.
Niệm Phật pháp môn thù thắng
Chánh Hạnh
*
Khi tu ai cũng muốn đạt được
kết quả, đó là thường tình chẳng có chi lạ, lại nữa nhiều người muốn đọc
kinh sách để hiểu sâu, biết rộng củng cố niềm tin hầu tu học được tinh
tấn, nhưng có nhiều người chỉ nhứt tâm niệm Phật, cho nên tìm hiểu về pháp
môn nầy, tưởng cũng là điều cần thiết.
Rốt ráo mà nói, yếu chỉ của người tu theo pháp môn niệm Phật, là nhứt tâm
niệm sáu tiếng "Nam Mô A Di Đà Phật", bất luận là khi đi, đứng, nằm, ngồi,
để cầu vãng sanh về nước cực lạc.
Có
lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu về pháp môn nầy trong các vấn đề :
- Do đâu mà có pháp môn niệm
Phật.
- Cảnh giới cực lạc.
- Hành pháp môn niệm Phật như
thế nào theo lời Phật dạy.
A . - Do đâu mà có pháp môn
Niệm Phật:
Những kinh điển có liên quan đến đức Phật A Di Đà và cảnh giới ngài hộ trì
được gọi là Cực Lạc, đó là kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ và A Di Đà
cho nên muốn tìm hiểu về Tịnh độ tông hay pháp môn Niệm Phật, cần hiểu qua
ba bộ của Tịnh độ tông.
1.
Vô Lượng Thọ Kinh là bộ kinh chánh yếu, trong kinh nầy giải tích đức Phật
A Di Đà từ thuở trước kia khi tự biết mình có quả Phật, cho đến nay ngài
đang ngự nơi phía Tây là Cực Lạc cảnh giới, Ngài hiện lo tiếp độ mọi chúng
sanh chí thành cầu nguyện vãng sanh về cảnh giới cực lạc.
Theo kinh nầy, về thời đức Phật Thế Tự Tại Vương ra đời, có một vị quốc
vương Kiều Thi Ca. Vua Kiều Thi Ca nghe đức Phật thuyết pháp liền bỏ ngôi
vua, xuất gia làm vị tỳ kheo hiệu Pháp Tạng. Một hôm Ngài đảnh lễ Phật,
quỳ xuống, chấp tay cầu nguyện Phật chứng minh và phát nguyện 48 lời
nguyện. Do nguyện lực ấy, sau nầy thành đức Phật A Di Đà.
Bộ
Kinh nầy cũng gọi là: Đại Bổn, Đại A Di Đà Kinh, Đại Vô Lượng Thọ Kinh,
Lại theo kinh Bi Hoa, về đời vua Chuyển Luân ThánhVương tên Vô Tránh Niệm
có vị đại thần Bảo Hải. Vị nầy có người con tên là Bảo Tạng, tướng tốt dị
thường sau xuất gia thành Phật, hiệu là Bảo Tạng Như Lai. Một hôm vua Vô
Tránh Niệm nghe Phật thuyết pháp liền phát tâm muốn cúng dường các món ăn
uống, y phục cho đức Phật và đại chúng luôn luôn trong ba tháng. Vị đại
thần Bảo Hải khuyên vua nên phát tâm cầu đạo vô thượng. Vua liền phát
nguyện sau nầy thành Phật sẽ làm giáo chủ một cảnh cực kỳ trang nghiêm
thanh tịnh để giáo hóa chúng sanh. Vua Vô Thánh Niệm phát nguyện xong, đức
Bảo Tạng Như Lai liền Thọ Ký cho vua sau nầy sẽ thành Phật hiệu là A Di Đà
và cõi nước của ngài sẽ là cõi Cực Lạc Tây Phương. Vị Đại Thần Bảo Hải sau
nầy cũng thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
Theo Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm thứ bảy Hóa Thành Dụ : Về thời quá khứ
rất xa, tại nước Hảo Thành có vị vua tu thành Phật hiệu là Đại Thông Trí
Thắng Phật. Khi còn ở ngôi báu ngài có 16 vương tử, khi nghe ngài đã thành
Phật, 16 vị vương tử nầy liền xuất gia theo Phật Đại Thông Trí Thắng tu
hành, được Phật giảng dạy kinh Pháp Hoa, về sau cả 16 vị vương tử nầy đều
thành Phật. Có hai vị là Phật ở phương Đông : A Súc và Tu Di Đính, hai vị
là Phật ở Đông Nam : Sư Tử Âm và Sư Tử Tướng, hai vị là Phật ở phương Nam
: Hư Không Trụ và Thường Diệt, hai vị là Phật ở Tây Nam : Đế Tướng và
Phạm Tướng, hai vị là Phật ở phương Tây : A Di Đà và Độ Nhất Thiết Thế
Gian Khổ Não, hai vị làm Phật ở Tây Bắc : Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương
Thần Thông và Tu Di Tướng, hai vị làm Phật ở phương Bắc là Vân Tự Tại và
Vân Tự Tại Vương, một vị là Phật ở Đông Bắc : Hoại Nhất Thiết Thế Gian Khổ
Não và vị thứ 16 chính là đức Thế Tôn ở cõi Ta Bà nầy.
2.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ ghi lại việc xãy ra khi đức Thế Tôn ở tại núi Kỳ Xà
Quật, do ngài cảm ứng lời cầu nguyện của hoàng thái hậu Vi Đề Hy bị vua A
Xà Thế biệt giam ở cấm thất, ngài bảo đức Mục Kiền Liên cùng ngài A Nan
đến đó, còn đức Thế Tôn hiện thân nơi ấy, giảng dạy cho bà Vi Đề Hy phương
pháp tu để giải thoát khỏi cảnh giới Ta Bà, bà Vi Đề Hy nhờ thần lực của
đức Thế Tôn, bà đã được thấy suốt nhiều cảnh giới, nhưng bà chọn cảnh giới
Cực Lạc. Đó là cảnh giới của đức Phật A Di Đà, gồm có 9 phẩm. Đức Phật đã
dạy cho Bà Vi Đề Hy phép Quán Vô Lượng Thọ ( Vô Lượng Thọ là sống lâu mãi
mãi, cũng là một trong 12 danh hiệu tôn xưng đức Phật A Di Đà).
Tưởng cũng nên nói qua nhân duyên Phật độ cho bà Vi Đề Hy, hoàng hậu của
Tần Bà Sa, mẹ của vua A Xà Thế. Thời gian thái tử Tất Đạt Đa còm tìm thầy
học đạo, có đến thành Vương xá, là kinh đô vương quốc Ma Kiệt Đà do Bình
Sa Vương cai trị, Bình Sa Vương thấy ngài là một tu sĩ có tướng mạo cao
quý, nên có đến thăm viếng và yêu cầu khi nào Thái Tử đắc đạo, mời trở lại
viếng thăm vương quốc Ma Kiệt Đà. Do đó sau khi thành đạo chẳng bao lâu và
sau khi đã độ ông Ca Diếp và Mục Kiền Liên, đức Thế Tôn đã sớm trở lại
vương quốc Ma Kiệt Đà để độ cho Bình Sa Vương, lần gặp gỡ nầy, đức Thế Tôn
giảng kinh Túc Sanh Truyện, Bình Sa Vương nghe qua chứng được quả Tu Đà
Hoàn và ngài đã cúng dường rừng trúc để xây dựng Trúc Lâm Tịnh Xá.
