Phật Học - Pháp Môn Không Phải Ngã

 

 

 

 

 

 

Pháp Môn KHÔNG-PHẢI-NGÃ

Nguyên tác: The Not-self Strategy

 

Tỳ Khưu Thanissaro

Việt dịch: TN. Chân Giải Nghiêm

 

 

Các sách vở Đạo Bụt thường trình bày rằng giáo lý siêu hình căn bản nhất của đạo Bụt là không có linh hồn hay không có Ngã. Tuy nhiên, tham cứu một vòng các Kinh điển trong tạng Pali – văn kiện xưa nhất ghi lại lời dạy của Bụt – lại đưa ta đến giả thiết Bụt dạy giáo lý Anatta hay thuyết ‘Không Phải Ngã,’ không phải như một xác nhận siêu hình, mà như là một biện pháp nhắm đến giải thoát khổ đau. Nếu dùng khái niệm ‘không phải là tôi’ để vô hiệu hoá sự đồng nhất mình với bất cứ hiện tượng nào, người ta sẽ vượt ra ngoài vòng của mọi khổ đau và ràng buộc. Và ‘cái vượt ra ngoài vòng khổ đau & ràng buộc’ ấy -- Kinh Tạng nói rằng -- tuy có thể chứng nghiệm, nhưng lại nằm ngoài phạm vi của sự diễn tả, và do đó cả ý niệm ‘Ngã’ lẫn ‘không phải Ngã’ đều không thể áp dụng.

Bằng chứng cho cách giải thích này tập trung quanh bốn điểm:

1/ Đoạn Kinh khi Bụt được yêu cầu xác định lập trường trong câu hỏi mang tính bản thể học ‘Có hay Không có Ngã’, Ngài đã từ chối trả lời.

2/ Những đoạn Kinh khẳng định tuyệt đối rằng không có ngã chỉ ứng trong phạm vi những thực tại có thể diễn tả được, chứ không bao gồm hết thảy thực tại có thể chứng nghiệm được.

3/ Quan niệm không-có-ngã được xếp cùng với quan niệm có-ngã như những ‘quan niệm gông cùm’ (‘Kiến Phược’) mà một người hướng đến giải thoát khổ đau phải hết sức tránh.

4/ Người đã đạt được mục đích giải thoát nhìn thực tại mà tâm không còn bị khống chế bởi bất cứ một ý niệm nào, kể cả những ý niệm căn bản như Ngã & Vô Ngã, đúng & Sai.

Tiếp theo đây là những đoạn Kinh liên hệ, chọn lọc từ tạng Pali. Những đoạn Kinh này được dẫn với lời cảnh báo trước rằng: nói cho đến tận cùng thì không thể chứng minh xác quyết một điều gì bằng sự trích dẫn văn kiện. Các học giả đã nêu ra những lý lẽ để ngờ vực hầu như toàn bộ Kinh Tạng – qua việc đưa ra cách dịch mới cho những từ ngữ cốt lõi, hay đặt vấn đề về tính trung thực của hầu hết các đoạn Kinh. Và vì vậy, cách kiểm chứng đúng nhất cho bất kỳ một lối diễn dịch nào là thực hành theo và xem nó dẫn mình đến đâu trong chiều hướng giải thoát.

*******

1.         So sánh hai cuộc đối thoại sau đây:

Sau khi ngồi qua một bên, lãng tử Vacchagotta hỏi bậc đạo Sư: 'Vậy, Sa Môn Gotama, có ngã không?' Khi được hỏi như vậy, bậc Đạo Sư im lặng.

_ Vậy thì không có Ngã? Lần thứ hai, bậc Đạo Sư im lặng.

Lãng tử Vacchagotta bèn đứng dậy bỏ đi.

Sau khi lãng tử Vacchagotta bỏ đi không bao lâu, tôn giả Ananda hỏi bậc Đạo Sư: Thế Tôn, vì sao Thầy không trả lời câu hỏi của lãng tử Vacchagotta?'

_ Ananda, nếu ta, được lãng tử Vacchagotta hỏi có ngã hay không, mà trả lời là có ngã thì đồng với các ngoại đạo chủ trương thuyết Thường (cho rằng có một linh hồn bất diệt.) Và nếu ta ... trả lời là không có ngã thì đồng với các ngoại đạo chủ trương thuyết Đoạn (cho rằng sau khi chết thì không còn gì nữa.) Nếu ta ... trả lời rằng có ngã, thì đó có phù hợp với kiến giải[1] tất cả mọi hiện tượng đều không phải Ngã hay không?

_ Bạch Thế Tôn, không.

_ Và nếu ta ... trả lời rằng không có Ngã, thì kẻ hoang mang Vacchagotta sẽ càng hoang mang hơn: ‘Cái Ngã mà ta thường có, bây giờ lại không có sao?’

                                                                                                ------ S XLIV.10

 

Mogharaja:     _ Nhìn đời như thế nào

để thần Chết không thấy?

Bụt đáp:          Ngã kiến đã đoạn trừ;

Luôn chánh niệm tỉnh giác,

Này Mogharaja,

Nhìn đời như không huyễn.

Đó đường vượt thoát Tử.

Nhìn cuộc đời như vậy

Thần Chết không thấy được.

                                                                                                --- Sn v.16

 

Đoạn Kinh đầu là một trong những đoạn Kinh được bàn cãi nhiều nhất. Những người cho rằng Bụt có thái độ xác định (Có hoặc Không) đối với câu hỏi có ngã hay không phải giải thích sự im lặng của Bụt, và họ thường tập trung vào câu nói chót của Bụt với Ananda. Họ nói: nếu người hỏi là một người có trình độ tâm linh trưởng thành chín chắn hơn Vacchagotta, thì Bụt sẽ xác định lập trường của mình.

Nhưng, cách diễn dịch này đã bỏ qua hai câu nói đầu tiên của Bụt với Ananda: Bất kỳ ai là người hỏi, trả lời Có hay Không Có Ngã đều sẽ rơi vào hai triết thuyết (biên kiến) mà Bụt luôn tránh trong suốt cuộc đời giáo hoá của Ngài. Trong câu nói thứ ba, Bụt quan tâm đến việc tránh mâu thuẫn với ‘kiến giải tất cả mọi hiện tượng đều không-phải-Ngã’, không phải vì Ngài cho rằng tự thân kiến giải này là một chân lý siêu hình, mà vì Ngài thấy rằng sự phát khởi kiến giải này có thể dẫn đến giải thoát. (Chúng ta sẽ xem thêm nội dung của kiến giải này ở điểm  2.)

Điểm vừa nêu được xác minh khi ta đem so với đoạn Kinh thứ hai. Điểm khác biệt cơ bản giữa hai cuộc đối thoại nằm ở những câu hỏi. Trong cuộc đối thoại thứ nhất, Vacchagotta xin Bụt xác quyết có hay không có Ngã, và Bụt im lặng. Trong cuộc đối thoại thứ hai, Mogharaja hỏi cách nhìn cuộc đời để có thể vượt ngoài tầm cái Chết, và Bụt trả lời, Ngài dạy nhìn cuộc đời mà không dính đến một ý niệm nào về Ngã. Điều này làm gợi ra giả thiết: giáo lý không-phải-ngã (Vô Ngã/Phi Ngã), thay vì là một khẳng định rằng không có ngã, lại là một kỹ thuật nhận thức để đưa đến vượt thoát sinh tử, đạt được Niết Bàn, –  đây là một cách nhận thức sự vật vắng bóng sự tự đồng nhất, vắng bóng cảm giác ‘là tôi, có tôi’, và không có sự ái luyến đối với cái ‘tôi’ và cái ‘của tôi’ xen vào.

Do đó, có lẽ trung thực hơn cả là đánh giá cuộc đàm thoại thứ nhất theo nghĩa đen của nó, và nói rằng câu hỏi có hay không có Ngã là câu hỏi mà Bụt không trả lời, không xác nhận có hay không, dù người đối thoại là một người rối loạn tinh thần như Vacchagotta hay một người ưu tú như Ananda. Với Bụt, giáo lý ‘không-phải-Ngã’ (not-self) là một kỹ thuật hay một pháp môn hướng đến giải thoát, và không phải là một lập trường về siêu hình (metaphysical) hay bản thể (ontological.)

*******

 

2.         Những đoạn Kinh sau đây, thường được trích dẫn chung như những chứng cớ hùng hồn nhất rằng Bụt phủ nhận sự tồn tại của một cái Ngã dựa vào những từ ngữ không cố định (lỏng lẻo) nhất. Dù sao, hãy lưu ý xem các từ ‘thế giới’ và ‘toàn thể’ được định nghĩa như thế nào.

Ananda:       Bạch Thế Tôn, nói rằng thế giới là trống rỗng, thế giới là không. Về phương diện nào mà nói rằng thế giới là không, là trống rỗng?

Bụt đáp:       Vì trống rỗng, không có Ngã hay cái gắn liền với Ngã (ngã sở.) Do đó nói rằng thế giới là không, là trống rỗng. Những gì là trống không, không có Ngã hay Ngã Sở? Con mắt trống một cái Ngã hay một cái gì gắn liền với Ngã. Sắc ... nhãn thức ... nhãn xúc (sự tiếp xúc giữa nhãn căn và sắc trần) trống một cái ngã hay một cái gì gắn liền với ngã.

Tai ...Mũi ...Lưỡi ...Thân ...

Trí năng (ý căn) không có ngã hay một cái gì gắn liền với Ngã. ý niệm (pháp) ... ý thức ... ý xúc (sự tiếp xúc giữa ý căn và pháp trần) không có ngã hay một cái gì gắn liền với ngã.

Vì vậy nói rằng thế giới là không, là trống rỗng.

                                                                                                S.xxxv.85

 

Cái gì là Toàn Thể? Mắt & hình sắc, tai & âm thanh, mũi & mùi hương, lưỡi & vị nếm, thân & xúc chạm, ý & pháp trần. Này các tì khưu, đó gọi là Toàn Thể. Người nào nói rằng ‘bỏ cái Toàn Thể này, tôi sẽ diễn tả một cái khác’, nếu bị hỏi căn cứ vào cái gì mà nói như vậy, người đó sẽ không giải thích được, và phải chịu thất bại. Vì sao? Vì vì cái đó nằm ngoài phạm trù.

                                                                                                S.xxxv.23

 

Nếu sáu căn và sáu trần -- có khi được gọi là sáu phạm trù của xúc (lục xứ, lục nhập) -- thiết lập thế giới hay cái Toàn Thể, vậy thì có cái gì vượt ra ngoài sáu phạm trù này không?

MahaKotthita:   Với sự dừng & tắt hẳn của sáu xứ (thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và tư lượng), có phải là còn có cái gì khác không?

Sariputta:     Này hiền hữu, đừng nói như vậy.

MahaKotthita:   Với sự dừng & tắt hẳn của sáu xứ, có phải là không còn gì nữa?

Sariputta:     Này hiền hữu, đừng nói như vậy.

MahaKotthita:   ..., có phải là vừa còn vừa không còn không?

Sariputta:     Này hiền hữu, đừng nói như vậy.

MahaKotthita:   ..., có phải là vừa không phải còn vừa không phải không còn?

Sariputta:     Này hiền hữu, đừng nói như vậy.

MahaKotthita:   Hỏi ... còn có cái gì khác không, thầy nói 'Này hiền hữu, đừng nói như vậy.' Hỏi ... có phải không còn gì nữa, ... có phải vừa còn vừa không còn, ... có phải vừa không còn vừa không không còn, thầy (đều) nói: 'Này hiền hữu, đừng nói như vậy.' Vậy, phải hiểu lời nói đó như thế nào?

Sariputta:     Nói ... còn cái gì khác, ... không còn cái gì khác, ... vừa còn vừa không còn, ... vừa không còn vừa không không còn, là phân biệt cái không (thể) phân biệt. Ở đâu có sáu phạm trù của xúc, ở đó có phân biệt. ở đâu có phân biệt, ở đó có sáu phạm trù của xúc. Cùng với sự dừng tắt hẳn, không còn gì sót lại (tận diệt) của sáu phạm trù của xúc là sự dừng lại, giảm đoạn của phân biệt.

                                                                                                A.iv.173

 

Bình diện của Vô phân biệt giới, tuy không thể diễn tả được, vẫn có thể trực tiếp chứng nghiệm.

Này các tì khưu, giới xứ đó được chứng nghiệm nơi mà mắt (tầm nhìn) dừng lại và sắc tưởng (chú giải của tâm ý) phai nhạt. Giới xứ đó được chứng nghiệm nơi mà tai dừng lại và thanh tưởng phai nhạt, ... nơi mà mũi dừng lại và hương tưởng phai nhạt, ... nơi lưỡi dừng lại và vị tưởng phai nhạt, ... nơi mà thân dừng lại và xúc tưởng phai nhạt, ... nơi ý dừng lại và tư tưởng phai nhạt: Giới xứ đó cần phải được chứng nghiệm.

                                                                                                S.xxxv.116

Mặc dầu đoạn Kinh chót chỉ ra rằng có một giới xứ vượt ra ngoài sáu xúc giới, có thể chứng nghiệm được, giới xứ ấy cũng không nên bị xem là một ‘cái ngã cao hơn’. Điểm này đã được nhắc đến trong Đại Kinh Nhân Duyên, trong đó Bụt phân các chủ thuyết về Ngã ra làm bốn loại chính, những chủ thuyết diễn tả cái Ngã như là: (a) có hình sắc (thân) và có giới hạn; (b) có sắc & không giới hạn; (c) không hình sắc & giới hạn; và (d) không hình sắc & không giới hạn. Kinh không đưa ví dụ cho từng loại, nhưng chúng ta có thể cử ra vài thuyết sau đây để minh hoạ: (a) thuyết phủ nhận linh hồn, và đồng nhất Ngã với thân; (b) thuyết đồng nhất Ngã với mọi loài hay với vũ trụ;(c) thuyết các linh hồn là cá thể, riêng biệt; (d) thuyết một linh hồn nhất thể hay tính đồng nhất nội tại nơi tất cả mọi sự vật.

            Một đoạn Kinh khác thường được dẫn với ý Bụt dạy rằng không có Ngã là bài kệ sau đây trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), đặc biệt đoạn kệ thứ ba, trong đó từ Pháp nhằm chỉ cho các sự vật hữu vi & vô vi (do & không do nhân duyên hợp thành.) Nhưng, xin hãy lưu ý, điều mà toàn bài kệ muốn nói là: những tuệ giác này là một phần của con đường (Đạo), và không phải là cứu cánh.

‘Chư hạnh đều vô thường’

Thấy điều ấy cho minh

Bèn yểm ly với khổ,

Đó đường đến thanh tịnh.

 

‘Chư hạnh đều là khổ’

Thấy điều ấy cho minh

Bèn yểm ly với khổ,

Đó đường đến thanh tịnh.

 

‘Chư Pháp không phải Ngã’ (đều Phi Ngã)

Thấy điều ấy cho minh

Bèn yểm ly với khổ

Đó đường đến thanh tịnh.

                                                Dhp 277-79

 

            Chúng ta sẽ thấy trong đoạn Kinh dưới đây, Bụt nói hành giả đạt đến giác ngộ do thấy được những giới hạn của các pháp hữu vi, thấy được cái vượt lên trên chúng, và không nắm chấp cái nào cả. Trong bài kệ kế tiếp, người đặt câu hỏi nhắc đến cứu cánh như là một pháp, trong khi đó, Bụt lại trình bày cứu cánh như là sự cắt bỏ, chấm dứt tất cả mọi pháp – và do vậy, cứu cánh vượt lên trên ‘mọi pháp’ và bất kỳ một diễn đạt nào. Một khi hành giả đã thành tựu cứu cánh thì, đến đây, không một ngôn từ nào -- hữu, vô, ngã, phi-ngã - có thể áp dụng được.

 

Upasiva:

Người đã đến bến rồi:

            Thì không hiện hữu nữa,

            hay vïnh viễn thoát phiền?

            Bậc trí  rõ pháp này

            Xin vì tôi chỉ dạy.

Bụt:

            Với người đã đến bến

            Không một tiêu chuẩn nào

            Có thể dùng nói rằng: --

                        người đó không hiện hữu.

            Khi mọi pháp đã diệt

            Ngôn ngữ thảy diệt theo.

                                                Sn.v.6

*******

3.         Mặc dầu khái niệm 'không phải Ngã' (Phi Ngã/vô ngã) là một phương tiện giúp người ta tự tháo gỡ khỏi những tham đắm & bám víu dẫn đến khổ đau, nhưng quan niệm không có ngã lại là một trong những quan niệm về siêu hình hay bản thể trói buộc người ta vào khổ đau.

Có trường hợp một người phàm phu, không được hướng dẫn ... không phân biện được ý tưởng nào là đáng quan tâm, ý tưởng nào là không đáng quan tâm. Do vậy, người đó không để tâm đến những ý tưởng đáng quan tâm, và (thay vào đó) chú trọng vào những ý tưởng không đáng quan tâm... Người ấy bận tâm một cách không thích đáng như vầy: ‘Trong quá khứ tôi đã hiện hữu? Trong quá khứ tôi đã không hiện hữu? Trong quá khứ tôi đã là gì? Trong quá khứ tôi đã như thế nào? Đang là một cái gì bây giờ, vậy tôi đã là gì trong quá khứ? Trong tương lai tôi sẽ hiên hữu? Trong tương lai tôi sẽ không hiện hữu? Trong tương lai tôi sẽ trở thành gì? Trong tương lai tôi sẽ như thế nào? Đang là một cái gì bây giờ, vậy tôi sẽ là gì trong tương lai?’ Hoặc người ấy hoang mang về chính hiện tại: ‘Tôi đang hiện hữu? Tôi không hiện hữu? Tôi là cái gì? Tôi như thế nào? Sự hiện hữu này từ đâu tới? Sự hiện hữu này đi về đâu?’

Bận tâm một cách không thích đáng như vậy, một trong sáu quan niệm(Kiến) này khởi lên nơi người ấy:

- Quan niệm ‘tôi có Ngã’ --  người ấy khởi lên quan niệm này, cho đó là chân lý chắc chắn.

- hoặc quan niệm ‘tôi không có Ngã’...

- hoặc quan niệm ‘Chính là vì có Ngã mà tôi nhận thức được Ngã’ ...

- hoặc quan niệm ‘Chính là vì có Ngã mà tôi nhận thức được phi Ngã’ ...

- hoặc quan niệm ‘Chính là vì phi ngã mà tôi nhận thức được Ngã’ ...

- hoặc người ấy quan niệm rằng : ‘Cái Ngã này của tôi -- chủ thể đang cảm nhận những nghiệp quả tốt & xấu -- là cái Ngã của tôi, thường, hằng, vĩnh cửu, không thay đổi, và sẽ tồn tại mãi mãi.’

Đó gọi là rừng rậm của kiến, sa mạc của kiến, sự cong quẹo của kiến, sự quằn quại của kiến, cùm xích của kiến (kiến phược.) Ràng buộc bởi những kiến phược này, người thiếu trí, không được dạy dỗ sẽ không thoát khỏi sinh, già & chết, không tránh khỏi buồn rầu, than khóc, đau đớn, sầu khổ & tuyệt vọng. Ta nói người đó không thoát khỏi khổ.

Người đệ tử ưu tú, được dạy dỗ kỹ... phân biệt được ý tưởng nào là đáng quan tâm, và ý tưởng nào là không đáng quan tâm. Và như vậy, người đó không để tâm đến những ý tưởng không đáng quan tâm, và (thay vào đó) chú trọng vào những ý tưởng đáng quan tâm... Người ấy để tâm một cách thích đáng: ‘Đây là khổ ... Đây là nguồn gốc của khổ ... Đây là sự chấm dứt của khổ ... Đây là con đường đưa đến sự chấm dứt khổ.’

Chú tâm một cách thích đáng như vậy, người ấy dứt bỏ được ba xiềng xích: Ngã Kiến, nghi, và sự cố chấp vào giới & pháp môn [2].

                                                                                                ----       M2

*******

4.         Như vậy, mặc dầu trên đường đi hành giả phải sử dụng Chính Kiến, nhưng khi đạt đến cứu cánh giải thoát, người ấy vượt qua mọi quan niệm (kiến.) Với người đã đạt đến cứu cánh, kinh nghiệm xảy ra mà không có ‘chủ thể’ hay ‘đối tượng’ chồng chất thêm vào, không có sự phân giải kinh nghiệm (năng tri) hoặc cái được kinh nghiệm (sở tri.) Chỉ kinh nghiệm, đơn thuần trong tự thân nó.

 

Này các tì khưu, trong cõi này -- với những trời, ma & Phạm Thiên, với các thế hệ Sa Môn & Phạm Chí, vương tử & thường dân --  bất cứ những gì được thấy, được nghe, được ngửi, được nhận biết, được đạt tới, được theo đuổi, được cân nhắc bởi ý căn: Ta đều biết rõ. Trong cõi này… bất cứ những gì được thấy, được nghe, được ngửi, được nhận biết, được đạt tới, được theo đuổi, được cân nhắc bởi ý căn: Ta đều biết một cách trực tiếp (chánh tri.) Cái ấy được biết bởi Như Lai, nhưng Như Lai không bị đắm nhiễm bởi nó…

Do vậy, này các tì khưu, Như Lai, khi nhìn cái được nhìn, không phân lập (đây là) cái bị thấy. Như Lai không phân lập cái không-bị-thấy. Như Lai không phân lập (đây là) cái để-thấy. Như Lai không phân lập người thấy.

Khi nghe ... Khi ngửi ... Khi nhận biết, Như Lai không phân lập (đây là) cái bị nhận biết. Như Lai không phân lập ra  cái không-bị-biết. Như Lai không phân lập (đây là) cái để-thấy. Như Lai không phân lập người nhận biết.

Do vậy, này các tì khưu, Như Lai là “Như”  – như như  đối với tất cả mọi hiện tượng có thể thấy, nghe, ngửi, & nhận thức. Tôi nói: Không có cái “Như” nào cao hơn hay tối thắng hơn.

 

Cái bị thấy, nghe, ngửi,

bị người chấp là thật,

Như Lai không chấp giữ

đó là thị hay phi

- giữa những người tự buộc. -

Đã sớm thấy mũi tên

nơi mà bao nhiêu đời

bị đính và ghim chặt

-- ‘Tôi biết, và tôi thấy,

Nó chính là như vậy!’ –

Nơi tự thân Như Lai

không có gì bị buộc.                            -- A iv.24

 

            Một quan niệm chỉ đúng hay sai khi người ta xét nó đúng đắn đến đâu so với một tiêu chuẩn nào đó. Nếu chỉ xem đó đơn thuần là một lời nói, một sự việc như tự thân nó, thì đúng và sai không còn áp dụng được. Như vậy, với Như Lai, người không còn gán các ý niệm chủ thể hay đối tượng vào kinh nghiệm, chỉ xem hình sắc, âm thanh, cảm thọ & tư tưởng hoàn toàn như chính tự thân chúng, thì các quan niệm không còn là đúng hay sai, mà chỉ là những hiện tượng để cảm nghiệm. Không có ý niệm chủ thể nên không có chỗ đứng cho ‘Tôi biết, tôi thấy’, không có ý niệm đối tượng nên không có chỗ đứng cho ‘Nó chính là như vậy!’ Các ý niệm (Kiến) về đúng - sai, Ngã - Không Có Ngã (hữu - vô),  v.v., mất hết quyền năng nắm giữ của chúng, và tâm được trả về với Chân Như: không bị động chạm, hay ảnh hưởng bởi bất cứ gì.

 

Những gì nương vào đó

thấy người khác thua mình

cũng tức là cùm xích,

theo lời bậc trí tuệ.

---        Sn iv.5

 

Ai lập ‘bằng, hơn, thua’

sẽ phân tranh vì chúng.

Với người không chấp nhiễm

                        đối với ba điều trên,

‘bằng’, ‘hơn’ không xuất hiện.

 

Căn cứ vào điều gì

để Bà La Môn (A La Hán) bảo

là ‘đúng’ hay là ‘sai’,

Tranh chấp cùng với ai

khi tự thân vị ấy

chẳng khởi ‘hơn’, ‘kém’, ‘bằng.

 

Như loài sen có gai

không vấy bởi bùn nhơ,

Bậc trí giả bình an,

vô tham, không cấu nhiễm

bởi dục và thế giới.

 

Bậc đã đắc trí tuệ

thì không thể đo lường

hoặc làm cho hãnh diện

bởi Kiến hay tư tưởng,

vì người ấy không còn

bị lung lay bởi chúng.

Vị ấy không bị dẫn

bởi lễ nghi, tập tục

hay trích dẫn giáo điều.

 

Với người không bị cuốn

                        (thản nhiên) đối với tưởng

thì không có trói buộc;

Với người đã giải thoát

nhờ thấy được rõ ràng,

thì không còn ảo tưởng.

Những ai còn nắm bắt

vào kiến và vào tưởng

thì vẫn còn loay hoay

tranh chấp trong thế giới.

---        Sn iv.9

 

_          “Sa Môn Gotama có ‘chỗ trụ’ ( lập trường) nào không?”

“Vaccha, ‘chỗ trụ’ (lập trường) là cái Như Lai đã diệt bỏ rồi. Điều mà Như Lai thấy là: “Sắc là như vậy, sự sinh khởi của sắc là như vậy, sự tan biến của sắc là như vậy; thọ là như vậy, sự sinh khởi của thọ là như vậy, sự tan biến của thọ là như vậy; tưởng là như vậy…; ý hành là như vậy…; thức là như vậy, sự sinh khởi của thức là như vậy, sự tan biến của thức là như vậy.” Chính vì vậy, ta nói rằng, -- với sự giảm, đoạn, dừng lại, xả & ly đối với mọi chia chẽ, mọi toan tính, mọi ngã kiến & ngã sở kiến & ngã ái – Như Lai được giải thoát, do  không còn sự bám víu/thức ăn (cho triền phược.)

-----      M 72

 

Này các tì khưu, cái này, Như Lai biết rõ. Và, Như Lai biết rõ những chỗ đứng này, nếu bám chấp, sẽ đưa đến những nẻo về như vậy, những hoàn cảnh như vậy ở đời sau. Và Như Lai biết rõ cái vượt thắng lên cái này. Dù nhận biết cái đó, Như Lai không nắm chấp. Và vì không nắm chấp, sự giải thoát (nibbutti) ngay đó được thể nghiệm. Biết thật về chúng, sự sinh khởi, sự chấm dứt, những cám dỗ & chướng ngại của cảm thọ, cùng sự giải phóng khỏi cảm thọ, Như Lai được giải thoát, này các tì khưu, do không còn sự bám víu/thức ăn (cho triền phược.)

  ----       D 1

 

            Cho dù bốn luận điểm trên có phải là lời dạy của Bụt hay không, điều quan trọng phải nhớ là mục tiêu cơ bản của Bụt khi trình bày giáo lý không-phải-ngã (Vô Ngã) trước nhất là: để những ai áp dụng giáo lý này có thể đạt được giải thoát khỏi mọi khổ đau & bức chế.

 

-                     “Này các tì khưu, các thầy có thấy có sự bám víu/thức ăn nào dưới dạng ngã thuyết mà khi bám víu vào đó lại không sinh ra buồn, đau, than khóc, tiếc thương & tuyệt vọng hay không?

-                     “Bạch Thế Tôn không.”

-                     “… Ta cũng vậy…Này các tì khưu, các thầy nghĩ sao: Nếu có ai gom, đốt, hay  tùy ý làm gì đó với cỏ, lá, nhánh cây trong vườn Kỳ Đà này, thì ý tưởng’Chính mình là cái người ấy đang gom, đốt, hay tùy ý làm gì đó’ có khởi lên nơi quý thầy không?

-                     “Bạch Thế Tôn không. Vì sao vậy? Vì những cái kia không phải là Ngã, cũng không gắn liền với Ngã.”

-                     “Chính như vậy, này các tì khưu, cái gì không phải của mình: Hãy buông nó ra. Buông nó ra để được lợi lạc lâu dài. Cái gì không phải là của mình? Sắc không phải là của mình… Thọ không phải là của mình… Tưởng…Hành…Thức không phải là của mình. Hãy buông nó ra. Buông nó ra để được lợi lạc lâu dài.”

 ---        M 22

 

Sariputta: Này các bạn, có tì khưu, đi đến nước khác, được những vị đa văn trong giới quý tộc & giáo sĩ, xuất gia & tại gia chất vấn: “Giáo lý của thầy ông là gì? Thầy ông dạy điều gì?” Nếu được hỏi như vậy, các bạn nên trả lời rằng: “Thầy tôi dạy điều phục đam mê & mong cầu.”

-                     “... đam mê & mong cầu gì?”

-                     “... đam mê & mong cầu sắc, thọ, tưởng, hành, & thức.”

-                     “... vì trông thấy những nguy hiểm (hay bất lợi) nào mà thầy ông dạy điều phục đam mê & mong cầu đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức?”

-                     “... khi một người không có tự do đối với những đam mê, mong cầu, ưu ái, khát khao, nhiệt não & thèm muốn đối với hình sắc, v.v..., thì từ bất cứ một thay đổi & biến dịch nào nơi hình sắc đó, v.v..., buồn, đau, than khóc, tiếc thương & tuyệt vọng cũng khởi sinh ra.”

-                     “... và do thấy được ích lợi gì mà thầy ông dạy sự điều phục đam mê & mong cầu đối với hình sắc, v.v...?”

-                     “... Khi một người có tự do đối với đam mê & mong cầu, ưu ái, khát khao, nhiệt não & thèm muốn đối với hình sắc, v.v..., thì từ bất cứ một thay đổi & biến dịch nào nơi hình sắc đó, v.v..., buồn, đau, than khóc, tiếc thương & tuyệt vọng cũng  đều không khởi sinh ra.”

                                                                                                ---        S xxii.2

 

Từ trước đến nay, Anuradha, ta chỉ trình bày về Khổ và sự dừng lại Khổ.

---        S xxii.86

 

 

 

----o0o---

Nguồn: Thư Viện Diệu Không

Trình bày: Anna

Cập nhật: 12-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

ä ƒäº ä Làm thức uống bổ dưỡng từ đậu nành 淨界法師書籍 ดวยอำนาจแหงพระพ 天计算器 长寿和尚 Cho sanh tâm vô trú biet song thi thanh tho Ð Ð Ð tÃƒÆ di 永代 墓 净空老法师临终遗言 tản mạn nghìn mắt nghìn tay 地风升 å æžœ рикна Thiền rửa chén chờ thần chết 禅诗精选 hạnh phúc và phước đức trong thiền 教师节的对联 净名言警句摘抄 牧牛 仏壇 お手入れ用品 观世音菩萨普门品 五痛五燒意思 biệt 弘一法师 华藏法门 người niệm phật chớ nên nghe nhiều hoÃ Æ Già 护法 ç ºä ç Ÿå æœ å œæ 念地藏圣号发愿怎么说 藥師琉璃光如來本願功德經 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 生日快乐 忏悔 Ngày ăn chay được ưu đãi 50 giá เทศนาหลวงพอธราชม 佛教中华文化 tinh cach tuc thoi lan dau cong bo anh ve cuoc dau tranh chong dan ap ò văn Tạp bút Tham thực