NHÂN DUYÊN
TS Lâm Như Tạng
Trong Mãdhyamaka Sãstra (Trung Quán Luận) của Ngài
Nãgãrjuna (Long Thọ) phẩm Quán về Nhân Duyên có 16 bài tụng bàn luận về
Nhân Duyên .
Vì đương thời có nhiều thuyết cho rằng Vạn Vật từ trời Ðại Tự Tại sinh,
từ trời Vĩ Nữu sinh, từ sự Hòa Hợp sinh, từ Thời Sinh , từ Thế Tính sinh,
từ Biến Hóa sinh, từ Tự Nhiên sinh, từ Vi Trần sinh v.v… Vì có những kiến
chấp sai lầm bị rơi vào vòng tà kiến , chấp : vô nhân, tà nhân, đoạn,
thường v.v… và chấp : ngã, ngã sở; do đó không thể thấu hiểu chánh pháp .
Ðức Phật muốn đoạn trừ tất cả những tà kiến nên đối với hàng Thanh Văn
Ngài đã giảng dạy 12 Nhân Duyên . Sau đó để dẫn dắt lên bậc cao hơn Phật
mới giảng dạy Pháp Ðại Thừa nói rõ thật tướng của Pháp Nhân Duyên là
“tất cả pháp chẵng sinh chẵng diệt, chẵng một chẵng khác, chẵng thường,
chẵng đoạn v.v… rốt ráo không .
Trong kinh Bát Nhã Ba La Mật Phật bảo ông Tu Bồ Ðề rằng : “Bồ Tát khi
ngồi ở Ðạo Tràng, quán 12 nhân duyên như hư không, không thể cùng tận…” .
Năm trăm năm sau Phật nhập diệt , vào thời Tượng Pháp , con người không
hiểu thâm ý trong lời Phật dạy , chấp vào văn tự, nghe trong kinh điển Ðại
Thừa nói : “nghĩa rốt ráo” nhưng chẵng thấu rõ nghĩa, không biết vì nhân
duyên gì mà Phật nói Tánh Không, sinh tâm nghi ngờ kiến chấp : “Nếu tất cả
rốt ráo không thời làm sao phân biệt có tội phước báo ứng; và như vậy sẽ
không có thế đế, và đệ nhất nghĩa đế?” .
Vì để giải rõ lý duyên khởi nên ngài Long Thọ viết 16 bài tụng như sau
(Do ngài Cưu Ma La Thập dịch từ tiếng Phạn ra Hán văn, Như Tạng dịch ra
tiếng Việt) :
1. Không sinh cũng không diệt,
Không thường cũng không đoạn
Không một cũng không khác
Không đến cũng không đi.
(Bất
sinh diệt bất diệt, bất thường diệt bất đoạn
Bất nhứt diệt bất dị, bất lai diệt bất xuất)
2. Khéo
nói nhân duyên ấy
Hay diệt
những hí luận
Ðệ nhất
trong các thuyết
Con cúi
đầu lễ Phật
(Năng thuyết
thị nhân duyên, thiện diệt chư hí luận
Ngã khể thủ
lễ Phật, chư thuyết trung đệ nhất)
Hai bài tụng trên tổng thể tóm kết 8 pháp : không sinh, không diệt; không
thường, không đoạn; không một , không khác; không đến, không đi .
Mặc dù Pháp có vô lượng nhưng 8 món đó đủ tổng phá hết thảy Pháp để tìm
hiểu về Tánh Không.
Nói về tướng Sinh có nhiều thuyết rất khác nhau như : nhân và quả một thể;
nhân và quả khác thể; hoặc là nói trong nhân trước có quả; hoặc nói trong
nhân trước không có quả; hoặc cho là quả chính tự thể sinh; hoặc cho là
do cái khác sinh; hoặc do tự và tha cọng sinh; hoặc cho là tự nhiên sinh
không có nguyên nhân v.v… Tất cả những thuyết ấy đều phiến diện , không
đúng nên tướng sinh không thể tự có do đó gọi là Không Sinh .
Ðã không Sinh thì không có cái gì để diệt. Vì không sinh diệt nên sáu món
còn lại không tồn tại .
Nếu đi sâu vào nghĩa chẵng thường , chẵng đoạn thì ta sẽ trỡ lại giống như
chẵng sinh , chẵng diệt . Vì nếu các pháp có thật tức là không thể không
có. Trước có mà nay không tức là Ðoạn. Nếu trước sẵn có Tính tức là
Thường. Do đó chẵng thường , chẵng đoạn đồng nghĩa với chẵng sinh chẵng
diệt .
Bốn món còn lại là chẵng một chẵng khác; chẵng đến chẵng đi thì thế nào ?
Nếu nhân và quả nhất thể thì không có tương tục. Nhất thể thì trước sau
như một, đâu phải tương tục từ nhân tới quả .
Chẵng một, chẵng khác ? Mầm nảy sinh từ hạt lúa nhưng mầm không phải là
hạt lúa. Hai vật đó không phải một nhưng cũng không phải khác. Ðó là thí
dụ điển hình cho tướng trạng của các pháp .
Chẵng đến , chẵng đi ? Mầm trong hạt lúa không thấy từ đâu đến , vì nó đã
có sẵn trong hạt lúa nên nói không đến .
Không đi vì mầm ấy sinh ra từ hạt lúa và phát triễn thành cây lúa , không
có hiện tượng mầm tách rời hạt để di động đi nơi khác nên gọi là không đi
. Những điều đó tượng trưng cho tướng trạng của các pháp không đến,
không đi.
Trường hợp nầy trở lại hai trường hợp ban đầu là vì các pháp không sinh
nên không có gì để diệt mất và do đó 6 món còn lại tự nhiên không tồn tại
nữa, trở về tánh không của đệ nhất nghĩa đế mà Ngài Long Thọ muốn nói đến.
3. Các
pháp không tự sinh
Cũng
không sinh từ cái khác
Không
cọng sinh, không vô nhân sinh
Do đó nên
hiểu rằng , các pháp vốn vô sinh
(Chư pháp
bất tự sanh, diệt bất tùng tha sanh
Bất cọng bất
vô nhân, thị cố tri vô sanh)
Các pháp không sinh ra từ chính nó nghĩa là phải hội đủ nhân duyên mới
sinh khởi ra được. Nếu pháp tự chính nó sinh ra tức là một pháp có hai cá
thể : sở sinh và năng sinh . Và các pháp nếu không cần nhân duyên mà sinh
thì như thế nó cứ tự sinh sinh mãi không hợp với luật nhân quả . Ví dụ hạt
lúa cứ để nơi khô ráo mãi thì tự nó không thể nảy mầm được . Muốn cho hạt
lúa nãy mầm phải ngâm nước một thời gian cần thiết và rồi phải gieo xuống
đất một thời gian cần thiết nó mới nãy mầm . Như thế nếu bảo là tự sinh mà
không có các nhân duyên hợp thành tức là trái với luật nhân quả .
Không sinh ra từ cái khác ? Ví dụ hạt cam không thể sinh ra cây lúa .
Hạt lúa trộn với hạt cam và cứ thế để nơi khô ráo mãi cũng không thể nẫy
mầm thành cây lúa được vì thiếu các nhân duyên sinh . Do đó không phải tự
nó hoặc cọng với cái khác mà sinh ra được.
Nếu các pháp tự nhiên sinh tức là không nhân mà lại có quả . Chẵng khác
nào có người vì muốn có quít để ăn mà hằng ngày cứ ngồi chờ trên tảng đá
mọc ra cây quít thì than ôi có bao giờ có được !
Ngài Long Thọ nói các pháp vốn vô sinh nghĩa là trỡ về cái tánh không của
các pháp, pháp vốn không có thì làm gì có Sinh với vô sinh.
4. Như tự tánh các pháp
Không tại nơi trong duyên
Vốn dĩ không tự tánh
Tha tánh lại cũng không
(Như chư
pháp tự tánh, bất tại ư duyên trung
Dĩ vô tự
tánh cố, tha tánh diệt phục vô)
Tự tính các pháp chính là Tự Thể của các pháp. Vì các duyên hòa hợp sinh
ra các pháp nên nếu các duyên tan rã thì các pháp mất do đó các pháp không
có tự tính cá biệt . Tự tính không ở trong các duyên . Ví dụ vật chất được
các nguyên tử kết hợp thành phân tử , nhiều phân tử kết hợp lại thành một
vật nào đó . Ðó là những chuổi dài các duyên hòa hợp sinh ra . Nếu phá vỡ
nguyên tử đi thì vật ấy bị hoại diệt . Như thế là vật ấy không có tự tính
cá biệt gì cả chỉ do các duyên hòa hợp mà sinh ra . Vì không có tự tính
nên tha tính hẵn là không có .
Vì tự sinh, tha sinh, cọng sinh, vô nhân sinh không có tướng sinh nên gọi
là vô sinh.
5. Nhân Duyên, Thứ Ðệ Duyên
Sở Duyên Duyên, Tăng Thượng Duyên
Bốn Duyên sinh các Pháp
Không còn Duyên thứ năm.
(Nhân duyên thứ đệ duyên, duyên duyên tăng thượng duyên
Tứ duyên sanh chư pháp, Cánh vô đệ ngủ duyên)
Nói về duyên thì có rất nhiều nhưng tổng thể đều gôm vào 4 duyên kể trên.
Do bốn duyên hòa hợp mà sinh ra các pháp .
Nhân Duyên là chỉ cho các pháp hửu vi. Thứ Ðệ Duyên là chỉ cho tâm tâm số
pháp quá khứ hiện tại, trừ tâm tâm số pháp tối hậu của vị A La Hán quá
khứ, hiện tại . Sở Duyên Duyên và Tăng Thượng Duyên là chỉ cho tất cả các
pháp .
6. Quả là từ duyên sinh
Hay là từ phi duyên sinh
Trong duyên ấy là có quả
Hay trong duyên ấy là không có quả
(Quả vi tùng duyên sanh, vi tùng phi duyên sanh
Thị duyên vi hửu quả , thị duyên vi vô quả )
7. Nhân pháp ấy sinh quả
Pháp ấy gọi là Duyên
Nếu quả ấy chưa sinh
Sao không gọi là Phi Duyên
(Nhân thị pháp sinh quả, thị pháp danh vi duyên
Nhược thị quả vị sanh, hà bất danh phi duyên)
Ví dụ cái bánh mì . Khi thấy bánh mì ta biết do nước và bột nhồi lại rồi
nướng lên mà thành bánh mì. Bánh mì là quả . Nhờ thấy quả mà biết được
bột và nước là duyên của nó. Như thế khi chưa có bánh mì sao không gọi
bột, nước là phi duyên .
8. Quả, trước có trong duyên ?
Có, không đều không thể
Nếu trước không có quả, thì duyên ấy làm duyên cho cái gì ?
Nếu trước đã có quả thì cần gì phải có duyên?
(Quả tiên ư duyên trung, hửu vô câu bất khả
Tiên vô vi thùy duyên, tiên hửu hà dụng duyên)
9. Nếu quả không hửu sinh
Lại cũng không vô sinh
Cũng không hửu vô sinh
Sao có thể nói là hửu duyên
(Nhược quả phi hửu sanh, diệt phục phi vô sanh
Diệt phi hửu vô sanh, hà đắc ngôn hửu duyên)
Ðức Phật thường đã dạy các Pháp do nhân duyên sinh nhưng tại sao đây lại
phủ nhận nhân duyên sinh ?
Ðức Phật dạy Pháp do nhân duyên sinh là mục đích chỉ rõ các pháp vốn không
có thực thể , không có thật ngã độc lập ngoài các duyên. Không phải do
nhân duyên sinh ra cái gì khác nó, riêng biệt ngoài nó mà quả chỉ hiện có
giả tạm trên các duyên. Do đó nói pháp do duyên sinh nhưng thật ra không
sinh ra cái gì thật có độc lập. Nếu nhân duyên sinh ra cái gì đó độc lập
với nó tức là hửu ngã chứ không phải duyên sinh vô ngã.
Nhưng pháp đã do duyên sinh thì phải là vô ngã chứ không thể hửu ngã. Như
thế là duyên không sinh ra cái gì khác nó nên gọi là không có nhân duyên
sinh, theo như ngài Long Thọ đã nói .
10. Nếu khi quả chưa sanh
Ắc không thể có diệt
Pháp hoại diệt thì còn có thể làm duyên cho cái gì được?
Do đó không có thứ đệ duyên
(Quả nhược vị sanh thời, tắc bất ưng hửu diệt
Diệt pháp hà năng duyên, cố vô thứ đệ duyên)
Các pháp hiện tại không lúc nào an trụ , nếu không an trụ thời không thể
làm duyên thứ đệ. Nếu an trụ thời nó không phải là pháp hửu vi . Vì tất cả
pháp hửu vi thường có tướng hoại diệt. Nếu diệt rồi thời không thể làm
duyên thứ đệ.
Phật dạy hết thảy pháp hửu vi niệm niệm diệt, không có một giây phút ngừng
trụ, vậy làm sao nói pháp hiện tại có một phần sắp diệt, một phần chưa sắp
diệt. Trong luận A Tỳ Ðạt Ma nói có pháp sắp diệt, có pháp chưa sắp diệt .
Pháp sắp diệt là pháp hiện tại , sắp muốn diệt. Pháp chưa sắp diệt là chỉ
tất cả pháp hiện tại khác và pháp quá khứ , vị lai, pháp vô vi, trừ pháp
hiện tại sắp diệt. Ðó gọi là pháp chưa sắp diệt.
Do đó nên không có thứ đệ duyên.
11. Như chư Phật đã dạy
Pháp chơn thật vi diệu
Ðó là pháp không duyên
Thì làm gì có sở duyên duyên
(Như chư Phật sở thuyết, Chơn thật vi diệu pháp
Ư thử vô duyên pháp, vân hà hửu duyên duyên)
Ðức Phật dạy các pháp , theo Ðại Thừa, rằng tất cả các pháp hoặc có sắc
không sắc , có hình không hình , hửu lậu vô lậu, hử vi vô vi, khi nhập vào
pháp tính thời tất cả đều không. Vô tướng, vô duyên ví như muôn sông chảy
vào biển, hòa đồng một vị, đó là thật pháp đáng tin. Còn các pháp Ðức Phật
nói ra để thích ứng với căn cơ , đó là những phương tiện truyền dạy các
pháp không thể xem là thật .
Do đó không có Sở Duyên Duyên.
12. Chư pháp không có tự tánh
Nên không có thật tướng
Nếu nói vì việc nầy có
Nên việc kia có là không hiển nhiên
(Chư pháp vô tự tánh, cố vô hửu hửu tướng
Thuyết hửu thị sự cố, thị sự hửu bất nhiên)
Bài tụng nầy muốn phá chấp về Tăng Thượng Duyên.
Vì các pháp từ các duyên sinh , tự nó không có tự tính nhất định nên không
có thật tướng. Vì các pháp không có thật tướng cho nên nếu nói vì việc
nầy có nên việc kia có là không đúng . Hàng phàm phu phân biệt có và không
nên Ðức Phật vì giáo hóa hàng phàm phu mà phải nói các duyên để phá trừ có
và không .
Khi nói về 12 nhân duyên Phật dạy do cái nầy có nên cái kia có, như có vô
minh nên có hành, có hành nên có thức v.v…mục đích là để chỉ rõ lý duyên
sinh của các pháp. Nói vô minh có nên hành có không có nghĩa là vô minh
và hành có thật. Vì vô minh và hành đều do duyên sinh . Tất cả các giai
đoạn giảng giải về duyên sinh của các pháp đều là phương tiện để cuối cùng
đưa về tính không của các pháp .
13. Trong nhân duyên rộng, hẹp
Tìm quả không thể được
Nếu trong nhân duyên không có
Sao có thể gọi là từ duyên sinh
(Lược quản nhân duyên trung, cầu quả bất khả đắc
Nhân duyên trung nhược vô, Vân hà tùng duyên xuất)
14. Nếu nói duyên không quả
Nhưng từ trong duyên sinh
Quả ấy sao không từ
Trong phi duyên mà ra
(Nhược vị duyên vô quả, Nhi tùng duyên trung xuất
Thị quả hà bất tùng, phi duyên trung nhi xuất)
15. Nếu quả từ duyên sanh
Nhưng duyên ấy không có tự tánh
Từ vô tự tánh sinh
Không thể được gọi là từ duyên sinh
(Nhược quả tùng duyên sanh, thị duyên vô tự tánh
Tùng vô tự tánh sanh, hà đắc tùng duyên sanh)
16. Quả không từ duyên sanh
Không từ phi duyên sinh
Quả vốn thật sự không
Duyên, phi duyên cũng đều không .
(Quả bất tùng duyên sanh, bất tùng phi duyên sanh
Dĩ quả vô hửu cố, duyên phi duyên diệt vô)
Ngài Long Thọ muốn tóm lược những lời Phật dạy trong các kinh điển. Lúc
đầu đưa ra nhân duyên, 12 nhân duyên để giải thích sự tương quan sinh khởi
của các pháp . Thế nhưng tóm lại tất cả pháp đều sinh diệt tương tục,
không có tự tánh nên duyên, nhân duyên , phi duyên, nhân, quả,… đều không
thật có.
Dẹp mọi tà kiến hí luận như Ái Luận , tâm đắm nhiễm chấp thủ các pháp.
Hoặc Kiến Luận, kiến giải sai lầm, như kiến chấp tà nhân luận, vô nhân
luận v.v…
Mục đích của bổn luận là đưa hành giả đến chánh quán, thật tướng, trung
đạo, tiến đến giác ngộ giải thoát.
Lâm Như Tạng
-
---o0o---
-
Trình bày: Nhị Tường
-
Cập nhật: 01-05-2004