Trước kia, khi Hoàng hậu Vi Đề Hy chưa có con, vua Bình Sa Vương đã đi lễ
nhiều nơi để xin thần nhân giúp cho, một hôm có vị thầy tướng cho vua
biết, ở ngọn núi Phú Lâu Na có bậc tiên nhơn đạo đức, sau ba năm nữa sẽ
thác sanh làm con vua. Vì muốn sớm có con sau đôi ba phen thỉnh cầu mà
không được, lần chót vua ra lệnh cho sứ hóa kiếp tiên nhân để sớm đạt được
ý nguyện của mình. Do đó trước khi chết, tiên nhân phát nguyện : ?? Ngày
nay vua dùng tâm và miệng sai người giết tôi, nếu tôi sanh làm con vua,
cũng dùng tâm và miệng sai người giết vua ??. Chưa sanh mà đã có oán thù,
cho nên A Xà Thế còn có tên là Vị Sanh Oán.
Khi đức Thế Tôn đã cao tuổi, Đề Bà Đạt Đa anh ruột của ngài A Nan, muốn
thống lãnh Tăng đoàn, yêu cầu Phật truyền cho ông ngôi vị ấy, Phật biết Đề
Bà Đạt Đa không xứng đáng nên chẳng khứng cho, Đề Bà Đạt Đa mới liên kết
xúi dục Thái tử A Xà Thế cướp ngôi vua cha. Bình Sa Vương dẹp yên, biết
con muốn làm vua, chẳng những không bắt tội mà ngài lại truyền ngôi cho A
Xà Thế. Lên ngôi xong, A Xà Thế ra lệnh hạ ngục vua cha, không cho ăn
uống, nhưng bà Vi Đề Hy đã vào thăm và lén giấu thức ăn trong người để
tiếp tế cho Bình Sa Vương, biết được việc nầy, A Xà Thế hạ lệnh giam Vi Đề
Hy ở cấm cung. Chính ở nơi đây, bà đã cầu nguyện đức Thế Tôn chỉ cho biết
nguyên nhân, và dạy cho bà cách tu để thoát khỏi cảnh khổ ở thế gian nầy.
Ấy là nguyên do Đức Thế Tôn giảng Quán Vô Lượng Thọ Kinh.
Còn A Xà Thế, sau khi giam mẹ, ông sai người thợ cạo vào ngục thất để giết
vua cha, liền sau đó ông được tin mình có con đầu lòng, lúc ấy ông mới
biết tình cha con, ông vào cấm thất hỏi mẹ về tình cảm của vua cha đối với
ông, bà Vi Đề Hy đã kể lại những tình cảm cao cả Bình Sa Vương đã dành cho
ông, ông hối hận truyền lệnh thả vua cha, nhưng lệnh của ông đã đến chậm
hơn nhiệm vụ của người thợ cạo phải thi hành. Nhân quả đã xong. Để răn dạy
người tu hành, những hành vi của Đề Bà Đạt Đa và vua A Xà Thế đối với Phật
và cha mẹ trở thành ngũ nghịch tội, ai mắc phải, bị đọa vào ngục vô gián.
Theo kinh Pháp Hoa, Phẩm Đề Bà Đạt Đa, đức Thế Tôn cho biết ở một tiền
kiếp, Đề Bà Đạt Đa đã truyền dạy cho ngài kinh Pháp Hoa, nên ngài đã thọ
ký cho Đề Bà Đạt Đa thành Thiên Vương Như Lai sau nầy. Còn vua A Xà Thế về
sau thành một vị hộ pháp đắc lực, nhất là ông đã yểm trợ cho công cuộc
Kiết Tập Kinh Điển lần thứ nhất.
Quán Vô Lượng Thọ kinh, đức Phật giảng 16 phép quán tưởng, để được vào
Chín Phẩm của đức Phật A Di Đà, đó là cõi cực lạc hay tịnh độ, nhưng Quán
là pháp tu Thiền, Cho nên Quán Vô Lượng Thọ Kinh là pháp Thiền của Tịnh
độ. Kinh nầy cũng còn được gọi là Thập Lục Quán Kinh.
3.
Kinh A Di Đà, chúng ta thường tụng trong các khóa lễ Cầu siêu, kinh nầy
Phật giảng cho ông Xá Lợi Phất và đại chúng tại Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên,
trong kinh nầy đức Phật đã mô tả sơ lược cảnh giới của đức Phật A Di Đà,
khuyên mọi người tu để được vãng sinh về cảnh giới ấy, cương yếu là đoạn
kinh sau đây:
-
Ông Xá Lợi Phất ! Nếu có người trai lành, người gái thảo nào nghe nói về
đức Phật A Di Đà, cố gắng chuyên trì tên hiệu Ngài: hoặc một ngày, hoặc
hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc
bảy ngày, một lòng chẳng loạn, thì người ấy khi lâm chung sẽ được đức Phật
A Di Đà cùng các bậc Thánh, hiện ra trước người ấy, người ấy khi chết tâm
không điên đảo, liền được sinh sang cõi nước cực lạc của đức Phật A Di Đà.
Có
thể nói đây là đoạn quan trọng, chính yếu để phát triển pháp môn Niệm Phật
của tịnh độ tông. Kinh Vô Lượng Thọ được gọi là Đại Bổn A Di Đà nên kinh
nầy còn được gọi là Tiểu Bổn A Di Đà.
Căn cứ vào ba kinh : Vô Lượng Thọ ( Khang Tăng Khải đời Tào Ngụy dịch ),
Quán Vô Lượng Thọ ( Cương Lương Da Xá, đời Lưu Tống dịch ), A Di Đà (
Thiên Thân soạn, Cưu Ma La Thập, đời Diêu Tần dịch ) và bộ Luận Vãng Sanh
Tịnh Độ ( Thế Thân trước tác, Bồ Đề Lưu Chi dịch ), ngài Tuệ Viễn
(334-416) xiển dương Quán Tưởng Niệm Phật, lập dựng nên tông phái Tịnh độ.
Khác với Thiền Tông có truyền thừa, Tịnh Độ Tông tôn vinh những vị chứng
quả thành Tổ, Phật giáo Trung Quốc đã tôn vinh ngài Tuệ Viễn là Sơ Tổ Tịnh
Độ Tông, và lần lượt tôn vinh các vị Tổ Tịnh Độ Tông như sau : 1) Tuệ
Viễn, 2) Thiện Đạo, 3) Thừa Viễn, 4) Pháp Chiếu, 5) Thiếu Khang, 6) Diên
Thọ tự Xung Huyền, hiệu Trí Giác, 7) Tỉnh Thường tự Thứu Vi, 8) Châu Hoằng
tự Phật Huệ, hiệu Liên Trì, 9) Trí Húc tự Ngẫu Ích, 10) Hành Sách, 11)
Thật Hiền tự Tư Tề, hiệu Tỉnh Am, 12) Tế Tỉnh tự Triệt Ngộ, 13) Ấn Quang
B.- Cảnh Giới Cực Lạc :
Về
cảnh giới Cực Lạc, nó không phải là Niết bàn tịch tĩnh, theo như trong
kinh A Di Đà diễn tả :
-
Này ông Xá Lợi Phất ! Sao cõi kia lại gọi là Cực Lạc ? Vì chúng sanh trong
nước ấy không có những sự đau khổ, chỉ hưởng thụ những sự vui sướng mà
thôi, nên gọi là Cực Lạc.
-
Lại nữa, ông Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực Lạc có bảy trùng bao lơn, bảy
trùng lưới giăng, bảy trùng hàng cây, những trùng đó đều bằng bốn thứ ngọc
báu, vây bọc chung quanh. Thế nên nước kia gọi là Cực Lạc.
-
Lại nữa, ông Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực Lạc có ao bằng bảy thứ ngọc báu,
nước tám công đức tràn đày trong ao ấy. Đáy ao thường lấy cát vàng rải
khắp mặt đất. Đường và bực bốn bên ao đều hợp thành bởi vàng, bạc, lưu ly
và pha lê. Trên ao có những lâu các cũng đều trang nghiêm bằng vàng, bạc,
lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não. Trong ao có những hoa sen lớn
như bánh xe. Hoa sen xanh tỏa ra ánh sáng xanh, hoa sen vàng tỏa ra ánh
sáng vàng, hoa sen đỏ tỏa ra ánh sáng đỏ, hoa sen trắng tỏa ra ánh sáng
trắng, các hoa sen ấy đều có những hương vị thanh khiết vi diệu.
-
Này ông Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như
thế.
-
Lại nữa, ông Xá Lợi Phất ! Cõi nước của đức Phật A Di Đà kia, thường trổi
những âm nhạc cõi trời; đất bằng vàng ròng và ngày đêm sáu thời thường mưa
xuống những hoa mạn đà la cõi trời. Chúng sanh trong cõi nầy cứ sáng sớm
ra, họ thường đem những lẵng hoa quí, cúng dường mười vạn ức Phật ở các
phương khác, mà chỉ trong giây lát, họ đã về ngay tới nước của họ, kịp bữa
ăn sáng. Ăn xong họ đi kinh hành.
-
Ông Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như
thế.
-
Lại nữa, ông Xá Lợi Phất ! Nước kia thường có các giống chim có màu sắc
sặc sỡ, đẹp lạ như : chim bạch hạc, chim khổng tước, chim anh vũ, chim xá
lợi, chim ca lăng tần già, chim cộng mệnh. Các loại chim ấy, ngày đêm sáu
thời hót ra những tiếng hòa nhã. Trong những tiếng ấy diễn tỏ những diệu
pháp như năm căn, năm lực, bảy bồ đề phần, tám thánh đạo phần. Những diệu
pháp như thế, chúng sinh trong cõi nầy, nghe được tiếng pháp ấy rồi, hết
thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
-
Ông Xá Lợi Phất ! Ông chớ nên bảo rằng các giống chim nầy do tội báo mà
sinh ra. Sở dĩ thế là vì sao ? Là vì cõi nước của đức Phật A Di Đà kia
không có ba đường ác.
-
Ông Xá Lợi Phất ! Cõi nước đức Phật A Di Đà còn không có tên gọi ác, huống
là có ác thực ư ? Các giống chim ấy đều do đức Phật A Di Đà muốn cho tiếng
pháp lan rộng, nên ngài biến hóa ra như vậy.
-
Ông Xá Lợi Phất ! Cõi nước đức Phật A Di Đà kia có những làn gió hiu hiu
thổi rung các hàng cây báu, cùng những mạng lưới báu, phát ra những tiếng
vi diệu, ví như trăm nghìn thứ âm nhạc, đồng thời trổi lên.
-
Ai nghe được những tiếng ấy, tự nhiên đều sinh tâm niệm Phật, niệm Pháp,
niệm Tăng.
-
Ông Xá Lợi Phất ! Cõi nước đức Phật A Di Đà thành tựu công đức trang
nghiêm như thế.
Đó
là cảnh giới Cực Lạc theo kinh A Di Đà, còn theo kinh Vô Lượng Thọ, tỳ
kheo Pháp Tạng có 48 lời nguyện, khi nào 48 nguyện nầy thành tựu ngài mới
thành Phật A Di Đà, ngược lại tỳ kheo Pháp Tạng sau nầy đã chứng quả tức
là 48 lời nguyện ấy đã thành tựu, đó cũng là cảnh giới của đức Phật A Di
Đà : ( Có thể đọc 48 lời nguyện theo thể văn vần của Kinh Bốn Mươi Tám Lời
Nguyện trong Nghi Thức Tụng Niệm ).
1.- Tôi thành Phật rồi, nguyện độ cho nhân dân trong nước tôi tránh khỏi
ba đường Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Nếu không được vậy, tôi quyết chẳng
thành Phật
2.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho những ai sanh vào nước tôi, đều tránh
khỏi sự đọa lạc vào các hàng Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Nếu chẳng được
vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
3.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho loài người và chư Thiên trong nước tôi
đều đồng một sắc như vàng ròng. Nếu không được vậy, tôi quyết chẳng thành
Phật.
4.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho loài người và chư Thiên trong nước tôi
đều xinh lịch như nhau cả, chớ chẳng có sự chênh lệch người đẹp, kẻ thô.
Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
5.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho loài người và chư Thiên trong nước tôi
đều đặng Túc mạng thông, tức là rõ thấu ngàn muôn kiếp trước, nếu có ai
quán tưởng mà không nhớ đuợc vô số kiếp, tôi quyết chẳng thành Phật.
6.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho loài người và chư Thiên trong nước tôi
đều đặng Thiên nhãn thông. Nếu có ai trông ra không thấy ngàn muôn và vô
số cõi Phật, tôi quyết chẳng thành Phật.
7.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho loài người và chư Thiên trong nước tôi
đều đặng Thiên nhĩ thông. Nếu có ai không nghe ra tiếng của chư Phật
thuyết pháp trong ngàn muôn và vô số cõi Phật, tôi quyết chẳng thành Phật.
8.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho loài người và chư Thiên trong nước tôi
đều đặng Tha tâm thông. Nếu có ai không nhận ra tâm niệm của chúng sanh,
tôi quyết chẳng thành Phật.
9.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho loài người và chư thiên trong nước tôi
đều đặng Thần tức thông. Nếu có ai trong một niệm mà chẳng vượt qua ngàn
muôn và vô số cõi Phật, tôi quyết chẳng thành Phật.
10.-Tôi thành Phật rồi, nguyện cho loài người và chư Thiên trong nước tôi
đều chẳng hề có ý vọng tưởng về tài sản mình, cho đến chẳng có lòng tham
chấp cái thân thể mình. Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành
Phật.
11.-Tôi thành Phật rồi, nguyện cho loài người và chư Thiên trong nước tôi
đều đắc được Pháp thân, tức là chắc quyết vào Pháp Phật thấu lý tuyệt đích
và tu riết tới để nhập Đại Niết Bàn. Nếu không được như vậy, tôi quyết
chẳng thành Phật.
12.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho hào quang tôi chói sáng khắp trong
nước tôi và chói khắp vô số cõi khác, chúng sanh trong các cõi trông thấy
hào quang ấy, đều lánh dữ theo lành. Nếu không được như vậy, tôi quyết
chẳng thành Phật.
13.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho đời sống của tôi dài dặc vô hạn, nếu
thọ mạng tôi không đến ngàn muôn và vô số kiếp, tôi quyết chẳng thành
Phật.
14.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho số Thanh Văn đệ tử trong nước tôi kể
đếm không xiết; kể cho tất cả chư tu thành Phật, Duyên Giác trong ba ngàn
cõi thế đếm mãi trong ngàn muôn và vô số kiếp cũng không đếm hết số Thanh
văn đệ tử của tôi. Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
15.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho loài người và chư Thiên trong nước tôi
sống lâu không kể xiết, trừ khi phát nguyện thọ sanh qua cõi khác. Nếu
không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
16.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho trong nước tôi chẳng ai biết tới những
tiếng chỉ sự hung dữ tội ác. Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành
Phật.
17.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho vô số chư Phật trong các cõi thập
phương đều xưng tán danh hiệu tôi, ngợi khen công đức tôi và cõi Phật của
tôi, khiến cho đệ tử nguyện sanh về nước tôi. Nếu không được như vậy, tôi
quyết chẳng thành Phật.
18.- Tôi thành Phật rồi, nguyện rằng tất cả chúng sanh trong mười phương
nếu đem lòng tin tôi, cầu về nước tôi và dẫu niệm danh hiệu tôi vừa đủ
mười lần, thì tôi cũng rước ngay. Duy trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch và
hủy mạ Chánh Pháp. Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
19.- Tôi thành Phật rồi, nguyện rằng những chúng sanh trong mười phương đã
phát tâm tu hành cho thành chánh giác, nếu nghe được danh hiệu tôi, lấy
lòng thành tín và trong sạch mà niệm tưởng tôi để sanh về nước tôi, thì
khi họ lâm chung, tôi dắc đại chúng hiện đến trước mặt họ mà tiếp dẫn họ.
Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
20.- Tôi thành Phật rồi, nguyện rằng những chúng sanh trong mười phương
nếu nghe danh hiệu tôi, thường nhớ đến nước tôi, dốc lòng làm các việc
công đức để sanh về nước tôi, thì họ được mãn nguyện ngay. Nếu không được
như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
21.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho loài người và chư Thiên trong nước
tôi, tất cả đều đủ ba mươi hai tướng quí. Nếu không được như vậy, tôi
quyết chẳng thành Phật.
22.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho chúng sanh các cõi sanh vào nước tôi
đều đắc đặng bực Nhứt Sanh Bổ Xứ, tức là chỉ còn sanh có một lần vào cõi
nào thì đặng thành Phật hoàn toàn; trừ chư Bồ Tát lập Đại nguyện đưa độ
chúng sanh cho đến Niết Bàn và quyết lòng ra đi phụng sự chư Phật, hổ trợ
Chánh Pháp. Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
23.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho Bồ tát trong nước tôi có thể lướt qua
các cõi mà cúng dường cho ngàn muôn và vô số chư Phật, kế trở về nước cho
kịp bửa ăn ngọ . Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
24.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho Bồ Tát trong nước tôi muốn có bất kỳ
vật chi như vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não, các thứ
châu ngọc, mọi đồ trang điểm như hương, hoa, tua, tuội, phấn sáp, mạt
hương, áo quần, dù lọng, cờ phướn, đèn, các điệu múa, hát, âm nhạc, thì
tất cả đều hiện lại liền theo ý muốn. Nếu không được như vậy, tôi quyết
chẳng thành Phật.
25.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho người trong nước tôi đều có đủ trí tuệ
và giảng diễn nghĩa lý Phật Pháp cho đến chỗ viên mãn. Nếu không được như
vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
26.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho Bồ Tát trong nước tôi, thân sức cứng
rắn như hạt kim cương (của đức Narayana). Nếu không được như vậy, tôi
quyết chẳng thành Phật.
27.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho không một chúng sanh nào có thể biết
cõi tôi nghiêm trang tịnh diệu tới đâu, dẫu cho ai có thiên nhãn cũng
không thể biết hết công đức của cõi tốt đẹp vô cùng của tôi . Nếu không
được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
28.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho rằng bất kỳ vị Bồ Tát nào trong nước
tôi, dầu kém công đức cũng dòm thấy cây Bồ Đề (Bửu thọ) của tôi đẹp đẻ,
nghiêm trang và cao cả ngàn do tuần. Nếu không được như vậy, tôi quyết
chẳng thành Phật.
29.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho chúng sanh trong nước tôi thọ trì, đọc
tụng kinh điển, đều hiểu rõ nghĩa lý cho đến chỗ viên mãn, hầu có diễn
giảng ra một cách minh bạch . Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng
thành Phật.
30.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho Bồ Tát trong nước tôi đều có tài
thuyết pháp một cách hùng biện và làu thông vô hạn lượng. Nếu không được
như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
31.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho nước của tôi trở nên thanh tịnh và
sáng suốt. Chư Bồ Tát trong nước tôi ngồi trông ra thấy được ngàn muôn và
vô số cõi Phật khác, cũng như nhìn vào gương mà thấy hình. Nếu không được
như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
32.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho trong nước tôi từ đất bằng cho chí hư
không, đều có những cung điện, lầu các, cây hoa, ao suối quí báu vô giá
làm bằng các thứ hương thơm, mùi hương bay ra khắp các cõi thế giới, khiến
cho ai ngửi vào cũng đem lòng thờ kính chư Đại Bồ Tát và chư Phật Như Lai.
Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
33.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho chư Bồ Tát trong ngàn muôn và vô số
cõi Phật nếu được hào quang tôi chạm vào mình, thì thân tâm tôi trở nên
hiền lành vui sướng hơn các bực Thiên và người. Nếu không được như vậy,
tôi quyết chẳng thành Phật.
34.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho chư Bồ Tát trong ngàn muôn và vô số
cõi Phật, hễ nghe danh hiệu tôi, thì được thoát khỏi luân hồi, được đắc
các cảnh Tam muội cao siêu cho đến thành đạo Bồ đề. Nếu không được như
vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
35.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho hàng phụ nữ trong ngàn muôn và vô số
cõi Phật, hễ nghe danh hiệu tôi, bèn ra sức tinh tấn mà trì niệm, phát tâm
tu đến thành chánh giác, nhàm chán sự luân hồi làm thân phụ nữ, như vậy
nếu về sau có sanh ra nữa, thì khỏi mang thân phụ nữ. Nếu không được như
vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
36.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho chư Bồ Tát trong vô số cõi Phật trong
mười phương, hễ nghe danh hiệu tôi, thì đời nào sanh ra cũng lo tu hành
mãi cho đến khi thành Phật. Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành
Phật.
37.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho chư Bồ Tát trong vô số cõi Phật mười
phương, hễ nghe danh hiệu tôi, bèn cung kính lễ bái và thờ phụng tôi;
trong khi hành phận sự Bồ Tát, các Ngài ấy được loài người và chư Thiên
kính mến. Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
38.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho loài người và chư Thiên trong nước
tôi, nếu muốn mặc y phục thì liền có y phục hiện đến ngay, y phục nhiệm
mầu vốn sức linh của Phật ban cho, không có đường may, không thể dính dơ,
không hề hư cũ. Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
39.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho loài người và chư Thiên trong nước tôi
đều được vui sướng cũng như bậc Tỳ kheo đắc Đạo diệt được các mối khổ não
nơi mình. Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
40.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho loài người và chư Thiên trong nước
tôi, tùy ý muốn thấy đức Phật nào trong mười phương vũ trụ, cứ nhìn vào
cây Bồ đề phía ấy thì thấy ngay. Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng
thành Phật.
41.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho chư Bồ Tát trong vô số cõi Phật, hễ
nghe danh hiệu tôi thì ngũ quan và tri giác trở nên mạnh mẽ đều đủ luôn.
Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
42.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho chư Bồ Tát trong vô số cõi Phật, hễ
nghe danh hiệu tôi thì đắc các phép Thiền Thanh Tịnh Giải Thoát Tam Muội
(Suvibhaktavati), đắc pháp thiền nầy trong khoảng vài giây lát, các ngài
ấy có thể cúng dường hằng hà sa số chư Phật trong các cõi, mà sự thiền
định không bị gián đoạn. Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành
Phật.
43.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho chư Thiên và người trong vô số cõi
Phật, hễ nghe danh hiệu tôi, thì đắc phước đức, mỗi khi lâm chung thì sanh
ra nơi những gia đình tôn quí; như vậy mãi cho đến khi thành Phật. Nếu
không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
44.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho chư Bồ Tát trong vô số cõi Phật, nghe
danh hiệu tôi, thì công đức được gia tăng thêm mãi cho đến đắc quả Bồ đề
trọn vẹn, trong khi tu hạnh Bồ Tát, các ngài ấy bao giờ cũng vui sướng, an
lạc luôn. Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
45.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho chư Bồ Tát trong vô số cõi Phật, hễ
nghe danh hiệu tôi, thì đắc phép thiền Phổ Đẳng Tam Muội (Samantamugata);
đắc phép thiền nầy, các ngài ấy có thể đến viếng thăm và cúng dường từng
đức Phật trong vô số đức Phật mười phương, như vậy mãi cho đến khi thành
Phật, mà không bào giờ sự thiền định của các ngài bị gián đoạn. Nếu không
được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
46.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho chư Bồ Tát trong nước tôi, hễ muốn
nghe Pháp chi, thì liền được nghe Pháp ấy. Nếu không được như vậy, tôi
quyết chẳng thành Phật.
47.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho chư Bồ Tát trong nước tôi và vô số cõi
Phật, hễ nghe danh hiệu tôi, thì trở nên bất thối chuyển đối với quả Phật
Thế Tôn. Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.
48.- Tôi thành Phật rồi, nguyện cho chư Bồ Tát trong vô số cõi Phật, hễ
nghe danh hiệu tôi, thì đắc được phép ba lần nhẫn, các ngài ấy không xao
lãng đói với Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Nếu không được như vậy, tôi quyết
chẳng thành Phật.
Hòa Thượng Trí Thủ tóm tắc cõi cực lạc như sau, tối thiểu phải có những
điều kiện về nhân dân và thổ địa :
a) Về nhân dân ( chúng sanh thế
gian ) :
1) An lạc vô bệnh.
2) Thọ mạnh lâu dài
3) Thân tướng đẹp đẻ.
4) Không có sự bất bình đẳng
về giàu nghèo, sang hèn.
5) Tâm tánh nhu hòa, đạo đức
cao thượng.
6) Đạo tâm kiên cố.
7) Mọi người đều do hóa sanh
mà có, không do thai sanh là kết quả của dâm dục, ô trược.
8) Không có sự sai khác về
nhỏ lớn già trẻ, mạnh yếu.
9) Không nhơ bẩn, ô uế.
10) Tâm trí phóng khoáng,
thông đạt.
11) Hết luân hồi trong lục
đạo.
12) Đủ sáu món thần thông.
13) Đầy đủ huệ nhãn, chánh
kiến,
b) Về thổ địa ( khí thế gian )
:
1) Đất đai bằng phẳng, đầy
châu ngọc trong suốt, không có khe hố, núi gò lởm chởm và ao rãnh sông
ngòi hủng hê.
2) Không có các nạn thiên tai
như lụt bão, sắm sét, đại hạn, địa chấn, gây ra mất mùa, đói rét.
3) Bầu trời luôn luôn quang
đãng, không cần ánh sáng mặt trời, mặt trăng hay đèn nến.
4) Tất cả vật dụng luôn luôn
mới mẻ, không vở, không hư, không mục nát, không cũ nhớp.
5) Phong cảnh xinh tươi, cây
hoa đẹp đẽ, lầu gác mỹ lệ, không cần nhọc công kiến trúc trang hoàng mà
tự nhiên hiện thành.
6) Khí trời luôn luôn mát mẻ.
7) Âm nhạc nhiệm mầu tự nhiên
hay ngưng dứt tùy theo sở thích người nghe.
8) Không có động vật nào
khác, ngoài loài người, trừ sự biến hóa của Phật.
9) Hồ nước trong, thơm ngọt
ngào, cạn sâu ấm mát tùy từng sở thích.
10) Cảnh vật tiếp xúc gây
được khoái cảm nhẹ nhàng mà không làm chao động đạo niệm.
11) Bảy báu và vật dụng tự
nhiên thành tựu để cung ứng đầy đủ mà không cần đến sức người.
12) Không có các sự trần lao
phiền não.
13) Không có nạn nhân mãn,
mặc dù dân số vãng sanh mỗi ngày mỗi tăng.
14) Nhân dân sống trong thái
bình an lạc.
Chúng ta ai cũng biết rằng cõi Cực Lạc do đức Phật A Di Đà làm giáo chủ, A
Di Đà gồm có hai nghĩa chánh nằm trong đoạn kinh A Di Đà sau đây :
Ông Xá Lợi Phất ! Đức Phật A Di Đà Kia có vô lượng ánh sáng, soi khắp cõi
nước mười phương mà không bị chướng ngại gì cả, vì vậy có tên hiệu là A Di
Đà. Lại nữa, ông Xá Lợi Phất ! Thọ mệnh của đức Phật A Di Đà kia, cùng thọ
mệnh của nhân dân nơi cõi ngài dài vô lượng vô biên vô số kiếp, nên gọi là
A Di Đà.
Thường chúng ta xưng tụng danh hiệu ngài như sau : Tây Phương Cực Lạc Thế
Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật hay A Di Đà Phật, thật ra
ngài có đến 13 anh hiệu tôn xưng sau đây:
1.- Vô Lượng Thọ Phật : Đời sống của Phật dài lâu vô lượng.
2.- Vô Lượng Quang Phật : Hào
quang trí huệ Phật nhiều không thể lường.
3.- Vô Biên Quang Phật : Hào
quang Phật chiếu sáng không biết đến đâu là cùng.
4.- Vô Ngại Quang Phật : Hào
quang Phật chiếu khắp mọi nơi, không bị chướng ngại nào ngăn cản.
5.- Vô Đối Quang Phật : Không có hào quang Phật nào đối chiếu sánh bằng.
6.- Viêm Vương Quang Phật : Hào
quang Phật túa sáng hơn hết.
7.- Thanh Tịnh Quang Phật : Hào
quang Phật chiếu ra rất thanh tịnh.
8.- Hoan Hỷ Quang Phật : Hào
quang Phật chiếu ra làm cho người nhận được sẽ rất hoan hỷ.
9.- Trí Huệ Quang Phật : Hào quang của Phật chiếu sáng tới đâu quét sạch
vô minh, tăng trưởng trí huệ.
10.- Bất Đoạn Quang Phật : Hào quang của Phật chẳng hề bị đứt đoạn.
11.- Nan Tư Quang Phật : Hào
Quang của Phật không ai có thể suy xét cho cùng tận, trừ có chư Phật.
12.- Vô Xưng Quang Phật : Hào Quang của Phật không có lời nào xưng tụng
cho đầy đủ.
13.- Siêu Nhật Nguyệt Quang
Phật : Hào quang của Phật sáng hơn sức sáng của mặt trời, mặt trăng.
Ở
cõi Ta Bà nầy có 6 đường là : Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc Sanh, Người, A tu la
và Trời và bốn bậc thánh là Thanh Văn, Bồ Tát, Duyên Giác và Phật lập
thành mười pháp giới. Còn ở cõi Cực Lạc có ba bậc : Thượng, Trung, Hạ; mỗi
bậc lại có ba phẩm, cộng chung thành chín phẩm, mọi người được sinh về
cảnh giới nào cũng vậy, khi hoa sen ở cảnh giới ấy nở ra thì người đó sanh
ra, tiếp tục tu thì tiến hóa lên, nếu không tinh tấn niệm Phật thì sẽ bị
giáng xuống cõi thấp hơn.
Theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ, những điều kiện tu hành để được về các phẩm
ấy được đức Thế Tôn dạy từ pháp quán thứ 14 đến 16 như sau :
14) Quán Sanh Về Thượng Phẩm :
Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: ?? Thượng phẩm Thượng Sanh là thế nào ?
Nếu chúng sanh muốn sanh về cõi kia, nên phát ba thứ tâm, là tâm chí
thành, tâm sâu thiết, tâm hồi hướng phát nguyện, tất sẽ được vãng sanh.
Lại có ba hạng hữu hình được sanh về Cực Lạc : Một là hạng có lòng xót
thương, không giết hại, giữ tròn các giới hạnh. Hai là hạng đọc tụng kinh
điển Phương Đẳng Đại Thừa. Ba là hạng tu hành lục niệm, hồi hướng phát
nguyện sanh về An Dưỡng. Nếu đủ các công đức như thế, từ một ngày cho đến
bảy ngày, liền được vãng sanh.
Do
kẻ ấy tinh tấn dõng mãnh, nên lúc vãng sanh Phật A Di Đà cùng hai Bồ Tát
Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, vô số hóa Phật, trăm ngàn Thanh Văn Tỳ Kheo đại
chúng, vô lượng chư Thiên và cung điện thất bảo đều hiện đến. Khi ấy Quán
Thế Âm Bồ Tát bưng đài Kim Cang, cùng Đại Thế Chí Bồ Tát tới trước hành
giả. Phật A Di Đà phóng đại quang minh chiếu đến thân người vãng sanh, rồi
cùng chư Bồ Tát đồng đay tiếp dẫn. Hai vị đại thánh Quán Thế Âm, Đại Thế
Chí lại cùng vô số Bồ Tát đồng thanh khen ngợi, khuyến tấn. Hành giả mục
kích cảnh ấy rồi, sanh tâm vui mừng khấp khởi, tự thấy mình ngồi trên đài
kim cang, theo sau Phật và Thánh chúng, trong khoảng khảy ngón tay, sanh
về Cực Lạc.
Khi đã sanh về cõi kia, lại thấy kim thân của Phật đầy đủ các tướng, chư
Bồ tát sắc tướng cũng cụ túc trang nghiêm; các ánh sáng và rừng báu đều
diễn thuyết pháp mầu. Hành giả nghe xong liền, liền ngộ vô sanh pháp nhẫn,
trong giây phút thừa sự chư Phật khắp mười phương, được thọ ký trước chư
Phật, rồi trở về bản quốc, chứng vô lượng trăm ngàn môn Đà La Ni. Đây gọi
là Thượng phẩm Thượng Sanh.
Thượng Phẩm Trung Sanh là thế nào ? Có chúng sanh tuy không thọ trì kinh
Phương Đẳng, nhưng khéo hiểu nghĩa thú, đối với đệ nhất nghĩa, tâm không
kinh động, tin sâu ly nhân quả, không phỉ báng pháp Đại thừa. Nếu hành giả
đem công đức niệm Phật hồi hướng, cầu sanh Cực Lạc, thì khi lâm chung Tây
Phương tam thánh cùng vô lượng đại chúng quyến thuộc bưng đài tử kim, hiện
đến trước mặt khen rằng : ?? Pháp tử ! Ngươi tu Đại Thừa, hiểu Đệ nhất
nghĩa, nên nay ta đến tiếp nghinh ??. Liền đó, đức Vô Lượng Thọ Thế tôn
cùng với một ngàn hóa Phật đồng thời đưa tay xuống tiếp dẫn. Bãy giờ hành
giả tự thấy mình ngồi trên đài tử kim, chấp tay khen ngợi chư Phật, rồi
trong khoảnh một niệm liền sanh về nơi ao thất bảo ở cõi Cực Lạc.
Đài tử kim ấy như hoa báu lớn, trải một đêm liền nở, bấy giờ hành giả thân
sắc tử kim, dưới chơn lại có hoa sen thất bảo, được Phật và Bồ Tát đồng
thời phóng quang soi đến mình, mắt liền mở sáng. Do tu tập trước kia, lúc
đó tự nghe các âm thanh khắp nơi đều nói thuần pháp Đệ nhất nghĩa đế rất
thâm mầu. Nghe xong liền bước xuống kim đài lễ Phật và chấp tay ca ngợi
đức Thế Tôn. Trải qua bảy ngày liền được không thối chuyển nơi quả A Nậu
Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, có thể tự tại bay đi khắp mười phương thừa sự
chư Phật, tu các môn tam muội. Như thế qua một tiểu kiếp, được chứng vô
sanh nhẫn và mong chư Phật thọ ký. Đây là cảnh Thượng phẩm Trung sanh.
Thượng phẩm Hạ sanh là thế nào ? Có chúng sanh tuy cũng tin nhân quả,
không báng Đại thừa, nhưng chỉ phát tâm cầu đạo vô thượng, rồi đem công
đức ấy niệm Phật nguyện về Cực Lạc. Hành giả ấy khi lâm chung được Phật A
Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế chí cùng chư Bồ Tát cầm hoa sen vàng, hóa hiện
năm trăm vị Phật đến nghinh tiếp. Lúc đó năm trăm hóa Phật đồng thời đưa
tay xuống và khen rằng: ?? Pháp tử ! Ngươi nay thanh tịnh, phát vô thượng
đạo tâm, nên ta đến rước ngươi ??.
Khi hành giả mục kích cảnh ấy rồi, liền thấy mình ngồi nơi hoa sen vàng,
ngồi xong cánh hoa khép lại, theo sau đức Thế tôn sanh về ao thất bảo. Như
thế trải qua một ngày đêm, hoa sen nở ra, bảy hôm sau mói được thấy Phật.
Nhưng tuy thấy Phật, đói với các tướng hảo tâm còn chưa rõ ràng, đợi qua
hai mươi mốt ngày, mới nhận được minh bạch. Bãy giờ người vãng sanh nghe
các âm thanh đều diễn pháp mầu, bay dạo mười phương cúng dường chư Phật,
và được nghe pháp thậm thâm trước các đức Thế tôn. Trải qua ba tiểu kiếp
như thế, được bách pháp minh môn, trụ Sơ hoan hỷ địa. Đây là cảnh Thượng
Phẩm Hạ sanh.
Trên đây là môn tưởng Thượng bối vãng sanh, thuộc về phép quán thứ mười
bốn.
15.- Quán Sanh Về Trung Phẩm
Đức Phật bảo A nan và Vi Đề Hy: ?? Trung phẩm Thượng sanh là thế nào ? Nếu
chúng sanh thọ trì ngũ giới, giữ Bát quan trai hoặc tu các giới khác,
không tạo tội ngũ nghịch và các điều lỗi lầm, rồi đem căn lành ấy hồi
hướng cầu sanh về thế giới Cực Lạc ở phương Tây. Chúng sanh đó khi lâm
chung, được Phật A Di Đà cùng các Tỳ Kheo quyến thuộc vi nhiễu, phóng kim
quang soi đến mình, diễn thuyết các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã,
cùng khen ngợi hạnh xuất gia thoát khổ. Mục kích cảnh ấy, hành giả sanh
tâm vui mừng, tự thấy mình ngồi trên đài sen, vội quì gối chấp tay cuối
xuống lễ Phật. Lúc chưa ngước mặt lên, đã sanh về thế giới Cực Lạc.
Sau khi vãng sanh, vừa lúc hoa sen nở ra, hành giả nghe các âm thanh khen
ngợi pháp Tứ đế, liền chứng quả A La Hán, đầy đủ tam minh, lục thông và
bát giải thoát. Đây là cảnh Trung phẩm Thượng sanh.
Trung phẩm Trung sanh là thế nào ? Nếu chúng sanh giữ chính chắn Bát quan
trai hoặc giới Sa di hay giới Cụ túc trong một ngày đêm, các oai nghi đều
toàn vẹn, đem công đức huân tu giới hương đó hồi hướng cầu sanh Cực Lạc.
Khi lâm chung hành giả nầy thấy Phật A Di Đà cùng quyến thuộc cầm hoa sen
thất bảo phóng kim quang hiện đến trước mặt mình. Bãy giờ đương nhơn nghe
giữa hư không có tiếng khen rằng: ?? Lành thay thiện nhơn ! Ngươi đã biết
thuận theo lời dạy của chư Phật ba đời mà tu tập, nên nay ta đến rước
ngươi, Khi đó hành giả thấy mình ngồi nơi hoa sen, cánh hoa khép lại, liền
được sanh về bảo trì ở cõi Cực Lạc.
Qua bảy ngày hoa sen nở, hành giả chấp tay ca ngợi Phật, được nghe pháp vi
diệu, sanh tâm hoan hỷ, liền chứng quả Tu Đà Hoàn, và nửa kiếp sau mới
chứng quả A La Hán. Đây là cảnh Trung phẩm Trung sanh.
Trung phẩm Hạ sanh là thế nào? Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn hiếu dưỡng
cha mẹ, tu hạnh nhân từ theo thế gian, khi lâm chung gặp thiện tri thức
giảng cho nghe về sự vui nơi cõi Phật A Di Đà và bốn mươi tám nguyện của
Pháp Tạng Tỳ kheo. Kẻ ấy nghe xong hoan hỷ niệm Phật mà qua đời, thần thức
liền được sanh ngay về cõi Cực Lạc thế giới, lẹ như khoảng co duỗi cánh
tay của người tráng sĩ.
Qua bảy ngày sau hành giả được gặp Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, nghe
pháp nhiệm mầu, sanh tâm vui đẹp, được quả Tu Đà Hoàn, sau một tiểu kiếp
mới chứng quả A La Hán. Đây là cảnh Trung phẩm Hạ sanh ??.
Môn tưởng nầy gọi là Trung Bối Vãng Sanh, thuộc về phép quán thứ mười lăm.
16.- Quán Sanh Về Hạ Phẩm
Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: ?? Hạ phẩm Thượng sanh là thế nào? Hoặc có
chúng sanh ngu tối, Tuy không hủy báng kinh điển Phương Đẳng, nhưng tạo
nhiều nghiệp ác không biết hổ thẹn, kẻ ấy khi lâm chung gặp thiện tri thức
nói cho nghe danh đề của mười hai loại kinh Đại thừa, liền được trừ diệt
nghiệp ác rất nặng trong một ngàn kiếp. Bậc tri thức lại bảo phải chấp tay
niệm ?? Nam Mô A Di Đà Phật ??; do đương nhơn thành tâm xưng danh hiệu
Phật nên tiêu trừ tội trong năm mươi ức kiếp sanh tử. Ngay lúc ấy, đức Vô
Lượng Thọ Như Lai cảm biết, liền sai hóa Phật, hóa Quán Âm và hóa Thế Chí
hiện đến trước hành giả khen rằng: ?? Lành thay thiện nhơn ! Ngươi đã xưng
danh hiệu Phật, nên các tội tiêu diệt, ta đến đây để rước ngươi ??.
Bãy giờ hành giả thấy ánh sáng của hóa Phật đầy khắp nhà mình, trong lòng
vui nừng, liền xả thọ, ngồi trên hoa sen báu theo hóa Phật sanh về ao thất
bảo. Sau khi vãng sanh trải qua bốn mươi chín ngày hoa sen mới nở. Vừa lúc
hoa nở, Đại bi Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí phóng ánh sáng lớn, trụ
rtước người ấy, giảng thuyết cho nghe nghĩa lý thâm diệu của mười hai loại
kinh ( * ). Đương nhơn nghe rồi tin hiểu, phát tâm vô thượng bồ đề, trải
qua mười hai tiểu kiếp, thành tựu bách pháp minh môn, được vào Sơ địa. Đây
là cảnh Hạ phẩm Thượng sanh.
Hạ
phẩm Trung sanh là thế nào? Hoặc có chúng snh ngu tối hủy phạm ngũ giới,
bát giới, giới cụ túc, trộm của Tăng kỳ và vật hiện tiền tăng, bất tịnh
thuyết pháp, lòng không hổ thẹn, dùng các nghiệp ác để tự trang nghiêm. Kẻ
tạo tội chướng như thế, tất phải đọa vào địa ngục, nên lúc lâm chung, các
tướng lửa của Địa ngục đồng thời hiện ra. Nhưng người nầy may mắn được gặp
thiện tri thức giảng nói cho nghe về oai đức thập lực, sức thần thông
quang minh của Phật A Di Đà, cùng những pháp : Giới, định, huệ, giải
thoát, giải thoát tri kiến. Đương đơn nghe xong, sanh lòng tín trọng, nên
trừ diệt tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử, lửa dữ Địa ngục hóa thành gió
mát thổi các hoa trời, trên hoa có hóa Phật và hóa Bồ Tát hiện thân tiếp
dẫn, trong khoảng một niệm liền được sanh về hoa sen nơi ao thất bảo.
Sau khi vãng sanh trải qua sáu kiếp hoa sen mới nở. Vụa lúc hoa nở, Bồ Tát
Quán Thế Âm, Đại Thế Chí hiện đến,dùng tiếng Phạm âm an ủi và vì mà giảng
thuyết pháp thậm thâm của Đại Thừa. Hành giả nghe xong, liền phát đạo tâm
vô thượng. Đây là cảnh Hạ phẩm Trung sanh.
Hạ
phẩm Hạ sanh là thế nào? Hoặc có chúng sanh tạo tội ngũ nghịch thập ác,
làm đủ các việc chẳng lành; kẻ ngu ấy do nghiệp ác đáng lẽ phải bị đọa vào
ác đạo, trải qua nhiều kiếp, chịu khổ vô cùng. Nhưng khi lâm chung, người
nầy nhờ gặp thiện tri thức dùng nhiều cách an ủi, nói pháp mầu cho nghe,
lại dạy bảo tưởng niệm Phật. Đương nhơn tuy nghe lời dạy, song vì sự khổ
bức bách, không yên rảnh để quán tưởng đức Vô Lượng Thọ Như Lai. Thấy thế,
thiện hữu lại bảo: ?? Nếu ông không thể tưởng đức Phật kia, thì nên chí
thành xưng ?? Nam Mô A Di Đà Phật?? tiếng tăm liên tiếp không dứt cho đủ
mười niệm ??. Hành giả vâng lời. Và do nhờ xưng danh hiệu Phật, nên mỗi
niệm trừ được tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Khi mạng chung, người ấy
thấy hoa sen vàng rực rỡ như vầng nhật hiện ra trước mặt. Trong khoảng một
niệm, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.
Như thế mãn mười hai Đại kiếp hoa sen mới nở. Khi hoa nở, hai vị đại sĩ
Quán Thế Âm. Đại Thế Chí dùng tiếng đại bi vì hành giả nói rộng về thật
tướng của các pháp và cách trừ diệt tội chướng. Đương nhơn nghe rồi thân
tâm vui đẹp, liền phát lòng vô thượng bồ đề. Đây là cảnh Hạ phẩm Hạ sanh.
Môn tưởng trên gọi là Hạ Bối
Vãng Sanh.
Đó là chín phẩm của cõi Cực
Lạc.
C.- Theo lời Phật dạy, hành
pháp môn Niệm Phật như thế nào cho được thành tựu :
Thông thường chúng ta hiểu
nghĩa Lục Tự Di Đà hay Niệm Phật cầu Vãng sanh là : Nam Mô A Di Đà Phật có
nghĩa như sau :
Nam mô : Có 6 nghĩa : kính lễ,
quy y, phụng thờ, cứu ngã, độ ngã, quy mạng.
A : Có nghĩa là Vô, Không
Di Đà : Nghĩa là lượng
Phật : Người giác ngộ.
Vậy Nam mô A Di Đà Phật là :
Kính lễ đấng giác ngộ vô lượng, cũng có nghĩa là : Con quay về nương tựa
vào đấng giác ngộ vô lượng.
Muốn thành tựu bất cứ pháp môn
nào, người tu tập trước nhất phải có : Tín, Hạnh, Nguyện. Nghĩa là chúng
ta dứt trừ các mối nghi, tin rằng : Pháp môn niệm Phật thù thắng do chính
kim ngôn của đức Thế Tôn, muốn thành tựu chúng ta phải hành rốt ráo và
luôn luôn có chí nguyện bền vững cầu vãng sanh về cõi Cực Lạc.
Trừ pháp Thập Lục Quán, pháp
môn Niệm Phật có rất nhiều chủng loại, đại thể chúng ta có thể chia thành
:
Sổ tức niệm Phật
Sổ châu niệm Phật
Trì danh niệm Phật .
1.- Sổ tức niệm Phật : Ngồi bán
già hay kiết già, xong niệm chú Tịnh pháp giới chơn ngôn :
Án lam xóa ha ( 3 lần )
Tịnh Tam Nghiệp Chân Ngôn:
Án, ta phạ bà phạ, truật đà ta
phạ, đạt ma ta phạ, bà phạ truật độ hám ( 3lần ).
Kế đọc bài kệ :
Chánh thân đoan tọa,
Đương nguyện chúng sanh.
Tọa Bồ Đề tòa,
Tâm vô sở trước
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế
Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật . . .
Theo đó cứ tiếp tục niệm Lục Tự
Di Đà, hơi thở vào ra giữ cho đều hòa, một hơi thở không nhất thiết là một
câu niệm Phật, cần nhất là chú tâm theo dõi từng tiếng thầm niệm của mình,
đừng để cho tâm duyên theo các giác quan và ngoại giới.
Khi mới bắt đầu với năm hay
mười phút rồi mỗi tuần tăng thêm vài phút, tạo thành một thói quen dần cho
thể xác và sự chú tâm, giữ cho được thoải mái, đừng gò bó cả thân lẫn tâm.
Trước khi chấm dứt niệm Phật,
chúng ta chí thành cầu nguyện :
Con nguyện đem công đức niệm
Phật nầy hồi hướng cho tất cả người thân kể oán, khi hết báo thân nầy cũng
như cửu huyền thất tổ đều được vãng sanh về cõi Tịnh độ.
2.- Sổ châu niệm Phật : Là cách
niệm lần chuổi, có thể ngồi kiết già, bán già trong khi công phu ngoài ra
còn có thể niệm khi đi đứng nằm ngồi, trong thời công phu chúng ta nên
theo cách thức sau đây :
Tịnh pháp giới chân ngôn :
Án lam xóa ha ( 3 lần )
Tịnh Tam Nghiệp chân ngôn :
Án, ta phạ bà phạ, truật đà ta
phạ, đạt ma ta phạ, bà phạ truật độ hám ( 3 lần )
Kế đọc bài kệ ( chuổi 108 hạt )
Bồ Đề nhứt bá bát,
Diệt tội đẳng hằng sa.
Viễn ly tam đồ khổ,
Xuất sắc biến liên hoa.
Ái hà thiên xích lãng,
Khổ hải vạn trùng ba.
Dục thoát luân hồi khổ,
Cấp tảo niệm Di Đà.
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế
Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
Nam mô A Di Đà Phật . . .
Còn lần chuổi 18 hạt thì đọc
bài như sau :
Diệu quả Bồ Đề ly chưởng
chưởng,
Thủ khai cương tỏa diệu trùng
trùng.
Thập bát chuyển luân La Hán
tướng,
Thiện tăng giáng phước, huệ vô
cùng .. .
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế
Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
Nam mô A Di Đà Phật . . .
Cách lần chuổi, cứ một câu niệm
Phật, lần một hạt chuổi, khi chuổi lần giáp vòng, lần trở ngược lại, không
lần vượt qua đầu mối xâu chuổi, nơi ấy tượng trưng cho Tam Bảo, phương
pháp lần chuổi hạt tâm ta cũng vẫn chuyên chú vào từng tiếng niệm danh
hiệu, và một phần nữa chú tâm vào việc lần hạt để không cho tạp niệm chen
vào.
Mỗi lần trước khi chấm dứt Niệm
Phật, chúng ta cần phải chí thành cầu nguyện:
Con nguyện đem công đức niệm
Phật nầy hồi hướng cho tất cả người thân kể oán, khi hết báo thân nầy cũng
như cửu huyền thất tổ đều được vãng sanh về cõi Tịnh độ.
3.- Chuyên niệm niệm Phật :
Phương pháp nầy không cần dùng chuổi, bất cứ lúc nào ta cũng niệm Phật,
niệm có tiếng, có thể ngân nga như điệu hát, có thể niệm thầm, niệm khi
đi, đứng, nằm, ngồi, lúc làm việc, bất kỳ lúc nào nhớ ra thì niệm Phật,
thời gian đầu dễ bị duyên theo ngoại cảnh, vọng niệm chen vào lúc niệm
Phật, lúc không nhưng hễ nhớ tới thì liền niệm Phật, dần dần sẽ niệm Phật
nhiều hơn. Cho đến một lúc nào đó, ta nhớ ra thì thấy tự mình đã có niệm
liên tục, dường như không ngừng nghĩ đó là : Niệm Hay Không Niệm Vẫn Là
Niệm, nhưng chúng ta phải ghi nhớ rằng khi mình nhớ tới niệm Phật, tự dưng
thấy ta tự động đang niệm Phật, chúng ta phải chú tâm vào niệm tiếp tục,
có như vậy mới đạt được Vô Biệt Niệm.
Vào những giờ nhất định nào đó,
chúng ta ngưng niệm Phật để cầu nguyện :
Con nguyện đem công đức niệm
Phật nầy hồi hướng cho tất cả người thân kể oán, khi hết báo thân nầy cũng
như cửu huyền thất tổ đều được vãng sanh về cõi Tịnh độ.
Sau khi cầu nguyện xong, tiếp
tục niệm Phật.
Sự chuyên trì niệm Phật : Một
là tâm tịnh thì trí huệ sanh, hai là nhứt tâm niệm Phật thì Phật và chư Bồ
Tát mới tiếp độ khi lâm chung và quan trọng nhất là niệm Phật để giữ cho
tâm chẳng tán loạn khi lâm chung mới có thể vãng sanh về cõi Cực Lạc. Niệm
Phật cầu vãng sanh như đã nói phải có Tín , Hạnh, Nguyện. Hạnh ấy cần phải
giữ giới nhất là hành thập thiện nhờ đó ba nghiệp thanh tịnh, sự tinh tấn
hành trì, sẽ trợ duyên cho đạo quả thành tựu cao hơn, ở trong chín phẩm
nơi cõi Cực Lạc.
Ai cũng có thể hành trì pháp
môn niệm Phật, không bị giới hạn trong hoàn cảnh nào, cho nên Niệm Phật là
pháp môn thù thắng cho mọi người con Phật.
( * ) Mười hai loại kinh là :
1) Khế kinh. 2) Trùng tụng. 3) Thọ ký. 4) Phúng tụng. 5) Cô khởi. 6) Nhân
duyên. 7) Thí dụ. 8) Bản sanh. 9) Bản sự. 10) Phương quảng. 11) Vị tằng
hữu và 12) Luận nghị.
Sách tham
khảo :
Liên Du
Kinh Quán Vô Lượng Thọ Quan Âm Tu Viện Biên Hòa ấn tống, Biên Hòa, 1988.
HT. Thích
Trí Thủ Pháp Môn Tịnh Độ THPGTPHCM, Việt Nam, 1996.
PT Khóa Lễ
Cầu Siêu, Nhóm Phật Tử Louisville, Kentucky, 1993.
HT Thích
Thanh Kiểm Lược sử Phật Giáo Trung Quốc, Vạn Hạnh tái bản, Sàigòn, 1965.
Đoàn Trung
Còn Các Tông Phái Đạo Phật nhà xuất bản Thuận Hóa, Việt Nam, 1995.
HT Thích
Thanh Cát Những Bài Học Vô Giá Chùa Giác Minh, California, USA 1998.
---o0o---
Trình bày: Linh Thoại
Cập nhật: 01-12-2003
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục