.
Thông
Điệp "Catvàriaryasatyàni"
Tia Nắng Đầu Tiên Trong Lịch Sử Triết Học Và Tôn Giáo
Thích Tâm Thiện
Bức thông điệp đó là "Tứ Diệu đế"
(Catvàriaryasatyàni), Bốn Sự thật (The truth), bốn Chân lý về con người và
sự hiện hữu của con người. Nó cũng là con đường biện chứng thực tại mà qua
đó con người có thể vươn đến một đời sống hạnh phúc chân thực ngay tại
cuộc đời này. Đây là pháp thoại đầu tiên được Đức Phật chuyển pháp luân
hóa độ năm anh em tôn giả Kiều Trần Như (Kondanna) tại vườn Nai (Bénarès)
sau khi thành đạo.
Theo kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappa-vattana-sutta), nội dung của Tứ
đế được ghi lại, đại khái như vầy :
"... Này các Tỳ kheo ! Sự sinh thành, già nua, bệnh đau và tử biệt là khổ,
xa người mình yêu, gần người mình ghét là khổ; cầu mong không được là khổ,
năm uẩn (aggregates of the existence) hoại diệt, bất toại là khổ. Như vậy
là Khổ thánh đế".
"Lại nữa, này các Tỳ kheo ! Tâm lý nuối tiếc, khát vọng và chấp thủ là con
đường đưa đến khổ đau, luân hồi tái sinh, nơi nào có mặt tham ái là có
chấp thủ, ham muốn, ước vọng, mong cầu..., như vậy là Khổ tập thánh đế".
"Lại nữa, này các Tỳ kheo ! Xa lìa, đoạn trừ tham ái, chấp thủ, ước
vọng... mọi tâm lý dục vọng (nói trên) là giải thoát, an lạc như vậy là
Diệt thánh đế".
"Lại nữa, này các Tỳ Kheo ! Tám chi phần chánh đạo, chánh kiến, chánh tư
duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm,
chánh định là con đường đưa đến diệt khổ; tức là Đạo Thánh Đế".
Như vậy nội dung của Tứ Đế là :
-
Sự thật về khổ đau (Truth of the suffering).
-
Sự thật về nguyên nhân của khổ đau (Truth of the cause).
-
Sự thật về chấm dứt khổ đau (Truth of the extinction).
-
Sự thật về con đường đưa đến chấm dứt khổ đau (Truth of path).
Kinh Sa Môn Quả (Samannaphalasuttanta), Trường Bộ, Đức Phật dạy về kinh
nghiệm giác ngộ của Ngài qua phương pháp Tứ đế như sau :
"... Với cái tâm an định, trong sạch, linh mẫn, điều chế, xả hết nghiệp
ác, nhu nhuận, tùy ứng, kiên cố, không nao núng, thầy Tỳ kheo phát tâm
diệt trừ phiền não. Thầy biết đúng như thực (yathabhutam): "Đây là khổ";
"Đây là nguyên nhân của khổ"; "Đây là sự diệt khổ"; "Đây là con đường đưa
đến diệt trừ khổ". Thầy biết đúng như thực: "Đây là phiền não"; "Đây là
nguyên nhân của phiền não"; "Đây là sự diệt phiền não" và "Đây là con
đường đưa đến sự diệt trừ phiền não". Biết như vậy, thấy như vậy, tâm thầy
được giải thoát các phiền não lậu hoặc của dục ái (karma), của hữu ái
(bhava), của vô minh (avijja) và được trí tuệ giải thoát. Thầy Tỳ kheo
biết: "Nghiệp tái sinh đã xả trừ, phạm hạnh đã tròn, việc gì phải làm nay
đã làm xong, sau kiếp này không còn thọ thân nào khác". (With his heart
thus serene, made pure, translucent, cultured, devoid of evil, supple,
ready to act, firm, and imperturbale, he directs and bends down to the
knowledge of the destruction of the defilements (àsavà). He knows as it:
"This is pain"... "This is the origin of pain"... "This is the cessation
of pain"... "This is the path that leads to assation of pain "... To him,
thus knowing, thus seeing, the heart is set free from the defilement of
lusts (kàrma)... of existence (bhàva)... of ignorance (avijjà)... In him,
thus set free, there arises the knowledge of his emancipation, and he
knows: "Rebirth has been destroyed. The higher life has been fulfilled.
What had to be done has been accomplished. After this present life there
will be no beyond !"). (Samannaphala Sutta - Digha Nikaya).
