Phật Học - Phật ở trong lòng.

 

 

 

 

Phật ở trong lòng

Hòa thượng Thích Thiện Siêu

 

 

MỤC LỤC

 

1. Lời thưa

2. Phật ở trên chùa, Phật ở trong lòng

3. Muốn được yên vui sanh tồn cần phải học đạo

4. Đức Phật đản sanh

5. Bất diệt trong sinh diệt

6. Giản dị trong nếp sống

7. Cầu thấy Phật

8. Hạnh cứu khổ cúa Bồ tát Quán Thế Âm

9. Tâm từ bi

10. Mở trường giáo dục Tăng ni trẻ

11. Tại sao phải mở trường Phật học

12. Con rồng trong kinh điển Phật giáo

13. Nói với huynh trưởng

14. Không nên tự mãn khen người, chê người

15. Bố đại Hòa thượng

16. Tụng kinh là đem lại sự an lạc và hạnh phúc lâu dài

17. Hiếu hạnh

18. Tìm hiểu sơ lược về Phật giáo Ấn, Trung,Việt

19. Mong có hòa bình và hạnh phúc

20. Thế nào là chơn hạnh phúc

21. Ý nghĩa pháp khí trong đạo Phật

22. Phật pháp đại ý

23. Quy y Tam bảo

24. Nghi thức sám hối

25. Sám nguyện

26. Bát nhã tâm kinh (dịch)

 

1. Lời thưa

Gần ba năm qua, kể từ ngày cố Đại lão Hòa thuợng Bổn sư của chúng tôi là thượng nhân thượng Thiện hạ Siêu viên tịch, chúng tôi đã sưu tập, tái bản gần 20 tác phẩm của Hòa thượng gồm các công trình nghiên cứu, dịch thuật và các bài thuyết giảng. "Phật ở trong lòng" là một nỗ lực tiếp của chúng tôi, nhằm hoàn tất việc sưu tập toàn bộ di huấn tinh thần của bậc Tôn sư.

Đây là một tuyển tập gồm 25 bài, một số bài trong tập này đã được đăng tải trên các tạp chí, tập san Phật giáo từ nhiều chục năm nay mà chúng tôi chưa in vào các tuyển tập trước và một số bài thuyết giảng tại các Đạo tràng, các cơ sở giáo dục Phật giáo rải rác trong thập niên 1980 được ghi vào băng từ. Các đề tài rất giản dị, liên hệ đến nếp sống thường nhật của người con Phật, lại phản ánh một thể cách tâm linh trong sáng, hiền hòa, một niềm tin sâu đậm vào Tam Bảo, vào hạnh phúc chân chánh của đời người. Ở đây, giáo lý của đức Phật được diễn đạt một cách đơn giản, nhẹ nhàng, lại rất thâm trầm, hồn hậu; kinh điển, triết lý sống biến thành những lời giảng từ hòa, những lời dặn dò thâm thiết của bậc Thầy tận tụy vì hàng hậu học. Những ai đã từng tiếp xúc, thân cận với Hòa thượng hẳn sẽ một lần nữa, nhận ra được cái cảm giác được khai mở, được dạy dỗ, được yêu thương, khích lệ khi đọc tập sách này.

Nhân ngày lễ Giỗ đầu của Hòa thượng, chúng tôi xin ấn hành tập sách này, gọi là chút lòng thành tưởng niệm bậc Ân sư, đồng thời mong mỏi pháp ngữ của Hòa thượng đến với người đọc có ít nhiều lợi lạc.

Huế, Trọng Thu, Quý Mùi 2003, PL. 2547
MÔN ĐỒ PHÁP QUYẾN

 

2. Phật ở trên Chùa, Phật ở trong lòng

Đầu năm Sửu tại nơi đây chúng ta đã đặt viên đá đầu tiên để kiến thiết Sắc tứ Tịnh Quang tự. Thời gian thắm thoát đã hai năm, trải qua bao sự khó khăn vì thời tiết, vì công việc, vì trở ngại bên trong và bên ngoài. Trở ngại bên ngoài là thời khí, còn trở ngại bên trong là những ý kiến dị đồng. Những ý kiến có khi có thiện chí đóng góp cho sự xây dựng mau thành tựu tốt đẹp, nhưng cũng có những ý kiến nhiều khi không thuận cho việc xây dựng. Mặc dầu thế, Ban kiết thiết đã cố gắng kiên trì, vượt qua tất cả mọi khó khăn đó, để hoàn thành được phần cơ bản kiến thiết Sắc tứ Tịnh Quang tự đẹp đẽ như ngày hôm nay. Đó là nhờ thiện chí chung không những của Ban Kiến thiết mà còn của tất cả quí vị Tôn túc, các Phật tử xa gần và cũng nhờ sự thiện chí giúp đỡ của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Trị, đã nhiệt tình và nhận thức rõ, ngôi Sắc tứ Tịnh Quang tự này đã có một lịch sử gắn liền với đất nước, nhất là gắn liền với sự xây dựng miền đất tỉnh Quảng Trị. Nhờ sự thiện chí này một phần nào đó giúp cho hàng Phật tử chúng ta luôn luôn gắn bó với đạo, dù trải qua thời gian nào, có lúc thịnh lúc suy, dù khó khăn dù thuận lợi, nhưng lòng đạo của chúng ta không bao giờ thay đổi. Và biết đâu trong số chúng ta ngày hôm nay lại không thể không là những Phật tử đã có duyên lành xây dựng am Tịnh độ thời ngài Chí Khả ngày xưa.

Bởi vì theo quan niệm Phật giáo chúng ta thì con người không chỉ sinh ra nằm trong chiếc nôi và chấm dứt trong cái nhà mồ. Nhưng quan niệm Phật giáo chúng ta là con người có một mạng sống miên viễn lâu dài, một quan niệm không gian vô cùng và thời gian vô tận. Vì thế mà lòng sống đạo của chúng ta cũng đi theo quan niệm thời gian đó, không bị thời gian chi phối mà thay đổi.

Hôm nay, trong ngày kỵ giỗ Tổ, lại là lúc mà sự xây dựng Sắc tứ Tịnh Quang tự được hoàn thành cơ bản và các vị trong Ban Kiến thiết Tỉnh Giáo hội ở đây quyết định tổ chức lễ An vị Phật để phụng thờ.

Nhân đây tôi xin nói thêm về việc thờ tự như tại sao phải an vị Phật và an vị có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

Chúng ta an vị Phật là rước Phật trong lòng chúng ta đem thờ tại chùa, để khi nhìn thấy Phật tại chùa mà nhớ Phật trong lòng của chúng ta và cũng để làm duyên cho mọi người khác đến. Sau chúng ta có thể nhìn thấy Phật mà phát huy Đức Phật trong lòng của mình lên.

Nói về thờ Phật thì có câu chuyện của ngài Triệu Châu như sau:

Ngày xưa có một người đến chùa lạy Phật thì gặp Thiền sư Triệu Châu, ngài bảo vào chùa lễ Phật đi. Anh ta vào chùa ngó qua ngó lại vài vòng trở ra thưa rằng: Phật đâu có, chỉ có mấy vị tượng gỗ tượng đồng mà thôi. Ngài Triệu Châu nói: Chính là đó. Anh ta lại hỏi: Vậy thì Phật đâu? Ngài nói: Phật ở trong chùa.

Chúng ta hiểu thế nào về câu chuyện đối đáp của ngài với anh cư sĩ đến chùa lạy Phật? Cũng với tinh thần đó có một lần thượng đường, Thiền sư Triệu Châu đọc bốn câu kệ:

"Kim Phật bất độ lô,
Mộc Phật bất độ hỏa,
Thổ Phật bất độ thủy,
Chơn Phật tại Kỳ trung".

Nghĩa là:

"Phật vàng không qua khỏi lò,
Phật gỗ không qua khỏi lửa,
Phật đất không qua khỏi nước,
Phật thật ở trong đó".

Vua Lê Thánh Tông trong khi đọc bài kệ đó, đầu óc ông nặng kiến thức về Nho giáo cho nên vua quên câu sau: Chơn Phật tại kỳ trung mà vua chỉ đọc ba câu đầu rồi cho rằng: Phật không tự cứu được mình thì còn cứu ai! Chính ý kiến của vua Lê Thánh Tông ngày trước không hiểu đúng tinh thần Phật pháp thì lảng vãng đâu đó lúc này, lúc khác, sau này cũng có những người đem ý kiến đó ra để chê rằng: Phật không tự cứu lấy mình thì làm sao cứu được ai.

Vậy khi chúng ta thờ Phật, chúng ta phải cố gắng đọc cho hết 4 kệ đó, nhất là cố gắng đọc cho trọn ý nghĩa của câu chót: Chơn Phật tại kỳ trung, thì chúng ta mới thấy hết ý nghĩa của sự thờ Phật là cao cả như thế nào. Bởi vì Phật pháp bất ly thế gian giác, không ngoài sự tướng thế gian, không ngoài công việc thế gian mà có Phật pháp. Chính trong công việc thế gian, trong sự tướng thế gian mà có Phật pháp. Phật pháp ở trong đó với những tinh thần sáng suốt giác ngộ của những người hiểu Phật pháp.

Vì vậy, nếu chúng ta thờ Phật một cách trang nghiêm thanh tịnh thì chúng ta phải hiểu tinh thần bốn câu kệ của ngài Triệu Châu, khi ấy việc thờ Phật của chúng ta mới có ý nghĩa và việc thờ Phật của chúng ta mới đem lại sự an lạc cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Chính tinh thần từ bi đó của đạo Phật là tinh thần cởi mở, tinh thần hòa hợp, tinh thần bao dung, cho nên đạo Phật đã nối kết được tinh thần yêu nước chống ngoại xâm như là một chất keo nối kết quá khứ với hiện tại, gắn liền dân tộc từ xưa cho đến ngày hôm nay.

Trong chất keo để gắn bó tạo nên sự đoàn kết của nhân dân ta để tạo thành một sức mạnh giữ gìn độc lập cho dân tộc đến ngày hôm nay, chất keo ấy chính là đạo Phật. Và chất keo đó ngày nay vẫn còn.

Vì vậy tôi mong rằng, khi Phật đã thờ ở đây thì các Phật tử cố gắng đi chùa để tụng kinh, học Phật, nhất là cố gắng chiêm ngưỡng tượng Phật trên chùa để phát huy Đức Phật ở trong lòng của chúng ta lên. Được như thế thì sự thờ Phật của chúng ta mới đầy đủ ý nghĩa và mới đem lại cho chúng ta sự an lành thiết thực mà Đức Phật đã dạy bảo cho chúng ta.

Bấy nhiêu lời tôi xin cầu chúc quí vị Tôn túc và chư Phật tử luôn luôn được an lạc trong chánh pháp của Phật đà.

-ooOoo-

3. Muốn được yên vui sanh tồn cần phải học Phật

Xưa nay cho đến về sau cũng thế, có nhiều người vẫn còn thành kiến cho đạo Phật cũng chỉ là một Tôn giáo, có giá trị của một Tôn giáo như bao nhiêu Tôn giáo hiện đang lưu hành trên thế giới: Cơ Đốc giáo của Jésus Christ, Hồi giáo của Mô-ha-mét (Mohamet) v.v... mà nhân loại đã dành riêng cho nó một góc trời, một địa hạt để tùy tín ngưỡng tự do... Ngược lại, một số người cho Phật giáo không phải Tôn giáo mà là một Triết học, một học thuyết. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni với những thuyết lý của Ngài, cũng không khác Khổng Tử với thuyết Chánh danh, Lão Tử với thuyết Vô vi, Bergson với thuyết Trực giác, Darwin với thuyết Tiến hóa. Chúng ta không thể đồng tình, miễn cưỡng đứng vào một trong hai thái độ ấy; vì đứng vào đó, chúng ta sẽ giảm mất một phần sáng suốt để nhận chân một cái đạo chuộng lý trí, trọng thực hành, mở rộng từ bi phổ biến bình đẳng là đạo Phật, để cởi mở gông cùm đau khổ, vạch ra một con đường an vui giải thoát.

Nếu chúng ta cho Phật Giáo là Tôn giáo, được hiểu theo nghĩa thông thường, nó không phải mê tín thần quyền, chỉ ngưỡng mong sự cứu rỗi, tìm an vui, cầu hiểu sự thật, toàn bằng vào một chút lòng tin.

Nếu muốn nói Phật Giáo là Triết học, thì nó không phải huyền tưởng không đàm, phát minh bản thể sự vật, suy tầm lý lẽ xa xăm mà thiếu phương châm để thật chứng. Hay nếu muốn nói Phật Giáo là gì gì đi nữa, thì lời nói chúng ta cũng chỉ là lời phiến diện hẹp hòi. Chi bằng ta cứ nói ngay đạo Phật là đạo Phật, vì chính danh từ ấy đã chứng minh mạnh mẽ đạo Phật không phải Tôn giáo mê tín, không phải Triết lý không đàm. Đạo Phật nghĩa là đạo giác ngộ, nếu còn mê tín thời không thể giác ngộ, không đàm cũng không làm sao giác ngộ được.

Căn cứ lẽ đó, chúng ta nên biết đạo Phật rất bổ ích, thích hợp với sự tiến triển tốt đẹp của nhân loại; hơn nữa đạo Phật có thể hướng dẫn tâm trí nhân loại tới chỗ giác ngộ sự thật, chứ không phủ nhận lý trí, vì chính đạo Phật đã xây dựng trên lý trí thực nghiệm, đạo Phật có thể hướng dẫn hành động loài người tới chỗ hợp lý, bởi đạo Phật đã kiến lập trên thực tế tu hành.

Nói thêm cho rõ, đạo Phật đã hướng dẫn lý trí chúng ta đi về con đường nào? Nhứt là đối với hai vấn đề mà mọi người đều băn khoăn, vấn đề nhân sanh và vũ trụ, thì đạo Phật đã quan niệm nó thế nào?

Nói đến vũ trụ, ta ngó sang bên đông, ngó về bên tây, ngó lên tận trời, ngó xuống đáy bể, không đâu không phải vũ trụ, hình như là một khối chắc thật phổ biến bao bọc lấy ta và muôn loài, từ khi ta chưa sanh đã có, đến khi ta chết vẫn còn. Phải chăng vũ trụ đã thường còn đến thế? Nếu thật vậy, chúng ta rất hoan nghênh và đồng thanh hô lớn: Vũ trụ muôn năm. Nhưng xét kỹ lại, thì thấy đúng như lời Phật dạy sau đây: Cõi nước mong manh, không ngừng biến chuyển, nhờ sự quan hệ với nhau mà phát sinh và tồn tại, chứ đâu phải do một người nào làm ra, một nguyên nhân gì tạo lập. Trong đó một ngọn lá rơi, tức là vũ trụ thay hình, một khúc sông lở tức là vũ trụ đổi dạng. Nếu ta chú ý nhìn xem trong một ngày trạng huống của sự vật, từ lớn chí bé, ta đều thấy toàn chung một luật đổi thay. Cơn gió lốc thổi mạnh không thể trọn ngày, trận mưa to không suốt sáng, hoa kia sớm nở chiều tàn cùng biết bao ruộng dâu đã hóa bể, như thế thì vũ trụ có chi miên trường thật có, mà trái lại biến dịch mong manh; trong hưng thạnh đã ẩn vẻ điêu tàn, khi sanh thành là tiêu diệt, tuy có đó mà không đó, đổi dạng thay hình trong nháy mắt...

Vũ trụ thế ấy, còn nhân sanh thế nào? Thoạt tiên, ta ngó từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ một xã hội đến toàn thế giới, không đâu không có dấu chân, hình ảnh con người; phải chăng nhân sanh là những sự thật thường còn? Trước trước ta đã có, và sau sau ta vẫn còn; chính như thân ta từ khi lọt lòng mẹ đến bây giờ 10 năm, 20 năm, bảy tám mươi năm mà ta cứ vẫn là ta chứ không phải người nào khác. Nếu quả vậy là điều chúng ta rất hy vọng mà đồng thanh hô lớn: Nhân sanh vạn tuế. Nhưng xét sâu vào thực trạng nhân sanh, lại không khỏi làm cho ta ngậm ngùi suy nghĩ. Như lời Đức Phật dạy: Thân mạng không thường, nhân sanh thống khổ. Thật vậy, chẳng có bằng cớ gì tỏ cho ta thấy đời thường còn, an vui, tự tại cả. Thay đổi nào tướng mạo, màu sắc, tâm tính, ý chí; lúc mới sanh không giống lúc tuổi già, khi thành nhân khác hẳn khi bé nhỏ, nằm trong nôi há miệng đòi bú khác với lúc ngồi ăn cơm. Chẳng những thay đổi trong từng năm mà luôn từng ngày, từng giờ. Nên người xưa đã nói: Khi để chân lên giường cùng khi bỏ chân xuống đất, hai người đã không giống nhau. Và họ cũng đã viếr ra câu: Sáng như tơ mà tối lại như sương để tả mái tóc xanh vô định.

Ngoài luật vô thường thiên nhiên chi phối ấy, còn vô số lầm than đều được trút hết vào con người. Chưa ngớt khổ về nắng mưa đói rét, sống, chết, già, đau, lại dồn thêm nỗi thống khổ do đồng loại tham hận tương tàn gây nên, ai không thấy trạng huống nhân loại ngày nay, khổ vì ai đó, mà tiếng khóc lời than càng thêm kéo dài lan rộng, những nỗi oan ức bất bình càng ngày càng chất chứa lên cao tận trời xanh. Nghĩ đến cảnh đói rét bê tha, nhà hoang người vắng mà ai chẳng động lòng. Nhưng chưa gớm ghê và chua xót mấy bằng khi thấy mạng người như sợi tơ mảnh củi mục; sự sống chẳng còn chút gì bảo đảm, mặc dầu ngày nay pháp luật nhân đạo rất nhiều mà chưa được thi hành cũng lắm. Giá trị con người chẳng hơn gì loài vô tri giác, con người thay thế thú vật bị đau làm vật hy sinh, làm mồi ngon cho thần chết. Cái họa đồng loại tương tàn ngày nay ai cũng thấy rõ. Nếu ta thử đi hỏi từng người lớn bé trẻ già khắp thiên hạ có được mấy kẻ hân hoan mà trả lời với ta, đời họ không khổ vì ái ân xa lìa, vì oán thù gặp gỡ, vì uất hận bất bình, ghen ghét thất vọng... Cho nên có nhà thi sĩ đã ngâm:

Trắng răng đến kẻ bạc đầu,
Cùng mang tiếng khóc ban đầu mà ra.

Đời là một bể khổ, nên ai mới lọt lòng cũng đều cất tiếng khóc than!

Ôi! Nhân sanh như thế, vũ trụ như kia, vì ai nên nỗi! Người ta làm thế nào để tẩu thoát ngoài cõi đời ác trược nầy ư? Chúng ta mang câu hỏi ấy lần lữa đi hỏi từ người nầy sang người khác, nhưng hoàn toàn thất vọng, họ chỉ cho ta tìm xem sách Tôn giáo, Triết học, Khoa học v.v... Ta tìm sách Tôn giáo thì thấy phần nhiều chủ trương tương tợ với nhau rằng: "Tất cả vạn sự hay vạn vật khổ vui đều do xây dựng của trời sanh, trái với trời sanh là khổ, tin thuận trời sanh là vui". Song ta không tin vậy được; vì nếu trời sanh nhân đức, thì còn sanh ra chi cảnh khổ nầy; còn nếu trời sanh không nhân đức tài năng thì ta có tin cần cũng vô hiệu. Rồi ta lần tìm đến sách chánh trị, thì thấy trong đó rất dồi dào về pháp luật, điều ước, có thể dẹp nội loạn, chống ngoại xâm; song những nỗi khắc khoải của con người, nỗi thắc mắc trong tâm trí cùng các ác thần lão, bệnh, tử, sanh, mê mờ, thống khổ... chánh trị không thể dẹp yên. Thất vọng ở chánh trị, ta tìm sang khoa học, thì thật đã làm ta chóa mắt, bao nhiêu tài trí, biến hóa vô cùng, như thần tiên giáng thế, nó đã giúp ích cho nhân quần biết mấy; nhưng một điều mà khoa học không thể trả lời với ta: "Làm thế nào để ngăn đón lòng người nham hiểm, dùng sai khoa học, gây nên tai vạ máu sông xương núi, sát hại tàn khốc như ngày nay thì ai chịu trách nhiệm?" Do đó ta thấy khoa học đã nhiều mặt làm tốt nhưng cũng có mặt vô tình mài con dao bén trao tay cho kẻ hung tàn, thêm dầu vào đống lửa dục vọng để con người tự tay thiêu đốt thân mình.

Chưa thỏa mãn với khoa học, chúng ta thử hy vọng vào các học thuyết triết học. Triết học hầu hết là không đàm, thiếu phương châm diệt khổ. Nho giáo ư? Thì toàn là Lý tánh, Dịch số. Đạo giáo ư? Thì xương minh Huyền lý, Đơn đạo, nhưng đối với bản quyền sự vật giải quyết rất sơ sài, và phương pháp để tu hành thực chứng rất thiếu khuyết. Như thế chúng ta cũng thất vọng luôn với các học thuyết ấy và may mắn thay còn có đạo Phật. Chúng ta rất sung sướng mà nghe câu trả lời nầy của đạo Phật: "Vũ trụ vô thường nhân sanh thống khổ, không phải do trời sanh, đất dưỡng, không duy vật duy tâm". Vì trời là một pháp, đất cũng là một pháp, người là một pháp, cỏ cây cũng là một pháp, tâm là một pháp, vật cũng là một pháp, cho đến cái có là một pháp, mà cái rỗng không cũng là một pháp, không một pháp tồn tại biệt lập, nếu không nhờ sự quan hệ giúp nhau, không nhờ sự chi phối đối đãi theo cơ cảm mọi loài, tuy đồng mà biệt, tuy biệt mà đồng, một người tội ác, tự mình đau khổ còn gây đau khổ cho tất cả nữa. Cho nên sự sống khổ đau của nhân loại nầy không phải riêng ai định đoán cả, mà bởi tại con người; truy tầm căn nguyên xét tận gốc rễ, lại không phải tại con người mà bởi hành động con người; không phải bởi hành động con người mà tại tâm lý con người. Nên kinh dạy: "Vì tâm cấu nên chúng sanh cấu, nếu tâm tịnh thời chúng sanh tịnh". Vậy thì cõi đời ô trọc, xấu xa, khổ sở hoặc thanh tịnh tốt đẹp, an vui đều do tâm lý con người làm chủ động. Một tâm lý ích kỷ, mười tâm lý ích kỷ, trăm ngàn vạn tâm lý ích kỷ sẽ tập thành một thế giới đảo điên, tăm tối. Trái lại, một tâm lý từ bi, mười tâm lý từ bi, trăm ngàn vạn tâm lý từ bi sẽ dựng nên một Tịnh độ an lạc.

Khổ hay vui, trước mặt ta đã có sẵn hai con đường: Một con đường đến đọa lạc, tối tăm do tâm lý xấu, hành động xấu, và một con đường đến vinh quang, hạnh phúc do tâm lý tốt, hành động tốt. Vậy bây giờ chúng ta hãy lựa con đường nào mà đi? Dĩ nhiên, quí ngài cũng như tôi, chúng ta quyết lựa con đường nói sau, và chính con đường ấy là con đường chư Phật đã đi. Đi trên con đường ấy phải đủ hai điều kiện: Một là tập tánh vô ngã để diệt trừ lòng ích kỷ cá nhân, phái đảng, để nhận rõ lẽ tương quan sanh tồn, muốn sống an vui không phải tương tàn mà cần hỗ trợ. Hai là nhận đúng lý nhân quả, hành động theo nhân quả; biết rằng lời nói, hành động ấy sẽ trở lại với mình cũng thế, và nếu muốn hành động hợp lý phải có phương pháp hợp lý để thi hành. Dùng Phật giới để ngăn trừ hành vi xấu ác, dùng Phật định để tiêu diệt tâm niệm đảo điên loạn lạc, dùng Phật Tuệ để dẹp giặc vô minh, thấu lẽ vô thường, ngộ nhập chân lý.

Tóm lại chúng ta cần phải học Phật, vì đạo Phật không phải Tôn giáo, Triết học mà là đạo Giác ngộ. Có giác ngộ mới an vui, mới hợp lý, hợp tình giúp trí thức của chúng ta tiến hóa sáng suốt, giúp hành động của ta tiến hóa tốt đẹp để xây dựng một đời sống an vui thanh tịnh.

-ooOoo-

4. Đức Phật đản sanh

Hôm nay kỷ niệm Khánh đản của Ngài, chúng ta thành kính chuẩn bị đón mừng giờ phút thiêng liêng nhất là ngày Đức Bổn sư của chúng ta ra đời.

Trong lịch sử của Đức Phật có 4 ngày trọng đại đáng ghi nhớ, đó là ngày Đức Phật giáng sinh, Đức Phật xuất gia, Đức Phật thành đạo và Đức Phật nhập Niết-bàn. Và có 4 chỗ quan trọng nhất mà Đức Phật đã dặn: "Này Ananda, có 4 thánh tích mà kẻ thiện nam tín nữ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính đó là: 1) Chỗ Như Lai đản sanh; 2) Chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; 3) Chỗ Như Lai chuyển Pháp luân Vô thượng; 4) và chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn. Này Ananda, những ai trong khi đi chiêm bái những thánh tích mà từ trần với tâm thâm hoan hỉ thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh ở cõi thiện thú cảnh giới chư Thiên".

Như vậy là Ngài dạy, sau khi Ngài nhập Niết-bàn nếu các đệ tử của Ngài, người nào muốn tưởng nhớ Ngài, niệm ân Ngài thì hãy đi đến, nhớ đến bốn chỗ động tâm này: Đó là nơi Đức Phật Giáng sinh dưới gốc cây Vô ưu ở tại vườn Lâm-tỳ-ni, nơi Đức Phật Thành đạo dưới cội Bồ-đề tại núi Tượng Đầu, nơi Đức Phật Thuyết pháp tại vườn Lộc Uyển ở thành Ba-la-nại và nơi Đức Phật nhập Niết-bàn dưới gốc cây Ta-la song thọ ở thành Câu-thi-na. Đức Phật gọi chỗ đó là 4 chỗ động tâm là vì sao? Là bởi khi Đức Phật đã nhập Niết-bàn, chúng ta không còn thấy hình dung, ngôn ngữ của Ngài ở trước mặt, ở trong tâm của chúng ta nữa, do vậy chúng ta chỉ còn đem tâm tưởng nhớ tới những nơi Đức Phật đã sinh ra, đã chứng quả, đã thuyết pháp và đã nhập Niết-bàn. Cho nên ở giữa thế gian này gọi Ngài là Vua pháp.

Tại sao gọi Ngài là Vua pháp? Vua pháp có nghĩa là Ngài tự tại đối với muôn pháp. Điểm đặc biệt của Ngài từ khi sanh cho đến khi nhập diệt đều ở dưới gốc cây: Khi Ngài giáng sinh cũng ở dưới gốc cây, khi thành đạo cũng ở dưới gốc cây, khi thuyết pháp cũng ở trong vườn cây và khi nhập Niết-bàn cũng ở dưới gốc cây. Tuy ở dưới gốc cây nhưng Ngài hơn tất cả chúng ta, hơn tất cả mọi người ở trên ngai vàng nệm gấm, trên nhà cao cửa rộng mà không được giải thoát, không chứng nhập Niết-bàn và không cứu độ được ai. Ngược lại Đức Phật sanh ra, thành đạo, thuyết pháp và nhập Niết-bàn đều ở dưới gốc cây nhưng Ngài đã trở thành một bậc vĩ nhân, một bậc giải thoát, một đấng Vô thượng, Ngài là Đạo sư của tất cả chúng sanh của trời và người, Ngài đã dìu dắt chúng sanh trong tam giới vượt qua con đường sanh tử luân hồi, đưa người đến bờ giác ngộ.

Trong giờ phút trọng đại này, chúng ta hãy lắng lòng để tưởng nhớ tới ngày đản sanh của Ngài. Trước mắt chúng ta là những hình ảnh hiện ra khi Ngài xuất gia, ấy là khi Bồ-tát vừa ra khỏi thân mẹ là Hoàng hậu Ma Da. Ra khỏi thân mẹ, Ngài đã bước đi bảy bước trên hoa sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất và nói: "Trên trời dưới trời duy Ta là độc tôn". Để trở thành một Hoàng từ ở trong cung thì trước đó Ngài vốn là một vị Bồ-tát đã trải qua nhiều đời nhiều kiếp hành Bồ-tát đạo mà trong kinh Bổn sanh có ghi hơn 542 lần ghi đậm dấu ấn độ sanh của Ngài.

Chuyện kể rằng: Khi còn là vị Bồ-tát, có lúc Ngài khi thì làm loài này, khi thì đầu thai làm loài khác. Có lúc làm vua hiền, có khi làm con thảo, có lúc làm thầy hay, có khi làm bạn tốt, dù ở bất cứ loài nào, Ngài cũng đem lại lợi ích cho họ. Trải qua bao đời kiếp hành Bồ-tát đạo, hành hạnh tự lợi lợi tha, công việc quả mãn, tu hành nhiều pháp môn, tự giác giác tha đến khi duyên đã đủ phước đã đầy, trí toàn vẹn và kiếp cuối cùng làm một vị Bồ-tát tên Hộ Minh ở trên cung trời Đâu Suất, Bồ-tát chánh niệm chờ cho cơ duyên thuần thục thị hiện cõi Ta-bà mà giáo hóa cứu độ chúng sanh.

Từ cung trời Đâu Suất, Ngài nhìn thấy tại Ấn Độ, nơi hoàng cung của vua Tịnh Phạn là chỗ đáng để Ngài thác sinh, thị hiện làm thân người như bao người khác, nương vào đó mà giáo hóa độ thoát mọi loài. Khi thác sanh Ngài cỡi con voi trắng sáu ngà hiện xuống ứng mộng nơi Hoàng hậu Ma Da phu nhân và từ đó Ma Da phu nhân mới mang thai Bồ-tát cho đến ngày hạ sinh Ngài. Voi trắng sáu ngà là biểu tượng của Bồ-tát. Voi tượng trưng cho sức mạnh. Sáu ngà của voi cũng là điểm đặc biệt, vì trên thực tế không có con voi nào có 6 ngà hết, nhưng đây là hình ảnh tượng trưng cho vị Bồ-tát đã tu hành thành tựu được sáu độ là: 1) Bố thí độ xan tham; 2) Trì giới độ phá giới; 3) Nhẫn nhục độ sân hận; 4) Tinh tấn độ giải đãi, phóng túng; 5) Thiền định độ tán loạn; 6) Trí tuệ độ ngu si. Với sức mạnh của bố thí, Ngài đã bao kiếp thực hành hạnh bố thí. Ngài bố thí từ vật chất đến tinh thần. Về vật chất ai thiếu gì mà xin Ngài, Ngài đều bố thí cả. Ai xin mắt thì Ngài cho mắt, cho đến xin các bộ phận khác trong cơ thể Ngài đều cho hết, thậm chí đến cả vợ con nếu ai đến cầu xin Ngài cũng cho. Về tinh thần, thì Ngài đã nhiều lần hy sinh thân mạng để cứu vớt cho họ.

Ngài làm được việc khó làm đó là do Ngài ở trên lý Vô ngã để hành Bồ-tát đạo. Với hạnh bố thí, với sức mạnh nhẫn nhục, với sức mạnh trì giới, với sức mạnh tinh tấn, với sức mạnh thiền định và với sức mạnh trí tuệ mà Ngài đã thực hành, trải qua bao đời kiếp kết hợp lại nên Ngài đã thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên con voi trắng đó cũng là biểu tượng cho Đức Phật. Ngài từ cung trời Đâu Suất là vị Bồ-tát Hộ Minh cỡi voi trắng 6 ngà ứng mộng nơi bà Hoàng hậu Ma Da phu nhân, từ đó Bà mang thai và sau đó Đản sanh Ngài. Trong khi Đản sanh Ngài không phải như những người thường khác. Khi vừa hạ sanh Ngài đã đứng thẳng đi bảy bước có bảy hoa sen đỡ chân, nhìn bốn phương tám hướng mà xướng lên rằng: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn", nghĩa là: Trên trời dưới trời duy Ta là độc tôn. Với một hiện tượng lạ lùng như thế, nó bao gồm nhiều ý nghĩa sâu xa mà hôm nay chúng ta cầm tìm hiểu cho rõ.

Vào trong các ngôi chùa Việt Nam hiện nay thuộc Bắc tông, thấy hình tượng của Ngài bao giờ cũng ngồi trên hoa sen. Đức Phật khi sanh đi trên hoa sen, bởi chính Đức Phật là bông sen. Hoa sen là tượng trưng cho đức hạnh và trí tuệ của Ngài.

Có một lần Ngài đi trên đường, sau Ngài có một du sĩ ngoại đạo tên là Dona, nhìn thấy dấu chân in trên đất trên con đường mà Ngài đã đi qua, ông ta thốt lên: Ôi! Dấu chân này sao mà đẹp quá, từ xưa đến nay ta chưa thấy ai có dấu chân như thế này cả, ông thầm thán phục và đoán chắc đây là của một bậc vĩ nhân nào mới xuất hiện, nghĩ thế nên ông liền đến hỏi thăm. Người Ông đến hỏi thăm chính là Đức Phật. Ông nói: Thưa hiền giả, tôi vừa nhìn thấy một dấu chân in trên đường, rất đẹp, tôi đoán chắc đây là dấu chân của hiền giả chứ không ai khác, vì hiền giả vừa đi qua đây. Vậy xin hỏi hiền giả ngài có phải là Thiên thần không? Đức Phật trả lời: Không! Ta không phải là Thiên thần. Vậy Ngài có phải là Dạ-xoa không? Không! Ta không phải là Dạ-xoa. Vậy Ngài có phải là Càn-thát-bà không? Không! Ta không phải là Càn-thát-bà. Vậy Ngài là người chăng? Không! Ta không phải là loài người. Ngoại đạo Dona lấy làm ngạc nhiên. Ông ta lẩm bẩm: Không phải thần thì là người, không phải người thì Dạ-xoa, không phải Dạ-xoa thì Càn-thát-bà, không Càn-thát-bà thì là ai? Ngài không phải là những hạng vừa nêu trên vậy Ngài là ai? Ông ta không hiểu nổi, hỏi lại thì Đức Phật trả lời rằng: Ta là Dạ-xoa nhưng Dạ-xoa đã giác ngộ hơn tất cả các loài Dạ-xoa. Trước đây Ta là Càn-thát-bà nhưng là Càn-thát-bà đã giác ngộ và hiện không còn là Càn-thát-bà nữa. Ta là loài người nhưng Ta đã giác ngộ không còn sanh tử luân hồi nữa. Ta là trời nhưng Ta đã giác ngộ không còn là trời nữa. Vậy Ngài là ai? Ta là Phật. Ta ví như hoa sen sanh ra từ bùn, mọc lên từ bùn mà không nhiễm mùi bùn. Ta sanh ra trong đời, lớn lên trong đời nhưng không nhiễm mùi đời. Ta là hoa sen, như vậy ta là Phật. Chính ngay Đức Phật, Ngài cũng tự ví Ngài là hoa sen. Cho nên hoa sen tượng trưng cho Đức Phật, bởi vì hoa sen có một tính cách sinh từ bùn, lớn lên từ bùn mà không nhiễm mùi bùn. Đức Phật cũng thế, sanh ra trong đời, lớn lên trong đời mà không nhiễm mùi đời. Như vậy hoa sen là Phật và Phật cũng là hoa sen.

Khi Ngài sinh ra và bước trên bảy hoa sen có ý nghĩa như thế nào? Có người thắc mắc hỏi tại sao không bước 8 bước, 9 bước, 10 bước... mà lại chỉ bước có bảy bước thôi? Ở đây, theo thiển ý của tôi, nó có những ý nghĩa sâu xa và con số bảy chỉ là con số biểu trưng. Đức Phật sở dĩ thành Phật được là nhờ tu hành những pháp môn giải thoát mới thành Phật được. Phật tu hành gồm bảy pháp môn. Chính bảy pháp môn này đã đưa Ngài đến giác ngộ, giải thoát ra khỏi luân hồi sanh tử, đưa Ngài đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bảy pháp môn đó là gì? 1) Pháp môn Tứ Niệm xứ; 2) Pháp môn Tứ Chánh cần; 3) Pháp môn Tứ Như ý túc; 4) Pháp môn Ngũ căn; 5) Pháp môn Ngũ lực; 6) Pháp môn Thất Giác chi; 7) Pháp môn Bát Thánh đạo. Nói chung là 37 phẩm trợ đạo. Nhờ tu 37 phẩm trợ đạo mà Ngài thành tựu đạo giác ngộ Vô thượng Bồ-đề. Trong luận Đại Trí Độ tập I có nói: Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là con đường đi đến Niết-bàn, đi trọn con đường ấy là đến được Niết-bàn. Thành Niết-bàn có ba cửa là Không, Vô tướng, Vô tác. Lại nữa, 37 đạo phẩm là pháp thượng diệu nên chúng ta phải tìm hiểu. [1]

Khi giáng sinh Đức Phật bước trên mỗi bước đều có hoa sen, thành thử mỗi pháp môn là mỗi hoa sen. Bước trên mỗi pháp môn, đứng trên mỗi pháp môn, thực hành tất cả các pháp môn để thành Phật, đứng trên bảy hoa sen để đi tới thành một bậc Đại giác. Bảy hoa sen có ý nghĩa tu hành là như vậy. Ngoài ra nó còn có một ý nghĩa nữa là bảy hoa sen ở cõi Ta-bà có thể ví cho 7 vị Phật: Quá khứ, hiện tại đã có 7 Đức Phật ra đời, đó là Đức Phật Tỳ-bà-thi, Đức Phật Thi-khí, Đức Phật Tỳ-xá, Đức Phật Câu-lưu-tôn, Đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, Đức Phật Ca-Diếp và Đức Phật Thích-ca-Mâu-ni. Sáu hoa sen trước là tượng trưng cho sáu vị Phật đã sinh ra trước Ngài, và hoa sen sau thứ 7 là chính Ngài đứng trên đó. Ngài bước đi trên bảy hoa sen là để ví dụ cho 7 Đức Phật đã hiện sinh trên cõi Ta-bà thế giới này để hóa độ chúng sanh trong đó có Ngài.

Đức Phật đi bốn bước ngó bốn phương tám hướng và xướng lên câu: "Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn" (Trên trời dưới đất duy Ta là độc tôn) là nghĩa thế nào?

Trong con người của chúng ta cái gì là cao quí nhất? Con mắt, lỗ mũi, cái đầu, cái thân hay cái gì là cao quý nhất? Chẳng có cái gì cao quý hết. Nếu nói thân ta là cao quí thì thân ta do tứ đại cấu thành, bản chất nó cũng vô thường, là như huyễn. Còn nói cái tâm ta là cao quý chăng? Chính cái tâm chúng ta cũng không phải là cao quý. Nhưng cái thân cái tâm đó nếu không có nó không thành tựu được trí tuệ và từ bi, thành tựu được đạo đức và giác ngộ. Nhờ nhân duyên hòa hợp tạo thành cái đạo đức, cái trí tuệ, giác ngộ và chính đó mới là cái cao quý hơn cả. Cho nên một người dầu ăn mặc đẹp và sang trọng đến đâu, nếu không có tâm từ bi cũng không gọi là cao quý. Nói một cách chân thật đúng như pháp thì ai thành tựu được từ bi vô thượng, cứu cánh tột đỉnh của đức từ bi thì người đó là người cao thượng độc tôn hơn hết. Ai thành tựu được trí tuệ, giác ngộ tới tột đỉnh thì người đó là độc tôn.

Đức Phật đã thành tựu được từ bi và trí tuệ tột đỉnh như vậy cho nên Ngài xưng là "Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn". Nói đến cái Ta thì ai cũng có, trong quý vị, trong tôi ai cũng có cái ta hết. Giả sử có người xưng "Ta là độc tôn" thì chỉ là độc tôn trong một nhóm người, trong một đoàn thể đôi ba chục, thậm chí vài trăm cho đến vài chục triệu hay hơn nữa, nhưng chỉ độc tôn trong một thời gian nào đó, chứ không thể độc tôn mãi mãi, và cũng không thể độc tôn cả chư Thiên và loài người được. Độc tôn làm sao được khi chúng ta còn mang nặng tham sân si và nghiệp chướng nặng nề. Dù có ai đó điên điên khùng khùng mà xưng là độc tôn, thì độc tôn đó là độc tôn điên, độc tôn khùng chứ không phải độc tôn thật sự. Chỉ duy Phật là cứu cánh viên mãn, tột đỉnh đức từ bi và trí giác ngộ hoàn toàn, thì mới gọi là độc tôn vì Ngài đã thành tựu được tất cả. Đạt được từ bi giác ngộ tức là thành tựu được quả vị Vô thượng Bồ-đề nên Ngài xưng: Trên trời dưới đất duy Ta là độc tôn, vô lượng sanh tử hôm nay đã chấm dứt.

Trong vô lượng sanh tử qua bao đời kiếp, Ngài đã lưu chuyển trong tam giới và chính hôm nay là ngày chấm dứt không còn sanh tử nữa nên nói: Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn. Độc tôn đó ngày hôm trước như Đức Phật nói, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành. Như vậy để xác chứng Đức Phật đã thành tựu và Ngài xưng: Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn, thì giả sử một mai kia, chúng ta thành tựu được trí tuệ tột đỉnh, khi ấy chúng ta cũng xưng được là Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn, nhưng bây giờ thì chưa xưng được.

Thời Đức Phật ra đời tại Ấn Độ thì tín ngưỡng Bà-la-môn đã thịnh hành, họ cho rằng chỉ có Bà-la-môn là cao cả hơn hết, như Phạm thiên, như tạo hóa sinh ra muôn loài, sinh ra muôn vật. Muôn vật từ đó mà sinh ra. Ai có mặt trên cõi đời này cũng từ đấng Phạm thiên sinh ra, từ Thần chủ của Bà-la-môn mà sinh ra hết. Vậy thì những vĩ nhân, những bậc thánh giả sinh ra đó cũng từ Phạm thiên sinh ra, hoặc Phạm thiên sai xuống cõi đời này để thay mặt ngài mà dẫn dắt chúng sanh. Với một quan niệm phổ thông như vậy đã tồn tại trong xã hội Ấn Độ rất lâu và khi Đức Phật xuất hiện, quan điểm đó đã bị Ngài đánh đổ và để chúng sanh hiểu rằng, Ngài sinh ra không phải từ Phạm thiên, Ngài sinh ra không phải từ Bà-la-môn cho nên Ngài nói: Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn. Ta sinh ra tự chính ta, do nghiệp lực và phước báu từ nhiều đời kiếp trước mà thành tự quả vị, chứ không từ một vị trời, một vị thần Bà-la-môn nào cả.

Theo các tướng gia, Ngài sinh ra đời chỉ có hai con đường để chọn, một là làm Chuyển luân Thánh vương, hai là làm Phật. Để kiểm tra Ngài có đúng là bậc vĩ nhân không, một số gia chủ, một số các Giáo trưởng Bà-la-môn thường cho các môn đồ của mình đích thân đi kiểm tra xem Ngài có phải là một bậc vĩ nhân không, có đủ tiêu chuẩn mà xã hội Ấn Độ đề ra cho một bậc vĩ nhân không? Nếu đủ tiêu chuẩn của một bậc vĩ nhân thì một trong hai con đường vị ấy phải đi đó là làm Chuyển luân Thánh vương, trị nước an dân theo chánh pháp. Còn nếu đi tu thì sẽ thành một bậc Giác ngộ, cứu độ chúng sanh. Bậc vĩ nhân đó phải đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.

Ba mươi hai tướng là:

1. Lòng bàn chân bằng phẳng.
2. Lòng bàn chân có tướng bánh xe đủ ngàn tăm.
3. Ngón tay thon dài.
4. Gót chân rộng và bằng.
5. Ngón tay ngón chân có lưới lụa xòe như của chim nhạn.
6. Tay chân mềm mại.
7. Mu bàn chân cao và đầy.
8. Bắp đùi như Nai chúa Y-nê-diên.
9. Khi đứng thẳng ngón tay sờ đến đầu gối.
10. Tướng âm tàng như trâu chúa.
11. Thân cao và rộng cân đối như cây Ni-câu-loại.
12. Lông trên thân mọc xoay hướng lên.
13. Mỗi lỗ chân lông có một sợi lông.
14. Thân sắc vàng như màu hoàng kim.
15. Có ánh sáng một trượng.
16. Da mỏng, mịn.
17. Bảy chỗ trên thân đều đặn.
18. Dưới hai nách đầy đặn.
19. Phần thân trên như Sư tử.
20. Thân to lớn và thẳng.
21. Vai tròn và đẹp.
22. Có 40 cái răng.
23. Răng đều đặn.
24. Răng trắng trong.
25. Hai má như Sư tử.
26. Được thượng vị trong các vị.
27. Lưỡi rộng.
28. Có âm thanh như của trời Phạm thiên.
29. Mắt xanh biếc.
30. Lông mi như trâu chúa.
31. Nhục kế ở trên đầu.
32. Tướng lông trắng giữa hai chân mày. [2]

Và có 80 vẻ đẹp tùy hình: 1. Đỉnh đầu không thể thấy: 2. Mũi thẳng, cao, đẹp, lỗ mũi kín; 3. Mí mắt như trăng mới mọc, có màu xanh lưu ly; 4. Vành tai mọc thòng xuống; 5. Thân chắc thật như lực sĩ trời Na-la-diên; 6. Khớp xương như móc câu; 7. Mỗi lần thân xoay như voi chúa; 8. Khi đi chân cách đất bốn tấc, có dấu ấn hiện trên đất; 9. Móng tay màu hồng đỏ, mỏng và mướt; 10. Xương đầu gối cứng, tròn, đẹp; 11. Thân sạch sẽ; 12. Thân mềm mại; 13. Thân không cong; 14. Ngón tay tròn, thon; 15. Ngón tay đẹp; 16. Mạch sâu; 17. Mắt cá kín; 18. Thân mịn màng; 19. Thân vững chắc, đi không xiên xẹo; 20. Thân đầy đặn; 21. Thức đầy đủ; 22. Dung nghi đầy đặn; 23. Chỗ ở yên ổn không thể động; 24. Uy đức chấn động hết thảy; 25. Mọi người đều ưa xem; 26. Mặt không lớn dài; 27. Dung mạo đoan chính, không pha tạp; 28. Mặt đầy đủ; 29. Môi đỏ như màu trái Tần-bà; 30. Âm vang sâu lắng; 31. Rốn sâu, tròn, đẹp; 32. Lông trên thân xoay về phía hữu; 33. Tay đầy đủ; 34. Tay chân vừa ý; 35. Chỉ tay rõ ràng, ngay thẳng; 36. Chỉ tay dài; 37. Chỉ tay không dứt; 38. Chúng sanh ác tâm trông thấy hòa vui; 39. Mặt rộng, đẹp; 40. Mặt đầy đặn, trong sáng như trăng; 41. Theo ý chúng sanh vui vẻ cùng nói; 42. Lỗ chân lông tỏa mùi thơm; 43. Miệng tỏa mùi thơm; 44. Nghi dung như sư tử; 45. Đi đứng như voi chúa; 46. Cách đi như ngỗng chúa; 47. Đầu như quả Ma-la-đà; 48. Âm thanh rõ ràng; 49. Răng bén; 50. Sắc lưỡi màu hồng; 51. Lưỡi mỏng; 52. Sắc lông màu hồng; 53. Lông trong sạch; 54. Mắt rộng, dài; 55. Tướng các khiếu (lỗ) đầy đủ; 56. Tay chân trắng thuần như hoa sen; 57. Rốn không bày; 58. Bụng không bày; 59. Bụng nhỏ; 60. Thân không khuynh động; 61. Thân chắc nịch; 62. Phần thân lớn; 63. Thân cao ráo; 64. Tay chân sạch, mềm mại; 65. Hào quang thân dài một trượng; 66. Thân chiếu sáng khi đi; 67. Xem chúng sanh bình đẳng; 68. Không khinh chúng sanh; 69. Theo âm thanh của chúng sanh không quá, không giảm; 70. Thuyết pháp không sai khác; 71. Tùy theo ngôn ngữ của chúng sanh mà thuyết pháp; 72. Một lần phát âm, tiếng vang đến nhiều người; 73. Có nhân duyên theo thứ lớp thuyết pháp; 74. Có tướng hết thảy chúng sanh không thể xem hết được; 75. Người xem không nhàm chán; 76. Tóc dài, đẹp; 77. Tóc không rối; 78. Tóc xoáy, đẹp; 79. Màu tóc như ngọc xanh; 80. Tay chân có đức tướng.

*

Trong kinh Hi Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (Trung Bộ 123, Hòa thượng Minh Châu dịch) có mô tả sự hy hữu về cuộc đời Đức Phật như sau:

* Bồ-tát ở cung trời Đâu suất:

"Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, ghi nhớ từ Thế Tôn: "Chánh niệm tỉnh giác, Bồ-tát sanh và an trú trong thiên chúng Tusita (Đâu-suất) cho đến thọ mạng. Con thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị Tằng hữu của Thế Tôn".

* Bồ-tát nhập mẫu thai:

"Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, ghi nhớ từ Thế Tôn Bồ-tát sau khi từ Thiên chúng (Kàya) Tusita mạng chung, nhập vào mẫu thai".

"Khi Bồ-tát nhập vào mẫu thai, khi ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới ở trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên, và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến các thế giới ở giữa các thế giới, tối tăm, u ám, không có nền tảng những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, với đại oai lực như vậy như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và thế giới này chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới. Vì rằng bạch Thế Tôn... Con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn".

"Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, bốn vị thiên tử đến canh gác bốn phương trời và nói: "Không cho một ai, người hay không phải loài người được phiền nhiễu vị Bồ-tát hay mẹ vị Bồ-tát". "Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, ghi nhớ từ Thế Tôn: Mẹ của Bồ-tát không khởi dục tâm đối với một nam nhân nào, và mẹ vị Bồ-tát không bị xâm phạm bởi bất kỳ người đàn ông nào có nhiễm tâm".

"Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ của Bồ-tát tận hưởng 5 dục công đức đầy đủ, tận hưởng trọn vẹn 5 dục công đức".

"Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, Mẹ của Bồ-tát không bị một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỉ, với tâm khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ-tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay. Ví như viên ngọc lưu ly, thanh tịnh, thuần nhất, có 8 cạnh khéo cắt, khéo giũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Rồi một sợi dây được xâu qua viên ngọc ấy, dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lợt. Nếu có người có mắt để viên ngọc trên bàn tay của mình người ấy sẽ thấy rõ ràng: "Đây là viên ngọc lưu ly, thanh tịnh, thuần nhất, có 8 cạnh khéo cắt, khéo giũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Rồi một sợi dây được xâu qua viên ngọc ấy, dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lợt. Cũng vậy này Ananda, khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát không bị một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với tâm khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ-tát đầy đủ bộ phận và chân tay".

* Mẹ Bồ-tát mệnh chung và sanh lên Đâu suất:

"Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, ghi nhớ từ Thế Tôn: "Sau khi sanh vị Bồ-tát 7 ngày, mẹ của Bồ-tát mệnh chung sanh lên cõi trời Đâu suất".

* Mẹ Bồ-tát mang thai Bồ-tát 10 tháng mới sinh:

"Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, ghi nhớ từ Thế Tôn: "Trong khi các người đàn bà khác mang bào thai trong bụng 9 tháng hay 10 tháng rồi mới sanh, mẹ vị Bồ-tát sanh vị Bồ-tát không phải như vậy. Mẹ vị Bồ-tát mang vị Bồ-tát trong bụng 10 tháng rồi mới sanh".

* Mẹ Bồ-tát đứng và sanh Bồ-tát:

"Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, ghi nhớ từ Thế Tôn: "Trong khi các người đàn bà khác, hoặc ngồi hoặc nằm mà sanh con, mẹ vị Bồ-tát sanh vị Bồ-tát không phải như vậy. Mẹ vị Bồ-tát đứng mà sanh vị Bồ-tát".

* Khi sanh vị Bồ-tát chư Thiên đi trước rồi mới đến loài người:

"Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, ghi nhớ từ Thế tôn: "Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, vị Bồ-tát không đụng đến đất. Có 4 Thiên tử đỡ lấy Ngài, đặt Ngài trước bà mẹ và thưa: "Hoàng hậu hãy hoan hỉ, Hoàng hậu sanh một bậc vĩ nhân".

"Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh. Như viên ngọc Ma-ni Bảo châu đặt trên một tấm vải Ba-la-nại. Hòn ngọc không làm nhiễm ô tấm vải Ba-la-nại, tấm vải Ba-la-nại cũng không làm nhiễm ô hòn ngọc. Vì sao vậy? Vì cả hai đều thanh tịnh. Cũng vậy khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, bởi loại mủ nào, bởi loại máu nào, bởi loại vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch".

* Khi sanh Bồ-tát có hai dòng nước chư Thiên tắm cho người:

"Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, hai dòng từ hư không hiện ra, một dòng lạnh một dòng nóng. Hai dòng nước ấy tắm rửa sạch sẽ cho vị Bồ-tát và cho bà mẹ".

* Sau khi sanh Bồ-tát Ngài bước đi bảy bước:

"Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, ghi nhớ từ Thế Tôn: "Vị Bồ-tát khi sanh ra Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc bước đi bảy bước, một lọng trắng được che lên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương lên tiếng như con Ngưu vương, thốt ra lời như sau: Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời! Ta là bậc cao nhất ở trên đời! Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa."

* Khi sanh Bồ-tát quả đất rung động, ánh sáng chiếu khắp:

"Bạch Thế Tôn, con tận mắt nghe, ghi nhớ từ Thế Tôn: Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, khi ấy một hào quang vô lượng thần diệu thắng xa oai lực của chư Thiên, hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên, và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, các chư Thiên và loài người. Cho đến các cảnh giới ở giữa các thế giới, tối tăm, u ám, không có nền tảng, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy một hào quang vô lượng thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại các chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và 10 ngàn thế giới này chuyển động rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới". Vì rằng bạch Thế Tôn... Con thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn".

"Do vậy, này Ananda, hãy thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Như Lai".

*

Kinh Đại Bổn trong Trường Bộ, bài kinh số 14, thuộc Kinh tạng Pàli do Hòa thượng Minh Châu phiên dịch, cũng mô tả việc sự xuất hiện của vị Bồ-tát Tỳ-bà-thi (Vipassi) từ cung trời Đâu-suất xuống cõi Ta-bà, cũng giống như sự xuất hiện của Bồ-tát Hộ Minh ở giữa cõi đời để cứu độ chúng sanh. Hành trạng của các Ngài xuất hiện với mục đích duy nhất là để làm Phật, đột thoát mọi loài ra khỏi bể khổ trầm luôn, đưa chúng sanh về với con đường giải thoát và giác ngộ. Chúng ta hãy đọc qua sự xuất hiện của Bồ-tát Tỳ-bà-thi để đối chiếu với sự xuất hiện của đức Phật Thích-ca sinh ra ở cõi Ta-bà này.

* Từ Đâu-suất Bồ-tát nhập mẫu thai:

Bồ-tát sau khi từ giã cảnh giới Đâu suất thiên chánh niệm tỉnh giác nhập vào mẫu thai. Khi ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên, và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, các vị hoàng tử và dân chúng cho đến các cảnh giới ở giữa các thế giới tối tăm, u ám, không có nền tảng, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu trong những cảnh giới ấy một hào quang vô lượng thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại các chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và 10 ngàn thế giới này chuyển động rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới.

Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, bốn vị Thiên tử đứng canh gác 4 phương trời và không cho một ai, người hay không phải loài người, được hãm hại vị Bồ-tát.

Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát giữ giới một cách hồn nhiên: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống các thứ rượu nấu, rượu lên men.

Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát không khởi dục tâm đối với bất cứ một nam nhân nào và không vi phạm tiết hạnh với bất kỳ một người đàn ông nào dầu người ấy có tâm ái nhiễm đối với bà.

Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát không bị bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với thân khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ-tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay. Ví như viên ngọc lưu ly, thanh tịnh, thuần nhất, có 8 cạnh khéo cắt, khéo giữa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Rồi một sợi dây được xâu qua viên ngọc ấy, dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lợt. Nếu có người có mắt để viên ngọc trên bàn tay của mình, người ấy sẽ thấy rõ ràng: "Đây là viên ngọc lưu ly, thanh tịnh, thuần nhất, có 8 cạnh khéo cắt, khéo giũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Rồi một sợi dây được xâu qua viên ngọc ấy, dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lợt. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát không bị bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với thân khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ-tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay.

* Mẹ Bồ-tát mệnh chung 7 ngày sau khi sanh Bồ-tát:

Sau khi sanh vị Bồ-tát 7 ngày, mẹ vị Bồ-tát mệnh chung, sanh lên cảnh trời Đâu-suất.

* Mười tháng mới sanh Bồ-tát:

Trong khi các người đàn bà khác mang bào thai trong bụng 9 tháng hay 10 tháng mới sanh, mẹ vị Bồ-tát sinh vị Bồ-tát không phải như vậy. Mẹ vị Bồ-tát mang vị Bồ-tát 10 tháng rồi mới sanh.

* Mẹ Bồ-tát đứng và sanh:

Trong khi các người đàn bà khác hoặc ngồi hoặc nằm mà sanh con, mẹ vị Bồ-tát sanh vị Bồ-tát không phải như vậy. Mẹ vị Bồ-tát đứng mà sanh vị Bồ-tát.

* Khi sanh chư Thiên đỡ Ngài trước:

Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, chư Thiên đỡ lấy Ngài trước, sau mới đến loài người.

* Khi sanh Bồ-tát không đụng đến đất:

Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, vị Bồ-tát không đụng đến đất. Có 4 Thiên tử đỡ lấy Ngài đặt Ngài trước bà mẹ và thưa: "Hoàng hậu hãy hoan hỷ. Hoàng hậu sanh một bậc vĩ nhân".

* Khi sanh Bồ-tát không bị nhiễm ô:

Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớp nào, bởi loại mủ nào, bởi loại máu nào, bởi bất cứ vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch".

Như viên ngọc Ma-ni Bảo châu đặt trên một tấm vải Ba-la-nại. Hòn ngọc không làm nhiễm ô tấm vải Ba-la-nại, tấm vải Ba-la-nại cũng không làm nhiễm ô hòn ngọc. Vì sao vậy? Vì cả hai đều thanh tịnh. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớp nào, bởi loại mủ nào, bởi loại máu nào, bởi loại vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch".

* Bồ-tát sau khi sanh được chư Thiên phun nước tắm sạch sẽ cho Bồ-tát:

Khi vị Bồ-tát sanh ra, hai dòng nước từ hư không hiện ra, một dòng lạnh, một dòng nóng. Hai dòng nước ấy tắm rửa sạch sẽ cho vị Bồ-tát và cho bà mẹ.

* Sau khi sanh Bồ-tát bước đi 7 bước:

Vị Bồ-tát khi sinh ra, Ngài đứng vững thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía bắc bước đi 7 bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con Ngưu vương, thốt ra lời như sau: "Ta là bậc tối thượng trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng không còn phải tái sanh ở đời này nữa".

* Khi Bồ-tát sanh, hào quang chiếu khắp thế giới:

Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, khi ấy một hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới trên chư Thiên, các thế giới của Ma vương và Phạm thiên, và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, các vị Hoàng tử và dân chúng. Cho đến các cảnh giới ở giữa các thế giới không có nền tảng, u ám, tối tăm, những cảnh giới mà mặt trăng và mặt trời với đại thần lực, với đại oai đức như thế cũng không thể chiếu thấu. Trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới được thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng thần diệu ấy thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới.

* Khi sanh ra Bồ-tát có đủ 32 tướng tốt:

Sinh Bồ-tát ra và được báo tin cho vua hay: "Đại vương, Hoàng hậu đã sinh được một hoàng tử". Khi thấy Hoàng tử xong, vua liền cho mời các vị Bà-la- môn đoán tướng và nói: "Này các hiền giả, hãy xem tướng cho Hoàng tử". Khi xem tướng Hoàng tử xong các vị Bà-la-môn đoán tướng tâu với vua: "Đại vương hãy hân hoan; Đại vương đã sanh một bậc vĩ nhân! May mắn thay cho Đại vương, đại hạnh thay cho Đại vương đã được một Hoàng tử như vậy sanh trong gia đình. Tâu Đại vương vị Hoàng tử này có đủ 32 tướng tốt của bậc Đại nhân. Ai có đủ 32 tướng tốt sẽ chọn hai con đường này thôi, không có con đường nào khác. Nếu sống tại gia đình, người này sẽ trở thành Chuyển luân Thánh vương, dùng Chánh pháp trị nước, bình định 4 phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ 7 món báu. Bảy món báu trở thành vật sở hữu của vị này, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và thứ bảy là tướng quân báu. [3] Vị này có đến hơn một ngàn thái tử, những bậc anh hùng, lực sĩ, chinh phục quân thù. Vị này chinh phục cõi đất này cho đến hải biên và trị nước với chánh pháp không dùng trượng, không dùng đao. Nếu vị này từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình, vị này sẽ thành bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác vén màn vô minh che đời.

* Bồ-tát có 32 tướng tốt sẽ chọn một là đi tu, hai là làm vua:

Đại vương, 32 tướng tốt của bậc đại nhân là gì mà Hoàng tử nếu đầy đủ những tướng tốt này sẽ chọn đi hai con đường, không có con đường nào khác. Nếu sống tại gia đình, vị này sẽ trở thành vua Chuyển luân Thánh vương, dùng Chánh pháp trị nước, bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ món báu. Bảy món báu trở thành vật sở hữu của vị này, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và thứ bảy là tướng quân báu. Vị này có đến hơn một ngàn thái tử, những bậc anh hùng, lực sĩ, chinh phục quân thù. Vị này chinh phục cõi đất này cho đến hải biên và trị nước với chánh pháp không dùng trượng, không dùng đao. Nếu vị này từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình, vị này sẽ thành bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác vén màn vô minh che đời.

* 32 tướng tốt của Bồ-tát:

1. Tâu Đại vương, Hoàng tử có lòng bàn chân bằng phẳng, tướng này được xem là tướng tốt của bậc Đại nhân.
2. Dưới hai bàn chân của Hoàng tử này, có hiện ra hình bánh xe, với ngàn tăm xe, với trục xe và bánh xe, với các bộ phận hoàn toàn đầy đủ, tướng này được xem là tướng tốt của bậc Đại nhân.
3. Hoàng tử này có gót chân thon dài.
4. Hoàng tử này có ngón tay ngón chân thon dài.
5. Hoàng tử này có tay chân mềm mại.
6. Hoàng tử này tay chân có màn da lưới.
7. Hoàng tử này có mắt cá tròn như con sò.
8. Hoàng tử này có ống chân như con dê rừng.
9. Hoàng tử này đứng thẳng, không co lưng xuống có thể rờ đầu gối với hai bàn tay.
10. Hoàng tử này có tướng mã âm tàng.
11. Hoàng tử này có màu da như đồng, màu sắc như vàng.
12. Hoàng tử này có da trơn mướt khiến bụi không thể bám dính vào.
13. Hoàng tử này có lông da mọc từ lông một, mỗi lỗ chân lông có một lông.
14. Hoàng tử này có lông mọc xoáy tròn thẳng lên, mỗi sợi lông đều vậy, màu xanh đậm như thuốc bôi mắt, xoáy lên từng xoáy tròn nhỏ, và xoáy về hướng mặt.
15. Hoàng tử này có thân hình cao thẳng.
16. Hoàng tử này có bảy chỗ tròn đầy.
17. Hoàng tử này có nửa thân trước như con Sư tử.
18. Hoàng tử này không có lõm khuyết xuống giữa hai vai.
19. Hoàng tử này có thân thể cân đối như cây bàng (nigrodha: ni-câu-luật). Bề cao của thân ngang bằng bề dài của hai tay sải rộng, bề dài của hai tay sải rộng ngang bằng bề cao của thân.
20. Hoàng tử này có bán thân trên vuông tròn.
21. Hoàng tử này có vị giác hết sức sắc bén.
22. Hoàng tử này có quai hàm như con Sư tử.
23. Hoàng tử này có 40 cái răng.
24. Hoàng tử này có răng đều đặn.
25. Hoàng tử này có răng không khuyết hở.
26. Hoàng tử này có răng cửa (thái xỉ) trơn láng.
27. Hoàng tử này có tướng lưỡi rộng dài.
28. Hoàng tử này có giọng nói tuyệt diệu như tiếng chim Ca-lăng-tần-già (Karavika).
29. Hoàng tử này có hai mắt màu xanh đậm.
30. Hoàng tử này có lông mi như con bò cái.
31. Hoàng tử này giữa hai lông mày có sợi lông trắng mọc lên, mịn màng như bông nhẹ.
32. Hoàng tử này có nhục kế trên đầu, tướng này được xem là tướng tốt của bậc Đại nhân.

Tâu Đại vương, vị Hoàng tử này có đủ 32 tướng tốt của bậc Đại nhân. Ai có đủ 32 tướng tốt sẽ chọn hai con đường này thôi, không có con đường nào khác. Nếu sống tại gia đình, người này sẽ trở thành Chuyển luân Thánh vương, dùng Chánh pháp trị nước, bình định 4 phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ 7 món báu.

Vua ra lệnh cúng dường các vị Bà-la-môn đoán tướng ấy, các áo vải mới và làm thỏa mãn mọi sự đòi hỏi ước muốn."

* Có bốn người vú nuôi săn sóc Thái tử:

Vua cho nuôi những bốn người vú cho Hoàng tử: Người cho bú, người lo tắm, người lo bồng ẳm, người mang trên nách. Lọng trắng ngày đêm được che trên Hoàng tử và lệnh được truyền ra: "Không được để lạnh hay nóng, cỏ, bụi hay sương làm phiền Hoàng tử". Hoàng tử được mọi người âu yếm. Cũng như hoa sen xanh, hoa sen hồng hay hoa sen trắng được mọi người yêu thích; cũng vậy, Hoàng tử được mọi người âu yếm, gần như được ẳm từ nách người này qua nách người khác".

* Tiếng nói của Bồ-tát như chim Ca-lăng-tần-già:

Khi Hoàng tử được sanh ra, Hoàng tử phát âm rất là tuyệt diệu, âm vận điều hòa, dịu ngọt và hấp dẫn, giống như con chim Ca-lăng-tần-già sinh trong núi Hy-mã-lạp, giọng chim rất tuyệt diệu, âm vận điều hòa, dịu ngọt và hấp dẫn; cũng vậy, Hoàng tử phát âm rất là tuyệt diệu, âm vận điều hòa, dịu ngọt và hấp dẫn".

* Mắt Bồ-tát có thể nhìn suốt 1 do tuần, không nhấp nháy:

Khi Hoàng tử sanh ra, Thiên nhãn hiện ra với Ngài, do nghiệp báo sanh và nhờ Thiên nhãn ấy, Ngài có thể nhìn thấy khắp xung quanh cho đến 1 do tuần, ban ngày cũng như ban đêm".

Khi Hoàng tử sanh ra, Ngài nhìn thẳng sự vật với cặp mắt không nhấp nháy, như hàng chư Thiên ở Tam-thập-tam-thiên. Vì Hoàng tử nhìn không nháp nháy, Hoàng tử được gọi tên là: "Vị đã nhìn thấy". Khi vua ngồi xử kiện, vua cho đặt Hoàng tử ngồi bên nách mình để xử kiện, Hoàng tử ngồi bên nách cha như vậy và chú tâm quan sát phương thức xử kiện đến nỗi tự mình cũng có thể phán đoán xử kiện. Do Hoàng tử "có thể quan sát và xử kiện đúng luật pháp".

* Vua cho dựng 3 tòa lâu đài cho Thái tử ở:

Rồi vua cho xây dựng 3 tòa lâu đài cho Hoàng tử, một cho mùa mưa, một cho mùa đông, một cho mùa lạnh, và 5 món dục lạc đều được chuẩn bị đầy đủ. Hoàng tử sống 4 tháng mưa trong lâu đài dành cho mùa mưa, được hầu hạ mua vui với các nữ nhạc sĩ và không một lần nào, Ngài bước xuống khỏi lầu".

* Thái tử dạo chơi vườn Ngự Uyển:

Hoàng tử sau thời gian nhiều năm cho gọi người đánh xe:

"Này khanh, hãy cho thắng các cỗ xe thù thắng, chúng ta sẽ đi đến vườn ngự uyển để xem phong cảnh". "Thưa vâng, Hoàng tử", người đánh xe vâng lời Hoàng tử, cho thắng các cỗ xe thù thắng rồi bạch Thái tử: "Tâu Thái tử các cỗ xe thù thắng đã thắng xong, hãy làm những gì Thái tử xem là hợp thời". Lúc ấy Thái tử leo lên cỗ xe thù thắng và cùng với các cỗ xe thù thắng khác, tiến đến vườn ngự uyển".

* Thấy cảnh già là khổ:

Hoàng tử đi đến vườn ngự uyển, thấy một người già nua, lưng còng như nóc nhà, chống gậy, vừa đi vừa run rẩy, khổ não, không còn đâu là tuổi trẻ. Thấy vậy Hoàng tử hỏi người đánh xe: "Này khanh, người ấy là ai vậy? Sao tóc người đó không giống các người khác? Sao thân người đó không giống các người khác?"

- "Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là người già vậy".

- "Này khanh, sao người ấy được gọi là người già?"

- "Tâu Hoàng tử, người ấy gọi là người già vì nay người ấy sống không bao lâu nữa".

- "Này khanh, rồi Ta có bị già không, một người chưa quá tuổi già?"

- "Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta tất cả sẽ bị già nua, dầu chúng ta chưa quá tuổi già!".

- "Này khanh, nay Ta thăm vườn ngự uyển vậy là vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung".

"Thưa vâng, Hoàng tử", người đánh xe vâng theo lời hoàng tử, cho đánh xe trở về cung. Hoàng tử về trong cung đau khổ sầu muộn và suy nghĩ: "Sĩ nhục thay cái gọi là sanh. Vì ai sanh ra cũng phải già yếu như vậy!".

* Vua hỏi việc dạo chơi của Thái tử ở ngự uyển có vui không?

Khi ấy vua cho gọi người đánh xe và hỏi: "Này khanh, Hoàng tử có vui vẻ không, ở vườn ngự uyển, có hoan hỷ không, tại vườn ngự uyển?"

- "Tâu Đại vương, Hoàng tử không có vui vẻ tại vườn ngự uyển và cũng không có hoan hỷ tại vườn ngự uyển".

- "Này khanh, khi đến vườn ngự uyển Hoàng tử đã thấy gì".

"Tâu Đại vương, Hoàng tử trong khi đi đến vườn ngự uyển, thấy một người già nua, lưng còng như nóc nhà, chống gậy vừa đi vừa run rẩy, khổ não không còn đâu là tuổi trẻ. Thấy vậy, Hoàng tử hỏi con: "Này khanh, người đó là ai vậy? Sao tóc người đó không giống các người khác? Sao thân người đó không giống các người khác?"

- "Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là người già vậy". "Này khanh, sao người ấy được gọi là người già?" "Tâu Hoàng tử, người ấy gọi là người già vì nay người ấy sống không bao lâu nữa". "Này khanh, rồi Ta có bị già không, một người chưa quá tuổi già?"

- "Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta tất cả sẽ bị già nua, dầu chúng ta chưa quá tuổi già!".

- "Này khanh, nay Ta thăm vườn ngự uyển vậy là vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung".

- "Thưa vâng, Hoàng tử".

Tâu Đại vương con vâng theo lời Hoàng tử, cho đánh xe trở về cung. Tâu Đại vương, Hoàng tử về trong cung đau khổ sầu muộn và suy nghĩ: "Sĩ nhục thay cái gọi là sanh. Vì ai sanh ra cũng phải già yếu như vậy!".

* Vua ngăn không cho Thái tử xuất gia:

Khi ấy vua suy nghĩ: "Không thể để cho Hoàng tử từ chối không trị vì. Không thể để cho Hoàng tử xuất gia! Không thể để cho lời các vị Bà-la-môn đoán tướng trở thành sự thật".

Rồi Vua lại sắp đặt cho Hoàng tử đầy đủ 5 món dục lạc nhiều hơn nữa, để Hoàng tử có thể trị vì, để Hoàng tử khỏi phải xuất gia, để cho lời các vị Bà-la-môn đoán tướng không thể trở thành sự thật. Và vua tăng cường cho Hoàng tử sống tận hưởng đầy đủ sung túc 5 món dục lạc".

* Thái tử thấy cảnh bệnh hoạn là khổ:

Hoàng tử khi đang đi đến vườn ngự uyển, thấy một người bệnh hoạn, khổ não, nguy kịch, bò lết trong tiểu tiện đại tiện của mình, cần có người khác nâng đỡ, cần có người khác dìu dắt. Thấy vậy Hoàng tử hỏi người đánh xe: "Này khanh, người này đã làm gì mà mắt của nó không giống mắt của người khác, giọng nói của nó không giống giọng nói của những người khác?"

- "Tâu Hoàng tử, đó là một người được gọi là người bệnh vậy".

- "Này khanh, người ấy sao được gọi là một người bệnh?"

- "Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là một người bệnh vì người ấy chưa thoát khỏi căn bệnh của mình".

- "Này khanh, vậy rồi Ta có bị bịnh không, một người chưa bị bịnh?"

- "Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, tất cả chúng ta sẽ bị bệnh tật, dầu chúng ta chưa bị bịnh tật".

- "Này khanh, nay Ta thăm vườn ngự uyển vậy là vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung".

"Thưa vâng, Hoàng tử". Người đánh xe vâng theo lời Hoàng tử, cho đánh xe trở về cung. Hoàng tử về trong cung đau khổ sầu muộn và suy nghĩ: "Sĩ nhục thay cái gọi là sanh. Vì ai sanh ra cũng phải già, cũng phải bệnh!".

* Vua hỏi việc dạo chơi lần 2 của Thái tử:

Khi ấy vua cho gọi người đánh xe và hỏi:

- "Này khanh, Hoàng tử có vui vẻ không, ở vườn ngự uyển? Này khanh, Hoàng tử có hoan hỷ không, tại vườn ngự uyển?"

- "Tâu Đại vương, Hoàng tử không có vui vẻ tại vườn ngự uyển và cũng không có hoan hỷ tại vườn ngự uyển".

- "Này khanh, khi đến vườn ngự uyển Hoàng tử đã thấy gì?"

"Tâu Đại vương, Hoàng tử khi đang đi đến vườn ngự uyển, thấy một người bệnh hoạn, khổ não, nguy kịch, bò lết trong tiểu tiện đại tiện của mình, cần có người khác nâng đỡ, cần có người khác dìu dắt. Thấy vậy Hoàng tử hỏi con: "Này khanh, người này đã làm gì mà mắt của nó không giống mắt của người khác, giọng nói của nó không giống giọng nói của những người khác?"

- "Tâu Hoàng tử, đó là một người được gọi là người bệnh vậy".

- "Này khanh, người ấy sao được gọi là một người bệnh?"

- "Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là một người bệnh vì người ấy chưa thoát khỏi căn bệnh của mình".

- "Này khanh, vậy rồi Ta có bị bịnh không, một người chưa bị bịnh?"

- "Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, tất cả chúng ta sẽ bị bệnh tật, dầu chúng ta chưa bị bịnh tật!".

- "Này khanh, nay Ta thăm vườn ngự uyển vậy là vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung".

- "Thưa vâng, Hoàng tử".

"Con vâng theo lời Hoàng tử, cho đánh xe trở về cung. Tâu Đại vương, Hoàng tử về trong cung đau khổ sầu muộn và suy nghĩ: "Sĩ nhục thay cái gọi là sanh. Vì ai sanh ra cũng phải già cũng phải bệnh!".

* Vua cố ngăn cản Thái tử xuất gia lần 2:

Khi ấy vua suy nghĩ: "Không thể để cho Hoàng tử từ chối không trị vì. Không thể để cho Hoàng tử xuất gia! Không thể để cho lời các vị Bà-la-môn đoán tướng trở thành sự thật".

Rồi Vua lại sắp đặt cho Hoàng tử đầy đủ 5 món dục lạc nhiều hơn nữa, để Hoàng tử có thể trị vì, để Hoàng tử khỏi phải xuất gia, để cho lời các vị Bà-la-môn đoán tướng không thể trở thành sự thật. Và Hoàng tử sống tận hưởng đầy đủ sung túc 5 món dục lạc".

* Thái tử dạo chơi lần 3 thấy cảnh chết:

Hoàng tử sau thời gian nhiều năm cho gọi người đánh xe: "Này khanh, hãy cho thắng các cỗ xe thù thắng, chúng ta sẽ đi đến vườn ngự uyển để xem phong cảnh?"

"Thưa vâng, Hoàng tử", người đánh xe vâng lời Hoàng tử, cho thắng các cỗ xe thù thắng rồi bạch Thái tử: "Tâu Thái tử các cỗ xe thù thắng đã thắng xong, hãy làm những gì Thái tử xem là hợp thời". Lúc ấy Thái tử leo lên cỗ xe thù thắng và cùng với các cỗ xe thù thắng khác, tiến đến vườn ngự uyển".

Hoàng tử trên đường đi đến vườn ngự uyển, thấy một số người mặc sắc phục khác nhau và đang dựng một dàn hỏa táng. Thấy vậy Hoàng tử hỏi người đánh xe: "Này khanh, vì sao đám đông người ấy người mặc sắc phục khác nhau và đang dựng một dàn hỏa táng?"

- "Tâu Hoàng tử, vì có một người vừa mới mệnh chung".

- "Này khanh, Ngươi hãy đánh xe đến g6àn người vừa mới mệnh chung?"

"Thưa vâng, tâu Hoàng tử". Người đánh xe vâng theo lời Hoàng tử, cho đánh xe đến người vừa mới mệnh chung. Khi thấy người chết Hoàng tử hỏi: "Này khanh, sao người ấy được gọi là người chết?"

