TRUNG TÂM HỌC LIỆU PHẬT GIÁO
 

PHẬT GIÁO TỔNG QUAN 

600 câu hỏi và trả lời liên quan đến giáo lý, hành trì,

sự phát triển của Phật Giáo; đến lịch sử, văn hóa của các nước thọ nhận Phật Giáo;

đến các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị thời đại.

 

 TRẦN QUANG THUẬN

---o0o---

PHẦN I: TỔNG QUÁT

 

1.      Tại sao em để ý đến Phật Giáo?

-         Trong gia đình em ai cũng theo đạo Phật. Ông bà nội, ông bà ngoại, chú bác, cô dì, cha mẹ đều ăn chay niệm Phật, nên em cũng theo gương ông bà cha mẹ đi chùa lễ Phật, đọc kinh, ăn chay, làm việc thiện.

-         Em thường được cha mẹ dẫn lên chùa lễ Phật, thăm quý Thầy, quý Cô. Thầy Cô rất tốt với em. Cảnh chùa thanh tịnh, tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh rất êm tai.

-         Mỗi lần lên chùa, em thấy tâm hồn thanh thoát, bao nhiêu thị phi tuồng như không còn nữa, bao nhiêu phiền muộn bận rộn đều tan biến khi em bước chân vào chùa.

-         Em thương Phật Giáo vì thấy đạo Phật gần gũi với em, gần gũi với vận mạng dân tộc, san sẻ khổ đau với quảng đại quần chúng.

-         Em thấy hình tượng đức Quán Thế Âm sao mà thân thương. Nghĩ đến Ngài làm em thấy bồi hồi, xúc cảm, làm vơi dịu không biết bao muộn phiền, khổ sở.

-         Em thấy Phật Thích Ca hiền từ, dung dị giải thoát. Nhìn cặp mắt của Ngài dung chứa lòng từ bi quảng đại. Nhìn nụ cười hoan hỷ của Ngài em thấy không còn biết giận hờn, oán trách ai.

-         Đạo Phật đối với em là đạo của hòa bình. Trong lịch sử truyền bá Phật Giáo không có những cuộc thánh chiến, không gieo rắc tai họa cho ai.

-         Em thấy đạo Phật hòa thuận với tất cả mọi tôn giáo, mọi sắc dân. Vào thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo như thời vua A Dục, mọi tôn giáo đều được quý trọng. Tại nước Việt Nam thời đại của Tam Giáo Đồng Nguyên, chủ trương hài hòa không kỳ thị tôn giáo.

-         Đọc những sách vở về Phật Giáo do những tác giả Hoa Kỳ viết, em nhận thấy Phật Giáo đối với dân bản xứ không những là nguồn cảm hứng tâm linh phong phú mà còn là một chân trời mới đầy hương sắc kỳ lạ.

-         Trong buổi lễ treo giải thưởng Oscar cho các tài tử điện ảnh Hollywood, Adam Yauch, ca sĩ 33 tuổi đã cùng ban nhạc trình bày bản Bodhisattava Oath - Bồ Tát Nguyện- cho thính giả Hoa Kỳ, nói lên hoài bão cứu người, tiềm ẩn trong lòng dân chúng. Em không ngờ người Hoa Kỳ cũng có thể thấm nhuần cái hương vị Bồ Tát tâm như vậy.

-         Mẹ em là một Phật Tử thuần thành. Bà khuyên em ăn chay, niệm Phật, nhưng khi em hỏi bà về giáo lý Phật, bà bảo em chịu khó đọc sách, đi nghe Thầy Cô giảng, chứ không cắt nghĩa gì cho em cả. Nhân một hôm đến tiệm bán kinh sách Phật bằng tiếng Anh, tại Los Angeles, em thấy cuốn The Light of Asia (Ánh Sáng Á Châu), của Edwin Arnold, một thi sĩ người Anh viết về đời Đức Phật Thích Ca bằng văn vần. Em mua về nhà đọc, em thấy thương Thái Tử Tất Đạt Đa quá, bỏ vợ bỏ con, bỏ cung điện, bỏ đời sống nhung lụa, một mình giữa đêm khuya xuất gia cầu đạo. Arnold tả cảnh Niết Bàn sao mà giản dị, dễ hiễu. Arnold trong bốn giòng thơ bóng bẩy, đơn sơ như bức tranh thủy mạc, diễn tả cảnh Phật nhập Niết Bàn, làm cho em cảm thấy như mình đi vào thế giới của Phật, hòa đồng với vũ trụ bao la, thung dung tự tại. Arnold viết:

He is one with Life

Yet lives not. He is blest, ceasing to be.

Om, Mani Padme, Hum! The dewdrop slips

Into the shining sea!

-         Thế là Ngài nhập Niết Bàn. Ngài và Nguồn Sống là một. Tuy nhập Niết Bàn nhưng cuộc đời của Ngài chưa chấm dứt, vì giòng đời vô thỉ vô chung. Tuy sống trong giòng đời vô thỉ vô chung, Ngài không bị sóng đời lôi cuốn, không bị tử sinh ràng buộc. Ngài bất tử, như Nguồn Sống bất tử, không khác gì giọt sương mai biến vào biển cả đại dương sáng ngời! Om Mani Padme Hum, câu thần chú kỳ diệu!

-         Em thấy đạo Phật sao mà kỳ diệu. Các triết gia, các nhà phân tâm học, các khoa học gia, ngay cả chính trị gia và lãnh đạo các tôn giáo như Bertrand Russell, Max Miller, H.G. Wells, J. Robert Oppenheimer, Edward Conze, Abdul Atahiya, thi sĩ Hồi Giáo, Nehru, S. Radhakrishnan, Moni Bagghee, Giám mục Milman, giáo sư Saunders v.v… dần dần khám phá bảo tàng Phật Giáo và càng khám phá chừng nào càng thấy cái sâu xa vi diệu không tận cùng chừng ấy.

-         Còn nhiều nhiều nữa, nhiều lý do, nhiều cảm hứng tại sao em chú tâm đến giáo lý và hành trì của Phật.

 

2.      Có phải vì những lý do trên em trở thành Phật tử?

Không hoàn toàn như vậy. Vào thời Phật còn tại thế, có một vị đạo sĩ Bà La Môn nổi danh tại thành Ma Kiệt Đà tên là Upali đến gặp Phật, hy vọng chuyển hóa Phật, nhưng sau khi tiếp xúc với Ngài, Upali muốn trở thành môn đệ của Ngài. Phật dạy: “Trước hết phải tìm hiểu xem đạo lý của Phật có ích lợi gì cho bản thân mình, có ích lợi gì cho những người thân thuộc, bạn bè, sau đó mới theo. Đừng vì cảm hứng nhất thời mà theo Phật.” Câu nói ấy làm em đã mến mộ Phật Giáo lại càng mến mộ hơn. Phật không bắt em theo Phật, không dùng quyền lực, thần thông quyến rũ em. Phật bảo em phải chiêm nghiệm lời dạy của Phật, đem áp dụng vào đời sống xem có lợi lạc gì cho mình không, rồi mới quyết định. Chính điểm này làm em theo Phật.

 

3.      Sau khi em đã tìm hiểu và quyết định chấp nhận giáo lý Phật, em phải làm gì để trở thành người Phật Tử?

Em phải thường xuyên đến chùa, gia nhập tổ chức Phật Giáo, hỗ trợ tổ chức và tiếp tục học Phật, hành trì theo lời dạy của Phật.

 

Em phải qui y Tam Bảo, phải thọ trì Năm Giới.

 

4.      Tại sao em gia nhập tổ chức Phật Giáo?  Không gia nhập có được không?

Gia nhập tổ chức để cùng nhau học hỏi, yểm trợ tinh thần cho nhau.

 

Sống riêng rẽ một mình, không những bơ vơ không giúp mình san sẻ kinh nghiệm mà còn khó trong việc thực hiện chương trình cần thiết giúp mình, giúp người.

 

5.      Tại sao em phải quy y Tam Bảo? Quy y nghĩa là gì? Tam Bảo là gì?

Quy y có nghĩa là Nương Tựa, Đùm Bọc, Che Chở, nơi trú ẩn an toàn khi gặp khó khăn, buồn phiền, lo âu. Có nhiều loại che chở. Đôi khi em cảm thấy khổ sở, em tìm đến bạn bè, thân thuộc tỏ bày sự tình. Đó cũng là che chở, nương tựa, đùm bọc.

 

- Khi em lo âu phiền muộn, em bám vào niềm tin, niềm hy vọng để vượt qua thời khắc sầu khổ. Khi con người gần cửa tử thần, hy vọng vào đời sống vĩnh cửu. Đó là những che chở, nhưng theo Phật Giáo những che chở ấy chỉ có tính cách tạm thời, không giải quyết được cái khắc khoải triền miên của kiếp sống. Hơn nữa những che chở ấy thực sự có phải là che chở? Nhưng với Tam Bảo thì khác hẳn.

 

-         Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng. Ba Ngôi Báu. Quy y Phật là tìm Phật cầu che chở, là nương mình vào ánh sáng giác ngộ để rồi mình cũng được giác ngộ như Phật. Quy y Pháp là tìm Pháp cầu che chở, vì giáo lý Phật sau khi được chiêm nghiệm bản thân, giúp ta đi trên con đường giải thoát, giác ngộ. Quy y Tăng là tìm Tăng cầu che chở, vì đoàn thể tăng già cung cấp cho ta định hướng trong kiếp sống phức tạp, hoang mang.

 

-         Đọc lịch sử Phật, đọc những chuyện tiền thân của Ngài, em sẽ rõ Phật mới là nơi để em quy ngưỡng. Đọc lời dạy của Ngài em sẽ thấy giáo pháp của Ngài là con đường chính phải noi theo. Dựa vào hạnh nguyện của chư Tăng, em sẽ thấy đời sống tâm linh được hàng đại Tăng che chở.

 

-         Hiểu suông không thấy cái nhiệm mầu của nó nên em phải nhập cuộc, phải gia nhập đoàn thể Phật Giáo, phải quy y Tam Bảo. Muốn biết vật thực ngon hay dở, em phải nếm, phải ăn. Danh từ Phật học gọi là Pháp Vị. Muốn trở thành người Phật tử, muốn chứng tỏ mình là con Phật, em phải quy y Tam Bảo, phải thọ trì Ngũ Giới.

 

6.      Có bao nhiêu phương thức Quy Y Tam Bảo?

Có hai phương thức, gọi là Sự Quy Y và Lý Quy Y.

 

Sự Quy Y dựa vào hình tướng bên ngoài: Chúng ta làm lễ Quy Y Tam Bảo, hàng ngày chúng ta lạy Phật, tụng kinh, kính trọng, cúng dường Tăng Ni.

 

Lý Quy Y dựa vào tâm thức bên trong: hàng ngày chúng ta khai triển Phật tính trong tâm, khai triển trí tuệ, từ bi hợp với Chánh Pháp, khai triển đức tính hòa hợp với mọi người.

 

7.      Muốn Quy Y Tam Bảo phải trải qua nghi lễ nào?

-         Phải dự lễ Quy Y.

-         Lễ Quy Y thường được tổ chức tập thể vào những ngày lễ lớn như Lễ Phật Đản, Lễ Phật Thành Đạo, Lễ Phật Xuất Gia, Lễ Vu Lan…

-         Lễ Quy Y do Bổn Sư chủ trì hay do ba vị sư chủ trì, trong đó có Bổn Sư truyền thụ.

-         Trước khi dự lễ Quy Y, Phật tử phải dự lễ Sám Hối, giữ gìn thân tâm thanh tịnh.

-         Trước khi Lễ, Bổn Sư hay vị Chủ Lễ giảng ý nghĩa Quy Y trong Lễ Quy Y, theo sự hướng dẫn của vị Chủ Lễ, lần lượt đọc những lời phát nguyện sau:

§         Đệ tử nguyện trọn đời quy y Phật

§         Đệ tử nguyện trọn đời quy y Pháp

§         Đệ tử nguyện trọn đời quy y Tăng.

Lễ xong, Bổn Sư hay vị Chủ Lễ ban cho người đệ tử Pháp Danh, ban cho đệ tử tờ Điệp, trong đó có ghi rõ tên họ và pháp danh của người quy y, danh tính của vị Bổn Sư, ngày giờ và nơi làm lễ Quy Y.

 

8.      Tin Tam Bảo, quy y Tam Bảo có khác gì cầu thánh thần che chở, phù trợ?

-         Tin vào Tam Bảo, cầu Tam Bảo che chở không phải là đức tin mù quáng, không phải giống như cầu thần linh phù trợ. Tín tâm, danh từ Phật Giáo phát xuất từ chữ Saddha, có nghĩa là tín nhiệm (confidence) hơn là tín ngưỡng (faith), giống như khi ta bị bệnh đến nhờ bác sĩ trị liệu, vì ta tín nhiệm vào khả năng trị liệu của bác sĩ chứ không phải đến cúng cây đa, cho tín ngưỡng cây đa có thể chữa bệnh.

-         Tín ngưỡng là danh từ nặng phần cảm xúc, đôi khi không hợp lý, có khi còn nghịch lý. Phật tử tin Tam Bảo không khác bệnh nhân tín nhiệm bác sĩ. Đó không phải là một đức tin mù quáng mà là đức tin dựa vào lý trí, có thể chứng nghiệm. Đức tin vào ngôi Tam Bảo không dựa vào huyền thoại, vào thần bí, mà vào kinh nghiệm có thể minh chứng.

 

9.      Sau khi em đã quy y, đã nhận một vị Thầy làm bổn sư, em có thể quy y với một vị khác nhận làm bổn sư?

-         Quy Y Tăng trong Quy Y Tam Bảo là quy y tập thể Tăng Già, chứ không phải quy y cá nhân một vị Thầy. Vị Thầy làm lễ quy y cho Phật tử là đại diện cho Tăng Già để làm lễ.