Trên đây là nội dung của Tứ thánh đế. Giờ đây chúng ta đi vào nghiên cứu
Tứ đế qua lăng kính triết học. Có một điều cần ghi nhận rằng: nói đến
triết học Tứ đế, không có nghĩa là đưa giáo lý này từ một con đường tu tập
vào một hệ thống của luận lý, mà ở đây, từ cơ sở triết học, khảo cứu tính
biện chứng của Tứ đế, thông qua khuynh hướng tư duy và hành động trong đời
sống tâm lý cũng như vật lý của con người.
I.Tiền đề triết
học của Tứ đế
Như đã trình bày (ở phần trích dẫn), thông điệp của Tứ đế hẳn là một giai
trình mà ở đó bao gồm cả hai mặt nhận thức và hành động. Do vậy con đường
tu tập Tứ đế không thể chỉ xét qua góc độ nhận thức luận (théorie de la
connaissance - gnoséologic) mà vấn đề là mô thức biện chứng (dialectique)
của nó.
Đức Phật trong suốt quá trình đi tìm con đường giải thoát, những kinh
nghiệm khổ đau về con người và cuộc đời là những gì mà tự thân đức Phật đã
trải qua và kinh nghiệm một cách sâu sắc. Do đó, pháp thoại Tứ đế được xem
như là một quá trình biện chứng thực tại (dialectical reality) ngay trong
đời sống nội tâm của Đức Phật. Và cái đỉnh cao tận cùng của con đường ấy
được Đức Phật đồ giải (map-out) qua dạng thức của Tứ đế trên cơ sở tương
quan nhân quả sinh vật (biological causation), và đây chính là sự thăng
chứng nội tại (inner experience) mà Đức Phật đã đi qua. Vì thế nó không
phải là mẫu thức lý tưởng (paradeigma), cũng không phải là bản sao chép
(mimesis) từ những ý niệm; vì tự thân nó không hề có cái ngã thể (ego) độc
lập; nó là sự kiến chiếu như thực, là cái thấy như thực (yathabhutam)
trong dòng hiện hữu (dharana).
Từ
nội dung thông điệp này, Tứ đế được Đức Phật giải minh theo một lộ trình
nhân quả tương quan thông qua bốn tiền đề triết học cơ bản, đó là :
-
Tri nhận thực tại (Khổ thánh
đế).
-
Sự chuyển hướng tư duy (Tập
thánh đế).
3.
Sự chuyển hướng hai chiều (Diệt thánh đế).
4.
Giai trình tư duy (Đạo thánh đế).
1) Tri nhận thực tại
(Recognition of reality)
Trước hết Đức Phật dạy Khổ thánh đế (Dukha-àryasatya). Ở đây khổ đau là
một thực tại như thực (truth of the suffering) đối với con người. Thánh đế
(The truth) là một chân lý khách quan - hiện thực. Khổ, hay hình thái của
sự bất an là một kết quả của hàng loạt nhân duyên được tạo tác từ tâm
thức. Như vậy, tri nhận thực tại là một cách trực tiếp đi vào soi sáng mọi
hình thái khổ đau của con người. Nếu như logic thuần lý đi từ bước thấp
nhất của tư duy - cảm giác cho đến khả thể tư duy một cách tiệm tiến, thì
sự tri nhận thực tại là một suy thức năng động đi thẳng vào bản chất của
hiện hữu, dù rằng đó là hiện hữu của ý niệm (idea). Đây là xung lực của
tri kiến như thực, một năng lực đánh thức con người đi ra khỏi giấc mộng u
huyền và trực tiếp đối diện với những thăng trầm khổ đau ngay nơi tâm thức
của chính mình; tại đây, qua lăng kính của "như thị - tri kiến", sự thật
được nhìn nhận như là chính nó mà không hề có vô luận một bóng mờ nào của
sự duy lý. Tuy nhiên, để thấu triết cái căn nguyên của khổ đau, con người
không thể dừng lại ở sự thật của khổ đau hay quay mặt chạy trốn, mà phải
đi vào soi sáng cái bản chất nội tại của nó.
2) Sự chuyển hướng tư duy
(Change of thinking)
Sau khi tri nhận sâu sắc về khổ đau như một sự thật đang là, Đức Phật dạy
tiếp Tập thánh đế (Samudaya-àryasatya), tức là đi tìm nguồn gốc của khổ
đau.
Thông thường, đối với khổ đau, người ta thường có xu hướng đi tìm một sự
bình an bên ngoài khổ đau hay là đi ra khỏi cái khổ đau hiện hữu. Lối tìm
kiếm này đưa con người về một trạng thái vọng tưởng, chạy trốn thực tại
hoặc ẩn náu nơi một trú xứ hão huyền mà căn nguyên khổ đau vẫn cứ bám chặt
trong tiềm thức. Do đó, Tập thánh đế được gọi là một sự chuyển hướng tư
duy. Bởi lẽ, thay vì tìm cách đi ra khỏi cái khổ đau hiện thực theo thói
quen tìm kiếm sự bình an của con người, Tập đế đề nghị tư duy quay về tìm
kiếm cái nguyên nhân của khổ đau (truth of the cause); và cái nguyên nhân
đó đã được Đức Phật xác định một cách rõ ràng đó là tham ái (tanhà) và
chấp thủ (upadàna), hay nói một cách phổ thông là Tham (greed) Sân
(hatred) và Si (ignorance). Ở đây, cái mấu chốt của khổ đau là do mọi hành
vi tâm lý của con người được xây dựng trên nền tảng của tự ngã (ego); rồi
từ nơi tự ngã tham lam, sân hận và si mê trỗi dậy tạo thành vòng luân hồi
trầm luân. Cố nhiên, để đi ra khỏi vòng trầm luân đó tất yếu phải loại trừ
mọi hình thái của tự ngã như cái tôi (I), cái của tôi (mine), cái tự ngã
của tôi (myself). Quá trình loại trừ này được đề cập ở phần thứ ba, tiếp
theo.
3) Sự chuyển hướng hai chiều
(Change of duality)
Khi nhận ra rằng khổ đau xuất sinh từ suy thức hữu ngã, nên con người lại
có xu hướng loại trừ cái hữu (existence) để đi tìm cái vô (emptiness) rỗng
tuếch, mà thuật ngữ Phật học thường dùng khái niệm hoặc hữu hoặc vô, tất
cả đều rơi vào biên kiến (ditthi). Vì thế ở đây Diệt đế
(Nirodha-àryasatya) sẽ được khảo sát theo một tiến trình chuyển hướng hai
chiều (lưu chuyển và hoàn diệt). Trước hết, nếu hiểu Diệt đế là chân lý
của sự tận diệt (truth of extinction) thì cái cần phải tận diệt ở đây là
cái sở hữu tự ngã, nó được phô diễn qua mọi hình thái của tham, sân và si.
Trong khi chiều ngược lại của nó (tức không tham, không sân, và không si)
chính là sự sinh khởi tri giác thực tại - giải thoát, nó là mục đích cứu
cánh tối hậu (upmost reality) hay là cái tâm thể tròn đầy vốn toàn năng
(omnipotent), toàn trí (omniscient) và luôn luôn chiếu diệu ở khắp mọi nơi
(omnipresent). Cái tâm thể viên mãn ấy là Phật tính vĩnh hằng. Vì ở đó là
một trạng thái bản nguyên phi vô phi hữu, diệc vô diệc hữu (Reductio Ad
Absurdum - Middle Treatise); đó chính là thể cách của sự toàn tri (giác
ngộ) - một cái nhìn chiếu diệu vào hiện hữu (an illuminating view of
things) và siêu việt mọi trạng thái dị đồng (various grades of diversity).
Nếu không có chiều sinh khởi ngược lại như thế, thì sự tận diệt sẽ trở nên
một chuỗi dài của hư vô không tận. Do đó, sự chuyển hướng hai chiều này sẽ
là một quá trình hiển lộ Niết bàn ngay tại cuộc đời này và con người này,
mà không phải là ở một cõi u huyền xa xăm nào khác. Có thể hình dung Diệt
đế, theo các hệ tư tưởng Đại thừa, như là cách ngôn nổi tiếng của kinh
Niết Bàn: "Muốn đến Niết bàn hãy đi vào đường sinh tử" hay "Phật pháp bất
ly thế gian giác". Như vậy, Diệt đế là Niết bàn, mà Niết bàn thì chỉ hiện
hữu khi và chỉ khi nào siêu việt nhị nguyên (non-dualism), thể nhập thực
tại như thực vốn không bản ngã.
