.
THỰC
TẠI HIỆN TIỀN
Viên Minh
--- o0o ---
[02]
GIỚI THIỆU BÁT NHÃ TÂM KINH
Bài kinh chúng ta không cần tìm hiểu gốc gác ở
đâu, thuộc tông phái nào.
Điều đó có cần thiết để chúng ta tìm
hiểu không? Chân lý vốn không có biên cương xứ sở, không có lý lịch nên
chúng ta có lẽ không cần biết xuất xứ. Chân lý là cái muôn thuở nên nó
không thuộc độc quyền của ai, phải vậy không?
Chỉ có điều chúng ta biết rõ, bài kinh này nói
được, xuyên suốt, từ giáo lý Nguyên
Thủy cho đến Tiểu Thừa, Đại Thừa, Thiền Tông
và rồi trở lại tinh thần Nguyên Thủy. Tất cả những vấn
đề tinh yếu đều nằm trong bài kinh Bát
Nhã này cả. Do đó, mình không ngại bài
kinh này thuộc tông phái nào, không quan trọng lắm. Mình sẽ lấy cái sườn
kinh này mà chỉ bày sự thật. Hễ sai mình nói sai. Hễ
đúng thì mình nói
đúng, chẳng sợ gì cả. Vì chân lý mà
mình làm, không ngại gì hết.
Cái sườn của kinh Bát Nhã này hầu như
đầy đủ toàn bộ giáo lý của
đạo Phật. Quý vị đừng nghĩ rằng kinh điển của
chúng ta quá nhiều. Không có nhiều đâu. Quý vị có nhớ vị Thiền Sư nào
đó, sau khi "ngộ" rồi, ông mới
nói: "Ồ, tưởng là cái gì dữ dội, té ra cái
đạo của thầy ta thì có gì nhiều đâu!"
[Ngài Lâm Tế khi ngộ đạo có nói: "Thì
ra Phật Pháp của Hoàng Bá không nhiều"]. Đại
khái vậy, thật ra chẳng có gì nhiều "Dị giản nhi thiên hạ chi lý
đắc hỷ" hoặc "Vô tâm
đạo dị tầm" mà. Khi mình thấy rồi
thì chỉ có giây phút tịch diệt hiện tiền ngay tại
đây chính là
đạo, ngoài ra không cầu gì nữa hết.
Cầu là vì không biết rằng ở đó đã
đủ hết rồi. Cho nên, ở
đây, trong bài kinh Bát Nhã này
đã nói đủ
những điều cơ bản cốt tử nhất về sự thật. Vậy chúng ta cứ đem ra tham khảo
với nhau xem cái thực của một số vấn đề trong kinh Bát Nhã nói là
cái gì? Mình sẽ tìm từng chữ nhưng không phải là dịch nghĩa theo lối luận
giải chi chi đó. Vì cứ
đem kinh mà giảng kinh thì
được cái gì. Ở
đây cách làm việc của chúng ta là
đem cái thực ra, chứ không phải lấy kiến giải
chồng chất kiến giải, lấy kinh chồng chất lên kinh như nhiều người
đã từng làm.
Ví dụ có bài kinh viết: có 5 cái ly, 10 cục phấn, hai
cái bàn... thì bây giờ việc của mình cứ đem 5
cái ly ra, đem 10 cục phấn, 2 cái bàn ra mà xem, chứ không lấy tự
điển ra mà dịch nghĩa văn
tự kia để làm gì. Nhưng mà có thể, để
cho quý vị thấy rằng, điều mà chúng ta
đưa ra, không phải là "thứ dỏm", thì lúc ấy chúng ta sẽ lấy
kinh để chứng minh chúng ta có thể viện dẫn
tất cả kinh điển Nguyên Thủy, Tiểu Thừa,
Đại Thừa, lẫn Thiền Tông để chứng minh. Nhưng
không phải lấy tất cả kinh đó ra mà giảng. Phương cách của chúng ta
là đưa sự thật ra trước, rồi lấy kinh để
chứng minh sau, tức là lấy lý
để so sánh với cái thực (cái sự).
Sự thật ↔ Kinh
(Sự) ↔ (Lý ) |
Chứng minh |
Bát Nhã Tâm Kinh có rất nhiều bản. Bản kinh
đang lưu truyền ở Việt Nam hiện tại tương đối
chính xác, ta sẽ y cứ ở bản đó. Cái đề không quan trọng, chúng ta sẽ đi
thẳng vào kinh văn:
- Quán tự tại
- Bồ Tát
- Hành
- Thâm bát nhã ba la mật đa (Gambhirāpaññā
paramitā)
- Chiếu kiến
- Ngũ uẩn
- Giai không
Ban đầu chúng ta đọc lướt
qua bài kinh Bát Nhã này ghi ra những
điều quan trọng, những sự thật cần nói rõ.
Ví dụ: Quán Tự Tại Bồ Tát. Có những chữ mà mình cần
phải thấy, tôi xin dùng chữ "thấy", vì chữ "hiểu" nhiều khi
có vẽ lý trí quá. Vậy chúng ta phải thấy Quán Tự Tại là sao? Bồ Tát là gì?
Xưa nay có nhiều người tự xưng là tu hạnh Bồ Tát có
chắc đã biết Bồ Tát là gì không? Còn
nếu giả sử mình hiểu Bồ Tát theo tư kiến nào
đó hoặc tin vào kinh nào đó rồi mình
hành, thì có khi không phải hành Bồ Tát mà hành cái gì
đâu đâu, vì mình có thấy Bồ Tát cho
thật đúng đâu mà hành Bồ Tát cho
đúng, phải thế không?
- Chiếu kiến
- Ngũ uẩn
- Giai không
Chiếu kiến là sự thấy, nhưng thường thì chúng ta cứ
đọc phớt qua rồi tưởng tượng, chứ có thấy "giai
không" là gì đâu. Ngũ uẩn thì mình
cứ kể vanh vách: sắc, thọ, tưởng, hành, thức chứ cũng chẳng thấy ngũ uẩn
là cái gì. Ngũ uẩn không thấy là cái gì thì làm sao mà thấy ngũ uẩn giai
không được.
- Độ
- Nhất thiết khổ ách.
"Khổ ách" là những gì chúng ta cần phải thấy rõ. Và xin
thưa quý vị rằng, chừng ấy là hết kinh Bát Nhã! Còn
đoạn sau thì chỉ như "phụ
đề Việt ngữ" mà thôi. Vì
đoạn sau chỉ giải thích, nói cho rõ
thêm chi tiết, thế thôi.
Sắc bất dị không, không bất dị sắc
Sắc tức thị không, không tức thị sắc
Thọ
Tưởng
Hành
Thức diệc phục như thị
Tất cả những cái này chúng ta phải nhìn sâu, phải thấy
rõ như ban ngày từng diễn biến nơi chính mình mới
được.
Thị chư pháp không tướng
Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng,
bất giảm
Không tướng hay là cái không? Không tướng là cái gì?
Sao lại gọi là không tướng?
Vì sao không tướng lại là không sanh diệt, không cấu
tịnh, không tăng giảm? Tại sao như vậy?
Thị cố không trung, vô sắc... vô pháp
Không trung là ở đâu? Không trung là
cái gì? Trong không trung vì sao không có:
(1) Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
(2) Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý.
(2) Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ?
(1) là ngũ uẩn, (2) là lục căn,
(3) là lục trần. Lục căn và lục
trần gọi là 12 xứ.
Vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.
