A/ Phật giáo và văn học Trung Quốc
Phật giáo là một trong ba tôn giáo lớn của thế giới, lịch sử rất lâu dài, hơn 2.500 năm nay.
Phật giáo từ Đông Hán truyền vào Trung Quốc, về sau, suốt hơn một ngàn năm là tín ngưỡng chủ yếu của nhân dân Trung Quốc. Trải qua nhiều đời, các vị cao tăng đại đức hoằng dương, từ vua quan đến nhân dân đều được thấm nhuần pháp nhũ, ăn sâu vào mọi tầng lớp xã hội. Tín ngưỡng Phật giáo đã thâm nhập dân gian “Nhà nhà A Di Đà, hộ hộ Quán Thế Âm”, đã phản ánh một cách trung thực tinh thần Phật giáo đối với nhân gian. Triết lý của Phật giáo cùng với Nho, Đạo kết hợp, cùng dung hội, về sau hội nhập vào trong biển lớn của văn hóa Trung Hoa, làm cho ánh sáng của văn hóa Trung Hoa chiếu rọi rực rỡ.
Nội dung của văn hóa cực kỳ rộng lớn, hạng mục cũng rất nhiều, phàm hết thảy mọi thành tích của loài người từ dã man tiến hóa đến văn minh đều có thể gọi là văn hóa. Nhân đó, tôi chỉ muốn nêu lên một mục “văn học” trong văn hóa ấy, dùng lời của các vị tiền bối như Lương Khải Siêu, Hồ Thích… để thuyết minh sự du nhập của Phật giáo, có ảnh hưởng và cống hiến đối với văn học Trung Quốc.
I- Lương Khải Siêu cho rằng Phật giáo đối với văn học Trung Quốc có năm loại ảnh hưởng :
1- Sự mở rộng thực chất của quốc ngữ : Do phiên dịch sách Phật mà chữ viết của Trung Quốc tăng thêm hơn ba vạn năm ngàn chữ.
2- Sự thay đổi ngữ pháp và văn thể : Cái học khoa phán sớ sao của sách Phật, là tổ chức văn thể phân tích xuất hiện ở Trung Quốc. Mà ngữ lục của Thiền tông chính là một cuộc đại cách mạng của văn học Trung Quốc.
3/ Sự phát triển thú vị của văn học : Văn học đơn thuần của Trung Quốc gần đây, như tiểu thuyết, ca nhạc v.v… đều có quan hệ mật thiết với sự phiên dịch của sách Phật. “Khổng Tước Đông Nam Phi, Mộc Lan Từ v.v…” thuộc loại Trường thiên tự sự thi, đại khái là chịu ảnh hưởng của “Phật Bổn Hành Tán” của Mã Minh do Đàm Vô Sấm thời Đông Tấn dịch. Lại kinh điển Đại thừa, diễn dịch giáo lý rất vi diệu, tăng thêm sức tưởng tượng của người Trung Quốc, cách tân cách viết của người Trung Quốc. Từ Tống Nguyên về sau tiểu thuyết chương hồi chịu ảnh hưởng của kinh điển không ít.
4- Sự truyền nhập của ca vũ kịch : Ca vũ kịch - vở kịch Bát đầu, có sớm nhất của Trung Quốc, kịch này theo người đời nay khảo chứng thì từ nước Bạt Đậu gần Nam Thiên Trúc truyền sang.
5- Phỏng tạo chữ cái : Phật giáo du nhập, Phạn văn cũng theo đến. Các vị cao tăng Trung Quốc phỏng tạo ra chữ cái để ứng dụng, nên mới có “Kiến Khê Quần Nghi” của Thủ Ôn đời Đường chế tác 36 chữ cái.
II- Hồ Thích cho rằng sự du nhập của Phật giáo đối với Trung quốc có ba ảnh hưởng lớn như sau :
1- Các vị Đại sư dịch kinh của Phật giáo dùng văn thể bạch thoại chân chất bình dị để phiên dịch kinh Phật, chỉ cần dễ hiểu, không cần trau chuốt đã tạo thành một loại văn thể bạch thoại phổ thông. Thiền môn trở thành nơi phát nguồn trọng yếu của văn bạch thoại và thi bạch thoại.
2- Văn học Phật giáo rất giàu sức tưởng tượng, đối với văn học Trung Quốc thì lại rất ít sức tưởng tượng, nên đã có tác dụng giải phóng rất lớn. Tác phẩm lãng mạn chủ nghĩa của Trung Quốc, như tiểu thuyết Tây Du Ký… là sản phẩm ảnh hưởng văn học Ấn Độ.
3- Văn học Ấn Độ rất chú trọng bố cục và kết cấu về mặt hình thức. “Phổ Diệu Kinh”, “Phật Sở Hành Tán”, “Phật Bản Hạnh Kinh” v.v… đều là sự tích trường thiên vĩ đại. Loại “Tu Lại Kinh” là tác phẩm theo thể tiểu thuyết, “Duy Ma Cật Kinh”, “Tư Ích Phạn Thiên Sở Vấn Kinh” là tác phẩm nửa tiểu thuyết, nửa hý kịch. Sự du nhập của một số kinh Phật này đối với sự phát đạt sau này của Đàn từ (Hát nói), Bình thoại, tiểu thuyết, hý kịch đều có sự cống hiến trực tiếp hoặc gián tiếp. Lại tản văn và thể văn Kệ của kinh Phật dùng xen lẫn nhau, đối với thể tài văn học sau này của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng hoặc quan hệ.
Chỉ xét về một loại “văn học”, đã có biết bao nhiêu là sách vở có liên quan với Phật giáo. Phật giáo tuyệt không phải là tôn giáo thông thường, dù nhìn ở góc độ nào của cuộc sống, Phật giáo đều có quan hệ mật thiết đối với chúng ta, đặc biệt đối với văn hóa Trung Quốc có sự cống hiến rất to lớn.
B/ Giải thích sơ lược về Đức Phật
1/ Phật là gì ?
Phật là tiếng gọi tắt của “Phật đà”, mà Phật đà là dịch âm của Phạn ngữ Buddha.
2/ Định nghĩa chữ Phật
Muốn định nghĩa chữ Phật không phải là dễ. Nói một cách đơn giản, Phật là “giác giả”, một người đã “giác ngộ”. Nói một cách rõ hơn, Phật là một người đã giác ngộ thấu triệt được đạo lý căn bản của nhân sinh vũ trụ.
Còn có một định nghĩa đơn giản rõ ràng, phổ biến được người ta tiếp thu, Phật là một người tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Nói một cách khác, Phật chính là người đã trải qua sự giác ngộ rồi, còn giúp cho người khác cũng được giác ngộ, đó là công tác tự giác (giác) và giác tha (hạnh), đồng thời cũng là người đã đạt đến cảnh giới viên mãn rốt ráo.
3/ Phật là ai ?
Muốn trả lời vấn đề này, cần phải từ nghĩa rộng và nghĩa hẹp mà xét.
a/ Nghĩa hẹp : Phật là chỉ cho Đức Thích Ca Mâu Ni sinh tại Ấn Độ hơn 2000 năm về trước.
b/ Nghĩa rộng : Đạo Phật chủ trương hết thảy chúng sinh đều có đủ bản tính thành Phật, do đó đều có hy vọng tu hành thành Phật. Cho nên Phật không phải là tên gọi nhất định của Đức Thích Ca Mâu Ni, mà là tên gọi chung của những người giác ngộ trong vũ trụ.
Giống như từ “thầy giáo” không hạn định nơi Khổng Tử tiên sư chí thánh, mà là chỉ chung cho những người “truyền đạo, truyền nghề”.
Sau khi định nghĩa Phật rõ ràng rồi, chúng ta có thể hiểu Phật giáo là tôn giáo y theo ngôn hạnh giáo hóa của Đức Thích Ca Mâu Ni làm trung tâm sáng lập.
Nói một cách đơn giản, “những lời dạy bảo và khai thị của Phật” gọi là Phật giáo.
Hết thảy đạo lý mà Phật giáo giảng dạy chúng ta bình thường gọi là “Phật học”. Phật học bao gồm ba tạng mười hai bộ, tám vạn bốn ngàn pháp môn tu hành. Là một môn học vấn tinh thâm, phong phú.
Phật học và Phật giáo trên thực tế là hai mặt một thể, hai thứ này hỗ tương nhau mà thành. Phật giáo cần phải lấy Phật học làm nội dung, nếu không có Phật học bổ sung thì cũng như tôn giáo thông thường chỉ trọng hình thức và nghi thức. Ngược lại Phật học còn cần đến sự tuyên dương và thực hành của Phật giáo, nếu không Phật học dùng để làm gì ? Không những đối với sinh hoạt của nhân loại không có lợi ích, mà còn không giúp gì cho nhân quần xã hội.
Phật giáo thường lấy “tín, giải, hành, chứng” làm bốn biện pháp tu hành, (“giải” là cần phải nghiên cứu Phật học, “hành” là nỗ lực thực hành). Chủ trương hành giải đều xem trọng, cũng ý là tri hành hợp nhất.
Mối quan hệ hữu quan giữa “Phật học và Phật giáo” xin mời các bạn học hãy xem “Lý luận và thực tiễn của Phật học”, một bản thảo diễn giảng của tôi lúc còn học Đại học, ít nhiều cũng giúp cho các bạn học hiểu được sự trọng yếu của “tri hành hợp nhất”.
Lý luận và thực tiễn của Phật học
Phàm người có đôi chút nghiên cứu đối với Phật học đều phải thừa nhận : Phật học có hệ thống tư tưởng nghiêm cẩn, có phương pháp suy lý tỉ mỉ chu đáo. Tôn Trung Sơn tiên sinh có nói : “Phật học là mẹ của triết học, nghiên cứu Phật học có thể bổ khuyết cho khoa học”. Điều này thuyết minh đầy đủ cơ sở lý luận Phật học là kiến lập ở trên nguyên lý khoa học. Lương Khải Siêu tiên sinh cũng cho rằng : “Phật học là trí tín, chẳng phải là mê tín”. Điều này cũng cùng một kiến giải với Tôn Trung Sơn.
Chúng ta đều biết, tam tạng mười hai bộ Kinh của Phật học, bao quát tám vạn bốn ngàn pháp môn trong ấy, nói có nói không, nói Hiển nói Mật, nói Giáo nói Thiền, không ngoài Chân đế và Tục đế, chính là hai bộ môn lớn của thế gian pháp và xuất thế gian pháp. Từ thành trụ hoại không của tự nhiên giới, nói đến sinh lão bệnh tử của hiện tượng sinh mạng nhân loại. Từ pháp Tiểu thừa “độc thiện kỳ thân”, nói đến pháp Đại thừa “kiêm thiện thiên hạ”. Từ hình hình sắc sắc của thế giới khách quan, nói đến vọng niệm vô minh nội tại tâm linh chúng ta. Về phương diện thời gian thì xuyên suốt quá khứ, hiện tại và vị lai; về phương diện không gian thì tận cùng tam thiên đại thiên thế giới.
Hệ thống lý luận toàn mỹ này, đối với tư tưởng giới xưa nay, có thể nói là độc nhất vô nhị, do đó những bậc trí thức đều nhất trí tán thán. Song người năng hoằng đạo, chứ chẳng phải đạo hoằng người. Công tác hoằng pháp lợi thế không phải dễ dàng, nghiệp nhà Như Lai cũng không phải người thường có thể đảm trách. Ngũ giới Thập thiện của nhân thiên thừa vốn không dễ giữ gìn, Lục độ vạn hạnh của Bồ tát thừa càng không phải dễ tu. Không phải một bước mà có thể lên trời, trong nháy mắt mà có thể công hiệu, phải trải qua tu hành ba đại a tăng kỳ kiếp mới có thể viên chứng thành Phật. Có một số người nghiên cứu Phật học, chỉ chú trọng ở giai đoạn nghiên cứu mà không chịu đi vào thực tiễn, thực chứng, sự thiên lệch này cần phải tu chỉnh lại.
Xem trọng lý luận mà không xem trọng thực tiễn, kết quả là sản sinh ra bao nhiêu tệ nạn. Như lão sư Khưu Nam trong cuốn “Ngôn Hy Ngũ Luân” của ông có nói : “Bi kịch của tri thức là chỉ dừng ở một khía cạnh bác học, mà không quan tâm đến công phu thực hành, việc học như thế sẽ là một khối tri thức băng giá, thiếu ánh sáng và hơi ấm”. Chúng ta nên biết bác học chính là nghiên cứu lý luận, mà thực hành chính là công phu thực tiễn. Nếu chúng ta đối với Phật học chỉ dừng ở chỗ nghiên cứu lý luận về phương diện bác học, mà không quan tâm đến công phu thực hành, thì Phật học sẽ mất đi ý nghĩa và tinh thần của nó, mà trở thành một khối tri thức băng giá.
Xem trọng lý luận, không xem trọng thực hành, đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu đưa đến việc suy vi của Phật giáo Trung Quốc cận đại. Phật học nếu biến thành huyền học chỉ có lý luận thâm áo, mà không ứng dụng vào sinh hoạt nhân loại, há không phải là cất lâu đài ở không trung, khiến cho người ta không biết đâu mà dự đoán thì làm thế nào có thể phát sinh tác dụng chỉ đạo nhân sinh ? Đó chẳng phải là sự bất hạnh của Phật giáo sao ?
Quý vị đều hiểu Phật giáo là tôn giáo xem trọng thực chứng, chú trọng công phu thể nghiệm tự ngã, cái gọi là “như người uống nước, nóng lạnh tự biết”, chính là ý nghĩa này. Đồng thời hết thảy lý luận của Phật học đều dựa theo nhu yếu của việc học Phật mà sản sinh, trái lại “nói ăn mà không ăn” thì không có ích gì. Chúng tôi có thể đưa ra một thí dụ để thuyết minh. Ví như hiện nay chúng ta muốn đến Cao Hùng, lý luận của Phật học giống như một bản đồ, nó chỉ cho chúng ta phương hướng đến Cao Hùng, có thể đi máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, cũng có thể đi bộ hoặc cưỡi ngựa. Phương hướng tuy rất nhiều, tất cả đều có sẵn rồi, song có một sự thật mà chúng ta không thể phủ nhận là : Nếu chúng ta không chịu cất bước đi, nhắm về hướng Cao Hùng mà cứ nói tiến tới thì vĩnh viễn chúng ta không bao giờ tới Cao Hùng được cả.
Nói đi rồi nói lại, Phật học là hợp nhất lý luận và thực tiễn, tương bổ tương thành. Nếu không có lý luận làm cơ sở, thì không thể thu hút được sự tín ngưỡng của quảng đại quần chúng. Cũng thế, Phật học nếu không trải qua công phu thực tiễn, sẽ vĩnh viễn không phát huy được hiệu dụng cứu dân độ thế, cũng không đạt đến mục đích tu hành chứng quả. Do đó hôm nay, chúng tôi muốn đề xuất khẩu hiệu “Lấy thực hành để ấn chứng lý luận, lấy lý luận để chỉ đạo thực hành”, đem lý luận và thực hành hòa tan làm một thể. Vẫn biết phiền não của thế tục là vô tận, chúng ta cần phải hạ quyết tâm diệt trừ nó. Vẫn biết chúng sinh trong biển khổ là vô biên, bao nhiêu người đang rên xiết trong nước sôi lửa bỏng, biết bao người bị đói rét hành hạ khóc than thảm thiết, vì thế chúng ta phải học tập tinh thần lợi tha của đức Quán Thế Âm Bồ tát chèo thuyền từ tầm thinh cứu khổ. Noi theo tâm lớn nguyện lớn của đức Địa Tạng Vương Bồ tát, thay chúng sinh chịu hết thảy khổ “chúng sinh độ tận, mới chứng Bồ đề, địa ngục chưa hết, thề không thành Phật”, dù thịt nát xương tan, nước sôi lửa bỏng cũng không hối tiếc. Chúng ta đã biết Đức Phật là bậc đại trí đại giác Vô thượng Chính đẳng Chính giác, thì không thể sợ khó mà không tiến tới, nhất định phải dũng mãnh tinh tiến, hướng về chân trời chân lý mà tiến tới.
Từ trong sự nghiên cứu lý luận Phật học, chúng ta biết rằng Đại thừa Phật pháp mới là bản ý của Như Lai. Mục đích thực tiễn của chúng ta cũng phải lấy tinh thần Đại thừa làm y cứ, không lấy làm tự mãn nơi Tiểu thừa. Chúng ta không những độc thiện kỳ thân, mà còn phải kiêm thiện thiên hạ. Đem hết nghị lực của chúng ta, quán triệt quyết tâm của chúng ta, nỗ lực làm người bậc nhất trong thế gian, làm sự việc bậc nhất trong vũ trụ. Đó chính là công việc thiêng liêng tự lợi lợi tha, tự độ độ tha, hoằng pháp lợi sinh của người Phật tử.
Sau cùng, tôi mong trách nhiệm “Hoằng dương Phật pháp Đại thừa, phục hưng Phật giáo Trung Quốc” được các vị sư trưởng và các bạn đồng học quan tâm hơn nữa.
Các nhà tâm lý học và tôn giáo học cận đại cho chúng ta biết rằng : Thần là do người sáng tạo ra.
Người ta vì sao lại phải sáng tạo ra thần ? Phân tích một cách đơn giản là :
Đời xưa khoa học chưa tiến bộ, người ta không thể hiểu được đối với đại tự nhiên, họ không thể kháng cự lại với thiên tai động đất của đại tự nhiên, bèn sinh ra lo sợ và cho rằng nhất định có một “thứ” gì đó tạo ra và gọi đó là “Thần”.
Họ thấy chớp xẹt sấm nổ làm tổn thương đến người và súc vật, dẫn đến hỏa tai bèn cho rằng có “Ông Sấm” “Bà Chớp”; thấy hồng thủy trào dâng mặt đất bèn cho là có thần sông.
Căn cứ vào sự khảo cứu của các học giả chuyên gia thì thần mà người ta sùng bái, “bịa đặt ra” rất nhiều, có đến ba ức ba ngàn vạn vị, các bạn thấy có kinh khiếp không ?
Đa số những thần ấy đại biểu cho sự vô tri và lo sợ của loài người đối với đại tự nhiên. Thế nhưng sau này do sự tiến bộ của khoa học, tất cả những hiện tượng của vũ trụ đều được giải thích một cách rõ ràng.
Sau khi đã biết rõ hiện tượng của sấm chớp, sét đánh rồi ai lại còn tin có thần sấm chớp nữa ? Sau khi đã hiểu việc khai thông sông ngòi có thể phòng ngự được hồng thủy, thì thần sông coi như tiêu vong.
Sự tiêu vong của một số thần này đại biểu cho điều gì ? Đó là đại biểu cho sự tỉnh giác của lý trí loài người. Loài người đã vận dụng trí lực của bản thân mình, có thể đấu tranh với đại tự nhiên. Quan niệm “nhân định thắng thiên” đã thâm nhập vào trong tâm của họ. Người ta không còn phải là con cừu non đáng thương hại van xin ơn thần ban bố phước lành nữa.
Thần là do loài người không hiểu rõ vũ trụ nhân sinh nên đã ảo tưởng ra. Khoa học của loài người ngày càng tiến bộ, lý trí của loài người ngày càng sáng suốt, người ta sẽ không còn tin thần nữa.
Bạn biết không ? Thần là trừu tượng, không thể nắm bắt được. Thần trên thực thể vốn không thể cầu được. Bởi vì lúc loài người lấy hình tướng của mình để tạo ra thần thì thần ấy vốn không phải thực thể (cũng không có pháp tạo). Thần mà loài người tạo ra chỉ là thần tâm lý, thần quan niệm mà thôi.
Nguồn: www.quangduc.com