Dù bạn có theo quan điểm nào đi chăng nữa, hoặc là quan điểm hiện thực "Đức Phật lịch sử", hoặc là quan điểm siêu thực "Đức Phật tôn giáo", điều đó đối với chúng tôi không quan hệ gì lắm. Nhưng vấn đề cơ bản chúng tôi muốn nhắc các bạn khi nghiên cứu về Đấng giáo chủ vĩ đại của chúng ta : Đức bổn sư Thích ca mâu ni Phật, các bạn cần phải có một cái nhìn thật chính xác về vị giáo chủ Phật giáo. Ngài là một vị Phật, một vị đã hoàn toàn giải thoát giác ngộ, thấu triệt được chân lý thật tướng vạn pháp và có khả năng làm cho thế nhân được giác ngộ như Ngài. Sự giác ngộ đó là kết quả tu hành không phải chỉ trong một đời này, mà do quá trình tu tập, lập công bồi đức từ vô lượng kiếp. Điều mà không có bất kỳ một vị giáo chủ siêu xuất, một nhà khoa học trứ danh, một nhà triết gia vĩ đại nào trên thế gian, từ ngàn xưa cho đến ngàn sau có được sự giác ngộ như Ngài.
Nhìn lại cuộc đời của đức Phật suốt tám mươi năm trụ thế, bốn mươi chín năm thuyết pháp độ sanh, với giáo pháp vô ngã vi diệu do Ngài thực chứng bằng sự tu tập nhiều kiếp quá khứ chứ không phải do quá trình nỗ lực học tập, hay rút kinh nghiệm do người khác truyền thụ. Giáo pháp ấy đã trải dài kể từ khi Ngài xuất thế cho đến hôm nay, hơn hai mươi lăm thế kỷ trôi qua. Để rồi chúng ta tự đối chiếu với giáo lý của các vị giáo chủ đề xướng, các lý thuyết do các nhà khoa học trình bày, các nền tư tưởng lý luận do các nhà triết gia chủ đạo, chúng ta càng thấy rõ sự sai biệt quá lớn về tri thức, về sự chứng ngộ giữa Ngài và những vị ấy. Và càng làm cho chúng ta càng thêm tự hào về vị giáo chủ của mình, cũng như hết lòng cung kính ngưỡng mộ Ngài.
Xuyên suốt qua các nhà khoa học và các nhà triết gia để so sánh giữa họ với Ngài, chúng ta từng biết rằng, mục đích của các nhà khoa học, như họ đã từng tự hào tuyên bố, đó là vén bức màn bí mật của vũ trụ, tìm ra nguyên lý sự thật của hiện tượng… để áp dụng vào đời sống và nâng cao đời sống vật chất cho con người. Nhưng các nhà khoa học ngay đến ngày hôm nay họ đã khám phá được gì bí mật bức màn vũ trụ ? đã tìm ra nguyên lý sự thật của hiện tượng và đã đóng góp được gì vào đời sống vật chất của con người hay chưa ? Có thực sự bảo đảm một đời sống an lạc hạnh phúc cho con người như họ đã từng tuyên bố hay không ?
Ngay cả công việc khám phá bức màn vũ trụ, tìm ra nguyên lý sự thật của hiện tượng mà các nhà khoa học chủ trương, cũng là một việc làm không tưởng. Bởi tính chất của các sự vật luôn chuyển dịch không ngừng theo quy luật thành, trụ, hoại, không… các sự vật luôn vận động, nó luôn là cái đang là, thì thử hỏi các nhà khoa học làm sao có thể tìm ra cái nguyên lý thực sự của hiện tượng. Và cho dù các nhà khoa học có đưa đời sống vật chất con người đạt đến đỉnh cao đi nữa, thì điều đó cũng không giải quyết được nỗi khổ đau, đạt đến hạnh phúc, an lạc của đời người.
Như vậy đức Phật, vị giáo chủ của chúng ta, siêu xuất hơn các vị giáo chủ của các tôn giáo khác, các nhà khoa học cũng như các nhà triết học, bởi Ngài là vị đã hoàn toàn giải thoát, đã đoạn sạch vô minh, chứng đắc trí tuệ trọn vẹn. Còn các vị ấy vẫn còn buông lung trong dục lạc, bị phiền não… chi phối và mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Giáo pháp do đức Phật tuyên thuyết khác hẳn với các triết thuyết của các tôn giáo, các nhà khoa học và triết học ở điểm giáo pháp ấy xuất phát từ trí tuệ thực chứng của đức Phật mà tuyên thuyết. Vì thế giáo pháp ấy có công năng "chuyển mê khai ngộ - ly khổ đắc lạc", tức là chuyển hoá con người từ phàm phu trở thành bậc thánh giả, làm cho con người xa lìa sự khổ đau, đạt đến sự hạnh phúc và an lạc… Chứ giáo pháp ấy không phải là những lời nói không tưởng, phi lý tưởng, không có mục tiêu như các vị giáo chủ các tôn giáo, các nhà khoa học hay các nhà triết học xưa nay đã và đang chủ trương.
