Vãng Sanh Tây Phương
Trong " Vãng sanh truyện" chúng ta thấy có rất nhiều người do công phu
niệm Phật được vãng sanh rất tự tại, biết trước giờ giấc ra đi, không
một chút bệnh hoạn, gương mặt lại tươi đẹp hơn lúc bình thường.
Nhiều người không hiểu lại cho rằng:" Niệm Phật mới ba năm đã vãng
sanh", là phải chết, ây da! Tôi sợ lắm, thôi thôi, đừng bảo tôi niệm
Phật nữa.
Những người có ý nghĩ như vậy, vì họ không hiểu được ý nghĩa, giá trị
cao đẹp của sự vãng sanh, nên mới bị những suy nghĩ tham sống sợ chết,
luyến tiếc trần cảnh để phải chịu trôi lăn mãi trong luc đạo luân hồi.
Pháp môn niệm Phật không có sinh tử, vãng sanh không phải là chết, vãng
sanh là sống mà ra đi. Còn chết là không thể vãng sanh. Cho nên pháp môn
này còn gọi là pháp môn không sanh, không diệt. Vì trong lúc vãng sanh
quý vị rất tỉnh táo và thấy Phật tới rước rồi theo Phật ra đi. Lúc đó
cái xác tạm bợ của thế gian này không còn dùng nữa. Sau khi lên đến cõi
Tây Phương Cực Lạc quý vị sẽ được một thân tướng trang nghiêm đep đẽ y
như đức Phật A Di Đà. Như vậy tuyệt đối không phải chết.
Cho nên tôi thường nói với quý vị rằng: Pháp môn này là pháp môn không
già, không bệnh, không chết. Quý vị hãy yên tâm, dừng bước, lắng lòng
nhất hướng mà chuyên niệm. Tôi nói đây là sự thật, chẳng phải dối gạt
quý vị để làm gì, chỉ cần quý vị chuyên tâm niệm Phật, tới lúc tâm được
thanh tịnh thì tất cả chuyện khổ đều không còn nữa, gương mặt lúc nào
cũng tự tại vui cười, vì vui tươi nên không già. Người xưa có câu " ưu
tư khiến cho người mau già" lo buồn khiến quý vị rất dễ lão hóa.
Hiện giờ chúng ta còn đang mang cái nghiệp báo thân này, sống chết không
một chút tự do. Những lúc khổ quá, thọ mạng chưa hết, muốn chết mà vẫn
phải sống, đến khi có phước báu nhiều rồi, muốn sống thêm vài năm để
hưởng thụ nhưng thọ mạng đã dứt, chừng đó muốn sống vẫn phải chết.
Do đó, khi quý vị phát tâm niệm Phật hoặc vào niệm Phật đường niệm Phật,
thân tâm, thế giới, vạn duyên bên ngoài, tất cả đều buông xuống hết, chỉ
còn câu hồng danh A Di Đà Phật với niềm vui đạo hạnh tràn ngập trong
lòng, đó gọi là pháp hỷ sung mãn. Sự chuyên cần tu tập đến lúc công phu
thành khối, quý vị sẽ không còn ràng buộc bởi cái khổ của bệnh già và
chết, chừng đó sanh tử tự tại, muốn ra đi lúc nào tùy ý, muốn ở lại thế
gian sống thêm vài ba năm cũng được. Lúc này cái sống của quý vị hoàn
toàn mang ý nghĩa cao đẹp và tự biết mình sẽ phải làm những điều gì.
Người đạt mức sanh tử tự tại là người hội đủ phước báu lên thế giới Tây
Phương Cực Lạc để hưởng thụ. Họ không ra đi mà tình nguyện ở lại vì xét
thấy còn rất nhiều người có duyên với mình, mình phải giúp đỡ họ, phải
độ cho họ, hi vọng có thể dẫn dắt thêm nhiều người cùng nhau về Tây
Phương.
Lý do sống chính đáng như thế tuyệt đối không phải vì tham sống sợ chết
hay để hưởng thụ ở thế gian này. Thực ra sự hưởng thụ trên thế gian này.
Thực ra sự hưởng thụ trên thế gian làm sao sánh bằng Thế giới Cực Lạc ở
Tây Phương! Cái nhà mà chúng ta cho là đẹp và sang trọng nhất, đối với
người cõi Tây phương Cực Lạc họ không màng đến, bởi vì nhà cửa của họ ờ
là thất bảo cung điện, sàn nhà toàn bằng lưu ly ( cẩm thạch), đường đi
trải bằng vàng, thức ăn chỉ cần nghĩ đến liền hiện ra, đồ vật mọi thứ
đều do tâm nghĩ tưởng mà hiện hình.
Do tập khí ở thế gian nên có lúc khởi niệm ăn uống đến khi gián ngộ lại
thức ăn liền biến mất. Cho nên nhà ở cõi Tây Phương Cực Lạc trống không,
sạch sẽ vô cùng. Và, không cần có nhà bếp. Quý vị thấy cuộc sống như vậy
có sung sướng không? Còn chúng ta đây, đồ đạc chất chứa đầy nhà, muốn
dọn dẹp cho gọn gàng sạch sẽ cũng phải mất nhiều thời giờ và phiền phức
vô cùng. Cho nên người niệm Phật đến khi công phu thành tựu rồi, nếu xét
thấy mình không đủ duyên hóa độ chúng sanh ở thế gian này họ đều mong
sớm được lên Tây Phương Cực Lạc để hưởng phước.
Sau khi lên đến thế giới Cực Lạc rồi, mỗi ngày được thấy Phật, được cúng
dường mười vạn ức Phật. Trong Kinh Di Đà Phật mười vạn ức Phật, thực tế
quý vị có thể cúng dường vô lượng hằng hà sa số Phật. Sở dĩ ngài nói ít
hơn như vậy vì Phật rất từ bi, ngài biết sự tỉnh thức của chúng sanh còn
rất hạn chế, lên đến đó rồi mà đôi lúc còn khởi tâm nghĩ nhớ về ngôi nhà
cũ và những người thân còn ở thế gian. Do đó ngài, mới phương tiện, mà
nói cúng dường con số ít hơn thực tế như vậy và bảo chúng ta còn thể trở
lại thăm thế gian bất cứ lúc nào đều có thể được.
Thế giới Tây Phương Cực Lạc trang nghiêm đẹp đẽ như thế. Đi đến đâu cũng
có những thành tựu tốt đẹp như thế. Vì sao chúng ta không tranh thủ đi
sớm?
Một pháp môn có thể thành tựu dễ dàng như vậy. Đối với các vị Bồ tát
thành tựu ở những pháp môn khác, nếu không nhập vào cảnh giới này, đều
cho là một pháp môn khó tin, khó hiểu.
Cũng giống như chúng ta nói với mọi người rằng niệm Phật dường là nơi
rất tốt, rất thù thắng để tu tập. Họ nghe qua dễ gì tin ngay. Nhưng sau
vài ngày đến đây niệm Phật rồi họ mới chịu tin. Một việc nhỏ ở thế gian
này mà người đời còn không hiểu không tin được, nói gì đến cảnh giới thù
thắng, viên mãn ở thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Từ chuyện nhỏ suy rộng đến chuyện lớn. Chúng ta có thể nhận thức được
phần nào để tăng trưởng thêm niềm tin và thiện căn của mình hầu đem hết
tâm nguyện của mình ra niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chắc chắn sẽ được
thành tựu.
Tri Ân Báo Ân.
Hôm nay có vị đồng tu, đưa ra câu hỏi: " Làm cách nào để siêu độ thân
bằng quyến thuộc của mình?". Cho thấy đây là một vấn đề quan trọng được
nhiều người quan tâm đến. Những người đã chết, điều mong mõi duy nhất và
tha thiết của họ là trông nhờ sự giúp đỡ của con cháu. Do đó con cháu
cần phải tu học Phật pháp. Theo đúng phương pháp của Phật đã dạy đễ tu
hành. Đây là cách thức giúp đỡ có hiệu quả nhất.
Nhưng trong Phật pháp có đến 8 vạn 4 ngàn pháp môn. Pháp môn Trì danh
niệm Phật là phương pháp dễ tu và mau chóng đạt kết quả nhất. Nếu quý vị
thật sự phát tâm vì muốn cứu thân bằng quyến thuộc vĩnh viễn xa lìa ác
đạo, quý vị phải mạnh dạn bước vào niệm Phật đường, chân thật niệm Phật,
đồng thời phải có tâm kiên cố.
Trong cuộc sống, dẫu có nhiều bận rộn một tuần ít nhất quý vị phải đến
niệm Phật đường một ngày. Niệm Phật vì ai? Vì giúp đỡ thân bằng quyến
thuộc hiện kiếp cũng như thân nhân nhiều đời nhiều kiếp đã qua. Công đức
này thật to lớn vô cùng.
Hiện nay trong niệm Phật đường của chúng ta, mỗi tuần niệm Phật một lần
24 giờ. Một ngày như vậy, quý vị hãy buông xã thân tâm, vạn duyên thế
giới bên ngoài. Dùng tấm lòng chân thành, thanh tịnh, từ bi. Đồng thời
với tâm niệm báo ân để niệm Phật. Được như thế việc niệm Phật của quý vị
mới mong có kết quả tốt và nhất là đối với ông bà, tổ tiên, cha mẹ đã
quá cố của quý vị được vô cùng lợi lạc, công đức của quý vị cũng thật là
to lớn.
Trong đây có người thắc mắc: " Làm sao biết được thân bằng quyến thuộc
lúc nào thoát khỏi ác đạo". Xin thưa rằng: " Ngay lúc quý vị phát tâm
chân thành niệm Phật, họ lập tức thoát khỏi ác đạo". Bởi vì việc làm của
quý vị chân thật, không giả dối thì liền được cảm ứng, chứ không phải
chờ đến khi quý vị niệm Phật, đến lúc công phu thành khối họ mới được
siêu thoát. Tuy nhiên nếu công phu của quý vị thành khối, nghĩa là không
xen tạp, không gián đoạn, có thể gọi là " chứng tiểu quả" thì phước báu
của họ sẽ được sanh lên thượng thiên đạo. ( Trời, người, A tu la).
Trường hợp công phu niệm Phật của quý vị không ngừng nâng cao, thì thân
bằng quyến thuộc của quý vị sẽ không bao giờ trở lại ác đạo. Đến đây quý
vị đã hiểu rõ hai mặt lý và sự của công đức niệm Phật rồi. Từ đây quý vị
tự biết mình phải làm thế nào khi phát tâm niệm Phật để đền đáp công ơn
sâu dầy đối với Cửu huyền Thất Tổ, thân bằng quyến thuộc.
Phát tâm niệm Phật là điều rất tốt. Tuy nhiên nếu không có ngoại duyên
hổ trợ, nghiệp chướng, tập khí của mình lại công phu không được đắc lực.
Một niệm Phật đường chân chính là một tăng thượng duyên giúp chúng ta tu
hành, duyên này rất thù thắng. Hôm qua có một vị đồng tu người Mỹ đến
nói với tôi rằng:" Tôi vào niệm Phật Đường, thấy chung quanh đều có hình
Phật, khiến tôi có cảm giác như chính mình cũng là Phật". Cảm giác này
thật sự không sai.
Điểm thù thắng khác ở Niệm Phật Đường là được mỗi ngày nghe giảng Kinh
thuyết pháp. Sau khi nghe và hiểu được nghĩa lý trong kinh, siêng năng
tu hành. Đây gọi là " Giải hành tương ưng". Nếu một Niệm Phật Đường,
hằng ngày không được nghe giảng Kinh thuyết pháp, người niệm Phật không
thể nào Giải hành tương ưng được. Đa số dễ lạc vào hình thức niệm Phật.
Như vậy hiệu quả sẽ khác nhau xa lắm.
Hiện nay có một số đạo tràng ở những nơi khác đến tham dự Phật thất và
áp dụng phương thức niệm Phật ở đây vào đạo tràng của họ thật là quý hóa
vô cùng.
Tôi hi vọng mỗi đạo tràng ở những nơi khác đều có thể xây Niệm Phật
Đường, hầu giúp mọi người cùng nhau niệm Phật. Tuy nhiên, một nhân tố
cần thiết không thể thiếu, đó là phải hiểu rõ lý lẽ. Muốn hiểu lý lẽ
phải có người giảng kinh thuyết pháp không gián đoạn. Nếu quý vị không
tìm được người giảng pháp, có thể đến đạo tràng chúng tôi lấy băng về
nghe, mỗi ngày nên mở băng nghe hai giờ đồng hồ. Như vậy, Niệm Phật
Đường của quý vị với chúng tôi không có khác.
Công phu niệm Phật của chúng ta một khi đã thành khối, không những thân
bằng quyên thuộc của kiếp này, thậm chí đến nhiều đời kiếp trước mà
chúng ta không biết hoặc không thể nhớ, họ vẫn được siêu độ. Nghĩ đến
việc này, nếu chúng ta không siêng năng nổ lực tu hành, chúng ta thật có
lỗi với ông bà, Tổ tiên, thân bằng quyến thuộc. Do đó khi vào niệm Phật,
chúng ta phải mang tâm tri ân báo ân để niệm Phật. Chính cái tâm này là
một động lực mạnh mẽ thúc đẩy chúng ta tinh tấn, dõng mãnh không ngừng.
Hôm nay họ vẫn còn kẹt trong ác đạo, không có khả năng giải thoát nên họ
hoàn toàn trông cậy ở chúng ta, những người hiểu Phật pháp, hiểu giáo
lý, chân thật y giáo phụng hành. Không những giúp họ ra khỏi cảnh khổ,
mọi tai kiếp hiện nay trên thế giới đều có thể giải hóa, có thể đạt đến
chỗ quốc thái dân an như lời Phật nói. Cho nên niệm Phật không phải vì
chính mình, mà vì thân bằng quyến thuộc, vì tất cả chúng sanh.
Giữ Chánh Niệm Phục Ma Vương.
Đa số chúng ta đây đều biết, Phật có tướng bảo quang minh, Ma cũng có
tướng hảo quang minh. Phước báu của Phật vô cùng to lớn, phước báu của
Ma cũng không kém. Phật có hào quang kim sắc của Phật nhu hòa khiến cho
chúng ta mỗi khi tiếp xúc đều có cảm giác nhẹ nhàng tươi mát, an ổn, vui
vẻ, tự tại. Ma cũng có hào quang kim sắc, nhưng dưới ánh sáng chói lọi
của Ma, con người sẽ cảm thấy sợ hãi không yên. Tóm lại, hào quang của
Ma so với hào quang của Phật không có khác, chỉ khác ở chỗ sau khi con
người tiếp xúc rồi có những cảm giác hoàn toàn trái ngược nhau.
Làm thế nào để tránh khỏi ánh sáng của Ma? Không bị Ma tổn hại? Điều này
hết sức quan trọng, quý vị không thể hiểu rõ. Phương pháp hữu hiệu nhất
để đối phó:
Quý vị phải luôn giữ Chánh Niệm. Khi giữ được chánh niệm, chẳng những Ma
không thể làm tổn hại, ngược lại sanh lòng tôn kính và hộ pháp.
Khi xưa. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi thị hiện tám tướng thành đạo, Ma
ba tuần liền đến và dùng đủ mọi thủ đoạn uy hiếp cản trở. Đức Thế Tôn
chánh niệm phân minh, như như bất động. Sau cùng Ma không còn cách nào
để phá hại nữa, nên sanh lòng tôn kính, bái phục, nguyện làm hộ pháp cho
Ngài. Do đó tâm niệm của chúng ta cần phải tương ưng với Giới- Định-
Huệ, ba môn học, đây là phương thức quan trọng nhất để đối trị với sức
cản trở, lay đông của Ma.
Những người nào dễ bị Ma làm tổn thương nhất?
Xã hội ngày nay, những người tu học Phật pháp, đặc biệt là gới thanh
niên, bị nhập Ma rất nhiều, những ai thích có thần thông, cảm ứng đều dễ
bị kết duyên với Ma. Ma sẽ lợi dụng nhược điểm đó của quý vị đến lay
động quấy phá. Cho nên người tu học Phật pháp trong thời đại này cần
phải có cảnh giác cao độ.
Khi niệm Phật phải giữ tâm thật chân thật, không nên mong cầu cảm ứng.
Trong Kinh điển Phật dạy chúng ta như thế nào, chúng ta ngoan ngoãn làm
theo. Điều gì Phật nói chúng ta không nên làm, chúng ta quyết định không
làm. Phật dạy chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta cầu
sanh Tịnh độ. Phật bảo chúng ta liễu sanh tử, thoát khỏi luân hồi, chúng
ta tuyệt đối không luyến tiếc với lục đạo. Thuận theo lời chỉ dạy của
Phật, Ma sẽ không làm gì được đối với chúng ta.
Giới trẻ ngày nay đa số vì muốn có thần thông, có cảm ứng, nhưng đâu ngờ
đã tự mình làm hư hoại hết cả tương lai tốt đẹp của chính mình. Thật là
điều đáng tiếc vô cùng! Quý vị nên hết sức thận trọng, nhất là phải có
sự cảnh tỉnh đối với con cháu, bà con quyến thuộc, bởi vì trong lúc quý
vị khởi tâm mong cầu thần thông, cảm ứng. Ma liền có dịp giả hình dáng
Bồ tát, giả Phật Di Đà đến mê hoặc và lừa gạt dẫn dắt quý vị đi theo.
Nhiều vị đồng tu lo rằng: nhỡ khi lâm chung Ma giả Phật A Di Đà đến rước
thì sao? Nếu chúng ta không phân biệt được giữa Ma với Phật thì công phu
niệm Phật nổ lực tu hành bấy lâu sẽ chẳng còn.
Đối với điều này xin quý vị hãy yên tâm. Ma tuy lừa gạt người, nhưng
nhất quyết chúng không thể giả dạng Bổn Tôn tức Phật A Di Đà. Bởi vì
Phật có Thần Hộ Pháp. Khi chúng ta phát tâm chân thật niệm Phật đều được
các vị Thần hộ pháp bảo hộ cho chúng ta, thần hộ pháp nhất quyết không
dung thứ cho các loài yêu ma quỷ quái giả mạo Bổn Tôn. Nếu chúng dám giả
mạo sẽ bị tội nặng. Ngược lại nếu chúng giả dạng các vị Phật đến gạt quý
vị, chúng không phạm tội. Cho nên quý vị niệm Phật A Di Đà, đến lúc lâm
chung nhất định phải chờ Phật A Di Đà đến tiếp dẫn. Nếu thấy Phật Thích
Ca, Phật Dược Sư đến rước đó là Ma giả dạng đến lừa gạt. Trong tình
trạng như vậy, quý vị phải tập trung tinh thần, nhất hướng chuyên niệm
hồng danh A Di Đà Phật, và mặc nhiên không thèm để ý đến, tức thời những
hình ảnh đó sẽ tự biến mất. Những kiến thức này hết sức quan trọng, quý
vị nên lưu ý.
Người niệm Phật thỉnh thoảng mơ thấy Phật A Di Đà, như vậy là công phu
niệm Phật được cảm ứng, nếu thường xuyên thấy Phật thì phải cẩn thận,
coi chừng công phu khôngr đúng hoặc có vấn đề. Nhiều người hỏi: " Lúc
mới niệm Phật tôi thường mơ thấy Phật A Di Đà, tới nay, niệm Phật đã
nhiều năm rồi, lại không hề thấy. Như vậy có phải tôi bị thối chuyển so
với lúc ban đầu không?" Trả lời: " Cũng có thể thối chuyển" Nếu không bị
thối chuyển cũng không nên thường xuyên mơ thấy, thường xuyên mơ thấy là
Ma cảnh. Cho dù quả thật mơ thấy Phật cảnh hiện ra cũng không nên sanh
tâm chấp trước, sanh tâm tham và vui mừng.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có chỉ dạy cho chúng ta
phương pháp đối phó với Ma cảnh như sau: " Khi gặp cảnh giới hiện ra,
phải giữ tâm không để ý đến, không tìm hiểu sâu vào". Vì sao? Bởi vì khi
Ma hiện ra, có nghĩa là công phu của quý vị đã đạt tới mức khả quan, nếu
không Ma cũng chẳng thèm tới để làm gì. Mục đích của chúng đến để chướng
ngại, phá cho tan nát công phu tu tập và đạo tâm của quý vị. Cho nên ý
nghĩa câu hồng danh A Di Đà Phật giúp chúng ta giữ tâm như như bất động
trước Ma cảnh rất quan trọng và rất tương quan mật thiết với công phu tu
tập của chúng ta.
Phát Tâm Bồ Đề.
Nếu chúng ta muốn ngay trong một kiếp nầy thật sư thành tựu được công
phu niệm Phật. Lúc xử thế, tiếp xúc với người, với vật, cái tâm duy nhất
mà chúng ta cần phải có đó là CHÂN TÂM.
Khi bị người khác lừa dối, hiếp đáp, chúng ta phải nghĩ như vầy: " đó là
chuyện của họ, không dính dáng gì với tôi cả". Việc của tôi là phải dùng
tâm chân thật đối xử lại. Vì sao? Bởi vì tôi quyết định trong một kiếp
nầy phải cầu vãng sanh Tịnh Độ". Làm thế nào để cầu sanh Tịnh độ? Trong
Kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ:
Phát Bồ Đề Tâm, Nhất Hướng Niệm Phật.
Nếu quý vị không phát Bồ Đề tâm, chỉ nương vào nhất hướng chuyên niệm,
kết quả không thể vãng sanh, xin quý vị nên thận trọng.
Ngài Lý Bính Nam nói: Một vạn (10 ngàn) người niệm Phật, thật sự có thể
vãng sanh chỉ vài ba người. Vì sao số người vãng sanh quá ít như thế? Vì
không phát tâm Bồ Đề nên tâm không thanh tịnh. Bởi tâm không thanh tịnh
nên còn thị phi nhân ngã, tham, sân, si, mạn, nghi. Những thứ này không
tương ứng với thế giới Cực Lạc một chút nào.
Tây Phương Cực Lạc là nơi câu hội của chư Thượng thiện nhân( chổ ở của
những người thiện lành bậc nhất). Cho dù quý vị niệm Phật siêng năng đến
đâu hoặc một ngày có thể niệm đến trăm ngàn lần, nhưng tâm của quý vị
không thiện, làm sao có thể lên Tây Phương ở cùng chỗ của bậc Thượng
thiện nhân? Do đó phát Bồ đề tâm quan trọng hơn cả việc nhất hướng
chuyên niệm là như vậy. Người thật sự phát Bồ đề tâm, khi lâm chung, một
niệm hoặc mười niệm quyết định sẽ vãng sanh. Vì sao? Vì họ đã là người
thượng thiện nhân rồi, đầy đủ phước đức rồi. Chỉ cần chợt khởi tâm muốn
vãng sanh là được ngay. Cho nên những lời nói trong Kinh điển, chúng ta
cần phải lưu ý, suy ngẫm kỷ lưỡng, tuyệt đối không nên tụng niệm một
cách hàm hồ.
Đoạn văn trên chúng ta nói đến
CHÂN TÂM.
CHÂN TÂM
là THỂ của Bồ đề tâm, kế tiếp nói THÂM TÍN
là DỤNG của Bồ đề tâm.
Tự dụng đối với chimình là luôn giữ tâm hiếu thiện hiếu đức( thích làm
điều thiện, đức). Đối với chúng sanh thì đại từ bi. Nhân từ, hiếu thiện
hiếu đức là việc làm không thể miễn cưỡng hoặc làm cho có hình thức bên
ngoài. Nó phải lưu xuất một cách tự nhiên từ bên trong ra. Cho nên người
phát tâm Bồ đề, mỗi khi khởi tâm động niệm đều nghĩ đến việc làm lợi ích
cho chúng sanh phá mê khai ngộ, thoát khỏi cảnh khổ được an vui. Không
hề có một niệm nghĩ đến lợi ích cho cá nhân mình. Nếu còn một niệm ích
kỷ tự lợi, là còn ngã chấp nặng nề, ngã chấp là gốc rể của lục đạo luân
hồi! Không bứng sạch gốc rễ này thì không có cách nào ra khỏi lục đạo.
Cho nên ngay từ bây giờ, quý vị cần phải buông xả, phải nghĩ đến người
khác, nghĩ đến chúng sanh, đến những người đang đau khổ, đang gặp nạn
trên thế giới, tuyệt đối không nên nghĩ chuyện lợi ích cho riêng cá nhân
mình nữa.
Trong suốt thời gian thuyết pháp đã qua, tôi nhiều lần nhắc nhở quý vị
phải phát Bồ đề tâm. Trong Kinh điển đức Thế Tôn cũng từng lập đi lập
lại không biết bao nhiêu ngàn lần. Vì sao Thế Tôn không ngừng lập lại
như vậy? Bởi vì chúng sanh vẫn còn chưa tỉnh thức, vẫn còn u mê. Thế Tôn
vẫn phải lập đi lập lại một cách không mệt mõi để kêu gọi chúng ta. Một
khi quý vị phát khởi Bồ đề tâm, liền được chư Phật hộ trì. Vì tâm của
chư Phật là tâm Bồ đề. Như vậy tâm của quý vị sẽ cùng với tâm của chư
Phật không hề khác nhau./.
-- o0o --
Vi tính: Diệu Nga
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật ngày:
05-10-2001
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục