẩm hiện còn cho phép tìm hiểu được ít nhiều điều
liên quan về vấn đề này. Đến đây cần phải trình bầy trước đôi nét về nội
dung của sách Thiền uyển: sách này đứng về phía người soạn mà nói
thì nó được làm ra để ghi chép thế kỷ, từ cuối thế kỷ Thiền tông Việt Nam
trong khoảng bẩy thế kỷ, từ cuối thế kỷ thứ VI đến đầu thế kỷ thứ XIII.
Một số điều liên quan đến quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam thì
hiểu biết của người viết sách còn mở rộng về trước ba, bốn thế kỷ nữa. Như
vậy có thể tin được rằng soạn giả Thiền uyển tập anh là một người
có học vấn uyên bác. Hơn nữa tác phẩm đó phải là công trình biên soạn của
một nhà sư quan tâm đến đề tài lịch sử Phật giáo tại Việt Nam. Đọc
Thiền uyển tập anh chúng ta có thể nhận ra, rất nổi bật, một nhà sư có
đủ khả năng như vậy. Ngươi đó là thiền sư Thông Biện, được phong quốc sư
thời Lý Nhân Tông.
Thiền sư Thông Biện (? – 1134) họ Ngô, người
hương Đan Phượng (nay thuộc vùng Hoài Đức, Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội)
được triều đình thỉnh về trụ trì chùa Khai Quốc ở kinh đô Thăng Long. Bấy
giờ vua Lý Nhân Tông và hoàng thái hậu Linh Nhân rất tôn sùng đạo Phật,
trước sau đã cho xây dựng hơn một trăm chùa tháp, trong đó có nhiều chùa
nổi tiếng như chùa núi Lâm Sơn (tức chùa Giạm) Quế Võ, Hà Bắc (1086),
trùng tu mở rộng chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột, 1105), chùa Sùng Phúc
(Thuận Thành Hà Bắc, 1115), tháp Sùng Thiên Diên Linh (núi Đọi, Duy Tiên,
Hà Nam Ninh, 1118) v.... Đối với các thiền sư có tài đức, vua và hoàng
thái hậu lại càng kính trọng, thường đích thân đến tận nơi thăm viếng hoặc
thỉnh về triều để tham vấn, không chỉ riêng về Phật pháp mà cả những vấn
đề quốc kế dân sinh. Thông Biện được mời về trụ trì chùa Khai Quốc là một
ngôi chùa lâu đời, nổi tiếng ở kinh đô Thăng Long, là nơi các vua và hoàng
tộc nhà Lý thường đến tham thiền lễ Phật. Ngày rằm tháng hai năm Hội Phong
thứ năm (1096) Linh Nhân Hoàng thái hậu đến chùa thiết lễ trai tăng. Trong
cuộc đàm đạo sau đó cùng các bậc kỳ túc cao tăng, thái hậu có ý muốn hỏi
về lịch sử các tông phái Phật giáo ở nước ta. Bà hỏi: “Đạo Phật đến nước
ta từ bao giờ? Việc truyền đạo ai trước, ai sau? Mà người niệm tên Phật,
đạt tâm ấn của Tổ chưa rõ là những ai?”. Các nhà sư có mặt đều im lặng cả,
chỉ một mình sư Thông Biện trả lời thái hậu. Đoạn trả lời của thiền sư
Thông Biện chỉ trong khoảng vài trang nhưng đã trở thành nổi tiếng mà bất
cứ những ai nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng không thể bỏ qua.
Đó là cả một pho sử truyền giáo của đạo Phật đã thu gọn lại trong lòng của
thiền sư Thông Biện. Dù là trong ngôn ngữ đối thoại, Thông Biện cũng đưa
ra những trích dẫn cần thiết để phác họa những bước chân truyền giáo đạo
Phật đầu tiên trên đất nước ta. Thông Biện dẫn lời nhà sư Đàm Thiên (Trung
Quốc) nói “Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc, khi Phật pháp mới
đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu (thủ phú thời Sĩ Nhiếp, 187 – 266)
đã có tới hai mươi ngôi bảo tháp, độ được hơn năm trăm vị tăng và dịch
được mười lăm quyển kinh rồi”
(4).
Đó quả thật là một
trung tâm Phật học khá phát triển! Tiếp theo, Thông Biện kể tên một số nhà
sư Ấn Độ và Trung Á như Ma Ha Kỳ Vức (Mahajivaka), Tăng Hội (người gốc
nước Khương Cư, tức Sogdiane, Trung Á), Chi Cương Lương (Kalaruci) v.v...
Thông Biện cũng đã nhắc đến một vài người đại diện trong đương đại để tóm
tắt phả hệ của các thiên phái Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) và Vô Ngôn
Thông ở nước ta. Có thể thấy rõ đó là nhà sư có tài sử học nổi bật trong
số các thiền sư được nói đến trong Thiền uyển tập anh. Với một hiểu
biết phong phú như vậy, có cơ sở để tin rằng, bằng cách nào đó ông cũng sẽ
ghi chép lại để cho các thế hệ mai sau tìm hiểu về những người có công lai
danh tiếng trong vườn thiền. Mà quả thật ông đã làm một việc như vậy: ở
truyện thiền sư Biện Tài có chú lưỡng cước cho biết ông là người “nối”
pháp tự của quốc sư Thông Biện, từng vâng sắc chỉ biên sửa sách
Chiếu đối lục(5).
Lại một chỗ khác, ở truyện thiền sư Thần Nghi (? – 1216) đệ tử của Thường
Chiếu, có đoạn cho biết khi Thường Chiếu sắp viện tịch, nhân Thần Nghi
khẩn thiết muốn biết rõ các đời truyền pháp, Thường Chiếu “bèn lấy tập
sách Chiếu đối lục của sư Thông Biện và những điều (tự mình) ghi
chép các tông phái để phân biệt thế thứ nối pháp của các dòng”
(6)
đưa cho Thần Nghi xem. Liên Hệ với đoạn ghi thiền sư Biện Tài vâng sắc chỉ
biên sửa sách Chiếu đối lục (đã dẫn) ta biết rõ hơn sách Chiếu
đối lục ấy là do quốc sư Thông Biện biên soạn. Trải qua các đời truyền
nối, tập sách ấy đã đến tay Thường Chiếu, một thiền sư cũng có hứng thú
đặc biệt đối với việc nghiên cứu lịch sử truyền thừa.
Thường Chiếu “? – 1203), họ
Phạm, người hương Phù Ninh (nay là xã Phù Ninh, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Ông là vị thiền sư thế hệ thứ 12 dòng Vô Ngôn Thông, đã đến trụ trì ở chùa
Lục Tổ hương Dịch Bảng (này là xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Hà Bắc), vốn là
một trung tâm cổ xưa của phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Chính nhờ vậy, ngoài thế
thứ, tiểu truyện của các thiền sư thuộc doanh minh, Thường Chiéu có có
điều kiện để sưu tập tiểu truyện của các vị khác thuộc phái Tì Ni Đa Lưu
Chi. Và ngoài việc được truyền giữ tập Chiếu đối lục của Thông
Biện, Thường Chiếu còn tự mình “ ghi chép các tông phái để phân biệt thế
cứ nối pháp của các doành” (đã dẫn). Đó là cơ sở để Thường Chiếu soạn tập
Nam tông tư pháp đồ. Tác phẩm này đã được ghi trong
Nghệ văn chỉ
(7)
và Văn tịch chí, mặc dầu ngày nay không còn, nhưng có thể biết là
nó cũng thuộc thể loại ghi chép các thế hệ truyền thừa, Lê Quý Đôn ghi vào
loại PHương kỹ có lẽ chỉ là vì thuận tiện ghi tiếp sau sách Thích đạo
khoa giáo của cùng một soạn giả.
Thiền sư Thần Nghi (? – 1216)
đã gìn giữ cả hai tập tài liệu quý báu đó (Chiếu đối lục của Thông
Biện và Nam tông tự pháp đồ của Thường Chiếu). Trước khi viên
tịch, Thần Nghi đã truyền lại cho đệ tử là Ẩn Không thiền sư. Ẩn Không
người huyện Na Ngạn (nay là huyện Lụ Ngạn tỉnh Hà Bắc) người đương thời
thường gọi là Na Ngạn đại sư.
Đến đây nguồn tư liệu ghi
chép lịch sử truyền thừa hầu như dồn lại cả ở thiền sư Ẩn Không. Và vị này
có khả năng là người đã hoàn chỉnh cuốn sách, thực hiện ý nguyện biên soạn
tập tiểu truyện các thế hệ truyền thừa ở nước ta mà thiền sư Thông Biện đã
khởi thảo. Một điều đáng tiếc, nhưng cũng thú vị, là trong tập Thiền
uyển không thấy có tiểu truyện của Ẩn Không là người định cảo tập sách
này nên ông không tự viết tiểu truyện về bản thân minh. Trong một chú
thích liên quan đến tiểu sử Thần Nghi và Ẩn Không, nhà sử học Hoàng Xuân
Hãn cũng từng nêu ý kiến: “Phải chăng tác giả sách Thiền uyển tập anh
là vị này?” (8)
(Chỉ Ẩn Không). Có thể tin chắc Ẩn Không đệ tự của Trần Nghi còn sống
đến đầu đời Trần. Do đó Ẩn Không còn có thể chép được tiểu truyện của
Thông Sư cư sỉ mất năm Mậu Tí, niện hiệu Kiến Trung thứ (1228) đời Trần
Thái Tông. Và khi Ẩn Không ngừng việc biên soạn thì ứng vương cư sĩ (tức
Đỗ Văn, thuộc thế hệ thứ 15 dòng Vô Ngôn Thông, người cuối cùng của thiền
phái này được chép trong Thiền uyển) còn sống bởi vì không thấy
chép năm mất của Ứng vương, nhưng cho biết Ứng vương từng “làm quan Trung
phẩm phụng ngự dưới triều Chiêu Lăng”. Chiêu Lăng là tên lăng của vua Trần
Thái Tông, do đó ta còn có thể biết thêm Ẩn Không đã thực hiện việc biên
soạn sách này khoảng thời gian không lâu sau khi Trần Thái Tông mất -
(1277).
Nói tóm lại, chúng ta chúng
ta có thể hình dung cuốn Thiên uyển tập anh này đã trải qua một quá
trình biên soạn: khởi thảo bởi thiền sư Thông Biện, chuyển tiếp qua các
thiền sư Biện Tài, Thường Chiếu, Thần Nghi, đến ẩn Không (tức Na Ngạn đại
sư) là người cuối cùng hoàn thanhf việc biên soạn.
Theo cách nhìn nhận đó, có
thể đoán định rằng sau khi ẩn Không biên soạn xong, tập sách đó vẫn tồn
tại ở dạng bản thảo chép tay trong một thời gian khá dài, tương ứng với
một thời kỳ hưng thịnh mới của Phật giáo đầu đời Trần. Ngày nay chúng ta
có thể biết Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần có ngọn nguồn từ Thiền
phái Vô Ngôn Thông. Nhưng với uy tín lớn của Trúc Lâm đệ nhất tổ (tức Trần
Nhân Tông) cũng như các vị tổ tiếp theo ( Pháp Loa, Huyền Quang) và các
thiền sư nổi tiếng khác đầu đời Trần, tập Thiền uyển chỉ bao gồm
tiểu truyện của các thiền sư từ đời Lý trở về trước có thể chưa tìm thấy
một thời điểm thích hợp để vấn thế. Do đó Thiền uyển tập anh tuy đã
có định bản vẫn còn phải do các đệ tử thân tín của ẩn Không cất giữ trong
khoảng 50-60 năm nữa mới được khắc ván in để lưu hành.
Đọc bản Trùng san đời Vĩnh
Thịnh ở cuối truyện Vô Ngôn Thông (tờ 5a) sau dòng ghi năm tháng viên tịch
của vị thiền sư này, chúng ta thấy hơn một dòng, gồm 22 chữ: “Nhị thập bát
niên hựu chí Khai Hựu Đinh sửu nhị thập tứ niên, ngã Việt thiền học tự sư
chi thuỷ” (hai mươi tám năm, lại đến [hoặc cho đến] năm Đinh Sửu niệm hựu
Khai Hựu hai mươi bốn năm [hoặc năm thứ 24], (Thiền học nước ta từ Sư là
người mở đầu). Đấy quả thật là một dòng ghi chép rất khó hiểu, vì tính từ
khi Vô Ngôn Thông mất (năm 820), các số năm kê trên dù ghép với bất cứ sự
kiện, niện đại nào cũng thấy không khớp. Trong phần khảo luận ở trước tập
Thơ văn Lý Trần tập I, khi viết về Thiền uyển tập anh ông
Nguyễn Huệ Chi đã chú ý đến câu này, nêu rõ trong đó có đến mấy điều vô
lý, như từ Vô Ngôn Thông đến niên hiệu Khai Hựu (1329 – 1341) mà chỉ cách
nhau 28 năm? niên hiệu Khai Hựu chỉ có 13 năm mà ở dòng ấy lại ghi năm thứ
24?, đã phải nhận xét rằng: “Có thể câu văn này đã bị chép lẫn lộn đến mức
sai lạc cả cú pháp lẫn nội dung. Tuy vậy hai chữ Khai Hựu thì không thể
sai được”(9).
Có điều khác là ông Nguyễn Huệ Chi cho đó là năm biên soạn tác phẩm, còn
chúng tôi qua việc tìm hiểu quá trình hình thành tác phẩm mà nhận định
rằng Thiên uyển tập anh đã được biên soạn xong năm sau chục năm
trước đó, còn năm Khai Hựu Đinh Sửu (1337) chỉ là năm tác phẩm được in ra,
lúc này ẩn Không thiền sư đã qua đời và công việc khắc in là do các đệ tử
thân tín của ông thục hiện.
Sau kháng chiến chống Minh
thắng lợi, các bậc danh nho như Nguyễn Trãi, Phan Phu Tiên, Lý Tử Tấn nhặt
nhạnh trong giấy tàn sách nát, gắng sức sưu tập di tác thơ văn của người
xưa, nhưng chưa thấy nói đến mảng thư tịch của nhà phật. Đến Trích diễm
thi tập đã thấy Hoàng Đức Lương nhận xét: “Sách vở về Đời Lý, Trần,
loại được truyền bá rộng rãi phần nhiều chỉ là sách chép việc nhà Phật...”
(10)Nhưng
trong Trích diễm thi tập không có thơ văn thời Lý thì chứng tỏ
Hoàng Đức Luơng không tìm thấy hoặc không chú ý đến Thiền uyển tập anh.
Và tác phẩm này vẫn nằm trên giá sáchcủa những thiền viện nào đó cho đến
tận đầu thế kỷ XVIII. Bây giờ văn bản Thuyền uyển tập anh đã rất
hiếm, và may mắn là một bản đã đến với nhà sư Thích Như Trí để làm gốc cho
bản Trùng san đời Vĩnh Thịnh.
Gần 60 năm sau, trong thời
gian soạn Toàn Việt thi lục (1768) Lê Quý Đôn đã dùng Thiền uyển
tập anh có phần chắc đó là bản Vĩnh Thịnh. Là nhà văn hiến học lỗi
lạc, Lê Quý Đôn phát hiện ngay tác phẩm này là một kho chứa văn học đời
Lý. Trong lời Lệ ngôn của Toàn việt thi lục ông viết:
“Nước ta từ khi gây dựng, văn minh không kém
gì Trung Quốc. Bài Từ vua Tiền Lê tiễn Lý Giác nhà Tống, lời lẽ nõn nà, có
thể vốc được... Hai vua Thánh Tông, Nhân Tông nhà Lý đều giỏi sách, hay
thơ, nhưng nay không biết tra tìm vào đâu, chỉ thấy sách Thiền uyển tập
anh còn chép được của Thái Tông hai bài của Nhân Tông hai bài”(11).
Kết quả là trong tập thi tuyển đồ sộ đó, nhờ
sử dụng Thiền uyển tập anh Lê Quý Đôn đã sưu tập được 14 bài của 11
tác giả hầu hết là các thiền sư đời Lý như Vạn Hạnh, Không Lộ, Mãn Giác
v.v... là một thành quả đầu tiên trong việc sưu tập thơ văn đời Lý, dù Lê
Quý Đôn chỉ đặt nó vào phần phụ lục ở cuối quyển 4, nhưng không vì thế mà
sự mở đầu đó kém phần quan trọng.
Sau này trong một hợp tuyển gọn hơn, là
Hoàng Việt thi tuyển (1825), Bùi Huy Bích, căn cứ vào Toàn Việt thi
lục tuyển lại 7 tác phẩm của 7 nhà thơ đời Lý. Cho đến lúc chữ hán kết
thúc sứ mệnh lịch sử ở nước ta (1919), lại bắt đầu một quá trình mới để
giới thiệu di sản thơ văn của người xưa. Từ Đinh Văn Chấp trên Nam Phong
năm 1927 đến Ngô Tất Tố trong Văn học đời Lý (Nxb. Mai Lĩnh,
1942), chủ yếu đã dựa vào Thiền uyển tập anh đ giới thiệu thi phẩm
của các tác giả đời Lý. Nhưng phải đến bộ Thơ văn Lý Trần do Viện
Văn học chủ trì thì di sản thơ văn của thời kỳ này mới thực sự được sưu
tập, giới thiệu trên quy mô lớn. Đến nay, tuy sách chưa xuất bản đủ bộ,
nhưng về thơ văn đời Lý thì đã thực hiện xong ở tập I. Các soạn giả không
chỉ sử dụng những bài Lê Quý Đôn đã chép trong Toàn Việt thi lục,
mà trực tiếp nghiên cứu, dịch thuật từ nguyên bản Thiền uyển tập anh,
trong đó gồm 75 bài (và đoạn) thơ, kệ của 41 tác giả.
Sơ lược một vài nét về việc sưu tập giới
thiệu di sản văn học đời Lý như trên, chúng ta cũng đủ thấy giá trị lớn
lao như thế nào của sách Thiền uyển tập anh đối với việc chuyển
tiếp, giữ gìn di sản văn học của dân tộc.
Một giọt sương lung linh trên đầu ngọn cỏ
(Vạn Hạnh), cành mai bật nở trắng xoá trong đêm xuân (Mãn Giác), đến vầng
trăng vắng lặng soi con thuyền vượt biển giữa không gian mênh mông (Huệ
Sinh) v.v... vừa là những cảnh vật của đời thường, mà cũng là những hình
tượng sâu lắng của thơ ca thiền học. Cách thiền sư – thi sĩ đã hòa tan cảm
xúc của mình với thiên nhiên, đất nước và con người. Họ đã diễn tả được
những khái niệm rất trừu tượng nhiều khi chỉ trong một bài kệ ngắn. Chẳng
hạn Thế giới Tâm, đồng nghĩa với Như Lai tạng, tức là bản thể vũ trụ, là
một khái niệm khá phức tạp nhưng vẫn được Thường Chiếu suy ngẫm bằng những
hình tượng bình dị mà sâu sắc:
Tại thế vi nhân thân
Tâm vi Như Lai tạng
Chiếu diệu thả vô phương
Tâm chi cánh tuyệt khoáng.
(Ở thế là nhân thân
Tâm là Như Lai tạng
Chiếu dọi khắp muôn phương
Nừu tìm không thấy bóng)
Cả khái niệm không gian, thời
gian vô cùng vô tận, chuyển hóa, trường tồn đã đọng lại trong bốn câu thơ
nổi tiếng của thiền sư Mãn Giác (1052 – 1906):
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi
mai.
(Xuân ruồi trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt, việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn, hoa
rụng hết
Đêm qua, sân trước, một nhành mai).
Ngô Tất Tố dịch.
Đó là vài nét về thành tựu văn học đời Lý mà
phải có nhiều chuyên khảo mới có thể phát hiện, khám phá hết cái hay, cái
đẹp. Và khác với một vài ngộ nhận, một trong những cái hay cái đẹp đó phải
chăng là sự lạc quan, niềm tin đợi ở sự bừng sáng của mặt trời trí tuệ
trong tâm mình?
Ngày nay đọc Thiền uyển tập anh mà
thấy tập ấy ghi chép tiểu truyện và tác phẩm của các nhà sư – thi sĩ đời
Lý thì không có gì lạ. Lê Quý Đôn viết: “Đinh tiên Hoàng lúc mới bình định
được cả nước liền xếp đặt phẩm cấp tăng và đạo, Ngô Chân Lưu và Trương Ma
Ni làm tăng thống, tăng lục; Đặng Huyền Quang làm uy nghi. Sau đó Lê Đại
Hành kế tiếp cũng rất tôn trọng tăng đạo... Câu thơ của sư Thuận làm cho
sứ thần nhà Tống phải kinh phục, văn từ của Chân Lưu vang tiếng trong một
thời, Vạn hạnh biết lời sấm thay đổi ngôi vua...”
(12)
các nhà sư có đức vọng được vua phong làm quốc sư, đại sư như Viên Thông,
Minh Không, Thông Biện, Mãn Giác... Hộ là những người đã góp phần thực
hiện những chủ trương chính trị được lòng dân trong các đời vua đầu triều
Lý, có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành và phát triển nền văn hóa, văn
minh Đại Việt thời đại Lý Trần. Không chỉ riêng tín ngưỡng đã ăn sâu hàng
nghìn năm trong dân gian, mà cả tâm lý, phong tục, tập quán, văn học bác
học, văn học dân gian cũng mang những dấu ấn không thể phai mờ của Pháp
giáo.
Về phương diện sử học, Thiền uyển tập anh
cũng là một tài liệu quý giá để nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Sách ghi chép các tông phái Phật giáo Thiền
tông ở Việt Nam trong khoảng bẩy thế kỷ (từ cuối thế kỷ VI đến đầu thế kỷ
XIII). Nhưng không chỉ có thế, qua lời kể của quốc sư Thông Biện (đã dẫn ở
trên) chúng ta có thể biết được, dù sơ lược, tình hình du nhập Phạt giáo
vào Việt nam từ giữa thế kỷ thứ II trở về sau. Lời kể của sư Thông Biện là
một tư liệu bản địa rất quan trọng để từ đó chúng ta có thể sử dụng những
tài liệu tham khảo khác của Trung Quốc như Lý hoặc luận của Mâu Bác
(cuối thế kỷ II), Hoằng minh tập của Tăng Hựu, Quảng Hoằng minh
tập của Đạo Tuyên (đời Đường) v.v.. để bổ túc sử liệu Phật giáo trong
giai đoạn này. Nhưng một thời kỳ dài từ cuối thế kỷ thứ VI, nói chính xác
hơn là từ năm 580 khi Thiền sư Ấn Độ Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) đến
chùa Pháp Vân (tức chùa Dâu) cho đến trước đời Trần thì nguồn sử liệu tổng
hợp về Phật giáo Việt Nam quan trọng nhất chính là bộ Thiền uyển tập
anh này. Nhờ việc ghi chép các thế hệ truyền thừa tương đối chi tiết,
phân định dòng phái khá rõ ràng cùng những chi tiết về tiểu sử sự nghiệp
và phương pháp tu trì của các thiền sư, chúng ta có thể có một sự hình
dung có hệ thống và không đến nỗi mờ nhạt về tình hình Phật giáo ở nước ta
trong giai đoạn nói trên. Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi (cũng gọi là dòng
Thiền Nam Phương) phát triển sớm qua hai mươi thế hệ từ sư tổ sáng lập
dòng phái đến thiền sư Y Sơn (? – 1213) đã gây được một ảnh hưởng sâu rộng
trong lịch sử truyền thừa, đã cống hiên những thiền sư có công với đất
nước như Sùng Phạm (1004 – 1087), Vạn Hạnh (? – 1018), Huệ Sinh (? –
1063). Minh Không (1066 – 1141), Khái Hỷ (1067 – 1140), Viện Học (1050 –
1113), Viên Thông (1080 – 1151), v.v...
Thiền Sư Vô Ngôn Thông đến chùa Kiến Sơ (xã
Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) sau Tì Ni Đa Lưu Chi 240 năm, nhưng ngôi
chùa này từ đó trở nên nổi tiếng vì dòng Thiền mang tên ông, tuy muộn
nhưng lại có con đường riêng để phát triển ảnh hưởng ngày một sâu rộng, và
có thể nói càng về sau càng có thế lực hơn. Qua 16 thế hệ truyền thừa, chỉ
kể từ thời độc lập, Thiền phái này đã có những nhà sư nổi tiếng như Khuông
Việt đại sư (Ngô Chân Lưu), Thiền lão, Viên Chiếu (999 – 1090), Chứu Chỉ,
quốc sư Thông Biện (? – 1134), đại sư Mãn Giác (1052 – 1096), Đạo Huệ (? –
1172), Bảo Giám (? – 1173), Quảng Nghiêm (1122 – 1190), Thường Chiếu (? –
1203), Hiệu Quang (? – 1221), đặc biệt vị thiền sư cuối cùng này là người
mở đầu cho dòng thiên Yên Tử sẽ phát huy ảnh hưởng rực rỡ dưới triều Trần,
tạo ra những đỉnh cao mới đáng tự hào nhất của Thiền học Việt Nam.
Thiền uyển tập anh cũng ghi chép cả
thiền phái Thảo Đường với 6 thế hệ truyền thừa. Dòng thiền này chỉ phát
triển dưới triều Lý với phạm vi hoạt động hạn hẹp, nhưng lại có ảnh hưởng
khá quan trọng tại cung đình, vì chính vua Lý Thánh Tông (ở ngôi: 1054 –
1072) là người trực tiếp kế thừa và có ý thức truyền lập riêng một tông
phái. Đáng tiếc là Thiền uyển tập anh chỉ dành chưa đến hai tờ để
kê sơ lược các thế hệ của Thiền phái này mà thôi.
Gần 20 thế kỷ tồn tại và phát triển, lịch sử
Phật giáo là một bộ phận không thể tách rời của lịch sử văn hóa, lịch sử
tư tưởng mà các nhà khoa học ngày nay quan tâm nghiên cứu. Cuốn Thiền
uyển tập anh vì thế đã được các nhà viết lịch sử Phật giáo Việt nam
chú ý tham khảo sử dụng. Chỉ kể thời gian hơn một thập kỷ gần đây đã có
cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang
(13)
và cuối Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Viện Triết học vừa được xuất
bản (14).
Trong công trình mới nhất này những phần liên quan đến Thiền uyển tập
anh đã được nhà nghiên cứu Phật học Minh Chi và giáo sư Hà Văn Tấn
giới thiệu sử dụng, qua đó đưa ra những phân tích, nhận định về đặc thù
của các dòng phái Thiền tông, ảnh hưởng qua lại giữa các dòng phái đó,
cùng những ý kiến đánh giá ý nghĩa quá trình phát triển Phật giáo thời Lý
Trần trong lịch sử nước ta.
Qua một số ý kiến trình bày trên đây, có thể
thấy rằng dù Thiền uyển tập anh chỉ khiêm tốn là một tập truyện ký
về các vị thiền sư nhưng giá trị văn hiến của nó lớn lao biết chừng nào!
Có thể nói nó đã góp phần quan trọng để đạt tới những thành tựu nghiên
cứu, biên khảo về văn học, sử học thời Lý Trần mà chúng tôi đã giới thiệu
ở trên. Tuy vậy, chính tác phẩm Thiền uyển tập anh thì từ trước đến
nay lại chưa có điều kiện xuất bản dịch. Vì vậy nhà xuất bản Văn học đã ủy
thác công việc đó cho chúng tôi. Thực hiện công việc này, chúng tôi có
điều kiện thuận lợi là đã tham khảo, sử dụng được các bản dịch thơ của các
nhà thơ, nhà nghiên cứu đã công bố trong mấy chục năm gần đây mà ở phần
trên chúng tôi đã nói tới, và về sử học thì những công trình đã giới thiệu
cũng là nguồn tham khảo giúp ích nhiều cho công việc của chúng tôi. Nhân
đây xin trân trọng cám ơn chang các tác giả những công trình đó. Riêng đối
với các bản dịch thơ, chúng tôi chọn lấy bản dịch nào đều xin trân trọng
đề tên dịch giả và kèm theo chữ tắt ghi xuất xứ(15).
Một số ít chưa có bản dịch được công bố, hoặc cần có bản dịch theo đúng
thể thơ của nguyên bản thì do chúng tôi thực hiện (không ghi tên dưới bản
dịch như các bản khác).
Chuyển mã một văn bản cổ hàm chứa những tư
tưởng triết học, văn học sâu sắc tinh tế như Thiền uyển tập anh tất
là công việc khó, nhiều trường hợp vượt quá tầm hiểu biết của chúng tôi.
Mừng thay là bản dịch đã được nhà nghiên cứu Phật học Minh Chi, Trưởng Ban
Phật giáo Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam góp ý, sửa
chữa, nhuận chính cho một lần cuối. Xin phép được ghi tại đây công đức của
Cư Sĩ cùng là sư khích lệ, giúp đỡ của các đồng chí Nguyễn Bỉnh Khôi ở
Nxb. Văn học, Mai Xuân Hai ở Viện Hán Nôm đối với nhóm dịch chúng tôi. Tuy
vậy có thể vấn còn sai sót do trách nhiệm của nhóm dịch, kính mong quý vị
cao minh chỉ chính cho.
Trong điều kiện kinh phí dành cho việc in ấn
loại sách giới thiệu di sản văn hóa cổ còn hạn chế, chúng tôi đặc biệt cảm
ơn Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Đại đức Thích Thanh Ninh, Đại đức Thích
Thanh Quyết và các vị công tác tại cơ quan Trung ương của Giáo hội Phật
giáo Việt Nam đã phối hợp với Nhà xuât bản Văn Học để có thể xuất bản cuốn
Thiền uyển tập anh này trong đầu Mùa xuân năm 1990, năm hứa hẹn
nhiều triển vọng tốt đẹp của đất nước.
NGÔ ĐỨC THỌ
---o0o---
Mục Lục >
Quyển thượng >
Quyển hạ
---o0o---
Vi tính: Quảng Đại, Quảng Khánh,
Quảng Tuệ, Diệu Đại
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 01-06-2005