Tinh Thần Tự Tín, Tự
Chủ
Khích lệ là chuẩn
bị để xây dựng tinh thần tự tín và tự chủ của hàng
đệ tử.
Bên cạnh sự trình bày
giáo lý thật minh bạch về khổ, khổ tập, khổ tập
diệt, và khổ tập diệt đạo, Thế Tôn xác nhận rằng
bằng nỗ lực riêng của mình, con người có thể thực
hiện được giải thoát ngay trong đời này. Chỉ cho con người
trở về nương tựa chính mình là dạy con người trở về
với tự tín.
Lòng tự tín không
thể thiếu được đối với người tu tập giải thoát. Nó
cũng không thể thiếu đối với ngưòi đời. Không tin người
khác thì mình có thể sống được, nhưng không tin ở mình
thì thật là khó sống, hoặc giả nếu có thể sống thì cũng
đã đánh mất nghĩa sống.
Trong lộ trình tu tập
chuyển đổi tâm lý, Thế Tôn dạy tín là khởi đầu cho
hỷ, lạc, khinh an... Thánh Tu-đà-hoàn được định nghĩa như
là có lòng tin bất thối ở con đường tu tập giải thoát
của mình.
Sự kiện Thế Tôn đã
ra đời và tu tập cho đến lúc thành đạo là sự kiện
thiết lập tự tín của con người đang ở giữa vùng sinh
tử mờ mịt, bao la.
Ngoài những lời dạy
khích lệ trực tiếp các đệ tử, Thế Tôn còn vận dụng
các hình thức gián tiếp như các trường hợp Ngài tuyên
bố chứng đắc trí của một số đệ tử nhỏ tuổi
(Sa-di). Ðiển hình là trường hợp đệ tử của Tôn giả Xá-lợi-phất
và đệ tử của Tôn giả A-nậu-lâu-đà (Trưởng lão Tăng
kệ), qua một số đệ tử nhập đạo khi tuổi đã già,
một số các ngoại đạo đầu Phật, một số trường hợp
các Ni như Tôn ni Patàcàra, người đã chịu khổ đau ê
chề trong cuộc sống đến độ tuyệt vọng (Trưởng Lão Ni
Kệ) v.v...
Việc chọn Tôn giả Xá-lợi-phất
làm "Tướng Quân Chánh Pháp", Tôn giả Mục Kiền Liên làm
vị "Ðệ tử thứ hai" của Thế Tôn (hai Tôn giả này tu
sau một ngàn đệ tử khác và tuổi đời nhỏ hơn nhiều
vị khác) và Tôn giả Upàli (người thợ hớt tóc) chủ trì
về Luật, cũng nói lên một ý nghĩa khích lệ nào đó
nữa, ngoài thực chất giá trị của các Tôn giả này. Ðây
là niềm tin và sự khích lệ mà Thế Tôn dành cho Tăng chúng
rằng: Giác ngộ không hẳn liên hệ đến thời gian tu hành,
tuổi đời hay giai cấp xã hội. Ai cũng có thể đắc Tuệ
giác tối thượng, tùy theo nỗ lực tu tập của mình.
Trường hợp Thế Tôn
độ Tôn giả Nan-đà (Nanda) là một trường hợp điển hình
khác nói lên tác dụng tâm lý khích lệ của Thế Tôn.
Tôn giả Nan-đà vốn mê
nhan sắc của người vợ mới cưới (chưa hợp cẩn) nên không
tu hành được. Thế Tôn phương tiện vận dụng thần thông
đưa Nan-đà xuống hỏa ngục. Tại đó quỷ ngục chỉ Nan-đà
thấy chảo dầu sôi và bảo rằng: "Chảo dầu này đang
chờ Tôn giả Nan-đà, người đang lười biếng tu tập". Ðoạn,
Thế Tôn đưa Nan-đà lên viếng "Tam thập tam thiên". Tại
đây, các Tiên nữ diễm lệ hứa chờ Tôn giả Nan-đà cùng
chung sống, nếu Tôn giả siêng năng tu hành. Trở về trái
đất Tôn giả Nan-đà không còn nhớ vợ nữa, chỉ nghĩ đến
các tiên nữ và nỗ lực tu tập, sau đó, đắc luôn Thánh
quả.
Tùy theo tâm lý mà
Thế Tôn đã khích lệ, Trưởng lão Tăng Kệ ghi một trường
hợp nổi bật màu sắc khích lệ khác, trường hợp bà mẹ
của Tôn giả Xá-lợi-phất.
Sinh thời, khi Tôn giả
đã là trưởng tử của Như Lai, bà vẫn thường rầy la Tôn
giả là dại, bỏ giàu sang mà đi xin ăn vất vả. Dù biết
mẹ theo ngoại đạo, thờ Phạm thiên nhưng Tôn giả không
độ được mẹ bằng thân giáo và khẩu giáo, và không tìm
thấy có phương cách nào hơn là chịu đựng sự la rầy
của mẹ, mỗi lúc Tôn giả gặp bà. Cho đến ngày sắp
nhập Niết Bàn, Tôn giả trở về nhà thăm mẹ và thị
hiện đi chảy. Các vua Trời Dục giới lần lượt đến xin
làm thị giả hầu Tôn giả trong giờ phút cuối cùng. Cả
đến vua Trời Phạm Thiên cũng đến xin hầu hạ, Tôn giả
từ chối tất cả. Sau khi các vua Trời ra đi, bà mẹ mới
hỏi Tôn giả về các vua Trời ấy. Tôn giả nói: "Ông vua
Trời đến sau cùng là vua Trời Phạm Thiên, vị mà mẹ tôn
thờ". Bà mẹ mừng rỡ trong kinh ngạc, nhận ra rằng con mình
chắc được đạo lớn. Lòng bà chi xiết hân hoan... Biết là
thời điểm độ mẹ đã đến, Tôn giả thu nhiếp thân tâm
thanh tịnh và nói Pháp cho mẹ nghe. Bà liền đắc ngay quả
Tu-đà-hoàn, nhờ được phần khích lệ trước đó, Tôn
giả liền nhập Niết Bàn ngay tại chỗ ấy.
Trong điều kiện tâm lý
hân hoan, hỷ, lạc, giáo lý giải thoát rất dễ được người
nghe thể nhập.
Do vậy, các kinh Bắc
tạng, theo truyền thống ấy thường hết sức ca ngợi, tán
thán, khích lệ người thọ trì, đọc tụng, biên chép và
giải nói kinh điển. Ðây là hình thức xây dựng tự tín
cho hành giả trong bước đầu vào giải thoát.
Kinh Kim Cương và Kinh
Pháp Hoa có thể điển hình cho tinh thần khích lệ tự tín
ấy. Một Kinh Kim Cương ngắn mà có đến mười bốn lần
Thế Tôn tán thán công đức của người thọ trì, đọc
tụng, giải nói...
Qua lãnh vực giáo dục
ở học đường, tự tín là một đức tánh mà giáo dục có
trách nhiệm xây dựng cho con người. Bởi thiếu tự tín thì
sẽ thiếu tự chủ, sinh ỷ lại, không vận dụng hiệu
quả khả năng của tự thân để giải quyết và xây dựng
cá nhân.
Thiếu tự tín thì tâm
lý giáo dục không thể vận dụng các kỹ thuật giáo dục
để giúp cho tuổi trẻ giải quyết các vấn đề của họ,
và cũng không vận dụng được khả năng sáng tạo. Khi mà
các vấn đề tâm lý của cá nhân tuổi trẻ không được
giải quyết hữu hiệu, thì việc dạy và học cũng không
mất nhiều hiệu quả.
Ði vào vấn đề quốc
gia xã hội, một dân tộc hùng cường không thể là kết
quả xây dựng của những thế hệ trẻ thiếu tự tín và
nhiều sầu muộn.
Chỉ nhìn đơn giản như
thế, ta cũng nhận ra được tính cách quan trọng của tinh
thần giáo dục khích lệ và tự tín. Các tinh thần đó đã
được Thế Tôn giáo dục các hàng đệ tử của Ngài cách
đây hai mươi lăm thế kỷ.
Tinh Thần Ðộc Lập,
Trừ Nô Lệ
Phật giáo dạy con người
đi vào giải thoát, có nghĩa là đi ra khỏi mọi trói buộc,
mọi ách nô lệ. Nô lệ lớn nhất của hiện tượng giới
là nô lệ chính dục vọng cuả mình. Gốc của dục vọng
chính là vô minh. Ðó là con đường Bát chánh dẫn đến vô
tham, vô sân, vô si, thoát ly khỏi mọi khổ ách. Thực hiện
con đường này là thực hiện từng bước tự tri, tự
chủ, hay làm chủ. Một nền giáo dục như thế hẳn sẽ đào
tạo nên những mẫu người làm chủ; sống lợi ích cho
bản thân và xã hội, vì hạnh phúc của cá nhân và xã
hội, đập vỡ mọi ách trói buộc bên trong và bên ngoài.
Giáo dục tinh thần độc
lập, tự chủ cho tuổi trẻ là một mục tiêu xã hội mà
học đường cần thực hiện nghiêm túc. Tinh thần giáo
dục đó của Phật giáo, do đó, phù hợp với các nền giáo
dục và văn hóa của các quốc gia.
Khai triển tinh thần giáo
dục vô tham, vô sân si, và vô si rộng thêm nữa, chúng ta
lại bắt gặp một tinh thần tích cực khác của Phật giáo
đóng góp ý nghĩa vào công cuộc xây dựng xã hội tốt đẹp.
Tiếp thu tinh thần vô
tham, thì tuổi trẻ sẽ tự mình dập dắt hiện tượng tham
nhũng của xã hội, hay ít nhất không tạo điều kiện
thuận lợi cho tham nhũng phát sinh. Nhân danh đời sống tâm
linh, tham nhũng dễ bị loại trừ hơn là những nhân danh giáo
dục khác.
Vô sân thì sẽ dập
tắt được một số hiện tượng nổi loạn, tranh chấp, gây
lộn trong xã hội.
Vô si sẽ giúp mở
rộng đường vào trí tuệ và sáng tạo những nhân tố
của văn hoa tốt, và của văn minh nhân loại.
Thật là đáng tiếc
nếu một đường hướng giáo dục cuả Phật giáo tốt đẹp
và tích cực như thế không được vận dụng hữu hiệu vào
học đường mới hiện nay.
Trên đây không phải
chỉ là một số tinh thần giáo dục Phật giáo được rút
tỉa một cách rời rạc, mà là nằm trong một cái nhìn
nhất quán, có tính toàn diện và toàn vẹn.
Giáo Dục Con Người Toàn
Diện
Một nền giáo dục
chỉ dạy những kiến thức chuyên môn để một chiều đáp
ứng các mục tiêu xã hội thì không phải là giáo dục toàn
diện.
Một nền giáo dục
chỉ cung cấp kiến thức, rèn luyện sức khoẻ và một số
vấn đề luân lý, đạo đức, đầy ước lệ cũng không
phải là toàn diện.
Một nền giáo dục
trao truyền kiến thức, thể dục, đức dục, mỹ dục, sinh
lý và lao động cũng chưa nói lên được ý nghĩa toàn
diện. Vấn đề đường hướng giáo dục này trở nên toàn
diện hay không là do đó có cái nhìn nhất quán và toàn
diện về con người hay không.
Ðặt vấn đề như
thế là đặt vấn đề về mẫu người giáo dục. Con người
là gì cần được xác định trước khi quyết định nội
dung phải dạy con người những gì và dạy như thế nào.
Các đường hướng giáo
dục tiên tiến vẫn thường bất ổn trong việc xây dựng
mẫu người này.
Phật giáo đặc biệt
nổi bật ở trí tuệ, nhìn thấy con người và sự vật như
thật, nên hy vọng sẽ đề bạt được một mẫu người
khả dĩ lý tưởng.
Thế giới này do Duyên
sinh. Con người cũng do Duyên sinh. Thế giới và con người có
cùng chung tánh Duyên sinh ấy nên cùng có mặt trong một tương
quan bất nhị. Cá nhân, gia đình và xã hội đều ở trong
sự tương quan bất nhị đó.
Thế Tôn định nghĩa cái
gọi là con người chỉ là tập hợp của Năm uẩn (sắc,
thọ, tưởng, hành và thức). Năm uẩn ấy cũng chính là
thế giới, theo lời dạy của Thế Tôn (Tương Ưng Bộ Kinh
IV, phẩm Migajàla và nhiều Kinh khác). Giáo dục con người là
giáo dục toàn diện Năm uẩn ấy.