Từ nhãn giới đến ý thức
giới là 18 giới:
Nhãn giới - sắc giới - nhãn thức giới
Nhĩ giới - thanh giới - nhĩ thức giới
Tỷ giới - hương giới - tỷ thức giới
Thiệt giới - vị giới - thiệt thức giới
Thân giới - xúc giới - thân thức giới
Ý giới - pháp giới - ý thức giới
Trong cái không (không trung) không có vô minh,
cũng không có vô minh hết (vô vô minh diệc vô vô minh tận)... cho
đến không có lão, tử, cũng không có
chuyện hết lão, tử (nải chí vô lão tử diệc vô lão tử tận).
Tức là không có thập nhị nhân duyên:
Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái,
thủ, hữu, sinh, lão tử.
(Không có 12 nhân duyên cũng không có chuyện chấm dứt 12
nhân duyên).
Vô khổ, tập, diệt, đạo
(tức là không có Tứ Diệu Đế).
Trong không, không có Tứ
Đế. Vì sao? Trong những buổi hội thảo, chúng ta sẽ quan sát tận
tường tất cả những điều trên theo
nguyên tắc thấy ra cái thực là cái gì.
Còn nữa:
Vô trí diệc vô đắc (trí và
đắc)
Dĩ vô sở đắc
Bề Đề Tát Đỏa
Y Bát Nhã Ba La Mật Đa
Tâm vô quái ngại
Vô hữu khủng bố
Viễn ly điên đảo mộng tưởng
Cứu cánh Niết Bàn
Quý vị đừng tưởng Niết Bàn
là quá xa xôi, quá viễn vông. Niết Bàn là cái mà mình cần phải thấy ngay
trước mắt.
Tam thế Chư Phật
Y Bát Nhã Ba La Mật Đa
Đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề
Lưu ý là Tam Thế Chư Phật
đều y cứ vào Bát-Nhã Ba-La Mật-Đa để
đắc A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề.
A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu
Tam-Bồ-Đề là âm của những từ:
Anuttara: A-Nậu-Đa-La.
Sammā: Tam-Miệu.
Sambodhi: Tam-Bồ-Đề.
đều có nghĩa là "Vô Thượng Chánh
Đẳng Giác".
Thị đại thần chú, thị đại
minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết
khổ, chơn thiệt bất hư.
Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật
Đa chú, Tức chú thuyết chú viết: "Yết-đế,
yết-đế, ba la yết-đế, ba la tăng yết-đế, Bồ-Đề Tất-Bà-Ha".
Câu này mật ý là gì? Chúng ta
đều cần phải thấy rõ. Tất cả những
kinh điển Nguyên Thủy cũng
đều nói đến những vấn đề này. Vì những
vấn đề này chính là cái thực của
Đạo, chính là
Đạo. Và tất cả những kinh luận của
Tiểu Thừa, Đại Thừa cả hàng ngàn năm
cũng nói những điều này, chẳng có chi khác. Do
đó, kinh điển quá nhiều, nhưng nếu chúng ta
theo dõi cuộc hội thảo này, có thể 2 hoặc 3 tuần gì
đó thì hy vọng chúng ta sẽ nắm
được những vấn đề cương yếu trong kinh điển
của đạo Phật. Thấu suốt được bài kinh này là hầu như thấu suốt tôn
chỉ của kinh điển. Nói vậy chắc quý vị sẽ bảo
là hơi quá đáng. Nhưng mà không
phải vậy. Sở dĩ nhiều là do bàn luận, lý giải, bàn qua bàn lại
đó thôi. Tuy nhiên, không có kinh gì,
luận gì mà đi ra ngoài những vấn
đề này. Những vấn
đề này nói trong kinh Bát Nhã. Nếu
chúng ta thấy được cái thực rồi, tất nhiên
mọi bàn luận sẽ trở nên vô nghĩa, phải vậy không? Cứ thẳng thắn nói vậy.
Kinh điển Nguyên
Thủy không thôi, mình đọc một đời cũng không
hết, kinh điển Tiểu Thừa và Đại Thừa
nữa thì không bao giờ mình đọc hết
được cả. Hiện nay, mình chỉ dịch được
một số thôi, nhưng nếu dịch hết không biết bao kiếp mới đọc xong. Thế
nhưng, nếu có người thấy sự thật rồi thì cho họ
đọc họ cũng không thèm
đọc. Đấy là sự thật.
Người ta đã thấy sự
thật, họ thực hành, nghĩa là họ thuận theo sự thực ấy
để họ sống, họ sống với cái thực. Và,
khi mà mình sống thực, thì mình thấy ra còn hơn kinh
điển nói. Vì sao? Vì
điều cặn bã Thánh nhân - như ông thợ
mộc nói - có nghĩa lý gì so với cái thấy, cái biết
đời sống phong phú của Thánh nhân, phải vậy
không? Khi mà mình sống với cái thực, thì mình sẽ thấy lại những
điều mà chính Thánh nhân thấy. Do
đó, chúng ta không phải hiểu đạo Phật qua
kinh điển mà hiểu đạo Phật qua chính
sự thật. Đấy là mục đích duy nhất và
tối hậu của những buổi hội thảo này vậy.
Bây giờ còn chừng nửa tiếng nữa, có ai hỏi gì không?
Hoặc nếu thấy tôi trình bày chủ quan quá thì cũng cứ thẳng thắn
đứng dậy mà nói... Không có ai nói, ai
hỏi gì sao?
Những buổi hội thảo của chúng ta từ
đây về sau sẽ rất chặt chẽ, xin báo trước như
vậy. Trừ phi quá bận còn không quý vị nên cố gắng tham dự và theo
dõi liên tục. Nếu nghỉ một buổi là gián đoạn
mất, khó mà thấy toàn bộ được. Vì
nó chặt chẽ từng khâu một. Thấy cái này thì thấy cái kia, không thấy cái
này thì không thấy cái kia.
Bắt đầu buổi hội thảo sau,
thực sự mới là vào chính đề. Còn
những điều chúng ta vừa bàn ở trên,
nghe ghê gớm vậy chứ chẳng có gì quan trọng cả. Tinh thần học sự thật của
chúng ta cần phải được trang bị một cái gọi là
"nói thẳng thắn không sợ đụng chạm ai cả".
Vậy chúng ta phải chuẩn bị tinh thần. Muốn thấy sự thật thì phải
đập đổ tất cả những cái mà trước nay
mình hiểu sai lầm, có phải vậy không?
Hồi xưa, Đức Phật có một
trong những pháp bất úy gọi là "Thuyết chướng ngại
đạo vô sở úy". Nguyên Thủy, Tiểu
Thừa hay Đại Thừa gì cũng
đều công nhận điều đó cả. Nghĩa là cái
gì chướng ngại cho đạo, cho sự tu hành
giải thoát thì cứ vạch trần, chẳng sợ gì hết, dù
điều đó xưa nay người ta tôn sùng
đưa lên mây xanh mà sai thì mình cứ
thẳng thắn mà nói sai. Người muốn thấy chân lý phải thẳng thắn và dũng cảm
như vậy. Phải xóa hết tất cả mọi ranh giới, mọi quan
điểm của các tông phái.
Vì có một điều chắc chắn
như thế này: nếu còn cố chấp tông phái thì không thể nào thấy
được chân lý. Đấy là
điều chắc chắn 100% chứ không phải 99% đâu.
Tuy nhiên, mình có thể cứ ở tông phái này hoặc tông phái kia, không
sao cả. Vì sao vậy? Vì cái đó chỉ thuộc vấn
đề tổ chức thôi. Tổ chức thì nó có tính cách "nhập gia tùy tục".
Thí dụ: tôi ở Nguyên Thủy thì tôi phải mặc y, phải
đi khất thực. Tôi phải làm những
chuyện mà bên Phật giáo Nguyên Thủy người ta làm. Chuyện
đó mình tự tại vô ngại chớ có sao
đâu. Nhưng hễ mà tôi cố chấp cho
chuyện đó là một cái gì ghê gớm lắm
thì tôi không thể nào thấy Đạo được. Bởi vì
chính khi mình sống Đạo, thì chỉ có
Đạo, có sự sống giác ngộ mà thôi,
ngoài ra không có bất cứ cái gì lảng vảng vô
đó được hết. Hễ mà còn lảng vảng cái gì
đó, một chút xíu thôi, một lý tưởng chẳng
hạn, thì thành ra hoài công vô ích. Xin lặp lại không có gì chen vô
đó được, dù là chen vô một lý tưởng
cao đẹp cách mấy cũng đều là phá hoại
sự thật mà mình đang sống. Cho nên quý
vị hãy sẵn sàng để mà phá!
Còn một việc nữa mà chúng ta cần ghi nhận là giả sử tôi
có trình bày sự thật, mà quý vị thấy ra được
sự thật thì đó là sự thật khách
quan mà mỗi người tự thấy biết, tự giác ngộ, chứ không phải là sự thật chủ
quan do tôi đưa ra. Chân lý là cái
chung của mọi người. Xin nhớ cho như vậy!
Đức Phật, Ngài đã
từng phủ nhận vai trò giáo chủ với một đặc
quyền nào đó về chân lý, một bậc Đạo
Sư, chúng ta tôn xưng Ngài như vậy mà thôi. Ngài luôn bảo Ngài là
người chỉ đường. Người chỉ đường - người khải
thị khác với ông thầy theo nghĩa đưa ra một mực thước, một khuôn khổ bắt
học trò phải theo. Đạo Phật chứ không
phải bàng môn tả đạo mà bắt con
người lệ thuộc vào tông phái, vào giáo hệ, lệ thuộc vào ông thầy, vào
đấng giáo chủ, vào uy quyền của thần
linh, lệ thuộc vào một chủ thuyết giáo điều.
Đức Phật dạy như thế này, trong kinh Nguyên
Thủy, coi như là một tuyên ngôn đặc thù
của đạo giác ngộ:
"Attāhi attano
nātho,
Ko hi nātho parosiyā.
Attanā'va sudantena,
Nātham labhati dullabham". (Dhammapada - Pháp cú
kinh)
Câu ấy đúng là câu
tuyên ngôn như Thiền Tông nói: "Bất lập văn
tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật"
vậy. Câu trên nghĩa như thế này: "Ta chính là Thượng
Đế của ta, không ai khác có thể là
Thượng Đế của ta được. Một khi đã
thuần tịnh thì ta chính là Thượng Đế hy hữu".
Ở đây cần một vài giải thích:
- Atta là ta: chữ ta này chỉ là
danh xưng chứ không phải là bản ngã. Một câu nói phải có chủ từ,
động từ, chứ đừng tưởng vô ngã là
không có tôi, không có anh, rồi nói trỗng, không phân biệt
đâu là tôi, là anh, là chị, người ta
sẽ bảo mình điên mất.
- Nātho:
chữ này rất đặc biệt, vừa có nghĩa là
nơi nương nhờ, nơi nương tựa, vừa có nghĩa là Thượng
Đế.
- Hi: một từ dùng
để nhấn mạnh, khẳng định "chắc chắn vậy, quả thực vậy".
Trở về y cứ nơi chính mình
để thấy cái thực. Cái thực ấy chính là pháp, là Thượng
Đế tối thượng. Thượng Đế tối thượng ấy quả
thực không lệ thuộc ông thầy, lệ thuộc giáo hệ, tông phái, chủ trương,
quan điểm, tổ chức, hình thức... hoặc với tất cả những gì bàn luận
phù phiếm lăng xăng của cuộc đời, của thế
gian pháp.
DHAMMA
18-11-1993
Bây giờ chúng ta trở lại với cái thực. Tôi xin
lập lại là nội dung của tất cả các buổi hội thảo chúng ta
đều xoay quanh cái thực, bằng cách này
hay bằng cách khác. Tất cả những ngón trỏ đều
hướng về một tiêu điểm. Vậy dẫu có nói
pháp, Bát Nhã gì gì đi nữa, cũng không
ra ngoài mục đích tối thượng mà
mỗi người Phật tử đều cần cầu và thao
thức.
Khi tôi nói cái thực thì mỗi người trong chúng
ta đã có những ý niệm khác nhau về cái
thực rồi. Vậy trước tiên muốn nói đến cái
thực, thì chúng ta thử xét xem cái thực là gì? Mổ xẻ xem cái thực
nó ra làm sao?
Trong Phật giáo, cái thực chính là pháp. Pāli
là Dhamma, Sanskrit là Dharma, là pháp
được dùng
để chỉ cái thực này. "Ai thấy Pháp tức là thấy Như Lai, ai thấy
Như Lai tức thấy Pháp". Chúng ta có thể nói một cách khác: "Ai thấy
cái thực tức thấy Như Lai, ai thấy Như Lai tức thấy cái thực". Vậy
chúng ta tạm chấp nhận tiền đề:
Thực là pháp, pháp là thực.
Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý là chữ pháp trong kinh
điển được dùng với nhiều nghĩa khác
nhau, tùy theo vai trò và tướng dụng của nó. Chữ pháp trong sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp được dùng với
nghĩa là đối tượng của ý. Chữ pháp trong
Phật, Pháp, Tăng có 2
nghĩa, một là lời dạy của Đức Phật hoặc kinh
giáo (Tam tạng), hai là sự thật của cái thực, cái chân lý,
cái rốt ráo, cái thực tại như chơn.
Ngoài ra có một định nghĩa
ở trong Duy Thức Học về Pháp là "Nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật
giải", tức là giữ gìn cái tự tánh, giữ gìn cái tánh chất riêng,
để từ đó người ta có thể biết, phân biệt được
vật này khác với vật kia.
Giải nghĩa, giải thích thì lắm lời và khó thấy
được. Tôi sẽ có ví dụ.
Tay tôi cầm viên phấn, tôi
đưa viên phấn lên. Quý vị biết ngay đó
là viên phấn, vì nó có tính chất của viên phấn mà vật khác không
có. Vậy rõ ràng là do chính tính chất của viên phấn
đó tự nói lên, phải thế không? Quý vị
biết nó hoặc thấy nó mà không cần gọi tên, có
đúng thế không? Khi tôi cầm ly nước đưa lên, quý vị thấy ngay
đó là ly nước. Quý vị lại còn phân
biệt được nước khác, cái ly khác, phải vậy
không? Tính chất của nước khác tính chất của cái ly. Ấy là cái
thực, ấy là pháp. Mỗi vật đều giữ gìn
bảo vệ tính chất riêng của nó, không những chỉ
để biết về nó mà còn
để phân biệt với vật khác nữa. Đấy là
pháp.
Còn một định nghĩa nữa về
pháp trong Kinh tạng Pāli. Theo tôi
định nghĩa này viên mãn hơn, rõ ràng hơn và cốt tử hơn, lại còn xác
định được Đức Thế Tôn chỉ nói về cái thực đó
thôi. Ngài ra đời chỉ để "khai
thị" cái pháp đó thôi. Ai thấy là
thấy ngay, không cần phải trải qua a-tăng-kỳ
kiếp nào cả. Đức Phật đã trải
qua thời gian tìm kiếm ấy cho chúng ta rồi. Ngài
đã chỉ cái pháp, cái thực ấy cho chúng
ta rồi. Vậy, bổn phận chúng ta là phải thấy, chứ không lý luận lôi thôi gì
cả.
Định nghĩa ấy nằm trong bài Kinh Dhammratanaguna
mà chư Tăng Phật tử Nam Tông trên khắp
thế giới thường đọc tụng hàng ngày
bằng Pāli văn như sau:
Svākhāto Bhagavatā Dhammo:
"Sanditthiko, Akāliko, Ehipassiko,
Opanayiko, Paccattam veditabbo viññūhi".
Nghĩa là: "Pháp đã
được khai thị bởi Đức Thế Tôn là thực
tại hiện tiền (thấy ngay lập tức), không có thời gian, hãy hồi
đầu mà thấy, ngay trên
đương xứ, mà mỗi người có thể tự mình
chứng nghiệm".
Dhammo là pháp, là cái thực có những yếu tính như:
- Sanditthiko: nghĩa là thấy ngay lập tức,
thấy một cách toàn diện (ngữ căn
sam là toàn bộ, lập tức, toàn diện, dis là
thấy, là kiến) cái đang là,
thực tại hiện tiền hay tịch diệt hiện tiền. Tiếng Anh có mấy chữ tương
đồng: The Truth (chân lý),
Reality (thực tại), What is being (cái
đang là).
Vậy pháp là sự thật, là chân lý, là thực tại hiện tiền,
là cái đang là.
- Akāliko:
không có thời gian (tâm lý). Nghĩa là pháp, sự thật, cái
đang là, cái thiết thực hiện tiền hễ
thấy là thấy ngay, không trải qua thời gian. Chúng ta lưu ý, pháp nào mà
trải qua thời gian (tâm lý) thì đấy
không phải là pháp thực, không phải pháp mà
Đức Thế Tôn khai thị. Ví dụ: tôi đang sân,
cái sân ấy chính là pháp, vì nó là cái
đang là, cái thực, cái chân lý.
Quý vị đang sân đùng
đùng, nhưng quý vị nghĩ là: "phải
chi mình đừng sân" hoặc "ta sẽ
đừng sân, ta sẽ không sân". Tất cả
những điều mình nghĩ ấy
đều không phải pháp, đều không phải là
cái thực, vì hiện giờ nó không có, nó chỉ là ảo tưởng. Trừ chính tự thân ý
nghĩ.
Tôi đang bất an mà
tôi bảo: tôi sẽ tu để được đắc định, để được
Niết Bàn. Cái ấy xin thưa, cũng thuộc về tương lai giả
định nên không phải là pháp, vì nó
trải qua ý niệm thời gian rồi. Chính cái "không
định" cái "chưa Niết Bàn"
hiện tại đây, mới chính là pháp, mới
chính là cái thực. Có lạ lùng không? Xin quý vị lưu ý: ngày mai, ngày kia,
tôi sẽ đạt..., tôi sẽ thành...
đều là tiến trình thời gian, nhân quả,
sanh diệt, khổ đau. Nó không phải pháp. Đó là
cái vọng tưởng nghĩ ra, chứ không phải là trí tuệ thực thấy, không phải là
pháp mà Đức Thế Tôn khai thị.
- Ehipassiko: Ehi là hãy
đến đây, tức hãy hồi
đầu (động từ eti)
và passiko là thấy (động
từ passati). Đây là
một mệnh lệnh, một mời gọi. Không phải ai mời cả mà chính là pháp mời.
Pháp tự phơi mở công khai sẳn sàng mời đến để
thấy chứ không bí mật gì cả. Đến không
phải là bước tới, đi tới chỗ kia (chữ
gam - gacchati mới là
đi tới), mà có nghĩa là trở lại
đây. Tôi xin lấy ví dụ: tôi đang sân đùng
đùng. Tôi bèn nghĩ rằng "vậy tôi sẽ
tu hành cho hết sân". Đấy không phải là
pháp. Vị nào nói tôi tu để cho hết sân thì
vị đó chưa thấy pháp vậy. Có người khác nói
rằng "tôi tu để một giây sau thôi,
tôi sẽ hết sân". Một giây cũng đã
là thời gian thi thiết. Cái đó cũng không
phải là pháp. Hãy trở lại đây hay hãy
hồi đầu mà thấy chính cái sân ấy. Mệnh
lệnh của pháp là vậy. Ehipasiko là vậy. Trở lại, quay trở
lại mà thấy. Đó mới thật sự là pháp,
là cái thực. Ấy mới chính là pháp do Đức Thế
Tôn khai thị cho chúng sinh.
Thiền Tông nói rằng: "Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh
thành Phật", trực chỉ thì không thể là ngày mai, ngày kia, phải thế
không? Chỉ thẳng vào tâm người, cũng có nghĩa là chỉ ngay cái thực tại
hiện tiền này, cái không có thời gian, cái thấy ngay lập tức. Hãy trở lại
mà thấy cái ngay bây giờ đây. Đó cũng chính là
kiến tánh, kiến ngay chính cái tánh sân ấy.
Trong Pāli,
chữ ditthiko có chữ dis là kiến, là thấy
và chữ passiko cũng là dis,
đồng nghĩa với kiến trong kiến tánh. Thiền Tông dùng chữ
kiến tánh cũng nhằm chỉ cái pháp đang hiện
tiền này. Chứ không phải kiến cái gì ghê gớm ở
đâu xa. Nếu kiến tánh mà là kiến một
cái gì bên ngoài cái đang là, một thế
giới siêu huyền nào, Thiền Tông sẽ bảo đấy là
"hướng ngoại cầu huyền". Và Lão Tử cũng bảo: "địch
trừ huyền lâm, năng vô tì hồ" đều
là muốn dẹp cái hướng ra bên ngoài, phải trở lại mà thấy cái tự
tánh muôn đời ngay tại đây và bây giờ.
Hãy trở lại đây mà
thấy! Hãy hồi đầu thấy lại!
Đấy là tiếng gọi muôn
đời của pháp. Đấy là lời thiết tha mời
gọi, thôi thúc tất cả chúng ta đừng có rong
ruổi, tầm cầu, chạy Đông, Tây, Nam, Bắc, Cực Lạc, Niết Bàn, ngày
mai, ngày kia, tôi sẽ, tôi trở thành v.v.. một cách si mê vô vọng nữa. "Hãy
trở lại mà thấy", đấy là tiếng
vọng của pháp còn vang mãi giữa chúng ta.
- Opanayiko: nghĩa là dẫm lên ngay trên chân lý
thực tại. Opa trong Pāli tương
đồng với "upon" trong tiếng Anh là trên, lên trên. Chữ Nayiko
(Nayati, neti) là dẫn đến, hướng đến,
xử sự. Vậy Opanayiko là dẫn lên trên, tức là
đặt chân lên
đúng thực địa. Phải dùng từ cụ thể như
vậy để chúng ta dễ thấy ra ngay cái gọi là
"dẫn lên trên thực tại chân lý" này.
Thiền Tông có một thành ngữ rất ư "đắc
địa" để nói lên nghĩa này,
đó là "cước căn
điểm địa". Bàn chân chúng ta phải chạm lên trên
đất thực, nghĩa là
đứng vững trên cái thực tại hiện tiền,
trên cái what is being, trên pháp, nghĩa là sống trọn vẹn ngay nơi
đương thể của sự sống.
Vậy còn thế nào là "cước căn
bất điểm địa"? Nghĩa là thực tại hiện tiền chúng ta không bước
lên, mà chúng ta lại bước vào quá khứ, bước vào tương lai, bước vào "tôi",
bước vào "tôi trở thành" v.v... Vậy là sao? Vậy có nghĩa tôi
đang sân đây, lại không xử lý ngay trên
đó (Opanayati) mà tôi lại nói:
ngày mai tôi sẽ hết sân, mốt tôi sẽ hết sân!
Đó là dẫn ra ngoài thực địa, là
trật đường rầy rồi!
Bước lên có nghĩa là sống, là chiêm nghiệm trọn vẹn và
toàn bộ tính chất cái sân ấy. Chúng ta đã
không chịu kiến tánh, kiến cái sân ấy mà lại mong cầu trải qua thời gian
để hết sân, để kiến một cái tánh lý tưởng
hoặc để đắc quả vị: ấy là "cước căn
bất điểm địa". Tôi đang phiền não
nên mong cầu Bồ Đề, ấy cũng là cước căn
bất điểm địa. Tôi là chúng sinh nên mong làm Bồ Tát, ấy cũng là
cước căn bất điểm địa. Sao không ngay nơi
chúng sinh ấy mà độ đi, còn
đợi khi nào làm Bồ Tát nữa!
Khi đang sân, ngay lúc đó
chỉ có cái sân là thực, quý vị cần trọn vẹn thấy rõ cái sân
đó với toàn bộ tính chất của nó. Ấy
mới là kiến tánh, mới là cước căn điểm địa.
Nó chính là định, là tuệ, chẳng
có cái định, tuệ nào tối thượng hơn.
Pháp sân vốn đã "nhiệm trì tự tánh
sân" đễ cho mình kiến tánh mà mình
lại hướng ngoại cầu không sân. Nếu khi "không sân"? Thì ta xử sự
ngay trên cái "không sân" ấy. Đấy là
kiến tánh, vì lúc đó pháp đang "nhiệm
trì tự tánh không sân". Vậy đây là
tiến trình thời gian của luân hồi sinh tử:
Hiện tại → Hướng ngoại → Tương lai
Đang sân → mong cầu →
không sân
(pháp, cái thực) → (muốn trở thành) → (phi pháp, cái không
thực)
Chúng ta phải tức khắc thấy rõ cái tâm mong cầu ấy ở
trong chúng ta, vì chiếu quán được cái tâm
mong cầu ấy tức là phá được nhịp cầu
sinh tử, thời gian, nếu không, muôn đời chúng ta chỉ thả mồi bắt bóng, bỏ
cái thực mà đi tìm cái không
thực, bỏ pháp mà đi tìm cái không phải
pháp. Chúng ta không muốn đường đường chính
chính mà đi, đi trong cái thực, bước
trong cái thực, mà luôn luôn bước ra khỏi cái thực, bước ra khỏi
pháp! Giống như người ưa mơ mộng hay chỉ thích mộng du!
- Paccattam : Mỗi người
- Veditabbo : Thể nghiệm
- Viññūhi :
Bậc trí, bậc có trí tuệ, Bồ Tát, bậc tự mình chiêm nghiệm cái
đang là.
Ba chữ cuối kết thúc đoạn
kinh này có nghĩa là mỗi người hãy tự nhận chân, tự chứng
nghiệm, hãy sống trọn vẹn với cái thực ấy ngay nơi sự sống
đang là.
Đó là nghĩa chữ pháp, cái thực ở trong
kinh Nguyên Thủy.
PHÁP CỦA THIỀN TÔNG
Để có cái nhìn rộng rãi hơn, và cũng
để cho chúng ta thấy rõ không phải chỉ
có trong Nguyên Thủy mà cả Đại Thừa và
Thiền Tông cũng có cái thấy như vậy. Tôi sẽ
điểm xuyết một vài điều.
Thiền Tông đã nói
về cái thực, về pháp: "Xúc mục vô phi thị
đạo", nghĩa là tiếp xúc với mắt thì không có gì không phải là
đạo. Ở đây, đạo là cái thực, là chân
lý, là pháp.
Có người hỏi một vị Thiền Sư:
- Bạch Ngài cái gì là đạo?
Thiền Sư trả lời:
- Thế ông chỉ cho ta xem cái gì không phải là
đạo?
Quá rõ, phải không? Cái gì
đã chỉ ra được, đã thấy
được đúng thực tướng, dù cái
đó là vọng thì nó cũng là cái thực
rồi. Vị Thiền Sư ấy hẳn đã thấy pháp.
Vị Thiền Sư khác lại nói: "Kiến, tức trực hạ tiện
kiến, nghĩ tư tức sai", nghĩa là hễ thấy là thấy ngay tức khắc, thấy
ngay trước mắt, suy nghĩ, tư nghì là sai liền. Chân lý này, chân lý mà
Đức Thế Tôn đã khai thị, pháp ấy, ai
thấy được là thấy ngay lập tức, nếu
còn chần chừ suy nghĩ về nó tức là chưa phải. Ngộ là ngộ ngay trước mắt,
phải không? Nếu để đến ngày mai, ngày
kia là không được. Kiến là kiến tánh
ngay, kiến tánh là không hẹn thời gian. Hễ thấy là thấy ngay. Ngộ là ngộ
nguyên con, phải không?
Ngài Đức Sơn, khi đệ tử
hỏi Phật là gì? Ngài bảo là 3 cân mè. Ba cân mè quá
đúng, phải không? Nếu khi đó Ngài
Đức Sơn đang cầm nửa viên phấn như thế
này thì Ngài cũng bảo "nửa viên phấn", giản dị vậy thôi. Phật là thấy
tánh, mà ba cân mè nằm sờ sờ trước mắt không thấy mà lại
đi tìm Phật trong mộng
được sao?
(Giải thích ngoài "mép rìa" của người ghi chép).
Tại sao lại ba cân mè? Tại vì khi ấy Ngài
Đức Sơn ưa bảo là 3 cân mè chứ sao!
Ba cân mè khi ấy nó hiện lên trong óc của Ngài, nên chỉ có cái hình ảnh
đó là thực, chỉ có cái ấy là pháp.
Tuy nhiên người ta cũng có thể giải thích kiểu khác, rằng vị Thiền Sư
muốn chặt đứt cái vọng tưởng tầm cầu ý
nghĩa không thực trong óc của người đệ tử, nên
đã lôi người
đệ tử trở về cái thực, với thực tại chỉ là
3 cân mè đang có mặt ở đây, giữa hai người.
Nhưng mà hãy coi chừng! Chính
đấy là luận, là thiền luận! Có một căn
bệnh trí thức, là bệnh thiền luận
đang phổ cập trong giới học Phật chúng ta! Nếu người biết, người thấy
cái thực rồi, thì không thể luận
Đông, luận Tây mà đánh lừa họ được.
Nhưng nếu là người không thấy, đôi
khi họ lại bị rối mù, bị vây bủa không có lối thoát của những mớ
luận lý (như đàn kiến
đang bò quanh miệng chén, bò quanh
mép rìa của thực tại).
Khi có người hỏi Ngài Triệu Châu: "ý của Tổ Sư qua
Đông Độ là gì?". Câu ấy tương tự
như hỏi: Thiền là gì? Đạo là gì?
Pháp là gì? Ngài Triệu Châu đã chỉ "cây
bách trước sân"!
Có vị Thiền Sư khi được
hỏi tương tự như vậy, lại trả lời: "que cứt khô" (càn chỉ
quyết). Nói như thế có quá đáng không? Có
bạo gan không? Khi ấy, ở bên cửa
đang có cái que chống cửa, cũng là cái que mà thầy trò họ vừa
dùng để bón phân cho cây về. Vậy thì
chỉ tay vào "que cứt khô" ấy, chính là pháp hiện tiền trước mắt,
có gì đâu mà quá
đáng! Chân lý là sự thật mà "cùng
lý ư sự vật thủy sinh chi xứ" mà.
Nói tóm lại là mọi vận dụng của người ngộ
Đạo thật là sáng tạo, thật là thiên
biến vạn hóa. Cũng phải thôi, cả sum la vạn tượng, cả trăng
sao nhật nguyệt, cây cỏ núi sông, sơn hà
đại địa, là cả một kho tàng vô tận,
bấy nhiêu cái thực ấy thì ta sử dụng làm sao cho hết, phải không?
Kinh Đại Thừa bảo: "Đương
xứ tức chân", còn toàn bộ kinh
điển Nguyên Thủy của Đức Phật đều chỉ
thẳng cái đương xứ ấy. Đương xứ có khi nào mà không chân, phải
không? Nhưng mà tại chúng ta vọng nên không thấy
đó thôi.
Nói tóm lại, cái thực không phải là cái gì quá xa vời
như trên mây xanh, quá cao siêu ở nơi cõi Thiên
Đàng, Cực Lạc mà chỉ tại ta nhìn với
con mắt dục vọng, nên đã tự
bưng bít trước tất cả những sự thật trên đời
đó thôi.
Quý vị "tham định",
bỗng dưng cái "tâm không định"
sẽ ngại quý vị. Quý vị muốn hỷ lạc, bỗng dưng cái tâm không hỷ không lạc
sẽ ngại quý vị. Chúng ta luôn luôn làm rào chắn chính chúng ta, luôn luôn
làm ngại chúng ta, làm khổ chúng ta. Tâm định
và tâm không định đều phải bình
đẳng. Tâm hỷ lạc và không hỷ lạc
đều phải bình
đẳng. Tâm khởi và tâm không khởi
đều phải bình
đẳng. Tất cả đều phải được thấy rõ,
thấy đúng bản chất nó như thế là như
thế. Đừng nên bị lung lạc cám dỗ,
nghiêng bên này, lệch bên kia, bỏ chỗ này, tìm chỗ nọ. Quý vị trốn chạy
cái gì? Sao lại không bước thẳng trên đất này
mà lại muốn bước lên hư ảo, không tưởng, vọng niệm, vô minh, ái dục?
Quý vị đọc quyển kinh đâu
đó mà không thực hiểu, không thực thấy rồi quý vị tu, tu kịch liệt
để mong rằng tâm đừng khởi nữa, ví dụ thế,
bởi vì khởi là "thiện ác dĩ phân", bởi vì khởi là "nhất
ba tài động vạn ba tùy", phải
không? Cho nên quý vị tu, quý vị muốn đắc
định, muốn đại định cho đến khi "dạ tịnh thủy hàn ngư bất thực".
Nghĩa là đến khi cho cái tâm giá băng như
sông khuya nước lạnh, cá không ăn mồi nữa, lục căn không còn dám sớ
rớ nhìn ngó lục trần nữa, để khi ấy ta sẽ...
ta được... "mãn thuyền không tải nguyệt minh quy"!
Để được đầy thuyền chở ánh trăng mà ra
về! Phải không? Có đúng vậy không?
Nếu quý vị hiểu như vậy là sai
đấy. Tâm khởi thì cứ khởi có gì phải
sợ đâu. Nếu tôi không khởi tâm mời quý vị đến
đây hội thảo, và nếu quý vị không khởi tâm
đến đây cùng nghe pháp, thì làm sao
hôm nay chúng ta có pháp hội này?
Đôi khi, chính tâm định lại làm ngại các pháp.
Pháp là cái gì luôn luôn, lúc nào cũng đang
uyển chuyển, sinh động phong phú, mới lạ... đổi thay từng giây khắc nơi
hơi thở chúng ta, nơi thế giới quanh ta. Vậy, đúng ra là mình luôn
luôn tỉnh thức, bén nhạy để lắng nghe một
cách trọn vẹn những sự sinh động, uyển chuyển và mới lạ
đó thì mình lại bịt tai, bịt mắt lại,
trầm không trệ tịch, hoặc từ chối quay lưng với thực tại
đó, để: tôi sẽ... tôi mong... tôi phải là...
tôi phải đắc định, tôi sẽ giải thoát, tôi
phải đến Niết Bàn, v.v...
Tất cả những ước mơ, những hình ảnh, những danh từ có
vẽ tôn kính và thiêng liêng kia là cái gì vậy? Chính chúng ta
đã tự giết mình trong cái trò chơi có
vẽ nghiêm túc ghê gớm đó! Cái đó hoàn
toàn không phải là pháp của Phật. Pháp của Phật phải hội
đủ những tính chất: "thực tại hiện
tiền, hồi đầu mà thấy, thấy ngay lập
tức, không qua thời gian, phải xử sự ngay trên thực tại". Vậy pháp mà
chúng ta lăng xăng tìm kiếm kia có
phải là pháp mà Đức Thế Tôn khai thị đó
chăng? Không! Rõ ràng là không phải. Pháp
đó chỉ là sản phẩm của vọng niệm,
nghĩa là do vô minh và ái dục dựng lên.
Dẫu chúng ta có leo lên núi cao, lặn xuống biển sâu, có
tu cách gì đi nữa thì chúng ta cũng
chỉ làm nô lệ cho dục vọng, nô lệ cho bản ngã mà thôi. Trong lúc pháp, thì
chỉ cần thấy nó đúng như thực là nó.
Cả Nguyên Thủy, Tiểu Thừa, Đại Thừa, Kim Cang
Thừa, Thiền Tông đều cũng nói như vậy, mà nói rất rõ, sao chúng ta
không chịu thấy?
Phật giáo Nguyên Thủy không nói phương pháp, không có
phương pháp nào cả, tôi xin lặp lại như vậy. Chánh pháp không phải là
phương pháp. Sử dụng phương tiện đã là
tượng pháp rồi. Ở đây sẽ có người hỏi: đồng ý
Phật không nói phương pháp, Ngài chỉ thẳng, nói thẳng cái thực cho
người ta thấy mà thực hành, mà sống với cái thực, nhưng sao kinh
điển về sau, nhất là các Tổ, dường như
mỗi tông phái, mỗi giáo phái đều có phương
pháp riêng. Ví như bảo đây là
pháp phương tiện, là pháp Tiểu Thừa, là pháp
Đại Thừa v.v... và còn vô lượng pháp môn trên
đời này?
Vâng, câu hỏi đó hay lắm.
Sự thật nó thế này, các Tổ vì thấy chúng sinh nhiều bụi cát trong
mắt quá, bụi cát chính là tư kiến, tư dục, không trực tiếp thấy
được pháp, nên các Tổ bèn vận dụng,
vận dụng ẩn dụ, biểu tượng; vận dụng phương tiện, pháp môn... mà thành ra
Đại Thừa. Vậy pháp Đại Thừa chính là
pháp vận dụng. Vận dụng cho đại đa số quần
chúng để qua pháp môn, phương tiện đó mà thấy cái thực. Cái thực mà
trong thời nguyên thủy Đức Phật đã chỉ
thẳng để có thể thấy là thấy ngay. Do
đó, sau thời kỳ phương tiện, Thiền Tông lại
trở về tinh thần chỉ thẳng của thời Nguyên Thủy. Thiền Tông nói
ngay lại cái "trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật", "xúc mục
vô phi thị đạo", v.v... tức là
những cái Sanditthiko, Akāliko,
của thời Nguyên Thủy Phật giáo. Vậy ta không ngạc nhiên gì, ai mà hỏi
đạo là gì, vừa mới há miệng ra là Lâm
Tế đánh một hèo liền! Vì sao vậy? Vì
Lâm Tế muốn trả anh ta về lại với pháp. Vì sao người ta muốn hỏi thiền là
gì, vừa mới định hỏi thì Lâm Tế hét
một tiếng hét như sư tử hống, làm cho anh ta không kịp hỏi một cái gì cả.
Vì hỏi pháp chính là chạy ra khỏi pháp, là thả mồi bắt bóng rồi, là toàn
dùng lý trí để thấy cái thực!
Xin quý vị nhớ cho một
điều thế này: Niết Bàn không phải là xa. Sao cứ cong lưng chạy
đi tìm Niết Bàn làm gì vậy. Chính khi
quý vị dẹp bỏ đi tất cả những ý niệm đi tìm
Niết Bàn, ngay khi ấy, quý vị đang ở nơi Niết
Bàn.
"Thân tại hải trung hưu mích thủy
Nhật hành lãnh thượng mạc tầm sơn".
Tức là cái người đang tắm
trong biển, mà hỏi nước ở đâu rồi cứ
nổ lực đi tìm nước. Cũng vậy, người
đang đi trên đỉnh núi mà lại
hỏi núi ở đâu. Cho nên người ta nói
rằng: "bể khổ mênh mông hồi đầu là
bến". Vì sao vậy? Bởi vì người ấy chợt nhớ ra: "À, mình ở trong
nước chớ bơi đi đâu mà tìm nước cho
mệt!".
Khổ một nổi là chúng ta
đang ở trong Niết Bàn, rồi khi không khởi vô minh ái dục lên chạy
đi tìm Niết Bàn. Vì thế Niết Bàn dường
như thể càng ngày càng xa! Cho nên những người tu hành mà không thấy pháp
thì càng tu chừng nào, càng xa đạo chừng nấy.
Càng tinh tấn tu hành chừng nào càng dễ rơi vào tà
đạo, ma giáo chừng nấy. Điều đó thật là
kinh khủng. Sự thật đó là
đau lòng, phải không?
Nói như vậy thì tất cả mọi người không nên tu sao?
Đâu phải vậy? Tu chứ! Nhưng tu là phải
thấy, điều kiện tất yếu của pháp do Đức Thế
Tôn khai thị, là phải thấy, Ehipassiko - hãy hồi
đầu mà thấy - phải thấy pháp và sống
pháp, ấy mới gọi là tu. Tu là ở trong pháp, với pháp,
đặt chân đúng trên pháp, chứ không
phải là chạy ra khỏi pháp mà tu để tìm
pháp. Nhưng nếu đã không biết hồi
đầu ra làm sao
để mà thấy, lúc bấy giờ mới sử dụng
pháp môn phương tiện tức là phương pháp tu. Đành
vậy chứ biết làm sao!
Xung quanh ta, ở đâu, chân
trời nào, chúng ta cũng bắt gặp cái thảm kịch về những người học
Phật, tu Phật, học thì chạy theo kinh điển,
ngôn ngữ, văn tự, giảng nói rất hay lý luận rất giỏi, in kinh, ấn tống,
phổ biến hằng hà sa số. Họ làm gì vậy? Họ chạy ra khỏi pháp! Không
những họ bỏ gốc "chánh pháp", bỏ cành "tượng pháp" mà bỏ
luôn cả nhánh ngọn "mạt pháp" để chạy
lệch ra ngoài "tà pháp" nữa kìa! Còn những người có tu có
hành thì sao? Họ tu, họ hành dữ lắm. Họ hạ thủ công phu quyết liệt, nghiêm
túc, nghiêm trang, thu thúc, khổ hạnh ... mù mịt, không thấy pháp ra sao.
Cái thực như thế nào? Vậy thì chuyện gì xảy ra? Quý vị biết rồi
đấy. Họ càng tu chừng nào, thành tựu
chừng nào hoặc chứng đắc chừng nào,
thì cái họ thành, họ đắc, họ chứng ấy, chính
là cái ngã, là vọng tưởng của họ vậy. Họ sẽ
đau khổ. Được cũng đau khổ, không được cũng
đau khổ. Được cũng vô minh, ái dục, không được cũng vô minh, ái dục. Nó
vẫn còn nguyên!
Có một anh chàng thanh niên kia tự nhiên khởi vọng
đi tìm người yêu, một người yêu mà anh
ta luôn mơ tưởng. Tôi thử hỏi quý vị, sự thật anh ta có
đi tìm người yêu không? Xin thưa là
không phải. Anh ta chỉ đi tìm cái tình
cảm của anh ta mà thôi. Quý vị nghĩ thử mà coi có
đúng không? Anh ta chỉ đi tìm cái hình
ảnh mà anh ta mơ tưởng, chứ không phải đi tìm
người yêu! Cũng vậy, tất cả những người tu Phật, tu mà không thấy, chưa
thấy pháp, cái thực thì đều đi tìm cái
mà họ mơ mộng. Người thanh niên kia sau khi kiếm
được một cô gái cưới về làm vợ rồi
không có hạnh phúc. Tại sao vậy? Tại vì cô ấy không
đúng với hình ảnh mà anh ta từng mơ
tưởng bấy lâu. Do đó, anh ta rất đau khổ, đau
khổ là điều rất dễ hiểu. Cũng vậy, bây
giờ nếu quý vị nỗ lực tham thiền để đạt cái này, cái kia. Khi
đạt được quý vị sẽ chán cho mà xem.
Đương nhiên là vậy.
Đó là
định luật. Đó cũng là cái đau khổ
giống như anh chàng thanh niên kia, bởi cái
đạt đó không giống những gì trong
mộng. Vì sao vậy? Vì tất cả những cái ta đạt
được, ta tạo ra đều là cái hữu vi, mà tạo tác hữu vi là vô thường
khổ não.
Quý vị có nghe chữ hữu vi không? Có hai loại hữu
vi.
* Một là hữu vi chủ quan, tức là pháp nào do tư
ý tạo tác dù bằng mọi nỗ lực tu hành tinh tấn, tham thiền, nhập
định, thì
đó là pháp hữu vi cả. Pháp hữu vi có sanh thì có diệt,
đúng như câu:
"Aniccā vata sankhārā
-"Hữu vi vô thường
Uppādavaya dhammino - Tánh
luôn sanh diệt
Uppajitvā nirujjhanti -
Sanh diệt diệt rồi
Tesam vūpasamo sukho". -
Tịch tịnh an lạc".
* Hai là hữu vi khách quan, tức là các pháp do
duyên khởi một cách tự nhiên, không do tư ý, tư dục. Hữu vi
đó cũng vô thường nhưng không phải nguyên
nhân của khổ, nên mặc dù vô thường mà vẫn tịch tịnh. Mặc dù có sanh diệt (trên
hiện tượng), mà không sanh diệt (trong ý niệm). Vì vậy mà pháp
Đức Thế Tôn khai thị vốn không sanh diệt, vì
có sanh đâu mà diệt? Chúng ta sanh nó
ra thì nó mới diệt chứ, có phải thế không? Pháp, cái thực, có sanh diệt
bao giờ đâu? Bởi thế mới nói:
"Nhất thiết pháp bất sanh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền".
Nếu quý vị thấy một pháp mà
đừng để cho khởi tâm hữu vi sanh diệt, nghĩa
là cứ thấy cái pháp đó như vậy là
như vậy. Như vâïy mới là trọn vẹn tánh, tướng, thể, dụng, duyên báo chi
chi đó thì pháp
đó không sanh diệt vì thoát khỏi ý
niệm thời gian. Nhưng nếu quý vị khởi tâm hữu vi lên, nghĩa là
để cho bản ngã khởi lên, vô minh ái
dục khởi lên, thì liền có thời gian và sanh diệt khi nhìn thấy pháp ấy.
Đó là
định luật phải không? Khi quý vị nhìn cái hoa, nếu quý vị nhìn cái
hoa đó trọn vẹn như nó đang là...
đang là với sắc màu,
đang là với nắng sớm,
đang là với gió mai, v.v... thì
đóa hoa kia có sanh diệt bao giờ đâu. Nhưng
khi quý vị có vấn đề với nó, ưa hay không ưa, hái nó hay không hái, nghĩ
rằng hoa kia sẽ tàn... nghĩ rằng nó là... nó sẽ... thì ngay tức
khắc đóa hoa kia liền bị ý niệm sanh diệt xen
vào. Nhưng không phải hoa kia sanh diệt mà chính là tâm niệm, bản
ngã, ước muốn, v.v... sanh diệt. Do đó mà
Ngài Huệ Năng mới nói với mấy chú tiểu "tâm
các ngươi động chứ không phải phướn động hay
gió động đâu".
Đi gần hơn, khi quý vị đang sân thì cái sân ấy
là pháp rất thực, nó là cái thực, cái đang là
nơi quý vị. Nếu quý vị thấy đúng mức, thấy
trọn vẹn tự tánh của nó, thì chính là quý vị
đã kiến tánh, kiến tánh trong câu "kiến
tánh thành Phật" của Thiền Tông. Vì khi ấy, rõ ràng là quý vị
đã "trực chỉ nhân tâm" rồi. Trực chỉ
là như vậy, thấy tức khắc, thấy rõ ngay thực tánh của cái sân chứ không
phải kiến tánh là một cái gì huyền ảo đâu
đâu. Cũng không phải cứ ngồi tham thiền nhập định để chờ lúc nào
đó sẽ kiến tánh. Cũng không phải lục lọi ở
trong cái "đống thân tâm" này mà tìm ra viên ngọc thể tánh
trong suốt như ma ni châu, tìm cái "bản lai diện mục" trước khi "cha
mẹ" sinh ra. Coi chừng lầm to đó nghe. Viên
ma-ni châu thì đúng. Khuôn mặt xưa nay thì
đúng, nhưng mà ngồi luận thành hàng trăm
quyển sách, hàng chục bộ luận về cái diện mục ấy thì chưa chắc
đã thấy cái mặt mày nó ra làm sao.
Viên ngọc cũng là cái thực, bản lai diện mục cũng là cái thực.
Để khai thị cho chúng sinh, pháp Phật thuyết
chỉ nói về cái thực. Ai mà nói cái gì trên mây thì tôi chắc rằng
mắt họ còn quá nhiều cát bụi. Họ chưa thực thấy. Muốn thấy tánh, thấy Phật
không phải tìm đâu xa, mà thấy ngay
nơi thân, thọ, tâm, pháp này:
"Quán thân thực tướng
Quán Phật diệc nhiên".
Nhưng nói vậy vẫn còn nói lý.
Đức Phật dạy trong kinh Nguyên Thủy
một cách giản dị, trực tiếp, không văn hoa
rằng: Đi tới thì biết đi tới, đứng lại
thì biết đứng lại, đi lui thì
biết đi lui. Thậm chí "đây là
tóc, đây là móng,
đây là lông,
đây là da" v.v...
đại khái như vậy. Mà
đó chính là "quán thân thực tướng"
chứ đừng tưởng quán thân thực tướng là
cố đào bới cho ra cái thực tướng ảo
tưởng nào đó ở nơi thân.
Đi tới đi lui đều thấy rõ,
đấy là thấy thực tướng. Còn quán Phật
thì sao? Quán Phật thì cũng như vậy đó. Vì
không thấy thực tướng nơi thân, thọ, tâm, pháp nên mình mãi mãi si mê, bỏ
quên ông "Phật diệc nhiên" ấy mà lại
đi tìm ông Phật trong mộng: ông Phật của bản ngã, của ý niệm, của
vọng tưởng, của vô minh. Ấy là điều quá rõ,
phải không? Đấy là tất cả những
định nghĩa về pháp, dẫu là nói sơ sơ,
nhưng tôi nghĩ cũng đã vừa
đủ để chúng ta thấy pháp là gì, cái
thực là gì rồi. Xin quý vị lưu ý cho.
VỀ CHƠN VỌNG
Bây giờ chúng ta nói thêm về những cái
đang diễn ra trong hiện tại. Những cái thực
đang diễn ra trong hiện tại là cái gì?
Quý vị cứ nói một cái gì
đó đi! Ví dụ quý vị đang khởi lên một tâm, tức khắc quý vị bảo
đó là vọng. Còn nếu không khởi, quý vị
bảo đó là chơn. Nếu tâm không khởi là
tịnh chỉ, là định, là chơn thì tại sao
Đức Phật lại bảo có tà
định? Định cũng có chánh định, có tà
định. Vậy thì khi tâm không khởi, cũng
có tâm không khởi là chánh mà cũng có tâm không khởi là tà. Khi tâm khởi,
ví dụ như khởi tư duy thì vẫn có chánh tư duy và tà tư duy. Cho nên khởi
cũng có chơn, vọng, chánh, tà. Vậy thì sao mình cứ muốn không khởi và cố
gắng để mà không khởi? Không khởi dễ
bị rơi vào thụ động tiêu cực chứ không
phải hay đâu.
Xin quý vị nhớ cho một
điều: khởi là khởi, khởi là biết khởi, chứ
đừng "chụp mũ" cho nó là chơn
hay vọng. Nếu cái gì khởi mà quý vị cũng cho là vọng thì không
đúng, nhưng khi đang vọng mà mình thấy
rõ thực tướng của vọng, vậy là chơn. Thấy rõ vọng tức là chơn chứ ngay lúc
đó không có cái chơn nào khác.
"Vô minh thật tánh tức Phật tánh
Huyễn hóa không thân tức Pháp thân".
Hoặc là:
"Đoạn trừ phiền não
trùng tăng bịnh
Xu hướng chơn như tổng thị tà".
Mình biết cái gì là chơn như, cái gì là không chơn như
mà chạy đi tìm?
Đi tìm chơn như là
đi tìm cái vọng của mình vậy. Chính
khi mình thật sự thấy rõ vọng thì khi ấy đã
là chơn như rồi. Có đúng vậy không? Không
chơn giáo thì làm sao biết được vọng?
Và biết rõ vọng một cách trung thực thì sao lại chẳng chơn?
Cho nên, vấn đề không phải
là chơn hay vọng mà vấn đề là
mình có thấy được thực tánh hay không? Thấy
được pháp hay không? Còn bỏ vọng đi tìm
chơn là một sai lầm rất lớn. Bỏ vọng tầm chơn là con
đường tà chứ không phải con
đường chánh. Nên nhớ cho như vậy.
--- o0o ---
[ Mục
Lục ] [
1 ] [
2]
[ 3
] [
4 ] [
5
] [ 6
] [
7 ] [
8 ]
--- o0o ---
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 1-10-2004
|
|
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục