o0o
PHÂN LOẠI NGHIỆP THEO LUẬN AHIDHARMA KOSA (A Tỳ Dạt Ma Câu Xá) của Vasubhandhu (Thế Thân).
Trong phẩm Phân Biệt Nghiệp của luận Câu Xá có hai phần : (I) Thể tính của Nghiệp và (II) Các loại Nghiệp được nói trong các kinh .
(I)/ LUẬN VỀ THỂ TÍNH CỦA NGHIỆP
Trong phần nầy đề cập đến hai Nghiệp : TƯ NGHIỆP và TƯ DĨ NGHIỆP .
Tư Nghiệp : sự hoạt động nội tâm, hoạt động của Ý Thức .
Tư Dĩ Nghiệp : Từ sự hoạt động nội tâm phát khởi ra lời nói và hành động nơi thân đó là Tư Dĩ Nghiệp .
Từ hai Nghiệp kể trên là Tư Nghiệp và Tư Dĩ Nghiệp chia ra làm 3 đó là :
· Thân Nghiệp, Ngữ Nghiệp (tức là Tư Dĩ Nghiệp)
· Ý Nghiệp (thuộc về Tư Nghiệp tức là sự suy nghĩ sắp đặt tính kế trước khi phát khởi ra hành động và lời nói ) .
Trong Thân Nghiệp và Ngữ Nghiệp đều có hai loại là : Vô Biểu Nghiệp và Biểu Nghiệp .
Vô Biểu Nghiệp là gì? Tức là giai đoạn mệnh lệnh từ Ý Thức truyền xuống thân nhưng trong khoảng thời gian thân chuẩn bị hành động và miệng chuẩn bị ngôn từ vẫn tạo ra Nghiệp nhưng vì chưa hành động, chưa phát ra ngôn ngữ nên không thể thấy được Ðó gọi là VÔ BIỂU NGHIỆP. Trong lúc thân Hành Ðộng và miệng nói ta có thể thấy được , nghe được đó là Biểu Nghiệp .
Tóm tắc bằng đồ biểu như sau :
NGHIỆP : (a) Hai Nghiệp : Tư Nghiệp , Tư Dĩ Nghiệp
(b) Ba Nghiệp : Ý Nghiệp , Thân Nghiệp, Ngữ Nghiệp
(c) Năm Nghiệp: *Ý Nghiệp ,
*Thân Nghiệp : Thân Biểu Nghiệp.
Thân Vô Biểu Nghiệp
*Ngữ Nghiệp : Ngữ Biểu Nghiệp
Ngữ Vô Biểu Nghiệp
(A) TRUY NGUYÊN VỀ THỂ TÍNH CỦA NGHIỆP QUA SỰ LUẬN GIẢI CỦA CÁC BỘ PHÁI -
Năm loại Nghiệp kể trên lấy gì làm thể ?
Ý Nghiệp là sự hoạt động tư duy nội tâm nên lấy Tư Tâm Sở làm thể .
Ðối với thể của những Nghiệp còn lại đã xãy ra sự tranh luận dị đồng giữa các bộ phái như sau .
Tát Bà Ða bộ Sarvastivâda, Sarvastivâdin (sanscrit) (cũng gọi là Thuyết Nhất Thiết Hửu Bộ, giáo tổ là ngài La Hầu La (Râhula) luận giải rằng Hình Sắc là thể của Thân Biểu Nghiệp, Âm Thanh là thể của Ngử Biểu Nghiệp. Bởi vì Biểu Nghiệp là những động tác nơi thân mà động tác ắt phải tùy thuộc vào hình sắc dài, ngắn … sai biệt mới có được. Nếu lìa Sắc thì không thể nào có động tác .
Ngữ Biểu Nghiệp tức là chỉ cho tác động của ngôn ngữ, nếu lìa Âm Thanh thì tác động của ngôn ngữ không thể phát sinh .
Kinh Lượng bộ Suatrantika , còn gọi là Thuyết Ðộ bộ, Thuyết Chuyển bộ, là một trong 18 bộ của tiểu thừa, sau khi Ðức Phật nhập diệt dộ 400 năm nó được tách ra từ Thuyết Nhất Thiết Hửu Bộ , trong số các bộ phái , bộ nầy dùng Kinh làm chính lượng nên gọi là Kinh Lượng bộ, gọi tắc là Kinh Bộ , người khai sáng là Cưu Ma La Ðà (Kumàra – labdha) . Bộ nầy lý luận rằng Tư Tâm Sở có khả năng khiến thân thể vận động gọi là Ðộng Thân Tư, chính nó là thể của Thân Biểu Nghiệp . Ðồng thời Tư Tâm Sở có khả năng phát động ngôn ngữ gọi là Phát Ngữ Tư đó chính là thể của Ngữ Biểu Nghiệp .
Bộ phái nầy cho rằng Nghiệp có nghĩa là tạo tác , mà tạo tác là thuộc tính của Tư Tâm Sở . Tư Tâm Sở phát hiện bằng hành động của thân thì gọi là Thân Nghiệp, phát hiện bằng hành động của ngôn ngữ thì gọi là Ngữ Nghiệp, phát hiện bằng những hiện trạng của củ Ý thì gọi là Ý Nghiệp . Ba nghiệp sở dĩ có khác nhau vì phát xuất từ Thân, Ngữ, Ý khác nhau nhưng thực ra chúng đồng một thể xuất phát là Tư Tâm Sở .
Nói về Thân và Ngữ Vô Biểu Nghiệp , Tát Bà Ða Bộ nói rằng đó là thật pháp . Sắc thân do đại chủng tạo thành đó là thật thể . Cả Thân và Ngữ cũng từ Thân mà ra do đó Vô Biểu Nghiệp của Thân Và Ngữ cũng là thật Pháp .
Kinh bộ lại cho rằng đó là giả pháp , vì nó chỉ dựa theo chủng tử của Tư Tâm Sở mà giả lập ra .
Ðó là diểm tranh luận tối yếu của hai bộ phái .
Tát Bà Ða bộ đưa ra 8 luận điểm để chứng minh cho lý luận của mình nhưng tất cả đều bị Kinh bộ phản luận .
1/ Phật nói về 3 loại Sắc : Kinh Tạp A Hàm, cuốn 13 , Sắc chia làm 3 loại :
· Loại có thể thấy, có đối pháp như : xanh, vàng, đỏ trắng v.v…
· Loại không thể thấy, có đối pháp như : thanh, hương, vị, xúc, chỉ có sự chướng ngại giữa nó với những vật đối tác khác .
· Loại không thể thấy , không có đối pháp , rõ ràng loại nầy chỉ cho các Sắc Vô Biểu . Nếu không có Sắc Vô Biểu thật thì loạI Sắc vừ nói đó chỉ cái gì ?
Kinh Bộ phản luận rằng S8ác không thấy không đốI là Sắc của cảnh giớI trong định . Nó không đốI ngạI và mắt không thấy được chứ không thật có .
2/ Sắc Vô Lậu : Tát Bà Ða bộ lập luận rằng cảnh thấy nghe hay biết của phàm phu như năm căn tiếp xúc với 5 cảnh đều thuộc hửu lậu, nhưng trong kinh Tăng Nhất A Hàm : “Pháp vô lậu là thế nào? Ðối với các sắc ở quá khứ, vị lai, hiện tại nó không làm khởi lên tâm ái nhiễm, sân nhuế , cho đến đối với thọ, tưỡng, hành thức cũng vậy. Ðó gọi là pháp vô lậu” . Bộ phái nầy kết luận rằng ngoài sắc hửu lậu Kinh còn nói đến sắc vô lậu, nếu không có sắc vô lậu, thì lấy gì gọ là sắc vô lậu ?
Thế nhưng Kinh Lượng bộ phản luận rằng Sắc nầy cũng là cãnh giới của định, do định vô lậu phát khởi, thế nên mới gọi là Sắc Vô Lậu .
3/Tát Bà Ða bộ dẫn chứng về phước nghiệp tăng trưỡng. Có 7 loại phước nghiệp :
Bố thí cho người đi đường thuyền .
Bố thí cho người đi bộ .
Bố thí cho người bệnh tật .
Bố thí cho người săn sóc bệnh nhân .
Bố thí vườn rừng .
Bố thí cho người thường đi khất thực .
Tùy thời bố thí .
Kinh Trung A Hàm, phẩm Thế Gian Phước nói : “Thiện nam, tín nữ nào khi đã tạo được bảy thứ phước thế gian đó, hoặc đi, hoặc đến, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc ngày, hoặc đêm, phước đó vẫn thường sinh càng lúc càng sâu, càng lúc càng rộng”.
Hửu Bộ cho rằng phước nghiệp thường tăng trưỡng đó là vô biểu sắc thật có .
Kinh Lượng bộ cho rằng đó chỉ là chủng tử của Tư Tâm Sở khởi ra những hiện tượng giả lập chứ không thật có vô biểu sắc. Khi suy nghĩ về bố thí , đó là do hạt giống đã được huân tập trong Thức Thứ Tám từ trước . Về sau có khi hạt giống ác tâm sở khởi lên, có khi là vô ký tâm , nhưng những chủng tử về bố thí vẫn tìm tàng tương tục chuyễn biến để đưa đến kết quả mà ta gọi là phước nghiệp tăng trưỡng thế thôi chứ không thật có sắc vô biểu .
4/ Không thấy tạo tác vẫn thành nghiệp : Ví dụ người chủ mưu giết người, không tự tay hành động mà chỉ thuê mướn người khác giết, sau cùng người chủ mưu đó man lấy ác nghiệp . Hửu Bộ cho rằng ác nghiệp khộng tự làm mà vẫn thành đó là vô biểu sắc có thật .
Kinh Lượng bộ cho rằng đó chỉ là chủng tử của Tư Tâm Sở, lấy Tư Tâm Sở làm thể . Vì trong kế hoạch thuê mướn người khác hành động đó đã có chủng tử sát nhân dấy lên trong tâm, tiếp tục chuyễn biến , tăng trưỡng cho đến khi kế hoạt mưu sát thành công , trong quá trình đó kẻ chủ mưu đã tạo ra nghiệp sát sanh không phải thật có một vô biểu sắc nào cả .
5/ Sắc Pháp Xứ : Kinh Tạp A Hàm quyển 13 nói : “Pháp thuộc ngoại xứ sẽ không nhiếp vào 11 xứ, Pháp không thấy không đối” . Hửu Bộ luận rằng Kinh nói Pháp không thấy không đối chứ không nói vô sắc. Do đó khi đề cập đến pháp xứ không có nghĩa là loại trừ sự tồn tại của vô biểu sắc . Nếu pháp xứ không phải là vô biểu sắc tại sao Kinh không nói ngay là vô sắc mà chỉ nói là không thấy không đối .
Kinh Bộ vẫn cho đó là sắc thuộc cảnh giới của định và không đồng ý với những luận điểm của Hửu Bộ vì cho rằng những dẫn chứng đó không đủ chứng minh sự hiện hửu của vô biểu sắc .
6/ Ba chi Sắc Pháp trong Tám chi Thánh Ðạo : Chính Ngữ, Chính Nghiệp, Chính Mạng là ba chi thuộc Sắc Pháp . Hửu Bộ luận giải rằng khi hành giả nhập chánh định thân không hoạt động nên không có Chính Nghiệp, miệng không nói năng nên không có Chính Ngử, không đi khất thực nên không có Chính Mạng . Mặc dù trong định không có ba chi đó nhưng người nhập định vẫn có đủ Tám Chi Thánh Ðạo do đó trong lúc nhập định ba chi Chính Ngữ , Chính Nghiệp và Chính Mạng vẫn hiện hửu dưới dạng vô biểu sắc . Nếu không có sắc vô biểu của ba chi đó thì khi hành giả xuất định ba chi đó từ đâu xuất hiện trở lại . Chẵng lẽ người nhập chánh định lại không có đủ 8 chi Thánh Ðạo như người không nhập định hay sao ?
Kinh Bộ vẫn lập luận rằng trong khi nhập định vẫn có Chính Ngữ, Chính Nghiệp và Chính Mạng là do nơi Tư Tâm Sở mà giả lập chứ không có thật thể . Trong định không có Biểu Nghiệp về ba món đó nhưng nhờ có Tư Tâm Sở suy tư về ba chi đó nên khi xuất định có ba chi đó xuất hiện trở lại chứ không có Vô Biểu Sắc nào cả .
7/ Giới Biệt Giải Thoát : Khi một giới tử thọ đắc Giới Biệt Giải Thoát sau đó có lúc khởi ác tâm, vô ký tâm hoặc vô tâm nhưng giới thể vẫn không mất . Hửu bộ cho rằng giới thể không mất đó là vô biểu sắc có thật .
Kinh bộ vẫn cho rằng giới thể đó lấy tư tâm sở làm thể . Từ nơi Tư chủng tử có khả năng phòng phi chỉ ác, đó gọi là giới thể , dựa vào đó thành lập luật nghi biệt giải thoát chứ không có vô biểu sắc nào cả .
8/ Giới là bờ đê ngăn chận tội ác : Trong Kinh Luật thường ví dụ giới là bờ đê ngăn chận tội ác giống như bờ đê ngăn chận nước vậy. Ðã là bờ đê thì nó phải có thực thể mới ngăn chận được và do đó mới gọi giới là bờ đê . Hửu Bộ cho đó là sắc vô biểu có thật .
Kinh Bộ vẫn giữ vững lập trường rằng Tư Tâm Sở có khả năng như bờ đê ngăn chận tội ác . Vì người thọ giới khi phát nguyện từ nay về sau không phạm điều tội ác , từ đó mỗi niệm mỗi niệm đã tạo được những chủng tử thiện được huân vào Thức Thứ Tám do đó chủng tử ác bị triệt tiêu dần không phát khởi nên gọi đó là bờ đê ngăn chận không cho phạm tội ác. Do đó mà có giả dụ giới như bờ đê ngăn chặn tội ác thế thôi chứ không có vô biểu sắc gì cả .
Những chứng minh trên của Hửu Bộ là để làm sáng tỏ thuyết Ý Nghiệp lấy Tư Tâm Sở làm thể , hành động và ngôn ngữ do Tư Tâm Sở phát động sinh khởi . Họ cho rằng Thân Biểu Nghiệp và Ngữ Biểu Nghiệp đều thuộc Sắc Pháp. Thân Biểu lấy Sắc làm thể , Ngử Biểu lấy âm thanh làm thể từ đó dẫn khởi ra Sắc Pháp không thể biểu thị và không có đối ngại gọi là Vô Biểu Sắc cũng gọi là Vô Biểu Nghiệp. Sắc do đại chủng tạo được coi là là thật thể của Sắc Pháp nầy .
Tóm lại theo Hửu Bộ, Biểu Sắc và Vô Biểu Sắc đều có thật thể .
Nhưng theo Kinh Bộ thì chủ trương ngược lại . Luận Tỳ Bà Sa 122, 123 nói : “Biểu, Vô Biểu Nghiệp đều không thật thể” . “ Nghiệp thân, ngữ, ý đều chỉ là Tư” (Biểu, vô biểu nghiệp, vô thật thể tính, thí dụ giả thuyết thân, ngữ , ý nghiệp giai thị nhất Tư) .
Cũng theo Kinh bộ, Tư chia làm 4 loại : (1) Thẩm lự, (2) quyết định, (3) Ðộng thân, (4) phát ngữ . (1) và (2) thuộc về Ý Nghiệp . Thân biểu và Ngử biểu đều do Ý mà ra do đó thân biểu vaà ngữ biểu đều không có thật thể vì cả hai đều do tư tâm sở phát động . Do đó vô biểu nghiệp cũng không có thật thể vì cả hai đểu do tư tâm sở tạo ra những chủng tử và huân vào Tạng Thức và sau đó nếu hội đủ điều kiện chúng sẽ khởi ra hiện hành chứ không có thật thể .
Tóm tắc như sau : Theo chủ trương của Hửu Bộ và Kinh Lượng Bộ .
THỂ CỦA CÁC NGHIỆP :
(1) Ý NGHIỆP : * Tư Tâm Sở làm thể … (Hửu Bộ)
· Thẩm Lự Tư …….( Kinh Bộ)
· Quyết Ðịnh Tư …….( Kinh Bộ)
(2) BIỂU : (a) Thân : * Hình Sắc làm thể … . (Hửu Bộ)
· Phát Ðộng làm thể..(Chính Lượng Bộ)
· Ðộng Thân Tư ….( Kinh Bộ)
(b) Ngữ : * Âm Thanh làm thể … (Hửu Bộ)
· Hành động làm thể..(Chính Lượng Bộ)
· Phát Ngữ Tư …. (Kinh Bộ)
(3) VÔ BIỂU : (a) Thân: * Sắc do đại chủng tạo… (Hửu Bộ)
· Chủng tử Tư Tâm Sở… (Kinh Bộ)
(b) Ngữ : * Sắc do đại chủng tạo… (Hửu Bộ)
· Chủng tử Tư Tâm Sở (Kinh Bộ)
(B) BA TÍNH CỦA NGHIỆP
Nghiệp có 3 Tính . Ðó là Thiện, Ác và Vô ký . Nhưng chỉ có Thiện và Ác mới tạo ra Nghiệp còn tính Vô Ký không tạo ra nghiệp . Do Ý nghiệp Thiện hay ác mà phát sinh ra thân biểu nghiệp và vô biểu nghiệp, cũng như phát sinh ra ngữ biểu nghiệp và ngữ vô biểu nghiệp thiện hay ác .
Ý nghiệp vô ký chỉ phát sinh ra thân hoặc ngữ biểu nghiệp vô ký, chứ không có thân, ngữ vô biểu nghiệp . Vì tính vô ký , chẵng phải thiện hay ác thế lực của nó quá yếu nên không thể chiêu cảm được kết quả như nghiệp thiện hay ác . Do đó chỉ có thân, ngữ biểu nghiệp vô ký , nhưng không có vô biểu vô ký .
Thế nhưng tính Thiện , Ác và Vô Ký của Nghiệp là gì ?
Luận Tỳ Bà Sa 51 viết: “ Nếu pháp chiêu cảm quả khả ái, lạc thọ thì gọi là thiện, còn nếu chiêu cảm quả không khả ái, khổ thọ thì gọi là ác. Nếu khác với cả hai việc đó thì gọi là vô ký” .
Luận Câu Xá 15 viết : “Nghiệp an ổn hay chiêu cảm được quả báo khả ái và Niết Bàn, tạm thời hay vĩnh viễn xa lìa thống khổ thì gọi là thiện.
Nghiệp không an ổn hay chiêu cảm quả báo bất khả ái thì gọi là ác . Nghiệp trái với hai tính trên gọi là vô ký . Ðây là căn cứ vào sự chiêu cảm quả báo để phân biệt thiện, ác và vô ký tính của Nghiệp” .
Luận Câu Xá 13 : “ Căn cứ vào nguyên do để chia ba tính Thiện, Ác và Vô Ký . Mỗi tính kể trên đều có 4 loại : thắng nghĩa , tự tính, tương ưng, đẵng khởi” .
1/ Bốn loại Tính Thiện
(1) Thắng nghĩa Thiện : Thắng nghĩa có nghĩa là tuyệt đối, tuyệt vời, hơn hẵn, diệu lý sâu xa hơn hẵn nghĩa lý thời gian thế tục . Ðó là Niết Bàn rất an ổn, vĩnh viễn bặt dứt dấu vết thống khổ .
(2) Tự tính thiện : Chỉ 5 tâm sở : tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si có tự thể là thiện không cần các món khác chung khởi như tương ưng và đẵng khởi thiện ...
Tương ưng thiện : những tâm sở nhờ tương ưng với 5 món tâm sở tự tính thiện kể trên mà thành , vì tự thể của nó không phải là thiện.
Ðẵng khởi thiện: Ðó là thân, ngữ thiện nghiệp do cùng phối hợp đồng khởi của tự tính thiện và tương ưng thiện mà phát sinh .
2/ Bốn loại tính ác :
Thắng nghĩa ác : Ðó là Sinh và Tử . Tự tính của sinh tử hàm chứa nhiều tự tính xấu ác, khổ não cùng cực .
Tự tính ác : Ðó là 5 món tâm sở : vô tàm, vô quý, tham, sân , si, tự thể của chúng là ác , không cần tương ưng hay đẵng khởi với các món tâm sở khác mà thành .
Tương ưng ác : Ðó là chỉ cho các món tâm sở mà tự tính của nó không phải ác nhưng khi tương ưng khởi với 5 món ác kể trên nên nó trở thành ác. Do đó gọi là tương ưng ác .
Ðẵng khởi ác: Ðó là thân, ngữ ác nghiệp do cùng phối hợp đồng khởi của tự tính ác tâm sở và tương ưng ác tâm sở mà phát khởi .
3/Vô ký tính .- Về tính vô ký chỉ có Thắng nghĩa Vô Ký tức là nói về hư không vô vi và phi trạch diệt vô vi . Vì thể của nó thường hằng nên gọi là thắng nghĩa, nhưng nó không phải là sự chứng đắc của đạo nên không gọi thiện mà gọi là vô ký . Trong 46 món tâm sở , món nào cũng thông cả 2 hoặc 3 tính, nhưng không có món nào thuần là vô ký do đó luận sư không lập tự tính vô ký . Và vì không có tự tính vô ký nên không có tương ưng và đẵng khởi vô ký .
Có thể tóm tắc 5 nghiệp và sự hiện diện ở các cõi , các địa như sau:
NGHIỆP :
(1) NGHIỆP : Thiện & vô ký ----------Hiện hửu ở 3 cõi ,
chín địa
Ác ---------- Chỉ có ở cõi Dục
(2) BIỂU : Thiện ------------ Chỉ có ở cõi Dục và Sơ Thiền
Hửu phú vô ký ---------- Chỉ có ở Sơ Thiền
Ác -----------Chỉ có ở cõi Dục
(3) VÔ BIỂU : Thiện ----------Chỉ có ở cõi Dục và Sắc
Ác ----------Chỉ có ở cõi Dục
(C) LUẬN GIẢI VỀ Ý NGHĨA CỦA BIỂU VÀ VÔ BIỂU NGHIỆP
Tướng trạng của Biểu và Vô Biểu Nghiệp thể hiện như thế nào?
Về Vô Biểu có 3 loại :
1/ Luật Nghi Vô Biểu : Ðây là nói về sự giữ giới , sự trì giới , không tùy thuộc về hình thức nên không thể trông thấy vì nó không biểu lộ bên ngoài . Do đó chỉ nhận biết qua cảm giác và suy luận nên nó thuộc về Vô Biểu , thuộc về tính thiện . Có thể phân thành 3 loại :
a/ Biệt giải thoát luật nghi vô biểu: Khi hành giả thực hành trì giới tinh tấn thanh tịnh , dứt trừ được từng tội nơi thân và ngữ thành tựu giải thoát khỏi những triền phược được gọi bằng cụm từ nầy , và nó thuộc về Vô Biểu .
b/ Tịnh lự luật nghi Vô Biểu : còn gọi là “định cộng giới” hành giả đã thành công trong cảnh giới thiền định , dứt trừ được những tội lỗi nơi thân và ngữ mà thành tựu dược Vô Biểu nầy . Ðây là cảnh trong định do đó khi xuất định thì Vô Biểu nầy mất .
c/ Vô lậu luật nghi Vô Biểu : cũng được gọi là “đạo cộng giới” . Trường hợp nầy được thành tựu khi thiện tâm vô lậu khởi lên, các tội lỗi nơi thân , ngữ dược dứt trừ . Nó khởi lên khi thiện tâm vô lậu phát khởi và diệt mất khi thiện tâm vô lậu diệt .
2/ Bất luật nghi Vô Biểu : thuộc về tính ác .
3/ Phi luật nghi phi bất luật nghi vô biểu : thuộc về vô ký tính .
Luật Nghi và Bất Luật Nghi Vô Biểu nghiệp do biểu nghiệp sinh cũng có , không do biểu nghiệp sinh cũng có .
Xem biểu đồ :
VÔ BIỂU:(a) Luật Nghi (tính thiện)
(b) Bất luật nghi (tính ác)
(c) Phi luật nghi phi bất luật nghi (vô ký)
(a) * Biệt giải thoát luật nghi : Tỳ kheo, tỳ kheo ni, sa di, sa di ni, cận sự nam cận sự nữ, tại gia 8 giới :
Ðều có Biểu và Vô Biểu Nghiệp
· Tịnh lự luật nghi
· Vô lậu luật nghi : cả hai chỉ có VÔ BIỂU
(b) và (c) : cả hai đều có BIỂU và VÔ BIỂU NGHIỆP
Luận về sự thành tựu Vô Biểu và sự xã bỏ Biểu và Vô Biểu nói trên , xin trích dẫn các luận thư của các bộ phái để làm sáng tỏ vấn đề . Trong ba loại luật nghi vừa nêu trên có Biệt Giải Thoát, Tịnh Lự và Vô Lậu.
Trước tiên đề cập đến
Biệt Giải Thoát Luật Nghi .
Trong Câu Xá Ký 14 nói : “ Luật nghi biệt giải thoát do người khác dạy mà được thành tựu” . Nghĩa là do người khác truyền dạy mà đắc giới . Có hai cách như sau :
Ðắc giới từ cá nhân Tăng Gìa : Trong Câu Xá Quang Ký 14 nói: “ Sa Di , Sa Di Ni, từ nơi hai vi Tăng mà thọ đắc giới; Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và Cân Trú (tại gia 8 giới) chỉ cần từ một vị Tăng mà thọ đắc giới” .
Ðắc giới từ Tăng Già (5 vị Tăng trở lên) : Ðó là trường hợp Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni phải thọ giới trước giới đàn có 5 vị hoặc 10 vị Tăng Già mà thọ đắc giới .
Bàn rộng về sự duyên đắc giới Cụ Túc, có sự bất đồng giữa bốn bộ luật và năm bộ luận.
Sự bất đồng giữa bốn bộ Luật được nêu ra như sau :
Luật Thập Tụng , nêu ra mười duyên đắc giới
Luật Tứ Phần , nêu 5 duyên
Luật Tăng Kỳ , nêu 4 duyên
Luật Ngủ Phần , nêu 5 duyên
Sự bất đồng trong 5 bộ Luận được liệt kê như sau :
Luận Tỳ Ni Mẫu , nêu ra năm duyên
Luận Ma đắc Lặc Gìa, nêu 10 duyên
Luận Thiện Kiến, nêu 8 duyên
Luận Tát Bà Ða, nêu 7 duyên
Luận Minh Liễu, nêu ra 7 duyên
Trong sự luận tranh dị đồng giữa 4 bộ Luật và 5 bộ Luận nêu trên Câu Xá chọn Thập Tụng Luật nêu ra 10 duyên đắc giới như sau :
Ðắc Giới tự nhiên : Ðây là chỉ cho những trường hợp của Phật và Ðộc Giác do Vô Sư Trí tu chứng giác ngộ , tự nhiên đắc giới .
Ðắc Giới do ngộ Tứ Ðế : Trường hợp nầy còn gọi là nhập chính tính ly sinh , ví dụ như 5 vị tỳ kheo Kiều Trần Như ngộ được lý Tứ Ðế mà đắc giới .
Có túc duyên căn lành đắc giới : đây là trường hợp của Da Xá (Yasas), nằm trong trường hợp Phật dạy là “Thiện Lai Tỳ Kheo” (ehi bikkhu) . Ngài là một Thượng Tọa chùa Kê Viên thành Hoa Thị nước Ma Kiệt Ðà đã khuyên vua A Dục lập 84 ngàn tháp thờ Phật . Ngài đã chứng quả vị A La Hán , triệu tập trên 700 vị thánh hiền kiết tập Tam Tạng giáo điển lần thứ nhì tại thành Tỳ Xá Ly nước Bạt Kỳ . Nhờ túc duyên nhiều đời mà được đắc giới .
Phát nguyện đắc giới : Trường hợp ngài Ðại Ca Diếp do tín kỉnh Tam Bảo phát đại nguyện rằng : “Phật là Ðại Sư của mình” mà đắc giới .
Vấn đáp luận nghị đắc giới : trường hợp chú bé Tô Ðà Di nhân khi Phật hỏi : “Nhà con ở đâu?” . Chú bé đáp : “Ba cõi không nhà” , câu trã lời làm vừa ý Phật nên mặc dù chú bé chưa đủ 20 tuổi Phật vẫn đăc biệt cho phép Tăng kiết ma cho thọ cụ túc giới .
Ðắc giới trong trường hợp thọ trọng pháp : trường hợp Ðại Sanh Chủ do thọ Tám Kỉnh Pháp mà được đắc giới .
Sứ giả truyền giới : trường hợp Pháp Thọ tỳ kheo ni muốn đến nơi đại Tăng trụ xứ để thọ giới nhưng vì tướng mạo quá đoan nghiêm sợ đi đường xa gặp bất trắc nên Phật đặc cách cho sứ giả đến truyền giới cho .
Ðắc giới từ năm vị Tăng : trường hợp bốn vị làm Tăng Chúng và vị thứ năm là trì luật để Kiết Ma (trì luật vi đệ ngũ nhân), cho thọ giới vì trường hợp ở nơi không đủ 10 vị Tăng để lập giới đàn truyền giới .
Giới Ðàn Kiết Ma đắc giới : trường hợp dủ số 10 vị Tăng , hoặc nhiều hơn không ngại, đển lập giới đàn Kiết Ma truyền giới .
Tam Ngữ Ðắc Giới : Luật Thập Tụng 60 viết : “Nếu khi Phật chưa chế pháp Bạch Tứ Yết Ma (Jnapticaturtham) (1 lần bạch, 3 lần Yết Ma nghĩa là xem xét rồi hỏi lại đại Tăng 3 lần xem việc ấy nên làm chăng sau đó mới quyết định thi hành), người nào qui mạng về Phật , xướng 3 lần : Tôi theo Phật xuất gia, người đó đã khéo thọ đắc Cụ Túc Giới. Nhưng nếu sau khi Phật chế pháp Bạch Tứ Yết Ma, dù có xướng ba lần xuất gia cũng không được gọi là đắc Cụ Túc Giới” . Luận Hửu Bộ viết : “Tam Ngữ Ðắc, Tam Quy Ðắc, chỉ trong thời gian 8 năm sau Phật thành đạo thì được, nếu quá 8 năm thì không thể gọi là đăc giới” .
Mười cách đắc giới kể trên , (1) và (2) chỉ có Vô Biểu Nghiệp. Tám cách còn lại đều có đủ BIỂU và VÔ BIỂU NGHIỆP .
Trường hợp Tịnh Lự và Vô Lậu luật nghi không cần nhờ người khác truyền thọ nên không có Biểu Nghiệp .
Biệt Giải Thoát là giới không chuyễn theo tâm (bất tùy tâm chuyễn) , có nghĩa là khi đã đắc giới rồi , sau đó, dù tâm có thay đổi lúc ác, lúc vô ký, lúc vô tâm, nhưng không xã giới thì giới thể vẫn tồn tại trong Tàng Thức không mất . Ngược lại Ðịnh Cộng Giới và Ðạo Cộng Giới là giới chuyễn theo tâm (tùy tâm chuyễn) nên khi nhập định thì có nhưng khi xuất định thì mất .
Thế nhưng thế nào mới được gọi là Ðắc Giới ? Ðó là Khi thọ giới, giới tử phải phát nguyện bất cứ trong trường hợp nào, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào cũng phải tuyệt đối thọ trì giới cấm , quyết dứt bảy chi tội của thân và ngữ một cách thanh tịnh mới gọi là đắc giới .
Có năm trường hợp hạn định sau đây chỉ gọi là DIỆU HẠNH mà không gọi là GIỚI đó là :
Hạn định nơi loài hửu tình: thề rằng chỉ không sát hại đối với loài hửu tình nầy chứ không đối với loài hửu tình khác .
Giữ giới có chỉ định : thề rằng chỉ giữ giới cấm không sát sanh hoặc không trộm cắp… chứ không phải giữ tất cả bảy chi cấm giới .
Hạn định nơi chốn : chỉ giữ giới sát nơi nầy chứ không phải ở những nơi khác .
Hạn định thời gian : chỉ giữ giới sát trong thời gian nầy chứ không giữ giới sát ở những thời gian khác .
Tùy trường hợp : giữ giới sát trong mọi trường hợp trừ trường hợp chiến tranh.
Trường hợp phi luật nghi phi bất luật nghi đắc thành từ ba phương diện như sau :
Từ việc phước thiện : người hay làm việc bố thí , làm các việc thiện …hoặc làm việc ác hại người, hại vật …khi người đó lìa bỏ những việc làm thiện và ác liền đắc thành “phi luật nghi phi bất luật nghi vô biểu” .
Thọ lãnh sau khi phát thệ nguyện : Ví dụ như thệ nguyện rằng : “chỉ ăn sau khi đã lễ Phật” . Hành giả khi vừa phát nguyện như vậy liền đắc thành “phi luật nghi phi bất luật nghi vô biểu” .
Trong khi thực hành : sau khi phát khởi việc gì một cách hăng hái, đưa đến hành động , ngay khi hành động đó liền đắc thành phi luật nghi phi bất luật nghi vô biểu .
Những trường hợp xã giới được phân chia như sau : Như trước đã nói 8 loại Biệt giải thoát giới(Tỳ Kheo, tỳ kheo ni, chính học, sa di, sa di ni, cận sự nam, cận sự nữ, cân trụ) trừ Cận trụ còn bảy đều có 4 duyên xã giới như sau :
(a) Cố ý xã giới; (b) Mệnh chung; (c) Nam nữ căn cùng xuất hiện; (d) Ðoạn thiện căn .
Riêng về giới Cận Trụ ngoài 4 duyên trên , giới nầy chỉ thọ một ngày một đêm nên sau đó tự nhiên xả giới .
Trong trường hợp xả giới nêu trên Kinh Lượng Bộ có quan điểm : “Bốn trọng giới sát, đạo, dâm, vọng là giới đoạn đầu, rất nặng, hễ phạm một trong 4 giới ấy thì tất cả giới xuất gia đều mất” .
Hửu Bộ trái lại quan niệm rằng : “ giả sử trường hợp phạm một trong 4 giới đó cũng không hẳn mất hết giới xuất gia , nếu chân thành sám hối thề không tái phạm và nghiêm trì các giới còn lại” .
Trường hợp Tịnh Lự Luật Nghi có 3 duyên xả giới như sau :
Chuyển đổi vị trí : Nếu từ hạ địa sinh lên thượng địa thì xã giới tại hạ địa. Ngược lại từ thượng địa sinh xuống hạ địa thì xả giới thượng địa . Vì định cộng giới hửu lậu luôn luôn ràng buộc theo Giới và Ðịa .
Giới mất do thối chuyển : lúc được thắng định được đắc giới nhưng sau đó phiền não phát sinh , thắng định mất do đó giới cũng mất .
Mất giới vì mạng chung .
Trường hợp Vô Lậu Luật Nghi xả giới do 3 trường hợp sau :
Ðắc quả cao hơn : trường hợp hành giả đắc quả cao hơn thì vô lậu đạo quả vị thấp không còn do đó giới cũng mất là lẽ tự nhiên .
Trí huệ phát triển : khi hành giả tu luyện từ độn căn, trí huệ phát dạt thành lợi căn do đó giới độn căn đã mất .
Truờng hợp bị thối chuyển : Giới mất khi quả vị bị thối chuyển.
Trường hợp xả Bất Luật Nghi có 3 duyên như sau :
(a) Chết; (b) Nam nữ căn cùng xuất hiện; (c) Thọ đắc thiện giới .
Trường hợp xả Phi luật nghi phi bất luật nghi có 6 duyên như sau :
Chấm dứt thề nguyện giử giới : bỏ không tuân thủ lời thề giử giới nữa, ngay lúc đó giới liền bị xả bỏ .
Giới chấm dứt do thế lực chấm dứt : do các thế lực của lòng tin thanh tịnh dẫn sinh Vô Biểu Nghiệp Thiện, thế lực phiền não dẫn sinh Vô Biểu Nghiệ Ác đã chấm dứt, ví như lực của mũi tên bắn ra đã hết lực đi tới nên tự động rơi xuống, trường hợp nầy cũng giống như vậy do đó giới bi xả bỏ .
©Xả giới do chấm dứt tác nghiệp : Vô biểu nghiệp thiện, ác vốn do tác nghiệp thiện ác tạo thành do đó khi tác nghiệp chấm dứt, mặc dù lời thề còn nhưng giới cũng theo tác nghiệp mà bị xả bỏ .
Sự vật hư hoại : khi bố thí phòng xá cầu dường (thuộc thiện), hoặc lưới bẫy (thuộc ác) …Những thứ nầy hư hoại thì giới cũng bị xã luôn .
Khi thọ mạng chấm dứt
Khi thiện căn chấm dứt .
(II) NGHIỆP ÐƯỢC ÐỀ CẬP TRONG CÁC BỘ LUẬN VÀ CÁC KINH
Theo A Tỳ Ðạt Ma Câu Xá Luận (Abhidharma Kosa của Vasubhandhu) có nêu ra 11 loại Nghiệp như sau :
1/ Nghiệp có 3 tính : Thiện, ác, vô ký
2/ 3 loại phước nghiệp: phước nghiệp (nghiệp lành) ở cõi Dục, phi phước nghiệp (nghiệp ác) ở cõi Dục, Bất Ðộng Nghiệp ở cõi Sắc và Vô Sắc Giới .
3/ Nghiệp về 3 thọ : Nghiệp tùy theo Lạc Thọ ở cõi Dục và ở Sơ , Nhị , Tam Thiền. Nghiệp tùy theo Khổ Thọ (nghiệp bất thiện) ở cõi Dục. Nghiệp tùy theo Bất Khổ Bất Lạc Thọ ở từ Tam Thiền lên đến trời Hửu Ðỉnh (trời thứ tư trong Sắc giới, tức Sắc Cứu Kính Thiên vì là cao nhất trong thế giới hửu hình nên gọi là Hửu Ðỉnh) .
4/ Nghiệp suốt 3 thời : quá khứ, hiện tại và vị lai . Và theo thuận thứ thọ, thuận hậu thọ . Trường hợp nầy có 3 quan điểm khác nhau :
a/ 4 loại Thuận Nghiệp : * Thuận hiện Nghiệp : hiện tại tạo nghiệp, hiện tại thọ quả . *Thuận sinh nghiệp: hiện tại tạo nghiệp đời kế thọ quả. * Thuận hậu nghiệp : hiện tại tạo nghiệp đến đời thứ 3 mới thọ quả. * Thuận bất định nghiệp : hiện tại tạo nghiệp nhưng thời kỳ thọ quả không nhất định thuộc về đời nào trong lai sinh .
b/ 5 loại thuận nghiệp : ngoài 4 loại Thuận Nghiệp vừa nêu trên ; riêng THUẬN BẤT ÐỊNH NGHIỆP lại chia ra 3 loại : *quả báo nhất định; *thời hạn thọ quả báo không nhất định; *quả báo và thời hạn thọ quả báo đều nhất định .
c/ 8 loại Thuận Nghiệp : từ 4 thuận nghiệp kể trên chia mỗi loại làm 2 thứ do đó thành 8 Nghiệp như biểu đồ bên dưới .
TÁM NGHIỆP
· Thuận Hiện Nghiệp : (i) Báo định - thời định
(ii) Báo bất định - thời định
· Thuận Sinh Nghiệp : (i) Báo định - thời định
(ii) Báo bất định - thời định
· Thuận Hậu Nghiệp : (i) Báo định - thời định
(ii) Báo bất định - thời định
· Thuận Bất Ðịnh Nghiệp : (i) Báo định - thời bất định
(ii) Báo bất định - thời bất định
Ðối với 3 quan điểm vừa nêu trên , luận Câu Xá 15 viết : “Ba nghiệp thuận hiện pháp thọ là định, cọng thêm nghiệp thuận bất định thành bốn, thuyết nầy đúng hơn”. Như thế đủ thấy luận chủ Thế Thân chấp nhận thuyết 4 Nghiệp .
Trong bốn nghiệp kể trên Nghiệp nào dẫn đến quả tổng báo thì gọi là DẪN NGHIỆP . Nghiệp nào dẫn đến quả riêng biệt thì gọi là MÃN NGHIỆP .
Theo luận Tỳ Bà Sa có đưa ra 3 thuyết như sau :
Hai Nghiệp Thuận Sinh Thọ và Thuận hậu thọ có đủ cả DẪN NGHIỆP và MÃN NGHIỆP . Hai nghiệp Thuận hiện thọ và Thuận bất định thọ thì chỉ có MÃN NGHIỆP .
Ba nghiệp Thuận Sinh Thọ, Thuận Hậu Thọ và Thuận Bất Ðịnh Thọ có đủ cả DẪN NGHIỆP và MÃN NGHIỆP .Còn nghiệp Thuận Hiện Thọ chỉ giớI hạn có MÃN NGHIỆP .
Theo luận Tỳ Bà Sa 2 : Bốn Nghiệp đều có đủ cả DẪN NGHIỆP và MÃN NGHIỆP .
5/ Cả Thân, Tâm đều thọ Nghiệp : nghiệp do Tâm thọ là nghiệp thọ quả báo (dị thục), tương ứng với đệ lục ý thức. Thiện nghiệp ở từ trung gian định của Sắc giới đến cõi trời Hửu Ðỉnh , nó chỉ chiêu cảm do tâm thọ lãnh . Nghiệp do thân thọ là nghiệp chiêu cảm dị thục do thân thọ lãnh như ác nghiệp ở cõi Dục Giới .
6/ Khúc, Uế, Trược , 3 nghiệp : do Siểm khúc phát sinh ra nghiệp Thân, Ngữ , Ý gọi là Khúc Nghiệp. Sân phát sinh ra 3 nghiệp gọi là Uế Nghiệp. Do tham phát sinh ra nghiệp thân, ngữ, ý gọi là Trược Nghiệp .
7/ Bạch hắc nghiệp : nghiệp ác thọ quả báo ác ở cõi Dục gọi là Hắc Hắc Nghiệp. Nghiệp lành thọ quả báo lành ở cõi Sắc gọi là Bạch Bạch Nghiệp . Nghiệp lành dữ xen lộn nhau thọ quả báo khả ái phi khả ái xen lộn nhau ở cõi Dục gọi là Hắc Bạch Hắc Bạch Nghiệp .
8/ Ba Nghiệp Mâu Ni :
Ba Nghiệp Ba Nghiệp thanh tịnh Ba Nghiệp Mâu Ni
Thân Thân thanh tịnh Thân Mâu Ni
Ngữ Ngữ thanh tịnh Ngữ Mâu Ni
Ý Ý thanh tịnh Ý Mâu Ni
Từ Mâu Ni là do phiên âm từ tiếng Phạn Muni, có nghĩa là tịch mặc, dứt sạch các phiền não nên được vắng lặng. Hàng thánh giả vô học, do dứt sạch các phiền não nên thân nghiệp được gọi là thân Mâu Ni, Ngữ nghiệp gọi là ngữ Mâu Ni. Ý nghiệp gọi là ý Mâu Ni. Thân , ngữ , ý đều thành diệu hạnh nên được gọi là Thân thanh tịnh, Ngữ thanh tịnh, ý thanh tịnh. Vì tạm thời và vĩnh viễn xa kìa mọi ác hạnh phiền não cấu uế nên gọi là Diêu Hạnh; nó thông cả hai loại thiện hửu lậu và thiện vô lậu .
9/ Ba Hạnh : gồm có 3 ác hạnh và 3 diệu hạnh như sau :
(a) Ba ác hạnh : Ba Nghiệp
Thân ác hạnh Thân Nghiệp
Ngữ ác hạnh Ngữ Nghiệp
Ý ác hạnh Ý Nghiệp và tham, sân, tà kiến.
(b) Ba diệu hạnh : Ba Nghiệp
Thân diệu hạnh Thân Nghiệp
Ngữ diệu hạnh Ngữ Nghiệp
Ý diệu hạnh Ý nghiệp và vô tham, vô sân, chính kiến
Ba ác hạnh là tất cả 3 nghiệp ác của thân, ngữ, ý . Ba diệu hạnh gồm tất 3 nghiệp lành của thân, ngữ, ý . Quan trọng nhất là Ý ác hạnh cũng như Ý diệu hạnh . Chúng nhiếp tất cả Ý nghiệp thiện, ác . Ý ác hạnh nhiếp luôn cả tham , sân, tà kiến . Ý diệu hạnh nhiếp cả vô tham, vô sân, và chính kiến , như biểu đồ ghi trên .
10/ Hai loại mười nghiệp đạo : đó là 10 ác nghiệp đạo và 10 thiện nghiệp đạo .
MƯỜI ÁC NGHIỆP
· Thân : Sát, đạo, dâm
· Ngữ : Nói dối trá, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác, thêu dệt
· Ý : Tham, sân, tà kiến
MƯỜI THIỆN NGHIỆP
· Thân : Không sát, không đạo, không dâm
· Ngữ : Không nói dối trá, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác, không thêu dệt
· Ý : Không tham, không sân , thực hành chính kiến
Trong các Kinh thường viết những việc lành, việc ác phát khởi từ thân, ngữ, ý đều trãi qua 3 giai đoạn : (a) Gia Hạnh; (b) Căn Bản; (c) Hậu khởi.
Kinh Ưu Bà Tắc Bồ Tát Giới, phẩm Nghiệp viết : Phương tiện trang nghiêm; Căn Bản; Thành Dĩ.
Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới viết : Sát nhân sát duyên; Sát Pháp; Sát Nghiệp.
Trong 3 phần kể trên Gia Hạnh là phương tiện phát khởi sự việc; Căn Bản là giai đoạn sự việc vừa hoàn thành ; Hậu Khởi là những hành động kế tiếp sau đó . Chỉ có phần Căn Bản mới gọi là NGHIỆP ÐẠO.
Câu Xá Luận 16 viết : “Về bất thiện, Thân ác nghiệp đạo trừ một phần của thân ác hạnh không kể vào, đó là các thân nghiệp ác thuộc Gia Hạnh và Hậu Khởi và các nghiệp như uống rượu , đánh, trói … vì những việc nầy không thô bạo rõ rệt bằng những thân Ác Hạnh làm kẻ khác mất mạng , mất của, mất vợ như Phật dạy, đặc biệt phải xa lánh. Chỉ những việc ác chính như làm kẻ khác mất mạng, mất của …mới gọi là Nghiệp Ðạo.
Ngữ ác nghiệp đạo không kể những ngữ ác hành thuộc gia hạnh, hậu khởi và khinh vi.
Ý ác nghiệp đạo không kể những Ý ác hạnh thuộc tư duy ác và lòng tham nhẹ …
Về thiện, Thân thiện nghiệp đạo trừ một phần của thân diệu hạnh không kể vào , đó là thân thiện nghiệp thuộc gia hạnh, hậu khởi và các việc khác như bố thí , cúng dường, lìa uống rượu…
Ngữ thiện nghiệp đạo, trừ một phần của ngữ diệu hạnh như ái ngữ, thật ngữ… không kể vào.
Ý thiện nghiệp đạo , trừ một phần của Ý diêụ hạnh như các tư duy thiện không kể vào.”
10 điều Ác và 10 điều Thiện trở thành nghiệp đạo với những điều kiện như thế nào?
NHỮNG YẾU TỐ KHIẾN 10 ÐIỀU ÁC TRỞ THÀNH ÁC NGHIỆP ÐẠO
Sát sinh nghiệp đạo : có 5 yếu tố : (a) Có tâm muốn giết; (b) Ðối tượng là loài hửu tình; (c) Tưởng đó là loài hửu tình; (d) Dùng sức giết; (e) Không giết lầm .
Trộm cắp nghiệp đạo : có 5 yếu tố : (a) Móng tâm lấy cắp; (b) Ðối với tài vật của kẻ khác ; (c) Tưởng đó là tài vật của kẻ khác ; (d) Dùng sức lấy ; (e) Không phải lấy lầm đem về làm của mình .
Tà dâm nghiệp đạo : có 4 yếu tố : (a) Hành dâm với người không phải vợ hoặc chồng chính thức . (b) Làm việc trái với phép tắc bình thường . (c) Làm việc trái với nơi chốn bình thường . (d) Làm việc trái với thời gian bình thường .
Vọng ngữ nghiệp đạo : có 4 yếu tố : (a) Tâm ô nhiễm; (b) Tư tưởng và lời nói trái với pháp tắc ; (c) Người bị lừa dối hiểu rõ điều được nghe nói .(e) Người nói dối biết rõ việc mình đã làm.
Lưỡi hai chiều (ly gián ngữ) nghiệp đạo : có 4 yếu tố : (a) Tâm ô nhiễm; (b) Cố ý nói hại kẻ khác; (c) Người nghe hiểu rõ; (d) Người nói tự biết rõ mình nói hai lưỡi.
Ác khẩu nghiệp đạo : có 4 yếu tố : (a) Tâm ô nhiễm; (b) Cố ý nói lời độc ác, cộc cằn, thô bạo để hạ nhục kẻ khác ; (c) Người nghe hiểu rõ; (d) Người nói tự biết rõ mình nói lời độc ác .
Ỷ ngữ (thêu dệt, tạp uế) nghiệp đạo : có 2 yếu tố : (a) Tâm ô nhiễm; (b) Cố ý nói lời thêu dệt , vẽ vời, dua nịnh, tạp uế .Từ Ỷ Ngữ nầy có phạm vi rất rộng . Trừ 3 thứ hư cuống ngữ, thô ác ngữ , ly gián ngữ, tất cả ngôn từ điên đảo, tà vạy, phát khởi ra từ tâm ô nhiễm đều nằm trong phạm vi Ỷ Ngữ nầy .
Tham nghiệp đạo : trường hợp nầy, lòng tham thể hiện nhiều mặt rất phức tạp phát khởi từ căn bản thức, nó là món căn bản phiền não cực mạnh nên một mình nó đủ yếu tố tạo ra Nghiệp Ðạo .
Sân nghiệp đạo : sân cũng là một trong tam độc, căn bản phiền não , thế lực của nó cực mạnh nên tự nó có thể tạo ra Nghiệp Ðạo.
Tà kiến nghiệp đạo: tà kiến là một chi nằm trong 6 món căn bản phiền não , thế lực của nó không kém gì 2 món trên . Từ kiến chấp tà vạy mà sinh ra vô số tội lỗi . Do đó nó dễ dàng tạo ra nghiệp đạo .
Tóm lại Gia Hạnh của 10 nghiệp đạo ác do 3 căn bất thiện là Tham , Sân , Si mà phát khởi . Do tâm Sân mà tạo ra nghiệp đạo sát sinh; do Tham dục mà tạo ra trộm cắp nghiệp đạo, tà dâm … Cũng từ 3 món tam độc kể trên mà tạo ra cuống ngữ, ly gián , tạp uế ngữ, thô ác , tà kiến nghiệp đạo…
Về 10 Thiện Nghiệp Ðạo thì luận Câu Xá viết như sau: “Các Nghiệp đạo Thiện bất luận là Gia Hạnh, Căn Bản, hay Hậu Khởi đều từ 3 Thiện Căn là Vô Tham, Vô Sân, Vô Si mà phát khởi. Những Thiện Tâm tất nhiên là tương ứng với 3 thiện căn nầy.”
11/ Ba món tà hạnh : Tức là Tà Ngữ, Tà Nghiệp, và Tà Mạng.
Luận Bà Sa 16 viết như sau: “Như trong ngữ nghiệp tạo bất thiện nghiệp, nếu do lòng Tham mà phát khởi thì gọi là tà ngữ, cũng gọi là tà mạng, vì trong đó gồm có mục đích nuôi sống nữa. Nếu do tâm Sân si mà phát khởi thì chỉ gọi là tà ngữ chứ không gọi là tà mạng. Bởi không vì mục đích nuôi sống. Và thân nghiệp đạo bất thiện cũng vậy, nếu do lòng tham phát khởi thì gọi là tà nghiệp, cũng gọi là tà mạng. Nhưng nếu do sân si mà phát khởi, chỉ gọi là tà nghiệp chứ không gọi là tà mạng.”
Nói tóm lại Nghiệp có nhiều chủng loại nhưng không ngoài 3 cách phân loại chính đó là thuộc về Thân, Ngữ , Ý; hoặc Thiện, hoặc Ác , hoặc Trung dung; thuộc hửu lậu hay vô lậu.
Nghiệp Thiện Hửu Lậu, tính nó ít nhiều mùi vị bất lương, vị bản ngã trong đó. Trái lại Thiện Vô Lậu hoàn toàn thanh tịnh, thoát hẳn mùi vị bất lương, vị bản ngã. Còn gọi là Diệu Thiện.
Ðặc biệt đây muốn nhấn mạnh đến nguyên nhân của Mê không những chỉ có 3 Nghiệp ác mà luôn cả 3 nghiệp Thiện hửu lậu nữa . Vì 3 nghiệp thiện hửu lậu nầy là nguyên động lực chiêu cảm quả báo tốt lành trong cõi người và cõi trời. Ðồng thời nó cũng là bước căn bản tiến lên Vô Lâu Thiện, và tiến dần đến giác ngộ, giải thoát.
T/S Lâm Như Tạng
Cập nhật: 01-12-2004
Nguồn: www.quangduc.com