Về sắc uẩn, chỉ rõ
về con người và thế giới vật lý, sự sinh thành, tồn
tại và hoại diệt của nó. Tương tự đối với bốn uẩn
còn lại. Năm uẩn ấy trống không, không có tự ngã, chúng
là hiện hữu của tương duyên nên vô thường và khổ đau.
Tuy nhiên, theo trí tuệ Phật giáo, Năm uẩn không phải là
gốc khổ đau. Trọng điểm của giáo dục là chỉ rõ lòng
tham ái, chấp thủ, là gốc của khổ đau mà không phải là
thế giới vật lý thường xuyên trôi chảy, và đồng thời
chỉ rõ gốc của an lạc, hạnh phúc thực sự là trí tuệ
hay trí tuệ giải thoát. Từ đây, nhà giáo dục Phật giáo
cần xác định một số nội dung của giáo dục: Trí
tuệ (wisdom) chứ không phải là kiến thức (knowledge).
Kiến thức chỉ là sản phẩm của tư duy ngã tính, một
phần tố của con người, mà không phải là con người toàn
diện. Nó không nói lên thực tại vô ngã và hạnh phúc chân
thật vô ngã. Chỉ có khi trí tuệ (chánh kiến và chánh tư
duy) có mặt thì con người toàn diện mới có mặt. Giáo
dục toàn diện là giáo dục vừa cung cấp kiến thức vừa
tạo điều kiện cho trí tuệ ấy sinh khởi.
Tiêu
chuẩn giá trị là hạnh phúc chứ không phải là luân lý.
Nếu chúng ta không
thể phủ nhận mục tiêu của cuộc sống là hạnh phúc, thì
tiêu chuẩn giá trị của cuộc sống phải là hạnh phúc,
chứ không phải là các nguyên tắc đạo đức hay kỷ luật
đầy ước lệ của học đường cũ. Trong học đường
mới, con người toàn diện chỉ chấp nhận và giữ lại
những điểm đạo lý, kỷ luật nào phù hợp với hướng
đi về hạnh phúc ấy.
Ví dụ nói dối là
xấu, theo nguyên tắc luân lý. Nhưng nói dối để cứu khổ
thì khác. Học đường trong trường hợp này, phải chọn
lựa lợi ích và hạnh phúc của xứ sở và con người hơn
là nói thật gây tai hại.
Vấn đề
giáo dục mỹ thuật, tình cảm và sinh lý.
Các môn học về
nhạc, họa, mỹ thuật v.v... tình cảm và sinh lý cần được
đưa vào học đường để dạy cho học sinh theo từng lứa
tuổi thích hợp. Các môn ấy phải được đánh giá cần
thiết như là các môn khoa học xã hội khác.
Một hệ thống giáo
dục mà không nhận ra tầm quan trọng của giáo dục thẩm
mỹ, tình cảm và sinh lý thì còn lệch lạc, không toàn
diện. Vấn đề chủ yếu của giáo dục là giúp tuổi trẻ
biết nhìn và biết sống như thế nào để đem lại hạnh
phúc cho mình và cho xã hội.
Vấn đề
con người với văn hóa truyền thống.
Văn hóa, truyền thống
là sản phẩm của con người. Vì vậy, cần đặt con người
và hạnh phúc của con người trước văn hóa và truyền
thống. Ðặt con người sau văn hóa, truyền thống là đặt
cái cày trước con trâu. Thế Tôn đã dạy: "Ðừng để
bị dẫn dắt bởi truyền thống...". Giáo dục mới và toàn
diện chỉ duy trì những truyền thống tốt đẹp, những gì
văn hóa cũ thích hợp với đường hướng giáo dục này. Chính
vai trò của nền giáo dục toàn diện là xây dựng một
nền văn hoa mới toàn diện.
(xem
tiếp đoạn kế)
-oOo-
Bài trước
|
Mục lục |
Ðoạn
kế
--- o0o ---
Trình bày : Nhị
Tường
Chân thành cảm ơn Đạo hữu Bình Anson đã gởi tặng
phiên bản điện tử tập sách này
( Trang nhà Quảng Đức, 01/2002)
--- o0o ---
| Thư
Mục Tác Giả |
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục