TRUNG TÂM HỌC LIỆU PHẬT GIÁO
 

PHẬT GIÁO TỔNG QUAN 

600 câu hỏi và trả lời liên quan đến giáo lý, hành trì,

sự phát triển của Phật Giáo; đến lịch sử, văn hóa của các nước thọ nhận Phật Giáo;

đến các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị thời đại.

 

 TRẦN QUANG THUẬN

 

---o0o---

 

 

PHẦN IV: PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

1.      Hiện tình Phật Giáo tại Úc và Tân Tây Lan (New Zealand) như thế nào?

-         Tại cách thành phố lớn ở Úc và Tân Tây Lan đều có cơ sở Phật Giáo, điển hình như Viện Phật Học Quán Thế Âm (Chenrezig Institute) tại Queensland, Nhà Như Lai (Bhuddha House) ở Adelaine, Viện Phật Học Dorje ở Auckland, Viện Phật Học Vajrayana ở Sydney, Viện Phật Học Tara, Viện Phật Học De Tong Linh…

-         Trung tâm Chandrakirti ở Nelsondo, Tân Tây Lan, Viện Phật Học Dorje Chang…

-         Phật Giáo Việt Nam tích cực đóng góp vào gia tài hoằng hóa Phật Pháp tại Úc và Tân Tây Lan.

 

2.      Em là một Phật Tử người Việt, nhưng em không rõ lắm về Phật Giáo Việt Nam.  Trước khi nói đến Phật Giáo Việt Nam, có thể cho em biết sơ qua về lịch sử Việt Nam?

-         Để dễ hiểu, chúng ta có thể chia lịch sử Việt Nam thành nhiều thời kỳ: thời kỳ tiền sử, thời kỳ sơ sử độc lập, thời kỳ lệ thuộc Trung Quốc, thời kỳ độc lập, tự chủ và thời kỳ trung cổ, cận đại.

 

3.      Xin cho biết vài nét chính về thời kỳ tiền sử của Việt Nam.

-         Việt Nam thời tiền sử kéo dài cách đây từ năm 300,000 đến năm 2,500. Tại Hang Thẩm Hai và Thẩm Khuyên, nay thuộc huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, các nhà khảo cổ tìm thấy những chiếc răng người vượn cách đây 300,000 năm. Tại hang Thẩm Ôn, tỉnh Nghệ An, người ta khám phá những chiếc răng giữa người vượn và người hiện đại. Tại hang Hùm, xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, người ta khám phá ra những chiếc răng của người hiện đại.

-         Tại Núi Đọ, xã Thiệu Khánh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; tại Quan Yên, Núi Nuông Thanh Hóa; tại Hàng Gòn, Dầu Giây, quận Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai người ta khám phá dụng cụ thời đại đồ đá cũ (Thời đại cổ thạch).

-         Tại hang Kéo Lèng và hang Thung Lang, người ta khám phá ra dụng cụ thời hậu đồ đá cũ. Văn hóa Sơn Vi trải dài từ miền bắc đến bắc trung phần, cách đây 11,000 năm. Văn hóa Hòa Bình kết thúc cách đây 9,000 năm, tiếp theo là văn hóa Bắc Sơn với rìu mài và đồ gốm.

-         Văn hóa Quỳnh Văn, Nghệ An vào thời đồ đá mới cách đây 6,000 năm với những di vật như cưa đá, khoan đá, bàn xoay chế tạo đồ gốm tại Gò Trùng, Cồn Cổ Ngựa, Thanh Hóa.

-         Văn Hóa Phùng Nguyên, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ vào thời đồ đồng cách đây 4,000 năm. Tiếp theo là văn hóa Đồng Đậu, tỉnh Vĩnh Phúc cách đây 3,000 năm; văn hóa Gò Mun tỉnh Phú Thọ cách đây 3,000 năm; văn hóa Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cách đây 2,800 năm.

 

Trong suốt thời gian dài hàng chục nghìn năm, dân Việt nguyên thỉ trên đất Việt sống bằng nghề săn bắn, bắt hải sản, lượm hái, đến trồng trọt, canh nông, sử dụng đồ đá rồi đồ đồng, phần nhiều theo chế độ mẫu hệ.

 

4.      Xin cho biết về thời đại sơ sử, độc lập cổ đại.

-         Việt Nam thời sơ sử, độc lập kép dài từ năm 2,800 tkn đến năm 179 tkn, gồm thời Tiền Văn Lang, thời Văn Lang – Âu Lạc, từ thời văn hóa Đông Sơn (thời đại đồ đồng) mà thường thường gọi là thời đại Hùng Vương.

-         Vào thời kỳ đồ đá, xã hội Việt Nam theo mẫu hệ, được thành hình bằng công xã thị tộc gồm 15 bộ lạc, nhưng vào thời đại đồ đồng, chế độ phụ hệ thay thế mẫu hệ, công xã thị tộc dần dần được thay thế bằng công xã nông thôn.

-         Các nhà nghiên cứu cho trống đồng Đông Sơn là sản phẩm của một nền văn minh có chữ viết. Mặc dầu chưa có những tài liệu khảo cổ chứng minh chữ viết vào thời kỳ này, nhưng có nhiều di vật cho thấy tập quán, tín ngưỡng liên hệ đến nông nghiệp đã lan rộng.

-         Trong 15 bộ lạc ở gian đoạn cuối của thời đại đồ đồng, Văn Lang là bộ lạc mạnh nhất ở tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc ngày nay. Qua quá trình thu phục, nhà nước Văn Lang hình thành, phía bắc giáp hồ Động Đình, phía tây giáp nước Ba Thục, phía đông giáp biển Nam Hải, phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành). Phải chăng vùng đất rộng lớn này là vùng cư trú của nhóm Bách Việt chứ không phải lãnh thổ của nước Văn Lang? Trung tâm chính trị của Văn Lang là Phong Châu, tỉnh Phú Thọ ngày nay.

-         Niên đại của nước Văn Lang có thuyết cho khởi đầu vào năm 2879 tkn và kết thúc năm 258 tkn, từ thời đại đồ đồng Đông Sơn và kết thúc năm 258 tkn hay năm 208 tkn.

 

5.      Nước Văn Lang có phải là nước Việt Nam thời Hùng Vương?

-         Đúng vậy.

-         Nước Văn Lang do 18 đời Hùng Vương cai trị gồm 18 bộ tộc địa phương, mỗi bộ tộc địa phương do Lạc Tướng (Bộ Chúa, Bộ Tướng, Bộ Đạo) quản trị. Khi nhà Hán cai trị nước ta, các bộ đổi thành Huyện, các Lạc Tướng đổi thành Huyện Lệnh.

-         Sau Văn Lang là Âu Lạc do An Dương Vương (Thục Phán) cai trị. Âu Lạc là liên minh giữa Âu Việt hay Tây Âu và Lạc Việt để đối phó trước sự tấn công của quân đội Tần Thủy Hoàng năm 214 tkn. Vua Hùng Vương tỏ ra bất lực, Thục Phán kiên cường chiến đấu từ năm 214 đến năm 208 tkn, giết tướng giặc là Đồ Thư được tôn vinh lên làm vua thay cho Hùng Vương. Thục Phán xưng là An Dương Vương, đặt quốc hiệu là Âu Lạc, năm 208 tkn, thủ phủ đặt tại thành Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

-         Trong đạo quân nam chinh của Tần Thủy Hoàng năm 214 tkn có hai viên tướng là Nhâm Ngạo và Triệu Đà. Sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà năm 210 tkn, chính tình Trung Hoa rối loạn, Triệu Đà năm 206 tkn đánh chiếm Quế Lâm, Tượng Quận, nhập chung với Nam Hải và Hợp Phố lập nước Nam Việt, tự xưng là Nam Việt Võ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Châu, Trung Quốc hiện nay), cắt hẳn mối quan hệ quân thần với nhà Hán năm 183 tkn cho đến năm 111 tkn.

 

 

PHẬT GIÁO THỜI HÙNG VƯƠNG

 

6.      Phật Giáo truyền vào Việt Nam vào thời kỳ nào?

-         Có nhiều ý kiến về niên đại Phật Giáo truyền vào Việt Nam: Theo Trần Văn Giáp trong cuốn Le Boddhisme en Annam, Phật Giáo truyền đến Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ hai. Theo Thượng Tọa Thích Mật Thể trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược Phật Giáo có thể đến Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ nhất sau kỷ nguyên. Theo Nguyễn Lang (Nhất Hạnh) trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển I, Phật Giáo truyền đến Việt Nam khỏang đầu kỷ nguyên Tây Lịch với trung tâm Luy Lâu tọa lạc tại phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được thành hình do các tăng sĩ, thương gia Ấn Độ. Theo Nguyễn Duy Hinh trong  Tư Tưởng Phật Giáo Việt Nam, Phật Giáo đến miền trung Đông Dương vào những thế kỷ đầu sau Công Nguyên. Theo Lê Mạnh Thát, trong cuốn Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập I, Phật Giáo đến Việt Nam vào thế kỷ thứ 3, thứ 2 trước kỷ nguyên.

-         Tất cả đều đồng ý Phật Giáo Việt Nam vào thời kỳ này được chư tăng Ấn Độ trực tiếp truyền thừa.

 

7.      Dựa vào tài liệu nào mà Gs Lê Mạnh Thát cho rằng Phật Giáo đến Việt Nam vào thế kỷ thứ hai, thứ ba trước kỷ nguyên?

-         Dựa vào chuyện Nhất Dạ Trạch trong bộ Lĩnh Nam Trích Quái kể lại việc Chữ Đồng Tử học đạo với nhà sư Phật Quang tại núi Quỳnh Viên tại cửa Sót, thời Hùng Nghị Vương thứ nhất hoặc thứ hai, tức khoảng thế kỷ thứ 2, thứ 3 trước kỷ nguyên.

 

8.      Sư Phật Quang là vị sư đầu tiên tại Việt Nam và Chữ Đồng Tử là người Phật Tử Việt Nam đầu tiên?

-         Đúng vậy. Sư Phật Quang cư trú tại núi Quỳnh Viên tại Cửa Sót và Chữ Đồng Tử là người Phật Tử Việt Nam tên tuổi đầu tiên thọ pháp với Ngài Phật Quang, người Thiên Trúc (Ấn Độ).

 

9.      Núi Quỳnh Viên tại Cửa Sót phải chăng là địa điểm Phật Giáo đầu tiên? Núi Quỳnh Viên và Cửa Sót tọa lạc tại đâu?

-         Đúng vậy. Sư Phật Quang cư trú tại núi Quỳnh Viên.

-         Núi Quỳnh Viên và Cửa Sót có lẽ nằm tại tỉnh Nghệ An. Cửa Sót thời Hùng Vương có lẽ là địa đầu miền nam của nước Việt Nam giáp ranh giới vương quốc Chiêm Thành.

 

10.  Ngoài ra còn có tài liệu gì nói về niên đại Phật Giáo truyền vào Việt Nam trước kỷ nguyên?

-         Thiền sư Chân Nguyên (1647-1728) trong Thiên Nam Ngữ Lục đề cập đến chùa Trúc Viên, thời Lữ Gia, tức khoảng 110 năm trước kỷ nguyên, tại Núi Thấy (Sài Sơn) ở Sơn Tây.

-         Trong số tướng tá của Hai Bà Trưng, sau khi bị Mã Viện đánh bại (năm 43), một số đã mai danh ẩn tích trong chùa, trong đó có Bát Nàn Phu Nhân xuất gia, vị ni cô nổi tiếng đầu tiên của Việt Nam. Nếu đã có chùa để tu, Phật Giáo hiển nhiên đã đến Việt Nam trước năm 43.

-         Trong Giao Châu Ký của Lưu Hân Kỳ có nói đến thành Nê Lê ở phía đông nam huyện Định An, cách sông 7 dặm, tháp và giảng đường do vua A Dục dựng vẫn còn: Thành Nê Lê có nghĩa là thành bùn đen, ở vùng Đồ Sơn, Hải Phòng. Nên nhớ vào thời vua A Dục, thế kỷ thứ 3 trước kỷ nguyên, đại sư Moggalitutta, dưới sự bảo trợ của vua A Dục, gửi 9 phái đoàn Phật Giáo ra nước ngoài hoằng pháp, trong đó có phái đoàn (phái đoàn thứ 8) do đại sư Sona và Uttara lãnh đạo đến vùng Kim Địa (Suvannabhùmi) Đông Nam Á. Phải chăng Phật Giáo đã truyền đến Việt Nam vào thế kỷ thứ 3 trước kỷ nguyên do phái đoàn Sona và Uttara?

-         Tại vùng Tam Đảo có ba ngọn núi cao gọi là Thạch Bàn, Phù Nghĩa và Thiên Kỳ, dưới chân núi Thạch Bàn, tại làng Sơn Định, có ngôi chùa Tây Thiên, tương truyền liên hệ với vua Hùng. Chùa Tây Thiên có tên nôm là chùa Địa Ngục, như vậy có liên hệ với thành Nê Lê (Naraka: Địa Ngục) chăng?

 

11.  Kinh sách gì lưu hành tại Việt Nam thời bấy giờ?

-         Lục Độ Tập Kinh, Cựu Tạp Thí Dụ Kinh, Tạp Thí Dụ Kinh, Lục Độ Tập Kinh là kinh văn đầu tiên và xưa nhất của Việt Nam, ngoài bài Việt Ca, được ngài Khương Tăng Hội dịch từ chữ Việt ra chữ Hán vào thời Tam Quốc, gồm 91 truyện trong đó có truyện (truyện 23, quyển 3) về truyền thuyết Trăm Con Trong Bọc Trứng (Trăm Trứng: Noãn Bách Mai), xây dựng thành trì văn hóa chống lại chính sách diệt chủng, đồng hóa của nhà Hán. Trong 91 truyện ít nhất là 7 truyện lưu hành vào thời Hùng Vương. Một số truyện khác xuất hiện sau thời Hai Bà Trưng. Cựu Tạp Thí Dụ Kinh gồm 61 truyện, cũng do ngài Khương Tăng Hội dịch từ chữ Việt ra chữ Hán, đề cao vai trò giới luật, khai triển cách hành xử của từng cá nhân và trong tập thể xã hội, áp dụng năm giới mười lành (Ngũ Giới, Thập Thiện) làm quốc chính, biến hệ thống giới luật Phật Giáo, hành trì Phật đạo thành hệ thống pháp luật quốc gia, thể hiện một thái độ chính trị đối đầu với hệ thống luật pháp Trung Quốc đã được Mã Viện áp dụng sau khi đánh bại Hai Bà Trưng năm 43 sau kỷ nguyên. Tạp Thí Dụ Kinh cũng gọi là Bồ Tát Độ Nhân Kinh, gồm 2 quyển, 32 truyện, nguyên bản tiếng Việt đã mất chỉ còn dịch bản Trung Hoa do một người Việt (không để tên) dịch.

 

 

PHẬT GIÁO THỜI BẮC THUỘC

 

12.  Trong thời kỳ Bắc thuộc từ năm 111 trước Công Nguyên đến 905, tình hình chính trị và Phật Giáo như thế nào?

-         Việt Nam dưới quyền cai trị của Trung Quốc trải qua nhiều thời đại: Thời Tiền Hán hay Tây Hán do Lưu Bang (Hán Cao Tổ) thành lập năm 206 tkn cho đến năm 8, đô hộ nước ta 119 năm. Nhà Tiền Hán áp dụng chính sách đồng bằng hóa bằng cách đưa di dân Trung Hoa đến định cư ở nước ta, thiết lập đội ngũ quý tộc Âu Lạc thân Hán. Nho và Lão giáo được truyền đến Việt Nam vào thời kỳ này.

-         Phật Giáo trước đây được các thương gia và chư tăng Ấn Độ trực tiếp truyền vào với sự hiện diện của sư Phật Quang, bổn sư của Chữ Đồng Tử, nỗ lực duy trì bản tính dân tộc: Hạnh nguyện Bồ Tát trong truyện số 68 của Lục Độ Tập Kinh được khai triển: “Bồ Tát thấy dân kêu ca, đành gạt lệ, xông mình vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi cảnh lầm than.” Trên bình diện văn hóa, Phật Giáo Việt Nam không để cho văn hóa Hán Nho ngự trị, đồng hóa. Truyện 49 trong Lục Độ Tập Kinh nhận định về quan điểm nhân đức của hàng Nho sĩ: “Tôi ở đời lâu năm, tuy thấy Nho Sĩ chứa đức làm lành, hà có bằng được để tử của Phật quên mình, cứu người, âm thầm không phô trương tên tuổi.” Phê bình quan điểm hiếu để của Hán Nho không hủy hoại râu tóc cha mẹ sinh ra, làm rạng danh tổ tiên, giữ gìn huyết thống, Lục Độ Tập Kinh, truyện thứ 3 viết: “Ta muốn cái đạo vô dục. Đem đạo truyền cho thần, đem đạo trao cho thánh, thần thánh truyền nhau giáo hóa, rộng lớn không bao giờ hủy hoại, đó mới là thừa tự tốt. Bây giờ các ngươi ngăn nguồn đạo, chặt gốc đức, phải chăng đó mới là vô hậu.” Muốn giữ nước phải thương dân, lấy nhân trị quốc. Truyện 70 trong Lục Độ Tập Kinh viết: “Theo trời làm điều nhân, không hại nhân mạng, không tham lam làm khổ dân, kính người già như cha mẹ, thương dân như con, cẩn thận thực hành giới răn của Phật, giữ đạo cho đến chết.”

-         Muốn tồn tại phải đùm bọc lẫn nhau, trên dưới một lòng, trong ngoài một chí. Truyện 23 trong Lục Độ Tập Kinh khai triển tinh thần Trăm Con Trong Bọc Trứng. Con trai, con gái, ở vùng sơn cước hay nơi duyên hải đều cùng một bọc trứng mà ra, phải yêu thương nhau, đùm bọc lẫn nhau trước hiểm họa đồng hóa của chính sách nhà Hán. Nói tóm lại, Phật Giáo vào thời Tiền Hán ngoài sứ mệnh hướng dẫn đời sống tâm linh, còn lãnh đạo dân chúng duy trì ý chí tự lập, tự cường, chuẩn bị cho một tương lai sáng lạn hơn.

 

13.  Sau thời Tiền Hán nước ta bị triều đại Trung Hoa nào cai trị?

-         Nước ta dưới sự đô hộ của nhà Tấn do Vương Mãng cướp ngôi thành lập, từ năm 8 đến năm 25, rồi dưới quyền nhà Hậu Hán hay Đông Hán do Lưu Vũ (Hán Quang Võ) lập ra, đô hộ nước ta 195 năm.

 

14.  Vào thời kỳ này chính tình Việt Nam và Phật Giáo như thế nào?

-         Vào thời kỳ này tại Việt Nam có hai cuộc chính biến quan trọng, đó là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40, dành độc lập, trị vì được 4 năm (từ năm 40 đến 43) sau bị quân Mã Viện của Hán Quang Võ đến xâm chiến, Hai Bà Trưng tử trận, một trong các nữ tướng, Bát Nàn phu nhân vào chùa tu.

-         Vào hậu bán thế kỷ thứ 2, chư tăng ngoại quốc tiếp tục đến Việt Nam hoằng pháp, trong đó có ngài Khâu Đà La (Kaudra) từ tây Thiên Trúc đến Giao Châu năm 189. Trong số Phật tử nổi danh bấy giờ là Tu Đinh và Man Nương.

-         Man Nương người Mèn sau trở thành Phật Mẫu, được thờ tại chùa Phúc Nghiêm, làng Mân Xá, huyện Siêu Loại gần thành Luy Lâu.

-         Nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nữa bùng nổ, trong đó có cuộc khởi nghĩa của người Chàm, thành lập vương quốc Chàm năm 192.

 

15.  Xin khai triển them về đặc tính Phật Giáo Việt Nam thời Hậu Hán.

-         Ngoài vận động văn hóa chống chính sách đồng hóa, ngoài thần thoại Trăm Con Trong Bọc Trứng đùm bọc nhau để sống, để tồn tại, Phật Giáo vận dụng khả năng bản địa hóa giáo lý, bản địa hóa tự viện, thần tượng, khiến cho đức Phật lịch sử Ấn Độ trở thành đức Phật Việt Nam, gần gũi hơn, biến Thần Mây, Thần Mưa, Thần Sấm, Thần Sét thành Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi và Phật Pháp Điện, na ná như mô hình hoằng pháp của Đại sư Padmasambhava ở Tây Tạng, biến thổ thần Tây Tạng thành Phật Tây Tạng, thành thần hộ pháp.

-         Trong bốn vị Phật này, qua lịch sử chỉ có Phật Pháp Vân còn được tôn thờ cho đến ngày nay, vì Pháp Vân là chủ yếu, không có mây thì không có mưa, không có sấm, không có sét. Ngôi chùa thờ Phật Pháp Vân này vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng, chứng kiến sự ra đời của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi được đệ tử là ngài Pháp Hiển khai triển vào thế kỷ thứ 6, nên cũng gọi là dòng thiền Pháp Vân.

 

16.  Sau thời Hậu Hán, Việt Nam dưới ách thống trị Trung Hoa vào triều đại nào? Tình hình chính trị và Phật Giáo thời kỳ này như thế nào?

-         Dưới thời Đông Ngô 60 năm từ năm 220 đến năm 280. Trong giai đoạn này Bà Triệu khởi nghĩa tại núi Tùng, Thanh Hóa, năm 248, Lã Hưng khởi nghĩa năm 262.

-         Tình hình chính trị Việt Nam sau cái chết của Sĩ Nhiếp năm 226 có những biến động sâu xa. Tôn Quyền sau khi chiếm cứ miền nam Trung Quốc (thời Tam Quốc), để tranh hùng với Tào Tháo và Lưu Bị, nhân cái chết của Sĩ Nhiếp muốn thôn tính đất Việt, tiếp tục ách thống trị của Trung Quốc tại Việt Nam, Bà Triệu (248-257) đã tử trận chống lại quân Ngô xâm lăng năm 257.

-         Phật Giáo sau quá trình bản địa hóa giáo lý, tư tưởng, Phật điện, Phật tượng với sự ra đời của Lục Độ Tập Kinh, Cựu Tạp Thí Dụ Kinh, Thí Dụ Kinh và các vị Phật Việt Nam như Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, là sự xuất hiện của Mâu Bác với tác phẩm Lý Hoặc Luận vào khoảng năm 198. Mâu Bác sinh năm 160, có tên là Dung, tự Tử Bác, người Thương Ngô, đến cư trú tại Việt Nam, viết Lý Hoặc Luận khoảng năm 198 và qua đời năm 230.

-         Lý Hoặc Luận gồm có 37 điều giải thích Phật lý, khai triển tinh thần bình đẳng, bình đẳng giữa người và người, giữa quốc gia này với quốc gia khác, khai triển tinh thần bao dung, không cực đoan, nêu rõ tinh thần hạn cuộc, cục bộ sai lầm của Khổng, Lão, cổ võ tinh thần độc lập văn hóa với chủ trương: “Thi Thư chưa hẳn là lời thánh hiền”, ” Đất Hán chưa chắc là trung tâm của trời đất”.

 

17.  Sau Mâu Tử có những nhân vật Phật Giáo thượng thặng nào?

-         Ngài Khương Tăng Hội, tổ tiên người Khương Cư (Sogdian), mấy đời ở Thiên Trúc, phụ thân là một thương gia, đến Giao Chỉ làm ăn buôn bán. Năm 10 tuổi song thân đều mất, Khương Tăng Hội xuất gia tu Phật. Sau khi đã thọ Cụ Túc Giới, học đạo tinh thông, năm 247 Khương Tăng Hội đến Kiến Nghiệp, thời Ngô Tôn Quyền, ở chùa Kiến Sơ, dịch kinh A Nan Niệm, kinh Diện Nương, Sát Vi Vương, Phạm Hoàng, kinh Tiểu Phẩm, dịch Lục Độ Tập Kinh năm 251 và Cựu Tạp Thí Dụ Kinh từ tiếng Việt ra tiếng Trung Hoa, chú thích và viết lời Tựa cho 3 bộ kinh An Ban Thủ Ý, Pháp Kinh và Đạo Thọ v.v…, sáng tác Nê Hoàn Bối, tập nhạc nổi danh lúc bấy giờ. Năm 280 ngài viên tịch, đó là năm Thái Khương thứ nhất nhà Tấn.

-         Khương Tăng Hội sinh đẻ tại Việt Nam, trưởng thành tại Việt Nam, yêu thương nước Việt, khai triển tinh thần Trăm Con Trong Bọc Trứng, một truyện trong Lục Độ Tập Kinh.

-         Khương Tăng Hội hấp thụ nền giáo dục Phật Giáo Việt Nam, ngoài Tam Tạng kinh điển, còn học sáu kinh của Khổng Giáo, thiên văn, đồ vĩ, xu cơ (khoa luận lý), văn hàn (viết văn).

-         Nền giáo dục Phật Giáo thời bấy giờ không những chỉ đào tạo tăng sĩ trong nhiệm vụ hoằng pháp mà còn cung cấp kiến thức văn minh thời đại, ngay cả âm nhạc, khác hẳn nền giáo dục nô dịch Trung Quốc lúc bấy giờ.

-         Lễ nhạc Phật Giáo Việt Nam bắt đầu vào thế kỷ thứ 2, hay ít nhất bắt đầu với Nê Hoàn Bối của Khương Tăng Hội.

-         Nhà sư kiêm dịch giả Việt Nam đầu tiên xuất hiện, đó là ngài Đạo Thanh hay Đạo Hinh, cộng tác với ngài Chi Lương Cương Tiếp (Kakyànasìva), người Nhục Chi (Scythian) năm 256 dịch bộ Pháp Hoa Tam Muội Kinh (thất truyền) từ chữ Phạn ra chữ Hán. Đạo Thanh vào khoảng năm 220, có thể thọ giáo với Khương Tăng Hội, Trần Huệ, Văn Nghiệp (Bì Nghiệp) và Hàn Lâm, có thể học chữ Phạn với Khâu Đà La (Kaudra) người tây Thiên Trúc. Đạo Thanh có thể sống những năm cuối cùng của đời mình vào giai đoạn đất nước đang bị giành giật giữa những thế lực cát cứ của Trung Quốc, tức khoảng năm 270-300.

 

18.  Sau Đông Ngô, Việt Nam bị triều đại Trung Hoa nào cai trị?

-         Sau Đông Ngô Việt Nam dưới ách thống trị của nhà Tấn gồm Tây Tấn và Đông Tấn, kéo dài 140 năm, từ năm 280 đến năm 420. Vào thời kỳ này vào năm 299 một cuộc chính biến do Triệu Chi cầm đầu đã nổ ra tại Cửu Chân và cuộc khởi nghĩa do Lý Dịch và Lý Thoát cầm đầu.

-         Vào khoảng năm 300 Ma Ha Kỳ Vực (Mahàjivaka) người Thiên Trúc đến Trung Quốc rồi đến Giao Châu hoằng đạo, ở chùa Pháp Vân.

-         Sau Khâu Đà La là Vu Pháp Lan và Vu Đạo Thúy từ Trung Quốc đến Việt Nam trên đường đi Thiên Trúc.

 

19.  Mẫu người lý tưởng của Phật Giáo thời Hùng Vương thế kỷ thứ hai, thứ ba trước kỷ nguyên cho đến thời Mâu Tử, thế kỷ thứ hai sau kỷ nguyên là gì?  Là A La Hán Bồ Tát, Phật?

-         Là vị A La Hán-Bồ Tát: “Lòng sạch, chứng đắc tứ thiền, theo ý tự do, nhẹ nhàng bay nhảy, đạp nước mà đi, phân thân tán thể, biến hóa muôn hình, ra vào không hở, còn mất tự do, rờ mó trời trăng, chấn động đất trời, trông suốt nghe khắp, thấy nghe trọn vẹn, lòng sạch thấy sang, được nhất thiết trí.”

 

20.  Trong bối cảnh lịch sử và văn hóa ấy, Mâu Tử định nghĩa Phật như thế nào?

-         Mâu Tử trong Lý Hoặc Luận, điều 2, viết: “Phật là nguyên tố của đạo đức, là đầu mối của thần minh. Phật có nghĩa là Giác, biến hóa nhanh chóng, phân thân tận thế, hoặc còn, hoặc mất, nhỏ được, lớn được, tròn được, vuông được, già được, trẻ được, ẩn được, hiện được, đạp lửa không phỏng, đi trên dao không đau, ở dơ không bẩn, gặp họa không mắc, muốn bay thì bay, ngồi thì lóe sáng, nên gọi là Phật.”

-         Mẫu người lý tưởng, định nghĩa về Phật, Ma Ha Kỳ Vực thi thố thần thông, cho ta thấy xu hướng Phật Giáo quyền năng thịnh hành vào thời ấy.

 

21.  Sau nhà Tấn, nước Việt Nam dưới ách thống trị của triều đại Trung Hoa nào?  Tình hình chính trị và Phật Giáo vào thời điểm này ra làm sao?

-         Từ năm 420 Trung Quốc chia thành hai miền Nam Bắc, sử gọi là thời Nam Bắc Triều. Nam Triều thay nhà Tấn cai trị nước ta 122 năm, từ năm 420 đến năm 542.

-         Năm 542 Lý Bí (Lý Bôn) khởi nghĩa thành công, lên ngôi năm 544, xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, kinh đô tại Hà Nội, xây dựng chùa Khai Quốc. Nước Vạn Xuân độc lập từ năm 542 đến năm 602.

-         Vào thế kỷ thứ 5, Phật Giáo Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng, thể hiện qua 6 bức thư trao đổi giữa Lý Miễu, quân vương Giao Chỉ với đại sư Đạo Cao và Pháp Minh vào khoảng năm 453. Nho giáo bành trướng tại Việt Nam, cảnh bút chiến giữa Nho Phật bùng nổ. Cuốn Quân Thiện Luận hay Bạch Hắc Luận của nhà sư Huệ Lâm, người Hán mà Hà Thượng Chi trong lá thư viết cho Tống Văn Đế năm 435 nói Huệ Lâm mặc áo thầy tu mà hủy báng giáo pháp Phật, được vua Tống Văn Đế kính trọng và hỏi bàn việc nước, quyển Minh Phật Luận của Thái tử Trung Xa Nhân Tôn Bính biện minh, làm sáng tỏ giáo lý Phật.

-         Trong thời điểm này Vương Diệm, một nhân sĩ Trung Hoa, đã đến Việt Nam xuất gia theo ngài Pháp Hiền. Vương Diệm, tác giả cuốn Minh Tường Ký xác định niềm tin Phật Giáo quyền năng Việt Nam. Phật Giáo vào thời điểm này phải đương đầu với xu thế văn hoá thời đại: văn hóa cai trị Trung Hoa.

-         Năm 580 ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci), đệ tử của đệ tam tổ Tăng Xán, người Ấn Độ đến Trung Quốc rồi đến Việt Nam hoằng hóa, cư trú tại chùa Pháp Vân, dịch bộ kinh Tổng Trì, thành lập thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, truyền tâm pháp cho ngài Pháp Hiền, viên tịch năm 594. Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền được 19 đời, từ năm 580 đến năm 1216, đời Y Sơn Thiền Sư.

 

22.  Ở trên có đề cập đến lãnh vực âm nhạc Phật Giáo Việt Nam xuất hiện vào thế kỷ thứ hai hay thứ ba. Mỹ nghệ Phật Giáo được phát tirển như thế nào?

-         Trên lãnh vực mỹ nghệ, mỹ thuật Gandhàra chưa thấy phổ cập tại Việt Nam. Nghệ thuật Tiên Sơn vào tiền bán thế kỷ thứ 5, đức Phật chưa được nhân cách hóa mà được tượng trưng bằng cánh hoa sen đặt giữa lá cây bồ đề, vì đức Phật không phải là người, không thể đem hình tượng người tượng trưng cho Phật. Nghệ thuật này rất phổ cập tại các nước Phật Giáo trước khi nghệ thuật Gandhàra thịnh hành.

-         Về âm nhạc, lễ nhạc Phật Giáo Việt Nam bắt đầu với Nê Hoàn Bối của Khương Tăng Hội, đến thế kỷ thứ 5 đã phát triển thành ca hát, ngâm vịnh, đọc tụng, tán bối, văn tế, trường ca. Bối hay Tán Bối là đem vận mà phổ vào đồ ống, đồ dây. Dân ta ưa đánh trống, thổi kèn. Nhạc cụ của nền nghệ thuật Tiện Sơn về trống có trống cơm, trống đồng, trống da; về đàn có hồ cầm, kim, tỳ bà, đàn nguyệt, ngoài ra còn có chuông, mõ, khánh.

 

23.  Sau thời gian độc lập 60 năm, Việt Nam lại bị Trung Quốc tái xâm chiếm, dưới ách thống trị của triều đại Trung Hoa nào?  Chính tình và tình hình Phật Giáo Việt Nam vào thời điểm này ra làm sao?

-         Sau nước Vạn Xuân độc lập, nhà Tùy đến xâm chiếm, đặt nền đô hộ nước ta 16 năm từ năm 602 đến năm 618, tiếp theo là nhà Đường cai trị nước ta 287 năm, từ năm 618 đến năm 905.

-         Trong thời điểm này, năm 722 Mai Thúc Loan (sử nhà Đường chép là Mai Huyền Thành) phất cờ khởi nghĩa, lập căn cứ địa dọc theo bờ sông Lam, Nghệ An, xây thành Vạn An, được làm hoàng đế gọi là Mai Hắc Đế. Mai Thúc Loan sinh tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc huyện Nam đàn, tỉnh Nghệ An), người tóc quăn, da đen, nên gọi là Mai Hắc Đế, sau bị quân nhà Đường, do Dương Tư Húc chỉ huy đánh dẹp.

-         Vào khoảng năm 766-769, Phùng Hưng và em là Phùng Hải nổi dậy giành độc lập. Năm 791 con của Phùng Hưng là Phùng An đầu hàng Triệu Xương, tướng nhà Đường.

-         Dương Thanh cùng em là Dương Chí Liệt đứng lên khởi nghĩa, đến năm 820 nghĩa quân của Dương Thanh bị tiêu diệt.

-         Dưới nhà Đường có 3 phái đoàn Phật Giáo từ Trung Quốc đến Việt Nam hoằng hóa. Đoàn thứ nhất do 3 vị sư người Trung Hoa là Minh Viễn, Huệ Mạnh và Vô Hành. Đoàn thứ hai gồm 2 vị sư người Trung Hoa và một vị sư người Trung Á là Đàm Nhuận, Trí Hoằng và Tăng Già Bạt Ma (Sanghavarma), người Khương Cư. Đoàn thứ ba gồm 6 vị sư Việt Nam, 4 vị gốc Giao Châu (Hà Nội, Nam Định) là Vân Kỳ, Mộc Xoa Đề Bà, Khuy Sung tên chữ Phạn là Citradeva, Huệ Diệm; 2 vị người Ái Châu (Thanh Hóa) là Trí Hành, tên chữ Phạn Bát Nhã Đề Bà (Prajnadeva) và Đại Thặng Đăng, tên chữ Phạn là Ma Ha Già Na Bát Địa Dĩ Ba (Mahayàna Pradipa). Những vị sư Việt Nam đều biết tiếng Phạn, đều đã đi Thiên Trúc, Tích Lan học đạo.

-         Cũng trong thời gian này có những nhà sư Việt Nam như Nhật Nam Tăng, Vô Ngại Thượng Nhân, Phụng Đình, Duy Giám, đến Trung Quốc hoằng đạo, được vua Đường mời vào cung giảng kinh.

-         Vào thời Đường Đức Tông (780-836) ngài Vô Ngôn Thông quê ở Quảng Châu đến Giang Tây học đạo với ngài Bách Trượng, năm 820 đến Việt Nam ở chùa Kiến Sơn, Bắc ninh, suốt ngày xây mặt vào vách tu thiền, nhiếp độ Cảm Thành thiền sư, lập phái thiền thứ hai tại Việt Nam gọi là phái thiền Vô Ngôn thông, viên tịch năm 826. Dòng Vô Ngôn Thông truyền được 15 đời, đến đời cư sĩ Ứng Thuận là vị cuối cùng (1221)

 

PHẬT GIÁO THỜI ĐỘC LẬP

 

24.  Từ năm 905 đến năm 1009 là thời kỳ thiết lập kỷ nguyên độcd lập, tự chủ của Việt Nam.  Xin cho biết sơ qua chính tình Trung Hoa, Việt Nam vào thời kỳ ấy.

-         Từ cuối thế kỷ thứ 9 trở đi, triều đại nhà Đường bắt đầu tan rã, hoạn quan hoành hành, kinh tế kiệt quệ, dân tình đói khổ. Trung Quốc bước vào thời loạn lạc, đó là thời Ngũ Đại Thập Quốc (Năm Đời Mười Nước). Khúc Thừa Dụ lợi dụng cơ hội này hành xử quyền bính có tính cách độc lập, được Đường Ái Tông (904-907) phong làm Đông Bình Chương Sự năm 906. Sauk hi Khúc Thừa Dụ qua đời con là Khúc Hạo lên thay cha làm Tiết Độ Sứ năm 907. Năm 917, Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Từ năm 930 đến năm 938 quân Nam Hán (Trung Hoa) tấn công Việt Nam hai lần, lần thứ nhất năm 931 bị Dương Đình Nghệ đánh bại, lần thứ hai năm 939 bị Ngô Quyền trong trận Bạch Đằng nổi tiếng đánh bại. Ngô Quyền lên ngôi vua (938) đóng đô tại thành Cổ Loa. Sau khi Ngô Quyền qua đời năm 944, loạn Mười Hai Sứ Quân xảy ra, Đinh Bộ Lĩnh có công bình định, năm 968 được tôn lên ngôi vua tức là Đinh Tiên Hoàng (Hoàng Đế đầu tiên họ Đinh), đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.

-         Mối quan hệ giữa Đại Cồ Việt và nhà Tống Trung Hoa tương đối tốt đẹp.

-         Chẳng bao lâu Đinh Tiên Hoàng say mê hưởng lạc, xung đột cung đình nổi dậy, con cái tranh dành ngôi thứ, quân Chiêm Thành, nhân cơ hội này xuất chiến thuyền định tấn công Đại Cồ Việt nhưng bị bão lớn làm đắm thuyền.

-         Sau khi Đinh Tiên Hoàng qua đời năm 980, quân Tống chia làm hai ngả tấn công Đại Cồ Việt. Trước nguy cơ có thể mất nước, mùa thu năm 980 Thái Hậu Dương Vân Nga trao long cổn cho tướng Lê Hoàn, tôn làm vua (Lê Đại Hành). Năm 981 Lê Hoàn đánh tan quân Tống xâm lược. Nhà Lê do vua Lê Hoàn xây dựng, vẫn đóng đô tại Hoa Lư. Năm 982 Lê Hoàn cho quân đánh Chiêm Thành, vua Chiêm bị giết.

-         Sau khi Lê Hoàn qua đời năm 1005, các con chém giết nhau tranh dành ngôi vị. Lê Long Tích bị giết tại Thạnh Hà (Hà Tĩnh), Lê Long Kính bị giết ở Phù Lan (Hưng Yên), Lê Long Việt (Lê Long Tôn) lên ngôi được 3 ngày cũng bị giết. Cuối cùng Lê Long Đỉnh, kẻ tàn ác nhất lên cầm quyền cuối năm 1005.

 

25.  Xin cho biết tình hình Phật Giáo Việt Nam vào kỷ nguyên xây dựng độc lập, tự chủ.

-         Dưới thời Đinh Tiên Hoàng Phật Giáo được xem là quốc giáo, địa vị các nhà sư trong xã hội được đề cao, cấp bậc tăng lữ do triều đình qui định. Ngài Ngô Chân Lưu được mời làm Tăng Thống, được phong hiệu là Khuông Việt Đại Sư (Đại sư khuông phò nước Việt) tham dự triều chính với uy quyền của một Tể Tướng.

-         Chư Tăng được triều đình cấp ruộng đất. Tam Giáo sống hài hòa.

-         Lê Long Đỉnh khinh mạn chư tăng, triều thần, đam mê tửu sắc, thường nằm trên giường, kể cả khi thiết triều, nên sử gọi là Lê Ngọa Triều. Khi Lê Long Đỉnh mất năm 1009, đại diện cho chư tăng là sư Vạn Hạnh, đại diện cho quan lại là Đào Cam Mộc, đồng lòng tôn Lý Công Uẩn lên ngôi.

-         Chư tăng là hàng trí thức đông đảo nhất trong xã hội, ngoài Khuông Việt Thái Sư, còn có Pháp Thuận Thiền Sư, nhà ngoại giao nổi tiếng, Vạn Hạnh Thiền Sư, uy tín bậc nhất của Giáo Hội Tăng Già thời bấy giờ.

 

26.  Theo sử sách, thời Lý, Trần là thời đại hoàng kim của Phật Giáo.  Xin cho biết sơ qua về tình hình chính trị vào thời kỳ này.

-         Đời nhà Lý có 8 ông vua: Lý Thái Tổ (1010-1028), Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1127), Lý Thần Tông (1128-1138), Lý Anh Tông (1138-1175), Lý Cao Tông (1176-1210), Lý Huệ Tông (1211-1225).

-         Sau khi Lý Công Uẩn, con nuôi của nhà sư Lý Khánh Vân chùa Cổ Pháp, thọ giới với ngài Vạn Hạnh làm quan Tả Thân Vệ Điện Tiền đời Lê, được Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc suy cử làm hoàng đế, hiệu Lý Thái Tổ. Khi lên ngôi, Lý Thái Tổ thi hành một số biện pháp cấp bách để đối phó với tình trạng kinh tế, xã hội thời Lê Ngọa Triều: Vua ra lệnh xóa nợ thuế cũ cho những người mồ côi, góa bụa, già yếu, tàn tật; miễn thuế 3 năm cho dân; hủy bỏ chài lưới, cung nỏ; bãi bỏ ngục tụng, dân được trực tiếp khiếu nại oan ức với triều đình; đại xá cho kẻ tù tội, giúp họ quần áo, tiền bạc, thuốc men để họ có thể trở về quê quán; dời đô về Thăng Long (Hà Nội); củng cố lực lượng quân sự; thi hành chính sách đại đoàn kết dân tộc, phủ dụ dân tộc thiểu số.

-         Vào đời Lý một số biện pháp khác được thực hiện: cải cách ruộng đất, phát triển tiểu công nghệ, xây dựng Văn Miếu (1070), tổ chức thi cử để chọn người tài giúp nước (1075), phát triển nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, củng cố và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết, xây dựng chùa tháp.

-         Thành công phá hủy căn cứ quân sự tại Châu Ưng, Châu Khâm, Châu Liêm do vua Tống thiết lập, chuẩn bị tấn công Đại Việt. Xây dựng chiến tuyến sông Cầu. Dưới sự chỉ huy của hoàng đế Lý Thánh Tông và đại tướng Lý Thường Kiệt, nhằm mục đích tự vệ (vì nhà Tống liên kết với Chiêm Thành tấn công Việt Nam hai mặt, phía bắc do quân Tống, phía nam quân Chiêm Thành), quân Đại Việt tấn công kinh đô Chiêm Thành là Thành Phật Thệ (Bình Định). Năm 1069, dưới quyền chỉ huy của Lý Thường Kiệt, động viên tinh thần binh sĩ bằng bài Nam Quốc Sơn Hà, như bản tuyên ngôn độc lập, quân ta tiêu diệt đạo quân Tống xâm lăng năm 1076-1077.

-         Sau chiến thắng, nhà Lý đã khôn ngoan vận dụng ngoại giao nối giây liên hữu giữa hai quốc gia Trung - Việt.

 

27.  Xin cho biết tình hình Phật Giáo dưới thời nhà Lý.

-         Phật Giáo thời nhà Lý có thể nói là hưng thịnh nhất trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, với những bậc cao tăng như Vạn Hạnh, Đa Bảo, Cửu Chi, Bảo Tánh, Minh Tâm, Huệ Sinh, Định Hương, Thiền Lão, Khô Đầu, Viên Chiếu, Ngộ Ấn, Minh Không, Ni sư Diệu Nhân, Bảo Giám, Thông Biện, v.v…

-         Tất cả 8 nhà vua đời Lý đều là Phật Tử thuần thành, hành trì thiền quán.

-         Lễ dâng y (ban phẩm phục) cho hàng Tăng Sĩ được thành hình.

-         Sang Trung Quốc thỉnh đại tạng (1019)

-         Thiết lập đạo tràng giảng dạy Phật Pháp, cử chư tăng đi các nơi giảng truyền chánh pháp.

-         Chư tăng ngoài thông hiểu Tam Tạng, kinh sử, chuyên tu tập thiền quán Tam Ma Địa, còn giỏi sấm ngữ, độn số.

-         Chùa Một Cột (Chùa Diên Hựu) được xây dựng năm 1049 dưới thời Lý Thái Tông (1028-1054).

-         Thiền phái Thảo Đường do một nhà sư Trung Hoa hiệu Thảo Đường thành lập, được vua Thánh Tông mời làm quốc sư. Vua Thánh Tông (1054-1072) là đệ tử đầu tiên của phái Thảo Đường, truyền được 5 đời từ năm 1055 đến 1205, từ Lý Thánh Tông đến Lý Cao Tông (1176-1210).

-         Văn Miếu thờ đức Khổng Tử và 72 vị tiền hiền được xây dựng năm 1069 dưới thời Lý Thánh Tông.

-         Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) mời Khô Đầu Thiền Sư làm quốc sư với quyền hành của một tể tướng.

-         Thiên Phật Hội (Hội một nghìn đức Phật) được thiết lập thành lễ hội Phật Giáo.

-         Lễ Hội Láng được thiết lập còn được duy trì cho đến ngày nay.

-         Vua Lý Thần Tông (1128-1138) mời Minh Không thiền sư, dùng phép thần thông chữa bệnh điên cho vua, được vua mời làm quốc sư.

-         Vua Lý Cao Tông (1176-1210) mở kỳ thi Tam Giáo năm 1169, chọn nhân tài giúp việc triều chính.

-         Vua Lý Huệ Tông (1211-1225) năm 1224 truyền ngôi cho con gái là công chúa Phật Kim, tức là Lý Chiêu Hoàng, rồi xuất gia tu ở chùa Chân Giáo, đạo hiệu là Huệ Quang.

-         Lý Chiêu Hoàng sau truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh chấm dứt thời nhà Lý (215 năm, 8 đời vua) bước qua nhà Trần.

 

28.  Xin cho biết về Hội Láng còn được duy trì cho đến ngày nay tại Hà Nội.

-         Vào thời Lý Nhân Tông có vị thiền sư tên là Đạo Hạnh, tục danh là Từ Lộ, thân phụ là Từ Vinh làm chức Tăng Quan Đô Án, mẹ là Đặng Thị. Từ Vinh dùng tà thuật làm mếch lòng Duyên Thành Hầu, vị này nhờ Đại Điên pháp sư dùng pháp thuật đánh chết Từ Vinh, quăng thây xuống sông Tô Lịch trôi đến Quyết Kiều bên nhà Duyên Thành Hầu. Đến đây thây Từ Vinh bỗng nhiên đứng dậy chỉ tay vào nhà Duyên Thành Hầu suốt ngày. Duyên Thành Hầu mời Đại Điên pháp sư đến trị, thây ngã xuống sông trôi đi nơi khác. Từ Lộ, con của Từ Vinh muốn báo thù cha vào Từ Sơn ẩn tu, rèn luyện pháp thuật, lấy đạo hiệu là Đạo Hạnh. Sau khi thành đạt thuật pháp, trở về báo thù cho cha, ném cây gậy xuống sông Tô Lịch, gậy bơi ngược giòng sông, qua nhà Dương Thành Hầu thì đứng lại, chỉ vào nhà. Vương Thành Hầu cầu cứu Đại Điên pháp sư, Đại Điên đến bị Đạo Hạnh giết ngay tức khắc. Dương Thành Hầu mời Giác Hoàng đại pháp sư giúp đỡ. Hai bên (Giác Hoàng và Đạo Hạnh) đấu phép với nhau nhiều lần, sau Đạo Hạnh bị thua, được Sùng Hiền Hầu, em vua Lý Nhân Tông cứu, về ẩn ở Sài Sơn. Để trả ơn cứu sống, Đạo Hạnh nguyện đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu. Con của Sùng Hiền Hầu sau này là vua Lý Thần Tông (Lý Nhân Tông không có con, lập con của Hoàng đệ Sùng Hiền Hầu làm Thái Tử). Tại làng Láng hiện nay (gần Hà Nội) có chùa thờ ngài Đạo Hạnh họ Từ, nên gọi là Từ Đạo Hạnh và pháp sư Đại Điên. Tại Sài Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây cũng có chùa thờ ngài Đạo Hạnh.

-         Lễ Hội Láng kỷ niệm pháp thuật thi thố giữa Đạo Hạnh và Đại Điên. Vào Lễ Hội Láng dân làng diễn tích Đạo Hạnh đánh nhau với Đại Điên.

-         Câu chuyện trên có mầu sắc na ná câu chuyện ngài Padmasambhava và ngài Naropa đến hoằng đạo tại Tây Tạng, cũng dùng quyền thuật trừ ma, khử ác. Ảnh hưởng Mật Giáo vào thời điểm này đã khá mạnh tại Việt Nam.

 

29.  Xin cho biết thêm về Minh Không thiền sư chữa bệnh tâm thần cho vua Lý Thần Tông.

-         Minh Không thiền sư tục danh Nguyễn Chí Thành, thọ giáo với ngài Đạo Hạnh ở chùa Thiên Phúc, được Đạo Hạnh truyền hết bí pháp. Trước khi viên tịch ngài Đạo Hạnh cho Minh Không biết là ngài sẽ tái sinh làm con của Sùng Hiền Hầu và sẽ là Lý Thần Tông sau này, vì nghiệp chướng (giết Đại Điên, đánh nhau với Giác Hoàng) nên sẽ bị quái bệnh, yêu cầu Minh Không giúp trị. Đạo Hạnh đầu thai làm con của Sùng Hiền Hầu, rồi được truyền ngôi hiệu Lý Thần Tông. Năm 1136 vua Thần Tông bị mắc bệnh tâm thần, suốt ngày gầm thét, toàn thân mọc lông như lông hổ, các lương y trong nước bó tay không thể chữa trị. Triều đình nghe tiếng Minh Không mời vào cung chữa trị. Minh Không gặp vua hét lớn: Đại trượng phu đứng đầu muôn dân, trị vì bốn bể, sao lại cuồng loạn như thế này. Vua Thần Tông nghe tiếng giật mình, tâm thần ổn định. Sau khi lành bệnh, vua phong cho Minh Không làm quốc sư…

-         Câu chuyện này giống chuyện Sakya Pandita Tây Tạnh chữa bệnh cho hoàng tử Mông Cổ, chuyện Hốt Tất Liệt phong cho Bát Tư Ba là Đế Sư (Thầy Vua) rồi Quốc Sư, nói lên ảnh hưởng Mật Giáo tại Việt Nam thời bấy giờ.

 

30.  Xin cho biết thêm yếu tố Mật Tông vào thời kỳ này.

-         Câu chuyện về ngài Từ Đạo Hạnh, con của Từ Vinh làm chức Tăng Quan Đô Án, một nhà sư với chức quan lớn. Nhà sư có gia đình, có vợ có con, giống như nhà sư của phái Mũ Đỏ Tây Tạng.

-         Huệ Sinh thiền sư thường vào núi nhập định, tu thiền, tác giả của bộ Pháp Sự Trai Nghi, Đại Tràng Khánh Tản Văn. Viên Chiếu thiền sư, tác giả cuốn Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn, Thập Nhị Hạnh Bồ Tát Tu Chứng Đạo Tràng, Tham Đồ Biểu Quyết, chủ trương thuyết Tam Ban, lấy thân làm Phật, lấy miệng làm Pháp, lấy tâm làm thiền. Bảo Giám thiền sư, tác giả bộ Chư Phật Tích Duyên Sự, Hồng Chung Văn Bi Ký v.v… Đây là những hành hoạt giống như chư Tăng Mật Giáo Tây Tạng.

 

31.  Tình hình chính trị thời Trần (1226-1400) như thế nào.

-         Vào cuối thời Lý các hoàng đế lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi: Lý Anh Tông (1138-1175) lên ngôi lúc 2 tuổi, Lý Cao Tông (1175-1210) lên ngôi lúc 2 tuổi, Lý Huệ Tông (1210-1224) lên ngôi lúc 16 tuổi, Lý Chiêu Hoàng (1224-1225) lên ngôi lúc 6 tuổi. Quan lại xu nịnh, hoàng cung đầy rẫy những chuyện phi luân bại lý, thiền môn không mấy thanh tịnh đến nỗi năm 1198, Lý Cao Tông buộc phải thải hồi một số nhà sư. Kinh tế suy sập, nông dân nổi loạn qua cuộc khởi nghĩa của Lê Văn (1192), Thâm Lợi (1140), Phí Lãng (1152-1214). Năm 1224 bệnh tâm thần của Lý Huệ Tông trở nên trầm trọng, truyền ngôi cho con gái thứ hai là Lý Phật Kim lúc ấy mới 6 tuổi, xuất gia tu ở chùa Chân Giáo, pháp hiệu Huệ Quang. Lý Chiêu Hoàng do sự bố trí của Trần Thủ Độ, kết hôn với Trần Cảnh năm 1225 rồi truyền ngôi cho Trần Cảnh tức vua Trần Thái Tông năm 1226.

-         Nhà Trần trong giai đoạn đầu qua Trần Thủ Độ, trấn áp các thế lực chống đối, củng cố quyền lực: giết chết Lý Huệ Tông mặc dù lúc ấy vua Lý Huệ Tông đang bị bệnh và đang đi tu, giáng hoàng hậu Lý Huệ Tông, bà Trần Thụ Dung làm Thiên Cực Công Chúa và Trần Thủ Độ lấy bà làm vợ, truất phế địa vị hoàng hậu của Lý Chiêu Hoàng, và bắt vua Trần Thái Tông phải lấy vợ của Trần Liễu, anh ruột của Trần Cảnh (Trần Thái Tông) là Thuận Thiên Công Chúa, chị ruột của Lý Chiêu Hoàng, lúc đó đã có thai 3 tháng với Trần Liễu, qui định con trai triều đình nhà Trần chỉ được lấy con gái họ Trần để tránh ngoại tộc xâm nhập cướp ngôi, đề phòng các hoàng tử tranh dành ngôi báu, các hoàng đế nhà Trần sớm nhường ngôi cho con làm Thái Thượng Hoàng.

-         Giai đoạn kế tiếp nhà Trần cải tổ hành chính, quân sự, chủ trương quân đội cốt tinh nhuệ không cần nhiều, vũ trang nhân dân, kiện toàn pháp luật, cải cách nông nghiệp.

-         Về luật pháp, nhà Trần san định bộ Hình Thư đời Lý. Về xã hội thực hiện đoàn kết thượng từng, qua Hội Nghị Bình Than, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương năm 1282; đại đoàn kết quốc dân qua Hội Nghị Diên Hồng năm 1285 tại điện Diên Hồng, kinh thành Thăng Long.

-         Về quân sự nhà Trần đã đẩy lui được 3 cuộc tấn công của Nhà Nguyên (Mông Cổ) Trung Quốc. Lần đầu vào năm 1258 dưới quyền chỉ huy của vua Trần Thái Tông. Lần thứ hai năm 1285 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đại thắng tại Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp. Lần thứ ba năm 1287 do Thoát Hoan, Ái Lỗ, Ô Mã Nhi chỉ huy tấn công ba mặt bị quân nhà Trần dưới quyền chỉ huy của Trần Hưng Đạo đánh bại tại trận Bạch Đằng năm 1288.

-         Về mặt văn hóa: Văn hóa thời Trần có một vị trí rất đặc biệt trong văn hóa Lý Trần nói riêng và trong lịch sử văn hóa dân tộc nói chung. Văn hóa thời Trần là văn hóa của hào khí Đông A (trong Hán tự, chữ Trần gồm có chữ Đông bên phải ghép với chữ A bên trái), văn hóa có quá trình phát triển gắn chặt với những chiến công xâm lăng hiển hách của dân tộc.

-         Nhà Trần tổ chức nhiều khoa thi cử chọn người hiền giúp việc nước.

-         Văn học đời Trần phong phú với những ngôi sao sáng như Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngãn, Phạm Sư Mạnh… với Lý Tế Xuyên soạn giả Việt Điện U Linh Tập.

-         Ngành sử học cũng được phát triển với bộ Đại Việt Sử Ký gồm 30 quyển của Lê Văn Hưu (1230-1322). Ngành y học, thiên văn học, khoa học quân sự (Binh Thư Yếu Lược của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn), nghệ thuật ca múa, kiến trúc, điêu khắc đượm tinh thần Phật Giáo và dân tộc phát triển mạnh.

-         Nhà Trần cai trị Việt Nam 174 năm từ năm 1226 đến 1400.

 

32.  Xin cho biết tình hình Phật Giáo dưới thời Trần.

-         Phật Giáo vào thời Trần cung cấp chất lượng tư duy, chi phối hầu hết đời sống tinh thần của dân.

-         Chùa tháp nhiều, các bậc cao tăng đông đảo. Một số vua nhà Trần xuất gia tu đạo. Năm 1231 vua Trần Thái Tông sắc cho nhân gian lập bàn thờ Phật khắp nơi công quán. Trần Thái Tông là tác giả của bộ Thiền Tông Chỉ NamKhóa Hư (giáo lý Phật). Trần Nhân Tông chuyên tu thiền quán, tham học thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ, năm 1299 vào tu ở núi Yên Tử, hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, thành lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Khi vua Nhân Tông vào núi Yên Tử tu hành thì Khâm Từ Hoàng Hậu cũng xuất gia làm ni.

-         Vào thời này có những bậc cao tăng như Pháp Loa, đệ tử của Hương Vân (Trần Nhân Tông), truyền giới xuất gia cho Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu và Thiên Trinh Trưởng công chúa, tác giả bộ Đoạn Sách Lục Tham Thiền Yếu Chỉ; như Huyền Quang, đỗ trạng nguyên năm 20 tuổi, làm quan ở viện Hàn Lâm, đi sứ Trung Hoa, xuất gia làm đệ tử của ngài Pháp Loa, là đệ tam tổ của phái Trúc Lâm.

-         Vào khoảng năm 1299 bộ Phật Giáo Pháp Sự Đạo Tràng Công Văn Cách Thức được ấn hành. Năm 1311 vua Anh Tông thâu nạp người con gái của một vị sư Tây Tạng tên là Dụ Chi Ba Lam vào cung, vị này có thần thông đi trên nước.

-         Phật Giáo vào cuối thời Trần xuống dốc. Năm 1321 vua Trần Hiến Tông mở kỳ thi khảo hạch Tăng sĩ. Năm 1381 vua Phế Đế sắc Đại Nam Thiền Sư thống suất tăng chúng trong nước đi đánh Chiêm Thành. Năm 1396 vua Trần Thuận Tông mở kỳ thi sát hạnh tăng chúng, người nào trúng tuyển được bổ làm Tri Cung (săn sóc các cung), Tri Quán (săn sóc các đền), Tri Tự (săn sóc việc chùa).

-         Vào cuối đời Trần, Nho học chiếm địa vị độc tôn. Lê Quí Ly sắp xếp cho một Đạo sĩ vào cung, xúi vua Thuận Tông nhường ngôi cho con để đi tu tiên. Thuận Tông nhường ngôi cho con mới 3 tuổi thường gọi là Trần Thiếu Đế. Quí Ly tiếm ngôi lập ra nhà Hồ.

 

33.  Xin cho biết thêm về tình hình chính trị thời Hậu Trần và thời Lê Quý Ly cướp ngôi nhà Trần lập nên nhà Hồ năm 1400.

-         Vào cuối đời Trần chiến tranh, hỗn loạn triền mien: Năm lần tấn công Lào (1290, 1291, 1294, 1334, 1335), ba lần bị Lào tấn công (1297, 1301, 1346), tám lần tấn công Chiêm Thành (1312, 1318, 1326, 1353, 1377, 1383, 1389), tám lần bị Chiêm Thành tấn công (1361, 1366, 1371, 1378, 1380, 1382, 1389), tám lần nổi loạn lớn: 1344-1360 ở vùng Hải Dương, 1354 ở vùng Lạng Sơn, 1378 ở vùng Bắc Giang, 1381 ở vùng Nghệ An, 1389 ở vùng Thanh Hóa do Nguyễn Thanh, 1389 ở vùng Thanh Hóa do Nguyễn Kỳ, 1389 ở vùng Hà Tây do Phạm Sư Ôn, 1389 ở vùng Hòa Bình do Nguyễn Nhữ Cái.

-         Để đối phó với tình hình bên trong và bên ngoài nhà Trần thực hiện chế độ hôn nhân ngoại tộc, thay đổi chủ trương lúc ban đầu chỉ được lập gia thất cùng họ.

-         Hồ Quí Ly người gốc Chiết Giang (Trung Quốc) tổ tiên di cư sang nước ta vào khoảng thế kỷ thứ 10, đã có mối quan hệ khá phức tạp với nhà Trần: hai cô ruột của Hồ Quí Ly là hoàng phi của Trần Minh Tông (1314-1329), một bà sinh ra hoàng đế Trần Hiến Tông (1329-1341) và hoàng đế Trần Nghệ Tông (1370-1371), một bà sinh ra hoàng đế Trần Duệ Tông (1372-1377); con gái của Hồ Quí Ly là hoàng hậu của Trần Thuận Tông (1388-1398); Hồ Quí Ly lấy công chúa Huy Ninh, con của hoàng đế Trần Nghệ Tông; em họ của Hồ Quí Ly lấy Trần Duệ Tông sinh ra Đế Hiện tức là Trần Phế Đế (1377-1388). Hồ Quí Ly làm quan được thăng chức liên tục từ chức Khu Mật Viện Đại Sứ năm 1371 đến Tuyên Trung Vệ Quốc Đại Vương năm 1395.

-         Năm 1397 Hồ Quí Ly vận động dời đô vào Thanh Hóa, cô lập nhà Trần.

-         Năm 1398 Hồ Quí Ly ép Trần Thuận Tông nhường ngôi cho Trần An tức là Trần Thiếu Đế (vua Trần còn bé, lúc ấy mới 2 tuổi). Trần Thuận Tông đi tu.

-         Năm 1398 Hồ Quí Ly giết Trần Thuận Tông mặc dù đã xuất gia (giống như Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông đã đi tu năm 1226) và giết thêm 370 người cho là thuộc phe đối nghịch.

-         Tháng 3 năm 1400 Hồ Quí Ly cướp ngôi Trần Thiếu Đế, lập nên nhà Hồ, đổi quốc hiệu là Đại Ngu. Sau khi lên làm vua mấy tháng, truyền ngôi lại cho con thứ là Hồ Hán Thương, giữ ngôi Thái Thượng Hoàng.

-         Nhà Hồ nối tiếp chính sách của nhà Trần bành trướng lãnh thổ về hướng nam, 3 lần đánh Chiêm Thành (1400, 1402, 1404) chiếm bốn châu của Chiêm Thành là Thăng, Hoa (nay thuộc Quảng Nam), Tư, Nghĩa (nay thuộc Quảng Ngãi).

-         Nhà Hồ đề cao chữ Nôm, đã dịch thiên Vô Dật trong Kinh Thư và toàn bộ Kinh Thi ra chữ Nôm, cải tổ chế độ thi cử, mục đích kiếm người có khả năng giải quyết những vấn đề thực tế.

-         Nhà Minh xâm lược nước ta năm 1406. Tháng 6 năm 1407 toàn bộ triều đình nhà Hồ đều bị quân Minh bắt. Triều đại nhà Hồ chỉ được 7 năm, quốc hiệu Đại Ngu cũng chỉ tồn tại 7 năm.

 

34.  Tình trạng Phật giáo dưới nhà Hồ như thế nào?

-         Hồ Quí Ly bắt tất cả các nhà sư dưới 50 tuổi phải hoàn tục.

 

PHẬT GIÁO DƯỚI THỜI NHÀ MINH TRUNG HOA

 

35.  Tình hình Việt Nam và Phật Giáo dưới ách cai trị của nhà Minh Trung Hoa như thế nào?

-         Nhà Minh thiết lập nền đô hộ tại nước ta năm 1407, cướp 235,900 voi, ngựa, trâu, bò, 13,600,000 thạch lúa, 8,670 chiếc thuyền, 2,539,800 vũ khí các loại, bắt 9,000 Nho sĩ, thầy thuốc giỏi, thợ thủ công nghệ lành nghề đem về Trung Quốc; bắt dân theo phong tục tập quán Trung Hoa trong chính sách đồng hóa.

-         Năm 1419 quan nhà Minh tịch thu hết các sách vở trong nước, các kinh điển nhà Phật đem về Kim Lăng, đốt phá chùa chiền rất nhiều, phát triển Nho học.

-         Trong thời kỳ lệ thuộc nhà Minh (1407-1420) nhân dân Việt Nam liên tục nổi dậy đấu tranh: Khởi nghĩa của Trần Ngỗi và Trần Quý Kháng (1407-1414), khởi nghĩa của Lê Ngã (1419-1420), khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa của Lê Lợi (1418-1427) được Nguyễn Trãi phù tá, được Ai Lao giúp đỡ một giai đoạn, đã thành công trong trận thư hùng cuối cùng tại Chi Lăng – Xương Giang tháng 10 năm 1427. Tháng 4 năm 1428 Lê Lợi lên làm vua lập nhà Lê, tồn tại 360 năm (1428-1788).

 

PHẬT GIÁO TỪ THẾ KỶ 15 ĐẾN THẾ KỶ 17

 

36.  Xin cho biết tình hình chính trị Việt Nam thời Lê sau khi Lê Lợi dẹp tan quân Minh lên làm vua năm 1428.

-         Nhà Lê kể cả Tiền Lê (trước khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi và Hậu Lê (sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, Nguyễn Kim tôn phò được Lê Trang Tông (1533-1548) lên ngôi tiếp tục giòng họ nhà Lê, chống lại nhà Mạc.

-         Trong giai đoạn đầu (Tiền Lê) kéo dào 100 năm, từ năm 1428 đến 1527, giai đoạn cực thịnh của nhà Lê, các vua như Lê Lợi, Lê Thánh Tông (1460-1497) xây dựng và hoàn chỉnh guồng máy nhà nước, kiện toàn quân đội. Năm 1466 Lê Thánh Tông chia nước thành 12 đạo: Thuận Hóa, Nghệ An, Thanh Hóa, Thiên Trường, Quốc Oai, Hưng Hóa, Nam Sách, Bắc Giang, An Bang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, và Lạng Sơn. Đến năm 1471 Lê Thánh Tôn sau khi chiếm đất Chiêm Thành, lập đạo thứ 13, đạo Quảng Nam.

-         Về lãnh vực pháp luật, bộ Lê Triều Hình Luật ra đời năm 1483.

-         Về mặt ngoại giao, Việt Nam bang giao thân thiện với Chiêm Thành, Lào, Bồn Man (vùng tây Thanh Hóa, Nghệ An), La La Tư Điện (vương quốc Lô Lô, tỉnh Quí Châu, Trung Quốc), Xiêm La và nhà Minh Trung Hoa.

-         Năm 1447 Bổn Man xin sáp nhập với Đại Việt trở thành Châu Qui Hợp, phủ Lâm An, sau phủ Lâm An đổi thành phủ Trấn Ninh. Năm 1471 Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, chiếm từ cực nam tỉnh Quảng Ngãi đến đèo Cù Mông. Năm 1479 Lê Thánh Tông đánh Lào đuổi đến biên giới Miến Điện.

-         Nho giáo ở địa vị độc tôn. Nho giáo thời Hậu Lê chịu ảnh hưởng Tống Nho. Thi cử được tổ chức khắp nơi. Quốc Tử Giám sau đổi thành Thái Học Viện được xây dựng tại thủ đô. Văn học chữ Hán chiếm ưu thế, lực lượng sáng tác chủ yếu là Nho sĩ. Chữ Nôm cũng được phát triển, Lê Thánh Tông là người đứng đầu Hội Tao Đàn gồm 28 thành viên gọi là Nhị Thập Bát Tú. Lĩnh Nam Trích , Việt Âm Thi Tập, Trích Diễm Thi Tập, Quần Hiền Phù Tập v.v... ra đời. Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn là những cự phách. Nguyễn Trãi với những tác phẩm như Quân Trung Từ Mệnh Tập, Lam Sơn Thực Lục, Đại Địa Chí. Ngoài ra còn nhiều tác phẩm của nhiều tác giả về mọi ngành như Sử, địa lý, đồ bản, y học, toán học.

-         Sau thời kỳ hưng thịnh 100 năm, nhà Hậu Lê bước vào giai đoạn suy thoái từ đầu thế kỷ thứ 16 đến giữa thế kỷ thứ 17. Lê Thánh Tông qua đời năm 1497 mở đầu mức suy thoái. Lê Hiến Tông (1497-1504) cố duy trì tình thế nhưng không được bao lâu. Lê Túc Tông chỉ tại vị 6 tháng rồi băng hà. Lê Uy Mục (1505-1509) là một hôn quân, bạo chúa đầu tiên của nhà Hậu Lê, đã giết bà nội và nhiều người trong hoàng tộc rồi bị triều thần đồng lòng phế bỏ. Lê Oanh tức Lê Tương Dục (1510-1516) được đưa lên ngôi lại là ông vua tham lam, tàn ác, đam mê tửu sắc, bị Trịnh Duy Sản giết năm 1516, Lê Quang Trị lên ngôi được 3 ngày thì bị giết. Lê Y 10 tuổi lên ngôi, đó là Lê Chiêu Tông (1516-1522) bị Mạc Đăng Dung giết năm 1527.

-         Trong thời Lê Tương Dục có nhiều vụ khởi nghĩa, đáng kể là khởi nghĩa năm 1511 tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, khởi nghĩa năm 1511 tại Hà Tây sau lan rộng đến Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, khởi nghĩa năm 1512 tại Nghệ An, khởi nghĩa năm 1516 tại Vĩnh Phúc, khởi nghĩa năm 1516 tại Hải Phòng do Trần Cao lãnh đạo, giết chết Trịnh Duy Sản. Lúc này triều đình nhà Hậu Lê phân hóa, hỗn loạn, giết hại lẫn nhau. Mạc Đăng Dung trong âm mưu chiếm đoạt ngôi vàng, năm 1522 đưa Lê Xuân lên ngôi thay thế Lê Chiêu Tông đang trốn tránh tại Sơn Tây. Năm 1527 Mạc Đăng Dung ép Lê Xuân nhường ngôi. Nhà Mạc được dựng lên từ đó.

 

37.  Xin cho biết tình hình chính trị nhà Mạc và Hậu Lê.

-         Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lên làm vua năm 1527. Nhà Mạc trị vì được 65 năm, qua 5 đời từ Mạc Đăng Dung (1527-1529), Mạc Đăng Doanh (1530-1540), Mạc Phúc Hải (1541-1546), Mạc Phúc Nguyên (1546-1561) đến Mạc Mậu Hợp (1562-1592).

-         Mạc Đăng Dung sợ nhà Minh can thiệp vào nội tình đã tự trói mình ở cửa Nam Quan, nộp sổ điền thổ và sổ dân đinh cho tướng nhà Minh, dâng 5 động Tề Phù, Kim Lạc, Cổ Xung, Liễu Cát, La Phù và đất Khâm Châu cùng vàng bạc châu báu cho nhà Minh, được nhà Minh phong quan hàm nhị phẩm.

-         Mạc Mậu Hộp làm vua được 30 năm, bị Trịnh Tùng bắt đem về chém ở Thăng Long và đem đầu bêu ở Thanh Hóa.

 

38.  Chính tình Việt Nam thời Nam Bắc Triều như thế nào?

-         Khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, bề tôi nhà Lê nổi lên chống đối khắp nơi, người có lực lượng đáng kể nhất là Nguyễn Kim, đưa Lê Ninh (Lê Trang Tông) lên ngôi (1533-1648) bắt đầu thời Hậu Lê, ở đất Cẩm Châu (Lào) phất cờ khởi nghĩa, chiếm Thanh Hóa, Nghệ An, năm 1545 bắt đầu tấn công Sơn Nam nhưng chẳng may bị hàng tướng của Mạc Đăng Dung là Dương Chấp Nhất bí mật dùng thuốc độc giết chết. Lực lượng của Nguyễn Kim giờ đây nằm trong tay của Trịnh Kiểm, con rể của Nguyễn Kim và hậu duệ của Trịnh Kiểm tiếp tục phò Lê chống Mạc, gọi là Thời Nam Bắc Triều, triều Mạc đóng đô tại Thăng Long gọi là Bắc Triều, triều Lê đóng đô ở Thanh Hóa gọi là Nam Triều, hai bên đánh nhau 38 trận lớn, ròng rã gần 60 năm, từ năm 1533 đến 1592.

-         Tại Nam Triều, trên danh nghĩa vua Lê trị vì, trên thực tế họ Trịnh cai quản.

-         Nhà Hậu Lê gồm có vua Lê Trang Tông (1533-1548), Lê Trung Tông (1548-1556), Lê Anh Tông (1556-1573) bị Trịnh Tùng bắt giết, Lê Thế Tông (1573-1599), Lê Kính Tông (1600-1619), bị Trịnh Tùng bắt thắt cổ tự tử, Lê Thần Tông (1619-1643), Lê Chân Tông (1634-1649), Lê Thần Tông (1649-1662), Lê Huyền Tông (1663-1671), thông sứ với nhà Thanh, cấm đạo Gia Tô, Lê Gia Tông (1672-1675), Lê Hy Tông (1676-1705), Lê Dụ Tông (1706-1729), Lê Đế Duy Phương (1729-1732) bị Trịnh Giang vu cho tư thông với vợ Trịnh Cương, phế vương vị và bị giết năm 1732, Lê Thuần Tông (1732-1735), Lê Ý Tông (1735-1740), Lê Hiền Tông (1740-1786), Lê Mẫn Đế (vua Chiêu Thống 1787-1788).

-         Họ Trịnh gồm có Trịnh Kiểm (1545-1570), Trịnh tùng (1570-1620), Trịnh Tráng (1623-1657), Trịnh Tạc (1657-1682), Trịnh Căn (1682-1709), Trịnh Cương (1709-1729), Trịnh Giang (1729-1740), Trịnh Doanh (1740-1767), Trịnh Sâm (1767-1782), Trịnh Cán (2 tháng), Trịnh Khải (1783-1786), Trịnh Bồng (1786) sau đi tu.

-         Sau năm 1592, họ Trịnh xem như làm chủ tình hình miền bắc, nắm mọi quyền bính trong tay, vua Lê chỉ có danh không có thực quyền. Trịnh Tùng cấp bổng lộc cho vua Lê thu thuế 1,000 xã gọi là lộc thượng tiến, cấp cho vua 5,000 lính làm quân túc vệ, chỉ khi nào thiết triều hay tiếp sứ mới cần đến vua, không khác gì chế độ quân chủ lập hiến trong đó chúa Trịnh là Thủ Tướng và vua Lê là quốc trưởng.

 

39.  Xin cho biết tình hình chính trị thời Trịnh Nguyễn phân tranh.

-         Nguyễn Hoàng, con của Nguyễn Kim, sợ Trịnh Kiểm diệt trừ như Trịnh Kiểm đã giết Nguyễn Uông, anh của Nguyễn Hoàng trước đây, nên tìm cách vào nam giữ chức Trấn Thủ xứ Thuận Hóa năm 1558 (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) rồi kiêm luôn Trấn Thủ Quảng Nam năm 1570.

-         Năm 1613 Nguyễn Hoàng mất, con là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay, được hiền tài như Nguyễn Hữu Dật, Đào Duy Từ giúp đỡ, thấy họ Trịnh chuyên quyền ở miền bắc, không chịu nộp thuế cho họ Trịnh, nên năm 1623 Trịnh Tráng, con trưởng của Trịnh Tùng (nối ngôi chúa năm 1623-1657) đem quân vào nam hăm dọa. Nguyễn Phúc Nguyên lấy cớ này đoạn giao với họ Trịnh. Năm 1627 Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên, mở đầu cuộc chiến tranh nam bắc, sử gọi là Thời Kỳ Trịnh Nguyễn Phân Tranh, kéo dài từ năm 1627 đến 1672 với 7 trận đụng độ lớn xảy ra vào năm 1627, 1633, 1643, 1648, 1655-1660, 1661-1662 và 1672.

-         Vì không thể phân chia thắng bại nên năm 1672, hai bên Trịnh Nguyễn lấy sông Gianh làm giới tuyến, chia cắt lãnh thổ làm hai. Từ sông Gianh trở ra bắc do họ Trịnh vua Lê cai quản gọi là Đàng Ngoài, từ sông Gianh trở vào nam do họ Nguyễn điều hành gọi là Đàng Trong.

-         Họ Nguyễn vừa chiến đấu chống họ Trịnh, vừa bành trướng thế lực ở miền nam: Năm 1611 Nguyễn Hoàng đánh Chiêm Thành chiếm vùng đất lớn từ cực nam Bình Định đến Phú Yên ngày nay. Năm 1693 Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sai Nguyễn Hữu Cảnh đánh Chiêm Thành chiếm toàn vùng còn lại của Chiêm Thành. Vương quốc Chiêm Thành sau 15 thế kỷ tồn tại giờ đây hoàn toàn bị diệt vong. Năm 1698 Nguyễn Phúc Chu lại sai Nguyễn Hữu Cảnh chiếm Thủy Chân Lạp. Năm 1714 Mặc Cửu đem toàn bộ đất Hà Tiên qui thuận Xứ Đàng Trong. Năm 1757 Nguyễn Phúc Khoát chiếm hết vùng đất còn lại của Thủy Chân Lạp và chiếm thêm các châu khác là Sài Mạt, Linh Quỳnh, Cần Bộ, Hương Úc và Chân Sum, nhưng vào năm 1848 vua Tự Đức đã giao trả lại 5 châu này cho Chân Lạp.

 

40.  Xin cho biết sự nghiệp của các Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.

-         Sự nghiệp họ Trịnh ở miền bắc có thể chia thành 3 thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất vào thời Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, phải đánh nhau với nhà Mạc ở phía bắc, chống nhà Nguyễn ở phía nam nên việc xây dựng đất nước không có gì đáng kể. Thời kỳ thứ hai vào thời Trịnh Tạc, Trịnh Căn, và Trịnh Cương có những thành quả đáng kể ngoài việc sửa đổi luật pháp, còn lập trường võ bị. Việt Sử Toàn thư, Quốc Sử Thực Lục ra đời. Thời kỳ thứ ba vào thời Trịnh Giang, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm những mỏ đồng ở Tu Long, Tuyên Quang, ở Trinh Lan và Ngọc Uyển, Hưng Hoa, ở Sàng Mộc, Yên Hân, Liêm Tuyền, Tống Sinh, Vũ Nông, Thái Nguyên, ở Hoài Viễn, Lạng Sơn; mỏ bạc ở Nam Xương và Ngọc Uyển, Tuyên Quang; mỏ vàng ở Kim Mã, Tam Lộn; mõ kẽm ở Cồn Minh dần dần vào tay người Trung Hoa. Vào thời kỳ thứ ba giặc giã nổi lên khắp nơi, dân nghèo nước yếu nên chẳng bao lâu họ Trịnh đổ, nhà Lê cũng mất luôn.

-         Họ Trịnh bắt đầu xuống dốc từ ngày Trịnh Sâm lên nắm quyền. Họ Trịnh giúp nhà Lê, rồi giữ lấy quyền chính, lập ra nghiệp Chúa, lưu truyền từ Trịnh Tùng đến Trịnh Khải được 216 năm, từ năm 1570 đến 1786.

 

41.  Xin cho biết sự nghiệp của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

-         Phát triển thương nghiệp, lấy đất Chiêm Thành (Lâm Ấp) mở đất Nam Việt, bảo hộ Chân Lạp, dung hợp với các sắc tộc thiểu số, nhất là đồng bào miền thượng du.

-         Các chúa Nguyễn tại Đàng Trong gặp khó khăn từ khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương hiệu Vũ Vương, lập cung điện ở Phú Xuân qua đời năm 1765, bị Trương Phúc Loan chuyên quyền, lòng người ly tán, nhân cơ hội ấy họ Trịnh xua quân chiếm Phú Xuân, Tây Sơn dấy binh tại Bình Định.

 

42.  Trong tình hình chính trị phức tạp, chiến tranh liên miên này tình hình Phật Giáo như thế nào?

-         Như trên đã nói nhà Hậu Lê làm vua đến đời Chiêu Tông (1516-1527) thì bị Mạc Đăng Dung soán ngôi. Nhà Lê nhờ họ Trịnh dứt được nhà Mạc, nhưng nhà vua chỉ là kẻ làm vì mọi quyền hành nằm trong tay họ Trịnh. Nam Bắc Phân Tranh rồi Trịnh Nguyễn Phân Tranh. Phật Giáo cuối đời Hậu Lê đã suy thoái, cao tăng Việt vắng bóng, Nho Giáo thịnh hành, nhưng qua những năm dài chiến tranh, dân chúng ngay cả hàng Nho sĩ mất niềm tin vào hệ thống tư duy chỉ đạo của Tống Nho, Phật Giáo vì vậy có cơ hội phục hưng, nhưng phần nhiều dựa vào sự nghiệp hoằng hóa của cao tăng Trung Hoa.

 

43.  Tình trạng Phật Giáo ở Đàng Ngoài.

-         Vào đời vua Lê Thế Tông (1573-1599) ở Bắc có phái Tào Động do cao tăng Tri Giáo Nhất Cú, người Trung Hoa truyền vào. Chùa Hòa Giai, Hàm Long, Trấn Quốc ở Hà Nội đều theo phái Tào Động.

-         Vào đời vua Lê Hy Tông (1676-1705) cao tăng Chiết Công người Trung Hoa lập pháp Liên Tông, chi nhánh của Lâm Tế. Chùa Hàm Long ở Bắc Ninh, chùa Nguyệt Quang ở Kiến An, chùa Bà Đá ở Hà Nội thuộc Liên Tông, chi nhánh của Lâm Tế.

-         Ngoài ra còn có thiền sư người Trung Hoa như thiền sư Chuyết Chuyết người Phúc Kiến, thiền sư Minh Hành người Giang Tây hoằng hóa tại miền bắc.

-         Tại miền bắc chỉ có một nhà sư Việt Nam nổi tiếng, đó là ngài Chân Nguyên, người tỉnh Hải Dương, có công phục hồi Phật Giáo Trúc Lâm.

-         Các chúa Trịnh có công xây dựng chùa trùng tu chùa chiền, bảo tháp. Chúa Trịnh Tráng học đạo với thiền sư Chuyết Chuyết, chúa Trịnh Bồng xuất gia tu Phật. Các Chúa Trịnh có công xây chùa, trùng tu chùa, nhưng cũng tịch thu chuông các chùa để đúc binh khí vào năm 1740 và năm 1787.

 

44.  Tình trạng Phật Giáo ở Đàng Trong.

-         Tại miền nam cũng vậy, đa số những cao tăng danh tiếng thời bấy giờ đều là người Trung Hoa bỏ Trung Quốc vào buổi giao thời Minh-Thanh đến Việt Nam hoằng hóa như ngài Viên Cảnh, Viên Khoan, thiền sư Nguyên Thiều người Quảng Đông, lập chùa Thập Tháp, Bình Định, chùa Quốc Ân, Huế, chùa Hà Trung huyện Phú Lộc, Thừa Thiên, thành lập phái Nguyên Thiều; thiền sư Thạnh Liêm người Quảng Đông, chúa Nguyễn Phúc Chu thọ Bồ Tát giới với ngài Thạch Liêm; thiền sư Giác Phong, thành lập chùa Báo Quốc Huế; thiền sư Tử Dung, người Quảng Đông xây dựng chùa Ấn Tôn tức là chùa Từ Đàm, Huế; thiền sư Từ Lâm dựng chùa Từ Lâm, Huế; thiền sư Pháp Bảo, người Phúc Kiến, khai sơn chùa Chúc Thánh, Quảng Nam, thiền sư Hưng Liên trú trì chùa Tam Thai, Quảng Nam, sang Đại Việt vào đời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) đem thiền phái Tào Động đến miền nam, thiền sư Pháp Hóa người Phúc Kiến, khai sơn chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi, thiền sư Tế Viên khai sơn chùa Hội Tôn, Phú Yên.

-         Tại miền nam, ngài Liễu Quán, người Phú Yên là vị cao tăng, có công phục hưng Phật Giáo Việt Nam ở Đàng Trong, giống như ngài Chân Nguyên, phục hưng Phật Giáo Trúc Lâm ở Đàng Ngoài. Thiền sư Liễu quán khai sơn chùa Thuyền Tôn, Viên Thông Huế, chùa Hội Tông, Cổ Lâm, Bảo Tịnh ở Phú Yên, thành lập phái Liễu Quán, Việt hóa thiền phái Lâm Tế Trung Hoa.

-         Các chúa Nguyễn có công xây dựng chùa, tháp như chùa Linh Mụ tại Huế v.v... dùng giáo nghĩa Đại Thừa dung hòa tín ngưỡng, phong tục tập quán của các sắc dân Đàng Trong.

 

45.  Trong thời kỳ này sự liên hệ giữa Việt Nam – Đàng Ngoài cũng như đàng Trong - với ngoại quốc như thế nào?

-         Sau khi Columbus khám phá Mỹ Châu, sau khi Vasco de Gama đến Ấn Độ, sau khi Magellan đến Phi Luật Tân, năm 1563 Bồ Đào Nha (Portugal) chiếm Áo Môn (Macao), năm 1568 Tây Ban Nha (Spain) chiếm Phi Luật Tân, năm 1596 Hòa Lan (Holland) chiếm Java (Nam Dương), Anh Quốc chiếm Mã Lai, Tích Lan, Ấn Độ, Miến Điện. Tại Việt Nam năm 1614 Jean de la Croix, người Bồ Đào Nha đến lập lò đúc súng tại Phường Đức, Huế. Người Bồ Đào Nha, Nhật, Trung Hoa đến Hội An, Quảng Nam buôn bán, người Hòa Lan, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan mở cửa hàng ở Phố Hiến, Hưng Yên. Ngoài ra người Pháp, Anh cũng đến nước ta buôn bán.

-         Các giáo sĩ đạo Thiên Chúa theo thương thuyền đến Việt Nam truyền giáo. Ở Đàng Trong năm 1596 giáo sĩ Tây Ban Nha Diego Adverte, năm 1615 giáo sĩ P. Busomi, năm 1624 giáo sĩ Jean Rhodes người Pháp. Ở Đàng Ngoài năm 1584 một phái đoàn truyền giáo người Bồ Đào Nha được nhà Mạc tiếp đón tử tế, năm 1626 giáo sĩ Baldinoti, giáo sĩ Jean Rhodes từ nam ra bắc truyền đạo. Năm 1668 Hội Truyền Giáo Nước Ngoài của Pháp được thành lập với nhiệm vụ truyền giáo tại Đông Nam Á, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam.

-         Vì sợ ảnh hưởng và vì phong tục tập quán bất đồng, Đàng Trong thi hành chính sách cấm đạo năm 1631, 1644, Đàng Ngoài thi hành chính sách cấm đạo năm 1663, 1696, 1712, 1754, giết hại nhiều thừa sai và tín đồ Công Giáo.

 

46.  Chữ Việt được La Tinh hóa vào thời kỳ nào?

-         Để công tác truyền đạo dễ dàng, các giáo sĩ phương Tây học tiếng Việt dùng mẫu tự Latin để ghi âm. Hai giáo sĩ người Bồ Đào Nha là Gaspar de Amaral soạn bộ Từ Điển Việt Bồ, Antoine de Barbosa soạn bộ Từ Điển Bồ Việt. Năm 1651 giáo sĩ người xứ Avignon (nhập vào nước Pháp năm 1791) là Alexandre de Rhodes (1591-1660) cho xuất bản tại La Mã bộ Từ Điển Việt-Bồ-La Tinh. Các giáo sĩ Cơ Đốc phương Tây là những người đặt nền móng cho quá trình La Tinh hóa tiếng Việt.

-         Văn học chữ Hán mất dần địa vị quan trọng, văn học chữ Nôm không ngừng vươn lên.

 

47.  Tại Âu Châu vào thế kỷ thứ 17, tình hình tôn giáo như thế nào?

-         Vào thời kỳ Nguyễn Hoàng tạo dựng quyền lực ở đất Thuận Hóa, thì tại Pháp Hồng Y Richelieu lên làm Nhiếp Chính giúp vua Louis XIII tạo điều kiện cho vua Louis XIV trở thành một vị vua quyền hành nhất trong trang sử huy hoàng nước Pháp. Nhưng cũng vào thời kỳ ấy, năm 1685 vua Louis XIV đã bãi bỏ Sắc Lệnh Nantes của Henry IV, không cho phép con cháu Huhuenots theo đạo Tin Lành.

-         Tại Âu Châu, ngay trong thời kỳ được mệnh danh là Thời Đại Ánh Sáng, những nhân vật như Diderot, Montesquieu, Voltaire cũng phải bị lao lý trong ngục tù. Âu Châu đi vào thời đại đầy phong ba bão táp, thời đại của những cuộc cách mạng tại Anh, Mỹ, Pháp… từ cách mạng chính trị đến cách mạng kỹ nghệ.

-         Ngay vào thời điểm này những vấn đề tôn giáo vẫn chưa được giải quyết. William Laud, Tổng Giám Mục Canterbury, lãnh đạo Giáo Hội Anh (Church of England) cùng vua Charles (lên ngôi năm 1625) không cho phép phái Khắc Kỷ (Puritans) giảng đạo hay xuất bản kinh sách. Họ đốt tất cả kinh sách của phái Khắc Kỷ và đem các nhà lãnh đạo phái Khắc Kỷ đánh đòn trước công chúng. Về sau phái Khắc Kỷ có thanh thế, Laud bị cầm tù rồi bị tử hình và Charles cũng chịu chung số phận khi Oliver lên cầm quyền.

 

48.  Tại Mỹ Châu tình hình tôn giáo như thế nào vào thế kỷ thứ 17?

-         Tại Mỹ Châu khi Columbus đổ bộ lên Bahamas, ông không cần hỏi dân bản xứ hòn đảo ấy tên gì, ông đặt tên cho nó là San Salvador, đảo Chúa Cứu Rỗi. Năm 1600 tại vùng Tây Ban Nha xâm chiếm có khoảng 5,000 linh mục đến truyền đạo. Khi chế độ thuộc địa cáo chung, hầu hết công dân Nam Mỹ đều là tín hữu của Nhà thờ. Chính sách đối trị với dị giáo được thi hành một cách triệt để: sách vở dị giáo bị đốt sạch, di sản văn hóa bị triệt tiêu, đền thờ dị giáo biến thành bình địa.

 

PHẬT GIÁO TỪ THẾ KỶ 18 ĐẾN GIỮA THẾ KỶ 20

 

49.  Tình hình Việt Nam vào thế kỷ thứ 18 như thế nào?  Sự nghiệp của Tây Sơn ra làm sao?

-         Tại Đàng Ngoài tình trạnh phân hóa nội bộ nặng nề. Năm 1741 nạn đói hoành hành, khắp nơi khởi loạn: Khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương 1741-1751, khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu 1741-1751, Khởi Nghĩa Hoàng Công Chất 1739-1769, khởi nghĩa Lê Duy Mật 1788-1770.

-         Tại Đàng Trong dưới thời các chúa đầu tiên, tình trạng ổn định, nhưng vào giữa thế kỷ thứ 18, khi Trương Phúc Loan chuyên quyền, lòng dân ly tán, họ Trịnh nhân cơ hội này đánh chiếm Phú Xuân, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ, dấy binh, tiến chiếm Qui Nhơn, rồi Quảng Nam. Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1766-1777) cùng cháu là Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy vào Gia Định.

-         Nguyễn Nhạc được chúa Trịnh phong làm Tiên Phong Tướng Quân, Tây Sơn Hiệu Trưởng. Nguyễn Huệ được phong làm Tây Sơn Hiệu Tiên Phong Tướng Quân.

-         Năm 1777 Nguyễn Nhạc được Trịnh Sâm phong làm Quảng Nam Trấn Thủ, Tuyên Úy Đại Sứ, Cung Quận Công.

-         Năm 1778 sau khi Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ lấy xong đất Gia Định, Nguyễn Nhạc sửa lại thành Đồ Bàn (kinh thành cũ của Chiêm Thành, tự xưng đế, đặt niên hiệu là Thái Đức, phong cho Nguyễn Lữ làm Tiết Chế, Nguyễn Huệ làm Long Nhương Tướng Quân.

-         Năm 1789 Nguyễn Phúc Ánh xưng vương chống lại quân Tây Sơn, bị quân Tây Sơn đánh bại, phải chạy ra đảo Phú Quốc, rồi đảo Côn Lôn, rồi qua Bangkok cầu viện. Quân Xiêm bị Nguyễn Huệ đánh bại ở Mỹ Tho. Nguyễn Ánh nhờ Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện.

-         Năm 1786 Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân rồi tiến dần vào thành Thăng Long năm 1786, chấm dứt quyền hành của họ Trịnh ở Đàng Ngoài.

-         Vua Lê Hiển Tông phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyên Soái Uy Quốc Công, gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Vua Hiển Tông qua đời, hoàng tôn là Duy Kỳ lên nối ngôi đặt niên hiệu là Chiêu Thống.

-         Nguyễn Nhạc nghe tin Nguyễn Huệ đã chiếm Thăng Long sợ gặp khó khăn, vội vã đem quân ra Thăng Long, mời vua Chiêu Thống sang phủ đường, Nguyễn Nhạc ngồi giữa, Chiêu Thống ngồi bên trái, Nguyễn Huệ ngồi bên phải. Xong anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ trở về Qui Nhơn.

-         Ở Đàng Ngoài vua Lê Chiêu Thống phong cho Trịnh Bồng làm Án Đô Vương, lập lại phủ Chúa. Nguyễn Hữu Chỉnh lợi dụng tình thế chuyên quyền ở đất Bắc, dẹp họ Trịnh. Trịnh Bồng đi tu, không biết về sau mất ở đâu.

-         Nguyễn Nhạc về Tây Sơn tự xưng là Trung Ương Hoàng Đế, phong cho Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương trấn cứ vùng Gia Định, phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương ở đất Thuận Hóa, lấy đèo Hải Vân làm ranh giới. Chẳng bao lâu Nguyễn Nhạc Nguyễn Huệ hiềm khích lẫn nhau, Nguyễn Huệ đem quân vào đánh Nguyễn Nhạc tại Qui Nhơn, Nguyễn Hữu Chỉnh lợi dụng tình thế bành trướng thế lực ở đất Bắc, bị quân Nguyễn Huệ bắt về Thăng Long trị tội. Vua Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu cứu.

-         Năm 1788 Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ được tin quân Thanh đã đến đóng quân tại Thăng Long, lập đàn ở núi Bàn Sơn lên ngôi Hoàng Đế, thống lãnh binh mã ra Bắc, tiêu diệt quân Thanh trên đường đến Thăng Long và trong trận đánh lịch sử Đống Đa ngày 25-1-1789. Quan quân Trung Hoa chạy về nước, vua Chiêu Thống đi theo, bị vua Càn Long đối đãi không mấy tử tế, buồn rầu mà chết năm 1793, hưởng thọ 23 tuổi.

-         Sau khi đánh bại quân Thanh, để có thì giờ chỉnh đốn việc nước, vua Quang Trung cho đem cống phẩm đến Yên Kinh chầu vua Thanh, dâng biểu xin phong, được vua Thanh đồng ý phong làm An Nam Quốc Vương, nhưng vẫn tự xử theo cách hoàng đế, lập Ngọc Hân làm Bắc Cung Hoàng Hậu, lập Quang Toản làm Thái Tử, chuẩn bị cho những trận chiến có thể xảy ra sau này với nhà Thanh.

-         Đông Định Vương Nguyễn Lữ cai quản vùng Gia Định, bị quân Nguyễn Ánh tấn công phải chạy về Qui Nhơn rồi mất tại đó năm 1787. Trung Ương Hoàng Đế Nguyễn Nhạc đóng đô ở Đồ Bàn, Qui Nhơn, kinh đô cũ của Chiêm Thành bị Nguyễn Ánh tiếp tục tấn công, qua đời năm 1793. Quang Trung Hoàng Đế Nguyễn Huệ đóng đô ở Phú Xuân, định dời đô ra Nghệ An nhưng qua đời ngày 16-9-1792, nhường ngôi lại cho con là Quang Toản mới được 10 tuổi, việc triều chính do Bùi Đắc Tuyên quyết đoán, nội bộ phân hóa, sát hại lẫn nhau.

-         Nguyễn Ánh liên tục tấn công Tây Sơn, năm 1799 chiếm Qui Nhơn đổi thành Bình Định, tháng 3 năm 1801 chiếm toàn bộ đất đai xứ Đàng Trong, tháng 6 năm 1801 chiếm Phú Xuân, năm 1802 chiếm toàn bộ đất đai Đàng Ngoài. Triều đình Tây Sơn sụp đổ. Nhà Tây Sơn khởi đầu từ năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế được 24 năm cho đến năm 1802, nhưng Nguyễn Nhạc chỉ làm vua từ Quảng Nam trở vào, còn từ Phú Xuân trở ra vẫn thuộc nhà Lê. Đến năm 1788 vua Quang Trung xưng đế hiệu, đánh thắng quân Thanh, lấy lại Đàng Ngoài, thống nhất đất nước, cầm quyền 14 năm.

 

50.  Tình hình Phật Giáo thời Tây Sơn như thế nào?

-         Vua Quang Trung nhận thấy chùa chiền thì đông mà tăng ni phần nhiều thiếu học, ít đạo hạnh, nên bắt bỏ những chùa nhỏ ở làng, đem vật dụng xây chùa lớn tại huyện lỵ, rồi mời những vị tăng ni học thức, đạo hạnh làm trú trì, hoằng truyền Phật đạo.

-         Biến cơ sở chùa chiền nếu thấy không cần thiết thành trường học.

 

51.  Tình hình chính trị Việt Nam dưới thời Nguyễn như thế nào?

-         Chúa Nguyễn Ánh sau khi đánh thắng quân Tây Sơn, thống nhất Nam Bắc, lên ngôi vua, hiệu Gia Long, Thế Tổ, vua đầu tiên của Triều Nguyễn (1802-1945), đóng đô tại Phú Xuân, Huế.

-         Nhà Nguyễn gồm 9 Chúa: Nguyễn Hoàng (1600-1613), Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691), Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Nguyễn Phúc Trú (1725-1738), Nguyễn Phúc Khoát (1738-1763), Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777), 12 Vua: Nguyễn Phúc Ánh, Thế Tổ Cao Hoàng Đế, hiệu Gia Long (1802-1819), Thánh Tổ Minh Mạng (1820-1840), Hiến Tổ Thiệu Trị (1841-1847), Dực Tông Tự Đức (1847-1888), Hiệp Hòa Phế Đế (4 tháng), Kiến Phúc Giảng Tông Nghị Hoàng Đế (8 tháng), vua Hàm Nghi (lên ngôi 1884, bị quân Pháp bắt năm 1888 lúc đó vua mới 18 tuổi, bị đày sang Algérie năm 1889), Cảnh Tông Đồng Khánh (1885-1888), Thành Thái Phế Đế (lên ngôi 1888 bị Pháp bắt thoái vị năm 1907 rồi đày sang đảo Réunion), Duy Tân Phế Đế (lên ngôi năm 1907 bị Pháp ra đảo Réunion năm 1916), Vua Khải Định (1916-1925), vua Bảo Đại (1932-1945). Từ năm 1925 đến 1932 vua Bảo Đại du học bên Pháp, quyền hành nhà vua được giao cho Phụ Chánh Thân Thần Tôn Thất Hân.

-         Vua Gia Long: (1802-1819), sau khi lên ngôi, gửi sứ qua Trung Quốc xin phong và xin đổi quốc hiệu là Nam Việt, nhưng không muốn lẫn lộn với Nam Việt của Trung Quốc trước đây nên đổi là Việt Nam. Danh xưng Việt Nam bắt đầu từ thời kỳ đó. Năm 1804 đem cống phẩm và từ đó cứ 3 năm một lần sang Trung Quốc triều cống…

-         Việt Nam bảo vệ Chân Lạp, liên hệ thương mãi với Pháp, nhưng từ chối liên hệ thương mãi với Anh. Năm 1817 chiến thuyền Cybèle của Pháp vào Đà Nẵng, thuyền trưởng De Kergarion yêu cầu Việt Nam thi hành thỏa ước giữa Bá Đa Lộc và vua Louis XVIII, vua Gia Long từ chối nói thỏa ước ấy người Pháp trước đây không thi hành.

-         Vua Gia Long cải tổ triều chính theo mô hình nhà Lê đặc biệt nhà Thanh, lập Văn Miếu thờ đức Khổng Tử, đặt Quốc Tử Giám tại kinh đô để dạy con các quan và các tử sĩ, cho ra đời cuốn Nhất Thống Địa Dư Chí (1806). Hoa Tiên, Thúy Kiều xuất hiện. Vua thực hiện qui chế bốn không: không Tể Tướng, không Hoàng Hậu, không Trạng Nguyên, không phong tước vương cho người ngoài hoàng tộc.

-         Vua Gia Long là người kiên trì, dũng mãnh đã thành công trước muôn trở lực, nhưng khi thành công lại quá đa nghi, giết hại, phế bỏ công thần. Quyết định cho nước Pháp liên hệ thương mãi mà không cho nước Anh buôn bán là quyết định dựa vào tình cảm nhiều hơn lý trí, khiến nước Pháp trở thành độc quyền, một tai họa về sau.

-         Vua Minh Mạng (1820-1840) thay vua Gia Long lên ngôi năm 1820 là ông vua cần mẫn, chăm lo việc nước, tinh thâm Nho học, sung thượng Khổng Mạnh, nghiêm cấm và trừng trị người theo đạo Gia Tô, giống như vua Philippe II nước Bồ Đào Nha, vua Louis XIV nước Pháp giết hại dân không đồng tín ngưỡng. Việc cấm đạo không có hiệu quả nên năm 1838 vua gửi sứ thần sang Pháp điều đình với chính phủ Pháp, nhưng vì lời yêu cầu của Phái Đoàn Truyền Giáo Nước Ngoài nên vua Louis Phillippe không tiếp phải trở về tay không, khi về đến Huế thì vua Minh Mạnh đã qua đời.

-         Vua Minh Mạng không giao thiệp với nước ngoài, ngoại trừ Trung Quốc, lâu đài văn minh Khổng Giáo. Theo mô hình Khu Mật Viện nhà Tống, Quân Cơ Xứ nhà Thanh, vua cho lập Cơ Mật Viện năm 1834, gồm 4 thành viên, đeo kim bài (Kim Bài khởi đầu từ thời kỳ này). Năm 1836 lập Tôn Nhơn Phủ, chỉ định quan coi việc trong họ nhà vua, giúp đỡ hoàng tộc, đặt cấp bậc quan từ nhất phẩm đến cửu phẩm với lương bổng sai biệt. Vua trọng dụng những người có văn học, tổ chức thi cử, lập Quốc Sử Quán, sửa đổi phong tục tập quán, chỉnh đốn quốc phòng, cải cách ruộng đất.

-         Thời vua Minh Mạng có nhiều cuộc nổi dậy, đặc biệt cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành (1821-1827) tỉnh Thái Bình, Lê Duy Lương (1833-1834) con cháu nhà Lê, Lê Khôi (1833-1835) ở Gia Định, Nồng Văn Văn (1833-1835) ở Tuyên Quang.

-         Vua không giao thiệp với các nước Tây Phương, đánh nhau với Xiêm La vì vấn đề Lào. Việt Nam bảo hộ Lào, Chân Lạp. Vua băng hà, năm 1840, thọ 50 tuổi, làm vua được 21 năm.

-         Vua Thiệu Trị (1841-1847) tính tình thuần hòa, giản dị, không có sáng kiến, canh tân đặc biệt. Về mặt đối ngoại vua phải đánh nhau với Xiêm về Chân Lạp, dẹp những vụ nổi loạn tại Chân Lạp, dẹp quân phiến loạn Lâm Sơn cùng các sư sãi gốc Chân Lạp tại Trà Vinh. Năm 1847 hai chiến thuyền Pháp đến Đà Nẵng yêu cầu triều đình bỏ chỉ dụ cấm đạo, để cho người trong nước tự do theo đạo, rồi bắn đắm tất cả tàu bè Việt vây quanh hai chiến thuyền. Vài tháng sau vua qua đời hưởng thọ 37 tuổi làm vua được 7 năm.

-         Vua Tự Đức (1847-1888) lên ngôi năm 1847, thông minh, hiền lành, hiếu thảo, cần mẫn, hiếu học, vây quanh bởi một số quần thần chỉ biết văn chương, nghiên bút, chỉ biết Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu, ngoài ra không xem thiên hạ ra gì. Những bài tấu trình của Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Đĩnh đều bị quần thần dẹp bỏ mặc dù vua Tự Đức khuyên nên cẩn thận, suy nghĩ chín chắn, nên làm thế nào cho tiến bộ, vì không tiến tức phải thoái. Ngay sau khi nước Pháp đã chiếm lấy đất miền nam mà các quan lại cũng vẫn khư khư không thay đổi. Dầu sao là vị vua nên không tránh khỏi trách nhiệm đối với tình trạng Việt Nam lúc bấy giờ.

-         Vua Tự Đức thi hành chính sách bế quan, tỏa cảng, cấm đạo nghiêm khắc, một ông vua hay chữ nhất nhà Nguyễn, trọng Nho học, lập Tập Hiền Viện, Khai Kinh điện cùng các quan luận bàn sách vở, làm thơ phú, nói chuyện chính trị, cho soạn bộ Khâm Định Việt Sử từ đời thượng cổ cho đến hết nhà Hậu Lê, thi hành chính sách quyền tự trị của xã, ấp.

-         Quân Pháp đánh Đà Nẵng năm 1856, đánh Gia Định năm 1859, chiếm tỉnh Định Tường năm 1861, chiếm tỉnh Biên Hòa, và Vĩnh Long năm 1862, ký Hòa Ước năm Nhâm Tuất, 1862, nước Việt Nam nhường cho nước Pháp 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Năm 1867 quân Pháp chiếm luôn ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Sáu tỉnh miền nam trở thành thuộc địa của Pháp.

-         Thời vua Tự Đức là thời nhiễu loạn nhất: Tàn quân của Thái Bình Thiên Quốc Trung Hoa chạy đến Việt Nam cướp phá, giặc Tam Đường năm 1831, giặc Châu Chấu vì nạn châu chấu xảy ra khi Cao Bá Quát nổi loạn năm 1854, giặc Tạ Văn Phụng theo giáo sĩ ra ngoại quốc học đạo, sau theo trung tướng Charner đánh Quảng Nam năm 1861 và các nơi khác, giặc Nguyễn Văn Thịnh, theo Tạ Văn Phụng nổi loạn năm 1862, giặc Nông Hùng Thạc và giặc Khánh Lý Hợp Thắng tại Tuyên Quang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Thái Nguyên năm 1863. Ở mạn thượng du thì giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, giặc Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh. Ngoài thì giặc giã, trong cung thì nghịch thần làm loạn, nước Pháp nhân cơ hội này dần dần chiếm đất Bắc rồi đất miền Trung. Hà Nội thất thủ năm 1873, rồi Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hòa Ước năm Giáp Tuất, 1874 được ký kết, trong đó có nhiều khoản, đặc biệt là Việt Nam phải nhường 6 tỉnh miền nam cho nước Pháp, Việt Nam phải cho giáo sĩ quyền tự do truyền đạo v.v… nước Pháp trả lại Hà Nội và những tỉnh chiếm được cho Việt Nam.

-         Phẫn uất trước cái nhục mất nước, sĩ phu Nghệ Tĩnh cho giáo dân đã giúp quân Pháp chiếm lãnh thổ, năm 1874 hội họp lập nhóm Văn Thân, làm hịch Bình Tây Sát Tả, đốt phá những làng theo đạo. Quân triều đình phải mất 4 tháng mới dẹp yên được. Năm 1882 Pháp nói giấy thông hành do chính quyền Việt Nam cấp không được tôn trọng tại miền Bắc, nên quân Pháp tiến chiếm miền Bắc lần thứ hai, lấy Nam Định, rồi Hải Phòng, Hà Nội. Việt Nam cầu cứu Trung Quốc, không biết Trung Quốc lúc bấy giờ là một hoạn phu, không đứng vững trước những thế lực Tây Phương làm sao giúp được Việt Nam! Trong tình trạng biến loạn, năm 1883 vua Tự Đức băng hà, thọ 55 tuổi, trị vì được 36 năm.

-         Vua Dục Đức, cháu của vua Tự Đức (vua Tự Đức không có con) làm vua được 3 ngày thì bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết truất phế lập Lạng Quốc Công, em vua Tự Đức lên làm vua hiệu là Hiệp Hòa, đem Dục Đức giam ở giảng đường Dục Đức.

-         Quân Pháp đánh cửa Thuận an, Hòa Ước Quý Mùi 1883 ra đời, Việt Nam chấp nhận quyền bảo hộ của người Pháp, tỉnh Bình Thuận thuộc về Nam Kỳ, quân Pháp đóng ở đèo Ngang và Thuận An. Từ tỉnh Khánh Hòa đến Đèo Ngang thuộc quyền cai trị của triều đình Huế.

-         Vua Hiệp Hòa làm vua được 4 tháng bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cho uống thuốc độc chết (nên gọi là Phế Đế) vì có khuynh hướng chấp nhận quyền cai trị của Pháp, rồi tôn Dưỡng Thiện con nuôi thứ ba của vua Tự Đức lên làm vua hiệu là Kiến Phúc, mới 15 tuổi, công việc triều chính đều nằm trong tay Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Quân Pháp tiếp tục tiến chiếm Ninh Bình năm 1883, Sơn Tây tháng 9, Bắc Ninh ngày 11 tháng 2, 1884, Thái Nguyên ngày 23 tháng 2, 1884, Hưng Hóa ngày 17 tháng 3, 1884, Tuyên Quang ngày 3 tháng 5, 1884. Hòa Ước Fournier được ký kết tại Thiên Tân ngày 18 tháng 4, 1884 (rồi Hòa Ước Thiên Tân lần thứ hai ký kết ngày 27 tháng 4 năm Ất Dậu, 1885) trong đó Trung Quốc thuận để cho nước Pháp được tự do sắp xếp mọi việc ở Việt Nam. Tiếp theo là Hòa Ước Patenôtre do Patenôtre, Nguyễn Văn Tường, Phạm thận Duật, Tôn Thất Phan ký ngày 6 tháng 6 năm 1884. Hòa Ước Patenôtre đại lược không khác mấy Hòa Ước Quí Mùi 1883 của ông Harmand, chỉ đổi khoản nói về tỉnh Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa thuộc Trung Kỳ dưới quyền bảo hộ Pháp, Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Vua Kiến Phúc làm vua được 6 tháng thì mất vì bệnh ngày 6 tháng 4, 1884.

-         Vua Hàm Nghi do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chọn lên làm vua năm 12 tuổi. Năm 1886 vua theo Tôn Thất Thuyết hoạt động chống Pháp, bị bắt ngày 13 tháng 11 năm 1888, bị đầy sang Algérie ngày 13 tháng 1 năm 1889 lúc 18 tuổi. Trong thời gian vua Hàm Nghi hoạt động chống Pháp, không ở kinh đô, triều đình và Pháp lập vua Đồng Khánh lên ngôi năm 1886. Vua Đồng Khánh băng hà năm 1888. Bửu Lân con vua Dục Đức lên ngôi hiệu Thành Thái. Năm 1907 vua Thành Thái bị Pháp bắt thối vị rồi đưa sang Réunion. Con thứ của vua Thành Thái lên ngôi lúc 8 tuổi, hiệu Duy Tân năm 1907, bị bắt năm 1916 rồi đưa sang Réunion. Vua Khải Định lên ngôi năm 1916, mất năm 1925. Con vua Khải Định, sang Pháp du học trở về nước chấp chánh năm 1932, hiệu Bảo Đại. Trong thời gian du học, việc nước giao cho Phụ Chánh Thân Thần Tôn Thất Hân đảm trách. Vua Bảo Đại thoái vị năm 1945 nhường quyền cho Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

 

52.  Tình hình Phật Giáo dưới thời Nguyễn ra làm sao?

-         Các vua triều Nguyễn đều có lòng mộ đạo, xây dựng, tu bổ chùa tháp, nhưng tinh thần chỉ đạo dựa vào Nho Giáo. Vua quan, dân chúng chú ý đến Phật Giáo qua hình thức cúng lễ, cầu đảo. Tăng Ni đến với Phật Giáo vì cuộc thế nhiễu nhương, vì bất hạnh hơn là những bậc mộ đạo, nuôi chí xuất trần, hoằng truyền chánh pháp.

-         Vào thời kỳ chống Pháp Tăng Ni Phật Tử trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào các phong trào chống Pháp như phong trào Cần Vương và các đảng cách mạng như Duy Dân, Đại Việt, Quốc Dân Đảng, Việt Minh.

-         Ảnh hưởng phong trào chấn hưng Phật Giáo do Tích Lan (Dhammapala), Trung Quốc, (Thái Hư đại sư) đề xướng, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học ra đời ở Nam Kỳ năm 1931, Hội Phật Học Trung Kỳ năm 1932, Bắc Kỳ Phật Giáo Tổng Hội năm 1934.

-         Tại Bắc Kỳ trường Phật Học dành cho Tăng được thành lập tại chùa Quán Sứ, trường Ni tại chùa Bồ Đề. Ở Trung có Phật Học Viện Tây Thiên, Phật Học Đường Báo Quốc, trường Ni ở chùa Diệu Đức, trong Nam có Phật Học Viện do Hội Lưỡng Xuyên Phật Học Trà Vinh tổ chức. Báo chí Phật Giáo ra đời: Báo Từ Bi Âm, Duy Tâm ở Nam Kỳ, báo Viên Âm ở Huế, báo Đuốc Tuệ tại Hà Nội.

 

53.  Chính tình Việt Nam từ thập niên 1940 đến ngày ký Hiệp Định Genève chia đôi đất nước như thế nào?

- Ngày 19 tháng 6,1940 quân đội Ðức Quốc Xã tiến chiếm Paris.Cũng trong thời điểm này quân Nhật tiến chiếm nhiều vùng đất Trung Hoa.

- Năm 1941 Mặt Trận Việt Minh ra đời.

- Ngày 15 tháng 8,1945 Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Ðồng Minh.Ngày 23 vua Bảo Ðại thoái vị làm cố vấn tối cao cho nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với tư cách công dân Vĩnh Thụy.Ngày 2 tháng 9 chính phủ VNDCCH ra đời.Quân đội Anh đổ bộ lên Sài Gòn giải giới quân đội Nhật rồi trao quyền lại cho Pháp.

- Tháng 5 Hồ Chí Minh đi Pháp tham dự Hội Nghị Fountainbleau,ký Hiệp Ước Sơ Bộ với Pháp,cho quân đội Pháp được trú đóng tại Việt Nam một thời gian.

- Tháng 6 Ðô Ðốc Thierry d’Argenlieu,Cao Ủy Pháp tại Ðông Dương thành lập chính phủ Nam Kỳ Tự Trị.

- Năm 1946 Cố Vấn Vĩnh Thụy đi Trùng Khánh rồi ở lại Hồng Kông không về nước.

- Năm 1948 giải pháp Bảo Ðại ra đời với sự thành lập chính phủ Trung Ương Lâm Thời tại Sài Gòn do Nguyễn Văn Xuân làm Thủ Tướng.

- Ngày 8 tháng 3,1949 cựu Hoàng Bảo Ðại và Tổng Thống Pháp Vincent Auriol ký thỏa ước chấp nhận nước Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp.

- Ngày 7 tháng 2, 1950 Hoa Kỳ và Anh Quốc đặt liên hệ ngoại giao với chính quyền Bảo Đại. Ngô Đình Diệm lên đường đi La Mã dự lễ Năm Thánh, yết kiến Giáo Hoàng, rồi bay qua Mỹ gặp Hồng Y Spellman, giòng Franciscain, sau trở về La Mã rồi đi Thụy Sĩ, Bỉ, Pháp. Năm 1951 ông Diệm trở về Mỹ, hai năm sống trong tu viện Maryknoll tại Lakewood (New Jersey) và Ossining (New York).

- Tháng 2 năm 1951, Hồ Chí Minh trong chiến khu, đổi tên đảng Cộng Sản thành đảng Lao Động, thành lập Mặt Trận Liên Việt.

- Tháng 8 năm 1952 Trần Văn Hữu từ chức, Trần Văn Tâm, thân phụ của tướng Trần Văn Hinh trong quân đội Pháp được Bảo Đại ủy nhiệm thay thế.

- Tháng 5, 1953 ông Diệm từ giã Hoa Kỳ về Pháp, đến Bỉ cư trú tại tu viện Bénédictine de St. André-les-Purges, trở về Paris năm 1954, sống ở nhà ông Tôn Thất Cẩn, trước khi Hội Nghị Genève khai mạc.

 

54.  Ông Ngô Đình Diệm được Quốc Trưởng Bảo Đại mời làm Thư Tướng vào thời điểm nào?

- Ngày 16 tháng 6,1954 Quốc Trưởng Bảo Ðại bổ nhiệm ông Ngô Ðình Diệm làm Thủ Tướng,sau lời thề “Tận trung báo quốc”trước mặt Quốc Trưởng.

- Ngày 26 tháng 6,1954 ông Diệm từ Paris trở về Sài Gòn.Ngày 7 tháng 7,1954 Nội Các Ngô Ðình Diệm gồm 14 nhân vật sáng giá,đầu tiên ra đời.Một năm sau,trong số 14 vị chỉ còn 2 vị là không chống đối ông Ngô Ðình Diệm.

- Hiệp Ðịnh Genève ký kết ngày 20 tháng 7,1954,tạm thời chia đôi đất nước Việt Nam chờ ngày Tổng Tuyển Cử dự trù vào mùa hè năm 1956.

 

55.  Thủ Tướng Ngô Đình Diệm có giữ lời thề Tận Trung Báo Quốc?

- Ngày 20 tháng 10,1955 Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm tổ chức Trưng Cầu Dân Ý truất phế Bảo Ðại,kết quả Thủ Tướng được 98% phiếu,Quốc Trưởng Bảo Ðại 1.1%.Tại Sài Gòn với số cử tri 450,000,Thủ Tướng nhận được 605,000 phiếu.Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của nuớc Việt Nam Cộng Hòa.

 

56.  Những tai biến trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

- Ngày 21 tháng 5,1957 Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị ám sát hụt tại Ban Mê Thuột.

- Ngày 26 tháng 4,1960 nhóm Caravelle công bố lập trường và nguyện vọng gửi cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.

- Ngày 11 tháng 1,1960 lực lượng Nhảy Dù do Ðại Tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu đứng lên đảo chánh.

- Tháng 12 năm 1960 Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra đời.

- Ngày 27-2-1962 hai sĩ quan không quân ném bom Dinh Ðộc Lập.

- Cuối năm 1962 tình hình an ninh khắp nơi, đặc biệt tại vùng IV rất đen tối,chỉ trong 15 ngày 50 Ấp Chiến Lược bị phá hủy.Ngày 3 tháng1,1963 trận đánh Ấp Bắc bắt đầu,quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị thiệt hại nặng nề.

- Ngày 1 tháng 11,1963,quân đội đứng lên đảo chánh,Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, ông Ngô Ðình Nhu,ông Ngô Ðình Cẩn đều bị giết.

 

57.  Vào thời điềm này tình hình Phật Giáo ra làm sao?

- Năm 1949 Ðoàn Phật Học Ðức Dục ra đời.Năm 1941 Phật Học Tùng Thư bắt đầu xuất bản công trình biên khảo,nghiên cứu sáng tác về các chủ đề Phật Giáo.Ngày 14 tháng 3,1943Gia đình Phật Hoá Phổ ra đời,tiền thân của Gia Ðình Phật Tử.Ngày 28 tháng 5,1947 Ban Hướng dẫn Lâm Thời của Gia Ðình Phật Tử miền Trung được thành lập tại Huế.

- Các Phật Học Viện hoạt động tại Hà Nội,Huế,Nha Trang,Sài Gòn.

- Năm 1950 Phật Giáo Việt Nam gửi phái đoàn tham dự Ðại Hội Phật Giáo Thế Giới tại Colombo,Tích Lan,thành lập Hội Phật Giáo Thân Hữu Thế Giới(World Fellowship of Buddhists).

- Ngày 6 tháng 5,1951 6 tập đoàn Phật Giáo Việt Nam gồm Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt,Hội Phật Giáo Bắc Việt,Giáo Hội Tăng Già Trung Việt,Hội Phật Học Trung Việt,Giáo Hội Tăng Già Nam Việt,Hội Phật Học Nam Việt quy tụ tại chùa Từ Ðàm Huế,thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam,tạp chí Phật Giáo Việt Nam ra đời.Sau đây là lời kêu gọi thống nhất của tờ Phật Giáo Việt Nam:“Hỡi các nhà lãnh đạo các tập đoàn Phật Giáo trong Tổng Hội và Ngoài Tổng Hội!Quần chúng Phật Tử đang nhìn vào liệt vị.Phật tử Việt Nam ước ao thống nhất và đại đoàn kếttrong tinh thần lục hòa xây dựng liệt vị đừng đi trái nguyện vọng của Phật tử chúng tôi!Trách nhiệm nặng nề một phần lớn là ở nơi liệt vị.Lịch sử Phật Giáo Việt Nam sau này sẽ ghi tên liệt vị.Công hay tội là do ở chúng ta có sáng suốt và thành thực trong sự xây dựng thống nhất hay không…Hàng triệu con mắt đang đổ dồn về liệt vị.Hãy tỏ ra xứng đáng là những nhà lãnh đạo sáng suốt để khỏi phụ lòng mong mỏi của chúng tôi.”

- Năm 1952 Tổng Hội Phật Giáo bắt đầu gởi Tăng sinh du học ngoại quốc:Tích Lan, Ấn Ðộ,Anh,Pháp,Nhật.

 

58.  Xin cho phép ngứt ngang ở đoạn này để hỏi xem lời kêu gọi thống nhất Phật Giáo cách đây hơn nửa thế kỷ đến bây giờ đã bước được đoạn đường nào?  Tại sao khó khăn như vậy?

- Ước vọng thống nhất Phật Giáo năm 1951cũng như năm nay 2003 vẫn tha thiết,vẫn phổ cập,nhưng con đường thống nhất thực là gập ghềnh,trắc trở.Nếu quyết tâm dồn khả năng,phuơng tiện,với một đội ngũ hoằng pháp hùng hậu được trang bị bằng niềm tin,bằng kỹ thuật truyền thông đi khắp hang cùng ngõ hẻm thì có thể vượt qua được.

 

59.  Xin trở lại tình hình Phật Giáo từ thập niên 1940.

- Quốc Trưởng Bảo Ðại bị truất phế từ năm 1955 nhưng Ðạo Dụ số 10 do ông ký ngày 6-8-1950 vẫn được chính quyền Ngô Ðình Diệm thi hành. Ðạo Dụ này không ràng buộc Công Giáo vào thể chế hiệp hội và cho phép kềm chế các tôn giáo khác.

- Vào thập niên 1950-1960 Tăng Ni bị hạn chế hoạt động Phật sự tại địa phương.Nhiều Phật Tử bị bắt,bị ép cải đạo.Nhiều gia đình nhất là ở vùng Dinh Ðiền,Khu Trù Mật không dám thờ Phật ở nhà giữa,không dám đánh chuông đánh mõ khi tụng kinh.Nhiều Phật Tử,nhất là Phật Tử có máu mặt,bị vu khống thiên cộng hay theo cộng để nếu rửa tội thì được tha.

- Năm 1957 chính quyền ra lệnh bãi bỏ ngày Phật Ðản ra khỏi ngày lễ chính thức trong năm,sau nhờ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam kêu gọi,vận động mới được phục hồi vào năm 1958.

 

60.  Vụ treo cờ Phật Giáo tại Huế nhân ngày Phật Đản năm 1963 xảy ra như thế nào?

- Ngày 7 tháng 5,1963 tức là ngày 14 tháng 4 Âm Lịch,dân chúng,chùa chiền treo cờ,trần thiết bàn Phật,lễ đài chuẩn bị ngày Ðại Lễ Phật Ðản,thì vào lúc 5 giờ chiều lực lượng cảnh sát thành phố Huế,theo lệnh khẩn cấp từ Sài Gòn đánh ra,đã đi khắp thành phố ra lệnh cho dân chúng tháo bỏ tất cả những lá cờ Phật Giáo.Sau sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng trước tòa Tỉnh,Tỉnh Trưởng Thừa Thiên Nguyễn Văn Ðẳng nói cảnh sát Huế làm sai thượng lệnh,cho đồng bào Phật Tử treo cờ trở lại.

- Lễ Phật Ðản sáng ngày 8 tháng 5,1963 được cử hành suông sẻ tại chùa Từ Ðàm dù trong không khí căng thẳng.Chiều đến theo thường lệ dân chúng tập trung tại Ðài Phát Thanh Huế để nghe băng thu thanh lễ Phật Ðản buổi sáng.Họ đợi mãi quá 8 giờ,giờ thường lệ phát thanh,vẫn không có chương trình phát thanh đặc biệt mà chỉ là những ca nhạc bình thường.Thượng Tọa Trí Quang đến hỏi lý do, được biết theo lệnh thượng cấp, Ðài không thể phát thanh chương trình Phật Ðản. Ông Tỉnh Trưởng đến cùng hòa thượng Trí Quang vào nói chuyện với ban phát thanh,ở ngoài đường,xe cứu hỏa,xe thiết giáp,hiến binh,cảnh sát,quân đội bao quanh quần chúng Phật Tử,xe cứu hỏa xịt nước giải tán ,lựu đạn cay,đạn mã tử,lựu đạn thật nổ tung,xe thiết giáp cán người.Kết quả 8 người chết,nhiều người bị thương.Sáng hôm sau chính quyền loan tin Việt Cộng đã trà trộn trong đám đông Phật tử trước Ðài Phát Thanh và đã ném lựu đạn gây chết và bị thương,rồi sau đó lại tung tin là nhân viên CIA Mỹ ném lựu đạn để gây sự chia rẽ và hận thù giữa chính quyền và Phật Tử trong âm mưu loại bỏ chính quyền Ngô Ðình Diệm.

 

61.  Cộng Sản, CIA ném lựu đạn vào quần chúng Phật Tử trước Đài Phát Thanh Huế?

- Giáo sư bác sĩ người Ðức Erich Wulff chứng kiến biến cố tại Ðài Phát Thanh Huế đêm 8-5-1963 làm 8 phật tử bị chết và nhiều người bị thương,trình bày khá đầy đủ chi tiết trước Ủy Ban điều Tra của Liên Hiệp Quốc vào tháng 9,1963 và được trình bày trong cuốn Những Năm Dạy Học tại Việt Nam(Vietnamesische Lehrjahre)cho thấy 5 xác chết không đầu,một phụ nữ có vết đạn bắn vào tay và cổ.Giáo sư Krainick là người chụp những tấm hình thê thảm ấy.

- Lựu đạn của Cộng Sản hay của CIA làm sao cắt đứt đầu của những em bé ấy?

 

62.  Lệnh không cho treo cờ tôn giáo ngoài khuôn viên cơ sở tôn giáo là lệnh chung cho tất cả các tôn giáo tại Việt Nam chứ riêng gì đối với Phật Giáo?

- Không hẳn như vậy,năm 1959 từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 2 nhân ngày tổ chức Ðại Hội Thánh Mẫu và lễ nâng nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn lên hàng Vương Cung Thánh Ðường dưới quyền chủ tọa của Hồng Y Agagianan, đạo diện tòa thánh La Mã,cờ tòa thánh, ảnh tượng đức mẹ trưng bày khắp thủ đô,tràn ngập cả công viên trước Dinh Ðộc Lập từ đường Công Lý đến tận sở thú.

- Ngày 17 tháng 8,1961 nhân lễ khánh thành Vương Cung Thánh Ðường La Vang,những khải hoàn môn trưng bày ảnh tượng Ðức Mẹ và cờ Thiên Chúa kéo dài từ thành phố Huế đến thành phố Quảng Trị.

- Lễ khánh thành ngôi nhà thờ do đức cha Ngô Ðình Thục xây cất tại Huế,lễ Ngân Khánh của đức cha vài tuần lễ trước ngày lễ Phật Ðản,cờ Thiên Chúa tràn ngập thành phố Huế.

- Vào ngày lễ Noel ngay cả doanh trại quân đội cũng treo đèn cờ Thiên Chúa.

 

63.  Sau vụ Đài Phát Thanh Huế, Phật Giáo đã phản ứng như thế nào?

- Ngày 10-5-1963 Phật Giáo gửi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bản nguyện vọng gồm 5 điểm: 1/Yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn lệnh triệt hạ giáo kỳ Phật Giáo. 2/Yêu cầu Phật Giáo được đối xử bình đẳng như Công Giáo,bãi bỏ đạo dụ số 10. 3/Yêu cầu chấm dứt tình trạng bắt bớ,khủng bố tín đồ Phật Giáo. 4/yêu cầu cho Tăng Ni Phật Giáo được tự do hành đạo và truyền đạo. 5/Yêu cầu bồi thường cho những nạn nhân vô tội và trừng trị những kẻ gây thương tích và tử thương.

- Tiếp theo bản nguyện vọng,được xem như là Tuyên Ngôn,một Phụ Bản Tuyên Ngôn ra đời ngày 15-5-1963 xác định lập trường: 1/Phật Giáo Việt Nam không chủ trương lật đổ chính phủ để đưa người của mình lên thay thế mà chỉ nhắm vào sự thay đổi chính sách của chính phủ. 2/Phật Giáo Việt Nam không có kẻ thù,không xem ai là kẻ thù cả.Ðối tượng của cuộc tranh đấu không phải là Thiên Chúa Giáo mà là chính sách bất công tôn giáo. 3/Cuộc đấu tranh của Phật Giáo đồ cho bình đẳng tôn giáo được đặt trong khuôn khổ của lý tưởng công bằng xã hội. 4/Cuộc tranh đấu của Phật Giáo đồ được thực hiện theo đường lối bất bạo động,chấp nhận hi sinh làm rung chuyển lòng người.Tăng Sĩ Phật Giáo Việt Nam noi gương Gandhi-vị thánh của sức mạnh bất bạo động,xác định đấu tranh theo luật định. 5/Phật Giáo Việt Nam không chấp nhận sự lợi dụng của bất cứ ai vào cuộc tranh đấu cho bình đẳng tôn giáo và công bình xã hội.Phật tử từ chối sự lợi dụng của những người cộng sản và những kẻ mưu toan chức vị chính quyền.

- Ngày 15 tháng 5 một phái đoàn của Tổng Hội Phật Giáo đến dinh Gia Long yết kiến Tổng Thống và trao cho Tổng Thống Bản Nguyện Vọng 5 điểm.Ngày 20 tháng 5 Phật Giáo trao cho chính quyền một tài liệu 45 trang nói rõ những vụ bắt bớ,đàn áp,tra tấn,thủ tiêu của chính quyền đối với Phật Giáo đồ.Ngày 26 tháng 5 một phái đoàn Phật Giáo đến phủ Tổng Thống trình Bản Tuyên Ngôn và Phụ Bản Tuyên Ngôn.

- Ngày 25 tháng 5,1963 Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo được thành lập,Thượng Tọa Tâm Châu làm chủ tịch để phối hợp,lãnh đạo cuộc vận động đòi bình đẳng và tự do tôn giáo.

- Ngày 11 tháng 6,1963 Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu tại ngả ba đường Lê Văn Duyệt và Phan Ðình Phùng lúc 10 giờ sáng.Trước khi tự thiêu Hòa Thượng để lại bức thư,nguyên văn như sau:

      “Tôi pháp danh Thích Quảng Ðức,Trú Trì chùa Quan Âm,Phú Nhuận,Gia Ðịnh.Nhận thấy Phật Giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa,tôi là một tu sĩ,mệnh danh là một trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật Giáo tiêu vong,nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công bảo tồn Phật Giáo.

       Mong ơn mười phương chư Phật,chu Ðại Ðức Tăng Ni cho tôi đạt thành ý nguyện sau đây:

       1/ Mong ơn Phật Tổ cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm sáng suốt chấp nhận 5 nguyện vọng tối thiểu của Phật Giáo Việt Nam ghi trong Bản Tuyên Ngôn.

       2/ Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật Giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.

       3/ Mong nhờ hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Ðại Ðức,Tăng Ni Phật Tử Việt Nam tránh khỏi nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ ác gian.

       4/ Cầu nguyện cho đất nước thanh bình quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật,tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.

Tôi thiết tha kêu gọi chư Ðại Ðức Tăng Ni Phật Tử nên đoàn kết nhất trí để bảo toàn Phật Giáo.”

 

64.  Cho phép em cắt ngang tại đây để nhờ giải đáp một thắc mắc: hành động tự thiêu cũng là hành động sát sinh, như vậy có phạm giới sát sinh không?

- Một trong những hạnh nguyện Bồ Tát là xả bỏ toàn thân mạng hay một phần của thân thể để cúng dường Tam Bảo,cúng dường chúng sanh,hộ trì Phật Pháp.Không làm tổn hại người,vật,nhưng đem hình hài của chính mình để dâng hiến.Nhiều chuyện tiền thân Phật đề cập đến hạnh nguyện này.

- Chắc em để ý thấy trên đầu của chư Tăng Ni, đôi khi Phật Tử có một cái thẹo,3 cái thẹo hay 9 cái thẹo tròn,đó là dấu hiệu đốt hương cúng dường Tam Bảo trong lễ thọ Sa Di,Tỳ Kheo,Tỳ Kheo Ni,Bồ Tát Giới.Trên bàn tay của một số Tăng Ni thiếu ngón cái,ngón chỏ,đôi khi ba ngón,đó là hành động đốt tay cúng dường mà Hòa Thượng Hư Vân,một danh tăng Trung Hoa và nhiều vị Tăng Ni khác đã làm.

- Hành động tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức là làm theo truyền thống ấy.Hành động đem thân xác mình làm ngọn đuốc cúng dường Tam Bảo,thức tỉnh Tổng Thống Ngô Ðình Diệm,là hành động cao cả nghĩ đến người mà không nghĩ đến mình.

 

65.  Thắc mắc kế tiếp: Dư luận cho rằng Hòa Thượng Thích Quảng Đức bị ép tự thiêu, bị tiêm thuốc trước khi tự thiêu?

- Tôi có cái duyên may trước khi xuất ngoại du học năm 1952, được Hòa Thượng lúc ấy làm Trú Trì chùa Phước Hòa,Bàn Cờ,Sài Gòn,thương mến cho ở chùa của Hòa Thượng trên một tháng.Niệm ân tình ấy nên khi về nước trước năm 1963,trước khi Hòa Thượng quyết tâm dâng hiến thân mình cho Chánh Pháp, đã có dịp gặp ngài.Quý thầy trong Giáo Hội,trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo biết hòa thượng phát nguyện tự thiêu đã hết sức cản ngăn.Hòa Thượng Thích Tâm Châu,Thích Trí Quang,Thượng Tọa Thích Thông Bửu đệ tử của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức,giáo sư Huỳnh Văn Hải hiện ở San José v.v…hiện vẫn còn sống có thể kiểm chứng-nhưng hòa thượng vẫn cương quyết để lại chúc thư,để lại những dòng tâm huyết gửi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm,gửi Tăng Ni Phật Tử,nên dù đau xót cũng phải thuận theo tâm nguyện của Hòa Thượng.Hòa Thượng ra đi thanh thản,không hận thù.Hình ảnh ngài ngồi giữa đống lửa,vững như bàn thạch xác chứng tâm  hồn thanh thỏa tự tại ấy.Không thương tưởng đến người dân,dù là Phật Tử không san sẻ sự bi thống của người hi sinh cho công bằng xã hội,bình đẳng tôn giáo còn mạ lị cho là nướng(barbacue),là bị tiêm thuốc,thật sự hơi quá đáng.Tuy vậy Phật Giáo trước những mạ lị ấy vẫn không hận thù,không oán trách.

- Ngọc lửa đốt thiêu thân xác của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức đã được thi sĩ Vũ Hoàng Chương cảm nhận một cách xâu xa trong bài Lửa Từ Bi:

 

 

                                 Lửa,lửa cháy ngất tòa sen

                                 Tám chính phương nhục thể trần tâm thiện

                                 Thành thơ,quỳ cả xuống.

                                 Hai vầng sáng rưng rưng

                                 Ðông Tây nhòa lệ ngọc

                                 chấp tay đón một mặt trời mới mọc

                                 Ánh đạo vàng phơi phới đang bừng lên

                                 dâng lên.

                                

                                 Ôi đích thực hôm nay trời có mặt

                                 Giờ là giờ hoàng đạo nguy nga

                                 Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt

                                 nhìn nhau:tình huynh đệ bao la.

                                 Nam Mô Ðức Phật Di Ðà

                                 Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay ?

 

                                 Thương chúng sinh trầm luân bể khổ

                                 Người rẽ phăng đêm tối đất dày

                                 bước ra ngồi nhập định hướng về Tây

                                 gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ

                                 Phật Pháp chẳng rời tay.

 

                                 Sáu ngả luân hồi sau đó

                                 mang mang cùng nín thở

                                 tiếng nấc lên từng nhịp bánh xe quay.

                                 Không khí vặn mình theo,khóc òa lên nổi gió

                                 Người siêu thăng…giông bão lắng từ đây

                                 Bóng người vượt chín từng mây

                                 Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ Ðề.

 

                                 Ngọc hay đá,tượng chẳng cần ai tạc

                                 lụa hay tre,nào khiến bút ai ghi

                                 chỗ người ngồi:một thiên thu tuyệt tác

                                 trong vô hình sáng chói nét từ bi.

 

                                 Rồi đây…rồi mai sau…còn chi?

                                 Ngọc đá cũng thành tro,lụa tre dần mục nát

                                 với thời gian,lê vết máu qua đi

                                 Còn mãi chứ,còn trái tim bồ tát

                                 dội hào quang xuống tận chốn A Tỳ.

                                

                                 Ôi ngọn lửa huyền vi…

                                 Thế giới ba nghìn,phút giây ngơ ngác

                                 Từ cõi vô minh

                                 Hướng về cực lạc

                                 Vần điệu thi nhân chỉ còn là rơm rác

                                 và cũng chỉ nguyện được là rơm rác

                                 thơ cháy lên theo với lời kinh

                                 Tụng cho nhân loại hòa bình

                                 Trước sau bền vững tình huynh đệ này.

 

                                 Thổn thức nghe lòng trái đất

                                 Mong thành quả phú về cây

                                 Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật

                                 Ðồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt

                                 Tình thương hiện tháp chín tầng xây.

 

66.  Xin trở lại tình hình 1963.

- Chiều ngày 11-6-1963 chính quyền ra lệnh phong tỏa các chùa,nhất là chùa Xá Lợi, Sài Gòn,nơi di thể của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức được an trí.

- Ngày 16-6-1963 Ủy Ban Liên Bộ và Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ra Bản Thông Cáo Chung. 1/Quy định thể thức treo cờ Quốc Gia và cờ Phật Giáo. 2/Tách các hiệp hội có tính cách tôn giáo ra khỏi đạo dụ số 10. 3/Cam kết không trả thù những người tham gia cuộc vận động thực hiện 5 nguyện vọng và điều tra các vụ khiếu nại của Phật Giáo. 4/Bảo đảm quyền tự do truyền giáo và hành đạo của Phật Tử. 5/Trừng phạt những người có trách nhiệm trong vụ thảm sát tại Ðài Phát Thanh Huế cùng bồi thường cho những gia đình các nạn nhân.

 

67.  Chính quyền có thi hành những lời cam kết được ghi trong Bản Thông Cáo Chung?

- Không.

- Ngày 18-6-1963 Văn Phòng Tổng Thống ra thông tư mật cho các cấp chính quyền theo dõi điều tra những thành phần Phật Giáo bất mãn và chuẩn bị kế hoạch phản công.Cũng ngày đó chính quyền thành lập một tổ chức Phật Giáo gọi là Phật Giáo Cổ Sơn Môn để đối phó với Tổng Hội Phật Giáo đồng thời gửi thư cho ông Chủ Tịch Hội Phật Giáo Liên Hữu Thế Giới buộc tội Tổng Hội Phật Giáo hoạt động chính trị.

- Ngày 26 tháng 6,1963 Tổng Thủ Lãnh của phong trào Thanh Niên Cộng Hòa, ông Ngô Ðình Nhu gửi tài liệu học tập cho tổ chức,nhấn mạnh: 1/Nội dung cũng như hình thức Bản Thông Cáo chung không phù hợp với chủ trương của Thanh Niên Cộng Hòa. 2/Bản Thông Cáo Chung trái với luật lệ hiện hành,chưa kể điều hết sức quan trọng là phủ nhận quyền của Tổng Thống trong vấn đề thả ra những người bị bắt bớ.

- Chính phủ tổ chức cuộc biểu tình của 100 thương phế binh trước chùa Xá Lợi ngày 23 tháng 7,1963.Bộ Trưởng Công Dân Vụ Ngô Trọng Hiếu cho 300 cán bộ cạo trọc đầu giả làm tăng sĩ đi quyên tiền và đặt may cờ Giải Phóng Miền Nam trong chiến dịch tuyên truyền vu cáo Phật Giáo theo Cộng Sản hay bị Cộng Sản xâm nhập.

 

68.  Phật Giáo phản ứng như thế nào trước sự bội ước của chính quyền?

- Ngoài thất vọng không ngờ chính quyền lại có thể làm những điều như vậy,Chư Tăng Ni và Phật Tử chỉ còn cách đem thân xác mình để cảnh tỉnh chính quyền.

- Ngày 4-8-1963 Ðại Ðức Nguyên Hương tự thiêu tại Phan Thiết.

- Ngày 12-8-1963 nũ sinh Mai Tuyết An chặt ngón tay cái ở bàn tay trái để phản đối chính quyền.

- Ngày 13-8-1963 Ðại Ðức Thanh Tuệ tự thiêu ở chùa Phước Duyên,Hương Trà,Thừa Thiên.

- Ngày 15-8-1963 Ni Cô Diệu Quang tự thiêu tại Ninh Hòa gần thị xã Nha Trang.

- Ngày 16 tháng 8,1963 tổng đình công tại Huế.Chợ búa,trường học,xí nghhiệp,công tử sở đều bãi công.Cũng vào ngày đó Thượng Tọa Tiêu Diêu(thân sinh của Hòa thượng Thiên Ân)tự thiêu tại chùa Từ Ðàm.

- Giới chức Ðại Học Huế đồng loạt từ chức.

 

69.  Trước những đau thương, uất nghẹn của Phật Tử, chính quyền và dân chúng có thái độ gì?

- Ðêm 20-8-1963 Lực Lượng Ðặc Biệt tấn công chùa Xá lợi bắt trên 200 Tăng,gồm các vị lãnh đạo trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo.

- Ngày 21-8-1963 lệnh thiết quân luật được ban bố khắp nước.Ngoại Trưởng Vũ Văn Mẫu từ chức.Sinh viên Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ bãi khoá.

- Khoa Trưởng Y khoa Sài Gòn,giáo sư Phạm Biểu Tâm từ chức ngày 22 tháng 8.Ủy Ban Lãnh Ðạo sinh viên liên khoa do Tô Lai Chánh cầm đầu được thành lập ngày 23 tháng 8.Ngày 25 sinh viên học sinh tổ chức biểu tình.Ngày 7 tháng 9,1963 học sinh Gia Long,Trưng Vương,Võ Trường Toản bãi khóa.

- Chính quyền thành lập Ủy Ban Liên Hiệp Phật Giáo thuần túy,muốn nói chính quyền không đàn áp Phật Giáo mà chỉ đối phó với “mấy ông sư,mấy bà ni làm loạn,mấy Phật tử phá rối trị an”.

- Ngày 5 tháng 10,1963 Ðại Ðức Quảng Hương tự thiêu trước chợ Bến Thành.

- Ngày 7 tháng 10 phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Sài Gòn.

- Ngày 27 tháng 10 Ðại Ðức Thiện Mỹ tự thiêu trước nhà thờ Ðức Bà,Sài Gòn.

- Ngày 1 tháng 11,1963 quân đội Việt Nam Cộng Hòa đứng dậy đảo chánh,lật đổ chính quyền Ngô Ðình Diệm.

- Ðêm 1 tháng 11,1963 Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Ðình Nhu từ hầm bí mật có phòng ngủ,phòng tắm,phòng khách được hoàn thành ngày 28-10-1963 dưới Dinh Gia Long đến nhà ông Mã Tuyên,rồi từ đó đến nhà thờ Cha Tam do một linh mục Pháp tên Jean chủ trì.

- Ngày 2 tháng 11,1963 vào khoảng 7 giờ sáng một thiết vận xa M113 đến đón Tổng Thống và ông Cố Vấn đến Tổng Tham Mưu,trên đường bị hạ sát.

- Ngày 2 tháng 11,Thượng Tọa Trí Quang và Ðại Ðức Nhật Thiện tị nạn tại tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ sau cuộc càn quét chùa Xá Lợi trên đường trở về chùa Ấn Quang.

- Ngày 12-1-1964 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời,gồm thành phần của Tổng Hội cộng thêm 5 tổ chức Phật Giáo khác,trong đó có Phật Giáo Nam Tông,tiếp tục truyền thống Phật Giáo Việt Nam từ trước đến nay.Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong Lời Mở Ðâu có đoạn viết: “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.”

 

70.  Sở dĩ chính quyền phải dùng biện pháp mạnh vì phong trào Phật Giáo do Cộng Sản điều động?

- Trong phần phụ đính của bản 5 Nguyện Vọng Phật Giáo xác định:“Ngày trước những người Cộng Sản lợi dụng danh nghĩa chống ngoại xâm để tiêu diệt các đảng phái quốc gia thì ngày nay cũng có cái vẻ người Thiên Chúa Giáo lợi dụng công việc chống Cộng Sản để đàn áp các tôn giáo khác,nhất là Phật Giáo chúng tôi. Ðó là nguy cơ cho quốc gia và làm chia rẽ tôn giáo…Tình trạng lợi dụng danh nghĩa chống Cộng Sản để phát triển Thiên Chúa Giáo và lấn áp Phật Giáo tạo ra tình trạng chia rẽ ngày càng trầm trọng thì ngay bây giờ và mai hậu,chỉ người Cộng Sản có lợi mà thôi.”

 

71.  Sau Cách Mạng 1 tháng 11, 1963, chính trường Việt Nam sôi động. Cho em biết vài điểm chính về tình hình chính trị lúc bấy giờ.

- Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng sau ngày đảo chánh mời Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ lên làm Thủ Tướng.

- Ngày 30 tháng 1,1964 tướng Nguyễn Khánh đảo chánh.

- Ngày 14-5-1964 Thủ tướng Nguyễn Khánh ra sắc lệnh bỏ Ðạo Dụ số 10.

- Ngày 16 tháng 8,Hiến Chương Vũng Tàu được công bố.

- Ngày 28,29 tháng 8 Phật tử và sinh viên xuống đường chống Nguyễn Khánh.Thanh Niên Công Giáo xuống đường chống những kẻ gây rối trật tự,yêu cầu chính quyền tái lập trật tự.Hai bên xô xát,nhiều người chết và bị thương.

- Ngày 29 tháng 8 Ùy Ban Nhân Dân Cách Mạng do Bs Lê Khắc Quyến cầm đầu được thành lập tại Huế.

- Ngày 13 tháng 9,1964 một số tướng lãnh đạo được một số đoàn thể Công Giáo ủng hộ đứng lên đảo chánh nhưng không thành.

- Ngày 29-10-1964 tướng Nguyễn Khánh từ chức.Chính phủ Trần Văn Hương ra đời ngày 30 tháng 10 nhưng q    uyền hành thật sự nằm trong tay Ðại Tướng Nguyễn Khánh.

- Sinh viên,học sinh biểu tình chống đối chính phủ Trần Văn Hương.

- Ngày 20 tháng1,1965 Thượng Tọa Trí Quang tuyệt thực phản đối chính phủ Trần Văn Hương.

- Ngày 26 tháng 1,Thủ Tướng Trần Văn Hương lên đài phát thanh tuyên bố quyết dẹp tan đám biểu tình:“không để cho đất nước rơi vào tay lũ lưu manh,tay sai Cộng Sản.”

- Ngày 27-1-1965 Hội Ðồng Quân Lực do Ðại Tướng Nguyễn Khánh lãnh đạo giải tán Thượng Hội Ðồng Quốc Gia và chính phủ Trần Văn Hương.Chính phủ Phan Huy Quát ra đời ngày 16 tháng 2,1965.

- Ngày 19-2-1965 đảo chính hụt của tướng Lâm Văn Phát và nhóm Nguyễn Bảo Kiếm,Phạm Ngọc Thảo,được sự tiếp tay của một số đoàn thể Công Giáo.

- Ngày 26 tháng 2,1965 Ðại Tướng Nguyễn Khánh bị ép làm Ðại Sứ Lưu Ðộng sang Hoa Kỳ rồi qua cư trú tại Paris.

- Ngày 20 tháng 5,1965 một cuộc đảo chánh hụt khác xảy ra.

- Ngày 27 tháng 5,1965 Lực Lượng Ðại Ðoàn Kết biểu tình chống chính phủ Phan Huy Quát.

- Ngáy 1 tháng 7,1965 thủ tướng Phan Huy Quát muốn cải tổ chính phủ,gặp sự khó khăn với Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu.

- Ngày 7 tháng 6,1965 một phái đoàn đại diện các đoàn thể chính trị Công Giáo gặp Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu,bày tỏ bất tín nhiệm chính phủ Phan Huy Quát.

- Ngày 12 tháng 6,1965 Thủ Tướng Phan Huy Quát trao quyền cho quân đội. Ủy Ban lãnh đạo quốc gia được thành lập với Chủ Tịch là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương được thành lập với Chủ tịch là Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ,với chủ trương giải quyết chiến tranh bằng quân sự.

- Ngày 11-2-1965 Giáo Hoàng Paul VI kêu gọi ngưng chiến tại Việt Nam.

- Ngày 19-9-1965 Giáo Hoàng VI tổ chức thánh lễ cầu nguyện hòa bình thế giới.

- Ngày 3-10-1965 Giáo Hoàng Paul VI đến Liên Hiệp Quốc,New York,kêu gọi hòa bình.

- Ngày 4-10-1965 Giáo Hoàng Paul VI hội đàm với Tổng Thống Johnson về tình hình thế giới và chiến tranh Việt Nam.

 

72.  Tại sao chính trường sôi sụp sau Cách Mạng 1/11/63?  Vì thiếu lãnh đạo anh minh?

- Bất kỳ ở quốc gia nào sau một thời gian dưới chế độ độc tài,chính tình đều sôi sụp.Tại Nam Dương,tại Phi Luật Tân,tại Nam Hàn,tại các nước hậu Cộng Sản.Từ đó ta có thể đưa ra những lý do chính: 1/Dưới chế độ độc tài,các chính trị gia không có cơ hội phát triển khả năng lãnh đạo để có thể điều hành công việc quốc gia trong thời chuyển tiếp từ chế độ cũ đến chế độ mới. 2/Hàng tướng lãnh Việt Nam không có thì giờ chuẩn bị nhân sự chính trị. 3/Nạn sứ quân thường xảy ra sau những cuộc đảo chánh. 4/Tình hình quân sự ngày càng thêm nghiêm trọng. 5/Sự phân hóa trong hàng ngũ tướng lãnh,thành phần chính trị,tôn giáo và quần chúng sau khi thoát khỏi gông cùm độc tài,chuyên chế.

 

73.  Phật Giáo Việt Nam có phản ứng gì về chủ trương hòa bình nêu trên?

-  Mặc dù biết nguyện vọng của đại đa số quần chúng mong muốn hòa bình nhưng Phật Giáo phải đương đầu với bao nhiêu biến động,nên chủ trương hòa bình của Phật Giáo vẫn chưa được nêu ra.

- Nhận thấy chính quyền chỉ định không thể bền vững,nhận thấy chiến tranh Việt Nam không thể giải quyết chỉ bằng vũ lực quân sự,Phật tử và quần chúng biểu tình đòi hỏi bầu cử Quốc Hội Lập Hiến để rồi thành lập chính quyền dân sự.

- Ngày 26 tháng 3,1966 linh mục Hoàng Quỳnh lên tiếng chống chính phủ Nguyễn Cao Kỳ và đòi hỏi Quốc Hội Lập Hiến.

- Ngày 12 tháng 4,1966 Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu ký sắc lệnh tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, đoàn quân Cách mạng của Ðại Tá Ðàm Quang Yêu và Ðại Tá Nguyễn Tư Mô ở Ðà Nẵng ủng hộ đòi hỏi Quốc Hội Lập Hiến giải tán.

 

74.  Chính quyền đã đối xử với Phật Giáo như thế nào sau cuộc vận động đòi hỏi Quốc Hội Lập Hiến được chính quyền chấp nhận?

- Ngày 15 tháng 5,1966 Thủy Quân Lục Chiến và Nhảy Dù tiến vào thị xã Ðà Nẵng.Một số quân nhân,Phật tử, đồng bào bị bắn chết hay bị thương.Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra thông cáo lên án hành động phản bội của tướng Kỳ,một mặt chấp nhận bầu cử Quốc Hội Lập Hiến,một mặt trừng phạt những người đòi hỏi Quốc Hội Lập Hiến.

- Ngày 28 tháng 5,1966 Ni Cô Thanh Quang tự thiêu tại Huế.

- Ngày 1 tháng6,1966 Thượng Tọa Thiện Minh bị mưu sát,lựu đạn ném xuống gầm xe làm cho Thượng Tọa bị thương nặng.Chính quyền nói đó là lựu đạn Việt Cộng cố gây sự mâu thuẫn giữa Phật Giáo và chính quyền,nhưng đến ngày 15 tháng 3,1969 Thượng Tọa lại bị tòa án Mặt Trận Sài Gòn lên án về tội phá rối trị an.

- Ngày 5 tháng 6,1966 Bàn Thờ được thiết tại các ngả ba đường tại Huế.

- Ngày 8 tháng 6,1966 Thượng Tọa Trí Quang tuyệt thực tại Huế.

- Dân chúng,Phật Tử tham gia vận động đòi Quốc Hội Lập Hiến hoặc bị giết,bị tù,bị cưỡng bách nhập ngũ nên không thể tham gia ứng cử hay bầu cử vào Quốc Hội Lập Hiến.Những người chống bầu cử hoặc không tham gia vận động bầu cử lại ra tranh cử Quốc Hội Lập Hiến.

- Ngày 21 tháng 6,1966 tướng Nguyễn Ngọc Loan giải Thượng Tọa Trí Quang vào Sài Gòn.

- Ngày 16 tháng 8,Giáo Hội PGVNTN ra thông cáo tẩy chay cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến được tổ chức ngày 11 tháng 9,1966.

- Ngày 11 tháng 9,1966 tổ chức Liên Tôn được thành lập gồm đại diện Công Giáo,Phật Giáo,Cao Ðài,Hòa Hảo ra thông cáo lên án chính phủ Nguyễn Cao Kỳ tham nhũng,luật bầu cử Quốc Hội Lập Hiến phản dân chủ.

- Ngày 16 tháng 9,1966 Thượng Tọa Trí Quang vâng lời đức Tăng Thống chấm dứt tuyệt thực 100 ngày.

- Ngày 24 tháng 10,1966 Phật Giáo Thống Nhất phân hóa chia thành hai phe Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự.

- Ngày 1 tháng 4,1967 Hiến Pháp được ban hành,khai sinh nền Ðệ Nhị Cộng Hòa.

Nói tóm lại vào thời điểm này tình hình chính trị miền Nam thật sôi động.Cộng quân tăng cường hoạt động:chiến dịch Ðồng Xoài,chiến dịch Plime tháng 10,1966,chiến dịch Drang tháng 11,1965,số quân đội Mỹ đến Việt Nam ngày càng đông,chính phủ quân nhân,chủ trương chiến thắng Cộng Sản bằng vũ lực được xem như là giải pháp cho cuộc chiến Việt Nam.

 

75.  Cho em biết về nền Đệ Nhị Cộng Hòa.

- Ngày 1 tháng 4,1967 Quốc Hội Lập Hiến thông qua Hiến Pháp,khai sinh nền Ðệ Nhị Cộng Hòa.

- Ngày 3 tháng 9,1967 bầu cử Tổng Thống và Thượng Nghị Viện.11 liên danh ra ứng cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống.Liên danh quân đội Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đắc cử với số phiếu 1,638,902 trong tổng số cử tri đi bầu là 4.868.266,tức vào khoảng 30%.

- Trên 50 liên danh ra ứng cử Thượng Viện,6 liên danh đắc cử là Liên danh Nông Công Binh(Quân đội),Liên Danh Công Ích và Công Binh Xã Hội(Công Giáo),Liên Danh Ðại Ðoàn Kết(Công Giáo),Liên Danh Mặt Trời(Công Giáo),Liên Danh Ðoàn Kết Tiến Bộ(Công Giáo),Liên Danh Bông Lúa(Ðại Việt và Cao Ðài).

 

76.  Trong kỳ bầu cử Tổng Thống – Phó tổng Thống, Thượng Nghị Viện năm 1967, những liên danh ứng cử viên sử dụng danh xưng và biểu tượng như thế nào?

- Trong kỳ bầu cử Tổng Thống,Phó Tổng Thống,Thượng Nghị Viện năm 1967 một số liên danh sử dụng danh xưng,biểu tượng nói lên ước vọng hòa bình như biểu tượng Bồ Câu Trắng của Trương Ðình Du và Lý Văn Chiêu,danh xưng An Cư Lạc Nghiệp I,II,III của Nguyễn Ngọc Tân tự Phạm Thái,Huỳnh Văn Tồn,Nguyễn Ngọc Huy với biểu tượng bồ câu trắng,danh xưng Bi Trí Dũng với biểu tượng Cây Bồ Ðề của Sơn Thái Nguyên,danh xưng Thiên Hạ Thái Bình của Trương Lương Thiện(Cao Ðài),danh xưng Hòa Bình Ấm No của Trần Văn Văn,danh xưng Hòa Bình Thịnh Vượng của Nguyễn Văn Tường(Công Giáo).

 

77.  Tòa Thánh La Mã trong chủ trương hòa bình cho Việt Nam đã hành hoạt như thế nào?

- Từ năm 1968 Tòa Thánh Vatican xúc tiến chủ trương hòa bình,chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Ðức Cha Casaroli,Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh tuyên bố:“…bây giờ không còn là lúc làm một cuộc thánh chiến chống cộng nữa.Phải chấm dứt chiến tranh và tìm cách sống chung hòa bình với Cộng Sản.Cho nên những người quốc gia Việt Nam,nhất là những người Công Giáo,phải đoàn kết với nhau,sống chung với Cộng Sản mà không bị Cộng sản nuốt đi.”(Cao Văn Luận:Bên Giòng Lịch Sử 1940-1975,tr.349).

 

78.  Cộng Sản và Hoa Kỳ có phản ứng gì?

- Tết Mậu Thân,1968 Cộng sản tấn công vào nhiều đô thị,thị trấn Việt Nam,chiếm thành phố Huế hơn một tháng.

- Ngày 31 tháng 3,1968 Tổng thống Johnson ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt và yêu cầu Bắc Việt vào bàn hội nghị.Ba ngày sau Bắc Việt nhận lời đề nghị đàm phán của Hoa Kỳ.

 

79.  Phản ứng và vai trò của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà trong hòa đàm Ba Lê như thế nào?  Dân chúng Hoa Kỳ và thế giới có phản ứng gì?

- Hoa Kỳ gặp đại diện của Cộng sản tại Ba Lê mà không có đại diện của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

- Tháng 11 năm 1968 bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ,ông Richard Nixon đắc cử.Ngày 21 tháng 1,1969 ông Nixon tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ.

- Ngày 8 tháng 5,Bắc Việt đề nghị chương trình 10 điểm chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

- Ngày 14 tháng 5,1969 Hoa Kỳ đề nghị quân đội Hoa Kỳ và Bắc Việt rút quân khỏi Nam Việt,không bác bỏ Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc tham gia vào đời sống chính trị miền Nam.

- Ngày 8 tháng 6,1969 Tổng thống Nixon và phái đoàn Hoa Kỳ gặp tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tại đảo Midway giữa Thái Bình Dương, để bàn về chuyện rút quân và hòa đàm Ba Lê.Phiên họp ngắn ngủi,hai chính phủ bác bỏ giải pháp chính phủ liên hiệp,nhưng không đưa ra một mô hình cụ thể nào.

- Một tháng sau hội nghị Midway,Việt Nam Cộng Hòa vẫn không có sáng kiến gì đặc biệt.Chính phủ VNCH cũng không có phản ứng gì về ý kiến của những nhà ngoại giao Hoa Kỳ là Việt Nam cần tạo điều kiện để cho người quốc gia ngồi chung lại với nhau hòng cùng giải quyết vấn đề Việt Nam.

- Ngày 14 tháng 11,1969,dân chúng Mỹ biểu tình trước sứ quán Việt Nam Cộng Hòa tại Washington.Ngày 15 tháng 11,1969 Biểu Tình Chống Tử Vong(March Against Death)tại Washington.

- Giáo hoàng tiếp Xuân Thủy,trưởng phái đoàn Bắc Việt tại Ba Lê.

- Mùa thu năm 1969 các phong trào phản chiến bùng nổ tại Hoà Kỳ.Tổng Thống Nixon công bố chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh,đồng thời tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh qua hòa đàm.Chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh bắt đầu năm 1970.

- Ngày 17 tháng 3,1970 Lon Nol đảo chánh tại Cao Mên lật đổ chế độ Sihanouk.

- Ngày 30 tháng 4,1970 quân Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa mở cuộc hành quân lớn tràn qua Cao Mên.

- Năm 1970 phái đoàn Phật Giáo Việt Nam tham dự Ðại Hội Phật Giáo Liên Hữu Thế Giới tổ chức tại Kyoto,nhân cơ hội này phái đoàn Phật Giáo Việt Nam đưa ra chương trình 6 điểm để chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Chủ trương và đề nghị hoà bình của Phật Giáo năm 1970,tức 5 năm sau Ðức Giáo Hoàng Paul VI kêu gọi ngưng chiến tại Việt Nam,tổ chức thánh lễ cầu nguyện hòa bình thế giới,vận động hòa bình tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.

Chủ trương hòa bình của Phật Giáo Việt Nam 2 năm sau khi Ðức Cha Casaroli,bộ Trưởng Ngoại Giao của tòa thánh yêu cầu chấm dứt chiến tranh Việt Nam,kêu gọi tín đồ Công Giáo sống chung hòa bình với Cộng Sản.

Chủ trương hòa bình của Phật Giáo 3 năm sau khi những liên danh tranh cử Thượng Viện năm 1967 sử dụng danh xưng và biểu tượng hòa bình.Thế mà Phật Giáo vẫn bị buộc tội là đâm sau lưng chiến sĩ vì chủ trương hòa bình!

- Ngày 24 tháng 11,1970 Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ viếng thăm Washington, ăn cơm sáng với Tổng Thống Nixon,Trong bữa ăn sáng Nixon hỏi Kỳ về sáng kiến hòa bình của chính phủ Việt Nam. Ông Kỳ trả lời đã thảo luận với Tổng Thống Thiệu,có thể sửa đổi Hiến Pháp nếu cần. Ông Nixon có vẻ ngạc nhiên nhưng không đi sâu vào vấn đề chỉ hỏi thêm về cuộc bầu cử Tổng Thống và Hạ Viện ở Việt Nam vào mùa thu năm 1971.Ông Kỳ trấn an Nixon nói:“Tổng Thống yên tâm,tôi sẵn sàng hi sinh địa vị,quyền lợi cá nhân của tôi để giữ cho Việt Nam được ổn định.”

- Ðể làm sáng tỏ vấn đề thay đổi Hiến Pháp,sau đó tại văn phòng Kissinger.Ông Kissinger hỏi:“Nếu sửa đổi Hiến Pháp thì sao không sửa đổi Ðiều 4,cho đối phương tranh cử năm tới?”Ông Kỳ lúc đó cho biết ông và ông Thiệu chưa có một kết luận nào về sáng kiến hòa bình.

 

80.  Để đối phó với tình thế, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phản ứng như thế nào?

- Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đưa ra dự luật bầu cử Tổng Thống,Phó tổng Thống năm 1971,trong đó dựa vào khoản 2,Ðiều 10 của luật bầu cử,các ứng cử viên phải được sự giới thiệu của 40 dân cử Quốc Hội hay 100 thành viên của các Hội Ðồng Tỉnh,Thị Xã, Ðô Thành.

- Luật bầu cử bị nhiều đoàn thể chống đối.

- Kissinger thăm viếng Bắc Kinh.

- Ngày 18-7-1971 Phong Trào Nhân Dân chống luật Bầu Cử Tổng Thống ra đời.

- Ngày 26 tháng 7 Liên Minh Dương Văn Minh nạp đơn ứng cử.

- Ngày 4 tháng 8,Liên Danh Nguyễn Cao Kỳ nạp đơn ứng cử.

- Ngày 6 tháng 8,1971 ứng cử viên Nguyễn cao Kỳ tuyên bố đạo luật bầu cử cốt gạt bỏ mọi liên danh đối lập với liên danh Nguyễn Văn Thiệu,nên rút lui không ra tranh cử.

- Ngày 20 tháng 8,1971 liên danh Dương Văn Minh rút lui không ra tranh cử.

- Ngày 2 tháng 9 Nguyễn Văn Huyền,Chủ Tịch Thượng Viện tuyên bố rất tiếc về việc làm và thái độ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

- Ngày 3 tháng 10,1971 trong cuộc bầu cử độc diễn,Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng Thống nhiệm kỳ II của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa.

 

81.  Tình hình quân sự, chính trị tại Việt Nam và hoạt động của Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống Việt Nam năm 1971 như thế nào?

- Ngày 1 tháng 5,1972 Quảng Trị bị Việt Cộng chiếm,Huế,Kumtum bị đe dọa,An Lộc bị bao vây.Một tuần lễ sau Hải Quân Hoa Kỳ phong tỏa Hải Phòng và các hải cảng Bắc Việt.

- Ngày 12 tháng 5,1972 Quảng Trị được tái chiếm.

- Ngày 7 tháng 11 ông Nixon tái đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ.

- Ngày 20 tháng 11,1972 Hoa kỳ gặp lại Bắc Việt tại Ba Lê để tiếp tục đàm phán.Hội đàm không đem lại kết quả cụ thể.

- Từ ngày 18 tháng 12,1972,B.52 tiếp tục dội bom xuống Hà Nội và Hải Phòng.Hà Nội đưa tin sẵn sàng gặp lại Kissinger.

- Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không có sáng kiến gì cho hội đàm Ba Lê,không đưa ra giải pháp thực tế nào.

- Thỏa hiệp Ba Lê được ký kết ngày 27 tháng 1,1973.

- Ngày 4 tháng 4,1973 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gặp Tổng Thống Nixon tại nhà nghỉ mát của Nixon ở San Clemente,California.Trên đường về Việt Nam Tổng Thống Thiệu ghé La Mã yết kiến Ðức Giáo Hoàng.

 

82.  Sau Hiệp Định Ba Lê tình hình chính trị, quân sự liên quan đến Việt Nam như thế nào?

- Sau Hiệp Ðịnh Ba Lê tình hình chung ở Nam Việt Nam suy sụp,các giới hữu trách tại Hoa Kỳ không mấy quan tâm đến Việt Nam mà chú tâm đến vụ Watergate buộc Nixon phải từ chức.

- Tại Việt Nam Linh Mục Trần Hữu Thanh phát động phong trào chống tham nhũng,18 ký giả bị bỏ tù vì chính kiến bất đồng với chính phủ,có người đòi hỏi Chính Phủ Liên Hiệp.

- Vào trung tuần tháng 12,1974 địch quân tấn công vào Phước Bình,nhiều binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà bị thương vong.

- Ngày 10 tháng 3 năm 1975 Cộng Quân bắt đầu tấn công Ban Mê Thuột.Ngày 10 tháng 3 Ban Mê Thuột thất thủ.

- Ngày 14 tháng 4 Quốc Hội Hoa Kỳ cắt viện trợ dành cho Việt Nam Cộng Hoà.

- Ông Phan Bá Cẩn được mời làm Thủ Tướng thay thế Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm.

- Ngày 20 tháng 4,1975 Cộng Quân từ Phan Thiết tiến vào Nam.Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lên TV đỗ lỗi cho Hiệp Ðịnh Ba Lê,cho Hoa Kỳ thất ước.

                                    - Ngày 21 tháng 4,Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức,phó Tổng Thống Trần Văn Hương lên thay thế.

                  - Ngày 22 tháng 4,1975 Xuân Lộc bị tràn ngập,hơn 10 sư đoàn Bắc Việt đang siết chặt vòng vây quanh Sài Gòn.

                                 Trong bộ máy chính trị,quân sự,hành chánh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu,thành phần Công Giáo nắm những vị trí then chốt:Lập Pháp Thượng,Hạ Viện,Hành Pháp,Tư Pháp,Cảnh Sát,Công An,Ngoại Giao,Tiếp Vận,Tổng Liên Ðoàn,Nha Ðộng Viên….

- Ngày 14-5-1969 Hoa Kỳ đề nghị quân đội Hoa Kỳ và Bắc Việt rút quân khỏi miền Nam,không bác bỏ Mặt Trận Giải Phóng tham gia vào đời sống chính trị tại miền Nam Việt Nam.Việt Nam Cộng Hòa sau khi ký kết Hiệp Ðịnh Ba Lê đạt được kết quả là không cho Mặt Trận Giải Phóng tham gia vào đời sống chính trị Việt Nam,nhưng quân đội Bắc Việt ở nguyên tại chỗ.

Tại hội nghị Midway,Hoa Kỳ đề nghị chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tạo điều kiện thuận tiện cho người quốc gia ngồi chung lại với nhau để giải quyết vấn đề Việt Nam,Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tổ chức bầu cử Tổng Thống độc diễn.

 

83.  Cho phép em đặt câu hỏi: Dư luận cho rằng vì Phật Giáo mà chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ?

- Nguyện vọng của Phật Giáo hết sức khiêm cung,chỉ muốn được tự do hành đạo,bình đẳng tôn giáo.Những sôi động xảy ra sau vụ Ðài Phát Thanh Huế do chính quyền không thủ tín,không thi hành Bản Thông Cáo Chung.

- Phong trào chống đối chính quyền toàn trị của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm,chống đối cách hành xử của chính quyền không chỉ riêng với Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam mà với các đảng phái chính trị,các đoàn thể tôn giáo khác,các nhân vật có liên hệ với chính quyền như Ngoại Truởng Vũ Văn Mẫu,đại sứ Trần Văn Chương, đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ông Trần Văn Chương,các giáo sư Ðại Học như giáo sư Phạm Biểu Tâm,các vị Linh Mục như Linh Mục Cao Văn Luận,Linh Mục Lê Quang Oánh,Linh Mục Hoàng Quỳnh,đức khâm sứ Asta,đại diện tòa thánh Vatican tại Việt Nam,ngay cả Giáo Hoàng Paul VI v.v…

- Phật Giáo trong nỗ lực vận động đòi tự do tôn giáo,bình đẳng tôn giáo xác định lập trường không nhắm đến việc lật đổ chính phủ,không chống Thiên Chúa Giáo.

- Trong lịch sử không có một phong trào quần chúng nào có thể lật đổ chính quyền độc tài,chuyên chế,huống gì Phật Giáo không tiền không bạc,không súng ống đạn dược,huống gì tinh thần Phật Giáo là tinh thần bất bạo động.

 

84.  Dư luận khác hay lời buộc tội khác cho rằng vì chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ nên kéo theo sự sụp đổ của Miền Nam?

- Luận điệu này được đề cập rất nhiều vào những năm biến loạn sau khi chính quyền Ngô Ðình Diệm sụp đổ,sau khi miền Nam Việt Nam lọt vào tay Cộng Sản và trong những năm người tị nạn sinh sống ở nước ngoài muốn phục hồi tinh thần Ngô Ðình Diệm, đề cao lãnh tụ anh minh dân tộc, đổ tội cho những người,những đoàn thể liên quan đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Ðình Diệm,rồi từ đó cho việc Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu vì bị áp lực,bị tiêm thuốc,tinh thần hóa giải của Phật Giáo là đâm sau lưng chiến sĩ,làm giảm nhuệ khí chiến đấu của quân đội v.v…

- Ở đây có một số dữ kiện cần kiểm chứng:Trước hết là tinh thần Phật Giáo.Vào thời Phật Giáo hưng thịnh nhất tại Việt Nam là lúc Tam Giáo Ðồng Nguyên được phổ cập.Vua A Dục,vua Kanishka ở Ấn Ðộ,vua Lương Võ Ðế,các vua đời Tùy,đời Ðường ở Trung Quốc,vua Tsongtsen Gampo ở Tây Tạng,các vua đời Lý đời Trần ở Việt Nam v.v…tiêm nhiễm tinh thần Phật Giáo,kính trọng tất cả các tôn giáo,tín ngưỡng,bảo trợ mọi tổ chức tôn giáo.Tinh thần kỳ thị tôn giáo đối với Phật Giáo rất xa lạ.

- Tinh thần Trăm Con Trong Bọc Trứng là hoài bão của Phật Giáo,nối gót tiền nhân.

- Chủ trương hóa giải của Phật Giáo là nỗ lực tìm sinh lộ cho Việt Nam,không những có giá trị lúc bấy giờ mà ngay cả bây giờ.Nhìn lại lịch sử Việt Nam,chúng ta ít được sống lâu trong cảnh thanh bình,phân hóa nội bộ,tranh dành quyền bính mang hiểm họa chiến tranh,chậm tiến.

- Cũng trong thời điểm này Ðức Giáo Hoàng đưa ra thông điệp Pacim in Teres,Hòa Bình Trên Trái Ðất.Vô lẽ Ngài cũng đâm sau lưng chiến sĩ Việt Nam,để có lợi ích gì?

- Về việc chính quyền Ngô Ðình Diệm sụp đổ kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam,chúng ta cần duyệt lại một số dự kiện lịch sử :

- Ngày 5/4/1954 Hoa Kỳ từ chối can thiệp thả bom Ðiện Biên Phủ.

- Ngày 3/6/1954 Hiệp Dịnh Genève được ký kết tạm thời chia đôi đất nước Việt Nam chờ ngày Tổng Tuyển Cử dự định vào tháng 7,1956.

- Ngày 16/6/1954 Quốc Trưởng Bảo Ðại mời ông Ngô Ðình Diệm làm thủ tướng thay thế hoàng thân Bửu Lộc.

- Ngày 26/6/1954 Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm trở về Sài Gòn.

- Ngày 24/10/1954 Tổng Thống Hoa Kỳ Eisenhower tuyên bố ủng hộ chính phủ Ngô Ðình Diệm.

- Ngày 20/10/1955 Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm tổ chức Trưng Cầu Dân Ý truất phế Bảo Ðại trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.

Trong thời gian 3 năm từ ngày về nước,ngày lên làm Tổng Thống cho đến năm 1956,chính quyền Ngô Ðình Diệm đã đạt được những kết quả khả quan, được một số điều kiện thuận lợi:

- Ổn định chính trị phân hóa,quân đội phân hóa,cảnh sát không tuân lệnh chính phủ,giáo phái tranh dành ảnh hưởng,BìnhXuyên kiểm soát sòng bạc,đĩ điếm,kiểm soát Cảnh Sát Sài Gòn,Tướng Hinh chống đối.

- Chiến tranh không còn tiếp diễn qua Hiệp Ðịnh Genève.Cộng Sản Bắc Việt lo chuẩn bị Tổng Tuyển Cử theo điều khoản của Hiệp Ðịnh Genève.

- Sự ủng hộ tích cực của Hoa Kỳ.

- Ðịnh cư gần một triệu đồng bào tỵ nạn từ Bắc vào Nam.

Kết quả khả quan nói trên kèm theo những dự kiện không mấy thỏa đáng:

- Chính phủ tiêu diệt Bình Xuyên,diệt trừ quân đội Giáo Phái,nhưng nỗ lực xây dựng đoàn kết quốc gia không mấy vững mạnh.

- Trong nỗ lực định cư đồng bào từ Bắc vào Nam với tiền viện trợ của Mỹ, đầu năm 1956 tại Cái Sắn trên 20,000 dân tị nạn với 100 máy cày do USOM viện trợ đã khai khẩn 190,000 mẫu Anh đất làm quyền sở hữu,khiến cho dân chúng địa phương bất mãn vì đất đai của họ bị tiếm hữu.

- Trong cuộc Trưng Cầu Dân Ý truất phế Bảo Ðại,Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm được 98.2% phiếu,Quốc Trưởng Bảo Ðại 1.1%.Tại Sài Gòn,Thủ Tướng có số phiếu hơn số cử tri(với số cử tri 450,000,Thủ Tướng nhận được 605,000 phiếu).

Trong thời gian 6 năm,từ năm 1956 đến 1963 có một số dự kiện cần lưu ý:

- Năm 1956 một luật gia chuyên về hiến pháp,ông Johnny Orendine,người Phi Luật Tân đến Việt Nam cùng các luật sư Việt Nam giúp Tổng Thống Ngô Ðình Diệm soạn thảo Hiến Pháp cho nước Việt Nam Cộng Hòa,thiết lập phân quyền ba ngành Lập Pháp,Hành Pháp,Tư Pháp.Tổng Thống không chấp nhận quyền độc lập của ngành Tư Pháp,quyền tự do làm luật và chế tài của Lập Pháp và muốn Lập Pháp,Tư Pháp chỉ là bộ phận của Hành Pháp.

- Ông Ngô Ðình Nhu lập đảng Cần Lao lấy chủ nghĩa Nhân Vị làm tư tưởng chỉ đạo,rất xa lạ đối với dân Việt Nam.Ngoài ra còn phong trào Cách Mạng Quốc Gia,Thanh Niên Cộng Hòa,Phụ Nữ Liên Ðới…những tổ chức ngoại vi,giống Mặt Trận Tổ Quốc,Thanh Niên Tiền Phong,Phụ Nữ Cứu Quốc v.v…

- Rồi Khu Trù Mật,Khu Dinh Ðiền, Ấp Chiến Lược,khái niệm không sai nhưng nội dung bị xào nấu,trộn quá nhiều món và cách hành hoạt làm sai lệch chủ đích so với Kizbut của Do Thái,Ấp Chiến Lược của Mã Lai.

- Các chiến dịch triệt hạ từng cơ sở địch chú trọng đến tiêu trừ hơn là đắc nhân tâm.Chính phủ dần dần xa dân,để rút vào ốc đảo.

- Chương trình Cải Cách Ðiền Ðịa có vẻ nửa vời,gián tiếp giúp đỡ chủ điền vắng mặt.Trong số 6,300 điền chủ chiếm 45%ruộng đất canh tác ở miền Nam phần nhiều không bị ảnh hưởng vì chính sách Người Cày Có Ruộng,phần đông điền chủ không làm chủ trên 300 mẫu Anh.Giáo Hội Thiên Chúa làm chủ 170,000 mẫu đất canh tác không bị luật cải cách điền địa chi phối.

- Trong thời quân chủ dù phép vua có mạnh mấy cũng thua lệ làng.Trong thời Tổng Thống,Hội Ðồng Xã cũng do chính quyền Trung Ương kiểm soát.

- Nguyên tắc chính giáo phân ly(cách biệt giữa quyền và tôn giáo)không được tôn trọng.

- Bầu Cử Quốc Hội Lập Hiến 4/3/1956

- Bầu Cử Quốc Hội ngày 30/8/1959

- Bầu Cử Tổng Thống ngày 6/4/1961

- Bầu Cử Quốc Hội ngày 27/9/1961

Kết quả của những cuộc bầu cử này là nơi nào bất an,vùng xôi đậu là nơi cử tri đi bầu nhiều nhất và phiếu bỏ cho các ứng cử viên của chính phủ nhiều nhất.Tổng Thống được 99% phiếu tại Kiến Tường.Cử tri tại Pleiku bỏ cho Tổng Thống 102,031 phiếu,những ứng cử viên khác chỉ có 7 phiếu.Tại Sài Gòn,những người đắc cử không phải là ứng cử viên của chính quyền bị tòa án vô hiệu hóa như trường hợp bác sĩ Phan Quang Ðán được 63% tổng số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 30/8/1959/

- Ngày 26/4/1960 Khối Tự Do Tiến Bộ sau buổi họp tại khách sạn Caravelle,Sài Gòn(có danh xưng là nhóm Caravelle)công bố lập trường và nguyện vọng.Họ không chủ trương lật đổ chính phủ mà chỉ đòi hỏi tự do,chấm dứt chế độ gia đình trị.Trong số 18 người ký tên vào bảng thông cáo,11 người đã làm Bộ Trưởng thời Bảo Ðại và thời Ngô Ðình Diệm,người có chức vụ cao trong chính phủ như Bộ Trưởng Ngoại Giao bác sĩ Trần Văn Ðôn(thân sinh trung tướng Trần Văn Ðôn),Bộ Trưởng Quốc Phòng Hồ Thông Minh,Ông Nguyễn Văn Thoại

 

85.  Trong những cuộc biểu tình, tuyệt thực đòi chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, có việc đem Phật xuống đường, làm như vậy có nghiêm chỉnh không?

- Trước hết danh từ Ðưa Phật Xuống Ðường thật không chỉnh,có dụng ý.

- Năm 1976 trong cuộc viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên sau ngày 30 tháng 4 năm 1975,Hòa Thượng Thích tâm Châu,nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo,Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có ghé nhà.Hòa Thượng khi kể lại chuyện xưa,tỏ vẻ không hài lòng về việc“Ðưa Phật Xuống Ðường”.Tôi có dịp trình lên hòa thượng,theo sự hiểu biết của tôi,diễn tiến,nội dung và mục tiêu của dự kiến này.Số là trong cuộc tranh đấu đòi hỏi Quốc Hội Lập Hiến,quần chúng,trong đó có quần chúng Phật Tử miền Trung xuống đường biểu tình.Quân dân cán chính miền Trung tích cực tham gia.Tại Ðà Nẵng dưới sự chỉ huy của Ðại Tá Ðàm Quang Yêu,Nguyễn Tư Mô với sự tham gia của bác sĩ Mẫn(tín đồ Thiên Chúa),Thị Trưởng Ðà Nẵng đã lập ra một đạo quân gọi là Ðoàn Quân Cách Mạng.Nhiều lần Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ muốn đổ bộ quân tại phi trường Ðà Nẵng nhưng bị đoàn quân cách mạng ngăn cản.Sau khi chính phủ đồng ý tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến,muốn tỏ thiện chí,một vị trong Hội Ðồng Viện Hóa Ðạo bay ra Ðà Nẵng thuyết phục hai Ðại tá giải tán Ðoàn Quân Cách Mạng.Tưởng như vậy đã giải quyết vấn đề,nhưng chính phủ muốn trừng trị những kẻ tham gia đấu tranh đòi hỏi Quốc Hội Lập Hiến,trừng trị quân dân cán chính không tuân mệnh lệnh chính quyền trung ương, đem quân ra Ðà Nẵng,kết quả nhiều binh sĩ,thường dân bị tử thương.Theo dự tính,quân chính phủ sẽ ra Huế tái lập trật tự.Biết rõ tinh thần của quân dân Huế,nếu không có biện pháp hữu hiệu,quân dân thị xã Huế sẽ bị tử thương nhiều hơn Ðà Nẵng,một vị Thượng Tọa yêu cầu Phật tử thiết bàn thờ tại các ngả ba đường,thắp hương,lễ bái,cầu nguyện,tránh xô xát có thể xảy ra.Nhờ vậy khi quân đội từ Ðà Nẵng đến Huế không có chuyện đáng tiếc gì xảy ra trừ trường hợp một trung úy lái xe jeep chận đoàn quân lại và bị bắn chết.Ðó là diễn tiến,nội dung và mục tiêu thiết bàn thờ tại các ngả ba đường.Mục đích duy nhất là tránh tai họa.

- Danh từ Ðưa Phật Xuống Ðường làm xúc động lòng thành khẩn đáng kính của một số Phật tử,một misinformation cố ý trong chiến dịch tuyên truyền thường được sử dụng giống như cho Hòa Thượng Thích Quảng Ðức bị tiêm thuốc trước khi tự thiêu hay chủ trương hòa bình của Phật Giáo là đâm sau lưng chiến sĩ,hòa hợp hòa giải là thân cộng…

 

86.  Dư luận cho rằng những cuộc đấu tranh của Phật Giáo do cán bộ Cộng Sản nằm vùng giật dây?

- Lại là luận điệu cũ.Ðến bây giờ sau năm 1975 người ta cũng không có tài liệu gì chứng minh hoạt động Phật Giáo do cán bộ cộng sản nằm vùng giật dây.

- Ta có thói quen chụp mũ,gắn nhãn hiệu cho những người không đồng quan điểm để trấn áp.Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Chánh Pháp mà một số thành viên còn sống,lập trường của họ vẫn không thay đổi,Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất gặp họan nạn sau ngày 30/4/1975 chắc cũng đủ trả lời.

- Chính quyền không đưa ra xử một ai với bằng chứng cụ thể cả,ngoài những bằng chứng ngụy tạo như 300 cán bộ Công Dân Vụ giả làm sư sãi cạo trọc đầu đi quyên tiền và bắt dân may cờ Mặt Trận Giải Phóng,như trong vụ tấn công chùa Xá Lợi,trụ sở của Uỷ Ban Liên Phái,tấn công chùa Ấn             Quang,trụ sở của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất,tấn công vào Trung Tâm Thanh Niên Quảng Ðức, đường Công Lý Sài Gòn,nơi cư trú của Thượng Tọa Thích Thiện Minh, đưa ra vài khẩu AK,nói Phật Giáo chứa chất vũ khí Cộng Sản v.v…

- Ngày 6/5/1963 tại khuôn viên Ðài Phát Thanh Huế,8 Phật tử bị chết nhiều người bị thương,chính quyền nói do lựu đạn của Cộng Sản tung ra.

- Guồng máy tuyên truyền của Bắc Việt và Trung Hoa Cộng Sản không đả động đến biến cố Phật tử miền Nam Việt Nam bị đàn áp vì họ sợ nếu bênh vực Phật Giáo Ðồ Nam Việt Nam,lỡ Phật tử Trung Hoa,Phật Tử Bắc Việt cũng đòi quyền tự do tôn giáo thì phải hành xử như thế nào.Do đó phản ứng của chính quyền Trung Hoa lục địa rất chậm chạp,gần một tháng sau vụ thảm sát tại Huế họ mới lên tiếng và lên tiếng một cách hạn chế,dè dặt qua trung gian của Hội Phật Giáo Trung Hoa gửi một điện văn đến Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội phản đối “chính quyền Diệm chà đạp tự do tín ngưỡng của dân, đã đem quân đàn áp biểu tình bất bạo động”.Cũng vào ngày ấy Hội Phật Giáo Trung Hoa ra thông cáo với lời lẽ:“Bọn ăn cướp Mỹ-Diệm đã bắt bớ Tăng Ni,bao vây chùa,giết hại Phật tử khiến cho Hòa Thượng Thích Quảng Ðức phải tự thiêu bảo vệ chánh pháp.”Cũng ngày ấy một buổi lễ cầu siêu cho nạn nhân Phật Tử Việt Nam được tổ chức tại chùa Yung-Ho-Kung.

- Tháng tám,chính quyền Diệm khủng bố nặng nề.Ngày 1/9/1963 Bắc Kinh phản ứng qua trung gian của Hội Phật Giáo Trung Hoa,bằng một tờ tuyên cáo khác và bằng một lễ tưởng niệm và âm thầm tổ chức Ðại Hội Quốc Tế về Việt Nam,một Ðại Hội Phật Giáo Quốc Tế lần đầu tiên được tổ chức tại một nước Cộng Sản.Gọi là âm thầm tổ chức là vì từ ngày khai mạc cho đến khi bế mạc Ðại Hội,báo chí,truyền thông Trung Hoa không đề cập,phổ biến tin tức gì cả.Báo chí chỉ công bố từng phái đoàn lần lượt đến Trung Quốc từ ngày 29 tháng 9 đến ngày 17 tháng 10 và chỉ công bố các phái đoàn đến viếng thăm Trung Quốc.

- Sau ngày 1/11/1963 cho đến ngày 11/2/1965 Hội Phật Giáo Trung Hoa thỉnh thoảng ra thông cáo ủng hộ Phật Giáo Việt Nam.Bản thông cáo cuối cùng ra ngày 11 tháng 2,1965 sau đó không còn nữa vì lúc ấy Phật Giáo Việt Nam đã chia thành hai khối Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang.

- Qua bộ máy tuyên truyền,qua phương tiện truyền thông,những phong trào Phật Giáo đòi bình đẳng tôn giáo,dân chủ,hòa bình,công bằng xã hội bị buộc tội do Cộng Sản giật dây trong khi tại Dinh Tổng Thống,những ông cố vấn nằm vùng Vũ Ngọc Nhạ,Huỳnh Văn Trọng hoạt động liên tục nhiều năm mà chính quyền không hay biết!

 

87.  Phật Giáo sau 1/11/1963 liên tục đấu tranh chống Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu, rồi lại đấu tranh đòi hòa bình.  Tại sao liên tục đấu tranh? Biến tôn giáo thành tổ chúc chính trị.

- Không sung sướng gì trong những cuộc vận động đấu tranh.Nhóm Caravelle phải trả giá rất đắt vì đề nghị cải cách, Ðại Tá Nguyễn Chánh Thi phải vùng dậy đảo chánh rồi phải lưu vong.

- Năm 1957 Lễ Phật Ðản bị gạt ra ngoài ngày lễ công cộng.Năm 1963 Phật tử không được treo cờ Phật Giáo kỉ niệm ngày Ðản Sinh của Phật. Ðạo Dụ số 10 năm 1950 vẫn còn áp dụng cho Phật Giáo Việt Nam.Phật Giáo bị dồn vào chân tường.

- Hiến Chương Vũng Tàu biến Thủ Tướng Nguyễn Khánh thành Tổng thống muôn năm đi ngược lại nguyện vọng của dân .

- Cụ Trần Văn Hương chỉ là cánh tay nối dài của Ðại Tướng Nguyễn Khánh.

- Ðòi hỏi Quốc Hội lập hiến là muốn xây dựng cho thể chế miền Nam được bền vững hơn,đó là một đòi hỏi chính đáng.Ðàn áp chống phong trào đòi hỏi Quốc Hội Lập Hiến,rồi khi thỏa thuận tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến lại đàn áp những người tham gia vận động đòi hỏi Quốc Hội Lập Hiến.

- Ðạo luật về bầu cử Tổng Thống năm 1971 quy định cần có 30 thành viên Quốc Hội,100 thành viên Hội Ðồng Ðô Thành,Tỉnh,Thị Xã là muốn loại những ứng cử viên ngoài Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.Những nguyên nhân gây ra khủng hoảng không phải do Phật Giáo.

- Ước vọng hòa bình là ước vọng chung của dân chúng Việt Nam.Danh xưng và biểu tượng của các ứng cử viên Tổng thống,Thượng viện nói lên điều này.Phật Giáo chỉ phản ảnh những nguyện vọng ấy.Chiến tranh để hòa bình,chứ không phải chiến tranh để tiếp tục chiến tranh.Cộng sản Bắc Việt đem quân vào đánh miền Nam,thế mà họ cũng chủ trương hòa bình,trong khi miền Nam vô lẽ lại chủ trương chiến tranh được phản ảnh trong nội các chiến tranh của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ,quân sự hóa giải pháp Việt Nam,lấy xác người để đo lường chiến thắng(body count)?

Phật Giáo chỉ nói lên nguyện vọng của quần chúng bằng biểu tình,tuyệt thực, đem thân làm cây đuốc cho nguyện vọng.Trong khi đó một cuộc đảo chánh hụt xảy ra vào thời Nguyễn Khánh,hai vụ đảo chánh hụt xảy ra vào thời Phan Huy Quát.Biểu tình,tuyệt thực nghiêm trọng hay đảo chánh nghiêm trọng?Vô lẽ quần chúng Việt Nam,Phật Giáo Việt Nam tỏ bày ước vọng hòa bình thì có tội còn Pacim in Teres,còn lời tuyên bố sống chung hòa bình với Cộng sản của đức cha Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh thì như thế nào?Còn đảo chánh gây đổ máu thì sao?

Khi Thủ tướng Ngô Ðình Diệm trở về nước,nhiều người đón mừng thủ tướng,trong đó có hàng Phật Tử.Sau 1/11/1963 các tôn giáo bạn được hưởng quyền bình đẳng tôn giáo nhưng Phật Giáo lại chịu búa rìu dư luận.Sau vận động đòi hỏi quốc hội lập hiến,Phật Tử và quần chúng tham gia phong trào thì chịu tù,chịu tội,chịu bắt nhập ngũ,sau phong trào chống đối độc diễn trong kỳ bầu cử Tổng Thống năm 1971,Lập Pháp,Hành Pháp, Tư Pháp,Quân Ðội,Cảnh Sát nằm trong quỹ đạo Tổng Thống Phủ,rồi Hội Ðàm Ba Lê,rồi triệt thối quân đội vùng I,Vùng II Chiến Thuật,rồi 30/4/1975 thế mà Phật Giáo vẫn chịu búa rìu dư luận.

Phật Giáo có lẽ có thể thực hiện được những hoài bão của quần chúng mà không phải hi sinh,không phải chịu nhiều thị phi nếu có khả năng vận dụng chính trị,ngoại giao,những yếu tố mà Phật Giáo đã đánh mất sau nhiều năm giam mình vào bức tường xuất thế,sau nhiều năm dưới ách thống trị của ngoại bang,không có thì giờ,phương tiện để trang bị đầy đủ.

Phật Giáo nếu có một bộ phận cư sĩ lo việc thế sự cho Giáo Hội,có lẽ giúp Giáo Hội tránh mang tiếng hoạt động chính trị,tránh mang tiếng biến tôn giáo thành tổ chức chính trị,nhưng rất tiếc sau nhiều năm cư sĩ chỉ là cây tầm gửi của cổ thụ Phật Giáo.

Có lẽ quá hăng say với lý tưởng cứu thế,an dân,Phật Giáo đã không lượng sức mình để phải chịu không biết bao nhiêu khổ nạn.Những câu“Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục”tuy kiêu hùng thật,nhưng phải trả giá rất đắt trước thực tế phũ phàng,mà cái giá đắt nhất là sự phân hóa nội bộ,Tăng Già cũng như Cư Sĩ.

Dấn thân vào khổ lụy xem đó là sự hi sinh cao cả,hình ảnh nạn nhân được mến chuộng để rồi không đủ khả năng đưa ra những quyết định cam go thực tiễn.hình ảnh nạn nhân làm lu mờ mục tiêu dài hạn

 

---o0o---

 

Mục Lục Phần 1 > Phần 2 > Phần 3 > Phần 4 > Phần 5

 

---o0o---

Vi tính: Huệ Lực - Trình bày: Anna

Cập nhật:09-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

墓 購入 願力的故事 bẠgiå 人生是 旅程 風景 nhÃƒÆ 心经全文 六因四缘五果的来源和作用 hãy Tình 佛法怎样面对痛苦 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 túm 忿怒相 塩谷八幡宮 课程表鼓励孩子的话 CẠæˆåšæ năm điều Mách bạn địa chỉ quán cơm chay ngon ในรายาใ 8คมนา Dấu hiệu và một số cách phòng tránh 佛观音 สโตร ส รา 義交 æåŒ ç½ åˆ¹å ³ Gio Do Co xuan Khi An 生日快乐 mua lu lai tran ve phật tử trên bước đường tìm 积极向上的名言警句 賴志顏 æˆ å šæ nhà hÓng 白骨观 危险性 佛语不杀生 丢失菩提心的因缘 ブッダの教えポスター ç æŒ 河南有专属的佛教