4) Giai trình tư duy (Process
of thinking)
Muốn đạt đến Diệt đế hay Niết bàn (Nirvàna), con người cần phải đi qua một
giai trình tư duy và hành động mà Đức Phật gọi là Đạo đế
(Mànga-àryasatya), tức là con đường đưa đến Niết bàn - sự tận diệt Tham,
Sân và Si. Ở đây, mô thức tu tập được Đức Phật dạy rõ qua Bát thánh đạo
phần (Ariyàtthangikamagga), bao gồm:
Chánh tri kiến (Sammà-ditthi)
Chánh tư duy (Sammà-sankappa)
Chánh ngữ (Sammà-vàcà)
Chánh nghiệp (Sammà-kammanta)
Chánh mạng (Sammà-àjivà)
Chánh tinh tấn (Sammà-vàyàma)
Chánh niệm (Sammà-sati)
Chánh định (Sammà-samàdhi)
Hay nói chung bao gồm: Giới (Moral
formation), Định (Concentration) và Tuệ (Formation of the wisdom), tức Tam
vô lậu học.
Như thế, từ các tiền đề trên, mỗi con người
cần phải nỗ lực tri nhận và kinh nghiệm về sự thật đau hay hạnh phúc của
chính mình. Giác ngộ thực chất không gì khác hơn là một tiến trình đi từ
tri nhận thực tại, chuyển hướng tư duy từ vọng tưởng sai lầm đến tri kiến
tuệ giác như thực. Thông qua Bát thánh đạo phần, con người cần thiết được
đào luyện bởi một giai trình tư duy của chính nó để vươn đến trí tuệ. Ở
đây, điều quan yếu là tiến trình thanh lọc (trạch pháp) tư duy, để từ vọng
thức hiển lộ chơn thức, từ cái hữu hạn đi đến cái vô hạn. Nhưng trong suốt
quá trình loại suy đó cho đến khi con người đạt được một sự toàn tri cao
nhất, thì cái "sinh thức hiện hữu" hay cái tâm thể bao la mênh mông bất
sinh, bất diệt này vẫn là nền tảng của thực tại giải thoát. Do đó, giai
trình tư duy sẽ đưa con người từ sinh địa hữu hạn vươn đến vô biên, rồi từ
vô biên trở lại với cuộc sống thường nghiệm sinh hữu này. Vì thế gọi nó là
một sự chuyển hướng hai chiều trên cùng một thực tại bao gồm cả hai mặt
công ước và tuyệt đối. Tiến trình này được gọi là nội chứng tự thân
(individual inner experience) vốn mang theo một giá trị miên trường. Đây
cũng là nội dung của bến bờ chân hạnh phúc mà Đức Phật - ngay thời thuyết
pháp đầu tiên - Ngài đã truyền trao cho con người để "kiến lập nhân gian
tịnh độ". Từ đây, chúng ta đi vào khảo sát cấu trúc biện chứng thực tại
thông qua nội dung thông điệp của Tứ thánh đế. Hẳn nhiên, ở góc độ biện
chứng, Tứ đế sẽ không được xem là khuôn mẫu triết lý, mà nó biểu thị cho
cơ cấu thuyên thích nội tại (implicit hermentical structure), một diễn
trình của tri thức về hiện hữu (dharma) hay thực tại tuệ giác.
II. Biện chứng
Tứ đế
Nếu như tính biện chứng (dialectical) được
xem như qui trình tương tác giữa lý tưởng và thực tại, giữa ý thức và hành
động, giữa luận lý và thực tiễn, thì tính biện chứng Tứ đế là một tiến
trình điều hướng tư duy một cách năng động tối ưu, nhằm phấn khích mỗi tự
thể tri kiến vươn lên đỉnh cao của tuệ giác như thực đối với hiện hữu (to
their appearances as they really are), siêu việt mọi biên độ hữu hạn, phủ
dẫm mọi định kiến hư ảo và mở ra một cảnh giới của tự do trong dòng tương
tục của tâm - tức làm cho sinh khởi năng lực của trí tuệ vô biên ngay
trong những cái hữu biên, hạn cuộc. Do vậy, biện chứng Tứ đế được xem như
là một năng thức hướng thượng bao quát cả hữu biên và vô biên trên căn bản
của dòng sinh thức hiện hữu "hữu tận mà vô tận" này. Từ đó, ánh sáng tuệ
giác sẽ soi sáng mọi góc cạnh bí mật của dòng đời, mà kẻ trí giả với logic
tư duy hữu ngã không làm sao thể nghiệm được. Năng thức hướng thượng, đó
là "khát vọng giác ngộ", một dòng động mạch tâm linh thúc giục con người
tiến về phía trước biên giới của nhị nguyên, mở toang mọi bí ẩn của khổ
đau và sự hiện hữu của chính con người, nó được định danh là "Tập đế" hay
"12 nhân duyên"; và con đường soi sáng "Tập đế" hay "12 nhân duyên" chính
là "Đạo đế". Do vậy, tính biện chứng Tứ đế là nền tảng của cấu trúc thực
nghiệm. Ở đây, biện chứng Tứ đế bao gồm một cái nhìn tổng thể, mối tương
duyên của các phạm trù và bán phạm trù, qui trình logic tri kiến, thể thức
của hiện hữu, và thể tính thường trú của hiện hữu. Để cụ thể hơn, cần
thiết đi vào soi sáng năm bước biện chứng của Tứ đế như sau :
1. Cái nhìn tổng thể
Mọi suy tưởng trên căn bản của các phạm trù
về sự hữu, trước hết phải được soi sáng ngay trên cái sinh thể hiện hành.
Đức Phật, trong kinh Rohitarsa tuyên thị rằng :
"Trong chính cái xác thân dài một trượng này,
cùng với tri giác tư tưởng, Như Lai tuyên bố thế gian, nguồn gốc của thế
gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian". (In
this very one - fathom long body, along with its perceptions and thoughts,
I proclaim the world, the origin of the world the cessation of the world,
and the path leading to the cessation of the wordl" - Rohitarsa Sutta).
Ở đây, chân lý Tứ đế bao phủ đời sống con
người qua các mặt thiện và bất thiện, chân đế và tục đế. Mặt khác, cái
nhìn tổng thể là cái nhìn bao quát cái cấu trúc của sự hữu, trong đó nhân
duyên và quả là mối liên hệ mang tính phổ biến khách quan. Mọi hiện hữu
trên cuộc đời này, con người này, thế giới này đều được qui định bởi định
luật nhân quả. Do đó, thấy được nhân quả của một sự thể tức thấy được hai
mặt của một vấn đề. Tất nhiên, nhân quả ở đây chỉ được dùng trên bình diện
chân lý công ước (conventional truth); nghĩa là nó chỉ mang chức năng định
hướng chứ không phải là mô tả.
2. Sự liên hệ giữa các phạm trù
Tứ đế, ở một phương diện nào đó đã nói lên
mối tương quan nhân quả (relative causation), nhưng sự tương quan trong
nhân quả chính là sự tương quan Duyên khởi (paticcasamùppàda), mà định lý
tổng quan của Duyên khởi thì bảo rằng :
"Do A hiện hữu nên B hiện hữu
Do A không hiện hữu nên B
không hiện hữu.
Do A sinh khởi nên B sinh
khởi.
Do A đoạn diệt nên B đoạn
diệt".
Từ căn nguyên triết lý này, Tứ đế là cấu trúc
hiện hữu thúc đẩy tư duy con người đi qua mọi vấn nạn thuần lý để vươn đến
cái tri kiến như thực (yathabhutam). Cấu trúc Tứ đế, tại đây đóng vai trò
tương quan, tương hệ giữa các cặp phạm trù: Hữu (process of becoming) - Vô
(becominglessness), Sinh (production) - Diệt (destruction), Thường
(eternal) - Đoạn (annihilation), Khứ (death) - Lai (birth)... và đi qua
thời gian của Sinh, Trụ, Dị, Diệt, hay Thành, Trụ, Hoại, Không. Thông qua
các phạm trù mang thể tính không và thời này, chúng ta tri nhận cái bản
chất vô thường đoạn diệt của từng sự hữu, để rồi từ vô hữu đi vào hiện
hữu, từ cái giả hiển bày cái chân; thành ngữ Đại thừa thường gọi là "Dĩ
huyễn độ chân". Các phạm trù bản thân nó là đối lập, nhưng cấu trúc Tứ đế
đã xây dựng cho nó một mối duyên sinh không đối lập, nghĩa là nhân quả
tương tác. Mối tương quan nhân quả này được thể hiện theo hai chiều sinh
khởi và đoạn diệt; và địa vị của nó y cứ trên hai cơ sở: trần gian và xuất
thế gian. Do đó, hiểu Tứ đế sẽ khai thông mọi mâu thuẫn nội tại do tri
kiến thiết lập và phê bác giả tạo hình thành.