- "Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là người chết vì nay bà mẹ, ông cha, các người bà con ruột thịt khác không thấy người ấy nữa; và người ấy cũng không thấy bà mẹ, ông cha, các người bà con ruột thịt khác".

- "Này khanh, Ta chưa chết rồi Ta có bị chết không? Phụ vương Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Ta chăng và Ta sẽ không thấy Phụ vương Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt chăng?"

- "Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta nay chưa chết nhưng rồi chúng ta cũng bị chết. Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Hoàng tử và Hoàng tử cũng không thấy Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác".

- "Này khanh, nay Ta thăm vườn ngự uyển vậy là vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung".

"Thưa vâng, Hoàng tử". Người đánh xe vâng theo lời Hoàng tử, cho đánh xe trở về cung. Hoàng tử về trong cung đau khổ sầu muộn và suy nghĩ: "Sĩ nhục thay cái gọi là sanh. Vì ai sanh ra cũng phải già, cũng phải bệnh, cũng phải chết như vậy!".

* Vua cố ngăn cản không cho Thái tử xuất gia lần 3:

Khi ấy vua cho gọi người đánh xe và hỏi: "Này khanh, Hoàng tử có vui vẻ không ở vườn ngự uyển? Này khanh, Hoàng tử có hoan hỷ không, tại vườn ngự uyển?"

- "Tâu đại vương Hoàng tử không có vui vẻ tại vườn ngự uyển, Tâu đại vương Hoàng tử không có hoan hỷ tại vườn ngự uyển?"

- "Này khanh, khi đến vườn ngự uyển Hoàng tử đã thấy gì?"

"Tâu đại vương, Hoàng tử khi đang đi đến vườn ngự uyển, thấy một số đông người mặc sắc phục khác nhau và đang dựng một dàn hỏa táng. Thấy vậy Hoàng tử hỏi con: "Này khanh, vì sao đám đông người ấy người mặc sắc phục khác nhau và đang dựng một dàn hỏa táng?"

- "Tâu Hoàng tử, vì có một người vừa mới mệnh chung".

- "Này khanh, ngươi hãy đánh xe đến gần người vừa mới mệnh chung?"

"Thưa vâng, tâu Hoàng tử". Con vâng theo lời Hoàng tử, cho đánh xe đến người vừa mới mệnh chung. Khi thấy thây chết Hoàng tử hỏi con: "Này khanh, sao người ấy được gọi là người chết?"

- "Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là người chết vì nay bà mẹ, ông cha, các người bà con ruột thịt khác không thấy người ấy nữa; và người ấy cũng không thấy bà mẹ, ông cha, các người bà con ruột thịt khác!".

- "Này khanh, Ta chưa chết rồi Ta có bị chết không? Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Ta chăng, và Ta sẽ không thấy Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt chăng?"

- "Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta nay chưa chết, nhưng rồi chúng ta cũng bị chết. Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Hoàng tử và Hoàng tử cũng không thấy Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác?"

- "Này khanh, nay Ta thăm vườn ngự uyển vậy là vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung".

"Thưa vâng, Hoàng tử". Con vâng theo lời Hoàng tử, cho đánh xe trở về cung. Hoàng tử về trong cung đau khổ sầu muộn và duy nghĩ: "Sĩ nhục thay cái gọi là sanh. Vì ai sanh ra cũng phải già, cũng phải bệnh cũng phải chết như vậy!".

* Vua ngăn cản Thái tử xuất gia lần 4:

Khi ấy vua suy nghĩ: "Không thể để cho Hoàng tử từ chối không trị vì! Không thể để cho Hoàng tử xuất gia! Không thể để cho lời các vị Bà-la-môn đoán tướng trở thành sự thật".

Rồi Vua lại sắp đặt cho Hoàng tử đầy đủ 5 món dục lạc nhiều hơn nữa, để Hoàng tử có thể trị vì, để Hoàng tử không thể xuất gia, để cho lời các vị Bà-la-môn đoán tướng không đúng sự thật. Và Hoàng tử sống tận hưởng đầy đủ sung túc 5 món dục lạc".

* Thái tử thấy sự giải thoát của người xuất gia và quyết tâm xuất gia tìm đạo:

Hoàng tử sau thời gian nhiều năm, cho gọi người đánh xe: "Này khanh, hãy cho thắng các cỗ xe thù thắng, chúng ta sẽ đi đến vườn ngự uyển để xem phong cảnh".

"Thưa vâng, Hoàng tử", người đánh xe vâng lời, cho thắng các cỗ xe thù thắng rồi bạch Thái tử: "Tâu Thái tử, các cỗ xe thù thắng đã thắng xong. Hãy làm những gì Hoàng tử xem là hợp thời". Lúc bấy giờ Hoàng tử leo lên cỗ xe thù thắng và cùng với các cỗ xe thù thắng khác, tiến đến vườn ngự uyển.

Hoàng tử trên đường đi đến ngự uyển thấy một vị xuất gia, đầu trọc, đắp áo cà-sa. Thấy vậy, Hoàng tử hỏi người đánh xe: "Này khanh, người này đã làm gì, mà đầu người ấy lại khác đầu của những người khác, và áo của người ấy cũng khác áo của những người khác?"

- Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là người xuất gia!

- Này khanh, sao người ấy được gọi là người xuất gia?

- Tâu Hoàng tử, xuất gia nghĩa là khéo tu phạm hạnh, khéo tu tịnh hạnh, khéo hành thiện nghiệp, khéo hành công đức nghiệp, khéo giữ không hại chúng sanh, khéo có lòng từ đối với chúng sanh.

- Này khanh, lành thay hạnh xuất gia! Này khanh, lành thay khéo tu phạm hạnh, khéo tu tịnh hạnh, khéo hành thiện nghiệp, khéo hành công đức nghiệp, khéo giữ không hại chúng sanh, khéo có lòng từ đối với chúng sanh! Này khanh, hãy đánh xe đến gần vị xuất gia.

"Thưa vâng!", người đánh xe vâng theo lời Hoàng tử, đánh xe đến gần người xuất gia. Rồi Hoàng tử hỏi vị xuất gia:

- Thưa Hiền giả, ngài đã làm gì mà đầu của ngài không giống những người khác, và áo của ngài cũng không giống các người khác?

- Thưa Hoàng tử, tôi là một người xuất gia.

- Thưa Hiền giả, thế nào gọi là người xuất gia?

- Thưa Hoàng tử, tôi là người được gọi là xuất gia, vì tôi khéo tu phạm hạnh, khéo tu tịnh hạnh, khéo hành thiện nghiệp, khéo hành công đức nghiệp, khéo giữ không hại chúng sanh, khéo có lòng từ đối với chúng sanh.

- Thưa Hiền giả, lành thay hạnh xuất gia của ngài, lành thay khéo tu phạm hạnh, khéo tu tịnh hạnh, khéo hành thiện nghiệp, khéo hành công đức nghiệp, khéo giữ không hại chúng sanh, khéo có lòng từ đối với chúng sanh.

* Thái tử xuất gia:

Rồi Hoàng tử bảo người đánh xe: "Này khanh, hãy lấy xe này và cho đánh xe về cung. Còn Ta ở nơi đây, sẽ cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình".

"Thưa vâng", người đánh xe vâng lời Hoàng tử lấy xe và đánh xe về cung. Còn Hoàng tử, chính tại chỗ ấy, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Lúc bấy giờ, tại kinh đô có người nghe tin: "Hoàng tử đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Khi nghe tin, các vị ấy suy nghĩ: "Pháp luật như vậy không phải tầm thường, xuất gia như vậy không phải tầm thường, vì Hoàng tử trọng pháp luật ấy đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nay Hoàng tử đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, tại sao chúng ta lại không?" Rồi đại chúng ấy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình dưới sự lãnh đạo của Bồ-tát. Rồi Bồ-tát cùng với đồ chúng du hành, đi ngang qua những làng, thị xã và đô thị.

Trong khi an lặng tịnh cư, Bồ-tát suy nghĩ: "Sao Ta lại sống, bị bao vây bởi đồ chúng này. Tốt hơn là Ta sống một mình, lánh xa đồ chúng nầy".

* Bồ-tát tìm ra nguyên nhân của sanh tử và con đường đưa đến giác ngộ (12 nhân duyên):

Sau một thời gian Bồ-tát sống một mình, lánh xa đồ chúng, các vị xuất gia này đi một ngả, Bồ-tát đi một ngả.

Trong khi an lặng tịnh cư tại chỗ thanh vắng, Bồ-tát suy nghĩ: "Thế giới nầy thật rơi vào cảnh khổ não, phải sanh rồi già, rồi chết, rồi từ bỏ thế giới này để tái sanh thế giới khác. Không một ai biết một con đường giải thoát khỏi sự đau khổ này, thoát khỏi già và chết.

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Cái gì có mặt, già chết mới có mặt. Do duyên gì, già chết sanh?" Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do sanh có mặt, nên già chết có mặt. Do duyên sanh, già chết sanh".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Cái gì có mặt, sanh mới có mặt? Do duyên gì, sanh phát khởi?" Rồi Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến sau đây: "Do hữu có mặt nên sanh mới có mặt. Do duyên hữu, nên sanh phát khởi".

Bồ-tát lại nghĩ: "Cái gì có mặt, hữu mới có mặt? Do duyên gì, hữu phát sanh?" Sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ Ngài phát sanh minh kiến sau đây: "Do thủ có mặt nên hữu mới có mặt. Do duyên thủ, hữu phát sanh".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Cái gì có mặt thủ mới có mặt? Do duyên gì, thủ phát sanh?" Sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ Ngài phát sanh minh kiến sau đây: "Do ái có mặt, thủ mới phát sanh".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Cái gì có mặt, ái mới có mặt. Do duyên gì, ái phát sanh?" Rồi Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do thọ có mặt, ái mới có mặt. Do duyên thọ, ái phát sanh".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Cái gì có mặt, thọ mới có mặt. Do duyên gì, thọ mới phát sanh?" Rồi Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do xúc có mặt, thọ mới có mặt. Do duyên xúc, thọ mới phát sanh".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Cái gì có mặt, xúc mới có mặt. Do duyên gì, xúc mới phát sanh?" Rồi Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do lục nhập có mặt, xúc mới có mặt. Do duyên lục nhập, xúc mới phát sanh".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Cái gì có mặt, lục nhập mới có mặt. Do duyên gì, lục nhập mới phát sanh?" Rồi Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do danh sắc có mặt, lục nhập mới có mặt. Do duyên danh sắc, lục nhập mới phát sanh".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Cái gì có mặt, danh sắc mới có mặt? Do duyên gì, danh sách mới phát sinh?" Rồi Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do thức có mặt, danh sắc mới có mặt. Do duyên thức, danh sắc mới phát sanh".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Cái gì có mặt, thức mới có mặt. Do duyên gì, thức mới phát sanh?" Rồi Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do danh sắc có mặt, thức mới có mặt. Do duyên danh sắc, thức mới phát sanh".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ như sau: "Thức này xoay trở lui lại, từ nơi danh sắc, không vượt khỏi danh sắc. Chỉ như thế này, con người được sanh ra hay trở thành già, hay bị bệnh, hay từ biệt cõi này, hay sanh lại ở cõi khác; nghĩa là do duyên sanh sắc, thức sanh; do duyên thức, danh sắc sanh; do duyên danh sắc, lục nhập sanh; do duyên lục nhập, xúc sanh; do duyên xúc, thọ sanh; do duyên thọ, ái sanh; do duyên ái, thủ sanh; do duyên thủ, hữu sanh; do duyên hữu, sanh sinh; do duyên sanh, lão, tử, ưu, bi, khổ sầu, não sanh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn vậy".

"Tập khởi, tập khởi". Từ nơi Bồ-tát, khởi sanh pháp nhãn từ trước chưa từng được nghe, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, ánh sáng sanh.

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, già chết không có mặt? Cái gì diệt, già chết diệt?" Rồi Bồ-tát, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do sanh không có mặt, già chết không có mặt. Do sanh diệt, già chết diệt".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, sanh không có mặt? Cái gì diệt, sanh diệt?" Rồi Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do hữu không có mặt, sanh không có mặt. Do hữu diệt, sanh diệt".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, hữu không có mặt? Cái gì diệt, hữu diệt?" Rồi Bồ-tát, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do thủ không có mặt, hữu không có mặt. Do thủ diệt, hữu diệt".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, thủ không có mặt? Cái gì diệt, thủ diệt?" Rồi Bồ-tát, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do ái không có mặt, thủ không có mặt. Do ái diệt, thủ diệt".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, ái không có mặt? Cái gì diệt, ái diệt?" Rồi Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do thọ không có mặt, ái không có mặt. Do thọ diệt, ái diệt".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, thọ không có mặt? Cái gì diệt, thọ diệt?" Rồi Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do xúc không có mặt, thọ không có mặt. Do xúc diệt, thọ diệt".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, xúc không có mặt? Cái gì diệt, xúc diệt?" Rồi Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do lục nhập không có mặt, xúc không có mặt. Do lục nhập diệt, xúc diệt".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, lục nhập không có mặt? Cái gì diệt, lục nhập diệt?" Rồi Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do danh sắc không có mặt, lục nhập không có mặt. Do danh sắc diệt, lục nhập diệt".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, danh sắc không có mặt? Cái gì diệt, danh sắc diệt?" Rồi Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do thức không có mặt, danh sắc không có mặt. Do thức diệt, danh sắc diệt".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, thức không có mặt? Cái gì diệt, thức diệt?" Rồi Bồ-tát sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do danh sắc không có mặt, thức không có mặt. Do danh sắc diệt, thức diệt".

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Ôi, Ta đã chứng được con đường đưa đến Bồ-đề, nhờ pháp thu quán. Nghĩa là do danh sắc diệt, thức diệt, do thức diệt, danh sắc diệt; do danh sắc diệt, lục nhập diệt; do lục nhập diệt, xúc diệt; do xúc diệt, thọ diệt; dọ thọ diệt, ái diệt; do ái diệt, thủ diệt; do thủ diệt, hữu diệt; do hữu diệt, sanh diệt; do sanh diệt, già, chết, ưu, bi, khổ, sầu, não diệt. Như vậy, toàn bộ khổ uẩn diệt".

"Diệt, diệt!" Từ nơi Bồ-tát khởi sanh pháp nhãn từ trước chưa từng được nghe, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, ánh sáng sanh.

Rồi Bồ-tát, sau một thời gian sống quán sự sanh diệt trong năm uẩn: "Đây là sắc, đây là sắc khởi, đây là sắc diệt. Đây là thọ, đây là thọ khởi, đây là thọ diệt. Đây là tưởng, đây là tưởng khởi, đây là tưởng diệt. Đây là hành, đây là hành khởi, đây là hành diệt. Đây là thức, đây là thức khởi, đây là thức diệt". Và đối với Ngài, sau khi sống quán pháp sanh diệt trong năm thủ uẩn, chẳng bao lâu các lậu hoặc được tiêu trừ và Ngài được giải thoát.

* Sau khi giác ngộ, Ngài suy tư có nên ra thuyết pháp bây giờ hay chưa?

Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác liền suy nghĩ: "Nay Ta hãy thuyết pháp".

Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác suy nghĩ: "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý ida paccayata paticca samuppàda: Y tánh duyên khởi pháp; thật khó mà thấy được định lý tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được trừ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục, ái diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta!".

Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, những bài kệ bất khả tư nghì, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên:

"Sao nay Ta lại nói lên Chánh pháp mà Ta đã chứng ngộ rất khó khăn".
"Pháp này khó mà chứng ngộ với những ai bị tham sân chi phối".
"Những ai bị ái nhiễm và vô minh bao phủ rất khó thấy pháp này".
"Một pháp đi ngược dòng, vi diệu, thâm sâu, khó thấy, vi tế".

Với những lời như vậy, suy tư trên vấn đề, tâm của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp.

* Phạm thiên thỉnh Ngài thuyết pháp:

Lúc bấy giờ, một trong những vị đại Phạm thiên, khi biết được tư tưởng của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, nhờ tư tưởng của mình, liền suy nghĩ: "Than ôi, thế giới sẽ bị tiêu diệt, thế giới sẽ bị hoại vong, nếu tâm của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp!".

Vị đại Phạm thiên ấy, như một nhà lực sĩ duỗi thẳng cánh tay đã co lại, hay co lại cánh tay duỗi thẳng, cũng vậy vị ấy biến mất từ thế giới Phạm thiên và hiện ra trước mặt Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Rồi vị đại Phạm thiên đắp thượng y trên một bên vai, quì đầu gối bên phải trên mặt đất, chắp tay hướng về phía Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác và bạch rằng:

"Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít bị bụi trần che phủ sẽ bị nguy hại nếu không được nghe chánh pháp. (Nếu được nghe) những vị này có thể thâm hiểu chánh pháp".

Được nghe nói như vậy, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác nói với vị đại Phạm thiên:

"Này Phạm thiên, Ta đã suy nghĩ như sau: Pháp này do Ta chứng được thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ có người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý y tánh duyên khởi pháp; thật khó mà thấy được định lý tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được trừ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục, ái diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật mệt mỏi cho Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta. Này Phạm thiên, khi ấy những bài kệ bất khả tư nghì, từ trước chưa từng nghe khởi lên nơi Ta: "Sao nay ta lại nói lên Chánh Pháp mà Ta đã chứng ngộ rất khó khăn. Pháp này khó mà chứng ngộ với những ai bị tham sân chi phối. Những ai bị ái nhiễm và vô minh bao phủ rất khó thấy pháp này. Một pháp đi ngược dòng, vi diệu, thâm sâu, khó thấy, vi tế". Này Phạm thiên, với những lời như vậy, suy tư trên vấn đề, tâm của Ta hướng về vô vi thụ động không muốn thuyết pháp."

* Phạm thiên thỉnh Ngài thuyết pháp lần 2 và 3:

Lần thứ hai, lần thứ ba, vị Đại Phạm thiên ấy lại thỉnh Thế Tôn thuyết pháp:

"Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít bụi trần che phủ sẽ bị nguy hại nếu không được nghe chánh pháp, những vị này có thể thâm hiểu chánh pháp!"

* Ngài quyết định thuyết pháp:

Rồi Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác biết được lời khuyên thỉnh của vị Phạm thiên, vì lòng từ đối với chúng sanh, nhìn đời với Phật nhãn. Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác nhìn đời với Phật nhãn, thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn độn căn, có hạng tánh thuận, tánh nghịch, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm của những hành động lỗi lầm. Như trong hồ sen xanh, sen hồng, hay sen trắng, có một số hoa sen xanh, sen hồng, hay sen trắng ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước; có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước; có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước làm đẫm ướt. Cũng vậy, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, nhìn quanh thế giới với Phật nhãn. Ngài thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn độn căn, có hạng tánh thuận, tánh nghịch, có hạng dễ dạy khó dạy, một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm của những hành động lỗi lầm."

* Phạm thiên tán thán Thế Tôn chấp nhận lời thỉnh cầu và quyết định thuyết pháp.

Rồi vị đại Phạm thiên, với tâm mình biết được tâm tư của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác liền nói lên với Ngài bài kệ sau đây:

"Như con người đang đứng trên đỉnh núi nhìn quanh dân chúng phía dưới. Cũng vậy Ngài Sumedha lên lầu chánh pháp, bậc Biến nhãn, thoát ly sầu muộn. Nhìn xuống quần chúng, âu lo sầu muộn bị sanh già áp bức. Hãy đứng lên, bậc anh hùng, bậc chiến thắng ở chiến trường! Vị trưởng đoàn lữ khách, đấng thoát ly mọi nợ nần! Thế Tôn hãy đi khắp thế giới hoằng dương chánh pháp. Có người nhờ được nghe, sẽ thâm hiểu diệu nghĩa!"

Rồi Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác trả lời vị đại Phạm thiên với bài kệ sau đây: "Cửa bất tử đã được mở rộng: Hỡi những ai được nghe, hãy từ bỏ tà kiến của mình; Vì nghĩ đến mệt mỏi hoài công, này Phạm thiên; Ta không muốn giảng chánh pháp vi diệu cho loài người!".

Rồi vị đại Phạm thiên với ý nghĩ: "Ta đã là người mở đường cho Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác thuyết pháp", đảnh lễ Thế Tôn, lưng bên hữu hướng về Ngài và biến mất tại chỗ".

* Ngài quyết định thuyết pháp cho ai trước:

Rồi Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác suy nghĩ: "Ta thuyết pháp cho ai trước tiên? Ai Sẽ mau hiểu chánh pháp nầy?"

Rồi Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác thuận thứ thuyết pháp, thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của dục vọng và sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết được tâm trí của hai vị này đã thuần thục, nhu thuận, thoát ly triền cái, cao thượng và an tịnh, Ngài bèn thuyết pháp thoại được chư Phật đề cao, tức là khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như tấm vải thuần tịnh không có tỳ vết rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy, Vương tử Khanda và con Vương sư Tissa, chính tại chỗ ngồi này chứng được Pháp nhãn xa trần ly cấu: "Phàm pháp gì đã sanh rồi cũng phải diệt".

* Ngài tuần tự thuyết pháp:

Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác thuận thứ thuyết pháp, thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô củA-dục vọng và sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết được tâm trí của các vị này đã thuần thục, nhu thuận, thoát ly triền cái, cao thượng và an tịnh, Ngài bèn thuyết pháp thoại mà chư Phật đã đề cao, tức là Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Những vị này đã thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập và pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do tự diệt tận, chứng được tự tin, không y cứ người khác đối với đạo pháp của Bổn Sư, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác.

* Phạm thiên cầu Ngài hãy chia các đệ tử ra các nơi để thuyết pháp:

Một vị đại Phạm thiên khác, với tâm tư của mình biết được tâm tư của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Như một vị lực sĩ duỗi cánh tay đã co lại hay co lại cánh tay đã duỗi ra, vị này biến mất ở cõi Phạm thiên và hiện ra trước mặt Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Lúc bấy giờ vị đại Phạm thiên, đắp thượng y trên một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác và bạch Ngài:

"Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiên Thệ! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cho phép Đại chúng Tỳ-kheo hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho Đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài người, loài trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỳ-kheo, hãy thuyết giảng chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nên rõ phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh. Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe chánh pháp sẽ bị nguy hại, nếu được nghe sẽ thâm hiểu chánh pháp".

Này các Tỳ-kheo, đại Phạm thiên thuyết như vậy. Sau khi nói xong, vị này đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, lưng bên hữu hướng về Ngài và biến mất tại chỗ.

Rồi Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, vào buổi chiều xuất định đứng dậy và nói với các vị Tỳ-kheo:

"Này các Tỳ-kheo, trong khi Ta an lặng tịnh cư tại chỗ thanh vắng, ý nghĩ sau đây khởi lên: "Nay đại chúng trú tại kinh thành, sao Ta lại không cho phép các vị Tỳ-kheo ấy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài người, loài trời. Chớcó đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỳ-kheo, hãy thuyết giảng chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh. Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe chánh pháp sẽ bị nguy hại. (Nếu được nghe), sẽ thâm hiểu chánh pháp".

* Và Ngài đã phái các đệ tử đi thuyết pháp khắp các nơi:

Một vị đại Phạm thiên khác với tâm tư của mình, biết được tâm tư của Ta. Như một vị lực sĩ duỗi cánh tay đã co lại hay co lại cánh tay đã duỗi ra, vị này biến mất ở cõi Phạm thiên và hiện ra trước mắt ta. Này các Tỳ-kheo, vị đại Phạm thiên, đắp thượng y trên một bên vai, chắp tay hướng đến Ta và bạch với Ta: "Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cho phép Đại chúng Tỳ-kheo ở kinh đô đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài người, loài trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Hãy thuyết giảng chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh. Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe chánh pháp, sẽ bị nguy hại. (Nếu được nghe), sẽ thâm hiểu chánh pháp. Bạch Thế Tôn, chúng con sẽ làm như các vị Tỳ-kheo". Vị đại Phạm thiên thuyết như vậy. Sau khi nói xong, vị này đảnh lễ Ta, lưng bên hữu hướng về Ta và biến mất tại chỗ.

"Này các Tỳ-kheo, Ta cho phép các ngươi; hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài người, loài trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỳ-kheo, hãy thuyết giảng chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh. Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe chánh pháp, sẽ bị nguy hại. (Nếu được nghe), sẽ thâm hiểu chánh pháp. Cứ sáu năm, hãy đến tại kinh đô Bandhumatì để tụng đọc giới bổn".

Những vị Tỳ-kheo ấy, một phần lớn trong ngày ấy đã lên đường đi khắp quốc độ.

* Thế Tôn Vipassi báo hiệu đức Phật Thích Ca ra đời để cứu độ chúng sanh, cũng như Ta đã ra đời và hóa độ chúng sanh:

"Này các Tỳ-kheo, lại trong Đại chúng chư Thiên ấy, một số vài ngàn chư Thiên (...), một số vài trăm chư Thiên đến chỗ Ta ở, đảnh lễ Ta và đứng một bên. Sau khi đứng một bên, chư Thiên ấy đã nói với Ta: "Này Hiền giả, trong hiền kiếp này, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác nay ra đời. Này Hiền giả, Thế Tôn thuộc chủng tánh Sát-đế-lỵ, thuộc gia tộc Sát-đế-lỵ. Này Hiền giả, Thế Tôn thuộc danh tánh Gotama (Cù Đàm). Này Hiền Giả, Thế Tôn tuổi thọ không bao nhiêu, ít oi, tuổi thọ loài người khoảng 100 năm hay hơn một chút. Này Hiền giả, Thế Tôn giác ngộ dưới gốc cây Assattha (Bát-đa-la). Này Hiền giả, Thế Tôn có hai vị đệ tử ưu tú nhất tên là Sàriputta và Mogallãna (Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên). Này Hiền giả, Thế Tôn có một Tăng hội 1250 vị. Này Hiền giả, Tăng Hội này của Thế Tôn gồm toàn những vị đã diệt trừ lậu hoặc. Này Hiền giả, Thế Tôn có vị thị giả Tỳ-kheo tên là Ananda (A Nan), là vị thị giả đệ nhất. Này Hiền giả, Phụ vương của Thế Tôn tên là Suddhodana (Tịnh Phạn), Hoàng hậu là Mãyã (Ma-Gia), kinh đô là Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ). Này Hiền giả, Thế Tôn xuất thế tục như thế này, xuất gia như thế này, tinh tấn như thế này, giác ngộ như thế này, chuyển pháp luân như thế này. Này Hiền giả, chúng tôi là những người đã tu phạm hạnh với Thế Tôn, đã diệt trừ các dục vọng và đã sanh ra tại chỗ này".

*

Trên đây là hai kinh tôi trích để quí vị có thêm tài liệu về sự Giáng sanh của Ngài, đồng thời cũng là để kỷ niệm ngày đức Phật đản sanh. Ngày Đản sanh, ngày Thành Đạo, thuyết pháp và ngày Niết-bàn đều có tính thống nhất cao độ, như lời Ngài lớn tiếng như tiếng con Ngưu vương, thốt ra lời như sau: "Ta là bậc tối thượng, Ta là bậc tối tôn ở trên đời, Ta là bậc cao nhất ở trên đởi. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở trên đời này nữa". Đức Phật với 45 năm thuyết pháp là bài học sáng ngời để chúng ta nhớ ơn, học tập và tu tập theo Ngài để dần dần chúng ta cũng sẽ tiến tới mục đích lặp lại câu nói của Ngài: "Ta là bậc tối thượng, tối tôn, cao nhất ở đời, không còn tái sanh nữa".

Chú thích:

[1] Trong Đại thừa nói nghĩa ba mươi bảy đạo phẩm như thế nào? Là Bồ-tát thực hành Bốn niệm xứ, quán nội thân là vô thường, khổ, như bệnh như ung, thịt xương tụ tập bại hoại, đầy dẫy bất tịnh, chín lỗ thường chảy ra, đó là nhà xí. Như vậy quán thân lộ bày xấu xa, không một chỗ sạch, thịt lấp xương vóc, gân buộc, da bọc. Do chịu nghiệp nhân hữu lậu đời trước và do đời này tắm rửa, hương hoa, y phục, ăn uống, ngọa cụ, thuốc men v.v... tạo thành. Như xe có hai bánh, do sức bò kéo có thể đi đến được. Do nhân duyên hai đời làm thành xe thân, do con Bò "thức" kéo qua lại quanh co. Thân này do bốn đại hòa hợp tạo thành giống bọt nước, trống rỗng không kiên cố. Thân này vô thường, lâu chắc phải bị phá hoại. Tướng của thân này không thể tìm thấy ở trong thân, cũng không ở ngoài thân, cũng không ở chặng giữa. Thân tự không biết, vô tri vô tác, giống như tường vách ngói đá. Trong thân này không có thân tướng nhất định, không có ai làm ra thân này, cũng không có ai sai khiến làm. Thân này đời trước, đời sau, đời này đều không thể có được. Có tám vạn hộ trùng, vô lượng các bệnh và các thứ đói khát, lạnh nóng, hình thể suy tàn v.v... thường bức não thân này.

Bồ-tát quán thân như vậy, biết chẳng phải thân ta, cũng chẳng phải thân người khác, không được tự tại làm và không làm. Thân tướng của thân này trống, do nhân duyên hư vọng sanh ra. Thân này là giả có, thuộc nghiệp nhân duyên của đời trước. Bồ-tát tự suy nghĩ: Ta không nên tiếc thân này; vì cớ sao, vì thân tướng này không hợp không tán, không đến không đi, không sanh không diệt, không nương tựa. Men theo thân, quán thân này là vô ngã, vô ngã sở cho nên không, không cho nên không các tướng nam nữ. Không các tướng cho nên không ước nguyện. Quán như vậy được vào môn Vô tác trí, biết thân không làm, không có kẻ làm, chỉ do các pháp nhân duyên hòa hợp sanh. Các nhân duyên làm ra thân này cũng lại từ hư vọng điên đảo mà có, chính trong nhân duyên ấy cũng không có tướng nhân duyên. Nhân duyên ấy sanh, cũng không có tướng sanh. Suy nghĩ như vậy biết thân này từ xưa đến nay không có tướng sanh, biết thân này là vô tướng, không thể chấp thủ. Vô sanh nên vô tướng, vô tướng nên vô sanh. Chỉ dối gạt kẻ phàm phu nên gọi là thân.

Bồ-tát khi quán thật tướng của thân như vậy, lìa xa các ái trước dục nhiễm. Tâm thường buộc niệm ở nơi thân, men theo thân quán như vậy, gọi là Bồ-tát quán thân niệm xứ. Quán ngoại thân, quán nội ngoại thân cũng như vậy.

- Bồ-tát quán Thọ như thế nào? Quán nội thọ. Thọ này có ba thứ là hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui. Các thọ ấy không từ đâu đến, diệt không đi về đâu, chỉ theo hư cuống điên đảo vọng tưởng sanh; là báo quả, thuộc nhân duyên nghiệp đời trước. Bồ-tát cầu tìm các thọ như vậy, không ở trong quá khứ, không ở vị lai, không ở hiện tại; biết các thọ ấy là không, vô ngã, vô ngã sở, vô thường phá hoại. Quán các thọ ba đời ấy là không, vô tướng, vô tác, được vào môn giải thoát. Cũng quán các thọ sanh diệt, cũng biết các thọ không hợp không tan, không sanh không diệt, như vậy được vào môn vô sanh. Biết các thọ vô sanh nên vô tướng, vô tướng nên vô sanh. Biết như vậy rồi, buộc tâm ở trong quán duyên, hoặc có khổ, có vui, không khổ không vui đưa đến, tâm không lãnh thọ, không ái trước, không nương tựa.

Do các nhân duyên như vậy quán các thọ; ấy gọi là Thọ niệm xứ. Quán ngoại thọ, quán nội ngoại thọ cũng như vậy.

- Bồ-tát quán Tâm niệm xứ như thế nào? Bồ-tát quán nội tâm. Nội tâm ấy có ba tướng là sanh, trụ, diệt. Suy nghĩ rằng: Tâm này không từ đâu đến, diệt cũng không đi về đâu, chỉ theo nhân duyên trong ngoài hòa hợp sanh; tâm ấy không có thật tướng nhất định, cũng không thật sanh, trụ, diệt; cũng không ở trong quá khứ, vị lai, hiện tại. Tâm ấy không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa. Tâm ấy cũng vô tánh vô tướng, cũng không ai sanh, không ai khiến sanh. Do bên ngoài có nhân duyên của sáu trần, bên trong có tâm tưởng điên đảo, sanh diệt tiếp nối nên miễn cưỡng gọi là tâm. Trong tâm như vậy, thật tướng của tâm không thể có được. Tánh của tâm ấy bất sanh bất diệt, thường là tướng tịnh, bị tướng khách trần phiền não nhiễm trước nên gọi là tâm bất tịnh.

Tâm không tự biết tâm; vì cớ sao, vì tâm ấy tướng của tâm là không. Tâm ấy gốc ngọn không có thật pháp. Tâm ấy với các pháp không hợp không tan; cũng không đời trước, đời sau, đời giữa; không sắc, không hình, không đối ngại, chỉ là điên đảo hư vọng sanh. Tâm ấy là không, vô ngã, vô ngã sở, không thường, không thật; ấy gọi là tùy thuận quán tâm. Biết tướng của tâm vô sanh, được vào trong vô sanh pháp; vì cớ sao, vì tâm ấy vô sanh, vô tánh, vô tướng, người trí biết được. Người trí tuy quán tướng sanh diệt của tâm cũng không thấy có pháp thật sanh thật diệt, không phân biệt nhơ sạch, mà tâm được thanh tịnh. Do tâm thanh tịnh nên không bị khách trần phiền não cấu nhiễm. Như vậy v.v... quán nội tâm. Quán ngoại tâm, quán nội ngoại tâm cũng như vậy.

- Bồ-tát quán Pháp niệm xứ như thế nào? Quán hết thảy pháp không ở trorg, không ở ngoài, không ở chặng giữa; không ở trong đời quá khứ, vị lai, hiện tại; chỉ theo nhân duyên hòa hợp vọng kiến sanh ra, không có thật tướng nhất định, không có pháp ấy, không có pháp ấy của ai. Trong các pháp, tướng của pháp là không thể có được, cũng không có pháp hoặc hợp hoặc tan. Hết thảy pháp không gì có như hư không. Hết thảy pháp hư dối như huyễn, tánh các pháp vốn tịnh, không ô nhiễm nhau. Các pháp không có thọ: Các pháp không có gì; các pháp không thể biết được, vì tâm số pháp hư dối vậy. Khi quán như vậy, không thấy có pháp hoặc tướng một, hoặc tướng khác. Quán hết thảy pháp là không, vô ngã. Khi ấy suy nghĩ rằng: Các pháp do nhân duyên sanh nên không có tự tánh; ấy là thật không, thật không nên không có tướng, không có tướng nên không có tạo tác, không tạo tác nên không thấy pháp hoặc sanh hoặc diệt. Trụ trong trí tuệ ấy, được vào môn Vô sanh pháp nhẫn. Bấy giờ tuy quán các pháp sanh diệt cũng vào môn vô tướng; vì cớ sao, vì hết thảy pháp lìa các tướng, người trí đã biết rõ.

Khi quán như vậy, buộc tâm vào trong quán duyên, thuận theo các pháp tướng, không nhớ niệm thân, thọ, tâm, pháp; biết bốn pháp ấy không có nơi chỗ; ấy là nội pháp niệm xứ. Ngoại pháp niệm xứ, nội ngoại pháp niệm xứ cũng như vậy.

Bốn chánh cần, bốn như ý túc cũng cần phân biệt như vậy, quán nó là không, không có nơi chỗ.

- Bồ-tát thực hành năm căn như thế nào? Bồ-tát quán Năm căn, tu Năm căn.

Tín căn là tin hết thảy pháp do nhân duyên sanh, do tâm điên đảo vọng kiến sanh; như vòng lửa quay, như mộng như huyễn. Tin các pháp là bất tịnh, vô thường, khổ, không, vô ngã; như bệnh như ung, như gai nhọn, tai biến bại hoại. Tin các pháp không gì có; như nắm tay không dối trẻ nhỏ. Tin các pháp không ở trong quá khứ, không ở trong vị lai, không ở trong hiện tại, không từ đâu đến, diệt không đi về đâu. Tin các pháp là không, vô tướng vô tác, bất sanh bất diệt. Vô tác vô tướng mà tin sự trì giới, thiền định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Được tín căn ấy, không còn bị thối chuyển. Lấy tín căn làm đầu, khéo trì tịnh giới, trụ trong sự trì giới rồi thì tín tâm không động không chuyển. Nhất tâm tin chắc nương nghiệp có quả báo, xa lìa các tà kiến, không còn tin các lời lẽ khác, chỉ thọ trì Phật pháp, tin chúng Tăng. Trụ trong Phật đạo, trực tâm nhu nhuyến hay nhẫn, thông đạt vô ngại, không lay động không biến hoại, đắc lực tự tại; ấy gọi là Tín căn.

Tinh tấn căn là ngày đêm thường tu hành tinh tấn, khước trừ năm điều che lấp, nhiếp hộ năm căn, muốn được, muốn biết, muốn thực hành, muốn tụng, muốn đọc, cho đến muốn nghe các kinh pháp thâm diệu. Nếu các pháp ác bất thiện khởi lên, liền khiến nó tiêu diệt; nếu chưa sanh khởi khiến cho không sanh khởi; còn các pháp thiện chưa sanh thì làm cho sanh, đã sanh làm cho tăng trưởng rộng lớn. Cũng không ghét pháp bất thiện, cũng không ưa pháp thiện, được sự tinh tiến bình đẳng, tiến thẳng không lui chuyển, được chánh tinh tấn định tâm, nên gọi là Tinh tấn căn.

Niệm căn là Bồ-tát thường nhất tâm niệm tưởng muốn đầy đủ bố thí, trì giới, thiền định, trí tuệ, giải thoát, muốn tịnh thân khẩu ý nghiệp, thường nhất tâm niệm ở trong trí biết về các pháp sanh, diệt, trú, dị. Nhất tâm niệm khổ, tập, diệt, đạo. Nhất tâm niệm phân biệt căn, lực, giác, đạo, thiền định, giải thoát, sanh diệt vào ra. Nhất tâm niệm các pháp bất sanh bất diệt, không làm không nói, để được trí tuệ vô sanh nên đầy đủ các Phật pháp. Nhất tâm niệm không để cho tâm Thanh-văn, Bích-chi Phật xen vào. Thường niệm không quên các pháp thậm thâm thanh tịnh như vậy, quán hạnh thành tựu, được niệm tự tại như vậy; ấy gọi là Niệm căn.

Định căn là Bồ-tát khéo thủ lấy tướng định, hay sanh các thứ thiền định, rõ ràng biết các môn định, khéo biết vào định, khéo biết trú định, khéo biết xuất định; nơi định không đắm trước, không ưa thích, không nương tựa; khéo biết sở duyên, khéo biết duyên hoại, tự tại dạo qua các thiền định; cũng biết định vô duyên, không theo lời người khác. Không chuyên theo hạnh thiền định, tự tại ra vào vô ngại; ấy gọi là Định căn.

Tuệ căn là Bồ-tát vì để dứt hết khổ, thành tựu trí tuệ bậc Thánh. Trí tuệ ấy là vì xa lìa các pháp, vì Niết-bàn. Dùng trí tuệ quán hết thảy ba cõi vô thường, bị ba thứ suy, ba lửa độc thiêu đốt. Quán xong, trong ba cõi, trí tuệ cũng không đắm hết thảy ba cõi, mà chuyển thành môn Không, Vô tướng, Vô tác giải thoát. Nhất tâm cầu Phật pháp như cứu lửa cháy đầu. Trí tuệ ấy của Bồ-tát không ai phá hoại được. Không nương tựa trong ba cõi, tâm thường xa lìa năm dục tùy ý, do tuệ căn lực, chứa nhóm vô lượng công đức, thông lợi chứng nhập thật tướng các phá,. không nghi không nạn; đối thế gian không ưu, đối Niết-bàn không hỷ, được trí tuệ tự tại; ấy gọi là Tuệ căn.

Bồ-tát thành được Năm căn này, khéo biết tướng các căn của chúng sanh, biết căn của chúng sanh nhiễm dục, biết căn của chúng sanh ly dục, biết căn của chúng sanh sân nhuế, cũng biết căn của chúng sanh lìa sân nhuế, biết căn của chúng sanh ngu si, cũng biết căn của chúng sanh lìa ngu si. Biết căn của chúng sanh muốn đọa ác đạo, biết căn của chúng sanh muốn sanh lên cõi người, biết căn của chúng sanh muốn sanh lên cõi trời; biết căn của chúng sanh độn, biết căn của chúng sanh lợi; biết căn của chúng sanh có bậc thượng, trung, hạ; biết căn của chúng sanh có tội, biết căn của chúng sanh vô tội; biết căn của chúng sanh thuận nghịch; biết căn của chúng sanh sẽ sanh vào cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc; biết căn của chúng sanh có căn lành thâm hậu, căn lành mỏng; biết căn của chúng sanh chánh định, tà định, bất định tụ; biết căn của chúng sanh khinh tháo, biết căn của chúng sanh trì trọng, biết căn của chúng sanh xan tham, biết căn của chúng sanh hay buông xả, biết căn của chúng sanh cung kính, biết căn của chúng sanh không cung kính; biết căn của chúng sanh tịnh giới, bất tịnh giới; biết căn của chúng sanh sân nhuế hay nhẫn nhục; biết căn của chúng sanh tinh tấn hay giãi đãi; biết căn của chúng sanh loạn tâm, nhiếp tâm, ngu si hay trí tuệ; biết căn của chúng sanh không sợ có sợ; biết căn của chúng sanh tăng thượng mạn hay không tăng thượng mạn; biết căn của chúng sanh chánh đạo hay tà đạo; biết căn của chúng sanh có thủ hộ hay không thủ hộ; biết căn của chúng sanh cầu Thanh-văn; biết căn của chúng sanh cầu Bích-chi-phật; biết căn của chúng sanh cầu Phật đạo. Đối với trong sự biết căn của chúng sanh, được sức phương tiện tự tại; gọi là biết căn.

Bồ-tát thực hành năm căn tăng trưởng, phá được phiền não, độ chúng sanh được Vô sanh pháp nhẫn; ấy là lực. Lại thiên ma ngoại đạo không thể hủy hoại; ấy là lực.

Bảy giác phần là Bồ-tát đối với hết thảy pháp không nhớ không nghĩ; ấy gọi là niệm giác phần. Trong hết thảy pháp tìm thiện pháp, bất thiện pháp, vô ký pháp không thể có được; ấy là trạch pháp giác phần. Không vào ba cõi, phá hoại ba cõi; ấy gọi là tinh tấn giác phần. Đối với hết thảy pháp không sanh tâm ưa đắm, vì lo mừng phá hoại lẫn nhau; ấy là hỷ giác phần. Đối với hết thảy pháp, tâm khinh an duyên không thể có được; ấy gọi là trừ giác phần. Biết hết thảy pháp tướng thường định, không loạn không tán; ấy gọi là định giác phần. Đối với hết thảy pháp không đắm trước, không nương tựa, cũng không thấy tâm xả ấy; ấy gọi là xả giác phần. Bồ-tát quán bảy giác phần đều "không" như vậy.

Trong Bảy giác phần. Niệm, Tuệ, Tinh tấn, Định đã nói rộng ở trên, ba giác phần còn lại nay sẽ nói: Bồ-tát thực hành Hỷ giác phần, quán hỷ ấy không thật, vì cớ sao? Vì hỷ ấy do nhân duyên sanh, là pháp tạo tác, pháp có, pháp vô thường, pháp có thể ưa đắm. Nếu sanh tâm ưa đắm, khi tướng vô thường ấy biến hoại thì sanh lo, kẻ phàm phu vì tâm điên đảo nên sanh tâm đắm trước. Nếu biết các pháp thật là không, bấy giờ tâm sanh hối hận rằng, ta phải chịu hư dối; ví như người ở trong chỗ tối, bị đói khát bức bách, ăn nhằm vật bất tịnh, ban ngày quán biết, mới biết đó là lầm. Nếu quán như vậy ở trong thật trí tuệ sanh mừng; ấy là chơn hỷ. Được chơn hỷ này, trước hết trừ được thân thô trọng, thứ đến trừ được tâm thô trọng, sau mới trừ hết thảy pháp tướng, được sự khoái lạc biến khắp trong thân tâm; ấy là trừ giác phần (khinh an giác chi). Đã được hỷ và trừ giác phần thì bỏ các quán hạnh, là vô thường quán, khổ quán, không, vô ngã quán, sanh diệt quán, bất sanh bất diệt quán, hữu quán, vô quán, phi hữu, phi vô quán. Như vậy xả hết các hỷ luận; vì cớ sao; vì vô tướng, vô duyên, vô tác, vô hý luận, thường tịch diệt là pháp tướng thật. Nếu không thực hành việc xả bỏ, liền có các tranh cãi: Nếu cho có là thật, thời cho không là hư dối; nếu cho không là thật, thời cho có là hư dối; nếu cho phi hữu phi vô là thật, thời cho hữu vô là hư dối. Đối với thật thì ưa đắm, đối với hư thì giận ghét. Nơi sanh ra lo mừng như vậy cớ sao không xả?

Được hỷ, trừ, xả giác phần như vậy thời bảy giác phần được đầy đủ viên mãn.

Tám Thánh đạo phần thì chánh kiến, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định như trên đã nói.

Chánh tư duy nay sẽ nói: Bồ-tát đối với các pháp không vô sở đắc. Trú ở trong chánh kiến như vậy, quán xét tướng của chánh tư duy; biết tất cả tư duy đều là tà tư duy, cho đến tư duy Niết-bàn, tư duy Phật, đều cũng như vậy, vì cớ sao? Vì dứt hết thảy tư duy phân biệt; ấy gọi là Chánh tư duy.

Các tư duy phân biệt đều do bất thật hư dối điên đảo nên có, tướng phân biệt tư duy đều không, Bồ-tát trụ trong chánh tư duy như vậy, không còn thấy là chánh là tà, vượt qua mọi tư duy phân biệt; ấy gọi là chánh tư duy. Hết thảy tư duy phân biệt đều bình đẳng, đều bình đẳng cho nên tâm không đắm trước; như vậy là tướng chánh tư duy của Bồ-tát.

Chánh ngữ là Bồ-tát biết hết thảy ngôn ngữ đều do phân biệt thủ tướng hư vọng bất thực điên đảo mà sanh ra. khi ấy Bồ-tát nghĩ rằng: Trong ngôn ngữ không có tướng ngôn ngữ, dứt hết thẩy khẩu nghiệp, biết thật tướng các ngôn ngữ; ấy là chánh ngữ. Các ngữ ấy không từ đâu lại, diệt cũng không đi về đâu; ấy là Bồ-tát thực hành chánh ngữ. Có nói năng gì đều trú ở trong thật tướng mà nói ra, do vậy nên các kinh nói: Bồ-tát trụ ở trong chánh ngữ, hay khởi tác khẩu nghiệp thanh tịnh; biết chơn tướng của hết thảy ngữ ngôn, tuy có nói mà không bị rơi vào tà ngữ.

Chánh nghiệp là Bồ-tát biết hết thảy tà tướng của nghiệp, hư vọng không thật, đều không có tướng tạo tác; vì cớ sao, vì không có một nghiệp nào được có tướng nhất định.

Nếu hết thảy nghiệp đều không, tại sao Phật nói bố thí v.v... là thiện nghiệp, sát sanh v.v... là bất thiện nghiệp; siêng làm các việc khác là nghiệp vô ký?

Trong các nghiệp còn không có một huống gì có ba. Vì cớ sao? Như lúc đi đã đến thời không có nghiệp đi (sự đi), chưa đến cũng không có nghiệp đi, hiện tại đang đi cũng không có nghiệp đi. Do vậy nên không có nghiệp đi.

Đã đến nơi thời có thể không, chưa đến nơi thời có thể không, còn hiện tại chỗ đang đi thì phải là có đi chứ?

Chỗ hiện đang đi cũng không có đi, vì cớ sao? Vì trừ nghiệp đi, chỗ hiện đang đi không thể có được. Nếu trừ nghiệp đi, có chỗ hiện đang đi, thì trong đó có thể có đi, nhưng không phải vậy. Trừ chỗ hiện đang đi thời không có nghiệp đi, trừ nghiệp đi thời không có chỗ hiện đang đi; vì cùng làm duyên chung với nhau nên không được chỉ nói chỗ hiện đang đi là có đi. Lại nữa, nếu chỗ hiện đang đi có nghiệp đi, thời lìa nghiệp đi nên phải có chỗ hiện đang đi, lìa chỗ hiện đang đi nên phải có nghiệp đi.

Nếu như vậy có lỗi gì?

Vì trong một lúc có hai nghiệp đi. Nếu có hai nghiệp đi thời có hai người đi; vì cớ sao, trừ người đi thời không có đi. Nếu trừ người đi, chỗ hiện đang đi không thể có được; không có chỗ hiện đang đi thời cũng không có người đi.

Lại nữa, người không đi cũng không đi, cho nên không có nghiệp đi. Nếu trừ người đi và người không đi, thì lại không có người đi thứ ba.

Hỏi: Người không đi, thì không đi là như vậy; còn người đi cớ sao nói là không đi?

Đáp: Trừ nghiệp đi, người đi không thể có được. Trừ người đi, nghiệp đi không thể có được. Như vậy, hết thảy pháp nghiệp đều không; ấy gọi là Chánh nghiệp.

Các Bồ-tát chứng nhập lý các nghiệp bình đẳng, không cho tà nghiệp là ác, không cho chánh nghiệp là thiện. Không tạo tác gì, không tác chánh nghiệp, không tác tà nghiệp; ấy gọi là thật trí tuệ, tức là chánh nghiệp.

Lại nữa, trong các pháp bình đẳng, không chánh không tà, như thật biết các nghiệp, biết như thật rồi không tạo tác, không ngừng nghỉ. Như vậy người trí thường có chánh nghiệp, không có tà nghiệp; ấy gọi là chánh nghiệp của Bồ-tát.

Chánh mạng là hết thảy đồ giúp nuôi mạng sống đều chánh chứ không tà. Trụ trong trí bất hỷ luận, không thủ chánh mạng, không xả tà mạng, cũng không ở trong chánh pháp, cũng không ở trong tà pháp, mà thường ở trong trí thanh tịnh, chứng nhập lý bình đẳng chánh mạng, không thấy mạng, không thấy phi mạng. Thực hành thật trí tuệ như vậy, nên gọi là Chánh mạng.

Nếu Bồ-tát quán được Ba mươi bảy đạo phẩm ấy thời vượt qua Thanh-văn, Bích-chi Phật địa mà vào trong địa vị Bồ-tát, dần dần thành được Nhất thiết chủng trí.

* Trong kinh Đại niệm xứ, Trường bộ II, có định nghĩa Bát chánh đạo như sau:

Bát chánh đạo: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

- Định nghĩa Chánh tri kiến: Tri kiến về khổ, về khổ tập và khổ diệt và khổ diệt đạo gọi là chánh tri kiến.

- Định nghĩa về Chánh tư duy: Tư duy về ly dục, về vô sân, về bất hại, gọi là chánh tư duy.

- Định nghĩa về Chánh ngữ: Tự chế không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói ác khẩu, không nói lời phù phiếm gọi là chánh ngữ.

- Định nghĩa Chánh nghiệp: Tự chế không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, gọi là chánh nghiệp.

- Định nghĩa Chánh mạng: Từ bỏ mạng, sinh sống bằng chánh mạng.

- Định nghĩa Chánh tinh tấn: Đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi ký muốn không cho sanh khởi, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi ý muốn làm cho sanh khởi và đã sinh khởi, khởi ý muốn làm cho an trú, không cho băng hoại, không cho tăng trưởng, phát triển viên mãn. Vị này phải nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí gọi là chánh tinh tấn.

- Định nghĩa Chánh niệm: là sống quán thân trên thân, quán thọ trên các cảm thọ, quán tâm trên các tâm, và quán pháp trên các pháp, tinh cần, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

- Định nghĩa Chánh định: Là vị ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, trong một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với tầm và tứ. Diệt tầm và tứ chứng và an trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã được cảm thọ từ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy gọi là chánh định.

Kết quả tu tập bốn Niệm xứ:

Nếu tu quanh năm thì chứng: 1. Chứng chánh trí ngay trong hiện tại. 2. Nếu còn hữu dư y thì chứng quả bất hoàn.

Nếu tu trong 6 năm, 5 năm, 4 năm, 3 năm, 2 năm, 1 năm thì cũng có thể chứng một trong hai quả trên.

Nếu tu trong 7 tháng thì cũng có thể chứng một trong hai quả trên.

Đây là con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ ưu khổ, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn.

[2] Bồ-tát khi đã đủ mười tháng, chánh tuệ ức niệm không quên. Khi ra khỏi thai, đi bảy bước, miệng phát ra lời rằng: "Đây là thân sau cùng của Ta".

Cho đến khi vua Tịnh-phạn đưa đến tướng sư coi rằng: "Ông hãy xem con ta thật có đủ ba mươi hai tướng chăng? Nếu có đủ ba mươi hai tướng thì có thể có hai điều: Nếu tại gia thì sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, nếu xuất gia thì sẽ thành Phật". Các Tướng sư nói: "Địa thiên Thái tử thật có đủ ba mươi hai tướng đại nhân. Nếu tại gia thì sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, nếu xuất gia thì sẽ thành Phật". Vua nói: "Những gì là ba mươi hai tướng?" Tướng sư đáp:

1. Tướng dưới bàn chân bằng phẳng: Dưới bàn chân hết thảy đều chấm đất, dù một cây kim cũng không thể lọt qua.

2. Tướng hai bánh xe dưới bàn chân: Đủ một ngàn căm xe, vòng đai bánh xe và trục bánh xe, ba điều ấy đầy đủ, tự nhiên thành tựu, không đợi người thợ làm. Các thợ trời như Tỳ-thủ-kiết-ma không thể hóa làm được diệu tướng như thế.

Hỏi: Vì sao mà không thể?

Đáp: Tỳ-thủ-kiết-ma ấy là thợ giỏi của trời mà trí tuệ không ẩn mật, luân tướng ấy là nghiệp báo thiện. Thợ trời được trí tuệ ở sanh báo, luân tướng ấy do thực hành thiện căn trí tuệ mà được. Tỳ-thủ-kiết-ma ấy trong một đời mà được trí tuệ ấy, luân tướng ấy từ trí tuệ vô lượng kiếp mà sanh. Do đó, Tỳ-thủ-kiết-ma không thể hóa làm, huống gì các thợ khác.

3. Tướng ngón tay dài: Ngón tay thon, dài và thẳng cao thấp đều đặn, đố tay sâm sai.

4. Tướng gót chân rộng và bằng:

5. Tướng ngón tay, ngón chân có lưới lụa xòe như của chim Nhạn: Trương ngón ra thì hiện, không trương ra thì không hiện.

6. Tướng tay chân mềm mại: Như thứ lông Tế-kiếp-ba (Karpàsakambalam) hơn các phần khác trong thân.

7. Tướng mu bàn chân cao và đầy: Lấy chân đáp đất, không rộng không hẹp, sắc dưới chân như Hoa sen đỏ, dưới giữa các ngón chân và sắc hai bên bàn chân như san hô thật; móng tay như đồng đỏ trong sạch. Trên mu bàn chân màu như chơn kim, lông trên mu bàn chân màu như Tỳ-lưu-ly xanh; chân nghiêm chỉnh đẹp đẽ như chiếc guốc trang sức đủ các thứ báu.

8. Tướng như bắp đùi Y-nê-diên (Aineya): Như đùi trước của nai chúa Y-nê-diên, tùy trước sau mà co duỗi.

9. Tướng khi đứng thẳng, ngón tay rờ đến đầu gối: Không cúi không ngước, lấy bàn tay rờ đầu gối.

10. Tướng âm tàng như Voi báu, Ngựa báu: Điều hòa và khéo đẹp.

Hỏi: Nếu khi Bồ-tát được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, các đệ tử do nhân duyên gì mà được thấy tướng âm tàng?

Đáp: Vì độ chúng nhân, dứt chúng nghi mà Phật cho thấy tướng âm tàng. Lại có người nói: Phật hóa làm Ngựa báu, Voi báu, chỉ cho các đệ tử mà nói rằng: "Tướng âm tàng của Ta cũng như thế".

11. Tướng thân cao và rộng cân đối như cây Ni-câu-lô-đà: Thân Bồ-tát lỗ rún ở chính giữa, bốn phần bằng nhau.

12. Tướng lông xoay hướng lên trên: Các sợi lông trên thân đều hướng lên và đẹp.

13. Tướng mỗi lỗ chân lông có một sợi lông: Lông không tạp loạn, màu xanh như lưu-ly, lông xoay theo phía hữu và hướng lên trên.

14. Tướng sắc vàng kim sắc.

Hỏi: Sắc vàng như thế nào?

Đáp: Nếu sắt ở bên vàng thì màu của sắt không hiện. Nay thứ vàng hiện tại sánh với vàng trong thời Phật ở đời thì không hiện. Vàng trong thời Phật ở đời sánh với vàng Diêm-phù-na (Jambùnadasuvarna) thì không hiện. Vàng Diêm-phù-na sánh với cát vàng trên đường chuyển luân Thánh vương trong đại hải thì không hiện. Cát vàng sánh với núi vàng thời không hiện. Núi vàng sánh với vàng của núi Tu-di thì không hiện. Vàng núi Tu-di sánh với vàng Anh lạc của cõi trời Tam thập tam thì không hiện. Vàng Anh lạc của cõi trời Tam thập tam sánh với vàng của cõi trời Diệm-ma thì không hiện. Vàng của cõi trời Diệm-ma sánh với vàng của trời Đâu-suất-đà thì không hiện. Vàng của cõi trời Đâu-suất-đà sánh với vàng của cõi trời Hóa-tự-tại thì không hiện. Vàng của trời Hóa-tự-tại sánh với vàng của cõi trời Tha-hóa-tự-tại thì không hiện. Vàng của trời Hóa-tự-tại sánh với vàng của trời Tha-hóa-tự-tại thời không hiện. Vàng của trời Tha-hóa-tự-tại sánh với sắc thân của Bồ-tát thì không hiện. Sắc như thế ấy gọi là tướng sắc vàng.

15. Tướng ánh sáng một trượng: Bốn phía trên thân đều có một trượng hào quang. Phật ở trong hào quang đó đoan nghiêm bậc nhất, như hào quang minh tịnh của chư Thiên vương.

16. Tướng da mỏng mịn: Bụi đất không dính thân, như Hoa sen không dính bụi, nước. Nếu bt kinh hành trên núi đất khô, đất không dính chân. Cuồng phong thổi đến nghiền nát núi đất thành bụi bay, dẫu đến một mảy bụi cũng không dính thân Phật.

17. Tướng bảy chỗ đầy đặn: Hai tay, hai chân, hai mắt và giữa cổ: Bảy chỗ ấy đều đầy đặn đoan chánh, màu sắc trong sạch hơn các thân thể khác.

18. Tướng dưới hai nách đầy đặn: Không cao, không sâu.

19. Tướng phần thân trên như Sư tử.

20. Tướng thân to lớn và thẳng: Thân lớn và thẳng hơn mọi người.

21. Tướng vai tròn và đẹp: Hết thảy không có vai nào sánh được như vậy.

22. Tướng bốn mươi cái răng: Không nhiều không ít hơn. Các người khác thì ba mươi hai cái răng, thân có hơn ba trăm đốt xương, xương đầu có chín, còn bt răng có bốn mươi cái, đầu có một xương. Bồ-tát xương răng nhiều, xương đầu ít, người khác xương răng ít, xương đầu nhiều, do đó nên khác với thân người.

23. Tướng răng đều đặn: Các răng không to quá, không nhỏ quá, không lồi ra, không thụt vào. Răng khít nhau, người không biết cho là chỉ có một răng. Kẽ răng khít dù một sợi lông nhỏ cũng không lọt.

24. Tướng răng trắng: Trắng hơn cả ánh sáng của núi tuyết.

25. Tướng hai má như Sư tử: Như Sư tử là chúa trong các loài thú, có hai má thẳng và rộng.

26. Tướng được thượng vị trong các vị: Có người nói: "Phật lấy thức ăn để vào trong miệng, thì tất cả thức ăn đều trở thành vị tối thượng, vì sao? Vì trong tất cả thức ăn ấy có cái nhân của vị tối thượng. Người không có tướng ấy, không thể phát ra cái nhân đó, không được vị tối thượng".

Lại có người nói: "Nếu Bồ-tát đưa thức ăn để vào trong miệng, bấy giờ hai bên yết hầu chảy ra cam lồ hòa lẫn với các vị". Vì vị ấy thanh tịnh nên gọi là được thượng vị trong các vị.

27. Tướng lưỡi to lớn: Lưỡi to lớn của Bồ-tát từ trong miệng đưa ra phủ kín cả mặt cho đến chân tóc, khi đưa trở lại miệng vẫn không chật.

28. Tướng âm thanh Phạm-thiên: Như Phạm thiên vương có năm thứ âm thanh từ trong miệng phát ra: 1. Sâu thẳm như sấm; 2. Trong suốt nghe xa, người nghe vui thích; 3. Nhập vào tâm họ thì sanh kính ái; 4. Nghe rõ dễ hiểu; 5. Người nghe không chán; thanh âm của Bồ-tát cũng như vậy. Năm thứ thanh âm từ trong miệng phát ra tướng thanh âm của chim Ca-lăng-tần-già rất dễ ưa. Lại có tướng âm thanh của trống, như trống lớn có âm thanh vang dội sâu xa.

29. Tướng mắt xanh biếc: Như hoa sen xanh đẹp đẽ.

30. Tướng lông mi trâu: Như lông mi của Trâu chúa, dài và đẹp, không tạp loạn.

31. Tướng Nhục kế ở đỉnh đầu: Bồ-tát có búi tóc bằng xương như nắm tay ở trên đỉnh đầu.

32. Tướng lông trắng: Lông trắng mọc giữa hai chân mày, không cao không thấp, trắng sạch, xoay theo phía hữu, kéo ra dài trăm thước.

Trong kinh Tướng (Lakkhanasutta), Trường bộ II cũng có ghi đầy đủ 32 tướng như sau:

33. Đại nhân tướng là những tướng gì?

- Lòng bàn chân bằng phẳng (đặt trên đất bằng phẳng, bàn chân chạm đất với bàn chân một lần.
- Dưới bàn chân có hiện ra hình bánh xe, với trục xe, vành xe, với các bộ phận hoàn toàn đầy đủ.
- Có gót chân thon dài.
- Có ngón tay, ngón chân dài.
- Có tay chân mềm mại.
- Tay chân có màng da lưới.
- Có mắt cá tròn như con sò.
- Có ống chân như con dê rừng.
- Đứng thẳng, không co lưng xuống có thể sờ đầu gối với hai bàn tay.
- Có tướng mã âm tàng.
- Có màu da đồng, màu sắc như vàng.
- Có da trơn mướt, khiến bụi không thể bám dính vào.
- Có lông da mọc từ lông một, mỗi lỗ chân lông có một lông.
- Có lông mọc xoáy tròn thẳng lên, mỗi sợi lông đều vậy, màu xanh đậm như thuốc bôi mắt, xoáy lên từng xoáy tròn nhỏ và xoáy về hướng mặt.
- Có thân hình cao thẳng.
- Có giọng nói tuyệt diệu như tiếng chim Ca-lăng-tần-già.
- Có hai mắt màu xanh đậm.
- Có lông mi con bò cái.
- Giữa hai lông mày có sợi lông trắng mọc lên, mịn màng như bông nhẹ.
- Có nhục kế trên đầu.
- Có nửa thân trước như con Sư tử.
- Không có lõm khuyết xuống giữa hai vai.
- Có thân thể cân đối như cây bàng. Bề cao của thân ngang bằng bề dài của hai tay sải rộng, bề dài của hai tay sải rộng ngang bằng bề cao của thân.
- Có bán thân trên vuông tròn.
- Có quai hàm như con Sư tử.
- Có 40 cái răng.
- Có răng đen đều đặn.
- Có răng không khuyết hở.
- Có răng cửa trơn láng.
- Có tướng lưỡi rộng dài.

Do nghiệp nào mà tạo được 32 tướng.

1. Như Lai đời trước làm người kiên trì, không giao động với các thiện pháp, thiện hành về thân miệng ý, phân định bố thí, giữ giới, bố tát, hiếu kính cha mẹ, cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn, tôn kính đàn anh trong gia đình và tất cả những vị tối thắng khác. Với việc làm ích lợi ấy khi thân hoại mạng chung được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Ngài còn 10 điểm thắng xa chư Thiên khác: Thọ mạng, thiên sắc, thiên lạc, danh xưng, uy lực, sắc tướng, âm thanh, thiên hương, thiên vị, thiên xúc.

2. Như Lai đời trước, sống vì hạnh phúc cho chúng sanh, trừ diệt mọi sợ hãi kinh hoàng, che chở, hộ trì bảo vệ đúng pháp, bố thí cho các tùy tùng. Nên được tướng dưới bàn chân có hình bánh xe hiện ra, với 1000 tăm xe, với bánh, trục và các bộ phận đầy đủ.

- Nếu làm Chuyển luân thì được: Nhiều kẻ hầu cận: Cư sĩ, Bà-la-môn, thị dân, thôn dân, sở tài chánh, tư pháp, vệ sĩ, phục vụ, đại thần, chư hầu, hào phú, vương tử phục dịch hết mình.

- Nếu làm Phật thì được: Có đại chúng hầu cận đông đảo gồm: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, nam nữ cư sĩ, chư Thiên, loài người, A-tu-la, thần rắn, Càn-thát-bà.

3. Như Lai đời trước làm người: Từ bỏ, chế ngự sát sanh, bỏ trượng, kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến với tất cả chúng sanh và loài hữu tình, nên kết quả có tướng trượng phu: Gót chân thon dài, ngón tay nhón chân dài và mềm mại.

- Nếu làm vua thì được: Thọ mạng lâu dài, sống lâu năm, không ai hại được thọ mạng ấy.

- Nếu làm Phật thì được: Thọ mạng, sống lâu, thọ mạng được hộ trì, không ai có thể hại được thọ mạng của Ngài.

4. Như Lai đời trước là vị bố thí các món ăn loại cứng, mềm, nếm, liếm, loại uống, cao hương mỹ vị, nhờ vậy được tướng bảy chỗ tròn đầy: hai tay, hai chân, hai vai và thân hình tròn đầy.

5. Như Lai ở đời làm người, là vị đầy đủ 4 nhiếp pháp: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Nhờ phước ấy nên được tướng: Tay chân mềm mại, có lưới da giữa ngón tay, ngón chân.

- Nếu làm vua thì khéo nhiếp các vị tùy tùng, các vị cư sĩ, Bà-la-môn, thị dân, thôn dân... các vương tử.
- Nếu làm Phật thì thâu nhiếp các vị tùy tùng, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni... Long thần, Càn-thát-bà.

6. Như Lai đời trước làm người là người nói lời liên hệ lợi ích cho chúng sanh, liên hệ Pháp, giải thích cho đại chúng, đem lại lợi ích an lạc cho chúng sanh, tán dương chánh hạnh. Nên có được tướng: Mắt cá tròn như con sò và lông mọc xoay tròn thẳng lên.

- Nếu làm vua thì tài vật, dục lạc đều tối thắng, tối ưu, cao tột, đệ nhất.
- Làm Phật thì Ngài là bậc tối thắng, cao tột, đệ nhất cho toàn thể chúng sanh.

7. Như Lai đời trước làm người là người siêng năng học hỏi nghề nghiệp, mọi kỹ thuật học thuật oai nghi hay hành động, làm thế nào để cho mau tiến bộ, có kết quả khỏi mệt nhọc lâu ngày. Nhờ phước ấy nên có tướng: Có ống chân giống như con dê rừng.

- Nếu làm vua thì được có tất cả những gì một vị vua phải có một cách mau chóng.
- Nếu làm Phật thì được tất cả những gì phải có cho một vị Sa-môn một cách mau chóng.

8. Như Lai trước làm người thường hay đến các Sa-môn, Bà-la-môn và hỏi: Thế nào là thiện và bất thiện, có tội và không có tội, điều nên và không nên làm, điều nào làm sẽ đưa đến bất hạnh lâu dài và điều nào nếu làm sẽ đưa đến hạnh phúc và an lạc lâu dài? Kết quả làm tốt nên được tướng: Da của Ta trơn mịn khiến bụi bặm không thể bám dính vào thân.

- Nếu làm vua thì được Đại trí tuệ không ai bằng, không ai hơn Ngài về tài sản thế tục.
- Nếu làm Phật thì được Đại trí tuệ, quảng trí tuệ, hỷ tâm trí tuệ, mẫn tiệp trí tuệ, thông tuệ trí tuệ, yểm ly trí tuệ, không ai hơn Ngài về trí tuệ.

9. Như Lai đời trước làm người không sân, không ảo não, dầu bị nói nhiều cũng không tức tối, không phẫn nộ, không hiềm khích, không mất bình tĩnh, không biểu lộ phẫn nộ, không sân hận phiền muộn. Trái lại, Ngài bố thí cái thứ che đắp bằng loại mềm mại, nên được tướng: Sắc hoàng kim, da màu đồng, sáng bóng.

- Nếu làm vua thì cũng được các thứ như trên.
- Nếu làm Phật cũng được cúng dường các thứ như trên.

10. Như Lai đời trước làm người, Ngài làm cho sum họp lại những bà con bạn bè thân tín không gặp nhau lâu ngày, bị đau khổ lâu, làm cho mẹ với con, con với mẹ, cha với con, con với cha, giữa anh em với nhau, vui vẻ hòa hợp nên được tướng tốt: Mã âm tàng.

- Nếu làm vua thì nhiều con, đều là bậc anh hùng.
- Nếu làm Phật thì được nhiều người con xuất gia và tại gia đều là bậc vô song, nhiếp phục được ma quân.

11. Như Lai đời trước, làm người quán sát và hiểu rõ đại chúng, biết mình, biết người, biết sự sai biệt giữa mọi người. Người này xứng đáng như thế này, như thế này và hành động theo sự sai biệt ấy nên được tướng: Thân hình tròn như cây Nigrodha và đứng thẳng không cong lưng. Ngài có thể sờ và thoa đầu gối với hai lòng bàn tay.

- Nếu làm vua thì nhà triệu phú, đại triệu với kho tàng đầy vàng, bạc, tài vật, tiền lúa.
- Nếu làm Phật là triệu phú, đại triệu phú. Tài vật của Ngài là tín tài, giới tài, tàm, quí, đa, văn, thí, trí tuệ tài.

12. Như Lai đời trước làm người, tha thiết với sự lợi ích, hạnh phúc, sự thoải mái, sự an ủi của đại chúng. Làm cho họ tăng trưởng lòng tin, giới, đa văn, bố thí, pháp, trí tuệ, tài vật và lúa gạo, ruộng đất, loại 2 và 4 chân, vợ con, đầy tớ, lao công, bà con, bạn bè, quyến thuộc. Nên được tướng tốt: nửa thân trên như con Sư tử, hai vai không có lõm khuyết xuống, và thân hình tròn đều.

- Nếu làm vua không bị thất bại, mất tài sản, các loài hai chân, bốn chân, vợ con, đầy tớ, lao công, bạn bè quyến thuộc.
- Nếu làm Phật không bị thất bại, không mất tín, giới, văn, thí, xả và tuệ.

13. Như Lai đời trước không làm hại đến các loài hữu tình hoặc bằng tay, bằng đá, gậy, đao, nên được tướng tốt: Cảm vị hết sức nhạy bén, khi vật gì chạm đầu chóp lưỡi, những cảm giác được khởi lên tại cổ họng và truyền đi khắp nơi.

- Nếu làm vua thì thiểu bệnh, thiểu não, tiêu hóa tốt, nhiệt thăng bằng.
- Nếu làm Phật thì ít bệnh... cơ thể kham nhẫn, siêng năng.

14. Như Lai lúc làm người không quen ngó liếc, ngó xiên, ngó trộm, nhưng giữ tâm chánh trực, cao thượng, nhìn đại chúng với tâm từ bi, nên được tướng: cặp mắt hết sức xanh và lông mi như con bò cái.

- Nếu làm vua: đại chúng ưa nhìn Ngài, tất cả đều hoan nghinh, thương kính Ngài.
- Nếu làm Phật: các hàng đệ tử đều hoan nghênh và thương kính Ngài.

15. Như Lai trước là người lãnh đạo đại chúng về thiện pháp, về thiện hành thân, khẩu, ý, phân phát bố thí thủ hộ giới luật, dự bố tát, hiếu kính cha mẹ, lễ kính Sư môn, cung kính các bậc Trưởng thượng trong gia đình và các thiện pháp đặc biệt khác nên được nhục kế trên đầu.

- Nếu làm vua thì được mọi người hết sức trung thành.
- Nếu làm Phật thì được toàn thể các loài, đệ tử trung thành.

16. Như Lai trước làm người từ bỏ nói láo, nói lời chân thật, tin cậy, không thất hứa một ai nên có tướng tốt: Mỗi lỗ chân lông là mỗi sợi lông mọc lên và giữa hai lông mày có tước bạch hào sanh, màu trắng, mềm mại giống như bông.

- Nếu làm vua thì tất cả mọi người đều tuân theo ý muốn của vua.
- Nếu làm Phật tất cả các loài và đệ tử đều tuân theo ý của Ngài.

17. Như Lai trong bất cứ đời trước nào từ bỏ, tránh xa nói hai lưỡi, tránh nói chia rẽ, sống hòa hợp với những kẻ ly gián, tăng trưởng với những người đã hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp nên đưa tới tướng: có 40 răng và giữa răng không có kẽ hở.

- Nếu làm vua thì những người tùy thuộc không có chia rẽ.
- Nếu làm Phật thì các đệ tử và các chúng không có chia rẽ.

18. Như Lai trong đời trước làm người, Ngài từ bỏ nói lời độc ác, nói lời không lỗi lầm, nói lời làm đẹp lòng người, tao nhã, thông cảm... nên được hai tướng: lưỡi dài và giọng nói dịu ngọt như tiếng chim Ca-lăng-tần-già.

- Nếu làm vua thì lời nói được thuộc hạ các cấp chấp thuận.
- Nếu làm Phật: lời nói của Ngài được mọi người tuân thủ.

19. Như Lai đời trước làm người từ bỏ tà mạng, muốn sống theo chánh hạnh, tránh xa sự gian lận, lừa đảo, trộm cắp, bức đoạt làm tổn thương kẻ khác. Do nhân ấy nên có kết quả được hai tướng: răng đều đặn và sáng chói.

- Nếu làm vua thì tùy tùng được tâm thanh tịnh.
- Nếu làm Phật thì các đệ tử của Ngài đều được tâm thanh tịnh.

[3] Bảy báu:

- Thiên báu luân: 1000 cọng xe, với vành xe, trục xe, đủ mọi bộ phận.

Thiên báu này chỉ xuất hiện khi vua khởi tâm muốn dùng đến. Có thể đi trên không, dưới nước và bình định bốn phương, hàng phục với 4 loại binh chủng. Đến đâu cũng được đón tiếp long trọng với câu nói: Hãy đến đây, đại vương. Tất cả đều thuộc của ngài. Đại vương hãy huấn thị cho chúng tôi, và vua huấn thị 5 giới cho họ.

"Này A-nan-đa, xe báu ấy sau khi chinh phục trái đất cho đến hải biên liền trở về kinh đô Kusavati, và đứng trước pháp đình, trên cửa nội cung như một trang bảo cho nội cung của vua Đại Thiện Kiến".

- Voi báu: Thuần trắng, kiên cường, có thần lực, phi hành trên hư không và tên là Uposattha, làm đẹp lòng vua.

Voi báu này có thể cỡi đi khắp quả đất cho đến hải biên rồi trở về kinh đô Kusavati kịp giờ ăn sáng.

- Ngựa báu: Thuần trắng, đầu đen như quạ, có thần lực phi hành trên hư không tên là Valahaka. (nt)

- Châu báu: Chất lưu ly, chiếu sáng 1 do tuần, thuần chất, khó dũa, khó mài.

- Nữ báu: Mỹ miều, khả ái, đoan trang, màu da tuyệt mỹ, không cao, thấp, béo, gầy, không quá đen, quá trắng, vượt xa loài người. Thân xúc nữ báu êm mịn như bông, nhung. Khi trời lạnh, tay chân trở thành ấm. Khi trời nóng trở thành mát. Thân tỏa mùi thơm chiên đàn, miệng thơm hoa sen. Nữ báu dậy trước ngủ sau, mọi hành động đều làm vua yêu thích. Nữ báu không có tà dâm.

- Gia chủ báu: Chứng thiên nhãn, có thể thấy của báu có chủ hay không có chủ, chôn ở đâu và khi vua cần bao nhiêu có bấy nhiêu.

- Tướng quân báu: Có học thức, thông minh, sáng suốt, có khả năng khuyến cáo: Tiến, thối, dừng...

 

---o0o---

 

Phần 1 > Phần 2 > Phần 3

---o0o---

Nguồn: http://zencomp.com

 Trình bày: Anna

Cập nhật: 8-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

sanh tâm vô trú biet song thi thanh tho Ð Ð Ð tÃƒÆ di 永代 墓 净空老法师临终遗言 tản mạn nghìn mắt nghìn tay 地风升 å æžœ рикна Thiền rửa chén chờ thần chết 禅诗精选 hạnh phúc và phước đức trong thiền 教师节的对联 净名言警句摘抄 牧牛 仏壇 お手入れ用品 观世音菩萨普门品 五痛五燒意思 biệt 弘一法师 华藏法门 người niệm phật chớ nên nghe nhiều hoÃ Æ Già 护法 ç ºä ç Ÿå æœ å œæ 念地藏圣号发愿怎么说 藥師琉璃光如來本願功德經 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 生日快乐 忏悔 Ngày ăn chay được ưu đãi 50 giá เทศนาหลวงพอธราชม 佛教中华文化 tinh cach tuc thoi lan dau cong bo anh ve cuoc dau tranh chong dan ap ò văn Tạp bút Tham thực sà c ß 清华间谍 nguồn gốc của khổ đau 课程表鼓励孩子的话 佛观音 新学期新展望内容怎么写