Cúng Đại
Bàng
Thích Nguyên Tạng
Cúng Đại Bàng là một nghi
thức quan trọng trong lễ cúng Quả Đường mỗi buổi trưa ở các tự viện theo
truyền thống Phật Giáo Đại Thừa, đặc biệt là mùa An Cư Kiết Hạ hằng năm.
Theo lời thuật lại trong khế kinh, ngày kia Đức Phật đi du hóa gặp một con
chim Đại Bàng bắt các loài chim nhỏ ăn thịt. Chim Đại Bàng này có chiều
kích rất lớn, mỗi lần há miệng, một hơi hút của nó chiếm một phạm vi nhiều
cây số, tất cả các loài chim nhỏ đều bị cuốn hút vào miệng nó. Thấy việc
sát sanh quá nhiều nên Đức Phật đã từ bi giáo hóa. Ngài dạy rằng “ tất
cả chúng sanh đều ham sống sợ chết, do đó chớ giết và chớ bảo giết”.
Chim Đại Bàng tự nghĩ: “thực phẩm hằng ngày của mình là thịt sống của
các loài chim, nay Phật không cho ăn, lấy gì để nuôi thân mạng này”.
Phật dạy: “từ đây về sau ngươi về chùa nào gần nhất để quý Tăng Ni cho
ăn”.
Tương tự như nghi thức
cúng cháo Mông Sơn Thí
Thực buổi chiều, Nghi thức cúng Đại Bàng buổi trưa được phát xuất từ đó,
và hơn hai ngàn năm nay truyền thống này vẫn tiếp tục gìn giữ và duy trì.
Có người thắc mắc rằng, sao chỉ cúng bảy (7) hạt cơm, có thể làm no đủ
loài đại bàng, và 7 hạt cơm có thể thay thể được thịt sống? Theo như trong
bài kệ ghi rằng “ Pháp lực bất tư nghì, từ bi vô chướng ngại, thất liệp
biến thập phương, phổ thí châu sa giới” Nghĩa là: “Pháp lực khó
nghĩ bàn, từ bi vô giới hạn, bảy hạt biến mười phương, biến khắp cõi vô
biên”. Các Hòa Thượng cũng dạy rằng do nguyện lực của thần chú của
Phật mà bảy hạt cơm kia sẽ biến thành cam lồ pháp nhũ khiến cho loài Đại
Bàng ăn no đủ, nhờ lực gia trì của thiện niệm.
Tôi nhớ lại thời gian hành điệu, làm thị giả,
cúng Đại Bàng là thời gian hồn nhiên, đẹp đẽ đáng ghi nhớ nhất. Tôi được
Sư Phụ gởi xuống làm thị giả cho Hòa Thượng Trí Nghiêm & HT Thiện Siêu
trong các mùa An cư Kiết Hạ từ những năm 81 đến năm 1984 tại Chùa Hải Đức,
Nha Trang. Chùa Hải Đức từng là Phật Học Viện Trung Phần, nơi đào tạo các
bậc tăng tài cho PGVN do Cố HT Trí Thủ khai sáng, do vậy sau 1975, có
nhiều Thầy con lưu lại nơi này. Lúc ấy tôi nhớ có Ôn Từ Đàm, Ôn Trừng San,
TT Phước An, TT Phước Quảng, TT Phước Lượng, TT Chánh Lạc, TT Huệ An, TT
Trí Viên, TT Thiện Vinh, TT Minh Châu, TT Minh Thông, TT Chơn Trí, TT
Thiện Tu, TT Nguyên Quang… về Sa di thì có Chú Phượng, chú Pháp Đăng..
cảnh trí nơi đây hùng vĩ, cây cối rợp bóng xanh tươi, nhất là con đường
đất từ Chùa Long Sơn dẫn đến Chùa Hải Đức luôn phủ một màu đỏ của hoa
phượng vĩ.
Năm đầu tiên tôi được dạy đến trình diện Ôn
Trừng San, Trụ Trì Chùa Hải Đức, Ôn là một bậc danh tăng giới đức của PG
Khánh Hòa; Ôn có người em ruột cũng xuất gia tu hành và đang làm trú trì
Chùa Nghĩa Trũng ở Diên Khánh, Khánh Hòa. Ôn Trừng San tướng người cao lớn
và đẹp đẽ, Ôn giỏi về nghi lễ, mặc dù là người Khánh Hòa nhưng lại nổi
tiếng trong khoa nghi chẩn tế theo truyền thống Huế. Ôn bảo tôi hô Đại
Bàng nghe thử, tôi liền bắt ấn cam lồ đưa lên trán và bắt đầu hô:
Minh hoạ của T. Phổ Huân |
Đại Bàng Kim Sí Điểu
Khoáng Dã Quỹ Thần Chúng
La Sát Quỹ Tử Mẫu
Cam Lồ Tất Sung Mãn.
Án Mục Đế Tóa Ha
( 7 lần).
Dịch nghĩa:
“Chim Đại Bàng cánh vàng
Chúng quỷ thần dã hoang
Cùng mẹ con La sát
Hương cam lồ sung mãn”.
|
Ôn nghe xong lắc đầu vì tôi hô tệ quá. Sau đó
Ôn chỉ dạy luyện giọng cho tôi, cuối 3 câu đầu phải lên giọng, cuối câu
thứ 4 phải xuống giọng, câu thần chú phải hô đúng 7 lần và phải ngắt ra
làm 3 lần, 2 lần đầu mỗi lần 3 biến, và lần ba 1 biến, kéo dài ra và xuống
giọng. Khi thử hô vài lần, Ôn Trừng San hoan hỷ gật đầu và thế là tôi trở
thành thị giả tống thực trong suốt bốn năm sau đó tại Chùa Hải Đức. Cứ mỗi
trưa, tôi giữ trách nhiệm lo chén súc sanh, đánh khánh, cúng đại bàng và
làm thị giả cho hai Ôn Trí Nghiêm và Ôn Từ Đàm (HT Thiện Siêu). Thỉnh
thoảng tôi được đi làm thị giả cho Ôn Trí Nghiêm ở Ni Viện Diệu Quang,
Chùa Kim Quang hoặc Chùa Tỉnh Hội Long Sơn để hô đại bàng, rồi tôi cũng có
dịp hầu quả đường và hô đại bàng khi Ôn Hưng Từ (từ Phan Thiết) ra cúng ở
Nha Trang.
Thông thường, công việc làm thị giả và hô đại
bàng của tiểu Tăng, tiểu Ni, hoặc các vị mới xuất gia. Từ ngày xuất gia
đến giờ tôi được nghe rất nhiều chú tiểu hô đại bàng, có người hô rất hay,
nhưng có người hô nghe không được, cũng có người chế biến cách hô nghe rất
lạ (có người hô 4 câu đầu đến 3 lần). Từ ngày ra hải ngoại đến nay, tôi
cũng được nghe nhiều vị mới xuất gia hô đại bàng, nhưng vào năm ngoái,
trong khóa An Cư tại Tu Viện Quảng Đức, chú Hạnh Đức (đệ tử của Thượng Tọa
Như Điển) hô đại bàng rất hay, đúng giọng điệu và rõ ràng.
Trên đây là một chi tiết rất nhỏ trong sinh
hoạt thiền môn, nhưng nếu tinh tế để ý quán xét, chúng ta thấy bậc giáo
chủ của đạo Phật dùng nhiều phương tiện độ sanh ngoài sức nghĩ bàn của
phàm tình thế nhân. Lòng từ bi của đức Phật tỏa rộng khắp vạn loại sanh
linh, kể cả cỏ cây, đất đá, núi sông, khe biển…truyền đạt cho hàng đệ tử
xuất gia hành trì, do vậy là đệ tử của Như Lai (Phật Thích Ca) không thể
không thực hiện được hạnh từ bi, lợi tha của bậc đại giác Thế Tôn.
Trường Hạ Phổ Quang, Perth 7/2005
Thích Nguyên Tạng
---o0o---
Cập nhật: 01-09-2005