Tâm cũng như thế ấy. Khi tâm
rơi vào một sự việc nào đó, điều mà
chúng ta hay biết được là nỗi
đau đớn. Sự thống khổ, đau đớn, ưu sầu, và
chán nản đó đã từ
đâu mà
đến đây? Chúng không đến từ lý thuyết trong sách vở. Không thấy có chỗ nào
đã viết rõ các chi tiết của nỗi thống
khổ chúng ta. Sự đau khổ của chúng ta không
liên quan chính xác với lý thuyết, nhưng cả hai, sự
đau khổ và lý thuyết, lại cùng
đi chung một con đường. Sự nghiên cứu
qua sách vở không thể theo kịp với thực tại
được. Vì lẽ đó, Đức Phật đã dạy
cần phải đào luyện sự hiểu biết thật
rõ ràng về chính chúng ta. Bất cứ điều gì
khởi sinh lên, điều đó đều khởi sinh trong sự
hay biết đó. Khi sự hay biết này, đã
hay biết được đúng với sự thật, thì
tâm và các tâm sở được nhận ra rõ ràng
rằng chúng không phải là của ta. Một cách rốt ráo, tất cả những hiện tượng
đó cần phải được dẹp bỏ qua và vứt
đi như rác rến. Chúng ta chớ nên bám
níu vào và gán cho chúng một ý nghĩa nào cả.
Đức Phật dạy về tâm và
các tâm sở, nhưng không phải để cho chúng ta
bám chặt lấy các ý niệm đó. Ý định duy nhất của Ngài là giúp chúng
ta nhận chân ra được chúng (tâm và tâm
sở) đều vô thường, bất toại nguyện và
vô ngã. Rồi thì hãy buông bỏ chúng, gạt chúng qua một bên. Hãy hay biết và
hiểu rõ chúng khi chúng khởi sinh. Tâm này đã
bị điều kiện hóa từ lâu. Tâm ấy đã
được tập tành và chịu sự
điều kiện hóa để quay cuồng và xa rời
khỏi tình trạng của sự hay biết thuần tịnh. Khi tâm ấy quay cuồng, nó tạo
nên các hiện tượng bị điều kiện hóa, rồi các
hiện tượng ấy trở lại ảnh hưởng đến tâm thêm nữa, khiến cho sự biến
chuyển cứ tiếp tục mãi. Tiến trình đó khởi
sinh các điều thiện, điều ác, và các sự vật khác nữa dưới ánh mặt
trời này. Đức Phật dạy ta phải nên từ
bỏ chúng hết đi. Tuy nhiên, ngay buổi
đầu, các bạn còn phải tập làm quen với
lý thuyết, rồi mới có thể buông bỏ nó vào một giai
đoạn sau. Đó là một tiến trình tự
nhiên. Tâm chỉ là như thế đó. Các tâm sở cũng
chỉ là như thế đó.
Hãy lấy một thí dụ, về Bát
Chánh Đạo chẳng hạn. Khi trí tuệ (paññā,
bát nhã) quán sát sự vật một cách
đứng đắn với minh quán, Chánh Kiến khởi lên và
đưa đến Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng,
và các chi kế tiếp. Điều này có
liên hệ đến các tình trạng tâm lý
đã khởi lên từ giác niệm thuần tịnh.
Giác niệm đó cũng như một ngọn đèn soi
sáng trong đêm tối cho con
đường phía trước. Nếu sự hiểu biết đúng đắn,
nghĩa là phù hợp với chân lý, nó sẽ tỏa lan và soi chiếu cho mỗi
bước đi khác trên
đường Bát Chánh.
Bất cứ
điều gì mà chúng ta thể nghiệm,
điều ấy cũng khởi lên trong phạm vi
của sự hiểu biết này. Sự hiểu biết không thể có nếu tâm không hiện hữu.
Tất cả là những hiện tượng của tâm. Như Đức
Phật có nói, tâm chỉ giản dị là tâm. Tâm không phải là một chúng
sinh, không phải là một người, một tự ngã, hoặc là chính bạn. Tâm không
phải là chúng ta, cũng không phải là chúng nó. Pháp (Dhamma) chỉ
giản dị là Pháp. Nó là một tiến trình tự nhiên, vô ngã. Nó không thuộc về
chúng ta, hay bất cứ ai khác. Nó không phải là một vật. Bất cứ những gì mà
một cá nhân thể nghiệm đều rơi vào
trong năm loại căn bản này (khandas,
năm uẩn): sắc, thọ, tưởng, hành và
thức. Đức Phật dạy chúng ta nên buông
bỏ chúng hết.
Sự quán chiếu cũng tựa như một
thanh gỗ. Minh quán (Vipassanā)
ở đầu này của thanh gỗ, còn An chỉ (Samatha)
thì ở đầu kia. Khi chúng ta cầm thanh gỗ lên,
có phải một đầu hay là hai
đầu cùng
được nâng lên? Dĩ nhiên, khi cầm thanh gỗ lên thì hai
đầu đều được cất lên cả.
Đầu nào là minh quán, và
đầu nào là an chỉ? Chỗ nào là minh
quán tận cùng và chỗ nào là an chỉ bắt đầu?
Cả hai đều là tâm cả. Khi tâm trở nên an tịnh, thì sự an
định sẽ khởi lên ngay bước
đầu từ nơi tịch tĩnh, an chỉ (samatha).
Chúng ta gom và hợp nhất tâm lại trong những trạng thái an
định (samādhi).
Tuy nhiên, khi sự an bình và ổn cố của samādhi
phai nhạt dần, khổ sở sẽ khởi lên thay thế. Tại sao vậy? Bởi vì sự an bình
do thiền an chỉ đưa đến vẫn còn căn
cứ trên sự bám níu. Sự bám níu này có thể là một nguyên nhân gây ra
đau khổ. Tịch tĩnh còn chưa phải là
bước cuối của con đường. Đức Phật đã
nhìn thấy điều đó, do chính kinh nghiệm của
Ngài, sự an định của tâm như thế vẫn còn
chưa phải là cứu cánh. Các nguyên nhân nằm bên dưới tiến trình của sự hiện
hữu (bhava) vẫn chưa được đoạn diệt (nirodha).
Các điều kiện của sự tái sinh vẫn còn
đó. Công tác tâm linh của Ngài vẫn
chưa đạt đến mức toàn hão. Tại sao?
Bởi vì vẫn còn khổ não. Do đó, căn cứ trên
sự an định của tịch tĩnh, Ngài tiếp
tục quán chiếu, điều tra, và phân tích
bản chất hữu vi của thực tại cho đến khi Ngài
đã giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc,
ngay cả sự ràng buộc vào tịch tĩnh. Tịch tĩnh vẫn còn là một phần của thế
giới hữu vi và thực tại ước định. Bám vào
loại an định đó là bám vào thực tại
ước định, và cho
đến khi nào chúng ta còn bám vào
đó, chúng ta vẫn còn sa lầy trong hiện
hữu và tái sinh. Hân hoan trong sự an định
của tịch tĩnh sẽ đưa đến hiện hữu và tái sinh kế tiếp. Một khi tâm
bất an và chao động đã lắng dịu xuống
rồi, con người thường hay bám níu vào sự yên tịnh tiếp theo
đó.
Thế nên
Đức Phật mới quan sát các nguyên nhân
và điều kiện nằm bên dưới sự hiện hữu
và tái sinh. Cho đến khi nào Ngài còn
chưa thấm nhập hoàn toàn vào vấn đề và
hiểu rõ ràng được Chân Lý, Ngài vẫn
tiếp tục thẩm sát càng lúc càng thâm sâu hơn, với một tâm tư an
định, chiếu rọi vào tất cả mọi sự vật,
an lành hay xáo động, mỗi khi chúng khởi sinh
lên. Ngài tiếp tục thẩm sát cho đến
khi Ngài thấy thật rõ ràng, minh bạch rằng, muôn pháp khi khởi lên
hiện hữu thì cũng tựa như một hòn sắt nóng
đang nung đỏ. Năm uẩn (sắc, thọ tưởng, hành, thức) của chúng sinh
là hòn sắt nóng đỏ. Khi một hòn sắt
nung nóng đỏ, còn có chỗ nào cho ta
cầm mà không bị phỏng tay chăng? Có chỗ nào
nơi hòn sắt nóng đỏ đó còn dịu mát chăng?
Thử sờ vào bên trên, bên dưới hoặc hai bên hông mà thấy
được một chỗ còn nguội lạnh chăng?
Không thể được. Hòn sắt nung đỏ đã
hoàn toàn nóng cháy. Chúng ta không thể nào bám vào sự an tịnh. Nếu tự
đồng hóa với sự an tịnh đó, rồi phỏng đoán
rằng cũng có kẻ đang được yên ổn và tịch tĩnh,
đó là vô tình củng cố thêm ý nghĩ sai
lầm rằng có một linh hồn riêng biệt, một tự ngã
độc lập. Ý tưởng về tự ngã chỉ là một
phần của thực tại qui ước. Khi nghĩ rằng, "Tôi bình yên, Tôi xao
động, Tôi tốt, Tôi xấu, Tôi sung sướng, Tôi
đau buồn", chúng ta càng bị vướng vào hiện hữu và tái sinh. Lại
càng thêm khổ sở. Khi hạnh phúc tàn phai, chúng ta
đau khổ. Khi sự khổ sở biến mất, chúng ta có
hạnh phúc trở lại. Vướng mãi trong vòng lẩn quẩn
đó, ta trồi lên thụt xuống triền miên
giữa thiên đường và
điạ ngục.
Trước khi giác ngộ,
Đức Phật nhận thấy điều này trong
chính tâm của Ngài. Ngài biết rõ rằng các
điều kiện của sự hiện hữu và tái sinh vẫn chưa tận diệt hết. Công
tác của Ngài vẫn chưa hoàn tất. Chú tâm vào tính duyên sinh của cuộc
đời, Ngài quán chiếu: "Do nguyên nhân
này mà có sự sinh; do sự sinh này mà có sự chết, và tất cả các sự biến
chuyển này đến và
đi." Thế là
Đức Phật nắm lấy các chủ đề đó để quán chiếu
hầu thông hiểu Sự Thật về năm uẩn. Tất cả mọi sự vật tâm linh hay vật
chất, mọi sự việc được quan niệm hay suy tư đến, đều do duyên sinh,
không có một ngoại lệ nào. Một khi Ngài đã
hiểu rõ như thế, Ngài dạy chúng ta nên đặt
chúng xuống. Một khi Ngài đã
hiểu rõ như thế, Ngài dạy chúng ta nên buông bỏ chúng hết. Ngài khuyến
khích mọi người nên thông hiểu cho phù hợp với Chân Lý. Nếu không như thế,
chúng ta sẽ khổ sở. Chúng ta không đủ khả
năng để vứt bỏ các sự vật đó. Tuy nhiên, một khi chúng ta thấy rõ
Sự Thật về vấn đề đó, chúng ta sẽ nhìn
nhận rằng các sự vật đó làm mê hoặc
chúng ta. Như Đức Phật có nói, "Tâm không có
thực chất, nó không phải một vật nào cả."
Tâm không phải sinh ra là thuộc
về một ai. Tâm không chết đi như bất cứ ai.
Tâm ấy tự do, chiếu sáng rạng ngời, và không vướng mắc vào bất cứ
vấn đề nào cả. Lý do các vấn
đề khó khăn khởi lên là vì tâm ấy bị
che mờ bởi các sự vật bị điều kiện hóa, bị
vẩn đục vì quan niệm sai lầm về tự ngã. Bởi thế,
Đức Phật dạy ta phải nên quan sát tâm
ấy. Ngay tại buổi đầu, đã có gì ở
đấy? Thực sự, không có gì cả. Tâm ấy
không khởi lên cùng với các pháp hữu vi, và tâm ấy cũng không diệt mất
theo các pháp hữu vi đó. Khi gặp một sự việc
gì thiện lành, tâm ấy không thay đổi
để trở thành thiện lành theo. Khi gặp một sự việc xấu ác, tâm ấy
cũng không xấu ác theo. Tâm ấy như thế đó,
khi có sự minh quán nhìn rõ ràng vào bản thể của chính mình. Có sự
thông hiểu rằng đây vốn là một tình
trạng vô thực chất.
Trí tuệ minh quán của
Đức Phật nhìn thấy muôn pháp
đều vô thường, bất toại nguyện
và vô ngã. Ngài muốn mọi người chúng ta phải thông hiểu hoàn toàn
theo đường lối đó. Do đó, sự "hay biết" đã
biết thật phù hợp với Chân Lý. Khi sự "hay biết"
đó biết đến niềm an lạc hay nỗi sầu bi, thì
nó vẫn giữ được sự thản nhiên, bất
động. Tình cảm an lạc là một hình thức
của sự sinh ra. Khuynh hướng trở nên buồn bã là một hình thức của sự chết
đi. Khi có sự chết, tất sẽ có sự sinh; và
những gì sinh ra rồi sẽ chết đi. Khởi sinh
rồi tận diệt, cứ mãi vướng vào vòng lẩn quẩn của sự hiện hữu. Một
khi tâm tư của hành giả đã
đạt đến tình trạng hiểu biết như thế
đó, thì không còn sót lại chút nghi
ngờ nào về sự trở thành và tái sinh nữa cả. Không còn cần phải hỏi lại ai
nữa cả.
Đức Phật thẩm sát đầy đủ hết
tất cả các pháp hữu vi và đã
buông bỏ được chúng. Năm uẩn cũng được buông
bỏ, và sự "hay biết" chỉ đơn thuần là
một quan sát viên vô tư. Nếu Ngài thể nghiệm
điều chi tích cực, Ngài không vì thế mà trở thành tích cực. Ngài
chỉ đơn thuần quan sát và tỉnh giác.
Nếu Ngài thể nghiệm điều chi tiêu cực,
Ngài không hề trở thành tiêu cực. Và tại sao lại như vậy? Bởi vì tâm tư
Ngài đã giải thoát khỏi các nhân duyên
ấy. Ngài đã thấm nhập vào Chân Lý.
Nhân duyên đưa đến tái sinh không còn
hiện hữu nữa. Đó là sự "hay biết" chắc
chắn và đáng tin cậy. Đó là một tâm tư
thật sự hoàn toàn an định. Đó là những
gì không hề được sinh ra, không già
lão, không bệnh hoạn, và không hề chết đi. Đó
cũng không phải là nguyên nhân hoặc hậu quả, cũng không tùy thuộc
vào nhân và quả; hoàn toàn độc lập đối với
tiến trình duyên sinh. Các nguyên nhân bấy giờ
đã chấm dứt, và không còn sót lại một
duyên nào nữa. Tâm tư ấy vượt qua sự sinh và sự chết, vượt qua an lạc lẫn
ưu bi, cả thiện lẫn ác. Còn có thể nói gì hơn nữa? Nó vượt qua mọi giới
hạn của ngôn từ để mô tả nó. Tất cả các điều
kiện hỗ trợ đã chấm dứt, và nỗ lực nào
để mô tả nó cũng sẽ chỉ đưa đến sự bám thủ. Ngôn từ được dùng bấy
giờ chỉ trở thành một tràng lý thuyết của tâm tư mà thôi.
Các mô tả lý thuyết về tâm và
cách vận hành của tâm tuy chính xác nhưng Đức
Phật lại xem loại hiểu biết đó tương đối vô dụng. Chúng ta dùng trí
thức để hiểu biết một điều gì, rồi tin
tưởng vào đó, nhưng đấy không có chút ích lợi
thực sự nào. Kiến thức đó không đưa
đến an định. Sự hiểu biết của Đức Phật đưa đến sự buông bỏ. Kết quả là
sự từ khước. Bởi vì chính cái tâm đã
dẫn ta nhúng tay vào cả hai, điều phải và
điều trái. Nếu khá khôn ngoan, chúng ta sẽ
chọn điều phải. Nếu quá khờ khạo, chúng ta sẽ dính dấp đến điều quấy. Tâm
ấy là tâm thế gian, và đức Thế tôn đã
dùng các sư vật của thế gian này để quan sát
chính thế gian đó. Biết được rõ ràng thế gian này
đúng như thật nó là như thế, Ngài
được tôn xưng là bậc "Thế gian giải",
nghĩa là bậc đã hiểu
được thế gian này rất rõ ràng và minh
bạch.
Trở lại với vấn
đề an chỉ (samatha) và minh
quán (vipassanā),
điều quan trọng nhất là phải phát
triển các trạng thái đó ngay trong chính tâm
của chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta thật sự phát triển chúng nơi ta
thì chúng ta mới hiểu biết rõ thực sự chúng là như thế nào. Chúng ta cố
tìm học những gì trong sách vở nói về các yếu tố của tâm, nhưng loại kiến
thức trí năng này lại không có ích lợi
chi cho việc cắt đứt hẳn các ham muốn vị kỷ,
sân hận và si mê. Chúng ta nghiên cứu lý thuyết về tham, sân, si,
giản dị chỉ mô tả các đặc tính khác nhau của
các lậu hoặc tinh thần đó: "Ham muốn ích kỷ có nghĩa là như thế
này; giận hờn mang ý nghĩa như thế kia; si mê
được định nghĩa như thế nọ." Khi chỉ hiểu biết chúng qua các đặc tính lý
thuyết đó, chúng ta có thể thuyết giảng về chúng, nhưng chỉ trên
bình diện này thôi. Chúng ta thông minh và hiểu biết như thế, nhưng khi
các lậu hoặc đó thực sự khởi lên trong
tâm chúng ta, chúng có hoàn toàn giống hệt như trong lý thuyết không? Thí
dụ như, khi chúng ta gặp phải việc gì bất như ý, chúng ta có phản ứng
chống lại và trở nên cau có chăng? Chúng ta
có bám chặt lấy nó không? Hay là chúng ta buông bỏ, cho qua
đi? Nếu sự hiềm ghét nổi lên và chúng
ta thấy được như thế, chúng ta có còn
ôm ấp sự hiềm ghét đó mãi chăng?
Hoặc là khi chúng ta đã nhận
diện rõ ra sự hiềm ghét rồi, chúng ta có lập tức buông bỏ nó không? Nếu tự
xét mình khi có điều không vừa ý mà
nổi lên sự hiềm ghét và cố giữ sự hiềm ghét
đó mãi, tốt hơn là ta nên quay về học tập lại nữa. Bởi vì sự cố
chấp đó không phải là thái
độ đúng đắn. Sự thực tập vẫn chưa được hoàn
hảo. Hễ khi đã hoàn hảo rồi thì tự
nhiên có sự buông bỏ xảy ra. Các bạn hãy nhìn lại sự việc dưới ánh sáng
này.
Chúng ta phải thành thực nhìn
sâu vào chính tâm của chúng ta, nếu chúng ta muốn thể nghiệm
được các lợi lạc của sự thực tập. Cố gắng mô
tả các tình trạng tâm lý, qua các tâm sở khác nhau và các
đặc tính của chúng, chưa phải là sự
thực tập đầy đủ. Còn nhiều việc khác
cần làm hơn thế nữa. Nếu cần học tập các điều
ấy, bạn hãy tìm hiểu chúng một cách tuyệt
đối, với sự sáng tỏ rõ ràng và sự hiểu
biết thâm sâu. Thiếu sự trong sáng của minh quán, làm sao ta hoàn tất
được việc học tập? Chúng ta không bao giờ học
tập cho xong cả.
*
Thực tập Chánh Pháp vì
thế mà quan trọng vô cùng. Khi tôi thực hành,
đó là tôi đang học tập. Tôi không biết
gì về các tâm sở, các yếu tố tâm lý của tâm cả. Tôi chỉ quan sát
phẩm chất của sự hiểu biết. Nếu một tư tưởng khởi lên, tôi liền tự hỏi tại
sao. Nếu một ý hờn giận nổi lên, tôi tự hỏi tại sao. Nếu một ý yêu thương
sinh ra, tôi tự hỏi tại sao. Đó là
phương cách mà tôi theo. Cho dù có đặt tên
các ý đó là tư tưởng, là tâm sở, là
yếu tố tâm lý, là gì gì đi nữa, thì
cũng đã có sao? Chỉ cần
đi thật sâu vào
điểm đó cho đến khi nào các cảm xúc
thương hay ghét đó hoàn toàn biến mất
khỏi tâm. Khi tôi có đủ khả năng để chận dừng
sự yêu hay ghét, trong bất cứ trường hợp nào, tôi mới có thể vượt
thoát khỏi sự đau khổ. Rồi thì
đâu cần việc gì xảy ra thêm; tâm và
trí đã
được giải thoát và thoải mái. Không có gì còn lưu lại. Tất cả
đều dừng đứng lại.
Xin hãy thực tập như thế. Nếu
có ai muốn thuyết giảng về lý thuyết, thì đó
là việc của họ. Nhưng dù có tranh luận
đến bao nhiêu đi nữa, thì sự
thực tập cũng chỉ gom lại ở một điểm duy nhất
tại đây. Khi sự việc nào khởi lên, thì nó khởi lên ngay tại
đây. Dù nhiều hay ít, nó cũng bắt
nguồn từ ngay nơi đây. Khi nó chấm dứt, sự
chấm dứt cũng xảy ra ngay tại đây. Còn chỗ nào khác nữa sao?
Đức Phật gọi điểm tại đây là sự "hiểu
biết". Khi sự "hiểu biết" đó biết được sự vật
chính xác, phù hợp với Chân Lý, thì chúng ta thông hiểu
được ý nghĩa của tâm. Sự vật luôn luôn lừa
gạt không ngừng. Khi ta học tập về chúng, chúng luôn dối gạt ta. Tôi còn
phải nói cách nào nữa đây? Mặc dù bạn
biết chúng, bạn vẫn bị mê hoặc vì chúng, ngay tại nơi bạn biết
đến chúng. Đấy là thực trạng. Vấn
đề là như thế này: ý
định của Đức Phật không phải là muốn
ta biết các sự vật được gọi tên gì.
Mục đích giáo pháp của Ngài là dạy ta
hãy suy gẫm để tìm ra con
đường giúp chúng ta thoát ra khỏi các ràng
buộc của vạn pháp, xuyên qua sự truy tầm các nguyên nhân sâu xa nằm ẩn bên
dưới.
Thiện Nhựt & Bình Anson dịch
Tháng 4-2005
---o0o---
Nguồn:
www.buddhanet.net/budsas
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 01-06-2005
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục