Con
đường
hạnh
phúc
Viên
Minh
&
Trần
Minh
Tài
Chánh
Ngữ
Lời nói chơn thật là một trong Thập Thiện Nghiệp mà người hành trì không những đem lại lợi ích cho mình mà còn góp phần xây dựng một xã hội đạo đức. Vì muốn được trật tự, xã hội cần đòi hỏi một số điều kiện mà trong đó có sự tín nhiệm lẫn nhau nhờ ở mọi người đều chân thật.
Đoạn kinh sau đây mô tả một người chân thật :
" Ở đây, một người thiện nam từ bỏ sự giả dối, xa lánh vọng ngữ, nói lời chân thật dù ở nơi hội họp đứng đắn, giữa đám đông, trong tư gia với bà con thân thuộc, trong nhiệm sở hay khi làm nhân chứng tại pháp đình.... Như vậy, người ấy sẽ không vì cá nhân mình, không vì ai khác cũng không vì một vài lợi lạc vật chất mà cố ý nói sai sự thật." (Sàleyyake Sutta, M.I. 228)
Thật ra Chánh Ngữ không phải chỉ giới hạn trong lời nói chân thật mà còn cần phải :
1- Tránh dùng lời phao vu để chia rẽ, hay gây bất hòa giữa người này với người khác, trái lại phải tìm cách đem lại hòa hợp và thông cảm giữa mọi ngui.
2- Tránh dùng lời thô lỗ để hạ nhục kẻ khác, trái lại phải nói lời thanh bai, lễ độ để an ủi, khuyến khích hay thuyết phục kẻ khác.
3- Tránh những câu chuyện phiếm vô bổ, phải nói đúng lúc, hợp lý và hữu ích.
Cũng có trường hợp, khi ta nói chân thật và lễ độ mà vẫn chạm đến tự ái của kẻ khác, khiến họ phật lòng. Tuy thế đôi khi cần phải nói sự thật dù có mất lòng nhưng hữu ích. Như vị bác sĩ muốn chữa một vết thương của bệnh nhân đôi khi không thể không gây cho bệnh nhân một chút đau đớn, nhưng nếu không đụng đến vết thương thì làm sao điều trị được.
Vì vậy trong kinh Abhayaràjàkumàra có phân loại lời nói theo chân, thiện và mỹ như sau :
1- Lời nói chân, thiện và mỹ: Tức là lời chân thật có lợi cho người nghe. Chữ Mỹ ở đây dùng với nghiã đẹp lòng người, làm cho người hoan hỷ khi nghe. Như trường hợp Đức Phật thuyết pháp. Ngài trình bày chân lý (chân) để chuyển mê khai ngộ cho chúng sanh (thiện) và khi Ngài thuyết xong thính giả đều hoan hỉ (mỹ).
2- Lời nói chân, thiện nhưng không mỹ: Tức là lời nói chân thật, có lợi cho người nghe nhưng không làm vừa ý họ. Đó là trường hợp "Trung ngôn nghịch nhĩ lợi ư hạnh" hay nói một cách nôm na là "Sự thật mất lòng". Không mỹ dùng ở đây với hai nghĩa: thô lỗ và không thô lỗ nhưng làm phật ý. Có khi vì lời nói cộc cằn làm cho người nghe nổi giận, nhưng có khi lời nói lễ độ mà vẫn chạm tự ái của kẻ khác.
3- Lời nói chân, mỹ nhưng không thiện: Túc là lời nói chân thật, đẹp lòng người nhưng vô ích. Như kể một chuyện thật làm cho người nghe vui tai nhưng không đem lại lợi ích gì cả, có khi chỉ làm mất thì giờ hoặc có hại.
4- Lời nói chân, nhưng không thiện và không mỹ: Tức là lời nói thật nhưng vô ích làm người nghe bực mình. Nhiều người bất cứ nghe thấy chuyện thị phi ở đâu cũng đem về kể lại cho bạn bè, thân thuộc nghe. Hoặc có người lại thường đem những chuyện đời tư nói với người khác để khoe khoang thành công hay phân bua thất bại của mình. Những chuyện đó tuy là sự thật, nhưng không ích cho người nghe, và chỉ làm phiền lòng họ.
5- Lời nói không chân, nhưng thiện và mỹ: Tức là lời giả dối nhưng có ích lợi và làm đẹp lòng người. Như trường hợp vì cứu người nào đó (thiện) mà ta phải nói dối (giả) và nhờ nói khéo nên người nghe bằng lòng (mỹ).
6- Lời nói không chân, không thiện nhưng mỹ:: tức là lời nói giả dối, vô ích nhưng người nghe lại thích. Nhiều người nói ba hoa, khoác lác vô tích sự, thế mà vì có tài ăn nói uyển chuyển, thông suốt nên ai cũng thích nghe.
7- Lời nói không chân, không mỹ nhưng thiện: tức là lời nói giả dối, làm người nghe bực mình nhưng có lợi. Cũng như trường hợp 5, nhưng vì nói không khéo léo nên làm mất lòng người.
1- Lời nói không chân, không thiện, và không mỹ: là lời nói giả dối vô ích và làm người nghe bực tức. Như trường hợp nói vu khống, nói thêu dệt để nhục mạ người khác.
Trong tám cách trên, cách thứ nhất và thứ hai được Đức Phật cũng như các bậc hiền nhân khuyến khích. Kinh Abhayaràjàkumàra dạy tiếp rằng: "người nên nói lời hợp thời mà người biết là đúng với sự thật, xác đáng, hữu ích, có thể chấp nhận được và làm cho kẻ khác hoan hỷ (loại thứ nhất); người nên nói lời hợp thời mà người biết là đúng với sự thật xác đáng, hữu ích, có thể chấp nhận được nhưng không làm cho kẻ khác hoan hỷ (loại thứ 2); người không nên nói lời giả dối, và cần phải tìm sự thật, nói sự thật vì hành động đó nâng cao hạnh phúc cá nhân của người cũng như sự điều hòa và tiến bộ của xã hội ".
Trong một đoạn kinh khác Đức Phật mô tả lời nói của bậc thiện trí với năm điều kiện :
1- Phát biểu đúng lúc (Kàlavàdì): như chúng ta đã thấy ở trên, có khi một lời chân thật nhưng không được phát biểu đúng lúc thì thành ra vô ích hoặc làm cho người khác bực mình. Người thiện trí phải tế nhị để áp dụng lời nói của mình đúng chỗ, đúng lúc.
2- Hợp với sự thật (Bhùtavàdì): bậc thiện tri thức nói một lời phải dựa trên sự thật, không ngụy biện, không lừa dối. Tuy vậy nói sự thật chưa đủ, cần phải có điều kiện sau đây bổ túc :
3- Đem lại lợi ích (Atthavàdĩì): lời nói phải có mục đích và ý nghiã của nó, dù là lời chân thật nhưng không có mục đích đem lại lợi ích cho ai, thì đó cũng chỉ là lời nói nhảm, vô dụng.
4- Thích ứng với lý trí (Dhammavàdì): chữ Dhamma, Pháp ở đây có nghĩa là đạo lý. Lời nói hợp đạo lý tất nhiên phải thích hợp với lý trí.
5- Hợp với đạo đức (Vinayavàdì): giá trị của lời nói còn phụ thuộc tính cách luân lý của nó. Nếu một lời nói có đủ bốn yếu tố trên nhưng không hợp với luật pháp hay luân lý, đạo đức thì vẫn nguy hiểm.
Trong phần phân tích tám lời nói, chúng ta dùng chữ "thiện" với nghĩa là "lợi ích". Nhưng trong thực tế, có lợi ích chưa hẳn là thiện. Khi nói trục lợi, vụ lợi, người ta thường dùng với nghĩa bất thiện. Vì vậy lời nói của bậc thiện trí phải có ích và hợp với đạo đức nữa.
Theo kinh điển, có mười điều lợi ích và hợp với đạo đức nên bàn luận là :
1- Nên nói về đức từ bi bác ái, vì lòng từ ái giúp ta có tâm hồn vị tha, không tham lam, không ích kỷ, không bỏn xẻn.
2- Nên nói về đức tính tri túc, để giúp chúng ta bỏ những ước vọng thái quá, và sống an vui trong bất cứ hoàn cảnh nào.
3- Nên nói về đức thanh tịnh, để giúp cho tâm hồn trầm tĩnh, trong sạch và tự tại.
4- Nên nói về đức tính độc lập, để giúp chúng ta không xu hướng bè đảng, không ỷ lại và phát triển đức tự tin.
5- Nên nói về đức tinh tấn, để giúp chúng ta từ bỏ tính biếng nhác, do dự và bất nhất.
6- Nên nói về giới hạnh, vì giới hạnh có khả năng loại bỏ những nết hư tật xấu mà ta đã tập nhiễm từ vô lượng kiếp đến nay.
7- Nên nói về thiền định, vì thiền định có khả năng tiêu trừ dục vọng, oán thù và phát triển sức mạnh tinh thần.
8- Nên nói về trí tuệ, để giúp ta rèn luyện đức sáng suốt, phát triển trí năng hầu thấu triệt chân lý.
9- Nên nói về sự giải thoát, vì đó là mục đích cuối cùng của người Phật tử trên đường diệt tận vô minh phiền não.
10- Nên nói về giải thoát tri kiến, tức là nói đến sự thực chứng giải thoát của chư Thánh nhân hay Đức Phật. Sự thực chứng đó giúp chúng ta trên đường tu tập vì biết chắc rằng nếu cố gắng, một ngày kia ta cũng được giải thoát tri kiến.
Tóm lại lời nói có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng không những đối với đi sống hạnh phúc của mỗi cá nhân mà còn có thể định đoạt được cả sự an nguy của xã hội. Lời nói của một nhân vật có uy tín bao nhiêu lại càng phải thận trọng bấy nhiêu. Chính vì thế mà Đức Phật đã đưa Chánh Ngữ vào Bát-Chánh Đạo, con đường Tám Chánh dẫn đến giải thoát giác ngộ.
Chân thành cảm ơn Đạo hữu Bình Anson đã gởi tặng
phiên bản điện tử tập sách này
Nguồn: www.quangduc.com