-         Khi đã được vị Thầy đại diện Tăng Già làm lễ Quy Y, thâu nhận làm đệ tử, Phật tử ấy nên luôn luôn nhờ Bổn Sư hướng dẫn phát triển đời sống đạo đức, tâm linh trừ trường hợp Bổn Sư ở xa không có cơ hội tiếp xúc, trong trường hợp này có thể đến nhờ vị Thầy khác hướng dẫn cho mình, gọi là Y Chỉ Sư. Trong trường hợp nếu Bổn Sư hoàn tục, Bổn Sư phạm giới luật Phật, có thể xin quy y với một vị Thầy khác, xin làm Bổn Sư.

-         Phật Giáo Tây Tạng xem Bổn Sư là Đệ Tứ Bảo.

 

10.  Ngũ Giới là gì?  Phải chăng Ngũ Giới là nền tảng của đạo đức Phật Giáo?

-         Ngũ Giới là Năm Điều Răn Cấm: 1/ Không sát sinh hại vật. Mạng sống đáng quý, đáng tôn trọng. 2/ Không trộm cướp, cái gì không phải của mình thì không lấy. 3/ Không tà dâm, đời sống tình ái có chính chuyên mới có ý nghĩa. 4/ Không nói dối, không nói lời hung bạo, không thêu dệt mà phải nói lời chân thực. 5/ Không uống rượu hay dùng ma túy có hại cho sức khỏe và làm mất lý trí.

-         Em có tưởng tượng nếu mọi người đều hành trì Ngũ Giới thì xã hội sẽ an bình như thế nào, thế giới không còn chiến tranh, mạnh được yếu thua, công bằng xã hội nhờ vậy có thể thực hiện.

-         Ngũ Giới là căn bản của đạo đức Phật Giáo.

-         Tại Thái Lan có một tập quán rất hay mà có lẽ chúng ta cũng nên theo, đó là Lễ Xác Định Đức Tin dành cho thanh niên, đặc biệt cho sinh viên trước khi bước vào ngưỡng cửa đại học, vì lúc nhỏ các em sống trong gia đình Phật Giáo, theo Phật nhưng chưa hiểu Phật Giáo. Lớn lên, đầy đủ trí thức, hiểu rõ Phật Pháp, họ một lần nữa làm lễ xác định đức tin của mình đối với Tam Bảo. Họ tin Phật, tin Pháp, tin Tăng không phải vì thói quen, vì truyền thống gia đình mà vì họ biết được cái hay, cái gì có lợi ích cho chính bản thân, nhờ vậy họ không bị lung lạc trước mọi cám dỗ của tuổi thanh niên.

 

11.  Em chỉ ăn chay một tháng bốn ngày, những ngày khác ăn mặn, như vậy em có phạm tội sát sinh không?

-         Em không giết súc vật để ăn nên không phạm tội sát sinh.

-         Ăn chay là để thể hiện lòng từ tâm của mình đối với loài vật, điều đó rất tốt. Nên cố gắng ăn chay nhiều ngày chừng nào càng tốt chừng ấy.

-         Hiện nay phong trào ăn chay rất phổ cập vì lý do sức khỏe.

 

12.  Tại sao em phải ăn chay vào ngày Rằm, Mồng Một v.v… Ăn những ngày đó có phước nhiều hơn?

-         Ấn định ngày giờ nhất định giúp chúng ta gìn giữ quyết tâm, chứ không phải lúc nào thích thì làm. Đây cũng là một phương thức rèn luyện kỹ luật tự chế.

-         Bất kỳ ngày nào nhất định cũng được cả.

-         Vào ngày Sóc, Vọng hay ngày đầu Trăng Khuyết, Trăng Tròn giúp ta dễ nhớ hơn, biến những ngày này trở thành Ngày Thiêng, không những ăn chay mà còn hành trì những công đức tu tập khác. Ngày Phật tử đến chùa cầu kinh, lễ Phật.

 

13.  Em thấy chư Tăng giáo phái Nguyên Thỉ ăn mặn, như vậy họ thiếu từ tâm hay sao?

-         Không phải tất cả chư Tăng giáo phái Nguyên Thỉ đều ăn mặn.

-         Chư Tăng giáo phái Nguyên Thỉ thường thường hành trì hạnh khất thực, dân chúng cúng dường thứ gì thì chư Tăng dùng thứ đó, không phân biệt món ăn này hay món ăn kia. Điều này trở thành một truyền thống.

-         Chư Tăng Tây Tạng, Mông Cổ ở những xứ lạnh, mùa đông không có rau, do đó không thể ăn chay được. Điều này trở thành truyền thống. Nói như vậy không có nghĩa là chư Tăng Tây Tạng, Mông Cổ không có người ăn chay.

 

14.  Chữa lành một vết thương hay trị dứt một căn bệnh thật ra cũng giết chết vô số vi trùng, như vậy có phạm giới sát sinh không?

-         Chính vì vậy con người chúng ta chứa đầy tội lỗi, nên phải luôn luôn sám hối, biết ân chúng sinh.

-         Uống nước cũng có vi trùng. Ngủ dậy bước chân xuống giường cũng sát hại không biết bao nhiêu sinh mạng. Vì vậy Tăng Ni khi uống nước, khi bước chân xuống giường đều đọc kinh cầu nguyện.

-         Mỗi một sát na, tế bào trong thân thể chúng ta cũng sinh cũng diệt. Sự sống là chuỗi ngày của sinh diệt, sát na sinh diệt.

 

15.  Nếu mọi người đều ăn chay, sông biển sẽ đầy dẫy hải sản, mặt đất sẽ đầy cầm thú, lấy chỗ nào cho người sinh sống, đó là chưa nói đến bệnh hoạn có thể lan tràn?

-         Vì sự sống mà mọi chúng sinh tàn sát lẫn nhau.

-         Không phải ta ăn mặn là để cho quả đất này lành mạnh hơn.

-         Thiên nhiên có định luật bù trừ. Ta nuôi dưỡng súc vật để ăn. Nước Hồi Giáo không ăn thịt heo, không vì vậy mà heo tràn đầy mặt đất hay đầy tràn nước của họ. Nước Ấn Độ không giết bò để ăn, nhưng họ lại nuôi bò để lấy sữa, do đó mới có nhiều bò đi đầy đường, tuy chưa chiếm hết mặt đất cư trú của người.

-         Bệnh bò điên (mad cow) đã phát khởi, không phải do ăn chay tạo nên mà chính vì ta muốn ăn nó!

 

16.  Quan niệm phải trái, đúng sai của các tôn giáo khác đều dựa vào mệnh lệnh của Đấng Tạo Hóa, Phật Giáo không tin vào Đấng Tạo Hóa thì lấy gì làm căn bản cho nền đạo đức?

-         Với những tôn giáo dựa vào Đấng Tạo Hóa điều cần thiết mà người tín đồ phải làm là vâng theo lời dạy của Đấng Tạo Hóa. Phật Giáo, lấy con người làm trung tâm điểm, muốn biết phải, trái, đúng, sai phải tự chiêm nghiệm. Đạo đức dựa vào chiêm nghiệm, hiểu biết luôn luôn mạnh mẽ hơn dựa vào mệnh lệnh.

-         Để phân biệt phải, trái, đúng, sai, Phật tử dựa vào ba yếu tố: dụng ý, hậu quả mang lại cho bản thân và hậu quả mang lại cho kẻ khác. Nếu dụng ý phát xuất từ lòng từ bi, trí tuệ, nếu hậu quả giúp cho bản thân phát triển từ bi, trí tuệ, nếu hậu quả giúp kẻ khác phát triển từ bi, trí tuệ, như vậy hành động ấy là tốt, là đúng, là đạo đức. Lẽ dĩ nhiên ở phạm trù này có nhiều biến dạng. Đôi khi ta hành động với dụng ý tốt nhưng không mang lại hậu quả tốt cho bản thân hay cho người khác. Đôi khi dụng ý của ta không tốt mấy nhưng mang lại hậu quả tốt cho kẻ khác. Đôi khi hành động của ta phát xuất từ dụng ý tốt, mang lại hậu quả tốt cho bản thân, nhưng gây phiền muộn cho kẻ khác. Trong những trường hợp như vậy hành động của ta mang lại hậu quả lẫn lộn, khi tốt khi không tốt. Khi dụng ý của ta xấu, hành động không đem lại hậu quả tốt cho bản thân, không đem lại hậu quả tốt cho kẻ khác, hành động như vậy là xấu, là thiếu đạo đức. Xấu, tốt, phải, trái, đạo đức hay không đạo đức dựa vào dụng ý, hậu quả chứ không phải dựa vào sự vâng lệnh hay không vâng lệnh của Đấng Tạo Hóa.

 

17.  Trong giới thứ nhất nói về việc không sát hại sinh linh. Vô lẽ ruồi muỗi sinh bệnh hoạn cũng không giết? Vô lẽ kẻ xâm lăng đất nước cũng không giết?

-         Khi em giết những con muỗi, con ruồi gây bệnh tật, dụng ý của em để bảo vệ sự sống chung là tốt, thù hận mà giết là không tốt. Hành động đem lại hậu quả của bản thân là tốt, nhưng tiêu diệt sinh mạng kẻ khác là không tốt. Dụng ý giết kẻ xâm lăng gây tang tóc cho quốc gia dân tộc là tốt, diệt sinh mạng của kẻ khác là không tốt. Do đó đôi khi cần phải giết, nhưng giết không phải luôn luôn là tốt.

 

18.  Phật Giáo có vẻ quá quan tâm đến sâu bọ, ruồi muỗi, côn trùng?

-         Người Phật tử cố gắng phát triển hạnh từ bi, bao trùm tất cả, không phân biệt lớn nhỏ. Phật tử nhìn thế giới là một tổng thể hợp nhất, trong đó mọi vật đều có vị thế và nhiệm vụ của nó nên rất cẩn trọng trước khi tiêu hủy, diệt trừ. Hãy nhìn những nền văn hóa chú trọng khai thác thiên nhiên đến tận cùng, vắt sạch giọt cuối cùng của chất liệu thiên nhiên, để rồi khiến cho không khí bị ô nhiễm, sông biển ô nhiễm, nhiều loại súc vật bị tiêu trừ, rừng núi hoang tàn, khí hậu thay đổi. Nếu chúng ta biết cẩn trọng, thì quả đất chúng ta đang sống sẽ xinh đẹp hơn, tươi mát hơn. Cái quan tâm gọi là nhỏ nhặt ấy thực sự không nhỏ nhặt một tí nào.

 

19.  Giới thứ ba là không được tà dâm. Thế nào là tà dâm?

-         Nếu chúng ta sử dụng sức mạnh, lời ngon ngọt để hành lạc với người khác giới tính, đó là tà dâm.

-         Nếu chúng ta hành lạc với những người không phải là phối ngẫu mà chúng ta hứa trung thành trọn đời, hứa đùm bọc, bảo vệ, khi hoạn nạn cũng như lúc an vui, khi bệnh hoạn cũng như lúc khỏe mạnh v.v… đó là tà dâm.

 

20.  Ăn ở với người trước khi cưới có phải là tà dâm?

-         Theo phong tục, tập quán, nhất là phong tục tập quán của người Việt Nam trước đây, hành động này không được tán thưởng. Tuy nhiên nếu hành động ấy phát xuất từ sự yêu thương, cam kết, đồng thuận giữa hai người, thì không phải tà dâm.

-         Dầu sao cần lưu ý, sự vội vã không kiên nhẫn có thể làm mất lòng kính trọng đối với nhau, sẽ làm giảm hạnh phúc sau này và nếu chẳng may có thai sẽ đem lại nhiều vấn đề cho bản thân và gia đình, ngay cả cho con cái.

 

21.  Giới thứ tư không nói dối.  Làm thế nào sống trong thế giới này mà không nói dối?

-         Nếu phải sống trong cái xã hội dối trá, lường lọc, ta cần lành mạnh hóa xã hội ấy.

-         Trong thực tế, ngay trong việc buôn bán làm ăn, ngay cả trong chính trị ngoại giao, dối trá không phải là biện pháp tốt, đem lại lợi ích lâu dài.

 

22.  Giới thứ năm không uống rượu. Dùng một tí rượu thì có hại gì?

-         Thực ra dùng một tí rượu không hại, nhưng thường thường người uống rượu không phải để hưởng hương vị của rượu, không phải vì xã giao mà để giải sầu, trở thành nghiện làm tổn hại sức khoẻ và lý trí.

-         Uống ít cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trí. Uống nhiều thì quá tai hại.

 

23.  Năm giới cấm không cho ta làm, có tính cách phủ định, tiêu cực. Tại sao không có giới nói ta phải làm gì?

-         Năm Giới cấm là căn bản của đạo đức học Phật Giáo. Không phải chỉ chừng đó mà thôi. Đây là lúc ban đầu, cần nhận thức những phong thái xấu và cố gắng chận đứng lại. Đó là mục tiêu của Năm giới. Sau khi chúng ta đã chấm dứt tập quán xấu, chúng ta bắt đầu làm việc tốt. Thí dụ về lời nói. Phật dạy lúc đầu chúng ta không nói dối, nhưng sau đó chúng ta phải nói lời chân thật, lời từ ái, nói đúng thời. Ngài dạy: “Tránh không nói dối để trờ thành người nói lời chân thật, đáng tin cậy, đáng tin tưởng. Tránh không nói hai lưỡi gây bất hòa, để trở thành người nói lời dung hòa, thắt chặt tình thân hữu. Hòa thuận là niềm vui. Hòa thuận là tình thương. Đó là động cơ của lời nói. Tránh nói lời hung dữ để trở thành người nói lời từ ái, dễ nghe, đi vào tâm can, có văn hóa, mọi người đều thích. Tránh ngồi lê đôi mách, trở thành người nói đúng lúc, đi vào vấn đề, rõ ràng minh bạch, nói những lời mà mọi người đều cất trong lòng, quý trọng, cẩn trọng ghi nhớ.”

 

24.  Em được lợi lạc gì sau khi quy y Tam Bảo, thọ trì Ngũ Giới?

-         Giống như hàng triệu triệu người khắp thế giới suốt trên 2500 năm, em sẽ thấy giáo lý Phật giúp em nhìn được chân tướng của cuộc đời, thấy đời thêm ý nghĩa.

-         Em thấy em và những người chung quanh có liên hệ mật thiết với nhau, không còn hoang mang, không bị tha hóa, tràn đầy tình thương.

-         Em sẽ cảm thấy thương bản thân mình là thương người và thương người chính là thương bản thân mình.

 

25.  Em có một người bạn muốn em theo tín ngưỡng của người ấy. Thực ra em không mấy hứng thú, nhưng người bạn của em vẫn không để cho em yên. Em phải làm gì đây?

-         Trước hết người mà em cho là bạn thực sự có phải là bạn của em hay không? Người bạn tốt, người bạn thực sự, phải tôn trọng em, phải chấp nhận lý tưởng, hoài bão của em.

-         Có lẽ người này làm ra vẻ là bạn của em để khuyên em cải đạo. Nếu người ấy muốn làm áp lực bắt em cải đạo, người đó chắc không phải là người bạn tốt, người bạn trung thực của em.

 

26.  Một người bạn khác của em yêu người khác tính ngưỡng, muốn đi đến hôn nhân, nhưng gia đình và người bạn đường tương lai muốn người bạn em đến làm lễ cưới tại nhà thờ và muốn người bạn em cải đạo. Phải làm sao đây?

-         Đây là một nan đề mà chỉ xảy ra trong cộng đồng người Việt chúng ta. Đối với người Tây Phương, hôn nhân giữa hai người khác tín ngưỡng không phải là nan đề. Với người Việt chúng ta, hôn nhân kèm theo áp lực bỏ đạo tạo nhiều bức xúc. Thứ nhất đó là một bất công, vi phạm quyền tự do của con người. Ta thường hăng say đòi tự do tín ngưỡng, một trong những quyền làm người căn bản, thì ở đây ta đã trắng trợn vi phạm. Thứ hai nó làm mất thể giá của con người trước khi chung sống với nhau. Thứ ba tạo hố sau giữa gia đình, bạn bè, họ hàng, bà con. Thứ tư khó bảo đảm sự hòa thuận sau thời gian chung sống. Thứ năm sự giằng co con cái sau này và vân vân.

-         Làm sao đây? Tại sao mỗi người không được quyền sống theo tín ngưỡng mình? Tại sao con cái không được quyền lựa chọn tín ngưỡng khi trưởng thành? Tại sao phải hy sinh tình yêu với áp lực định chế bất công, thiếu tình thương, thiếu bao dung, độ lượng?

 

27.  Em có nên nói cho người bạn em nghe về giáo lý Phật?

-         Nên lắm. Phải phân biệt giữa san sẻ và áp lực. San sẻ trí tuệ, kinh nghiệm đức tin khác với áp lực bắt mình theo tín ngưỡng nào. Điều quan trọng là em phải thành thực, khoan hòa, rộng lượng.

-         Tư tưởng Phật Giáo phải chói rạng trong lời nói, cử chỉ, hành động. Nếu trong mỗi chúng ta thâm nhập Phật lý, thực hành Phật lý rồi san sẻ những kinh nghiệm ấy với kẻ khác, không những đem lại lợi ích cho chúng ta mà còn lợi ích cho những người chung quanh.

 

28.  Thế nào gọi là người Phật Tử chân chính?

-         Đi chùa lễ Phật, nghe Pháp, đọc kinh, học đạo, thọ trì Tam Quy, Ngũ Giới là những điều cần thiết, nhưng như vậy chưa phải là một Phật tử chân chính, mà cần phải áp dụng đạo lý Phật vào đời sống hàng ngày.

-         Có những người nghe pháp, đọc kinh, nhưng không thấm nhuần kinh, pháp. Danh từ thấm nhuần ở đây phải hiểu là đem áp dụng giáo lý vào cuộc sống hàng ngày, trong gia đình, với bạn bè, ngoài xã hội.

-         Có những người thọ Ngũ giới, trong đó có giới thứ tư “bất vọng ngữ”, nhưng không rõ ý nghĩa của giới này. Bất vọng ngữ không những chỉ khuyên ta không nói dối, không nói điều không đúng sự thật, mà còn không nói những lời dữ, phát xuất từ tâm sân hận, không nói lời xuyên tạc theo định kiến, không nói những lời gây chia rẽ, thù hằn, không nói lời đem lại khổ đau cho kẻ khác.

