Luận giải Phật giáo - Phát Bồ Đề Tâm Luận

 

 

 

 

PHÁT BỒ ÐỀ TÂM LUẬN

Mục Lục

1. Khuyến Phát

2. Phát Tâm

3. Nguyện Thệ

4. Ðàn na ba la mật 

5. Thi la ba la mật

6. Sằng đề ba la mật

7. Tỳ lê da ba la mật

8. Thiền na ba la mật 

9. Bát Nhã Ba La Mật

10. Như Thật Pháp Môn

11. Không Vô Tướng 

12. Công Đức Trì

PHÁT BỒ ÐỀ TÂM LUẬN

Quyển thượng

Thiên Thân bồ tát tạo luận

Ðời Diêu Tần, ngài tam tạng pháp sư Cưu Ma La Thập dịch

Quảng Minh dịch

 

Phát Bồ Ðề Tâm Luận

Phẩm 1:  Khuyến Phát

 

Kính lạy khắp pháp giới

Khứ lai hiện tại Phật

Ðấng đại bi cứu thế

Ðẳng không[1], bất động trí[2]

Có một pháp gọi là Ðại phương đẳng[3], tối thượng diệu[4], thuộc Ma đắc lặc già tạng[5], là chỗ tu hành của bồ tát.  Pháp đó có năng lực (một) khuyến khích các vị bồ tát vui thích tu tập Vô thượng bồ đề; (hai) có thể làm cho chúng sanh phát tâm rộng sâu; (ba) kiến lập thệ nguyện đều vì trang nghiêm bồ đề[6]; (bốn) bằng caùch xả thân mạng tài bảo để nhiếp phục tham lận; (năm) tu tập ngũ tụ giới[7] để dẫn dạy chúng sanh không phạm cấm hạnh; (sáu) hành tất cánh nhẫn[8] để điều phục sân si; (bảy) phát khởi tinh tấn một cách mạnh mẽ để an chỉ chúng sanh; (tám) thực tập các thiền định để biết các loại tâm tánh; (chín) tu hành trí tuệ để diệt trừ vô minh; (mười) ngộ nhập như thật pháp môn để rời xa các chấp trước; (mười một) nói bày các pháp rất sâu là không, vô tướng; (mười hai) xưng tán công đức để Phật chủng không đoạn dứt.  Có vô lượng phương tiện như vậy làm pháp môn thanh tịnh trợ giúp đạo bồ đeà.  Ðây chính là những pháp thượng thượng thiện mà tôi muốn phân biệt, chỉ bày rõ ràng cho hết thảy chúng sanh đạt đến cứu cánh là quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Các người con Phật, nếu là đệ tử Phật, thọ trì lời Phật dạy, thường vì chúng sanh diễn nói giáo pháp, thì trước nên xưng dương công đức của Phật, chúng sanh nghe rồi mới có thể phát tâm cầu trí tuệ Phật.  Do phát tâm như vậy nên Phật chủng không đoạn dứt.  Hàng tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di thường niệm Phật, niệm pháp, và lại còn niệm công hạnh của đức Như lai:  Lúc hành đạo bồ tát, vì cầu pháp mà đức bồ tát phải trải qua a tăng kỳ kiếp thọ các cần khổ.  Với tâm niệm cầu pháp như vậy, đức bồ tát được nghe thuyết pháp, dù chỉ là một bài kệ.  Ðức bồ tát được nghe giáo pháp qua sự chỉ dạy lợi mừng[9], thì đã gieo trồng thiện căn, tu tập Phật pháp, chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì đoạn trừ các khổ não của vô lượng chúng sanh trong đường sanh tử vô thỉ.  Hàng đại bồ tát muốn thành tựu vô lượng thân tâm thì phải cần tu tinh tấn, phát đại nguyện sâu, hành đại phương tiện, khởi đại từ bi, cầu đại trí tuệ vô kiến đảnh tướng[10].  Cầu các pháp lớn của chư Phật như vậy rồi, lại phải biết pháp đó vô lượng vô biên.  Do pháp vô lượng nên phước đức quả báo cũng lại vô lượng.  Ðức Như lai dạy rằng: “Nếu các bồ tát lúc ban đầu phát tâm cho dù một niệm hạ liệt, thì phước đức quả báo của họ trăm ngàn vạn kiếp nói không thể hết.  Huống lại, một ngày, một tháng, một năm cho đến trăm năm, tập quen nhiều niệm, thì phước đức quả báo đâu thể nói hết.  Vì sao vậy?  Vì việc làm của bồ tát là không cùng tận, vì muốn cho tất cả chúng sanh đều trụ Vô sanh pháp nhẫn[11], được quả Vô thượng chánh đẳng giác”.

Các người con Phật, Bồ tát sơ phát bồ đề tâm, thí như biển lớn lúc bắt đầu khởi sự khô cạn, phải biết sự khô cạn đi theo thời gian, từ bậc hạ, trung, thượng cho đến không còn cấp bậc, thì chỗ chứa bảo châu như ý hiện bày.  Bảo châu đây đều từ biển lớn sanh ra.  Bồ tát phát tâm cũng lại như vậy, từ lúc sơ phát tâm rồi dần dần phát huy, phải biết bồ đề tâm tăng trưởng từ người, trời, thanh văn, duyên giác, bồ tát, Phật đà.  Bồ đề tâm là chỗ phát sanh tất cả thiện pháp, thiền định, trí tueä[12].

Lại nữa, như tam thiên đại thiên thế giới từ lúc sơ tạo, đến khi hình thành, thứ tự có 25 hữu[13].  Tất cả chúng sanh trong các hữu đó thảy đều gánh vác (nhân quả), làm chỗ nương tựa nhau.  Bồ tát phát bồ đề tâm cũng lại như vậy, từ lúc sơ phát tâm rồi dần dần phát huy (trong các hữu), khắp vì tất cả vô lượng chúng sanh, bao gồm lục thú, tứ sanh, chánh kiến, tà kiến, tu thiện, tập ác, hộ trì tịnh giới, phạm tứ trọng tội, tôn phụng tam bảo, chê bai chánh pháp, chư ma, ngoại đạo, sa môn, phạm chí, sát lợi, bà la môn, phệ xá, thủ đà la, mà vì gánh vác tất cả, làm chỗ nương tựa cho chúng sanh.

Lại nữa, bồ tát phát tâm, lấy từ bi làm đầu.  Tâm đại từ của bồ tát thì vô lượng, vô biên, cho nên sự phát tâm cũng không có giới hạn, trùm khắp chúng sanh giới.  Thí như hư không trùm khắp tất cả (không chỗ nào không có), bồ tát phát tâm cũng lại như vậy, vì tất cả chúng sanh mà phát tâm nên không chỗ nào không có (sự phát tâm của bồ tát).  Cũng như chúng sanh giới vô lượng, vô biên không có cùng tận; bồ tát phát tâm cũng lại như vậy, vô lượng, vô biên không có cùng tận.  Hư không không cùng tận, nên chúng sanh giới không cùng tận.  Do bồ tát phát tâm ngang bằng chúng sanh giới[14], mà chúng sanh giới không có giới hạn, nên sự phát tâm cũng không có giới hạn[15].  Nay tôi nương ý chỉ của Phật maø nói bày một chút phần của chúng sanh giới, như sau:

Phương đông có thiên ức hằng hà sa a tăng kỳ thế giới của chư Phật, cho đến phương nam, phương tây, phương bắc, bốn hướng trên dưới, mỗi mỗi có thiên ức hằng hà sa a tăng kỳ thế giới của chư Phật.  Hết thảy đem nghiền nát làm vi trần.  Các vi trần này cực nhỏ đến nỗi nhục nhãn không nhìn thấy được.  Một trăm vạn ức hằng hà sa a tăng kỳ tam thiên đại thiên thế giới, chỗ có bao nhiêu chúng sanh thảy đều tụ tập, chung lấy một trần.  Hai trăm vạn ức hằng hà sa a tăng kỳ tam thiên đại thiên thế giới, chỗ có bao nhiêu chúng sanh, chung lấy hai trần.  Như vậy, lần lựa lấy mười phương, mỗi phương có thiên ức hằng hà sa a tăng kỳ thế giới của chư Phật, chỗ nào có địa chủng đều nghiền làm vi trần, gom lại hết, thì chúng sanh giới cũng không thể cùng tận.

Thí như có người chia chẻ một sợi lông làm trăm phần, lấy một phần sợi lông, nhúng vào nước biền lớn.  Tôi nay nói bày ít phần về chúng sanh giới cũng lại như nước trên một phần sợi lông, những điều chưa nói như nước biển lớn.  Giả sử chư Phật trong vô lượng vô biên a tăng kỳ rộng bày thí dụ, nói cũng không hết (về chúng sanh giới).  Sự phát tâm của bồ tát có khả năng che khắp hết thảy chúng sanh giới như vậy.  Vì sao?  Các người con Phật, vì bồ đề tâm đâu thể cùng tận vậy.  Nếu có bồ tát nghe lời như trên mà không kinh, không sợ, không thối lui, không quên mất, phải biết người đó quyết định có thể phát bồ đề tâm.  Giả sử, vô lượng hết thảy chư Phật trong vô lượng a tăng kỳ kiếp xưng tán công đức của người đó cũng không thể cùng tận.  Vì sao?  Vì bồ đề tâm không có giới hạn, không có cùng tận, nên có vô lượng lợi ích như thế.  Cho nên nay tôi tuyên nói vì muốn cho hết thảy chúng sanh được nghe để phát bồ đề tâm vậy. 

 

Phát Bồ Ðề Tâm Luận

Phẩm 2:  Phát Tâm

 

Vì sao bồ tát phát bồ đề tâm, và do nhân duyên gì tu tập bồ đề?

Nếu bồ tát thân cận thiện tri thức[16], cúng dường chư Phật[17], tu tập thiện căn[18], chí cầu chánh pháp[19], tâm thường nhu hoà, gặp khổ kham nhẫn, từ bi thuần hậu, thâm tâm bình đẳng[20], tin ưa đại thừa[21], cầu trí tuệ Phật[22].  Nếu người nào có đủ 10 pháp như vậy mới có thể phát tâm cầu đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Lại có 4 duyên cho sự phát tâm tu tập Vô thượng bồ đề.  Những gì là 4 duyên?  Một là, tư duy về chư Phật mà phát bồ đề tâm; hai là, quán thân quá hoạn mà phát bồ đề tâm; ba là, thương xót chúng sanh mà phát bồ đề tâm, bốn là, cầu quả tối thắng mà phát bồ đề tâm.

1.  Tư duy về chư Phật lại có 5 sự: 

1.  Tư duy mười phương quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật, lúc ban đầu phát tâm, các ngài cũng đủ những tánh chất phiền não như ta ngày nay, rốt cùng trọn thành chánh giác, là đấng Vô thượng tôn.  Do duyên việc này mà phát bồ đề tâm. 

2.  Tư duy tất cả ba đời chư Phật do phát đại dũng mãnh nên các ngài chứng được quả Vô thượng bồ đề.  Nếu quả vị bồ đề đây là pháp có thể chứng thì ta cũng sẽ chứng được.  Do duyên việc này mà phát bồ đề tâm.

3.  Tư duy tất cả ba đời chư Phật do phát đại minh tuệ, ở trong vỏ bọc  vô minh mà kiến lập thắng tâm, tích tập khổ hạnh, các ngài đều có thể tự cứu, vượt thoát tam giới.  Ta cũng như vậy, phải tự cứu tế.   Do duyên việc này mà phát bồ đề tâm.

4.  Tư duy tất cả ba đời chư Phật, khi ở trong nhân loại đều có hùng tâm, nên các ngài đều vượt qua biển lớn sanh tử phiền não.  Ta cũng là bậc trượng phu, cũng vượt qua được.  Do duyên việc này mà phát bồ đề tâm.

5.  Tư duy tất cả ba đời chư Phật do phát đại tinh tấn, bỏ thân mạng tài bảo, cầu nhất thiết trí.  Ta nay cũng phải theo học như chư Phật.  Do duyên việc này mà phát bồ đề tâm.

 

2.  Quán thân quá hoạn mà phát bồ đề tâm, lại có 5 sự:

1.  Tự quán thân ngũ ấm, tứ đại của ta đều hay khởi tạo vô lượng ác nghiệp, nên muốn bỏ lìa.

2.  Tự quán thân mình có chín lỗ thường chảy đồ hôi dơ chẳng sạch, nên sanh nhàm chán.

3.  Tự quán thân mình có vô lượng phiền não tham sân si thiêu đốt thiện tâm, nên muốn trừ diệt.

4.  Tự quán thân mình như bong bóng, bọt nước, niệm niệm sanh diệt, là pháp đáng xả, nên muốn buông bỏ.

5.  Tự quán thân mình bị vô minh che lấp, thường tạo ác nghiệp, luân hồi sáu nẽo, không có lợi ích.

 

3.      Cầu quả tối thắng mà phát bồ đề tâm, lại có 5 sự:

1.  Thấy các đức Như lai có tướng hảo trang nghiêm, quang minh trong

suốt, gặp Phật thì trừ được phiền não, nên phát tâm tu tập.

2.  Thấy pháp thân thường trú thanh tịnh vô nhiễm của các đức Như lai, nên phát tâm tu tập.

3.  Thấy các đức Như lai có giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, giới pháp thanh tịnh, nên phát tâm tu tập.

4.  Thấy các đức Như lai có 10 lực[23], 4 món vô sở uý[24], đại bi tam niệm xứ[25],  nên phát tâm tu tập.

5.  Thấy các đức Như lai có nhất thiết trí, thương xót chúng sanh, lòng từ bi bủa khắp, thường vì tất cả kẻ ngu mê mà làm người dẫn đường chân chánh, nên phát tâm tu tập.

 

4.      Thương xót chúng sanh mà phát bồ đề tâm, lại có 5 sự:

1.  Thấy các chúng sanh bị vô minh trói buộc.

2.  Thấy các chúng sanh bị các khổ bức bách.

3.  Thấy các chúng sanh huân tập nghiệp baát thiện.

4.  Thấy các chúng sanh tạo cực trọng ác.

5.  Thấy chúng sanh không tu chánh pháp.

Vô minh trói buộc, lại có 4 mục:

a.  Thấy các chúng sanh vì si ái làm cho mê lầm, mà thọ lãnh các quả khổ rất dữ dội.

b.      Thấy các chúng sanh không tin nhân quả, tạo tác nghiệp ác.

c.       Thấy các chúng sanh xả bỏ chánh pháp, tin nhận tà đạo.

d.      Thấy các chúng sanh chìm trong sông phiền não, trôi nổi theo bốn dòng[26].

Các khổ bức bách, lại có 4 mục:

a.       Thấy các chúng sanh sợ sanh lão bịnh tử, nhưng không có tâm mong cầu giải thoát, lại còn tạo nghiệp.

b.      Thấy các chúng sanh ưu bi khổ não, nhưng thường gây tạo (nghiệp nhân) không có thôi dứt.

c.       Thấy các chúng sanh ái biệt ly khổ, đã không giác ngộ, tham đắm dây dưa.

d.      Thấy các chúng sanh oán tắng hội khổ, thường khởi hiềm nghi, ganh ghét, trở lại gây thêm oán thù.

Huân tập nghiệp bất thiện, lại có 4 mục:

a.       Thấy các chúng sanh vì lòng ái dục, làm các điều ác.

b.      Thấy các chúng sanh biết dục sanh khổ nhưng không bỏ dục.

c.       Thấy các chúng sanh muốn cầu an vui nhưng lại không muốn giữ giới đã thọ.

d.      Thấy các chúng sanh không ưa khổ quả nhưng tạo khổ nhân không có thôi dứt.

Tạo cực trọng ác, lại có 4 mục:

a.       Thấy các chúng sanh huỷ phạm trọng giới, lo buồn khiếp sợ, rồi cũng phóng dật.

b.      Thấy các chúng sanh khởi tạo cực ác, ngũ vô gián nghiệp, hung dữ ương ngạnh, tự mình che lấp, không lòng hổ thẹn.

c.       Thấy các chúng sanh chê bai chánh pháp, đại thừa phương đẳng, chuyên ngu tự chấp, khởi lòng kiêu mạn.

d.      Thấy các chúng sanh ôm chặc sự thông minh hiểu biết, nên đủ duyên tố đoạn dứt thiện căn, trở lại cống cao, vĩnh viễn (chấp chặc) không có hối cải.

Không tu chánh pháp, lại có 4 mục:

a.       Thấy các chúng sanh sanh nhằm bát nạn[27], không nghe chánh pháp, không biết tu thiện.

b.      Thấy các chúng sanh gặp Phật ra đời, được nghe chánh pháp nhưng không khả năng thọ trì.

c.       Thấy các chúng sanh tập nhiễm ngoại đạo, khổ thân tu nghiệp, trọn chẳng kết quả như lòng mong cầu.

d.      Thấy các chúng sanh tu chứng phi tưởng phi phi tưởng định[28], cho là niết bàn, khi thiện báo hết, rơi lại tam đồ.

Bồ tát thấy các chúng sanh vô minh tạo nghiệp, đêm dài thọ khổ, xa lìa chánh pháp, quên mất đường ra, vì những việc đó mà phát tâm đại từ bi, chí cầu quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác.  Như việc cứu lửa cháy đầu, tất cả chúng sanh có khổ não, ta phải cứu giúp không sót một ai[29].  Các người con Phật, nay tôi lược nói hạnh ban đầu của bồ tát cùng nhân duyên phát tâm, nếu nói rộng ra thì vô lượng vô biên.

 

 

Phát Bồ Ðề Tâm Luận

Phẩm 3:  Nguyện Thệ 

 

Bồ tát phát tâm xu hướng bồ đề như thế nào và lấy hạnh nghiệp gì để thành tựu bồ đề?

Bồ tát phát tâm trụ ở bậc Can tuệ địa[30], trước phải kiên cố phát khởi chánh nguyện, vì nhiếp thọ tất cả vô lượng chúng sanh, rằng:  Tôi cầu đạo Vô thượng bồ đề vì cứu hộ độ thoát chúng sanh không sót một ai, vì muốn chúng sanh đạt đến cứu cánh Vô dư niết bàn.  Cho nên bồ tát lúc ban đầu phát tâm phải lấy tâm đại bi làm đầu, vì tâm đại bi mới có thể phát khởi, chuyển vận mười chánh nguyện thù thắng cao cả.  Sao gọi là mười?

1.      Tôi nguyện đời trước cho đến ngày nay lo tu bồi thiện căn, đem thiện căn này thí cho tất cả vô biên chúng sanh, cùng vơùi chúng sanh hồi hướng Vô thượng bồ đề.  Mong nguyện trên của tôi niệm niệm tăng trưởng, sanh ra đời nào cũng thường buộc nguyện này nơi tâm, trọn không quên mất, lấy đó làm đà la ni thủ hộ (tuệ  mạng của mình).

2.      Tôi nguyện hồi hướng đại bồ đề quả rồi, đem thiện căn này ở trong tất cả cõi chúng sanh (cư trú và có Phật ra đời) thường được cúng dường tất cả chư Phật, nguyện không sanh vào quốc độ không có Phật.

3.      Tôi nguyện được sanh vào quốc độ có Phật rồi, thường được thân cận, theo hầu hai bên Phật như bóng theo hình, không một khoảng sát na nào rời xa Phật.

4.      Tôi nguyện được thân cận Phật rồi, theo chỗ cảm cầu của tôi, (đức Phật) vì tôi mà thuyết pháp, liền được thành tựu bồ tát ngũ thông[31].

5.      Tôi nguyện được thành tựu bồ tát ngũ thông rồi, liền thông đạt thế đế [32], là pháp tướng giả danh[33] cùng khắp, thông đạt đệ nhất nghĩa đế[34], là pháp tánh chân thật như thế[35], được chánh pháp trí[36].

6.      Tôi nguyện được chánh pháp trí rồi, không một niệm quên lãng, vì chúng sanh thuyết pháp bằng sự chỉ dạy lợi mừng, đều khiến cho họ được thông hiểu (Phật pháp)[37].

7.      Tôi nguyện có khả năng làm cho chúng sanh thông hiểu rồi, nương thần lực của Phật, biến khắp đến mười phương thế giới, không bỏ sót thế giới nào, để cúng dường chư Phật, nghe nhận chánh pháp, rộng nhiếp chúng sanh.

8.      Tôi nguyện đối trước chư Phật nghe nhận chánh pháp rồi, liền có khả năng tuỳ chuyển pháp luân thanh tịnh.  Mười phương thế giới tất cả chúng sanh nghe tôi thuyết pháp, nghe danh hiệu tôi, liền được xả ly tất cả phiền não, phát bồ đề tâm.

9.      Tôi nguyện giúp cho tất cả chúng sanh phát bồ đề tâm rồi, thường tuỳ thủ hộ lẫn nhau để diệt trừ những điều vô lợi ích, đem đến vô lượng điều an vui, xả thân mạng tài bảo, nhiếp thọ chúng sanh, cùng nhau gánh vác chánh pháp.

10.  Tôi nguyện thường gánh vác chánh pháp rồi, dù thực hành chánh pháp mà tâm vô sở hành[38].  Như chư bồ tát thực hành chánh pháp mà tâm vô sở hành, nhưng không việc gì không hành (vô sơû bất hành[39]), vì giáo hoá chúng sanh mà không bỏ chánh nguyện.

Ðây là mười đại chánh nguyện của bồ tát phát tâm.  Mười đại chánh nguyện này biến khắp chúng sanh giới, nhiếp thọ tất cả hằng sa các nguyện của chúng sanh.  Nếu chúng sanh giới hết, nguyện tôi mới hết.  Nhưng chúng sanh giới thật không thể cùng tận, nên đại nguyện này của tôi cũng không cùng tận.

Lại nữa, bố thí là chánh nhân bồ đề, vì nhiếp thủ tất cả chúng sanh.  Trì giới là chánh nhân bồ đề, vì đầy đủ thiện căn, đầy đủ bản nguyện.  Nhẫn nhục là chánh nhân bồ đề, vì thành tựu được 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp tuỳ hình.  Tinh tấn là chánh nhân bồ đề, làm tăng trưởng thiện hạnh, vì chúng sanh mà siêng năng giáo hoá.  Thiền định là chánh nhân bồ đề, vì bồ tát khéo tự điều phục và có khả năng  biết các tâm hành của chúng sanh.  Trí tueä là chánh nhân bồ đề, vì đầy đủ khả năng biết rõ tánh tướng của các pháp.[40]

Tóm yếu mà nói, sáu ba la mật là chánh nhân bồ đề.  Bốn tâm vô lượng, 37 phẩm trợ đạo pháp, muôn hạnh lành cùng hỗ tương, trợ nhiếp để thành tựu bồ đề.  Nếu bồ tát tu tập sáu ba la mật, tuỳ theo công hạnh mà từ từ tiếp cận quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Các người con Phật, người cầu bồ đề thì không được phóng dật[41], vì (ba nghiệp) phóng dật sẽ làm hư hoại thiện căn.  Nếu bồ tát chế phục sáu căn không cho phóng dật[42] thì người đó tu tập được sáu ba la mật.  Bồ tát phát tâm, trước phải chí thành kiến lập thệ nguyện một cách chắc chắn.  Người lập thệ nguyện thì trọn không phóng dật, giải đãi, khinh dễ thối lui.  Vì sao? Muốn lập nguyện chắc chắn cần phải có 5 điều kiện gìn giữ:

1.      Luôn giữ tâm vững chải.

2.      Luôn điều phục phiền não.

3.      Luôn ngăn ngừa phóng dật.

4.      Luôn phá trừ ngũ cái[43].

5.      Luôn chuyên cần tu tập, hành sáu ba la mật.

Như chư Phật khen ngợi:

Như lai đại trí tôn

Nói ra công đức chứng

Nhẫn tuệ, sức phước nghiệp

Thệ nguyện là tối thắng.

Làm sao lập thệ?  Nếu có người đến cầu xin các thứ nơi ta, ta đối với họ tuỳ lúc mà bố thí, cho đến không sanh một niệm bỏn sẻn, tiếc nuối.  Nếu sanh ác tâm bằng khoảng khảy móng tay dùng sự bố thí làm nhân duyên cầu tịnh báo, thì luận chủ tôi rất chê trách.  Mười phương thế giới vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp hiện tại, vị lai chư Phật cũng nói người đó quyết định không thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Nếu tôi tu trì giới, dù mất thân mạng vẫn kiến lập tịnh tâm, thệ không thay đổi, hối hận.  Nếu tôi tu nhẫn nhục, bị người xâm hại cho đến bị cắt chặt thân thể cũng vẫn giữ lòng từ ái, thệ không giận ngăn.  Nếu tôi tu tinh tấn, gặp cảnh lạnh nóng bất chợt, gặp nạn vua quan, giặc giã, nạn nước lửa,  gặp sư tử cọp sói, gặp chỗ không có nước uống, không có cơm ăn, nhất định tâm phải kiên cường, thệ không thối lui, quên mất (bồ đề tâm).  Nếu tôi tu thiền định, bị ngoại cảnh khuấy rối không thể nhiếp tâm, phải buộc niệm quên cảnh, thệ không khởi loạn tưởng phi pháp dẫu trong chốc lát.  Nếu tôi tu tập trí tuệ, quán tất cả pháp như thật tánh mà tuỳ thuận thọ trì, không khởi nhị kiến đối với điều thiện, bất thiện, hữu vi, vô vi, sanh tử, niết bàn.

Nếu tôi phát thệ nguyện mà tâm có hối hận, giận ngăn, thối lui, loạn tưởng, nhị kiến thì dù chỉ trong khoảng khảy móng tay tu tập trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ để cầu tịnh báo, thì luận chủ tôi rất chê trách.  Mười phương thế giới vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp hiện tại, vị lai chư Phật cũng nói người ấy quyết định không thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác. 

Nếu bồ tát lấy mười đại nguyện làm hạnh hộ trì chánh pháp, lấy sáu đại thệ làm tâm ngăn trừ phóng dật thì nhất định có thể tinh cần tu tập sáu ba la mật, thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

 

 

Phát Bồ Ðề Tâm Luận

Phẩm 4:  Ðàn na ba la mật 

 

Bồ tát tu hạnh bố thí như thế nào?  Bồ tát bố thí vì tự lợi, lợi tha, cả hai đều lợi.  Bố thí như vậy thì có thể trang nghiệm đạo bồ đề.

Bồ tát vì muốn điều phục chúng sanh khiến rời khổ não mà thực hành bố thí.  Người tu hạnh bố thí thì đối với tài vật của mình thường sanh lòng xả.  Chúng sanh đến cầu xin thì khởi lòng tôn trọng, tưởng như cha mẹ, sư trưởng, thiện tri thức.  Với người nghèo cùng hạ tiện thì khởi lòng thương xót, tưởng như đứa con ruột của mình.  Bồ tát tuỳ theo nhu cầu của họ mà sanh lòng hoan hỷ, cung kính giúp đỡ họ.  Ðây gọi là bồ tát ban đầu phát tâm tu tập bố thí.

Do tu tập bố thí nên thiện danh được lưu bố và sanh ra nơi nào thì cũng có tài bảo dư dật, đây gọi là tự lợi.  Bồ tát có thể giúp cho chúng sanh sinh tâm thoả mãn rồi giáo hoá điều phục chúng sanh khiến không có lòng keo bẩn, đây gọi laø lợi tha.  Do bồ tát đã tu vô tướng đại thí[44], giáo hoá chúng sanh khiến cùng lợi ích như mình, đây gọi là cả hai đều lợi.  Do tu bố thí mà đạt được địa vị Chuyển luân thánh vương, nhiếp thọ được tất cả chúng sanh vô lượng, cho đến thành tựu pháp tạng vô tận của chư Phật, đây gọi là trang nghiêm đạo bồ đề.

Bố thí có ba phần:  một là pháp thí, hai là vô uý thí, ba là tài vật thí.

Bồ tát dùng pháp thí thì trước phaûi khuyên người thọ giới, tu tâm xuất gia, phá các tà kiến bằng cách nói ra những điều sai lầm, khổ đau của sự chấp thường, chấp đoạn trong phạm trù bốn điên đảo[45], lại phân biệt khai thị nghĩa chân đế[46], khen ngợi công đức của sự tinh tấn, nói tội lỗi ghê gớm của sự phóng dật.  Ðây gọi là pháp thí.

Nếu có chúng sanh sợ hãi nạn vua, sư tử, cọp, sói, nước lửa, trọâm cắp ... bồ tát thấy rồi, có thể vì họ cứu giúp thì gọi là vô uý thí.

Bồ tát không có lòng bỏn xẻn đối với tài vật thí, trên từ trân bảo, voi, ngựa, xe cộ, tơ lụa, lúa nếp, áo quần, ăn uống, dưới đến một nắm gạo, một tấc vải, dù ít, dù nhiều, cho theo nhu cầu, vừa ý người cầu xin, đây gọi là tài thí.[47]

Tài thí có 5 yếu tố:

1.      Chí tâm cho.

2.      Tin tâm cho.

3.      Tuỳ lúc cho.

4.      Tự tay cho.

5.      Như pháp cho[48].

Có 5 việc không nên bố thí:

1.      Tài vật phi lý không đem cho người vì là vật bất tịnh.

2.      Rượu và thuốc độc không đem cho người vì làm thác loạn chúng sanh.

3.      Lưới, bẫy, ná, rập không đem cho người vì làm khổ não chúng sanh.

4.      Dao, gậy, cung tên không đem cho người vì làm thương hại chúng sanh.

5.      Âm nhạc, nữ sắc không đem cho người vì phá hoại tịnh tâm của người.

Tóm yếu mà nói, vật không như pháp, làm naõo loạn chúng sanh không đem cho người.  Ngoài ra, tất cả vật khác có theå giúp chúng sanh được an lạc, gọi là bố thí đúng như chánh pháp.

Người vui thích bố thí lại được thành tựu 5 việc mang lại tiếng tăm và lợi ích:

1.      Thường được thân cận tất cả hiền thánh.

2.      Tất cả chúng sanh ai cũng vui gặp.

3.      Khi vào trong đại chúng, ai cũng tôn kính.

4.      Danh tốt, tiếng  lành được vang khắp mười phương.

5.      Làm nhân duyên thượng diệu cho Vô thượng bồ đề.

Bồ tát bố thí như vậy gọi là có nhất thiết thí.

Nhất thiết thí là gì?  Không phải đem nhiều tiền của cho người, mà là đem cả tấm lòng vậy.  Người bố thí là người cầu tài đúng như pháp để bố thí, gọi là nhất thiết thí.  Ðem tâm thanh tịnh không siểm khúc[49] mà bố thí, gọi là nhất thiết thí.  Thấy kẻ nghèo cùng sanh lòng thương xót bố thí gọi là nhất thiết thí.  Thấy người nguy khốn sanh lòng từ bi bố thí goïi là nhất thiết thí.  Ở trong hoàn cảnh nghèo cùng ít của mà có thể làm việc bố thí gọi là nhất thiết thí.  Ðem bảo vật quí trọng bố thí để khai mở tâm ý của người gọi là nhất thiết thí.  Bố thí mà không phân biệt người trì giới hay huỷ giới, bậc phước điền hay phi phước điền, gọi là nhất thiết thí.  Bố thí mà không cầu quả nhân thiên và các quả diệu thiện lạc khác, gọi là nhất thiết thí.  Chí cầu Vô thượng đại bồ đề mà bố thí, gọi là nhất thiết thí.  Phát tâm bố thí, trong lúc bố thí lòng hoan hỷ, sau khi bố thí không hối tiếc, gọi là nhất thiết thí.

Nếu dùng bông hoa bố thí thì đầy đủ hoa trái đà la ni, thất giác chi[50].

Nếu dùng hương thơm bố thí thì đầy đủ giới định tuệ xông ướp nơi thân.

Nếu dùng trái quả bố thí thì thành tựu đầy đủ quả vô lậu.

Nếu dùng thức ăn bố thí thì trọn vẹn sự sống lâu, biện tài, sắc đẹp, sức lực, an vui.

Nếu dùng y phục bố thí thì đầy đủ sắc thân thanh tịnh, trừ bỏ sự không biết hổ thẹn.

Nếu dùng đèn sáng bố thí thì đầy đủ Phật nhãn, thấu suốt đặc tánh của vạn pháp.

Nếu dùng voi, ngựa, xe cộ bố thí thì được quả vô thượng thừa, đầy đủ thần thông.

Nếu dùng chuỗi anh lạc bố thí thì đầy đủ 80 món đẹp tuỳ hình.

Nếu dùng trân bảo bố thí thì đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại nhân.

Nếu dùng gân sức[51] để làm việc hầu hạ, chịu sự sai bảo như là bố thí, thì thành tựu được 10 lực, 4 vô sở uý của Phật.

Tóm yếu mà nói, bố thí cho đến quốc thành thê tử, đầu mắt tay chân, toàn  bộ thân mạng với tâm không hối tiếc, vì chứng Vô thượng bồ đề, hoá độ chúng sanh.  Bồ tát ma ha tát tu hành bố thí thì chẳng thấy tài vật, kẻ cho, người nhận.  Bởi vì bố thí bằng vô tướng như vậy nên gọi là đầy đủ đàn na ba la mật. 

 

 

Phát Bồ Ðề Tâm Luận

Phẩm 5:  Thi la ba la mật

 

Hàng bồ tát tu hạnh trì giới như thế nào?  Hàng bồ tát trì giới vì lợi mình, lợi người và cả hai đều lợi ích.  Trì giới như vậy thì có thể trang nghiêm đạo bồ đề. 

Bồ tát vì muốn điều phục chúng sanh xa lìa khổ não cho nên trì giới.  Người tu trì giới thì phải thanh tịnh ba nghiệp thân, miệng, ý; đối với tất cả bất thiện hạnh có thể xả ly; khéo léo quở trách (mầm mống) ác hạnh và (duyên tố) huỷ hoại giới cấm; đối với những lỗi nhỏ thì lòng luôn lo sợ.  Như vậy mới đúng nghĩa là hàng bồ tát sơ phát tâm tu trì giới vậy.

Do tu trì giới mà xa lìa được tất cả điều ác, các lầm lỗi, thường sanh về chỗ an vui, gọi là tự lợi.

Hàng bồ tát giáo hoá chúng sanh khiến cho họ không phạm điều ác, gọi là lợi tha.

Ðem tất cả sự tu trì giới của mình hướng về bồ đề giới[52] và giáo hoá tất cả chúng sanh khiến cho họ đồng được lợi ích như mình, gọi là cả hai đều lợi ích.

Chánh nhân tu trì giới thì hoạch đắc sự ly dục[53] cho đến dứt sạch hết lậu nghiệp[54], thaønh tựu tối chánh giác, gọi là trang nghiêm đạo bồ đề.

Giới có 3 loại: 1. ThÂn giới, 2. Khẩu giới, 3. Tâm giới.

1.      Trì thân giới thì phải lìa hẳn tất cả hành động thuộc về sát sanh, trộm cướp và dâm dục.  Nghĩa là không được tước đi sự sống của sinh vật cùng mạng sống của người, không chiếm hữu tài sản của người và không xâm phạm ngoại sắc (thân thể) của người.  Lại cũng không vì những nhân duyên gì và bằng phương tiện gì giết hại chúng sanh; chẳng dùng gậy cây, ngói đá v.v... làm  thương hại chúng sanh.  Nếu vật thuộc người khác có quyền thọ dụng, thì dù là một cọng cỏ, một chiếc lá, người ta không cho thì không được lấy.  Lại cũng không nên ngắm, liếc, ngó tế sắc (sắc đẹp quyến rũ).  Ðối vơùi bốn oai nghi phải nghiêm cung, cẩn thận, xét đoán rõ ràng.  Ðó gọi là thân giới.

2.      Trì khẩu giới thì phải đoạn trừ tất cả vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu và ỷ ngữ.  Thường không dùng lời dối trá, lời ly gián hoà hợp, lời phỉ báng, cheâ bai, lời trau chuốt hoa mỹ, và không tạo mọi phương tiện để xúc não lòng người.  Lời nói phải chí thành, hoà nhã và trung tín.  Lời nói thường đem đến cho người lợi ích, khuyến hoá người tu thiện.  Ðó gọi là khẩu giới.

3.      Trì tâm giới thì phải trừ diệt tham dục, sân hận, tà kiến, thường tu tâm nhu hoà, không tạo những tội lỗi, tin raèng tất cả những nghiệp tội (từ thân, khẩu, ý sanh ra) chắc chắn sẽ cho chúng ta quả báo ác.  Do sức tư duy tu mà không tạo các điều ác, đối với tội nhẹ trong lòng phải lo tưởng như tội rất nặng.  Giả như lỡ gây lầm lỗi thì phải sợ sệt, lo âu, sám hối.  Ðối với tất cả chúng sanh không bao giờ khởi lòng giận hờn, bực bội.  Nhìn chúng sanh bằng cái tâm thương nhớ[55].  Có cái tâm tri ân, báo ân, cái tâm không nuối tiếc, bỏn sẻn, vui làm phước đức, thường vì độ hoá mọi người, thường tu tâm từ, thương xót tất cả.  Ðó gọi là tâm giới.

Trên đây là nói mười thiện nghiệp giới.  Mười thiện nghiệp giới có 5 điều lợi ích:

1.   Chế ngự ác hạnh.

2.      Sanh khởi thiện tâm.

3.      Ngăn ngừa phiền não.

4.      Thành tựu tịnh tâm.

5.      Tăng trưởng giới đức.

Nếu người nào khéo tu hạnh không phóng dật, đầy đủ chánh niệm[56], phân biệt thiện ác, phải biết người này quyết định có khả năng tu mười thiện nghiệp giới.  Tám vạn bốn ngàn oai nghi, vô lượng giới phẩm thảy đều nhiếp trong mười thiện giới.  Mười thiện giới này chính là căn bản của tất cả thiện giới. 

Ðoạn trừ ba nghieäp ác của thân, khẩu, ý thì có thể chế ngự tất cả pháp bất thiện, cho nên gọi là giới.  Giới có 5 nghĩa:

1.      Ba la đề mộc xoa giới.

2.      Ðịnh cộng giới.

3.      Vô lậu giới.

4.      Nhiếp căn giới.

5.      Vô tác giới.

Sau khi bạch tứ yết ma[57], từ giới sư mà lãnh thọ giới pháp gọi là Ba la đề mộc xoa giới[58].  Căn baûn định[59] của tứ thiền, cận phần định  của tứ thiền[60] gọi là định cộng giới[61].  Căn bản định của tứ thiền, vị đáo căn bản định của sơ thiền[62] gọi là vô lậu giới[63].  Thu nhiếp các căn, tu chánh niệm tâm, dù kiến văn giác tri[64] đối với sắc thanh hương vị xúc, nhưng không sanh phóng dật, gọi là nhiếp căn giới[65].  Xả bỏ thân mạng, sanh vào đời sau cũng không làm ác, gọi là vô tác giới[66].

Hàng bồ tát tu trì giới thì không chung pháp hạnh với hàng thanh văn, bích chi Phật, cho nên gọi là thiện trì giới (khéo léo trì giới).  Thiện trì giới thì tất nhiên có những lợi ích cho tất cả chúng sanh, như sau:

Trì từ tâm giới là cứu hộ chúng sanh khiến được an vui.

Trì bi tâm giới là nhẫn thọ các khổ, cứu nguy nan cho chúng sanh.

Trì hỷ tâm giới là khuyến hoá chúng sanh vui tu thiện pháp, không có giãi đãi.

Trì xả tâm giới là bình đẳng đối với oán thân, lìa lòng yêu ghét.

Trì huệ thí giới là giáo hoá điều phục chúng sanh.

Trì nhẫn nhục giới là tâm thường nhu nhuyến, không sân hận, si mê.

Trì tinh tấn giới thì thiện nghiệp ngày càng tăng trưởng, không thối lui.

Trì thiền định giới là ly dục bất thiện, tăng trưởng thiền chi[67].

Trì trí tuệ giới là (học rộng) nghe nhiều để tăng trưởng thiện căn[68], không biết chán đủ.

Trì thân cận thiện tri thức giới là trợ giúp nhau thành tựu đạo Vô thượng bồ đề.

Trì viễn ly ác tri thức giới là dứt lìa ba đường ác và tám chỗ nạn.

Người theo hạnh bồ tát tu trì tịnh giới thì không nương Dục giới, không gần Sắc giới, không trụ Vô sắc giới, gọi là thanh tịnh giới.

Xả ly dục trần, trừ sân hận si mê, diệt vô minh chướng, gọi là thanh tịnh giới.

Dứt bỏ đoạn kiến, thường kiến, không nghịch với lý nhân duyên, gọi là thanh tịnh giới.

Không đắm trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức, toàn là tướng giả danh, gọi là thanh tịnh giới.

Không ràng buộc nơi nhân, không khởi các kiếp chấp (phân biệt), không trụ nghi hối, gọi là thanh tịnh giới.

Không trụ tham, sân, si: ba món bất thiện căn, gọi là thanh tịnh giới.

Không trụ ngã mạn[69], kiêu mạn[70], tăng thượng mạn[71], mạn mạn[72], đại mạn[73], nhu hoà khéo tuỳ thuận (chúng sanh), gọi là thanh tịnh giới.

Ðối với thịnh suy, được mất, chê khen, khổ vui thảy đều không dao động, gọi là thanh tịnh giới.

Không nhiễm thế đế vốn hư vọng giả danh, tuỳ thuận chân đế, gọi là thanh tịnh giới.

Chẳng còn phiền não, nóng nảy, tâm thường tịch diệt ly tướng, gọi là thanh tịnh giới.

Nói tóm lại, bồ tát tu trì giới thì không tiếc thân mạng, quán chiếu vô thường, sanh lòng nhàm lìa, cần hành thiện căn, dũng mãnh tinh tấn, gọi là thanh tịnh giới.

Hàng bồ tát ma ha tát tu hành trì giới thì không thấy tâm mình thanh tịnh, do vì ly tướng.  Ðây gọi là đầy đủ Thi la ba la mật.

 

 

Phát Bồ Ðề Tâm Luận

Phẩm 6:  Sằng đề ba la mật

 

Hàng bồ tát tu hành nhẫn nhục như thế nào?  Hàng bồ tát tu hành nhẫn nhục là vì lợi mình, lợi người và cả hai đều lợi ích.  Sự nhẫn nhục như vậy có khả năng trang nghiêm đạo bồ đề.

Bồ tát vì muốn điều phục chúng sanh khiến lìa khổ não mà tu nhẫn nhục.  Người tu hạnh nhẫn nhục thì tâm thường khiêm haï, đối với tất cả chúng sanh cang cường, kiêu mạn thì tha thứ mà không chấp trách, thấy kẻ nguy ác thì luôn khởi lòng thương xót.  Lời nói thường nhu nhuyến, khuyến hoá người tu thiện, phân biệt giải nói về quả báo sai khác của sự sân hận và sự hoà nhẫn.  Ðây gọi là hàng bồ tát sơ phát tâm tu hạnh nhẫn nhục.

Do tu nhẫn nhục mà xa lìa các điều ác, thân tâm an lạc, gọi là tự lợi.  Hướng dẫn chúng sanh biết soáng hoà thuận với nhau, gọi là lợi tha.  Tu tập (nhẫn nhục) hằng ngày đưa đến thành tựu vô thượng nhẫn nhục, giáo hoá chúng sanh đồng được lợi ích như mình, gọi là cả hai đều lợi ích.

Chánh nhân tu nhẫn nhục thì thành tựu được (quả báo thân tâm) đoan chánh, người thấy sanh lòng cung kính, cho đến khi thành Phật có tướng hảo thượng diệu,  gọi là trang nghiêm đạo bồ đề.

Nhẫn nhục có 3 hình thái: 1. Thân nhẫn, 2. Khẩu nhẫn, 3. Ý nhẫn.

1.      Thế nào là thân nhẫn?  Nếu có người sanh lòng ác đến bức bách, huỷ nhục, đánh đập thậm chí làm thương hại ta mà vẫn có thể nhẫn chịu tất cả.  Thấy các chúng sanh bị ức hiếp, sợ hãi thì sẵn sàng lấy thân chịu thay (khổ não) cho họ[74] mà tâm không mỏi mệt, trì hoãn.  Ðây gọi là thân nhẫn.

2.      Thế nào là khẩu nhẫn?  Nếu có người đến mắng chửi ta thì nín lặng nhẫn chịu, không lòng chống trả.  Nếu có người phi lý đến trách mắng, ta cần dùng lời ôn hoà mà thuận theo.  Nếu có người vu khống ngang ngược, huỷ báng thậm tệ, ta đều phải nhẫn chịu.  Ðây gọi là khẩu nhẫn.

3.      Theá nào là ý nhẫn?  Nếu có người sân si với ta, không ôm lòng hờn giận.  Nếu có người xúc não ta, tâm vẫn không dao động.  Nếu có người công kích, huỷ nhục ta, lòng không oán trách.  Ðây gọi là ý nhẫn.

Ở thế gian, sự đánh đập có 2 trường hợp:  1. Sự thật. 2. Ngang ngược.

1.      Nếu mình có lầm lỗi, bị người hiềm nghi, bị người đánh đập, ta phải nhẫn chịu như uống nước cam lộ.  Ðối với người đó còn phải sanh lòng cung kính, sở dĩ người đó làm như vậy là vì khéo răn dạy, điều phục ta, khiến ta từ bỏ các lầm lỗi vậy.

2.      Nếu có kẻ ngang ngược với ác tâm làm thương tổn ta, thì phải tự suy nghĩ, ta nay không tội, đây chính là túc nghiệp đời quá khứ chiêu cảm cho nên phải nhẫn chịu.  Lại phải suy nghĩ, thân này do tứ đại giả hợp, ngũ ấm duyên hội, thì ai là người chịu đánh?  Lại quán suy người trước mặt đánh ta là người si, người cuồng, ta phải thương xót họ, sao lại không nhẫn?

Lại nữa, người nhục mạ cũng có 2 hạng: 1. Sự thật, 2. Hư dối.

1.      Nếu người nói lên sự thật, ta phải sanh lòng hổ thẹn.

2.      Nếu người nói lời hư dối, việc đó vô can với ta, thì coi như tiếng vang, gió thoảng, không làm tổn hại ta được, nhưng vẫn phải nhẫn.

Lại nữa, đối với người sân hận cũng vậy.  Người kia trút tất cả giận dữ lên ta, ta phải nhẫn chịu.  Nếu ta giận dữ lại với người kia thì ở đời vị lai phải đoạ ác đạo, chịu đại khổ não.  Do nhân duyên như vậy, thân ta dù bị cắt xẻo phân ly cũng không khởi lòng sân hận, (trái lại) cần phải quán sát sâu xa nhân duyên nghiệp đời trước, phải tu tập lòng từ bi, thương xót tất cả.  Việc khổ nhỏ như vậy mà ta không có khả năng nhẫn, tức là không có khả năng tự điều phục tâm, thì làm sao có khả năng điều phục chúng sanh, khiến chúng sanh được giải thoát tất cả ác pháp, thành tựu quả Vô thượng.

Nếu có người trí, ưa tu nhẫn nhục thì người đó được dung mạo đoan chánh, tài bảo sung túc, người khác thấy sanh lòng hoan hỷ, cung kính, ngưỡng mộ, phục tùng.  Lại phải quán sát, nếu có người hình dáng hung dữ, nhan sắc xấu ác, các căn không đủ, tài vật túng thiếu, phải biết đó là do nhân duyên sân hận trước kia mà nay phải như vậy.  Vì hiểu biết nhân duyên như vậy mà bậc trí quyết tu tập nhẫn nhục một cách thâm sâu.

Nhân duyên phát sanh nhẫn nhục có 10 sự:

1.      Không quán suy tướng ngã và ngã sở.

2.      Không nghĩ về chủng tính (giai cấp).

3.      Phá trừ lòng kiêu mạn.

4.      Ðiều ác đến với mình không cần chống trả.

5.      Quán tưởng sự vô thường.

6.      Tu tập tâm từ bi.

7.      Tâm không phóng dật.

8.      Bỏ ra ngoài sự đói khát, khổ vui ... (của bản thân).

9.      Ðoạn trừ sân hận.

10.  Tu tập trí tuệ.

Nếu người nào có thể thành tựu được 10 sự như vậy, nên biết người đó có khả năng tu nhẫn nhục.

Khi hàng bồ tát ma ha tát tu thanh tịnh tất cánh (rốt ráo) nhẫn, tức là khi ngộ nhập “không, vô tướng, vô nguyện, vô tác”[75], thì không cho “kiến, giác, nguyện, tác”[76] hoà hợp.  Cũng không dính mắc “không, vô tươùng, vô nguyện, vô tác”, nên “kiến, giác, nguyện, tác” thảy đều không.  Pháp nhẫn như vậy là pháp vô nhị tướng (không kẹt nơi hai tướng), gọi là thanh tịnh tất cánh nhẫn[77].

Nếu vào tận kết[78], nếu vào tịch diệt, thì không cho chư kết và sanh tử hoà hợp.  Cũng không dính mắc tận kết và tịch diệt, nên chư kết và sanh tử thảy đều không.  Pháp nhẫn như vậy là pháp vô nhị tướng, gọi là thanh tịnh tất cánh nhẫn.

Nếu (pháp) tánh chẳng phải tự sanh, không từ tha sanh, chẳng phải hoà hợp sanh, cũng không từ đâu đến, không thể phá hoại; vì không thể phá hoại nên không cùng tận.  Pháp nhẫn như vậy là pháp vô nhị tướng, gọi là thanh tịnh tất cánh nhẫn.

Không làm nhưng cũng không có việc gì không làm, không dính mắc việc làm, không phân biệt, không trang nghiêm, không sửa đổi, không khởi phát, đến đi.  Rốt lại là không tạo tác, sanh khởi gì cả.  Pháp nhẫn như vậy gọi là vô sanh nhẫn[79].

Hàng bồ tát tu hành pháp nhẫn như vậy thì được thọ ký nhẫn.  Hàng bồ tát ma ha tát tu hành nhẫn nhục dù là tánh hay tướng cũng rốt ráo không, vì (không thấy mình nhẫn,) không thấy có chúng sanh (là đối tượng để nhẫn).  Ðây gọi là đầy đủ pháp sằng đề ba la mật vậy.

 

 

 

PHÁT BỒ ÐỀ TÂM LUẬN

Quyển hạ

Thiên Thân bồ tát tạo luận

Ðời Diêu Tần, ngài tam tạng pháp sư Cưu Ma La Thập dịch

Quảng Minh dịch

 

Phát Bồ Ðề Tâm Luận

Phẩm 7:  Tỳ lê da ba la mật

 

Hàng bồ tát tu hành tinh tấn như thế nào?  Hàng bồ tát tu hành tinh tấn là vì lợi mình, lợi người và cả hai đều lợi ích.  Tinh tấn như vậy thì có thể trang nghiêm đạo bồ đề. 

Bồ tát vì muốn điều phục chúng sanh khiến cho chúng sanh lìa xa khổ não mà tu tinh tấn.  Người tu tinh tấn thì trong tất cả mọi thời thường siêng tu tập phạn hạnh [80]thanh tịnh, lìa bỏ tâm biếng nhác, giữ tâm không cho phóng dật, tâm thường tinh cần trọn không thối chuyển đối với những việc khó khăn, việc không lợi ích (cho mình và người).  Ðây gọi là bồ tát sơ phát tâm tu tinh tấn. 

Do tu tinh tấn mà thành tựu thiện pháp thế gian và quả thươïng diệu xuất thế gian, gọi là lợi mình.  Giáo hoá chúng sanh khiến cho họ siêng năng tu thiện, gọi là lợi người.  Ðem sự tu tập chánh nhân bồ đề của mình mà giáo hoá chúng sanh khiến họ đồng được lợi ích như mình, gọi là cả hai đều lợi ích.

Do chánh nhân tu tinh tấn mà thành tựu Chuyển thắng thanh tịnh diệu quả[81]û, siêu xuất các địa[82], cho đến mau thành chánh giác, gọi là trang nghiêm đạo bồ đề.

Tinh tấn có 2 lý do để phát khởi:

1.      Vì cầu đạo Vô thượng.

2.      Vì rộng muốn cứu độ các khổ não của chúng sanh.

Bồ tát phải thành tựu 10 niệm mới có thể phát tâm cần hành tinh tấn.  Mười niệm như thế nào?

1.      Niệm Phật, (vì Phật có) vô lượng công đức[83].

2.      Niệm pháp, (vì pháp có công năng) giải thoát bất tư nghị[84].

3.      Niệm tăng, (vì tăng có nghĩa là) thanh tịnh, vô nhiễm[85].

4.      Niệm hành đại từ, vì an lập chúng sanh.

5.      Niệm hành đại bi, vì cứu tế các khổ.

6.      Niệm chánh định tụ[86], vì khuyến vui tu thiện.

7.      Niệm tà định tụ[87], vì cứu chúng sanh khiến trở về bản thể.

8.      Niệm loài ngạ quỷ đói khát, nhiệt não.

9.      Niệm loài súc sanh chịu hoài các khổ.

10.  Niệm cảnh địa ngục chịu đủ thiêu đốt.

Bồ tát phải tư duy 10 niệm như vaäy: công đức Tam bảo ta nên tu tập; từ bi, chánh định tụ ta nên khuyên gắng; chúng sanh tà định, ba đường ác khổ ta nên cứu độ.  Tư duy như vậy, chuyên niệm không loạn, ngày đêm cần tu, không có dừng bỏ.  Ðây gọi là khả năng phát khởi chánh niệm tinh tấn.

Bồ tát tinh tấn lại có 4 việc, nghĩa là tu hành bốn cách chánh cần:

1.      Ác pháp chưa sanh, ngăn ngừa không cho sanh khởi.

2.      Ác pháp đã sanh, phải sớm đoạn trừ.

3.      Thiện pháp chưa sanh, tạo mọi phương tiện làm cho sanh khởi.

4.      Thiện pháp đã sanh, tu tập thêm lớn đầy rộng.

Bồ tát tu bốn cách chánh cần như vậy không có dừng nghỉ, đây gọi là tinh tấn.  Cần tu tinh tấn thì có thể phá trừ được tất cả phiền não giới, tăng trưởng chánh nhân Vô thượng bồ đề.

Bồ tát nếu có khả năng chịu đựng tất cả khổ lớn nơi thân tâm và vì muốn an lập chúng sanh mà tu hành không mệt mỏi, đây gọi là tinh tấn.  Bồ tát xa lìa ác thời[88], thói dua nịnh quanh co, tà tinh tấn để tu chánh tinh tấn, nghĩa là tu chánh tín, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ [89], từ bi hỷ xả.  Những việc muốn làm, đã làm, đang làm, phải hết lòng làm, tinh cần thực thi, không có hối tiếc.   Ðối với các thiện pháp và việc cứu khổ chúng sanh thì coi như việc cứu lửa cháy đầu, tâm không thối chuyển, đây gọi là tinh tấn.

Bồ tát dẫu không tiếc thân mạng, nhưng nếu vì cứu vớt các khổ, cứu hộ chánh pháp thì phải cần trân qúi nó, không bỏ oai nghi, thường tu thiện pháp.  Khi tu thiện pháp, tâm không giãi đãi; khi mất thân mạng, không bỏ chánh pháp.  Ðây gọi là bồ tát tu đạo bồ đề, cần hành tinh tấn.

Người biếng nhác thì không khi nào có thể làm được việc bố thí, không thể trì giới, nhẫn nhục các khổ, cần hành tinh tấn, nhiếp tâm niệm định, phân biệt thiện ác.  Cho nên nói rằng, sáu pháp ba la mật do tinh tấn mà được tăng trưởng.  Nếu hàng bồ tát ma ha tát tu tập tinh tấn làm duyên tố tăng thượng thì có thể mau đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Bồ tát phát đại trang nghiêm (bồ đề) mà phát khởi tinh tấn, có 4 nguyên do:

1.      Phát đại trang nghiêm.

2.      Tích tụ mạnh mẽ.

3.      Tu các thiện căn.

4.      Giáo hoá chúng sanh.

Bồ tát phát đại trang nghiêm như thế nào?  Ðối với các đường sanh tử, tâm thường kham nhẫn, không kể kiếp số.  Dù trải qua vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức na do tha hằng hà sa a tăng kỳ kiếp mới thành Phật đạo, thì tâm cũng không mệt mỏi.  Ðây gọi là hạnh không giãi đãi vì trang nghiêm (bồ đề).

Bồ tát muốn tích tụ mạnh mẽ mà phát khởi tinh tấn.  Nếu lửa dữ đầy trong cõi tam thiên đại thiên thế giới, nhưng vì thấy Phật, vì nghe pháp, vì an trú chúng sanh nơi thiện pháp, thì cần phải từ trong lửa dữ kia mà vượt qua.  Vì muốn điều phục chúng sanh mà tâm khéo an trú trong đại bi.  Ðây gọi là tinh tấn mạnh mẽ.

Bồ tát muốn tu tập thiện căn mà phát khởi tinh tấn.  Tất cả thiện căn được phát khởi đều vì hồi hướng Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì muốn thành tựu nhất thiết trí[90].  Ðây gọi là tinh tấn tu tập thiện căn.

Bồ tát muốn giáo hoá chúng sanh mà phát khởi tinh tấn.  Chủng tánh của chúng sanh không thể tính kể, vô lượng vô biên, bằng hư không giới.  Bồ tát lập thệ rằng, ta sẽ độ họ không có thiếu sót.  Bồ tát vì muốn hoá độ chúng sanh mà cần hành tinh tấn.  Ðây gọi là tinh tấn giáo hoá chúng sanh.

Tóm lại mà nói, bồ tát tu trợ đạo công đức, trợ vô thượng trí tuệ, tu tập Phật pháp mà phát khởi tinh tấn.  Những công đức của Phật thì vô lượng vô biên, bồ tát ma ha tát phát đại trang nghiêm, tu hành tinh tấn cũng lại như vậy, vô lượng vô biên.  Bồ tát ma ha tát tu hành tinh tấn, chẳng rời dục tâm[91] là vì cứu vớt các khổ.  Ðây gọi là đầy đủ Tỳ lê da ba la mật.

 

 

Phát Bồ Ðề Tâm Luận

Phẩm 8:  Thiền na ba la mật 

 

Hàng bồ tát tu tập thiền định như thế nào?  Hàng bồ tát tu tập thiền định vì lợi mình, lợi người và cả hai đều lợi ích.  Tu tập thiền định như vậy thì có thể trang nghiêm đạo bồ đề.

Bồ tát vì muốn điều phục chúng sanh khiến chúng sanh xa lìa khổ não mà tu tập thiền định.  Người tu thiền định phải khéo nhiếp tâm mình, tất cả loạn tưởng  không cho vọng khởi.  Khi đi đứng ngồi nằm phải buộc sự nhớ nghĩ của mình ở nơi hiện cảnh[92].  Quán sát thuận nghịch từ đầu lâu, cổ, xương sống, cánh tay, khuỷu tay, ngực, xương sườn, xương chậu, xương đùi, cẳng chân, cho đến mắt cá chân, tu tập An ban sổ tức[93].  ÐÂy gọi là bồ tát ban đầu tu tập định tâm.

Tu thiền định thì không tiếp nhận các điều ác, tâm thường an vui, gọi là tự lợi.  Giáo hoá chúng sanh khiến họ tu chánh niệm, gọi là lợi tha.  Do chỗ tu thanh tịnh tam muội của mình mà lìa được các ác giác quán[94], giáo hoá chúng sanh khiến họ đồng lợi ích như mình, gọi là cả hai đều lợi ích.

Do chánh nhân tu thiền định mà thu hoạch được bát giải thoát[95], cho đến chứng được Thủ lăng nghiêm tam muội[96], Kim cang tam muội[97], gọi là trang nghiêm đạo bồ đề.

Thiền định do 3 pháp mà sanh khởi.  Thế nào là ba?

1.      Văn tuệ.

2.      Tư tuệ.

3.      Tu tuệ.

Từ ba pháp này dần dần sanh khởi tất cả tam muội.

Thế nào là văn tuệ?  Ðối với giáo pháp được nghe, tâm thường vui thích (tiếp nhận).  Lại khởi niệm rằng, các pháp vô ngại giải thoát ... của Phật đều do đa văn mà được thành tựu.  Khởi niệm này rồi, trong tất cả thời gian cầu pháp càng thêm tinh cần, ngày đêm thường ưa nghe pháp, không có chán đủ.  Ðây gọi là văn tuệ.

Thế nào là tư tuệ?  Suy niệm, quán sát các pháp hữu vi như thật tướng (của nó), nghĩa là các pháp thì vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, niệm niệm sanh diệt, không lâu sẽ hư hoại.  Chúng sanh bị ràng buộc trong lo buồn, khổ não, yêu ghét, chỉ vì lửa tham sân si thiêu đốt, để rồi chồng chất thêm lên khổ não đời sau.  Tất cả đều không có thật tánh, cũng như huyễn hoá.  Thấy như vậy rồi, đối với tất caû các pháp hữu vi liền sanh tâm chán ngán muốn thoát ly, do vậy càng thêm tinh cần cầu trí tuệ Phật.  Và suy nghĩ rằng, trí tuệ của Như lai không thể nghĩ bàn, không thể so lường, có thế lực lớn, không ai hơn được, như năng lực hoá làm một cái thành lớn đem đến sự không sợ, sự yên ổn, không còn muốn lui về[98], như năng lực cứu vô lượng khổ não cho chúng sanh.  Biết như vậy thời thấy Phật có vô lượng trí và thấy pháp hữu vi là vô lượng khổ não, vì thế phát khởi chí nguyện thẳng cầu đại thừa vô thượng.  Ðây gọi là tư huệ.

Thế nào là tu tuệ?  Từ khi bắt đầu tu bạch cốt quán[99] cho đến khi thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đều gọi là tu huệ.  Ly dục, ly bất thiện pháp[100], có giác có quán[101], hỷ lạc do ly dục sanh[102], nhập vào sơ thiền.  Diệt giác và quán (của sơ thiền), nội tâm thanh tịnh, định tâm lại một chỗ, không giác không quán[103], với hỷ và lạc do định sanh[104], nhập vào nhị thiền.  Vì ly hỷ ở nhị thiền mà hành xả[105], tâm niệm an nơi tueä [106], thân cảm lạc thọ, một trạng thái mà các bậc hiền thánh tuyên bố rằng người đó có thể xaû, thường sống trong chánh niệm, trú trong an lạc [107], nhập vào tam thiền.  Với sự đoạn khổ đoạn lạc[108], với sự diệt trừ từ trước của ưu hỷ[109], bất khổ bất lạc [110], có sự thanh tịnh của niệm nhờ xả[111], nhập vào tứ thiền.  Vượt qua tất cả sắc tướng, diệt tất cả tướng có tính ngăn ngại[112], không nghĩ nhớ tất cả tướng dị biệt, biết (thân và cảnh như) hư không voâ biên, liền nhập Hư không vô sắc định xứ[113].  Vượt qua tất cả hư không tướng, biết không có (biên giới của) thức, liền nhập Vô sắc thức định xứ[114].  Vượt qua tất cả thức tướng, biết không có sở hữu[115], liền nhập Vô sở hữu Vô sắc định xứ[116].  Vượt qua tất cả cõi không có sở hữu, biết chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, an ổn, liền nhập Vô sắc phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ [117].  Chỉ tuỳ thuận giáo pháp mà tu hành[118] nhưng không ưa đắm[119], cầu vô thượng thừa, thành tối chánh giác.  Ðây gọi là tu huệ.

Bồ tát từ văn, tư, tu huệ này maø tinh cần nhiếp tâm thì có thể thành tựu Thông minh thiền[120], các tam muội và thiền na ba la mật.

Lại nữa, bồ tát tu định lại có 10 pháp hạnh, không giống pháp hạnh của hàng thanh văn, bích chi Phật.  Những gì là 10?

1.      Tu định là không có cái ngã “tôi đây”õ, vì đầy đủ các pháp thiền định của Như lai.

2.      Tu định là không vướng mắc, vì xả ly nhiễm tâm, không cầu an vui cho mình.

3.      Tu định là đủ các thông nghiệp[121], vì biết các tâm hành [122]của chúng sanh.

4.      Tu định là biết các loại tâm tánh, vì độ thoát tất cả chúng sanh.

5.      Tu định là thực hành đại bi, vì đoạn trừ phiền não kết.

6.      Tu định là tu các thiền tam muội, vì phải khéo biết nhập xuất, vượt khỏi tam giới.

7.      Tu định là thường được tự tại, vì đầy đủ hết thảy thiện pháp.

8.      Tu định là tâm mình tịch diệt, vì hơn hẳn các thiền tam muội của nhị thừa.

9.      Tu định là thường ngộ nhập trí tuệ, vì vượt qua các pháp thế gian đến bờ giác kia.

10.  Tu định là có khả năng làm cho chánh pháp hưng thịnh, vì tiếp nối rạng rỡ ngôi tam bảo, không cho đoạn tuyệt.

Pháp hạnh tu định như vậy là không giống pháp hạnh tu định của hàng thanh văn, bích chi Phật.

Lại nữa, vì muốn biết tất cả phiền não, tâm tưởng của chúng sanh nên tu tập caùc pháp thiền định trợ thành trụ tâm, để thiền định này trụ bình đẳng tâm, gọi đó là định.  Bình đẳng định như vậy tức là bình đẳng nơi không, vô tướng, vô nguyện, vô tác.  Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác bình đẳng thì chúng sanh bình đẳng.  Chúng sanh bình đẳng thì các pháp bình đẳng.  Thể nhập các pháp bình đẳng như vậy gọi là định.

Lại nữa, bồ tát lúc nhập thế tu hành nhưng không tạp nhiễm thế gian, khi xả thế nhập pháp thì diệt tất cả kết sử, xa lìa chỗ ồn náo, ưa ở một mình.  Bồ tát tu hành thieàn định như vậy thì tâm an, dừng trụ, lìa xa thế sự.

Lại nữa, bồ tát tu định được đầy đủ các pháp thông, trí, phương tiện và tuệ.  Thế nào là thông?  Thế nào là trí?  Khi thấy sắc tướng, khi nghe âm thanh, biết được tâm người, nhớ được quá khứ, có thể đi đến khắp các thế giới chư Phật, đây gọi là thông.  Biết sắc tức pháp tánh[123], hiểu rõ âm thanh, tâm hành, biết tánh tướng tịch diệt, ba đời bình đẳng, biết thế giới chư Phật đồng như hư không tướng, chẳng có quả chứng diệt tận, đây gọi là trí.  Thế nào laø phương tiện?  Thế nào là tuệ?  Khi nhập thiền định, khởi đại từ bi, không xả thệ nguyện, tâm như kim cang, quán sát thế giới của chư Phật để trang nghiêm bồ đề đạo tràng.  Ðây gọi là phương tiện.  Tâm thường vắng lặng, không thấy có ngã, không thấy có chúng sanh, tư duy thể tánh của các pháp vốn không loạn động, thấy thế giới chư Phật đồng với hư không, quán chỗ trang nghiêm đồng với tịch diệt.  Ðây gọi là tuệ.

Ðây gọi bồ tát tu hành thiền định.  Thông, trí, phương tiện, tuệ là bốn pháp sai khác, nhưng neáu cùng thực hành cả bốn thì được gần với quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác.  Bồ tát ma ha tát tu hành thiền định khoâng còn thừa ác tâm[124], vì biết các pháp vốn bất động.  Ðây gọi là đầy đủ thiền na ba la mật.

 

 

Phát Bồ Ðề Tâm Luận

Phẩm 9:  Bát Nhã Ba La Mật

 

Hàng bồ tát tu tập trí tuệ như thế nào?  Hàng bồ tát tu tập trí tuệ vì lợi mình, lợi người và cả hai đều lợi ích.  Tu tập trí tuệ như vậy thì có thể trang nghiêm đạo bồ đề.

Bồ tát vì muốn điều phục chúng sanh khiến lìa khổ não mà tu tập trí tuệ.  Người tu tập trí tuệ tất yếu phải học tất cả việc thế gian, phải xả tham sân si, thiết lập từ tâm, thương xót làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, thường nghĩ việc cứu giúp chúng sanh mà làm người dẫn đường, coù thể phân biệt nói rõ chánh đạo, tà đạo, thiện báo,  ác báo.  Ðây gọi là bồ tát ban đầu tu tập trí tuệ.

Do tu trí tuệ mà xa lìa vô minh, trừ được phiền não chướng và trí tuệ chướng[125], gọi là tự lợi.  (Dùng trí tuệ) giáo hoá chúng sanh khiến họ tự điều phục tâm, gọi là lợi tha.  Ðem sự tu tập (trí tuệ) hướng về Vô thượng bồ đề của mình, giáo hoá chúng sanh khiến họ đồng được lợi ích như mình, gọi là cả hai đều lợi ích.

Do chánh nhân tu tập trí tuệ mà chứng được sơ địa cho đến tát bà nhã trí[126], gọi là trang nghiêm đạo bồ đề.

Bồ tát tu hành trí tuệ có 20 tâm mà có thể từ từ thiết lập.  Hai mươi tâm như thế nào?

1.      Tâm phát khởi thiện dục [127], thân cận thiện hữu.

2.      Tâm xả ly kiêu mạn, không cho phóng dật.

3.      Tâm tuỳ thuận giáo hoá, vui thích nghe pháp.

4.      Tâm nghe pháp không chán, khéo léo suy tư.

5.      Tâm hành tứ phạm hạnh[128], tu tập chánh trí[129].

6.      Tâm quán bất tịnh hạnh[130], ý niệm chán lìa.

7.      Tâm quán tứ chân đế, sanh 16 thánh tâm[131].

8.      Tâm quán 12 nhân duyên, tu tập minh tuệ[132].

9.      Tâm nghe các ba la mật, nhớ muốn tu tập.

10.  Tâm quán vô thươøng, khổ, không, vô ngã, tịch diệt.

11.  Tâm quán không, vô tướng, vô nguyện, vô tác.

12.  Tâm quán ấm, giới, nhập, có nhiều tội lỗi.

13.  Tâm hàng phục phiền não, chẳng phải người bạn đồng hành.

14.  Tâm gìn giữ các thiện pháp, như là người bạn đồng hành.

15.  Tâm kiềm chế ác pháp, muốn đoạn trừ hẳn.

16.  Tâm tu tập chánh pháp, mong thêm rộng lớn.

17.  Tâm tuy tu pháp nhị thừa, thường ưa xả ly.

18.  Tâm nghe bồ tát tạng, vui vẻ phụng hành.

19.  Tâm lợi mình lợi người, tuỳ thuận tăng tiến các thiện nghiệp.

20.  Tâm nắm giữ hạnh chân thật, cầu tất cả Phật pháp.

 

Lại nữa, bồ tát tu hành trí tuệ lại có 10 pháp khéo tư duy, không cùng với pháp tu của hàng thanh văn, bích chi Phật.  Mười pháp như thế nào?

1.      Tư duy phân biệt căn bản định và căn bản tuệ[133].

2.      Tư duy không có xả đoạn thường nhị biên[134].

3.      Tu duy nhân duyên sanh khởi các pháp.

4.      Tư duy vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả[135].

5.      Tư duy các pháp không có ba đời: quá khứ, vị lai, hiện tại.

6.      Tu duy không phát khởi gì cả, không tu hành gì cả, nhưng không đoạn nhân quả.

7.      Tư duy các pháp vốn không nhưng phải trồng thiện căn, không biếng nhác.

8.      Tư duy vô tướng nhưng vẫn độ chúng sanh không bỏ sót.

9.      Tư duy vô nguyện nhưng lại cầu bồ đề không lìa xa.

10.  Tư duy vô tác mà hiện tại thọ thân không chối bỏ.

 

Lại nữa, bồ tát lại có 12 pháp môn khéo nhập.  Những gì là mười hai?

1.      Khéo nhập không, vô tướng, vô nguyện tam muội[136] nhưng không thủ chứng.

2.      Khéo nhập các thiền tam muội nhưng chẳng tuỳ thiền sanh[137].

3.      Khéo nhập các thông trí nhưng không chứng pháp vô lậu.

4.      Khéo nhập pháp nội quán nhưng không chứng quyết định[138].

5.      Khéo nhập quán tất cả chúng sanh không tịch nhưng không xả đại từ.

6.      Khéo nhập quán tất cả chúng sanh vô ngã nhưng không xả đại bi.

7.      Khéo nhập sanh vào ác thú nhưng chẳng phải do nghiệp lực sanh.

8.      Khéo nhập ly dục nhưng chẳng chứng pháp ly dục.

9.      Khéo nhập xả dục lạc nhưng không xả pháp lạc.

10.  Khéo nhập xả tất cả hý luận[139], các sự hiểu biết nhưng không xả phương tiện và các pháp quán.

11.  Khéo nhập suy tư pháp hữu vi nhiều tội khổ, nhưng không xảhữu vi.

12.  Khéo nhập pháp vô vi thanh tịnh viễn ly, nhưng không trụ vô vi.

Bồ tát có thể tu tập tất cả “thiện nhập pháp môn” tức là có thể khéo ngộ giải cái không, cái vô sở hữu của ba đời.  Quán được như vậy gọi là quán tam thế không, là có sức trí tuệ vậy.  Ở nơi ba đời chư Phật mà gieo trồng vô lượng công đưùc, thảy đều đem hồi hướng Vô thượng bồ đề, đây gọi là bồ tát khéo quán tam thế phương tiện.

Lại nữa, quán pháp quá khứ đã qua và không thể đi đến vị lai, nhưng thường tu thiện căn, tinh cần không giãi đãi.  Quán pháp vị lai tuy chưa sanh khởi nhưng không bỏ tinh tấn, nguyện hướng bồ đề.  Quán pháp hiện tại tuy niệm niệm sanh dieät nhưng không quên tâm mình, phát nguyện hướng về bồ đề.  Ðây gọi là bồ tát tu quán tam thế phương tiện, rằng: quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại không dừng.  Quán như vậy cũng có nghĩa là quán sát về tâm vương, tâm sở luôn sanh diệt, tan hoại, nhưng thường không bỏ việc tích chứa thiện căn và các pháp trợ bồ đề.  Ðây gọi là bồ tát tu quán tam thế phương tiện.

Lại nữa, bồ tát quán tất cả thiện, bất thiện, ngã, vô ngã, thật, bất thật, không, bất không, thế đế, chân đế, chánh định, tà định, hữu vi, vô vi, hữu lậu, vô lậu, hắc pháp, bạch pháp, sanh tử, niết bàn, toàn là thể tánh như thế của pháp giới: nhất tướng, vô tướng, và trong đó không có pháp vô nào có thể gọi là voâ tướng, cũng không có pháp hữu nào để làm vô tướng[140].  Ở đây gọi hết thảy pháp ấn là bất khả hoại ấn.  Ở trong pháp ấn ấy cũng không có cái tướng của ấn, gọi là chân thật trí tuệ, phương tiện, bát nhã ba la mật.  Bồ tát ma ha tát phát bồ đề tâm nên học như vậy, nên hành như vậy.  Hành được như vậy liền gần với quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác.  Bồ tát ma ha tát tu hành trí tuệ mà tâm vô sở hành[141], vì pháp tánh vốn thanh tịnh.  Ðây gọi là đầy đủ bát nhã ba la mật.

 

 

Phát Bồ Ðề Tâm Luận

Phẩm 10:  Như Thật Pháp Môn 

Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân tu tập sáu ba la mật để cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác thì phải xa lìa bảy pháp.  Những gì là bảy?

1.      Lìa ác tri thức.  Ác tri thức là người dạy ta lìa bỏ thượng tín, thượng dục, thươïng tinh tấn, chỉ huân tập các tạp hạnh.

2.      Lìa nữ sắc, tham đắm, ham muốn, những thói quen của người đời, nhưng vẫn cùng làm việc với họ.

3.      Lìa những ác giác, không nên nhìn ngắm hình dung của mình, sanh tâm tham tiếc, quý trọng, say đắm, cố giữ gìn nó vì cho rằng có thể giữ gìn được lâu.

4.      Lìa sự giận dữ, bốc đồng, ghen ghét, gây ra tranh cãi và làm hại loạn thiện tâm người khác.

5.      Lìa tâm phoùng dật, kiêu mạn, biếng nhác, ỷ mình có chút điều thiện mà khinh miệt người khác.

6.      Lìa nhưõng sách luận ngoại đạo, văn chương thế tục, lời lẽ trau chuốt.  Chẳng phải lời Phật dạy thì không nên ca ngợi.

7.      Không nên gần gũi tà kiến, ác kiến.

Bảy pháp như vậy phải nên xa lìa.  Ðức Phật dạy rằng, sẽ không tìm thấy một pháp nào khác chướng sâu Phật đạo ngoài bảy pháp này.  Cho nên bồ tát cần phải xa lìa.

Nếu muốn mau chứng Vô thượng bồ đề thì phải tu bảy pháp.  Những gì là bảy?

1.      Bồ tát nên gần gũi thiện tri thức.  Thiện tri thức chính là chư Phật và chư bồ tát.  Nếu có vị thanh văn hay người nào có thể dạy cho người đang tu bồ tát đạo trụ sâu vaøo pháp tạng (của bồ tát) và các pháp ba la mật thì cũng gọi là thiện tri thức bồ tát vậy.

2.      Bồ tát cần phải gần gũi hàng xuất gia, cũng phải gần gũi chốn a lan nhã, lìa khỏi nữ sắc vaø các ham muốn.  Tuy không tập nhiễm thói đời nhưng vẫn tuỳ việc cộng tác.

3.      Bồ tát cần phải tự quán thân mình như phân đất, nhơ nhớp đủ loại, tập hợp của gió lạnh, máu nóng[142], không thể tham đắm, ngày qua đến chết, nên nghĩ chán lìa, tinh cần tu đạo.

4.      Bồ tát cần phải thường hành hoà nhẫn, cung kính, nhu thuận, cũng phải khuyến hóa mọi người trụ vào pháp nhẫn.

5.      Bồ tát cần phải tu tập tinh tấn, thường sanh hổ thẹn, kính thờ sư trưởng, thương xót kẻ nghèo cùng hạ đẳng, thấy người bị nguy khốn đem thân chịu thayï.

6.      Bồ tát cần phải tu tập các phaùp phương đẳng đại thừa và bồ tát tạng, thọ trì, đọc tụng những pháp đươïc Phật ca ngợi.

7.      Bồ tát cần phải gần gũi tu tập đệ nhất nghĩa đế, nghĩa là thật tướng của các pháp là nhất tướng[143], vô tướng[144].

Nếu hàng bồ tát muốn mau chóng chứng Vô thươïng bồ đề thì phải gần gũi bảy pháp như vậy.

Lại nữa, nếu người phát bồ đề tâm, đem chỗ sở đắc của mình có được trong vô lượng a tăng kỳ kiếp tu tập các pháp như: từ bi, hỷ xả, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, thì phải biết người đoù chưa lìa sanh tử, không hướng bồ đề.  Vì sao vậy?  Vì họ còn cái tâm thấy có sở đắc và còn cái thấy thủ đắc: thấy ấm, giới, nhập, thấy ngã, thấy nhân, thấy chúng sanh, thấy thọ mạng, thấy từ bi hỷ xả, thấy bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ và các kiến chấp khác.  Tóm yếu mà nói, còn cái thấy Phật pháp tăng và cái thấy niết bàn.  Cái thấy có thủ đắc như vậy là còn tâm chấp trước.  Chấp trước cuõng gọi là tà kiến.  Vì sao nói như vậy?  Là vì người tà kiến bị luân chuyển trong tam giới, trọn không bao giờ ra khỏi tam giới.  Người chấp trước cũng lại như vậy, trọn không bao giờ ra khỏi sự chấp tướng sai biệt, không thể thành tựu vô thượng bồ đề.

Nếu người phát bồ đề tâm thì cần phaûi quán sát cái tâm không tướng.  Những gì là tâm?  Sao gọi là vô tướng?  Tâm là (tâm) ý thức, tức là thức ấm, ý nhập và ý giới[145].  Tâm không tướng là tâm không có tướng của tâm, cũng không có tác giả[146].  Vì sao vậy?  Tướng của tâm là không, không có tác giả, không khiến ai là tác giả.  Nếu không có tác giả thì không có tướng làm ra.  Nếu bồ tát hiểu rõ pháp như vậy thì đối với tất cả các pháp không có chấp trước.  Do không có chấp trước nên đối với các pháp thiện ác, hiểu rõ không có quả báo (thiện ác).  Tu tập tâm từ thì hiểu rằng không có ngã.  Tu tập tâm bi thì hiểu rằng không có chúng sanh.  Tu tập tâm hỷ thì hiểu rằng không có mạng giả[147].  Tu tập tâm xả thì hiểu rằng không có nhân.  Tuy hành bố thí nhưng không thấy có vật bố thí.  Tuy hành trì giới nhưng không thấy tâm mình thanh tịnh.  Tuy hành nhẫn nhục nhưng không thấy có chúng sanh để nhẫn nhục.  Tuy hành tinh tấn nhưng không có tâm ly dục.  Tuy hành thiền định nhưng không có tâm trừ ác.  Tuy hành trí tuệ mà tâm vô sở hành.  Ở trong tất cả duyên (tu tập) đều có trí tuệ nhưng không chấp trước vào trí tuệ, không có thủ đắc trí tuệ, không thấy mình có trí tuệ.  Hành giả tu hành trí tuệ như vậy, không thấy có tu, không gì chẳng tu, vì giáo hoá chúng sanh hiện hành lục độ mà nội tâm thanh tịnh. 

Hành giả khéo tu tâm mình như vậy thì trong khoảng một niệm đã trồng thiện căn, phước đức quả báo vô lượng vô biên, trăm ngàn muôn ức a tăng kỳ kiếp không thể cùng tận, tự nhiên được gần quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

 

Phát Bồ Ðề Tâm Luận

Phẩm 11:  Không Vô Tướng 

Thuở trước, bấy giờ đức Phật ở trong rừng trúc Ca lan đà cùng với hàng đại chúng nhiều vô lượng tập hội.  Khi đó, đức Thế tôn tuyên bày chánh pháp, ngài bảo đại chúng rằng: Như lai đã nói về đặc tính vô tánh[148], không[149], vô sở hữu[150] của các pháp.  Tất cả thế gian đối với những đặc tính này của các pháp rất khó tin, khó hiểu.  Vì sao vậy?

Sắc không trói buộc vào cái gì nên cũng không cởi mở.  Thọ, tưởng, hành, thức cũng không trói buộc và không cởi mở.  Sắc là vô tướng[151], ly các tướng[152].  Thọ, tưởng, hành, thức là vô tướng, ly các tướng.  Saéc là vô niệm[153], ly các niệm[154].  Thọ, tưởng, hành, thức là vô niệm, ly các niệm.  Nhãn và sắc, nhĩ và thanh, tỷ và hương, thiệt và vị, thân và xúc, ý và pháp, cũng lại như vậy. 

Không lấy, không bỏ, không dơ, không sạch, không đến, không đi, không trước, không sau, không tối, không sáng, không si mê, không trí tuệ, chẳng có bờ bên này, chẳng có bờ bên kia, cũng chẳng có dòng nước ở khoảng giữa hai bờ, chính gọi là không trói buộc.  Vì không trói buộc, nên gọi là không.  Không đó gọi là vô tướng.  Vô tướng cũng không, nên gọi là không.  Không đó là vô niệm.  Vô niệm cũng không, nên gọi là không.  Ý niệm về không cũng không, nên gọi là không[155].  Trong không, không có thiện, không có ác, cho đến cũng không có không tướng, nên gọi là không. 

Bồ tát nếu biết như vậy tức là biết tánh của ấm, giới, nhập, thì không có thủ chấp, chính gọi là pháp nhẫn.  Bồ tát do pháp nhẫn này mà được thọ ký nhẫn.

Các người con Phật, ví như có người ngữa mặt lên trời mà viết vào hư không, chép hết 12 bộ kinh[156] của Như lai, trải qua vô lượng kiếp.  Khi Phật pháp đã diệt, người cầu pháp không thấy, không nghe chánh pháp, mà chỉ thấy, chỉ nghe chúng sanh điên đảo, tạo tội không cùng.  Lại có một người trí tuệ thanh tịnh từ phương xa, thương xót chúng sanh, muốn rộng cầu Phật pháp, nên đi đến nơi này, thấy trong hư không có văn tự chép rất rõ ràng, thì liền biết ngay, rồi đọc tụng và thọ trì.  Người đó đúng theo lời kinh chép mà thật hành, giảng rộng phân biệt cho chúng sanh được lợi ích.  Người chép văn tự  vào hư không và người thấy biết trong hư không có văn tự mới có thể mật biết với nhau, có thể truyền thông với nhau, rồi tu tập, thọ trì mà hướng dẫn chúng sanh khiến lìa những trói buộc.

Các người con Phật, đức Phật dạy rằng, lúc ở đời quá khứ, khi còn cầu đạo bồ đề, Ngài đã được gặp 33 ức 9 vạn 8 ngàn đức Phật.  Lúc bấy giờ Ngài làm Chuyển luân thánh vương, đem tất cả nhạc khí cúng dường các đức Phật và các chúng đệ tử.  Vì Ngài còn thấy có chỗ sở đắc nên không được các đức Phật thọ ký.  Sau đó Ngài lại gặp 8 vạn 4 ngàn ức 9 vạn Bích chi Phật, cũng đem tứ sự[157] mà suốt đời cúng dường.  Qua đây rồi, Ngài lại gặp 620 vạn 1261 đức Phật.  Lúc bấy giờ, Ngài đều làm Chuyển luân thaùnh vương, đem tất cả nhạc khí mà suốt đời cúng dường.  Sau khi các đức Phật diệt độ lại xây tháp bằng bảy báu để cúng dường xá lợi.  Sau đó có các đức Phật ra đời, Ngài đều phụng ngưỡng, khuyến thỉnh chuyển pháp luân và cúng dường.  Có trăm ngàn vạn ức đức Phật như vậy ra đời.  Các đức Như lai này đều trụ trong pháp không mà nói các pháp tướng.  Do Ngài còn có chỗ sở đắc nên cũng không được thọ ký.  Lần lượt như vậy cho đến khi gặp được đức Phật Nhiên Ðăng ra đời, thấy Phật, nghe pháp, liền chứng được hết thảy vô sanh pháp nhẫn.  Ðược pháp nhẫn này rồi mới được Phật Nhiên Ðăng thọ ký.  Ðức Như lai Nhiên Ðăng trụ trong pháp không diễn nói các pháp tướng, độ thoát vô lượng trăm ngàn chúng sanh, nhưng không thấy có đối tượng diễn nói, không có đối tượng độ thoát.

Ðức Thích Ca Mâu Ni Thế tôn hiện ra nơi đời, trụ trong pháp không, diễn nói bằng văn tự để khai thị, giáo hoá lợi ích cho chúng sanh được vui mừng, đều được tiếp nhận mà tu hành, nhưng Ngài không thấy có khai thị, không thấy có chúng sanh tiếp nhận.  Phải biết pháp tánh, pháp tướng ở đây rốt ráo không.  Người chép văn tự vào hư không cũng không, người biết trong hư không có văn tự cũng không.  Người thuyết pháp cũng không, người hiểu pháp cũng không.  Từ xưa nay là không, vị lai cũng không, hiện tại cũng không.  Tuy vậy các bồ tát nhờ tích tập vạn thiện, phương tiện lực, tinh cần không giãi đãi mà thành tựu công đức viên mãn, được quả vị Vô thượng  chánh đẳng chánh giác.  Pháp không này thật rất là khó (ngộ nhập), không thể nghĩ bàn.  Trụ trong pháp vô mà nói các pháp tướng, ở trong chỗ vô đắc[158] mà nói pháp hữu đắc.  Những việc trên đây đều là cảnh giới của chư Phật, phải dùng vô lượng trí mới có thể hiểu nổi (chút phần), chẳng phải chỗ suy lường mà biết hết được.

Bồ tát mới phát ý, heát lòng kính ngưỡng, vui thích bồ đề, do tin lời Phật mà dần dần có khả năng ngộ nhập (cảnh giới của chư Phật).  Vì sao gọi là tín?  Tín quán tứ đế, trừ các phiền não vọng kiến thắt buộc, đắc A la hán.  Tín quán thập nhị nhân duyên, diệt trừ vô minh sanh khởi các hành, đắc Bích chi Phật.  Tín tu tứ vô lượng tâm, lục ba la mật, đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác.  Ðây gọi là Tín nhẫn.

Chúng sanh từ vô thỉ đến nay bị trầm luân sanh tử là do vọng tưởng, chấp trước, không thấy được pháp tánh, thì trước phải quán sát tự thân do ngũ uẩn hoà hợp, chúng sanh chỉ là giả danh; vì tự thân là vô ngã nên cũng không có chúng sanh.  Vì sao vậy?  Nếu thật có ngã thì ngã đó phải tự tại, nhưng chúng sanh thường bị sanh già bịnh chết nó xâm hại, không được tự tại, do đó biết rằng vô ngã.  Vô ngã tức là vô tác giả.  Vô tác giả thì cũng vô thọ giả.  Pháp tánh là thanh tịnh, như thật thường trú.  Quán sát như vậy chưa được rốt ráo thì gọi là Thuận nhẫn.  Bồ tát tu Tín nhẫn và Thuận nhẫn rồi thì không bao lâu sẽ thành tựu Tối thượng pháp nhẫn[159]

 

Phát Bồ Ðề Tâm Luận

Phẩm 12:  Công Ðức Trì 

Bồ tát tu hành đầy đủ tâm vô tướng, nhưng tâm chưa từng trụ nơi tác nghiệp, nghĩa là bồ tát đoái với các nghiệp tướng, biết mà cố làm.  Bồ tát vì tu thiện căn, cầu bồ đề nên không xả hữu vi; vì các chúng sanh tu tâm đại bi nên không trụ vô vi; vì nhất thiết chân diệu trí của Phật nên không xả sanh tử; vì độ vô biên chúng sanh khiến không còn dư nên không trụ niết bàn.  Ðây chính là hàng bồ tát ma ha tát thâm tâm cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Các người con Phật, bồ tát thành tựu 10 pháp sau đây thì trọn không thối thất đạo Vô thượng bồ đề.  Những gì là mười?

1.      Bồ tát thâm tín phát tâm cầu Vô thượng bồ đề, giáo hoá chúng sanh cũng phát tâm như vậy.

2.      Thường ưa thấy Phật, đem những vật quý báu của mình dâng lên cúng dường chư Phật để sâu trồng thiện căn.

3.      Vì cầu pháp nên đem tâm tôn kính cúng dường pháp sư, nghe pháp không chán.

4.      Nếu thấy các thầy tỳ kheo phá Tăng[160] ở hai bộ chúng[161] gây chuyện, tranh cãi lẫn nhau, gây tội lỗi cho nhau, thì phải cần cầu mọi phương tiện để cho hai bên hoà hợp.

5.      Nếu thấy quốc độ nào tà ác càng tăng, Phật pháp muốn hoại, thì phải thường đọc tụng, giải nói chánh pháp, nhẫn đến một bài kệ, để cho chánh pháp không đoạn dứt, chuyên tâm hộ pháp, không tiếc thân mạng.

6.      Thấy caùc chúng sanh bị đủ kinh sợ khổ não, làm sự cứu hộ, cho sự vô uý.

7.      Phát khởi tinh tấn tu hành để cầu các kinh pháp thậm thâm thuộc về phương đẳng đại thừa và bồ tát tạng.

8.      Ðã được các pháp này rồi thì phải thọ trì, đọc tụng, đúng như pháp mà thực hành, đúng như pháp mà an trú.

9.      Ðã an trú nơi pháp (phương đẳng đại thừa và bồ tát tạng) thì có thể khuyến khích, hướng dẫn cho nhiều chúng sanh khiến họ được dự vào trong pháp này.

10.  Vào trong pháp này rồi, thì có thể vì chúng sanh thuyeát giải, khai thị, giáo hoá, khuyến khích và tán thưởng cho họ, để rồi được ngộ nhập.

Bồ tát thành tựu được 10 pháp như vậy rồi, thì đối với đạo Vô thượng bồ đề trọn không thối thất.  Bồ tát cần phải tu hành theo giáo nghĩa của kinh này.  Giáo nghĩa của kinh điển (phương đẳng đại thừa và bồ tát tạng) như vậy không thể nghĩ bàn, nghĩa là nó có thể sanh khởi tất cả chủng tử đại từ bi.  Kinh này có khả năng khai ngộ, dẫn dắt chúng sanh bị trói buộc đủ thứ, khiến cho họ phát bồ đề tâm.  Kinh này là chánh nhân tu hành cho người hướng về bồ đề.  Kinh này có khả năng thành tựu được tất cả hạnh vô động của bồ tát.  Kinh này được chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại hộ niệm cho.

Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn tinh cần tu tập Vô thượng bồ đề thì phải diễn giảng  rộng rãi, truyền bá kinh điển như vậy nơi Diêm phù đề không cho đoạn dứt, làm cho vô lượng vô biên chúng sanh được nghe kinh này.  Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào được nghe kinh này thì những người đó đều được lợi ích tức thời, được đại trí tuệ tụ không thể nghĩ bàn, được phước đức quả báo không thể so lường.  Vì sao được như vậy?  Vì kinh này có thể khai ngộ vô lượng huệ nhãn thanh tịnh, có thể khiến cho Phật chủng nối mãi không dứt, có thể cứu vô lượng khổ não của chúng sanh, có thể chiếu phá tất cả vô minh si ám, có thể phá trừ tứ ma[162] và các ma nghiệp[163], có thể làm hư hoại tất cả tà kiến của ngoại đạo, có thể diệt trừ lửa lớn phiền não, có thể làm tiêu mất nhân duyên sanh khởi các hành, có thể đoạn trừ sáu cưïc trọng bịnh của chúng sanh:  đó là xan tham, phá giới, sân hận, giãi đãi, loạn ý và ngu si, có thể trừ nghiệp chướng, báo chướng,  pháp chướng, phiền não chướng, chư kiến chướng, vô minh chướng, trí chướng, tập chướng.

Nói tóm lại, kinh này có khả năng tiêu diệt không sót tất cả ác pháp, có khả năng làm cho tăng trưởng mau chóng tất cả thiện pháp.

Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe kinh này rồi hoan hỷ vui thích, sanh tâm hy hữu, phải biết người này đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, sâu trồng thiện căn.  Vì sao nói vậy?  Vì kinh này chính là chỗ thực thi của ba đời chư Phật, cho nên hành giả được nghe kinh này phải tự vui mừng rằng may thu hoạch sự thiện lợi lớn.

Nếu có người biên chép, đọc tụng kinh này phải biết người đó được phước báo vô lượng vô biên.  Vì sao nói vậy?  Vì kinh này là chỗ duyên khởi vô biên, là nơi hưng phát vô lượng đại thệ nguyện, để nhiếp thọ tất cả chúng sanh, để trang nghiêm Vô thượng đại bồ đề, cho nên được phước đức cũng lại như vậy, nghĩa là không có hạn lượng. 

Nếu người nào có thể giải rõ nghĩa thú kinh này, đúng như pháp mà tu hành, thì tất cả chư Phật trong a tăng kỳ kiếp dùng vô tận trí nói về phước báo của người đó cũng không cùng tận.  Nếu chỗ nào có pháp sư giảng thuyết kinh này, phải biết nơi đó liền nên xây tháp.  Vì sao vậy?  Vì chánh pháp chân thật từ nơi đó xuất sanh.  Kinh này tuỳ ở quốc độ, thành ấp, tụ lạc, chùa miếu, tịnh xá nào, phải biết những nơi đó chính có pháp thân.  Nếu có người nào cúng dường hoa hương, kỷ nhạc, lụa treo, tràng phan, bảo cái, ngâm ca, tán thán, chấp tay cung kính đối với kinh này, phải biết người đó đã nối tiếp Phật chủng, huống lại thọ trì đầy đủ kinh này.  Những người đoù thành tựu công đức, trí tuệ, trang nghiêm (pháp thân), ở đời vị lai được Phật thọ ký, quyết định thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác. 


 

[1] Ðẳng không: bình đẳng như hư không.

[2] Bất động trí: Trí tuệ của Phật lấy đại bồ đề tâm làm thể.  Ðại bồ đề tâm là bản tánh thanh tịnh, vô vi tịch diệt, nên gọi là bất động.

[3] Ðại phương đẳng: Theo truyền thống đại thừa, sở dĩ gọi là kinh điển phương đẳng vì ý nghĩa của nó rộng lớn như hư không, vì nói về chân lý chính xác và rộng lớn.  Phương đẳng còn gọi là phương quảng: là tất  cả ngôn thuyết có liên hệ đến bồ tát tạng, là chỗ sở y để có thể đem lại lợi ích và an lạc cho chúng sanh.  Cũng gọi là quảng phá: vì khả năng phá huỷ một cách rộng rãi các chướng ngại.  Cũng gọi là vô tỷ: vì không có pháp nào có thể so sánh bằng.  (Ðại bát niết bàn kinh, A tì đạt ma tập luận)

[4] Tối thượng diệu: Vấn đề trọng tâm của luận này là phát bồ đề tâm.  Bồ đề tâm là căn bản tối quan trọng của bồ tát đạo nên gọi là tối thượng.  Như luận này nói: “Bồ đề tâm là chỗ phát sanh tất cả thiện pháp, thieàn định, trí tuệ”, nên gọi là diệu vậy.

[5] Ma đắc lặc già tạng: Tên gọi riêng cho luận tạng, dịch là bản mẫu, hành mẫu.  Giáo lý là gốc, luận tạng là mẹ sinh ra giáo lý nên gọi là bản mẫu.  Luận tạng cũng còn là bà mẹ sinh ra các hành pháp (giáo pháp tu tập) nên gọi là hành mẫu.

[6] Trang nghiêm bồ đề: Bồ đề (bodhi) là tri, giác, tức là sự giác ngộ mà căn bản là tuệ tâm sở.  Trang nghiêm bồ đề của toàn bộ luận này là trang nghiêm Vô thượng bồ đề (A nậu đa la tam miệu tam bồ đề = sự giác ngộ tối thượng, Vô thượng chánh đẳng chánh giác).  Ðó là từ ngữ bồ đề trong bồ đề tâm.

[7] Ngũ tụ giới: 1. Ba la đề mộc xoa,  2.  Ðịnh cộng giới,  3.  Vô lậu giới,  4.  Nhiếp căn giới,  5.  Vô tác giới.  Xem phẩm Thi la ba la mật, thứ 5.

[8] Tất cánh nhẫn = Thanh tịnh tất cánh nhẫn: sự nhẫn nhục không kẹt nhị tướng.  Xem phẩm Sằng đề ba la mật, thứ 6.

[9] Chỉ dạy lợi mừng:  Chánh văn là thị giáo lợi hỷ.  Ðây là lối thuyết pháp của Phật và bồ tát, theo đó thị là trình bày cho người nghe rõ thiện ác, tốt xấu; giáo là thuyết phục người nghe bỏ ác làm lành, rời xấu theo tốt; lợi là chỉ ra sự lợi ích của việc thực hành ấy; hỷ là tán thưởng sự thực hành ấy cho người nghe vui mừng.

[10] Vô kiến đảnh tướng (đỉnh đầu không thể nhìn thấy):  Trên đỉnh đầu của Phật có gò thịt nổi cao lên, cũng gọi là nhục kế, là một trong 32 tướng đại trượng phu của Phật.  Trong tướng này có cái đỉnh điểm mà tất cả trời và người không thể nhìn thấy được.  Trí tuệ vô kiến đảnh tướng là nói về trí tuệ cao tột, tức Phật trí.

[11] Vô sanh pháp nhẫn = tuệ giác vô sanh:  Vô sanh là không phát sanh phiền não, ác nghiệp.  Pháp vô sanh (= không nổi dậy/ không phát sanh) là thật tướng (bản thể) vốn không phải phiền não, không sanh phiền não.  Thể nhận pháp vô sanh ấy gọi là Vô sanh pháp nhẫn.  Ðược tuệ giác này là đến địa vị Bất thối chuyển (A bệ bạt trí)

[12] Thiện pháp bao gồm 37 phẩm trợ đạo của thanh văn.  Thiền định, trí tuệ chỉ cho lục độ vạn hạnh của bồ tát.

[13] Thế giới quan Phật giáo cho rằng, do nghiệp sai biệt của loài hữu tình nên thế gian chia ra 3 cõi: Dục giới (Kamadhatu), Sắc giới (Rupadhatu) và Vô sắc giới (Arupadhatu).  Dục giới là nơi chúng sanh còn nhiễm năm dục lạc.  Sắc giới là nơi chúng sanh đã ly dục nhưng còn có sắc tướng trang nghiêm của thân và cảnh.  Vô sắc giới có thể gọi là tinh thần giới, vì nơi đây tuyệt tướng thân cảnh, không có sắc uẩn, chỉ có thọ, tưởng, hành, thức, 4 ấm mà thôi.  Ba cõi như vậy chia làm 25 hữu.  Hữu có nghĩa là “có nhân có quả, sanh tử liên tục, không phải giải thoát”.  Phần Dục giới có 14 hữu, chia ra làm 3: 1. Bốn ác thú:  địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a tu la.  2.  Bốn đại châu:  Nam thiệm bộ châu, Ðông thắng thần châu, Tây ngưu hoá châu và Bắc câu lô châu.  3.  Sáu tầng trời (lục dục thiên):  Tứ vương thiên, Ðao lợi thiên, Tu dạ ma thiên, Ðâu suất thiên, Hoá lạc thiên và Tha hoá tự tại thiên.  Phần Sắc giới có 7 hữu:  Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Ðại phạm thiên trong Sơ thiền, Vô tưởng thiên và Tịnh cư thiên trong Tứ thiền.  Phần Vô sắc giới có 4 hữu:  Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hứu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. 

[14] Như trường hợp ngài Ðịa tạng bồ tát phát nguyện: Chúng sanh độ tận phương chứng bồ đề.  Vì chúng sanh giới thì vô tận nên ngài Ðịa tạng mãi mãi làm bồ tát qua lại trong mười phương.

[15] Do bồ tát phát tâm .... giới hạn:  Theo sát chánh văn, lẽ ra phải dịch là: Do chúng sanh giới không có cùng tận nên bồ tát phát tâm ngang bằng chúng sanh giới. (Bởi vì) Chúng sanh giới thì không có giới hạn vậy.

[16] Thiện tri thức: Phật dạy: A nan, đừng nói thiện tri thức là bán phần phạm hạnh, vì lẽ chính thiện tri thức là toàn phần phạm hạnh.  Thiện tri thức là người mà ta có thể thân cận học hỏi Phật pháp, là người có thể hỗ trợ và hướng dẫn ta tu hành.

[17] Phẩm Hạnh nguyện nói: Trong các cách cúng dường, pháp cúng dường là tối thượng.  Pháp cúng dường là tuỳ thuận và làm theo lời Phật dạy, là hoá độ chúng sanh.  Kinh Hoa nghiêm viết: Dầu ở trong mỗi niệm, cúng dâng vô lượng Phật, mà chưa biết pháp chân thật, chẳng gọi là cúng dường.  Kinh Thắng tư duy dạy: Chẳng khởi nghiệp tội, chẳng khởi nghiệp phước, chẳng khởi nghiệp vô động, gọi là cúng dường Phật.

[18] Tu tập thiện căn, căn bản là giữ gìn tịnh giới, vì “tịnh giới là chỗ yên ổn nhất, làm nơi trú ẩn cho mọi thứ công đức”. 

[19] Chí cầu chánh pháp = nhận lãnh chánh pháp: là căn bản tối quan trọng của sự phát bồ đề tâm.  Nhận lãnh chánh pháp bao gồm trong tam tụ tịnh giới: nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới và nhiếp chúng sanh giới.

[20]Nhà Như lai chính là tâm từ bi rộng lớn đối với tất cả chúng sanh, y Như lai là lòng nhu hoà nhẫn nhục, toà Như lai chính là Nhất thiết pháp không”.  An trụ trong đây là Như lai sứ giả, hành Như lai sự. Như luận nói: tâm thường nhu hoà, gặp khổ hay nhẫn, từ bi thuần hậu, thâm tâm bình đẳng

[21]  Tin ưa đại thừa = đức tin đại thừa: tin vào thể, tướng, dụng của Tâm. Tâm ấy là Phật, Tâm ấy làm Phật.  Tâm ấy đưa những bậc vĩ đại vào địa vị vĩ đại.

[22] Cầu trí tuệ Phật: Bồ tát lấy trí tuệ (Phật) làm sự nghiệp, vì không trí tuệ thì vĩnh kiếp luân hồi và làm sao thành tựu được vô thượng giác, do đó “bồ tát học rộng nghe nhiều, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, giáo hoá tất cả bằng pháp đại thừa”. (Kinh Bát đại nhân giác)

[23]  Trí của Phật có 10 lực: 1. Thị xứ phi xứ trí lực,  2. Nghiệp trí lực,  3. Thiền định trí lực,  4. Căn tánh trí lực,  5. Nguyện dục trí lực,  6. Giới trí lực,  7. Ðạo chí xứ trí lực,  8. Túc mạng trí lực,  9. Thiên nhãn trí lực,  10. Lậu tận trí lực.

[24] Bốn đức vô sở uý của Phật:  1. Nhất thế trí vô uý,  2. Lậu tận vô uý,  3. Thuyết đạo vô uý,  4. Thuyết khổ tận đạo vô uý.

[25] Tam niệm xứ:  Còn gọi là Tam niệm trụ:  Ðức Phật đại bi, nhiếp hoá chúng sanh, thường an trụ nơi chánh niệm, chánh trí trong ba trường hợp, đó là: 1. Chẳng sinh lòng mừng khi có chúng sanh tin Phật,  2. Chẳng sinh buồn phiền khi có chúng sanh chẳng tin Phật,  3.  Chẳng sinh vui mừng hay buồn rầu khi cùng một lúc có chúng sanh tin và có chúng sanh chẳng tin Phật.

[26]  Tứ lưu:  Còn gọi là Tứ bộc lưu (bốn dòng nước xiết), chỉ cho phiền não có khả năng cuốn trôi các thiện pháp, như dòng nước lớn có khả năng cuốn trôi nhà của, cây cối v.v...  Bốn dòng nước phiền não là:  1. Dục lưu: tham, sân, si, mạn, nghi v.v... gồm có 29 hoặc thuộc Dục giới,  2. Hữu lưu: tham, mạn, nghi v.v...  gồm có 28 hoặc thuộc Sắc giới và Vô sắc giới, 3. Kiến lưu: 36 kiến chấp của ba cõi,  4. Vô minh lưu: 15 thứ vô minh của ba cõi.

[27]  Bát nạn: Tám chỗ chướng nạn cho sự thấy Phật và nghe pháp, cũng gọi là tám chỗ không rảnh hở mà tu hành.  Ðó là: 1. Ðịa ngục,  2. Ngạ quỷ,  3. Súc sanh,  4. Làm người mà sống ở đại châu Bắc câu lô, sống quá sướng,  5. Trời Trường thọ, sống quá lâu,  6. Làm người mà đui, điếc, câm, ngọng,  7. Làm người mà thế trí biện thông, thông minh lý luận theo trí thức thế gian,  8. Làm người mà sinh trước hay sau Phật xuất thế hoặc sống ở nơi không có Phật pháp.

[28]  Phi tưởng phi phi tưởng xứ định là định thứ 4 trong Tứ không thuộc thế gian thiền, phàm phu thiền hay ngoại đạo thiền.  Sở dĩ gọi như vậy là vì các pháp thiền này chưa có thể đưa hành giả ra ngoài tam giới, chưa chứng được Thánh quả, vẫn còn quanh quẩn trong vòng phàm phu hay thế gian.

[29]  Ðoạn này cho thấy đại bi và đại nguyện của bồ tát là như thế nào.

[30] Can tuệ địa:  Là địa thứ nhất của Thập địa.  Trí tuệ ở đây khô ráo nhưng chưa thuần thục nên gọi là can tuệ.

[31] Ngũ thông:  Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông và Thần túc thông.

[32] Thế đế:  Là đứng về phương diện thế tục và tương đối mà quán sát, suy luận thì thấy nhân cũng có và pháp cũng có. 

[33] Giả danh: Có hai cách giải thích.  1. Về danh: Các pháp vốn vô danh, do người giả trao cho cái danh, do vậy tất cả các danh đều là hư giả không thật, không khế hợp với thật thể.  Như người nghèo mà trao cho cái danh giàu sang, đó là giả danh.  2. Về pháp: Các pháp đều do nhân duyên hoà hợp mà thành, không có thật thể chân thật, do vậy không thể tự sai biệt.  Dựa vào giả danh thì có pháp sai biệt, xa lìa cái danh thì không có các pháp sai biệt, do vậy chỉ ra các pháp là giả danh.  Lưu bố pháp giả danh là ở đứng ở phương diện tục đế mà bủa ra tác dụng hoá độ, bởi vì quán sát các pháp tuy không và vô sở đắc nhưng bản thể vốn đủ các pháp, muôn hình vạn trạng, không thiếu một pháp nào.

[34] Ðệ nhất nghĩa đế = chân thật nghĩa: Là nói về phương diện tuyệt đối, thì ngã và pháp đều là giả có, chứ không thật có.  Ðệ nhất nghĩa đế là nói thắng nghĩa vô tánh, vì thắng nghĩa của các pháp là vô tánh, là thắng nghĩa do nhân vô ngã và pháp vô ngã hiển lộ.  Ðệ nhất nghĩa đế cũng tức là nhất chân pháp giới vậy.

[35] Pháp tánh chân thật như thế =  chân như.  Chân như ấy là viên thành thật tánh của các pháp.

[36] Chánh pháp trí (trí tuệ nhận thức được chánh pháp) = như thật tuệ, thường trụ trí.  Như thật tuệ là trí tuệ thấy rõ bản tánh của các pháp, tức tuệ chứng chân như.  Thường trụ trí là trí tuệ bản hữu không bị chi phối bởi mọi sinh thành hay hoại diệt của hiện tượng giới.  Có chỗ giải thích, chánh pháp trí chính là sáu độ trí (tức trí tuệ của sáu ba la mật), có lẽ là chánh pháp trí mà ngài Thế Thân nói đến.  Một cách tổng quát, nguyện được chánh pháp trí là ước nguyện học hỏi tất cả Phật pháp, mà Phật pháp thì vô tận nên thệ nguyện cũng vô tận.  Thế gian tánh cũng chính là Phật pháp, cho nên ước nguyện hiểu biết thấu triệt thế gian tánh cũng chính là ước nguyện vào sâu biển cả Phật pháp, và quan trọng là thể hiện sự tu tập bằng trí trong mọi cử chỉ hành vi, mọi môi trường, mọi đối tượng nhưng cùng hướng đến một cứu cánh cao cả là Vô thượng bồ đề.

[37] Ðối chiếu với 3 điều đại nguyện trong kinh Thắng man thì thấy 2 nguyện đầu tương ưng với nguyện 5 và 6 ở đây:  Nguyện thứ nhất là con đem thiện căn của con mà nguyện đời nào cũng được chánh pháp trí.  Nguyện thứ hai là con sinh ra ở đâu cũng được chánh pháp trí, rồi thì con nguyện diễn nói cho chúng sanh một cách không mệt mỏi.

[38] Tâm vô sở hành:  Thể hội được chân lý vô tướng, trong lòng không có gì chấp trước, không có gì phân biệt.

[39]  Vô sở bất hành:  Tất cả các pháp đều là Phật pháp (Nhất thiết chư pháp vô phi Phật pháp), cho nên từ mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, thân xúc, ý nghĩ v.v... bồ tát mỗi mỗi đều tu, cho đến đi, đứng, nằm, ngồi cũng đều là tu.  Tất cả mọi sự, mọi việc, từ nội tâm đến ngoại cảnh, từ tự lợi đến lợi tha, từ một vi trần cho đến sơn hà đại địa đều là pháp tu của bồ tát.

[40] Kinh Tư ích có nói: “Nếu bồ tát xả tất cả phiền não thì gọi là bố thí ba la mật, đối với các pháp tâm không khởi thì gọi là trì giới ba la mật, đối với các pháp không làm thương hại gọi là nhẫn nhục ba la mật, đối với các pháp xa lìa sự tướng gọi là tinh tấn ba la mật, đối với các pháp tâm vô sở trụ gọi là thiền định ba la mật, đối với các pháp tâm không hý luận gọi là trí tuệ ba la mật.”  Phẩm Nguyện thệ, ngoài 10 đại nguyện ở trên, thì  6 đại thệ là thệ tu tập 6 pháp ba la mật, trong đó bố thí và nhẫn nhục thuộc về bi, thiền định và trí tuệ thuộc về trí, trì giới và tinh tấn thuộc về dũng.  Bi, trí, dũng là ba điều kiện cần yếu của hành giả trên bước đường đi đến bảo sở.  Dũng có công năng kiểm soát và đốc suất cho bi và trí.  Thành Phật tức là hoàn thành hai đức bi, trí đến mức viên mãn tột cùng.

[41]  Phóng dật: Dễ hiểu là phóng túng.  Tuy nhiên, phóng dật không phải chỉ biểu hiện sự phóng túng , buông thả, mà ở đây nên hiểu là không siêng năng một cách thường xuyên và hợp chánh pháp, tâm chí lơi lỏng, hời hợt một chút đối với chánh pháp tu tập, đã là phóng dật.  “Thế nên các thầy Tỳ kheo, đừng nên phóng dật.  Ta nhờ không phóng dật mà tự thành chánh giác.  Vô số điều thiện đều do không phóng dật mà thực hiện.  Ðó là lời nói cuối cùng của ta”.  (Trường A Hàm)

[42] Kinh Di giáo dạy: “Giặc cướp làm hại khổ chỉ một đời, còn giặc giác quan hoạ đến nhiều kiếp ... Chế ngự tâm lại một chỗ thì không việc gì không thành.”

[43]  Ngũ cái:  Năm pháp có thể che lấp (cái) tâm tánh khiến chẳng sinh thiện pháp, chướng ngại thiền định:  1. Tham dục,  2, Sân giận,  3. Thuỳ miên (nhác ngủ),  4. Trạo hối (náo động hối hận), 5. Nghi ngờ.  (Luận Câu Xá)

[44]  Vô tướng đại thí:  Sự bố thí lớn đem lợi ích cho người nhận thí là ngộ nhập được pháp vô tướng: bản thể siêu việt.  Ở đây hiểu là pháp thí, cũng hiểu là bố thí “tam luân không tịch”:  không phân biệt kẻ cho, người nhận và vật thí.

[45]  Tứ đảo:  Bốn thứ vọng kiến điên đảo, có hai loại:  1. Ðối với sanh tử: vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, mà lại chấp thường, lạc, ngã, tịnh.  Ðây là bốn thứ vọng kiến điên đảo của hạng phàm phu, thuộc hữu vi.   2.  Ðối với Niết bàn: thường, lạc, ngã, tịnh, mà lại chấp vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh.  Ðây là bốn thứ vọng kiến điên đảo của hàng Nhị thừa, thuộc vô vi.  Ðoạn trừ tám thứ điên đảo hữu vi và vô vi là bồ tát.

[46]  Chân đế:  Chân là nói cái chân thật không hư vọng, đế là vốn có.  Chân đế là để đối lại với tục đế.  Ví dụ nói thế gian pháp là tục đế, thì xuất thế gian pháp là chân đế.

[47] Bố thí, không luận bố thí nội tài hay ngoại tài, đều vì đối trị lòng tham xan.  Bố thí nội tài cố nhiên là cao vượt hơn ngoại tài, nhưng bố thí ngoại tài không phải là chuyện dễ.  Thói tham lẫn của con người đâm rễ rất sâu.  Vì không nhận được lẽ thiện ác nên không biết bố thí và phước báo của sự bố thí.  Khi họ “thấy người đến xin, lòng họ không vui.  Giả sử bất đắc dĩ mà bố thí, thì lúc đó đau tiếc sâu xa như cắt thịt mình.  Lại còn lắm kẻ tham lẫn, dồn chứa tài sản mà đối với bản thân của họ, họ còn không hưởng dụng, huống chi có thể đem cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người làm hay kẻ đến xin” (Kinh Dược sư).  Tất cả đều vì ngu muội, thiếu trí tuệ, thiếu đức tin mà sanh ra những việc như vậy.  Tu tập bố thí thì trước phải phá dần tâm tham đắm, coi nhẹ của cải, phát đại nguyện tu bố thí ngoại tài, bố thí với lòng khiêm hạ, chân thật, cầu phước chứ không phải ban ân.  Kế đến là bố thí nội tài, đem đầu mắt tay chân, máu thịt, sức lực, sinh mạng ... mà bố thí với tâm không tiếc nuối.  Cao hơn nữa là bố thí luôn những vọng tưởng, phiền não nơi nội tâm.  Kinh nói: Nhất xả nhất thiết xả, nhất bố thí nhất thiết bố thí.  Bố thí tất cả, bố thí cho đến một sợi tơ chẳng vướng, bố thí bằng vô tướng đại thí.

[48] Kinh Ưu bà tắc giới, phẩm Bố thí ba la mật, cũng có dạy 5 cách thí như trên.

[49]  Siểm khúc: quanh co, lặt lẹo.  Bố thí với tâm rào trước đón sau, mưu cầu danh lợi, bợ đỡ, dua nịnh, quanh co.

[50]  Thất giác chi:  Còn gọi là thất bồ đề phần (giác = bồ đề, chi = phần), là bảy nhánh, bảy phương tiện đi đến đích giác ngộ, gồm có: 1. Trạch pháp,  2. Tinh tấn,  3.  Hỷ,  4. Khinh an,  5. Niệm,  6. Ðịnh,  7. Xả.

[51] Tài thí là cho người bằng của, nhưng của có 2 loại: 1.  Của ở ngoài, theo nghĩa đen, gọi là ngoại tài,  2. Của ở trong, của thật, tức thân mạng sức lực, gọi là nội tài. 

[52] Bồ đề giới = tâm địa giới = bồ tát giới:  Bồ tát giới lấy sự thành tựu chúng sanh làm tiêu chuẩn, cho nên chức năng của giới không chỉ là phòng hộ căn môn, như thanh văn giới, mà chính là ba tụ tịnh giới:  “Là giới nhiếp thiện pháp, gồm tám vạn bốn ngàn pháp môn; là giới nhiếp chúng sanh, từ, bi, hỷ và xả, đem lại sự an lạc cho hết thảy chúng sanh; là giới nhiếp luật nghi, gồm mười ba la di.” (Luật Anh lạc).  Luận Du già nói: “Bồ tát sau khi thọ luật nghi giới, tất cả vì đại bồ đề, do thân, miệng và ý mà tích tập các thiện căn.”  Tức là bồ tát thực hiện và tích tập các thiện pháp để hướng tới mục đích cứu cánh là Phật thừa.  Luật nghi của bồ tát phòng hộ khắp cả 3 nghiệp, nhưng ý nghiệp là chủ, còn thân và miệng là thứ yếu.  Căn cứ vào sự vượt trội của tâm (= ý = thức) mà bồ tát giới còn gọi là tâm địa giới

[53] Ly dục = rời xa sự tác hại của dục.  Dục là một đặc tính của tâm.  Dục có nhiều thứ như: dục phóng túng vừa là khổ, vừa là nguyên nhân của khổ; dục tham, sân, si và đẳng phần; dục náo động của tâm thức vượn khỉ trong các căn, trở ngại cho sự tu hành; dục tác hại làm nguồn gốc phát sinh tội lỗi nơi mình và cho người.

[54] Dứt sạch hết lậu nghiệp = lậu tận:  Phàm phu qua 6 căn phóng túng mà rò rỉ (lậu) ra phiền não, nên gọi phiền não là lậu.  Cực quả của tam thừa (A la hán) là dùng thánh trí dứt bỏ hết các loại phiền não này, nên gọi là lậu tận (A la hán).

[55] Tâm thương nhớ =  aÙi niệm tâm:  Cái tâm như người mẹ thương nhớ con.

[56]  Chánh niệm là đánh đổ vọng niệm, không cho vọng niệm có cơ hội trỗi lên.  Chánh niệm là tư duy và nhiếp niệm vào chánh pháp mà mình văn, tư, tu.  Không có chánh niệm thì sự văn, tư, tu chánh pháp vẫn khó có, mà có rồi vẫn không giữ được và thành được.  Ví dụ nghe dạy về giới, tư duy về lợi ích của giới và tu trì giới, nếu như không có chánh niệm thì sư văn, tư, tu giới ấy khó mà thành tựu.  Như vậy chánh niệm cũng tức là giới niệm (phương tiện của tam muội để đối trị sự phóng dật).  “Thế nên các thầy hãy luôn luôn tập trung chánh niệm lại nơi tâm trí.  Mất chánh niệm là mất công đức.  Nếu chánh niệm có năng lực vững mạnh, thì dẫu phải vào trong đám giặc ngũ dục cũng không bị chúng sát hại; tựa như tướng sĩ lâm trận mà mặc áo giáp lát đồng thì không còn sợ hãi gì nữa”.  (Kinh Di Giáo)

[57]   Bạch tứ yết ma:  Yết ma, nói đủ là Tăng già yết ma, là chỉ sự biểu quyết của chúng Tăng.  Tăng pháp yết ma có ba loại: đơn bạch, bạch nhị và bạch tứ.  Ðơn bạch thì chỉ cần một lần tác bạch thì Tăng sự thành tựu.  Bạch nhị thì một lần tác bạch và một lần yết ma (biểu quyết).  Bạch tứ dùng trong những trường hợp quan trọng cần một lần tuyên bố và ba lần biểu quyết đồng thuận thì Tăng sự mới thành tựu.  Trường hợp truyền giới, thọ giới cần phải bạch tứ.

[58]  Ba la đề mộc xoa (Pàtimokkha): Có nghĩa là biệt giải thoát, xứ xứ giải thoát, tuỳ thuận giải thoát.  Ba la đề mộc xoa là bản thể giải thoát, có năng lực chánh độ, tức là  giữ gìn ba nghiệp không rơi vào lầm lỗi, không cho huỷ phạm thiếu sót, chuyển hóa cái ác của ba nghiệp mà thành tựu ba nghiệp giải thoát.  Ðức Phật đã thiết lập một cộng đồng của những người xuất gia và thọ cụ túc, đó là giáo hội Thanh văn tăng, sống tự chế ngự bằng sự chế ngự của giới bổn Ba la đề mộc xoa, tức những điều khoản giới luật phải chấp hành cho mục đích thành tựu giải thoát.  “Gọi là Biệt giải thoát vì các phiền não được đoạn trừ trong các giai đoạn kiến đạo và tu đạo được xả ly từng cái một”. (Căn bản luật nhiếp)

[59] Căn bản định:  Căn bản thiền, gọi tắt là căn bản, dùng để đối lại với Cận phần định, tức là giới định lìa bỏ phiền não ở tầng trời dưới mà đắc được Sơ thiền cho tới Phi tưởng phi phi tưởng định.  Hành giả thân vẫn còn nơi Dục giới, lúc chưa sanh về Sắc giới hay Vô sắc giới, bằng sự tu hành của mình, hoàn toàn đoạn trừ phần hạ địa của tu hoặc, sở đắc thượng địa định, thì gọi là căn bản định.

[60] Chánh văn là tứ vị đáo thiền, ở đây phải là tứ cận phần định của tứ thiền:  Tứ thiền, mỗi địa đều có căn bản định và cận phần định.  Thí dụ, thiền định phát ra do đoạn tu hoặc ở Dục giới là căn bản định của Sơ thiền.  Thiền định phát ra gần giống với căn bản định của Sơ thiền do điều phục được phiền não ở Dục giới, đó là cận phần định của Sơ thiền. 

[61] Ðịnh cộng giới:  Lấy định (samàdhi) làm giới, nghĩa là do tu tập thiền định mà thân tâm thanh tịnh, đoạn trừ được các lậu hoặc, giới thể cụ túc, giải thoát do định sinh.

[62] Vị đáo căn bản định của sơ thiền:  Trong bốn căn bản định và bốn cận phần của tứ thiền như vậy cận phần định của Sơ thiền có điểm khác với các cận phần định khác, nên đặt ra tên gọi khác là Vị chí định (vị đáo định), nghĩa là Vị chí căn bản định (chưa đạt tới căn bản định).

[63] Vô lậu giới = Ðạo cộng giới:  Nghĩa là khi Thánh giả chứng nhập định vô lậu (tứ thiền) ở Sắc giới tự thân cũng phát ra vô lậu trí và thành tựu giới thể “phòng phi chỉ ác” (ngừa lỗi dứt ác), gọi là vô lậu luật nghi.  Vô lậu luật nghi này và vô lậu đạo cùng sanh cùng diệt, nên gọi là Ðạo cộng giới.  Giới này thuộc vô biểu nghiệp.  Theo Thuyết nhất thiết hữu bộ, lấy vô biểu nghiệp làm thật sắc, vì vậy Thánh giả sanh nơi Vô sắc giới tuy có khả năng thành tựu giới này nhưng hẳn nhiên không hiện khởi được.  Theo Duy thức gia thì lấy tất cả vô biểu nghiệp làm phi thật sắc.  Trong tất cả vô biểu nghiệp, những gì thuộc về vô lậu đạo của Sắc giới và Vô sắc giới thì cùng chuyển, và cùng có đủ công năng đoạn trừ sự phạm giới, nên gọi là vô lậu luật nghi.  Ở đây, ngài Thế Thân cho vô lậu giới chỉ có ở tứ thiền thuộc Sắc giới.

[64] Kiến, văn, giác, tri (thấy, nghe, hay, biết) = cái biết của 6 thức: kiến là nhãn, văn là nhĩ, giác là 3 thứ tỷ, thiệt và thân, tri là ý.  Ba thức nhãn, nhĩ và ý được khai ra 3 là vì giúp rất nhiều cho bồ đề phần, lại biết cả thế và xuất thế.  Ba thức còn lại, tỷ, thiệt và thân không bằng 3 thức trên nên hợp làm một.

[65] Nhiếp căn giới:  Căn phóng túng thì vừa là khổ, vừa là nguyên nhân của khổ.  Ðối trị cái khổ ấy bằng phương tiện của tam muội, tức sự nhiếp niệm (chánh niệm) do giữ giới thanh tịnh mà có.

[66]  Vô tác giới:  Thể của giới có hai loại: 1. Tác giới,  2. Vô tác giới.   Tác giới là khi thọ giới, ba nghiệp thân, khẩu, ý tác động đúng như pháp, thì lúc đó cái thể của ba nghiệp biểu hiện có thể thấy, có thể nghe được.  Còn vô tác giới là thể của ba nghiệp không biểu hiện, chỉ dựa vào nhân duyên lúc tác giới mà phát sinh trong thân, nên không thấy, không nghe.  Nghiệp thể đó, lúc mới phát, tuy do sự tác động của thân, khẩu, ý, nhưng một khi đã phát sinh rồi thì thường hằng nối tiếp mà không cần dựa vào sự tạo tác của ba nghiệp nữa, cho nên gọi là vô tác.

[67] Thiền chi:  Chi là chi phần, bộ phận.  Tứ thiền định có 18 chi:  Sơ thiền có 5 chi là giác, quán, hỷ, lạc và nhất tâm; nhị thiền có 4 chi là nội tịnh, hỷ, lạc và nhất tâm; tam thiền có 5 chi là xả, niệm, tuệ (trí), lạc và nhất tâm; tứ thiền có 4 chi là bất khổ bất lạc, xả, niệm và nhất tâm.

[68] Thiện căn ở đây là tư tuệ và tu tuệ.

[69]  Ngã mạn: Chấp ngã và ngã sở làm cho tâm lý cất cao lên.

[70]  Kiêu mạn: Xấc láo ngạo ngược, không coi ai r a gì.

[71]  Tăng thượng mạn: Chưa chứng Thánh đạo mà mà bảo đã chứng.

[72]  Mạn mạn = mạn quá mạn: Với người hơn mình, mình bảo mình hơn hẳn.

[73]  Ðại mạn: Tự hào, tự thị, thậm chí tự xưng mình là Vô thượng sư.

[74] Dĩ thân đại chi:  Ðây là hạnh chịu thay.  Chịu thay là thay người chịu khổ, hay chịu thay khổ não cho chúng sanh.  Chịu thay là giới thứ 3, “lợi ích chúng sanh”, trong ba tụ tịnh giới.  Chịu thay như vậy là bồ tát hạnh, là đại bi đại nguyện của bồ tát.

[75]  Không, vô tướng, vô nguyện là ba cánh cửa giải thoát dẫn vào niết bàn, nên gọi là Tam giải thoát môn:  1.  Không môn:  Quán tất cả pháp đều không có tự tánh, do nhân duyên hoà hợp mà sinh khởi. Nếu thông đạt như vậy thì đối với các pháp được tự tại.  2.  Vô tướng môn: Ðã biết tất cả các pháp không, thì quán thấy các tướng nam, nữ, đồng nhất, dị biệt v.v... thật bất khả đắc.  Thông đạt chư pháp vô tướng thì lìa sai biệt mà được tự tại.  3.  Vô nguyện môn:  Nếu biết tất cả pháp vô tướng, thì đối với ba cõi không có chỗ nguyện cầu.  Do không mong cầu nên không tạo tác nghiệp sanh tử.  Nếu không tạo tác nghiệp sanh tử thì cũng không có cái khổ của quả báo nên được tự tại.  Vô tác môn cũng là vô nguyện môn, nhưng nhấn mạnh ý không tạo tác nghiệp sanh tử.

[76]  Kiến, giác, nguyện, tác: Chỉ những tâm lý của phàm phu.  Kiến là suy nghĩ, tìm tòi để hiểu rõ mà chọn lựa, khẳng định sự lý, bao gồm ý nghĩa chính đáng hay không chính đáng.  Giác là nói về mặt nhận thức, khi căn tiếp xúc với cảnh đưa đến nhận thức phân biệt, như kinh thường nói tóm là kiến, văn, giác, tri. (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ-thiệt-thân thức, ý thức), và chính sự thấy, nghe, hay, biết này mà dẫn đến ngôn từ hý luận cho là sâu xa, hay ho và hữu ích.  Nguyện là lòng ham muốn, khát khao, tìm cầu, dục vọng dưới nhiều hình thức, “tìm lạc thú nay chỗ này mai chỗ khác, nghĩa là khao khát đối với khoái lạc giác quan (dục ái), khao khát hiện hữu và trở thành (hữu ái) và khao khát sự không hiện hữu (diệt ái)”.  Chính nguyện hay lòng ái mà phát sinh mọi hình thái khổ đau và sanh tử.  Chỉ vì ý chí muốn sống, tồn tại, tái sanh, trở thành, tăng trưởng, tích tụ mà đưa đến sự tác ý, tư niệm, tạo tác nghiệp sanh tử qua thân, khẩu, ý, đây gọi là tác.

[77]  Thanh tịnh tất cánh nhẫn: Là sự nhẫn nhục rốt ráo trong sạch, là nhẫn nhục vô nhị tướng: không hiện hành sanh tử cũng không hiện hành niết bàn.

[78] Tận kết = hết phiền não.  Kết nghĩa là kết tập, trói buộc, tên khác của phiền não.  Vì các nhân duyên phiền não kết tập sanh tử, cho nên gọi là kết.  Trói buộc không cho chúng sanh giải thoát, cho nên gọi là kết.

[79]  Vô sanh nhẫn:  Cũng gọi là Vô sanh pháp nhẫn, tức chứng được Phật tánh là lý tánh bất sanh bất diệt hay lý thể thật tướng là chân như bất động.  “Ðối thật tướng vô sanh diệt của các pháp mà tin chịu thông suốt, không ngăn ngại, không thối lui, gọi là Vô sanh nhẫn.”  (Ðại trí độ luận).  Từ Sơ địa đến Bát địa bồ tát mới vào được Vô sanh nhẫn.

[80] Phạn hạnh:  Là hạnh của Phạn thiên, có 2 nghĩa mở rộng: hạnh đoạn dâm dục gọi là phạn hạnh, hạnh đạt niết bàn gọi là phạn hạnh.  Pháp số của phạn hạnh nghĩa đầu tiên là từ bi hỷ xả.

[81] Chuyển thắng thanh tịnh diệu quả: Là chuyển bỏ phiền não chướng và sở tri chướng mà chuyển được đại bồ đề và đại niết bàn.  Theo Duy thức là được quả Chuyển y.  Ðược chuyển y rồi thì đối tượng không còn điên đảo; đối tượng ấy chính là thức thứ tám đã vô lậu, gọi là chân như xuất triền (ra khỏi sự trói buộc).

[82] Các địa = thập địa: Cực hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm tuệ địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện tuệ địa, Pháp vân địa.

[83] Là xuất thế gian Phật bảo:  chỉ cho đức Phật Thích Ca, Phật A Di Ðà, chư Phật trong 10 phương 3 đời.

[84] Là xuất thế gian Pháp bảo:  chỉ cho chánh pháp của Phật, có công năng làm cho chúng sanh giải thoát sự ràng buộc của thế gian, như pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ ...

[85] Là xuất thế gian Tăng bảo:  chỉ cho các vị thánh tăng đã thoát ra ngoài sự ràng buộc của thế gian như  các ngài Ca diếp, A nan ....  Phàm tăng thì ly nhiễm, nghĩa là sống trong cảnh ngộ nào cũng không nhiễm cảnh ngộ đó, là “thanh bạch giữ đạo, phạn hạnh cao xa, bủa lòng từ bi ra khắp tất cả”.

[86] Chánh định tụ: Thánh giả từ địa vị kiến đạo trở về sau, đã đoạn trừ kiến hoặc, nhất định vào trạch diệt (niết bàn), gọi là chánh tánh hay chánh tánh định tụ.  Nói giản dị, chánh định tụ là nhóm người bước tới địa vị thánh giả, khác với tà định tụ là nhóm phàm phu.  Niệm chánh định tụ là muốn từ phàm phu mà vươn lên địa vị thánh giả, là muốn cố định trong sự phát tâm.

[87] Tà định tụ: Nếu nhóm người đi theo chánh pháp gọi là chánh định tụ, thì nhóm đi theo tà thuyết gọi là tà định tụ và nhóm chưa theo bên nào gọi là bất định tụ.  Niệm tà định tụ là nghĩ nhớ đến nhóm tà định tụ là những người chưa phát tâm, chưa vào dòng giống của Phật, chưa huân tập chân như, muốn giúp họ quay về với bản thể chân như.

[88] Ác thời: những điều kiện, cơ hội dễ phát sanh điều ác, và những điều kiện, cơ hội cản trở sự phát sanh điều thiện.

[89]  Bố thí, trì giới, nhẫn nhục thuộc về giới học tăng thượng; thiền định thuộc về tâm học tăng thượng; trí tuệ thuộc về tuệ học tăng thượng.  Tinh tấn bao gồm giới, tâm và tuệ học.

[90] Nhất thiết trí: tuệ giác biết toàn thể, biết về bản thể.  Tuệ giác thanh văn có phần tương tự tuệ giác này.

[91] Dục tâm = bồ đề tâm:  Dục tâm sở ở đây thuộc thiện tánh.  Ðó là sự ham thích, mong cầu bồ đề, làm động lực cho mọi điều thiện phát sanh.  Có thể nói đây là công việc phát đại tâm, lập đại nguyện của sự phát bồ đề tâm.

[92] Buộc sự nhớ nghĩ của mình ở nơi hiện cảnh:  Chánh văn là hệ niệm tại tiền.  Buộc niệm là đối trị cái tâm duyên cảnh quá hiện vị lai và cái tâm chỉ duyên hiện cảnh.  Ở nơi hiện cảnh là chỉ cho giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, thân đâu tâm đó.  Buộc sự nhớ nghĩ ở nơi hiện cảnh là có năng lực quyết trạch các pháp một cách đúng lý, nhập vào duy thức.

[93] An ban sổ tức: Sổ tức quán, một trong Ngũ đình tâm quán, là phép quán đếm hơi thở ra vào để đình chỉ những suy nghĩ tán loạn của tâm tưởng.

[94]  Ác giác quán:  Tư tưởng, cái nhìn  ác, như dục, sân, hại v.v... làm trở ngại việc tu tập thiền định.

[95]  Bát giải thoát: Tám giải thoát, gồm:  1. Nội hữu sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát,  2. Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát,  3. Tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trụ,  4. Không vô biên xứ giải thoát, 5. Thức vô biên xứ giải thoát,  6. Vô sở hữu xứ giải thoát,  7. Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát,  8. Diệt thọ tưởng định thân tác chứng cụ trụ.

[96]  Thủ lăng nghiêm tam muội: Phép thiền định, quán tưởng rốt ráo và kiên cố tên là Thủ lăng nghiêm.  Phương pháp này căn cứ theo kinh Thủ lăng nghiêm, theo đó nhận chân rằng các pháp đều từ thực thể là Như Lai tạng tâm mà tuỳ duyên biến hiện, như huyễn như hoá.  Nhờ sức của Thủ lăng nghiêm tam muội mà bồ tát được bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh của chư Phật.

[97]  Kim cang tam muội: Ví như kim cương, không vật nào là không bị nó phá vỡ; tam muội này cũng vậy, không pháp nào là không thông đạt.  Kim cang tam muội có những năng lực rất lớn như: phá tan tất cả các pháp vì thấy các pháp là vô thường, duyên sinh, vô tướng; diệt hết các phiền não, oán thù, thu phục được tất cả pháp; biến hiện vô lượng thân hình ở khắp cõi nước mười phương; thuyết pháp vô lượng vô ngại.

[98] Kinh Pháp hoa, phẩm Hoá thành dụ, thứ 7.

[99] Bạch cốt quán: Một phép quán tưởng trong Bất tịnh quán, bao gồm 9 điều quán tưởng nên còn gọi là Cửu tưởng quán, đó là: 1. Thây sình trương,  2. Thây huỷ hoại,  3. Máu mủ chảy ra,  4. Thây rục rã,  5. Thây xanh chàm,  6. Thây bị giòi rúc rỉa,  7. Thây tan rả,  8. Thây còn lại đống xương,  9. Thây bị đốt tiêu.  Phép quán tưởng này giúp hành giả khỏi mê tưởng những thứ ngũ dục cho là đẹp và tốt, cũng như giác ngộ biết rõ thân người là bất tịnh mà trừ bỏ tập khí tham dục.

[100] Ly dục là từ bỏ cái nhân của tham, ly bất thiện pháp là từ bỏ cái nhân của si.  Ly dục là thanh tịnh thân nghiệp, ly bất thiện pháp là thanh tịnh ý nghiệp.

[101] Có giác có quán = có tầm có tứ.   Tầm (vitkka) có nghĩa là đánh mạnh vào, có đặc tính là hướng tâm, để tâm trên đối tượng.  Tứ (vicàra) là tư duy được đưa lên cao độ, có đặc tính liên tục nhấn mạnh vào đối tượng, dán chặt vào đối tượng.  Sơ thiền xảy đến cùng một lúc với tầm và tứ nên gọi là “có giác có quán”, như nói một cây có hoa và trái.

[102] Ly sanh hỷ lạc: Bằng tâm lý nhàm chán cái ô trược của cõi Dục và mong cầu xuất ly (Ly), sau đó bằng thiền định mà xa lìa được cái ô trược của cõi Dục, nên sanh tâm vui mừng (Sanh hỷ lạc).  “Hoàn toàn ly dục, ly bất thiện pháp, vị ấy chứng và trú sơ thiền, có tầm có tứ, với hỷ lạc do ly dục sanh”.

[103] Không giác không quán = Không tầm không tứ:  Khi xuất sơ thiền, tầm và tứ đối với hành giả bấy giờ thành thô, trong khi hỷ lạc và nhất tâm có vẻ an tịnh.  “Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, hành giả chứng và trú nhị thiền, nội tĩnh nhất tâm, không tầm không tứ, với hỷ và lạc do định sanh”

[104] Ðịnh sanh hỷ lạc: Cái vui mừng ở sơ thiền làm tâm chao động, cần phải dứt trừ.  Mặc dù sơ thiền cũng có định tương ưng nhưng chỉ có nhị thiền mới đáng gọi là định vì nó tuyệt đối vắng mặt sự giao động của tầm tứ, bởi vậy nhị thiền được gọi là “do định sanh”.  Nhị thiền từ bỏ được hai pháp tầm và tứ, và được ba pháp là hỷ, lạc và nhất tâm.  “Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, hành giả chứng và trú nhị thiền, nội tĩnh nhất tâm, không tầm, không tứ, với hỷ và lạc do định sanh”.

[105]  Hành xả  =  trú xả (upekkha), có nghĩa là ngắm nhìn sự vật khi chúng xảy ra, sự vật xảy ra như thế nào thì nhìn nó như thế ấy, tức là nhìn một cách thản nhiên, không thêm không bớt thành kiến.

[106]  Tâm niệm an nơi tuệ = chánh niệm tỉnh giác.  Chánh niệm (tâm niệm) thuộc về định, tỉnh giác thuộc về tuệ.  Chánh niệm là nhớ lại, không quên, gìn giữ.  Tỉnh giác là không rối loạn, tra tầm, thăm dò.  Mặc dù chánh niệm tỉnh giác vẫn hiện hữu ở hai thiền đầu, nhưng tương đối còn thô nên tâm dễ phiêu lưu.  Chánh niệm tỉnh giác được nói đến ở thiền thứ ba vì những pháp thô đã được từ bỏ, và tính cách vi tế của tam thiền đòi hỏi tâm phải luôn luôn chánh niệm tỉnh giác, như người đi trên lưỡi dao cạo.

[107]  Ở tam thiền Ly hỷ diệu lạc thì tầm tứ phải được tịnh chỉ.  Một khi từ bỏ tầm tứ thì cũng rơi rụng tâm hỷ ở nhị thiền.  Ly hỷ, trú xả để được cái lạc thù thắng vi diệu.  “Ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ, hành giả chứng và trú tam thiền, một trạng thái mà các bậc thánh đã tuyên bố: người nào có xả và chánh niệm, người đó trú trong an lạc”.

[108]  Ðoạn khổ đoạn lạc: Là từ bỏ lạc và khổ của thân.

[109]  Sự diệt trừ từ trước của ưu hỷ: Là từ bỏ vui và khổ của tâm.  Từ trước là không phải ở giai đoạn tứ thiền mới xảy ra.

[110] Bất khổ bất lạc:  Không khổ vì vắng mặt thân khổ, không lạc vì vắng mặt thân lạc, nghĩa là có một cảm thọ thứ ba trái ngược với khổ và lạc, còn gọi là xả.  Bản chất của xả là trung tính, rất vi tế, khó nắm bắt.  Xả là điều kiện đưa tới tâm giải thoát.

[111] Có sự thanh tịnh của niệm nhờ xả:  Chánh văn là hành xả niệm tịnh, nghĩa là niệm trong thiền này là hoàn toàn thanh tịnh, và sự thanh tịnh của nó có được là nhờ xả.  Tứ thiền Xả niệm thanh tịnh là:  “Với sự từ bỏ lạc khổ, với sự biến mất từ trước của hỷ và ưu, vị ấy chứng và trú tứ thiền, không khổ không lạc, có sự thanh tịnh của niệm nhờ xả”.

[112] Hữu đối tướng:  Ðối có nghĩa là ngại.  Có chướng ngại thì gọi là hữu đối.  Tướng có tính ngăn ngại ở đây là:  1. Cảnh giới hữu đối:  6 căn, 6 thức và các tâm sở tương ưng bị 5 cảnh và một phần của pháp cảnh câu thúc, do thủ cảnh nên chẳng được tự tại,  2. Sở duyên hữu đối: bị 6 thức và một phần pháp cảnh câu thúc, do tác dụng duyên lự nên không được tự tại.

[113] Hư không vô sắc định xứ = Không vô biên xứ định.

[114] Vô sắc thức định xứ = Thức vô biên xứ định.

[115]  Không có sở hữu: không còn thấy có tâm thức, năng sở, nhân ngã, nhưng vẫn còn tưởng.  Mà còn tưởng thì còn vọng động.

[116] Vô sở hữu vô sắc định xứ = Vô sở hữu xứ định.

[117] Vô sắc phi hữu tưởng phi vô tưởng = Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

[118] Tuỳ thuận pháp hành = tuỳ pháp hành: Nương theo giáp pháp mà tu hành.  Chỉ cho hàng thánh giả Thanh văn thừa kiến đạo, là hạng lợi căn, để đối với hạng độn căn là tuỳ tín hành (tin theo lời dạy bảo của người khác mà tu hành).  Bậc tuỳ pháp hành là người tự mình khéo  quyết trạch tư duy về giáo pháp, như lý tu hành.

[119] Ưa đắm là chỉ tin những khái niệm do nhận thức thác loạn.  Giáo lý chỉ như một chiếc bè, cốt dùng để qua sông chứ không phải để mà ôm giữ lấy”. (Trung bộ kinh).  Giáo pháp ở đây chỉ cho sự chứng đạt tâm linh cao cả, những ý tưởng và quan niệm thanh khiết.  Sự ưa đắm vào những điều cao quí này cũng phải được xả bỏ, huống chi những gì là phi pháp thì càng nên xả bỏ. 

[120] Thông minh thiền:  Các thánh giả A la hán khi tu tập định theo thứ đệ từ tứ thiền định, tứ vô sắc định, diệt tận định đều phải quán 3 thiền pháp là hơi thở, sắc pháp và tâm pháp.  Sau đó phải tu tập thông minh quán thiền, nghĩa là khi tu thiền định này thì hẳn nhiên quán thông hơi thở, sắc pháp và tâm pháp, trong đó có được cái thấy thấu triệt không chướng ngại.  Tu tập định này có khả năng chứng được tam minh, lục thông, nên gọi là thông minh.  Có thể dịch là: thành tựu tam minh, lục thông, các tam muội, thiền na ba la mật. 

[121] Thông nghiệp: Sức thần thông của nghiệp báo, còn gọi là báo thông.  Có được thông nghiệp là do những phước thiện và công đức tu hành trong nhiều đời trước.  Các thông nghiệp là chỉ cho ngũ thông.

[122] Tâm hành: Tâm là tâm ý thức mà từng giây, từng niệm luôn luôn dời đổi, là kẻ gây ra điều thiện, điều ác, gọi là tâm hành.

[123]  Pháp tánh = không tánh

[124]  Ác tâm = vọng tâm.  Thiền định là cách thức chuyển vọng về chân.

[125]  Phiền não chướng và trí tuệ chướng:  Phiền não chướng là những tâm lý xấu ác, làm chướng ngại cho giải thoát niết bàn.  Trí tuệ chướng cũng gọi là trí chướng, sở tri chướng.  Sở tri là các pháp, đối với các pháp ấy mà không biết được hay biết sai là vì ngu si, nên gọi ngu si là sở tri chướng.  Lại biết chưa hoàn toàn mà tự mãn cho là đủ, thì chính sự tự mãn ấy cũng chướng ngại cho sự toàn giác, nên cũng gọi là trí chướng.  Trí ở đây là là trí biết chưa hoàn toàn.  Trí tuệ chướng như vậy là chướng ngại cho tuệ giác bồ đề.

[126]  Tát bà nhã trí = nhất thiết trí: tuệ giác biết toàn thể, biết về bản thể.

[127]  Thiện dục: Dục tâm sở đủ cả 3 tánh: thiện, ác và vô ký.  Dục ham thích mong cầu ngũ dục là ác tánh.  Dục ham thích mong cầu bồ đề và làm động lực cho mọi điều thiện là thiện tánh.

[128] Tứ phạn hạnh = tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ và xả.  Bốn tâm này là nghiệp hành để sanh về cõi Phạn thiên.

[129] Chánh trí: 1.  Là căn bản trí, thông đạt chân như,  2.  Là hậu đắc trí, phân biệt tất cả tướng sai biệt.

[130] Quán bất tịnh: Là quán sát một cách tỉ mỉ, cùng tột thân con người, để nhận thấy rõ ràng nó là không trong sạch.  Bất tịnh có 5 thứ: chủng tử, trụ xứ, tự tướng, tự thể và chung cánh.

[131]  Mười sáu thánh tâm: 16 hành tướng quán sát tứ đế để vào địa vị kiến đạo, sau khi đoạn được kiến hoặc.  Ðó là sự kết hợp của 8 pháp nhẫn vô lậu và 8 pháp trí vô lậu: 1.  Khổ pháp nhẫn,  2. Khổ pháp trí,  3. Khổ loại nhẫn,  4. Khổ loại trí,  5. Tập pháp nhẫn,  6. Tập pháp trí,  7. Tập loại nhẫn,  8. Tập loại trí,  9. Diệt pháp nhẫn,  10. Diệt pháp trí,  11. Diệt loại nhẫn,  12. Diệt loại trí,  13. Ðạo pháp nhẫn,  14. Ðạo pháp trí,  15. Ðạo loại nhẫn,  16. Ðạo loại trí.

[132] Minh tuệ: Tam minh: thiên nhãn minh, thiên nhĩ minh, lậu tận minh, và tam tuệ: văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ.

[133] Ðịnh tuệ căn bản: Căn bản định là 8 căn bản định từ sơ thiền đến phi tưởng phi phi tưởng xứ định.  Căn bản tuệ là bản giác, là tuệ giác vốn có, là tâm thể tách rời phân biệt, chính là pháp tánh đồng nhất, đồng đẳng không gian, phổ biến toàn thể, là pháp thân bình đẳng mà các đức Như lai đã chứng ngộ.

[134] Vì tách rời nhị biên nên không có thủ, không có xả.  Nhị biên là thấy trong, thấy ngoài, thấy hai bên. 

[135] Theo ngài Thế Thân, ngã là khái niệm tự ngã, chúng sanh là khái niệm sinh thể (hay khái niệm liên tục), thọ giả (thọ mạng) là khái niệm đời sống (hay khái niệm tồn tại), nhân là khái niệm tái sanh.

[136] Chánh văn là không đẳng tam muội, tức chủng không tam muội: không tam muội, vô tướng tam muội, vô nguyện tam muội.

[137] Chẳng tuỳ thiền sanh: Là khéo xuất nhập mà không đắm trước vào sự hỷ lạc của thiền định.

[138] Quyết định: Là nhất định bất biến, là tâm mình không động, không thối lui.  Tu tập trí tuệ thì được vô công dụng quyết định.

[139] Hý luận: Nghĩa đen là bàn cải chơi đùa đến thảo luận vô ích.  Ở đây chỉ cho những gì thuộc phạm vi tư duy (tư) mô tả (nghị), nói cách khác những gì thuộc tâm hành xứ và ngôn ngữ đạo, đều là hý luận.  Vậy không hý luận là bất tư nghị, là ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt.  Kinh Di giáo dạy: “Hãy từ bỏ tức khắc sự hý luận rối loạn tâm trí.  Các thầy muốn thực hiện cái vui tịch diệt, thì chỉ có cách cấp tốc diệt trừ cái hoạn hý luận.”

[140] Rời tất cả tướng có-không v.v... gọi là thật tướng, vì tất cả tướng: có-không v.v... đều là hư dối cả.

[141] Vô sở hành: Nhậm vận tu hành, không phải tác ý và dụng công, vì pháp tánh không thể thủ đắc.

[142] Phong hàn nhiệt huyết:  Tập hợp của tứ đại đất nước lửa gió.  

[143] Nhất tướng: Chỉ cho chân như bình đẳng vô sai biệt, nghĩa là siêu việt phân biệt và đối tượng phân biệt.  Thiên thai tông giải thích là “nhất thừa vô nhị, đồng nhất giải thoát”.  Kinh Pháp hoa, phẩm Dược thảo dụ có ghi: “Ðức Như lai nói pháp một tướng một vị, nghĩa là: tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, rốt ráo đến nhất thiết chủng trí” (Như lai thuyết pháp, nhất tướng nhất vị, sở vị giải thoát tướng, ly tướng, diệt tướng, cứu cánh chí ư nhất thiết chủng trí). 

[144] Vô tướng: Kinh Ðại bảo tích ghi: “Bản tánh tất cả các pháp vốn không.  Tự tánh tất cả các pháp là vô tánh.  Nếu là không, vô tánh, thì các pháp là nhất tướng, cũng có nghĩa là vô tướng.  Do vì vô tướng nên các pháp vốn thanh tịnh.  Nếu là không, vô tánh, thì các pháp không thể dùng tướng để biểu thị”.  Ðây gọi là tất cả các pháp vô tự tánh, bản tánh là không, vô hình tướng có thể thủ đắc, nên gọi là vô tướng.

[145] Chỉ cho các thức thứ 8, thứ 7 và thứ 6.

[146]  Tác giả: chủ thể tạo tác.

[147]  Mạng giả = thọ giả: chủ thể sử dụng.

[148] Vô tánh = vô tự tánh:  Tức nói 3 vô tánh:  tướng vô tánh, sanh vô tánh và thắng nghĩa vô tánh.  Tướng vô tánh là biến kế chấp tánh của các pháp, tánh ấy do giả danh thiết lập.  Sanh vô tánh là y tha khởi tánh của các pháp, vì do cái khác làm duyên tố chứ không phải tự nhiên có.  Thắng nghĩa vô tánh là viên thành thật tánh, vì các pháp duyên sanh, vì các pháp vô ngã mà gọi là vô tánh.  Căn cứ 3 vô tánh này mà đức Phật  mật ý nói các pháp toàn không.

[149] Không: Là không phải hai tướng và tiêu diệt. Không như vậy là phủ nhận cái không hoàn toàn không, cái không biệt lập với cái có và cái không vì cái có tiêu diệt.  Theo nghĩa thông thường, không được hiểu là ngã không và pháp không, nghĩa là cả bản ngã lẫn vũ trụ đều không.

[150] Vô sở hữu = vô sở đắc:  Hễ có hai tướng là hữu sở đắc, không hai tướng là vô sở đắc.  Vô sở đắc hay bất khả đắc là từ ngữ biểu lộ một thực tại toàn diện siêu tuyệt mọi hai tướng, siêu tuyệt cả ý niệm khẳng định và ý niệm phủ định, vì thực tại vốn là như thế. 

[151] Vô tướng: Là trong pháp tánh, quán các pháp không thể thủ đắc.

[152] Ly tướng: Là rời xa các tướng vốn là các tướng hý luận, những khái niệm nhị biên.

[153] Vô niệm = chân như:  Siêu việt khái niệm, phân biệt, là ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt.

[154] Ly niệm: Là rời xa các ý tưởng, khái niệm về ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

[155] Ban đầu lấy 1 lớp không, không nơi các tướng, nên gọi rằng vô tướng.  Kế lấy 2 lớp không, không nơi vô tướng, nên gọi rằng vô niệm.  Sau cùng, lấy 3 lớp không, không nơi vô niệm, nên gọi rằng cái không siêu tuyệt hay tuyệt đối không, tất cánh không.

[156] Mười hai bộ kinh:  Thể văn và sự lý trong tất cả các kinh chia ra 12 loại (bộ = bộ phận, hay chi = thành phần), mà có bộ hay cuốn kinh đủ cả 12 loại, có bộ hay cuốn chỉ là 1 loại cho đến 11 loại.  Ðó là: 1. Tu đa la (Sutra = khế kinh, vì khế hợp chân lý và tâm lý) là thể văn trường hàng trong các kinh, nói thẳng pháp nghĩa,  2. Kỳ dạ (Geya = ứng tụng hay trùng tụng) là thể văn chỉnh cú ứng với văn trường hàng mà lặp lại pháp nghĩa ở trước,   3. Già đà (Gatha = phúng tụng hay cô khởi) là thể văn chỉnh cú không theo trường hàng mà tự nói pháp nghĩa,  4. Ni đà na (Nidana = nhân duyên)  là thuật lại lý do thấy Phật nghe pháp, lý do và địa điểm Phật thuyết pháp giáo hoá, 5. Y đế mục đa (Itivutaka = bản sự) là Phật thuật lại nhân duyên quá khứ của đệ tử,  6. Xà đa già (Jataka = bản sanh) là Phật nói về nhân duyên quá khứ của ngài,  7. A phù đạt ma (Adbhutadharma = vị tằng hữu) là ghi lại những việc bất tư nghị của thần lực Phật thị hiện, 8. A ba đà na (Avadana = thí dụ) là nói những ví dụ, 9. Ưu bà đề xá (Upadesa = luận nghĩa) là vấn đáp thảo luận về pháp nghĩa,  10. Ưu đà na (Udana = tự thuyết) là Phật tự nói chứ không ai hỏi được,  11. Tỳ phật lược (Vaipulya = phương quảng) nói về chân lý chính xác và rộng lớn,  12. Hoà già la (Vyakarana = thọ ký) thọ ký thành Phật cho bồ tát.  Tựu trung, 3 loại đầu là chia theo thể văn, 9 loại sau là chia theo sự lý của thể văn ấy.

[157] Tứ sự cúng dường: là đồ ăn, đồ mặc, đồ nằm và dược phẩm.

[158] Vô đắc: vô sở đắc, là không tìm thấy được thực có

[159] Tối thượng pháp nhẫn = tuệ giác tối thượng:  Sự thể nhận pháp tối thượng.  Nhẫn là nhẫn chịu, chấp nhận, thể nhận.  Nhẫn là nhân của trí, có chỗ cho nhẫn tức là trí.  Pháp tối thượng là thật tướng (= bản thể của các pháp) hay “pháp tánh thanh tịnh, như thật thường trú”.  Thể nhận pháp tối thượng ấy gọi là tuệ giác tối thượng.  Ðược tuệ giác này là được đến vị trí Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

[160] Phá tăng: Là phá yết ma tăng và pháp luân tăng.  Phá yết ma tăng là dù chỉ có 4 vị tỳ kheo mà một người không đồng chúng hoà hợp hay tập hợp, thì Tăng già yết ma bất thành, mọi tăng sự, kể cả sự thuyết giới, đều không thể cử hành.  Phá pháp luân tăng là dù chỉ có 9 vị tỳ kheo mà 1 tỳ kheo đứng ra chia rẽ, kéo theo mình 4 tỳ kheo (để đủ số tỳ kheo làm yết ma) rồi tự xưng ra giáo pháp và lập giáo đoàn riêng, như trường hợp phá tăng của Ðề bà đạt đa vào thời Phật.  Phá tăng như vậy là phá hoại đạo pháp.  Theo tôn giả Thế Thân, loại tội nặng nhất là năm tội vô gián, mà trong đó tội phá tăng, nhất là phá pháp luân tăng, là tội nặng nhất, vì “thương tổn pháp thân của Phật”.  Phá tăng như vậy, bản thể là cuống ngữ.  Kẻ phá tăng là tỳ kheo, không phải tại gia hay tỳ kheo ni mà làm được; là kẻ tịnh hạnh chư không phải người phạm giới, bởi vì phạm giới thì nói không uy tín. (Câu xá luận)

[161] Hai bộ chúng: Là Thượng toạ bộ và Ðại chúng bộ.  Sau khi đức Thế tôn nhập niết bàn hơn một trăm năm thì đại tăng của Phật giáo bắt đầu phân hoá ra làm 2 bộ, là Ðại chúng bộ và Thượng toạ bộ.  Sự thể có ra sự phân hoá 2 bộ, căn bản là do ngài Ca Diếp, nhưng gây ra tranh biện và phân hoá học thuyết chính là sự hạ giá quả vị La hán của 5 sự Ðại Thiên.  Ðó là 5 nhược điểm của quả vị La hán: 1. Vẫn còn xuất tinh nhưng không có ý tưởng dâm dục,  2. Vẫn còn sự không biết vô hại,  3. Vẫn còn sự nghi hoặc vô hại,  4. Vẫn có vị nhờ người khác giúp cho mà biết vào đạo,  5. Có vị ngộ đạo nhờ âm thanh thuyết pháp.  Qua đó cho thấy La hán chưa phải Phật quả, Phật quả mới toàn hảo.  Từ Ðại chúng bộ phân hoá ra 7 bộ khác, từ Thượng toạ bộ phân hoá ra 11 bộ nữa, tổng cộng có 20 bộ phái.  “Mười tám bộ ngọn, với hai bộ gốc, tất cả toàn là xuất từ đại thừa, không có gì phải, không có gì trái”.  (Kinh Văn Thù Vấn)

[162] Tứ ma: 1. Phiền não ma: tham, sân, si ... não hại thân tâm,  2. Ngũ ấm ma: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là ma não hại thân tâm,  3. Tử ma: Ma chết hay cướp mạng sống,  4. Thiên ma: Ma trên cõi trời Tha hoá tự tại hay phá hoại thiện pháp, não hại người tu thiện.

[163] Kinh Hoa Nghiêm:  Quên mất tâm bồ đề mà tu hành các thiện pháp, thì gọi là hành động theo ma vương.

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 5-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

仏壇 お手入れ用品 观世音菩萨普门品 五痛五燒意思 biệt 弘一法师 华藏法门 người niệm phật chớ nên nghe nhiều hoÃ Æ Già 护法 ç ºä ç Ÿå æœ å œæ 念地藏圣号发愿怎么说 藥師琉璃光如來本願功德經 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 生日快乐 忏悔 Ngày ăn chay được ưu đãi 50 giá เทศนาหลวงพอธราชม 佛教中华文化 tinh cach tuc thoi lan dau cong bo anh ve cuoc dau tranh chong dan ap ò văn Tạp bút Tham thực sà c ß 清华间谍 nguồn gốc của khổ đau 课程表鼓励孩子的话 佛观音 新学期新展望内容怎么写 hÓng 即刻往生西方 Tây 成绩不好检讨 أبا درج น ท tái sinh ý nghĩa của sự giác ngộ lặng 净地不是问了问了一看 trạng 印顺法师关于大般涅槃经 4 lời khuyên cho người lười tập thể สโตร ส รา คนธรรพ มาเก ด 簡単便利戒名授与水戸 háºu قصص نسونجي