3. Qui trình logic tri kiến như thực
Nói đến logic tri kiến như thực là nói đến
Chánh tri kiến (right view). Ở đây, nó không phải là logic tư duy hữu ngã
- trên căn bản cái "tôi là", mà tri kiến như thực chỉ có thể thể nghiệm và
lãnh hội khi chúng ta thấu tri bản chất của ngôn ngữ, thông qua sự vận
hành của qui tắc Tứ đế nhằm siêu việt ngã thể để vươn đến cái tri kiến như
thực hay tri kiến vô kiến - tức cái "không là" trong khái niệm. Tuy nhiên,
bước tiên khởi của qui trình này đi từ hữu cực đến vô cực (from the finite
to the infinite), từ kiến lập đến phá vỡ (from building up to pulling
down) của một sinh thể hiện hữu. Do đó, Tứ đế chủ trương nhìn nhận sự thật
bằng sự thật. Vả lại, trong hình thái của sự bất an, bất toại, khổ đau, nó
không đơn giản chỉ có một nhân duyên, mà trong nó bao hàm hàng loạt hệ
thống nhân duyên tương tác, từ vật lý đến tâm lý. Vì thế cần có một cái
nhìn toàn diện về bản chất của năm uẩn (aggregates): Sắc (corporeal
group), Thọ (feeling), Tưởng (perception), Hành (mental formation), Thức
(consciousness) của các xứ (six spheres of organs) và các giới (six
spheres of relic chamber). Từ đó mới khả dĩ thành tựu Diệt đế - Niết bàn,
như chính lời khai thị của Đức Phật: "Trong cái xác thân dài một trượng
này , cùng với tri giác và tư tưởng, ta tuyên bố thế gian nguyên nhân của
thế gian, sự chấm dứt thế gian, và con đường đưa đến sự chấm dứt thế
gian".
4. Thể thức của hiện hữu và thể tính
thường trú của hiện hữu
Trong Tứ đế, đây là phần cốt lõi và quan
trọng nhất. Vì nó chính là cái kinh nghiệm cá thể nội tại (individual
inner experience) trong dòng sinh hiện của mỗi con người và cuộc đời của
con người ấy. Nếu thiếu vắng nó - cái thể thức và thể tính thường trú của
hiện hữu (dharma) - thì mô thức suy tưởng sẽ trở thành khuôn mẫu triết lý
(philosophical pattern). Nhưng khuôn mẫu triết lý và thực tại đang là thì
hoàn toàn khác nhau; một bên là logic luận lý, trong khi bên kia bến bờ
của logic luận lý là sự thể nghiệm, thăng chứng thực tại tuyệt đối
(absolute reality). Tuy nhiên cả hai, thể thức của hiện hữu và thể tính
thường trú của hiện hữu, là một dòng sinh hiện tương tục bất khả phân ly.
Từ đó, trong khổ đau hiển lộ Niết bàn giải thoát, mà không phải là lìa khổ
đau để đi đến Niết bàn. Do vậy, Tứ đế là một giáo lý thực tiễn bao quát
hai mặt thế gian và xuất thế gian. Về mặt thế gian, thể thức của sự hữu
(nàma-rùpa) gồm danh (mentality) và sắc (corporeality) không đơn giản chỉ
được qui ước vào tính chất vô thường đoạn diệt, mà chính trong cái vô
thường đoạn diệt đó, đồng thời, cũng mang thể tính thường trú. Vì lẽ đó,
văn hệ Đại thừa dùng cách ngôn "Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp" hay
"Pháp nhĩ như thị" v.v... Do đó, một sự thể sẽ là Tathata - tức như như
hay chân như (suchness, the real truth of things) - khi nó không phải là
đối tượng của nhận thức.
Chính trong giai trình tư duy theo qui tắc
vận hành của Tứ đế này mà con người tạo được một sự chuyển y (Paràvrtta)
hay một sự đột biến (sudden change) từ trong đáy thẳm tận cùng của tâm
thức, rồi từ đó bước vào sinh địa của tuệ giác vô thượng - mở ra một thế
giới quan hoàn toàn mới lạ ngay trên chiếc thân héo hắt vô thường và trần
thế mông lung hương khói này.
Tóm lại, qua góc độ triết học, Tứ đế có thể
được xem như là một phương pháp biện chứng thực tại Phật giáo mà lần đầu
tiên, cách đây hơn 25 thế kỷ, Đức Phật đã tuyên thuyết, khai thị, minh thị
cho các vị đệ tử của Ngài. Cho đến ngày nay, Tứ đế vẫn là một pháp thoại
không tiền khoáng hậu trong lịch sử tôn giáo và triết học của nhân loại.
(Trích "Vấn đề cơ bản của triết học")
Source: LotusNet Production,
---o0o---
Trình bày: Linh Thoại
Cập nhật: 01-12-2003
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục