.


KIẾN THỨC
CĂN BẢN PHẬT GIÁO

TT.Thích Bảo Lạc
--- o0o ---

CHƯƠNG 3

GIỚI LUẬT

1- Ngũ-giới 
2- Tứ phần luật 
3- Bát quan trai giới 
4- Giữ giới 
5- Ưu-bà-di 
6- Ưu-bà-tắc 
7- Sa-di 
8- 10 giới sa-di 
9- Thức-xoa-ma-na 
10- Tỳ-kheo 
11- Tỳ-kheo-ni 
12- Bố-tát và Bồ-tát 
13- Người Phật-tử đã...
14- Tự tứ
15- Kiết-hạ an-cư 
16- Lục-hòa 
17- Bất tác bất thực 
18- Tam sư thất chứng 
19- Yết-ma 
20- Thế-phát 
21- Xuất-gia 
22- Thế-độ 
23- Pháp-hiệu 
24- Pháp-danh 
25- Pháp-sư 
26- Pháp-tự 
27- Tam-đề 
28- Ngũ-quán 
29- Tam tụ tịnh giới 
30- Bồ-tát giới 
31- 250 giới 
32- Giới cụ-túc 
33- Sám-hối 
34- Hồi-tâm 
35- Vu-Lan 
36- Bỉ ngạn 
37- Tam-Bảo 
38- Giới như con thuyền 
39- Nhàn cư vi bất thiện 
40- Bồ-tát sợ gây nhân 
 

 

1.- Hình Tướng Của Ngũ Giới Và Ai Có Thể Thọ Trì Được ?  (^)

Ngũ giới là năm giới hay năm điều răn cấm căn bản mà người Phật tử khi đã quy y Tam-Bảo đều phải giữ gìn. 

Trong năm giới có chia ra làm 2 phần là trọng và khinh như các tội sát sanh, trộm cắp, tà dâm thuộc về trọng và nói dối, uống rượu thuộc về tội nhẹ hơn có thể sửa đổi được. Về hình tướng của năm giới có thể nói một cách cụ thể hơn như sau : 

- Giới thứ nhất : Không sát sanh, tất cả mọi sanh vật dù lớn hay bé đều không được giết hại. Vì tôn trọng sự sống của mọi loài, cho nên trong ý nghĩ sát sanh có phân ra làm 2 trường hợp khác nhau : cố ý sát, vui theo hay đồng lõa khi thấy sinh vật bị giết đều phạm tội cả. 

- Giới thứ hai : Không được trộm cắp, vật sở hữu của kẻ khác chính là mồ hôi nước mắt của họ mới tạo ra được. Từ những vật lớn cho đến một cây kim, sợi chỉ, nếu không được sự đồng ý của chủ nhân thì không được lấy hay tìm cách chiếm đoạt dưới mọi hình thức thuộc về tội trộm cắp cả. Chẳng hạn như lén khi người ta không hay biết mà lấy vật gọi là đánh cắp, dùng hình thức thô bạo đánh đập hay xử dụng súng đạn để uy hiếp của gọi là đánh cướp, rình rập chờ lúc người ta ngủ hoặc sơ ý để tìm cách lấy đồ gọi là ăn trộm. Những cách dùng mánh khóe tráo trở đồ xấu để lấy vật tốt hoặc cân non, đo thiếu v.v... cũng đều thuộc về hành động gian manh trộm cắp cả. Ngay cả việc đi làm trễ giờ, lên xe, tàu không mua vé, khai gian tên họ lãnh trợ cấp, sai hẹn cũng là một hình thức trộm cắp. 

- Giới thứ ba : Không tà dâm, đối với người Phật tử tại gia, khi đến tuổi trưởng thành được tự do lập gia đình. Ngoài vợ chồng chính thức ra không được lang chạ tình ý với người khác. Bởi vì, người có hành động như thế là làm hư hại hạnh phúc gia đình và còn gây ra cho người khác sự khổ đau, ân hận, nên người Phật tử cần phải tránh việc tà dâm. 

- Giới thứ tư : Không được nói dối, việc nói dối có 4 hình thức khác nhau : 

a) Nói lưỡi đòn xóc nhọn hai đầu để làm cho cả đôi bên có sự nghi ngờ, hiềm khích lẫn nhau. 

b) Nói thêm bớt như chuyện có nói không, chuyện không nói có hay cố bôi son trét phấn cho việc nhỏ trở thành chuyện lớn. 

c) Lời nói độc ác hung hăng như chưởi rủa, mắng nhiếc, trù ẻo, hăm dọa ... 

d) Nói lời hoa mỹ trau chuốt cốt để làm mê hoặc lòng người. Tất cả các hình thức trên đây đều thuộc về loại nói dối cả. 

Người nói dối không bao giờ được người khác tin tưởng để có thể giao phó cho bất cứ một công việc gì. 

- Giới thứ năm : Không được uống rượu, rượu có chất men dễ làm say người. Khi uống nhiều ta đâm ra mất thăng bằng, có thể mù quáng gây ra nhiều tội lỗi. Ví dụ : Người say lái xe dễ gây ra tai nạn. Người say ưa đập đồ đạc trong nhà và hay gây gỗ, ấu đả với người chung quanh. Vì thế, người thực hành Phật giáo muốn cho tâm được thanh tịnh nên Phật cấm uống rượu. 

Tuy nhiên, có trường hợp được dùng tới rượu và coi đó như là một thứ thuốc hay trong lúc mắc bịnh, y sĩ bảo cần có rượu để pha với thuốc uống thì được tạm dùng, nhưng trước khi uống phải cho chư Tăng biết thì không phạm. Đến khi bịnh lành phải chấm dứt ngay việc uống rượu. 

Người Phật tử giữ được năm giới của Phật cấm một cách trọn vẹn sẽ tạo được hạnh phúc cho chính mình và đem lại được niềm an lạc cho mọi người. 

2.- Thế Nào Gọi Là Luật Tứ Phần ? Đó Là Những Phần Gì ?  (^)

Luật Tứ Phần là bộ luật trong đó thuyết minh 4 phần về giới tướng của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Đây là phần giải thích rõ các tội phạm khinh trọng của đoàn thể xuất gia lấy giới luật làm khuôn thước trong việc tu hành. 

Bộ Luật Tứ Phần rút ra từ bộ luật tạng "Đàm Vô Đức" và do ngài Sa-môn Thích-Hoằng-Tán, đời Minh (thế kỷ 14) dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán. Luật Tứ Phần chia ra làm 4 mục như sau : 

Phần đầu : Giới luật của thầy Tỳ-kheo. 

Phần hai : Giới luật của Tỳ-kheo-ni và cách thức thọ giới, cách nói giới. 

Phần ba : Bàn rõ về điều kiện an-cư và phép tự-tứ. 

Phần bốn : Nghị định cách tổ chức, tạo lập phòng xá cho Tăng chúng trong Tự Viện. 

Luật Tứ Phần chỉ dành riêng cho giới xuất gia thực hành nên ít có vị cư sĩ tại gia nào biết tới. Nhưng giả sử có đọc qua Luật nầy, người không chuyên cũng không biết cách hành trì và Thể - Tánh - Dụng của phần giới tướng ra sao. Trong thời gian gần đây có một số ít vị cư sĩ hằng lưu tâm tới nền Phật giáo trong tính cách muốn tìm hiểu để nghiên cứu cũng tìm đọc tới Luật Tứ Phần đã được dịch sang tiếng Việt, và còn một số quý vị khác không phải để nghiên cứu cũng đọc qua Luật Tứ Phần vì muốn thỏa mãn tính tò mò. Việc nầy không có gì phương hại cả nhưng không cần thiết vì nó vượt ngoài phạm vi và cách thức thọ trì của những người tu học Phật còn vướng bận nhiều việc gia đình. 

Điều cần và thực tế nhất là chúng ta làm thế nào đọc và nhớ cho được Luật Tứ Phần gồm những gì và để cho ai thọ lãnh. Nghĩ và làm được như thế là tỏ ra xứng đáng người Phật tử chân chánh đang thực hành Phật giáo dù bất cứ là người xuất gia hay tại gia. 

Tóm lại, giới Luật Phật chế không phải chỉ có Luật Tứ Phần nhưng đây là bộ Luật tiêu biểu cho giới xuất gia nên được xem là phần cốt cán trong tạng Luật Phật giáo. 

3.- Bát Quan Trai Được Áp Dụng Lúc Nào ?  (^)

Bát-Quan-Trai giới là 8 giới cấm của người Phật tử giữ gìn trong vòng 24 giờ, tức là 1 ngày 1 đêm ở tại chùa để tập sống theo đời sống của người xuất gia. 

Tại sao gọi là Bát-Quan-Trai ? 

Bát là tám, quan là cửa ngỏ, trai là ăn chay, tức là ngoài việc giữ 8 giới ra người phát nguyện tu hành còn phải ăn chay trong suốt thời gian 24 giờ tại chùa.  Tám giới gồm có : 

1/- Không sát sanh. 2/- Không trộm cắp. 3/- Không dâm dục. 4/- Không nói dối. 5/- Không uống rượu. 6/- Không dùng hương phấn và dầu thơm. 7/- Không nằm giường cao tốt rộng lớn, vì sợ móng tâm buông lung bậy bạ. 8/- Không ăn uống trái giờ giấc.

Tám giới hay tám cửa ngỏ nầy giúp ta khép chặc hay đóng cửa phiền não không xen tạp vào tâm trí cho lòng được thanh tịnh, an ổn. Khóa tu ngắn hạn nầy thường được tổ chức vào ngày rằm và mồng một trong tháng. Tuy nhiên, việc nầy cũng còn tùy thuộc vào thì giờ và cách sắp xếp của mỗi chùa để cho phù hợp với mỗi người. Vì người Phật tử muốn đạt đến giải thoát cần phải thực hành cách tu tập của người xuất gia, mà phương pháp tu Bát-Quan-Trai rất dễ thực hành và có nhiều lợi ích thiết thực. Ngoài ra, Bát-Quan-Trai giới cũng được xem như là gạch nối giữa đời sống của người xuất gia với đời sống của người cư sĩ tại gia. 

Sự ảnh hưởng của pháp tu nầy là mang lại cho người thực hành có được tâm thức vắng lặng, an vui. Những tạp niệm như cải cọ, nói năng thô tháo đều được dẹp bỏ. 

Từ chỗ bắt đầu tu một ngày đêm trong tám pháp trai giới nầy làm nhân cho việc giải thoát ở kiếp sau vậy. 

4.- Tại Sao Phật Tử Phải Giữ Giới Cho Mất Tự Do ?  (^)

Giới cấm của người Phật tử tại gia chỉ có 5 điều. Đây là 5 cấp bậc làm nền tảng cho bậc thang của các quả Thánh ở sau nầy. 

Người Phật tử không phân biệt tại gia hay xuất gia, khi đã thọ giới cần phải giữ giới, nhất là những điều cấm tự mình đã phát nguyện trước thầy tổ và trước ngôi Tam-Bảo lúc quy y. 

Năm giới của người Phật tử tại gia là : Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Người nào giữ trọn vẹn được cả 5 giới như thế gọi là toàn phần, người chỉ giữ được 3 giới trong số 5 giới gọi là bán phần. Khi nào lở phạm giới cần phải tự sám hối để chừa bỏ lỗi lầm và phát nguyện sửa đổi. Người tu hành chân chính là kẻ biết nghiêm chính giữ gìn giới luật không trái phạm. 

Sa-di có 10 giới, Tỳ-kheo có 250 giới, Tỳ-kheo-ni có 348 giới. 

Giới như dây cương ràng buộc con ngựa không đi sai đường, người tu hành cũng nhờ giữ giới mà phát sanh trí tuệ. Giữ giới để tạo một đời sống quân bình và xây dựng xã hội loài người thêm vững mạnh và an lạc. 

Người Phật tử biết giữ giới đúng đắn sẽ có ảnh hưởng tốt đến gia đình, đoàn thể, tôn giáo và rộng hơn nữa, tạo cho thế giới hòa bình và trật tự. 

5.- Ưu Bà Di Dùng Chỉ Cho Ai ?  (^)

Người Phật tử tu tại gia có hai phái : Nam và nữ. Người nữ hay nữ giới Phật tử gọi là cận-sự-nữ, tức là người đàn bà thân cận với Phật Pháp.  Nói một cách khác là tín-nữ hay Ưu-bà-di. 

Ưu-bà-di tiếng Phạn là Upasika có nghĩa là người nữ gần gũi để thực hành và hộ trì Phật giáo. Nhưng trong trường hợp chỉ mới tin hoặc có cảm tình với Phật giáo mà chưa quy y Tam-Bảo, người đó chưa gọi được là Ưu-bà-di. Như vậy, Ưu-bà-di chính là người biết áp dụng Phật giáo vào đời sống hằng ngày từ hành động, lời nói và ý nghĩ đều thấm nhuần tính chất từ bi của đạo Phật. Ưu-bà-di còn có nghĩa là người nữ ưu tú trong hàng ngũ Phật tử, vì họ đã dày công với đạo như góp phần vào việc tu tạo chùa chiền, phát tâm làm việc tu phước, cũng như tham gia vào các hội từ thiện khác, giúp đỡ kẻ nghèo và ra tay làm việc nghĩa để an ủi tha nhân, không từ nan bất cứ một công việc Phật sự nào, miễn có lợi cho người khác thì sẵn sàng xả thân thực hiện ngay. 

Riêng đối với giới luật, người Phật tử Ưu-bà-di cũng chỉ giữ năm giới căn bản của người tín đồ tại gia như nam giới, tức Ưu-bà-tắc mà thôi. Tuy nhiên, về tuổi tác, những em bé nữ Phật tử chưa gọi được là Ưu-bà-di, vì ở vào lớp tuổi còn nhỏ, các em chưa làm được việc gì lợi ích thiết thực cho đạo và đời. 

Người Phật tử Ưu-bà-di còn biết phát nguyện tụng kinh, ăn chay, niệm Phật để thể hiện được tâm từ bi. Có nhiều trường hợp và tùy theo hoàn cảnh mà phát tâm tu niệm, nếu gia đình thuận tiện, người nữ Phật tử nên dành nhiều thì giờ vào việc tụng kinh, niệm Phật. Vì mỗi tâm niệm thiện của chúng ta có thể đem lại lợi ích cho mọi người chung quanh và có khi còn cứu sống được cả các giống sinh vật khác nữa. 

Người nữ vì nặng nghiệp hơn người nam, nên ở trong đời phải chịu nhiều điều khổ cực hơn, ngay trong gia đình là một ví dụ dễ hiểu hơn cả. 

Người nữ Phật tử đã quy y nên cố gắng thực hành Phật giáo và cũng để xứng đáng là Phật tử chân chánh. 

6.- Ưu Bà Tắc Là Gì Và Chỉ Cho Ai ?  (^)

Trong giới luật của Phật giáo có chia làm hai phần : Giới luật của người xuất gia và giới luật của người Phật tử tại gia. 

Kinh Ưu-bà-tắc giới còn phân biệt : Người nữ Phật tử đã thọ 5 giới và quy y Tam-Bảo gọi là Ưu-bà-di, còn người nam gọi là Ưu-bà-tắc. Ưu-bà-tắc là người Phật tử phái nam hay còn gọi là thiện-nam-tử, tức chỉ cho người trai lành gần gũi Phật Pháp để tu học theo các pháp lành. Cũng theo kinh Ưu-bà-tắc giới thì người tu tại gia còn chia ra làm ba hạng, tùy theo cách giữ giới ít hay nhiều mà thành như : 

- Thiểu phần Ưu-bà-tắc, để chỉ cho người nam Phật tử nào chỉ có khả năng lãnh thọ và thực hành 1 hay 2 trong 5 giới. 

- Đa phần Ưu-bà-tắc là những người giữ từ ba giới trở lên. 

- Toàn phần Ưu-bà-tắc : Người vâng giữ được trọn vẹn cả 5 giới. 

Tùy theo lời phát nguyện lúc quy y để giữ giới, theo đó mà người thực hành Phật giáo được phân chia ra như trên. Nếu một Phật tử biết lễ lạy cúng Phật, và thường hay đi chùa, nhưng chưa quy y thì chưa gọi được là Ưu-bà-tắc hay Ưu-bà-di. Chữ Ưu-bà-tắc lấy từ tiếng Phạn ra là Upasak, để chỉ cho người phái nam có sức khỏe, gọn gàng, gánh vác được công việc Phật Pháp. 

Người Phật tử tại gia biết giự gìn giới luật không những có lợi cho mình mà còn tăng phần hữu ích cho mọi người chung quanh nữa. 

7.- Sa Di Có Mấy Hạng Và Điều Kiện Ra Sao ?  (^)

Bước đầu tiên của người xuất gia là làm Sa-di hay gọi theo danh từ thông thường tức chú tiểu hoặc điệu. Thật ra, điệu hay chú tiểu để chỉ cho các em bé mới xuất gia đầu còn để chỏm tóc ở phía trước ; còn Sa-di phải tiến xa hơn lên một bậc. 

Sa-di dịch là "tức từ" nghĩa là ngưng ác làm lành hay "cần sách" là siêng năng tinh tiến hoặc còn một nghĩa nữa là "cầu tịch" tức tìm tới đời sống an tịnh. Tuổi thích hợp cho Sa-di là từ 14 đến 19 tuổi. Những vị lớn tuổi mới xuất gia cũng phải trải qua thời kỳ làm Sa-di. 

Sa-di có 4 nghĩa : 

- Sa-di đuổi quạ (khu-ô Sa-di) : Các em bé dưới 14 tuổi tập sự sống theo quy tắc của chùa và tuổi còn quá nhỏ nên chưa làm được việc gì khác ngoài đuổi quạ để chúng đừng làm náo động các khu vực chư tăng đang tọa thiền. 

- Sa-di danh-tự (danh-tự Sa-di) : Những người đã quá 20 tuổi mà không có đủ điều kiện thọ giới Tỳ-kheo. 

- Sa-di hình-đồng : Người có tướng mạo và cốt các trông giống như Sa-di, nhưng không đủ tư cách thọ lãnh giới pháp như bị căn tật, cơ thể không tròn đủ v.v... 

- Sa-di hợp-pháp (ứng-pháp Sa-di) : Người tuổi từ 14 đến 19 và tỏ ra cố gắng trong việc tu học và có tác phong đạo đức. 

Sa-di chưa phải lãnh một công việc nào nặng nhọc trong chùa cả, ngoài việc tu học và công phu bái sám ra, chỉ cần tập theo lối tham thiền của các vị Đại-Đức Tỳ-kheo lớn tuổi. Về sinh hoạt, Sa-di phải đảm đương việc cơm nước, bếp núc, chợ búa, củi than ... (nếu chùa không có người giúp việc) và hầu thầy để giúp đỡ các vị Tỳ-kheo đang bận tâm vào việc tọa thiền hay nghiên cứu. Sa-di chỉ cần giữ 10 giới luật, trong khi vị Tỳ-kheo phải thọ 250 giới. Sa-di phải chứng tỏ khả năng đầy đủ mới theo giới Tỳ-kheo được. Tuổi sớm nhất và hợp lý để thọ giới Tỳ-kheo là 20 tuổi, có những chú tiểu ở chùa từ nhỏ và có khả năng nhưng tuổi còn nhỏ, cũng không được phép thọ giới Tỳ-kheo. 

Sa-di là thời kỳ dễ thực hành và đẹp nhất trong đời tu học của một người xuất gia học Phật. 

8.- 10 Giới Của Sa Di Có Hình Tướng Ra Sao ?  (^)

Giới luật của Sa-di có 10 điều và chính những phần căn bản nầy làm thềm thang tiến lên giới Tỳ-kheo trong tương lai. Mười giới Sa-di là : 

1- Không sát sanh 

2- Không trộm cắp 

3- Không dâm dục 

4- Không nói dối, thêu dệt, lưỡi hai chiều và không chưởi mắng. 

5- Không uống rượu 

6- Không được dùng nước hoa và những cách trang điểm lòe loẹt khác 

7- Không được nằm giường nệm cao sang, vì sự đắm tâm ưa thích 

8- Không được khiêu vũ, hát xướng 

9- Không được xử dụng vàng bạc phi pháp 

10- Không được ăn ngoài giờ ăn (ăn uống không độ lượng sái giờ giấc) 

Về giới thứ 5 có thể không phạm, trong trường hợp bịnh nặng, y sĩ bảo cần phải dùng rượu hòa với thuốc để trị lành bệnh thì được tạm dùng, nhưng trước khi uống rượu phải thưa hỏi và cho chư Tăng biết rồi mới được dùng. 

Giới không ăn phi thời thứ 10, có nghĩa là ngoài bửa ăn chính thức ra, không được phép ăn lặt vặt. Chư Tăng ăn đúng giờ ngọ buổi trưa, còn bửa ăn chiều chỉ phụ thôi, vì buổi tối là giờ ăn của loài ngạ quỉ, buổi sáng giờ ăn của các cõi trời ; chánh ngọ : Giờ ăn của chư Phật. Người tu học Phật, ngoài giờ ăn chính ra cần phải giữ cho hoàn toàn được thanh tịnh. Loài quỷ đói một khi nghe tiếng khua động chén bát bèn nổi lên lòng thèm khát muốn ăn không tốt, do đó người giữ giới phải nghiêm chỉnh không cho trái phạm điều nầy. 

10 giới Sa-di là bậc thang đầu tiên bước lên giới Tỳ-kheo. Sa-di không thực hành đúng và đầy đủ phần giới tướng thì khó có thể tiến xa lên được trên đường tu tập để hoàn thiện tác phong đạo đức của người tăng sĩ xuất gia. Người nữ thọ 10 giới trên gọi là Sa-di-ni. 

Giới luật có tinh chuyên thì trí tuệ, đạo nghiệp mới phát triển được.  Người tu hành không thể nào lơ là trong khi giữ giới luật. 

9.- Thức Xoa Ma Na Là Gì, Và Cách Phân Biệt Ra Sao ?  (^)

Những người nữ tu sĩ Phật giáo khi đến tuổi 18 dù đã thọ giới Sa- di-ni hay chưa cũng phải thọ giới Thức-xoa-ma-na trong 2 năm trước khi được thọ giới Tỳ-kheo-ni. 

Giới Thức-xoa-ma-na là những giới điều cơ bản chuẩn bị cho giới Tỳ-kheo-ni và gồm có 6 giới khinh, trọng như sau : 

1- Không dâm dục 

2- Không trộm cướp 

3- Không sát sanh 

4- Không nói dối 

5- Không uống rượu 

6- Không ăn ngoài giờ ăn (giờ ăn chính thức của người tu sĩ vào đúng giờ ngọ buổi trưa, ngoài ra không nên ăn uống một cách tạp nhạp). 

Sáu giới Thức-xoa-ma-na đều có trong 10 giới của Sa-di-ni, tại sao có sự trùng lặp giới luật như thế ? Theo Luật-tông, đây không phải đã bỏ bớt 4 giới để chỉ còn 6 giới cho nhẹ bớt phần hành trì mà trong thời gian thọ giới Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni tập giữ giới luật của Tỳ-kheo-ni. Sự giữ giới Thức-xoa-ma-na kéo dài trong thời gian 2 năm. Nhưng ai chưa thọ giới Sa-di-ni mà đã đến tuổi 18 cũng có quyền xin thọ giới Thức-xoa-ma-na và sau thời gian hành trì đủ 2 năm cũng đủ tư cách để thọ giới Tỳ-kheo-ni vậy. Ngoài ra, những thiếu phụ trước kia đã lập gia đình hay sống độc thân (đã ly hôn hay chồng chết), nếu muốn thọ giới Thức-xoa-ma-na phải đợi 10 năm sau ngày ly hôn hay ngày chồng chết mới thọ được giới pháp của người nữ tu. (*) 

Nữ giới có phần nghiệp chướng nặng nề hơn, cho nên người nào tìm tới ánh sáng của đạo và ly khai gia đình để học hạnh của người xuất gia là đã làm một cuộc cách mạng lớn trong đời sống. Người đàn bà đầu tiên xuất gia thọ Sa-di giới trong Phật giáo khi đức Phật còn tại thế là bà Da-Du-Đà-La. 

(*) Theo Việt-Nam Phật-Giáo Sử Luận của Nguyễn-Lang, nhà xuất bản Lá Bối in tại Paris năm 1978. 

10.- Tỳ Kheo Là Tiếng Dùng Để Chỉ Cho Ai ?  (^)

Người tăng sĩ xuất gia tu theo Phật giáo đã thọ đủ 250 giới (giới cụ túc) chia ra hai giới là Tỳ-kheo-tăng và Tỳ-kheo-ni. 

Tỳ-kheo có nghĩa là khất sĩ. Khất là cầu xin, sĩ là người : Như vậy thầy Tỳ-kheo cầu xin những gì ? Thầy Tỳ-kheo về mặt nội tâm lo tu đức thanh nhã, còn mặt ngoài xa lìa những nhận lãnh và hưởng thọ vật chất một cách quá đáng, ngược lại phải làm việc lành lợi ích cho mọi người, mọi vật cốt để giúp mình thành tựu được đạo nghiệp và giữ tròn hạnh nguyện của người xuất gia. Khất còn có nghĩa là trừ đói khát, tức có ý nói người xuất gia giữ tròn giới hạnh làm ruộng phước mà nơi đó có thể sanh ra vật lành để người đời đặt trọn tin tưởng vào nơi thầy Tỳ-kheo quy y và cúng dường mong gieo trồng phước đức. Ví dụ : ruộng có bón phân tạo cho đất mầu mới sanh ra được lúa tốt nhờ đó trừ được nạn đói thiếu cho người gieo mạ, cấy lúa. 

Tỳ-kheo có 8 hạng như dưới đây : 

1- Danh-tự Tỳ-kheo (hình tướng giống vị Tỳ-kheo nhưng không thọ 250 giới) 

2- Tương-tợ Tỳ-kheo 

3- Tự-xưng Tỳ-kheo : Mạo danh nghĩa cốt để người đời cung kính. 

4- Thiện-lai Tỳ-kheo : Người tốt gần gủi Phật Pháp giữ giới tu hành. 

5- Khất-cầu Tỳ-kheo : Trên cầu Phật Pháp, dưới xin cơm ăn để làm việc đạo. 

6- Cát-tuyệt-y Tỳ-kheo : Dứt đường tình ái, phát túc siêu phương, khác người đời. 

7- Phá-kiết-sử Tỳ-kheo : Đoạn diệt phiền não, nghiệp chướng ràng buộc. 

8- Thọ-đại-giới bạch 4 lần Yết-ma như pháp thành tựu đắc xứ sở Tỳ-kheo. 

Như trên, cho có 5 hạng Tỳ-kheo đúng nghĩa theo như hạnh nguyện người tăng sĩ, còn hạng 1, 2, 3 là những trường hợp không được giới luật thừa nhận và họ là phần tử giả trang thiền tướng để cầu được tiếng khen. 

Tỳ-kheo đúng nghĩa là Bhikhu, chỉ cho người hành trì và truyền bá giáo pháp nhiệu mầu của chư Phật, chư Tổ cho chúng sanh được thấm nhuần lợi lạc. Thầy Tỳ-kheo khi thọ giới cụ túc thường thọ luôn giới Bồ-Tát. Vì giới Tỳ-kheo rất nghiêm khắc nên người giữ giới không thể ra tay cứu độ người bị nạn khác phái trong lúc khẩn cấp. Trong khi đó, giới Bồ-Tát khai mở cho để người thọ trì có thể rộng đường thực hành Bồ-Tát hạnh một cách trọn vẹn và cởi mở mà không sợ phạm giới. 

Thầy Tỳ-kheo vừa làm hạnh Bồ-Tát như thế là tự bảo toàn được thanh đức cho mình và làm lợi cho người. 

Phụ : Vị Tỳ-kheo có 4 chỗ nương tựa tu hành : 

- Nương tựa vào 3 pháp y 

- Nương tựa vào chiếc bình bát 

- Nương tựa tự viện hay gốc cây 

- Nương tựa tăng đoàn hay tăng thân 

Và theo bốn phép xử sự như sau : 

- Bị người đánh không đánh lại 

- Bị mắng không mắng lại 

- Bị sỉ nhục không sỉ nhục lại 

- Bị giết không giết lại. 

11.- Tỳ Kheo Ni Có Những Điều Cấm Giới Nào ?  (^)

Khác với tăng sĩ ở cách thọ giới và hình thức của giới Tỳ-kheo-ni cũng nhiều hơn. 

Trước khi muốn thọ giới Tỳ-kheo-ni, Ni chúng phải thọ giới Thức-xoa- ma-na trước đó 2 năm mới hợp cách. 

Về phần giới tướng của Tỳ-kheo-ni cũng có phần khác biệt với bên tăng. Như những giới trọng của thầy Tỳ-kheo là không sát sanh, trộm đạo, không dâm dục ... còn giới trọng của Tỳ-kheo-ni là không dâm dục, không trộm cắp, không sát sanh ... Về lượng số, giới của Tỳ-kheo-ni gồm 348 giới, trong khi đó Tỳ-kheo chỉ giữ 250 giới. 

Ngoài ra, khi đã cầu thầy bên Ni chúng truyền Tỳ-kheo-ni giới cho rồi, Giới-Tử nội trong ngày ấy, chớ không được để qua đêm, phải đến nhờ Tăng truyền trao giới tướng cho mới gọi được là thọ giới Tỳ-kheo-ni đúng pháp. 

Khi xin thọ giới tướng với Tỳ-kheo-tăng, Giới-tử phải báo trước cho bên Tăng biết. Thầy truyền Tỳ-kheo-ni giới phải báo cho Giới-tử lễ lạy sám hối trước một tháng hoặc 2 tuần để cho 3 nghiệp thân, miệng, ý được thanh tịnh. 

Những thiếu phụ lớn tuổi mới xuất gia, dù đã quá tuổi qui định cho việc thọ giới (20 tuổi), Tỳ-kheo-ni cũng vẫn phải theo tập sự từ bước đầu trong việc tu hành. Sau đó một thời gian chịu sự huấn luyện ở trong tự viện, người ấy đủ lý giải được Phật Pháp, thầy Bổn-Sư mới cho thọ giới. 

Ni-cô đã thọ giới Tỳ-kheo-ni một thời gian có đủ tư cách mở giới đàn truyền giới, thu nhận đệ tử và phát triển đạo theo khả năng. 

12.- Bố Tát Và Bồ Tát Khác Hay Giống Nhau ?  (^)

Bố-Tát là tập họp tăng chúng lại một nơi như điện Phật hay giảng đường để đọc tụng giới luật mỗi tháng hai lần vào ngày rằm và mồng một và chỉ ra những điều lầm lỗi để sửa đổi. 

Bố-Tát theo định nghĩa như trên, ta không nên lầm lẫn với Bồ-Tát được. Bồ-Tát là quả vị tu chứng của hàng Đại-thừa, là những bậc căn trí thông đạt không còn câu chấp vào sự tướng. 

Nơi nào chư Tăng, Ni cùng nhau lo tu học, thường lệ mỗi tháng sau khi sám hối xong, vào ngày hôm sau, tất cả tăng chúng nhóm họp lại và đề cử người đọc lại giới luật Phật dạy. 

Việc sám hối vào tối 14 và tối 30 hay 29 (nếu tháng thiếu) thì lễ Bố-Tát vào sáng ngày mùng một và ngày rằm. Khi làm lễ Bố-Tát, các thầy Tỳ-kheo đọc từng giới Tỳ-kheo. Trong khi đó, Sa-di chỉ được phép nghe tụng 10 giới và 24 oai nghi của Sa-di mà thôi. Sa-di không được phép nghe các thầy Tỳ-kheo tụng giới, cũng như các chú tiểu không được dự vào lễ Bố-Tát của các thầy Sa-di. 

Khi vào chánh điện lễ Phật xong, thầy Yết-Ma đọc phần giới tướng căn bản cho Sa-di. Sau đó, chúng Sa-di phải lui ra khỏi chánh điện để về lại hậu Tổ tụng lại một lần nữa giới của Sa-di. Trong khi đó, các thầy Tỳ-kheo tự kiểm và chỉ lỗi cho nhau, nếu được thầy Tỳ-kheo khác thấy lỗi lầm bèn chỉ cho người phạm lỗi phát nguyện sám hối trước ngôi Tam-Bảo. 

Lễ Bố-Tát là một hình thức hết sức dân chủ và có ý nghĩa rất sâu xa, nhưng không rõ do ai sáng kiến sắp đặt ra lễ nầy. Có lẽ sau khi đức Phật nhập diệt, các hàng đệ tử của Ngài muốn duy trì giới luật trong việc tu hành nên nghĩ ra cách tụng giới nầy. Mặt khác, các vị Tổ sư như ngài Quy-Sơn (người làm ra Văn Cảnh-Sách gồm 24 thiên oai nghi cho thầy Sa-di trong mỗi động tác như việc đi, đứng, nằm, ngồi phải giữ cho đúng phép của người xuất gia). Tổ Bách-Trượng (Trung-Hoa) đặt ra quy tắc bất tác, bất thực (không làm việc thì không ăn uống) để duy trì quy luật Thiền môn cho được chặc chẽ, hẳn là những nhà luật sư mô phạm trong Phật giáo ! 

Tóm lại, Bố-Tát chỉ thành tựu được khi có từ 4 vị Tăng trở lên mới đủ tư cách của một đoàn thể tăng hòa hợp. 

13.- Nngười Phật Tử Tại Gia Đã Có Pháp Danh, Khi Xuất Gia Thọ Giới Có Cần Thay Đổi Gì Không ?  (^)

Người Phật tử đã thọ 5 giới và quy y Tam-Bảo đều có pháp danh. Một trong những nghi vấn cần được giải đáp là khi đã có pháp danh rồi mới vào chùa tu, lúc thọ giới xuất gia có cần lấy thêm pháp danh nữa không ? 

Có hai trường hợp như sau : 

- Người xuất gia chọn cùng một thầy với lúc chưa đi tu, thì pháp danh có thể giữ nguyên như trước. 

- Lúc xuất gia và khi còn tại gia có hai thầy khác nhau, trong trường hợp nầy pháp danh phải thay đổi. Vì người xuất gia chỉ lấy pháp danh sau khi đã thọ giới Sa-di. Chữ đầu của pháp danh được dùng chung cho cả Phật tử tại gia và xuất gia, căn cứ theo bài kệ truyền pháp của Tổ lưu truyền lại. 

Ví dụ : Dòng kệ pháp Lâm-Tế do ngài Minh-Hải truyền như sau : 

Minh thiệt pháp toàn chương, 

Ấn chơn như thi đồng, 

Chúc thánh thọ thiên cữu, 

Kỳ quốc tô địa trường ... 

Thầy Bổn-Sư có pháp danh là Minh-Tánh thì cho pháp danh xuống đệ tử là Thiệt Diệu, Thiệt Hòa ... Thầy mang pháp danh là Đồng Chơn, người đệ tử phải có pháp danh mang chữ Chúc như Chúc Hải, Chúc Quang. 

Pháp danh, vì thế phải chọn đúng dòng kệ truyền pháp, cũng như ở đời phải có tên do cha mẹ đặt từ lúc còn nhỏ. Nhưng cái tên đạo rất quan trọng, vì nó đánh dấu giai đoạn mới trong đời sống tinh thần. Kể từ lúc cạo tóc xuất gia, cái tên do cha mẹ đặt ít khi được dùng tới nữa. 

Pháp danh ghi dấu một gian đoạn như một kỷ niệm trong đời tu học lúc còn sơ cơ, cho nên có người giữ nó như một bảo vật trong đời sống tại tự viện. 

14  Tự Tứ Là Gì ?  (^)

Sau ba tháng Kiết-hạ An-cư (từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy) của chư Tăng đã mãn, trong lễ mãn hạ nầy gọi là lễ Tự-tứ, tức lễ nhận tội và chỉ lỗi cho nhau khi hai vị Tăng đối diện làm lễ, vào ngày rằm tháng 7 âm lịch. 

Tự-tứ có nghĩa là thỉnh cầu một vị Tăng khác chỉ cho mình biết những khuyết điểm đã lỡ trái phạm trong việc giữ gìn giới luật suốt trong thời gian ba tháng Kiết-hạ để mình biết lỗi mà sám hối. Trong lễ Tự-tứ, chư Tăng theo như pháp Yết-Ma, đề cử ra 2 vị gọi là nhận lãnh Tự-tứ (thọ Tự-tứ). Hai vị nầy ra trước chánh điện và chư Tăng để lạy nhau rồi quỳ xuống đối diện nhau, một vị làm phép Tự-tứ trước bằng cách nói với người kia : 

Bạch Đại-Đức, hôm nay là ngày chư Tăng Tự-tứ, tôi là Tỳ-kheo ... cũng xin Tự-tứ với Đại-Đức, nếu Đại-Đức thấy hoặc nghe hay nghi tôi có những khuyết điểm lỗi lầm nào về giới luật thì xin thương xót chỉ bảo cho tôi. Nếu tôi nhận được lỗi lầm, tôi sẽ theo đúng như pháp mà sám hối (đọc ba lần). 

Nếu thấy vị kia không có khuyết điểm nào, vị Tăng đóng vai Tự-tứ đối diện đáp : 

Rất tốt (thiện). 

Vị Tăng tự tứ liền đáp : 

Cám ơn Đại-Đức (nhĩ). 

Và lạy xuống một lạy. 

Lạy xong thì quỳ lên để đóng vai nhận lãnh Tự-tứ cho vị kia làm lễ Tự-tứ. Khi hai người đã Tự-tứ xong, đại chúng chia ra làm hai toán. Mỗi vị nhận lãnh Tự-tứ đi về phía một toán, các vị Tăng trong toán bắt đầu thay phiên nhau tới quỳ trước vị nhận lãnh Tự-tứ. Vị nầy thấy vị kia tới quỳ trước mình cũng tự quỳ xuống để Tự-tứ. Tất cả chư Tăng trong chánh điện đều làm y như vậy cho đến khi mọi người trong đại chúng đều Tự-tứ xong. 

Phép Tự-tứ để chư Tăng chỉ lỗi cho nhau thấy và tự nhận lỗi lầm để sửa đổi hầu tấn tu đạo hạnh là một hình thức rất công bằng và dân chủ. Chư Tăng đã cùng nhau tu học trong cùng một hoàn cảnh và cùng thọ nhận pháp kính nhường trong tinh thần hòa hợp. 

Lễ Tự-tứ được tổ chức sau 3 tháng tu tập, cũng có nghĩa là mỗi người đã để tâm thanh tịnh và muốn tu sửa những hành vi bất thiện nhỏ mà chính mình không tự hay biết nên cần người khác chỉ lỗi cho để tu niệm. 

15.- Nói Rõ Về Ý Nghĩa Của Kiết Hạ An Cư  (^)

Kiết-hạ An-cư là mùa chư Tăng an định ở một nơi để chuyên tâm vào việc tu học, nhất là việc giữ gìn giới luật cho chu đáo trong phạm vi đã qui định. 

Mùa An-cư mỗi năm có 3 tháng, tính từ rằm tháng 4 âm lịch cho đến rằm tháng 7. Trong khoảng thời gian đó, các Đại-Đức, Tỳ-kheo tập hợp lại để thực hành pháp Yết-Ma kiết giới, tức là qui định ranh giới cho việt cư trú trong suốt mùa An-cư. Lấy ngôi chùa làm trung tâm và đánh dấu các góc Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc để giới hạn sự đi lại của chư Tăng trong bốn nơi đã làm phép kiết giới ấy. Khi Yết-Ma kiết giới đã được thực hiện, không một vị Tăng nào có quyền đi ra khỏi ranh giới ấy nữa. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng, vị Tăng có thể chỉ được phép ra khỏi phạm vi đã ấn định, nếu có làm phép Yết-Ma giải giới trong vòng 24 tiếng đồng hồ hay 48 tiếng tùy theo công việc giải quyết mau hoặc chậm của vị ấy. 

Đến hết mùa An-cư Kiết-hạ, chư Tăng một lần nữa thực hiện phép Yết-Ma giải giới và làm lễ đối đầu tỏ bày lỗi lầm của nhau trong thời gian ba tháng vừa qua. Lễ nầy gọi là lễ Tự-tứ vậy. 

Tại sao chư Tăng phải làm lễ Kiết-hạ An-cư ? 

Khi đức Phật còn tại thế, Ngài cùng với các thầy Tỳ-kheo đi khất thực và bố giáo trong khắp xứ Ấn-Độ cũng như các vùng phụ cận, nhưng vào giữa tháng tư cho tới giữa tháng bảy là mùa mưa, đồng thời cũng là mùa sanh nở của các loài côn trùng. Để tránh sự dẫm đạp lên sanh mạng của những sinh vật nhỏ ấy, vì lòng từ bi, Phật chế ra phép Kiết-hạ An-cư để sách tấn chư Tăng cùng nhau tu học các pháp lành, hồi hướng các công đức lành ấy về cho khắp pháp giới chúng sanh cùng được lợi nhuần ơn đức. 

Việc Kiết-hạ An-cư là phương pháp tu kiến hiệu nhất, một thầy Tỳ-kheo đã thọ 250 giới, nếu chưa theo các khóa tu tập ngắn hạn nầy mỗi năm thì chưa đủ tư cách của người xuất gia vậy. 

 16.- Pháp Lục Hòa Và Những Ai Thực Hành ?  (^)

Lục-hòa là 6 phương thức sống hòa kính của người tăng sĩ ở trong cùng một tự viện hay ở tại các chùa và bất cứ nơi nào có đoàn thể xuất gia cùng ở chung nhau tu học. 

Sáu pháp hòa kính như sau : 

- Thân hòa đồng trụ : Cùng trong một hoàn cảnh và giống nhau ở trong một môi trường sinh hoạt, chư Tăng sống hòa mình với nhau để nhắc nhở nhau tu học. 

- Giới hòa đồng tu : Trong phạm vi của một tự viện, chư Tăng cùng giữ một số giới luật giống nhau. Ngoài ra, còn có bản nội quy riêng của tự viện để việc chấp hành giới luật được đúng đắn, nhờ đó nhắc nhủ nhau tu tập để cố tránh điều lầm lỗi. 

- Khẩu hòa vô tránh : Cùng hợp lực và xa lánh việc dùng lời lẽ thiếu nhã nhặn cố gây ra sự bất hòa để tránh sự xung đột và giữ được niềm hòa khí với nhau. 

- Kiến hòa đồng giải : Những ý kiến bất đồng, những sự hiểu lầm tai hại phải được đem ra mổ xẻ và phải trao đổi sự hiểu biết, cùng chia xẻ những kiến thức và quan niệm của nhau trong một thái độ thật cởi mở và khiêm tốn. 

- Ý hòa đồng duyệt : Cùng nhau kết hợp mọi ý kiến dị đồng để tạo nên sự hòa hợp vui vẽ trong đại chúng, hầu giữ được một nếp sống đạo hạnh trong sạch và một lòng tin yêu lẫn nhau. 

- Lợi hòa đồng quân : Mọi điều kiện vật chất đều phải có sự phân chia đồng đều, vì tất cả của cải vật chất đều được xem như của chung cho mọi người. 

Trong tinh thần tự giác ấy, người tăng sĩ phát tâm xuất gia là đã phát nguyện từ bỏ tất cả của cải vật chất ở đời, kể cả vợ đẹp con ngoan, để hòa mình vào nếp sống đại chúng. Theo tinh thần đó, sáu phép hòa kính chỉ là trợ duyên cho việc tu tập mà thôi. Nếu ý thức được như thế, người tăng sĩ rất dễ dàng học hỏi và tiến xa hơn trong mọi trường hợp và hoàn cảnh. 

Từ hai vị tăng trở lên sống chung nhau mà biết áp dụng đúng theo sáu pháp hòa kính trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau nầy thì đoàn thể xuất gia trở nên có uy tín và gây được ảnh hưởng tốt. 

17.-  Bất Tác Bất Thực Là Nghĩa Thế Nào ?(^)

Câu "bất tác bất thực" đã trở thành Thiền-ngữ lưu hành trong Phật giáo, nhất là Phật giáo phái Thiền-tông. 

Bất tác bất thực nghĩa là không làm thì không ăn hay là nhứt nhựt bất tác bất thực, tức là một ngày không làm việc thì không có sanh lợi nên không chi tiêu, được áp dụng đúng theo tiêu chuẩn kinh tế và lợi tức, theo như tinh thần tự lực cánh sinh vậy. 

Thiền-sư Bách-Trượng (749-814) thuộc phái Thiền Lâm-Tế Trung-Quốc, khởi xướng ra câu tiêu ngữ trên đã được Thiền-sư Vô-Ngôn-Thông đem áp dụng tại Việt-Nam vào đầu thế kỷ thứ 9. Sau đó lại có thêm danh từ "chấp lao phục dịch" (làm việc phục vụ theo sức lực) cũng xuất hiện trong giới Thiền-môn. Tinh thần làm việc lao động như trồng cây, cuốc đất, tưới hoa, làm vườn ... vừa tu tập vừa tìm ra thêm được món lợi cho chùa để góp phần vào việc chi phí hàng ngày. Sự xen lẫn việc công tác vào công phu tu Thiền tạo cho thiền sinh có một tinh thần khai phóng, cũng như tạo sự lành mạnh cho cơ thể và đạt sự hiệu quả trong việc tu tập, ngoài ra, còn bảo đảm được một phần nào về đời sống kinh tế cho tự viện. 

Như vậy, ngược dòng lịch sử hơn 1000 năm về trước, không riêng gì xã hội Trung-Quốc mà ngay như hoàn cảnh nghèo nàn của Việt-Nam, lại còn không phải ở ngoài đời sống thế tục mà ngay trong giới thiền môn đã biết tận dụng triệt để tinh thần tự lập đúng theo "cung cầu" của luật kinh tế và tạo được thế quân bình giữa vật chất với tinh thần song song nhau để phát triển và tồn tại. Những Thiền-sư là người nghĩ và làm đúng theo tinh thần đó, nên câu nói trên đã được lưu lại qua nhiều thế hệ cho tới ngày nay. 

Mỗi một thiền sinh trong bước đầu tu tập thiền định là một nhà khám phá và chinh phục. Khám phá những điều mới lạ nơi tâm thức và chinh phục những phiền não tự thân tâm. Vì thế, ngoài giờ tu thiền ra, thiền sinh còn phải phân phiên làm một số những công tác khác để cho cơ thể hoạt động có sự đồng đều, và đồng thời cũng để cho hành giả tìm thấy sự thoải mái tâm hồn trong lúc làm việc. 

Công tác và thiền định là hai việc song hành giúp cho người tu chóng đạt được mục đích của việc tu tập và cũng để nhiếp tâm trong chánh niệm, không nghĩ ngợi buông lung. 

18.-  Tam Sư Thất Chứng Là Gì ?  (^)

Hội đồng truyền giới Tỳ-kheo phải có ít nhất là 10 vị trưởng lão gọi là Thập-sư. Trong số đó, 3 vị quan trọng nhất là Hòa-Thượng, Yết-Ma và Giáo-Thọ, còn 7 vị kia thuộc hàng Tôn-chứng nên gọi là thất chứng. 

Giáo-Thọ là vị Thượng-Tọa chỉ dẫn và trao truyền giới pháp cho người xin thọ giới. Trong trường hợp số người thọ giới đông thì phải cần hai vị Giáo-Thọ. Các vị Giáo-Thọ dạy cho giới tử tất cả những điều cần biết, cần hiểu, cần làm và cần nói trong lễ thọ giới. Còn 7 vị Tôn-chứng là những người được mời chứng minh cho việc truyền giới và có phận sự quyết định sự thành tựu của việc làm phép Yết-Ma. Địa điểm và lễ truyền giới được gọi là Giới-đàn hay Đàn-tràng. Giới-tử khi đi làm lễ cầu thỉnh Hòa-Thượng, Yết-Ma, Giáo-Thọ và Tôn-chứng phải được hướng dẫn bởi một số tăng sĩ gọi là các thầy dẫn thỉnh. Các vị dẫn thỉnh có nhiệm vụ hướng dẫn và giới thiệu người thọ giới với các vị được thỉnh cầu vào Hội-đồng truyền giới tức là Tam sư Thất chứng. 

Các Giới-tử có thành tựu được đạo nghiệp hay không một phần quyết định quan trọng đều do nơi Giới-đàn truyền Tỳ-kheo-giới và nó cũng còn tùy thuộc vào các bậc thầy chứng minh nữa. Như vậy, cuộc đời tu hành và huệ mạng của Giới-tử đều do từ đạo hạnh của các vị tôn chứng mà thành tựu được công đức tu hành vậy. 

Do đó, trước khi tổ chức thọ giới Tỳ-kheo, ban điều hành cuộc lễ phải cân nhắc cẩn thận và mời những vị thiền đức xứng đáng có tác phong đạo đức gương mẫu mới đưa lại cho lễ truyền giới được trang nghiêm, thanh tịnh và nhờ đó mới có thể thu đạt được kết quả viên mãn. Trong những Giới-đàn tổ chức thu hẹp không có đủ 10 vị cao đức tăng chứng minh, nhưng tối thiểu phải có 4 vị để được gọi là chúng. 

Tóm lại, các bậc tu hành cao đức đáng được tôn kính, quy thuận ở trong Hội-đồng truyền giới là những bông hoa tỏa ngát hương thơm đến hàng Giới-tử, nếu trái lại như thế, lễ truyền giới sẽ không được nhiều lợi lạc. 

19.-  Phép Yết Ma Là Gì ? Và Ở Đâu Làm Phép Yết Ma ?  (^)

Trong tự viện, nơi chúng tăng ở tu học, mỗi tháng hai lần tập họp nhau lại để thuyết giới, nghĩa là ôn nhắc lại những giới luật và kiểm điểm ưu khuyết của việc hành trì giới cấm trong nữa tháng trước. 

Những hành động phát lồ ăn năn như tự thú tội, sám hối hay bị xử trị cũng như các lễ thọ giới, lễ kiết-hạ an-cư đều được thực hiện trong nguyên tắc pháp Yết-ma. Yết-ma là "tác pháp biện sự" để chỉ cho tính cách hợp pháp của những giải quyết căn cứ theo một nghi thức tuyên cáo đọc và quyết nghị trong tăng chúng. Bất cứ một quyết định hay một hành động nào liên hệ đến đời sống giới luật của chư tăng đều phải do sự thực hành phép Yết-ma mới hợp pháp. Muốn thực hiện phép Yết-ma, phải hội đủ hai điều kiện : 

1/. Số người tối thiểu phải đủ. Ví dụ, việc xử tội một tăng sĩ, hội đồng nhóm họp ít nhất phải có 20 vị đã thọ giới Tỳ-kheo. Trường hợp tối thiểu phải đủ 4 vị Tỳ-kheo chứng kiến thì việc xử phạt mới thành. Khi làm lễ tác bạch theo phép Yết-ma như sau : 

Thầy Yết-ma : Xin chư Đại-Đức nghe đây : Các vị có tên .... xin thọ giới cụ túc với ngài .... làm trách vụ Hòa-Thượng. Lời tác bạch như thế có đúng pháp không ? Các thầy tôn chứng chấp tay trả lời : Đúng pháp. 

2/. Quyết nghị phải được thực hiện trong sự hòa hợp hoàn toàn. Nếu thiếu sự hòa hợp tức là còn có ý kiến chống đối thì phép Yết-ma không có hiệu lực. Người có trách vụ tuyên cáo Yết-ma gọi là thầy Yết-ma do chư Tăng đề cử hoặc thỉnh mời. Như trong trường hợp thọ giới Tỳ-kheo, thầy Yết-ma được các Giới-tử (người sắp thọ giới) cung thỉnh vào vai trò nầy. Các vị Tăng thọ giới phải tới trước vị tăng mà họ muốn cung thỉnh làm thầy Yết-ma làm lễ, quỳ đọc 3 lần : 

Nay chúng con xin thỉnh Đại-Đức làm thầy Yết-Ma, xin Đại-Đức vì chúng con mà nhận trách vụ, chúng con sẽ nhờ Đại-Đức mà được thọ giới Tỳ-kheo. 

Sau đó, thầy Yết-Ma để cho thành tựu theo đúng nguyên tắc sẽ hỏi đại chúng : 

- Chư Tăng đã nhóm họp lại chưa ? 

Vị chủ lễ đáp : Chư Tăng đã nhóm họp xong. 

Thầy Yết-Ma : Có sự hòa hợp không ? 

Thầy chủ lễ : Có sự hòa hợp. 

Thầy Yết-Ma : Chư Tăng tập hợp hôm nay để làm gì ? 

Thầy chủ lễ : Để thực hiện Yết-Ma truyền giới Tỳ-kheo. 

Phép Yết-ma có sự dân chủ và rành mạch như thế mỗi khi chư Tăng cần thưa thỉnh việc gì có liên hệ tới sự tu hành cũng như giới luật. 

20.-  Lễ Thế Phát Là Gì ?  (^)

Thế phát là cạo tóc râu hay chất bẩn bám vào thân thể. Lễ thế phát là lễ cạo tóc cho người xuất gia tu học theo đoàn thể tăng già. 

Người mới phát tâm tu học phải y chỉ vào một vị sư và liền sau đó được thầy làm lễ cạo tóc cho mới chánh thức trở thành là một tăng sĩ. Lễ nầy tuy đơn giản, nhưng rất quan trọng và thiêng liêng. Vì đây là giờ phút quyết định cho cuộc hành trình của hành giả trên bước đường tu tập. Người phát tâm tu hành tự phát nguyện trước Bổn-Sư và Phật tổ bằng cách hướng về bốn hướng để lễ lạy mỗi phương một lạy gọi là tạ ơn. Ý nghĩa của các hướng như sau : 

- Hướng về phương Nam, lễ một lạy để tạ ơn cha mẹ đã dày công nuôi dưỡng cho ta khôn lớn nên người và có được thân mạng ngày nay. 

- Hướng về phương Bắc lễ một lạy để đền ơn quốc gia, thủy thổ đã cho ta có được một đời sống bình an, khỏe mạnh. 

- Hướng về phương Đông lễ một lạy đền đáp công ơn thầy học, bạn bè đã giúp đỡ dẫn dắt ta nên người. 

- Hướng về phương Tây lễ một lạy để tạ ơn Tam-Bảo, các vị tổ sư tiền bối đã hy sinh pháp thân huệ mạng để bồi đắp cho ngôi nhà Phật giáo được tồn tại lâu bền trong đời. 

Bằng thành tâm trong chí nguyện, người xuất gia trong lễ cạo tóc cảm thấy tâm hồn nhẹ lâng lâng như cảm thông được với các đấng thiêng liêng để bắt đầu bước vào ngôi nhà của đại gia đình Phật giáo. 

Bài kệ khi làm lễ xuống tóc là : 

Thế trừ tu phát 

Đương nguyện chúng sanh 

Viễn ly phiền não 

Cứu cánh tịch diệt. 

(Nghĩa là : Cạo bỏ râu tóc, nguyện cho chúng sanh xa lìa phiền não để đạt đến chỗ rốt ráo vắng lặng, tức giải thoát) 

Lễ cạo tóc có thể không xảy ra đúng theo nghi thức trên, tùy theo mỗi vị thầy hướng dẫn. Tuy nhiên, nếu các bậc tôn túc am tường về giới luật phải tổ chức lễ cạo tóc cho đệ tử thật trọng thể và trang nghiêm, nhờ đó nhắc nhở họ dễ dàng trong việc tu niệm. 

Người mới xuất gia, cái ấn tượng đầu tiên khi thầy đặt con dao lên đầu và đọc thần chú cũng như lời phát nguyện khắc sâu vào tâm tư một hình ảnh đẹp và khó quên trong đời tu học về sau. 

21.- Xuất Gia Phải Cần Những Điều Kiện Gì ?  (^)

Xuất gia theo nghĩa gần nhất là ra khỏi nhà, nhưng theo lối giải thích đó không được ổn thỏa lắm, vì người tu theo Phật giáo muốn trở thành một Tăng-sĩ hay Ni-cô chân chánh phải có sự nhiếp tâm giữ giới luật để diệt được giặc nội tâm và ngoại cảnh. 

Chữ xuất gia bao gồm trong 3 ý nghĩa như sau đây : 1) Xuất thế tục gia, xuất tam giới gia và xuất phiền não gia, nghĩa là ra khỏi nhà thế tục, tức là hành giả từ bỏ cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc và ngay cả vợ con (nếu có) để dấn thân vào con đường tu học, hầu sữa mình và trau dồi đức hạnh để trở thành một người gương mẫu dẫn dắt những kẻ sơ cơ học đạo. 2) Cầu mong ra khỏi nhà của 3 cõi : Dục-giới, Sắc-giới và Vô-sắc-giới, là một tâm niệm thật cao thượng của người tu muốn hướng trọn đời mình phục vụ cho tha nhân. 3) Mong khỏi bị vướng mắc vào trong những sự phiền não, các việc vui khoái lạc ở trong vòng ô nhiễm của kẻ phàm tục mà cố nhiếp tâm trong chánh niệm để thắng trận sau cùng là giặc phiền não nơi tự tâm. Đó là thoát ra được khỏi mọi ràng buộc của đời sống phức tạp và đa diện để cầu mong đạt được đạo quả giải thoát. 

Với ý nghĩa đó, người tu theo Phật giáo muốn đạt đến giác ngộ được mọi mặt cần phải gạn lọc hay thanh trừng cho hết sạch những chướng ngại bên trong lẫn bên ngoài để thành tựu đạo quả Vô-thượng Bồ-đề. Hiểu đúng mức ý nghĩa xuất gia cũng như thực hành nghiêm chỉnh giới luật, người tăng sĩ mới xứng đáng là trưởng tử của đức Phật, kẻ rao giảng chánh pháp của Như-Lai cho nhân sinh. 

Xuất gia vì thế rất khó thực hành, người nào suốt đời không thối chí trong việc tu tập là tự dâng hiến trọn đời mình cho đạo pháp để phục vụ tha nhân. Người xuất gia cần các điều kiện : Thân thể vẹn toàn tức là 6 căn : Mắt, tai, mũi, lưỡi, chân tay và ý thức minh mẫn. Ngoài ra không phải vì trốn lánh xã hội, không mắc nợ người, không thất tình, không phạm pháp ... mà xuất gia thì mới được thừa nhận là người tu hành ở trong hàng ngũ tăng già. 

Người xuất gia mang một sứ mạng cao cả là hoằng pháp lợi sanh và lấy trí huệ làm sự nghiệp, nếu không hội đủ một số điều kiện như trên thì khó mong thành tựu được ý nguyện tu hành đúng nghĩa. 

22.-  Thế Độ Là Gì, Và Trong Trường Hợp Nào ?  (^)

Thế độ là tiếp, đưa người thế tục vào với ánh sáng của đạo mầu giải thoát, tức là người được nhận cho sống đời xuất gia và phát nguyện một đời theo thầy học đạo. 

Thế độ còn có nghĩa là thay đổi lối sống của người trần để dấn thân vào cửa chùa, thực hành Phật giáo theo đời sống của người xuất gia và xã bỏ tất cả những cái vinh hoa phú quý của đời sống thế tục. Một người phát tâm xuất gia như thế phải cần nương tựa vào một vị thầy có uy tín, đạo đức để học hỏi giáo lý giải thoát. Thầy nhận cho người ấy xuất gia gọi là thầy thế độ. Người đệ tử coi vị thầy mà mình nương tựa như là người hướng dẫn gương mẫu, sáng suốt để nhờ đó phát triển trí tuệ. Từ lúc xuất gia trở đi, có điều gì thắc mắc cần hỏi, người đệ tử đều tham khảo nơi thầy hướng dẫn, nhất là việc tu hành và việc học hỏi ở lúc ban đầu. 

Như vậy, giữa thầy Bổn-Sư và thầy Thế-độ có giống nhau ? Có nhiều trường hợp người tu lúc đầu chưa biết gì về đời sống tu hành và cần nhờ một thầy hướng dẫn. Sau khi đã vào tu ở chùa người ấy lại chọn một thầy khác, do đó thầy Bổn-Sư chưa hẳn là người đã chỉ dẫn cho các kinh nghiệm tu tập lúc mới nhập môn. Nói một cách khác, chữ Thế-độ có tính cách giai đoạn và ngắn hạn mà người tu cần y chỉ để học hỏi nơi một thầy đạo hạnh xứng đáng. Tác phong đạo đức của một người tu hành có được một phần lớn đều nhờ nơi thầy Thế-độ mà thành tựu. 

Ở đời dù chúng ta làm bất cứ một công việc gì, lúc ban đầu rất quan trọng, vì nó đánh dấu cho cả một tương lai rạng rỡ hay khó khăn. 

23.-  Pháp  Hiệu Là Gì ?  Ai Có Pháp Hiệu ?  (^)

Người Phật tử tại gia khi quy y chỉ nhận được Pháp-danh, trong khi đó người tăng sĩ, ngoài Pháp-danh lúc thọ 10 giới, còn có Pháp-hiệu khi thọ 250 giới. 

Pháp-hiệu là tên do thầy truyền pháp đặt cho theo một câu thi kệ có ý nghĩa nào đó trong Phật Pháp hoặc một bài thơ do Bổn-Sư sáng tác. Như vậy, Pháp-hiệu không quan trọng bằng Pháp-danh ? Người tăng sĩ đã có Pháp-danh hoặc Pháp-tự được chọn làm tên gọi hằng ngày trong đời tu học, còn Pháp-hiệu chỉ là tên dùng trong phạm vi của chùa và có liên hệ giữa thầy trò với nhau. Pháp-hiệu thường ít được dùng tới, nhưng tới lúc người mang tên hiệu qua đời phải viết đầy đủ lên bài vị để cho người sau dễ nhận ra tông môn. 

Pháp-hiệu cũng khác với Bút-hiệu, vì Bút-hiệu có thể có tới 3 hoặc 5, nhưng Pháp-hiệu chỉ có một thôi. Pháp-hiệu do thầy chọn đặt cho, chứ không phải đương sự tự chọn lựa. 

Người xuất gia vì thế có đủ 3 tên là Pháp-danh, Pháp-tự và Pháp-hiệu, cũng như trong tăng đoàn đều lấy theo dòng họ Thích của đức Phật Thích-Ca để chứng tỏ là dòng Thích tử (con Phật). Tên đạo, đầu tròn, áo vuông là 3 yếu tố quan trọng tạo nên hình ảnh nhà tu đạo hạnh đáng làm nhà mô phạm cho người đời noi theo. Ngoài ra, người tăng sĩ còn tâm niệm tới 3 mối liên hệ mà họ đang được thừa hưởng là ở nhà Như-Lai (chùa), ăn cơm Đàn-việt (người tín đồ đem của tới cúng) và mặc áo Như-Lai (chiếc áo nhà tu là pháp y). 

Người tu có Pháp-hiệu cũng có nghĩa là đã tu hành trong nhiều năm kinh nghiệm và đã tới lúc có thể tự ra đảm đang công việc Phật sự một mình được. 

24  Pháp Danh Là Gì ?  (^)

Pháp-danh là tên dùng theo thứ tự của dòng kệ truyền pháp mà người tín đồ Phật giáo lúc thọ 5 giới và quy y Tam-Bảo được thầy đặt cho. 

Người xuất gia và Phật tử tại gia đều có Pháp-danh cả. Pháp-danh của một người lấy ra từ một chữ của bài kệ do Tổ lưu truyền lại, theo tông phái mà thành hình. Ví dụ : Dòng Lâm-Tế do Thiền-sư Minh-Hải truyền xuống có câu : 

Ứng chơn như thị đồng 

Chúc thánh thọ thiên cữu ... 

Mỗi đời truyền pháp lấy một chữ nơi bài kệ ấy. Chẳng hạn thầy có Pháp-danh chữ Thánh như Thánh Tâm thì cho Pháp-danh xuống đệ tử là Thọ như Thọ Trường, Thọ Xuân ... Có một vài trường hợp người thọ giới mang Pháp-danh chữ Thị, mặc dù người ấy là đàn ông. Chữ Thị theo thứ tự của bài kệ trên, chứ không phải Thị là đàn bà. Thầy có Pháp-danh chữ Như, bắt buộc cho xuống các đệ tử phải là chữ Thị. Lúc cho Pháp-danh, hẳn thầy truyền giới đã giảng giải rõ ý nghĩa nầy. 

Từ khi người Phật tử nhận lãnh Pháp-danh, được xem như có đủ tư cách là một Phật tử đã quy y Phật Pháp Tăng và luôn luôn hướng tâm niệm thiện về 3 ngôi báu ấy để mong làm điều lành tránh điều dữ. 

Cái tên của một người rất quan trọng, và Pháp-danh lại càng cần thiết hơn cho người Phật tử đã chọn Phật giáo như lý tưởng để tôn thờ, vì nó được gắn liền với đời sống tinh thần của chúng ta. 

25 Pháp Sư Có Phải Là Thầy Phù Thủy Có Đủ Pháp Thuật Trừ Tà Yếm Quỉ Không ?  (^)

Chữ Pháp-sư có nghĩa là thầy tinh thông về Phật Pháp hay là vị giảng sư của Phật giáo có khả năng diễn giảng giáo lý đạo Phật cho quần chúng. 

Danh từ Pháp-sư đã bị nhiều người hiểu lầm là thầy pháp có thuật trừ ma, luyện chú giỏi hay là ông thầy chuyên việc cứu nhân độ thế. Pháp-sư nói cho đúng nghĩa theo tinh thần Phật giáo là vị Thượng-Tọa có nhiều kinh nghiệm trong đạo. Người đã thọ giới Tỳ- kheo (250 giới) và tinh chuyên giới hạnh, đã trải qua 10 năm theo học tại các khóa an-cư kiết-hạ. Vị ấy đã là tôn chứng cho các đại giới-đàn Tỳ-kheo và Bồ-Tát giới hoặc là vị giảng sư lưu động của Phật giáo được đề cử đến thuyết pháp ở các nơi để cho quần chúng thấm nhuần giáo lý đạo Phật được gọi là Pháp-sư. 

Khi phân biệt như thế, chúng ta đừng đồng hóa Pháp-sư trong Phật giáo với thầy pháp bên đạo phù thủy. Mặc dù ngày nay không còn những hình thức của các thầy pháp phù thủy nữa, vẫn có người còn lạm dụng danh từ hay đúng ra vì không phân biệt nổi chỗ khác nhau chăng ? 

Người Phật tử Trung-Hoa và Nhật-Bản xử dụng danh từ Pháp-sư dùng trong giới Phật giáo để tôn kính các vị Thượng-Tọa chuyên việc diễn giảng. 

Trong Phật giáo, bất cứ một sự tướng nào, chúng ta cũng nên tìm hiểu cho tường tận để khỏi bị nhầm lẫn và hiểu sát nghĩa. Còn một điểm sai lầm tai hại nữa là có những tăng sĩ hành nghề thầy cúng chuyên môn, cũng được gọi bằng Pháp-sư. Danh từ trong Phật giáo không thể bị lạm dụng đến như vậy. 

Người Phật tử nên nghiêm chỉnh trong việc dùng cách xưng hô cho đúng trong khi gặp các vị lãnh đạo tinh thần để tránh những lỗi lầm tai hại. 

26  Pháp Tự Là Gì Và Những Ai Có Pháp Tự ?  (^)

Pháp-tự là tên chữ theo đúng dòng kệ truyền pháp được thầy đặt cho khi người tăng sĩ Sa-di-giới. Mỗi tăng sĩ đều có 3 tên riêng biệt là Pháp-danh, Pháp-hiệu và Pháp-tự. 

Trong 3 tên ấy, có thể chọn tên nào để gọi cũng được, nhưng thông thường Pháp-danh được chọn để gọi tên hơn, vì ở giai đoạn đầu Pháp-danh gắn liền với đời sống tu học khi người mới vào chùa tu và mang nhiều nét đặc biệt, nhất là đã quen dùng nên khó sửa đổi. Tuy nhiên, tên gọi là do người ấy quyết định, vì thế cũng có đôi lúc Pháp-hiệu được dùng làm tên gọi từ khi thầy Tỳ-kheo thọ 250 giới về sau. Pháp-hiệu cũng được dùng nhưng ít phổ thông hơn. Trong trường hợp người tăng sĩ qua đời, bắt buộc phải viết tên gồm Pháp-danh, tự, hiệu lên bài vị để thờ. 

Đã có Pháp-danh và Pháp-hiệu, còn Pháp-tự không cần có được không ? 

Người xuất gia mỗi một giai đoạn trong đời tu học là để đánh dấu một bước tiến lên, vì đã trải qua nhiều thử thách để đạt tới được, do đó tên mới cũng làm cho người được mang tên thay đổi về lối sống và cách suy nghĩ. Tâm lý học cho chúng ta thấy rằng, khi mặc quần áo mới ta tự nhiên có cảm tưởng như có sự thay đổi toàn diện. Như vậy, cái tên gọi rất là quan trọng, nên thầy Tỳ-kheo được mang thêm tên Pháp-hiệu lúc thọ giới cũng là việc dễ hiểu. 

Pháp-tự phải giống với tánh tình và tư cách của người ấy mà thầy Bổn-Sư cần phải theo dõi người đệ tử qua nhiều năm tháng ở tự viện mới hiểu rõ được mà chọn để đặt cho. 

Người tăng sĩ nhận Pháp-tự cũng có nghĩa là để đánh dấu giai đoạn trưởng thành trong đời tu học và có thể lãnh trọng trách hoằng pháp lợi sanh. 

27.- Ai Thực Hành Phép Tam Đề Trong Phật Giáo ?  (^)

Tại các tự viện, chư Tăng theo đúng qui tắc của một thiền môn, trước khi ăn cơm phải làm phép tam-đề và ngũ-quán. 

Ngoài việc giải thích ra, để quý độc giả có thể hiểu thêm về chiều rộng của vấn đề, ở đây xin được bàn tới thái độ thọ nhận của cúng một cách nghiêm túc của người tăng sĩ trong lúc ăn uống để nhiếp tâm cầu nguyện cho mọi việc phước lành đến với người và chính người thọ nhận của cúng cũng được lợi lạc. 

Tam-đề là ba muổng hay ba miếng cơm làm phép trước khi thọ thực. Chư Tăng trước khi vào bàn ăn phải bưng chén cơm hay bình bát đưa lên ngang trước trán vừa tầm với chân mày trong tư thế bắt ấn Cam-lồ (3 ngón tay giơ thẳng lên, chỉ ngón đeo nhẫn cung lại giáp với ngón tay cái). Tất cả đều đồng thanh đọc bài "cúng dường thanh tịnh ..." Nghi thức nầy chỉ trong vòng 10 đến 15 phút, sau đó bửa ăn bắt đầu. Trước khi ăn chư Tăng phải làm phép. Ý nghĩa của 3 miếng cơm đầu tiên như sau : 

- Muổng thứ nhứt : Nguyện đoạn nhứt thiết ác. Tức là người thọ cơm tự hứa với mình đoạn trừ tất cả điều ác dù nhỏ hay lớn. Điều ác ở đây cũng có nghĩa là lòng tham lam như muốn ăn ngon, ăn nhiều và ăn quá phần ăn của mình. 

- Muổng thứ hai : Nuyện tu nhứt thiết thiện. Phát khởi lòng từ bi tu tập tất cả những pháp lành, nghĩa là không từ nan bất cứ một việc thiện nhỏ nào. Người tu hành hễ có cơ hội làm được việc lợi ích là cứ hăng hái bắt tay vào việc không chút do dự. 

- Muổng thứ ba : Thệ độ nhứt thiết chúng sanh. Tất cả mọi loài đang còn bị đói khổ, thiếu thốn, ngay cả miếng ăn thức mặc, nên hành giả phải phát tâm vì tất cả những chúng sanh nào còn đang gặp phải khó khăn trong đời sống về vật chất, và nhất tâm cầu nguyện cho tất cả được ấm no đầy đủ. 

Khi phát ra những lời nguyện rộng lớn như thế xong, sau đó mới bắt đầu bửa ăn trong tinh thần cầu nguyện, rất yên lặng và trang nghiêm (nên nhớ : 3 muổng cơm tượng trưng, mỗi muổng chỉ vài ba hột thôi, chứ không phải là một muổng đầy). Nghi thức nầy vẫn áp dụng cho Phật tử tu tại gia về thọ giới Bát-Quan-Trai tại chùa trong 24 giờ. 

28.-  Ngũ Quán Diễn Ra Lúc Nào ?  (^)

Ngũ quán là năm điều quán tưởng trước khi vào bửa ăn của chư Tăng Ni trong các tự viện. 

Năm phép quán tưởng nầy để người tu hành luôn nhớ nghĩ tới những việc làm lợi ích giữa mình và người khác. Năm phép quán ấy như sau : 

- Phép quán thứ nhứt : Nghĩ tới công ơn khó nhọc của người sản xuất ra hạt lúa cho đến khi thành hình nên gạo và do công người nấu nước để thành cơm. Như vậy khi thành được chén cơm đây phải trải qua bao nhiêu mồ hôi nước mắt của nhiều người kết tụ lại mới có được. 

- Phép quán thứ hai : Khi đã nghĩ tới công khó của người rồi, phải xét kỹ lại tài đức của mình đã tròn đủ chưa để xứng đáng thọ nhận được hạt cơm nầy. 

Nếu tự xét thấy chưa đủ tư cách và đạo hạnh để người tin tưởng thì phải biết tự hỗ thẹn khi nhận lãnh hột cơm của người tín đồ đem tới dâng cúng. 

- Phép quán thứ ba : Cần phải ngăn chận lòng tham lam quá độ dấy lên. 

- Phép quán thứ tư : Tự xem hột cơm đang ăn như là một phương thuốc hay cứu chửa cơn bịnh đói cho cơ thể mà thôi. 

- Phép quán thứ năm : Muốn làm việc đạo để đem lại lợi lạc cho nhiều người nên mới thọ nhận cơm nầy. 

Như thế, trong bửa ăn của người tăng sĩ rất thanh tịnh trong sự nhiếp tâm cầu nguyện. Người hiến cúng đặt trọn tin tưởng vào để cầu phước, kẻ nhận của cúng không cảm thấy hỗ thẹn khi thọ lãnh của tín đồ một cách phí phạm. 

(Nguyên văn của 5 phép quán tưởng ấy như sau : Nhất kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ, nhị thốn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng, tam phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tôn, tứ chánh sự lương dược, vị liệu hình khô, ngũ vị thành đạo nghiệp ưng thọ thử thực) 

Vì làm việc đạo mà thọ nhận của người cúng, giới tăng sĩ xuất gia có bổn phận ban bố pháp cho mọi người để biết mà tu, như vậy, cả hai bên mới được lợi ích, thiết thực. 

29.- Tam Tụ Tịnh Giới Hình Tướng Ra Sao ?  (^)

Trong bộ đại tạng luật có nói về tam-tụ-tịnh-giới. Ngoài ra, trong các bộ luật của Tiểu-thừa không thấy nói tới phần nầy. Vậy tam-tụ-tịnh-giới là gì ? 

Tam-tụ-tịnh-giới là sự kết hợp giữa ba phần giới luật căn bản để xây dựng xã hội. Hình tướng của ba phần giới luật căn bản nầy gồm : 

- Nhiếp luật nghi giới. 

- Nhiếp thiện pháp giới 

- Nhiêu ích chúng sanh giới (hữu tình) 

Thường thường vị tăng sĩ khi thọ giới Tỳ-kheo là thọ luôn giới Bồ-Tát để việc cứu độ chúng sanh được tự tại, không bị bất cứ một cản trở nào làm lui sụt ý chí muốn làm việc lợi ích cả. Do đó, phần giới luật của Bồ-Tát có 2 phần là Tỳ-kheo giới và Bồ-Tát giới, và bao hàm ở khía cạnh : 

- Nghiêm chỉnh giữ gìn các giới đã thọ 

- Làm việc thiện lợi ích khắp cho mọi người 

- Phụng sự cho mọi loài hữu tình và coi tất cả như là anh em trong tình đồng đạo. 

Cả ba phần trên đều bổ túc cho nhau để người thực hành có thể hoàn thành được sứ mạng tự cứu lấy mình và cảm hóa được người chung quanh tìm về với đạo giải thoát. Nói về giới luật có rất nhiều, nhưng chỉ đề cập tới 3 phần cơ bản của giới Tỳ-kheo Bồ- Tát, vì đây là phần giới luật qui định rõ phạm vi tu tập của người xuất gia. 

Nhờ y cứ vào ba phần giới đây mà thầy Tỳ-kheo rộng đường ra tay cứu giúp tất cả mọi chúng sanh dù ở bất cứ nơi đâu, để hoàn thành sứ mạng độ sanh cao cả của người đệ tử xuất gia. 

30.- Bố Tát Giới Và Bồ Tát Có Khác Nhau Không ?  (^)

Trong Phật giáo có nhiều danh từ cần phân biệt để khỏi có sự lẫn lộn với nhau.  Danh từ Bồ-Tát-Giới và Bồ-Tát hoàn toàn khác nhau. 

Bồ-Tát-Giới là giới luật cho người phát tâm Đại-thừa gồm có 10 giới trọng và 48 giới khinh (nhẹ), có thể áp dụng chung cho cả người xuất gia và Phật tử tại gia. Kinh Phạm-Võng của Đại-thừa, phẩm Bồ-Tát Tâm Địa Giới có nói rõ về phần giới tướng nầy. 

Giới Bồ-Tát khai mở phương tiện độ đời, giúp đỡ chúng sanh rất rộng rãi về nhiều phương diện. Phật giáo quan niệm rằng nếu thuyết phục được một vị lãnh đạo quốc gia thọ Bồ-Tát-Giới là một công đức vô lượng. Vì mọi chữ ký và sắc lệnh của nhà vua ban hành rất quan trọng đối với quốc dân như việc ân xá các tội phạm, việc giảm miễn sưu thuế cho dân chúng đều là những công việc có tính cách từ bi cao thượng cũng như giọt nước cam lồ với nhành dương liệu của Bồ-Tát Quán-Thế-Âm rưới tắt mọi hận thù, si mê cho tất cả mọi người. Do đó, vào ngày mồng một và rằm mỗi tháng tại các ngôi chùa lớn có nghi thức lễ thù ân chúc tán, xưng tán và cầu nguyện cho vị Bồ-Tát nhân vương có đủ sáng suốt, cũng như lòng quảng đại để trị dân hầu đem lại thái bình cho trăm họ. 

Còn Bồ-Tát là quả vị thứ 3 trong 4 bậc Thánh là Thanh-văn, Duyên- giác, Bồ-Tát và Phật. 

Sách Tam Tổ Thực Lục còn ghi rõ vào năm 1304 vua Anh-Tông mời chư Tăng vào cung để cho các quan thọ giới và chính vua cũng đã phát tâm thọ Bồ-Tát-Giới. 

Chỉ có hạnh Bồ-Tát hay giới Bồ-Tát thì người Phật tử mới rộng phương tiện cứu giúp tất cả mọi loài theo như tinh thần từ bi của Phật giáo. 

31.-  250 Giới Của Tỳ Kheo Hay Cụ Túc Giới Là Gì ?  (^)

Cụ-túc-giới (điều cấm đầy đủ) là giới luật của thầy Tỳ-kheo gồm có 250 điều để ngăn ngừa những lỗi lầm do hành vi, động tác, lời nói, cách đi, đứng, nằm, ngồi (4 oai nghi) gây ra. Trong 250 giới cụ túc chia ra 8 phần : 

1.- Đức hạnh không trong sạch gồm có 4 pháp ba-la-di có nghĩa là tội nặng như sâu bọ đục khoét cây cối không còn phương pháp cứu chửa được nữa. 

2.- Việc tiếp xúc giữa nam nữ trong 13 pháp tăng-tàng, nếu phạm một trong số 13 giới đây còn có cách dự cứu được, nhưng phải nhờ y cứ trong pháp tăng già mà làm phép xả tội nên gọi là tăng-tàng. 

3.- Lòng dục dấy động thuộc về 2 pháp bất-định, vì tội không có hình tướng nên gọi là bất-định. 

4.- Chứa của cải sanh tâm tham đắm có 30 pháp xả-đọa. Nếu thầy Tỳ- kheo mắc vào tội nầy cần phải đem xả cho người khác và tội đọa phải đối trước chúng tăng mà tỏ bày sám hối. 

5.- Về tư cách bê bối gồm 90 pháp ba-la-dật-đề như nói dối, chê bai, nói lưỡi đòn xóc nhọn hai đầy và hành vi lem luốt có thể do đó bị đọa lạc trong đường dữ do từ cửa miệng độc địa mà ra. 

6.- Ăn năn lỗi trước đã phạm có 4 pháp hối quá. Người phạm tội tới trước chúng Tăng tỏ bày sửa đổi về việc thọ nhận ăn uống đã làm tăng lòng tham lam không đúng cách để mất lòng tin của tín đồ. 

7.- Các oai nghi trong các sinh hoạt hằng ngày trong 100 pháp chúng học, tức là 100 điều cần phải học hỏi gồm có 10 việc như : Đắp y, vào làng, đứng ngồi, ăn uống, giữ gìn bình bát, đại tiểu tiện, thuyết pháp, xây tháp đắp tường, đi đường, trèo cây. 

8.- Việc rầy rà tranh cải qua 7 pháp diệt-tránh (cần phải trừ diệt). Đó là lời nói rầy rà, tìm lỗi rầy rà, phạm tội rầy rà và việc không gọn gàng. 

Tội gồm có thô và tế, ta có thể chia ra làm 2 : Các điều thuộc phần 1, 2, 3 về tội thô nên là trọng tội. Các điều còn lại thuộc tế tội chỉ các oai nghi chửng chạc của thầy Tỳ-kheo trong phần khinh tội. 

Trong 250 giới Tỳ-kheo cũng có những giới cấm không cần thiết và không hợp thời nữa, nhưng vẫn còn duy trì, cũng chỉ vì trọng tôn ý của các bậc khai sáng chế ra giới cấm chăng ? 

32.- Giới Cụ Túc Của Tỳ Kheo Tăng Gồm 250 Điều Khoản Có Thể Tóm Tắt Như Lược Đồ Dưới Đây :  (^)

1.- 4 pháp ba-la-di : Thầy Tỳ-kheo đức hạnh không trong sạch. 

2.- 13 pháp tăng-tàng : Việc tiếp xúc, đụng chạm giữa nam nữ. 

3.- 2 pháp bất-định : Móng tâm và làm việc dâm dục. 

4.- 30 pháp xả-đọa : Của cải chứa quá nhiều sanh tâm tham đắm và nhiễm trước vật chất, không chuyên tâm vào việc tu tập. 

5.- 90 pháp ba-dật-đề : Nói dối, chê bai, nói lưỡi đòn xóc nhọn 2 đầu và tư cách bê tha, giải đải không hợp với hạnh người xuất gia. 

6.- 4 pháp hối-quá : Việc thọ nhận ăn uống từ người cúng không đúng cách làm tăng trưởng lòng tham để mất lòng tín kính của người tín chủ. 

7.- 100 pháp chúng-học : Tư cách của người tăng sĩ qua công việc sinh hoạt hằng ngày nằm trong 4 oai nghi như đi, đứng, nằm, ngồi phải cho đàng hoàng chững chạc. 

8.- 7 pháp diệt-tránh : Trừ diệt những điều phiền toái rầy rà vô ích để chuyên tâm tu tập. 

Trên đây là 250 giới, nếu thầy Tỳ-kheo biết ứng dụng những điều răn cấm vào đời sống tu tập hàng ngày sẽ tạo được cho mình một khuôn mậu đúng và đem lại cho người điều lợi lành không nhỏ vậy. 

33.- Sám Hối Ăn Năn, Hối Quá, Phục Thiện Khác Hay Giống Nhau ?  (^)

Sám hối tiếng Phạn gọi là Samma, có nghĩa là tự mình thú tội và hứa sửa đổi những lỗi lầm đã phạm, không còn tái phạm nữa. 

Việc sám hối có nhiều hình thức như tự mình đối trước tượng Phật và phát nguyện chừa bỏ điều quấy đã lỡ phạm phải hoặc ở trước mặt chư tăng tự nêu lỗi lầm ra để nhờ có sự chứng minh nầy mà xin sửa đổi điều sai trái, xấu ác. Chữ sám hối có rất nhiều nghĩa như kinh sám, tức là kinh dùng để tụng trong việc sám hối như Hồng-Danh Bảo-Sám. Bái sám là lễ lạy để xin chừa sữa lỗi lầm, sám pháp tức cách thức sám hối. 

Sám hối còn ở sự thành tâm mới trừ diệt được tội lỗi. Ngoài ra, chúng ta còn phải phát nguyện chừa bỏ những thói hư tật xấu đã bám sâu vào trong tâm thức lâu ngày. 

Ăn năn nghĩa là biết cải đổi học hỏi để tiến bộ, nhưng trong ý nghĩa nầy có thể là những lỗi nhỏ đã phạm và mong được người khác tha thứ. 

Hối quá là lấy làm tiếc một việc không đáng xẩy ra mà đã lỡ phạm như do lời nói vụng về khiến kẻ khác giận, làm hư hỏng đồ đạc của kẻ khác, sau đó ta tự cảm thấy lương tâm cắn rứt khó chịu nên muốn được người bỏ qua. 

Còn phục thiện là làm lại việc lành hay điều hay đẹp mà ta đã lỡ cơ hội đánh mất nó, để chuộc lại và bù vào chỗ thiếu trống trước kia vì lỡ vô ý thức gây ra. 

Những danh từ sám hối, ăn năn, phục thiện về hình tướng cũng như tội trạng không giống nhau. Chữ sám hối có một nghĩa bao hàm sâu xa các tội lỗi trong quá khứ, hiện tại, có phương hại tới đời sống nội tâm rất lớn lao nên phải gấp rút chừa bỏ. Trong khi đó, chữ ăn-năn và hối-quá ở trong phạm vi thu hẹp, hàm cái nghĩa việc phạm vào những lỗi nhỏ, có thể sửa đổi được. Phục thiện được xem như một việc lỗi nhẹ thôi, không có tính cách liên tục kéo dài, khi nào ta nảy ra được ý định biết được việc làm quấy, tội ấy liền tiêu diệt. 

Từ thấp đến cao, từ việc nhỏ đến việc lớn mà danh từ có khác nhau, nhưng tất cả đều có nghĩa là sửa đổi điều sai trái để cầu tiến bộ vậy. 

34.- Hồi Tâm Là Gì ? Danh Từ Nầy Được Dùng Trong Phạm Vi Nào ?  (^)

Hồi tâm (conversion) là nghĩ lại và nhận chân ra được những sự việc đã diễn ra nơi ý thức ta, thuộc về phạm vi tinh thần trong tôn giáo. 

Danh từ hồi tâm không giống với động từ "to remember", vì nó có một phạm vi rộng hơn nhiều trong khía cạnh tâm thức của đạo giáo. Có mấy danh từ ta cũng cần phân biệt giữa : hồi tưởng, quán tưởng, suy tư với hồi tâm. Hồi tưởng là tiếng thường dùng để nhớ lại những sự việc đã qua, hồi tưởng lại thời thơ ấu, hồi tưởng cuộc chiến tranh Việt Pháp .. Trong khi đó quán tưởng và suy tư (meditation) có một ý nghĩa sâu sắc hơn thuộc lãnh vực đạo giáo trong lúc ta tập trung tư tưởng để thiền định vậy. Nói một cách khác, khi nào chúng ta dùng thì giờ để chú tâm vào một vấn đề gì đều được gọi là suy nghĩ mà không thể gọi được là meditation có tính cách quán tưởng nầy. Chữ hồi tâm còn có nghĩa là cải đổi nhân cách và hoàn toàn theo một lối sống mới tiến bộ hơn để được thích hợp với mỗi giai đoạn trong cuộc đời. Vì thế, hồi tâm có thể ở bất cứ nơi đâu và lúc nào cũng làm được cốt để hoàn thiện nhân cách của mình đối với tôn giáo đang theo. Do đó, danh từ hồi tâm không những chỉ đúng trong phạm vi Phật giáo mà còn có tính cách phổ thông chung cho các tôn giáo khác để chỉ trạng thái vắng lặng của tâm thức, khi ta nghĩ tới những việc làm vừa qua. Tuy nhiên, ở đây không như phản tỉnh, vì chỉ thấy xấu hỗ lương tâm rồi thôi ; trong khi đó, hồi tâm ngoài việc nghĩ tới điều lầm lẫn trong quá khứ ra, còn phải cố gắng tích cực nhiều hơn nữa để làm đẹp cho cuộc sống, nhất là cuộc sống về nội tâm cho được phong phú và sáng suốt hơn. 

Tóm lại, ngoài phạm vi tôn giáo ra, chúng ta ít thấy danh từ "hồi tâm" được xử dụng, vì có chăng cũng chỉ là phản tỉnh, ăn năn và tạ lỗi ... mà thôi. 

35.- Vu Lan Với Giá Trị Lịch Sử Của Nó Và Cách Thực Hành Ra Sao ?  (^)

Vu-Lan nói cho đủ là Vu-Lan-Bồn. Người Trung-Hoa dịch là Cứu-Đảo- Huyền, tức có ý nói cứu thoát tội lỗi bị treo ngược đối với người đã chết. 

Lễ Vu-Lan trong Phật giáo gắn liền với rằm tháng 7 hay rằm trung ngươn hoặc còn gọi là ngày Xá tội vong nhân vào giữa tháng 7 Âm lịch của mỗi năm. 

Khi đức Phật Thích-Ca còn tại thế, ngài Mục-Kiền-Liên tôn giả có mẹ là bà Thanh-Đề chết và bị đọa vào loài quỷ đói đã phải chịu nhiều cực hình rất khổ sở, đau đớn. Biết được nghiệp báo của mẹ phải đền trả, ngài Mục-Kiền-Liên bèn vận dụng thần thông đến đó để cứu nguy mẹ, nhưng chỉ có một mình Ngài nên đành bất lực. Tôn giả bèn trở lại bạch Phật để tìm phương pháp cứu thoát mẹ ra khỏi chốn u đồ. Phật dạy rằng sức của một người không thể nào cứu nổi, dù có vận dụng sức thần thông cũng khó mà làm được việc trọng đại kia. Do đó, cần phải nhờ vào sức chú nguyện của chư Tăng thì may ra những oan hồn bị đọa mới có thể thoát kiếp khổ được. Sau đó Phật chỉ dạy phương pháp thực hành bằng cách vào ngày rằm tháng 7 mỗi năm, người con hiếu thảo muốn đến đáp phần nào công ơn cha mẹ hiện tại và bảy đời quá khứ, nên thành tâm sắm đủ những thức ăn ngon lạ, thơm sạch, các thứ trái cây đủ năm màu đựng trong bình bát có sự chú nguyện của chư tăng để nhờ oai đức của các vị thiền đức mà các tội đồ được siêu sanh vào cảnh giới an vui. 

Nhờ thực hiện đúng như lời Phật dạy, ngài Mục-Kiền-Liên đã cứu được mẹ ra khỏi cảnh đói khát trong kiếp ngạ quỉ. 

Ngày nay những ai muốn đền ơn cha mẹ đã hy sinh cho ta mà chưa có dịp báo đáp thì nên thực hành lễ Vu-Lan vào rằm tháng 7 theo như lời đức Phật đã chỉ dạy để cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tăng phước tăng thọ, cha mẹ bảy đời siêu sanh Tịnh-độ là một phương pháp báo hiếu hữu hiệu nhứt. 

36  Bỉ Ngạn Là Gì ? Đáo Bỉ Ngạn Là Đi Tới Đâu ?  (^)

Bỉ ngạn là bờ bên kia. Con người trần thế sống trong cõi đời nầy bị dòng sanh tử chi phối nên phải chìm đắm trôi lăn trong 3 nẻo (tức 3 cõi : Dục, sắc và cõi vô sắc), 6 đường (địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh, thiên, nhơn, A-tu-la) như đang chơi vơi bên bờ vực thẳm và chờ con thuyền giải thoát đưa qua bên kia bờ an lạc. 

Đáo bỉ ngạn là đến bờ bên kia, tức là bờ bến an vui giải thoát, không còn bị các dục vọng, phiền não chi phối nữa. Nhờ sự tu hành mà chúng sanh gạn lọc được những điều bất thiện như tham, sân, si và khi đạt đến một trình độ cao thì những mê chấp đều xa lìa, tâm được thanh tịnh an ổn. Đó là sự giải thoát, tức là đã đến được bờ giác ngộ. 

Lễ Bỉ-ngạn người Nhật gọi là O HIGAN vào tháng 3 của mỗi năm và kéo dài trong một tuần lễ từ 13 đến 20. Vào dịp nầy, người tín đồ Phật giáo đến cúng viếng mồ mã tổ tiên ở ngay trong phạm vi của chùa. Thường thường con cháu thuê chùa viết các bài vị bằng cây thông mỏng nhẹ và dài độ 2m gọi là tô-ba (tháp bà) để cắm lên ngôi mộ người quá vảng gọi là tưởng niệm báo ân. 

Lễ nầy không rõ có phải người Việt-Nam chọn vào dịp lễ Thanh-Minh trong tháng 3 chăng ? Theo thiển nghĩ, tiết Thanh-Minh để cho con cháu đi tảo mộ ông bà, cũng như cúng bái tưởng niệm người chết, cũng là một hình thức đượm tính chất Phật giáo. Trong truyện Kiều, Nguyễn-Du có tả tiết Thanh-Minh như sau : 

Thanh-Minh trong tiết tháng ba, 

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh. 

Gần xa nô nức yến oanh, 

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân. 

Dập dìu tài tử giai nhân, 

Ngựa xe như nước áo quần như nem. 

Ngổn ngang gò đống kéo lên, 

Thoi vàng gió rắc, tro tiền giấy bay ... 

Lễ Bỉ-ngạn ở Việt-Nam chưa được phổ thông, vì chỉ có một số ít người biết tới. Trong Phật giáo những ngày lễ đã trở thành tục lệ trong dân gian như lễ Bỉ-ngạn cần phải được phổ cập sâu rộng để duy trì được nếp cũ, vì đó là nét đẹp thuần túy của Đông-phương, nên người Phật tử không thể lơ là. 

37.-  Tam-Bảo Là Gì ?  (^)

Người Phật tử khi quy y được thầy giảng giải kỹ cho biết Tam-Bảo là gì rồi, để cho dễ nhớ ở đây tôi xin nhắc lại danh từ nầy. 

Tam-Bảo là 3 ngôi báu mà chúng ta không thể nào tìm ra được trong đời sống vật chất, song chỉ có thể tìm thấy được trong phạm vi của Phật giáo. Ba ngôi báu ấy là Phật, Pháp, Tăng. Phật Pháp Tăng sao gọi là Tam-Bảo ? Vì Phật rất khó gặp, Pháp khó tìm, Tăng khó hành, và cả ba đều hiếm thấy trong đời sống chúng ta nên gọi là "bảo" vậy. Bảo có nghĩ là của báu hay vật quý giá khó tìm. Nơi nào có chùa thờ Phật, kinh điển được lưu truyền, tức là giáo pháp của Phật được lưu hành rộng rãi và đoàn thể tăng già an trú để tu học được gọi là Tam-Bảo. Người tăng sĩ đại diện cho chư Phật và các vị tổ sư để truyền bá giáo pháp của đức Phật cũng như hướng dẫn tín đồ tu học. Người Phật tử tại gia đặt trọn tinh tưởng vào các thầy lãnh đạo tinh thần, nhất là khi đã quy y với thầy ấy và quyết chí tu học để lánh dữ làm lành. Người Phật tử đã quy y là bắt đầu bước sang một giai đoạn mới trong đời sống tinh thần. Nó đánh dấu một thời điểm tinh thần rất quan trọng khó quên trong việc tu học ngay khi đã chánh thức quy y Tam-Bảo. Từ đây trở đi người tín đồ mới đủ tư cách nhận mình là một Phật tử chân chánh. Ngoài ra, chư tăng thay Phật để duy trì chánh pháp phải là những người hành trì giới luật nghiêm chỉnh và có tác phong đạo đức đàng hoàng để xứng đáng là nhà lãnh đạo tinh thần cho tín đồ Phật tử. Trong đời sống phức tạp và đa diện ngày nay, một số trường hợp người tu hành lợi dụng danh nghĩa tăng sĩ để lừa dối lòng tinh tưởng của người Phật giáo đồ, chúng ta nên mạnh dạn ly khai khỏi họ và tố cáo ra trước công luận những hạng người sâu dân mọt nước ấy, cũng như phải tìm cách khai trừ họ ra khỏi hàng ngũ tăng sĩ. 

Tam-Bảo hàm ý nghĩa quý báu, trong sạch mầu nhiệm làm điểm tựa cho hàng tín đồ tin theo, nếu chư Tăng thiếu giới đức thanh tịnh trang nghiêm thì không xứng đáng ở trong 3 ngôi báu vậy. 

38.- Giới Như Con Thuyền Có Lái Là Thế Nào ?  (^)

Từ việc nhỏ cho tới việc lớn chúng ta muốn thành công cần phải có sự ràng buộc hoặc sự giới hạn nào đó từ những điều lệ, bản nội quy, hiến chương v.v... là thước đo của những người ở trong việc điều hành một tổ chức. 

Trong kinh Phạm-Võng Bồ-Tát-Giới nói rằng giới là chiếc bè nổi đưa người vượt qua biển khổ. Biển khổ tức là dòng sanh tử luân hồi mà chúng sanh đang vướng mắc ở trong đó. Người tu theo Phật giáo mhờ biết được những giới cấm Phật dạy mà được thoát ra ba cõi, cũng như con thuyền có lái, con ngựa có dây cương ; giới cũng có công năng ràng buộc chặc chẽ như vậy. Một nhà tu không giữ giới thì còn gì để gọi được là có giá trị đạo đức ! Nói một cách khác, giới có công năng hướng dẫn chúng ta đúng theo đường ngay lẽ chánh để tu tập. Người nào biết áp dụng giới luật đúng mức ở trong bất cứ một tổ chức nào sẽ tạo cho mình có một phẩm cách đúng đắn đàng hoàng và cũng làm cho tổ chức phát triển và uy tín. Như vậy, người học Phật, việc giữ gìn giới luật lại càng quan trọng hơn. Giới có nhiều cấp bậc khác nhau từ thấp đến cao. Tùy theo phạm vi lãnh thọ của các chúng đệ tử Phật khác nhau mà có phân ra 5 giới, 10 giới, 48 giới, 250 giới v.v... 

Có người lý luận cho rằng tôi có đi tu đâu mà phải giữ giới cho mất tự do ? 

Điều lý luận như trên có phần không được chính xác, vì giữ giới là do chính ta phát nguyện lúc quy y Tam-Bảo và thọ các giới cấm, chứ không có ai bắt buộc, nhưng chỉ có lương tâm của chúng ta mới là quan tòa phán đoán đúng nhất. 

Ta tự khép mình vào trong khuôn khổ của bất cứ một hình thức sinh hoạt nào cũng có nghĩa là ta biết tuân theo giới luật vậy. 

39.- Nhàn Cư Vi Bất Thiện Là Gì ?  (^)

Câu tục ngữ của Việt-Nam mà những người thường đọc sách nhiều hay áp dụng là "nhàn cư vi bất thiện ..." Như vậy đứng về mặt giới luật mà nói câu ấy có tác dụng ra sao ? 

Nhàn cư vi bất thiện có nghĩa là người không có công việc gì làm hay ưa nghĩ bậy để giết chết thì giờ. Nếu chúng ta dùng thì giờ thừa vào việc giải trí lành mạnh cũng tạm chấp nhận được, nhưng phần nhiều những người không làm gì cả suốt quanh năm dễ đâm ra chán nản, bực bội. Có khi họ ngồi nghĩ ra kế hoạch, mưu mẹo tính toán làm mưa hại kẻ khác. Đó là chưa nói tới một số trường hợp, vì nhàn nhã mà người ta chuyên la cà nơi các quán rượu và tối ngày cứ say sưa đánh chén. Lúc về nhà họ đánh đập vợ con, gây gổ cải vả với hàng xóm làm xáo trộn sự yên tỉnh của người láng giềng. Trong số 100 người nhàn hạ, có tới 90 người làm việc bất chánh rồi. Người nào có công việc làm cũng bị bó buộc bởi một số điều kiện, luật lệ qui định sẵn, như mỗi ngày phải đến sở đúng giờ, phải làm việc chuyên cần, làm việc cho tới nơi tới chốn không bỏ dỡ dang ... đều là những quy ước tối thiểu của người tác viên cộng sự. 

Ở đời những ai còn khả năng làm việc mà không chịu lăn xã hy sinh lại chỉ lo trốn lánh việc nặng tìm việc nhẹ hay muốn hưởng nhàn đều là những phần tử bị xã hội ruồng bỏ lên án gắt gao. 

Những người ở không bất hợp pháp là con sâu đục mòn xã hội, cũng như những người tu hành không biết giữ giới đều là những kẻ đáng được đề phòng hơn cả. 

40.- Bồ Tát Sợ Gây Nhân Chúng Sanh Sợ Quả Báo Là Thế Nào ?  (^)

Chúng sanh là những kẻ còn phàm phu, tâm trí luôn luôn quay cuồng trong lạc thú ở đời, còn Bồ-Tát là những bậc tu hành đã giác ngộ nên sáng suốt, có thể biết được tâm niệm của kẻ khác. 

Bồ-Tát biết nhìn sâu rộng hơn trong nhiều lãnh vực, nhất là con đường sanh tử, nên không tạo ra cuộc đời xấu ác trong vòng lục đạo (thiên, nhân, A-tu-la, địa-ngục, ngạ-quỉ và súc-sanh). Do đó, các Ngài không bao giờ tái sanh làm người trở lại, trừ phi do một nguyện lực, các vị Bồ-Tát có thể trở lại nhân gian, nhưng mẫu người mà họ muốn phải có một cái quyền tối thiểu nói cho mọi người nghe và tin tưởng. Trong khi đó chúng sanh vốn biết mang thân xác hiện tại là khổ mà vẫn tạo sự ân ái dục tình, thì không biết đến kiếp nào mới dứt được quả báo khổ đau! 

Hai trạng thái trái ngược nầy cốt để khuyên răn người đời như là một điều giới cấm, không nên làm việc gì thái quá. Một ví dụ khác cho dễ hiểu hơn, tên trộm vốn biết thân phận của mình sẽ ra sao lở khi chủ nhân bắt được, nhưng vẫn cứ thèm thuồng món đồ phi nghĩa ! Một khi cái nhân chính là lòng tham lam không chừa mà chỉ lo sợ rằng mình sẽ vào tù là điều khó mong thoát được. Cũng như trong những cuộc chiến tranh đều là mầm mống của diệt chủng, thế nhưng các nước ôm mộng bá chủ hoàn cầu vẫn hăm he muốn chiếm đoạt các nước nhỏ láng giềng là điều không thể tránh gây ra đại họa cho mọi người. 

Biết ngăn ngừa để chận đứng những hành vi bất thiện trong mỗi người là chúng ta đã tạo được một hạt nhân tốt rồi. 

--- o0o ---

Mục Lục | Chương 1 | Chương 2 | Chương 3 | Chương 4 Chương 5|  Chương 6 | Chương 7 | Chương 8 | Chương 9

--- o0o ---

| Thư Mục Tác Giả |

--- o0o ---

Trình bày : Nhị Tường

Cập nhật ngày: 01-05-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

云南省拆除水箱套什么定额 华藏法门 寺院 募捐 lua Mộc người niệm phật chớ nên nghe nhiều hoÃ Æ Già 曹村村 阿彌陀經教材 デイスク回入と回出の意味 phap mon tinh do la phap mon dua tren nen tang tu vu lan báo hiếu hóa thân của lạt ma yeshe duong Kẹo nhai nicotine không tốt cho sức khỏe 七五三 広島 Туркестанская область ä å é Žæ 作æ 剃度出家 tu buoi le truyen ngoi cho con cua vua tran nhan ç ºä ç Ÿå æœ å œæ lien tri canh sach ç¾ thai Thân trung ấm lý お寺との付き合い 檀家 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 nhân vía bồ tát quán thế âm 19 ด หน ง 水子葬儀のお礼品とお祝いの方法 phÃƒÆ thu rÑi phát làm thế nào để vẹn toàn lễ nghĩa Đọc lam the nao de thuyet phuc bo me cho con di tu ThẠy 貪 嗔 癡 慢 สโตร ส รา モダン仏壇 激安仏壇店 phật giáo lễ 首座 vì sao vua lương võ đế cả đời xây