Chung quy, dù bạn có phải là người Phật tử hay không phải là Phật tử, bạn có đứng trên quan điểm nào để nhìn về đức Phật, hoặc là quan điểm của một tín đồ thuần thành nhìn về vị giáo chủ tôn giáo, hay quan điểm của người nghiên cứu khoa học, nhìn đức Phật qua lăng kính khoa học, hay là quan điểm của người nghiên cứu triết học, nhìn đức Phật dưới các phạm trù của triết học, các bạn sẽ thấy đủ nơi con người của đức Phật, một con người toàn hảo. Ngài là một vị giáo chủ siêu xuất nhất trong các vị giáo chủ của các tôn giáo, Ngài là một nhà khoa học trứ danh trong các nhà khoa học, Ngài cũng là một nhà triết học vĩ đại trong các nhà triết học của nhân loại. Và trên hết Ngài còn là một bậc đã hoàn toàn giải thoát giác ngộ,duy nhất ở trên thế gian này.
Thân tướng trang nghiêm, tâm ý chuyên nhất, trí tuệ siêu việt của Ngài đã vượt lên trên tất cả những vị giáo chủ, những nhà khoa học và những nhà triết học nổi tiếng thế giới. Sự chứng ngộ và quả vị giải thoát của Ngài, không một ai trên thế gian này có được bằng Ngài,không chúng sanh nào trên thế gian có thể làm thầy Ngài. Điều này đức Phật đã từng xác nhận với hết thảy chư thiên Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới tại cội cây Ajapàla, bên bờ sông Ni liên thiền sau khi mới thành đạo quả Vô thượng bồ đề. Và đó cũng chính là cái nhìn chính xác của chúng ta, khi nhìn về đức Phật Thích ca mâu ni- bậc đạo sư tối thượng của nhân loại.
"Sau ngày thành đạo, lúc còn ngự tại gốc cây Ajapàla bên bờ sông Ni liên thiền, đức Phật ngồi tham thiền và ý nghĩ sau đây phát sanh đến với Ngài: "Quả thật là đau khổ vì không có ai để Ta lễ bái và tỏ lòng tôn kính. Hay là Ta hãy tìm đến một vị Sa môn, hay một vị Bà la môn nào để sùng bái"....Rồi tư tưởng sau đây phát sanh đến với Ngài "Hay là Ta hãy tôn kính và sùng bái chính cái giáo pháp mà Ta đã chứng ngộ".
Lúc ấy vị phạm thiên Sahampati, hiểu được ý Phật quỳ xuống, chấp tay đảnh lễ Phật và bạch :
"Quả thật như vậy, bạch đức Thế tôn, quả thật như vậy, bạch đức Như lai, bạch Ngài, bậc Ứng cúng, những bậc Chánh đẳng chánh giác, trong quá khứ đều tôn kính và sùng bái chính giáo pháp này.
Những bậc Ứng cúng, những bậc Chánh đẳng chánh giác trong tương lai sẽ tôn kính và sùng bái chính giáo pháp này.
Bạch đức Thế tôn, cầu xin Ngài là bậc Ứng cúng, bậc Chánh đẳng chánh giác trong thời hiện tại, cũng tôn kính và sùng bái giáo pháp ấy". (1)
Tóm lại, trong suốt tám mươi năm trụ thế, bốn mươi chín năm hoằng hoá, thuyết pháp độ sanh, đức Phật đã vì những nhu cầu thiết yếu của nhân loại mà phục vụ hết mình và thành công vang dội. Với sự tận tâm phục vụ nhân loại của Ngài đã làm cho hàng triệu người, từ cuộc sống khổ đau, bế tắc, đạt được an lạc, hạnh phúc.
Trong bầu trời lịch sử trải qua ngàn ngàn vạn vạn những bậc siêu nhân của nhân loại, đức độ và trí tuệ của đức Phật đã làm cho Ngài rực sáng như một vì sao. Phải chăng tất cả những đạo hạnh và trí tuệ, cũng như sự thành công vang dội trong công cuộc truyền bá chánh pháp…hết thảy đều xuất phát từ sự chứng ngộ giải thoát, mà không có bất cứ một ai ngoài Ngài có được. Đó cũng chính là cái nhìn của chúng ta về đức Phật - Đấng giáo chủ vĩ đại của tôn giáo mình.