Mật tông - Tiểu luận Yết Ma Bộ hoặc cái dụng của Đạo Phật.

 

.

 

TIỂU LUẬN YẾT MA BỘ

hoặc

CÁI DỤNG CỦA ĐẠO PHẬT

  Liên Hoa
http://www.lien-hoa.net

 ---o0o---

 

- Kính dâng lên chư Tổ, Ân sư Thích Viên Đức, Thích Quảng Trí và những hành giả Du già đã,
đang âm thầm duy trì và phổ biến Mật giáo tại Việt Nam.

- Kính tri ân những tác giả các quyển sách mà tôi đã trích đăng hay tham khảo khi viết bài tiểu luận nầy.

- Thương tặng Thanh- người vợ và là người bạn đạo đồng hành.

 Tâm vật bản nguyên vô nhị tánh
Thủy ba khởi hữu thủy ba ly
Thức giả khán ba khan tận thủy
Ba tùy thủy chuyển, thủy nguyên ba
Vật thể duyên sanh, duyên bất nhất
Thùy tâm hà vật giá na phân
Danh ngôn nghĩa lý tùng tha đắc
Húy luận phân vân thụy mồng trường

Dịch:

Tâm vật xưa nay vốn không hai
Sóng nước khởi nguyên nào cách biệt
Sóng xao, người trí nhận ra nước
Sóng tùy theo nước, nước là sóng
Vật thể duyên sanh, duyên khác biệt
Nào tâm nào vật đó đây phân
Danh ngôn nghĩa lý do đây hiển
Hý luận lăng xăng, giấc mộng dài

Luận Hiển Dương Chánh Giáo

  

Tôi đã dọn về Monroe nầy được ba năm, một thành phố nhỏ nằm về hướng Bắc của Tiểu bang Louisiana. Một thành phố mà đối với người Việt, nó có nhiều đặc điểm giống Đàlạt, thuộc vùng cao nguyên, nhiều cây cối nhất là những cây thông cao vút. Khí hậu tươi mát, rất lạnh khi Đông về.

Cách nhà tôi khoảng nửa cây số, có nhiều khu nhà rộng lớn và một campus (khuông viên trường) chiếm nhiều mẫu đất, là trường Đại học nổi tiếng tên University of Louisiana at Monroe (ULM ) -nơi đào tạo nhiều nhân tài cho nước Mỹ, nhất là trong ngành Y và Dược.

Cạnh đó, dọc theo con đường cái là một con sông River Oaks chảy dài, nước xanh biếc. Nhiều thân cây cao sừng sững nằm hai bên bờ, lá đang đổi sang vàng; cách khoảng vài mươi mét lại có chiếc cầu ván nằm lơi ra trên mặt nước. Rải rác vài nhà thủy tạ, kiến trúc mái cong thật đẹp, nằm giữa sông và cách xa xa lại có vài cây cổ thụ nằm tách khỏi bờ, nửa thân chìm dưới nước, cành lá sum sê. Thỉnh thoảng vài cơn gió thổi qua, khua động lá cành cạ nhau rì rào, mặt nước lao xao nhiều gợn sóng con, rồi trầm lặng. Nối hai bên bờ là chiếc cầu xi măng nhiều nhịp, vững chắc. Trên chiếc cầu nầy, mỗi ngày đã chuyên tải bao nhiêu là xe cộ, nhất là buổi sáng vào giờ đi làm và chiều lúc tan sở, ồn ào, nhộn nhịp...nhưng làm như không có gì có thể đánh mất sự tĩnh lặng của con sông. Đây có lẽ là một trong những nơi đẹp nhất của thành phố nhỏ bé nầy, đã quyến rũ nhiều du khách vãng lai thăm viếng.

Mỗi buổi sáng trên đường đi làm, tôi thường chạy xe ngang qua đây, quay kiếng cửa sổ xuống, chạy chầm chậm để hít thở không khí trong lành, thoảng nhẹ hương thơm của mùi đất, nước và cỏ cây xung quanh. Có những buổi sáng, khi vừng đông vừa ló dạng, xe tôi vừa chợt tới chân cầu. Trên bầu trời, mãnh trăng tròn còn sót lại lơ lửng, như còn tiếc nuối một đêm dạ tiệc liên hoan. Mặt sông ngập tràn khói sương, trắng xóa, không còn nhìn ra mặt nước. Thoảng một cơn gió, khói sương lay động, lờn vờn, uốn khúc như những cô thiếu nữ đang đùa giỡn. Thật đẹp! Tôi luôn muốn thưởng thức những hình ảnh thiên nhiên nầy để làm khơi dậy những hiện tượng thiên nhiên trong tâm tôi, những cảnh mầu nhiệm mà nhiều khi vì cuộc sống, vì bận rộn...đã làm vùi sâu trong tận đáy tâm của tôi, dưới lớp chất chồng của thời gian.

Sau lưng nhà tôi, khoảng sân rộng lớn, cỏ xanh mướt. Tôi đã trồng vài cây đào Nhật, cây táo, cây bằng lăng (Crypal myrtal) dọc theo bờ rào. Giữa sân là một hồ phun nước hình cánh sen, ba tầng, nước phun lên rồi chảy xuống, tiếng nghe róc rách, dịu dàng như tiếng của một dòng thác nhỏ. Vài con chim đệm thêm điệu nhạc, líu lo hát, chuyền từ cành nầy qua cành khác, lượn quanh bồn nước, rồi đậu lại trên cánh sen, chúi đầu xuống uống nước, xong ngẩng lên nhìn bầu trời với tất cả sự sảng khoái. Tiếng phong linh ở một góc nhà đang leng keng theo gió. Những cây bằng lăng, cành thon nhỏ vươn lên như ngàn cánh tay với giữa khoảng không, đang trổ hoa, màu hồng lợt. Loại cây nầy hay trổ hoa vào mùa Hè. Hình như mỗi loại hoa đều biểu tượng cho một cái gì đó, như huệ tượng trưng cho tinh khiết, hay loài hoa phượng đỏ sẫm khi Hè về ở Việt Nam, làm thổn thức bao tâm hồn của lứa tuổi học trò. Tôi cảm thấy yêu thương cái thành phố nầy, yêu để mà thích nghi. vì đau khổ thường bắt đầu bằng sự không thích nghi với mọi hoàn cảnh.

Tôi chợt nhớ đến loài hoa Ưu-đàm ( Umdambara). Theo truyền thuyết, hoa chỉ nở khi có một vị Thánh nhân ra đời. Tôi muốn nói sự xuất hiện của đức Phật và giáo pháp của Ngài, mở con đường giải thoát cho mọi loài chúng sanh. Câu nói thật đơn giản của Ngài sau khi đạt Giác ngộ dưới cội cây Bồ-đề : “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.”, nhưng đó là tiếng Sư-tử hống rền vang giữa bầu trời vô minh, đen tối, mạnh hơn vạn vạn lần bom nguyên tử đã và sẽ đang mãi mãi lay động tâm thức của con người đang ngụp lặn trong vòng luân hồi.

Nếu sự thị hiện của Ngài là vì sự đau khổ của chúng sanh đang bám vào huyễn tưởng, để chỉ rõ Chơn-như Phật tánh, thì không lẽ trong thời hiện nay, con người đang sống an lạc và đức Phật không cần ứng hiện? Ngài từng nói: “Không nơi nào trong cõi Diêm-phù-đề là không có chôn vùi thân xác của Như-lai vì trong vô lượng kiếp hành hạnh Bồ-tát để cứu vớt chúng sanh.” Như vậy, đức Cồ-Đàm - Ngài không chỉ xuất hiện trong khoảng không-thời-gian lịch sử ở Ấn-độ hơn 2500 về trước, mà ứng thân của Ngài đã đang thị hiện khắp mọi nơi chốn và khoảng sân sau nhà tôi, tôi đã nhận ra được bóng dáng trang nghiêm của Ngài, đã từng, cũng như đang bước chân kinh hành qua đây như đang tại thành Xá-vệ, vườn Cấp-cô-độc, rừng cây của Thái tử Kỳ-đà.

Tôi nhớ đến những vị Đạo-sư, những vị Tổ...vì nguyện từ bi đã từng thế hệ nầy qua nhiều đời kế tiếp, và đã từ những quốc độ nầy qua quốc độ khác để “truyền đăng tục diệm” gìn giữ ngọn đuốc soi đường cho chúng sanh không bị lụn tắt, khi mà con người ngày hôm nay đang cần hơn bao giờ hết vì đứng trước hiểm họa nhân loại có thể bị tiêu diệt bởi con người mang đầy thương tích do tham sân si mà trong tay lại đang ôm đầy vũ khí giết người .

Và hình ảnh của Thầy Thích Viên Đức, giữa hậu bán thế kỷ 20 đã đứng ra thổi phừng lên ngọn đuốc Mật thừa. Thầy trò chúng tôi đã quen biết nhau vào tháng 10/1965 tại chùa Dược Sư, Ban mê thuộc. Sau năm 1975, Thầy ở hẳn chùa Thiền Tịnh, Thủ Thiêm. Một ngày, gia đình tôi đến thăm Thầy vào trưa 01/07 Canh Thân ( 11/08/1980 ),Thầy đã gọi tôi vào Nội thất và trao cho viên ngọc Xá-lợi của đức Phật cùng truyền Mật chú Tỳ-na-dạ-ca (Vinayaka) với lời nói : “ Thầy trao cho con bộ chú, rất là thù thắng, linh nghiệm và tối ư quan trọng với người tu Mật” ( Người nào hiểu Thầy thì biết đó là cách thường nói của Thầy, có nghĩa là nếu miên mật tu trì, sẽ có nhiều lợi lạc cho mình và người). Thầy dặn vài ngày sau qua để Thầy đưa bản Kinh và truyền ấn pháp để hành trì. Nhưng tôi không ngờ đó là lần cuối cùng mà Thầy trò tôi gặp nhau, vì vài hôm sau ngày 11/07 âm lịch (21/08/80), Thầy viên tịch. Trong tôi có một khoảng trống, như người té xuống vực sâu, được thả dây xuống cứu, vừa sắp nắm được, dây đã bị kéo lên.

Sau đó một thời gian ngắn, tôi được gặp Thầy Quảng Trí -người thường cùng Thầy Viên Đức phiên dịch Kinh thuộc Mật tạng và là người hiện nay đang xiển dương Tông Mật tại Việt Nam. Thầy đưa tôi bản Kinh Tỳ-na-dạ-ca mà tôi đang tìm và truyền Ấn pháp. Bản Kinh tóm lược thật ngắn :

Lúc bấy giờ Tỳ-na-dạ-ca tại Phú-la sơn tập các đại chúng Phạm Thiên, Tự-tại Thiên, Thích-đề Hoàn nhân ...vô lượng chư quỷ thần, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ bạch Đại Tự-Tại Thiên rằng:” Con muốn nói nhất tự chú vì lợi lạc chúng sanh, xin nguyện ấn khả.” Liền nói chú rằng:

Om- Gahga Hrih Om Ha Hùm Fat

Muốn tu pháp nầy, trước phải tạo tượng hoặc bằng vàng, bạc, thiết, đồng, mộc v.v...tác tượng: vợ chồng hai thân ôm nhau, đầu voi thân người. Tạo xong, lấy tượng để trong bình bằng đồng tròn, có chứa dầu mè, an ở trong đàn tròn và thường trì tụng:

Nam mô Tỳ -lô giá na Phật.

Nam mô Đại-bi Quán Thế âm Bồ-tát.

Nam mô Đại phẫn nộ Kim-Cang Quân-trà-lợi Bồ-tát.

Nam mô Tam thiên Đại thiên Thế-giới chủ Đại-Tự-tại Thiên.

Nam mô Song thân Hoan Hỷ Tỳ-na-dạ-ca .

Tâm chuù:

Om- Hrih Gah Svaha .

Bấy giời Tỳ-na-dạ-ca đem 9800 Đại quỉ Vương du hành tam thiên thế giới, có đầy đủ thần lực tự tại, từ bi lợi lạc chúng sanh.

Lại mỗi ngày thường trì tụng chú nầy, lấy muỗng bằng đồng múc dầu mè rải trên đảnh Tượng Song thân, sẽ tiêu trừ chướng ngại cho hành giả...

Lần thứ hai công án nầy lại gây cho tôi thêm nhiều mối nghi tình và dưới cặp mắt màu khoa học, lý luận, nghi vấn...nó đã theo tôi suốt những năm tháng dài. Như một đệ-tử nhận được một công án từ vị Thầy và khắc chữ tử vào chính công án đó.

Tỳ-na-dạ-ca là ai? Tại sao lại tác tượng đầu voi thân người? Tại sao hai tượng Tỳ-na-dạ-ca ôm nhau? Tại sao lại để trong bình bằng đồng tròn có dầu mè và an trong Đàn tròn và tại sao lại phải trì năm danh hiệu? Tại sao lạy Tỳ-na-dạ-ca chỉ được lạy một lạy? Đây là biểu tượng gì mà Mật tông của Phật giáo cần hiện rõ? v.v...

Đạo Phật là một tôn giáo đầy nhân bản, đặt trọng tâm trong sự khai thị chúng sanh ngộ được Tri kiến Phật để chấm dứt vòng móc luân hồi Chúng sanh vì vô minh không nhận ra được tánh Giác, sống trong cái Giả nên luân chuyển trong lục đạo và trong vòng tồn sinh, lại tạo thêm nhiều nghiệp duyên mới cộng với nghiệp cũ, chồng chất thêm nên càng ngày càng bị trói chặt trong vòng trầm luân. Đạo Phật dùng nhiều phương tiện thiện xảo, nhiều pháp môn tùy theo khế cơ khế lý để nhiếp hộ chúng sanh và chỉ rõ con dường đưa đến giải thoát. Không lý gì đạo Phật lại trở thành sùng bái vật (lingal) như những tín ngưỡng dân gian.

Đạo Phật như chúng ta được biết, khởi phát từ Ấn-độ và do Ngài Cồ-đàm sau nhiều năm tu khổ hạnh và 49 ngày dưới cội cây Bồ-đề (Pippala), Ngài đã rũ sạch mọi phiền não và chứng đắc Vô thượng Chánh-giác, rồi vì lợi lạc cho muôn loài như bổn nguyện, nên Ngài đã lăn bánh xe chuyễn pháp luân.

Lịch sử ghi nhận, khi Đức Phật xuất hiện, văn hóa Ấn-độ đã phát triển đến trình độ khá cao do tư tưởng sáng tạo của giống người Aryen. Có đến 6 phái triết học như Pirana Kàssápa, phái Makkhali Gosàla, phái Ajitakesa Kambali, phái Pakudha Katyàyana, phái Sànjaya Belathiputta, phái Nigantha Nàtaputta v.v...và Kỳ-na giáo (Jaina ); nhưng ảnh hưởng và chi phối nhiều nhất trong đời sống xã hội và văn hóa Ấn-độ lúc bấy giờ là Bà-la-môn giáo. Tôn giáo nầy đặt căn bản trên hệ Kinh điển như Rg Veda, Brahmana và Upanishad. Dân tộc Ấn rất tôn trọng nghi thức tế tự, kính thần; do đó, Bà-la-môn giáo dựa vào Thần quyền và đã phân chia xã hội ra thành nhiều giai cấp bất công.

Sự xuất hiện của Đức Phật, sau khi đạt Giác ngộ, Ngài nhìn thấy rõ vòng móc xích 12 nhân duyên đã đưa con người luân chuyển trong 6 nẻo luân hồi và Ngài nhận ra rằng mọi người đều có khả năng thành Phật, nên Ngài đã hoàn toàn phủ nhận tất cả những gì truyền thống về thần linh, những qui ước và những tập tục bất công thời bấy giờ. Ngài đem tư tưởng bình đẳng cho mọi hạng người trong xã hội và chú trọng đến trí tuệ, đức hạnh để định vị thứ con người, chứ không phân biệt theo giai cấp giàu nghèo v.v... nên Giáo Pháp và đức Từ Bi Hỷ Xả của Ngài đã thấm nhuần đến mọi giai tầng xã hội.

Tuy nhiên, theo lịch trình hình thành Tông phái trong đạo Phật, sau khi đức Phật nhập diệt, để tùy theo căn cơ của chúng sanh mà giáo hóa, Mật thừa cũng đã được thành lập vào thế kỷ thứ VII, rút từ những Kinh điển nguyên thủy. Khoảng thời gian nầy, đạo Phật đang nở rộ trên toàn cõi Ấn-độ, nhưng lại đặt nặng trên tri thức về triết lý, nghiên cứu, lý luận và đánh bạt tất cả những học phái triết học đương thời, nhưng chỉ vì chuyên chú kiến thức để tranh luận, nên Phật chất cũng như đời sống nội tâm khô cạn. Sự hình thành Tông Mật là sự kéo trở về sự thực hành và thực chứng. Không có công phu thì không thể chứng đắc và nếu không chứng đắc thì không thể giải quyết được sanh tử. Qua sự hình thành tông Mật, dĩ nhiên một số nghi thức hành trì hoặc tác đàn pháp, hộ ma, hình ảnh các vị Thần v.v.. của Bà la môn giáo cũng được du nhập vào Mật giáo, nhưng đã được chuyển hóa.

Tỳ-na-dạ-ca (Vinayaka) là một trong số những vị Thần của Bà-la-môn giáo, được xem như vị Thần Phúc-đức. Ngài là con của Trời Đại-Tự-Tại (Maha Mahesvara = Phạm Thiên của Bà-la-môn giáo), khi được đưa vào Mật giáo thì chuyển thành Thường-tùy quỉ hoặc như Ma Ba Tuần bên Hiển giáo. Tôi sẽ trình bày rõ phần nầy sau, khi nói về biểu tượng của Tỳ-na-dạ-ca.

Đi sâu vào mỗi pháp của Mật giáo, cũng cần nên biết về mandala mà bộ pháp đó đặt nền tảng hay cửa ngõ để thể nhập. Mandala có thể ví như một phòng thí nghiệm của nhà bác học khi nghiên cứu về một vấn đề gì đó hoặc tạm ví như một công án thiền. Vì thế, mandala của Mật giáo được định nghĩa là :

1- Đàn tràng, đạo tràng

2- Vô thượng, không gì hơn

3- Pháp vị vô tỷ

4- Phát sanh chư Phật

5- Luân viên cụ túc

nên đàn tràng được biết là nơi hiển lộ Pháp thân Phật hoặc Đại Tỳ-lô-giá-na (Mahavairocana) hoặc Như-Lai Đại Nhật. Đàn cũng là biểu tượng của vũ trụ sum la vạn tượng, của cuộc đời hoặc thân ngũ uẩn của con người và trong một ý nghĩa nào đó, cũng có nghĩa tượng trưng cho sự Hóa hiện vaø Điều phục do chư Phật và Bồ-tát vì Từ tâm muốn hóa độ chúng sanh nên phương tiện quyền Hóa hiện ra các hình tướng của các Thần của ngoại giáo, ví dụ đức Quán Thế Âm hóa hiện ra 33 thân như Phạm Thiên, trời Đế Thích v.v...hoặc khởi Bi mẩn thể hiện uy lực để Điều phục các Thần đó quay về Chánh Pháp.

Đàn còn được chia ra làm 5 Pháp mandala hoặc Mạn tướng mandala:

1-      Trung ương: Phật bộ, Địa đại, Pháp giới thể tánh trí, chủ bộ: Như-Lai Đại Nhật, Sắc uẩn.

2-      Phương Đông: Kim cang bộ, Phong đại, Đại viên cảnh trí, chủ bộ: Như Lai A-súc-bệ, Thức uẩn. Đàn vuông.

3-      Phương Tây: Liên hoa bộ, Phong đại, Diệu quán sát trí, chủ bộ: Như Lai A-di-đà, Tưởng uẩn. Đàn bán nguyệt.

4-      Phương Nam: Bảo bộ, Hỏa đại, Bình đẳng tánh

trí, chủ bộ: Như Lai Bảo Sanh, Thọ uẩn. Đàn

tam giác.

5-      Phương Bắc: Yết ma bộ, Thủy hoặc Không đại,

Thành sở tác trí, chủ bộ: Như Lai Bất Không

Thành Tựu, Hành uẩn. Đàn tròn.

Trong vòng sinh hóa bất tận, đó là một phức hợp gồm ngũ uẩn hoặc đều do 6 Đại biến hiện thành tựu

Ở dây, trong pháp Tỳ-na-dạ-ca được tôn thờ trong Đàn tròn, thuộc Thủy đại hoặc Không đại.

Pháp khí gồm có 2 :

* Dầu mè: Thủy đại đã được tượng trưng bằng dầu mè. Trong Đông y dược, mè có dược tánh âm dương. Người xưa hay dùng dầu mè để làm dược tá trị bệnh, hoặc dùng để thắp đèn dầu trong đền miếu hay cung điện, vì dầu mè còn có chất tinh khiết. Trong Mật giáo, dầu mè thường được dùng trong pháp hộ ma. Thủy như chất lỏng, đại dương trong vũ trụ hoặc như lượng máu thắm đỏ luân lưu trong cơ thể để nuôi dưỡng hay như dòng sông của nội kết nằm trong chiều sâu của tâm thức của mỗi con người, có thể là do thấy nghe, nếm xúc, tưởng tượng, tư duy, tham đắm hoặc thọ cảm khoái lạc hay đau khổ v.v...và ảnh hưởng đến cách sinh hoạt của mỗi chúng ta trong đời sống hàng ngày.

* Bình tròn bằng đồng: Đồng được xem như loại có linh khí. Sắc vàng của đồng thuộc Thổ như da thịt của cơ thể, bảo bọc, che chở và làm nên hình dáng của con người hoặc là đất nuôi dưỡng vạn vật. Thổ cũng là chất rắn, dung chứa nên còn gọi là Tâm địa, còn tượng trưng cho Tàng thức hoặc A-lại-gia thức. Hình dáng tròn còn là vũ trụ càn khôn bao la chứa đựng muôn vật, vừa tương sanh vừa tương nhập muôn pháp trong Không tánh.

Đi từ pháp khí là dầu mè và bình tròn bằng đồng, để chúng ta bước vào khu đất mênh mông của tâm và các dòng tâm thức tuôn chảy, là nền móng của sự chuyển y. Nghiên cứu sâu xa hơn, ta thấy nghiệp dĩ của muôn loài vốn là Khổ (dukkhã), gốc do vô minh (avijjã). Vô minh là không nhận thức được bản chất cấu hợp của năm uẩn, của căn trần cũng như bản chất thực sự của chúng. Là ôm lấy tứ đại như đất nước gió lửa mà không nhận thức được sự trống rỗng, duyên hợp của chúng, nên để cho năm triền cái như tham dục (kãmacchanda), oán ghét (vyãpãda), hôn trầm (thĩnamiddha), phóng dật (uddhãcca kukkucca) và hoài nghi (vicikicca) ngăn trở, đóng bít con đường giải thoát ra khỏi đau khổ.

Nằm dưới những lớp mặt nổi nêu trên, là do sự suy tư không chân chánh (Chánh kiến và Chánh tư duy trong Bát chánh đạo) nên dẫn cuộc phiêu lưu của các giác quan đưa đến tam nghiệp bất thiện như thân khẩu yù, là chất nuôi dưỡng năm triền cái và là nhân cho mọi đau khổ, luân hồi.

Hình ảnh Tỳ-na-dạ-ca Song thân đứng vững giữa bình tròn bằng đồng chứa dầu mè vừa biểu hiện cho khuấy động cũng như sự tỉnh lặng cực độ, vừa là nhị nguyên tương đối tương duyên tương sinh, vừa là biểu tượng của sự vượt thoát toàn diện.

Trong Tỳ-na-dạ-ca nga Bát đề du già Tất địa phẩm Bí yếu pháp: “ Hành giả thường trì tụng chú nầy không bị chướng ngại; đây là chơn ngôn trong quyền thực nghi. Vì sao vậy? Hật-rị ( ) tức Bồ tát Quán tự tại chủng tự, Bồ-tát hóa thân làm vợ để khuyến Tỳ-na-dạ-ca không gây chướng nạn, chỉ vì mục đích quyền nghi. Chữ Gắt ( ) là Tỳ-na-dạ-ca chủng tự, đây gọi là Thường-tùy quỉ vì thường luôn luôn theo đuổi tất cả hữu tình đồng cầu chứng đắc, không giống như Thiên ma, Địa ma làm chướng ngại có lúc. Giả sử Phạm-vương Đế-thích, chư Thiên Long cũng không thể phá được chướng ngại nầy, trừ Bồ-tát Quán-thế-âm và Quân-trà-lợi mới hay trừ được. Nếu có nhiều chướng nạn, cầu các việc không được như ý, nên dùng nước hương rữa tượng Quán Thế Âm, sau lấy nước đó rữa Tỳ na dạ ca. Sau đó, trì chú 108 biến mà tự rữa thân mình, tất cả chướng nạn tự nhiên tiêu trừ hoặc có thể dùng pháp của Bồ-tát Quân Trà Lơi để trừ Tỳ na dạ ca chướng nạn.

Chơn ngôn Tỳ-na dạ ca là thực tức quyền. Sao gọi là quyền? Chư Phật và Bồ-tát vì hàng phục giãi đãi mà hiện thân. Các chướng nạn của hành giả thường khởi lên do sự giãii đãi, quyền tức y theo thực. Do vậy, một chữ xưng lên thực tức tòng quyền do chư Phật Bồ tát hóa Phật tức Tỳ-lô-giá-na tuyên nói: “ vô sở bất trí tri thân“

Phật, Bồ-tát Quán thế âm hoặc Bồ tát Phổ Hiền cũng hiện thân Tỳ na dạ ca, vì muốn sách tấn kẻ làm chướng ngại nhập vào chánh kiến. Sở dĩ Tỳ- na-da-ca hiện đầu voi thân người, hiện chướng thân, vì tượng trưng tuy có sức lực nhưng hay tùy người nuôi và kẻ dạy dỗ.”

Nói đến Tỳ-na-dạ-ca là nói đến vấn đề biểu tượng và qua biểu tượng nầy để chỉ thẳng chính thực tại. Nhưng, đừng sai lầm cho rằng biểu tượng nầy là thực tại như một số người ngộ nhận, vì thực tại thì muôn màu muôn sắc, linh động. Biểu tượng có thể được hiểu như một hướng dẫn viên thông thạo, rành sõi để làm cho ta nhìn thấu thực tại, nhưng vượt từ biểu tượng đến thực tại lại cách ngăn một sợi chỉ mỏng cũng có thể là ngàn trùng xa cách.

Biểu tượng Tỳ-na-dạ-ca, nếu nói theo Duy thức học, có thể là Vô chất tánh cảnh, tức là tinh thể của thức và chỉ có thể đạt tới bằng vô lậu trí tức bằng trí vô phân biệt hay trí tuệ bát-nhã. Sở dĩ nhấn mạnh như vậy là để đi trực tiếp vào và đến tận suối nguồn của biểu tượng. Nếu có những so sánh, phân biệt, dẫn giải v.v...chỉ là quyền tạm hay phương tiện thiện xảo để thể nhập vào.

Như chúng ta được biết, trong suốt cuộc đời của đức Phật, vì lòng từ bi vô hạn đối với chúng sanh, nên Ngài đã dùng biết bao nhiêu là phương tiện thiện xảo để mà hóa độ, nào hóa thành dụ, nào tam thừa, nhị thừa và cuối cùng, chỉ rõ một thừa duy nhất –đó là Phật thừa. Pháp Tỳ-na-dạ-ca nầy là những diệu dụng của Phật thừa đó.

Phật thừa không đến từ ngoài, mà chứng được trong tự thân nầy vì trong thân tâm có đầy đủ viên mãn tự tánh thanh tịnh như Phật. Tuy nhiên, thân tâm phàm phu chúng ta khác xa Phật. Vì, tâm Phật thì an trú trong Nội-Ngoại không và trang nghiêm bằng phước huệ, và ứng thân Ngài cũng là thân ngũ uẩn, nhưng đầy đủ 5 tướng như:

1- Thông đạt tâm bồ-đề

2- Tu tâm bồ-đề

3- Thành tâm kim-cang

4- Chứng thân kim-cang

5- Thân Phật viên mãn.

nên tạo thành thân Phật cụ túc, còn thân chúng ta thì cấu tạo bởi tứ đại và tâm thì được nuôi dưỡng bởi ngũ thủ uẩn.

Đi từ những nguyên nhân cấu thành vũ trụ vạn hữu như lục đại duyên khởi:

1- Địa (Prthividhàtuh ) : Đất, sức ép, tiết xuất.

2- Thủy (Abodhàtuh ) : Nước, tính chất tàng trữ.

3- Hỏa (Tejodhàtuh) : Lửa, sức ấm nóng.

4- Phong (Vajudhàtuh) : Gió, sức rung động.

5- Không (Sũnyatà) : Không gian

6- Thức (Vijnãna) : Cảm giác, tư tưởng..

những tính chất trên rất tinh tế và tự có đủ năng lực tiến hóa, phát triển cũng như không thể phân tích được như những nguyên tử, điện tử...Chúng dung hòa lẫn nhau và tạo ra sự hiện hữu của vũ trụ, vạn vật.

Trong Dịch lý, phần học thuyết ngũ hành, ta thấy: Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ cũng vậy, là những khí chất phổ biến, chứ không phải là 5 chất cơ bản của vạn vật theo học thuyết duy vật, chúng cũng không thể đứng độc lập, mà nương dựa nhau để mà tồn tại. Ví dụ như : Hỏa

 

 

Mộc Thổ

 

 

Thủy Kim

Trên cơ sở phạm trù nhân quả đó, mọi hiện tượng xẩy ra luôn luôn có 2 nguyên nhân: Ức chế một hiện tượng và Hưng phấn một hiện tượng khác. Nói theo xưa: “ Trong vạn vật, hễ có Ta, thì có cái Sinh Ta và có cái Khắc Ta; khi có Ta thì phải có cái Ta Sinh và cái Ta Khắc.” Tạo thành một hệ thống tự điều chỉnh, thống nhất hài hòa. Đó cũng là nguyên lý Âm Dương: “Âm Dương tương phản tương thành” Trong mọi bản chất của hiện tượng và sự vật, luôn luôn có sự mâu thuẫn nội tại để thành hình và duy trì lẽ sống.

Bước qua phần cấu tạo thân người với tứ đại: Đất như phần da thịt, nước như lượng máu lưu thông, gió như những cử động của các cơ năng và lửa như hơi ấm làm cho một cơ thể sinh tồn. Tuy nhiên, tứ đại đều nương tựa lẫn nhau, không có gì độc lập vì trong mỗi đại đều hàm chứa các đại kia. Từ đó, đưa ta đến luật duyên sanh duyên khởi:

Cái nầy hiện hữu thì cái kia hiện hữu,

Cái nầy sinh khởi thì cái kia sinh khởi

Cái nầy không thì cái kia không

Cái nầy hủy diệt thì cái kia hủy diệt“

Kinh Majjhimanikayà

hoặc “ Tất cả toàn thể vũ trụ tạo thành một vật, và một vật ảnh hưởng đến toàn theå”.

Cho đến phần ngũ thủ uẩn cũng vậy. Ngũ uẩn bao gồm Danh và Sắc:

1- Sắc (Rũpa) hay là ấm: Hình tướng vật thể.

2-Thọ (Vedana): Cảm giác thọ vui hay buồn khi

đối cảnh.

3-Tưởng (Sanjnã): Tưởng tượng ra sự sai biệt khi

tiếp xúc với cảnh..

4- Hành (Sankhãrã): Hướng động lực tạo nghiệp.

5-Thức (Vijnãnã): Phân biệt sự vật rồi bám chặt

vào tùy theo sự yêu ghét

“Lấy một hữu tình mà xét, thì Sắc uẩn là Thân, còn 4 uẩn kia là Tâm. Trong Tâm có Thọ Tưởng Hành mỗi thứ đều là một loại tác dụng đặc biệt của tâm tính, nên gọi là pháp sở hữu của Tâm hay Tâm sở. Còn một mình Thức là tự tính của Tâm, nên gọi là Tâm vương. Cho nên, năm uẩn là hai pháp Thân và Tâm”. Mỗi uẩn đều bao hàm các uẩn khác và hòa hợp lẫn nhau để hiện hữu. Chúng có tính chất khát khao tồn tại mãi, nên chấp thủ, bám víu vào sự sống một cách kiên trì. Nhưng chúng được cấu tạo bởi những yếu tố không bền vững, luôn thay đổi, nên không có thực thể hay bản ngã cố định. Ở đây, cũng cần nhấn mạnh: Phật giáo quan niệm một sinh mạng do nhiều nguyên nhân hòa hợp, chứ không do một nguyên nhân sáng tạo đặc thù nào, như căn nguyên hay đẳng lưu nhân quả của một sinh mạng là nhân, còn những điều kiện cần thiết giúp cho một sinh mạng tồn tại, phát triển hay tăng thượng duyên là duyên.

Hình dáng thân xác của ta, bề ngoài thấy như ổn cố, nhưng chúng luôn biến đổi: từ sơ sanh, biết đi, biết nói, thanh niên, cho đến lão niên đều khác biệt nhau. Nếu quan sát tâm, ta cũng thấy từ cái cảm giác, tư tưởng...khi 6 cân (Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với 6 trần (Sắc, thanh, huong, vị, xúc, pháp) thường thay đỗi trong chớp nhoáng hay trong mỗi chập tư tưởng. Dòng suối tâm liên tục chảy, cuốn theo tất cả đủ loại tư tưởng xấu tốt, khiến ta có cảm giác rằng có một cái ta cố định, trường cửu, làm chủ thân. Nhưng tất cả đều không cố định, vô thường, rỗng không, nương tựa nhau mà hiện hữu nên không có thực thể, vô ngã. Tính chất vô thường, rỗng không và vô ngã hiện hữu trong tất cả các pháp.

Đứng về mặt tương đối luận, nếu nói: “Hữu thân hữu khổ”, ta cũng có thể nói: “Có nghiệp mới có thân và có khổ.” Nghiệp do vô minh mà ra và xuất hiện đồng thời với vũ trụ vạn hữu. Nghiệp hay vô minh là một phần của bản thể và hữu chung vì là động. Những gì có tác động thì có sinh và có diệt và vai trò của vô minh sẽ biến mất, vô tác dụng hay trở thành phương tiện diệu dụng khi một vị đã giác ngộ.

Sự bám víu vào những gì sinh diệt sẽ đưa đến khổ đau vì trói buộc con người trong sự tham đắm và gìn giữ. Mười sợi dây làm khổ lụy, sai khiến con người là Thập kiết sử: 1-Tham dục, 2-Sân nhuế, 3- Si, 4- Kiêu mạn, 5- Nghi, 6- Thân kiến, 7- Biên kiến, 8- Tà kiến, 9- Kiến thủ kiến, 11- Giới thủ kiến. Đó là do gốc vô minh, thiếu chánh kiến nên đưa đến không nhìn thấu được bản chất của mọi sự vật đều giả hợp. Con người của quá khứ, của những ngàn năm năm về trước và những con người của hiện tại đều giống nhau, cùng những đau khổ, cùng những suy tư và đều cùng bị ràng buộc trong những duyên hợp đó. Do thấy sai (Kiến truï) nên tạo thành vô số nghiệp tích lũy từ vô lượng kiếp và tăng dần thêm trong cuộc sống hiện tại, những nghiệp thức nầy che lấp bản tâm nên thường y theo biến kế sở chấp (Parikalpita) nhận giả là chân, nhận vô thường là thường, nhận có một cái ngã thường hằng, nên sợ hãi bị mất và tham đắm (Dục ái truï) rồi tạo thành nghiệp luân hồi.

Tôi tìm tôi trong mộng

Nên mộng đến bên tôi

Mộng đi rồi mộng đến

Cũng là mộng mà thôi

Làm sao phá vỡ được cơn mộng nầy? Làm sao cho cái vòng móc xích của mười hai nhân duyên không còn tác dụng?

Pháp Tỳ-na-dạ-ca là diệu dụng của đức Như Lai Bất Không Thành Tựu và Đàn là nơi mà người hành giả thâm nhập vào để trở về với nguyên bổn tánh và để nhận thức rõ ràng thực tại. Có người cho rằng: Đàn pháp của Mật giáo rất phức tạp, vì phải chọn đất, thiết lập đạo tràng, kiết giới, nghi quỉ hành trì, quán tưởng v.v..nhưng quên rằng như định nghĩa, Đàn là cõi giới, là nơi biểu hiện của tâm thức và là sự sống, nên Đàn có mặt khắp mọi nơi chốn, trong mỗi đời sống thường nhật của con người qua từng cữ chỉ, lời nói, ý tưởng, do con người đã thể nhập. Nếu quan niệm Đàn như ở trên, chỉ là Ngoại hộ ma hay phần ngoài da thịt chứ không phải là Nội hộ ma như ở dưới.

Đi sâu vào phần nội dung Kinh được gọi là Phẩm Bí yếu pháp Tất địa Tỳ-na-dạ-ca ở trên. Ta thấy kinh nói: Tỳ na dạ ca lại được gọi là Thường tùy quỉ, khác với Thiên ma hay Địa ma làm chướng ngại có lúc (Ngoại ma nghiệp), còn Thường tùy quỉ thì theo luôn bên mình (Nội ma nghiệp), vì đó là vọng tâm tác quái đến hành giả xảy ra khi buông mất chánh niệm hay giãi đãi. Cho nên, trì tụng chú nầy tức không bị chướng nạn, tức trở về và giữ vững chánh niệm.

Chỗ nầy, người hành giả tu Mật giáo cần lưu ý. Tôi không đồng ý với quan điểm của một số người cho là tu Mật rất nguy hiểm và có thể bị điên hay “tẩu hỏa nhập ma”. Chúng ta biết rằng tất cả các pháp môn của đức Phật là những phương thuốc mầu nhiệm để trị tâm bệnh. Tuy nhiên, có người bị bệnh chịu dùng thuốc đúng với căn bệnh, có người không, cũng có người chỉ dùng nửa chừng hay dùng quá độ hoặc pha chế thêm; đó là do cách người dùng chứ không tại hay pháp môn. Cũng như khi chọn Mật giáo làm pháp môn phương tiện tu hành, đòi hỏi người hành giả phải thâm hiểu đầy đủ về Hiển giáo như một tư lương tối ư cần thiết để thấu hiểu và lý giải những chặng đường đi qua. Ví dụ: Muốn giải một đáp số của bài toán, đòi hỏi người làm toán cũng phải biết toán pháp.

Ở đây, đã vượt qua tầm, nhưng không phải là chỗ dừng lại. Trong Phật giáo, đặc biệt là Mật tông, con đường của Tất địa là con đường của mỗi bước chân, nó không có đoạn dài hay ngắn mà chỉ có thể nhập vaø chuyển y. Như ngài Lai Quả nói: “ Vô tâm bất hứa hữu tâm tri” Tôi muốn nhấn mạnh đến những phương tiện tạm gọi là đường đi (đạo lộ) để thể nhập, chứ không phải là những chặng đường cần phải trải qua như từ Thập tín, Thập hạnh...đến Sơ địa...đến Bồ tát Thập-địa rồi quả vị của bậc Diệu Giác.

Con đường của Mật giáo đi từ hữu không, và rồi rời bỏ cả hữu vaø không, đi vào cảnh giới bao la, mênh mông của Tất địa, của Chân không - Diệu hữu và biến tất cả thành phương tiên diệu dụng để độ sanh. Những diệu dụng nầy phát xuất từ Pháp thân Như Lai Đại Nhựt mà người hành giả cần phải đoạn sạch phiền não và có đầy đủ trí tuệ mới có thể trực tiếp thọ dụng cảnh nầy.

Mạc vị vô tâm biện thị đạo

Vô tâm canh xái nhất lộ trình

Dịch:

Chớ gọi vô tâm là chứng đạo

Vô tâm còn cách một đoạn đươøng.

Tuy nhiên, có những hành giả đến giai đoạn nào đó đã tự mãn, cho rằng đã chứng đắc hoặc ôm một số thần thông nào đó. Thấy có huyễn, có động lao xao, nên dụng công tu để đoạn cảnh và đạt được thanh tịnh, nhưng vẫn còn chấp cảnh thanh tịnh, nên chướng ngại tánh viên giác hãy còn. Phẩm Phương tiện trong Kinh Pháp Hoa, có 5000 vị tỳ kheo đã đứng dậy bỏ đi khi đức Phật giảng nói pháp Nhất thừa (ekayàna), vì tất cả các pháp trước như Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Nhị thừa, Tam thừa v.v. chỉ là Hóa thành dụ.

Sự giãi đãi, sự tự mãn, thiếu giác tỉnh không thu thúc lục căn...chính trong lúc nầy sẽ khiến hành giả dừng chân lại, lãng quên thực chất của sự vật là Khổ-Vô thường-Vô ngã, để mặc cho thân khẩu ý rong ruổi theo trần cảnh, do đó, gây ra những chướng ngại. Những chướng nạn nầy do tự tâm sanh chứ không phải đến từ ngoài, vì Phiền não chướng hay Sở tri chướng có từ vô thủy với chúng sanh và nằm sâu trong a-lại-gia thức. Vì thế, sự giãi đãi, thiếu chánh niệm, hôn trầm, trạo cử sẽ làm cho nó có dịp bừng dậy như kiến tư hoặc, trần sa hoặc hay vô minh hoặc. Tất cả mọi dạng thái nổi lên đều là trò đùa của tâm vọng động do tập khí nhiều đời nhiều kiếp, xô đẩy con người ra khỏi sự tịch lặng và làm cản trở con đường thể nhập chân tâm của hành giả. Cho nên, kinh nói trì tụng chú nầy sẽ không có chướng nạn vì chú là nguyên ngôn của vũ trụ hay của tâm thức và là lời chân thật của Phật và Bồ tát, những vị Giác ngộ. Trong mỗi chân ngôn đều bao gồm Giới Định Huệ nên đốt tất cả ngôn từ và ý niệm đưa đến vô ngôn vô niệm và đoạn diệt tất cả mọi khái niệm, tri thức làm cản trở sự thể nhập chân tánh. Thần chú còn có năng lực làm biến mất bản ngã vì không còn chỗ bám dựa, rỗng không. vì lìa khỏi các huyễn cảnh và các huyễn tâm. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật gọi đó là “Bất tùy phân biệt” hay “Giác mê, mê diệt”. Đối với chúng ta, nó vô nghĩa vì ta thường sử dụng ngôn ngữ phân hai trong đời sống thường ngày; nhưng nếu thường miên mật với thần chú, những âm thanh gọi là vô nghĩa đó như bức tường thành câm nín có mãnh lực đè ép những vọng tưởng, trần cảnh của tâm hành giả ra thành tro bụi, rơi rụng xuống cho mặt trời tâm xuất hiện.

Tâm chú : OM- HRIH GAH SVAHA.

- Om ( ) : Gồm nghĩa 3 thân: Pháp thân, Báo

thân và Ứng thân.

Ngài Kim Cang Trí dịch là tự môn,

giống như dòng nước chảy, không

sanh không diệt.

- Hrih ( ) : Gồm 4 chữ trong một chân ngôn:

. Chữ Hạ có nghĩa tất cả pháp nhân bất khả đắc.

. Chữ Ra có nghĩa tất cả pháp ly trần (ngũ trần).

Trên là 2 món chấp trước năng thủ và sở thủ.

. Chữ Y có nghĩa tự tại bất khả đắc.

. Chữ Ác có nghĩa Niết bàn.

Chữ Hrih là chủng tự của Bồ tát Quán Âm và

là những pháp lành vô lậu để gieo vào tàng

thức những chủng tử lành và vì thế, tâm tự

chuyển thành cảnh giới Niết bàn do nhờ bởi

ánh sáng Vô lượng quang, Vô biên quang, Vô

ngại quang, Siêu nhật nguyệt quang v.v..của

Phật Di Đà, đốt cháy tất cả những gốc rễ của

phiền não cấu trần v.v..trong tâm hành giả.

- Gah ( ) : Có nghĩa là tắm mình hay thể nhập

tận cùng chiều sâu của tâm thức.( to

enter deeply into or to dive into.)

để chuyển uế thành tịnh và biến

thành diệu dung lợi sanh.

- Svaha ( ) : Là sự thành tựu hoặc vô ngôn

thuyết bình đẳng hay pháp vô nhân

vắng lặng của tất cả các pháp.

Điều nầy có nghĩa là đòi hỏi người hành giả dùng quán tưởng trở về với tâm thức (GAH) vì tất cả cấu tịnh, phiền não hay bồ đề, thánh phàm...những nhị nguyên đối đãi đều nằm ở trong mảnh đất tâm hay Như Lai tàng thức vì nơi đây gồm đủ ba thân (OM). Do đó, nhờ ánh sáng của chân quán, thanh tịnh quán, xuyên qua quán Tứ đế vì Đệ nhất Thánh đế: Khổ trong Tứ đế (Khổ Tập Diệt Đạo) là căn bản của cuộc hành trình, để luôn luôn nhận thức được thân người là do nghiệp cấu thành chứ không thực có, để chứng nhân không. Do thấy thân người không thực, nên cũng biết rằng sự tạo tác của ngũ uẩn, của thọ tưởng hành thức cũng giả dối, phá được gốc rễ của tri chướng, chứng được pháp không (HRIH).

Do chứng được nhân không vaø pháp không, nên biết rằng các pháp vốn không sanh nên không diệt, do đó; nên bất sanh bất diệt. Do bất sanh bất diệt nên được tướng vô sở đắc. Do vô sở đắc nên được vô thủ xả, do đó; nên được bình đẳng vô ngôn thuyết (SVAHA). Đây là Tam ma địa quán niệm tụng pháp. Tất cả sự cố trên đều xảy ra trong tâm hành giả sau khi vượt thoát qua Lý chướng và Sự chướng, nó bừng bừng cuộn cuộn như Hoa nở trên cõi Cực Lạc (Cực Lạc Hoa khai). Đó là sự khai mở của tánh giác, không phải do dụng công cầu kỳ hay đi từ từ, từ cái gì đến cái gì, mà là “ lìa vọng tức giác”.

Kinh Viên Giác nói: “ Người tu phải nhập tánh giác, chứ không phải tánh giác nhập mình.” vì tánh giác sẵn có ở trong tâm của mỗi người như đã nói ở trên, nhưng vì đối với chúng ta, tánh giác không trụ nên vẫn cứ chạy theo vọng tưởng để luân lưu trong sanh tử luân hồi. Tuy nhiên, sự trở về để thể nhập hay an trụ trong tánh giác, đòi hỏi phải nỗ lực như một Đại-sĩ, chứ không được giãi đãi. Theo Ngài Thanh Lương, người hành giả cần phải có:

1- Nguyện đại : Vì cầu cho được quả Bồ-đề.

2- Hạnh đại : Vì thành tựu tự lợi và lợi tha.

3- Thời đại : Dù trải qua vô sô kiếp cũng cố

gắng thành tựu.

4- Đức đại : Đầy đủ các công đức bậc nhất thừa.

Trong Kinh nói; “ Chư Bồ tát do lòng từ bi khiến nhổ hết gốc ái của chúng sanh nên thị hiện ở thế gian nầy. Các Ngài mượn tham dục mà vào sanh tử với tất cả những hạnh thuận nghịch để tùy duyên hóa độ”. Cho nên, các Ngài thường tùy ngũ sanh như: 1) Tức khổ sanh (Sanh ra đặng cứu khổ cho đời) 2) Thắng sanh (Sanh ra ở địa vị hơn đời để cứu đời) 3) Tăng thượng sanh (Sanh ở địa vị tối cao để độ sanh) 4) Tối hậu sanh (Sanh ra lần cuối cùng ) và 5) Tùy loại sanh ( Do nguyện lực, nương theo loại mà sanh để độ).

Theo Kinh, Bồ tát Quán thế âm đã nương theo Tùy loại sanh, vì lòng bi mẫn, quyền nghi hóa thân Tỳ na dạ ca để làm vợ để khuyến dụ Tỳ na dạ ca không gây chướng nạn. Chúng tôi nghỉ đây là chỗ tuyệt diệu của Mật giáo. Xin đừng quan niệm vợ chồng theo nghĩa thường tình. Đây chỉ là biểu tượng tương duyên tương sinh, hòa giải và siêu vượt những nhị nguyên đối đãi, mượn Sự để chỉ Lý. Ngã sở không còn, vì nếu còn ngã sở là còn vọng chấp, phân hai. Đi vào cõi bao la của viên giác, không có Bồ tát- chúng sanh, không có Tỳ na dạ ca- Bồ tát Quán thế âm, đó là sự lý viên dung hay chính là Pháp thân thanh tịnh (sự sự vô ngại, chu biến hàm dung). Bồ tát không sa vào chấp không, nhưng muốn đạt Pháp thân lại không thể tìm trong hữu tướng. Kinh Giải Thâm Mật gọi đó là Sở hành của thắng nghĩa.

Kinh còn nói rõ:” Tỳ na dạ ca hiện đầu voi thân người hay chướng thân, tượng trưng cho có sức lực nhưng cũng tùy người nuôi dạy”. Vì Tỳ na dạ ca chính là Lý chướng và Sự chướng trong tâm hành giả như đã nói ở trên, nó dày đặc và có sức mãnh liệt vì do nội kết nhiều đời chằng chịt liên kết nhau làm sanh vọng chấp khiến trôi lăn trong sanh tử. Tuy nhiên, tất cả chướng ngại dù uy mãnh, có sức lực có thể làm tệ liệt mọi hạnh nghiệp của hành giả, nhưng cũng chỉ là vọng niệm. Theo Ngài Thiền sư Minh Chánh: “ Tu hành nhân năng y thử Chánh trí huệ, Chánh tri, Chánh kiến, dĩ vi bổn thiện tri thức, thử giả thiện hộ tự tâm phá thức âm”. Như vậy, muốn phá trừ chướng ngại tâm, hành giả như người nài khéo chăn, khéo điều phục, dùng Chánh trí huệ, Chánh tri, Chánh kiến khéo giữ tự tâm, đả phá sự che đậy của thức và do đó, quán chiếu rõ được tánh duyên sanh, giả hợp hay bất sanh bất diệt của vạn pháp, chướng ngại trong tâm sẽ tiêu trừ. Những gốc rễ của vấn đề chính là do nội tâm của hành giả vì nơi đó Thường tùy quỉ luôn luôn có mặt tùy theo niệm khởi, vì thế; giả sử có sự ngoại hộ nào cũng không giải quyết được trọn vẹn. Chỉ có Trí tueä (Kim cang Quân trà lợi) và Đại bi (Bồ tát Quán thế âm) mới rửa sạch và làm tiêu tan những cấu uế trong tàng thức của hành giả. Ví như ánh mặt trời xuất hiện, bóng tối tan biến. Do đó, cần phải Nội hộ ma, nghĩa là do sức an định nội tâm bừng phát lên trí tuệ và từ bi, những đức tướng căn bản sẽ xuất hiện như Thượng hạnh (những hành động hướng thượng), Vô biên hạnh (những hành động thoát khỏi ràng buộc của ngã chấp), Tịnh hạnh (không bị tham sân si chi phối, sai sử), An lập hạnh (hoạt động với cái tâm an ổn, không bị lôi cuốn của ngoại cảnh). Phẩm Tùng địa dũng xuất trong Kinh Pháp Hoa cũng đã được đức Phật nói rõ.

Tất cả tác động trên con người để tạo nghiệp đều do thân khẩu ý mà ra và là nơi biểu hiện của 6 căn. Thân khẩu ý cũng là nơi nuôi dưỡng năm triền cái (ngũ uẩn). Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy:” Khiến chúng sanh luân hồi sanh tử hay chứng Vô thượng Bồ-đề là do 6 căn, chứ không phải vật gì khác.” Đức Phật, Ngài cũng từng là chúng sanh nên cũng từng luân lưu trong sanh tử nhưng vượt thoát ra, do đó; vì lòng thương xót muôn loài, Ngài chỉ rõ căn nguyên của của vấn đề để mở các gút mắc. Như vậy, cội nguồn của sanh tử là do 6 căn. Tuy vậy, chỉ có 5 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) rất là quan trọng khi tiếp xúc với 6 trần, còn ý thì phụ thuộc để sanh thương ghét...

Mật giáo mượn thân ngũ uẩn nầy để thanh lọc thân khẩu ý, vì nghiệp từ đó mà ra. Tay kết ấn là tịnh thân nghiệp, miệng niệm chú là tịnh khẩu nghiệp, tâm quán tưởng Bổn tôn hay chủng tự là tịnh ý nghiệp. Khi tam mật tương ưng, thì ngã sở không còn. hành giả trở về bản tánh thanh tịnh nguyên sơ. Cái thân ngũ uẩn của hành giả mà thường ngày chấp thủ sẽ tan biến như cơn mộng, vì căn không còn tiếp xúc với trần, nên năm uẩn thành rỗng không, huyễn hóa. Theo Đốn ngộ nhập đạo yếu môn: “ Nếu đối với sắc mà không nhiễm, đối với những cảm thọ mà không theo, đối với tưởng mà không tạo, đối với các hành mà không nắm, đối với các pháp mà không phân biệt thì ngũ uẩn đã rỗng không.” Do vì nhận thức rằng ngũ uẩn chỉ là duyên hợp, không có thực thể riêng biệt, nên không còn chấp thủ, sợ hãi. Vì không còn hột giống vọng tưởng gieo vào, cũng như những uế nhiễm của tâm thức đã bị lửa của chữ RAM ( lửa của trí tuệ, của bất sanh bất diệt, của Không-Vô tướng-Vô tác) thiêu đốt, nên mảnh đất tâm chuyển thành thanh tịnh, gọi là Đại viên cảnh trí. Khi A lại gia thức đã chuyển thành Đại viên cảnh trí, thì thức thứ 6 qua công năng tinh tế, quán chiếu thấu được tánh không của ngã và pháp, các phiền não chướng không còn tác dụng nên chuyển thành Diệu quán sát trí (thức thứ 6), khi ấy Mạt na thức trở nên diệu dụng nên chuyển thành Bình đẳng tánh trí, vì các pháp đều bình đẳng. Năm thức còn lại chuyển thành Thành sở tác trí với phương tiện thiện xảo để độ sanh.

Giáo lý “tức thân thành Phật” là đặc thù của Mật giáo. Có nhiều ngộ nhận qua câu nầy, cho là vô lý hoặc ngạo mạn. Nhưng theo thiển ý, tư tưởng thành lập giáo lý nầy xuất phát từ nhân cách siêu phàm của Thái tử Shidarta trong hiện đời đã thành Phật và khởi nguyên từ kinh Pháp Hoa, vì Pháp Hoa là thuần viên độc diệu nếu đạt được không cần phân Bổn (nhơn địa lúc trước) và Tích (hình bóng thị hiện). Diệu pháp nầy là viên ngọc ma ni trong mỗi con người, vốn bất sanh bất diệt, không có quá khứ vị lai.

Mật giáo lấy thân nầy làm nơi khảo sát và chứng ngộ. Tuy thân nầy là vật chướng ngại, nhưng tánh viên giác thì không bị chướng ngại. Tánh giác nầy tại phàm không giảm, tại Thánh không tăng. Cho nên, qua thân khẩu ý thanh tịnh, hành giả mật giáo luôn luôn đánh thức cái tâm nầy. Lìa động là tịnh, lìa phiền não tức Bồ đề, tất cả sự việc xảy ra từ đâu? Phải chăng từ sự chuyển y và bùng vỡ nơi thân mang đầy trần cấu nầy? Vì vô minh không có thực thể, cho nên khi chứng ngộ, vô minh liền tự hết.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Quy nguyên tánh vô nhị, phương tiện hữu đa môn.” (Trở về thể tánh thì không hai, nhưng phương tiện đi vào thì có nhiều cửa”. Trong suốt cuộc đời của đức Phật, vì muốn cứu độ chúng sanh thoát khỏi trầm luân, Ngài đã dùng biết bao nhiêu là phương pháp để giáo hóa hợp với khế cơ và khế lý từng người một. Sau khi Ngài nhập Niết Bàn, Giáo pháp của Ngài là cả một kho tàng tâm linh vô giá và có biết bao nhiêu là pháp môn phương tiện để đạt đến giác ngộ, tùy người chọn lựa. Mật giáo là một trong phương tiện đó.

Bộ Tỳ-na-dạ-ca thuộc Yết ma bộ là một Bộ tối ư là quan trọng và cuối cùng trong cuộc hành trình tới giải thoát hoàn toàn đối với người tu Mật giáo. Mặc dù rất ngắn gọn, nhưng nghiên cứu và đi sâu vào bộ Kinh, ta nhận thấy Kinh rất là thâm sâu, vi diệu vì gồm đủ Pháp-Nhân-Dụ và ẩn chứa tất cả bổn hoài của đức Phật qua biểu tượng Tỳ-na-dạ-ca. “Phật, Bồ tát Quán thế âm hoặc Bồ tát Phổ Hiền cũng hiện thân Tỳ-na-dạ-ca vì muốn sách tấn kẻ làm chướng ngại nhập vào Chánh kiến”. Kẻ làm chướng ngại như phân tích ở trên, đó là vọng tâm của mỗi chúng sanh. Đức Phật quyền nghi đưa ra biểu tượng nầy có tính cách giả thi thiết, nhưng thâm ý của Ngài là qua đó:

* Vạch rõ cho thấy thân người là do ngũ uẩn và tứ

đại hợp thành. Vì chúng là duyên sinh, nên không

có thực thể để chúng sanh không còn tham đắm,

bám víu vào giả tướng sinh diệt, đạt Nhân không.

* Chỉ rõ chướng nạn của hành giả là do sự giãi đãi

nên bị vọng tưởng lôi kéo vào vòng sanh tử.

* Sự bất phân ly giữa Trí tuệ-Từ bi, Hiện tượng-Bản

thể hay tất cả các pháp đều bình đẳng, đó là tinh

thần Một là tất cả hay tất cả là Một, Sự Lý viên

dung.

* Phiền não và Bồ đề không thật, chỉ là thực tức

tòng quyền do chư Phật Bồ tát hóa Phật tức Tỳ lô

giá na phương tiện độ để dạt: “Vô sở bất trí tri

thân”..

* Khai ngộ cho chúng sanh xuyên qua vọng tưởng

(Tỳ na dạ ca) thấy được vọng tưởng cũng không

thật và nhận rõ được cái tánh giác thường hằng

bất sanh bất diệt và do đó, diệt được Pháp chấp,

chứng nhập Phật quả.

* Giải tất cả lời nói mâu thuẫn của thân tâm và do

diệu lực đó mà thực hiện Phật sự (giải nhất thế

ngữ ngôn, dĩ vô tác diệu lực tác chư Phật sưï).

Qua phần trình bày ở trên, đi từ những pháp khí sơ khởi như là dầu mè, bình tròn bằng đồng, đàn tròn, phương hướng, tứ đại, biểu tượng Tỳ-na-dạ-ca.Với sự hiểu biết hạn hẹp, công năng hành trì còn kém cỏi, nhưng vì tấm lòng trân quí đến bộ Pháp nầy, và nghĩ rằng:”Thô ngôn cập tế ngữ giai quy đệ nhất nghĩa” (Tất cả ngôn ngữ hoặc thô hoặc tế đều là biểu tượng cho đệ nhất nghĩa), tôi cố gắng để nói lên phần nào ý nghĩa của biểu tượng nầy mà qua đó, biểu lộ thâm ý của Như Lai Tỳ-lô-giá-na. Khác với những hiểu biết của các hành giả tu theo Mật giáo- thường cho rằng Tỳ na dạ ca là loại Quỉ hay theo phá và gây chướng nạn cho những người tu Mật (như bên Hiển giáo là Ma Ba tuần). Tỳ-na-dạ-ca thực sự chỉ tượng trưng cho vọng thức, vọng niệm hay vô minh trong tâm của mỗi người mà bất cứ người tu hành thuộc bất cứ tông phái nào trong Phật giáo, không riêng gì Mật giáo, đều phải thanh lọc và vượt qua; nếu muốn đạt thành Chánh Giác. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy chư Tổ thường nói: “Nếu người hành giả tu chơn ngôn, hành du già hạnh, mà chưa bước qua Tỳ-na-dạ-ca thì người đó chưa thể đạt tới Tất-địa”. Vẫn biết đó là huyễn, hư vọng, nhưng nếu không nương huyễn thì làm sao đạt được chân. Như đã dẫn chứng ở trên, Bộ Tỳ-na-dạ-ca thuộc Đại thừa đốn giáo, nên bao gồm cả ngũ Bộ và đó là lý do tại sao trước khi trì tụng Pháp nầy, phải lạy năm danh hiệu Phật Bồ tát và chỉ đảnh lễ Song thân Hoan hỷ Tỳ-na-dạ-ca một lạy như câu hỏi đặt ra ở trên.

Trong bài tiểu luận nầy, như thông lệ, tôi không viết cách truyền hay thọ pháp, quán đảnh, nghi quĩ nhập đàn, cách thọ trì, phương hướng làm đàn, y áo v.v...vì phần nầy thuộc sự hướng dẫn của vị Pháp sư A-xà-lê mà người hành giả cần phải nương theo để thọ pháp.

Qua “Lời nói đầu” cho bộ Kinh Bảo Tất Địa Thành Phật Đà-la-ni thuộc kinh Mật tạng mà gia đình chúng tôi ấn tống năm 1995, tôi có phân tích Mật tông của Phật giáo Việt Nam được chia ra như sau:

 

1- Phật bộ ----- Pháp thân ------ THỂ

 

2- Kim cang bộ

Báo thân TƯỚNG

3- Liên hoa bộ

 

4- Bảo bộ

Ứng thân DỤNG

6-      Yết ma bộ

Tuy ngũ Bộ của Mật giáo được phân chia như ở trên, nhưng cũng chỉ là quyền tạm, vì Pháp-Báo-Ứng thân hay Thể Tướng Dụng- cả 3 đồng thời có và hòa hợp thành một. Như Ứng thân tức đồng Báo thân (Sambhogakàya) và Pháp thân (Dharmakàya). Báo thân, Pháp thân tức là Ứng hóa thân (Nirmanakàya). Hay chữ Thể là tổng thể, vì Phật là gồm đủ hết. Trong Thể có sẵn đủ Tướng, vì Thể vô tận nên Tướng cũng vô tận. Chữ Dụng từ trong Thể phát sanh ra; Thể chiếu tới đâu, Dụng cũng chiếu tới đó.

Sự thể nhập vào biểu tượng Tỳ-na-dạ-ca để đi đến tận cùng của Thể và để từ đó, biểu lộ ra Tướng và Dụng (Thể đến đâu, thì Tướng và Dụng đến đó). Sự giác ngộ của một con người không có nghĩa là để hưởng pháp lạc hay an trú trong cõi Hữu dư hay Vô dư Niết bàn. Đức Phật Thích Ca sau khi đắc đạo- dù đã trải qua vô lượng kiếp tu hạnh Bồ tát- nhưng Ngài vẫn chuyển bánh xe Pháp để độ chúng sanh, cũng như hiện nay Ứng Hóa thân của Ngài cũng đang có mặt khắp mọi nơi chốn để tùy đuyên hướng dẫn độ sanh. Đức Bồ tát Quán thế âm, Bồ tát Địa Tạng v.v..cũng vậy. Đó là tinh thần tích cực của đạo Phật. “Phụng sự chúng sanh tức phụng sự chư Phật”. Trong kinh có nói: “ Sau khi thuyết Tâm chú. Bấy giờ Tỳ-na-dạ-ca đem 9800 Đại quỉ vương du hành tam thiên thế giới, có đầy đủ thần lực tự tại, từ bi lợi lạc chúng sanh”. Có nghĩa là hành giả sau khi đã điều phục được Tỳ-na-dạ-ca bằng Từ bi và Trí tuệ, đó là Tâm chú làm bùng vỡ tất cả các huyễn để bày chân tâm. Con số 9800 Đại quỉ vương chỉ là tượng trưng cho tất cả những vọng niệm trong tâm hành giả đã được điều phục, nên đạt tự tại, vì khi đã giữ chánh niệm, chướng nạn không còn. Khi hành giả đã phá được vọng thức, đạt Tất địa, thì trong Như Lai Tàng thức dung chứa vô lượng vô biên là pháp màu phương tiện để lợi sanh.

Trong bài giảng Thất Giác Chi (Bojjhanga Samyutta hay Thất Bồ-đề phần trong bộ Tăng Nhứt A Hàm), Ngài Piyadassi có viết như sau: “ Yếu tố đầu tiên của sự giác ngộ là Niệm (Sati) vì Niệm là phương tiện hữu hiệu nhất để tự kiểm soát, tự làm chủ lấy mình. Bất luận ai, khi hành chánh niệm là đã tìm ra con đường giải thoát. Niệm có 4 là: Niệm thân(kayànupassanà), niệm thọ (vedanànupassanà), niệm tâm (cittànupassanà), niệm pháp (dhammànupassanà). Có tâm niệm là có sự chăm chú liên tục, kiên trì, con người luôn luôn tự bao trùm quanh mình cái tâm tỉnh giác (satimà), cái tâm can đảm và quyết tâm trì chí, vượt qua trạng thái dã dượi buông lung (pamatto). Đức Phật từng nói: “ Như Lai không thấy gì có năng lực hùng mạnh như Tâm Niệm, để làm phát sanh những tư tưởng thiện chưa sanh, và làm tan biến những tư tưởng bất thiện đã phát sanh”.

Do có chánh niệm, nên tâm trở nên thanh tịnh và nhìn rõ bản chất sự vật, cũng như từ đó mới đem đại nguyện làm lợi ích cho ta và kẻ khác để thoát ra khỏi vòng trầm luân. Đây cũng chính là ý nghĩa diệu dụng của biểu tượng Tỳ-na-dạ-ca.

Ngài A-nan sau khi ngộ được bổn tâm, phá được vọng chấp, đã phát nguyện: “ Con nguyện đi vào đời ác, năm trược để độ chúng sanh. Nếu có chúng sanh nào chưa thành Phật, con nguyện sẽ không vào Niết bàn”. Vì tất cả các vị giác ngộ đều nhìn thấy sự tương duyên tương sinh của muôn loài cũng như nhìn rõ mỗi chúng sanh đều có Tánh Giác. “ Vì chúng sanh bệnh nên ta mới bệnh”. Câu nói của ngài Duy ma cật cũng đồng một nghĩa và là Diệu dụng của Chân Tâm.

Người hành giả tu Mật giáo, sau khi được quán đảnh và thọ Bồ đề tâm giới, sức mạnh của tâm Bồ-đề càng nung nấu mãnh liệt. Sự bức bách càng cao độ khi hành giả thể nhập hoàn toàn vào biểu tượng Tỳ-na-dạ-ca (Thể đến đâu, Dụng tới đoù). Khi Niệm đạt đến Vô Niệm, và đi đến Vô Bất Niệm, tự tâm sẽ sanh xuất ra biết bao nhiêu là thân thông diệu dụng. Như đã nói ở trên, tất cả đều có đủ trong Như Lai Tàng Thức. Thấy cuộc đời như huyễn, thân như huyễn, pháp như huyễn, tâm hành giả sẽ rộng mở bao la trùm khắp pháp giới vì không còn một vướng mắc nào và từ chân tâm nầy, tất cả các diệu dụng sẽ được đem ra làm lợi cho con người. Chỉ có những con người đã điều phục được Tỳ-na-dạ-ca, chỉ có những con người đã hoặc đang trên đường trở về bổn tâm, thì hành động, việc làm mới không vì tư lợi, vì họ không bị ràng buộc hoặc kềm chế bởi tham sân si, vị kỷ. Đó là hình ảnh moat con ngươi đã tự tại hoàn toàn đối với bản thân và ngoại giới, nên trong tâm tràn đầy đại hùng, đại lực, đại từ bi, dấn thân vào cuộc đời và coi thường mọi thăng trầm vinh nhục. Người hành giả sẽ mang những yếu tố tự phát do tâm như: Hành xứ (nhu hòa, nhẫn nhục, tâm an tỉnh, thấy rõ vạn vật như thực và có trí vô phân biệt để dấn thân vào cuộc đời cứu đời) Thân cận xứ (Vì luôn sống trong chánh niệm, thân cận các bấc thiện tri thức, vọng niệm không còn nên tâm luôn sáng suốt, tự tại) An lạc (Tâm luôn an lạc vì không tạo nghiệp) Đại từ bi tâm (Sanh lòng thương xót đến tất cả mọi người không phân biệt và tùy căn cơ đem Tứ nhiếp pháp làm phương tiện ban vui cứu khổ). Như Kinh Thập Địa nói: “Vào gia đình chư Phật là nhận lấy và giáo hóa hết thảy muôn loài làm thân thuộc của mình.” Do đó, Đàn pháp Yết ma bộ qua bình bằng đồng tròn, đàn tròn là cái vũ trụ bao la của tâm thức, mọi pháp đều trở về tỉnh lặng thanh tịnh của Tâm như Thủy (dầu mè) trong bình. Càng tỉnh lặng bao nhiêu thì Song thân Hoan Hỷ Tỳ-na-dạ-ca biến mất hoàn toàn(Chân không) cho đến khi hình ảnh Song Thân hiện thực rõ ràng (Diệu hữu) và là ẩn tàng diệu dụng của Như Lai Bất Không Thành Tựu vì siêu thoát khỏi nhị nguyên đối đãi, làm thành sự nghiệp độ sanh. Như Lai Bất Không Thành Tựu là vị Phật của tình thương, của sáng tạo. Trong Bi tạng ký nói: “Vì chúng sanh mà rủ lòng thương xót, thành tựu hết thảy sự nghiệp, thì gọi là Yết ma”.

Loài người vừa bước qua thế kỷ thứ 21, thế kỷ 20 đã lùi vào dĩ vãng, nhưng vẫn biết bao nhiêu là gánh nặng còn chuyển sang cho nhân loại của thế kỷ mới nầy. Mỗi cá nhân đều có Chánh báo (biệt nghiệp) và Y báo (cộng nghiệp hay hoàn cảnh chung quanh như xã hội, văn hóa, môi trường v.v.) Do đó, mỗi cá nhân đều ảnh hưởng đến xã hội hoặc ngược lại, Chánh báo ra sao, Y báo như vậy. Từ khi sự tiến triển của internet (mạng lưới thông tin toàn cầu), thì càng ngày mọi người đều hiểu biết và thẩm thấu tinh thần Hoa Nghiêm, đó là định luật tương duyên tương sinh. Tất cả đều ảnh hưởng lẫn nhau hoặc ngược lại. Cho nên, chuyện của người nầy là chuyện liên hệ đến tất cả mọi người trên trái đất nầy, vấn đề của quốc gia nầy cũng là của quốc gia khác. Chiến tranh đang chực đe dọa khắp mọi nơi. Giữa người giàu và nghèo ở mỗi nước vẫn là một vấn nạn khó trả lời. Nạn đói, nạn thất học, nghèo nàn, thiên tai bão lụt, nhân tai v.v..đã làm nẩy ra biết bao nhiêu là vấn đề cho xã hội. Tâm đến đâu, sẽ đưa đến sáng tạo và tiến triển. Biết bao nhiêu công trình văn hóa của nhân loại, lợi ích cho mọi người cũng xuất phát từ tâm. Khoa học hiện nay đã tạo biết bao nhiêu là tiện nghi phục vụ cho con người, nhưng bên cạnh đó cũng gây ra bao nhiêu là đau khổ cho nhân loại qua sự phát minh ra những vũ khí giết người như bom nguyên tử. Khi con người còn mang đầy tham sân si, cố chấp, ích kỷ về cá nhân, xã hội, quốc gia, nòi giống v. v..thì tất cả những phát minh giết người hàng loạt trên chẳng biết sẽ đưa nhân loại đi về đâu? Chưa bao giờ mà giáo lý của đạo Phật bị đòi hỏi cấp thiết như hiện nay. Nên Thành sở tác trí của Phật Bất Không Thành Tựu phải được tất cả mọi người nghiên cứu, tu tập, và điều phục được biểu tượng Tỳ na dạ ca nầy và từ đó, đem cái tâm khoan dung, sáng suốt, từ bi, trí tuệ để đem tất cả pháp diệu dụng của tâm tạo sự an lạc cho muôn loài. “Độc thọ khai hoa, vạn thọ hương”. Chỉ có Tâm Giác ngộ vì không còn tham chấp, vọng tưởng, tham sân si, thì cái HÀNH sẽ chuyển hóa thành Pháp Diệu Dụng và cái họa nguy hiểm, đau khổ nầy mới giải quyết tận gốc rễ. Do đó, nhân loại mới sống được hạnh phúc hoàn toàn. Đó chính là thâm ý tuyệt dịu của đức Phật qua biểu tượng này.

Tôi xin mượn lời nói sau đây của Ngài Lama Anagarika Govinda trong quyển Foundations of Tibetan Mysticism (bản dịch của Trần ngọc Anh) để kết thúc bài yểu luận nầy:

Bản tính của giác ngộ là không biết đến một sự chấp nhất nào (chấp nhất là nguồn gốc của khổ đau). Trên con đường thực hiện nó, hoặc sau nó, bởi vì sự giác ngộ chói sáng không bị giới hạn hay cạn tắt và để cho tất cả mọi người tham dự vào. Nó giống như mặt trời tỏa ánh sáng ra cho tất cả những ai có mắt để thấy nó, có cảm xúc để đón nhận sự ấm áp của nó, có những giác quan để mà tiếp thu cái sinh lực của nó, chứ không có ngoại lệ,

Hoàn toàn giống như mặt trời vô tư chiếu sáng vũ trụ tùy theo sự sai khác của các hữu tình và tùy theo cảm giác của họ. Vị giác ngộ cũng làm hoàn toàn như vậy. Mặc dù bao quát trong tâm Ngài, tất cả chúng sanh không ngoại lệ, nhưng Ngài biết rằng tất cả không thể giải thoát cúng một lúc, nhưng mà hạt giống giác ngộ do Ngài gieo xuống, sớm muộn rồi cũng sinh quả, tùy theo trạng thái đón nhận của mỗi cá nhân. Tuy thế, đối với bậc giác ngộ, bởi khái niệm về thời gian cũng như không gian đều ảo huyễn, cho nên Ngài biết trước sự giải thoát của tất cả trong cái kinh nghiệm tối thượng của sự giác ngộ. Đó là tính phổ biến của Phật tính; là sự thực hiện của tâm nguyện Bồ tát bằng Thành sở tác trí, tức là cái trí của Như Lai Bất Không Thành Tựu.

Tuy nhiên, Thành sở tác trí vẫn là sự tổng hợp của con tim và khối óc, trong sự giao hợp của tình thương bao hàm tất cả và của trí tuệ sâu sắc nhất, trong sự cung hiến trọn vẹn cho lý tưởng tối thượng của nỗ lực con người, cố gắng dũng cảm gánh vác về phần mình sự thiệt thòi đau khổ của mọi cuộc sống và tìm thấy ở đó, cái sức của sự thành tựu cho chính mọi người và mình. Bởi vì vô ngại là thái độ của đức Như Lai Bất Không Thành Tựu”.

Cầu xin rằng tất cả mọi loài đều thấm nhuần biểu tượng Tỳ-na-dạ-ca nầy để luôn luôn sống an lạc trong Thành-sở-tác-trí của Như Lai Bất Không Thành Tựu.. Mong lắm thay!

Viết xong ngày Phật Thành Đạo

Phật lịch 2543 (Tháng 1 năm 2000)

Cư sĩ Liên Hoa (Thanh Minh)

 

 
Những sách tham khảo

 

-          Kinh Kim quang minh. Dịch giả: Thích thiẹân Trì. PL 2515.

-          Pháp Hoa Huyền nghĩa. Chánh Trí Mai thọ Truyền. Ấn quán Sao Mai 1964.

-          Huyền luận về kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Thái Hư Đại sư. Dịch giả Minh Lễ. Vạn Đức tự ấn hành PL 2512 (1968.

-          Thất Giác Chi của Piyadassi. Dịch giả Kim Khánh. PL 2518 (1974).

-          Phật học phổ thông. Soạn giả Thích Thiện Hoa. Nhà in Sen Vàng ấn hành 1962.

-          Dịch học tinh hoa của Nguyễn duy Cần. Năm Kỷ Dậu 1969.

-          Thành kiến ngã chấp. Tác giả G. Constant Lounsbery. Dịch giả Thông Quang. 1971.

-          Dịch học tinh hoa của Nguyễn duy Cần

-          Châm cứu luạân trị. BS Trương Thìn. 1984.

-          Kinh A-di-đà sớ sao của Tổ Chu Hoằng. Dịch giả Lê Phước Bình. PL 2517 (1954).

-          Phật học tinh hoa. Tác giả Đức Nhuận. PHVQT xuất bản 2527 (1983).

-          Kinh Giải thâm mật. Trí Quang dịch giải. PL 2532 (1988).

-          Kinh Hiển Mật Viên Thông. Dịch giả Thích Viên Đức. PL 2515.

-          Tự điển Phật học Hán Việt của GHPGVN 1992-1994.

-          Phật học tự điển của Đoàn trung Còn.

-          Tự điển Bách khoa PGVN của Lê mạnh Thát.

-          Thiền học giảng thoại của Trương thiếu Tề. Dịch giả Hân Mẩn. Tu viện Chơn Không 1975.

-          Thiền đạo tu tập của Chang chen Chi.Dịch giả Như Hạnh. Nhà in Trung Việt 1972.

-          Vấn đề Nhận thức trong Duy thức học của Nhất Hạnh. PHVQT xuất bản. PL 2528.

-          Lược sử Phật giáo Ấn độ của HT Thích Thanh Kiểm. TH PGVN ấn hành PL 2523.

-          Cơ sở Mật giáo Tây tạng. Dịch giả Trần ngọc Anh. Nxb Thế giới tại Hoa kỳ.

-          An introduction to Buddhist Esoterism. Tác giả Benoytosh Bhattacharyya. Delhi 1980.

-          Shingon - Japanese esoteric Buddhism của Taiko Yamasaki. Shambala 1988.

-          A Manual of Ritual fire offerings của Sharpa Tulku và Michael Perrott. 1987.

-          Foundations of Tibetan Mysticism của Lama Anagarika Govinda. 1990.

-          Jung’s Psychology and Tibetan Buddhism của Radmila Moacanin. Wisdoms Publications 1986.

Và các Kinh trong Mật tạng Phật giáo Việt Nam Tập 1.

 

 


 

MỤC LỤC

 

Những vần thi hứng : Trang

 

-          Lời nói đầu 3

-          Hư thực 6

-          Bức tranh huyền diệu 7

-          Mộng 8

-          Một thoáng vô thường 9

-          Bàn tay Liên Hoa 12

-          Tìm lối đi 15

-          Vượt thoát 16

-          Hột Bồ-đề 17

-          Lời ba mẹ dặn 18

-          Bài thơ cho đời 18

-          Khung cửa 20

-          Kẻ thua cuộc 21

-          Bắt xuân 23

-          Thu nhớ 24

-          Chân ngôn 25

-          Cảm thông 27

-          Gọi tên bốn mùa 29

-          Nhành dương của mẹ 31

-          Gương mặt 33

-          Ảo vọng 35

-          Lời nhắn nhủ 36

-          Lẫn quẫn 37

-          Vỡ mộng 39

-          Gương soi 41

-          Bước mộng du 42

-          Chiến tranh 44

-          Nghèo đói 45

-          Thất học 46

-          Đôi mắt 48

-          Nụ cười em bé 49

-          Vương vấn 50

-          Ngọn đèn kỳ bí 52

-          Lưu luyến 53

-          Nghiệp dĩ 54

-          Tiểu luận:

Yết ma Bộ 55

-          Những sách tham khảo 91

-          Mục lục 94

 

 

---o0o---

Trình bày: Phổ Trí

Cập nhật: 01-03-2006

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 云南省拆除水箱套什么定额 心经 ä ƒäº ä 梵僧又说我们五人中 塩谷八幡宮 义云高世法哲言 ä ç ¾å 作æ å æ çš ä å¹ çº æ Žä¹ˆå å ½ สโตร ส รา Æ 修习希求利他之心 nhĩ căn viên thông hay là pháp môn quán lac æˆåšæ º æ 护法 æåŒ 元音老人全集 首座 ä½ å çœ ç çº å 单三衣 æ ¹æ žå lãå 村上市お墓 cong duc phong sanh ï½ đầu 丢失菩提心的因缘 一仏両祖 読み方 đẻ 七五三 世田谷 佛教与生命教育有关的短语 พธผกพทธสมา 仏壇 お手入れ用品 合祀墓と合葬墓の違い Cơm gạo lứt trộn nấm 地藏菩薩聖號三萬遍 激安仏壇店 ç æŒ เพรงดนต ฟ giå 築地本願寺の年末恒例行事帰敬式 cau æˆ å šæ 横浜 永代供養 川井霊園 阿彌陀佛 功德