-         Có người học giáo lý Bát Chánh Đạo, trong đó có Chánh Tri Kiến, hiểu biết chân chánh. Đạo lý này nghe có vẻ giản dị., nhưng không dễ thấm nhuần. Nên biết sự hiểu biết của chúng ta thường bị điều kiện hóa bởi cái nhìn chủ quan, bởi tập quán, bởi nhận thức chung, bởi vô số yếu tố. Vì vậy Phật thường nhắc nhở là phải điều nghiên, phải chiêm nghiệm qua kinh nghiệm, phải vô tư nhận định, họa may mới có thể thấm nhuần đạo lý Chánh Tri Kiến.

-         Người Phật tử chân chính phải là sứ giả của tình thương, của trí tuệ, của bao dung, độ lượng.

 

29.  Thế nào gọi là người Phật tử hộ đạo?

-         Người Phật tử tại gia có hai trách nhiệm, đối với đạo và đối với đời. Hai trách nhiệm này bổ túc cho nhau, đi đôi với nhau. Làm việc xã hội, cứu nhân độ thế cũng là hành động hộ đạo. Làm văn hóa duy trì và khai triển tiềm năng trí tuệ, tâm linh cũng là hàng động hộ đạo. Làm ông quan tốt, thương yêu dân, giúp đỡ dân, đem lý tưởng công bằng xã hội, đem phước lợi cho dân cũng là hành động hộ đạo. Đoàn kết, thương yêu lẫn nhau cũng là hành động hộ đạo. Vui cái vui của thiên hạ, buồn cái buồn của thiên hạ cũng là hành động hộ đạo. San sẻ đức tin cũng là hành động hộ đạo. Bảo vệ Chánh Pháp, hộ trì Tam Bảo là hành động hộ đạo.

 

30.  Em thấy đời sống của chư Tăng Ni giản dị, thanh tịnh, em rất mến mộ, nhưng đạo lý từ bỏ thế gian có trái ngược với trách nhiệm tập thể, phát triển xã hội?

-         Nếu xuất gia, từ bỏ đời sống thế gian, trong tinh thần chán đời, ghét đời như một số đạo sĩ ép xác, thì đúng là hành động tiêu cực, trốn trách nhiệm xã hội, trách nhiệm tập thể, phát triển xã hội.

-         Tuy nhiên trong nền văn minh chú trọng vật chất, đua đòi danh lợi, một số người đi tìm nếp sống giản dị, lành mạnh hơn là điều tốt. Đời sống lành mạnh đầy đủ đây là muốn nói đời sống không bị lòng tham tích lũy tài sản, thỏa mãn dục vọng, theo đuổi quyền thế chi phối khiến cho nền văn minh hiện tại của chúng ta có thể rơi vào vực thẳm, khó tìm được con đường chân hạnh phúc.

-         Với Phật giáo, xuất gia, từ bỏ đời sống thế tục là một hành động tích cực chứ không phải tiêu cực, yêu đời chứ không phải chán đời, để theo đuổi một nếp sống lành mạnh, có ý nghĩa hơn. Nếu mọi người biết thanh tịnh hóa nếp sống của mình theo quy luật đạo đức, dẹp bỏ thói ích kỷ, hưởng thụ thì tiến bộ xã hội chắc chắn có thể thực hiện.

-         Tiến bộ xã hội phải phát xuất từ nội tâm, từ triển khai bản tính tốt của con người. Tiến bộ xã hội không chỉ dựa vào luật pháp bên ngoài, vào sắc luật chính phủ. Sự lành mạnh của con người là sự lành mạnh của xã hội.

 

31.  Nếu ai cũng đi tu, như vậy loài người sẽ bị diệt vong?

-         Sẽ có một thế giới khác thánh thiện hơn.

-         Đây là một phương thức tránh nạn nhân mãn một cách hữu hiệu!

---o0o---

 

Mục Lục >  Phần 1 > Phần 2 > Phần 3 > Phần 4 > Phần 5

 

---o0o---

Vi tính: Huệ Lực - Trình bày: Anna

Cập nhật:09-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

墓 購入 願力的故事 bẠgiå 人生是 旅程 風景 nhÃƒÆ 心经全文 六因四缘五果的来源和作用 hãy Tình 佛法怎样面对痛苦 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 túm 忿怒相 塩谷八幡宮 课程表鼓励孩子的话 CẠæˆåšæ năm điều Mách bạn địa chỉ quán cơm chay ngon ในรายาใ 8คมนา Dấu hiệu và một số cách phòng tránh 佛观音 สโตร ส รา 義交 æåŒ ç½ åˆ¹å ³ Gio Do Co xuan Khi An 生日快乐 mua lu lai tran ve phật tử trên bước đường tìm 积极向上的名言警句 賴志顏 æˆ å šæ nhà hÓng 白骨观 危险性 佛语不杀生 丢失菩提心的因缘 ブッダの教えポスター ç æŒ 河南有专属的佛教